Jump to content

Advertisements




Trâm anh thế phiệt


6 replies to this topic

#1 BooBoo

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 149 Bài viết:
  • 91 thanks

Gửi vào 29/04/2018 - 21:26

Trâm anh thế phiệt

Trịnh Bách



Một đêm trăng tròn cuối Xuân năm Tân Dậu (1921), mọi tâm ý trong gia trang của cụ Đông Các trí sỹ Vũ Quang Nhạ ở Trung Lao, Nam Định đều dồn về việc chào đón người con của quan Tri phủ Vũ Ngọc Thúy, con trai cụ Đông Các, sắp chào đời.

Posted Image

Cụ Đông các Vũ Quang Nhạ

Đông Các Đại học sỹ Vũ Quang Nhạ là một trong số rất ít các quan lại Công giáo Bắc Hà đạt đến địa vị tứ trụ triều đình thời cuối triều Nguyễn. Sau khi đã kinh qua nhiều chức, tước, cụ về trí sỹ ở cố quận. Tại đây cụ giúp việc xây dựng ngôi nhà thờ Trung Lao nổi tiếng cho đến ngày nay.

Posted Image

Nhà thờ Trung Lao, Nam Định

Đứa trẻ đã ra đời. Một tiểu thư. Đấy là em họ con cô của mẹ tôi. Hai bà thân nhau hơn chị em ruột, và suốt đời chuyện gì cũng có nhau. Thật ra tôi phải gọi cô bằng dì, nhưng các nhà thế gia ngoài Bắc thời ấy có thói quen gọi em gái của mẹ là cô. Mẹ tôi kể rằng cô Vũ Thị Hòa Vân, vị tiểu thư mới chào đời đó, từ khi lọt lòng đã mặt hoa da phấn, mắt phụng mày ngài. Nhiều người tưởng tiểu thư tiền đồ có khi phải đến bậc phi, hậu.

Posted Image

Cô Hòa Vân

Tiểu thư thừa hưởng nhan sắc quý phái từ thân mẫu của mình. Phu nhân ông Phủ Thúy nguyên là tiểu thư Nguyễn Thị Ngọc Tú, con gái thứ 6 của Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Toản, hiệu Tây Đình. Bà Ngọc Tú cũng một thời nổi tiếng sắc nước hương trời.

Posted Image

Song thân cô Hòa Vân

Giòng Nguyễn Hữu (nguyên là Nguyễn Hựu thời Vua Gia Long) là một nhánh cổ của Hoàng gia Nguyễn ở Huế. Đây là hậu duệ các con cháu của Chúa Nguyễn Hoàng ở lại Bắc Hà để làm tin với nhà Lê, Trịnh ngày xưa.

Trong một khoảng thời gian ngắn, sau khi người Pháp đã chiếm thành Hà Nội, phần đất còn lại phía Tây của tỉnh Hà Nội cũ được gọi là tỉnh Hà An. Cụ Thượng thư Tây Đình được triều đình cử làm tổng đốc tỉnh mới. Năm 1896 triều đình Huế đổi tên tỉnh này thành Hà Đông, và cụ là tổng đốc đầu tiên của tỉnh mới. Mãi đến năm 1905 người Pháp mới công nhận hành chính tỉnh Hà Đông.

Vì bị liên lụy đến phong trào Cần Vương của cụ Đề Thám, cụ Thượng Tây Đình từ chức năm 1898 và xây ngôi chùa Hồng Liên ở xã Tây Mỗ, Hà Đông. Rồi cụ sống ở đó đến cuối đời.

Posted Image


Cụ Thượng thư Tây Đình ngồi giữa (1895)

Các tiểu thư khuê các ngày xưa bị trui rèn công, dung, ngôn, hạnh rất khắt khe. Mẹ tôi kể rằng nhiều khi các tiểu thư bị thử thách bằng cách phải mặc 3 lớp áo dài khi ngủ mà sáng dậy áo không được nhăn. Chuyện bếp núc, cỗ bàn thì là lẽ đương nhiên và bắt buộc trong các nhà thế gia ngày xưa. Đấy cũng là một hình thức khoa trương. Vì chỉ có họ mới có đủ điều kiện để học hỏi cách nấu nướng, cũng như sắm sửa các thực phẩm đắt hiếm, cho các món cỗ bàn trân quý. Cô Hòa Vân không ra khỏi lệ đó. Chẳng thế mà cô Tuyết Vân, em gái cô, cũng một thời quốc sắc thiên hương, từ bao thập kỷ nay vẫn là hiệu trưởng của một trường nữ công tư thục nổi tiếng trên đường Bà Triệu, Hà Nội.

Posted Image

Mộ cụ thượng Tây Đình và chùa Hồng Liên ở làng Tây Mỗ, Hà Đông

Từ khi chập chững biết đi, cô Hòa Vân lúc nào cũng tươi cười như hoa hàm tiếu. Khi cô cười mắt cô cũng cười. Người ta bấy giờ lại cho là cô hay cười tươi thế thì không đủ trang nghiêm để làm bậc mẫu nghi được. Nhưng cô sẽ hưởng số ung dung, dù đời người sinh vào tuổi có can Tân thường lắm gian truân.

Người vui tươi khoáng đạt như cô tôi không bao giờ có thể cho phép mình bị ràng buộc bởi các cổ lệ của giới trâm anh. Cô Hòa Vân sống rất mới so với các tiểu thư đương thời. Cô không bao giờ nhuộm răng đen, và cô uốn tóc từ khi rất trẻ. Quần áo, trang sức thì cái gì thời thượng và có thẩm mỹ cao là cô chấp nhận ngay. Chỉ trước khi thành hôn, cô mới cố gắng khoác lên cái nếp cũ một tí, gọi là để chiều nhà chồng. Cô không uốn tóc nữa, nhưng cũng chỉ vấn tóc trần lưỡi trai thôi chứ chưa bao giờ đụng đến cái khăn. Một thời gian sau buồn cười quá, cô lại thôi.

Khoảng cuối năm 1938, ngay trước Thế chiến, ông họa sỹ có tiếng tên là Nguyễn Cát Tường ở Phố Hàng Da, Hà Nội, có sáng kiến muốn cải tiến cái áo dài năm thân cổ truyền đi, cho hợp với nền văn hóa Tây Phương đang tràn ngập lúc đó. Ông đặt tên cho kiểu áo mới của ông là Lemur, do tên Tường của ông dịch ra tiếng Pháp. Áo dài Lemur lúc đầu bị xem là táo bạo vì dám để hở cổ, có khi hở tay và để lộ lưng, cho nên chỉ có các cô tân tiến lắm mới dám mặc. Ông Cát Tường phải thuyết phục cô Hòa Vân mặc tác phẩm mới của ông, vì ông biết nếu Hòa Tiểu thư khoác cái gì lên người, cái ấy sẽ thành thời trang.

Luôn có ý tưởng cách tân, cô Hòa Vân nhiệt tình chấp nhận, và quả nhiên áo dài Lemur được phổ biến nhanh chóng.

Posted Image


Cô Hòa Vân trong áo dài Lemur (1938)

Dĩ nhiên các vương tôn, công tử trong triều, ngoài quận lượn lờ ngày đêm quanh nhà Hòa Tiểu thư. Nhưng cô phớt lờ tất cả. Mãi đến khi mẹ tôi giới thiệu cậu em con cậu của mình là công tử Vũ Thiện Đản, cô chấp nhận.

Posted Image


Cậu Vũ Thiện Đản (1940)

Chỉ là một kỹ sư giản dị, nhưng cậu hào hoa, quân tử. Cậu là cháu nội của cụ Vũ Cẩn, Tuần phủ Bắc Ninh. Cụ Vũ Cẩn thường được người đương thời gọi là cụ Tuần Đồng Lạc hay cụ Tuần Hàng Đào.

Posted Image


Cụ Tuần Hàng Đào Vũ Cẩn

Một bà tổ năm đời của cụ Tuần Hàng Đào là Nữ soái Vũ Thị Liên, thứ thất của vị Đô đốc Tây Sơn Trần Quang Diệu. Bà đã chỉ huy một đội quân, bên chồng và chính thất Bùi Thị Xuân xông pha chiến trận. Sau bà bị Vua Gia Long cho thiêu sống giữa chợ ở Thăng Long để thị chúng. Nhà cũ của cụ Tuần nay là tiệm vàng Bảo Tín ở địa chỉ 54 Hàng Đào, Hà Nội.

Thật ra cậu Vũ Thiện Đản cũng chinh phục được cô Hoà Vân nhờ khiếu văn chương thơ phú của mình. Cậu là em con chú của ông Vũ Ngọc Phan, tác giả quyển Nhà Văn Hiện Đại.

Xuất thân từ một gia đình theo Công giáo gốc, với mấy người em gái vào giòng tu kín bên Vatican, cô Hòa Vân đã vì tình yêu mà tình nguyện quy y lấy pháp danh theo về đạo Phật của nhà chồng.

Rồi thế sự thăng trầm. Thế gia vọng tộc cũ không còn phong lưu nữa từ Cách Mạng tháng Tám. Với đồng lương công chức khiêm tốn của chồng, cô Hòa Vân vẫn ung dung, tự tại nhờ tài vén khéo và nữ công. Và cô vẫn luôn giữ nụ hàm tiếu đó trong mọi hoàn cảnh. Một hôm trong lúc chiến tranh loạn lạc hồi cuối thập niên 1960, cô tươi cười kể với mẹ tôi, “tối ấy đạn và mảnh đạn đại bác vào đầy phòng khách nhà em. Mà có sao đâu…” Cô Hòa Vân là như thế đó.

Posted Image


Vợ chồng cô Hòa Vân trong ngày hôn lễ của con gái út

Gia đình cô Hòa Vân lúc nào cũng ấm êm hạnh phúc. Cậu luôn hòa nhã, bảo bọc. Cô thì vui buồn cũng một nụ cười. Ngay cả khi cậu rời cô và cõi đời ở tuổi bát tuần, dù ruột cắt bên trong, cô vẫn trấn an, yên ủi con cháu bằng nụ cười hiền dịu ấy. Nhà sử học Mai Khắc Ứng, trong những năm tháng cuối của cô, đã than rằng, “thật là đáng tiếc nếu giới trẻ bây giờ không biết được cụ Hòa Vân, và gia phong hiếm có của gia đình cụ, để học phong cách sống.”

Posted Image


Cô Hòa Vân 2007

Và cô Hòa Vân lúc nào cũng tươi vui, ung dung như thế cho đến khi cô từ giã cõi tạm này ngày 11 tháng 08 năm 2008 ở Montreal, Canada.


Nguồn: http://soi.today/?p=234167&cat=104



#2 Tâm Thiện

    Ban Điều Hành

  • Ban Điều Hành
  • 5382 Bài viết:
  • 18879 thanks

Gửi vào 29/04/2018 - 22:59

Người vẻ ngoài toát lên khí chất đặc biệt (như cô Hòa Vân ở trên) là người "có hàm dưỡng", nội tâm sâu sắc, trạng thái tinh thần thanh khiết, trọng việc tu thân và phẩm chất đạo đức con người. Người có đôi mắt thần thái an định, có ánh mắt rực sáng thì nội tâm tràn đầy tự tin, mỗi khi nói ra đều chân thật từ đáy lòng, tư duy vấn đề chặt chẽ logic và lúc diễn đạt, nói ngắn gọn, súc tích. Chính vì vậy, người ấy vượt qua được mọi thử thách để sống một cuộc đời an lạc bình yên và luôn được tôn trọng không phải vì tiền bạc, chức tước hay công danh ...

#3 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3828 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 30/04/2018 - 21:03

mạn phép đăng 1 bài mà nghĩ cũng là trâm anh thế phiệt nhưng là của Trung Quốc

http://kenh14.vn/cha...26160136294.chn
Chân dung nữ quý tộc xinh đẹp cuối cùng của Trung Quốc

Đình Đình, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 21/09/2016

Khi được diện kiến nữ quý tộc cuối cùng của Trung Quốc, người ta không khỏi trầm trồ vì vẻ đẹp sang trọng và khí chất hơn người của bà, thậm chí nhiều người còn phải thốt lên rằng: "Đúng là quý tộc chính hiệu, không thể lẫn vào đâu được!"

Trịnh Niệm, tên thật là Du Niệm Viên, sinh ngày 28/1/1915 tại Bắc Kinh, trong một gia đình quan chức Trung Quốc vào thời kỳ Dân quốc, có ông nội là một nhân vật tầm cỡ được lưu danh trong lịch sử Trung Quốc cận đại.

Posted Image
Với xuất thân cao quý, nhiều đời gia đình họ Du luôn sở hữu khối tài sản đồ sộ khiến cho bao người phải thèm thuồng. Thậm chí đến năm 1966, gia đình họ vẫn còn duy trì kiểu sống quý tộc: nhà riêng 3 tầng xa hoa, kẻ hầu người hạ tấp nập trong nhà, có đầu bếp và người làm vườn riêng... Chỉ tính riêng số tiền gửi trong ngân hàng đại lục của nhà họ Du đã lên tới hàng chục nghìn tệ, một con số đáng mơ ước vào thời kỳ ấy.
Du Niệm Viên từng theo học tại trường Phổ thông trọng điểm Nam Khai ở thành phố Thiên Tân. Nhờ có gương mặt xinh đẹp mà cô thiếu nữ họ Du đã lên trang bìa tạp chí Bắc Dương hoạ báo (một tờ báo lớn thời bấy giờ) đến 4 lần và trở thành một nhân vật nhận được nhiều sự ái mộ, nức tiếng xa gần.

Posted Image
Sau đó, Du Niệm Viên theo học tại trường Đại học Bắc Bình Yến Kinh rồi sang Anh du học. Trong khoảng thời gian theo học tại Học viện Kinh tế - Chính trị London, Du Niệm Viên đã gặp gỡ chàng tiến sĩ Trịnh Khang Kỳ. Hai người nhanh chóng rơi vào lưới tình và tiến tới hôn nhân.
Bởi vì yêu cầu công việc của chồng, Du Niệm Viên đã chuyển đến Sydney sinh sống dài hạn. Đây được coi là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời Du Niệm Viên.
Năm 1957, Trịnh Khang Kỳ đột ngột qua đời. Quá đau buồn, Du Niệm Viên đã lấy cái tên mới là Trịnh Niệm, được hình thành từ họ của chồng và chữ đệm của tên bà, để tưởng nhớ người chồng đã khuất.

Posted Image
Ngoại trừ việc chồng mất sớm, thì nửa đời trước của Trịnh Niệm diễn ra trong êm đềm. Cho đến năm 1966, khi cuộc Cách mạng Văn hoá diễn ra ở Trung Quốc, thì cuộc sống của bà đã bị huỷ hoại hoàn toàn.
Thân là du học sinh tại Anh, lại sống ở nước ngoài trong một thời gian dài, nên Trịnh Niệm bị cho là làm gián điệp cho nước Anh. Khi ấy, Hồng vệ binh đã kéo quân đến khám xét nhà bà và tịch thu toàn bộ tài sản. Trịnh Niệm cũng bị bắt vào tù giam trong 6 năm rưỡi, phải chịu đủ mọi đòn roi, tra tấn dã man để bức cung.
Tuy nhiên, dù có phải chịu bao khổ sở, bao nỗi hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, thậm chí từng vài lần thổ huyết và phải nhập viện, nhưng Trịnh Niệm vẫn kiên quyết không chịu thừa nhận những tội danh vô cớ mà người ta đổ lên đầu mình. Bà đã không ngừng phản biện, đấu tranh vì sự thật, đến mức mà những người quản ngục còn phải thừa nhận rằng chưa từng gặp phạm nhân nào cứng đầu và kiên trung như Trịnh Niệm.

Posted Image
Bà đã khiến cho người ta không khỏi trầm trồ vì sự hiên ngang, khí phách và nhân phẩm tuyệt vời của một người quý tộc thực thụ, đồng thời cũng bộc lộ sự thông minh và nguyên tắc trong con người mình.
Để ép bà nhận tội, những kẻ độc ác đã khoá chặt 2 tay bà ra sau lưng trong hơn 10 ngày trời. Chiếc còng tay chặt đến nỗi ăn cả vào da thịt, khiến cho cơ thể của Trịnh Niệm bị thương tổn nặng nề, thế nhưng bà vẫn không hề mở miệng van xin nửa câu. Khi được một người phụ nữ tốt bụng khuyên nhủ hãy giả vờ gào khóc thảm thiết để những viên cai ngục thương tình mở còng tay cho, Trịnh Niệm đã dõng dạc tuyên bố: "Sao có thể giả khóc để cầu xin lòng thương hại của người khác được chứ!"
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bà cũng luôn giữ được phẩm chất của một người quý tộc, luôn ngẩng cao đầu hiên ngang, không sợ cường quyền và kiên quyết không chịu khuất phục trước những điều phi lý. Bà cũng dùng tri thức và đạo đức của mình để hạ gục những kẻ luôn tìm cách hãm hại mình. Từ trong con người Trịnh Niệm luôn toát ra một thứ khí chất khác người, khiến cho người ta không thể không thừa nhận, bà đích thị là một hình mẫu quý tộc điển hình.

Posted Image
Khó khăn lắm mới ra khỏi tù vào năm 1973, Trịnh Niệm lại đau đến chết đi sống lại khi biết tin cô con gái độc nhất của mình đã qua đời. Thân cô thế cô sống qua ngày đoạn tháng đến 7 năm, cuối cùng Trịnh Niệm đã quyết định rời khỏi quê hương để đến Canada sinh sống. 3 năm sau, bà chuyển đến định cư ở Washington, Mỹ.
Tại đây, bà bắt đầu viết sách bằng tiếng Anh. Cuốn hồi ký "Sống và chết ở Thượng Hải" của bà kể về những sự việc đã qua được Nhà xuất bản Penguin Books ấn hành vào năm 1987. Chỉ riêng lần in đầu tiên, lượng sách đã là 200.000 bản, một con số vô cùng ấn tượng.
Trịnh Niệm qua đời vào ngày 2/11/2009 tại Washington vì bị bỏng nước sôi dẫn đến nhiễm trùng, hưởng thọ 94 tuổi.

Posted Image
Nhìn những bức ảnh cũ của Trịnh Niệm, người ta không khỏi xuýt xoa trước vẻ xinh đẹp động lòng người với vầng trán cao, đôi mắt sáng hay gương mặt thanh tú của bà. Nhưng hơn cả, từ con người bà luôn toát ra một thứ khí chất vô cùng khó tả, khiến cho bà trở nên nổi bật hẳn khỏi đám đông.
Có người từng nói, một người có phải là quý tộc hay không không phụ thuộc vào việc người đó sinh ra đã là quý tộc hay chưa, mà là cho tới khi người đó chết đi vẫn luôn duy trì được phong thái và tôn nghiêm của tầng lớp thượng lưu. Và có lẽ, Trịnh Niệm - người phụ nữ quý tộc cuối cùng của Trung Quốc chính là một minh chứng hùng hồn cho quan điểm đó.
Posted Image

Posted Image

Posted Image

Từ trong con người của Trịnh Niệm luôn toát ra khí chất hơn người.

Posted Image

Posted Image

Cuốn hồi ký "Sống và chết ở Thượng Hải" của bà được Nhà xuất bản Penguin Books ấn hành vào năm 1987.

Thanked by 3 Members:

#4 BooBoo

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 149 Bài viết:
  • 91 thanks

Gửi vào 01/05/2018 - 10:27

Cháu có một thắc mắc mong đươc giải đáp là nụ cười hoa hàm tiếu nghĩa là nụ cười như thế nào ạ?
Bà Trịnh Niệm cũng thuộc dòng dõi cao quý nhưng ánh mắt sắc sảo, chứ không như cô Hòa Vân ánh nhìn thư thái, nên cuộc đời bà thăng trầm sóng gió hơn phải không ạ?

Thanked by 1 Member:

#5 T.AO

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 7039 Bài viết:
  • 4576 thanks

Gửi vào 01/05/2018 - 11:07

là cười như trên ảnh :P

Thanked by 1 Member:

#6 vietnamconcrete

    Pro Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPip
  • 4363 Bài viết:
  • 5863 thanks

Gửi vào 01/05/2018 - 11:34

View PostBooBoo, on 01/05/2018 - 10:27, said:

Cháu có một thắc mắc mong đươc giải đáp là nụ cười hoa hàm tiếu nghĩa là nụ cười như thế nào ạ?


Hàm có nghĩa là ngậm, tiếu là cười - "Hoa hàm tiếu" là hoa còn đang nụ chứ chưa nở toét ra. Như nụ hồng chúm chím cười mỉm chi thì gọi là "Cười như hoa hàm tiếu". Còn cười haha ngoạc miệng ra thì gọi là "Cười như hoa ngoạc tiếu" :D

Thanked by 6 Members:

#7 Passado

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 34 Bài viết:
  • 4 thanks

Gửi vào 02/08/2018 - 16:45

Xin hỏi mắt cụ Hòa Vân có thật sự là mắt phượng không ?






Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |