Jump to content

Advertisements




Vô Thường

Vô Thường facebook

47 replies to this topic

#31 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1784 thanks

Gửi vào 27/01/2016 - 11:33

Vô Thường 46

Tiến sĩ Richard Smith, nguyên chủ biên tạp chí y khoa British Medical Journal, đã gây nhiều tranh cãi khi viết : Nên ngừng lãng phí hàng tỉ đô để cố gắng điều trị ung thư và ung thư là cách chết tốt nhất, thay vì đột ngột thì bạn có thể nói lời từ biệt, suy nghĩ về đời mình, để lại những tin nhắn cuối cùng, có thể thăm những nơi đặc biệt lần cuối, lắng nghe các bản nhạc ưa thích, đọc thơ...


Theo bạn, lời của ông ấy có đúng không?

Còn mình lại nhớ về câu chuyện đã xảy ra khá lâu ...

- Bác sĩ, tại sao lại là tôi chứ? Tại sao lại ung thư gan chứ? Bác sĩ nói tôi chỉ sống một hay hai năm thôi à?
- Cô à. Cô phải bình tĩnh lại. Có những thứ không thể giải thích được tại sao. Bởi thế cuộc sống mới bí ẩn và mầu nhiệm.
- Trời. Bác sĩ phán cho tôi một cái án tử, rồi ngồi đó nói triết lý dạy đời tôi sao? Xin lỗi, bác sĩ chỉ đáng tuổi con tôi thôi, đừng có bày đặt. Rồi một ngày đẹp trời nào đó, cũng tới lượt bác sĩ bị ung thư. Để xem, lúc đó bác sĩ còn điềm tĩnh còn vênh mặt lên dạy đời người khác không?

Xầm... Cánh cửa đóng lại, chị y tá ngỡ ngàng thốt lên : Sao trên đời có hạng người như thế nhỉ?
- Tội cô ấy, chị ạ. Mỗi chúng ta sẽ có những cách phản ứng lại với những nỗi đau và niềm hạnh phúc khi một ngày chúng bất ngờ xảy đến. Có lẽ vài ngày tới khi bình tâm lại, cô ấy sẽ hiểu. Thú thật là em còn rất nhiều điều muốn nói với cô ấy.

Mình cúi mặt xuống để cho giọt nước mắt chảy vào trong. Nghề Y. Mình có quá lạnh lùng và tàn nhẫn không khi nói thẳng và thật với cô ấy. Nhưng ngồi nơi phòng khám chỉ có vài phút thì làm sao truyền tải hết được mọi thứ. Nhiều khi mình hay vỗ vai bệnh nhân như một lời động viên an ủi.

Đúng như cô ấy nói, rồi một ngày nào đó cũng đến lượt mình bị bệnh. Là con người làm sao thoát khỏi vòng xoáy sanh lão bệnh tử được cơ chứ.

Nhưng khi là Phật tử, có tuệ giác sẽ hiểu rằng mọi thứ trên thế gian này đều rất vô thường, chiếc thân này tứ đại rồi sẽ tan. Càng bám vào thân vào tâm càng đau khổ và dính mắc.

Nên chăng là thái độ của chúng ta khi tiếp nhận những đổi thay của cuộc đời. Thay vì hỏi tại sao là tôi, thì nên hỏi tại sao không phải là tôi? Thay vì trách cứ cuộc đời sao bất công với tôi, thì nên hỏi vì sao tôi cứ đổ hết lỗi cho cuộc đời?

Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mỗi hành động, cách sống, lời nói của mình, cách ăn cách ở, cách giữ thân tâm.

Một hay hai năm sẽ là rất ngắn nếu chúng ta sống trong vội vã, với trái tim chứa đựng quá nhiều sân hận tham ái, nhưng sẽ là rất dài nếu chúng ta biết thở thật sâu, biết nhìn thật lâu và biết mỉm cười thật tươi....

"Cám ơn cuộc đời, dẫu sau nụ cười, là những nỗi đau".







Vô Thường 47

- Bệnh nhân là ba ruột của em à?

- Dạ anh, dạ ... Bác sĩ.
- Bác mất trước khi đến đây rồi.
- Dạ.
- Bác sĩ thấy em bình tĩnh quá hả?
- ...
- Lúc trước bác sĩ nói ba em bị ung thư gan giai đoạn cuối rồi, chắc sống ba đến sáu tháng rồi chết. Cả nhà em lúc đó ... Khóc nhiều lắm ... Đau nhiều lắm ... Nhưng biết làm sao hơn hả bác sĩ? Cả nhà em, năm người sống với bản án tử của ba. Từng ngày ... Từng ngày ... Rồi từng ngày trôi qua ... Người ta bày cho ăn uống gì cũng làm theo.
Rồi đến một ngày, cả nhà nhận ra, ai rồi cũng phải bệnh, phải chết. Có cha mẹ nào lột da để sống hoài với mình đâu. Có bệnh chữa được, có bệnh không... Thôi thì hãy mỉm cười đón nhận nó.
Đêm nay mình tự dưng nhớ lại đêm trực cấp cứu hai tuần trước. Lời tâm sự của một người con có cha bị ung thư gan.
Có trải qua hoàn cảnh như vậy, chúng ta mới hiểu được nỗi đau xé lòng khi nhìn người thân của mình đang chết dần mà không có cách chi cứu được!
Thường là vậy ...
Giai đoạn đầu khi mới nghe tin, chúng ta có thể rất choáng, tâm trí rối bời ... Nhưng khi nhận ra sự việc không thể thay đổi được, chúng ta buộc phải chấp nhận. Và khi đã chấp nhận được rồi, tự nhiên lòng bỗng nhẹ đi.
Có phải chúng ta cầu sống nhiều quá, nên lòng luôn bất an? Chi bằng sống một ngày trọn vẹn một ngày.
Một ngày, một tháng, một năm sống với trái tim an lạc, hiểu biết, và yêu thương, còn hơn sống mười năm hai chục năm nặng nề với những sân hận đố kị thành kiến và tham ái.
- Em làm nghề gì?
- Thầy giáo.
- Còn chị em?
- Cũng nghề giáo.
- Gia đình em có theo tôn giáo nào không?
- Dạ, đạo Phật.
Hèn gì thấy họ rất khác, từ cách nói chuyện, đến cách đi đứng.
Đạo là gì? Đạo là con đường. Đạo Phật, là đi theo con đường của Phật. Con đường của hiểu biết, con đường của yêu thương.
Phật dạy :
Buông không phải xuôi tay
Xả không phải từ bỏ
Buông xả là chấp nhận
Mọi thứ đến rồi đi!




Vô Thường 48


- Bác sĩ ơi, cấp cứu ... Cấp cứu ...
Anh Tuấn điều dưỡng nghe kêu vội đẩy băng ca ra đón. Đồng hồ lúc này là 0 giờ. Bệnh nhân được nhanh chóng đưa vào phòng cấp cứu.
- Ngưng tim rồi. Mau đặt nội khí quản, Adre...
Mình vừa ra y lệnh vừa nhồi tim. Bệnh nhân thể trạng béo phì cổ ngắn ... để khai thông đường thở khá chật vật.
- Nhà cô chú ở đâu?
- Quận Tân Bình.
- Bất tỉnh lúc nào?
- Lúc ngang qua bệnh viện X.
- Tại sao không đưa vào bệnh viện X? Khi bệnh nhân cần cấp cứu phải đưa vào bệnh viện gần nhất mà.
- Lúc vợ tôi tỉnh, vợ tôi đòi vào bệnh viện này.
- Trời ạ. Từ bệnh viện X đến đây mất 10 đến 15 phút ... Ngưng thở trên 4 phút sao mà cứu...
- Chỉnh máy thở, bác! Thêm Adre chứ?
- Để bác!
Máy thở khởi động, lồng ngực bệnh nhân phập phồng theo. Monitor theo dõi nhịp tự thất rời rạc.
- Bệnh tình cô ra sao?
- Ba ngày trước vợ tôi than khó thở, mệt, đau ngực, nhưng không chịu đi khám bệnh. Chiều nay, bả mệt quá, đưa đến bác sĩ tư thì được yêu cầu nhập viện ngay, nhưng bả không chịu vì ngày mai là giáng sinh rồi, phải ở nhà đầy đủ gia đình chờ đón khoảnh khắc Chúa ra đời.
- ?
- Tới lúc 12 giờ đêm bả khó thở dữ dội, ho khạc có máu hồng, vã mồ hôi ... Thấy bả chịu không nỗi nữa nên mới kêu xe taxi đưa đi...
- Chời ... Sao chú không đưa đi lúc khám bác sĩ tư? Biết đâu đã cứu sống được cô.
- Bác sĩ nói vậy là sao hả bác sĩ? Vợ tôi không thể cứu nữa hả?
- Dạ. Cô đã mất trước khi đến đây.
- Còn thở mà bác sĩ.
- Máy thở đang hoạt động, chứ không phải cô thở.
- Mẹ con chết rồi hả bác sĩ?
- Vợ tôi chết rồi hả bác sĩ?
Mình cố cầm lòng lại.
Mình không còn muốn làm nghề Y này từ nhiều năm rồi. Những đêm trực dài căng thẳng mệt mỏi, những cảnh sinh ly tử biệt đau lòng, những phận người nhỏ bé, những giới hạn y khoa, và cả những lần bị chửi bới hăm doạ từ người nhà bệnh nhân vì bảo hiểm lạc tuyến hay vì họ đưa bệnh nhân vào khi đã quá trễ để cứu chữa....
Nhưng không hiểu sao mình vẫn đứng ở đây để tiếp tục công việc mình đã chọn thời tuổi trẻ ngây thơ luôn tin vào những điều trong trẻo thiện lương của cuộc sống....
- Giá như chú và hai em đưa cô vào sớm hơn....
- Tại bả không chịu. Nói cách mấy cũng không chịu.
- Chú là chồng phải quyết định chứ!
- Hai mươi mấy năm nay ở với nhau, nhà tôi không một tiếng cãi vã... Bác sĩ biết sao không, tôi thương vợ tôi lắm ... Bả chịu nhiều thiệt thòi khi lấy tôi, lại mang nặng đẻ đau, lại gồng gánh gia đình khi tôi đi làm ăn xa ... Vợ chồng tôi định sau tết Tây gả con út... Ai ngờ ...
Nói tới đó chồng bệnh nhân bật khóc. Trời ạ, mình đã khóc theo ... Trong cuộc sống vội vã căng thẳng hôm nay, khi mà bao nhiêu thứ có thể thay đổi chớp mắt vì phù hoa ... vẫn còn một tình yêu thấm đẫm và dịu dàng thế sao?
Thật, trong lúc mình làm hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân về, người chồng cứ chạy lại hôn lên má người vợ... Rồi thì thầm : Sao nỡ bỏ tôi đi mình ơi.... Hai mươi mấy năm trời ... sao ra đi mà không nói lời nào ... Mình ơi ....
Mình ơi ... Sao mà ...




Vô Thường 49

- Sao tháng rồi con không thấy bà tái khám?
- Bác sĩ ...
Bà gọi mình xong thì nước mắt tuôn rơi lã chã. Tháng 11 ướt sũng với những cơn mưa cuối mùa.
- Con tôi mất rồi bác sĩ ơi...
- Cái anh hay chở bà đi khám bệnh đó hả?
- Nó đó ... Hôm trước tôi nói tôi thèm cháo cá, nó lấy xe chạy đi mua ... Ai ngờ đâu ... bị tai nạn giao thông ... Bác sĩ ơi, lỗi tại tôi hết... Giá như tôi đừng đòi ăn cháo ...
- Bà ơi ...
Mình nắm lấy bàn tay bà và ngước mặt lên. Mình sợ giọt nước mắt trào ra.
- Con nhớ bà nói với con : Sao giờ Chúa chưa chịu gọi tôi về hả bác sĩ? Sống chi già quá, bệnh tùm lum, nhức mỏi khắp người, ăn ngủ không được. Chắc Chúa hổng thương tôi.
Ừ thì, Chúa thương Chúa mới gọi về. Về bên nhan thánh Chúa. Bà đừng khóc nữa nhe.
- Tôi biết Chúa thương nó. Nhưng làm sao không buồn được bác sĩ? Trong 8 người con, nó là đứa có hiếu nhất. Lo cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Tám năm nay tôi khám bác sĩ đều đặn mỗi tháng là do nó chở đi đó.
- Tám năm rồi hả bà? Trời ơi, nhanh thật đó. Ảnh hay hỏi con rất kĩ về thuốc cho bà uống.
- Hức ... Hức ...
- Bà ơi, những người con có hiếu trời đất không phụ đâu.
Nhìn bà lụm cụm ra về mà lòng mình đau nhói. Mới đó đã tám năm rồi sao... Mới đó mà đã cách biệt nghìn trùng rồi sao... Mới đó chỉ còn là mây khói...
Thời gian nhanh thật. Chợt nghĩ đến những người con đi xa của bà, họ còn được gặp mẹ bao nhiêu lần nữa trong đời nhỉ?
Lần này khám thấy bà đã xuống sức hẳn. Có lẽ bà không còn tha thiết sống nữa...
Mình rất sợ những người già mất ngủ, vì không biết họ sẽ làm gì trong đêm... Đếm sao? Đếm cừu? Hay đếm những ngày tháng đã qua với bao nhiêu là nước mắt tủi hờn?
Có ai biết đêm nay mẹ mình mất ngủ? Có ai biết đêm nay mẹ mình nhức mỏi toàn thân? Có ai biết ngày xưa vì gánh gồng vì sanh đẻ mà mẹ không còn sức chống đỡ với những cơn mưa đêm?
- Bác sĩ đạo Phật, sao rành về bên Công Giáo vậy? Mỗi khi mẹ tôi kể bệnh là tôi nghe bác sĩ nói : Bà hãy phó thác hết cho Chúa đi. Bà hãy năng lần hạt mân côi và đọc kinh Kính Mừng...
- À, tại lúc trước gia đình nghèo khó, ba mẹ gửi em ở nội trú trong nhà dòng.
- Hèn chi ...
Bà nghe mình nói xong gục gặc đầu.
- Bác sĩ biết sao không, theo đạo nào cũng tốt. Vì tất cả tôn giáo trên thế gian này đều dạy con người ta ăn hiền ở lành hết.
Thật ra tôi đến nhà thờ không có cầu gì hết, tôi đến đó tôi quỳ chỉ để nhắc nhở mình về thân phận con người bụi tro rồi cũng trở về với bụi tro thôi....
- Đạo Phật cũng dạy con người ta như vậy, "ăn thật hiền, ở thật lành".
- Bác sĩ, Ăn thật hiền có phải là đừng vì miếng ăn mà bức hại những sinh linh khác không? Có phải vì thế bác sĩ khuyên mẹ tôi ăn chay?
- Không hẳn là như thế. Vì mẹ anh bị suy thận nên em khuyên bà ăn ít đạm. Để thận bớt tải và lọc nặng nề.
- À ... Thì ra ...
Buổi trò chuyện hai tháng trước như thước phim đang chiếu lại rất chậm trong mình. Ngoài trời mưa vẫn đang nặng hạt... Đâu đó giọng hát cô Khánh Ly khản đặc : "Mãi một đời về không... Ta xuôi tay quy hàng... Mãi một đời về không ... Giữa chập chùng thác nguồn ..."
Mình đứng lên khép bớt cánh cửa sổ. Ngoài hiên có một đoá hoa quỳnh nở đỏ thắm .... Đoá hoa như đang mỉm cười với mình...
Gió vô tình hỏi rằng hoa có lạnh
Hoa mỉm cười thương hạt mưa mỏng manh ....



Vô Thường 50

Sức mạnh của tuệ giác
"Vô thường không phải là một ý tưởng hay một quan niệm mà là một tuệ giác. Rất nhiều người trong chúng ta cố bám lấy ý niệm về thường còn, vững chắc. Khi nghe đến giáo lý vô thường họ đâm ra lo sợ. Nhưng vô thường không phải là tiêu cực mà có khi rất tích cực. Bất cứ điều gì cũng đều vô thường, kể cả bất công, nghèo khổ, ô nhiễm, và hiện tượng “trái đất nóng lên” (global warming). Trong cuộc sống ta có thể gặp phải hiểu lầm, bạo lực, xung đột, tuyệt vọng, nhưng vì vô thường nên chúng có thể được chuyển hóa nếu ta có tuệ giác trong nếp sống hiện tại.
Tuy nhiên lắm lúc ta quên hẳn vô thường. Trên lý thuyết ta biết rằng tất cả đều là vô thường, nhưng ta quên đi rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ bệnh, sẽ chết. Ta quên đi rằng chính ta rồi cũng sẽ chết. Ta có xu hướng suy nghĩ như là ta sẽ sống mãi. Và vì vậy ta không có tuệ giác vô thường để sống đẹp từng giây phút, để trân quý người thương. Rất nhiều người trong chúng ta đã đau khổ cùng cực khi một người thương ra đi, không phải vì ta thương nhớ mà vì nuối tiếc rằng khi người thương còn sống ta đã không có thì giờ gần gũi và hết lòng săn sóc. Có thể ta đã đối xử với người ấy một cách bất công. Bây giờ người ấy không còn nữa và ta mang mặc cảm tội lỗi. Nếu có tuệ giác vô thường thì phải biết rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ chết và hôm nay ta phải làm tất cả những gì có thể để đem lại hạnh phúc cho người ấy. Đừng đợi đến ngày mai. Ngày mai có thể quá muộn. Nếu biết sống theo tuệ giác vô thường ta sẽ không phạm quá nhiều lầm lỗi. Ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ. Ta có thể thương yêu, săn sóc người ta thương ngay ngày hôm nay. Ta không bươn chải về tương lai để rồi đánh mất sự sống. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại.
Bụt dạy vô thường như là một tuệ giác. Bụt không bi quan mà chỉ muốn nhắc nhở chúng ta rằng sự sống rất đáng quý và chúng ta phải trân quý sự sống từng giây phút. Duy trì định vô thường như vậy sẽ đem đến tuệ giác vô thường. Nhờ tuệ giác vô thường mà ta không bị tuyệt vọng, sân hận, tiêu cực cuốn đi, bởi vì tuệ giác vô thường cho ta biết phải nên làm gì và không nên làm gì để xoay chuyển tình thế. Nhờ vô thường mà không có gì không làm được.
Nếu không có tuệ giác, ta sẽ nghĩ rằng quyền lực là do ta tự tạo nên, chỉ cho riêng ta. Nhưng có một tuệ giác khác ta có thể đạt được, đó là tuệ giác vô ngã. Vô ngã không có nghĩa là ta không có mặt. Vô ngã chỉ có nghĩa là ta không có tự tính riêng biệt. Nguồn gốc của bao nhiêu đau khổ chính là do tâm phân biệt, phân biệt giữa mình và người, do ý niệm về một cái ngã riêng biệt. Giả thử bạn là cha mẹ, hãy nhìn con của bạn và bạn sẽ thấy rằng con trai hay con gái bạn chỉ là sự tiếp nối của bạn. Cũng như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, con cái là sự tiếp nối của cha mẹ. Trong con có tế bào của cha. Cha và con không phải là một người nhưng cũng không phải là hai người. Khi người cha nhận ra điều này, ông đã chứng được tuệ giác vô ngã, cha đau khổ thì con cũng đau khổ và ngược lại. Cũng vậy, giận con mình tức là tự giận mình, giận cha mình tức là tự giận mình. Rất rõ ràng. Một khi đã thực chứng tuệ giác vô ngã, khi không còn phân biệt giữa bạn và con trai, con gái bạn, cơn giận của bạn sẽ tiêu tan. Bạn đang tranh giành quyền lực, nhưng nếu biết quán chiếu vô ngã, bạn sẽ biết cần phải làm gì để có thể chấm dứt đau khổ của chính bạn và của những người liên hệ đến sự tranh giành đó. Bạn biết rõ rằng sân hận của họ là sân hận của bạn, đau khổ của họ là đau khổ của bạn, hạnh phúc của họ là hạnh phúc của bạn.
Khi cánh tay trái của tôi bị phong thấp đau nhức, tôi săn sóc, xoa bóp, tôi làm đủ mọi cách để cho cánh tay trái bớt đau nhức mà hoàn toàn không giận dỗi gì cánh tay ấy. Khi tôi có một đệ tử chưa dễ thương, tôi cũng thực tập như thế. Tôi không giận đệ tử của tôi mà chỉ gắng săn sóc người đệ tử ấy như tôi đã săn sóc cánh tay trái vậy. Bởi vì tôi biết rằng giận đệ tử tức là tự giận mình và chẳng giúp ích được gì. Nhưng chúng ta chỉ có thể hành xử khôn ngoan như thế khi chúng ta đã thực chứng được tuệ giác vô ngã.
Trong đạo Bụt có một tuệ giác gọi là tuệ giác Vô Phân Biệt (Xả). Xả là một trong bốn yếu tố của tình thương chân thực (Tứ Vô Lượng Tâm). Tôi thuận tay phải nên tôi làm hầu hết mọi việc bằng tay phải: đánh răng, thỉnh chuông, viết thư pháp. Tất cả những bài thơ của tôi đều được viết bằng bàn tay phải. Nhưng bàn tay phải của tôi không bao giờ tự hào và nói: “Này bàn tay trái, anh chẳng được tích sự gì. Một mình tôi làm tất cả mọi việc.” Và bàn tay trái của tôi không bao giờ có mặc cảm tự ti, không bao giờ đau khổ. Thật kỳ diệu. Hai bàn tay tôi luôn luôn sống hài hòa với nhau, hợp tác một cách toàn hảo. Đây chính là tuệ giác vô ngã sống động trong mỗi chúng ta.
Một hôm tôi đang đóng đinh để treo một bức tranh lên vách. Tay phải của tôi vụng về thế nào mà thay vì đóng vào đinh lại đi giáng cho ngón tay trái một nhát đau điếng. Ngay lúc ấy bàn tay phải của tôi lập tức buông ngay búa xuống và ôm chặt lấy bàn tay trái để chăm sóc. Bàn tay trái của tôi không hề giận dữ, trách móc, cũng không nói: “Này bàn tay phải, anh làm cho tôi đau. Tôi muốn công bằng. Đưa cái búa đây cho tôi!” Và bàn tay phải cũng không nói: “Này bàn tay trái, ta đang săn sóc cho ngươi, ngươi hãy nhớ lấy nhé!” Bàn tay trái và bàn tay phải của tôi không bao giờ suy nghĩ kiểu như vậy. Đó chính là tuệ giác vô phân biệt (Xả) một nguồn tuệ giác có sẵn trong ta, biết sử dụng tuệ giác ấy sẽ đem lại an hòa trong gia đình cũng như trong cộng đồng.
Nếu tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo mà biết sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì họ đã có thể sống hòa bình với nhau. Nếu người Do Thái và người Palestine cũng sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì đâu xảy ra chiến tranh. Nếu Hoa Kỳ và Iraq xem nhau như anh em, như hai bàn tay của cùng một cơ thể thì họ đâu có tiếp tục giết nhau. Tất cả chúng ta đều phải trau dồi tuệ giác ấy. Tuệ giác ấy có công năng giúp ta giải tỏa sợ hãi, khổ đau, chia rẽ, cô đơn, và có thể giúp người khác làm như vậy.
Tuệ giác có được là nhờ hiểu biết. Trong ta có thể đã có sẵn hiểu biết, nhưng vì ta không có niệm, không có định, cho nên tuệ giác không có cơ hội phát hiện. Chúng ta phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho niệm và định, cũng giống như muốn cho hoa mọc tươi tốt thì ta phải xới đất rải phân. Tuệ giác là một loại hiểu biết có được nhờ chánh niệm. Nếu ta tự đánh mất mình trong tiếc nuối quá khứ, trong lo lắng tương lai thì tuệ giác sẽ khó mà phát triển, và như thế thì khó mà biết cách hành xử cho đúng trong hiện tại.
Chính vì vô minh mà ta đau khổ. Khi có tuệ giác, ta có thể tiếp xúc sâu sắc với thực trạng của mọi sự, mọi vật và không còn sợ hãi, chỉ còn tình thương, chỉ còn chấp nhận tha thứ bao dung. Chính vì vậy mà ta gọi tuệ giác là một loại quyền lực, một sức mạnh siêu đẳng."

Thanked by 2 Members:

#32 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1784 thanks

Gửi vào 24/02/2016 - 00:53

CHÚ ĐẠI BI - 藏传大悲咒( TIẾNG PHẠN ) 10 biến


Đang ngồi nghe youtube giọng nam trầm ấm, của ca sĩ hay nghe, xong youtube tự chạy đến chốn này. Mặc dù k hiểu gì nhưng thấy êm tai, có search tìm hiểu thì vẫn k hiểu gì

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn








Thanked by 2 Members:

#33 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1784 thanks

Gửi vào 03/03/2016 - 22:42


Để tìm một người BẠN đúng nghĩa trong cuộc sống này khó lắm.

Những câu chuyện ngụ ngôn :

Có hai con lừa xuống núi. Con lừa A giữa đường kiệt sức, xin con lừa B dìu đi. Con lừa B trả lời : Phận ai nấy lo. Con lừa A gục ngã.
Con lừa B về tới nhà. Và nó nhận ra nó là LỪA. Công việc của nó bây giờ nặng nhọc gấp đôi. Nó phải gánh gồng cho con lừa đã chết.


---
Anh A và anh B đang đi trên đường thì gặp cơn bão tuyết. Họ rất vất vả để về nhà. Giữa đường cả hai nghe được tiếng kêu cứu của một người đang rét run. Anh A lẳng lặng đi tiếp. Anh B thấy thương tình, vác người xấu số mà đi.
Tới sáng, khi cơn bão tuyết đã tan. Dân làng thấy anh B và người xấu số về tới. Còn anh A đã chết.
Chính vì mang vác người xấu số nên cả hai đã truyền hơi ấm cho nhau để sống sót.
---
Có ba người bạn thân đi chơi, vô tình phát hiện kho báu. Họ hì hục đào, tới giữa chừng thì đói lã. Họ cử một người vào làng mua thức ăn. Khi người vào làng mang thức ăn về thì bị hai người còn lại xô đá đè chết.
Kho báu không còn chia ba, kho báu bây giờ chia hai.

Cả hai vui mừng vội vàng ăn để có sức đào tiếp. Đang ăn họ thấy đau quặn bụng, sùi bọt mép, ngã ra chết. Trong thức ăn có độc.
Kho báu vẫn còn nguyên trong lòng đất.
---
Có bao giờ chúng ta ngồi yên nghĩ về bạn bè của mình?
Ta đòi hỏi ở họ điều gì? Và ta đã làm được cho họ điều gì?
Cuộc đời đôi khi sòng phẳng đến đau lòng.
---
Ơn sen thơm ngát giữa bùn
Ơn bùn thầm lặng vun trồng cho sen
Ơn nhau vì một chữ duyên!


Thanked by 1 Member:

#34 Đức Bích Phạm

    Đoài viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPip
  • 2707 Bài viết:
  • 4424 thanks

Gửi vào 04/03/2016 - 03:54

Lucyferlady, on 24/02/2016, 00:53
CHÚ ĐẠI BI - 藏传大悲咒( TIẾNG PHẠN ) 10 biến

Mỗi tối trước khi đi ngủ tối vẫn thường đọc CHÚ ĐẠI BI khoảng 5 biến (lần).

#35 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1784 thanks

Gửi vào 04/03/2016 - 10:24

@DucBichPham
con cũng mới bắt đầu đọc, mà con chưa thuộc nên mở giấy ra đọc. ( k biết khi nào nhớ nữa), nhưng mà con đang xin xỏ điều kì diệu nên phải đọc 21 lần, mà theo con nhớ thì k lần nào đọc đến 21 lần, 1o lần là lăn ra tắc thở rồi...
Hôm bữa thấy bác Hoa Cái đọc hơn 1oo lần, xong con nghĩ bụng, rồi đầu mình là đầu đất rồi

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 1 Member:

#36 Đức Bích Phạm

    Đoài viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPip
  • 2707 Bài viết:
  • 4424 thanks

Gửi vào 04/03/2016 - 10:57

Luciferlady,
Đọc "Chú Đại Bi" nhiều biến rất tốt, được nhiều thiện tâm trong lòng, chỉ sợ phải đọc nhiều biến... thì cháu lăn ra ngủ quên mất thôi.

Sửa bởi DucBichPham: 04/03/2016 - 10:58


#37 Đức Bích Phạm

    Đoài viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPip
  • 2707 Bài viết:
  • 4424 thanks

Gửi vào 04/03/2016 - 14:12

VÔ THƯỜNG

Tiếng Vô thường được dịch từ chữ Aniccā, nghĩa là không bền vững, hằng biến hoại, đổi thay, luôn sinh diệt. Định lý vô thường của nhà Phật là một vấn đề quan trọng: Vì ai tỏ ngộ được lý Vô thường của các pháp hữu vi (đúng với Phật tướng thì chính người là bậc Thánh nhân vậy). Còn phàm nhân như chúng ta do sự học hỏi, suy nghiệm cũng có thể nhận được lý vô thường nhưng chỉ biết một cách khái niệm mà thôi; và cũng còn tùy vào kiến thức của mỗi người mà có kẻ hiểu cạn, người hiểu sâu.
Như sự hiểu lý vô thường của Vũ Hoàng Chương:

“ Ta còn để lại gì không,
Kìa non đá lỡ, nọ sông cát bồi”

Như vậy, lý Vô thường ở đây là một cuộc đời “Tang điều thương hãi” thế sự đổi thay cả một cuộc tuần hoàn tuế nguyệt. Nếu đem so sánh lý vô thường của ba ông lão uống trà, thì sự nhận xét lý vô thường của Vũ Hoàng Chương còn thô thiển, bao la và khái quát.

Câu chuyện về luận lý vô thường của ba ông lão uống trà như sau:

Có ba cư sĩ lão thành thường họp nhau trong một trà thất để uống trà đàm đạo. Một hôm, có người thân hữu tặng một gói trà thơm ngon đặc biệt. Một ông lão đề nghị:

- Buổi trà đạo hôm nay phải có Pháp vị, Thi vị, Thiền vị vào Đạo vị mới xứng danh với trà hảo hạng này.

Hai ông lão kia tán thành, thế là một cuộc trà đạo bắt đầu: Một chung trà vừa rót ra và đặt đúng vị trí của nó trên bàn trà, một ông đưa tay lên tuyên bố:

- Tôi xin khai mạc buổi trà đạo hôm nay với đề tài “Lý Vô thường”.

“ Hôm nay ba mặt ngồi ăn uống
Chẳng biết sang năm vắng mặt nào”.

Tiếng ngâm của ông lão thứ nhất vừa dứt, thì ông lão thứ hai đưa tay lên và nói:

“ Đêm nay giày, guốc bỏ nơi đất
Chẳng biết sáng mai có xỏ vô”.

Ông lão thứ hai ngâm xong thì ông lão thứ ba đưa tay lên nói:

- Khá, nhưng cũng còn khái quát lắm, và ông ngâm tiếp:

“Hơi thở này đây ra khỏi miệng
Biết còn trở lại hoặc đi luôn”

Ông lão thứ ba vừa dứt lời, hai ông lão kia hoan nghênh và thưởng chung trà đầu tiên cho ông lão thứ ba. Câu chuyện về lý Vô thường của ba ông lão đến đây là hết, nhưng theo ý tôi nghĩ nếu lúc đó có học viên Abhidhamma cùng dự cuộc trà sẽ ngâm:

“ Trong khi một khảy móng tay
Tâm sinh triệu triệu, diệt hoài đồng nhau
Sắc pháp sinh diệt cũng mau
Tâm qua mười bảy, sắc nhào một khi
Ấy là định luật hữu vi
Vô thường rốt ráo, chẳng tùy nghĩa danh”

Tại sao học viên Vi diệu pháp có thể ngâm như thế? Bởi vì theo Abhidhamma thì danh sắc hằng sinh diệt trong mỗi sát na và chính vì sự sinh diệt cực kỳ vi tế như vậy mới đáng nói đến Phật giáo, chứ như mọi hiện tượng vô thường khác không có Đức Phật chỉ dạy, người ta cũng vẫn biết chung chung mà thôi.

Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có từ thấp mới lên cao, từ thô thiển đến vi tế, từ nông cạn mới hiểu đến chỗ rộng sâu, bởi “Vô tiểu bất thành đại”,”Phi quả thất bất đạt thông minh”, và tôi sẽ kể cho quý vị nghe câu chuyện của người thiếu nữ trong thời Đức Phật. Thiếu phụ này đối diện với vô thường một cách hết sức bất ngờ và độc hại, khiến nàng phải điên cuồng! Nhưng nhờ nghe Đức Phật giảng dạy, nàng nhận chân được lý vô thường và trở thành bậc Thánh nhân. Câu chuyện ấy như sau: Thiếu phụ Patācarāđã có một con và đang mang thai đứa kế sắp đến ngày sinh nở. Nàng xin chồng về quê nhưng chồng không cho. Một hôm, nhân lúc chồng đi vắng, nàng lén chồng dẫn con tìm về quê mẹ, rủi bị lạc đường, đi thẳng vào chốn rừng sâu, đêm tối, trời lại nổi giông tố to lớn, sấm sét vang trời dậy đất. Lúc ấy nàng chuyển bụng sinh ra một hài nhi, vì thương con lạnh lẽo ngoài trời đầy mưa gió, nên nàng quỳ hai chân, chống hai tay làm màn che gió cho con. Ác nghiệt thay! Trời cứ mưa tầm tã suốt đêm, tay chân nàng tê cứng! Đến sáng hôm sau, người chồng của nàng đi tìm gặp liền vội vã đi tìm củi khô để đốt lửa hơ cho vợ con ấm lại rồi sẽ dẫn về. Nhưng than ôi “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, chồng nàng đi tìm củi bị rắn độc cắn chết, chờ đợi lâu không thấy chồng trở lại, nàng bèn đi tìm bỗng gặp xác chồng nằm co quắp bên gò mối, mặt mũi thâm đen, bên cạnh xác chồng con rắn độc còn vươn cổ phun nọc. Nàng đau đớn và khiếp đảm nên khóc than thảm thiết! Nhưng rồi củi khô đành liệm xác chàng.

Thiêu xác chồng xong, nàng đành gạt lệ, tay bế con lần hồi ra khỏi rừng sâu, bỗng gặp con sông chắn ngang trước mặt, nàng để đứa con lớn bên này, ẵm con nhỏ qua sông trước, nhưng vừa lội đến giữa dòng sông bỗng có con chim ó to lớn bay sà xuống tha đứa con nhỏ của nàng, nàng không biết làm sao hơn là vỗ tay la lớn, hy vọng chim ó sẽ sợ mà thả con của nàng xuống, nhưng chim vẫn tha con nàng bay đi mất! Lúc ấy đứa con lớn của nàng bên này sông thấy mẹ vỗ tay kêu gọi, tưởng là kêu nó nhảy xuống nên đứa bé lội xuống dòng sông liền bị nước cuốn trôi mất! Nàng Patācarā chỉ còn nước kêu trời cho đến khi tắt tiếng. Lên khỏi dòng sông, nàng còn một hy vọng cuối cùng là trở về sống với mẹ cha. Đi một đoạn đường, nàng gặp một ông lão từ xa đi lại trên tay cầm một tràng hoa. Khi nghe nàng hỏi thăm tên họ cha mẹ nàng, ông lão chỉ tràng hoa trên tay mà nói:

- “Ông bà ấy đâu còn nữa cháu ơi! Số là trận mưa bão hồi hôm làm cửa nhà sập ngã, đè chết cả gia đình. Sáng nay dân làng đến moi xác ông bà ra hỏa táng, tràng hoa này lão lượm tại chỗ trà tỳ ấy, kia kìa cháu hãy xem ngọn khói thiêu hai ông bà còn khói bay nghi ngút.”

Thế là niềm hy vọng cuối cùng vuột qua tầm tay của nàng. Bây giờ nàng còn biết đi về đâu? Sống với ai? Nương tựa vào nơi nào?

Thật là:

Ngổn ngang muôn mối tơ vò
Mẹ cha, sự nghiệp, con chồng đều không.

Nàng mất hẵn trí khôn, hoàn toàn điên loạn, xé quần, xé áo, ca hát nghêu ngao, nhờ căn lành từ vô lượng kiếp xưa, khiến nàng lần hồi đi đến Kỳ Viên Tịnh xá, giữa lúc Đức Thế Tôn đang thuyết phục, nàng phục hồi tâm trí và sau đó nàng xin Đức Phật xuất gia Tỳ khưu ni.

Một hôm, ni cô Patācarā rửa chân bên bờ suối, những giọt nước gieo xuống trên dòng suối thành từng điểm rồi chảy tan đi. Điểm tan dần, điểm tan xa, một điểm khác xa hơn. Cảnh tượng ấy gợi ý bản thân ni cô đã lãnh hội. Giữa lúc ấy Đức Phật xuất hiện trước mặt Tỳ khưu ni Patācarā và dạy:

“Ai sống cả trăm năm
Không thấy pháp sinh diệt
Quý hơn sống một ngày
Thấy rõ pháp diệt sinh”

Đức Phật sách tấn bằng kệ ngôn trên, Tỳ khưu ni Patācarā tỏ ngộ lý vô thường, và chứng quả A la hán.

Vị thánh nữ thấy rõ:
“Hữu vi vốn vô thường
Là pháp sinh diệt luôn
Dứt được sinh diệt rồi
Hằng vắng lặng an vui”.

Pháp vô thường là trong ba tướng phổ thông, được gọi là phổ thông bởi: “Pháp nào có tên gọi là vô thường, là pháp có trạng thái thay đổi luôn luôn, pháp chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xứ, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xóm, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một gia tộc đâu. Pháp ấy để chung cho nhân loại, súc sinh, luôn đến chư Thiên, Ma vương và Phạm thiên cả thảy.

Thậy vậy, không có một nơi nào, một cõi nào, một người nào tránh khỏi định luật vô thường, chỉ vì chúng sanh bị vô minh, tham ái bao phủ nên chẳng nhận được pháp vô thường, nên chỉ cứ đam mê theo sắc, tài, danh, lợi, không nghĩ đến sự hoại vong, không lo tu hành để giải thoát, chỉ có những người trí mới nhận được pháp vô thường và lo tìm đường giác ngộ. Bởi vậy nên Đức Thế Tôn thường dạy:

“ Cả thảy hành không thường
Với tuệ quán sát thấy rõ
Thống khổ sẽ nhàm chán
Là con đường trong sạch”

Pháp “vô thường” tôi trình bày đến đây cũng vừa phải lẽ, trước khi dứt lời, xin cầu chúc quý vị sớm tỏ ngộ lý vô thường, mau chóng đắc thành đạo quả.

Nguồn: Phật giáo Nguyên thủy số 09


#38 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1784 thanks

Gửi vào 04/03/2016 - 21:57

Có những mối quan hệ đổ vỡ hết sức vô duyên vì một trong hai người "gắng nói thêm một câu". Vì sao phải gắng nói thêm một câu, trong khi có thể chọn cách im lặng?
Người ta thường nói : Tu trăm năm mới được ngồi chung thuyền. Tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng.
Cũng vậy, mỗi ngày chúng ta có thể gặp và tiếp xúc hàng trăm người, mỗi tháng hàng ngàn người, nhưng để có thể gọi là bạn, là anh em, là tri kỉ thì có được mấy người?
Và khi xảy ra những chuyện xung đột, hay căng thẳng, chúng ta lại cố chứng tỏ mình "gắng nói thêm một câu" ...
Có những thứ đổ vỡ không bao giờ hàn gắn được.
Có những thứ đổ vỡ hàn gắn được nhưng để lại tì vết.
Mỗi khi nhìn vào lại thấy tì vết lại đau.
Trong suốt thời gian đi hoằng pháp của mình, Bụt, Chúa chưa bao giờ khuyên ai phải thế này, phải thế kia.
Chúa thì kể chuyện dụ ngôn.
Bụt thì : Thế gian này có đau khổ do tham sân si mà ra, và có con đường thoát khỏi đau khổ đó là bát chánh đạo.
Chúng ta là ai? Chúng ta là ai mà khuyên người khác phải sống thế này thế khác? Và người khác có cần hay yêu cầu lời khuyên của chúng ta hay không?
Nếu mọi lời khuyên đều có giá trị ví dụ như : 10 cách để giữ bạn tình, 20 cách để giữ lửa hôn nhân, 5 cách để có tình bạn bền chặt, 7 bước để yêu thương...
thì cuộc sống con người đâu có đổ vỡ, đâu có khổ đau, đâu có thị phi ...
Có rất nhiều ông bà cụ bệnh nhân hỏi mình về cách ăn cách uống và cả cách sống. Mình mỉm cười trả lời : Nếu ông bà không biết sống, không biết ăn uống ra sao ... thì chẳng bao giờ tồn tại đến hôm nay, bảy tám chục tuổi mà vẫn minh mẫn đi lại và khám bệnh. Có chăng là bệnh đái tháo đường thì ăn ít đồ ngọt, tăng huyết áp thì ăn ít mặn, bệnh mỡ máu cao thì ăn ít mỡ... Chỉ vậy thôi!
Hãy nhìn xem, chẳng chiếc lá nào giống chiếc lá nào, dù chúng trên một thân cây, dù chúng đều mang màu xanh... Làm sao giống nhau được? Cuộc sống của bạn làm sao giống cuộc sống của tôi? Thuốc đó, thiền đó... có thể tốt cho bạn, không hẳn tốt cho tôi.
Một người với thể trạng và tinh thần luôn luôn vận động, đấu tranh ... Mà chúng ta khuyên họ ngồi thiền, uống trà và thảnh thơi ... Người đó có thể nghe chúng ta, vì ngồi yên mới nhẹ nhàng và bình tâm làm sao... Nhưng để nỗ lực đi vào thiền, nỗ lực để ngồi yên với người đó sẽ sinh ra căng thẳng đến tột cùng vì kiểu sống như thế không phù hợp.
Và ngược lại, chúng ta đến gặp thiền sư để nói rằng : Ông hãy đi ra ngoài kia, vận động, sáng tạo đi. Ngồi yên như ông, xã hội làm sao phát triển, khoa học làm sao phát triển.
Bây giờ khó khăn rồi đây... Vị thiền sư hỏi lại : Phát triển để làm gì? Chế tạo ra tên lửa, bom nguyên tử, vũ khí huỷ diệt hàng loạt để làm gì? Chúng ta lên phi cơ để du hành vào vũ trụ để làm gì?
Bởi, hãy để cho bạn, cho vợ hay chồng, cho người xung quanh sống với cách của họ. Trừ khi họ yêu cầu lời khuyên hay cách nào đó để họ sống.
Dù sự gắng nói thêm một câu, hay gắng giúp thêm một lần ấy xuất phát từ tình thương, mong muốn được hiểu được sẻ chia... Nhưng tuỳ thời điểm để nó trở nên có ý nghĩa.
Nhà đang cháy, người đang căng thẳng, chúng ta có nên đứng đó mỉm cười và nói : Tất cả đều trở về hư không, là mộng ... Hãy mỉm cười đi.
Nó mới phi lý làm sao!
Sông đang mùa lũ, cây cỏ đang ngập úng, chúng ta không lội xuống ruộng thu hoạch giúp người khác thì thôi, đừng đứng ở đó tỏ vẻ thông minh, am hiểu : Tôi trải qua chuyện đó rồi. Hãy làm theo lời tôi khuyên...
Ngớ ngẩn, lố bịch.
Rồi đổ vỡ những mối quan hệ mà chúng ta đã dành nhiều tâm huyết và sức lực để gầy dựng nên.
Nói chi thêm một câu
Gieo bao nghiệp khổ đau
Có nhiều khi em ạ
Lặng im là phép mầu!

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 2 Members:

#39 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1784 thanks

Gửi vào 05/06/2016 - 02:14

Cuộc chiến nào đi qua mà không để lại những hệ lụy đau thương. Post lại một truyện ngắn viết về ông ngoại tôi, buồn tủi vẫn rưng tràn lệ nóng, nhưng thù hận thì bay biến sạch trơn.
VÉN NẺO VÔ THƯỜNG - Truyện ngắn
Cuối thế kỷ 19, có một thanh niên Trung Hoa từ bỏ mảnh đất Phúc Kiến loạn lạc khốn khổ để sang xứ An Nam, lần xuống vùng Nam kỳ Lục Tỉnh mưu sinh. Nhờ có chút chữ nghĩa, lại biết xử dụng bàn toán, chàng Hoa kiều được một chủ chành(1) ở Trà Vinh thu nhận, cho làm “tài phú”(2). Được một thời gian, thấy người tài phú đã thật thà lại siêng năng giỏi giắn, ông bà chủ chành bèn gả con gái cho.
Đôi vợ chồng người tài phú ra riêng, chồng bắt mạch hốt thuốc, vợ buôn hàng xén, lần hồi cũng nên cơ nghiệp, tậu thêm ruộng vườn. Trong mười bốn người con của họ, có hai anh em sinh đôi nổi tiếng hào hiệp trượng nghĩa.
Cậu Sáu An sớm thành gia thất, còn cậu Bảy Bình tính thích bay nhảy, chưa muốn vướng vòng vợ con lẩn quẩn. Cả hai đều theo nghề thương lái để rộng cẳng giang hồ.
Một hôm, khi cho ghe ngang vàm Trà Cú, Bảy Bình tình cờ gặp một thiếu nữ giặt đồ dưới bến sông. Cậu chắt lưỡi than với anh mình:
– Rồi, chắc đời tui neo lại bến này thôi, anh Sáu ôi!
Rồi cậu nhảy tót lên bờ, lần theo dò hỏi thân thế cô gái, để người anh một mình dẫn đoàn ghe thương hồ đi tiếp.
Cô ấy là con chủ điền trong vùng. Cô cũng thứ bảy trong nhà, tên Phương. Cô Bảy Phương đẹp người lại tốt nết, thùy mỵ đảm đang, được nhiều người ngấp nghé nhưng chưa hề để mắt tới ai.
Bảy Bình say người đẹp, xin vào làm thuê ở đợ nhà nàng. Chưa đầy nửa năm sau, cậu đã được ông chủ điền tin cậy cất nhắc, giao cho trông coi sổ sách trong điền.
Phần ông tài phú họ Huỳnh, hay tin Bảy Bình mang thân đi làm mướn, lúc đầu ông giận lắm, nhưng sau đó nghĩ lại, cho rằng con mình đã gặp người vừa duyên phải lứa, ông đổi giận làm vui, chọn ngày lành sang nhà chủ điền họ Lưu xin kết thông gia.
Hôm đó, trong điền có con trâu nổi chứng, cứ gặp người là chém, náo loạn cả cánh đồng. Bảy Bình ngứa nghề bèn trổ oai, xoay trần quần nhau với trâu dữ cả buổi mới hàng phục được nó. Khi người nhà ra tìm cho hay hai họ đang giáp mặt bàn chuyện lứa đôi cho mình, Bảy Bình chỉ kịp nhảy tùm xuống ao, hụp đầu vài cái rũ bùn rồi hộc tốc thay đồ, chạy về. Chàng rể ra mắt nhạc gia, đầu tóc sũng nước, quần áo còn ngầy ngậy mùi bùn non ngoài đồng. Chừng bấy giờ ông bà chủ điền mới hay chàng trai mấy tháng nay làm công nhà mình là công tử con nhà tài phú.
Cô Bảy Phương cảm động trước tấm chân tình của chàng trai, mới ưng lời vầy duyên cá nước. Họ sinh được một cô con gái, gia đình êm ấm no đủ yên vui, cho đến khi…
... Đang thời ly loạn mà cậu Sáu An, Bảy Bình cứ đi ghe hoài, người thân can ngăn mấy cũng không được. Họ có lý riêng: Thời buổi nhiễu nhương, hiếm ai đi thương hồ mà mình dám đi thì mới càng lãi to. Và tai họa đã xảy ra, làm tan tác cả một dòng tộc.
Ngày nọ, khi họ dẫn đoàn ghe ghé chợ P.T. thuộc huyện C.K. thì nhằm đúng lúc Việt Minh rải truyền đơn trong chợ, Tây đang dẫn lính đi lùng. Thấy hai người mặt mày sáng sủa khôi ngô, viên sĩ quan Pháp ngờ là Việt Minh(3), liền ra lệnh bắt họ. Người cùng đoàn thương hồ của hai anh em nghe kinh động, vội vã lui ghe, nên được an toàn cả nhóm. Còn hai chàng trai thì bị trói gô lại, quan Tây lập tức cho hành hình, không cần xét xử.
Đao phủ là một người Khmer, không phải tay đao chuyên nghiệp nên y cắn răng nhắm mắt xả mã tấu phạt đại ngang thân hai người. Chừng ngó lại thấy hai cái xác gập làm bốn, vẫn chưa đứt lìa, ruột gan tuôn lòng thòng, người đao phủ trợn trắng rú lên kinh hoàng, buông rớt thanh mã tấu. Công xá quan Tây thưởng đãi cho y chỉ là một lít rượu đế, người Khmer uống đến say mèm, hết biết trời trăng. Đêm đó, y đào ngũ trốn về phum sóc, bỏ nghề theo Tây giết người.
Hai anh em Sáu An, Bảy Bình trước sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày, vậy là lúc chết cũng được cùng ngày cùng tháng cùng năm, khi mới ngoài ba mươi tuổi; tình huynh đệ đồng sinh đồng tử được vậy kể cũng là trọn nghĩa, chỉ thương cho những người thân phút chốc hóa bơ vơ.
Ông Huỳnh tài phú phẫn uất đau lòng vì mất cùng lúc hai người con, nên quyết chí lại tái di cư. Được anh em trong bang hội Hoa kiều giới thiệu, ông mang theo ít vàng bạc, dắt theo cậu con út, xuống thuyền tìm đường sang Cựu Kim Sơn, định khi quen thung thổ Hoa Kỳ sẽ dời cả dòng họ qua theo. Song dọc đường ông bị ngã bệnh rồi mất, người con út theo cha từ đó cũng bặt tăm hơi, tuyệt không ai biết cậu mất hay còn. Bà tài phú lòng trần nguội ngắt, xuống tóc xuất gia, mượn câu kinh tiếng kệ để nguôi quên thế sự vô thường.
Sáu An mất đi, để lại cho đời được ba đứa con. Bảy Bình thì chỉ mỗi mụn con gái. Cô Bảy Phương bữa chiều đó dắt con xuống bến sông đón ghe chồng về, tưởng đâu được mừng họp mặt, nào dè lại hay tin dữ, chồng chết chẳng toàn thây. Đau thương quá độ, người quả phụ sinh trọng bệnh, mấy tháng sau cũng nối gót theo chồng. Bé Ánh – con Bảy Bình với Bảy Phương – vừa 8 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, không anh chị em ruột rà, một mình cui cút giữa quê nghèo bộn bề giặc giã.
Cô bé được người dì mang về nuôi. Ông bà ta thường nói: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, nhưng bé gái sẩy cả cha lẫn mẹ, nên chỉ biết tự mình cậy mình. Ở nhà quê, người ta lại càng ham công tiếc việc. Tự biết thân biết phận, nên mới tí tuổi đầu bé đã phải quán xuyến việc nhà, giữ em, chăm lợn, chăn trâu, nấu cơm, giặt giũ… Người cô thứ Mười Một của bé tới thăm, thấy đứa cháu ốm nhom đèo đẹt, da đen khét nắng, tóc cháy râu ngô. Đang giữa trưa mà bé phải na từng nạm rơm đút vô lò để nấu nồi cơm to đùng, cơm chín lại bơi xuồng đem ra đồng cho hơn hai chục người lớn dùng bữa.
Cô Mười Một bèn khăng khăng mang cháu bé về chăm nom, người trong nhà chủ điền họ Lưu ngại mang tiếng này nọ nên xúm vào ngăn cản quyết liệt. Mười Một tuy phận nữ nhi nhưng lá gan hảo hán. Nhà họ Huỳnh xưa kia từng nuôi võ sư Tàu để truyền võ nghệ cho 14 anh em, thì cô Mười Một là đệ tử ưng ý nhất của thầy Tàu. Bị cả đám đông hùng hổ bao vây, cô một tay dắt cháu, một tay rút dao phay chém phập cột nhà, buông lời thề độc:
– Mười Một này thề suốt đời không lấy chồng, quyết một dạ ở vậy nuôi con Ánh con anh chị Bảy cho đến ngày nó lớn khôn, nếu sai lời thề thì nguyện chết không đất chôn. Còn nay, như ai muốn cản tui đem cháu đi thì Mười Một xin phép bửa đầu kẻ đó!
Sau khi Sáu An và Bảy Bình mất, cô Mười Một tập hợp những người thân tín, lại thay hai anh chỉ huy đoàn thương buôn len lỏi ngược xuôi kênh rạch sông hồ. Về với cô, bé Ánh được rày đây mai đó, tuy mải miết kiếp lênh đênh, thời gian sống dưới ghe nhiều hơn trên bờ, lại không có bạn đồng lứa tuổi để vui chơi, nhưng bé lấy làm sung sướng lắm, vì đã có vòng tay cô vững chãi đùm bọc.
Nhưng những ngày tươi đẹp của cô bé chẳng được bao lâu. Do lao tâm lao lực dãi nắng dầm sương quá độ, chỉ vài năm sau, cô Mười Một từ trần. Phút lâm chung, cô cầm tay bé Ánh dặn dò:
– Mệnh trời không cho cô được chăm sóc con đến ngày khôn lớn rồi, thôi thì cô cháu mình từ đây chia tay. Con ở lại, ráng sống sao cho khỏi thẹn là con của Bảy Bình, là cháu cưng của cô Mười Một, nghe không!
Lại một lần nữa bé Ánh quấn lên đầu vòng khăn tang, đưa tiễn người thân về cõi vĩnh hằng.
Năm 12 tuổi, có người bà con xa về quê chơi, khi trở lên Biên Hòa đã dắt Ánh theo. Từ đó, cô bé đi ở đợ tự nuôi lấy thân. Sáng dọn hàng cho sạp vải của người bà con ở chợ Biên Hòa, xong rồi đi gánh nước, rửa bát thuê cho tiệm hủ tiếu, tối đi học nghề may.
20 tuổi, cô mở được một hiệu may ở cạnh rạp hát Biên Hùng. Con bé nhà quê đen nhẻm gày guộc khi xưa giờ đã thành cô Hai Ánh hoa khôi xứ bưởi. Các sĩ quan, danh ca, bác sĩ, kỹ sư đua nhau lượn lờ, xe hơi choáng lộn xếp hàng dài trước cửa hiệu may mong được rước người đẹp về dinh, nhưng tất thảy đều bị cô gạt phắt sang bên, để đến với một anh trai Tàu cục mịch quanh năm chỉ vận độc may ô quần đùi đẩy xe nước mát bán rong.
23 tuổi, cô về làm dâu một gia đình người Hoa nhiều khuôn phép khắc nghiệt. Năm sau, cô sinh ra… tôi.
* * *
Ngày tôi còn nhỏ, mẹ thường kể chuyện dòng họ ngoại cho tôi nghe. Những đau thương chồng chất sắp lớp tràng giang, mà mẹ lại kể bằng giọng tỉnh rụi, cứ như chuyện của ai ai đó, chẳng liên can gì đến mình. Những gian truân lầm than của đứa trẻ mồ côi một thân chèo chống xuôi ngược chợ đời khiến tôi “bức xúc”, thường giậm chân trách mẹ:
– Sao lúc đó… lúc đó… mẹ không kêu con, để con giúp mẹ?
Mẹ cười ngất:
– Lúc đó mày còn ở dưới mắt cá mẹ, có chui ra kịp đâu mà giúp với đỡ!
* * *
Ngày hòa bình thống nhất, mẹ thắp nhang vái van ông bà ngoại, rằng đất nước nay đã an bình, đúng như tâm nguyện của ông cố tôi khi xưa đặt tên cho hai người anh em sinh đôi. Mẹ vui vì từ nay các con của mẹ sẽ không phải chịu đau khổ vì tai nạn chiến tranh như đời mẹ và cha ông nữa.
Ba ngày sau đó, ba tôi gom vàng bạc trong nhà toan bắt mối đưa cả gia đình ra nước ngoài. Đời ông bà nội tôi cũng vì họa cộng sản Trung quốc mà hóa phải mồ côi, lưu lạc sang vùng đất phương Nam này; giờ lại thấy Cộng quân nắm quyền nên sợ lắm, phải lo mà tái di cư
Giữa đường thì ba bị xe GMC do các chú bộ đội điều khiển cán phải, họ chạy xe giữa đường phố mà lại phóng loạn xạ tưởng như giữa rừng Trường Sơn nên đã cho xe nghiến lên ba tôi. Chiếc 67 của ba nát bét, sau đó chỉ có thể mang cân sắt vụn. May mà ba tôi không chết, nhờ có người qua đường sau khi vét sạch vàng bạc trong người ba, đã động lòng hảo tâm gọi điện báo tin cho mẹ tôi hay, kịp đưa ba đi bệnh viện. Tai nạn làm gương mặt ba biến dạng ghê gớm, em gái tôi sợ hãi khóc thét khi nhìn thấy ba. Cả hàm răng trên của ba sụp xuống, phải dùng niền inox gá lên; một chân ba bị gãy xương, tuy nối lại được nhưng trật khớp, từ đó ba tôi chỉ có thể đi cà nhắc chậm chạp. Gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai gầy của mẹ tôi.
Một năm sau, cả nhà tôi bồng bế nhau về quê ngoại sinh sống. Với chút tư trang còn sót lại, ba mẹ tôi mua mảnh vườn rồi khai khẩn thêm. Mua xong mảnh vườn thì trong nhà tôi chẳng còn lại gì, cả nhẫn cưới của ba mẹ cũng không còn. Tôi và thằng em thứ nhỏ hơn tôi một tuổi phụ mẹ rà miểng bom, vỡ đất, đào mương. Cả nhà gồm ba mẹ và năm anh em tôi chen chúc nhau sống trong căn chòi lá tạm bợ như chuồng heo, chỉ vừa đủ chỗ kê chiếc giường với quây cái bồ đựng lúa. Những lúc gia đình lâm cơn túng đói ngặt nghèo, mẹ tôi vẫn cười hồn hậu:
– Ráng lên, nhà mình nhất định sẽ qua được đận gian lao này! Ngày xưa mẹ chỉ một mình tứ cố vô thân còn sống được, huống chi nay cả nhà có đến 7 người chung sức chung lòng…
Mùa rẫy đầu tiên, nhà tôi trồng cải bắp. Đất tốt nên cải lên xanh mượt, bắp cải nào cũng xanh mởn ngon muốn cắn, nặng trìu trịu. Hai mẹ con mướn xuồng chèo qua chợ Đại Ngãi bên Sóc Trăng bán. Bị chủ vựa ép giá, mẹ quyết định mang ra đầu chợ, ngồi bán lẻ từng bắp một, nhờ vậy mà có được đồng lời đủ tiền mua hạt giống mới và phân bón cho mùa sau, lại còn sắm được cặp heo con.
Đêm, mẹ thường thắp nhang, khấn vái rất lâu. Tôi hỏi mẹ vái gì, mẹ mỉm cười:
– Mẹ vái cầu ông bà ngoại phù hộ độ trì cho nhà mình…
Một hôm, mẹ mơ thấy ông ngoại tôi và ông Sáu về than, là hai anh em nằm ngoài bờ bụi trơ vơ lạnh lẽo lắm, hai ông biểu mẹ tôi rước hài cốt hai người về. Trong mơ, mẹ tôi hỏi làm thế nào để tìm được cốt, vì mẹ nhớ ngày xưa khi ông nội mẹ – cụ tài phú họ Huỳnh – đích thân đi lãnh xác con mà không được, còn suýt bị Tây bắt. Trải qua bao khói lửa đạn bom cày xới vùng quê, biết tìm đâu được nắm xương tàn của hai ông đây! Mẹ bảo:
– Ông ngoại con biểu cứ tìm người hồi xưa chém hai ông thì sẽ gặp!
Mẹ tin giấc mơ đó lắm, làm tôi cũng nôn nao xốn xang trong dạ. Mẹ còn nhắc, hồi xưa ông ngoại sau mỗi chuyến đi buôn về thường đặt mẹ ngồi lên vai, cõng đi khắp xóm, mắt mẹ rơm rớm.
Trong nhà chẳng còn đồng bạc nào, mà chuyến đi tìm ông ngoại phải dài ngày họa may mới mong tìm đặng. Gần nhà có ông cán bộ xã muốn vét hồ cá tra nhưng ai nghe cũng gớm, chẳng ai chịu nhận làm. Hồ cá nhà ổng đào cạnh lộ, người đi đường chột bụng chỉ cần xé lá chuối khô rồi bước vô an tọa. Đã vậy, ổng còn xây thêm chuồng heo trên ao cá. Đứng cách ao cả công đất còn nghe mùi hôi thối cuồn cuộn dâng trào. Tôi với thằng em tới đòi giá cao, ông cán bộ phải bấm bụng mà ưng thuận.
Lúc mới đặt chân xuống đáy ao, tôi gớm đến nổi rùng mình ớn lạnh, chỉ muốn lộn mửa, nhưng sau một hồi thì quen, tay gàu sục bùn lỏng xúc quăng lên lia lịa. Thứ bùn ao cá cầu tiêu nó bầy nhầy, lỏng bỏng, trơn nhớt… Khom xuống múc bùn, thấy phân người phân heo xanh xanh vàng vàng còn đọng lại lợn cợn lềnh bềnh ngang mũi, tôi bật cười, nói với thằng em:
– So với anh em mình thì thằng cha Việt vương Câu Tiễn chỉ là đồ bỏ, hè hè!
Làm chỉ hai ngày là xong cái ao cá vồ, lãnh được món tiền cũng bộn, đủ cho chuyến đi tìm cốt ông ngoại. Có điều, cả tuần sau, trên người hai anh em tôi vẫn còn vương vấn mùi c*t đái…
Bơi xuồng tới chợ P.T. hỏi thăm, thì hai mẹ con càng xanh mặt rởn ốc cục vì sự linh hiển của ông ngoại: Quả nhiên, người đàn ông đao phủ Khmer khi xưa chém ông ngoại hiện vẫn còn sống!
Ông lão giờ nửa điên nửa tỉnh, không vợ con thân thích, đang ăn xin ngoài chợ. Khi nghe mẹ tôi hỏi thăm chuyện xưa, ông vùng trợn trắng, giãy đành đạch như con cá lóc bị ai đập đầu. Mẹ tôi cạo gió, giựt tóc mai cho cả tiếng đồng hồ, ông mới hồi tỉnh.
Và rồi ông tỉnh hẳn lại, đứng phắt dậy, kéo hai mẹ con tôi đi vùn vụt, phăng phăng băng đồng lướt bụi. Tới một thẻo đất um tùm ô rô cóc kèn bên bờ sông P.T., ông nhảy loi choi:
– Đây, đây, ở đây nè. Hai người. Đổ ruột. Giống con trùn bị ngắt làm đôi. Tui nhớ mà. Nhớ kỹ lắm. Hai người bị tui giết đó.
Ông phụ chúng tôi đào lên. Bàn tay khi xưa vung mã tấu lên, giờ run rẩy xắn lưỡi leng xuống. Đất mềm nên cũng dễ đào, chỉ độ hơn nửa tiếng là chúng tôi thấy lộ ra hai bộ hài cốt đen thui như gỗ mun chung một chỗ nằm, lẫn lộn vào nhau. Cặp anh em sinh đôi này đến chết vẫn còn quấn quýt thâm tình ruột thịt. Lạ thay, gần 40 năm trời vùi trong đất bùn, mà xương cốt hai ông vẫn chưa phân hủy, ý hẳn chờ người thân tìm đến rước về. Mẹ nhận ra bốn cái răng vàng của ông Sáu, còn thì chia đều ra làm hai gói. Gói có răng vàng để dành trao lại cho mấy người dì - con ông Sáu - nay đã là mệnh phụ cấp huyện, dì Ba Hà còn có người con bằng tuổi tôi đang du học đâu ở xứ Bún-cà-ri.
Cuộc đi tìm di cốt ngỡ phải mười bữa nửa tháng, dè đâu chỉ hơn nửa ngày là hoàn thành. Mẹ tôi trút hết món tiền làm lộ phí cho ông lão Khmer.
Phải là con mẹ mới biết món tiền đó nặng cỡ nào. Mẹ tôi tiện tặn cả đời, bòn mót được đồng nào là dành dụm để lo cho các con. Thèm ăn hủ tiếu, nhưng khi sáng đãi ông lão, vào quán mẹ chỉ gọi có hai tô. Một tô phần ông lão, tô kia sớt làm đôi mẹ con chia nhau. Chịu ảnh hưởng từ mẹ mà đến giờ tôi vẫn có thói quen ăn cơm không để rớt nửa hột; vào quán xá ăn sáng, tôi húp sạch đến cặn chẳng sót miếng nước lèo; uống cà phê là phải nhai luôn cục nước đá cuối cùng, quyết không chừa lại hạt đường dưới đáy ly. Các chủ quán quen thường giễu tôi: Bán hàng cho thằng này là khỏe re, khỏi rửa tô chén ly tách chi, vì đều được nó vét sạch bong!…
Mà số tiền đó, lại là tiền công vét c*t của hai anh em tôi, thành ra tôi xót lắm, trong bụng tính thầm: Lát nữa tìm cách để mẹ về trước, còn mình lộn trở lại chặn đường lão Khmer này, trấn lại ít ra cũng phải phân nửa, cho nhiêu đó thôi cũng quá lắm rồi!
Nhưng lão ăn xin không chịu nhận. Ông sụp xuống lạy mẹ tôi, làm hai mẹ con hoảng hồn vội quỳ lạy trả. Lạy qua lạy lại một hồi, tôi chịu hết xiết, xốc nách ông dậy:
– Nghiêm, đứng thẳng, đứng!
Mẹ vừa khóc vừa cầm bàn tay từng vấy máu ông ngoại:
– Bác ơi, chuyện ngày xưa qua lâu rồi, giờ bác lại có công chỉ giùm cho cháu lấy được hài cốt cha cháu đem về, thì bác là người ơn của gia đình cháu. Số tiền này, bác cứ nhận đi, coi như là nhận để xóa bỏ chuyện xưa lắc xưa lơ cho nhẹ lòng, mà tía với bác của cháu ở dưới kia cũng được an dạ.
* * *
Sau đó, mẹ con tôi về bên Trà Cú cải táng cho bà ngoại, rước bà về nằm cạnh ông ngoại (và có thể, cũng có cả một phần của ông Sáu tôi nữa).
Lấy cốt ông ngoại về được hai tháng thì ông lão Khmer qua đời. Nghe nói, những ngày cuối đời ông không còn điên điên khùng khùng nữa, ông cạo đầu vô tu và được hỏa táng trong chùa Khmer.
Hàng năm, tới ngày giỗ ông ngoại, bao giờ mẹ tôi cũng không quên khấn ông lão Khmer, mời ông về uống chung với ông ngoại, ông Sáu tôi ly rượu. Mẹ nói:
– Chết rồi thì mấy ông gặp nhau cũng kết bạn bè với nhau, chứ huỡn đâu mà kể tới ân oán hồi còn sống chi nữa!
TV, 16/3/2011 - levinhhuy
______________
(1) Vựa buôn lúa.
(2) Kiểu như thư ký, kế toán.
(3) Ở đây, tôi chỉ ghi lại theo lời kể của các ông già bà cả, chứ quan niệm mỗi thời mỗi có khác nhau. Thời nay thì cán bộ nào không có cái mặt… ngu ngu thì không phải thế cán bộ. Xin phép nói rõ: Sở dĩ ngu ngu là do vì quanh năm suốt tháng chỉ biết có ăn với nhậu, hê hê!

Thanked by 3 Members:

#40 Hoa Cái

    Hội Viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPip
  • 5381 Bài viết:
  • 18600 thanks

Gửi vào 05/06/2016 - 02:59

Cuộc chiến nào đi qua mà không để lại những hệ lụy đau thương. Post lại một truyện ngắn viết về ông ngoại tôi, buồn tủi vẫn rưng tràn lệ nóng, nhưng thù hận thì bay biến sạch trơn.
-------------------------------------------------------

@lucifer
Ông ngoại là 1 trong 2 người bị chết chém .

Ai là cháu ? Là tác giả viết bài hay là Lucifer ?

Sửa bởi Hoa Cái: 05/06/2016 - 03:03


Thanked by 1 Member:

#41 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1784 thanks

Gửi vào 05/06/2016 - 03:07

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Hoa Cái, on 05/06/2016 - 02:59, said:



@lucifer
Ông ngoại là 1 trong 2 người bị chết chém .

Ai là cháu ? Là tác giả viết bài hay là Lucifer ?

dạ, levinhhuy là cháu, nói là cháu ngoại nhưng đầu 2 có 2 màu tóc rồi bác Hoa Cái ạ. Dạ đúng rồi, ông ngoại là 1 trong 2 người bị chém. Bài này con đọc lần nào cũng xúc động
Dạ Lucifer chuyên đi copy paste dạo thôi bác Hoa Cái ơi. Con mà viết hay đến mức bác Hoa Cái tò mò chạy vô cmt thì con bỏ nghề đi viết sách cho rồi

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 3 Members:

#42 Hoa Cái

    Hội Viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPip
  • 5381 Bài viết:
  • 18600 thanks

Gửi vào 05/06/2016 - 03:47

Không lẽ Thiên Đồng linh hoạt dữ vậy sao ?

Đòn quyền cước bay bướm của người chỉ mới 30 tuổi mà ntn thì ngòi bút tôi không so sánh được.

Rất khâm phục & tán thưởng.

Chuyến đi VN tháng 3, tháng 4 nghe 1 nhân sĩ năm nay 37 tuổi cao hứng phê bình "nhìn mặt mấy người nào ngu ngu thì biết là ai rồi !". Không chừng hắn đọc truyện của Lucifer mà đắc ý hay nhắc đến đoạn chú cuối bài.

Đây là 1 tùy bút hay nhất cũng như1 truyện do họa sĩ tên Ngọc viết về 1 người tài hoa mang sát nghiệp mà tấm thân tàn tạ, đọc cũng hay lắm .

Đọc văn của Lucifer thấy sự ấm áp của người Nam Bộ bình dân mộc mạc, có mang ít nhiều dòng máu Tàu, cũng như tôi cưới bà vợ Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng mang rặt máu Tàu (1/2 Tiều, 1/2 Quảng).

HC

Sửa bởi Hoa Cái: 05/06/2016 - 12:34


Thanked by 3 Members:

#43 Hoa Cái

    Hội Viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPip
  • 5381 Bài viết:
  • 18600 thanks

Gửi vào 06/06/2016 - 07:07

Lucifer hãy đọc tùy bút của Đỗ Duy Ngọc về số phận khắc nghiệt của 1 người tài hoa

Bước Không Qua Số Phận:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Sửa bởi Hoa Cái: 06/06/2016 - 07:09


Thanked by 2 Members:

#44 quanphuc2015

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 361 Bài viết:
  • 255 thanks

Gửi vào 06/06/2016 - 18:06

Chốn công khai thì giả bộ chia sẻ sách thánh hiền, tin này tức nọ.
Còn có khi tối về dấm dúi share Cô Giáo Thảo với Chú Kim Hoa Cái cho nhau đọc ấy chứ.

#45 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1784 thanks

Gửi vào 06/06/2016 - 21:48

k thể hiểu được cái thể loại đáng tởm đến mức buồn nôn. Cái topic hay ho bị làm bẩn một cách đáng khinh. Bản thân mình bới ra thì chắc gì đã thơm? Viết xong cũng cảm thấy tay bị bẩn
Nếu được anh Huy remove dùm 2 cái cmt của em với thằng ở trên.

Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |