TƯỚNG PHÁP BÍ TRUYỀN- CHỈ MỘT NÉT TƯỚNG ĐỦ LÀM NGHIÊNG CUỘC ĐỜI
* LUẬN VỀ CÁC THỨ TƯỚNG ĐI
* MỘT CHUYỆN ĐÃ QUA: TƯỚNG ĐI CỦA CỤ NGÔ ĐÌNH DIỆM, MỘT ĐIỀU MÀ ÍT NGƯỜI THẤY
* MỘT CÂU CHUYỆN CỔ: NHÀ TƯỚNG ĐẠI TÀI ĐẤU-VĂN BIẾT KHUYÊN CON CHÁU THOÁT ĐƯỢC NẠN CHẾT
Tác giả: ĐÔNG NAM Á
Tướng pháp luận xét về cuộc đời của mỗi con người một cách rất là tỉ mỉ… Tướng pháp đã xét đến phần hình hài, rồi đến phần tinh thần (như tiếng nói, ánh mắt, hơi thở), lại xét đến các cử chỉ. Về cử chỉ, tướng pháp xét từng cách ngồi, cách đi đứng, đó cũng là những nét tướng có thể ảnh hưởng vào thân thế mai sau về các phương diện thọ, yểu, an nguy, giầu nghèo, sang hèn…
Và một điều đặc biệt hơn nữa, là nhiều khi chỉ một nét tướng về phương diện này là đủ làm nghiêng cuộc đời. Như một người có những tướng đẹp để làm lớn, nhưng lại bị một nét phá tướng, - thì tuy rằng làm lớn mà người đó có thể bị hạ bệ một cách đau thương, hoặc là bị yểu. Chúng tôi sẽ xin kể một câu chuyện về nét tướng đi của cụ Ngô Đình Diệm.
Tướng xấu và tướng đẹp
Hồi chưa biết coi tướng, tôi nhìn những người khác, cứ thấy dễ coi, ưa nhìn thì cho là đẹp. Cái đẹp đó có thể là theo mắt của nhà nghệ sĩ hoặc là theo con mắt thông thường. Theo nhà tướng lại khác: chiếc mũi xinh xinh có thể là chiếc mũi cánh mỏng và nghèo hèn, cái miệng tươi có thể là miệng trễ và gian xảo, mầu gia hồng hồng như cánh hoa đào lại là một tướng xấu…
Tôi còn nhớ, hồi 1955, có đoán tào lao mấy câu với người quen: “Tướng ông Diệm thế mà sau xấu lắm, xấu khôn lường” (chính vì những lời đoán đó mà tôi bị bắt rồi bị đưa đầy Côn Đảo một thời gian). Đoán chơi vậy thôi, nhưng trong số những người nghe, cũng có người biết về tướng, đã hỏi lại tôi:
- Tướng cụ Diệm đẹp vì những nét gì, và xấu là vì sao?
- Tướng pháp có luận rằng người thấp, lùn, tức là có mập đôi chút- chân ngắn lại đi nhanh, thì đó là tướng cực quý rồi.
Tôi đã cân nhắc một nét đặc biệt về hình dáng và tướng đi. Rồi ngừng lại. Người kia lại hỏi:
- Thế còn những nét tướng xấu?
Tôi đã toan…dấu nghề, không phải vì xiểm, mà chỉ vì e ngại tai vạ bất thường… Nhưng lại nghĩ: nếu mình không đoán cho đầy đủ, rồi mai sau đây những cái xấu đến cho ông Diệm, có phải là mình làm mất sự chính xác của tướng pháp không? Vì thế tôi đã nói rõ ra các điều về tướng đi của con người. Tôi nói:
- Biết tướng pháp rồi, tôi thường quan sát mọi người, nhất là những người sang giàu, và tôi thấy thật khó mà có được nét tướng chu toàn.
Và trong nhiều trường hợp lại không có sự bù trừ cho nhau. Như một người được các nét tướng tốt là sang giàu tột bậc, - ấy thế mà chỉ gặp một nét xấu là bị phá tán cả cuộc đời. Mỗi nét tướng có một ảnh hưởng riêng của nó, và phải đến lúc nó tỏa ảnh hưởng ra. Thí dụ như một nét tướng đi có thể làm nghiêng đổ cuộc đời. Cụ Diệm có cái tướng đi đại quý như tôi đã nói. Nhưng cụ Diệm cũng có nét tướng đi xấu.
- Xấu là thế nào? Có phải là hai cái tay vung vẩy?
- Không phải.
- Thế thì cặp chân đi chữ bát?
- Cũng không.
- Vậy thì cái dáng đi với thân hình nghiêng về phía trước, làm cho người ta tưởng chừng như vấp té là khó mà gượng lại.
- Cũng không phải.
Và tôi đã nêu lên các nét tướng đi.
Các nét tướng đi
Tướng pháp đã luận:
- Người nào đi như ngựa thì nghèo khổ và vất vả. Đi như ngựa tức là hai đầu gối hơi khum lại: ống chân và bàn chân sau mỗi bước đi đều nhấc lên hơi cao, làm cho bàn chân cúp xuống 1 chút.
- Người nào đi kéo lê, nghĩa là bàn chân (hay giầy) quét chạm đất nghe quét quẹt, là có nét tướng đi của người hèn hạ hoặc là kém khôn ngoan.
- Có người đi như chim sẻ nhảy, tức là vai (hoặc đầu) nhô lên thụt xuống theo nhịp mỗi bước. Đàn ông thì nghèo, đàn bà thì yểu hoặc cao số, vất vả đường hôn nhân, nếu có nét tướng ấy.
- Lại có người đi như bơi chải, hai tay vắt va vắt vẻo, tựa như với một vật gì, đầu lại cúi xuống trong lúc đi, thì đó là nét tướng ngu si và nghèo khó suốt đời.
- Người nào lúc đi hai tay buông thõng, không đưa đẩy, y như thể xách vật gì nặng, thì vất vả và kém thọ.
- Đi mà gót chân như kiễng lên tức là đi nhón gót, là có tướng yểu.
- Đi như rắn bò: lúc đi, cặp mông chuyển động, cả khoảng thắt lưng oằn đi oẹo lại, đầu cũng chuyển động (đầu chuyển ngược với mông: mông chuyển sang phía trái, thì đầu chuyển sang phía phải). Người có dáng đi như rắn bò, cả trai lẫn gái thường kém tính chân thực, còn có thể là gian xảo nữa.
- Dáng đi như nước chảy: lúc đi, hai vai không nhúc nhích, đầu thẳng, mặt trông thẳng, người lướt nhanh một cách vừa phải. Đó là nét tướng tốt.
- Đi như rồng bay (long hành). Đó là kiểu đi mau ít ai bì kịp, mà không có vẻ vội vàng, bước đi luôn dài và đều: tốt.
- Đi như hổ (hổ bộ): bước đi vững vàng, mặt có vẻ hơi dữ, mắt lù lù, trông như có điều gì đang nghĩ ngợi.
- Đi như con lang (beo gấm): bước dài, gọn, nhưng đôi khi lại ngoảnh mặt sang bên, như thể muốn tìm tòi vật gì. Người có dáng đi như con lang, thường có bản lĩnh kiêu căng, tham làn, tuy là sự nghiệp hiển hách. Nhưng có một điều rất khó luận: là người có dáng đi như con lang, dĩ nhiên kèm thêm những nét tướng tốt khác, thì càng làm lớn lại càng đem đến những kết quả tai hại cho gia đình.
Cụ Ngô có tướng đi như beo gấm
Tôi đã nhận thấy dáng đi của cụ Ngô là dáng đi của con lang (beo gấm): cụ có nét tướng đi mau, nhưng mắt cụ hay nhìn bất thình lình sang bên. Đó là nét tướng độc hại.
Vì sự dẫn giải của tôi lọt vào tai một nhân sự nào đó mà tôi không biết, cho nên tôi đã bị bắt. Tôi nghĩ rằng, thời ấy và cả những thời về sau, cụ Ngô không có biết đến chuyện này, nên không thể qui trách rằng cụ khó khăn. Về phần tôi, nêu lên một nét tướng cũng không phải để miệt thị ai, mà chỉ là để làm theo cái lương tâm của người coi tướng nói ra một sự thật, thế thôi.
Chúng tôi sẽ xin kể một câu chuyện cổ, chuyện của Đấu Việt Tiêu làm tể tướng nước Sở, về sau đảo chánh vua nước Sở để tiếm ngôi vua. Thế nhưng Đấu Việt Tiêu lại có một nét tướng không hay. Vậy mà từ lúc nhỏ, ông cụ của Đấu Việt Tiêu đã biết được nét tướng ấy…
KHHB số 31- 20/12/1972 (số báo “Thái Thanh”)