Mặc dù đã 106 tuổi, nhưng với ông Triệu Mộ Hạc(趙慕鶴), cuộc sống dường như chỉ là mới bắt đầu…
– 75 tuổi, ông đi du lịch bụi ở châu Âu;
– 87 tuổi, ông quay lại học đại học;
– 93 tuổi, ông đến làm tình nguyện ở bệnh viện;
– 98 tuổi, ông trở thành thạc sĩ lớn tuổi nhất trên thế giới;
… và nay khi đã 106 tuổi, truyền kỳ về ông vẫn còn đang tiếp tục…
Ông Triệu Mộ Hạc xuất thân từ một gia đình địa chủ, quê ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Khi còn trẻ, vì chiến dịch cải cách ruộng đất, ông đã phải chạy nạn Đài Loan. Tại đó, ông làm công việc hành chính bình thường cho đến năm 66 tuổi về hưu.
Có lẽ do cuộc sống sau khi về hưu quá buồn chán, năm 75 tuổi, ông xách ba lô lên, một mình đi du lịch châu Âu. Rất nhiều người khuyên ông: “Tuổi ông đã cao rồi, tiếng Anh thì chỉ biết ‘Yes’ và ‘No’. Tiền tiết kiệm cũng không đủ, đừng có đi ‘tìm chết’ chứ”.
Thế nhưng, ông Triệu lại không cho là như thế, “Nếu như ra nước ngoài một chuyến phải chuẩn bị rất lâu, phải có tiền lại phải biết ngôn ngữ, vậy thì ba đời cũng chẳng đi được nước ngoài”.
Trong 5 tháng, tiêu tốn 32.000 tệ, ông quay về thuận lợi sau chuyến du lịch tự túc qua các nước Anh, Pháp, Đức…
Thư pháp gia Triệu Mộ Hạc 趙慕鶴 (18/07/1912 - 04/11/2018)
***
Đến khi cháu nội thi đại học, để đi cùng cháu, ông cũng đã đăng ký thi, tuy nhiên kết quả là cả hai ông cháu đều rớt.
Nhưng qua việc này, ông Triệu nhận ra rằng: học tập là bí quyết để giữ gìn thanh xuân, động não thì người sẽ sống. Năm thứ hai ông thi lại, hai ông cháu vào được đại học.
Ông Triệu và cháu nội cùng nhận được bằng cử nhân.
Thế nhưng lúc này lại có người đến nói với ông rằng: “Nếu ông mà học xong đại học thì tôi sẽ quỳ xuống luôn”.
Mất 4 năm, học xong 128 học phần, ông suôn sẻ có được tấm bằng đại học, ông đã khiến cho những ai nghi ngờ ông đều ‘á khẩu’ không nói được gì.
Ông Triệu trong buổi lễ tốt nghiệp đại học ở tuổi 93.
Sau khi tốt nghiệp, ông Triệu Mộ Hạc không hề vì mình nhiều tuổi mà nghỉ ngơi, ông đến bệnh viện làm tình nguyện, chăm sóc những bệnh nhân nhỏ tuổi hơn ông trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Đổ nước tiểu, thay tã, ngày đêm chăm sóc bệnh nhân suốt 2 năm, đến khi bệnh viện cảm thấy tuổi của ông đã quá cao, không để ông làm nữa thì ông mới dừng lại.
Vào ngày lễ tết, ông đến chúc mừng các bệnh nhân trong bệnh viện.
***
Thế nhưng bản thân ông thì không thể ngồi yên được, ông lại thi vào viện nghiên cứu cùng con trai của bạn ông, sau 3 tháng ôn luyện ngày đêm, ông đậu ngay vào Viện nghiên cứu triết học Đại học Nam Hoa, Đài Loan.Mỗi lần giáo viên vào lớp, ông Triệu đều sẽ đứng dậy cúi chào, đây là tác phong của ông, ở lớp nào cũng như vậy.
Trong thời gian học nghiên cứu sinh, mỗi ngày ông đi xe lửa đến trường vào lúc 6 giờ, tối về đến nhà cũng đã 21 giờ.
Về đến nhà, ông còn kiên trì luyện thư pháp 2 tiếng đồng hồ.
Trong thời gian 3 năm, ông chỉ có một lần đi học muộn, giáo viên thấy ông đi khập khiễng vào lớp, hỏi ra mới biết trên đường đi ông bị xe điện đụng phải, nhưng ông từ chối đi bệnh viện mà nhất quyết muốn đến lớp.
“Quyết định làm việc gì thì phải nghiêm khắc với bản thân một chút, nếu không thì chẳng làm được gì cả”, ông nói.
Và trong cuộc sống, ông cũng luôn cố gắng dựa vào chính mình, dù là mua thức ăn, thái rau, xào rau, hay giặt quần áo, ông cũng đều kiên trì tự mình làm, bởi vì ông cảm thấy “hễ dựa vào người khác thì tức là đã già rồi”. Ông cũng từ chối ý muốn đỡ ông của phóng viên khi phỏng vấn.
***
Ngoài đi du lịch, đi học, bình thường việc ông thích nhất là thư pháp, từ nhỏ ông đã theo học thể chữ Điểu Trùng thư, ông đã kiên trì viết suốt vài chục năm.
Tác phẩm thư pháp năm 2011 của ông Triệu được thư viện Đại Anh có lịch sử 250 năm sưu tầm, bảo tồn.
Mấy mươi năm qua, ông dùng khoản tiền mười triệu tệ nhờ bán thư pháp để quyên tặng cho các học sinh nghèo.
Năm 105 tuổi, ông lại bắt đầu đến dự thính ở khoa tiếng Trung đại học Thanh Hoa, để tiện mua vé, lấy số khám bệnh, ông bắt đầu học cách dùng máy tính, lên mạng, học tiếng Anh.
Lần nọ, một người bạn đến tìm ông, vô tình nói lớn rằng: “Ông Triệu này, ông sắp chết đến nơi rồi còn học máy tính làm cái gì?”, ông nói: “Nhưng bây giờ tôi vẫn còn sống mà”, rồi hai người cùng bật cười.
Cho tới nay, ông Triệu vẫn tâm niệm một điều rằng: “Sống đến già, học đến chết”.
Phía sau câu chuyện kỳ tích của ông là cả một sự cố gắng, kiên trì, quyết tâm. Và truyền kỳ về ông vẫn còn đang tiếp tục…
Theo Secret China,
Thanh Trúc
Link tham khảo:Nguồn: