Ấn Độ có Phổ Đà Lạc Ca sơn 普陀洛迦山, Trung Quốc cũng có Phổ Đà sơn 普陀山. Đối với người Trung Quốc mà nói, Phổ Đà sơn Nam Hải tại quần đảo Chu Sơn 舟山 là đạo trường thù thắng thân cận Quán Âm.
Bất Khẳng Khứ Quán Âm 不肯去观音 (Quán Âm không chịu đi)
Phổ Đà sơn 普陀山 vốn tên là Mai Sầm 梅岑, tại quần đảo Chu Sơn 舟山 huyện Định Hải 定海 tỉnh Triết Giang 浙江, trên núi có đến hơn 80 tự viện, hàng năm cử hành Quán Âm hội rất long trọng, vô số tín đồ trong và ngoài nước đến dâng hương. Trên núi có Quán Âm viện “Bất Khẳng Khứ” 不肯去 rất nổi danh, là thuỷ tổ của các tự viện trên Phổ Đà sơn. Muốn biết vì sao Quán Âm lại ở Phổ Đà sơn này, phải bắt đầu nói từ ngôi chùa Quán Âm “Bất Khẳng Khứ”. Điển cố này được ghi chép trong Phổ Đà sơn chí 普陀山志:
Năm 916, nhà Hậu Lương năm thứ 2 thời Ngũ Đại, một vị cao tăng Nhật Bản tên là Tuệ Ngạc 慧锷 đến trung nguyên cầu pháp, tại Ngũ Đài sơn 五台山 Sơn Tây 山西 cao tăng thỉnh được một Thánh tượng Bồ Tát Quán Âm, quyết định đưa tượng về Nhật để thờ phụng. Từ Ninh Ba 宁波 Giang Nam 江南ông lên thuyền vượt biển, nào ngờ thuyền vừa mới rời Ninh Ba, đi đến quần đảo Chu Sơn gặp phải cuồng phong sóng dữ. Truyền thuyết kể rằng trên mặt biển lúc bấy giờ xuất hiện nhiều hoa sen sắt khiến thuyền không thể nào đi được. Cứ như vậy 3 ngày 3 đêm, thuyền đành phải vòng quanh Phổ Đà sơn. Cao tăng Tuệ Ngạc cho rằng Quán Âm không chịu đi đến Nhật Bản nên thắp hương khấu bái, thỉnh tượng Quán Âm lên một đảo nhỏ. Cư dân trên đảo mắt thấy cảnh tượng linh dị hoa sen trên biển tin rằng Quán Âm Bồ Tát hiển linh muốn ở lại trên đảo, liền cất một thảo am phụng thờ. Đây chính là nguồn gốc của Quán Âm “Bất Khẳng Khứ”. Nhân đó Cao Tăng Tuệ Ngạc cũng được xem là vị tổ khai sơn của đạo trường Quán Âm.
Năm Nguyên Phong 元丰 thứ 3 đời Tống Thần Tông 宋神宗 (năm 1080), triều thần Vương Thuấn 王舜 phụng mệnh đi sứ Cao Li 高丽, trên đường đi thuyền của ông gặp phải gió lớn, lại bị loài ba ba to lớn công kích, sinh mệnh gặp nguy. Đương lúc ngàn cân treo sợi tóc, Vương Thuấn bỗng nhìn thấy Quán Âm hiển linh, từ động Phổ Đà hiện ra bảo tướng thù thắng trang nghiêm cứu độ. Về sau, Vương Thuấn trình tấu sự việc đó với hoàng đế Thần Tông, Thần Tông bèn ban cho tấm biển đề bốn chữ “Quán Âm Bảo Đà” 观音宝陀. Năm Gia Định 嘉定 thứ 7 đời Tống Ninh Tông 宋宁宗 (năm 1214), ban chiếu khâm định núi này là đạo trường phụng thờ Quán Âm.
Đạo trường Quán Âm lớn nhất của Trung Quốc
Từ đó về sau, du khách đến từ các nước châu Á như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia v.v… khi đi ngang qua đây, gặp lúc khổ nạn đều hướng đến Quán Âm cầu khấn. Người đến triều bái dần đông lên, tự viện được kiến tạo thêm nhiều, về sau đổi tên là Phổ Đà (từ âm tiếng Phạn là Potala), trở thành một trong tứ đại danh sơn Phật giáo Trung Quốc, nổi tiếng cùng với Ngũ Đài sơn 五台山 phụng thờ Văn Thù Bồ Tát 文殊菩萨, Nga Mi sơn 峨嵋山 phụng thờ Phổ Hiền Bồ Tát 普贤菩萨, Cửu Hoa sơn 九华山 phụng thờ Địa Tạng Bồ Tát 地藏菩萨, được liệt vào đạo trường Phật giáo lớn nhất của Trung Quốc cận đại.
Thời Minh Thanh, toàn Phổ Đà sơn có 88 am viện, 128 thảo xá, tăng chúng hơn 3000 người, có thể nói:
Kiến xá thị am, ngộ nhân tức tăng
见舍是庵, 遇人即僧
(Thấy nhà đó là am, gặp người đó là tăng)
Trong đó, Phổ Tế 普济, Pháp Vũ 法雨, Tuệ Tế 慧济 là 3 chùa có quy mô lớn nhất, được gọi là “Phổ Đà tam đại tự”. Phổ Đà sơn là Thánh địa Quán Âm của người Trung Quốc, mỗi năm có ngày 3 lễ lớn:
- 19 tháng 2 ngày sinh của Quán Âm
- 19 tháng 6 ngày Quán Âm thành đạo
- 19 tháng 9 ngày Quán Âm nhập niết bàn
tại Phổ Đà sơn cử hành Đại pháp hội long trọng, tín chúng các nơi về triều bái đạt đến cả trăm vạn người, khói hương nghi ngút.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Nguồn: