Jump to content

Advertisements




Truyện ngắn huyền bí - hiendde


1072 replies to this topic

#826 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/12/2013 - 09:01

HALLOWEEN, NHỚ MIẾU BA CÔ

Mỗi lần đến lễ Halloween, tôi tạm gọi là lễ cô hồn, làm nhớ những năm mới qua Mỹ, còn nhỏ, năm nào mấy chị em cũng trùm tấm vải trắng khoét hai lỗ để thấy đường, hóa trang làm ma làm quỷ đi từng nhà xin kẹo. Thời đó xin kẹo được nhiều lắm, ăn cả tháng vẫn còn. Ăn kẹo nhiều quá cả tuần sau bị nhức răng khóc đã đời!

Người Mỹ họ cũng tin có linh hồn, có ma có quỷ. Chạy dọc đường lộ trong thành phố thỉnh thoảng tôi thấy người ta để vài bó hoa, bong bóng và đèn cầy, loại đèn cầy để trong bình, một bình có thể cháy suốt ba ngày. Đó là những nơi đã có người chết vì tai nạn giao thông hay vì nguyên nhân nào khác khiến họ bị chết bất đắc kỳ tử. Họ không lập miếu thờ những người chết oan, chết ngoài đường ngoài sá như bên mình mà đặt hoa và đốt đèn cầy, nếu là trẻ con chết thì có thêm vài món đồ chơi. Họ tưởng niệm người quá cố như thế vài ngày hay tuần lễ thì thấy dẹp đi.

Nhắc tới miếu thờ, tôi nhớ miếu ba cô ở Cam Ranh và một đêm mùa hè 1973.

Thời ở quê nhà, có lẽ còn nhỏ nên ít có dịp đi chơi xa. Xa đây đối với tôi có nghĩa là ra khỏi Sài Gòn, đi đâu cũng được. Mỗi lần nghe mấy đứa bạn hàng xóm kể chuyện đi về quê ra ruộng rau muống câu cá rô, thấy mà ham. Có đứa còn kể được theo mấy ông anh họ đặt trúm bắt lươn, chỉ mường tượng thôi đã thấy ghê, nhưng khi nhớ tới món lươn xào xả ớt ăn với cơm trắng mà Má tôi thường nấu trong mấy ngày mưa, thèm chảy nước miếng. Có đứa bạn lên Đà Lạt nghỉ mát đem về cho vài trái dâu và vài hạt lựu ăn cho biết mùi, mừng quá, ước gì mình được đi.

Năm đó, chồng chị Ba được bổ nhiệm ra tận Cam Ranh làm việc, nên chị và hai tí con theo anh ra ngoài đó. Lúc đầu chỉ ở gần chợ Đá Bạc ngoài Ba Ngòi, sau vài tháng được cấp nhà trong khu quân sự. Là con bầy, có lẽ sống chung với mấy đứa em đã quen, nên chị cứ dụ khị đám nhỏ chuyển trường ra Cam Ranh học, nhưng không đứa nào chịu đi. Đối với tôi, miền Trung xa vời, cứ xoáy sâu trong đầu với câu … “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn … ”. Mỗi năm trong trường tổ chức gây quỹ cứu giúp đồng bào bị lũ lụt, hình ảnh nhà cửa bị lũ cuốn trôi, tiếng than, tiếng khóc, những cảnh tang thương cứ ám ảnh tâm trí tôi, nên nghe nói lên miền Trung sợ lắm. Ở luôn thì không nhưng đi chơi thì được.

Chị Ba canh đám tụi tôi vừa nghỉ hè là chị về nhà thỉnh liền đám em năm đứa ra Cam Ranh chơi, ngoại trừ chị Tư lúc đó đang học thi tú tài đôi không được theo. Đó là mùa hè tôi không bao giờ quên, bởi vì năm đó tôi vừa thi xong tiểu học, lớp Nhứt, để lên Trung học, được mặc áo dài, tôi nhớ bài thi rất khó. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được đi nghĩ hè, ra tận miền Trung!

Nếu tôi nhớ không lầm thì trong căn cứ Hải quân này có ba chỗ, tại trung tâm gọi là Market Time, rồi Đài thu và Đài phát. Trong khu Đài thu có một trại lính. Từ cổng chánh đi vào trại, ngoài khu cho lính độc thân ở tập thể, rải rác có những căn nhà dành cho vợ chồng lính ở tuốt phía trong.

Nhà chị ba tôi sơn màu trắng, nằm bên phải. Cổng tường sân trước cao khỏi đầu, cổng lại không có cửa. Chung quanh trại không có đến một cái cây, chỗ nào không tráng xi-măng thì chỉ thấy toàn là cát trắng. Bãi cát trắng tương phản trời xanh, rất đẹp. Trại ở sát biển, bên kia đường, nên nhìn biển xanh, cũng làm dịu cơn nắng nóng gay gắt.

Thời khoá biểu của mấy chị em tôi hôm nào cũng y chang, là thức thiệt sớm, ăn sáng xong, chạy ra biển để coi mấy anh lính quăng lưới bắt cá, đợi lúc nước rút, đi bộ ra ngoài đảo cạy hàu về để tối chị Ba nấu cháo đêm cho ăn. Hằng hà sa số con hàu bám bên vách cái đảo san hô nên cạy rất dễ. Cháo hàu ngon hết biết. Dưới đôi mắt con nít của tôi thì thấy đảo san hô lớn lắm chứ thật ra chị Ba nói đây chỉ là một gộp đá có san hô bám mà thôi. Đảo nằm khơi khơi ngoài biển xa bãi cát, khi thủy triều lên thì lấp cái đảo mất tiêu nên chúng tôi chỉ ra đảo khi nước xuống.

Tụi tôi phải canh chừng để chạy trở vô bờ trước khi thủy triều dâng. Cả đám không biết bơi, ngoại trừ anh tôi và anh Thành bạn anh tôi, cũng đi theo dịp này, nhớ lại không đứa nào bị chết đuối cũng may. Tối đến, mấy chị em dạo biển, coi con vích bò lên bãi cát đẻ trứng hay là đi theo mấy anh lính bắt còng. Lần đầu tiên tôi biết con còng. Con còng giống như cua con, màu hơi trắng, con lớn có vân tím, bắt cả thùng để rang muối, ăn hàng đêm.

Đêm đó, cũng như mọi đêm, cả đám dạo biển bắt còng, trong nhóm có anh Đảo, hình như anh làm bên khu vực Đầu Cáp Ngầm cách đó một khoảng xa, một người lính mà tụi tôi gọi là đầu đàn vì anh vui tánh và hát rất hay. Nghe anh kể hồi nhỏ anh đi hướng đạo nên anh biết và bày đủ trò chơi cho tụi tôi vui lắm. Có lần anh rủ cả đám lên miếu Ba Cô coi có chuối mang về ăn. Nghe nói đến miếu, tôi và chị Bảy sợ quá nói không dám đi. Chị Năm lúc đó ở tuổi bẻ gãy sừng trâu nên chị tỉnh bơ đòi đi coi, chị nói:

- Hai đứa không đi thì ngồi đây đợi!

Chị Bảy và tôi phải rúc rích chạy theo chớ hổng lẽ ngồi đó đợi còn ghê hơn! Hai đứa run quá nắm tay nhau dành đi giữa chị Năm và anh Đảo. Vừa đi anh vừa kể cho tụi tôi nghe về miếu này. Dân ở đó kể là mấy năm trước, người ta phát giác ra xác ba cô gái chôn dưới bãi cát, kế bên đường. Đây là con đường chánh chạy vòng sát biển, là khu quân sự nên ít xe qua lại. Sau đó nhiều người chạy ngang khoảng đường này hay thấy dáng ba cô gái đứng đón xe vào giữa đêm nên họ xây miếu thờ, thỉnh thoảng dân trong trại đem chuối lên miếu cúng.

Từ đằng xa, vừa qua khỏi khúc đường cua về hướng trái, thấy cái miếu chơ vơ trên bãi cát, cách vệ đường khoảng vài mét, phía tay phải. Miếu rất đơn sơ, được dựng lên bằng mấy khúc gổ đã mục nát. Hôm đó miếu không nhang đèn, lạnh tanh. Anh Đảo châm lửa đốt ba cây nhang vái ba cô cho tụi em lấy nãi chuối về ăn. Tụi tôi cũng bắt chước xá ba cái rồi nắm tay nhau đứng xa xa. Lúc vòng trở về, trời đã tối mịt. Ăn xong nãi chuối, vô nhà cả bọn bị chị Ba la cho một trận, còn bị phạt cấm cung, không cho ra khỏi trại và đi xuống biển ban đêm.

Mấy anh lính cũng bị phạt vì bỏ căn cứ dắt đám nhóc tụi tôi đi chơi. Mấy anh bị hít đất, sơn cột điện. Bị cấm không cho ra khỏi trại, nên tụi tôi ra phụ sơn, làm mấy anh bị phạt thêm tội gì đó không biết. Chị Năm nói sao mấy anh bị phạt mà ai cũng cười tươi ra vẻ khoái chí. Còn Chị Ba lúc đó chắc nhức đầu vì cứ phải nghe chú Trung úy trưởng đài phàn nàn đám lính trốn việc để dắt đám em chị đi chơi. Tôi nghĩ chắc tại ở đó buồn quá, mấy anh nhớ gia đình, thấy lũ con nít tụi tôi thì mừng.



Thanked by 1 Member:

#827 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/12/2013 - 09:04

Vài ngày sau đó còi hú báo động liên miên. Đó là vào thời điểm gây cấn ở những vùng lân cận. Dĩ nhiên là không ai được ra ngoài, ban đêm còn phải tắt hết đèn.

Trở lại chuyện tối hôm đi thăm miếu ba cô, chị Ba và hai tí con thường đi ngủ sớm. Nếu không giới nghiêm thì giờ đó tụi tôi đang gậm còng rang muối và ăn cháo hàu.

Tối đó, khuya lắm rồi mà cả đám còn thức, đốt đèn dầu leo lét tụm trong bếp nói dóc, thì nghe có tiếng cửa ngoài phòng khách loay hoay như có ai muốn mở. Anh Sáu lại gần thì cánh cửa hết động đậy. Anh vén hé màn nhìn ra ngoài, nhún vai ra dấu không có ai, anh trở vô bếp thì cái tay nắm khóa cửa lại xoay qua xoay lại, có ai đang cố gắng mở. Anh vén màn lần nữa, lại không có ai bên ngoài.

Anh nói:

- Chắc bên ngoài có bảo hay gió mạnh thôi.

Thấy tụi tôi bắt đầu sợ, anh nói thêm:

- Hay là mấy anh lính ghẹo mình thôi, không sao đâu, đừng làm ồn, một hồi mà mình không ra thì họ sẽ đi thôi.

Nhưng cái tay nắm cửa lại xoay nữa, lần này mạnh hơn và cả cánh cửa cũng lắc rung theo, như ai đó muốn vô nhà trong vẻ giận dữ. Anh Thành cầm cây chổi bước theo sau anh Sáu, đứng bên kia cửa, anh cũng hé màn nhìn ra ngoài, nhìn anh tôi rồi lắc đầu. Tôi thấy anh Sáu gan dạ nắm ngay cái nắm cửa trong lúc nó vẫn còn xoay mạnh. Anh bật cửa mở thật nhanh… anh chạy ra khỏi sân, chị Năm la:

- Thành ơi, em chạy theo kêu nó vô, nguy hiểm quá!

Đám tôi thì đứng tụm ngay cửa không dám bước ra ngoài. Lúc đó sợ hết chỗ nói!

Anh Sáu quay trở lại, chỉ nói:

- Vô nhà khoá cửa lại!

Chị Năm hỏi:

- Có thấy ai hông? Chắc anh Đảo nhát mình thôi.

Anh Thành run lập cập trả lời:

- Không thấy ai hết! Có ai cũng không cách nào chạy kịp!

Trời đêm đó tối đen, vẫn còn giới nghiêm, không một bóng người, cũng không có gió, thật yên tịnh. Tôi thấy nét mặt anh Sáu bắt đầu hơi sợ. Vô nhà ngồi đợi, cả đám yên lặng, dồn hết mắt vô cánh cửa, chừng vài phút, cái nắm cửa lại xoay nữa, vẻ giận dữ hơn lúc nãy. Anh Sáu lúc đó đứng ngay cửa. Thấy cả đám sợ quá, chị Bảy đã chảy nước mắt khóc, cặp giò như cây sậy của anh Thành run lập cập. Tôi ôm lấy chị Năm, sợ điếng hồn.

Anh Sáu bật mở cửa thật nhanh, rồi la lên:

- Ai đó? Đi chỗ khác chơi! Không có phá nữa!

Rồi anh đóng cửa lại, nói với cả nhà:

- Đừng để ý nữa, không có ai đâu!

Cha mẹ ơi! Không có ai hết sao!

Cái nắm cửa vẫn giật mạnh và xoay thêm vài lần nữa, rồi từ từ độ mạnh nhẹ dần và tất cả trở về yên tịnh. Tiếng còi hú hết giờ giới nghiêm. Mặt trời đã bắt đầu lên và không ngờ ánh sáng truyền ngay sức mạnh cho chúng tôi.

Lần đó mới nhận ra anh bạn của anh tôi là người sợ ma nhất trên thế giới mà tôi biết. Anh vẫn lập cập nói run run:

- Là ba cô đó. Tại tụi bây ăn cắp chuối của ba cô.

Lo la tụi tôi mà hình như ảnh quên ảnh cũng có xơi hai trái.

Từ đêm đó cả đám không bao giờ dám đi ngang miếu ba cô, ngay cả ban ngày cũng quẹo qua ngả khác mà đi.



Hết hè tụi tôi trở về nhà, sửa soạn cho niên khóa mới. Chị Ba còn ở ngôi nhà trắng thêm vài tháng thì anh rể được lịnh rút về Sài Gòn.

Hè năm ấy tôi có chuyện để kể cho mấy đứa bạn nghe. Dĩ nhiên chuyện của tôi hay hơn chuyện nghỉ hè của tụi nó nhiều lắm vì tụi nó sợ ma!

Cát trắng và biển xanh, Cam Ranh và tôi năm mới lên chín, vui vẻ với anh chị em và mấy anh lính rất dễ thương. Chị H. vợ mới cưới của chú Trung Úy B. trưởng Đài thu, anh Báu, anh Hiệp, anh Đảo, anh Tâm, anh Hòa, anh Sỹ và còn nhiều anh nữa nhưng tôi quên tên rồi, chị và mấy anh còn nhớ tụi em hông?

Cam Ranh vẫn là một nơi tôi ước muốn sẽ trở về. Và tôi cũng muốn biết sau bao nhiêu năm dài, miếu ba cô có còn đó không?

Đêm nay là Halloween, các con đường sẽ lẫn lộn những oan hồn thật hay giả đi khắp phố để xin kẹo.

“TRICK or TREAT”

Trương Kim Hoàng Thư

Thanked by 1 Member:

#828 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 03/12/2013 - 01:10

VUA BUÀ VỚI BÍ KÍP HUYỀN THUẬT KHIẾN VẬT RƠI TÌM VỀ CHỦ CŨ

Nói tới Già làng Ya Bá, 71 tuổi, thôn MaKin, xã Đauyn, H. Đức Trọng, Lâm Đồng, dường như không ai không biết, dù cho nơi ông ở nằm lọt thỏm trong vùng rừng núi hoang vu của xứ cao nguyên này. Với người Chu Ru bản địa, ông có vị trí tinh thần cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, điều làm dân làng ngưỡng mộ và tôn sùng là ông luyện được bí kíp huyền thuật mà dân gian gọi là bùa.

Chiều chạng vạng, mặt trời lùi dần về đằng Tây chúng tôi vào bản Ma Boo để gặp già làng Ya Bá, một trong những thầy bùa hiếm hoi còn sót lại của đồng bào Chu Ru.

- Tìm thầy Ya Bá phải không? Lại mất đồ chứ gì? Cứ gặp thầy là tìm được ngay. Hôm nay nhiều khách tìm tới lắm.

Người bán nước đầu thôn chỉ đường cho chúng tôi. Người này cũng không dấu được niềm tự hào cho biết, Ya Bá không chỉ nổi tiếng về huyền thuật kỳ lạ mà còn được dân bản trân trọng vì đức độ hơn người. Ông suốt đời làm việc thiện, vận dụng sự kỳ diệu của bùa để giúp đỡ mọi người.

Khi chúng tôi tới nhà Ya Bá thì rất đông người đã tập trung ngồi ở chiếc lán tranh dựng tạm chờ đến phiên. Có những người ở huyện lân cận, nhưng phần lớn đến từ các tỉnh khác, song có một điểm là tất cả đều bị mất của, muốn nhờ thầy Ya Bá giúp tìm lại tài sản.

Kiên nhẫn chờ đến hai giờ đồng hồ, khi khách đã vãn, chúng tôi mới được diện kiến vị thầy bùa được người dân tôn sùng này. Biết chúng tôi là phóng viên, già làng Ya Bá vui mừng đón tiếp, rồi tiện thể quảng bá tất cả những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình bằng niềm tự hào. Thế nhưng, khi người viết đề cập đến chuyện bùa chú thì ông hơi khiêm tốn, bởi nguyên tắc của người làm bùa theo phong tục dân tộc mình là không chia sẻ về mặt chuyên môn. Ya Bá chỉ đồng ý tiết lộ câu chuyện bản thân đến với bùa và cách thức tìm vật mà hàng chục năm qua ông đã làm.

Thanked by 1 Member:

#829 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 03/12/2013 - 01:14

Theo như vị già làng kể, ông là người Chu Ru bản địa, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tuổi thơ nghèo khổ, phải lặn lội chốn rừng thiêng nước độc để mưu sinh. Ya Bá kể, lúc mới 13 tuổi thì bị một trận ốm tưởng không thể qua khỏi. Sau cơn thập tử nhất sinh ấy, ông thấy bản thân có những biến đổi rõ rệt, lúc nào đầu óc cũng u, mê như như người không hồn.

Một ngày nọ, ông bỏ nhà đi lang thang trong rừng sâu, hành trình ấy kéo dài suốt ba năm liền. Điều vô cùng lạ là trong suốt thời gian này Ya Bá không hề ăn cơm mà chỉ uống nước và ăn trái rừng để sống. Cuộc sống hoang dã cứ trôi đi, cho đến năm thứ tư, thì ông lạc vào một khu rừng có tên là Lạc Lai và đó cũng là cơ duyên đưa ông đến với bùa.

- Tôi đến một vùng rừng sâu hoang vu thì gặp được một người lạ, ông ấy có những pháp thuật kỳ diệu gọi là bùa, còn biết chữa bệnh nữa. Tôi được nhận làm đệ tử, khi ông ấy chết thì đã truyền lại tất cả cho tôi. Ya Bá nhớ lại.

Năm 1960, Ya Bá tìm đường trở về bản làng trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người. Cũng từ đó ông bắt đầu cuộc đời bí ẩn của mình với một vai trò khác là thầy bùa. Ông tìm vật rơi giúp mọi người, được dân làng biết ơn mến mộ.

- Nếu nói thì có thể ví theo lối hiện đại là giống như khả năng ngoại cảm. Nhưng tôi khẳng định đó không phải là chuyện ma quỷ, hay mê tín dị đoan gì. Mọi việc làm của tôi đều tuân theo nguyên tắc làm bùa từ tổ tiên, xuất phát từ cái tâm, nếu làm sai thì có Yàng phạt. Ya Bá bày tỏ.

Lý giải về việc tại sao ông lại có thể tìm lại được những vật, người bị thất lạc mà chưa từng hay biết gì về nó. Vị thầy bùa lý giải:

- Tôi cho rằng đồ vật hay con người gì cũng có linh hồn. Vật sau thời gian được sở hữu thì nó có mối liên hệ vô hình với chủ. Nếu đồ vật bị mất trộm hay thất lạc, tôi chỉ cần biết thông tin về nó rồi nhập vào đồ vật làm nóng nó lên, vật ấy tự thấy nhớ nhà, nhớ chủ thì sẽ tìm cách trở về.



Thanked by 1 Member:

#830 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 05/12/2013 - 02:03

Già làng Ya Bá cho chúng tôi xem bộ đồ lễ mà hàng chục năm qua ông gìn giữ để hành nghề. Đó là hai quả trứng, một chén gạo, ba cây nhang. Theo Ya Bá thì đó là đồ lễ cố định buộc phải có, ngoài ra tùy vào thân chủ bị mất cắp mà ông xếp thêm lễ cho phù hợp. Ông nói:

- Lễ vật là do tôi đề ra nhưng tất cả đều rất đơn giản, đó chỉ là chai rượu, ít trái cây, cùng lắm chỉ là con gà. Đó là vật dẫn để đồ thất lạc nhập vào gia đạo tìm đường trở về nhà.

Chuyện thầy Ya Bá hành đạo giúp đời không cầu tiền bạc lan rộng khắp các bản làng Chu Ru, vượt khỏi những dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đức Trọng. Trong các câu chuyện người ta đồn thổi về Ya Bá nổi bật hơn cả vẫn là việc ông từng làm bùa giúp công an triệt phá vụ án giết người cướp của gây rúng động địa phương này mấy năm trước. Câu chuyện đã qua gần ba năm, nhưng những chi tiết vụ việc, quá trình phá án vị già làng vẫn còn nhớ như in. Ya Bá kể, đó là vào năm 2009, tại xã Tà Năng, Đức Trọng, xẩy ra vụ án mạng kinh hoàng. Bà Năng là một người giàu có tại xã bị kẻ thủ ác giết hại, sau đó dùng xăng thiêu rụi cả căn nhà lẫn xác để phi tang, không để lại bất cứ manh mối gì.

Nhận được tin, cơ quan Công an huyện Đức Trọng, Công an tỉnh Lâm Đồng tức tốc vào cuộc tìm kiếm manh mối về hung thủ nhưng nhiều ngày vẫn bặt vô âm tín. Vì quá sốt ruột, ông Hương chồng bà Năng đã tìm đến nhờ thầy già Ya Bá đề nghị giúp đỡ và được ông nhận lời ngay. Ya Bá yêu cầu ông Hương lấy một nắm đất nơi sàn nhà bị cháy đến, vận dụng nghi thức tìm vật để áp dụng. Sau hơn một ngày thì vị thầy bùa đưa ra những đoán định, miêu tả đặc điểm nhận dạng cơ bản, chỉ hướng đối tượng lẫn trốn. Những thông tin này nhanh chóng được ông Hương cung cấp cho cơ quan công an huyện Đức Trọng.

Trên cơ sở đó, các điều tra viên đã đi vào xác minh, thì quả thật tìm đúng hung thủ. Theo đó, tên này chính là người giúp việc cho bà Năng, vì thiếu tiền nên hắn giết nạn nhân, sau đó lấy ba triệu đồng để đi mua điện thoại. Sau khi có đầy đủ bằng chứng phạm tội, đối tượng nhanh chóng bị công an bắt để phục vụ công tác điều tra. Sau vụ hỗ trợ phá án kỳ diệu ấy tên tuổi của vị thầy bùa ngày càng uy tín hơn.

- Nhiều người bảo đó là mê tín, nhưng tôi luôn theo nguyên tắc tìm vật mà dân tộc Chu Ru truyền lại, cùng khả năng giác quan của tôi, điều này cơ quan công an đều ghi nhận. Ya Bá tâm sự.

Ya Bá cho biết, để có được huyền thuật như ngày hôm nay ông phải trải qua quá trình luyện rất khổ hạnh. Ông cho biết không ăn thịt khỉ, cua, ốc… không được đến nhà mồ. Ya Bá không giải thích rõ, nhưng ông khẳng định nếu vi phạm sẽ mất công năng làm bùa, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Điều mà vị thầy bùa trăn trở nhất là đến nay vẫn chưa tìm ra được người kế truyền.

Ông bảo, trong giới làm bùa, không phải ai muốn học cũng được mà phải có duyên. Theo sự giải thích của Ya Bá, duyên ở đây ngoài đạo đức, tâm tánh, kiên nhẫn rèn luyện và quan trọng phải có một khả năng đặc biệt nữa, có như vậy mới trở thành thầy bùa. Nhưng không vì chưa có đệ tử mà mà vị thầy bùa buồn lòng, ông cho biết ngày ngày vẫn dùng khả năng của mình giúp đỡ mọi người. Với ông đó là sứ mệnh mà Yàng đã tin cẩn giao phó.

Công Thông

Thanked by 1 Member:

#831 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 12/12/2013 - 11:37

MỐI LƯƠNG DUYÊN ĐỊNH MỆNH CUẢ RUÀ VÀ HẠC GIỮA AO SEN

Xung quanh câu chuyện về loài sen khổng lồ, người dân nơi đây vẫn kể cho nhau về tình bạn giữa Rùa và Hạc trong Phước Kiển Tự. Đây không phải câu chuyện cổ tích, mà đây là câu chuyện có thật mới xảy ra trong chùa, giữa ao sen.

Hạc và Rùa là hai con vật được thầy Thích Huệ Từ mang về nuôi trong chùa nhiều năm trời. Trong đó, Rùa đến trước và sống lâu năm hơn Hạc. Rùa theo chủ nhân của nó từ thời chiến tranh, một thời gian chạy loạn, thầy Thiện Từ bị thất lạc mất chú rùa. Sau khi trở về, thầy cất công đi tìm nhưng mãi không thấy.

Một hôm, thầy đến nhà người dân có việc, bỗng thầy nghe tiếng dây xích cạ vào nhau loảng xoảng, thầy nhìn xuống thì hóa ra chú Rùa ngày nọ của mình. Người chủ yêu cầu thầy chuộc lại Rùa với giá 1.500 đồng. Thời trước, đó là số tiền không nhỏ. Rùa sống hiền hòa bên ngôi chùa nhỏ cùng người thầy ngày ngày tụng kinh niệm Phật. Người dân gọi Rùa là “ông Quy”.

Năm 1999, khi đang ra chợ, thầy Huệ Từ thấy con Hạc bị người thợ săn trói thắt cổ đem rao bán. Nhìn thương quá, thầy bỏ tiền mua chú Hạc rồi cởi trói và phóng thích Hạc về rừng. Nhưng Hạc không bay, nó lủi thủi theo chân thầy về tận chùa. Vậy là từ đó, thầy Huệ Từ có hai con vật làm bạn là Rùa và Hạc.

Từ ngày có Hạc, Rùa nhanh nhẹn hẳn lên, hễ thầy đi đâu, làm gì đều có hai con vật theo cùng. Hơn ba năm ngày Hạc về chùa, thì nó phạm giới cấm của nhà Phật. Buổi sáng hôm đó, Hạc đứng hít khí trời trên lá sen, bỗng nó thấy con cá liền thò mỏ xuống rỉa và nuốt sống chú cá. Sư thầy trông thấy cảnh Hạc phạm giới, ông lặng lẽ quay vào đọc hết bài kinh. Rồi ông “nói” với Hạc hãy bay đi. Ở đây, không chấp nhận việc làm đó của Hạc. Hạc bay vòng vo mấy lượt quanh chùa, nó đậu trên ngọn cây bồ đề kêu lên thảm thiết một hồi mới cất cánh bay về hướng Nam.

Rùa ngay sau đó không còn hăng hái đi theo sư thầy ra vườn, hay tụng kinh hàng giờ nữa. Nó nằm thu mình trong một góc, không ăn không uống ba ngày thì chết. Sư thầy Thích Huệ Từ cảm thương Rùa và Hạc, lập bàn thờ chúng ngay trong chùa và ngày ngày tụng kinh cho chúng siêu thoát. Xác "ông Quy" được thầy Thích Huệ Từ lưu giữ cẩn thận.

Trên tấm bia khắc tưởng niệm Rùa, Hạc, thầy Huệ Từ khắc “1948 – 29/7/2002”.

Huỳnh Văn Yên

Thanked by 1 Member:

#832 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 14/12/2013 - 06:04

CÂU CHUYỆN VỀ KIẾP LUÂN HỒI CUẢ ĐÔI LỨA YÊU NHAU

“Lộn kiếp” để bám theo tình cũ

Các nhà khoa học vẫn chưa hề có lời giải nào chính xác cho những vụ việc, bỗng dưng có người tới nhà, nhận là người tình kiếp trước.

Vào tháng 9 năm 1978, bà Catherine Wright sống ở Texas, Mỹ, gọi điện đến Đại học Virginia xin gặp giáo sư Ian Stevenson, người đang nổi tiếng vì những cuộc khảo cứu hiện tượng luân hồi đương đại.

Bà muốn ông kiểm tra xem có đúng Michael, con trai bà, chính là anh bạn trai đã chết, đầu thai trở lại như cậu bé nói hay không. Chồng bà thì dứt khoát coi đó là chuyện nhảm nhí, làm sao chấp nhận nổi thằng con vàng ngọc, lại chính là tình địch của mình?

Theo lời kể của bà Catherine Wright, trước khi lấy chồng, bà yêu một chàng trai tên là Walter Miller. Một đêm năm 1967, sau khi đi khiêu vũ về với người bạn, do quá chén, anh đã ngủ gục sau tay lái khiến xe đâm xuống ruộng và chết ở tuổi mười tám. Lúc đó, Catherine và Walter đã có ba năm yêu nhau thắm thiết và đã đính ước với nhau.

Điều này khiến Catherine đau đớn cùng cực, và để quên đi bất hạnh đó, một năm sau, Catherine lấy người bạn là Frederick Wright làm chồng. Michael là con thứ hai của họ.

Cũng vào khoảng một năm sau khi Walter Miller mất, Catherine mơ thấy hồn anh về báo sẽ tái sinh “để tiếp tục vẽ chân dung cho em” (Miller vốn có năng khiếu hội họa). Catherine nghĩ biết đâu điều đó là thật, nhưng chẳng bao giờ nghĩ bạn trai cũ trở lại chính gia đình mình.

Cậu bé Michael bắt đầu nói về tiền kiếp từ năm ba tuổi, kể những chuyện mà một đứa trẻ tuổi đó không thể biết, khiến người mẹ hãi hùng. Một hôm, bà Catherine Wright rụng rời khi nghe con gọi “Carole Miller”, đó là tên thời con gái của chị ruột Walter, người mà Michael đã gặp hai lần, nhưng luôn được giới thiệu theo họ của chồng là Carole Davis.

Vì sợ hãi, bà Catherine Wright không khuyến khích con mình nói chuyện luân hồi, chuyển kiếp, nhưng cậu bé không chịu thôi. Để chứng minh mình chính là Walter, Michael kể với mẹ chi tiết về vụ tai nạn:

- Tôi và bạn cùng đi trên một chiếc xe, xe đâm xuống ruộng, lăn đi lăn lại nhiều vòng, cửa xe bật mở, tôi văng ra ngoài và chết ngay tại chỗ.

Michael nói chính xác tên người bạn, kể rằng hai người đã dừng xe đi tiểu ra sao, cửa kính vỡ như thế nào, xác “của cậu” được chở qua cầu ra sao… Các bài báo và hồ sơ về vụ tai nạn đã cho thấy, những điều Michael nói là chính xác. Và chuyên gia về luân hồi Ian Stevenson, sau khi nghiên cứu cũng tin rằng cậu bé chính là hiện thân của Walter.


Thanked by 1 Member:

#833 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 14/12/2013 - 06:12

Ngậm ngùi gặp lại người chồng kiếp trước

Một ngày năm 1952, khi đi cùng bố qua thị trấn Katni, Ấn Độ, cách nhà mấy chục cây số, cô bé ba tuổi Swarnlata Mishra, bỗng nhiên bảo bác lái xe:

- Rẽ qua nhà cháu uống trà và nghỉ ngơi.

Ai nấy ngơ ngác khi cô bé nói mình chính là Biya Pathak, sống ở khu Zhurkutia thuộc Katni, cùng chồng và hai con trai, trong ngôi nhà sơn trắng có cửa sắt đen, bốn phòng trát vữa, cửa trước chỉ là một phiến đá, sau nhà là một trường nữ sinh, trước nhà là đường ray tàu hỏa. Cô bé nói mình đã chết vì đau họng và người chữa là bác sĩ S.C. Bhabrat ở Jabalpur.

âu chuyện về Swarnlata Mishra đầu thai nhanh chóng lan truyền và vào năm 1959, nó đến tai một chuyên gia về tâm linh là giáo sư Sri H.N. Banerjee. Để kiểm chứng, giáo sư đã đi tìm nhà Biya Pathak, người mà Swarnlata Mishra nhận là tiền kiếp của mình, chỉ dựa trên những thông tin cô bé cung cấp.

Ông đã tìm được ngôi nhà của gia đình Pathak với những đặc điểm y hệt, gia cảnh nhà ấy cũng đúng như cô bé miêu tả. Mấy tháng sau đó, giữ bí mật với tất cả, chồng, em trai và con cả của Biya Pathak, đột ngột đến nhà Swarnlata cùng với chín người đàn ông khác để thử Swarnlata.

Cô bé mười tuổi lập tức nhận ra cậu em trai, gọi đúng cái biệt danh “Baboo” mà Biya đặt cho cậu hồi nhỏ. Cô bé đi quanh một vòng, nhận ra vài người cùng quê, rồi đến trước mặt chồng, Sri Pandey, gọi tên anh và nhìn xuống đầy e thẹn như mọi người vợ Hindu khác khi đứng trước lang quân.

Cô nhắc chuyện Sri Pandey từng lấy trộm 1.200 rupi mà Biya cất trong hộp, khiến người chồng sửng sốt vì chuyện này chỉ vợ chồng anh biết. Swarnlata cũng âu yếm gọi Murli, con trai cả mà khi Biya, mồ côi mẹ khi mười ba tuổi, lúc này đã là một thanh niên.

Mặc dù anh chàng chỉ một người bạn, bảo đây mới chính là Murli nhưng “người mẹ” vẫn khăng khăng chỉ “đúng người đúng tội”. Vẫn chưa tin, Murli chỉ vào một cậu bạn khác, nói đó là Naresh, con út của Biya, nhưng Swarnlata bảo không phải. Swarnlata cũng được bố đưa về “nhà cũ” ở Katni vài tuần sau đó.

Cô bé nhận ra những ngôi nhà đã được tu sửa những chỗ nào so với hồi Biya còn sống, rồi tự tìm đến căn phòng riêng của mình kiếp trước, và căn phòng nơi cô nằm lúc lâm chung. Cô nhận diện chính xác từng người em, người cháu, những người họ hàng của chồng mình.

Cậu cả Murlir lại đưa đến một chàng trai, giới thiệu là bạn, nhưng Swarnlata khẳng định đây chính là đứa con út của mình, Naresh. Tất cả mọi người càng tin chắc Swarnlata chính là Biya, khi cô bé kể thêm nhiều chuyện thâm cung bí sử, mà chỉ một vài người trong gia đình biết được.

Cả gia đình Pathak coi cô bé mười tuổi ấy là người nhà mình. Thậm chí sau này, khi Swarnlata đến tuổi lấy chồng, bố cô còn bàn bạc với gia đình Pathak xem nên chọn ai làm rể.

Sau này khi đã lập gia đình, Swarnlata Mishra thú nhận rằng, đôi khi cô vẫn nhớ đến quê hương cũ Katni, luyến tiếc và muốn quay lại cuộc sống giàu sang trong gia đình Pathak, nhưng rồi cô vẫn an vui với cuộc sống hiện tại tuy vật chất không xông xênh.

Thanked by 1 Member:

#834 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 14/12/2013 - 06:23

Cô bé sáu tuổi bỏ nhà đi tìm người chồng kiếp trước.

Lên bốn tuổi, cô bé Shanti Dévi, sinh năm 1926 tại Delhi, Ấn Độ, bắt đầu khiến bố mẹ từ buồn cười đến lo ngại khi nói rằng:

- Nhà của con ở thành phố Mathura, nơi chồng con đang sống.

Trong hai năm, cô bé nói đi nói lại điều này rất nhiều lần khiến bố mẹ khó chịu, giận dữ. Năm lên sáu tuổi, Shanti Dévi trốn khỏi nhà, quyết định đi bộ đến Mathura, cách Delhi 150 km, nhưng không làm nổi.

Có hôm, Shanti nói với bạn cùng lớp rằng sự thực mình tên là Lugdi Dévi, đã có chồng, thậm chí còn có một đứa con nhưng không được chăm sóc nó, vì cô chết sau khi sinh mười ngày. Bị cả trường chế giễu, cô bé khóc tức tưởi, bỏ đi lang thang khắp nơi khiến cả nhà bổ đi tìm.

Từ đó cho đến năm tám tuổi, Shanti sống khép mình vì không ai thực sự tin cô. Cuối cùng, lung lay trước sự kiên định ấy, các thầy giáo đã đến nhà Shanti, nói chuyện với bố mẹ và hỏi cô bé rất kỹ. Bằng thứ phương ngữ vùng Mathura mà người Delhi không ai dùng, Shanti nói chồng cô ở Mathura làm nghề buôn bán. Khi được hỏi tên chồng, cô bé ngập ngừng mãi, với phụ nữ Hindi, nói tên chồng với người khác là bất lịch sự, gây xấu hổ, rồi lấy tay che mặt, thì thầm cái tên Kedernath Chowbey.

Thầy hiệu trưởng bèn viết hú họa một lá thư cho Kedernath Chowbey theo đúng địa chỉ mà Shanti đã nói, và vô cùng sửng sốt khi nhận được thư trả lời từ Mathura của thương gia Kedernath. Anh ta cho biết cách đây chín năm, vợ anh chết sai khi sinh con trai mười ngày. Có lẽ cũng vì sốt ruột, thương gia này nhờ một em họ đến nhà Shanti ở Delhi tìm hiểu xem sao, và cô bé lập tức nhận ra người quen cũ, thân mật tiếp đón, thậm chí còn nhận xét anh ta béo lên so với trước.

Vị khách vốn nghĩ sẽ giúp Kedernath bóc trần một trò bịp bợm, đã sửng sốt khi nghe Shanti hỏi han nhiều chuyện ngày xưa. Để thử kỹ hơn, anh vặn hỏi nhiều câu, rồi sau đó phải van xin Shanti đừng nói nữa, khi cô bé bắt đầu nhắc đến chuyện anh ta đã tán tỉnh mình thế nào cho chồng cô đi vắng. Nghe kể lại mọi chuyện, thương gia Kedernath Chowbey suýt ngất xỉu.

Anh mang con trai đến gặp Shanti, nhưng lại tự xưng là em trai của Kedernath Chowbey. Nhưng cô bé kêu lên:

- Anh không phải chú ấy, anh là chồng em.

Rồi ngã vào vòng tay anh khóc nức. Và khi cậu con trai, cũng xấp xỉ tuổi Shanti, đi vào, cô bé ôm hôn cậu như một người mẹ ôm ôm con. Shanti còn hỏi Kedernath có giữ lời hứa lúc cô hấp hối là sẽ không đi bước nữa không, và người chồng thú nhận anh đã lấy vợ mới.

Trong nhiều ngày sau đó ở Delhi, Nath đã hỏi Shanti nhiều chuyện nữa và khi trở về, anh tin chắc cô bé chính là vợ mình đầu thai trở lại. Câu chuyện của Shanti Devi nổi tiếng đến mức chính Mahatma Gandhi cũng chú ý, yêu cầu điều tra, báo cáo về trường hợp này.

Theo yêu cầu nghiên cứu, Shanti Dévi được đưa trở lại Mathura cùng với cha mẹ, các luật sư, nhà báo, các chuyên gia. Ngày 5.11.1935, phái đoàn đến ga Mathura và trong đám đông đến đón, cô bé lập tức nhận ra gia đình cũ của mình. Cô bước nhanh đến một ông già, gọi ông và hỏi thăm về con rắn thần mà Lugdi Dévi đã gửi ông trước khi chết.

Rồi cô bé dẫn cả đoàn về thẳng nhà bố mẹ chồng, rồi bố mẹ đẻ mình. Trong những ngày ở đây, cô đã tới thăm nhiều nơi chốn cũ, gặp nhiều cố nhân và ai qua những kỷ niệm mà cô nhắc lại, ai cũng tin chắc đây chính là Lugdi Dévi.

Điều đó khiến bố mẹ hiện tại của Shanti lo sợ rằng con gái sẽ từ bỏ họ. Bản thân Shanti cũng bị dằng xé, nhưng cuối cùng cô đã trở lại Delhi, nhất là khi cô phát hiện chồng cũ không giữ bất cứ lời hứa nào với cô. Không chỉ cưới vợ mới, Kedernath còn không cúng cho thần Krisha 150 rupi tiền tiết kiệm mà Lugdi Dévi dấu dưới tấm ván như cô trăng trối.

Dù sao, cô cũng tha thứ cho chồng và hứa sẽ không lấy ai trong kiếp này. Shanti đã giữ lời hứa đó, cô sống độc thân cho đến khi qua đời vào ngày 27.12.1987.

the.blue

Thanked by 1 Member:

#835 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2013 - 10:29

HUYỀN BÍ QUANH NGÔI NHÀ ĐỨC MẸ ĐỒNG TRINH

Người ta tin rằng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria đã sống những ngày cuối đời tại một ngôi nhà nhỏ gần thành phố cổ Ephesus, phía Tây Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngôi nhà này sau đó trở nên rất linh thiêng, thậm chí là có quyền năng giúp người ta hoàn thành ước nguyện.

Câu chuyện bắt đầu từ những truyền thuyết về việc Đức Mẹ Đồng Trinh Maria cùng với gia đình, đã chuyển đến sinh sống tại khu vực ngoại vi của một thành phố lớn trong những năm cuối đời.

Dựa vào những đặc điểm được mô tả của thành phố trong truyền thuyết, người ta đoán rằng đó chính là thành cổ Ephesus, dù không có bất cứ tài liệu nào ghi chép về điều này.

Những lời đồn đoán càng rộ lên vào đầu thế kỷ mười chín với sự kiện một nữ tu sỹ tên là Anna Katherina Emmerich 1774-1820, sống lại sau cơn thập tử nhất sinh và kể về những điều huyền bí.

Năm 1811, nữ tu sỹ Emmerich, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa, ốm liệt giường trong một tu viện nhỏ ở Đức. Giữa cơn mê sảng, bà bắt đầu nghe thấy những tiếng nói, những hình ảnh vừa xa xăm lại vừa sống động. Những câu chuyện kể rất chi tiết về cuộc đời của Chúa Jesus, Đức Mẹ Đồng Trinh Maria và chuyến di cư của Người từ hàng ngàn năm trước.

Người ta kể lại rằng lúc đó nữ tu sỹ đã cực kỳ ốm yếu. Bà nằm trên giường cầu nguyện với hai cánh tay giang rộng. Rồi đột nhiên bà lên cơn sốt và co giật, sắc mặt đỏ gay.

Ngay sau đó, một luồng ánh sáng từ trên cao chiếu xuống cơ thể bà. Khi nó rọi đến hai bàn tay của người tu sỹ, bàn tay bà chợt dính đầy máu như thể vừa bị đóng bằng đinh câu rút.

Những người chứng kiến đã cực kỳ kinh ngạc và sợ hãi. Cứ y như là Emmerich vừa nếm trải nỗi đau bị hành xác của chúa Jesus. Các bác sỹ cũng không thể giải thích được bằng y học.

Người nữ tu sỹ sau đó đã hồi tỉnh lại, tuy vẫn nằm liệt giường nhưng tinh thần lại sáng suốt lạ kỳ. Bà bắt đầu kể những câu chuyện về Đức Mẹ Đồng Trinh mà bản thân vừa trải nghiệm. Những câu chuyện được một nhà văn có tên là Clemens Brentano ghi lại, trước khi Emmerich mất ý thức hoàn toàn chỉ sau đó vài tháng. Bà mất tại tu viện vào năm 1820.



Thanked by 1 Member:

#836 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2013 - 10:32

Emmerich đã nhìn thấy rõ ràng cảnh Đức Mẹ Đồng Trinh Maria rời khỏi Jerusalem cùng với thánh John, trước khi những cuộc vây bắt tín đồ Thiên Chúa Giáo trở nên tồi tệ. Họ đã đến Ephesus.

Người nữ tu sỹ ốm yếu cũng trông thấy ngôi nhà mà gia đình Đức Mẹ Đồng Trinh sinh sống: một ngôi nhà bằng đá do Thánh John tự tay xây dựng. Ngôi nhà khá nhỏ nằm trên đỉnh một ngọn đồi, hình chữ nhật và có hàng rào bao quanh.

Trong ngôi nhà cũng có một căn buồng nhỏ nằm kề bên khe suối. Giữa căn buồng còn có lò sưởi. Đây chính là nơi mà Đức Mẹ nghỉ ngơi và sinh hoạt hằng ngày.

Theo những gì mà Emmerich kể lại, sau khi sinh sống tại vùng đất mới được chừng ba năm, Mẹ Maria ngày càng tha thiết muốn trở về quê nhà ở Jerusalem, do đó mà Thánh John và Thánh Peter đã đưa bà quay trở lại.

Chuyến hành hương vất vả đã khiến cho Đức Mẹ trở nên ốm yếu. Bà gầy xọp đi nhanh chóng và tất cả mọi người đều cho rằng sẽ không thể nào qua khỏi. Họ bắt đầu chuẩn bị một ngôi mộ cho bà.

Thế nhưng khi ngôi mộ được hoàn thành, thì cũng chính là lúc Đức Mẹ dần dần hồi phục. Bà quyết định lại chuyển đến Ephesus. Cuộc hành trình, một lần nữa, lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Người. Đức Mẹ Đồng Trinh Maria cuối cùng đã chết tại ngôi nhà mới, lúc đó bà sáu mươi bốn tuổi.

Các vị Thánh tông đồ đã tiến hành khâm liệm và làm lễ tang cho bà. Họ quàn thi thể Đức Mẹ vào một cỗ quan tài được chuẩn bị đặc biệt, sau đó đem quan tài đặt trong một hang động cách ngôi nhà chừng vài cây số.

Emmerich thậm chí còn trông thấy cảnh Thánh Thomas khóc thảm thiết, vì không thể đến kịp đám tang. Những tông đồ khác chứng kiến Thomas quá đau buồn, đã phải để cho ông trực tiếp vào trong hang mộ hành lễ.

Nữ tu sỹ kể lại:

- Khi đến trước cửa hang, mọi người đều phủ phục xuống. Thomas và các tín hữu nôn nóng tiến về phía cửa. Thánh John theo sau họ. Hai vị tông đồ vạch những bụi cây chắn lối vào hang và quỳ xuống. Thánh John đến bên quan tài và mở nắp. Trong sự kinh ngạc của mọi người, tấm vải liệm vẫn y nguyên nhưng thi hài của Đức Mẹ không còn!

Sau sự kiện huyền bí đó, miệng hang quàn thi hài của Đức Mẹ được bít lại vĩnh viễn, còn ngôi nhà nhỏ trở thành nhà nguyện của các tông đồ.


Thanked by 1 Member:

#837 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2013 - 10:36

Những câu chuyện của Emmerich sau đó đã được nhà văn Brentano, viết lại thành cuốn sách nổi tiếng “Cuộc đời của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria” xuất bản vào giữa thế kỷ mười chín. Tuy nhiên vào thời điểm đó vẫn chưa ai có thể xác định được, ngôi nhà của Đức Mẹ còn tồn tại hay không.

Năm 1881, một mục sư người Pháp tên là Julien Gouyet, sau khi đọc sách của Brentano đã quyết định đi đến khu vực thành phố Cổ Ephesus, để tìm hiểu về những điều được kể trong câu chuyện. Ông đã gặp Tổng giám mục đương thời của địa phương là Monseigneur Timoni, để trình bày ý tưởng và được vị này cho người giúp đỡ.

Sau một thời gian dài nỗ lực tìm kiếm không biết mệt mỏi, cuối cùng Gouyet đã tìm thấy một ngôi nhà cổ, mà ông tin rằng nó từng là nơi sinh sống của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Ngôi nhà nằm trên một ngọn núi nhìn ra biển Aegean, và những tàn tích của thành cổ Ephesus.

Gouyet hào hứng gửi các báo cáo liên quan lên Tòa Giám mục Paris và thậm chí là đến Rome. Tuy nhiên, trái với sự mong đợi và kỳ vọng, công trình của ông đã không nhận được sự chú ý và quan tâm nào đáng kể.

Mãi cho đến mười năm sau, vào năm 1891, hai vị linh mục khác là Cha Poulin và Cha Jung, đọc được những tài liệu liên quan đến cái chết của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria tại Ephesus. Họ quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu, dưới sự bảo trợ của nữ tu sỹ Marie de Mandat Grancey, để xem xét lại địa điểm mà Gouyet đã nêu.

Dựa vào những ghi chép mà Gouyet để lại, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích của ngôi nhà vào ngày 29/7/1891. Tình trạng của ngôi nhà lúc đó chỉ còn lại những bức tường bằng đá rêu phong, phần mái đã bị hủy hoại hoàn toàn. Tuy nhiên, giữa những đống đổ nát, họ tìm thấy một bức tượng Đức Mẹ, vẫn đứng với một bàn tay bị vỡ.

Không một nơi nào khác trong khu vực có cảnh quan phù hợp với những mô tả trong truyền thuyết như vậy. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cũng được biết rằng phế tích vừa tìm thấy, đã được người dân địa phương tôn kính từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ gọi ngôi nhà này là Panaya Kapulu, nghĩa là “ô cửa đến với Đức Mẹ Đồng Trinh”.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu bắt đầu được giới chức Nhà thờ chú ý. Họ tiếp tục tiến hành các nghiên cứu mang tính khoa học. Vị tổng giám mục của Izmir là Monseignor thậm chí còn tổ chức hẳn một nhóm gồm bảy linh mục và năm chuyên gia để ghi chép lại và cho ra đời cuốn sách “Lịch sử của Panaya Kaplu” vào tháng 12/1892.

Thời gian sau đó, nữ tu sỹ Marie de Mandat Grancey, người bảo trợ cho nhóm nghiên cứu và cũng rất tin tưởng vào câu chuyện, đã bỏ rất nhiều công sức để có được quyền quản lý khu di tích. Bà cũng nỗ lực hết mình để có thể trùng tu và phục dựng lại những ngôi nhà và các công trình khác.

Thanked by 1 Member:

#838 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2013 - 10:47

Quần thể di tích được phục dựng hoàn tất vào năm 1894. Mẹ Marie được ghi nhận là người sáng lập, bà quản lý khu di tích này cho đến khi mất vào năm 1915.

Ngày nay, Nhà của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria trở thành một địa điểm hành hương linh thiêng, đối với giáo đồ Đạo Thiên Chúa. Ngôi nhà được phục dựng dựa trên những bức tường bằng đá cổ, trở thành một nhà nguyện linh thiêng.

Chính giữa, ngay lối vào nhà nguyện là căn phòng lớn nhất, với ban thờ và tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Phía bên phải là một căn phòng nhỏ được cho là nơi mà Đức Mẹ đã từng nằm nghỉ. Dòng nước mà Người từng rửa ráy nay được sử dụng cho một đài phu nước bên ngoài.

Đáng chú ý hơn cả chính là “Bức tường ước” nằm ngay bên ngoài nhà nguyện. Khách hành hương có thể ghi những điều mong muốn vào giấy, hay là một mảnh vải sạch rồi treo lên bức tường. Người ta tin rằng quyền năng của Đức Mẹ có thể giúp họ hoàn thành điều ước.

Ngoài ra họ cũng rất tin tưởng rằng việc uống nước lấy từ những suối khe trong khu vực, nơi mà Đức Mẹ Đồng Trinh sử dụng từ hàng ngàn năm trước, có tác dụng điều trị bệnh thần kỳ, hay chí ít cũng mang lại sức khỏe cho bản thân.

Giáo Hội Công giáo Roma chưa bao giờ tuyên bố về tính xác thực của khu di tích, do chưa có chứng cứ khoa học nào đáng kể. Tuy nhiên có thể thấy họ cũng coi trọng Nhà của Đức Mẹ Đồng Trinh không kém gì các tín đồ, mà bằng chứng là rất nhiều những cuộc hành hương thăm viếng, của các vị Giáo Hoàng.

Chuyến thăm đầu tiên là của Giáo Hoàng Leo XIII vào năm 1896, chỉ hai năm sau khi nơi này được trùng tu. Tiếp đó là lần lượt các cuộc hành hương ban phước của Giáo Hoàng Pius XII 1951, Giáo Hoàng Paul VI 1967, Giáo Hoàng John Paul II 1979, hay gần đây nhất là Giáo Hoàng Benedict XVI vào ngày 29.11.2006.

Câu chuyện về Ngôi nhà của Đức Mẹ Đồng Trinh hiện vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi, và có lẽ cũng chẳng ai dám chắc rằng là đúng hay sai.

Tuy nhiên, giữa một thế giới hiện đại ngày càng rối ren phức tạp, sự hiện diện của nơi đây, vẫn có thể giúp cho con người ta nhớ về những điều thánh thiện và trong sáng nhất. Điều đó thiết nghĩ còn có giá trị hơn rất nhiều so với những sự đúng, sai.

VTC


Thanked by 1 Member:

#839 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 19/12/2013 - 05:29

BÍ ẨN ÔNG GIÀ CÓ KHẢ NĂNG BIẾT NGƯỜI SẮP CHẾT.

Người được dân trong vùng cho là có biệt tài kỳ lạ này là cụ Nguyễn Thế Lục, sinh năm 1939, ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ một người bình thường, sau một đêm cụ giật mình cảm thấy có những biểu hiện kỳ lạ. Trong đầu hiện lên toàn chuyện lạ, nghe được âm thanh từ thế giới bên kia, nhìn người có thể đoán bệnh và tuổi thọ... Và đặc biệt, cụ có thể biết được người này... đang cận kề cái chết.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông, lần theo lời kể, chúng tôi men theo con đường gồ ghề, khúc khuỷu, nham nhở ổ voi, ổ gà để tìm về huyện miền núi Yên Thành, Nghệ An, với mong muốn tận mắt cụ Lục, được mệnh danh là người trần cõi âm. Vừa đặt chân tới đầu xã, hỏi thăm đường đến nhà cụ Lục ai ai cũng biết, anh Trần Đức H. người trong xã không một chút đắn đo, nói ngay:

- Cụ Lục có biệt tài biết chính xác, ngày, giờ người sắp chết ấy chứ. Các anh đi khoảng chừng 50 mét, nhà cụ Lục nằm sát bên đường. Ở đây ai cũng nói cụ Lục là người âm mà.

Biết có khách lạ, cụ Lục niềm nở mở cửa mời vào nhà, rót bát nước chè xanh còn nóng hổi mời chúng tôi. Khả năng đặc biệt được cụ Lục phát hiện cách đây 15 năm, sau một đêm, sáng mai tỉnh dậy cụ thấy người khác lạ, trong người như có một luồng điện chạy giữa xương sống, đầu choáng váng, toàn thấy chuyện âm. Cũng không hiểu vì sao, từ đó cụ toàn nói về chuyện âm, tìm kiếm sách tử vi và sách tướng để đọc.

Vợ con thấy cụ có dấu hiệu bất thường, cho cụ Lục bị ma nhập hay báo hiệu điều chẳng lành. Trong một lần cụ Lục đến nhà hàng xóm chơi tình cờ gặp ông M. vẫn còn khỏe mạnh. Bỗng dưng trong người cụ Lục ớn lạnh, chân tay giật giật, cụ nói ngay:

- Ông M. chết mau hơn tôi, đố ông M. sống qua được tháng này.

Đúng là bốn ngày sau, ông M. chết. Chúng tôi ngạc nhiên tại sao cụ lại có tài tiên đoán chính xác về cái chết như vậy thì cụ Lục cho biết:

- Những người sắp đi gặp Diêm vương, bỗng dưng dưới âm ứng báo vào đầu tôi người đó tuổi gì? Tuổi đó hạn vào năm nào, tháng nào, ngày nào là người đó không thể qua khỏi được.



Thanked by 1 Member:

#840 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 19/12/2013 - 05:37

Có những trường hợp nằm trong cung mạo hiểm. Chẳng hạn như trường hợp bà T. (trong xã) đang hấp hối. Cụ Lục đến xem ngày, giờ, cụ đứng lẩm bẩm một lúc liền phán ngay, bà T. thuộc cung trời mưa, khi nào trời mưa con cháu phải có mặt đông đủ, đúng mười lăm phút sau trời mưa bà T. tắt thở.

Rồi trường hợp ông D. cũng mắc căn bệnh hiểm nghèo khó qua khỏi. Khi cụ Lục được mời đến xem ngày, giờ, cụ cũng nói ngay, ông D. cũng nằm trong cung trời mưa. Một giờ sáng trời bắt đầu mưa, đến bảy giờ sáng là ông D. chết.

Có những người lại đi vào cung vắng người, chẳng hạn ông Th. ốm nặng, biết không qua khỏi nên con cháu tập trung đầy đủ để túc trực. Nhưng cụ Lục nói ông Th. thuộc cung vắng người nên ông chỉ đi khi không có ai ở bên cạnh. Lúc đầu con cháu phản đối quyết liệt, ông đã sắp trút hơi thở cuối cùng lại không cho gặp. Đúng là khi con cháu có mặt đầy đủ ông Th. không đi, mà ông Th. tắt thở khi không có con cháu ở bên cạnh. Đến lúc gia đình mời cụ Lục đến xem mới biết là ông Th. chết vào một giờ sáng.

Nhiều người khâm phục cái tài ở cụ Lục là nhiều trường hợp bệnh viện trả về chờ ngày chết, nhưng cụ Lục dám khẳng định là không chết. Chẳng hạn bà Đ. bị bệnh viện trả về, con cháu chuẩn bị đồ lễ nhưng cụ Lục dám tuyên bố:

- Bà nhà ta chưa đi được đâu, bà vẫn còn khỏe, có thể sống thêm bốn, năm, năm nữa.

Con cháu bà Đ. nhất quyết không nghe, cho cụ Lục nói linh tinh. Đúng như lời cụ Lục nói, bà Đ. không chỉ còn sống mà lại khỏe mạnh và minh mẫn nữa. Mọi người ngạc nhiên trước việc cụ dám đưa ra phán quyết chắn chắn, cụ cho biết:

- Bởi trong đầu tôi đã được dưới âm mách bảo, tôi đã nắm chắc bà Đ. tuổi đó không phải là năm hạn nên chưa thể chết.

Trường hợp anh T. thương binh, cắt ruột thừa ba lần, bệnh viện trả về. Khi gia đình mời cụ Lục đến xem, thì cụ dám khẳng định anh T. chưa thể chết và hiện bây giờ vẫn đang sống khỏe mạnh. Cụ Lục lý giải, anh T. sinh năm 1964 nên chưa phải tuổi hạn.

Cho đến bây giờ cụ Lục vẫn không quên hình ảnh thầy giáo dạy cụ hồi năm cấp hai. Thầy mắc bệnh hen giai đoạn cuối nên bệnh viện trả về nhưng khi cụ Lục xuống thăm thầy và tuyên bố:

- Thầy chưa chết được, có khi thầy thọ hơn cả trò.

Thầy vẫn không tin bởi bệnh viện đã trả về thì không sống được lâu nữa, được ngày nào hay ngày đó. Cụ Lục có nói đùa với thầy:

- Riêng thầy khi nào chắp tay lạy trông cho chết thì thầy mới chết, chứ thầy không chết dễ dàng được đâu.

Hiện bây giờ thầy vẫn đang sống khỏe mạnh. Rồi trường hợp bạn của cụ Lục ở Hà Tĩnh bị suy tim, mọi thủ tục đã được con cháu chuẩn bị đầy đủ chờ ngày ra đi. Nhưng khi cụ Lục đến hỏi thăm, cụ khẳng định:

- Ông cứ yên tâm chưa chết được đâu. Có khi tôi đi trước ông cũng nên.

Hiện bây giờ ông bạn của cụ Lục vẫn khỏe mạnh. Cụ Lục cho biết:

- Tại sao họ lại nhờ tôi đến xem ngày, giờ cho những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo hoặc người già yếu. Thứ nhất, con cháu đi làm ăn xa có thời gian sắp xếp để về túc trực, chăm sóc. Thứ hai, trước khi chết phải được chuẩn bị hai phần. Phần thứ nhất, chuẩn bị các thứ, hương, rượu, gối, chiếu, quần áo, khăn tay đắp mặt; phần thứ hai, sau khi chết thì chuẩn bị các thứ, cau, trầu, kiệu, hòm, mời thầy cúng.



Thanked by 1 Member:





Similar Topics Collapse

2 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 2 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |