←  Khoa Học Huyền Bí

Tử Vi Lý Số :: Diễn đàn học thuật của người Việt

»

TÁC ĐỘNG CỦA THẾ GIỚI VÔ HÌNH VÀO CÕI GIỚI...

hiendde's Photo hiendde 18/03/2013

Vì vọng tâm con người là luôn thay đổi, sinh diệt nên trừ cõi duyên giác, thanh văn, súc sinh, địa ngục những cõi giới còn lại đều có thể tác động đến thế giới con người.

Phần Một: Các hiện tượng tâm linh và ngoại cảm

Thật sự, nếu tĩnh tâm ngồi lại, điểm qua các sự việc diễn ra xung quanh, ta sẽ thấy cõi nhân loài người sống đang bị tác động rất nhiều bởi các cõi giới vô hình, mắt thường không nhìn thấy. Hòa Thượng Tuyên Hoá từng nói: Nếu không còn người tụng chú Thủ Lăng Nghiêm thì ma quỷ từ tam thiên đại thiên thế giới sẽ kéo đến quấy nhiễu cuộc sống loài người. Cuộc sống hiện nay xẩy ra rất nhiều các hiện tượng về tâm linh mà theo quan niệm chung của con người là thần bí và kỳ lạ. Khoa học dù có phát triển đến đâu cũng bó tay trước các hiện tượng đi ngược lại với quy luật vật lý thông thường.

Thực tế, nếu chúng ta dùng ánh sáng Phật pháp soi rọi, đem tri thứ Phật giải thích thì không có gì là thần bí cả, vấn đề là chúng ta đã hiểu và tin vào những tri thức Phật giáo như thế nào. Đức Phật đã từng nói với các đệ tử của mình, Các ngươi nếu “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ bang ta”. Để hiểu những điều đức Phật nói (những điều được viết ra trong kinh điển) là một việc hoàn toàn không đơn giản. Nếu kiến thức Phật dễ dàng tiếp nhận được như các kiến thức khác thì con người không cần phải ngồi thiền, tụng kinh, thực hiện giới, định, huệ và bỏ mấy chục năm để học Phật. Các cư sĩ tại gia cũng không cần phải đến chùa nghe giảng kinh.

Thêm nữa, trong tam tạng kinh Phật, những kinh điển thuộc về pháp xuất thế gian lại càng khó, cần phải có sự giảng giải của các vị thiền sư đắc đạo, những tu sĩ đã dành cả cuộc đời mình cho Phật pháp. Vì vậy, để đưa các thuyết lý nhà Phật giải thích các hiện tượng thần bí, ngoại cảm, ngoài những trích dẫn trong kinh điển tôi có sử dụng thêm các bài giảng kinh, khai thị của các bậc thiền sư. Đó là con đường ngắn nhất để giải thích các hiện tượng tâm linh hiện nay.

Đức Thế Tôn là bậc thầy toàn năng, toàn giác đã vượt qua chín tầng thiền để thấu suốt mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh quan. Những điều đức Phật nói ra là những lời vàng ngọc không sai một chữ. Kinh điển Phật không phải là sách vở mà là kim khẩu của đức Phật. Pháp Phật khác khoa học ở chỗ, người học phật phải đi theo đúng theo con đường ngài đã đi để hiểu tất cả những điều ngài nói và chứng ngộ được những gì ngài đã chứng. Nếu chúng ta còn dùng tâm phan duyên, trí biện thông (tâm vọng tưởng, trí thế gian) để phân tích, suy luận thì chúng ta không thể tiếp cận được chân lý Phật pháp được.

Vì xuyên suốt tư tưởng của bài viết là đem tri thức Phật soi rọi vào các hiện tượng nên những điều tôi viết trong bài này chỉ là nêu hiện tượng và dùng kinh điển Phật và các bài khai thị của các bậc cao tăng để giải thích. Ngoài ra, tôi không có bất cứ một nhận định, đánh giá nào của riêng mình. Nếu những dẫn chứng tôi nêu ra chưa đủ thuyết phục, xin bạn đọc hãy bổ sung thêm để chúng ta có được một bức tranh hoàn chỉnh chứng minh với loài người rằng, Phật pháp là bao trùm khoa học, bao trùm các tôn giáo.

Những vấn đề mà khoa học phải bó tay dừng lại thì là điểm Phật pháp bắt đầu. Khi đầy đủ nhân duyên tôi sẽ tiếp tục đưa đến bạn đọc các bài viết “những phát minh khoa học chứng minh những điều ghi trong kinh điển Phật giáo là đúng”. Nam mô Bổn sư Thích ca Mầu ni Phật! Các hiện tượng tâm linh được cho là thần bí và khả năng ngoại cảm của con người có rất nhiều. Vì bài viết có hạn, không thể kể nhiều, sau đây tôi chỉ nêu ra một số hiện tượng điển hình trong cuộc sống con người.

Hiện tượng một.

Một hiện tượng gây nhiều sự chú ý trong giới văn chương thời gian qua ở Việt Nam đó là, sự ra đời những bài thơ thiền của Giáo Sư, Tiến Sĩ. Hoàng Quang Thuận. Tác giả của ba tuyền tập thơ: Thi Vân Yên tử, Ngoạ Vân Yên tử, Hoa Lư Thi tập. 50 năm chưa từng làm thơ, chưa hành thiền lại hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chỉ sau một lần theo đoàn Phật tử lên núi Yên Tử, ngủ một đêm tại chùa đã cho ra đời 143 bài thơ thiền Thi vân Yên tử, Ngoạ Vân Yên tử.

Kỳ lạ hơn nữa sau khi lên phủ Nhà Trần tại khu di tích Tràng An, Bái Đính dâng lễ cầu tiên nhân nhập bút, Hoàng Quang Thuận lại tiếp tục cho ra đời 121 bài thơ thiền Hoa Lư thi tập trong vòng 4 tiếng đồng hồ từ 12h – 4h sáng. Đó là những bài thơ tuyệt tác mà người trần trong thời điểm hiện tại một bài cũng khó sáng tác nổi.

Hiện tượng hai.

Trong Câu chuyện Động lực vô hình được trích từ cuốn “Đường mây qua xứ tuyết” hay “Con đường mây trắng” của Lạt ma Analarika Govinda có kể lại: Trong một buổi lễ ban phép lành cho làng Tsewang của lạt ma Phi yang tại Poo có một người đàn ông nhảy vào tự xưng là vị thần cai quản vùng đất (thần thổ địa) trách mắng vị lạt ma không cúng dường gì cho y.

Sau khi thực hiện một số thần thông như: Có thể nói được khi gò má bị xuyên qua bởi một lưỡi gươm nhọn và cổ họng thì lún sâu trên ngọn giáo nhọn hoắt. Bằng một giọng trầm trầm, người đàn ông (bị thần thổ địa nhập hồn) cho biết đây là nơi y vẫn cư ngụ bao lâu nay, tại sao Lạt ma Phiyang dám đến làm lễ, đã thế lại không dâng cúng gì cho y hết.

Lạt ma Phiyang bình tĩnh bước đến trước gã thanh niên nọ. Bằng một giọng thản nhiên, ông bắt đầu hỏi lý lịch của vị thần kia, đã cư ngụ tại đây bao lâu và và đã làm gì để giúp ích cho dân làng. Lạt ma cho biết việc hành lễ có mục đích cầu nguyện, mang lại điều tốt lành cho tất cả mọi chúng sinh và dĩ nhiên nếu ông biết vị thần hiện diện tại đây thì đã mời y cùng hành lễ chung. Vị Thần nọ dường như nguôi giận, y nhảy xuống đất, đứng nghiêm chỉnh nghe Lạt ma Phiyang nói và sau cùng thì y chấp nhận lời giải thích này...

Hiện tượng ba.

Trong trang web Thư viện hoa sen ban biên tập có nêu hiện tượng Hòa Thượng Thích Thông Lạc, Viện chủ Tu Viện Chơn Như ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Có những lời giảng kinh rất khác thường. Hòa Thượng Thông Lạc tự xưng là mình đã chứng Tứ Thiền, đắc Tam Minh và đã được Hòa Thượng Thanh Từ ấn chứng.

Hoà Thượng Thông Lạc cho rằng từ các kinh điển Đại Thừa như: kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, kinh Viên Giác, kinh Bát Nhã, kinh Phạm Võng, kinh Duy Ma Cật; các chư vị Tổ Sư như các Ngài Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Khả, Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ v.v. của các truyền thống Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, và Tịnh Độ là ngoại đạo, là Bà La Môn giáo, trà trộn vào Phật giáo để đánh phá đạo Phật, biến Phật Giáo thành một thứ tà giáo ngoại đạo.

Hòa Thượng Thích Thông Lạc cho biết Hoà Thượng đã bị chư Tổ lừa gạt và lầm lạc pháp môn ngoại đạo và khuyên các Phật tử không nên đi vào con đường tu lầm lạc đó. Với những lời ma mị trên nhiều người cho rằng, vị hoà thượng này đang bị tẩu hoả nhập ma. Nhà Phật cho rằng vị tu sĩ đã bị vướng vào ma chướng trong quá trình hành thiền đi vào cửa Không.

Phần sau khi giải thích hiện tượng này tôi sẽ xin nêu thêm quan điểm của vị hoà thượng này trước các hiện tượng ngoại cảm của hai nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và Nguyễn Văn Nhã.

Hiện tượng bốn.

Một hiện tượng tôi từng được nghe qua câu chuyện của người bạn. Đó là, một cụ bà trên chín mươi tuổi rất yếu, sắp kề cận cái chết lại có một cuộc sống giống như các cô gái trẻ tuổi hai mươi. Sau một lần cụ nằm ốm liệt, mọi người tưởng cụ chuẩn bị ra đi nên lo chuẩn bị đám tang. Một buổi sáng tỉnh dậy mọi người thấy thần khí cụ khác thường đòi ăn những thức ăn giống như những món ăn của các cô gái trẻ.

Cụ đòi mặc áo hai dây nói chuyện và sinh hoạt giống như một cô gái tuổi hai mươi. Sau khi đưa cụ lên chùa, người trong gia đình được biết rằng, thần thức đang tồn tại trong cụ là một cô gái hai mươi bốn tuổi bị chết trong một tai nạn. Vì cụ quá yếu mà cô gái thì nhất định không chịu trả thân cho nên, đến nay cụ vẫn sống một cuộc sống thân xác tuổi chín mươi mà linh hồn tuổi hai mươi. Người nhà trong gia đình cụ vẫn đang phải chấp nhận điều đó. Hiện tượng ma nhập (theo dân gian thường gọi) không cần “gọi hồn” hiện nay rất phổ biết trong cuộc sống chúng ta.

Hiện tượng năm.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người thì ở Việt Nam hiện nay có khoảng hơn một trăm người được cho là có khả năng ngoại cảm (có thần thông). Trong số đó chỉ có khoảng hơn mười người là có khả năng liên tục và ổn định. Số còn lại thường lúc có lúc mất. Vì sao một con người chưa trải qua tu hành mà đã đạt được khả năng này? Vì sao khả năng này lại lúc có, lúc không?

Vì sao tôi lại xếp các hiện tượng ngoại cảm vào trong các hiện tượng thế giới vô hình tác động vào cõi giới người? Tôi xin được trình bầy vấn đề này trong phần cuối cùng phần tiếp theo của bài viết. Còn một hiện tượng nữa đó là sự tác động của đức Phật và các vị Bồ tát bằng sự hộ trì, gia hộ và ứng thân hành đạo bồ tát giúp đỡ loài người. Hiện tượng này khi nghiên cứu các kinh điển Phật bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn, tôi xin không đi sâu vào hiện tượng này.

Đi sâu vào Phật pháp ta sẽ thấy cõi nhân con người quá là nhỏ bé trong tam thiên đại thiên thế giới. Trong 10 pháp giới, chỉ có cõi người và súc sinh là cõi hữu hình mà chúng ta nhìn thấy được. Tám pháp giới còn lại (địa ngục, ngạ quỷ, atula, trời, thanh văn, duyên giác , bồ tát, Phật) chỉ có có thể thấy được thông qua thiền định ở một mức chứng nhất định. Vì cõi người là cõi hữu hình, lại ở trung dung giữa các cõi thiện ác nên nó rất dễ bị tác động bởi các cõi giới vô hình khác .

Trong kinh Thủ lăng nghiêm đoạn năm – Phân biệt Tình, tưởng nhẹ nặng để nói về việc tái sinh của các chúng loài, đức Phật nói: Nếu “Tình và tưởng cân nhau không bay lên không đoạ xuống thì sinh nơi nhân gian (làm người) tưởng sáng suốt thì thông minh. Tình u ám thì ngu độn”.

Đoạn kinh cho thấy trong sáu cõi luân hồi, cõi người là cân sự bằng giữa thánh và phàm. Chính sự cân bằng đó tạo ra tính chông chênh dễ bị lôi kéo của hai thế giới vô hình thánh và ma quỷ. Nếu ai đã từng hành thiền thì sẽ thấy những vọng niệm tốt, xấu luôn đan xen dấy khởi trong đầu óc con người. Dù hai phần của bài viết chủ yếu là nêu các hiện tượng và giải thích các hiện tượng theo quan điểm Phật giáo, nhưng mục đích cuối cùng của tôi chính là chỉ ra cho bạn đọc thấy chúng ta phải làm gì, sống như thế nào để tránh những tác động không tốt của các cõi giới ác.

Tôi xin được trở lại phần này trong phần kết luận.

Vì vọng tâm con người là luôn thay đổi, sinh diệt nên trừ cõi duyên giác, thanh văn, súc sinh, địa ngục, những cõi giới còn lại đều có thể tác động đến thế giới con người. Trong bốn cõi: Bồ tát, trời, atula, ngạ quỷ thì hai cõi giới tác động nhiều nhất đến cõi giới người là trời và ngạ quỷ. Vì sao tôi không nói đến atula vì tính đặc thù riêng của cõi giới này. Trước khi đưa ra những dẫn chứng giải thích tôi xin được nói thêm một chút về thế giới atula.

Cõi giới atula.

Trong kinh thủ lăng nghiêm. Riêng nói thêm về bốn giống Atula. Trong ba cõi có bốn giống Atula:

1. Nếu từ loài quỷ, do sức bảo hộ chính giác, được thần thông vào hư không thì giống Atula này từ trứng sinh ra thuộc về loài quỷ.

2. Nếu từ cõi trời, đức kém phải sa đoạ chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng thì giống Atula đó từ thai sinh ra thuộc về loài người.

3. Có chúa Atula nắm giữ thế giới sức mạnh đến chỗ không phải sợ ai có thể tranh quyền với phạm vương, đế thích và tứ thiên vương giống Atula này nhân biến hoá mà có thuộc về loài trời.

4. Riêng có một số Atula thấp kém sinh trong biển lớn, lặn trong thuỷ huyệt, ban ngày đi chơi trên hư không, tối về ngủ dưới nước giống Atula này nhân thấp khí sinh ra thuộc về loài súc sinh.

Theo đoạn văn trên thì Atula không thuộc về loài nào nhất định. Có giống atula thuộc loài trời, có giống atula thuộc loài người, có giống thuộc loài súc sinh, có giống thuộc loài quỷ. Vì thế nên có khi không nêu atula thành cõi riêng biệt.

Có nhiều cách giải thích cõi giới atula. Xin đưa cách giải thích của Hòa Thượng Tuyên Hoá tôi cho là thuyết phục nhất, đó là: A tu la là tiếng Phạn dịch là vô đoan chính, vô đoan chính tức là xấu xí. Song le chỉ là nam A tu la tướng mạo xấu xí, ngược lại nữ A tu la tướng mạo rất xinh đẹp. Tính của nam A tu la rất thích đấu tranh, đấu tranh bên ngoài, tính của nữ A tu la cũng thích đấu tranh nhưng đấu tranh bên trong, chẳng phải đấu tranh bên ngoài. Thế nào là đấu tranh bên trong? Tức là dùng vũ khí tâm để đấu tranh, đó là chướng ngại, vô minh, phiền não.

Loài chúng sinh này có khi được liệt vào trong ba đường lành tức là trời, người, A tu la; có khi liệt vào bốn đường ác đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la. Ở trong loài súc sinh cũng có A tu la, trong loài người cũng có A tu la, trên trời cũng có A tu la ; loài ngạ quỷ cũng có A tu la. Riêng A tu la đã có một pháp giới, song vẫn thông với ba pháp giới khác, cho nên ở trong bốn loài này đều có A tu la.

Nói tóm lại, bất cứ ở trong loài nào mà chúng sinh thích đấu tranh, tính nóng giận lớn, muốn làm ông chủ, muốn làm chỉ huy người khác mà không muốn họ chỉ huy mình, muốn quản lý người mà không muốn người quản lý mình, đó đều là biểu hiện của A tu la. Nếu bạn chưa thấy A tu la thì tôi có thể nói cho bạn biết. A tu la gồm có A tu la thiện và A tu la ác. A tu la thiện tức là quân đội, binh, tướng của quốc gia, đó đều là A tu la. A tu la ác là đảng cướp, trộm cướp, giết người, đánh người, đó đều là A tu la. Ðó đều ở trong loài người chúng ta đều thấy.

Trên trời cũng có A tu la. A tu la trên trời thì đánh với binh trời tướng trời, suốt ngày đến tối cứ muốn chiếm ngôi vị trời Ðế Thích, muốn lật đổ trời Ðế Thích để cho y làm Ðế Thích. Nhưng đánh đi đánh lại chúng cũng đều thua. Tại sao ? Vì chúng có phước trời mà không có quyền lực ; chúng có thể ở trên trời hưởng phước trời nhưng chẳng có quyền lực, cho nên tuy đánh với binh trời tướng trời nhưng trước sau vẫn thua.

Trong loài súc sinh cũng có A tu la sao? Phải đó ! Súc sinh A tu la như là cọp, sư tử, sói lang, đó đều là A tu la ở trong loài súc sinh. Loài A tu la này tự phụ những loài súc sinh khác. Sói, cọp, sư tử đều bắt những súc sinh khác ăn thịt. Tại sao chúng phải ăn loài súc sinh khác ? Vì chúng có tính A tu la. Ngoài ra rắn, chim ưng cũng là A tu la.

Nói tóm lại, A tu la tức là không nói về đạo lý, nóng giận hung hăng, bất cứ đối với ai cũng luôn luôn nổi nóng. Trong loài quỷ cũng có A tu la, thứ A tu la này cũng tự phụ những quỷ khác. Trong loài quỷ cũng có quỷ thiện và quỷ ác. Quỷ ở trong quỷ ác cũng không nói đạo lý. Bổn lai quỷ thì không nói đạo lý, song quỷ A tu la càng không nói đạo lý ! Cho nên nói “Tu la tính dữ”, tính của chúng rất hung dữ tàn bạo.

Kinh Phật thường nói tới Bát bộ quỷ thần (phi thiên), tức là thiên thần, long thần (thần loài rồng), thần Dạ Xoa (gọi là phi không quỷ, quỷ bay trên không), Càn thát bà (thần nhạc trời), A tu la (hung thần) Ca Lâu La (chim cánh vàng), Khẩn na la (chim có giọng hót hay), Ma Hầu La Già (con trăn thần). Như vậy, Atula cũng chỉ là một chúng sinh trong thế giới thần của cõi thiên và được gọi là các hung thần.

Trích dẫn

hiendde's Photo hiendde 19/03/2013

Phần Hai: Giai thích các hiện tượng theo quan điểm Phật giáo

Để giải thích các hiện tượng đã được nêu ra trong phần một, trong bài viết này bộ kinh chủ yếu tôi trích dẫn là kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Thủ lăng nghiêm là bộ kinh được cho xương sống của những hành giả tu thiền. Lúc xưa tại Ấn Ðộ, Kinh Lăng Nghiêm được liệt vào hàng quốc bảo, và có lệnh cấm không cho mang những thứ quý báu ra bên ngoài.

Hồi đó, bên Trung quốc, đời Ðường có một vị cao tăng pháp danh là Ban Thích Mật Ðế (Paramiti) đã khổ công tìm mọi cách để mang Kinh Lăng Nghiêm qua Trung quốc. Sợ bị phát hiện, ông phải nghĩ ra cách giấu giếm là ghi kinh trên tấm lụa rồi xẻ đùi mình nhét vào. Sau cùng ông đã đưa được Thủ Lăng kinh ra bên ngoài Ân Độ. Phần sau cùng của kinh Thủ lăng Nghiêm, đức Phật nói rõ về những ma sự mà người tu hành gặp phải trong khi hành thiền.

Trong kinh, Mục tám – Phân biệt các ma ấm. Nói về năm mươi ma ấm, từ năm ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) sẽ có rất nhiều hiện tượng ma quỷ quấy nhiễu người tu hành, giống với một số hiện tượng xẩy ra trong cuộc sống, cũng như khả năng ngoại cảm hiện có của một số các nhà ngoại cảm.

Theo Hòa Thượng Tuyên Hoá: “các loài yêu quái đều rất sợ kinh này, nên chúng tìm mọi cách bác bỏ, huỷ diệt bộ kinh này. Ma vương, yêu quái, lỵ mị sợ nhất là Chú Thủ Lăng nghiêm”.

Kinh thủ lăng nghiêm chỉ rõ chính đạo, tà đạo. Phân biệt Phật, ma do đó nó được ví như “liều thuốc thử, kinh chiếu yêu” cho tất cả các hiện tượng khả năng của con người.

Trong bài diễn giải của mình, tôi sử dụng khá nhiều trích dẫn trong các bài giảng kinh và lời khai thị của Hòa Thượng Tuyên Hoá. Theo đánh giá chung của giới Phật tử, Hòa Thượng Tuyên Hoá được coi là một trong những bậc cao tăng chứng đạo và là người hiểu và giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm gần với yếu nghĩa của kinh nhất.

Cõi thiên.

1. Cõi Tha hoá tự tại thiên - Hiện tượng ba

Cõi thiên được chia ra làm ba cõi: Cõi dục, cõi sắc giới và cõi vô sắc giới được gọi là tam giới. Ngoài ra còn có một tầng của chúng sinh ở giữa cõi người và cõi trời là phi thiên tức là các thần.

Qua kinh điển Phật thì cõi tác động vào thế giới con người nhiều nhất là cõi dục giới. Hai tầng trời còn lại là sắc giới và vô sắc giới là cõi của những chúng sinh thiền định, không tác động nhiều đến cõi giới con người.

Theo Tông Thiên Thai thì nghiệp báo của sáu cõi trời đều lấy Thập Thiện làm gốc.

Nếu kiêm thêm tâm hộ pháp là nghiệp Tứ Thiên Vương Thiên.

Nếu kiêm thêm lòng Từ hóa độ người là nghiệp Đao Lợi Thiên.

Nếu kiêm thêm lòng chẳng não hại chúng sinh, thiện xảo thuần thục là nghiệp Diệm Ma Thiên.

Nếu kiêm thêm thiền định, thô trụ và tế trụ là nghiệp Đâu Suất Thiên.

Dục Giới Định là nghiệp Biến Hóa Thiên. Vị Đáo Định là nghiệp Tha Hóa Tự Tại Thiên. Trong sáu tầng trời dục giới thì bốn cõi, thường được các kinh điển Phật nói tới là Tha hoá tự tại thiên (cõi dục giới cao nhất, chỗ ở của thiên ma), cõi Đao Lợi (tầng thứ hai chỗ ở của Vua đế Thích) và cõi Tứ thiên vương (cõi trời thấp nhất, chỗ ở của các vị thiên vương). Cõi phi thiên (chỗ ở của các vị thần).

Vì sao thiên ma (còn gọi là ma ba tuần) gây ảnh hưởng nhiều đến cõi giới con người?

Thiên ma là vị vua cai quản cõi dục giới bao gồm : sáu cõi trời dục giới và các cõi dục bên dưới. Bất cứ chúng sinh nào muốt thoát khỏi sự cai quản của y đều bị thiên ma quấy nhiễu.

Đối tượng của thiên ma là các vị tu hành thoát khỏi các cõi dục giới. Trong kinh Thủ Lăng nghiêm, Đức Thế Tôn nói:

- Ông sẽ bị quấy nhiễu bởi một loại ma từ ngũ ấm của ông, hoặc là ma từ cõi trờì, hoặc mắc quỷ, thần, hoặc gặp ly, mỵ. Nếu tâm không sáng suốt, ông sẽ nhận lầm kẻ giặc là con.

Giải thích về sự quấy nhiễu này Hòa Thượng Tuyên Hoá nói:

- Tại sao thiên ma từ trên trời đến để quấy rầy ông? Vì ông, người tu hành, đã tu tới chỗ có định lực. Ông có một tí định lực không có gì quan trọng, nhưng cung điện của ma vương bị rúng động giống như bị động đất vậy. Vì ma vương cũng có thần thông, nên khi cung điện của nó bị rúng động , nó liền quan sát: A! Tại sao cung điện của ta lại vô duyên vô cớ rung rinh, tan vỡ thế nầy? Nó khám phá ra trên thế gian có người sắp sửa thành tựu đạo nghiệp; định lực của người tu đó khiến cho cung điện của nó đỗ vỡ. Thiên ma mới suy nghĩ: Mày muốn phá diệt tao hả? Tao sẽ phá hủy định của mày trước! Cho nên, nó đến phá hoại định lực của người tu hành.

Hòa Thượng Thích thông lạc (hiện tượng ba) được cho là mười đệ tử của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, là một hiện tượng bị cho là vướng vào ma chướng trong quá trình hành thiền. Nếu xét theo năm mươi ma ấm trong kinh thủ Lăng nghiêm, thì khả năng Hòa Thượng Thích Thông Lạc bị vướng vào phần Thụ ấm (mười ma thụ ấm).

Khi đã phá được sắc ấm, tâm đã duyên với cảnh vô phân biệt, hành giả thiền thấy được được hình ảnh của chân như (thấy tâm của chư Phật) nhưng chỉ như cái bóng trong gương.

Hành giả “tự bảo là đã đủ rồi, không căn cứ gì. Bỗng có lòng đại ngã mạn phát ra như thế cho đến lúc lòng mạn, quá mạn và mạn quá mạn hoặc lòng tăng thượng mạn hoặc lòng tỵ liệt mạn một thời đều phát ra. Trong tâm còn khinh thập phương Như lai huống nữa là các bậc dưới như Thanh văn duyên giác. Ây gọi là thắng giải quá cao không trí tuệ để tự cứu... Nếu nhận là bậc chứng thánh thì một phần giống ma đại ngã mạn vào trong tim gan...”

Tôi có xem một số băng giảng kinh của Hòa Thượng Thích Thông Lạc, thật sự mộng mị và khó hiểu. Hoà thượng phủ nhận thế giới vô hình cho đến thế giới Tây phương cực lạc. Những lời giải thích giống như người bị tẩu hoả nhập ma vậy. Nhân đây tôi cũng trích dẫn luôn sự giải thích của vị hoà thượng này về hiện tượng ngoại cảm của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.

Vì sợ bài viết quá dài nên tôi không trích dẫn phần nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã.

“Như các bạn thường nghĩ và cho linh hồn là một vật thể không thay đổi. Vì thế linh hồn là bất tử, nên thường đi tái sinh luân hồi từ thân này, đến thân khác. Thân thì có trẻ, có già, có chết. Còn linh hồn thì không già, không trẻ và không chết. Như vậy cháu Bích Hằng phải xem bức ảnh của cô Khang rồi mới nhận ra linh hồn của cô Khang thì như vậy không đúng.

Vì sao vậy? Là vì linh hồn của cô Khang bây giờ không còn là hình dáng của cô Khang nữa, mà là hình dáng bất di bất dịch của linh hồn. Khi linh hồn ấy còn mang thân xác của cô Khang, thì hình dáng ấy là hình dáng xác thân của cô Khang, chứ đâu phải là hình dáng linh hồn của cô Khang phải không thưa quý vị? Khi cô Khang chết thì hình dáng của cô Khang cũng không còn, thì như vậy linh hồn của cô Khang phải trở về với hình dáng nguyên thủy của nó, thì làm sao linh hồn có hình dáng giống cô Khang được.

Vì linh hồn là một vật không thay đổi, như chúng tôi đã nói ở trên. Xét ở góc độ này thì cháu Bích Hằng gọi hồn cô Khang về là một năng lực trong thân ngũ uẩn của cháu Bích Hằng tạo ra linh hồn của cô Khang, chứ không phải có linh hồn cô Khang thật, vì thế cháu phải nhìn hình ảnh cô Khang rồi mới tạo ra hình ảnh cô Khang được. Do đó chúng ta suy ra, nếu có thế giới linh hồn của người chết thì những linh hồn ấy không có hình dáng giống như chúng ta. Tại sao vậy?”

Qua đoạn trích dẫn trên, nếu bạn đọc nào đang hiểu về hiện tượng các nhà ngoại cảm nói chuyện với thế giới âm giống như Hòa Thượng Thích Thông Lạc giải thích thì xin đề phòng vì chúng ta đang bị “nhận lầm kẻ giặc là con đấy”!

2. Cõi Đâu Suất Đà thiên – Hiện tượng một

Theo các kinh điển Phật học, những vị cao tăng đạt đạo, sau khi tịch diệt thường tuỳ theo sự chứng quả (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền….)mà tái sinh vào các cõi trời sắc giới và vô sắc giới. Cõi tĩnh tịch của những chúng sinh thiền định. Khi đã tái sinh vào các cõi này họ ít khi tác động vào các thế giới khác.

Các vị Bồ tát ứng thân quay trở lại cõi người là thực hiện tiếp tục trăm kiếp hành đạo bồ tát, để chứng quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Phật Hoàng Trần Nhân Tông được cho là một vị thiền sư đắc đạo ở Việt Nam. Nhưng sự trở lại của người qua hiện tượng nhập hồn lưu bút hậu thế, sứ giả Hoàng Quang Thuận (hiện tượng một)cho thấy khả năng vị Sơ Tổ của chúng ta đang ở đâu đây tại sáu cõi trời dục giới.

Thực tế, trong sáu tầng trời dục giới, có một cõi trời gọi là Đâu Suất Đà thiên, thế giới Tịnh Độ của Phật Di Lặc (Tầng trời thứ tư). Vị Phật tương lai của cõi giới con người. Khi được sinh về Tịnh độ Đâu Suất, không chỉ hưởng phúc trời mà còn tu hành cùng Bồ tát Di Lặc. Đến lúc Bồ tát Di Lặc hạ sinh, các chư thiên ở nội viện Đâu Suất đều theo Ngài giáng sinh xuống nhân gian, ở trong Long Hoa tam hội và đều được giải thoát.

Do đó, dù sinh lên cõi trời (chưa ra khỏi ba cõi) nhưng nếu nguyện vào Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc, thì đã bảo đảm được giải thoát rốt ráo. Các vị cao tăng như: Pháp sư Đạo An, đại sư Huyền Trang, đại sư Khuy Cơ đời Đường cho đến đại sư Thái Hư, Hư Vân, pháp sư Từ Hàng... các ngài đều phát nguyện sinh về Tịnh độ Đâu Suất và trở lại giáo hóa chúng sinh.

Với cuộc đời và tâm nguyện to lớn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, khả năng Phật Hoàng của chúng ta có thể đang sống trên cõi trời Đâu Suất. Việc nhập hồn lưu bút các bài thơ thiền của Ngài cũng giống như sự giao cảm giữa thế giới người trời với cõi giới con người. Nó cũng là một bằng chứng chứng minh sự tồn tại của cõi giới vô hình (mắt thường không nhìn thấy) để cho chúng sinh cõi nhân tin tường hơn nữa về thuyết lý nhà Phật.

Cõi trời Đao Lợi (tầng trời thứ hai, chỗ ở của Vua Đế Thích) cũng là một cõi giới tác động nhiều thế giới con người. Theo Hòa Thượng Tuyên Hoá thì, Vua Đế Thích chính là Ngọc Hoàng theo quan niệm của người Trung Hoa, và là Chúa Giê su theo tôn giáo Thiên chúa giáo. Vua Đế Thích cai quản ba mươi ba vùng trời, là tầng trời thắng diệu, cảnh trí tuyệt vời, vì vậy gọi là thiên đàng của con người theo quan niệm của Thiên chúa giáo, chính là cung trời Chúa Giê su đang trị vì.

Phần này tôi không nói sâu về sự tác động của các bậc thánh, thần và Chúa Giê su xuống cuộc sống con người. Vì các tín đồ Thiên chúa giáo là người hiểu hơn những đệ tử Phật giáo chúng ta. Nếu chúng ta tin rằng Vua Đế Thích chính là Chúa Giê su, thì chúng ta sẽ hiểu vị giáo chủ của chúng ta - Đức Phật Thích Ca Mầu Ni vĩ đại như thế nào.

Chúng ta sẽ hiểu được những nhân gieo của các tín đồ Thiên chúa giáo là gì để được sinh lên cõi trời Đao Lợi. Từ đó ta sẽ có cái nhìn xuyên suốt về các tôn giáo và có sự cảm thông giữa những người thuộc tôn giáo khác.

Cõi trời Tứ thiên vương ở gần nhất với con người, nên các vị thiên vương cai quản mười phương thế giới cũng tác động đến cõi giới con người. Hiện nay người ta vẫn thờ Tứ thiên vươn,g như một sự bảo trợ cho sự bình yên của cuộc sống con người. Có bốn vị Thiên vương (Tứ Thiên vương) bốn hướng:

- Bắc Thiên vương với tên là Đa văn thiên có thân màu lục, tay trái cầm cờ chiến thắng, tay phải mang tượng chùa hoặc một bảo tháp, mà trong đó,theo truyền thuyết, Long Thụ đã tìm được những bộ kinh Hoa Nghiêm dưới Long cung, hoặc một con chuột mầu bạc phun ngọc. Vị Bắc Thiên vương là vị quan trọng nhất trong bốn vị Thiên vương

- Nam Thiên vương là Tăng trưởng thiên có thân màu xanh, cầm gươm chém Vô minh. Vị này chuyên giữ gìn những chủng tử tốt đẹp trong con người.

- Đông Thiên vương là Trì quốc thiên có thân trắng, tay cầm đàn, tiếng đàn sẽ làm tâm thức con người trở nên thanh tịnh.

- Tây Thiên vương tên Quảng mục thiên có thân màu đỏ, tay phải cầm rắn nhưng không cho nó chiếm giữ Như ý châu (ngọc như ý). Ngọc như ý chỉ chuyên dành cho những bậc giác ngộ và rắn chỉ là người canh giữ viên ngọc đó.

Ở Việt Nam, từ lâu người ta đã biết đến sự hiện diện của các vị thánh, thần xuống cõi người thông các qua hiện tượng Lên Đồng, hầu Đồng. Văn hoá Lên đồng được coi là một văn hoá khá đặc biệt của người Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta lạm dụng quá nhiều thì sẽ mang lại những tác hại không thể lượng được. Vì sao như vậy tôi xin được trình bầy ở phần sau.

3. Phi thiên – Hiện tượng hai

Ngoài bát bộ quỷ thần như, thiên thần, long thần... tôi đã nêu trong bài trước, còn có các vị thần tác động nhiều đến cõi giới con người. Theo kinh Địa Tạng bổn nguyện, khi Đức Thế Tôn giảng pháp tại Cung trời Đao Lợi cho mẹ là thánh mẫu Mada, thì có mặt những vị Thần ở cõi Ta Bà cùng cõi nước phương khác như : Thần biển, Thần sông, Thần rạch, Thần cây, Thần núi, Thần đất, Thần sông chằm, Thần lúa mạ, Thần chủ ngày, Thần chủ đêm, Thần hư không, Thần trên Trời, Thần chủ ăn uống, Thần cây cỏ...đến dự.

Trong kinh Hoa Nghiêm cũng ghi rõ, sông, núi, biển, các vùng đất...đều có các vị chủ thần. Từ xa xưa, con người đã biết sự hiện diện của các vị thần. Hầu hết các tôn giáo đều thờ các Thần. Họ cho rằng, các vị thần là những chúng sinh gần nhất với con người và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người. Sự tức giận của các vị thần có thể đem lại hạn hán, thiên tai, lụt lội và chiến tranh.

Ở Việt nam, phong tục thờ thánh, thần đã có từ lâu đời. Nếu không có sự soi sáng của đạo Phật thì những phong tục thờ thần thánh, lên đồng... đều có thể coi là hiện tượng mê tín dị đoan. Thực tế, khi các nhà ngoại cảm tiếp cận được với cõi giới vô hình, cõi giới âm thì lòng tin vào sự hiện diện của các bậc thánh thần càng cao. Đây cũng một động lực sự phát triển cúng bái ở Việt Nam lên đến mức cao độ.

Có thể đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến số lượng người có khả năng ngoại cảm tăng rất nhanh ở Việt Nam. Vì sao như vậy tôi xin được nói sâu hơn trong phần phân tích các hiện tượng ngoại cảm. Trong Câu chuyện Động lực vô hình được trích từ cuốn “Đường mây qua xứ tuyết” hay “Con đường mây trắng” của Lạt ma Analarika Govinda (hiện tượng hai) ta thấy sự hiện diện của các vị thần là ở khắp nơi trên quả địa cầu này.

Các vị thần có tính cách không khác nhiều so với chúng sinh cõi người. Nhà Phật cho rằng, do tạo nhiều công đức nên tái sinh làm thần chứ tham, sân, si trong các vị thần cũng không khác nhiều so với người trần thế. Vì tự cho mình có khả năng thần thông hơn loài người, mà đòi hỏi con người phải tôn vinh, thờ cúng. Nếu không đạt được theo ý muốn có thể gây tai hoạ cho người này người kia.

Theo quy luật nhân quả thì thiên tai, chiến tranh...là do nghiệp báo của con người gây ra, các vị thần linh nếu có tác động cũng chỉ là một chút xíu khi gạo đã sắp thành cơm. Nếu chúng ta cầu vọng quá nhiều có thể sẽ chuốc lấy hoạ vào thân.

Tôi đã được nghe kể lại câu chuyện vợ một người bạn học thời phổ thông. Vợ của anh bạn tôi, rất đam mê đi chùa, cúng vái. Không biết, sự cầu mong lớn đến mức nào mà sau một lần đi chùa về cô ấy tư xưng là con trời nhất định không ăn cơm chung với chồng con. Khi ăn phải ngồi trên cao. Cũng may là cô chưa có khả năng thần thông nào, nếu không có lẽ mọi người sẽ tin cô là con trời thật. Thực tế ngoài những lúc nói năng lảm nhảm tự nhận mình là con trời cô vẫn có một cuộc sống bình thường. Đây chính là kết quả sự trọng vọng và cầu mong quá lớn vào các vị thần linh.

Qua phần diễn giải trên ta thấy tác động của người trời xuống cõi nhân gian là khá lớn, nhưng thực tế không đáng là bao so với cõi ngạ quỷ. Vì sao như vậy tôi xin được giải thích tại phần ba của bài viết.



Trích dẫn

hiendde's Photo hiendde 19/03/2013

Phần Ba: Thân trung ấm – Hiện tượng bốn

Trước khi đi vào cõi ngạ quỷ tôi xin được nói qua về sự tác động của thân trung ấm vào cõi giới con người. Nói về thân trung âm tôi đã có hai bài viết khá sâu về những hiện tượng các nhà ngoại cảm tiếp cận với cõi âm (theo quan niệm dân gian). Ở đây tôi chỉ đề cập đến các trường hợp, thân trung âm nhập vào con người khi không có các cuộc mời gọi như: gọi hồn, áp vong...

Thực tế, sau khi rời khỏi thân xác, con người vẫn luôn đi tìm một thân xác mới cho mình. Chính vì sự mong cầu đó mà thân trung ấm được hình thành trong suốt giai đoạn chuyển tiếp về sáu nẻo luân hồi. Khi thân trung ấm đã hình thành thì khát vọng về một thân xác bằng xương bằng thịt vẫn rất mạnh mẽ, nhất là với những người chết trẻ, hay chết bất đắc kỳ tử do bị tai nạn. Việc bị rời bỏ thân thể quá nhanh thường làm cho người chết bị sốc không khác gì người sống khi người thân đột ngột ra đi.

Hòa Thượng Tuyên Hoá qua ngũ nhãn của mình đã nhìn thấy những cô gái chết trẻ, chết bất đắc kỳ tử thường bị rơi xuống cõi ngạ quỷ biến thành yêu tinh do sự luyến ái quá lớn vào cuộc sống. Trong quá trình đi tìm lại thân xác vật lý. Nếu thân trung ấm nào gặp được những tâm thức yếu hoặc đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu (đúng tần sóng) với mình thường nhập vào. Hiện tường này theo cách nói dân gian là hiện tượng ma nhập. Qua nhiều hiện tượng xẩy ra ta thấy những người quá gìa hoặc có tinh thần yếu đuối thường bị ma nhập hơn những người khoẻ mạnh có tinh thần vững vàng. Ở các miền quê thường bị nhập hơn ở thành thị.

Trong cuộc sống, những người chết trẻ thường tạo âm khí trong nhà lâu hơn những người chết già. Vì sự bám chấp vào cuộc sống của người trẻ lớn hơn người già. Những âm hồn hiện về hay luẩn quất trong nhà của người chết trẻ hay bị tai nạn thường hiện rõ hơn là người già do tâm tưởng mong cầu một thân xác mạnh nên thân trung ấm hiện rất rõ. Đôi khi người cõi dương không có khả năng ngoại cảm cũng có thể nhìn thấy được.

Tại cuộc hội thảo “Khoa học thực nghiệm về tâm linh” tổ chức ngày 17-12 tại Viện bảo tàng Quân khu bảy Thành Phố Sài Gòn, đã có một thông tin là ngoài việc chụp hình được người cõi âm, các nhà ngoại cảm đã yêu cầu được các vong linh hiện hình vào điện thoại di động. Hình người cõi âm hiện lên trong điện thoại di động không khác gì ảnh chụp của người cõi dương.

Kết quả này cho thấy, Kinh Trung ấm và Luận Vãng Sinh nói về thế giới thân trung ấm là chính xác và thật tuyệt vời.

Nói về hiện tượng này đại đức Tiến Sĩ Thích Nhật Từ, đã có bài giảng khá chi tiết trong phần Pháp âm trên trang web Đạo Phật Ngày nay. Chỉ có một chi tiết cần phải kiểm chứng lại đó là theo Tiến Sĩ Thích Nhật Từ thì ma (thân trung ấm) nhập vào người thường trong khoảng thời gian khá ngắn, vài tiếng đồng hồ là rời khỏi thân xác.

Nhưng theo hiện tượng tôi được biết (hiện tượng bốn) thì thần thức của cô gái nhập vào bà cụ chín mươi tuổi, cũng đã được vài ba năm đến nay vẫn chưa chịu thoát ra. Một số thông tin trên mạng cũng có nói một số trường hợp bị thân trung ấm nhập khá lâu. Không biết hiện tượng thân trung ấm nhập vào người có giống hiện tượng các cõi giới vô hình khác nhập không. Nếu cũng như vậy, thì theo kinh Thủ Lăng nghiêm hiện thượng ma gá vào người khác để quấy rối người tu hành (mười ma ấm tưởng thức) cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Thời hạn là bao lâu không thấy Kinh nói đến.

Cõi ngạ quỷ - Hiện tượng năm

Khi Phật còn tại thế, có lần Ngài hốt lên nắm đất và hỏi chúng đệ tử:

- Các ông nói, đất trong tay ta nhiều hay là đất trên đại địa này nhiều?

Đệ tử thưa:

- Đương nhiên là đất trên đại địa nhiều, còn đất trong tay Thế Tôn thì rất ít.

Đức Thế Tôn nói:

- Chúng sinh được thân người như đất trong bàn tay ta, trong khi chúng sinh bị mất thân người nhiều như đất trên đại địa.

Bị mất thân người nhiều như đất trên đại địa, vậy mất thân người rồi thì họ đi đâu, làm gì? Theo Hòa Thượng Tuyên Hoá thì Đương nhiên là đi làm quỷ! Vậy mà còn phải hỏi nữa sao? Cho nên quỷ so ra thì đông hơn người.

Trong chú Lăng Nghiêm có nêu danh nhiều vị vua của quỷ thần, trong đó có quỷ dạ xoa (nhanh lẹ), quỷ la sát (kinh sợ), quỷ thủ hồn, quỷ thủ thi, quỷ cưu bàn trà (làm người tê liệt, còn gọi là bóng đè, ma đè), quỷ điên, quỷ xú (thối), quỷ phú đan na (có mùi hôi độc), quỷ nhiệt, quỷ hàn, quỷ ảnh, quỷ âm nhạc...Ngoài ra còn có quỷ ăn hoa, quỷ ăn mỡ, quỷ ăn đèn, quỷ ăn ngũ cốc...Sự biến hóa của chúng, quả là vô cùng vô tận, vô lượng vô biên.

Trong kinh Phật thuyết Ma Ni La Đản Đức thế Tôn nói, Có Quỷ trong quốc gia, có Quỷ trong núi, có Quỷ trong rừng, Có Quỷ ở mộ cỏ, có Quỷ ở bãi tha ma, có Quỷ trong mồ mả đắp cao, có Quỷ trên mặt đất, có Quỷ trong nước, có Quỷ bên bờ nước, có Quỷ trong lửa, có Quỷ bên lửa, có Quỷ Bắc Đẩu, có Quỷ trong hư không, có Quỷ trong giếng ở chợ, có Quỷ là người chết (Tử Nhân Quỷ), có Quỷ là người sống (Sinh Nhân Quỷ), có Quỷ đói khát, có Quỷ trong nhà, có Quỷ ở trong thân, có Quỷ ở ngoài thân, có Quỷ ăn cơm, có quỷ lúc nằm nghỉ...

Trong bộ kinh Petakkathà - Ngạ quỉ kinh giải, có kể ra hai mươi bốn thứ ngạ quỉ đầy đủ chi tiết. Trong một một số kinh điển nói, Ngạ quỷ đạo còn gọi quỷ thần đạo. nói loài quỷ do nhân tạo trung phẩm thập ác mà được sinh, chia làm hai hạng: hạng có uy phước và hạng không uy phước. Đây là những chúng sinh do tạo nghiệp nhân bất thiện từ thuở tiền sinh mà cảm lấy thân ngạ quỷ.

Loại quỷ thần uy phước cũng có cung điện, thân tướng trang nghiêm nhiều kẻ tùy thuộc, hoặc thọ dụng những trân vị cam lồ, hoặc được người thờ cúng. Loại này chia làm hai hạng: chính thần và tà thần. Bậc chính thần thì giữ lòng chân chính hay giúp đỡ nhân gian, hạng tà thần tâm niệm quỷ quyệt không chân thật, đa sát, thường làm tổn hại mọi người. Loài quỷ không uy phước thì vất vả, ở chỗ âm u, thường đói khát, hoặc ăn những đồ bất tịnh.

Xứ sở của quỷ thần có hai nơi: chính trụ và biên trụ. Biên trụ là những chỗ như mé biển, triền núi, rừng bụi, đình miếu, hang hố, mồ mả cho đến vườn nhà cùng các nơi bất định. Chính trụ là xứ sở riêng của loài nghiệp nặng, thuộc về thế giới ngạ quỷ. Biên trụ là xứ sở của các quỷ thần nghiệp nhẹ hoặc có phước nghiệp, thuộc về hạng ở lẫn lộn trong nhân gian. Thế giới của quỷ là vô cùng vô tận, phần lớn quỷ lại sống chung với người chỉ khác về không gian, tham sân si lại rất nặng nên tác động của thế giới này vào cõi giới con người là rất lớn và khó nhận biết.

Từ lâu trong dân gian Việt Nam thường có câu : Nghịch như quỷ. Ma đưa lối quỷ dẫn đường. Xấu như quỷ …để chỉ những hành vi mang tính quỷ của con người. Vì trong tính cách người và tính cách quỷ có nhiều điểm tương đồng lẫn lộn nên khó phân biệt ranh giới đâu là hành động của con người, đâu là hành động bị tác động của thế giới quỷ.

Nếu nói hết những suy nghĩ nhận biết của tôi thì rất dài. Trong bài viết này tôi chỉ nói một phần nhỏ để bạn đọc cũng như chính tôi nhận ra một điều gì đó tránh tác động xấu của thế giới ngạ quỷ này. Vì ngạ quỷ cũng chia ra nhiều loại nên tác động của chúng lên thế giới con người cũng khác nhau. Tôi chỉ xin nói về hai loại điển hình. Loại sống lâu thành tinh (quỷ thần), loại bình thường sống lẫn lộn với con người.

Trong Kinh Phật thuyết Ma Ni La Đản, Đức Phật hỏi A Nan (Ananda) rằng:

- Người dân trong Thiên Hạ chẳng được an ổn là do việc gì? Do vạn dân trong Thiên Hạ có nhiều tật bệnh . Bệnh đau nhức là do nhóm nào ? Do đau nhức khi rời khỏi Thai mẹ , đo đâu vì tim bị thương , đau đầu, mắt mờ, chẳng thể ăn uống... đều do Ma Quỷ gây ra

Qua đoạn kinh trên ta thấy, ốm đau bệnh tật của cõi giới con người không chỉ do nghiệp báo, do sinh hoạt không hợp lý mà còn do thế giới ma quỷ tác động vào. Hiện nay có rất nhiều loại bệnh bác sĩ tây y không thể dùng thuốc men chữa được mà phải nhờ các nhà ngoại cảm chữa bằng phương pháp tâm linh. Trong cuộc sống con người có khá nhiều hiện tượng như : Người hành động một cách vô ý thức theo một sự sai khiến của thế lực vô hình. Tâm tính con người đang bình thường bỗng trở nên khác lạ trong một khoảng thời gian...

Đó là những hiện tượng có thể coi là bị ma quỷ nhập. Hiện tượng năm là hiện tượng của nam diễn viên Holywood - Michael Bear đã hành động theo một sự sai khiến từ bên trong (thế giới quỷ) là một trong những hiện tượng khá điển hình đối với sự tác động của thế giới ngạ quỷ. Vì sao quỷ lại thích nhiễu loạn con người ? Theo Hòa Thượng Tuyên Hoá thì “Ngạ quỷ thích giận”. Phàm là loài quỷ thì thích nóng giận, sinh tâm sân hận. Người đối với chúng tốt, chúng cũng sinh tâm sân hận; đối với chúng không tốt chúng cũng sinh tâm sân hận. Chúng thích nhất là gì ? Là nhiễu loạn người khác.

Quỷ có bao nhiêu loại? Cũng có nhiều loại như cát sông Hằng, vô cùng vô tận. Quỷ gồm có tài quỷ và vô tài quỷ. Tài quỷ là quỷ có thế lực, làm quỷ vương trong loài quỷ. Quỷ vô tài là quỷ chẳng có thế lực, tức cũng là quỷ nghèo. Vì chúng nghèo cho nên chúng quấy phá nhiễu loạn người, đến khắp nơi gây nhiễu loài người. Nếu bạn muốn biết quỷ có bao nhiêu loại thì bạn hãy tu đạo, khi nào bạn khai mở ngũ nhãn lục thông thì sẽ biết quỷ có bao nhiêu loại.

Không phải ai trong cõi giới con người cũng đều bị tác động. Loài quỷ chỉ có thể tác động vào những con người có cuộc sống và tính cách gần giống như nó. Nghĩa là khi tâm con người không trong sạch, sự mong cầu quá nhiều, thường hay giận dữ, thì đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu là ma quỷ nhập liền. Nếu con người cứ buông thả cuộc sống tham lam hưởng thụ, buông thả theo các vọng niệm buồn vui giận hờn đến một lúc nào đó ma quỷ sẽ làm bạn với chúng ta. Khi đã làm bạn với ma quỷ thì cuộc sống của bạn trong lần tái sanh kế tiếp sẽ tương ứng với cõi ngạ quỷ.

Đối với các loài quỷ thần thì sự tác động còn đáng sợ hơn. Phần này tôi sẽ phân tích sâu hơn trong bài viết tiếp theo. Hiện tượng ngoại cảm và các nhà ngoại cảm. Vì sao sự tác động của các loài quỷ thần đáng sợ? Vì khi nó đã tác động vào cõi giới con người (giống như các vị thần) người bị nhập đều có một khả năng thần thông nhất định. Chính khả năng này sẽ gây tác hại rất lớn cho người đó tại kiếp sống sắp tới và trước mắt nếu là quỷ tà thần thì có thể lôi kéo một số đông người vào con đường mê tín di đoan làm bạn với ma quỷ.

Sự phân biệt rạch ròi giữa Phật và ma nằm trong chính điều này.
Trích dẫn

themayman's Photo themayman 20/03/2013

Cảm ơn bác Hiendde chưa đọc hết em đã thấy thích bài viết này nắm rùi giờ em có việc bận sẽ đọc lại sau bác ạ!
Một nần nữa cảm ơn bác nhìu !!!
Trích dẫn

hiendde's Photo hiendde 20/03/2013

Kết Luận

Nếu chúng ta không tự làm trong sạch con người của mình, suy nghĩ của mình chúng ta sẽ bị tác động của thế giới này mà không hề hay biết.

Liều thuốc thử để phân biệt đâu là năng lực thật sự của các nhà ngoại cảm đâu là năng lực do thế giới bên ngoài tác động đó chính là Chú Thủ Lăng Nghiêm. Thực tế có một số Chú khác như: Chú Đại bi, Chú Tiêu tai cát tường, Chú Phật mẫu Chẩn Đề...cũng có công năng gần giống như vậy, nhưng đối với việc phá ma, trừ quỷ thì Chú Thủ Lăng Nghiêm là hữu dụng nhất.

Khi tôi tôi nói điều đó chắc sẽ có nhiều người ngạc nhiên? Tụng trì Chú Thủ Lăng Nghiêm làm sao có thể là liều thuốc thử cho những khả năng ngoại cảm của con người? Phân biệt được đâu là năng lực thật sự, năng lực từ bên ngoài đưa vào bằng cách nào? Tác giả nói có vẻ hoang đường quá!

Những điều tôi nói trên đều dựa trên cơ sở Phật giáo và được thực nghiệm từ chính kinh nghiệm bản thân. Nếu các bạn hành trì đúng theo những gì các bậc cao tăng nói các bạn sẽ có linh ứng liền. Như tôi đã đề cập trong phần đầu tiên của bài viết, Kinh Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh rất chân thật, đã nêu ra được các căn bệnh của thế gian, các loài yêu ma quỷ quái phải hiện rõ nguyên hình. Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ rõ chính đạo, tà đạo, phân biệt Phật, ma do đó nó được ví như “liều thuốc thử, kinh chiếu yêu” cho tất cả các hiện tượng khả năng của con người.

Chú Phật đỉnh Như lai tượng trưng cho trí tuệ Phật diệu dụng vô lượng vô biên. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đoạn ba. Khai thị xuất sinh chư Phật, Hàng phục tà ma, Rộng ban ơn cho chúng sinh, Đức Phật nói:

- Anan, những câu mầu nhiệm, những kệ bí mật “Tát đát đa bát đát ra“ của hoá thân nơi hào quang đỉnh Phật sinh ra tất cả các chư Phập thập phương. Thập phương Như lai nhân chú tâm này thành được Vô thượng chính biến tri giác. Thập phương Như lai nắm chú tâm này uốn dẹp các ma, chế phục các ngoại đạo...

Đoạn Năm. Khai thị sức của thần chú:

- Nếu sau khi tôi diệt độ rồi, chúng sinh trong đời mạt pháp, có người biết tự mình tụng hoặc dạy người khác tụng chú này, nên biết những chúng sinh trì tụng như vậy...cho đến các hàng thiên, long, quỷ, thần, tinh, kỳ, ma, mị có những chú dữ ấy đều không làm gì được. Tâm người ấy được chính thụ...Tất cả ác tinh với các quỷ thần, lòng dữ hại người, đối với người ấy cũng không thể khởi ra ác niệm.

Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa:

- Mỗi câu trong thần chú Lăng Nghiêm đều có vô lượng ý nghĩa. Mỗi nghĩa đều có vô lượng công năng. Nên biết rằng thần chú Lăng Nghiêm là Linh Văn (ngôn ngữ nhiệm mầu) trong trời đất, là pháp bảo vô thượng, là châu báu cứu mạng tất cả chúng sainh. Là linh văn giữa các linh văn, và bí mật trong các sự bí mật.

Thần chú này bao trùm muôn vật, trên thì đến mười phương chư Phật, dưới thì tới địa ngục A Tỳ; tất cả bốn hàng thánh vị (Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác) và sáu loài phàm phu (trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A Tu La) đều tôn kính thần chú này.

Mọi sự thâm sâu, áo diệu và những sự không thể nghĩ bàn trong trời đất, tất cả đều nằm trong thần chú này… Đây là pháp tam muội căn bản và bí mật rốt ráo nhất mà không ai cũng có thể hiểu rõ và nhận ra pháp bí mật này….

Chú Lăng Nghiêm toàn là những câu thần chú dùng để hàng phục thiên ma, chế ngự ngoại đạo. Từ câu chú đầu tiên đến câu chú cuối cùng, mỗi câu đều có một sự diệu dụng và uy lực bất khả tư nghì của nó. Cho nên, Phật vì Chú Lăng Nghiêm mà thuyết Kinh Lăng Nghiêm...Ma vương, yêu quái, lỵ mị sợ nhất là Chú Thủ Lăng nghiêm.

Sự diệu dụng của Chú Thủ Lăng nghiêm (vua của các loại chú) là không thể nghĩ bàn. Kinh Lăng Nghiêm thuyết: Nếu thường tụng trì thần chú Lăng Nghiêm cho đến khi có công phu và đạt diệu dụng, thì 84.000 Bồ Tát Kim Cang Tạng và quyến thuộc của các ngài sẽ thường đi theo và bảo hộ quý vị, khiến tất cả sở cầu đều được như ý nguyện. Nếu chúng ta coi kinh Phật là những bài thuốc chữa bệnh thì các Chú được cho là những viên thuốc vi diệu, bất khả tư nghì.

Đối với người hành thiền đi vào cửa Không thì Chú Thủ Lăng Nghiêm là phương thuốc hiệu nghiệm để tránh các ma chướng. Trong thời mạt pháp, thiên ma, ngoại đạo, lị mỵ vọng lượng sơn yêu thuỷ quái sợ nhất là chú Thủ Lăng Nghiêm vì chú Lăng nghiêm có công năng phá tà, hiển chính.

Vì vậy mà người bình thường cũng có thể dùng Chú Lăng Nghiêm để tiêu trừ nghiệp chướng, làm trong sạch thân tâm, giảm bớt tham sân si và đuổi yêu trừ tà.

Theo Hòa Thượng Tuyên Hoá thì khi tụng Chú Lăng Nghiêm thấy trong người nóng bức, rung lắc mạnh, người bứt dứt khó chịu, thân nghiêng ngả, người mệt mỏi là trong bạn có hiện tượng ma quỷ nhập. Nhiều thì quỷ thần, ít thì loại ma tham sân si của các loại ngạ quỷ nghèo đói.

Đối với những người đang có khả năng ngoại cảm, nhất là những người tự nhiên có được. Hoặc lúc được, lúc mất thì càng phải nên tụng trì Chú. Khi tụng phải thành khẩn, liên tục cho đến khi nào trong người thấy thanh nhẹ, tâm an ổn hướng thiện.

Thần chú là những lời mầu nhiệm chứa đựng năng lực đặc biệt đưa đến kết quả siêu việt, áo nghĩa trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức cho thân, khẩu, ý. Nếu chưa biết tụng thì có thể vào chùa nhờ các thấy có kinh nghiệm hướng dẫn.

Nếu trì tụng một cách thành khẩn, nghiêm túc, sau sáu tháng khả năng ngoại cảm vẫn còn, tâm trong sáng, càng hướng tới điều thiện thì đó là khả năng tự thân. Còn nếu khả năng này mất hẳn sau một thời kỳ rung lắc, có nghĩa là bạn đã bị quỷ thần nhập. Khi bị quỷ thần nhập cũng như quỷ thần xuất ra khỏi người, cơ thể bạn sẽ bị chấn động về mặt tinh thần lẫn thể xác. Có nhiều hiện tượng đến cả các bậc cao tăng cũng không làm thoát được khi ma quỷ nhập vào người.

Đối với những hành giả đang tu thiền, nếu tụng trì Chú Lăng Nghiêm trong vòng khoảng sáu tháng với vọng niệm dứt bặt, lòng tin tuyệt đối thì sẽ có linh ứng. Tôi nói điều này không phải chỉ là nhắc lại lời các bậc đại sư nói mà bằng chính sự thực hành của mình. Nếu các bạn thấy khó tin thì thử đi nhé. Nếu các nhà ngoại cảm có được khả năng thần thông do thế giới khác thâm nhập vào thì phải lập tức thoát ra ngay. Vì ma quỷ ở lâu trong thân xác người sẽ dẫn đến nhiều tình trạng vô cùng tai hại.

- Thứ nhất, làm sai lệch quy luật nhân quả của con người, dẫn đến việc nghiêng lệch về nghiệp quả của chúng sinh nhập. Người bị nhập do tự nhiên có được khả năng thần thông (khác người) nên thường được mọi người trọng vọng. Từ đó nẩy sinh tính ngã mạn, đây cũng là sự khác biệt giữa Phật với ma. Người tu hành hướng về cửa Phật, khi đạt tới mức chứng có được thần thông thì càng từ bi, nhân ái, hỷ xả ... Người không do nhân tu hành mà đạt được thì cổng cao, ngã mạn, thị phi…

- Thứ hai, nếu sức thần thông càng lớn có thể tạo ra uy lực khiến người khác phải kính nể, dẫn đến sự lôi kéo nhiều người đi theo mình. Thần thông do quỷ thần nhập thường đi vào tà đạo. Một người theo con đường tà đạo thì tội một. Nếu kéo nhiều người vào con đường tà đạo thì tội mười. Địa ngục vô gián là cửa mở cho cả thầy lẫn trò trong kiếp tái sinh sắp tới.

- Thứ ba, khi ma quỷ đã nhập tức là huyệt đạo bị mở, mở ra mở vào nhiều lần rất dễ tạo điều kiện cho các cõi giới vô hình khác nhập vào. Con người sống ở thế giới nào đều do nghiệp báo dẫn dắt. Nếu không vì một lý do nhân đạo như đưa các hài cố của những người đã chiến đấu vì tổ quốc về quê hương, điều tra hình sự kẻ giết người…thì chúng ta cũng không nên khuấy động cõi giới khác để tạo ra những xáo trộc trong cuộc sống cõi người.

Qua đây ta cũng thấy việc áp vong, gọi hồn hay lên đồng đều không có lợi cho người sống và cả người chết. Chỉ gây sự luyến ái, bám chấp cao làm cho cho người ra đi không siêu thoát được.

Mỗi một con người có một nghiệp riêng. Mỗi một cõi giới cũng có nghiệp báo riêng. Một khi đã chuyển sang cõi giới khác, thì nên để cho chúng sinh sống ở thế giới nào nằm yên ở thế giới đó. Trừ những trường hợp cần thiết còn chúng ta không nên khuấy động, làm thay đổi quy luật nhân quả.

Cũng giống như người sống, nều có cầu thì có sự đáp ứng. Nếu chúng sinh cõi người không mong cầu thì làm sao quỷ, thần, linh đến. Vì 90% con người lên chùa chỉ là để cầu nguyện. Lên đồng hay hầu đồng cũng là mời thần thánh về phù hộ. Sự cầu cúng quá mức đã dẫn đến tình trạng các cõi giới khác tác động đến cõi giới con người ngày càng nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà số lượng các nhà ngoại cảm tăng nhanh ở Việt Nam.

Có thể chính sự khát khao của những người chết xa quê hương trong chiến tranh là cái nhân để tạo quả cho sự ra đời của các NNC. Những người nhìn được, giao tiếp được với thế giới thân trung ấm. Chúng ta hãy coi những NNC có năng lực thực sự như là một nghiệp báo tốt cho cuộc chiến tranh kéo dài quá lâu trong lịch sử dân tộc Việt Nam hơn là tự cho mình là nước có trình độ tâm linh bậc nhất.

Việt Nam với diện tích 320.000 km2 có trên ba triệu người chết trong chiến tranh. Như vậy, riêng thế giới thân trung ấm cũng đã là một sự chi phối quá lớn chưa kể đến các cõi giới khác. Sự cầu cúng quá mức sẽ không giúp được người âm bao nhiêu mà lại khơi dậy sự tham lam, sân hận trong thế giới quỷ thần, làm cho thế giới này tác động mạnh hơn vào cõi giới con người.

Qua loạt bài phân tích trên ta thấy, thế giới mà ta sống đang chịu ảnh hưởng rất nhiều sự tác động của các cõi giới vô hình khác khác. Vì con người nằm trong thân ngũ uẩn nên luôn thiên về chiều hướng vui chơi hưởng thụ thoả mãn những nhu cầu của thân xác. Khuynh hướng đó rất gần gũi với cuộc sống của cõi giới ngạ quỷ.

Nếu chúng ta không tự làm trong sạch con người mình, suy nghĩa mình chúng ta sẽ bị tác động của thế giới này mà không hề hay biết. Để tránh được điều đó, Đức Phật đã dậy:

- Làm việc thiện - Không làm việc ác - Làm trong sạch ý nghĩ của mình.

Câu nói tuy rất đơn giản, nhưng hàm ý lại rất sâu sa không dễ ai có thể thực hiện được. Nhưng đây chính là một bảo bối để chúng ta có thể làm kim chỉ nam cho cuộc sống hiện nay.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni Phật ! Nam mô Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm !

Hồng Vân

Trích dẫn