Jump to content

Advertisements




Sơn Thủy Mông


18 replies to this topic

#1 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4964 thanks

Gửi vào 11/11/2011 - 10:32

Quẻ thứ 4 trong 64 quẻ, gồm hạ Khảm thượng Cấn hợp thành, tên quẻ là Mông, tượng trưng cho đứa trẻ thơ đang còn ngu tối, mông muội, cần được dạy dỗ. Giai đoạn đầu của sự phát triển của sự vật, trong giới tự nhiên cần được dục dưỡng. Tự quái nói: Vật mới sinh thì mông muội (tối tăm), cho nên kế tiếp quẻ Truân (đầy dãy vật mới sinh) là quẻ Mông. Mông là manh nha, là tình trạng non nớt ấu trĩ của sự vật (Vật sinh tất mông, cố thụ chi dĩ mông. Mông giả, mông dã, vật chi trĩ dã). Trịnh Khang Thành nói: “Mông là dáng vẻ non nớt, nhỏ nhắn; người Tề gọi manh là mông” (Mông, ấu tiểu chi mạo, Tề nhân vị manh vi mông dã). Manh là manh nha, là mầm cây mới nhú ra. Trĩ là lúa còn non (ấu hòa), cũng có nghĩa là trẻ thơ (ấu nhi). Quái từ quẻ Mông dùng từ đồng mông (trẻ khờ dại chưa định hình nhân cách) cũng theo với nghĩa ấy.

Lời quẻ nói: Quẻ Mông tượng trưng cho đứa trẻ còn mông muội ngu tối cần được dạy dỗ, nên hanh thông. Không phải ta cầu ở đứa trẻ nhỏ dạy dỗ, mà chính là đứa trẻ nhỏ cần ta dạy dỗ cho. Lúc bói lần đầu, hỏi thì bảo cho. Nhưng hỏi hai ba lần là nhờn, là lạm hỏi, làm cho việc học cũng bị nhờn lạm. Đã nhờn lạm thì không dạy bảo nữa. Có lợi ở việc giữ gìn ngay chính. (Quái từ: Mông, hanh. Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã. Sơ phệ, cáo; tái tam độc, độc tắc bất cáo. Lợi trinh)

Giải: phỉ giống như chữ phi, có nghĩa là không phải là. Ngã là nói về ông thầy dạy trẻ, chỉ hào Ngũ. Phệ vốn chỉ cách bói bằng cỏ Thi, ở đây dùng để chỉ đứa trẻ đi học, hỏi ông thầy chỉ bảo cho những điều còn nghi ngờ, Tôn Chấn Thanh cũng như nhiều người khác dịch là Phệ là hỏi, đặt câu hỏi, thì thích hợp với nội dung khải mông hơn; sát nguyên văn thì dùng chữ Bói, một lần thì thành tâm, hai ba lần thì phiền hà, mạo phạm . Độc, theo Lục Đức Minh trong Kinh điển thích nghĩa giải thích là loạn. Chu Hi giải: “Mông, có nghĩa là tối, các vật mới sinh mờ tối chưa sáng”. Theo Trình Di thì “Mông, có nghĩa là khai phát”. Tôn Đức Hậu căn cứ theo Từ nguyên giải thích rõ hơn “Mông là một loài cỏ mọc lan, khi mọc tốt thì che lấp cả cây, phía dưới nó tối tăm, biểu thị ý nghĩa tối tăm, che đậy. Quẻ này sinh ra kế tiếp sau Truân, biểu thị trạng thái ấu thơ, vô tri, mông muội, trần thuật việc gợi ý phát triển năng lực trí tuệ của nó như thế nào, tức đạo lý vỡ lòng”. Khải mông cái lý vỡ ra từ bên trong.

Lời quẻ có thể phân thành bốn tầng lý giải. Tầng một nói về sự vật ở vào thời kỳ bé thơ, còn ngu muội nếu được dạy dỗ hợp lý thì sẽ được hanh thông. Tầng hai nói về việc dạy dỗ, đó là trẻ học phải cầu ở ông thày, chứ không phải ông thày cầu ở trẻ học, Ngũ ứng với Nhị chính là tượng Đồng mông cầu ngã. Tầng ba nói về quy luật của việc dạy trẻ, đó là đứa trẻ thơ bé còn mông muội phải thành tâm (tại sao còn thơ bé đã phải thành tâm?), tuần tự cầu học, chứ không phải lạm vấn đến hai, ba lần, làm nhờn loạn việc học, với người thầy thì phải có phương pháp giáo dục, hỏi một lần thì trả lời, trả lời rồi mà vẫn cứ hỏi đến nỗi nhờn lạm thì không trả lời nữa. Tầng bốn là tổng kết ý nghĩa của Lời quẻ, nói về quy luật dạy trẻ, là có lợi cho việc giữ gìn được sự ngay chính.

Chu dịch tập giải – Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Can Bảo nói: “Mông là sự vật còn non nớt, ấu trĩ, cần được ông thày dạy dỗ. Nếu được như vậy, thì tuy mông muội nhưng sẽ hanh thông. Vì vậy mới nói là Mông hanh”. Sách này lại dẫn lời Ngu Phiên nói: “Đứa trẻ nhỏ còn ngu muội là chỉ hào Ngũ. Ta (ông thày) là chỉ hào Nhị”. Vương Bật nói: “Phệ là vật để chỉ sự nghi ngờ. Đứa trẻ nhỏ còn ngu dốt đến cầu ta để giải đáp sự nghi hoặc. Nhưng hỏi hai, ba lần tức là không có lòng tin, thì càng nghi hoặc thêm. Vì vậy, hỏi một lần thì nói, hỏi hai, ba lần thì nhờn, thì không nói nữa”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Trinh tức là ngay chính. Nói ý nghĩa của quẻ Mông là ở chỗ giữ gìn được sự ngay chính”.

Cấn ở trên, Khảm ở dưới. Cấn là núi thì ngừng lại, Khảm là nước, là hiểm. Dưới núi có hiểm, gặp hiểm thì ngừng lại, vì chẳng biết là đi chỗ nào. Nước mới khai nguồn chưa định giòng chảy là Mông, khi đã định dòng chảy thì là hanh. Nước thành dòng dâng lên ở chân núi, là hình ảnh thái độ bồng bột, thiếu kinh nghiệm của tuổi trẻ (youthful folly). Vững vàng kiên định là đức tính của núi. Sâu thẳm hay nông cạn, và khó lường, là đức tính của nước. Chao đảo trên bờ vực sâu thẳm, chính là thái độ ngông cuồng của tuổi trẻ. Nhưng sự bộc phát dũng mãnh của tuổi trẻ, lại cần thiết để tạo ra tiến bộ. Không dám liều lĩnh nhảy vào vực thẳm, thì không thể tạo ra những bước đột phá sáng tạo cần thiết cho sự tiến hóa. Dưới núi có hiểm là quái tượng, hiểm mà ngừng lại là quái đức, nên Mông có hai nghĩa: hiểm mà ngừng là hiểm ở trong. Ngừng ở ngoài nghĩa là từ trong nhà đã không được yên ổn, nên mới đi ra ngoài thì không có được sự tiện lợi. Trong hiểm ngoài ngăn không tiến được. Người hiền hà tất tự mình tiến để cầu Vua, tự đến cầu thì khó mà được tin dùng, ba lần nghi ngại về lòng tin nên nói độc mông. Trẻ nhỏ còn thuần nhất, lòng dục chưa khởi, thiên lý còn nguyên thực, dụ ý nói người ta giữ cái tâm cho thuần nhất như lúc còn trẻ thơ.

Trong thời tuổi trẻ, sự ngông cuồng dồ dại không phải là điều xấu. Thanh niên vẫn có thể thành công, cho dù có tính ngông cuồng, nếu tìm ra đấng chân sư có kinh nghiệm và có thái độ đúng đắn đối với ông ta. Điều này, trước hết người trẻ tuổi phải ý thức được sự thiếu kinh nghiệm của mình và phải có được sự định hướng cần thiết (đi tìm sư phụ hướng dẫn). Không có thái độ khiêm tốn và mối quan tâm này, thì không có gì đảm bảo anh ta có được thái độ tiếp thu cần thiết, thái độ này bộc lộ ra trong việc kính cẩn đón nhận sư phụ. Đó là lý do tại sao người Thày phải kiên nhẫn chờ đợi học trò tìm đến với mình, chứ tự mình không thể đi tìm học trò. Chỉ có như vậy, việc giáo dục mới được tiến hành đúng quy cách và đúc lúc. Câu trẻ lời của Thày cho câu hỏi của Trò nên trong sáng rõ ràng, và phải được xác định giống như một câu trên quẻ bói, nên Trò phải chấp nhận nó như chìa khóa để giải quyết những nghi ngờ và làm cơ sở để quyết định. Nếu cứ tiếp tục đặt ra những câu hỏi ngu xuẩn hay tỏ ra ngờ vực, điều đó chỉ khiến sư phụ bực mình. Khi đó sư phụ sẽ im lặng, không trả lời, giống như quẻ bói chỉ đưa ra một câu trẻ lời duy nhất và từ chối không trả lời lần thứ hai. Vì bói lần thứ hai, là nghi ngờ sự sáng suốt của thần minh.

Thoán truyện nói: Mông là vì dưới chân núi cao có vũng nước sau nguy hiểm. Gặp hiểm thì dừng bước, dùng dằng không dám tiến. Đó chính là trạng thái tượng trưng của quẻ Mông. Mông, hanh thông. Có thể thuận theo con đường hanh thông ấy, nắm vững thời cơ thích trung, mà tiến hành việc dạy dỗ mở mang trí tuệ cho trẻ nhỏ. Không phải ta bắt đám trẻ nhỏ đến để dạy dỗ, mà là đám trẻ nhỏ có nhu cầu được dạy dỗ đến cầu ở ta. Chí hướng ở cả hai bên là tương ứng. Lần đầu bói thì trả lời. Đó là ông thày có khí chất dương cương, có hành vi thích trung. Trả lời rồi mà cứ hỏi, lạm vấn đến hai ba lần là nhờn lạm việc học. Đã nhờn lạm thì không dạy. Vì làm nhờn lạm trình tự chính thường của công việc dạy trẻ. Ở vào thời đang còn mông muội, thơ bé thì có thể bồi dưỡng phẩm chất thuần chính ngay thẳng. Đó là bước vào con đường thành công của thánh nhân vậy. (Thoán nói: Mông, sơn hạ hữu hiểm, hiểm nhi chỉ, mông. Mông, hanh, dĩ hanh hành thời trung dã. Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã, chí ứng dã. Sơ phệ cáo, dĩ cương trung dã. Tái tam độc, độc tắc bất cáo, độc mông dã. Mông dĩ dưỡng chính, thánh công dã).

Giải: toàn văn có thể chia thành 5 tiết để lý giải.

Mông, sơn hạ hữu hiểm, hiểm nhi chỉ, mông – câu này lấy tượng quẻ Mông thượng Cấn là núi có tượng là dừng lại, hạ Khảm là hiểm, chỉ nghĩa gặp hiểm thì dừng, dùng dằng không dám tiến, để giải thích về tên quẻ Mông. Tập giải dẫn lời Hầu Quả nói: “Cấn là núi, Khảm là hiểm, như thế là dưới núi có hiểm, hiểm bị núi ngăn, ngăn thì không thông được, đó là tượng mông muội”.

Mông, hanh, dĩ hành thời trung dã – câu này là chỉ hào Nhị xử vào vị chí giữa của hạ quái, là nương theo con đường hanh thông, là dạy trẻ, mà có thể nắm vững thời cơ thích trung, để giải thích ý nghĩa của Lời quẻ là Mông, hanh. Vương Bật nói: “Có sở nguyện về thời, chỉ ước nguyện được hanh thông. Tiến hành trong sự hanh thông là được sự đúng độ của thời”.

Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã, chí ứng dã – câu này là nói về hai hào Nhị và Ngũ là âm dương tương ứng, khác nào thày và trò có chí hướng phù hợp nhau, để giải thích ý nghĩa của Lời quẻ là Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã.

Sơ phệ cáo, dĩ cương trung dã. Tái tam độc, độc tắc bất cáo, độc mông dã – câu này là nói về hào Nhị dương cương cư trung, khác nào ông thày cương nghị dạy dỗ có phương pháp, việc làm thích trung, để giải thích ý nghĩa của lời quẻ là Sơ phệ cáo, tái tam độc, độc tắc bất cáo. Tập giải dẫn lời Thôi Cảnh nói: “Hào Hai cứng, ở ngôi giữa, có thể thực hiện tốt việc dạy”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Sở dĩ hỏi nhiều lần mà không dạy bảo, là sợ nhàm loạn cho sự học”.

Mông dĩ dưỡng chính, thánh công dã – câu này là quy kết nguyên tắc cơ bản và công dụng cuối cùng của việc dạy trẻ, để giải thích ý nghĩa của Lời quẻ là Lợi trinh. Trình Di nói: “Loại trẻ thơ vẫn còn thuần nhất, chưa mở mang mà được nuôi dưỡng sự chính đính, ấy là cái công làm nên bậc thánh”.

Đại tượng nói: Dưới núi cao có suối nước chảy, tượng trưng cho sự dạy dỗ (dạy bảo), mở mang chí tuệ cho lớp trẻ nhỏ đang còn mông muội. Người trọng nghĩa ở trong hoàn cảnh này thì phải quả quyết, kiên định hành vi của mình, để bồi dưỡng đạo đức tốt đẹp (Tượng viết: Sơn hạ xuất tuyền, Mông. Quân tử dĩ quả hành dục đức).

Giải: Quả hành có nghĩa là hành vi quả quyết, hàm ý gặp mọi thử thách cũng đều vững vàng, không thể lay chuyển được, như nói lay chẳng chuyển, rung chẳng rời.

Toàn văn Đại tượng, trước thì làm sáng tỏ tượng của quẻ Mông, trên là Cấn là núi, dưới là Khảm là nước, là dòng suối chảy ra từ núi, sẽ dần dẫn tụ hội lại thành sông, khác nào trẻ thơ dần được dạy dỗ. Sau thì làm sáng tỏ việc, người trọng nghĩa, nên noi theo tượng Dưới núi có nước chảy, đó là quả hành (hành động quả quyết) không ngừng, dục đức (bồi dưỡng đạo đức) không mệt. Chu Hi nói: “Suối là dòng nước mới bắt đầu chảy ra, tất cả chảy ra một cách từ từ”. Chu dịch hội thông - Đổng Chân Khang dẫn lời Chân Đức Tú nói: “Dòng suối mới bắt đầu chảy ra thì chảy lăn tăn, róc rách. Gặp đám cát ngăn lại thì vượt được không? Chỉ cứ việc hành động quả quyết, thì tuy hiểm trở cũng không ngăn được, cuối cũng sẽ vẫn chảy, tụ hội lại thành sông”. Và “Người quân tử nhìn tượng đó, hành động quả quyết như dòng nước chảy, bồi dưỡng đạo đức của mình như nước phải có nguồn”. Nước suối chảy ra mà gặp hiểm, chưa có chỗ đi, cũng như người ta khi còn nhỏ dại chưa biết cái sở thích.

Xét, tôn chỉ của quẻ Mông, chủ ở việc dạy dỗ trẻ thơ đang còn ngu muội. Đại tượng truyện xuất phát từ tượng Dưới núi có suối nước, mà mở rộng ra ý nghĩa Quả hành dục đức, chính là để thuyết minh cho việc dạy dỗ trẻ em, là cần phải có một ý chí kiên nghị và một quá trình lâu dài. Tuổi trẻ vốn bồng bột, thiếu kinh nghiệm, nhưng có tiềm năng rất lớn, nếu biết kiên trì phát triển những tiềm lực trong bản thân, tất có ngày cá vượt vũ môn, biến thành rồng lớn, gặp cảnh long vân khế hội. Điều quan trọng nhất trong quá trình phát triển năng lực chí tuệ, chính là ý chí cương quyết. Quả hành tức là quả quyết hành động. Dù gặp trở ngại cũng không bỏ những mục tiêu đã đặt ra. Có điều sự thành công được bảo đảm hơn, nếu biết lưu ý đến những lời khuyên của những bậc tiền bối, và tôn trọng sự hướng dẫn đầy kinh nghiệm của họ. Tuổi trẻ có sức bật, giống như ngọn suối lưu xuất từ chân núi vùng lên ào ạt, nhưng không biết kiên trì theo đuổi một mục tiêu cố định, thì nước suối này cũng tan thấm trong lòng đất khô và biến mất, giống như năng lực bị vung phí vào nhiều mục tiêu phụ thuộc. Và năng lực không thôi cũng chưa đủ. Cần có kinh nghiệm của truyền thống, sự khôn ngoan từng trải của những người đi trước. Với cấu hình tư duy của người TQ, khôn ngoan không phải là sáng tạo ra một cái gì hoàn toàn mới theo mô hình phương Tây, mà chính là biết đong múc sự minh triết, từ dòng suối văn hóa truyền thống, để giải cơn khát của hiện tại. Vấn đề là cách đặt câu hỏi đối với quá khứ. Quá khứ, trong viễn ảnh TQ, không nằm sau lưng mà chính là nằm ở trước mặt, là một câu chất vấn hơn là lời giải đáp sẵn sàng cho bài toán của hiện thực.

Lời hào Sơ: Mở mang cho người thoát khỏi cảnh ngu tối, có lợi đối với việc xây dựng điển hình để giáo dục người, giúp người không phạm vào tội ác. Nếu nóng vội tiến hành thì sẽ có hối tiếc (Sơ Lục, Phát mông, lợi dụng hình nhân, dụng thoát chất cốc, dĩ vãng lận).

Giải: hình là mô hình điển hình, được dùng như động từ, như nói dùng khuôn mẫu. Thuyết có nghĩa như chữ thoát. Chất cốc là gôm cùm, ở đây chỉ người phạm vào tội ác, Thuyết văn giảng chất là cùm chân, cốc là cùm tay.

Lời hào thuyết minh hào Sơ, xử vào thời đầu của quẻ Mông, phải nên chịu sự mở mang dạy dỗ để thoát khỏi cảnh nhu muội, thì mới có thể có được phẩm chất đoan chính, tránh được việc phạm vào tội ác, thân không bị xa vào vòng gông cùm. Nhưng hào Sơ không chuyên tâm vào thụ giáo, mở mang trí tuệ, mà lại vội vàng cầu tiến, vì vậy vội tiến là sẽ hối tiếc.

Thượng Bỉnh Hòa dẫn Thi - Đại nhã – Tư tề có câu: Hình vu quả thê. Tả truyện – Tương công năm 13 có câu Nhất nhân hình thiện, sổ thế lại chi. Phần chú thích đều huấn nghĩa hình có nghĩa là pháp. Lợi dụng hình nhân có nghĩa là phải nêu điển hình, khuôn mẫu, khiến cho trẻ có phép tắc noi theo, mới trở thành người tốt, mãi mãi tránh được tội lỗi”. Xét, hào Sơ là hào âm, ở ngôi dưới cùng của quẻ, có nghĩa là ngu muội cùng cực, vì vậy rất cần được dạy dỗ. Chu dịch học thuyết – Mã Chấn Bưu dẫn lời Lý Sỹ Trân nói: “Vật mới sinh ra tất còn mông muội. Như hạt cây có vỏ cứng bao bọc. Người ta ngu tối không hiểu biết, cũng như hạt cây bị vỏ cứng bao bọc vậy. Hạt cây không thể tự phá vỏ cứng ra được, mà phải đợi sấm mưa phá ra cho. Người ngu muội cũng không thể thoát ra được, mà phải đợi ông thày dạy dỗ, mở mang đầu óc ra cho”.

Xét, Khổng Dĩnh Đạt giải thích hình nhân là dùng hình phạt để trừng trị người, ở hào này nên hiểu là kỷ luật hơn là hình phạt. Nên hiểu Lời hào Sơ là một lời khuyên liên quan đến việc giáo dục, rèn luyện tuổi trẻ, với hàm nghĩa sâu sắc, rõ ràng. Việc khải phát trí tuệ nơi tuổi trẻ cần phải có kỷ luật. Nếu không nhận thấy những hạn chế trong việc buông lỏng kỷ luật, thì hậu quả khó tìm được phương sách thỏa đáng, để giải quyết tình trạng hoàn toàn học sinh sẽ vô kỷ luật. Cũng như áp dụng kỷ luật đến mức biến học sinh thành thụ động, hoàn toàn trông cậy vào thầy giáo. Trọng tâm của giáo dục, chính là giải quyết thỏa đáng mối quan hệ này. Lời hào Sơ đã cung cấp chiếc chìa khóa cần thiết, cần phải sử dụng kỷ luật, nhưng không phải để tăng thêm gông cùm, lên đầu lên cổ học sinh. Mà ngược lại, chính là phục vụ công năng, giải phóng cho học sinh những gông cùm vô hình, do sự thiếu kinh nghiệm ấu trĩ đem lại. Khi theo nghĩa hình phạt, thì dẫn tới những ảnh hưởng phát triển nhân cách, bản ngã của người theo học. Lời hào cũng cảnh báo: nếu tiếp tục áp dụng hình phạt mang tính đàn áp, vô lý, thì sẽ chuyển hóa thành kết quả ngược lại, người Thày cũng sẽ gặp phải phản ứng dữ dội từ phía học Trò và lâm vào hoàn cảnh bất lợi. Người ta hay lầm tưởng hô hào Tôn sư trọng đạo, nhưng nói như Karl Marx Ngay cả những nhà giáo dục cũng cần được giáo dục, tức là phải xuy xét kỹ lưỡng để chọn giải pháp hình, khi “trừng phạt để sửa chữa một vi phạm”, hơn là “Giúp cho người học tháo gỡ những gông cùm trí tuệ”. Đây là giải pháp tư tưởng.

Tượng nói: “Có lợi cho việc xây dựng điển hình để giáo dục mọi người”, Đó là phép tắc giúp mọi người trở về đúng đắn vậy (Tượng viết: “Lợi dụng hình nhân”, dĩ chính pháp dã).

Giải: chính pháp tức là dùng phép tắc làm sự nghiêm chính, như nói Dĩ pháp vi chính (dùng phép tắc giúp mọi người trở lại cái đúng). Thượng Bỉnh Hòa nói: “Đây nói lấy phép tắc để bày tỏ với mọi người, giúp cho lớp trẻ nhỏ có chỗ noi theo. Đó là giải thích ý nghĩa hai chữ hình nhân”. Hào Sơ quẻ Truân nói Chí hành chính, hào Sơ quẻ Mông thì nói Dĩ chính pháp, lúc mới đầu phải có chính pháp, còn sợ khi đến sau mất còn đi chính pháp, nữa là không chính ngay lúc đầu.

Lời hào Nhị: Bao dung dạy dỗ của một đàn trẻ nhỏ thì tốt lành. Khác nào lấy vợ về nhà (nhận được người hiền làm học trò) cũng được tốt lành, và làm con đảm đương nổi việc nhà vậy. (Cửu Nhị, Bao mông cát. Nạp phụ, cát. Tử khắc gia)

Giải: nạp phụ là lấy vợ. Toàn văn Lời hào có thể phân thành ba tầng tỷ dụ để thuyết minh nội dung hào Nhị.

Trước hết, lấy Bao mông để nói về hào Nhị là dương cương, ở ngôi vị giữa của quẻ dưới, những người được bao dung đó là những hào âm Sơ Tam Tứ Ngũ, khác nào vị Mông sư (ông thày dạy trẻ), bao dung dạy dỗ đàn trẻ nhỏ, vì vậy mà cát.

Thứ đến Nạp phụ chỉ hào Nhị ứng với hào Ngũ của quẻ trên. Ngũ cư tôn vị, hướng xuống dưới cầu Nhị, do đó Nhị có tượng nạp phụ (lấy vợ). Người vợ là người có thể phối hợp với mình mà thành tựu công đức, vì vậy Lời hào đã nói là cát.

Thứ nữa là câu Tử khắc gia để chỉ hào Nhị ở dưới, mà có thể làm Thày cho bậc tôn giả Lục Ngũ, khác nào là người Con mà có thể đảm đương nổi việc nhà.

Vương Bật nói: “Là hào cương cư trung, trẻ nhỏ theo về mà nhận được sự bao dung, dạy dỗ. Như vậy thì xa gần đều đến. Vì vậy mới nói là Bao mông, cát dã. Lại nói: "Vợ là người phối hợp với mình để thành tựu công đức. Nhị thể dương nên hay bao dung, lại là hào dương mà cư trung. Lấy đức đó để tìm vợ, thì ai mà không ứng theo. Vì vậy mới nói là Nạp phụ, cát dã”. Trình Di nói: “Về việc gia đình mà nói, thì hào Ngũ là cha, hào Nhị là con. Nhị có thể làm nên công việc của Mông, cũng như người con đương nổi việc nhà vậy”. Xét, hào Nhị lần lượt lấy hình tượng Bao mông, nạp phụ, tử khắc gia, ý nghĩa của hào đều quy về chỗ dương cương trung chính, dạy dỗ đám trẻ. Thành Trai dịch truyện – Dương Vạn Lý nói: “Tử khắc gia nghĩa là thế nào? Bề tôi thờ vua cũng như con thờ cha, trách nhiệm khó khăn là ở chỗ dâng lời khuyên, khuyến thiện ngăn ác, để giúp vua trở thành thêm sáng, như vua Nghiêu cảm cách vua với trời, như Y Doãn, Chu Công. Đó là công việc của bề tôi, cũng như người con đảm đương nổi công việc của nhà vậy”. Thuyết này giải thích rõ ràng triệt để cái ý ở ngoài tượng Tử khắc gia. Hàn Dũ trong tác phẩm nổi tiếng của mình là Sư thuyết cũng viết: “Người sinh ra trước ta, được nghe đạo cố nhiên cũng trước ta, ta theo họ mà thờ họ làm thày. Người sinh ra sau ta được nghe đạo mà cũng trước ta, ta cũng theo họ mà thờ làm thày. Thày ta tức là đạo vậy. Thế thì cần gì phải biết họ sinh ra trước ta hay sau ta? Cho nên bất kể kẻ sang hay hèn, bất kể thời gian học ít hay nhiều, bất kể là nhiều tuổi hay ít tuổi. Đạo sẽ tồn tại mãi mãi, thì thày ta vẫn mãi mãi là thày ta”. ý nghĩa của lời này cũng rất giống với ý ẩn dụ của Tử khắc gia vậy.

Nhị dương cương, làm chủ nội quái thống trị các hào âm, gánh vác nhiệm vụ khai mở sự tối. Vì tính của vật không đều, cũng không thể theo một mực thước, cho nên đức chẳng thể làm quá, đây là tượng Bao mông của Nhị. Dương chịu ở âm là tượng lấy vợ, ở dưới mà làm việc trên là tượng con trị nhà. Mộng Bỉnh Sơn dịch hào này: “Bao dung kẻ mờ tối, dung nạp hạng người nhu ám như đàn bà, tốt. Ở ngôi dưới mà gánh vác việc trên như người con cai quản việc nhà”.

Người không có quyền lực ngoại tại, nhưng có sức mạnh nội tâm để gánh vác trách nhiệm. Nung nấu nuôi giữ sức mạnh và tính ưu việt trong bản thân, để có thể chấp nhận bao dung những khuyết điểm do sự mông muội, rồ dại của con người gây nên. Ứng xử với phái yếu và phụ nữ rất khoan dung mềm mỏng, đó là sự hiểu biết và nhìn nhận đúng vai trò của họ, trong tinh thần tôn trọng, hào hiệp. Một người biết kết hợp sức mạnh tiềm lực bên trong và sự uyển chuyển mềm mỏng ứng xử bên ngoài, sẽ mang lại thành công trong việc quản lý, đó là sự chỉ đạo một đoàn thể xã hội lớn lao.

Tượng nói: “Làm con mà có thể đảm đương được việc gia đình”, chứng tỏ hào Nhị dương cương và hào Ngũ âm nhu ứng tiếp nhau vậy. (Tượng viết: “Tử khắc gia”, cương nhu tiếp dã)

Giải: có người con đảm đang được công việc nhà, là tượng người dưới có thể làm thày cho bậc tôn giả. Mà Ngũ âm nhu ở ngôi vị cao, dưới ứng với Nhị, đó là tượng bậc tôn giả nhún ứng cầu thày giỏi, khiêm tốn nhận sự dạy dỗ. Nhị và Ngũ âm dương ứng hợp, nên mới nói cương nhu tiếp. Trình Di nói: “Nhị chủ về công lao dạy trẻ, Ngũ thì tín nhiệm chuyên tâm. Nhị và Ngũ có tình cảm cương nhu ứng tiếp, thành tựu công lao dạy trẻ. Nếu không có việc trên dưới có tình cảm tương tiếp, thì Nhị tuy cương trung, đâu có thể làm được việc đó”. Con mà trị được nhà, thì Cha đã tín nhiệm rất cao. Đây là công làm chủ toàn quẻ Mông, mà được tín nhiệm về mở sự tối.

Lời hào Tam: Không nên lấy hạng con gái này. Hạng con gái này mà trong mắt chỉ thấy sắc đẹp của người con trai, không còn nghĩ đến thể thống của mình nữa. Nếu lấy cô gái ấy thì chẳng có lợi ích gì cả. (Lục Tam, vật dụng thủ nữ, kiếm kim phu, bất hữu cung, vô du lợi).

Giải: kim phu, chỉ vẻ đẹp, đây chỉ người con trai cứng mạnh, hình ảnh đàn ông, đẹp trai. Thượng Bỉnh Hòa giảng: “Kim phu là từ mỹ xưng. Kinh thi có câu: Hữu phỉ quân tử, như kim như tích, như khuê như bích. Tả truyện có câu: "Tư ngã vương độ, thức như ngọc, thức như kim, đều là lấy Kim (vàng) để chỉ vẻ đẹp cả”. Chu Hi nói: “Hào Tam là âm nhu, bất trung, bất chính, đó là tượng người con gái thấy giầu sang mà không tự kiềm chế được”. Cung là để chỉ bản thân mình.

Lời hào thuyết minh lấy nữ (người con gái) để chỉ về hào Tam, lấy kim phu (vẻ đẹp của người đàn ông), để chỉ hào Thượng. Tam xử vào ngôi vị cuối của hạ quái, tương ứng với Thượng, Tam âm nhu bất chính, đi theo Nhị dương cương, đã cực kỳ ngu tối lại nôn nóng hành động, khác nào người con gái thấy vẻ đẹp đàn ông của người con trai mà muốn đi theo ngay, chẳng chú ý gì đến nghi lễ nữa. Vì vậy, lời hào mới răn giới hào Thượng đừng lấy người con gái này, nếu lấy thì không có lợi. Đó là nói hào Tam ngu dốt, không thể dạy dỗ gì được.

Vương Bật nói: “Ở vào thời đồng mông, là thời âm cầu ở dương, là thời tối cầu ở sáng, sự cầu đó đều xuất phát ở sự ngu tối. Tam ở trên cùng của quẻ dưới, Thượng ở trên cùng của quẻ Trên, đó là đạo về nam nữ. Thượng không theo đuổi Tam, mà Tam lại theo đuổi Thượng. Đó là nữ lại theo đuổi nam trước. Nữ là thể, lẽ ra phải giữ chính hạnh mà đợi mệnh, nhưng thấy người trai mà theo đuổi ngay, vì vậy mới nói là bất hữu cung (không nghĩ gì đến thể thống của mình). Hành động như vậy là không thuận, vì vậy mới nói là vật dụng thủ nữ (không lấy hạng con gái này), và lấy thì không có lợi”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Làm con gái mà không biết giữ thân, không biết giữ gìn trinh tín, thì đó là hành động phi lễ. Hành động đã không thuận, mà cứ lấy hạng gái ấy, thì chẳng có ích lợi gì”.

Xét, Vương Bật giải thích kim phu là cương phu, lấy Cương để giải thích Kim chính là để chỉ hào Thượng, về nghĩa là thông. Lời hào đã chê bai hào Tam là kiến kim phu, bất hữu cung, lại răn giới hào Thượng là vật dụng thủ nữ, vô du lợi.

Trùng dịch Chu dịch Phí thị học – Mã Kỳ Sưởng dẫn lời Đinh án nói: “Nói vật dụng thủ nữ, vô du lợi. Để chỉ Đạo làm tôi phải răn giới ở điều này. Nói kiến kim phu, bất hữu cung, là nói đạo làm vợ phải răn giới ở điều này. Bậc sỹ đại phu lập thân, trước hết phải lấy liêm sỷ làm gốc vậy”. Đây là từ góc độ lễ giáo cổ đại mà suy ra ý nghĩa của hào này. Ngẫm ý sâu của hào, thì thực ra ví với thời Mông trĩ không xem xét tới vấn đề mở mang (khải mông) trí óc, bỏ gốc theo ngọn, nôn nóng mù quáng, cứ hăng hái tiến bừa.

Sự ảnh hưởng của một người có nhân cách mạnh mẽ và ở địa vị cao, sẽ dễ dàng thu hút và làm tan biến đi, cá tính của người nhu nhược và thiếu kinh nghiệm. Đây là tình cảnh đánh mất mình và tự quên mình ở người nhu nhược và thiếu kinh nghiệm. Người như vậy không thể hành xử theo cung cách của một người có cá tính mạnh mẽ được. Cần phải hiểu rõ nhược điểm của bản thân, vì đó là khởi đầu của khôn ngoan. Một người ở địa vị thấp cũng không thể cư xử ngang nhiên, oai vệ như người đang ở địa vị cao. Đây là bài học trong Dịch, vẫn là kết hợp một tính ưu việt bên trong biến thành tiềm lực sức mạnh nội tâm, và sự khiêm nhu mềm mỏng bên ngoài, giống như Lão Tử đã nhấn mạnh Thánh nhân thì có dung mạo của kẻ khù khờ, thì mới hy vọng thành tựu đại sự trong đời, được âm dương tả hữu phù trợ, thẳng tiến trên đường công danh. Nhị làm cho bọn tối tăm theo về được lúc thời thịnh, Tam ở cảnh này lầm tưởng thời thịnh mà bỏ ứng theo Nhị, đó là bỏ Nghĩa theo thời vậy.

Tượng nói: “Không nên lấy hạng con gái này”, ý nói hào Tam có hành vi không hợp với lễ tiết (Tượng viết: “Vật dụng thủ nữ”, hạnh bất thuận dã)

Giải: Tam ở vào vị trí cuối cùng của hạ quái, âm cư dương vị, ngu muội vội vã hành động, ở dưới lại cưỡi đạp lên trên hào Nhị dương cương, vì vậy có tượng là hành bất thuận. Ngu Phiên nói: “Hào này đã thất vị không được ngôi, lại cưỡi lên hào Cương cứng, do vậy hành vi là không thuận”.

Lời hào Tứ: Bị khốn hãm vào chỗ ngu muội ấu trĩ thì có hối tiếc (Lục Tứ, khốn mông, lận)

Giải: khốn mông có nghĩa là khốn hãm vào chỗ ngu muội ấu trĩ. Lận có nghĩa là hối tiếc, nhục nhã. lời hào thuyết minh hào Tứ, ở vào thời Mông, là hào âm xử giữa hai hào âm, là hào Tam và hào Ngũ, cách hào dương Nhị rất xa, như thế là xa cách vị Mông sư, riêng bị khốn hãm vào chỗ mông muội, ấu trĩ. Vì vậy mà có hối tiếc. Vương Bật nói: “Riêng hào này cách rất xa hào dương, xử ở giữa hai hào âm, hành vi ngu muội, vì vậy mới nói khốn mông”. Xét, Tuân Tử - Khuyến học có câu: “Về sự học, thì không gì ích lợi bằng được gần thầy hay bạn giỏi” (Học mạc tiên hồ cận kỳ nhân). Hào Tứ là Khốn mông hữu lận chính là do không được gần gũi thầy hay bạn giỏi. Phan Bội Châu giảng là Tứ trùng âm. Xa dương lại không được chính ứng, như vậy thì đáng hổ thẹn, nếu biết cầu người cương minh làm thân cận thì tránh được khốn.

Sự ngông cuống của tuổi trẻ, điều đáng tuyệt vọng nhất, chính là khốn đốn sa lầy trong những mộng tưởng viễn vông. Những ảo tưởng trên con đường lầm lạc, càng đi xa bao nhiêu càng rước thêm nhục nhã vào thân bấy nhiêu. Cũng như việc chạy nhanh của người lầm đường, càng chạy nhanh càng thêm sai. Người khăng khăng tự nhấn chìm mình như thế, thì không có cách nào khác hơn, là cứ để mặc họ trong một thời gian, cứ để họ phải gặp cảnh nhục nhã. Đây thường là biện pháp cứu chữa duy nhất.

Tượng nói: “Bị khốn hãm vào sự ngu muội ấu trĩ hối tiếc”, chứng tỏ riêng hào Tứ, là xa lánh vị thày dạy tài giỏi, đốc thực vậy (Tượng viết: “Khốn mông chi lận”, độc viễn thực dã)

Giải: thực là chỉ hào dương cương, Dịch lý cho dương là thực, cho âm là hư, ở đây chỉ hào Nhị. Thượng Bỉnh Hòa giảng: “Thực là hào dương. Hào Sơ Tam Ngũ đều được gần hào dương, chỉ riêng hào Tứ là không. Vì vậy mới nói là độc viễn thực”. Đó là người ngu xa người hiền thì làm sao có sáng. Chỉ vì xa sự thực nên mới bị nhục nhã.

Lời hào Ngũ: Ngây thơ hồn nhiên sẽ đem lại may mắn (Lục Ngũ, đồng mông, cát)

Giải: ở đây nói hào Ngũ ở vào thời Mông, là hào âm nhu cư tôn vị, khiêm tốn ứng với hào Nhị dương cương, khác nào đứa trẻ đồng mông hư tâm, nhu thuận, được thày giáo dạy dỗ, tiếp thu trí tuệ để được khải mông khai ngộ. Vì vậy Lời hào mới nói là cát. Chu Hi nói: “Hào Ngũ nhu trung cư tôn, dưới ứng với Nhị cương trung, lại là hào thuần nhất chưa phát, chưa mở mang, dễ tiếp thu lời dạy bảo của mọi người, nên biết nghe thầy. Vì vậy mới có tượng là đồng mông”. Mã Kỳ Sưởng cho rằng Ngũ âm cư dương vị, có tượng là thất chính, nên Thoán truyện mới nói là Mông dĩ dưỡng chính (mông để dưỡng chính). Vì Ngũ không phải là trung chính, nên phải ứng theo Nhị để nuôi dưỡng sự trung chính”. Đây cũng là một thuyết. Là thời điểm cần phải dạy dỗ, khai ngộ định hướng cho người thiếu kinh nghiệm để đi đúng hướng. Đồng là chưa phát ra để tự giúp cho người.

Tượng nói: “Đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên mà thu được tốt đẹp”, chứng tỏ hào Ngũ đối với thày dạy tôn kính và khiêm tốn (Tượng viết: “Đồng mông chi cát”, thuận dĩ tốn dã)

Giải dĩ, là liên từ có nghĩa là mà, cũng như nhi. Tốn cũng như nói khiêm tốn. Ngũ để tiếp thu sự dạy dỗ nên mới có tượng tốn dĩ thuận. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Tốn có nghĩa là thuận. Thuận là trong tâm thuận theo. Vì vậy họ Chử mới nói thuận là tâm không trái. Tốn là vẻ mặt khiêm tốn, nhún nhường”. Bỏ mình theo người là thuận tòng, xướng chí để cầu kẻ dưới là ty tốn (nhún với kẻ hèn thấp).

Lời hào Thượng: Dùng phương pháp nghiêm khắc để dạy đứa trẻ ngu tối, thì không có lợi nếu dùng cách quá nghiệm khắc, chỉ có lợi nếu dùng cách nghiêm khắc thích hợp. (Thượng Cửu, kích mông, bát lợi vi khấu, lợi ngự khấu)

Giải: kích, theo Lục Đức Minh – Kinh điển thích văn dẫn lời Vương Túc nói: “Kích có nghĩa là trị”, nghĩa làm mạnh để trị, ở hào này là dùng phương pháp nghiêm khắc để dạy đứa trẻ ngu tối. Vi khấu là chỉ về việc dùng cách thức quá thô bạo, quá dữ dằn. Ngự khấu là chỉ sự nghiêm khắc thích đáng, phù hợp.

Lời hào thuyết minh về hào Thượng, là hào dương ở ngôi cuối cùng của quẻ Mông, khác nào ông thày dạy trẻ, dùng phương pháp nghiêm khắc để dạy trẻ ngu tối, vì vậy mới nói là kích mông. Nhưng do Thượng dương cương thái quá, e rằng việc dạy trẻ có phần quá thô bạo, nên lời hào mới đặc biệt răn giới là có thể nghiêm khắc, nhưng không được thô bạo. Nghiêm khắc thái quá tất sẽ bất lợi, nghiêm khắc đúng mức thì sẽ có lợi.

Trình Di nói: “Hào Cửu ở ngôi vị cuối cùng, là ở vào thời mông cực. Người đã ngu tối mông muội cực độ, như người Miêu bướng bỉnh (Vân nam Tứ xuyên), làm giặc nổi loạn, cần phải đánh dẹp. Nhưng hào Cửu là cư Thượng, cương cực mà bất trung, nên mới răn giới là bất lợi vi khấu (không lợi cho sự làm giặc). Dạy người ta thoát khỏi tăm tối, tức là ngự khấu (chống giặc). Phóng túng làm sự tham bạo, tức là vi khấu (làm giặc). Như vua Thuấn đánh giặc Miêu, Chu Công giết tam giám* đó là ngự khấu vậy. Tần Hoàng, Hán Vũ tham thích việc binh, đó là vi khấu vậy”. (* ba người em của Chu Vũ Vương được sai làm nhiệm vụ giám sát con vua Trụ, nên gọi là tam giám, sau vì chúng ganh gét với Chu Công nên nổi loạn).

Xét, trong quẻ Mông, thì lời hào Thượng nói Kích mông, hào Nhị nói Bao mông, cả hai hào đều tượng trưng cho ông thày dạy trẻ, mà phương pháp dạy trẻ có khác nhau. Đó là do phẩm chất của ông thày có khác nhau và trình độ của trẻ không giống nhau. Dịch toàn ngôn – Ngô Trừng nói: “Hào Nhị cương nhưng đắc trung, nên đối với trẻ là bao dung, dạy dỗ khoan hòa. Hào Thượng là cực cương lại bất trung, nên đối với trẻ là nghiêm khắc thô bạo”. Thượng có tượng đem quân đi đánh giặc mà hiệu lệnh không nghiêm, làm giặc hay chống giặc, làm giặc chẳng có lợi gì, thà rằng ngăn ngừa thì có lợi.

Cấu hình tư tưởng – Lê Anh Minh dịch: “Khi trừng phạt sự ngu xuẩn, mông muội, chẳng có lợi gì khi làm quá đáng. Chỉ có lợi khi biết ngăn chặn không cho phát tác những điều quá đáng. Wilhelm giảng: “Khi phải trừng trị kẻ ngu ngốc bất trị. Sự trừng phạt này hoàn toàn khác với một sự chà xát tàn nhẫn. Cần phải giới hạn hình phạt vào việc canh chừng, không cho phát tác những sự nhũng lạm quá đáng, nhất là quá trình áp dụng hình phạt không thể nóng giận. Không bao giờ nên xem hình phạt là một thứ cứu cánh tự thân, mà chỉ là một phương tiện để tái lập trật tự”.

Tượng nói: “Có lợi về việc áp dụng phương thức ngăn chặn quân giặc (dạy dỗ trẻ) để trừ sự ngu tối”, lợi dụng sự ngăn ngừa giặc thì trên dưới đều có ý chí thuận hợp, tăng cường khiến ý chí hợp thuận (Tượng viết: “Lợi dụng ngự khấu”, thượng hạ thuận dã)

Giải: Thượng có tài cương lại không làm giặc mà đổi chí thành ngăn giặc, đó là trên thuận, người dưới theo đó mà ngừng lại, là dưới thuận hợp. Trình Di nói: “Trên không quá thô bạo, dưới được đánh để thoát ngu muội. Đó là ý nghĩa của câu ngự khấu”.

LỜI BàN

Sự vật, giai đoạn đầu của sự phát triển thường là ấu trĩ mông muội, cần được dạy dỗ định hướng. Thượng thư – Thái Giáp dẫn lời Y Doãn: “Tiên vương lúc thời sặp rạng, tắm rửa cho tâm được sáng suốt, ngồi đợi trời sáng, rộng cầu các bậc tài giỏi để dạy dỗ cho con cháu”. Lễ ký - Học ký nói: “Ngọc không mài không thành vật quý. Người không học thì không hiểu biết. Vì vậy bậc đế vương thời xưa dựng xây đất nước, đều lấy việc dạy học làm đầu cả”. Qua đây có thể thấy con người, phải rất coi trọng sự nghiệp giáo dục thụ nghiệp và mở mang trí thức. Quẻ Mông có tên như vậy, ý nghĩa của nó là ở đạo lý mở mang tri thức. Khải mông cho lớp trẻ đang còn mông muội ấu trĩ.

Lời quẻ nói: “Không phải ta cầu ở đứa trẻ đang còn mông muội, mà là đứa trẻ đang còn mông muội cầu ở ta”, thể hiện tư tưởng tôn sư kính học, hoàn toàn giống với câu “theo lễ thì phải đến mà học, chứ không phải đi mà dạy” (Lễ văn lai học, bất văn vãng giáo). Hoặc lại khen rằng đứa trẻ đồng mông (đang còn ngu tối mông muội) hỏi lần đầu thì nói; hỏi hai ba lần là nhờn lạm thì không nói nữa, cũng gần giống với ý nghĩa của câu “Nêu một vấn đề, mà không biết quay lại suy ra ba vấn đề khác, thì cũng không nói thêm nữa” (Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã).

Về tôn chỉ của sáu hào, thì hào Nhị và hào Thượng chỉ về ông thày. Bốn hào Sơ Tam Tứ Ngũ, là chỉ về đứa chỉ ngu dốt đồng mông. Trình Di nói: “Hai hào dương là chỉ ông thày dạy trẻ, bốn hào âm là chỉ đứa trẻ đi học. Trong đó Nhị là dương cương xử hạ, dạy dỗ cho đám trẻ, là tượng trưng cho vị thày mẫu mực. Thượng cương kiện ở vị trí cuối cùng của quẻ, nếu dạy dỗ nghiêm túc thì có lợi, thô bạo thì bất lợi. Đó là từ góc độ dạy để làm sáng tỏ quy luật dạy trẻ (khải mông). Ngũ cư tôn vị nhưng khiêm tốn, còn nhỏ mà đã dốc lòng nghe thày, đó là tượng người quân tử hiếu học. Sơ yếu đuối mông muội, nếu biết lắng lòng vào việc học thì tốt, bằng không vội vã cầu tiến thì sẽ hối hận. Hai hào Tam Tứ hoặc là không theo thứ tự, mù quáng vội vã, hoặc là lại xa lánh thày, bị hãm trong vòng ngu tối mông muội, thì đều không thể mở mang trí tuệ được. Đó là từ góc độ học để làm sáng tỏ quy luật dạy trẻ.

Tóm lại, toàn quẻ không hào nào là không nắm chắc hai khâu dạy và học, phát huy tư tưởng mang nhiều nhân tố biện chứng của Dịch. Dịch kinh mông dẫn – Thái Thanh nói: “Kẻ đang tối muốn cầu sáng. Người đã sáng dạy cho kẻ tối, mỗi bên đều có phương pháp của mình”. Đây là khái quát ý nghĩa lớn của quẻ này. Liên hệ với Lịch sử, đi sâu vào nghiên cứu nội dung tư tưởng quẻ Mông, thì có lợi cho việc tìm hiểu nguồn gốc triết học của một số lý luận, về giáo dục thời kỳ Tiên Tần, lấy Khổng Tử làm đại biểu, đây cũng là một mặt giá trị của quẻ Mông rất đáng coi trọng.


TOÀN KINH




SƠN THỦY MôNG



Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



蒙序卦 - Mông Tự Quái


屯 者 物 之 始 生 也。 物 生 必 蒙, 故 受 之 以 蒙。 蒙 者 蒙 也, 物 之 稚 也。
Truân giả vật chi thủy sinh dã. Vật sinh tất Mông, cố thụ chi dĩ Mông. Mông giả mông dã. Vật chi trĩ dã.

蒙:亨。 匪 我 求 童 蒙,童 蒙 求 我。初 噬 告,再 三 瀆,瀆 則 不 告。 利 貞。
Mông. Hanh. Phỉ ngã cầu đồng mông. Đồng mông cầu ngã. Sơ phệ cốc. Tái tam độc. Độc tắc bất cốc. Lợi trinh.

彖 曰. 蒙,山 下 有 險,險 而 止,蒙。蒙 亨,以 亨 行 時 中 也。匪 我 求 童 蒙,童 蒙 求 我,志 應 也。初 噬 告,以 剛 中 也。再 三 瀆,瀆 則 不 告,瀆 蒙 也。蒙 以 養 正,聖 功 也。
Mông. Sơn hạ hữu hiểm. Hiểm nhi chỉ. Mông. Mông hanh. Dĩ hanh hành thời trung dã. Phỉ ngã cầu đồng mông. Đồng mông cầu ngã. Chí ứng dã. Sơ phệ cốc. Dĩ cương trung dã. Tái tam độc. Độc tắc bất cốc. Độc mông dã. Mông dĩ dưỡng chính. Thánh công dã.

象 曰. 山 下 出 泉,蒙﹔ 君 子 以 果 行 育 德。
Sơn hạ xuất tuyền. Mông. Quân tử dĩ quả hạnh dục đức.

初 六. 發 蒙,利 用 刑 人,用 說 桎 梏,以 往 吝。發 蒙,利 用 刑 人,用 說 桎 梏,以 往 吝。
象 曰. 利 用 刑 人,以 正 法 也。
Sơ Lục. Phát Mông. Lợi dụng hình nhân. Dụng thoát chất cốc. Dĩ vãng lận.
Tượng viết: Lợi dụng hình nhân. Dĩ chính pháp dã.

九 二. 包 蒙 吉﹔ 納 婦 吉﹔ 子 克 家。
象 曰. 子 克 家,剛 柔 接 也。
Cửu nhị. Bao mông cát. Nạp phụ cát. Tử khắc gia
Tượng viết: Tử khắc gia. Cương nhu tiếp dã

六 三 : 勿 用 娶 女﹔ 見 金 夫,不 有 躬,無 攸 利。
象曰: 勿 用 娶 女,行 不 順 也。
Lục tam. Vật dụng thủ nữ. Kiến kim phu. Bất hữu cung. Vô du lợi.
Tượng viết: Vật dụng thủ nữ. Hành bất thuận dã.

六 四. 困 蒙,吝。
象 曰. 困 蒙 之 吝,獨 遠 實 也。
Lục tứ. Khốn mông. Lận
Tượng viết: Khốn mông chi lận. Độc viễn thực dã.

六 五. 童 蒙,吉。
象 曰. 童 蒙 之 吉,順 以 巽 也。
Lục ngũ. Đồng mông. Cát.
Tượng viết: Đồng mông chi cát. Thuận dĩ tốn dã.

上 九. 擊 蒙,不 利 為 寇,利 御 寇。
象 曰. 利 用 御 寇,上 下 順 也。
Thượng Cửu. Kích mông. Bất lợi vi khấu. Lợi ngự khấu.
Tượng viết: Lợi dụng ngự khấu. Thượng hạ thuận dã.

Sửa bởi HaUyen: 11/11/2011 - 10:39


Thanked by 5 Members:

#2 ThanVuong

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3582 Bài viết:
  • 5392 thanks

Gửi vào 11/11/2011 - 19:22

Bác hà uyên post quẻ Phong địa quan và địa sơn khiêm lên được ko?

#3 quanphu2001

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 30 Bài viết:
  • 18 thanks

Gửi vào 12/11/2011 - 06:47

Chào bác Hà Uyên.
Có 1 đứa trẻ khoảng 4,5 tuổi,có tật xấu hay bị cha mẹ than phiền,cũng có thể là do bệnh gây ra.Đứa trẻ đó có quẻ như quẻ bác đề cập ở trên.Vậy,theo quẻ trên bác vui lòng cho biết trẻ ấy bị bệnh gì ?Cám ơn bác.

#4 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4964 thanks

Gửi vào 12/11/2011 - 07:40

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

quanphu2001, on 12/11/2011 - 06:47, said:

Chào bác Hà Uyên.
Có 1 đứa trẻ khoảng 4,5 tuổi,có tật xấu hay bị cha mẹ than phiền,cũng có thể là do bệnh gây ra.Đứa trẻ đó có quẻ như quẻ bác đề cập ở trên. Vậy, theo quẻ trên bác vui lòng cho biết trẻ ấy bị bệnh gì ? Cám ơn bác.


Chào anh Quanphu2011

Câu hỏi anh nêu ra thật thú vị, Tôi hiểu rằng, cháu bé 4 ~ 5 tuổi này, bị bệnh của con người.

Thanked by 1 Member:

#5 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4964 thanks

Gửi vào 12/11/2011 - 07:48

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Tần Thủy Hoàng, on 11/11/2011 - 19:22, said:

Bác hà uyên post quẻ Phong địa quan và địa sơn khiêm lên được ko?


Tần Thủy cho Tôi thời gian, soạn xong Tôi sẽ chuyển lên diễn đàn theo yêu cầu của Bạn.

Thanked by 2 Members:

#6 H1661

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 9 Bài viết:
  • 3 thanks

Gửi vào 12/11/2011 - 09:08

Cháu đã đọc các bài viết trong blog của bác. Những bài viết đó giúp cháu hiểu rõ hơn về các Quẻ. Rất cảm ơn bác. Khi nào có thời gian mong được bác soạn tiếp các quẻ còn lại.

Sửa bởi H1661: 12/11/2011 - 09:11


Thanked by 1 Member:

#7 quanphu2001

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 30 Bài viết:
  • 18 thanks

Gửi vào 12/11/2011 - 18:06

Chào bác Hà Uyên.
Vậy bác nói ra cháu bé ấy bị gì?Để mọi người học hỏi thêm ở bác.

#8 quanphu2001

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 30 Bài viết:
  • 18 thanks

Gửi vào 26/11/2011 - 11:20

Trong Kinh có ghi nội dung hỏi 2,3 lần mà không nói.Điều này là đúng sự thật!NHưng tại sao như vậy?Ai biết xin có thể giảng bằng lời hay quẻ.
Quẻ này cho ta nhiều Đạo lý,trong sách chỉ là 1 vài ví dụ mà thôi.

#9 quanphu2001

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 30 Bài viết:
  • 18 thanks

Gửi vào 26/11/2011 - 11:27

Người hiểu biết,phải che đậy kiến thức của mình.
Người ta cần phải trong tĩnh mịch,u tối.....để hiểu và ngộ ra nhiều điều sau này.
Học nhiều,chứa chấp nhiều quá....nên không biết gì cả.(Bác giả bất tri).
...........VVV........và VV....

#10 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4964 thanks

Gửi vào 26/11/2011 - 16:18

天地尚不能久, 而況於人 !
Thiên địa thượng bất năng cửu, nhi huống ư nhân !

Trời đất còn chẳng dài lâu, phương chi là con người !

Thanked by 1 Member:

#11 quanphu2001

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 30 Bài viết:
  • 18 thanks

Gửi vào 10/12/2011 - 17:59

Khảm là sự âm u,tối tăm......cấn chỉ sự bao trùm.=> Bao trùm sự tối tăm,tĩnh mịch VV.....
khảm là tri thức,cấn chỉ sự che đậy.=>Che đậy sự hiểu biết,thường người hiểu Đạo họ hay như vậy,làm như ngu tối.
V.V.......
Theo quẻ này,không biết thận và bàng quang của bác Hà uyên có được tốt lắm không?

#12 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4964 thanks

Gửi vào 12/12/2011 - 11:04

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

quanphu2001, on 10/12/2011 - 17:59, said:

Khảm là sự âm u,tối tăm......cấn chỉ sự bao trùm.=> Bao trùm sự tối tăm,tĩnh mịch VV.....
khảm là tri thức,cấn chỉ sự che đậy.=>Che đậy sự hiểu biết,thường người hiểu Đạo họ hay như vậy,làm như ngu tối.
V.V.......

Theo quẻ này,không biết thận và bàng quang của bác Hà Uyên có được tốt lắm không?


Chào anh QuanPhu2001

Theo lời của Bác sỹ, thì Thận và Bàng quang trong cơ thể của Tôi chưa thấy nói tới, Bs nói rằng, theo như phim đã chụp gần đây nhất, thì động mạnh chủ của Tim đã sơ hóa, cần phải "nong" nhưng gia đình khuyên không nên. Tôi cũng đồng thuận như vậy !

Đứng về quan điểm nghiên cứu, một sân chơi ham thích cá nhân, Tôi nghĩ từ năm 2004 => 2013 thì Tuần cư Ngọ án cung Mệnh của tôi theo số Tử Vi, về chữ Tuần 旬 này, cũng như 384 hào, là 384 nguyên lý của Dịch, được nói tới tại hào Sơ quẻ Phong:

象 曰: 雖 旬 無 咎。 過 旬 災 也
Tượng viết: Tuy tuần vô cữu. Quá tuần tai dã.

Cho nên, lời tượng đã thông báo cho biết rằng: quá tuần tai dã vậy.

Cảm ơn anh QuanPhu2001 đã có lời quan tâm đến Tôi.

HaUyen

Sửa bởi HaUyen: 12/12/2011 - 11:06


#13 huyk

    Hội viên

  • Hội Viên mới
  • Pip
  • 123 Bài viết:
  • 212 thanks

Gửi vào 12/12/2011 - 14:03

Quanphu2011: Hỏi 2,3 lần không nói là vì đã trả lời rồi mà không chịu thông, hoặc lại dây dưa muốn hỏi kỹ nữa, tỏ ra quá mơ hồ nên không nói, đó là ứng nghiệm thực tế tôi trải qua.
Bác Hà Uyên nói mệnh bác ở Ngọ, vậy là có thể xem được đôi điều thế này: Bác tính nóng, trong đời tất có lúc mâu thuẫn nặng nề với nữ nhân. Ngọ là Ly hỏa, là tim, tinh thần nên bác bị bệnh ở tim, hoặc có khi tâm bất an, hồi hộp. Ly là biểu lộ ra, bốc lên cao nên bác lên mạng chính là hợp số vậy. Ly là văn chương, chữ nghĩa, ứng việc bác nghiên cứu sách vở. Ly suy kém vào mùa đông nên sức khỏe bác chắc hay có vấn đề khi trời trở lạnh.
Vài lời múa may, chúc bác mau khỏe.
P/S: Blog kettap.blogspot.com của bác hiện không vào được, bác đóng blog rồi hay sao vậy?

#14 quanphu2001

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 30 Bài viết:
  • 18 thanks

Gửi vào 13/12/2011 - 21:32

Chào bác Hà Uyên.
Bác cũng là người lớn tuổi ,tôi cũng vậy.Thấy bác am hiểu chữ Nho,lại hay sao chép những lời trong Kinh Dịch nên tôi cũng muốn Đàm tiếu với bác,để chúng ta hiểu hơn nhưng vì nhiều lý do khách quan,tôi cũng không viết được như ý muốn của mình.
Theo quẻ này,khảm chủ về thận và bàng quang.Theo đông y,thận chủ về khí(khí dẫn huyết),thận có vấn đề lâu nay,khiến cho tâm thận bất giao,lâu ngày ảnh hưởng tậm(tim),bác thấy khó thở(lấy hơi khó),thỉnh thoảng đau thắt cơ ngực....Lâu ngày dẫn đến hẹp van tim,hoặc hở van tim,....lâu ngày không chữa trị có thể bị đột quỵ bất ngờ.
Vậy với triệu chứng này,bác đừng giận ai và cũng đừng tức,vì dễ làm can hỏa bốc lên.
Mặc dù đem quẻ ra viết nơi đây,dù vô tình hay cố ý quẻ vẫn ứng với người viết.
Chúc bác sớm hồi phục.Thân ái!

#15 quanphu2001

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 30 Bài viết:
  • 18 thanks

Gửi vào 13/12/2011 - 21:37

Hình như bác mong muốn điều gì đó đối với mình,nhưng nó chưa đến hoặc bác chưa thực hiện được?






Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |