Jump to content

Advertisements




CUỘC ĐỐI THOẠI KỲ LẠ GIỮA PHI HÀNH GIA NỔI TIẾNG VÀ HOÀ THƯỢNG THÁNH NGHIÊM


  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 6704 Bài viết:
  • 5551 thanks

Gửi vào 28/06/2021 - 13:19

CUỘC ĐỐI THOẠI KỲ LẠ GIỮA PHI HÀNH GIA NỔI TIẾNG VÀ HOÀ THƯỢNG THÁNH NGHIÊM




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Phi hành gia Edgar Mitchell là một nhà khoa học lỗi lạc với nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về không gian tại Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông là một trong sáu người đã đặt chân lên mặt trăng bằng phi thuyền Apollo 14 vào ngày 31 tháng 1 năm 1971.
Ông đã đến Đài Loan năm 2008 tham dự một hội thảo Khoa học và có dịp gặp gỡ và đối thoại cùng Hoà thượng Thánh Nghiêm. Đoạn trích này trong cuốn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Sau bữa ăn, ông Mitchell hỏi tôi:

- Ngày mai chúng tôi sẽ đến gặp Hòa thượng Thánh Nghiêm, anh có muốn đi cùng với chúng tôi không?

- Dĩ nhiên tôi không thể từ chối một cơ hội hiếm có như vậy.

Buổi gặp gỡ được sắp đặt trước này diễn ra tại giảng đường Đại học Đài Bắc cho một số sinh viên và giáo sư tham dự. Giáo sư Yeh là người chủ trì buổi nói chuyện.

Giáo sư Yeh bắt đầu cuộc gặp mặt:

- Mitchell, ông hãy kể về trải nghiệm lạ lùng khi bay trên không gian vũ trụ cho Hòa thượng Thánh Nghiêm nghe và hỏi ngài về những thắc mắc của ông đi.

Phi hành gia Mitchell lên tiếng:

- Thưa Hòa thượng, sau khi hoàn tất sứ mệnh trên mặt trăng, chúng tôi bắt đầu bay trở về trái đất. Khi bay trong không gian, phi thuyền của chúng tôi phải liên tiếp xoay tròn theo trục di chuyển 360 độ để giảm sức nóng phát ra từ ánh sáng mặt trời. Do đó, cứ mỗi hai phút thì tôi lại nhìn thấy trái đất, mặt trăng và mặt trời qua cửa kính của phi thuyền. Tôi cũng phải nói thêm là bên ngoài không gian, vì không có bầu khí quyển nên chúng tôi nhìn thấy các hành tinh rất rõ. Khi ở trên trái đất, chúng ta nhìn lên bầu trời và thấy các vì sao lấp lánh vì ảnh hưởng của bầu khí quyển; nhưng trong không gian, tất cả đều sáng rõ như một mạng lưới khổng lồ với hàng ngàn hàng vạn vì sao trông như những hạt kim cương tỏa sáng. Đó là một hình ảnh tuyệt vời đối với các phi hành gia chúng tôi lúc đó. Ngày nay, mọi người đều có thể nhìn thấy hình ảnh này qua kính viễn vọng Hubble, hay qua các hình ảnh mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ chụp được và đưa lên mạng. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy vũ trụ đẹp vô cùng, không lời nào có thể diễn tả được.

Là một nhà khoa học, tôi biết rằng tất cả những tế bào, những nguyên tử trong cơ thể tôi, hay cơ thể của những người bạn tôi trong phi thuyền, và ngay cả những nguyên tử cấu tạo nên phi thuyền, đều phát xuất từ hành tinh của chúng ta hay chính là khởi nguồn trong vũ trụ. Mọi hiện tượng vật chất đều phát xuất từ vũ trụ này. Từ đó, tôi ý thức rằng thân thể của tôi và tất cả mọi vật trong vũ trụ không có gì sai biệt. Thay vì là một cá thể độc lập, một thành phần riêng rẽ, tôi ý thức rằng tất cả cùng chung một nguồn gốc. Ngay khi đó, toàn thân tôi bỗng nhiên rung động mãnh liệt. Tôi thấy mình chìm đắm trong một cảm giác bình an lạ lùng không thể diễn tả. Trải nghiệm này tiếp tục diễn ra mỗi khi tôi không bận rộn. Là phi hành gia, dĩ nhiên chúng tôi rất bận vì vừa phải điều khiển phi thuyền, vừa phải hoàn thành những thí nghiệm khoa học trong phi thuyền, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng dừng lại nhìn ra ngoài cửa sổ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ của vũ trụ và cảm nhận cảm giác bình an lạ lùng này.

Với mỗi vòng quay của phi thuyền, tôi lại nhìn thấy trái đất, mặt trăng, mặt trời, cùng các vì tinh tú lấp lánh. Tôi thấy vũ trụ giống như một tấm lưới với hàng triệu vì sao toát ra thứ ánh sáng rực rỡ, và tôi ý thức rõ ý niệm “vạn vật đồng nhất thể”. Tôi hiểu rằng nếu đã đồng nhất với tất cả thì vạn vật đều liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời được. Đây là một quan niệm mới lạ mà từ trước đến nay, các nhà khoa học chúng tôi không ai nghĩ đến.

Trong trải nghiệm bình yên đặc biệt đó, tôi tự hỏi: “Tôi thực sự là ai? Tôi từ đâu tới đây? Rồi tôi sẽ đi về đâu? Vũ trụ được hình thành và có mối liên hệ như thế nào với trái đất cùng những con người sống ở đó? Có phải chúng tôi, những người đầu tiên du hành ra ngoài không gian, đã cảm nhận được sự tương quan rõ rệt giữa con người và vũ trụ, khác hẳn với ý niệm của những người chưa từng rời trái đất?”.

Từ ý niệm này, tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc phải tìm cách thay đổi các quan niệm định kiến chật hẹp đã giam cầm bao nhiêu thế hệ từ trước đến nay bằng một quan niệm mới về sự tương quan giữa con người và vũ trụ. Có lẽ các định luật khoa học, các kiến thức được xây dựng từ ngàn xưa sẽ phải thay đổi khi chúng ta nhìn lại tất cả những gì chúng ta đã làm trên trái đất này, sau khi chứng kiến sự nhỏ bé của chúng ta so với vũ trụ bao la. Ngay như nền khoa học hiện đại bắt đầu khoảng bốn trăm năm trước với Isaac Newton cũng sẽ phải thay đổi khi con người bước ra khỏi tầm ảnh hưởng của sức hút trái đất.

Khi lan man nghĩ đến đó, tôi chợt nghĩ đến những bậc tiên phong như Copernicus, Galileo và những nhà khoa học lỗi lạc khác đã đưa ra ý kiến về sự tương quan giữa trái đất và vũ trụ nhưng phải chịu đựng sự chống đối, kỳ thị của những quan niệm thiển cận, hẹp hòi lúc bấy giờ. Người thì bị thiêu sống, người thì bị giam cầm cho đến chết, nhưng sự thật vẫn là sự thật, không thể chối cãi. Tất cả khuynh hướng bảo thủ, hẹp hòi trước sau cũng phải thay đổi khi người ta biết hướng tầm mắt lên cao, xóa bỏ thành kiến cũ và mở rộng tâm hồn để nhìn ra vũ trụ bao la.


Phi hành gia Mitchell ngừng lại suy nghĩ, rồi tiếp tục:

- Khi trở về trái đất, tôi luôn thắc mắc về cái cảm giác bình an lạ lùng này. Tôi tìm đọc rất nhiều sách vở khoa học nhưng không tìm thấy gì có thể giải thích hiện tượng trên. Tôi chuyển qua nghiên cứu các sách vở tôn giáo của phương Tây nhưng cũng không tìm được gì. Tôi tìm đến những học giả thông thái nhưng không ai có thể trả lời được thắc mắc của tôi. Một người bạn khuyên tôi nên tìm đọc các tài liệu về tôn giáo phương Đông, và tôi bắt đầu nghiên cứu Phật giáo, nhất là các sách nói về đại định (Samadhi). Tôi thấy có sự trùng hợp giữa trải nghiệm mà tôi đã trải qua trên không gian với trải nghiệm của các hiền triết phương Đông, khi họ diễn tả về trạng thái thiền định.


Đoạn trích này trong cuốn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

.

Giáo sư Yeh chợt hỏi:

- Phải chăng cảm giác đó là thấy mình hợp nhất với vạn vật?

Phi hành gia Mitchell trả lời:

- Đúng thế, lúc đó tôi không thấy có sự khác biệt giữa mình và vạn vật nữa. Cái cảm giác hòa hợp, rung động cùng với sự chuyển động của vũ trụ, là một trải nghiệm kỳ lạ không thể diễn tả được bằng lời.

Giáo sư Yeh quay sang hỏi Hòa thượng Thánh Nghiêm:

- Bạch Hòa thượng, theo quan niệm của Phật giáo, trải nghiệm không còn thấy sự phân biệt giữa mình và vạn vật của phi hành gia Mitchell có phải là một sự chứng ngộ không?

Hòa thượng Thánh Nghiêm mỉm cười nhìn ông Mitchell:

- Trước hết tôi rất mừng cho phi hành gia Mitchell đã có một trải nghiệm đặc biệt. Trong hàng ngàn, hàng vạn người, không mấy ai có được trải nghiệm như thế. Trong cuộc sống, khi người ta trải nghiệm một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, có thể thay đổi hẳn các trải nghiệm cá nhân từ trước, ta có thể coi đó như là một sự chứng ngộ. Tuy nhiên, đó cũng có thể chỉ là một cảm giác nhất thời.
Thí dụ như, cách đây không lâu, một đệ tử của tôi cũng có một trải nghiệm đặc biệt. Sau một khóa tu thiền kéo dài bảy ngày, anh ta trở về nhà. Trên đường về, anh ta thấy tất cả cây cối, hoa lá, từ những con côn trùng nhỏ bé cho đến những chiếc lá cây, ngọn cỏ đều vui mừng chào đón anh. Anh cảm nhận được một niềm an lạc tuyệt vời như hòa nhập với ngoại cảnh và tin rằng mình đã chứng ngộ. Anh vội vã trở lại kể cho tôi nghe về trải nghiệm đó. Tôi nói với anh rằng tuy đó là một khoảnh khắc trải nghiệm tuyệt vời nhưng cũng có thể biến đi ngay trong chốc lát. Đừng coi cảm giác đó là một sự chứng ngộ. Nếu không tin, anh hãy thử trở lại khu vườn đó để xem những cây cỏ, hoa lá, muông thú có chào đón anh như trước không.

Khi quay trở lại, anh không cảm nhận được trải nghiệm như trước nên đã hỏi: “Làm thế nào để con có thể lấy lại cái cảm giác tuyệt vời đó?”. Tôi trả lời: “Không ai có thể sở hữu mãi mãi trải nghiệm đã qua đó. Nếu muốn nắm giữ nó mãi thì anh thật tham lam. Có được trải nghiệm này chỉ là một kết quả của quá trình tu tập mà thôi. Đó không phải là sự chứng ngộ như anh kỳ vọng. Mục đích của tu tập Thiền định là để phát triển trí tuệ và xóa bỏ bản ngã. Nếu chúng ta đạt đến trạng thái Vô ngã thì thế giới này còn tồn tại nữa không? Nếu chúng ta đạt đến trạng thái Tâm vô phân biệt thì làm gì còn có chúng ta hay thế giới này nữa? Đối với đa số mọi người, thế giới này thật sự hiện hữu, nhưng đối với những người đã chứng ngộ thì thế giới này chỉ là huyễn ảo, không có thật, do đó tất cả trải nghiệm dù là trải nghiệm gì đi chăng nữa, cũng chỉ là huyễn ảo chốc lát mà thôi. Chúng ta không nên để ý đến nó hay muốn nắm giữ nó mãi làm gì”.

Giáo sư Yeh hỏi thêm:

- Bạch Hòa thượng, như thế thì dù chúng ta có được những trải nghiệm gì cũng không nên bám víu vào nó hay sao?

Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:

- Cho dù trải nghiệm đó diễn ra thế nào đi nữa, hãy để cho nó đến và đi một cách tự nhiên. Có thể nó chỉ là điều xuất phát từ tâm thức, sẽ thay đổi, vì tất cả mọi sự đều sẽ đổi thay. Dù nó hiện hữu như thật, vẫn hãy coi nó chỉ là những hiện tượng của tâm thức mà thôi.

Tuy nhiên, đối với những người đã trải nghiệm, rồi hoàn toàn thay đổi nhận thức của họ và luôn luôn sống với tâm thức đó, thì chúng ta có thể kết luận rằng người đó đã chứng ngộ. Theo quan niệm của Phật giáo, người này đã có một “nhân” lành từ trước và đến nay nó bắt đầu trổ “quả”.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Hòa thượng Thánh Nghiêm chia sẻ tiếp:

- Phi hành gia Mitchell là một nhà khoa học, nhưng không thể giải thích trải nghiệm đó bằng lý luận của khoa học, không thể chứng minh nó qua các cuộc thí nghiệm, hay tạo ra lý thuyết bằng phương pháp luận lý. Ông tin rằng đây là một kiến thức mới, mà khoa học cần khám phá, nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, ông nên biết rằng cảm giác đó là một trải nghiệm tâm linh nằm trong phạm trù của tôn giáo mà khoa học không thể giải thích. Triết học hay luận lý học cũng không thể giải thích được, vì nó là một trải nghiệm tinh thần xảy ra cho một người duy nhất - là ông mà thôi. Trải nghiệm ấy đã làm thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của ông. Từ đó, ông cảm thấy nó trở thành một phần của ông, không thể tách rời ra được nữa. Trải nghiệm này vượt khỏi phạm trù của khoa học bởi vì những người trải nghiệm được việc này không thể diễn tả, giải thích được, không thể chứng minh được, và cũng không ai có cùng một trải nghiệm tương tự như thế, nó là một trải nghiệm có tính chất duyên căn cá nhân. Ai uống nước thì tự mình biết nóng hay lạnh. Trong trường hợp của ông, chỉ mình ông cảm nhận được sự an lạc hòa hợp cá nhân vào vũ trụ, nhập với tất cả, không còn phân biệt giữa mình và vũ trụ nữa. Lúc đó cũng có các phi hành gia khác ở trong phi thuyền. Tại sao họ không có được trải nghiệm giống như ông? Tại sao chỉ mình ông có được cảm nhận đó? Nếu nói theo khoa học thì một khi ông cảm nhận được điều gì, tất cả những người khác cũng đều phải thấy như thế. Tóm lại, đây là điều mà khoa học không thể giải thích hay chứng minh, vì nó nằm ngoài phạm trù của khoa học.



Đọc thêm sách:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

(Tác giả: Nguyên Phong)




Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |