Tuy nhiên, có một số người bạn phản ánh với TT về việc họ muốn ăn chay nhưng không đủ dinh dưỡng, cơ thể mệt mỏi, một vài người có biểu hiện khô da, nứt nẻ... TT nhận thấy bài viết trước của mình có lẽ thông tin còn đưa chung chung, chưa được cụ thể về việc làm sao để có thể ăn chay trường, nghĩa là ngoài vấn đề dinh dưỡng còn cần đến phương pháp.
Vậy phương pháp như thế nào?
Thực lòng TT không rõ , bởi TT nhờ có duyên, chỉ chuyển một niệm mà ăn chay, không thông qua sự tập luyện nào nên nói về phương pháp sẽ không được hay bằng những người đang tập ăn chay hoặc chuyên gia về dinh dưỡng, họ có kinh nghiệm thực tế hơn, tuy nhiên TT vẫn muốn chia sẻ một chút cách nhìn của mình, hy vọng sẽ có ích.
Trước hết, bạn nói thiếu dinh dưỡng?
Đồng ý rằng cơ địa mỗi người khác nhau, có người cơ địa kém, ăn uống đa dạng hơn, thậm chí mua vitamin uống bổ sung mà vẫn cảm thấy thiếu chất là bởi cơ thể không hoặc tổng hợp kém các chất thiết yếu.
Nhưng cũng đừng nhầm lẫn giữa thiếu chất và rối loạn tiêu hóa bởi người bình thường đều có khả năng tổng hợp đủ các chất thiết yếu cho cơ thể, tuy nhiên vẫn có thể gặp một số triệu chứng gần giống với thiếu chất, thực ra là do sự thay đổi đột ngột chế độ ăn uống.
Có người nói vì công việc cần nhiều năng lượng, có người thì học võ ( )... TT xin phép không đánh giá các bạn có thực sự thiếu chất hay không. Nhưng có thể lấy TT làm ví dụ:
- Về ăn uống: Mỗi ngày TT ăn trung bình 2-3 bát cơm, khoảng 1-2kg rau luộc, đồ ăn khác thi thoảng có thêm như vừng, lạc, đậu phụ, trứng (rất ít khi); đồ uống thì thi thoảng có sữa bò, sữa đậu nành.
- Về hoạt động: Thể thao- đạp xe đạp mỗi ngày khoảng 40km vào buổi sáng, lâu lâu đạp 80km hoặc 1 cen (160km). Thể dục- chống đẩy được 120 lần (hiện điều chỉnh giảm còn 90-100), ngoài ra còn tập cơ bụng, cơ chân...
- Về công việc: Ngồi làm việc bên máy tính khoảng 12h/ngày.
Với hoạt động thể thao tương đối mạnh của TT, người tập võ bình thường không thể bằng được về khía cạnh tiêu hao năng lượng, chưa kể công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ thường diễn ra 12 tiếng/ngày.
TT rất ngại chia sẻ đời sống riêng tư, nhưng nói ra để mọi người thấy ăn chay không hề thiếu chất. Tuy nhiên, thi thoảng TT cũng gặp triệu chứng khô da, môi... mặc dù dinh dưỡng hoàn toàn đủ, như vậy càng thấy vấn đề có liên quan đến tiêu hoá, bài tiết của cơ thể.
Thời gian đầu ăn chay, nếu không có chế độ ăn uống đa dạng mà thường chỉ có một vài món lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến thiếu chất khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi. Nhưng khi đã ăn uống đa dạng rồi, đủ chất, cơ thể có chút thay đổi cũng dễ khiến ta ngộ nhận rằng mình thiếu chất. Do đó với những bạn không ăn chay được ngay lập tức thì nên tập từ từ.
Tập như thế nào?
Trước hết xin có một vài lưu ý.
Người ăn chay thường thiếu các chất sau
Kẽm: Có nhiều trong các loại hạt có vỏ cứng như hướng dương, hạt điều. Hạt bí ngô, hạt bí. Ca cao, socola. Đậu phụ. Nấm trắng.
Vitamin B12: Chỉ có thể tổng hợp qua động vật, do không thể ăn thịt động vật nên Trứng và Sữa sẽ là thực phẩm bổ sung Vitamin B12 rất tốt. Trong các món ăn thực vật được lên men như dưa muối (ví dụ: dưa cải hay còn gọi là cải muối) cũng có Vitamin B12 nhờ được vi khuẩn tổng hợp.
Omega 3: Hạt lanh, quả óc chó, sản phẩm từ đậu nành. Các loại hạt như bí ngô, hướng dương. Bắp cải, súp lơ trắng.
Kali: Khoai lang, củ cải đường, các loại đậu, sữa, cà chua, cam/quýt, hướng dương, chuối. Dân thể thao rất chuộng chuối vì dễ dàng đem theo, bổ sung nhanh kali, thúc đẩy trao đổi chất, có nhiều chất có lợi cho tim.
Vitamin E: Hạnh nhân, đậu tương, giá đỗ, vừng, lạc, hướng dương.
Qua đây có thể thấy, thực phẩm nào phổ biến nghĩa là thực phẩm ấy cần thiết, đây là điều hiển nhiên qua quá trình chọn lọc của tự nhiên và đời sống xã hội. Các thế hệ đi trước đâu được ăn uống đầy đủ như chúng ta hiện nay? Chuối là loại quả phổ biến nhất ở Việt Nam, đây cũng là loại quả chứa nhiều dinh dưỡng vào bậc nhất. Dưa muối là món ăn truyền thống ở nước ta, nhiều gia đình nghèo chỉ ăn rau mà sao vẫn khỏe? Vì dưa muối chứa Vitamin B12 và rất tốt cho tiêu hóa, lại có thể dự trữ được lâu.
Tương tự với các loại rau phổ biến như họ đậu (nhất là đậu nành), bí, đỗ, cải, ngót. Thiên nhiên đã chọn lọc sẵn cho chúng ta, phổ biến nghĩa là cần thiết. Không cần phải tìm dinh dưỡng ở những thức ăn xa lạ, đắt đỏ, chỉ cần dùng những cái mà ở chợ nào cũng bán là được.
Về dinh dưỡng là như vậy, nói "ăn đa dạng" không phải là nên tìm thật nhiều loại để ăn mà là nên biết ăn những gì xung quanh ta có.
Về quá trình ăn chay
Nếu có thể ngay lập tức ăn chay là tốt nhất, nhưng nếu đã thử mà khiến cơ thể mệt mỏi, gầy gò, xanh xao... thì nên tập từ từ.
Đầu tiên, mỗi ngày nên dành ra một bữa ăn chay, bữa còn lại ăn mặn, tạm gọi là ăn "bán chay"; sau 1-2 tháng thấy sức khỏe vẫn đảm bảo thì dành ra những ngày ăn chay hoàn toàn xen kẽ những ngày ăn bán chay. Ví dụ thứ 2, 4, 6 ăn chay hoàn toàn. Lại qua 1-2 tháng thấy sức khỏe vẫn đảm bảo thì nâng dần số ngày ăn chay hoàn toàn lên, cho đến khi thích hợp thì chuyển sang ăn chay hoàn toàn.
Khi ăn chay hoàn toàn, bạn không nên mong có thể tham gia các hoạt động mạnh và bền bỉ được như người ăn mặn, tuy nhiên điều đó không quan trọng. TT tập thể dục thể thao nhiều là để thuận tiện cho các hoạt động của mình, nói về sức khỏe thì ngồi thiền hoặc học dưỡng sinh tốt hơn nhiều so với chơi thể thao.
Cũng cần lưu ý, cơm tốt cho dạ dày, không nên ăn quá nhiều rau nhưng lại ít cơm, mỗi bữa nên cố gắng ăn 1-2 bát cơm. Rau nên nấu thật chín vì lượng rau của người ăn chay cao hơn nhiều so với người ăn mặn, không nên ăn rau chín vừa như người ăn mặn.
Trên đây là những chia sẻ của người trong cuộc, TT còn muốn chia sẻ về "tâm"- cái giúp ta có được số năng lượng "không biết từ đâu có" mà TT vẫn hay nói đùa là "hít không khí để sống". Nhưng sẽ đi quá xa mục đích ban đầu, hy vọng có duyên chia sẻ với những bạn ăn chay sau này.
Trân trọng!
Sửa bởi ThanhThien: 28/11/2013 - 14:30