VuiVui, on 02/03/2013 - 03:39, said:
Đặt vấn đề:
Khi khởi tạo vòng Tràng sinh đối với ngũ hành trên địa bàn lá số tử vi. Đối với ngũ hành nạp âm, mà trong Tử vi, ngũ hành Cục được xác định, bởi ngũ hành nạp âm của cung an Mệnh, thì việc khởi Tràng sinh của Thủy hành và Thổ hành được khởi cùng một cung. Đó là cung Thân trên địa bàn lá số tử vi.
Điều này sẽ thấy có sự khác nhau như đối với khởi tràng sinh của thiên can bính - mậu, đinh – kỷ. Bính (hỏa) – Mậu (thổ) khởi Tràng sinh ở Dần cung địa bàn lá số tử vi (để ngắn gọn, từ nay về sau, trong toàn bài xin viết tắt thân cung, hay Dần cung là cung xác định trên địa bàn 12 cung lá số tử vi. Nếu là Thân cung, để tránh nhầm lẫn, nếu có ý nghĩa khác thì sẽ viết thêm là Thân Mệnh trong ngoặc liền chữ Thân cung). Đinh (hỏa) – Kỷ (thổ) khởi Tràng sinh ở Dậu cung (theo một số tài liệu khá phổ biến, như thiệu vĩ hoa, ...).
Tại sao vậy ?
Trước khi đi vào lý giải vấn đề này, chúng ta cần làm rõ một số thuật ngữ.
Cung trên địa bàn lá số tử vi.
Chúng ta biết rằng địa bàn lá số tử vi có 12 cung, được sắp xếp bởi 12 ô liền kề nhau thành một "vành" kín. Trên giấy hình chữ nhật, chúng được sắp xếp một cách có quy ước, 3 cung bên trái từ dưới lên trỏ phương đông, phương đông hành mộc. 3 cung phía trên từ trái sang phải trỏ phương nam, phương nam hành hỏa. 3 cung phía phải từ trên xuống – phía tây, kim. 3 cung còn lại hướng về phía bắc, thủy. Về cấu trúc âm dương, được sắp xếp một cách xen kẽ liên tục cứ một cung dương là tới cung âm, rồi lặp lại dương cung, âm cung cứ thế cho hết vòng. Như nhau cả về hai phía. Về cấu trúc ngũ hành chúng được xác định với hai cung Mộc, hai cung Hỏa, hai cung Kim, hai cung Thủy và 4 cung Thổ, với mỗi hành đủ cả âm dương. Cấu trúc âm dương và ngũ hành được sắp xếp cũng không phải là sự tùy tiện. Chúng có cơ sở, nhưng chúng ta không bàn ở đây. Hẵng chấp nhận như chúng ta đã biết.
Xem 12 cung này như một sơ đồ, trên đó người ta sắp xếp 12 địa chi từ tý sửu ... tới hợi. 12 cung mệnh, bào, .... tới phụ mẫu. An 12 giai đoạn của vòng tràng sinh. ...Việc sắp xếp này,
Lẽ tự nhiên, việc sắp xếp, hay gán từ địa chi, ... tới Tràng sinh đều có cơ sở của nó, không phải tự nhiên thích đặt vào thì đặt, rồi tự cho 12 địa chi là gốc, hay 12 cung mệnh bào ... hoặc 12 tên thời của vòng Tràng sinh là gốc, hay là ngọn. Nhưng ở đây, chúng ta không xét tới mà chỉ thừa nhận chúng như những tập hợp có mặt trên một sơ đồ có cấu trúc xác định.
Cũng như vậy, thập thiên can cũng được "đặt" lên địa bàn này. Nhưng không như với đối tượng có số 12, ở thiên can, chúng ta chỉ có 10.
Cũng vậy, khi an vòng tràng sinh cho mỗi hành, chúng ta cũng gặp phải vấn nạn về sự thừa ra một hành, bất kể là hành địa chi hay hành thiên can. Hành "thừa" ra đó là hành Thổ.
Đến đây ta thấy từ Địa chi, Thiên can, Mệnh ... Phúc đến Tràng sinh đều phải xem 12 cung địa bàn là "nơi chốn" để "cư ngụ" với mỗi lý do "cư ngụ" khác nhau phù hợp với đối tượng cư ngụ. Nhưng đáng chú ý hơn cả là sự cư ngụ của 12 địa chi, bởi nó có sự tương ứng 1 – 1 rất tiện lợi cho việc đặt tên cung. Nhưng cần nhớ rằng, việc đặt tên này không thống nhất, như cung mà người Việt gọi là Mão, thì người Trung quốc gọi là Thỏ. Bởi vậy đối với Thân cung, nếu không có sự ghi chú thêm cho rõ là Thân Mệnh để phân biệt, do sự đồng dạng về chữ viết thì dễ gây nhầm lẫn. Ngoại trừ thì viết thế nào cũng không đưa tới hiểu lầm. Còn như muốn biểu thị ý tứ sâu xa hơn, thì khi nói Thân cung địa chi, ấy là ta lưu ý tới cung có tên là Thân có mặt trong 12 con giáp. Còn như gọi Thân cung trên địa bàn lá số thì lưu ý ta tới cái gốc của địa bàn, mà cung có tên Thân ấy mà không sợ hiểu lầm sang cung khác, hay nghĩa khác.
Đối với mục tiêu xác định cung, thì gọi Thân cung là đủ, nếu có ý nghĩa Mệnh Thân thì như chúng ta thường làm là ghi chú bên cạnh.
Trong đáp án lý giải Thủy Thổ nạp âm khởi tràng sinh ở Thân cung vì lý Thủy tụ nhờ Thổ sinh.
Chúng ta làm rõ nghĩa của từ TỤ.
Tụ và Tán là cặp phạm trù âm dương. Điều đó có nghĩa là gì ? Là nói tới tụ thì phải thấy được tán. Muốn biết tán là gì thì phải hiểu được tụ là thế nào. Tụ tán là cặp đối lập. Như trong đông y có nói, xem bệnh mà thấy nguyên thần tán thì bệnh vong. Nguyên thần còn (tụ) thì còn sống. Xem mạch con bệnh mà thấy mạch tán thì thầy thuốc được khuyên là không chữa được con bệnh đó nữa, dù có thấy con bệnh có vẻ như đang khỏe mạnh, hoặc sẽ được tiên lượng là chết trong nay mai. Nhưng đối với con bệnh có vẻ như trầm trọng, nặng mà thấy mạch vẫn còn khí lực (mạch tụ) thì tiên lượng con bệnh sẽ khỏi.
Trong phong thủy, hình như cũng có chân lý này. Chẳng hạn đối với huyệt mộ, khí tụ thì cát, khí tán thì suy. ...
Như thế, nghĩa của "tụ tán" bao hàm nghĩa có tụ thì có sinh, tán thì diệt. Tụ tán như sinh diệt vậy.
Tụ với Tán còn nghĩa trực tiếp, đó là nói về một dạng vận động của tập hợp, theo nghĩa đó, với mỗi sự "tụ tập" của một đối tượng xác định thì tụ tán nói lên một dạng vận động đặc trưng của đối tượng đó. Như tụ hội là sự tụ tập của đám đông người cho một lễ hội nào đó. Tụ nghĩa là sự tụ tập của một nhóm người có nghĩa khí, đồng tư tưởng chẳng hạn như tranh đấu cho lý tưởng nào đó, ...
Theo đó thì Tụ, không làm mất đi ý nghĩa chuyển động, biến hóa của đối tượng ... tụ tập vậy.
Theo nghĩa đó, mệnh đề Thủy tụ nhờ Thổ sinh cũng tương đương với mệnh đề Thủy Thổ đồng sinh.
Thế thì tại sao lại không nói luôn là Thủy Thổ đồng sinh cho rồi, còn vẽ vời ra làm gì ?
Đó là vì, đối tượng của ta mô tả, không chỉ nói tới ý nghĩa sinh diệt là đủ. Để hiểu sâu thêm nữa cho đối tượng Thủy hành nạp âm đối với việc dùng chữ Tụ thích ứng thế nào, chúng ta đi vào lý giải vấn đề được đặt ra ở trên.
Ngũ hành, như chúng ta biết từ trước tới nay. Ta gọi là ngũ hành đơn, hay ngũ hành tổng quát, hay là ngũ hành gốc cũng được, do để phân biệt với ngũ hành nạp âm, ngũ hành hóa hợp, ... Nếu không, thì từ trước tới nay, chúng ta vẫn gọi đơn giản là ngũ hành. Trong ngũ hành có nói đến luật tương sinh và tương khắc. Chúng ta hầu như chỉ được trình bày quy luật tương sinh tương khắc – có ở hầu hết các tài liệu phổ biến – như nói Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim. Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc và Mộc khắc Thổ.
Chúng ta có nhận xét rằng, đối với luật tương sinh, thì người ta gọi hành sinh ra hành mới là hành mẹ, hành mới được sinh ra là hành con. Như Thủy sinh Mộc thì Thủy là mẹ, Mộc là con. Theo cái nhìn từ 12 giai đoạn của vòng Tràng sinh – chu trình sinh trưởng – thì muốn "mẹ sinh ra được con" thì mẹ phải đã tới tuổi "trưởng thành" rồi. Chứ cái việc trẻ con biết đẻ, cụ già biết sinh đều là trái với đạo tự nhiên. 12 giai đoạn của vòng tràng sinh, thì giai đoạn "trưởng thành" thì đó là Lâm quan. Bởi vậy, nếu Thủy sinh ở Thân cung thì Mộc phải sinh ở Hợi.
Điều này vẫn đúng hoàn toàn đối với Thủy Mộc nạp âm.
Thế nhưng, đối với Thổ hành, thì Thổ hành nạp âm và Thổ hành đơn có sự khác nhau. Bởi vì với thổ hành đơn thì như đã biết, chỉ có Mộc khắc Thổ, chứ không có Thổ vượng Mộc. Nhưng Thổ nạp âm với Mộc nạp âm thì khác. Ngoài luật vốn có là Mộc khắc Thổ đúng chung cho ngũ hành, thì hành nạp âm Thổ Mộc còn có luật Mộc Vượng nhờ Thổ Dưỡng. Cái lý này, chúng ta liên hệ tới cái việc mẹ sinh con đã đành, nhưng mẹ cũng phải nuôi con, để con lớn lên. Với mệnh đề Mộc vượng nhờ Thổ dưỡng thì Mộc hành nạp âm là con đối với Thổ nạp âm nuôi nấng là mẹ. Phàm, mẹ muốn nuôi con thì mẹ cũng phải trưởng thành mới đủ sức nuôi được con. Trẻ con nuôi con hay người già chống gậy nuôi con đều trái với lẽ tự nhiên. Nhưng bởi vì Mộc hành khởi tràng sinh ở Hợi, tất Hợi phải là Lâm quan của Thổ dưỡng. Do đó mà Thân cung phải là Tràng sinh của Thổ nạp âm. Cũng là đồng sinh với Thủy nạp âm vậy.
Ở đây ta nhấn mạnh một điểm. Cần phải hiểu chính xác khái niệm được sử dụng trong các phát biểu nội dung của luật. Mộc vượng nhờ thổ dưỡng thì do như đã phân tích ở trên, không thể đánh đồng với Thủy tụ nhờ Thổ sinh, để mà quy đồng về một chỗ Mộc phải sinh cung với Thổ. Sự khác nhau khái niệm Dưỡng và Tụ là rõ ràng.
Như thế luật nạp âm đã lý giải tại sao Thủy Thổ nạp âm khởi tràng sinh cùng thân cung.
Thân ái.