Jump to content

Advertisements




Trung Thu Rằm Tháng 8 AL


1 reply to this topic

#1 TeddyBear

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 220 Bài viết:
  • 155 thanks

Gửi vào 13/09/2021 - 05:42

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn




I. SỰ TÍCH LỄ TRUNG THU


Theo khí tượng và thiên văn mà nói thì Trung Thu là giữa mùa thu, tức là tiết khí hài hòa, dễ chịu nhất trong năm, không quá nóng, cũng không quá lạnh. Sau ngày trung thu, trời tiếp tục lãng đãng, dịu nhẹ như vậy cho đến ngày trùng cửu (9/9 âm lịch), là ngày có dương khí thịnh nhất trong năm, sau 9/9, trời đất chính thức chuyển từ thu sang đông, khí lạnh tràn về, vạn vật khô héo, băng giá. Thế nên trăng mùa thu là đẹp nhất, rõ nhất, về tầm quan trọng, rằm tháng 8 chỉ đứng sau rằm tháng giêng tức Nguyên Tiêu theo quan niệm của người Hoa.


Theo các tài liệu phổ biến, danh từ "Trung thu" xuất hiện sớm nhất từ sách Chu Lễ (sách ghi chép lễ lạt của nhà Chu), chỉ một nghi lễ thời Tây Chu vào khoảng 3.000 năm trước. Ngày này vào chính giữa tháng Tám Âm lịch, cũng là tháng chính giữa của mùa thu nên gọi là "Trung thu". Sau đó, do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, cách tính lịch của họ lan sang các nước á đông nên Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam cũng đều có Trung Thu trong bộ lịch của họ.


Không nên nhầm lẫn giữa tiết Trung Thu với việc cúng rằm Trung Thu. Người Hoa chỉ bắt đầu cúng kiến và ăn lễ Trung Thu vào thời nhà Đường, chính xác là sau thời Đường Minh Hoàng. Ở một quốc gia trồng lúa nước như Việt Nam, việc thờ cúng Mặt Trăng đã xuất hiện từ rất sớm, vì lúa nước thì chịu ảnh hưởng từ âm lịch nhiều hơn. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những hình ảnh tế thần Mặt Trăng đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, tức là từ khoảng 2.500 năm trước. Tấm bia chữ Hán Tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đọi, Hà Nam lập năm 1121, dưới đời Hoàng đế Lý Nhân Tông, đã ghi chép chi tiết về Tết Trung thu thời đó tại Kinh thành Thăng Long. Văn bia dành một đoạn văn dài để mô tả lại cảnh tượng lộng lẫy, tưng bừng, hoành tráng của ngày Tết Trung thu cách đây 9 thế kỷ:


"Trung thu cảnh đẹp, muôn việc rảnh rang. Với lòng hiếu thành mở ra mà dọn cỗ bàn, cùng lễ lạt bày lên mà cúng dâng hoàng khảo.
Lúc mặt trời ba tầm sào buổi sáng, liền tưng bừng mà khởi động xe vua. Thắng ngựa báu ra ngoài điện tía, lên xe châu ruổi dọc đường vàng. Quạt lông trĩ buộc ở hai bên, dây nạm bạc néo từ bốn phía. Trời biếc lọng vàng, cờ màu nắng tuệ. Tinh tú giong bờ liễu, bắc đẩu chuyển đường hoa.
Xuôi Trường Lô dòng xanh, ngự Linh Quang điện báu. Nghìn thuyền đi chớp giật giữa dòng, muôn trống dội sấm vang dậy nước. Dưới hiên ngọc thết quan xa về hội, trong thềm son tấu chương biểu sứ tiên."


Đến đời Lê - Trịnh, Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà sách "Tang thương ngẫu lục" do Phạm Đình Hồ - Nguyễn Án chắp bút đã miêu tả.


Vòng ngược lại việc ăn Tết Trung thu ở Trung Hoa, đầu thời nhà Đường người ta bắt đầu tế mặt trăng ở ngoài trời với rượu, hoa quả, sản vật bánh trái của mùa thu để bày tỏ lòng thành, tạ ơn vụ mùa bội thu và cầu nguyện thần Mặt Trăng mang lại may mắn. Một huyền thoại được xem như khởi nguồn của Tết Trung Thu là tích “Đường Minh Hoàng du nguyệt điện”: Nguyên một đêm trăng sáng giữa tháng Tám vào đầu thế kỷ thứ tám (713-741), vua Đường Minh Hoàng trông trăng sáng ngời đẹp đẽ liền mơ ước được đặt chân lên đó xem chơi. Có đạo sĩ thần thông tên La Công Viễn (có sách chép là Diệu Pháp Thiện), hóa phép dùng một dải lụa trắng biến thành chiếc cầu đưa nhà vua đến Nguyệt điện.

Trên tiên cảnh với những nàng tiên mặc áo lông chim, xiêm y ngũ sắc uyển chuyển múa khiến Đường Minh Hoàng say mê đến suýt quên phải trở về. Khi về trần gian, do tâm trí còn vương vấn vũ khúc trên Nguyệt điện lại có tài năng âm nhạc đặc biệt, Đường Minh Hoàng biên soạn lại thành khúc “Nghê Thường vũ y” tập cho cung nữ múa hát. Rồi từ đó về sau cứ đến đêm Rằm tháng Tám, vương lại cùng Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa khúc Nghê Thường, để tưởng nhớ những ngày trên nguyệt điện. Ngày nay, tích này thường được vẽ trên các hộp bánh trung thu theo truyền thống của người Hoa.


Một huyền thoại khác kể rằng: Ở nước Tề thời Chiến Quốc có nàng Chung Vô Diệm. Theo dã sử và truyền thuyết, Chung Vô Diệm thực chất không xấu xí mà ngược lại rất xinh đẹp. Nàng từ nhỏ đã theo kỳ nhân dị sĩ học đạo, trở thành tài nữ văn võ song toàn, tinh thông bói toán và cách bài binh bố trận. Vua của nước Tề là Tề Tuyên Vương nghe danh tiếng Chung Vô Diệm bèn mời nàng về giúp quản lý triều chính, vì Tề Tuyên Vương đếu được cái nết gì cả. Không ngờ ngay cái nhìn đầu tiên Tuyên Vương đã bị sắc đẹp của Chung Vô Diệm hớp hồn, liền tìm mọi cách lấy lòng mỹ nhân, đưa nàng về cung phong làm Vương hậu. Do nảy sinh tình cảm với Tuyên Vương, phạm vào điều cấm kỵ của tu đạo nên trên má trái của Chung Vô Diệm xuất hiện một cái bớt đỏ, khiến gương mặt xinh đẹp trở nên xấu xí. Người đời tin rằng vì Chung Vô Diệm từ nhỏ đã thành kính cúng tế thần Mặt Trăng nên được ban cho nhan sắc, cho nên các thiếu nữ học Chung Vô Diệm, cứ đến ngày trăng tròn tháng Tám thì lập đàn tế mặt trăng để cầu ước được như nàng. Huyền thoại cũng liên quan đến tích Nguyệt lão (vị thần hôn nhân) ngồi dưới ánh trăng xe chỉ hồng buộc những người có nhân duyên vào với nhau. Trong tích này thì Tề Tuyên Vương đã xin Nguyệt Lão se duyên cho mình và cô gái họ Chung.


Một dị bản khác là Chung Vô Diệm thực chất rất xấu xí, tuy nhờ tài đức xuất chúng nên khi trưởng thành được tuyển vào cung Tề Tuyên Vương nhưng vẫn không được vua sủng ái.Tuy vậy Chung Vô Diệm vẫn một lòng thành kính cầu khấn thần Mặt Trăng. Một đêm Rằm tháng Tám, nhà vua đi dạo ngắm trăng tình cờ trông thấy nàng lại ngẩn ngơ vì sắc đẹp thuần khiết như Hằng Nga, bèn lập nàng làm hoàng hậu. Nói túm lại thì chuyện về Chung hậu có 2 dị bản, trước đẹp sau xấu hoặc ngược lại, có vậy thôi... và vì vị thần mà Chung Hậu thờ phụng là Nguyệt Mẫu nương nương nên từ đó nó trở thành một cái mốt của các cô gái trong dân gian, đến thời Đường Tống thì trở nên phổ biến và nhà nhà đều làm theo.

Sửa bởi TeddyBear: 13/09/2021 - 05:49


Thanked by 2 Members:

#2 TeddyBear

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 220 Bài viết:
  • 155 thanks

Gửi vào 13/09/2021 - 05:58

II. AI Ở TRÊN MẶT TRĂNG?


Tất nhiên cư dân nổi tiếng nhất của mặt trăng mà phần lớn người á đông đều biết đó là Chị Hằng, tên thật Hằng Nga. Hằng Nga là vợ Hậu Nghệ, Hậu Nghệ lại là thượng cổ thần tiễn, chuyện xưa kể rằng Ngọc Hoàng có 10 đứa con trai vô công rồi nghề, hóa thành 10 mặt trời, 10 ông này luân phiên, mỗi ngày một ông làm nhiệm vụ chiếu sáng nhân gian. Một ngày nọ, một ông nhõi nào đó trong 10 ông hứng chí, gầy độ nhậu cho các anh em, thế là cả 10 ông cùng tề tựu một lúc. 10 mặt trời cùng chiếu thì chả cây cối hay con vật nào sống nổi cả, dân chúng khi ấy chỉ có nước kêu trời. Bấy giờ dưới hạ giới là thời nhà Hạ, vua nhà Hạ là Trọng Khang là dòng dõi Hạ Vũ, trong số bảo bối mà ông tổ Vũ để lại có Xạ Nhật Cung và 12 mũi Truy Nhật Tiễn từ thời Vua Nghiêu. Trọng Khang khi ấy đập bàn thét: Đcm, hàng nóng bây giờ không dùng thì đến khi nào mới dùng? - Rồi bèn cho triệu Hậu Nghệ vào, giao cho cung tên và sứ mạng giải cứu thế giới. Hậu Nghệ ra đi, leo lên núi Thái Sơn, giương cung đặt tên bắn luôn 9 phát, 9 ông trời con bị headshot rụng như mít, còn một ông hoảng quá lặn mất, thế gian lại chìm trong màn đêm vĩnh cửu. Mãi về sau nhờ con gà thần cất tiếng gáy báo hiệu an toàn rồi thì ông trời con còn lại mới ló dạng và tiếp tục chiếu sáng ... đến tận ngày nay. Do có công lao vô tiền khoáng hậu như vậy nên Hậu Nghệ được Trọng Khang ban cho một viên linh đơn và dặn rằng:

-Thuốc này mạnh lắm, cắn vào một viên là phê tới nóc, trình như chú nên tập dần dần, cắn từ nửa viên trước đã, không là thăng thiên luôn đấy.

Hậu Nghệ có vợ yêu là Hằng Nga, Nghệ dự định khi già sẽ cùng với Hằng Nga cắn thuốc rồi cùng thăng thiên thành tiên nên cất kỹ viên thuốc. Trong thời gian đợi già thì Hậu Nghệ đâm ra kiêu ngạo, tham lam, vơ vét của cải của dân chúng, vì vậy dân chúng oán ghét khởi nghĩa chống lại. Phùng Mông là học trò của Hậu Nghệ về phe dân chúng chống lại thầy, Nghệ còn một học trò nữa tên là Ngô Cương, vì sợ Cương theo gương sư huynh nên lột sạch chức tước, binh quyền, bắt Cương ngồi nhà trông chừng Hằng Nga và viên thuốc thần. Một ngày nọ, nhân lúc Ngô Cương say rượu lăn ra ngủ, Hằng Nga lén mở kho ra xem, bất thần có người báo Hậu Nghệ đã về đến cổng, Hằng Nga vội lủm nguyên viên thuốc định phi tang, nào ngờ hàng chuẩn thiên tử ban cho có khác, Hằng Nga một phát lên tới nóc, cả người nhẹ bỗng, trực chỉ thăng thiên, trong tay chỉ kịp với theo con thỏ trắng cùng lên cung trăng.

Hậu Nghệ trở về nhà, tiếc vợ thì ít mà tiếc hàng ngon thì nhiều, sẵn thằng học trò Ngô Cương đang say bí tỉ, Hậu Nghệ lao vào bóp cổ Cương chết lè lưỡi. Ngô Cương tự cho là chết oan, hồn không siêu thoát, bay lên cung trăng tìm Hằng Nga đòi mạng, một ông già xưng là Nguyệt Lão hiện ra phân tích cho Ngô Cương về lẽ sai đúng, thiệt hơn. Cương vẫn một mực tự cho là mình chỉ thờ thầy và làm theo thầy chứ không có sai gì cả, vẫn đòi Hằng Nga phải đền mạng. Nguyệt Lão bèn chỉ một cây quế cổ thụ trên mặt trăng và bảo Cương mang búa ra mà đốn, hễ đốn đổ được cây quế đó thì được trả lại thân xác mà hồi sinh. Nhưng cứ hễ Ngô Cương gần chặt đổ được cây thì thân cây lại tự động liền lại, cứ như vậy suốt mấy ngàn năm qua, người ta chỉ lên mặt trăng, nhòm vào đốm đen trong trăng mà bảo rằng đó là Ngô Cương đang đốn cây.

III. CÁC MÓN ĂN NGÀY TRUNG THU


Tất nhiên, trung thu thì không thể thiếu Bánh Trung thu được. Bánh trung thu là thứ "đương nhiên phải có" trong mâm cỗ cổ truyền của người Trung Hoa. Sự ra đời của bánh trung thu gắn liền với một sự tích lịch sử quan trọng: Vào thế kỷ XIV, 88 năm sau khi người Mông Cổ thiết lập ách cai trị trên toàn cõi Trung Hoa, để loại trừ cơ hội nổi dậy của người Hán, người Mông Cổ cấm họ sở hữu vũ khí, không cho phép tụ tập đông người, thậm chí thức ăn cũng bị chia khẩu phần. Năm 1368, thủ lĩnh của cuộc nổi dậy là Chu Nguyên Chương được quân sư Lưu Bá Ôn bày cho một kế hoạch. Nhân Tết Trung thu đang đến, Lưu Bá Ôn tung tin đồn sắp có một bệnh dịch chết chóc và cách duy nhất để vượt qua là ăn bánh Trung thu. Khi người dân đi mua bánh, Lưu Bá Ôn cho người bí mật nhét vào tất cả các nhân bánh Trung thu một mẩu giấy ghi rõ ngày giờ nổi dậy, chính là vào ngày Tết này. Do người Mông Cổ không ăn bánh Trung thu (vì họ đếch có tết trung thu) nên kế hoạch thành công và Chu Nguyên Chương lên ngôi lập ra triều Minh. Từ đó về sau, cùng với sự hoàn thiện dần của bánh Trung thu, người Trung Hoa ăn bánh Trung thu vào ngày Rằm tháng Tám để kỷ niệm sự kiện này. Bánh trung thu nguyên bản chỉ là cái vỏ bánh nướng lên, bên trong ... đếch có gì (vì để chứa mật thư), về sau, người ta biến tấu ra nhân bên trong bằng các loại hạt, mứt xay nhuyễn, nhưng phổ biến nhất là các loại đậu, vừa rẻ tiền, vừa dễ làm, dễ kiếm. Bánh trung thu có nhân trứng muối là sau này người ta bắt chước bánh pía, chứ bánh truyền thống của Trung Quốc không có trứng. Sau đó đến nhân thập cẩm (hạt sen, hạt dưa, mứt gừng, mứt bí, lạp xưởng, mỡ) là loại bánh truyền thống của người Việt cùng với bánh dẻo. Các nước Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những loại bánh trung thu của riêng họ. Với người Việt gốc Hoa, bánh trung thu nhất định phải hình tròn. Người Tiều có món bánh Trung thu riêng đặc biệt. Nó cũng hình tròn, nhân khoai môn, đậu xanh nhuyễn giống bánh pía nhưng to hơn nhiều, khoảng gần bằng bàn tay, mỏng dẹp hơn, có ba lớp vỏ bột mỏng và được nướng giòn lên, gọi là bánh mặt trăng.


Ngoài Khoai môn là một món bắt buộc. Bây giờ, ngay ở Trung Quốc người ta vẫn cúng món khoai môn với ý nghĩa tên của nó (芋头 yutou) đồng âm với “hữu phúc bên trong”, nhưng có thể cắt lát, hấp chín hoặc chiên vàng rưới sirô, hoặc nấu canh… Còn ở các gia đình người Hoa Chợ Lớn, đĩa khoai môn vẫn để nguyên củ tròn trịa. Món này gắn liền với các điển tích nuôi dưỡng ý chí kháng chiến chống giặc Hồ của người Trung Hoa (Hồ: tên không coi trọng, chỉ sắc dân tại Trung Á và Tây Á, được sử dụng phổ biến trong các sử tịch và văn hiến thời nhà Đường) vì khoai môn" đồng âm với "Hồ thủ" nghĩa là đầu của quân giặc Hồ. Cũng có những tích khác như bưởi và khoai môn là hai thứ thực phẩm được trời ban cho Quang Võ Đế nhà Hậu Hán trong cuộc nổi dậy chống Vương Mãng vào ngày trăng tròn tháng Tám. Từ đó về sau nhà vua tạ ơn trời đất và thưởng trăng bằng hai sản vật này rồi lưu truyền khắp dân gian.


Người Quảng Đông, Phúc Kiến thường dùng món ốc sông. Có nhà dùng ốc bươu, có nhà lại dùng ốc len xào dừa. Sở dĩ người ta ăn ốc trong mùa thu vì đây là lúc ốc không có con và tích trữ năng lượng chuẩn bị ngủ đông nên ốc mùa thu là béo nhất và giàu vitamin A nhất, nên ăn sẽ bổ mắt. Ở phía bắc Trung Quốc, người vùng Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang nơi có nhiều sông hồ sẽ ăn cua mặt trăng vì tháng 9, tháng 10 là mùa cua ngon nhất, giàu protein và axit amin. Ngoài ra còn có củ sen và mì trường thọ, loại mì với sợi nhỏ nhưng thật dài với mong ước được sống thật lâu. Tục cúng trăng cổ truyền gồm có Tế nguyệt và Thưởng nguyệt. Tế nguyệt là bày mâm cỗ cúng dưới ánh trăng. Thưởng nguyệt là phá cỗ, chơi trăng, rước đèn, đố chữ, múa rồng lửa để trừ tà… phá cỗ thường dành cho trẻ con, ở miền bắc Việt Nam xưa kia, các nhà nông dân sẽ làm các món kẹo mạch nha và các loại mứt cho trẻ em trong ngày Trung Thu, người lớn sẽ chơi thả thơ, giải câu đố và uống rượu hoa cúc.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn




IV. SỰ TÍCH LỒNG ĐÈN


Nhắc tới Trung Thu thì không thể thiếu lồng đèn, nhưng từ khi đèn điện được phát minh thì lồng đèn đã không còn thông dụng như ngày xưa nữa. Ngày xưa, người ta chia lồng đèn thành hai loại: Loại thả lên trời và loại cầm trên tay. Người nghĩ ra loại đèn thả lên trời theo dân gian là Gia Cát Lượng nên đến ngày nay người ta còn gọi đèn trời là đèn Khổng Minh. Người ta dùng đèn trời không chỉ để soi sáng mà còn để truyền tin, báo hiệu trong quân sự. Đèn trời vốn được làm bằng vải, vì giấy sẽ không chịu được gió lớn khi lên cao, chính vì vậy mà khi rơi xuống hoặc khi bất cẩn sẽ rất dễ gây hỏa hoạn. Ngày nay lễ hội thả đèn trời lớn nhất được tiến hành vào tháng 10 hàng năm ở phố cổ Thập Phần - Đài Loan, tuy nhiên những người yêu môi trường hàng năm vẫn kêu gọi dẹp bỏ lễ hội này.


Đèn lồng là thứ vô cùng quen thuộc với người dân trước đây, là thứ bắt buộc nhà nào cũng phải có, thường là bằng giấy hoặc lụa. Người ta đi đêm phải mang đèn lồng để soi đường, tuần đinh đi tuần tra đêm cũng phải mang theo đèn lồng, cửa hiệu bày bán ban đêm cũng treo đèn lồng để thắp sáng biển hiệu nhà mình, nhà có hỷ sự (đám cưới) gia chủ sẽ mua một cặp đèn lồng đỏ treo ngoài hiên, khi nhà có người mất sẽ thay bằng một cặp đèn lồng trắng. Những chiếc đèn lồng đủ màu sắc là một nét riêng, đặc trưng của phố cổ Hội An. Vào những tối cuối tuần, các bạn có dịp nên ghé qua phố cổ để xem các cửa hiệu thắp đèn lồng. Đèn lồng Hội An được xem là những tác phẩm nghệ thuật, người Nhật từng mời một gia đình làm đèn lồng gia truyền ở Hội An sang Nhật để làm phóng sự và quay phim. Sẵn tiện, người Nhật cũng rất gắn bó với đèn lồng: Đèn lồng của Nhật thường làm bằng giấy, có chữ đại tự viết hẳn lên bên ngoài để biểu thị mặt hàng/mục đích của chủ nhân.

Dù ngày nay, ở các thành phố, đèn điện đã thay thế đèn lồng nhưng trong các ngôi đền Shinto (thần đạo) truyền thống, đèn lồng vẫn được treo bên dưới các cánh cổng Torii linh thiêng... Ngoài ra người Nhật có loại lồng đèn Cá Chép, gắn liền với lễ hội Koinobori rất nổi tiếng. Về nguồn gốc thì việc này dựa vào truyền thuyết cá chép vượt vũ môn của Trung Quốc, nhà nào có con trai thì sẽ treo lồng đèn cá chép ngoài sân, và theo đúng truyền thống thì phải treo đủ 5 màu đỏ, đen, lục, trắng, vàng theo 5 màu ngũ hành với mong muốn đứa trẻ trong nhà sẽ mạnh mẽ, can trường giống như cá chép bơi ngược vũ môn vậy.


Tuy nhiên, ở các nước phương tây, mà cụ thể là Hà Lan, nhà nào treo đèn lồng đỏ thì đồng nghĩa đấy là ... nhà thổ. Đây là quan niệm từ xưa, những chốn ăn chơi thác loạn thường treo đèn màu đỏ ngoài cửa để dễ nhận biết, lâu dần nó ăn vào tiềm thức dân bản xứ. Địa danh Phố Đèn Đỏ không phải là từ của dân Châu Á mà là từ Châu Âu.


Nếu như ngày nay lồng đèn Trung Quốc chạy pin đã tràn ngập thị trường thì cách đây 30 năm là thời hoàng kim của lồng đèn giấy bóng kiếng. Niềm ao ước của những đứa trẻ ngày xưa là lồng đèn hình ngôi sao, con cá, tàu thủy, xe tăng, con bướm ... dù rằng độ bền của chúng mong manh như chính tờ giấy kiếng làm ra chúng vậy, hiếm có cái lồng đèn nào thọ nổi qua một mùa trung thu, hehe... Nhưng xa xôi hơn nữa, đỉnh nhất của các loại đèn lồng phải là đèn kéo quân. Đèn kéo quân còn có tên dân dã là đèn cù, tên tiếng Hoa là Tẩu Mã Đăng (đèn ngựa chạy), ngày xưa được thắp trong các lễ hội lớn chứ không phải chỉ mỗi trung thu. Có những chiếc đèn kéo quân rất lớn, nặng cả trăm ký mất rất nhiều công sức mới làm thành.

Theo truyền thuyết, ngày xưa có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất hiếu thảo. Một hôm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra phán rằng: "Ta là Thái Thượng Lão Quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng ăn ở hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng Vua". Hôm sau theo lời dặn của Thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn. Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động nên rất hài lòng. Khi Vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng: "Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay luôn cũng nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức. Sáu mặt của chiếc đèn làm bằng giấy tươi sáng biểu hiện cá tính của con người". Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu màu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau.

Tất cả những hình nhân trên đèn được làm bằng giấy. Vua ban thưởng cho mẹ con Lục Đức rất hậu và phong làm Vạn Hộ Hầu. Từ đó, mối khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức, dân chúng đua nhau bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là đèn kéo quân.

Theo thời gian, đèn kéo quân được làm như một bức tranh minh họa cho các điển tích tàu, các tích thường thấy là Tây Thi - Phạm Lãi, Tam Anh kết nghĩa - Chiến Lữ Bố, Tứ đại mỹ nhân hay Hán Sở tranh hùng... Người ta cũng thay thế gỗ thường thành gỗ thơm, thay giấy bằng lụa, biến chiếc đèn trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Thời xưa trong các đám hội trung thu, người ta treo phía dưới những chiếc đèn này những câu đố hoặc câu đối, các văn nhân tài tử sẽ mở ra và giải đố hoặc đối câu để sở hữu chiếc đèn, độ khó của câu hỏi tương đương với độ quý hiếm của chiếc đèn. Ở Chợ Lớn, vào dịp Trung Thu, các hội quán người Hoa thường tổ chức bán đấu giá những chiếc đèn tinh xảo, có thư pháp đẹp để gây quỹ học tập cho các em nhỏ trong cộng đồng. Ngày nay, những tập tục cổ xưa cũng ngày càng mất dần, dù ở nhiều nơi, tết Trung thu là một ngày tết chính thức, người đi làm đều được nghỉ một ngày.


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Bách Hiểu Sinh
Nguồn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |