Jump to content

Advertisements




Năm Tý Nói Chuyện Chuột


6 replies to this topic

#1 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 6824 Bài viết:
  • 5578 thanks

Gửi vào 24/01/2020 - 06:02

NĂM TÝ NÓI CHUYỆN CHUỘT

Quang Kính Võ Đình Ngoạn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Đám cưới chuột (tranh Đông Hồ)



Đề cập đến dòng họ nhà tý, thiết nghĩ trong thế gian rất ít nguời yêu thích, nhất là phái nữ. Nhiều người cho rằng chuột là giống vật bẩn thỉu, chúng lại thường phá hoại mùa màng khiến nhà nông bị thất thu hoa màu. Lũ tý sống trong nhà cũng chẳng vừa , chúng cắn phá áo quần, giày dép, giấy tờ, đồ đạc…. Không những thế chuột còn truyền nhiễm bệnh tật đến cho loài người. Nhưng nếu chúng ta suy luận như thế, tôi thiết nghĩ con người nhận thức hơi chủ quan, không công bằng khi luận tội về dòng tộc nhà chuột. Thật ra có nhiều giống vật khác cũng có thể gây nên thất thu mùa màng một cách trầm trọng hay gây nên bệnh tật như sâu bọ, chim chóc, khỉ, tinh tinh, lợn… Xét cho cùng loài tý cũng thông minh, lanh lợi, vả lại chúng giúp ích rất nhiều cho nhân loại trong các lãnh vực nghiên cứu y sinh học. Con người còn huấn luyện chúng thành đội quân rà mìn để người nông dân không bị nguy hiểm, khi họ khai phá thêm đất đai ở những khu vực trước đây bị chiến tranh tàn phá, mìn bẩy vẫn còn vươn vải. Trong chuyện ngụ ngôn, phim ảnh, những cô chú chuột được nhân cách hóa khiến con người có thể diễn đạt những tư duy, những tâm trạng ẩn uất, vì một lý do nào đó họ không thể trực tiếp thốt nên lời, vì thế các câu chuyện ngụ ngôn hay phim ảnh đó, đôi khi được họ xữ dụng như một giáo trình để giảng dạy, để chuyển tải những nội dung mua vui, giải trí giúp thư giản sau những giờ làm việc mệt nhọc, hoặc truyền đạt những giá trị về luân lý, đạo đức hay triết lý tôn giáo … đến với quần chúng để mọi người hiểu được tâm tư của của họ qua hình ảnh các nhân vật. Năm nay nhằm đón mừng xuân canh tý, người viết xin trình bày vài mẩu chuyện về chuột, để quý độc giả đọc cho vui trong ba ngày tết.

Nói đến phim hoạt hình về chuột, chúng ta khó có thể quên nhân vật chuột Mickey lần đầu tiên xuất hiện trong tập phim đen trắng “ Steamboat Willie “ được lồng tiếng của hãng phim hoạt hình Walt Disney. Phim nầy được trình chiếu tại nhà hát Colony thuộc thành phố New York vào ngày 18 tháng 11 năm 1928. Mickey được phát họa có đôi tai to tròn vểnh lên, trông rất ngộ nghĩnh, mắt chú hai tròng đen trắng đều to, miệng không có râu, trên cổ áo mang chiếc cà vạt nơ, đôi bàn tay mảnh khảnh mang găng trắng, Đôi chân chú khẳng khiu nhưng mang đôi giày to quá cở. Hình ảnh chuột Mickey trong phim bước ra trình diện công chúng với bộ tịch hài hướt, ngồ ngộ, hai tay đút vào túi quần, miệng vừa huýt sáo chân vẫn bước đi. Hình dáng hóm hĩnh đó không những gây ấn tượng đến giới trẻ em khiến chúng ưa thích, ngay cả người lớn cũng hâm mộ. Do tính nghịch ngợm của mình gây nên, khiến Mickey đôi khi rơi vào tình cảnh khó khăn, song với trí thông minh, lanh lợi và gan dạ đã giúp Mickey thoát khỏi tình huống rắc rối bởi chú tạo ra. Anh chàng Mickey còn là kẻ hào hoa nhưng dũng cảm chiến đấu với kẻ thù là Pete để bảo vệ nàng chuột Minnie người tình của mình. Ngoài Minnie, chú chó Pluto cũng là người bạn thân thiết của Mickey.

Nguyên do sự ra đời anh chàng Mickey, bởi vì một nhân vật hoạt hình thành công trước đó của Studio Disney là chú thỏ may mắn Oswald đã bị ông chủ hãng phim Universal Studio tước mất quyền sở hữu. Disney và người cộng sự Ub Iwerks tìm kiếm một con vật khác để thay thế nhân vật nầy. Truyện kể rằng vào một ngày trời nắng đẹp. Ub Iwerks đi lang thang, trong trí ông đang suy nghĩ tìm một con vật để thay thế chú thỏ Oswald. Tình cờ khi Ub Iwerks chuẩn bị băng qua đường rầy xe lửa. Bổng ông ta nhìn thấy một xác chuột chết nằm bên cạnh đường ray, ý tưởng dùng nhân vật chuột hiện trong trí ông. Tuy ông chủ Walt Disney, một hãng phim hoạt họa đứng hàng hàng đầu thế giới, là cha đẻ của Mickey, người đã vẽ ra chú chuột dễ thương. Nhưng người tạo ra ý tưởng, gây cảm hứng từ một nhân vật Mickey thông minh, lanh lợi đáng yêu lại là Ub Iwerks, người đồng sự của ông .

Bộ phim “ Steamboat Willie “ đã mang lại sự thành công, ông trùm Disney đã thu được một khoản lợi nhuận ngoài sự mong đợi của mình, cũng từ đó nhiều hãng phim đã ký hợp đồng với Walt Disney. Vào năm 1930 hãng chiếu phim Columbia ký hợp đồng với thỏa thuận phân phối mỗi bộ phim với giá 7.000 USD. Nhờ ký thỏa thuận với hãng chiếu bóng Columbia khiến bộ phim Steamboat Willie được chu du, trình chiếu ở nhiều nước. Từ đó vào thập niên 1930 nhân vật Mickey đã trở thành biểu tượng được sự quan tâm, hâm mộ của trẻ em thuộc nhiều sắc dân trên thế giới. Nhân vật Mickey của hãng phim hoạt hình Walt Disney được mọi người ưa thích, tên chú được đưa vào tự điển bách khoa Larousse với lời giải thích “ là con chuột nhắt đươc nhân cách hóa, một nhân vật hỗn hợp, không phải người mà cũng không phải thú, nhưng ranh mãnh, năng động và gan dạ...”. Sự ra đời của Mickey đã giúp người cha đẻ của mình là Walt Disney đượ giải thưởng Hàn Lâm vào năm 1932.

Đối với Mickey, mỗi bộ phim hoạt hình do chú thủ vai được trình chiếu, cũng chính là lúc MIckey tham dự vào một chuýến phiêu lưu mới. Vào năm 1945, trong phim “ The Band concert “ các hình hoạt họa được vẻ bằng màu. Bộ Phim đó trở thành một dấu mốc, một biểu tượng trọng đại trong cuộc đời Mickey bằng những hình ảnh thật hài hước, vui nhộn do chú diễn đạt. Những tình huống, hành động của những nhân vật hoạt hình được liên kết, hợp tác giữa Mickey và các bạn đã tạo nên cảnh sinh động cho bộ phim, chính là nhờ vào những nét hoạt họa tài ba của Disney mới có. Vào năm 1999, những hoạt họa bằng tay của “ The Band Concert “ được bán với giá 420.000 đô. Đó là nguyên bản đắc giá nhất trong số các nguyên bản mà hãng phim Walt Disney sở hữu

Mặc dầu nhiều bộ phim hoạt hình ngắn của hãng Walt Disney được trình chiếu rạp, song mãi đến ngày 13 tháng 11 năm 1940 chú chuột Mickey mới xuất hiện trên màn ảnh rộng bằng bộ phim Fantasia, hình ảnh Mickey được cải thiện với diện mạo mới đầy sinh động, và sắc xão hơn. Tính từ ngày sinh ra Mickey cho đến thời điểm bây giờ, hãng Walt Disney sản xuất khoảng 130 bộ phim, cứ mỗi bộ phim là một cơ hội để chú chuột tham dự vào những cuộc phiêu lưu mới đầy vui nhộn. Bộ phim Lend a Paw, một trong số 130 phim đã đươc giải Oscar năm 1942. Mickey cũng là nhân vật hoạt hình đầu tiên được đặt tên trên đại lộ Danh vọng ở Hollywood. Ý tưởng hoạt họa anh chàng chuột nhắt Mickey thay chú thỏ Oswald đã giúp Disney lần đầu tiên được thành công và đó cũng là một thành công rất lớn trong sự nghiệp của ông trùm phim hoạt họa Walt Disney. Bởi thế, kênh truyền hình Disney channel, đứa con cưng của hãng đã chọn anh chàng Mickey làm biểu tượng. Nhân vật Mickey không những được hâm mộ trong phim, trong tranh truyện, trong sách báo. Chú chuột nầy còn được cả giới kinh doanh ưa thích, nhiều mặt hàng thương mại mang hình ảnh chú như đồ chơi, đồng hồ, bút chì, điện thoại…Đến nay đã 91 năm trôi qua, song chú chuột Mickey vẫn luôn luôn làm vừa lòng khán giả trong vai trò diễn xuất của mình. Trong tương lai, hy vọng hãng phim hoạt họa Walt Disney cố gắng tạo dựng nên một Mickey lúc nào cũng trong trắng, thông minh, nghịch ngợm và gan dạ. Có như thế hình ảnh chú chuột nhắt nầy mới xứng đáng là biểu tượng của tuổi trẻ,
Mặc dầu khi còn nhỏ, tôi vẫn thường thấy những chú chuột nhắt từ gầm tủ hay trong một góc khuất nào trong nhà chui ra kiếm ăn. Đôi lúc, tôi cũng thấy một vài chú chuột cống từ mương rảnh mò lên nơi chứa rác để gậm nhấm những thức ăn rơi ****. Nhưng hình ảnh những con chuột ấy không gây nên một cảm nghĩ nào khiến cho tôi phải lưu tâm như một vài bài hát hay những câu ca dao, tục ngữ nói về ngôn từ chuột do người thiếu phụ kế cạnh nhà đã ngâm nga ru con ngủ vào những buổi trưa hè oi bức mà tôi đã nghe. Trong số ấy, có một vài vần thơ lục bát khiến tâm trí còn non dại của tôi hiện lên những suy tư như câu:

Trời mưa lâm nhâm ướt nhằm lá bí,

Cảm thương cho người tuổi tý hâm ba

Hoặc câu:

Con mèo trèo lên cây cau,

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.

Chú chuột đi chợ đàng xa,

Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo.

Nhìn vào những dòng thơ lục bát đề cập ở trên. Khiến trong trí người viết hiện lên nhiều thắc mắc: Tại sao lại cảm thương cho người tuổi tý hâm ba? Hay tại sao con mèo lại trèo lên cây cau để hỏi thăm chú chuột? Tại sao chú chuột lại mua mắm, mua muối mà không mua món khác? Chúng ta đều biết, khi xưa người Á đông tính ngày tháng theo chu kỳ vận hành của mặt trăng. Theo âm lịch qui định một ngày có 12 tiếng ( một giờ âm lịch bằng 2 giờ dương lịch ). Một tuần có 12 ngày và một năm có 12 tháng. Mặt trăng thuộc về âm, nên đầu giờ của ngày là 23 giờ tới 1 giờ sáng theo dương lịch, đó là thời gian chuột hoạt động mạnh nhất, chúng mò ra kiếm ăn, nên giờ nầy gọi là giờ tý. Đó cũng chính là lý do khiến chuột đứng đầu 12 con giáp Từ 1 giờ đến 3 giờ con trâu đang nằm nhai lại những thức ăn đã dự trử trong lá sách để chuẩn bị ra đồng làm việc nên được gọi là giờ sửu, và cứ thế những con giáp khác tiếp nối. Theo âm lịch và tử vi bói toán, có 12 con vật để tính giờ và năm sinh cho con người là tý - sửu – thin - tỵ - ngọ - mùi – thân - dậu - tuất - hợi . Ngoài ra còn có 10 can là giáp - ất – bính – đinh – mậu – kỷ - canh – tân – nhâm – quí, để tạo thành năm tuổi. Do đó cứ đến 60 năm mới trở lại năm tuổi, ví dụ một người tuổi canh tý thì 60 năm tới sẽ là năm tuổi ( canh tý ). Đối với những ai sinh năm tý, giờ tý lại rơi vào năm tuổi thường gặp những khó khăn, công việc làm ăn trong năm ấy không được hanh thông, trắc trở…Phải chăng vì lẻ đó nên trong ca dao Việt có câu “ cảm thương cho người tuổi tý hâm ba”. Câu thơ nầy đã biểu lộ đức tính thương người, nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Khi đọc đến câu “ Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo “ khiến tôi nhớ đến một lần đi dự đám cưới con của người bạn. Mở đầu chương trình dạ tiệc là phần giới thiệu cha mẹ, thân bằng , quyến thuộc của hai họ và cô dâu chú rễ. Kế tiếp, người cha chú rễ đại diện hai họ ngỏ lời cám ơn quan khách đến chung vui và có đôi phút tâm tình, khuyên nhủ vài điều với cô dâu, chú rễ, ngỏ hầu giúp đôi trẻ tạo dựng được hạnh phúc trong mái ấm gia đình mới. Trong những lời khuyên nhủ ấy có câu :

Tay bưng dĩa muối chấm gừng,

Gừng cay, muối mặn, xin đừng phụ nhau.

Người cha của cô dâu, chú rễ hy vọng rằng dù sống trong cuộc đời giàu sang, phú qúy hay bần hàn, trắc trở, bất như ý… trong đời sống gia đình hay ngoài xã hội, dù cay đắng như vị cay của gừng , song ông khuyên nhủ, mong cầu đôi trẻ hảy cố gắng vượt qua các trở ngại. Ông tâm tình, phàm là những bậc cha mẹ nói chung và riêng cá nhân ông ai ai cũng đều mong ước tổ uyên ương, mái ấm gia đình của con cháu lúc nào cũng vang tiếng cười, luôn luôn thương nhau đậm đà, đầm thắm như hương vị của muối. Trở lại câu chuyện chú chuột mua mắm, mua muối. Theo thiểm ý người viết, truyện “ con mèo trèo lên cây cau thăm chú chuột “ đó là một câu chuyện ngụ ngôn ngắn mà tổ tiên ta muốn nhắn nhủ đến thế hệ con cháu mai sau rằng dù đôi bên có mối hận thù to lớn đến đâu cũng có thể giải kết được oán hận giống như mối thù truyền kiếp của hai dòng tộc mèo - chuột, nhưng nay chúng đã trở thành đôi bạn tới lui thăm hỏi, giúp đở. Tình cảm đó thật đậm đà, mặn nồng như hương vị mắm muối, Hương vị ấy luôn luôn phản phất trong các món ăn truyền thống Việt. Phải chăng chuột dùng mắm, dùng muối để giổ cha chú mèo là mong cầu tình bạn sẽ mặn mà, đậm đà mãi mãi. Thiết nghĩ, không riêng đôi bạn chuột mèo được an vui, hạnh phúc. Chúng ta cũng sẽ được như thế, chúng ta sẽ không có kẻ thù, nhưng luôn luôn sẽ có những người bạn tốt vây quanh. Nếu chúng ta biết ứng xữ, thực hành theo lời Phật dạy thì sẽ hóa giải được hận thù chất chứa trong tâm để trở thành người bạn thân thiết. Dù đó là mối thù bất cộng đáy thiên:

Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan

Lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng

Con Chuột trinh tiết hay gọi là Trinh Thử truyện. Đó là chuyện thơ bằng chữ nôm gồm 850 câu. Theo Dương Quảng Hàm và Bùi kỷ, tác giả chuyện nầy do Trần triều xữ sĩ Hồ Huyền Quy sáng tác. Nêu lên việc Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần là nghịch đạo, song theo Triêu Dương khẳng định truyện Trinh thử được phóng tác theo một tác phẩm văn xuôi “ Đông Thành Trinh Thử Truyện “ viết bằng chữ Hán đã có từ trước. Truyện Trinh thử được in lần đầu vào năm 1875, qua ý kiến của một vài vị bô lão, tác giả truyện Trinh Thử là Nguyễn Hàm Nghi em ruột của Nguyễn Hàm Ninh quê ở Quảng Bình, một nhân sĩ đương thời. Truyện viết nhằm mục đích phơi bày thực cảnh xã hội trong giai đoạn Pháp mới xâm lược Việt Nam. Do có nhiều giả thuyết về tác giả, nên truyện Trinh thử cho đến nay vẫn được liệt vào tập chuyện khuyết danh. Người viết thiết nghĩ chúng ta có thể chia bố cục và nội dung cốt truyện Trinh thử thành 5 phân đoạn và xin được tóm lược như sau :

1/ Từ câu 1 đến câu 10 tác giả giới thiệu không gian, thời gian và nhân vật chứng kiến câu chuyện chuột bạch trinh tiết. Nhìn vào các vần thơ dẫn nhập.Tác giả cho chúng ta thấy câu chuyện xẫy ra vào năm Long Khánh là niên hiệu của vua Trần Duệ Tông. Tại miền Lộc Đỗng có một danh sĩ tên Hồ Sinh là người học rộng, biết nhiều, lại còn hiểu được tiếng chim muông. Nhân một chuyến vào thăm kinh thành. Hồ Sinh trú ngụ gần tư dinh tể tướng Hồ Quý Ly. Ban đêm vì lạ nhà nên Hồ Sinh vẫn còn thao thức chưa ngủ. Bỗng nghe tiếng chó sủa vang, chàng mở cửa ra xem. Hồ Sinh nhìn thấy một con chuột bạch bị chó đuổi, cuống quit vội chạy vào cái hang bên góc tường nơi tư dinh tể tướng. Từ trong hang, tiếng chuột đực hỏi han, tán tỉnh chuột bạch. Hồ Sinh tò mò đến cửa hang nhìn vào, nghe được những lời đối đáp nên hiểu rõ câu truyện xẫy ra:

Vừa năm Long Khánh đời Trần,

Muôn phương triều cống mười phân thái bình.

Ngụ miền Lộc Đỗng cảnh thanh,

Là Hồ sinh vốn thiện danh đang thì.

2/ Từ câu 11 đến câu 526 chuột đực tán tỉnh, quyến rũ chuột bạch. Chuột bạch dùng những lời lẻ đoan trang để cự tuyệt. Khi chuột bạch chạy vào hang, chuột đực hỏi là ai? Lạ hay quen. Ban đêm khuya khoắt mà đường đột vào nhà mình. Chuột bạch nêu lý do mình bị chó đuổi nên chạy vào đây xin lánh nạn, song anh chàng vẫn mặt dày, mầy dạn buông lời xàm sỡ như câu:

Một mình khuya khoắt ra đi,

Dường như giống vạc, cớ gì ăn đêm.

Hay là nhắn cá gởi chim,

Đêm xuân đón gió đi tìm mùi hương.

Để trả lời những câu hỏi ấy. Chuột bạch nói mình nhà mình ở tận Đông lân là một góa phụ thủ tiết thờ chồng nuôi con nên không quản đêm ngày đi kiếm ăn để nuôi đàn con dại. Khi biết như thế, chuột đực khuyên nàng “ ngộ biến tùng quyền “ góa phụ chuột nên bước thêm bước nữa chứ bo bo gìn giử hai chữ tiết trinh làm gì cho phí tuổi thanh xuân. Chuột bạch bác bỏ quan niệm như thế, bởi lẻ:

Nhớ trong thanh sử hôm mai ghi lòng.

Chữ rằng tòng bất nhị chung,

Gái hiền thờ chỉ một chồng chẳng hai.

Thế rồi để chửa thẹn cho quan niệm sai trái của mình. Chuột đực dẫn chứng điển tích Lã hậu khi Hán đế mới mất, không báo phát tang, bởi Lưu Doanh con mình còn nhỏ, sợ các tướng không đồng ý cho đăng quang nên bàn với Thẩm Tự Cơ giết hết các tướng có ý phản đối để con mình lên ngôi. Việc không thành vì Tự Cơ can ngăn. Khi ấy Lã hậu mới báo phát tang. Khi Lưu Doanh ở ngôi vua bà chuyên quyền giết hại nhiều người… hay Điêu Thuyền là gái chẳng chính chuyên… những hạng người ấy vì danh lợi nên bất chấp thủ đoạn, miễn sao mình đạt được mục đích, mặc cho thiên hạ cười chê.

Điêu Thuyền há chính chuyên nào,

Khi ra Lã Bố khi vào Đỗng công .

Gặp ai thời nấy là chồng,

Cõi đời đâu đấy đều cùng cười chê.

Nhằm giải thích quan niệm sai lầm của chuột đực. Góa phụ chuột đã nêu ra hai điển tích. Trường Khanh tức Tư Mã Tương Như đã dạo khúc “ Phượng cầu hoàn “ tiếng đàn làm Trác Văn Quân mê mẫn tâm thần. Khiến cho tang lể của chồng còn trong tuần phục tang không được thanh tịnh, trang nghiêm. Bởi trong tim nàng đã ngự trị một bóng hình khác. Sự kiện đó khiến mọi người cười chê. Ngược lại, câu chuyện Tống trân Tân và Cúc Hoa nói lên mối tình chung thỉ của hai người. Tống Trân Tân đỗ trạng nguyên, vua gả công chúa nhưng từ chối vì đã có vợ là Cúc Hoa, khiến chàng không được vinh qui bái tổ lại còn bị công chúa tức giận xúi vua cha cho đi sứ nước ngoài. Ở quê nhà dù cơ hàn song Cúc Hoa vẫn cung kính, hiếu dưỡng mẹ chồng. Dù gian nan, cách trở song họ vẫn nghĩ về nhau. Họ chờ đợi mong có ngày được sum hợp. Trời xanh chẳng phụ lòng người. Cuối cùng họ cũng được sống hạnh phúc bên nhau. Câu truyện khiến người người cảm động, mến yêu

3/ Từ câu 527 đến câu 718 chuột cái về nổi ghen. Gây sự với chồng, mắng chưởi chuột bạch và chạy theo đến nhà chuột bạch, vì lạ đường đi nên khi bị mèo vồ đã rơi xuống hồ nước. Khi mới vào nhà chuột cái chưa hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện đã vội trách móc chồng, mình mới đi vắng đã dẫn gái về nhà, không xem ai ra gì:

Cớ chi thiếp mới vắng nhà,

Đã lòng nhử nguyệt quyến hoa tơi bời.

Vừa lòng thích ý thì chơi,

Nhà nầy còn có xem ai ra gì.

Hay : No cơm thì rửng hồng mao

Dục hà dục hỉ muốn sao thì làm.

Sau khi trách móc chồng xong, chuột cái quay sang gây sự với chuột bạch, khi góa phụ chuột đã ra về nhà mình, song chuột cái vẫn cố đi theo để chưởi rủa:

Rằng:” Đà mang tiếng tào khang,

Những nhờ rễ mận rễ bàng cùng nhau.

Bây giờ nên nỗi cơ cầu,

Bà làm cho tỏ ra đầu ra đuôi.”

Rồi chuột cái vội chạy theo chuột bạch:

Miệng thời thở ngắn thở dài,

Tìm đường thăm lối kíp dời lân đông

Cửa hang chuột bạch tới gần,

Đã phần sỉ vả lại phần mỉa mai.

4/ Từ câu 719 đến câu 802 Hồ Sinh vớt chuột cái ra khỏi hồ nước, chàng nói lên sự thật để chuột cái biết và khuyên nhủ về cách cư xử thiếu nhã nhặn của cô nàng. Chuột cái cám ơn Hồ sinh cứu mình thoát nạn, nàng trách chồng ruồng bỏ nên mới ra cớ sự. Hồ sinh bảo cho chuột cái biết rằng chuột bạch rất kiên trinh chứ không phải hạng gái trắc nết như nàng nghĩ. Chuột cái nên về khuyên chồng bỏ tánh trăng hoa, tán tỉnh người khác, may chuột bạch là gái chính chuyên chứ gặp hạng lăng loàn thi cửa nhà nàng tan nát, nàng nên bỏ tánh ghen tương không đúng chổ. Phải biết suy nghĩ cho chính chắn:

Tính sao như thể nước cờ,

Nghĩ sao một phải hai vừa thì thôi.

Chớ toan những sự tranh phôi.

Bới bèo ra bọ, tanh hôi cửa nhà.

5/ Từ câu 803 đến câu 850, Hồ Sinh có một vài nhận xét về chuột đực, chuột cái và chuột bạch và nêu lên quan điểm của mình. Hồ khen chuột bạch trinh kiện, là loài vật mà được như thế huống chi là người. Chàng chê chuột đực không biết đến đạo lý, mà mê trong đường tà đạo. Đối với chuột cái, chàng nhận định là khờ đại, thay vì dùng lời khuyên răn chồng lại ghen tương không đúng. Gương xưa còn ghi:

Người xưa câu ví còn gương,

Đàn bà cả tiếng, tan hoang cửa nhà.

Đại Đường Tây Vực Ký, đó là cuốn sách ghi chép lại cuộc hành trình chiêm bái Phật tích, nghiên cứu, học hỏi giáo lý Phật Đà của ngài Huyền Trang, một danh tăng đời Đường. Pháp sư Huyền Trang có thế danh Trần Vỹ. Ngài rời kinh đô nhà Đường vào năm 628 ( năm trinh thử thứ 3 ). Ngài rời Trung quốc vào năm 33 tuổi. Thiền sư Huyền Trang đi qua 110 tiểu vương quốc ( một tiểu vương quốc cở tiểu bang, cũng có nơi nhỏ hơn nếu là bộ lạc ). Ngài đã sống 17 năm ở Ấn. Khi trở lại kinh đô Tràng An, pháp sư mang về 657 bộ kinh, lúc ấy ngài 50 tuổi. Từ đấy ngài Huyền Trang chuyên chú trong 19 năm liền để dịch các bộ kinh nói trên ra chử Hán. Ngô thừa Ân, một văn sĩ sống vào đời nhà Minh đã dựa vào nhân vật lịch sữ là pháp sư Trần Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực Ký rồi hư cấu thêm các nhân vật tiên thánh, Bồ tát giúp đỡ bốn thầy trò Đường Tăng chống lại các yêu tinh cản trở bước đường thỉnh kinh của bốn thầy trò Tam Tạng. Nhờ vào các nhân vật hư cấu đó, khiến chuyện Tây Du ký do ông sáng tác được nhiều người say mê xem, đọc. Trong số các yêu quái ấy có hai con chuột tu luyện thành tinh. Mặc dù hai con yêu tinh nầy Pháp thuật không cao song cũng nhiều phen làm Tôn Ngộ Không khốn đốn:

*Hoàng phong quái tu luyện ở Linh Đài Sơn trộm chén dầu lưu ly của Phật tổ, sợ tội nên trốn xuống hạ giới, trú tại Hoàng Phong Động. Khi bốn thầy trò Tam Tạng đi ngang qua địa phận của mình Hoàng phong dụ bắt được Đường tăng để ăn thịt song chưa dám vì còn sợ Tôn Ngộ Không đến đòi thầy. Tôn Ngộ Không đánh Hoàng Phong cự không lại nên dùng tam muội thần phong thổi khiến mắt Ngộ Không bị mù, may nhờ Hộ pháp Già Lam chửa khỏi. Ngộ Không đến khiêu chiến. Hoàng Phong lại dùng tam muội thần phong. Tôn hành giả thấy nên nhanh chân chạy thoát. Sau Hành Giả biết chỉ có Định phong châu của Linh Cát bồ tát mới tri được tam muội thần phong. Ngộ Không đến cầu Linh Cát Bồ tát. Nhờ có định phong châu nên Hành giả đã cứu được Đường tăng. Linh cát bồ tát không cho Tôn Hành giả giết Hoàng phong, ngài bắt về để Phật tổ xét xử.

*Bạch Thử tinh: Là con chuột bạch thành tinh, 300 năm trước khi xuống hạ giới có tên là Kim Tỉ Bạch Mao Lão thử tinh. Tu luyện tại Linh Sơn. Khi ăn đèn sáp và uống trộm dầu bàn Phật xưng là Bán triệt Quan Âm. Phụng chỉ Ngọc hoàng, Thiên Vương Lý Tịnh và Na Tra đến đánh bắt song thương tình không giết nên Bạch thử tinh nhận Lý Tịnh làm cha, Na Tra là anh. Kim tỉ Bạch mao lão thử tinh xuống trần ở động Vô Đáy xưng là Địa Võng Phu Nhơn. Trên đường đi thỉnh kinh., bốn thầy trò Tam tạng đi ngang qua động Vô đáy.Bạch thử dùng mưu bắt được Đường Tăng ép làm chồng. Tôn Hành giả tìm kế chui vào bụng chuột tinh quậy phá mới đưa được Đường tang ra khỏi hang, nhưng một lần nữa Địa võng Phu nhân lại dùng kế bắt Đường đưa về hang nhốt ở một nơi khác. Hang động có nhiêu ngõ ngách khiến Hành giả không kiếm được. Sau một hồi đập phá ở nhiều nơi. Tôn Ngộ không thấy bài vị thờ Lý Tịnh bèn sách bài vị lên thiên đình kiện, nhờ Ngọc Đế phân xữ. Lý thiên vương và Na Tra xuống bắt Bạch thử tinh mang về để Ngọc Hoàng xét xữ. Tam tạng được giải cứu.

Nhiều thập niên qua, trong lãnh vực y sinh học. Các khoa học gia thường dùng chuột bạch để thử nghiệm xem hiệu qủa về sức đề kháng và phản ứng phụ của vắc xin . Lâu nay Chuột còn là giống vật được các nhà khoa học dùng cấy các tế bào ung thư của người vào chúng để thử nghiệm, hầu tìm phương pháp trị liệu cho nhân loại. Song thành quả nghiên cứu của hai khoa học gia Vera Gorbunova và AnDrei Seluanov thuộc đại học Hoa Kỳ nói về khả năng đề kháng ung thư của chuột chũi Đông Phi đăng trên báo Le Monde số ra ngày 25/09/2013. Khiến giớ chuyên gia thay đổi cách tiếp cận nghiên cứu. Lúc trước, các khoa học gia tìm hiểu cơ chế hình thành và phát triển bệnh ung thư, nhưng giờ đây họ muốn biết thế nào mà một bộ phận trong cơ thể lại có thể đề kháng được bệnh ung thư một cách tự nhiên. Sự kiện đó đã được hai nhà khoa học công bố trong báo cáo được đăng trên tạp chí khoa học Nature số 346. Sở dĩ chuột chũi Đông Phi đề kháng được bệnh ung thư, bởi lẻ trong cơ thể chúng có một loại tín hiệu phân tử ( signal moléculaire ) giúp cho các tế bào của chuột chũi Đông Phi kìm hãm được sự phát triển của các tế bào, vì thế ngăn chặn được bệnh ung thư. Sỡ dỉ các nhà khoa học dùng chuột làm vật thí nghiệm bởi chi phí dùng cho chương trình nghiên cứu rẽ. Tuổi thọ của chuột ngắn, nên có thể nghiên cứu y sinh lý qua nhiều thế hệ cùng một loài. Nhất là gen chuột có 90% giống gen người, vả lại gen chuột dể biến đổi bằng cách chèn DNA khác vào cơ thể chuột.

Tại nước Cộng hòa Tanzania ở châu Phi.Theo dự án “ Hero Rat “ được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Nông Nghiệp Sokoine tiến hành. Các nhà chuyên môn đã dùng chuột túi Gambia, đó là loài chuột lớn sống ở châu lục nầy. Các chuyên gia huấn luyện cho chuột về kỹ năng đánh hơi, khi phát hiện ra mìn chúng cào đất cho mìn lộ ra để chuyên viên đến tháo gở. Mỗi lần phát hiện ra vị trí nguy hiểm, chuột được thưởng thức ăn. Trong ngày, một con chuột có khả năng rà kiếm khoảng diện tích gấp 14 lần so với thiết bị thông thường. Loài Chuột túi Gambia được con người huấn luyện nghiêm ngặt hơn để chúng trở thành “ cổ máy rà mìn “. Đặc biệt mỗi chú chuột có thể hoàn thành nhiệm vụ khoảng 200 đến 400m2 trong ngày, Mirro, một nhân viên của dự án “ Hero Rat “ nói chúng giúp con người ít bị nguy hiểm khi rà phá mìn , bởi cơ thể chúng qúa nhẹ, nên khi đụng phải mìn bẩy không thể phát nổ, nhờ chúng mà nhà nông có thêm đất canh tác.

Nhìn qua các câu chuyện về chuột. Người viết thiết nghĩ mỗi câu thơ, mỗi cốt truyện đều hàm chứa một chủ đích mà tác giả muốn diễn đạt. Câu thơ ” thương người tuổi tý hâm ba “ nói lên đức tính thương cảm cho hoàn cảnh những người gặp hoạn nạn khó khăn. Câu chuyện “ Con mèo trèo lên cây câu “ phải chăng đó là một ẩn dụ, giúp chúng ta hiểu được rằng chỉ có dùng ơn nghĩa mới giải tỏa được oán thù, khiến thân tâm mình được an lạc, thảnh thơi. Câu truyện Trinh thử cho chúng ta thấy được giá trị luân lý, đạo đức về Tam cương , Ngủ thường hay Tam tòng tứ đức…. Thiết nghĩ, cái đạo lý ấy không riêng gì phận nữ nhi, mà những ai đang sống trong xã hội phong kiến thuở xưa có nền văn hóa Khổng, Mạnh điều phải chấp nhận. Đồng thời câu truyện cũng cho độc giả thấy được bộ mặt thật của xã hội, từ xưa đến nay trong xã hội luôn luôn có hai nhóm, hai thành phần đối kháng nhau giữa Thiện và Ác. Nhóm thiện luôn luôn giữ mình trong sạch, không làm điều xằng bậy, noi gương thánh hiền sống cuộc đời đạo đức, giúp người….Ngược lại nhóm ác, vì ham danh lợi nên bất chấp thủ đoạn, làm những việc trái với luân thường, đạo lý Khổng Mạnh, kết bè, kết đảng, trên thì soán nghịch ngôi vua., dưới thì bóc lột kẻ bần cùng, khiến dân lành khổ sở, xã hội loạn lạc…Nhân vật chuột đực, biểu tượng của nhóm vị lợi, chuột bạch đại diện cho những ai sống cuộc đời trong sạch, giúp người. Trong truyện Trinh thử nêu lên giá trị đạo đức của Nho giáo. Khi đọc hay xem chuyện Tây Du Ký, khiến chúng ta nghĩ đến chử tâm trong giáo lý đạo Phật. Đức Phật dạy chúng ta rằng “ Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh “. Cái tâm Phật ấy khó có thể phơi bày vì bị lớp bụi vô minh tham, sân, si, mạn che lấp, cái tâm ấy đã bị lay động bởi tám ngọn gió đời. Hoàng phong quái, Bạch thử tinh ẩn dụ cho cái tâm vọng động của chúng sinh : tham lam trộm cắp, tâm sát sanh,tâm mê sắc giới….Tâm Phật hay tâm ma chỉ khác nhau có một niệm. Trong chuyện Tây Du Ký cũng có một số nhân vật tâm ma qua qúa trình tu tập đã trở thành tâm thánh, tâm phật như Hắc Hùng tinh là con gấu trộm áo cà sa hay yêu hầu Tôn Hành Giả do hai nhân vật nầy còn mang nặng ngả chấp nên Bồ tát Quan Âm dùng vòng kim cô để khống chế. Phải chăng vòng kim kim ẩn dụ cho giới luật nhà Phật. Khi cái tâm Phật phơi bày, thì giới luật cũng không cần thiết, vòng kim cô trên đầu Ngộ không liền biến mất.. Thiết những câu truyện chuột đến đây cũng tạm đủ. Bước sang năm canh tý, người viết xin kính chúc quý độc giả một năm mới thân tâm thường an lạc.

Maryland, 1/23/2020




Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 2 Members:

#2 Tre

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1996 Bài viết:
  • 3530 thanks
  • LocationRừng sen&tre

Gửi vào 24/01/2020 - 12:40

Con là con chuột á bác FM

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Con chúc bác FM năm Tý vạn sự an khang vạn sự lành.

Thanked by 2 Members:

#3 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 6824 Bài viết:
  • 5578 thanks

Gửi vào 24/01/2020 - 13:38

Cám ơn lời chúc của Thái Tuế.

Bác cũng xin chúc Chuột năm mới ĐẠI CÁT ĐẠI LỢI.

Thanked by 2 Members:

#4 d.rayleigh

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 11 Bài viết:
  • 4 thanks

Gửi vào 24/01/2020 - 15:19

Bài viết công phu quá, cảm ơn bác mặc dù đọc mãi mới hết

Thanked by 1 Member:

#5 Thienluong

    Đoài viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPip
  • 2460 Bài viết:
  • 6136 thanks

Gửi vào 25/01/2020 - 10:46

Cảm ơn Bác FM_daubac,

Em cũng là con chuột Canh Tí chính hiệu đây ạ.
Chúc Bác một năm mới sức khỏe và vạn sự bình an.
Kính Bác

Thanked by 1 Member:

#6 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 6824 Bài viết:
  • 5578 thanks

Gửi vào 26/01/2020 - 02:14

Cảm ơn Thái Tuế chính hiệu.

Chúc Thienluong năm mới Vạn Sự Như Ý, An Khang Cát Tường

#7 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 6824 Bài viết:
  • 5578 thanks

Gửi vào 26/01/2020 - 07:12

CHUỘT - HÌNH TƯỢNG ĐỘC ĐÁO TRONG VĂN HỌC


Mười hai con giáp, chuột đứng hàng đầu. Kể cũng lạ?Hình dạng bé nhỏ xấu xí, phẩm cách hèn hạ đáng khinh, thế mà chuột được người xưa xếp trước cả những con vật uy mãnh như hổ, linh hiển như rồng. Đã thế, năm Tý – với biểu tượng con chuột, còn là năm đầu của một kỷ, chu kỳ 60 năm.



Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Muốn hiểu vì sao người xưa có quan niệm kỳ cục như vậy, phải lật chồng sách cũ tra cứu. Sách Nhĩ nhã, thiên Thích thiên ghi: Thái tuế tại tý viết khốn đốn. Xin chớ hấp tấp hiểu khốn đốn theo nghĩa đương đại, như khốn đốn là cuối tháng chạy quanh ứng tiền tiêu tạm! Phải tìm đến ngữ nguyên (sens étymologique) của nó: hỗn mang. Lại được thấy câu: Thiên khai ư tý, địa tịch ư sửu, nhân sinh ư dần. Thì ra, người xưa chọn chuột – giống vật sống lẫn lút chui rúc trong hang hốc, giữa tranh tối tranh sáng để biểu tượng cho thời kỳ đất trời hỗn mang, khi âm dương chưa định, tối sáng chưa phân.

Cũng thật tình cờ, tác phẩm văn học chữ nôm cổ nhất còn giữ được trong văn học nước ta lại viết về chuột: Trinh thử. Đó là một truyện thơ dài 850 câu của Trần triều xử sĩ Hồ Huyền Quy. Chuột bạch góa chồng đi kiếm mồi nuôi con, một hôm, bị cơn gió lốc, chuột bạch chạy nấp trong hang gần đấy. Không ngờ trong hang có một chuột đực. Nhân lúc chuột cái đi vắng, chuột đực toan giở trò tán tỉnh sàm sỡ. Chuột bạch cự tuyệt, liều chết bảo toàn trinh tiết. Đang lúc, chuột cái về. Ngờ chồng và chuột bạch thông dâm, chuột cái nổi cơn tam bành. Chuột bạch hết lời minh oan rồi ra về. Nhưng chuột cái không tin, thân đến hang chuột bạch đánh ghen. Bất ngờ mèo xuất hiện, chuột cái hốt hoảng ngã tỏm xuống ao. Tác giả là Hồ Sinh – vốn biết tiếng chim muông và nghe lọt câu chuyện – liền đuổi mèo, vớt chuột cái rồi lấy lời phải trái giải phân, ca tụng tấm lòng trinh tiết của chuột bạch.


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Tranh Đông Hồ - Ảnh: TL


Truyện thơ ngụ ngôn Trinh thử vừa kín đáo bộc lộ tâm sự của tác giả - quyết giữ lòng cổ trung với triều Trần sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi, vừa là bài học luân lý cho người đời. Nhưng không hiểu sao tác giả lại chọn loài chuột làm nhân vật của mình?

Muốn biết qua giòng họ nhà chuột, hãy đọc Hịch bắt chuột của cụ Đồ Chiểu. Tuy chẳng phải nhà sinh vật nhưng cụ Đồ Chiểu tỏ ra rất am hiểu lý lịch nhà chuột:

Lông mọc xồm xoàm, tục kêu xà lắt
Tánh hay ăn vặt; lòng chẳng kiêng dè
Chỗ ở ăn hang lỗ nhiều bề
Đường qua lại đào soi lắm ngách
Nghe hơi động vội vàng lĩnh mất, nhát quá mẹ cheo.
Chờ đêm khuya sẽ lén lút ra, liếng hơn cha khỉ.
Gọi danh hiệu: chuột xạ, chuột lắt, chuột chù, chuột cống anh em giòng họ nhiều tên.
Tra quán chỉ: ở nhà, ở ruộng, ở rạch, ở ngòi bầu bạn non sông lắm lối.
Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm tối biết bao.


Thật ra, nhà thơ nêu có bốn giống chuột lại trùng hết hai. Xạ và chù chỉ là một. Có thể bổ sung thêm: cơm, đồng, chũi, cà xốc, bạch, dừa, ấn… Đấy cũng chỉ là những giống chuột gần gũi với dân ta. Bạn nào ham đọc cổ văn nên lưu tâm đến mấy giống chuột “Tàu” sau đây. Chúng đã được dùng như những biểu tượng có giá trị điển cố trong văn học Trung Quốc cổ cận đại: Tương thử, giống chuột ở đất Tương thuộc tỉnh Hà Đông. Thỉnh thoảng, Tương thử lại đi bằng hai chân sau. Người Trung Quốc cho việc chuột đi như người là vô lễ. Từ đó, kẻ vô lễ gọi là Tương thử!



Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Ngược với Tương thử có Lễ thử. Giống chuột này biết lo xa, thường đào hang cất giấu, tích trữ lương thực lại nhiều tự ái, biết giữ “tiết lễ”. Chúng sẽ tự sát hàng loạt nếu hang ổ bị xâm phạm. Đến đây, không thể không nhớ đến bút ký của ông Wells- nhà sinh vật nổi tiếng người Anh. Ông có những trang miêu tả hàng vạn con chuột điên cuồng lao đầu xuống nước tự trầm. Nhưng hẳn người Anh chẳng bao giờ phong cho những con chuột ấy danh hiệu Lễ thử như người Trung Quốc!

Trong thiên Khuyến học, Tuân Tử nhắc đến Ngô thử - giống chuột thường sống dưới cây ngô đồng. Theo Tuân Tử, Ngô thử còn có tên Ngũ kỹ thử, nghĩa là giống chuột có đến năm tài. Nhưng khổ thay, chẳng có tài nào của Ngô thử đến nơi đến chốn: biết bay nhưng không bay quá tường thấp, biết trèo nhưng không trèo suốt thân cây, biết bơi nhưng không bơi qua khe hẹp, biết chạy nhưng không chạy nhanh hơn người, biết đào hang nhưng không đủ sâu để giấu mình. Tuân Tử lấy Ngũ kỹ thử để răn những kẻ nhiều nghề cá trê húp nước.

Trở lại văn học nước ta, chuột được dùng trong danh từ, thành ngữ, tục ngữ không thiếu gì.

Khi thì dựa vào hình dạng như dưa chuột, loại dưa trái dài, thon giống mình con chuột. Đuôi chuột, chiếc rễ cái của cây đâm thẳng xuống đất. Chuột rút, tình trạng cơ co rút vì hoạt động quá nhiều, các chất bã không kịp lưu chuyển bằng sự hô hấp. Bắt chuột, trò chơi của trẻ con, dùng ngón cái và ngón giữa bấm vào bắp thịt cánh tay rồi giật mạnh, bắp cơ nổi lên một cục bằng chú chuột con. Tất nhiên là giật trên cánh tay của bạn, vì trò chơi này đau đến chảy nước mắt!


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Khi thì ví von: Lủi như chuột, ướt như chuột lột, len lét như chuột ngày, đầu voi đuôi chuột, cháy nhà bày mặt chuột, chuột sa chĩnh gạo, chuột gặm chân mèo, lù đù như chuột chù phải khói…

Chuột có dáng loắt choắt, bộ dạng len lét, đôi mắt láo liếng, hôi hám bẩn thỉu lại chuyên cắn phá mùa màng, áo quần nên thường để chỉ hạng người ti tiện đáng khinh trong xã hội. Tư đồ Vương Doãn trong Tam quốc chí gọi bọn tướng sĩ đất Quan Đông Hồ Văn Tài và Dương Chỉnh Tu là “Quan Đông thử tử”. Về sau, câu này trở thành thành ngữ chỉ hạng người bất tài: Lũ chuột nhắt ở Quan Đông!

Trong ca dao Việt Nam, chuột – nhất là chuột chù- đã trở thành một hình tượng độc đáo. Hoặc chỉ kẻ xấu không biết mình xấu lại chuyên bươi móc người khác:

Chuột chù chê khỉ răng hôi
Khỉ toét miệng cười: “cả họ mày thơm”


Hoặc những người không tự biết mình, đòi hỏi những điều mà mình không đáng được hưởng:

Chim chích mà đậu cành sòi
Chuột chù trong ống đòi soi gương Tàu


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Nguyễn Hữu Chỉnh vào Nam ra Bắc, vẫy vùng ngang dọc một thời. Khi thất thế về quê ở Nghệ An, Chỉnh bị một nhóm vô danh tiểu tốt vây bắt nộp cho vua Lê. Chỉnh may thoát được. Tục truyền rằng vì vậy trong dân gian có câu hát:

Đi cùng bốn bể chín chu
Trở về xó bếp chuột chù gặm chân


Thật oái ăm, các vị đỗ hương thi từ đời Lê trở về trước có danh xưng đồng âm với tên của một giống chuột to con, xấu xí: ông cống – chuột cống. Vì thế, trong bộ tranh tết, người nghệ sĩ dân gian làng Hồ có bức vẽ một chú chuột ngồi trên kiệu do một đàn chuột khiêng hầu với đủ cờ quạt tán lọng xanh đỏ và cả tấm biển “Ân tứ vinh quy” của vua ban nữa. bức tranh góp phần châm biếm chế độ khoa cử đương thời, cũng như một nhà thơ khuyết danh viết bài vịnh con mèo, có mấy câu ẩn dụ rất thú vị như sau:

Chí quyết phen này vồ lấy cống
Rồi lên đài các sẽ nghêu ngao!


Trong văn học hiện đại chuột vẫn còn là một hình tượng độc đáo trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine, truyện của Tô Hoài, John Steinbec, Albert Camus. Nhưng từ xưa đến nay, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, trong văn học, chuột vẫn là hình tượng xấu xa cần trừ khử. Bởi lẽ trong thực tế, chuột là một giống vật độc hại. Mỗi năm, có hàng vạn người trên thế giới chết vì bệnh dịch hạch do chuột gây ra. Chuột phá hoại lương thực, mùa màng không kể xiết. Chuột ăn luôn miệng và có thể ăn từ 200 đến 400 gram lúa một ngày. Đã thế, chuột lại mắn đẻ, từ 9 đến 10 lứa một năm, mỗi lứa từ 6 đến 22 con!


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Một trong những tác phẩm văn học sớm nhất của loài người, Kinh thi, đã có nhiều bài, nhiều câu nói lên hiểm họa chuột. Nhưng qua đó, người dân Trung Quốc còn gửi gắm tâm sự căm ghét bọn quan lại phong kiến bóc lột, mọt đục dân đen. Xin giới thiệu bài Chuột xù:

Chuột, chuột xù kia ơi
Lúa t*o cắm mãi thì thôi từ rày
Bao năm đã nuôi thân mày
Nào mày có biết t-ao đây người nào
Bỏ mày t-ao sẽ liệu t-ao
t-ao đến nơi nào là đất yên vui
Đất yên vui! Đất yên vui!
Mong ra nơi ấy t-ao thời yên thân


Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu kể tội loài chuột cụ thể hơn:

Túi Đông Pha thường bữa tha gừng
Ruộng Đông Quách ghe phen cắn lúa
Nếp gạo của trời nuôi mạng, ăn phá rồi còn kéo xuống hang
Nệm mền của chúng che thân, cắn nát rồi lại tha vào lỗ
Hoặc nằm ngửa cắn đuôi tha trứng vịt, gây nên thằng tớ chịu đòn oan
Hoặc leo dây ngóng cổ gặm giò heo để tiếng con đòi mang tiếng khổ.




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Và tỏ ra quyết liệt trong việc diệt chuột, không cam chịu và trốn lánh như người nông dân Trung Quốc trong Kinh thi.

Chớ để con nào sa lậu, phải ra tay lấp lỗ tam bành
Đừng cho chúng nó sẩy ra, phải hết sức trừ đồ lục tặc!


Giống chuột chưa bị tuyệt diệt trong hang ngách cũng như trong cuộc sống. Nhưng nhân dân ta không còn sợ loài phá hoại tinh ranh, không còn vừa ghê tởm vừa phải gọi chúng bằng “ông”: ông thiêng, ông tý… Xin dán trước ngõ câu đối cổ để đón xuân mới và cũng để khép lại bài phiếm luận đầu năm này:

Năm tý, loài người không sợ gì ông chuột
Năm chuột, loài người không sợ gì ông tý.



Vĩnh Quyền

(5/2-84)



Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn








Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |