-Tác Giả: Chúc Thiệu-
Những Khoảng Lặng Quanh Mình...
Quanh mình có nhiều khoảng lặng lắm, như là hình ảnh của một Bà Cụ bán rau bên vệ đường. Mình lặng vì nhìn Bà Cụ, nghĩ, lẽ ra Bà phải được an hưởng tuổi già, sao lại phải lụm cụm mưu sinh nơi góc đường này?
Lại thương, và nhớ về những Cụ già mà mình gặp trên dặm đường lang thang, ở đâu cũng có những “khoảng lặng” về những thân phận tuổi đã về chiều vẫn còn lặn lội thân cò, có khi vì nghèo, có khi vì không ai nương tựa, cũng có khi… vì con cháu bỏ rơi, không nuôi dưỡng.
Nam Mô A Di Đà Phật
Vòng xoáy cuộc đời (Chính Là Nghiệp) đẩy đưa những thân phận con người, tuổi về chiều phải bươn chải mưu sinh hoặc vào viện dưỡng lão, vào trung tâm dành cho người già trong nỗi cô đơn, nhớ con, nhớ cháu. Lại thấy se sắt bởi sự ngược đãi và thói đời vong phụ, trong đó có sự vô ơn, bội nghĩa của những người là máu mủ, ruột rà. Cuộc đời vốn tréo ngoe như thế?
Hỏi để rồi nhìn thấy một khoảng lặng khác, trước hình ảnh của những người không huyết thống có thể mở lòng ra, bao dung và chia sẻ, đón lấy những thân phận nghèo cùng, túng bấn và dưỡng nuôi, săn sóc như chính thân nhân của mình. Khoảng lặng ấy mang tên “Tình Người” - thứ tình cảm ấm nóng mà những con người có lòng từ bi lớn đã thắp lên để cuộc đời bớt quạnh quẽ.
Và biết đâu trong dòng đời sanh tử ấy, những thân bằng quyến thuộc hôm nay đang vấy vá nương nhau, và tương lai sẽ đồng nguyện, đồng tu trên con đường giác ngộ vì chính lòng từ mà người bao dung đã tưới tẩm hôm nay.
Nghĩ thế, nên khoảng lặng kịp vỡ ra thành những hạt hạnh phúc li ti, làm mình thấy lâng lâng, cái hạnh phúc mà mình vừa thực chứng được từ một giá trị cao đẹp, thiện lành!
Cần lắm một khoảng lặng, một không gian đủ để mình ngồi xuống, nhìn sâu vào tâm mình. Thở nhẹ và đều. Mỉm cười. Và thỏ thẻ với chính mình về những câu đã trở thành triết lý sống đầy mầu nhiệm như “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Ai sinh ra rồi cũng phải chết, đó là định lý. Nhưng sống như thế nào mới là quan trọng phải không?
Tất nhiên!
Nhưng ba chữ “Như Thế Nào” trong nội hàm “Sống” của một người có quá nhiều điều đáng ngẫm.
Đó không chỉ đơn thuần là Tốt - Xấu mà còn là ý thức về cuộc sống một cách đầy đủ, như là chính nó.
Chính nó?
Mình học Phật thì ngộ ra rằng: ...
... đó không phải là Có - Không, Được - Mất, Thiện - Ác, Đúng - Sai nữa mà là trở về với “Bản Lai Diện Mục” - là tánh không sáng suốt vốn “Bất Sanh, Bất Diệt”, “Không Nhơ, Không Sạch” mà bản Kinh Bát Nhã diễn bày.
Lặng!
Lại lặng. Bởi mình chưa đạt được như vậy, thôi thì cứ sống thiện lành, cứ làm tất cả những thiện nghiệp và nguyện đi mãi trên đường giác ngộ. Âu đó cũng là một “khoảng lặng” của riêng mình!