NGỰ ĐỊNH TINH LỊCH KHẢO NGUYÊN
(Quách Ngọc Bội dịch)
Lược thuật trọng điểm
Chúng thần cẩn thận làm thành 6 cuốn "Ngự định Tinh Lịch Khảo Nguyên", năm thứ 52 đời Khang Hi, Thánh tổ nhân Hoàng đế ngự định. Ban đầu, năm thứ 22 đời Khang Hi, triều đình lệnh cho chúng thần lập hội đồng sửa sách "Tuyển trạch thông thư" và "Vạn niên thư" cùng một lượt để ban hành, mà 2 sách này không thể hòa một [1], ngoài ra theo như các thuyết xưa cũng đa phần không thể cải chính. Hàng năm theo giản mệnh (QNB chú: lệnh vua truyền xuống dưới dạng thẻ tre goi là "giản thư") các cựu thần tinh thông Tinh Học (QNB chú: cái học về các tinh tú, tức Thiên Văn Học) và Số Học, ở trong cung được nuôi dưỡng mà biên tập toán pháp, các sách nhạc luật, bèn lấy "Lịch Sự Minh Nguyên" của Tào Chấn Khuê, đem báo với Đại học sĩ Lý Quang Địa cùng các trọng thần làm khảo định mà thành biên tập. Tất cả các mục lục chia thành: một là Tượng Số Khảo Nguyên, hai là Niên Thần Phương Vị, ba là Nguyệt Sự Cát Thần, bốn là Nguyệt Sự Hung Thần, năm là Nhật Thời Tổng Loại, sáu là Dụng Sự Nghi Kị. Mỗi một mục thì làm thành một quyển.
Xét người xưa, việc ngoại giao dùng Cương Nhật, việc nội vụ dùng Nhu Nhật, những ngày ấy thì dùng phép Bói (Bốc) chứ không dùng Trạch (Tuyển Chọn). Trong cuốn "Mạnh Tử chú" của Triệu Kỳ: "Thiên thời là Cô Hư Vượng Tướng", vì thời Chiến Quốc dùng Tiệm mà giảng. Nhưng nói về Thần - Sát, lại không ai biết cái cách khởi của chúng. Sách "Dịch vĩ Càn tạc độ" có phép Thái Ất hành Cửu Cung, sao Thái Ất, quý thần của Trời vậy. Sách "Hán chí - Binh gia Âm Dương loại" cũng đề cao thuận thời thì phát, suy ra Hình Đức, tùy theo Đấu Kích, căn cứ Ngũ Thắng, mượn quỷ thần mà làm cho có sự trợ giúp. Lại như các Âm Dương gia, gọi là vượt ra khỏi cửa Hi Hòa, người hạn chế mà thành, chính là liên quan tới những điều cấm kị, buông xả việc nhân sự mà đảm đương với quỷ thần. Những phép tắc nói về Thần - Sát, từ thời Hán đã thịnh hành vậy.
Quỷ thần vốn ở nhị khí, nhị khí hóa thành ngũ hành, lấy tương sinh tương khắc làm dụng. được cái khí của sự tương sinh ấy, thì là thần cát; được các khí của sự tương khắc ấy, thì là thần hung, đó cũng là cái lý của tự nhiên vậy.
Đến như tên của các thần ấy, tuy tựa hồ vu vơ, nhưng mà vật vốn đã vô danh, phàm có tên đều là do con người thêm vào. Như khắp các sao vòng quanh trên bầu trời, mỗi cái tên của chúng, cũng đều là con người thêm vào, chứ vốn nó chẳng có. Thì cái gọi là thần này thần kia, chẳng qua là sự giả lập, mượn cái phương vị của nó mà phân biệt cái tính tình của nó mà thôi, khỏi cần tốn lời hại ý vậy. Trải qua các thời kỳ các nhà "phương kỹ" (QNB chú: tên gọi chung của các nghề Y, Bốc, Chiêm tinh, Tướng mệnh) truyền lại không có sự thống nhất, qua người nọ người kia thêm bớt, các thuyết về chúng càng phức tạp, đòi hỏi lấy sự không mâu thuẫn ở cái ý của Âm Dương Ngũ Hành mà tiếp cận xem xét.
Sách này đãi lọc các nhà, san định lại những chỗ mâu thuẫn mà bao quát những phần cương yếu của chúng, lấy sự thuận theo đạo của trời, hợp với việc sử dụng của người. Bậc đại Thánh Nhân hướng về bách tính, mọi việc đều mong muốn tìm lành tránh dữ, cái gì cũng nói tới vậy.
Năm thứ 46 đời Càn Long, tháng 10,
Tổng biên tập các quan thần kỷ Vân thần lục tích hùng thần Tôn Sĩ Nghị,
Tổng hiệu quan thần Lục Phí Trì.
Ngự định Tinh Lịch Khảo Nguyên - quyển nhất
Tượng số bản yếu
(gốc rễ quan trọng của Tượng - Số)
Thiên Địa
(Trời Đất)
Dịch nói: Đạo của sự tạo lập thành Trời nói Âm với Dương, đạo của sự tạo lập thành Đất nói Cương với Nhu. Thánh nhân hội cái ngay ngắn của Âm Dương, hợp cái thích đáng của Cương Nhu. Sắp đặt Lịch bày tỏ thời gian, nhằm hòa hợp sự biến hóa của Thiên Địa, tuân theo thời giờ đài thiên văn, sống ngay ngắn với Thất Chính (QNB chú: bao gồm Nhật Nguyệt và ngũ tinh Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ), tới nay hẵng còn tôn sùng vậy.
Nhưng có cái Hình của Trời Đất ở chỗ nào, thì lại có cái Vận của Trời Đất chỗ đó. Lấy cái Hình mà nói, sách truyền dẫn thuyết của Hồn Thiên, viết: "Hình của Trời như như quả trứng chim, Đất ở khoảng giữa của nó, Trời bao bọc bên ngoài Đất như cái lòng đỏ của quả trứng, tròn như viên đạn, cho nên gọi là Hồn Thiên, nói về cái hình của chúng chất phác như vậy. Chu Tử nói: "Trời bao bọc bên ngoài Đất, chỗ của Đất ở bên trong Trời, cho nên Hình của Trời một nửa trùm lên trên Đất, nửa còn lại cuộn lấy bên dưới Đất, mà xoay ngược chiều kim đồng hồ (tả toàn) mãi không ngưng, các chỗ đầu mối then chốt của chúng bất động chính là Bắc Cực và Nam Cực. Nay chiểu theo vòng Trời 360 độ, phân chia thành 12 cung, vòng Đất cũng 360 độ. Mà cái 1 độ ở Trời, tương ứng với 200 dặm ở Đất, đã định ra sự cao thấp của chỗ vùng Bắc Cực, sự trước sau của Mặt trời mọc lặn, sự sớm muộn của Tiết Khí Thời Khắc, thì Trời đúng là tròn trịa, Đất đúng là tròn trịa vậy.
Lấy cái Vận mà nói, "Thư Truyện" của Thái thị nói: "cái thân thể của Trời rất tròn, chu vi 365 độ lẻ 1/4, quay ngược chiều kim đồng hồ quanh Đất mỗi ngày, mỗi lần đi qua 1 độ. Mặt trời tựa vào Trời mà thong thả, cho nên Mặt trời đi mỗi ngày, cũng quay quanh Đất 1 vòng mà chưa đủ 1 độ Trời. Mặt trăng tựa vào trời mà nhanh nhẹn, mỗi ngày gần đủ 13 độ Trời lẻ 7/19 độ. Chu Tử nói: "Các nhà làm Lịch tính toán cái độ thoái lui, nhưng mà nói Mặt trời đi 1 độ, Mặt trăng đi 13 độ có lẻ, đó chính là phép phân đoạn". Cho nên có cái thuyết nói về Nhật Nguyệt và Ngũ Tinh đi về bên phải.
Sử Bá Tuyền nói: "Trời chẳng có thân thể vậy, 28 Tú cùng với chúng tinh chính là thể của nó vậy. 28 Tú cùng các sao quay ngược chiều kim đồng hồ quanh Đất mỗi ngày mỗi đêm, mà mỗi vòng thì Nhật Nguyệt cùng với hết thảy đều vận chuyển, nhưng lại chẳng kịp sự vượt trội của chúng. Thì dần dần phản chuyển lại có vẻ như thoái lui về phía bên phải. Nay chiểu theo Trời phân chia thành 9 tầng, tầng thứ nhất là Nguyệt Thiên, tầng thứ hai là Thủy Tinh cũng gọi là Thần Tinh, tầng thứ ba là Kim tinh cũng gọi là Thái Bạch, tầng thứ tư là Nhật thiên, tầng thứ năm là Hỏa Tinh cũng gọi là Huỳnh Hoặc, tầng thứ sáu là Mộc Tinh cũng gọi là Tuế Tinh, tầng thứ bảy là Thổ Tinh cũng gọi là Trấn Tinh, tầng thứ tám là Tam Viên 28 Tú chính là các Hằng Tinh (các sao cố định) cũng chính là các Kinh Tinh (các sao được dùng làm Kinh tuyến), tầng thứ chín là Tôn Động Thiên, Tôn Động quay nghịch chiều kim đồng hồ, Nhật Nguyệt các sao chuyển về bên phải, càng cao đi càng chậm, càng thấp lại càng nhanh. Cho nên Mặt trăng mỗi tháng đi được 1 vòng trời, Kim Thủy với Mặt Trời lại phải mất cả năm, còn sao Hỏa phải mất 2 năm mới đi hết 1 vòng trời, mà sao Mộc lại mất 12 năm mới đi hết 1 vòng trời, còn sao Thổ phải mất 28 năm mới đi hết 1 vòng trời, còn lại các Kinh Tinh quanh bầu trời mỗi năm dịch về phía Đông 51 giây, chính là Tuế Sai. Coi là phép suy tính, nay Thất Chính từng sao lấy Thổ, Mộc, Hỏa, Kim, Thủy làm thứ tự, lấy cao, thấp, chậm, nhanh, làm phân hạng vậy. Nếu như đều luận là quay nghịch chiều kim đồng hồ (tả toàn), thì cái chậm là nhanh, cái nhanh là chậm. Cái một vòng trời của Nhật Nguyệt với các sao, đều do không cùng 1 vòng của trời mà thôi.
Tóm lại, Trời động vậy, Đất tĩnh vậy, Nhật Nguyệt Tinh Thần tựa và Trời, theo trời mà động, cho nên Kinh với Vĩ đan xen nhau mà thành phù hiệu vậy. Bằng không thì, trời mỗi ngày 1 vòng, Nhật Nguyệt Tinh Thần cũng theo trời mà bất động, thì lại toàn là cái vật đứng yên, mà cái vật mỗi năm như thế thì mãi mãi sẽ cũng như thế, liệu có còn được gọi là Lịch hay chăng?
Ngũ Kỷ
(Năm Giường Mối)
"Hồng Phạm" viết: "Ngũ Kỷ: một gọi là Tuế (năm), hai gọi là Nguyệt (tháng), ba gọi là Nhật (ngày), bốn gọi là Tinh Thần (các sao), năm gọi là Lịch Số". Cái gọi là Tuế, ấy là Mặt trời với bầu trời hợp lại vậy, Mặt trời mỗi ngày đi 1 độ, 365 ngày có lẻ đi quanh Trời 1 vòng, quay lại hội hợp với trời, chính là 1 năm. Mà Xuân, Hạ, Thu, Đông hết thảy đều nằm trong thời gian đó vậy. Cái gọi là Nguyệt, ấy là Mặt trời với Mặt trăng hội hợp vậy, Mặt trời mỗi ngày đi 1 độ, Mặt trăng mỗi ngày đi 13 có lẻ nên cứ 27 ngày có lẻ thì đi quanh bầu trời 1 vòng, thêm 2 ngày có lẻ nữa mà cùng với Mặt trời hội hợp, chính là 1 tháng, mà Hối, Sóc, Vọng, Huyền hết thảy đều nằm trong thời gian đó vậy. Mặt trời ló ra khỏi đất mà thành Ban Ngày, chui vào đất mà thành Ban Đêm, dùng cái việc đi về bên phải (hữu hành) mà nói thì chính là đi về phía đông (đông hành) 1 độ, nếu dùng cái việc đi nghịch chiều kim đồng hồ (tả toàn) mà nói thì thường chưa đủ 1 độ trời, cũng 1 vòng vậy. Cho nên hội hợp Ban Ngày và Ban Đêm làm thành Ngày, mà sớm trưa chiều tối hết thảy đều nằm trong thời gian đó vậy. Cái gọi là Tinh, tên của hàng loạt (sao); cái gọi là Thần, nơi ở của triền thứ. (Tinh) Viên (tinh) Tú dựa vào trời mà đi, Ngũ tinh thì nhanh chậm không giống nhau. Trời phân ra 12 Thần, mỗi Thần có 30 độ, lần lượt vận chuyển tuần hoàn, hết vòng trở lại mối ban sơ. Cho nên một nóng một lạnh coi là Tuế (năm), một tròn một khuyết coi là Nguyệt (tháng), một sáng một tối coi là Nhật (ngày), một Kinh một Vĩ coi là Tinh. Tuế, Nguyệt, Nhật, Tinh có giường mối ở Thần, hợp Tuế Nguyệt Nhật Tinh Thần mà thành Lịch Số, nhằm điều hòa cái khí Bốn mùa, để đúng kỳ hạn của Hối Sóc, để xác định Tiết của sớm chiều, phát triển từng bước để khảo xét vận hành của chúng, tiến hành xem các Hậu (mỗi khoảng 5 ngày) để dòm thấy chỗ triền xá của chúng, đó là lý do thành công việc của năm, mà đủ cả Thất Chính, to lớn vô cùng, từ đó mà cuối cùng thành Lịch Số.
Bát Quái
(Tám Quẻ)
Càn nam, Khôn bắc, Ly đông, Khảm tây, Chấn đông bắc, Đoài đông nam, Tốn tây nam, Cấn tây bắc, chính là Tiên Thiên Bát Quái. Ly nam, Khảm bắc, Chấn đông, Đoài tây, vị trí Càn Khôn Cấn Tốn dùng Tứ Duy thì chính là Hậu Thiên Bát Quái. Từ thời Hán tới nay, chỉ biết có Hậu Thiên mà thôi, thậm chí bọn Tiêu Diên Thọ, Kinh Phòng, cái học của Nạp Giáp quái khí thì lại một mình một nhà, và Tiên Hậu Thiên đều không lẫn nhau vậy. Quái khí khởi ở Trung Phu, có 12 hào của Tích, Công, Hầu, Khanh, Đại Phu. Các nhà làm lịch xưa nay khi chú lịch đều dùng, cho tới Thiệu Tử đời Tống chính là được cái học Tiên Thiên, mà truyền cái thuyết ấy, thì lại lấy Phục Cấu làm nhị Chí, Lâm Độn làm nhị Phân (QNB chú: chỗ này ám chỉ lấy quẻ Phục làm Đông Chí, quẻ Cấu làm Hạ Chí, quẻ Lâm làm Xuân Phân, quẻ Độn làm Thu Phân) trái phải thuận nghịch xuất từ bức vẽ ký tự của các quái tự nhiên, cùng với quái khí của các nhà Hán Nho 2 thuyết khác xa. Người ngày nay dựa theo Chu Tử Bản Nghĩa dùng 12 Tích Quái, do đó tưởng lầm là thuyết của Thiệu Tử, thì là không đúng vậy.
(còn tiếp)