Jump to content

Advertisements




Tôi Học Khí Công - Lương Nguyên Hiền


4 replies to this topic

#1 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 6824 Bài viết:
  • 5578 thanks

Gửi vào 13/11/2019 - 09:30

TÔI HỌC KHÍ CÔNG
Lương Nguyên Hiền


Ở đây tôi chỉ muốn đưa một vài nét chính của các môn Khí công mà tôi đã tập qua, để người đọc theo đó sẽ chọn được một môn pháp thích hợp cho mình tập. Chả thế người xưa thường hay nói “Tùy bịnh chọn công“, tùy theo thể chất và sức khoẻ mà chọn cách tập Khí công.
Lương Nguyên Hiền

Những món nợ nhỏ dễ có:



Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Tôi đang ở vào cái tuổi, già thì chưa muốn mình già mà trẻ thì không ai cho mình trẻ . Ở cái tuổi mà sắp sửa bị cuộc đời đá về hưu, cho ngồi chơi sơi nước để đếm ngày tháng trôi qua nhanh. Thời gian là cái thứ vô tình, không chờ không đợi, cứ kiểu đếm lá mùa thu này, thì lục tuần chưa qua, thất tuần sắp gõ cửa vào.

Tiểu trái tầm thường hành sử hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hy (*)
(Món nợ nhỏ người thường dễ có
Sống bẩy mươi tuổi đã mấy người
?)

mấy cái món nợ nhỏ dễ có ở đây là những bệnh tật từ từ ầm ầm kéo tới.

Tôi đã bắt đầu biết đau lưng, đau vai, đau đầu gối, mắt kém và hay quên. Chưa kể vừa rồi mới phải mấy lần đi mổ mắt nguy kịch, đã làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều về sức khoẻ của mình.

Tôi là người ham sống, còn muốn đi đây đi đó, vẫn còn ham ăn ngon, mặc đẹp, mà đứng trước những món nợ nhỏ đó cũng thấy ớn ớn, cái điệu này nếu kéo dài thì không biết còn "cổ lai hy" với ai được không.

Nên tôi quyết tìm thầy học đạo, tôi không muốn sống lâu như ông Bành Tổ, 1000 năm thì hơi nhiều, nhưng những ngày tôi sống, tôi muốn là những ngày tháng thật vui và thật khoẻ.



Bài học vỡ lòng:



Tôi đã có chủ định là phải làm cái gì cho mình khoẻ ra một chút, nhưng vẫn chưa biết mình phải bắt đầu từ đâu và tập tành ra sao. Cũng may có người bạn nối khố vong niên chỉ cho tôi một con đường đi, hắn nói:

-Mày, nó vẫn gọi tôi như thế dù bây giờ nó đã thành ông nội ông ngoại rồi, thì trước sau như một, là mày cả đời làm nghề vác ô đi tối vác về, chẳng có gì hay ho. Bây giờ lại đòi tập tành võ nghệ, t*o thấy cũng khó coi . Thái cực quyền có đến 108 bài quyền, mày học chưa hết bài 108 đã ra đi theo ông bà ông vải, kể cũng phí đi. Còn Yoga, ở cái tuổi mày mà tập cái đó coi bộ không ổn, vì xương cốt mày đã cứng ra như đá rồi, còn uốn qua uốn lại gì được nữa…. t*o chỉ còn thấy có cái Khí công vừa thở vừa tập nhẹ nhàng có lẽ hợp với mày nhất. Mày thử đi biết đâu lại hay cho mày.

Cổ nhân dậy rằng "Lục tuần thuận nhĩ" (sáu mươi tuổi nói sao cho thuận lỗ tai), nó thì hơn 60 tuổi mà nói toàn là chuyện nghịch nhĩ, nên lúc đầu tôi hơi tức tức, nhưng ngồi nghĩ lại thì thấy nó cũng có lý. Nó thấy mặt tôi có vẻ đờ đẫn ra, bèn tiếp tục lên mặt dạy đời:

-Mới bắt đầu, mày không nên tập nhiều quá, phải nhìn thấy được sự tiến triển của mình thì mày mới thích tập. t*o thấy mấy đứa lúc đầu ham tập nhiều, sau này kham không nổi đều bỏ hết. Mày nghe t*o, tập lúc đầu ít thôi sau đó mới từ từ tăng lên. Quan trọng nhất là phải đều đặn.

Rồi nó dạy khôn tôi, bằng cách ngâm một câu của nhà thơ Nhật tên là Matsuo Basho:

"Hỡi con ốc sên thương yêu của tôi ơi, hãy bò lên đến tận đỉnh núi Phú Sĩ.... nhưng xin thật thong dong"

À thì ra đơn giản như thế thôi, chỉ có sự thong dong tự tại, đều đặn, mỗi ngày một ít, mới trèo nên đỉnh cao của thành công dù chỉ là một con ốc sên nhỏ bé đi nữa. Thử làm một bài toán cộng trừ của lớp ba trường làng, một ngày đi làm 8 đến 9 tiếng, chưa kể giờ đi và về, rồi trừ thời gian để ăn và ngủ còn lại bao nhiêu thời gian để tập. Bài toán thì quá dễ, nhưng làm theo thì không dễ chút nào. Bởi cái gì bức thì dễ đứt, cái gì nhiều quá thì dễ làm ta chóng chán và mau bỏ, nhưng nếu tập ít quá thì không có hiệu quả. Mỗi người lúc đầu phải tùy theo khả năng của mình mà chia thời gian để tập. Sự tập luyện nào cũng đòi hỏi sự cố gắng thường xuyên và phải tập đều đặn mỗi ngày. Không có chuyện nửa chừng xuân, tập rồi bỏ, bỏ rồi tập, đã không mang lại lợi ích gì mà nhiều khi còn mất thì giờ một cách vô ích. Như vậy bài học đầu tiên mà tôi học được là sự đều đặn, kiên trì, không có sự hấp tấp vội vàng, thư giãn phải luôn luôn hiện diện trong mỗi buổi tập và trong cuộc sống hàng ngày. Không có kiểu "nhổ mạ cho mau lớn", không có kiểu đứng núi này trông núi nọ, mà phải tập từ từ mới mong có kết quả.

Bây giờ tôi đã muốn tập lắm rồi, nhưng Khí công là gì?



Khái niệm về Khí công:



Theo sách vở xưa, cho rằng Khí công là phương pháp dưỡng sinh truyền thống của Á Châu, đã xuất hiện cách đây hơn 2000 năm ở Trung Hoa. Năm 1972, người ta đã tìm được ở vùng Mawandui (Hunan) một ngôi mộ được xây từ thời nhà Hán, có những hình vẽ các thế tập khí công.

Khí công đã được hấp thụ các học thuyết của Nho giáo, Phật giáo,.. nhằm để tăng cường sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ, phòng trị bịnh, tăng trí thông minh, kích thích các tiềm năng trong người,.... Khái niệm về Khí công khi xưa được nhìn tùy theo giáo phái, như Đạo gia gọi là nội đan, thổ nạp...; Y học gọi là dưỡng tính, đạo dẫn,...; Nho gia gọi là dưỡng khí, tâm thuật tĩnh toạ,...; Phật gia gọi là tọa thiền, chỉ quán, tu định....[2].

Khí là nguồn năng lực sống của con người. Khí luân lưu trong cơ thể và theo các Kinh mạch mà đi vào Lục phủ ngũ tạng. Sức khoẻ chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào Khí (Chân khí/Prana), Khí thịnh ta khoẻ, Khí suy ta yếu đi hay bị bệnh, Khí kiệt ta chết. Khí công là công phu tập luyện để điều hòa, phát huy và tích lũy Khí đó. Khí công lấy từ nguyên lý Quân Bình Âm Dương, Điều Hoà Ngũ Hành làm căn bản cho sự luyện tập và dựa vào y học để tự trị được một số bệnh tật.

Đến đây tôi mới hiểu sơ sơ về Khí công, nhưng cái cơ bản của Khí công là gì?



Ba cột trụ chính của Khí công:



Thằng bạn vong niên của tôi nói là Khí công chỉ cần thở ra thở vào dăm ba cái dễ ợt như đi ăn hủ tíếu. Tôi tức quá bèn đi tìm thầy, tìm sách, tìm bạn mà học đạo. Sau một thời gian tìm tòi, tôi mới nghiệm ra Khí công dễ mà khó, khó mà dễ, lúc đầu thì dễ nhưng để có hiệu quả không phải là chuyện trong chốc lát. Khí công không chỉ thở ra thở vào dăm ba cái mà có cả một triết lý sống đứng sau lưng. Khí công lấy "Tam điều" làm căn bản, điều ở đây là điều chỉnh, điều luyện thân thể (điều thân), hơi thở (điều tức) và tập trung tư tưởng (điều tâm):

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



1) Điều thân là điều chỉnh tư thế khi tập cho đúng qui cách, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi. Thí dụ như khi tập luyện mà đứng thế sai đã không đạt được hiệu quả của Khí công mà còn có thể đưa đến tình trạng lệch vẹo các cơ bắp và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Điều cần lưu ý nhất là trong khi tập cơ thể phải trong tình trạng hoàn toàn thư giãn, thả lỏng.

2) Điều tức là điều luyện hơi thở. Chúng ta đều biết hơi thở rất là quan trọng, chúng ta có thể nhịn ăn, nhịn uống nhưng không nhịn thở được và ngoài ra nó cũng là gạch nối giữa tâm và thân. Luyện thở là tập trung tư tưởng để làm chủ hơi thở của mình và qua đó điều chỉnh có ý thức hơi thở của mình cho phù hợp với cơ thể và sau cùng để tác dụng làm cho khoẻ mạnh và trị bệnh. Có bốn điều cần nhớ khi thở là sâu, nhẹ, đều và dài. Thở phải thật tự nhiên không được cố gắng quá sức và nhất là lúc nào cũng có tư tưởng vui vẻ thoải mái.

3) Điều tâm là hướng dẫn tư tưởng vào một mục đích. Đây là vấn đề quyết định thành bại trong khi tập Khí công. Điều tâm là làm chủ, là kiềm chế được ý niệm của mình, để không bị phân tâm trong khi tập và điều khiển cho các động tác và hơi thở của mình được hợp nhất ("Thân tâm hợp nhất"). Nếu thiếu sự tập trung này thì không còn là Khí Công nữa mà là tập thể dục.

Điều thân, điều khí, điều tâm là ba cái cột trụ của Khí công. Nhưng ba cột trụ đó không đứng một mình mà đứng theo thế chân vạc, ba cái đó bổ túc cho nhau để thành một phương pháp luyện tập tâm thân toàn diện.

Đã có cái khái niệm về Khí công và hiểu được cái căn bản của nó, nhưng bây giờ tôi phải tập cái gì?



Vạn sự khởi đầu nan:



Hiện nay ở Trung Hoa có khoảng hơn 10 loại khí công [2], nào là Bát Đoạn Cẩm, Dịch Chân Kinh, Lục Tự Khí Công, Hương Khí Công, Ngũ li hồ,…. Ôi thôi nhiều vô tả, cái nào cũng có cái hay cái đẹp, cái nhất nhất của nó mà chắc chắn người trần mắt thịt như tôi không thể học hết được trong nhất thời. Chẳng lẽ theo người xưa mà than rằng :

Thế sự du du nại lão hà

(Cảm Hoài-Đặng Dung)

Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào ư? Làm sao thì chẳng làm sao, chi bằng bắt đầu một cái nào để tập để luyện chứ cứ ngồi mà so sánh cái này cái kia đến lúc nằm xuống vẫn chọn chưa xong. Tôi lại chạy đến vấn kế thằng bạn quân sư quạt mo để tìm lối thoát cho mình, nó phán rằng:

-Lẽ dĩ nhiên mày không thể học hết một lúc được, t*o không cần phải nói, mày cũng biết. t*o thấy cái "Bát Đoạn Cẩm" có tám thế mà tương đối nhẹ nhàng dễ học, nhất là cho những đứa mới học như mày. Ngoài ra nó còn có lợi điểm là lắm thầy, lắm sách, mày tha hồ mà học chỉ sợ mày lại không đủ kiên trì học cho đến nơi đến chốn.

Quả thật nó nói cũng có lý, không cần phải đi đâu xa lên "YouTube" cũng kiếm ra bao nhiêu Video về Bát Đoàn Cẩm (BĐC). Về lý thuyết tôi chọn sách BĐC do Võ Sư Hàng Thanh viết và về thực hành tôi lấy bài tập của Andreas W. Friedrich, người Đức, làm căn bản. Ông Friedrich có mở trường dạy Thái Cực Quyền và Khí công ở München ngoài ra ông đã dạy BĐC trên Tivi Đức (BR3). Tại sao tôi chọn một người Đức để làm căn bản cho việc luyện tập của mình về Khí công? Phần đông các thế võ Á Châu đều được khẩu truyền từ đời này qua đời khác, mỗi ông thầy lại tự sáng tác cho mình các thế mới, nhiều khi đâm ra cầu kỳ, rườm rà khó bắt chước. Theo tiến trình của khoa học, một số các võ sư trong đó có người Tây Phương tìm cách đơn giản hóa các thế võ để cho dễ học mà hiệu quả vẫn cao. Ngoài ra ông ta còn có phát hành DVD về BĐC nên khi cần và bất cứ lúc nào tôi cũng có thể lấy ra coi lại được để tập hay sửa lại những thế mình nghĩ là đã tập sai. Bước đầu coi như vậy tạm ổn, tôi chỉ còn mỗi việc tập mà thôi.



Bát Đoạn Cẩm:



BĐC có tám thế gồm một số động tác tương đối đơn giản, nên cũng dễ học, dễ luyện mà hiệu quả lại cao do đó rất hợp với người lớn tuổi. Chủ yếu là đả thông kinh mạch, luyện gân cốt, khai thông khí huyết, tạo một thân thể cường tráng, một tinh thần minh mẫn và tiêu trừ bệnh tật. BĐC là phương pháp phối hợp động tác với vận khí. Nguyên tắc của sự phối hợp này là như khi đưa tay lên hay dang tay ra sẽ vận khí từ ngực ra hai bàn tay và khi hạ tay xuống hay khép tay vào sẽ vận khí từ bàn tay trở về lại ngực. Nhờ vậy mà điều hòa được khí trong cơ thể và giúp khí lưu thông trong kinh mạch. Quan trọng nhất là khi tập không nên để tâm bị phân tán mà phải tập trung vào hơi thở (Ý ở đâu, Khí ở đó).

Tôi tập kiên trì một thời gian được gần 2 năm. Thấy sức khoẻ khá hơn trước nhiều, nhất là tôi bớt suy nghĩ lung tung, bớt lo lắng vẩn vơ như xưa. Người ta nói cái tâm mình như con khỉ hay nhẩy từ cành cây này qua cành cây khác, con khỉ "Tâm" của tôi theo thời gian cũng bớt lăng xăng bớt chuyền qua chuyền lại trên cây, có lẽ nó đã bị thấm mệt vì bị cái còng "Thân Tâm hợp nhất" trói lại. Trong khi tập, tôi vẫn thích nhất là thế thứ hai "Tả Hữu Khai Cung Tự Xạ Điêu", tay trái tay phải dương lên như hình cây cung để bắn chim điêu. Dương cung bắn chim điêu, mà chim điêu ở đây là cái Tâm của mình biểu hiệu qua sự tập trung cao độ của người bắn cung. Gần giống như nghệ thuật bắn cung Kyudo (Cung đạo) của Nhật Bản, sự tập trung tư tưởng vào bắn cung mới là chính, hành động bắn cung chỉ là phụ. Ngoài ra người tập có được thêm hai tay khoẻ mạnh nhờ căng tay ra và hai chân cứng cáp nhờ đứng tấn. Trong lúc vận động hai tay, các kinh mạch như kinh Phế và kinh Đại trường được tác động làm bổ phổi và trị được một số bệnh liên quan đến ruột già. Riêng các ông các bà nào có tính nóng nẩy như Trương Phi nên tập thế thứ năm "Dao Đầu Bài Vĩ Khứ Tâm Hỏa" (Lắc đầu vẫy đuôi dứt "bỏ" tính nóng nảy), trong nhà bớt xào xáo, chén đĩa bớt hư hao. Khoẻ đâu thì chưa thấy nhưng "Tâm" thì chắc chắn sẽ được bình an vì bớt bể chén đĩa. Thế thứ tám là "Bối Hậu Thất Điên Bách Bệnh Tiêu" (Sờ xương cùn 7 lần trăm bệnh tiêu). Đây là thế cuối cùng của Bát Đoạn Cẩm, thế này có tác dụng là "đả thông nhâm đốc nhị mạch" nên khi tập phải uốn lưỡi lên và khép hậu môn lại (khép vòng Tiểu chu thiên). Vì tính cách khai thông huyết mạch của nó, nhất là hai mạch quan trọng là nhâm và đốc, nên dễ tác động để làm người tập có được một thân thể cường tráng và một tinh thần minh mẫn, nhờ đó mà trị được bách bệnh như tên của thế tập này chăng?

Những lúc rảnh rỗi, tôi còn nghiên cứu thêm Suối nguồn tươi trẻ (5 thức Tây Tạng), Dịch Cân Kinh, Lục Tự Khí. Một ông bác sĩ Việt ở Mỹ, có giới thiệu cho tôi "Dịch cân kinh phất thủ liệu pháp" rất dễ học và quả quyết rằng nó có khả năng trị được bệnh ung thư. Hình như tôi không có duyên với cách tập này, sáng dậy phải phất tay mấy trăm cái trở lên mới có hiệu quả, làm cho tôi không gắn bó với nó lắm.



Càn Khôn Thập Linh:



Một hôm trời đẹp, thằng bạn vong niên của tôi ghé qua nhà tôi chơi, mặt mày nó hớn hở:

-t*o thấy mày chịu khó tập tành, nên t*o cho mày cái này hay lắm, mày thử tập xem sao.

Nó đưa tôi một đĩa DVD "Càn Khôn Thập linh" (gọi tắt là CK10) rồi giải thích rằng đây là một môn Khí công tổng hợp gồm có 10 thế tập biểu hiệu bằng 10 linh vật do Thầy Hằng Trường ở California kết hợp từ Yoga, Khí công và Thái Cực Quyền mà thành. CK10 khởi đầu với thế Càn (Trời) và chấm dứt bằng thế Khôn (Đất). Giữa Càn và Khôn là 8 thế tượng trưng cho 8 Linh Vật thường được tập luyện theo tiến trình sau đây: thế Cóc (Thần Oa), thế Trâu (Thần Ngư), thế Hạc (Tiên Hạc), thế Rồng (Thần Long), thế Phượng (Phượng Hoàng), thế Cọp (Thần Hổ), thế Bướm (Tiên Điệp), thế Rùa (Linh Quy). Mỗi thế liên hệ vớí một trung tâm năng lượng (Luân xa) trong cơ thể chúng ta. CK10 có mục đích phát triển và duy trì các trung tâm năng lượng này, kiến tạo cho chúng ta sự quân bình về thể lực, trí năng, tình cảm và tâm linh. Nói một cách khác hơn, lợi ích của CK10 mang lại là sự điều hòa tác dụng của các cơ quan nội tạng, là giảm bớt căng thẳng, trị hết đau nhức, giữ được tâm lý hài hòa, khôi phục sức khỏe toàn diện, tăng cường trí nhớ.

Tôi thấy hay nên bắt đầu tập CK10. Những ngày đầu tiên tập CK10, tôi cần nhiều thời gian và cố gắng hơn so với Bát Đoạn Cẩm (BĐC). Bởi vì những động tác BĐC có tính cách đơn thuần và tĩnh, nhờ vậy tôi dễ tập trung tư tưởng. Đảo lại CK10 đòi hỏi một sự luyện tập có tính cách toàn diện, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chân và tay và sự chuyển động liên tục giữa tĩnh và động, nhanh và chậm, lên và xuống, cho nên tôi hơi bị khó khăn khi phải tập trung tư tưởng, có lẽ tại tôi chưa quen cách tập này lắm. Nhớ lại lúc mới đầu, khi tập 20x lần thế Cóc thuận và 20xlần thế Cóc nghịch, tôi đã thở hồng hộc và mồ hôi ra như tắm. Nhưng dần dần theo ngày tháng tôi thấy khá hơn, mỗi ngày một ít tiến bộ, sự tập trung tư tưởng thành thói quen đi vào nề nếp. Chuyển động lên xuống, nhanh chậm đã tác động vào thể lực tôi một cách rõ ràng. Sau một thời gian tập luyện liên tục, thân thể tôi trở lên dẻo dai, uyển chuyển, dai sức, bụng xẹp xuống, bớt đau nhứt lặt vặt, bớt đau lưng. Cái hay ở CK10 không phải chỉ ở thể xác mà còn tinh thần nữa, nếu chịu khó tập luyện tinh thần sẽ phát triển và thăng tiến không ngừng, tâm linh cũng theo đó mà thăng hoa. Nhiều người sau khi tập thấy mình trẻ ra, yêu đời, yêu người và tâm hồn được căng phồng mở rộng cho vũ trụ cho tha nhân để lòng mình được nhân ái hơn.

Mỗi thế đều có một khẩu quyết riêng biệt có ý nghĩa sâu xa làm cho người tập vừa được sức khỏe, vừa được hiểu rõ thêm phần tâm linh, rủ bỏ lo âu phiền não để được an lạc hạnh phúc. Mới đầu tôi hay tập thế Cóc, thứ nhất là dễ tập và có hiệu quả cao rất tốt cho thận, sau nữa thế tập này mang một ý nghĩa là chuyển đổi cái nhìn nhỏ hẹp thành ra rộng rãi vô biên, con cóc ở đáy giếng nhẩy ra miệng giếng để ngó được bầu trời mênh mông. Ngay khẩu quyết của thế Cóc đã mang cho người tập một nhân sinh quan mới mẻ "Thị phi hợp nhất / Đốn nhập chân không / Nhẹ nhàng nhập thế". Thế Trâu thì nhẹ nhàng chuyển hóa để đẩy chứng nghiệp ra, sau mỗi lần tập thế này tôi thấy mình nâng nâng như trút nhẹ được một gánh nặng (Khẩu quyết "Đẩy trừ phiền não,.."). Ngoài ra trong khi vận động hai tay, thế này còn tác dụng vào kinh Phế để tốt cho phổi. Thế Hạc giúp ta dễ bỏ bản ngã to lớn của chính mình mà khiêm cung hơn. Thế Rồng là biểu hiệu sự uốn mình phá núi bay lên trời xanh, tập thế này sẽ giúp cho bộ phận tiêu hóa và sự uốn éo sẽ tránh được vôi đóng ở cột sống. Tôi vốn bị đau lưng nên hay tập thế Cọp, đây là thế mệt nhất vì phải dùng cả phần lưng để đập xuống làm cho lưng được dãn tối đa. Thế này còn tác dụng gíúp chúng ta khai mở tầm nhìn và óc sáng tạo. Riêng tôi vẫn thích tập thế Rùa nhất, tuy thế này khó nhưng nó lại có thể giúp chúng ta khai mở tất cả các kinh mạch năng lượng trong thân mình.

Tôi không muốn đi nhiều vào từng thế tập bởi vì như thế sẽ đi ra khỏi phạm vi bài này. Tôi chỉ muốn đưa một vài nét chính của các môn Khí công mà tôi đã tập qua, để người đọc theo đó sẽ chọn được một môn pháp thích hợp cho mình tập. Chả thế người xưa thường hay nói "Tùy bịnh chọn công", tùy theo thể chất và sức khoẻ mà chọn cách tập Khí công.



Thu công:



Các thầy Khí công hay dạy học trò: "Luyện công không thu công không bằng không luyện công", để nói sự quan trọng của thu công bởi vì nếu thu công có tính cách qua loa sẽ đưa đến tình trạng sai lệch.

Ba nguyên tắc chính thu công:

1. Thu công là chuyển hóa từ thể động qua tĩnh: sau khi tập luyện, cơ thể và thần kinh cần được nghỉ ngơi, nên lúc đó mọi hành động phải nhẹ nhàng, toàn thân thả lỏng, hơi thở êm nhẹ và tự nhiên.

2. Đưa Khí về đan điền (Ý thủ đan điền): trong khi luyện tập, Khí có thể bị hỗn loạn, nên cần phải đưa Khí về đan điền, nếu không sẽ sinh ra bệnh tật, như chướng bụng hay khí bốc lên đầu.

3. Xoa bóp: sự lưu thông của kinh mạch và khí huyết trong khi luyện tập vì lý do nào đó có thể không thông suốt, nên cần phải xoa bóp thân thể để tác động cho sự lưu thông được tốt hơn.



Cuối cùng:



Tôi không muốn làm công chuyện so sánh môn Khí công này với Khí công nọ, tôi chỉ viết ra đây những gì tôi đã trải qua mấy năm trời tập luyện. Đi từ cái số không về sự hiều biết Khí công cho đến lúc gặt hái được những kết quả mà do sự luyện tập của mình đưa ra, đó là một đoạn đường tương đối dài và nhiều công lao. Nó đòi hỏi một sự kiên trì và cố gắng đều đặn thường xuyên, nhưng ta phải có đủ can đảm để bước lên con đường đó và đi tới phía trước. Phải vượt qua được những trở ngại do mình dựng nên, phải dẹp được cái yếu đuối do mình tạo ra, bỏ cho được những ham muốn nhỏ nhoi do mình mang tới, mỗi ngày một chút vương lên, đạt cho được cái toàn hảo của thân và tâm để cuộc sống trở nên thăng hoa và hạnh phúc.

Tôi xin gởi đến các bạn một câu của bác sĩ Ngô Gia Hy, ông viết [1]: "Cái mức độ cao nhất của sự hoạt động là bất động, cái mức độ cao nhất của sự hùng biện là câm lặng. Sự đạt thành hoàn hảo nhất của sự bắn cung là đừng bắn. Tột đỉnh của khí công là ngày nào cũng tập mà không thấy mình tập, vì nó tự nhiên như hơi thở, như nhịp tim đập, như những chuyển vận nhịp nhàng của trời đất". Được như vậy chúng ta mới đạt được "Thân tâm hợp nhất" để vào cái Không của Thiền Định: "Luyện tinh hóa khí / Luyện khí hóa thần / Luyện thần nhập hư" (**).

*Hai câu này nằm trong bài thơ "Khúc giang đối tửu" của Đỗ Phủ. Thật ra là: "Tửu trái tầm thường hành sử hữu / Nhân sinh thất thập cổ lai hy". Xin đổi chữ "tửu" thành "tiểu" cho hợp với bài này.

** Hư là hư không



Tài Liệu đọc thêm:

1) Sách "Khí công học và y học hiện đại", Bs Ngô Gia Hy

2) Sách "Khí công 100 ngày", Phương Xuân Dương

3) "Càn Khôn Thập Linh-Môn thể dục nhiều hiệu năng", Nguyễn Đức Trọng

4) DVD "Ba Duan Jin&Tai Chi Gong", Andreas W. Friedrich

5) Sách "Tự luyện Bát đoạn cẩm Thiếu Lâm Tự", Gs Hàng Thanh, 1974





Xem thêm:
Tự luyện Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn




Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



#2 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 6824 Bài viết:
  • 5578 thanks

Gửi vào 13/11/2019 - 09:38

Bát Đoạn Cẩm là Tâm Phép tập cho đả thông Kinh Mạch, khí lực thuần nhuận lưu thông đến mọi phần trong cơ thể giúp hành giả (người học) thân thể thường được cường kiện khinh linh vô bệnh, trường thọ đúng đạo dưỡng sinh. Ngoài ra còn có công năng tạo dựng sức mạnh gân thịt cho Võ gia tạo điều kiện tham học tới chỗ đại thành, trị lành mọi bệnh Nội thương do tập luyện quyền thuật gây ra.

Bát Đoạn Cẩm quả thật có công năng thần diệu vô song cải tạo sức khỏe, tăng tiến thể lực và rèn luyện thân tâm hợp nhất, là môn học thuật thể thao xây dựng đáng được đề xướng, tôn vinh...

Cách luyện tập Bát Đoạn Cẩm.

Bát Đoạn Cẩm gồm có tám phép luyện tập, và không nói ai cũng hiểu đều phải tuần tự tập luyện tuần tự từ phép một cho đến khi hết trong một buổi tập, theo đúng phương pháp sẽ được giảng tới trong phần thực hành kế sau.

Nhưng muốn thực hành cho hết tám phép trong một buổi tập thì trước tiên học giả phải thuần thục từ phép một theo phép tuần tự nhi tiến (học từ từ theo thứ tự). Việc nầy không khó, chỉ cần thời gian ngắn là ai cũng thực hành được một cách tự nhiên. Điều cần chú ý khi thực hành là phải quan tâm làm đúng từ động tác một của mỗi Đoạn (mỗi đoạn có nhiều động tác) và làm đủ số lần cần phải lập lại cho mỗi động tác. Khi chấm dứt đoạn thứ nhất thì liền đó luyện tập đến đoạn thứ nhì sau khi buông tay nghỉ thong thả 3 phút đồng hồ. (Nếu đã thuần thì thời gian nghỉ chừng một phút đã đủ) tính ra thong thả mà tập thì người mới mỗi sáng có thể dành khoảng 45 phút để thao luyện và khi đã thuần rồi thời gian luyện tập rút lại còn 20 đến 25 phút là cùng. Số thời giờ ấy rất khiêm nhường so với bất kỳ môn thể thao vận động nào mà sự thành quả thâu đạt được lại tốt đẹp vượt bực hơn tất cả.

Tám đoạn Bát Đoạn Cẩm

1. Đệ Nhất Đoạn Cẩm: SongThủ Thác Thiên Lí Tam Tiêu 双手托天理三焦 (Hai tay nâng lên để điều chỉnh Tam Tiêu)
2. Đệ Nhị Đoạn Cẩm: Tả Hữu Lạp Cung Như Xạ Điêu 左右拉弓如射雕 (Trái phải dương cung "như" bắn chim điêu)
3. Đệ Tam Đoạn Cẩm: Điều Lý Tỳ Vị Tu Đơn Cử 调理脾胃须单举 (Điều hòa Tỵ vị "một" tay đẩy lên)
4. Đệ Tứ Đoạn Cẩm: Ngũ Lao Thất Thương Hướng Hậu Tiều 五痨七伤 向 后瞧 (Năm Lao Ngũ Thương liếc nhìn "phía"sau)
5. Đệ Ngũ Đoạn Cẩm: Toàn Quyền Nộ Mục Tăng Khí Lực 攒拳怒目增气力 (Nắm chặt quyền, mắt trừng lên , tăng khí lực)
6. Đệ Lục Đoạn Cẩm: Bối Hậu Khởi Điểm Chư Bệnh Tiêu 背后 起 点诸 病消 (Chà vào xương cùng mọi bệnh đều tiêu)
7. Đệ Thất Đoạn Cẩm: Dao Đầu Bãi Vĩ Khư Tâm Hỏa 搖头摆尾祛心火(Lắc đầu vẫy đuôi [1] dứt "bỏ" tính nóng nảy)
8. Đệ Bát Đoạn Cẩm: Song Thủ Bàn Tất Cố Thận Yêu双手 盘 膝固肾腰 (Hai tay ôm gối bền thận eo)




Thanked by 5 Members:

#3 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 6824 Bài viết:
  • 5578 thanks

Gửi vào 13/11/2019 - 09:54

Để xem tài liệu Tu-Luyen-Bat-Doan-Cam.dpf dài 61 trang xin nhấn vào

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

là bài tập ngoại đan khí công (external exlir) đã có khoảng 1000 năm tại Trung Hoa. Toàn bộ bài tập khởi đầu gồm 12 thế nhưng sau được thu gọn thành 8 thế.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

giúp đả thông kinh mạch, luyện gân cốt, khai thông khí huyết khắp mọi nơi trong cơ thể giúp cho người tập có được một thân thể cường tráng, tiêu trừ bệnh tật, và một tinh thần minh mẫn sáng suốt. Cũng chính vì giá trị nầy mà 8 thế tập đuợc mệnh danh là

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

có nghĩa là 8 đoạn gấm.
Nói về nguồn gốc của

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

thì có hai truyền thuyết. Một cho rằng

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

phát xuất từ chùa Thiếu Lâm do Đạt Ma Tổ Sư sáng tác nên được gọi là

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

. Và một thuyết khác cho rằng đây là bộ môn khí công do Nhạc Phi sáng tác vào niên đại nhà Tống khoảng năm (1127-1279 AD).
Trải qua bao thế kỷ,

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

đã được biến đổi khá nhiều theo từng môn phái nhưng nói chung thì hình thức tuy có khác nhưng nội dung cốt tuỷ của sự luyện tập cũng đều gần giống như nhau.
Điều thiết yếu mà người tập cần nên nhớ: giá trị quí báu của pháp tập là sự thấu hiểu thông suốt những kỹ thuật vận hành khí huyết, luyện gân cốt hơn là chú trọng vào hình thức bề ngoài. Dụng thân tạo hình để luyện pháp chứ không chấp trụ vào hình tướng. Thân pháp được tinh luyện nhẹ nhàng thì khí thông, khí thông thì thần sắc vững mạnh để đạt đến giai đoạn cuối cùng là “Tinh, Khí, Thần” hợp nhất, thân tâm tự tại. Và kế đến cũng không kém phần quan trọng hơn nữa đó là sự cố gắng luyện công hằng ngày. Công phu, công quả, công trình là 3 yếu tố dẫn đến sự thành tựu tốt đẹp trong quá trình luyện tập.

Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



#4 minhminh

    Ban Điều Hành

  • Ban Điều Hành
  • 3810 Bài viết:
  • 24187 thanks

Gửi vào 13/11/2019 - 10:14

Bát đoạn cẩm rất tốt
Mỗi đoạn tức mõi thế dùng để trị một số bệnh
Trong tập san Jhoa học huyền bí trước 1975 có đề cập đến Báy đoạn cảm của Chung ly Quyền
Tôi thích nhât thế đầu tiên
Lưỡng thù kình thiên lý tam tiêu
Đúng dang hay chân bằng vai đưa hai bàn lay ngửa lên chống trời cùng luc hit vao thở sâu , khi kình thiên thi ngung thơ , khi xả tuc ha hai tay xuong cung luc thi thở ra hop bụng
Các này điêu chỉnh cân bằng hệ giao cảm synpatic va parasynpathetic ( đối giao cảm ) tức điêu hoà hệ hormon trong con nguoi
Vi thế sách mới noi
Tam tiêu kinh vị chi tam nguyen khi gia dinh vệ duong lạc điều nội dưỡng ngoại , tam tiêu thông tắc tả huu nội ngoại giai thông .

Thanked by 7 Members:

#5 YOYO

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 294 Bài viết:
  • 131 thanks

Gửi vào 13/11/2019 - 16:43

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn








Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |