Kinh Dịch vốn là một cuốn trong Tứ Thư Ngũ Kinh, 9 quyển sách kinh điển của Nho giáo, hàm chưa tư tưởng Vương đạo – đường lối trị vì thiên hạ bằng đức độ và tài năng của người quân tử. Dưới sự khắc nghiệt của thời gian, Nho học ngày càng mai một. Ngày nay, giới trẻ đã không còn hứng thứ với những triết lý mà cổ nhân đã vất vả hàng nghìn năm lưu truyền. Với mong muốn đem tư tưởng chủ đạo trong Tứ Thư Ngũ Kinh truyền lại cho hậu thế qua những bước cờ, tại hạ đã tạo ra cờ Dịch.
Mời quý vị tham khảo thông tin tại báo
Học được gì qua cờ Dịch - 'đạo của người quân tử'
Cờ Dịch chứa đựng tư tưởng cốt lõi của Kinh Dịch cũng như Vương Đạo - đường lối dùng đức, tài để trị vì thiên hạ của người quân tử.
Kinh Dịch là hệ thống tư tưởng triết học lâu đời của người Á Đông, ra đời cách đây khoảng 5.000 năm. Nó không những cung cấp hiểu biết về bản chất của nhân sinh và vũ trụ, mà còn cho phép con người đưa ra những dự đoán dựa trên những kết quả có tính siêu nhân quả. Kinh Dịch được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh...
Kinh Dịch có vai trò quan trọng trong xã hội Á đông. Những người tham gia công việc trị vì thiên hạ, gọi chung là người quân tử đều phải am hiểu Kinh Dịch. Thậm chí, người Nhật có phương châm “bất học dịch, bất đắc nhập các” từ lâu, tức là không biết về Kinh Dịch thì đừng tham gia vào chính phủ.
Ngày nay, Dịch học lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ tại những nơi nó từng phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà còn hấp dẫn cả giới học giả phương Tây. Tuy các tài liệu về Kinh Dịch nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhưng chưa thực sự được đông đảo quần chúng chú ý, đặc biệt là giới trẻ.
Là người yêu thích và dành nhiều thời gian nghiên cứu về Kinh Dịch, tôi mong muốn giảng dạy Kinh Dịch cho học sinh tiểu học - những mầm non của đất nước, vì thế đã sáng tạo ra cờ Dịch. Qua đó, tôi hy vọng giúp Kinh Dịch trở nên gần gũi hơn bằng những bước cờ.
Hiện tại, tôi đã xây dựng phần mềm chơi cờ Dịch với máy - tên là Zicky. Phần mềm này hoàn toàn miễn phí, đã có mặt trên các kho ứng dụng cho điện thoại di động. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết tại đây.
Lạc Thư - tinh hoa Dịch học
Lạc thư là một trong những đồ hình cơ bản của Kinh Dịch, là một ma phương toán học thời cổ đại được biểu diễn bằng lối Kết Thằng. Tương truyền, Lạc Thư được tìm thấy trên lưng của rùa thần, chứa đựng bí mật của trời đất.
Lạc thư trong Kinh Dịch.
Mối liên hệ đặc biệt giữa các con số trong Lạc Thư là: 5 = 6 - 1 = 7 - 2 = 8 - 3 = 9 - 4. Các số lẻ 1, 3, 7, 9 đại diện cho Dương (trời). Các số chẵn 2, 4, 6, 8 đại diện cho Âm (đất). Con số 5 nằm ở trung tâm đại diện cho Nhân (người).Các cặp số (1, 6), (3, 8), (7, 2), (9, 4) thể hiện triết lý Âm-Dương, hai mặt đối lập của vũ trụ. Các bộ ba số (1,6,5), (3,8,5), (7,2,5), (9,4,5) thể hiện triết lý Thiên-Địa-Nhân, ba thành phần cấu tạo nên thế giới.
Cờ Dịch được tạo thành dựa trên những triết lý ẩn chứa trong Lạc Thư. Nếu như trong cờ vây, cờ tướng hay cờ vua, người chơi tập trung tìm cách chiếm đất hay tiêu diệt quân đối phương, thì trong cờ Dịch, người chơi chỉ cần thay đổi vị trí các quân cờ để xoay chuyển cục diện.
Cách chơi cờ Dịch
Bàn cờ Dịch là hình vuông gồm 9 đường dọc và 9 đường ngang cắt nhau vuông góc, tạo nên 81 điểm đặt quân. Mỗi bên có một hình vuông do 9 điểm hợp thành, có hai đường chéo xuyên qua, tượng trưng cho lãnh thổ của mỗi quốc gia.
Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải có đủ 18 quân, chia đều cho mỗi bên gồm 9 quân Xanh và 9 quân Đỏ. Mỗi quân cờ tượng trưng cho một con số, được bố trí theo Lạc Thư.
Các quân số 1, 3, 7, 9 tượng trưng cho tri thức của một đất nước. Các quân số 2, 4, 6, 8 tượng trưng cho của cải vật chất của một đất nước. Quân số 5 tượng trưng cho dân.
Trên thế gian này, sinh mệnh là thứ quý giá nhất. Vì thế, đức hiếu sinh là cái đức cơ bản của mọi cái đức. Cờ Dịch không có luật ăn quân như cờ tướng; từ đầu trận đến cuối trận, không có quân cờ nào bị loại ra khỏi bàn cờ.
Tri thức và của cải vật chất có thể mang đi khắp mọi nơi, nhưng dân của một nước thì không thể ra khỏi phạm vi lãnh thổ được. Luật đi quân trong cờ Dịch quy định các quân cờ có thể di chuyển từ một đến hai điểm theo cả 8 hướng. Riêng quân số 5 chỉ có thể di chuyển trong hình vuông có hai đường chéo xuyên qua.
Nếu như cờ tướng mang tư tưởng “nước một ngày không thể không có vua”, thì cờ Dịch thể hiện tư tưởng “dân là gốc của nước”. Mục đích của người cầm quân trong cờ Dịch là sử dụng tri thức và của của cải vật chất của đất nước mình để thu phục lòng dân của đất nước đối phương.
Các bậc hiền nhân cổ xưa đã dạy rằng, muốn thực hành Vương Đạo, phải biết thực hiện đức hiếu sinh và sử dụng văn minh để thu phục lòng người trong thiên hạ. Tài của người quân tử là thấu hiểu và liên kết được Thiên - Địa - Nhân để hội tụ lòng người. Muốn sử dụng tri thức và của cải vật chất của nước mình để khiến người dân của nước khác quy phục thì trước hết cần phải thấu hiểu hiện trạng của đất nước đó. Từ đó, vận dụng làm cho tri thức và của cải vật chất phù hợp với thực tiễn, như thế lòng người mới phục.
Ván cờ Dịch kết thúc khi một bên liên kết được tri thức hoặc của cải vật chất của mình với dân của đối phương, cụ thể, khi người chơi xếp được một trong các bộ số (1,6,5), (3,8,5), (7,2,5), (9,4,5) thành hình chữ nhất hoặc hình chữ thập.
Hình chữ nhất yêu cầu ba quân cờ nằm liên tiếp, cách đều nhau, trên cùng một đường thằng. Trong đó, quân số 5 bắt buộc là của bên thua cuộc, một trong hai quân cờ còn lại bắt buộc là của bên thắng cuộc.
Hình chữ thập yêu cầu quân số 5 tạo với hai quân cờ khác thành hai đường thẳng vuông góc. Quân số 5 nằm liên tiếp, cách đều hai quân cờ này. Trong đó, quân số 5 bắt buộc là của bên thua cuộc, một trong hai quân cờ còn lại bắt buộc là của bên thắng cuộc.
Nguyễn Hữu Khánh
Chúc quý vị có những giây phút bổ ích với cờ Dịch!