Hồi ký của David Trần
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
MỘT NGÀY Ở THANH CHÂU
Tầu bọn mình có 31 người, chết một còn 30. Tất cả được tầu cảnh sát Hồng Kông đưa vào một hòn đảo nhỏ nằm sát thành phố. Hòn đảo chỉ có một dãy nhà, nguyên bản là nhà tù giành cho các tội phạm nhưng đã cũ. Nay nó được dùng làm nơi chuyển tiếp thuyền nhân VN.
Việc đầu tiên, mọi người phải xếp hàng, tay giơ lên cao, cảnh sát HK đeo khẩu trang, gang tay, họ khám, lục túi từng người, cả trẻ em, người già.
Ngôn ngữ bất đồng họ phải ra hiệu, lúc ấy đã chiều tối, ai cũng đói, mệt. Cho nên họ bảo sao thì làm vậy, chẳng ai phản ứng gì.
Sau khi khám song cứ 5 người một đứng sếp hàng cho họ đổ thuốc diệt trùng lên đầu, lên quần áo, lên mặt. Trông ai cũng trắng lốp toàn bọt xà bông từ đầu đến chân. Ngâm trong thuốc diệt trùng chừng 10 phút, ai lấy đều cay mắt khó chịu. Rồi họ dùng vòi phun nước cỡ lớn cứ thế phun nước vào người, từ đầu đến chân, rồi từ chân đến đầu. Cứ như phun nước tắm cho heo vậy.
Tất cả quần áo, đồ dùng cá nhân mang từ VN đều bị tịch thu, họ phát cho quần áo mới. Nghĩa là họ ngăn ngừa không cho bệnh truyền nhiễm mang vào nước họ.
Song thủ tục đó thì cũng đến 8 giờ tối, vì đông người lắm, không chỉ có một tầu mình, những ngày cao điểm cứ 5 hay 10 phút lại có tầu thuyền dân VN cặp cảng Hông Kông.
Mình nhớ những ngày lênh đênh trên biển tầu này gặp tầu kia cứ í ới gọi nhau: Ở đâu đấy? - Tầu bên kia trả lời: Hải Phòng đây, đi lâu chưa? Rồi lại: Ở đâu đấy... cứ thế, hầu như ngày nào cũng gặp tầu tị nạn.
Trên biển có đủ các loại tầu vượt biên, có cái to hàng mấy trăm người đi như tàu Hoa Phượng đỏ. Có cái bé tí là loại thuyền nan, vài ba người. Chết đuối chết chìm cho tới nay không ai thống kê nổi, vì dân vượt biên đi là đi trốn, người ta chỉ ước lượng số dân vượt biên khoảng 2 triệu trong 10 năm, chết trên biển có cả mấy trăm ngàn người.
Chín giờ tối xếp hàng khai báo đưa tên vào sổ, ai cũng đói rũ ra, từng cặp vợ chồng khai riêng, độc thân khai riêng. Lúc bấy giờ nhiều người chẳng phải là vợ chồng, cũng chẳng yêu đương gì, mới gặp nhau trên đường đi, nhưng cũng nhận nhau là vợ là chồng để được hưởng chế độ gia đình, vì nghe nói gia đình thì được cho đi định cư nhanh hơn.
Khai báo xong cũng đến nửa đêm, họ đưa tất cả vào một gian buồng dài, hai bên sát tường là hai hàng giường sắt loại có ba tầng, đã kín mít người nằm, người ngồi. Lúc đầu cứ tưởng là VN, về sau biết họ toàn là dân Trung Quốc, đang nằm chờ để đưa trả về Trung Quốc, họ cũng đi đủ các hạng người, già trẻ, gái trai, lý do họ đi vì thấy dân VN được đi định cư nước thứ ba sung sướng hơn, nên họ giả mạo là dân VN, trà trộn vào dòng người VN vượt biển đến Hông Kông, nhưng qua vòng khai báo họ bị phát hiện không phải VN nên bị giam ở đây để đưa về quê cũ.
Khi bọn mình vào buồng thì cũng đã nửa đêm, ai cũng mệt, nhưng không có giường, bọn mình trải quần áo xuống nền xi măng nằm năn ra ngủ, nhưng đói quá không ngủ được. Một lúc sau họ đẩy vào một xe toàn cơm hộp, mỗi người được phát một hộp cơm. Cơm thơm phức, trắng ngần. Chưa bao giờ mình thấy cơm ngon như vậy.
Hộp cơm có ba ngăn. Một ngăn là cơm áng chừng cũng đầy hai tô nhỏ ở VN, hai ngăn bên là thịt và rau. Trông... như một mâm cỗ, thịt cũng ngon, rau cũng ngon.
Đang ở VN ăn toàn hạt mạch (một loại bo bo), toàn mì bột vàng ủng đầy mọt đen sì, mà không đủ no.
Nay cầm hộp cơm đầu tiên trong đời ứ nước mắt. Mình không dám ăn nhanh, xúc từng thìa, tí một bỏ vào mồm, cắn thêm tí thịt, cắn miếng mỡ thôi, còn miếng thịt nạc để dành sáng mai, biết đâu sáng mai không có gì ăn thì bỏ mẹ.
Từng hạt cơm thấm vị ngọt, thịt mỡ ngầy ngậy, thi thoảng liếc nhìn mọi người, thấy ai cũng ăn ngon lành, một vài người đã ăn hết đang mắt trước mắt sau nhìn nháo nhác hi vọng ai đó ốm không ăn được thì xin. Nhưng chẳng có ai ốm sất, ai cũng ăn như thuồng luồng, lại có người cần thận gói cất đi một nửa, chỉ ăn một nửa.
Mình cũng để dành một miếng thịt, một ít cơm cho sáng mai, sợ sáng mai họ không cho ăn cơm nữa mà cho ăn hạt bo bo như ở VN thì chết.
Ăn xong nghe chừng cái dạ dầy không làm phiền nữa, mọi người lăn ra đất ngủ.
Vừa chợp mắt đã thấy có người gọi ầm ĩ, cảnh sát chạy rầm rập, tất cả mọi người đều nhỏm dậy. Buồng bên cạnh, không hiểu chuyện gì. Nhưng thấy cảnh sát vào lôi ra hai cái thây người rũ rượi toàn máu, một cái thây bị chém rách toạc bụng, lòng mề xổ ra một đống trông chết khiếp. Cả hai đều đã chết. Hai cái xác được kéo qua cửa buồng mình để lại một vệt máu loang nổ ướt đẫm nền xi măng. Từ lúc ấy đến sáng mình cứ thức, chả hiểu sao không thể ngủ được.
Đó là đêm đầu tiên trên đất tự do.
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
Thuyền nhân VN chờ nhập trại tị nạn HK năm 1989
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
Thuyền nhân VN trong trại tị nạn HK năm 1989
TRẠI TỊ NẠN SAMSUIPO
Ở Thanh Châu một ngày, mọi người lại được đưa lên tầu. Chả biết họ đưa mình đi đâu, nhưng đã đến đây rồi thì tặc lưỡi mặc kệ, muốn đến đâu thì đến, muốn đi đâu thì đi.
Tầu cảnh sát chở mấy trăm thuyền nhân VN hướng vào đất liền, càng vào gần bờ, thành phố càng hiện ra nguy nga tráng lệ. Những tòa nhà mạ vàng cao ngất ngưởng, người xe đi bên dưới chỉ như con kiến.
Mọi người được đưa hết lên xe ôtô, loại xe chở nhà binh, nhưng có khóa cửa bên ngoài, nghĩa là không nhẩy xuống được khi xe đang chạy. Đoàn xe chạy vào trong phố, hai bên đường người đông như kiến, xe chạy ngược, chạy xuôi như lũ. Quả thật, chưa bao giờ mình thấy tận mắt một thành phố đông đúc, sầm uất như vậy.
Được một lúc thì đoàn xe dừng lại tại một công xưởng, hình như đây là xưởng dệt may, hay nhà máy sản xuất gì đó. Bốn bên tường cao có giây thép gai. Cổng sắt có khóa to như cổ tay. Từ trên xe mình thấy có ba dẫy nhà, tường cao, mái tôn. Ba dẫy nhà nằm lọt thỏm giữa thành phố, xung quanh là những tòa nhà cao chót vót.
Tất cả mọi người được đưa xuống đây, qua tiếng loa của người phiên dịch, mọi người hiểu rằng đây là trại tị nạn SAMSUIPO, trại nằm ngay trung tâm thành phố KOWLOON thuộc Hồng Kông.
Mọi người được thả xuống sân trại, ai cũng ngơ ngác lạ lẫm, mình đang ngồi trên tầu bồng bềnh quen rồi, bây giờ bước trên mặt đất thấy đất cứ nghiêng nghiêng. Ai cũng cứ nghếch cổ nhìn nhà cao tầng, đau hết cả cổ.
Ba dẫy nhà dài được chia làm bốn khu, hai dãy nhà được mở cho thuyền dân vào ở, còn dẫy thứ ba bên cạnh cửa sắt đóng im ỉm, chẳng biết bên ấy có cái gì.
Bên trong mỗi dẫy nhà là những cái giường sắt 3 tầng, kê thành nhiều hàng song song, những tấm phản gỗ ép được thay cho những cái chiếu. Cứ hai người một phản, một giường cao 3 tầng là 6 người. Người già trẻ nhỏ ở tầng dưới, thanh niên độc thân rủ nhau lên tầng trên, vợ chồng trẻ thì tầng giữa, hoặc bên dưới.
Mình vào trại từ sáng sớm, mà mãi đến chiều mới sắp xếp tạm ổn chỗ ở, vì nhiều việc nên buổi trưa nhà trại phát tạm cho mỗi người một ly sữa và một gói bít-quy ăn tạm. Ngon, buổi đầu ăn bít-quy HK ngon thật.
Buổi chiều nhà trại cấp cho mỗi giường vài mét vải nyloon, nghĩa là giường này được ngăn với giường kia bằng một mảnh vải mỏng. Ai là đôi vợ chồng thì cần kéo kín tấm vải là tình củm mà không ngại làm ảnh hưởng đến hàng xóm.
Rồi nhà trại tiếp tục cấp phát cho mọi người nào là đũa, bát, thau, chậu, giấy vệ sinh, thuốc đánh răng...v.v. Suốt ngày hôm ấy chỉ có nhận đồ chia nhau, đủ các thứ cần thiết cho một cá nhân. Mọi người nhận đồ và chia theo thuyền, thuyền trưởng đại diện tới văn phòng nhận đồ về chia cho bà con, bởi vậy chỗ này một nhóm dăm ba người, chỗ kia nhóm khác có cả mấy trăm người, thi thoảng có thấy to tiếng chỗ này, chỗ kia. Nhưng đến chiều tối thì mọi việc dường như cũng ổn.
Khoảng 5 giờ chiều họ gọi mọi người xếp hàng lấy cơm, (cơm họ đã nấu sẵn). Mỗi thuyền một thùng cơm, một chậu thau thịt kho, một thau rau, một thùng cam, cam California Mỹ hẳn hoi. Thuyền ít người thì ăn không hết, thuyền nhiều người thì xuống bếp xin thêm.
Chưa bao giờ mọi người ăn no, ngon, thừa mứa như thế. Ăn xong mỗi người còn có quả cam tráng miệng, cái này mình chưa thấy bao giờ, ở VN chỉ có ăn là ăn chứ làm gì có tráng miệng hay khai miệng bao giờ, đói bỏ mẹ, lấy đâu ra tráng miệng, quý lắm ai ốm thăm nhau mới có chục quả cam.
Buổi tối cả thành phố là một quả cầu lửa sáng rực. Đèn điện khắp nơi sáng choang cả bầu trời. Bên kia hàng rào là tự do, xe cộ chạy ào ào, thi thoảng tiếng xe cảnh sát, hay xe nhà thương chạy qua rú còi inh ỏi. Trên đầu cứ năm mười phút lại có một phi cơ hành khách bay sát nóc những tòa nhà quanh trại. Chúng đang hạ cánh xuống một sân bay quốc tế gần đó.
Mình lang thang đi dạo quanh trại, trong lòng vui buồn lẫn lộn. Vui vì đã thoát khỏi VN không bị bắt, không bị chết trên biển. Buồn vì bị giam vào bốn bức tường, mất tự do, không biết tương lai thế nào. Người ta nuôi mình như nuôi gà công ngiệp trong chuồng, không biết có được thả hay không.
Từ bên ngoài ánh đèn đường phố hắt ngang qua hàng rào dây thép gai, in hình xuống nền xi măng trông giống như những con rắn loàng ngoằng. Phía chân hàng rào thép gai ngay trước mặt mình, một bà già đang bế một cháu bé, tựa lưng vào hàng rào, ru cháu ngủ.
À ơi cháu ngủ với bà
Cha còn mải gánh sơn hà Việt Nam
Mẹ còn trong trại tù giam
Khi nào chết hết Việt gian cha về.
À ơi cháu ngủ xa quê
Ngủ trong trại cấm lê thê cuộc đời
Đời người sống mấy mươi nơi
Xương chìm dưới biển, xương phơi núi rừng.
...........
Sáng sớm hôm sau , mình còn đang say sưa với giấc mơ tiên, thì nghe tiếng loa nhà trại yêu cầu mọi người ra sân điểm danh (đếm người).
Bực thật, đang ngủ ngon, đêm đầu tiên được ngủ trọn giấc sau mấy tháng lênh đênh nắng gió. Mọi người ai nấy phải ra xếp hàng theo từng buồng, mình ở buồng 326 buồng này nhiều người Hải Phòng , đằng sau buồng mình là buồng số 327, rồi 328. Bên cạnh buồng mình là 325. Buồng 325 là buồng to nhất, nó có thể chứa đến mấy ngàn người.
Cảnh sát nhà trại là loại cảnh sát chuyên canh tù, người ta gọi bằng cái tên khác nữa là A SỀ. A Sề đi đi lại lại, đếm đếm ghi ghi, rồi họ phát cho mỗi người một cái thẻ có số như số chứng minh nhân dân ở mình vậy. Số của mình là 5004... chà chà cửu sừng đây. Nặn ba cây mà được số này là bố tướng.
Lòng cũng thấy vui vui, như vậy là trại này có hơn 5 nghìn người, vì mình xếp hàng gần cuối cùng.
Xong tiết mục đếm người, phát thẻ, mọi người về nhà mình (thực ra đấy là cái phản gỗ, nơi mình nằm, dài rộng như cái chiếu).
Ăn sáng được chia đến từng giường, mỗi người hai lát bánh mì, một quả trứng, một ca sữa... chà chà... chất quá... đúng là tư bản có khác. Nếu cứ ăn uống thế này chẳng mấy mà các bộ xương kia sẽ béo mú. Hôm nay đầu tuần, mỗi người lại còn được một bao thuốc, một bao diêm, thuốc có đầu lọc hẳn hoi.
Ăn sáng xong mình ngồi với anh Hà, hai anh em đi cùng tầu, châm thuốc hút. Hực... hơi đầu tiên nặng hơn cả thốc lào Vĩnh Bảo… khen khét... ngai ngái... không hút được. Anh Hà là dân ngiền thuốc nên đành hút tạm, mình thì thuộc loại con nhà lính, tính nhà quan. Bỏ không thèm hút.
Lại thấy A Sề vào trại, đến từng buồng yêu cầu từng buồng họp, bầu ra buồng trưởng, buồng phó, trật tự buồng. Những vị trí này sẽ được A Sề trả tiền, có tiếng nói thay mặt bà con, có quyền lãnh đạo, giữa an ninh, có nghĩa là quyền sinh, quyền sát trong trại chỉ sau A Sề.
Thành phần đến trại thì đủ cả, từ người bần cố nông, thuyền chài, đến công nhân nhà nước, công an, cán bộ nhà nước, giáo viên, bộ đội, cha đạo, thầy tu, thằng ăn cắp, kẻ ăn mày, kẻ tù, kẻ tội... đủ các thành phần.
Đây là cuộc bầu bán A Sề đứng ngoài giám sát, giống như Liên Hợp Quốc giám sát tổng tuyển cử ở Việt Nam vậy. Vì họ chỉ đứng nhìn chứ không tham gia ý kiến gì. Những người già, người trí thức, người hiền, cam chịu số phận thì ngồi im lặng. Những kẻ tù, tội, trộm cướp thì nhao nhao đứng lên tranh dành ngôi vị.
Cuối cùng những ai đã từng đi tù trong các nhà tù tội phạm Việt Nam, thì vào hàng ngũ lãnh đạo. Ai tội càng nặng, càng bị tù lâu, càng nhiều thâm niên trong các nhà tù vì giết người, cướp của thì nắm vị trí quan trọng.
Mình thấy có người còn đứng lên, gân cổ tuyên bố đã từng đi tù ở Côn Đảo với Lê Duẩn, Trường Chinh… Chà Chà, thảo nào hàng ngũ lãnh đạo chính phủ Việt Nam toàn là những người đi tù lâu năm, người thì tù Côn Đảo, người thì tù Phú Quốc.
Thế ra ở đâu cũng vậy, cứ đi tù lâu năm là được lên lãnh đạo, không cần bằng cấp, biết thế này tội chó gì phải đi học, chịu khó đi tù vài năm, ra tù là có vị trí, có ghế, những cái ghế ăn trên ngồi trốc... sướng... sướng...
Tạm thời buổi trưa hôm ấy các chức tước đã tạm ổn, hàng ngũ trung ương khoảng 15 người, ai cũng có tiền án, tiền sự, khắp từ nam ra bắc tụ họp ở đây. Tổng buồng trưởng tương đương Tổng bí thư đảng là Phong Bá Địa người Hải Phòng. Ủa! nghe cái tên đã thấy bá chủ thiên hạ.
Trật tự trưởng tương đương Bộ tưởng Bộ quốc phòng là Long Trắng, cũng người Hải Phòng. Trong đội hình lãnh đạo hầu hết là lưu manh Hải Phòng. Các cựu tù tội các tỉnh khác từ từ đứng lên vẻ không vui, ai cũng cởi trần khoe những hình xăm trổ xanh lè, rồng, hổ…
Chiều hôm ấy nhà trại cho một quả bóng để bà con cùng giải trí, thể thao. Một đám thanh niên, hình như là người Quảng Nình đang hò hét trên sân. Phong Bá Địa từ trong buồng lừ lừ đi ra, hắn to cao, chừng ngoài 50 tuổi có xăm mình nhưng không nhiều, đằng sau hắn là Long Trắng trật tự trưởng và khoảng chục đàn em thằng nào mình mẩy cũng xanh lè. Phong Bá Địa đi ra giữa sân, chân dẫm lên quả bóng tuyên bố xanh rờn. Trại này là của tao. Đ.m. chúng mày. Rồi hắn tung chân đá quả bóng bay ra ngoài hàng rào kẽm gai.
Nghe y như tuyên ngôn độc lập, thông điệp gửi cho toàn dân là từ nay mọi sự phải dưới sự chỉ đạo của hắn, không ai được tự do làm theo ý riêng, ở đây có tự do, nhưng tự do trong khuôn khổ, dưới sự lãnh đạo của nhóm lưu manh Hải Phòng.
Thế là hết chơi bóng, cả trại hơn 5 nghìn con người có một quả bóng hắn đá ra ngoài phố. Mấy ông bà già chậc lưỡi, lắc đầu. Những người đang xem từ từ tản về buồng mình.
Mình vẫn còn tiếc quả bóng, vẫn tần ngần đứng đó, mà cũng chẳng biết về đâu, loanh quanh trong cái lồng chim này thì về đâu cũng thế thôi. Bỗng mình nghe thấy một tiếng kêu: Ối! nó giết tao...
Mình quay lại nhìn thì thấy một tay đầu gấu Quảng Ninh dùng dao đâm vào bụng một tay đàn em của Phong Bá Địa, hắn đâm liên tục khoảng mươi nhát, rồi bỏ chạy biến vào buồng 325, hòa vào đám người đông như kiến, nhung nhúc. Buồng ấy có nhiều người Quảng Ninh.
Người bị đâm chắc bị bất ngờ, không kịp phản ứng chỉ ôm bụng kêu, máu chẩy ra từ các kẽ ngón tay, nhỏ xuống nền xi măng thành dòng như cắt tiết gà.
Phong Bá Địa vội cùng bọn đàn em hơn chục đứa, tay gậy, tay dao chạy đi tìm kẻ thù. Chúng lùng sục khắp nơi, mặt thằng nào cũng hùng hổ, vừa tìm vừa chửi thề. Nếu tay đâm người kia mà bị bắt thì chắc chết trăm phần trăm.
Cuộc lùng bắt kéo dài đến chiều tối mà chưa kết quả. Khắp các buồng, bọn đàn em Phong bá Địa vẫn đi đi lại lại. Không biết kẻ đâm người kia trốn ở đâu, liệu có thoát được không.
Người bị đâm đã được đưa đi nhà thương, trên sân máu vẫn chưa khô. Không khí trong trại thật ảm đạm, ai ai cũng buồn buồn, mấy cụ già nhìn bọn Phong Bá Địa lại lắc đầu.
Đó là lần thứ hai mình nhìn thấy máu trên đất tự do.
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
Trẻ em VN trong trại tị nạn HK năm 1989
QUYỀN LỰC Ở TRẠI TỊ NẠN
Thế là đã ở trại Samsuipo được 5 tháng, mấy hôm nay trời mưa tầm tã. Nghe đâu trại lại chuẩn bị đón thêm người vào.
Mình ngồi trong cái phản gỗ nhỏ bé, cái không gian duy nhất của riêng mình nhìn ra trời mưa. Từng cơn gió làm rung rung những cuộn dây thép gai, mưa trắng xóa bầu trời.
Đài báo đưa tin đây là cơn bão lớn số 5. Trời ơi, bão gió thế này không biết những thuyền đang trên biển có tránh bão kịp không. Nhớ lại trên đường đi, mình thấy mấy tầu bị đắm, tang thương lắm.
Hôm qua nói chuyện với anh Trí, dân Quảng Ninh, anh đi khác tầu. Anh nói tầu anh bị đắm khi vượt eo đảo Hải Nam, vợ con chết hết, anh may mắn được sóng đánh dạt vào bờ sống sót.
Đã chiều rồi mà mưa vẫn không ngớt. Không biết quê nhà có bị bão không, liệu bố ở nhà có biết sửa cái mái bếp đằng sau đã bị hỏng, phải thay, nếu không một cơn gió lốc là bay cả mái. Rồi cái nền nhà mình đang làm dở dang thì bỏ đi HK… Ngày mình đang làm thì cán bộ, công an đến đòi dừng công trình không cho làm, họ định cướp đất, cướp nhà của mình. Nhưng mình không chịu, định dùng võ cùn đánh lại họ. Chưa kịp đánh thì gặp bạn bè rủ vượt biên. Không biết bố có giữ nổi mảnh đất ấy không, bây giờ giá đất ngày càng cao, nhất là những miếng đất mặt đường.
Càng nhớ nhà ruột gan càng rầu rầu, bên ngoài trời vẫn còn mưa, trời mưa nên tối rất nhanh. Bọn Phong Bá Địa đang chuẩn bị đi xuống nhà chia cơm, bọn nó đi chia cơm mà cầm theo mỗi thằng một cái gậy, nó sẽ đánh bất kỳ ai không nghe theo bọn nó. Tuần trước không hiểu lý do gì mà bọn nó đánh thuyền trưởng tầu Hoa Phượng Đỏ gẫy mấy răng, máu me be bét. Chúng vẫn chưa tha, còn nhét cả cứt vào mồm. Đúng là kiểu sống trong tù, chúng rất độc tài.
Vì thế dạo này tình hình xung khắc vùng, miền càng rõ nét. Kể từ hôm một đầu gấu Quảng Ninh đâm bị thương một đàn em Phong Bá Địa, Bọn lưu manh Hải Phòng càng đàn áp dân tỉnh lẻ nhiều hơn. Chúng càng tức khi không bắt được kẻ thù.
Hôm ấy kẻ đâm người đã nhanh chân chạy tới phòng cảnh sát xin đi tù, nếu không làm vậy, đầu gấu Hải Phòng sẽ giết chết hắn ngay. Bây giờ nhìn kìa, chúng từng tốp 5 thằng vác gậy đi khắp các buồng, ai ngứa mắt chúng đập luôn, không cần nói lý do.
Nhưng có một quẫy (một nhóm) toàn dân Quảng Ninh, lưu manh Hải Phòng gườm gườm không dám động tới, đứng đầu là ba anh em Lý Mạnh, Lý Thành, Lý Hiển.
Dạo này sáng sớm tinh mơ khi mọi người đang ngủ ngon thì ba anh em Lý Mạnh đã dậy ra sân luyện võ. Hôm nọ mình cũng dậy sớm, chỉ là thể thao buổi sáng bình thường thôi nhưng mắt cứ nhìn trộm anh em Lý Mạnh đi quyền.
Lý Mạnh to béo, người dân tộc sán dìu, bình thường trông hắn rất chậm chạp, chân hắn đi vòng kiềng, lạch bạch lạch bạch. Thế mà khi đi quyền hắn thành con người khác hoàn toàn. Nhanh nhẹn và chắc chắn, hắn tung chân đá gió nghe vù vù.
Việc dậy sớm luyện võ của ba anh em Lý Mạnh cũng là một thông điệp gửi tới quẫy lưu manh Hải Phòng. Và cũng là lời hiệu triệu toàn quốc chuẩn bị kháng chiến. Chống áp bức. Dân các tỉnh lẻ ba tầu Sài Gòn, Huế, họ túm năm tum ba bàn tán, họ ủng hộ anh em Lý Mạnh.
Trại dần dần hình thành hai phe, Quảng Ninh và Hải Phòng. Hải Phòng mạnh hơn, ăn hiếp dân thường, chiếm hết những vị trí lãnh đạo béo bở. Quảng Ninh yếu hơn, co cụm lại, liên kết các nhóm dân khác chờ thời cơ. Vừa mới buổi trưa hôm nay thôi, khi trời còn đang mưa to, mấy đàn em Phong Bá Địa ôm đâu về một bó toàn ống sắt, loại ống nhỏ bằng hai ngón tay, dài hàng mấy mét. Chúng cắt đầu nhọn, mài sắc thành cây giáo dài, trên gần mũi nhọn lại buộc một cái dải màu đỏ, trông y như cây giáo của quân đội thời xưa.
Mình ở cùng buồng Phong Bá Địa, có điều mình không tham gia vào chính trường, chính trị. Khoảng 5 giờ chiều, mình tản bộ sang buồng 325, buồng có Lý Mạnh. Gần đến quẫy Lý Mạnh, mình thấy trên tầng 3 một đám đông đang ngồi, hình như là hội nghị Diên Hồng, ai trông cũng ngiêm nghị, chắc là đang bàn nhau nên hòa hay nên đánh?
Không khí trong trại căng như dây đàn, góc nào cũng thấy có người mài vũ khí. Người thì dùng ống kẽm làm giáo, người thì bẻ cả khung giường làm kiếm, những thùng đựng cơm bằng nhựa được cắt ra làm lá chắn. Những miệng cống thoát nước làm bằng gang cũng bị đập ra làm đá để ném. Họ cắt những ống quần, ống tay áo làm mặt nạ.
Cả đêm hôm ấy trong trại không ai ngủ, hai nhóm Quảng Ninh và Hải Phòng đang vờn nhau như hai con hổ sắp lao vào nhau cắn xé. Cả hai nhóm đang chờ đợi xem nhóm nào ra tay trước.
Năm giờ sáng ngày hôm sau dân chúng cứ rỉ tai nhau, rồi rủ nhau chuyển buồng, tất cả dân Quảng Ninh, cùng các dân tỉnh lẻ lũ lượt khuân đồ đạc cá nhân chuyển sang buồng 324.
Buồng 324 là một buồng khá độc lập, nó được ngăn cách với buồng 325, 326, 327 bởi một hàng rào sắt, chỉ có một cửa duy nhất để đi lại với các buồng bên. Buồng 324 có Hòa Teo người Quảng Ninh, hắn làm đầu gấu buồng này. Ba anh em Lý Mạnh đã quyết định tụ lại với hắn để chống lại đám Phong bá Địa.
Thế là dân chúng tỉnh lẻ lũ lượt chuyển sang 324 theo Lý Mạnh, còn dân Hải Phòng đang ở buồng 324 thì chuyển ngược lại buồng 325, 326, 327 theo Phong Bá Địa. Ai ủng hộ chính phủ nào thì đi theo chính phủ đó.
Hình như con người ai cũng có bản năng bênh vực kẻ yếu. Cho nên mình cùng mấy anh em thân cận cũng chuyển sang buồng 324, theo Quảng Ninh. Bỏ lại cái giường nhỏ bé xinh xinh ở buồng 326, cái giường mình đã bỏ bao công trang trí trông đẹp mắt.
Trên đường đi mình gặp một bà già, một tay chống gậy, một tay dắt cháu bé chừng hai, ba tuổi, lại đèo theo bọc quần áo trên lưng, vừa đi bà vừa khóc, vừa chửi trời, chửi đất. Cha bố chúng nó, sao ở đâu cũng phải chạy giặc thế này. Hết chạy hồi năm 54 vào nam, tưởng được yên, nào ngờ phải chạy đi sang đây, rồi ở đây cũng không ổn, nay lại chạy sang 324. Ngày mai chạy đâu hở giời... hở giời…
Thật là:
Trách đời đưa chiếc lá vàng
Qua sông Bến Hải lại sang trại tù
Trời mưa ướt tấm thân gù
Co ro cháu bé không dù che thân.
.............
Chỉ trong vòng mấy tiếng buổi sáng, bao nhiêu dân tỉnh lẻ đã sang hết buồng 324, còn dân Hải Phòng cũng dồn hết về với Phong Bá Địa bên 326. Bọn Phong bá Địa bị bất ngờ, chúng chuẩn bị đánh nhau mà không hề biết âm mưu phân chia đất đai, phân chia vùng, miềncủa đám lưu manh Quảng Ninh.
Xét về chiến thuật, chiến lược thì Lý Mạnh đã thắng một trận dòn dã. Phong Bá Địa nắm quyền lãnh đạo mà không có dân thì cũng vô ích. Nhưng cũng may cho Phong Bá Địa, hắn vẫn còn lại đám dân tỉnh nhà, và một ít dân tỉnh lẻ từng được hưởng lộc của hắn.
Đúng 12 giờ trưa thì cái cổng duy nhất để đi lại giữa hai bên bị khóa chặt, bên nào cũng có lính đứng canh phòng, tay lăm lăm vũ khí, mặt hầm hầm. Từ lúc đó dân hai bên không ai được qua lại nữa, ai cố tình trèo rào, vượt biên sẽ bị đâm chết ngay.
Từ bên trại Quảng Ninh, mình thấy bên Hải Phòng đang tập hợp từng toán người, ai cũng lăm lăm thanh kiếm. Kiếm Nhật hẳn hoi, sáng loáng. Hình như chúng được viện trợ vũ khí từ ngoài tự do. Mình nghe thấy những tiếng hô lớn: Phá rào đánh sang... phá rào đánh sang... giết hết bọn Quảng Ninh... giết... giết...
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
Đã cả tuần nay, trời nắng như thiêu như đốt. Ngoài sân nền xi măng, hơi nóng bốc lên hừng hực, Ai mà quên không mang dép, nếu đi trên cái nền sân trại giữa trưa nắng thì chỉ còn đường đi viện vì phỏng chân.
Hơn hai ngàn con người, già trẻ, gái trai thuộc phân trại Quảng Ninh rúc hết vào trong một dãy nhà dài, mái cao đến cả chục mét.
Phía trên gần mái trần có lắp những cái quạt thông gió to tổ bố, chạy suốt ngày, suốt đêm. Tiếng máy chạy, tiếng gió thổi ầm ầm, cộng thêm hơn hai ngàn con người lúc nào cũng như chợ vỡ, tiếng cười, tiếng nói, tiếng đánh chửi nhau, trẻ con khóc oe oe. Trong trại không lúc nào yên tĩnh.
Nhiệt độ bên trong trại lúc nào cũng như cái chảo rang ngô.
Nóng... Nóng kinh khủng.
Nhưng trốn đâu bây giờ, cái nhà tắm chung thì lúc nào cũng chật cứng người. Ở dưới nhà chia cơm thì rộng rãi một chút. Nhưng cái mái tôn thấp lè tè. Nó mang hơi nóng mặt trời dội xuống không thể chịu nổi, lại còn mùi mắm muối gặp hơi nóng bốc lên nồng nặc.
Thế là không còn nơi nào tránh nóng, mọi người như cá trong chậu nước sắp sôi ùng ục. Đàn ông thì trần như nhộng. Ai cũng mỗi một cái quần cộc, từ già đến trẻ, chẳng ai xấu hổ, giữ kẽ.
Tội nghiệp bọn đàn bà, nóng lắm cũng chỉ cắt những bìa hộp cam làm quạt, quạt phành phạch.
Bên trong nhà có một cái phòng nhỏ, chỉ độ chục mét vuông. Phòng này để dành riêng cho nhân viên liên hiệp quốc. Chỉ có một hoặc hai nhân viên liên hiệp quốc làm ở đây.
Công việc của họ là giám sát, theo dõi, trợ giúp người tị nạn.
Mỗi buổi sáng họ từ ngoài tự do vào trại đều mang theo báo, thư từ. Mình rất thích đọc báo, khổ nỗi một chữ bẻ đôi không biết. Nhớ có lần cầm tờ báo tiếng Anh thấy trên mặt báo có nhiều chữ THE, chả biết nó là chữ gì.
Trong phòng có một phiên dịch người Việt, bác trước là đại tá, làm cho chính phủ ông Thiệu, sau giải phóng bị tù hơn chục năm, ra tù là bác đi Hồng Kông luôn. Bác tên là Tuyên, bác Tuyên.
Mình vác tờ báo đến hỏi. Bác ơi sao có nhiều chữ THE thế. Bác nói đấy là mạo từ, mình lại nghe ra là mạo tù… cứ vừa đi vừa nghĩ mạo tù... mạo tù... sao Hồng Kông lắm tù thế. Không khéo mình đến nhầm chỗ rồi, ai đời chạy trốn nhà tù, lại đến nơi nhiều tù hơn nước mình thì bỏ mẹ.
Ngoài giờ làm phiên dịch cho những người có nhu cầu nói chuyện với nhân viên Liên hiệp quốc bác Tuyên còn dịch báo, bác dịch từ báo tiếng Anh ra tiếng Việt cho bà con đọc.
Báo chí Hồng kông dạo này suốt ngày thấy đăng tin thuyền dân. Tờ báo buổi sáng hôm qua đưa tin thuyền dân Việt Nam ở trại bò (nghĩa là thuyền dân Việt nam đến nhiều quá, không có chỗ chứa, Chính phủ HK phải cho bà con tị nạn sống tạm trong những cái lều bạt trên một hòn đảo nuôi bò).
Thuyền dân ở đó cũng phân biệt miền vùng, đánh nhau. Đạt Lìn đầu gấu Hải Phòng bị đâm chết ngay trong lều. Dân Quảng Ninh kéo sập lều xuống rồi cứ thế lấy giáo mác đâm xuyên qua vải.
Chán đọc báo thì mình lại về cái khu mình ở, trèo lên tầng ba của cái giường sắt, trên đó lúc nào cũng có mấy sòng bạc, họ chơi đủ thứ để giết thì giờ, từ chơi cờ, chơi bài tây, đến chơi chắn, sóc đĩa. Thi thoảng cũng có người đánh nhau vì chơi. Thật rõ khổ.
Nhưng khổ hơn sự đó là nạn trộm cắp ban đêm. Chả là trong một nhà trại thế này, lại được chia làm nhiều khu nhỏ: khu Lý Mạnh, khu Hòa Teo, khu Bình Đẩu, khu Tú Mão. Toàn những tên lưu manh tù tội ở Việt nam sang đây làm lãnh đạo. Mỗi bọn đầu gấu lại nuôi hàng tá đàn em.
Ban đêm dân lành thì lăn ra ngủ, bọn lưu manh lại thức trắng đêm bài bạc, chơi chán thì rủ nhau đi (chân mèo), có nghĩa là đi ăn trộm.
Ban ngày chúng đi đi lại lại tăm tia, ai có vàng đeo tai, đeo tay. Nhà ai có người ngoài tự do vào thăm nuôi cho quà, cho thuốc lá, là đêm đến bọn lưu manh, tay chân của đầu gấu đến ăn cắp.
Hôm nọ có bà dấu vàng vào tận chim. Thế mà không hiểu sao bọn chân mèo nó biết. Đêm nó chờ cho ngủ say, lấy kéo cắt toạc cả quần trong, quần ngoài. Lấy hết vàng, còn cảnh cáo cái tội giấu vàng, bằng cách bơm thuốc đánh răng vào đầy chim.
Sáng dậy thấy mất của, tiếc, chửi ầm ĩ. Cứ dóng mồm... Cha bố thằng chân mèo, ăn máu ăn mủ bà... mày liếm mày không liếm... mày chơi mày không chơi... mày bôi cái của bố mày vào bà làm bà mơ tiên... làm bà sướng hụt.
Tối hôm sau bọn lưu manh hất cứt đầy vào nhà, cứt đái dính be bét khắp quần áo. Đấy là cảnh cáo cái tội gây mất trật tự nơi công cộng.
Nạn trộm cắp hoành hành mà không ai dám nói, không ai dám kêu. Mấy ông nhà báo, mấy ông nhà văn ở Việt Nam sang đây thấy ngang tai chướng mắt. Ngứa bút, viết mấy bài lên án tội trộm cắp dán trên tường. Bị bọn lãnh đạo gọi lên tầng ba huấn thị, mỗi ông ăn mấy bạt tai xanh cả mắt.
Hôm sau trên tường người ta thấy bài viết mới, sặc mùi ca ngợi lãnh đạo trại. Nào là tài tình sáng suốt, nào là công minh chính đại, nào là trong trại được tự do ngôn luận, ai muốn nói sao thì nói, lãnh đạo tôn trọng ý kiến cá nhân.
Có người sợ vãi đái còn làm ngay một bài thơ ca ngợi nhóm đầu gấu lãnh đạo trại.
Lãnh đạo trại đã cho ta một mùa xuân...
đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng
Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi...
đã đem về mùa xuân cho...
Nói thật là lúc ấy mình đọc song bài thơ thấy cay mũi, vừa buồn cho số phận người tị nạn, vừa tức thằng cha nào viết bài thơ ca ngợi mấy thằng lưu manh vô học, người không ra người, thú không ra thú. Chỉ được mỗi cái chiến công là đã từng đi tù lâu năm.
Bọn tù tội, lưu manh sang Hồng Kông, sống trong trại đúng là gặp đất để phất. Vì trên chúng chẳng có ai để mà sợ, Liên hiệp quốc chỉ là bù nhìn, chúng lại không đi chùa, không tin đạo, chẳng sợ lương tâm, lương tháng dằn vặt. Cảnh sát Hồng Kông chỉ đứng canh bên ngoài hàng rào. Bên trong hàng rào chúng nó là tướng, là tá.
Dân lành thì yếu bóng vía, ở Việt Nam thì chăm đi chùa, đi đạo. Chính phủ bảo đi B thì đi B, bảo oánh thì oánh. Hết đánh nhau, chính phủ bảo đi kinh tế mới thì đi kinh tế mới. Bảo đi ra đảo Trường Sa thì đi Trường Sa.
Bây giờ sang trại cấm lại phải nghe mấy thằng tù tội. Văn hay chữ tốt, đạo đức hiền lành không giết được bọn lưu manh. Mà giống đời không thắng được thù thì phải coi thù như bạn, phải chấp nhận sống hèn, chứ dở dở ương ương mất mạng như chơi.
Nhưng nói thật, nếu mình là mấy tay nhà văn, nhà báo kia, thà mình ngồi im không viết gì như Trần Dần ở Việt nam còn sướng hơn là đi ca ngợi kẻ thù mình. Thật không còn tý nào là liêm sỉ.
Trời thì nóng, mỗi ngày mình chạy vào nhà tắm không dưới 5 lần. Chạy vào để cả quần cộc xối nước vào đầu, vào người cho mát.
Nhưng để vào nhà tắm người ta phải đi qua cái sân nóng như lửa, lại còn sợ pháo kích từ bên trại Hải Phòng bắn sang. Đạn pháo là những cục gang được đập vỡ từ những miệng cống quanh trại.
Vừa mới hôm qua hai mẹ con người Huế đi tắm đêm, đang đi ngang qua sân đến nhà tắm nữ thì bị ăn trọn một viên 105 li từ bên Hải Phòng bắn sang. Khổ cái là đạn nó không có mắt, cho nên không cứ dân tỉnh nào, ai xấu số phải chịu thôi.
Bên Quảng Ninh vội phản pháo, bắn bừa bắn ẩu mấy loạt rồi thôi.
Hai bên vẫn rất căng thẳng, Bên Quảng Ninh dân ít hơn bên Hải Phòng, nên mọi người đều có lệnh tổng động viên. Nếu Hải Phòng phá rào đánh sang thì tất cả già trẻ, gái trai đều phải tham gia kháng chiến.
Những ngày này các bà, các mẹ hễ ăn cơm xong là ngồi cắt những cái quần, cái áo, khâu lại thành cái áo trấn thủ cho chồng, cho con.
Còn những thanh niên trẻ thì miệt mài chế tạo vũ khí. Có người còn dùng kìm cộng lực, cắt dây thép gai làm mũi tên. Họ chế tạo súng bắn tên rất hiện đại. Nếu ai xấu số bị một mũi tên vào người thì chắc chết.
Hôm chế tạo xong súng bắn tên, họ gửi ra ngoài tự do dự triển lãm, được bên ngoài đánh giá cao thành tích sáng kiến.
Anh em bạn bè của bọn đầu gấu sống bên ngoài tự do còn viện trợ vũ khí, viện trợ thuốc men, thậm chí viện trợ cả hê rô in. Tất cả các thứ viện trợ từ bên ngoài đều được cho không, bên trong trại cấm không cần hoàn lại.
Những chiến sĩ dũng cảm như Hùng Chột. Long Tấn Quỷ, Dũng Điên, Hải Sẹo... Ai ai cũng được trang bị một thanh kiếm Nhật sáng loáng, thanh kiếm sắc như nước, nếu ngửa thanh kiếm lên để sợi tóc rơi xuống chạm lưỡi kiếm là đứt đôi sợi tóc.
Phải nói kiếm Nhật rất lợi hại. Hồi mới tới Hồng Kông, vừa ngày hôm trước, hôm sau, nghe tin bên trại tự do có giết người ở tổ nấu cơm. Tay nấu cơm người Cửa Ông dùng kiếm Nhật, chém đứt cổ người cùng làm chỉ vì xích mích rất nhỏ.
Chỉ một nhát kiếm đi ngang, đầu lìa khỏi cổ lăn lông lốc trên nền xi măng sân trại.
Bên trại Hải Phòng còn được trang bị vũ khí nhiều hơn, và có quân đội chính quy nhiều hơn. Bằng chứng là hôm chủ nhật, bên Hải Phòng tổ chức họp mít tinh toàn trại. Có cả cờ quạt, khẩu hiệu. Rồi có cả duyệt binh hẳn hoi. Cuộc duyệt binh đó chắc là để uy hiếp tinh thần quân và dân Quảng Ninh.
Kể từ hôm phân chia đất đai, hai bên đều tập trung củng cố lực lượng. Chưa có trận đánh lớn nào, chỉ có mấy trận lẻ tẻ của Hùng Chột bên Quảng Ninh, hắn cùng bộ hạ trèo lên mái bếp nhà trại bắn đạn pháo 105 li sang sân Hải Phòng làm bị thương mấy người già và trẻ con.
Thật tội nghiệp những người vô tội.
Bây giờ đang là 12 giờ trưa, nắng như đổ lửa, trong nhà hầm hập hơi người, hơi nóng. Ngoài sân vắng teo, không một bóng người. Chỉ có thi thoảng một bóng A Sề (cảnh sát coi tù) đi dọc hàng rào trại.
Họ đi kiểm tra xem có ai phá rào trốn trại không. Chứ họ đâu có quan tâm đến tình hình trong trại. Sống, chết ra sao kệ bố mày.
Bỗng mình thấy tay lính gác cổng biên giới giữa hai trại người Huế chạy vào buồng hô lớn... Bọn nó tấn công... Bọn nó tấn công…
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
Ngày mình sang trại 324, giường mình ở gần giường một tay tên Sơn. Nhưng mọi người trong trại lại gọi hắn là Sơn Ca. Người ta gọi thế bởi hắn dẻo mỏ lắm, hắn nói chuyện rất duyên, các bà các cô mà nghe hắn nói chuyện thì chỉ còn nước, mắt chữ A mồm chữ O, rồi từ từ ngả bàn đèn mời hắn xơi.
Nhưng không hiểu sao cũng có bà cho hắn chơi rồi lại chửi hắn. Có hôm mình chứng kiến có bà chửi hắn mặt L.. chỉ nói sạo, nói thì hay mà làm thì dở ẹch, chưa đến chợ đã hết tiền, không bõ công bà tụt quần.
Hắn cao to, da trắng như tây. Nhìn hắn đàn ông cũng thích chứ chẳng cứ đàn bà.
Nghe hắn kể. Ở Việt nam, hắn làm công an giao thông Thành phố H-C-M. Ấy là thời vàng kim. Hắn nói ngày ấy cấp trên khoán cho hắn mỗi tháng phải nộp một cây vàng, rồi muốn làm gì thì làm.
Hắn tiêu tiền như rác, các bến xe miền đông, miền tây, xe vận tải hành khách, xe vận tải đường bộ, tất cả phải nộp tiền nuôi hắn.
Hắn như vua con, đi đâu cũng có em út theo cả tá. Tiền nhiều tiêu không hết, hắn ném vào cờ bạc. Nào ngờ hắn thua hết, chỉ trong hai tuần bao nhiêu tiền hắn ki cóp không cánh mà bay.
Hắn bán hết những gì hắn có để trả nợ con bạc, hai tháng liền hắn không nộp đủ tiền cho cấp trên. Hắn bị kỷ luật chuyển công tác. Từ đó hắn bị ngồi tại văn phòng, suốt ngày ở nhà làm sổ sách, thế là ăn cám.
Đang tiêu tiền như rác, nay ngồi trong văn phòng tù túng, không tiền, hắn không chịu nổi.
Trong một đêm hắn khoác áo công an, đeo súng ra đường chặn xe xin tiền. Bị phát hiện, hắn bị đuổi khỏi ngành. Thế là hắn tìm đường đi Hồng Kông.
Ấy là hắn nói thế, ai tin thì tin, còn thực hư thế nào bố ai mà biết. Trong cái đám dân hổ lốn này thiếu gì ăng ten làm cho cục an ninh Việt Nam.
Trại mấy ngìn con người hắn nổi tiếng là dâm dê, mà kể cũng lạ, bà vợ hắn không hề ghen, mỗi lần biết chuyên, mụ vợ chỉ nhổ một bãi nước miếng đánh… rẹt.
Hắn chuyên đi nhìn trộm phụ nữ tắm, chả là trong trại, buồng tắm nam và nữ chỉ cách nhau một tấm tôn mỏng, ai đó đã đục thủng một lỗ nhỏ gần trên trần buồng tắm.
Có hôm đi tắm, mình bắt gặp hắn đang kiễng chân trên ghế, chả biết hắn có nhìn thấy gì không, mà mắt thì cứ rán vào cái lỗ nhỏ tí, tay hắn thì cầm lấy chim xoa xoa, mồm hắn rên rỉ... sướng.. sướng... ui giời ơi sướng sướng.
Bất ngờ hắn nhẩy xuống ghế, mặt tái mét , người run cầm cập. Mình hỏi sao... sao...
Hắn nói bà xã... bà xã đi tắm... tôi nhìn thấy... của… bà xã tôi...
Thì sao... thế ông không nhìn thấy của bà xã ông bao giờ à? Mình hỏi hắn.
Hắn nói... Không... không, nếu tôi nhìn tôi bị xúi lắm, nhìn ai thì không sao, nếu nhìn của bà xã thì nhất định bị xúi... xúi… tôi đã bị xúi nhiều rồi.
Nghe hắn kể mình mới hiểu. Ngày ở Việt Nam, đêm nằm với vợ làm gì thì làm, cấm nhìn, nếu hôm nào hắn nhìn cái của vợ hắn, thì y như ngày hôm sau có chuyện, không bị kỷ luật, cũng bị viết kiểm điểm. Ít thì cũng bị cấp trên gọi nên chửi bới về chuyện gì đó.
Hắn nói hôm nay nhìn thấy cái của vợ, ngày mai, ngày mốt nhất định có chuyện. Người hắn vẫn còn run... run... không biết run vì rét hay run vì sợ cái xúi nó đến mà chim hắn biến đi đâu, chả thấy gì.
Hắn nói... Trong chăn mới biết chăn có rận, làm trong ngành công an giao thông mới biết nó khổ như thế nào, cứ nhìn thấy cái của vợ đêm trước thì ngày sau phải nhìn thấy mặt sếp. Cho nên nhiều khi đi họp phải nhìn mặt sếp lại thấy cái L… của vợ.
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
Cả trại Quảng Ninh nhốn nháo khi nghe tin bên Hải Phòng bắt đầu phá rào đánh sang. Bấy giờ đang giữa trưa ngày hè tháng tám. Bên ngoài nắng như đổ lửa. Bên trong thì nóng như cái hầm.
Mình đương ở trần, ngồi chơi cờ trên tầng ba với mấy anh em. Nghe tiếng báo động, ai cũng hốt hoảng. Ngoài sân, Hải Phòng đang nã pháo 105 li tới tấp, những quả đạn gang bay vù vù, chúng rơi xuống nền xi măng xì khói, toé lửa. Có cả những trái đạn bắn quá mạnh, vượt hàng rào ra ngoài phố.
Cái hàng rào bằng tôn 3 li ngăn cách hai phân trại đang bị bên Hải Phòng đập phá rầm rầm. Tiếng hò hét của mấy ngàn con người vang trời, vang đất. Ai cũng gươm giáo sáng loáng, khí thế tiến công hừng hực.
Phong Bá Địa cởi trần, tay kiếm tay lá chắn đi đi lại lại hò hét... giết... giết… Đám đàn em thì hì hục quai búa phá hàng rào.
Phải công nhận những thứ đồ làm ở tư bản tốt hơn ở nước mình. Cái hàng rào trông mỏng manh là vậy mà mấy chục người lực lưỡng phá mãi không xong. Tiếng búa đập vào tôn, vào cọc sắt kêu chan chát chói tai. Hàng rào vẫn đứng sừng sững, họ chỉ có thể phá một lỗ chứ không thể làm đổ được hàng rào.
Bên phân trại Quảng Ninh mọi người chạy ngược, chạy xuôi như kiến vỡ tổ. Lý Mạnh đầu trần chân đất, tay kiếm lăm lăm vừa đi vừa hô lệnh tổng động viên. Theo lệnh thì ai cũng phải có vũ khí, ai cũng phải tham gia đánh giặc. Hắn tuyên bố: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Ai có gươm dùng gươm. ai có giáo dùng giáo. Ai không có gươm giáo thì dùng gạch, đá.
Những người già yếu, bệnh tật, con nít được đưa về tuyến sau. Đó là khu sau cùng của nhà trại.
Những chiến sĩ dũng cảm như Hoà Teo, Bình Vẩu, Tú Mão, Công Ma Đói, Hùng Chột, ai cũng lăm lăm tay kiếm, tay giáo dẫn đầu toán quân của mình tiến lên phía trước. Án ngữ các cửa ra vào.
Không khí chiến tranh đã đến, mùi máu đã đến. Có người mới nghe thấy tiếng phá rào đã vãi cả đái, kéo kín màn gió nhà mình chắp tay khấn trời khấn phật, cứ vái như tế sao.
Nhưng cũng có những người rất dũng cảm. Họ sẵn sàng hiến dâng căn nhà nhỏ bé của họ cho cuộc kháng chiến. Họ phá ra để lấy những khung sắt làm gậy tầm vông, những thanh sắt mỏng hơn làm kiếm.
Một ông già người Quảng Bình vừa dùng kìm tháo giường nhà mình vừa khóc. Ông nói: Ngày chiến tranh đánh Mỹ ông đã rỡ nhà làm cầu cho xe bộ đội chở đạn vượt qua hố bom, nay ông lại phải rỡ nhà làm vũ khí.
Mình và mấy anh em đi cùng thuyền cũng được trang bị vũ khí. Mỗi người một thanh kiếm, làm bằng những thanh sắt mới tháo ra từ giường của mình. Anh Hà đang dùng cái khăn mặt quấn vào thanh sắt làm cái cán cầm cho khỏi đau tay. Hôm trước mấy anh em cứ hì hục mài mài giũa giũa, kể cũng sắc ra phết.
Mình cầm thanh kiếm của anh ngắm nghía. Chà chà... Đâm như thế nào nhỉ, sao đâm cho có hiệu quả chứ, ngày trước trong trường phổ thông không ai dậy môn đánh kiếm, đánh giáo.
Có lúc cứ tưởng tượng quân địch chạy thẳng vào mình, hai hay ba thằng gì đó. Tay lăm lăm kiếm Nhật, một thằng chạy trước gặp mình, hắn vung kiếm định chém ngang cổ.
Bấy giờ mình sẽ bắt chước Checmen, một anh hùng trong phim Liên Xô. Nhảy sang một bên, hơi cúi xuống, xoay người thọc một nhát thẳng vào bụng bên trái hắn,... Chết cha mày chưa... Không biết tao là anh hùng à. Rồi mình sẽ được thưởng huân huy chương, cái huân chương nào cũng đỏ ối trước ngực. Rồi được lên chức đầu gấu... Khối em mê... con gái cứ chạy theo mỏi cẳng... Rồi mình sẽ chọn em nào đẹp nhất... hi...hi…
Nghĩ đến đấy tự nhiên thấy mỉm cười, thì ra chiến tranh cũng mang lại khối lợi lộc cho kẻ chiến thắng. Trong chiến tranh càng giết được nhiều người càng nhiều huân chương. Gia đình, anh em càng vinh dự.
Không biết ở Việt Nam ngày trước, mỗi huân chương được đổi bằng bao nhiêu mạng người? Còn ở đây Lý Mạnh đã nói: ai giết được một người, hoặc làm bị thương một người thì được thưởng một bao thuốc lá.
Mà biết làm sao tránh được cảnh giết nhau, đã lâm trận mình không giết nó, thì nó giết mình. Cũng như ngày xưa, ta không giết giặc thì giặc giết ta.
Bên ngoài hàng rào, Hải Phòng đã phá được một lỗ, họ đang làm cho nó to hơn. Đạn 105 li vẫn câu sang tới tấp để yểm trợ cho phá rào.
Quảng Ninh phản pháo ít hơn, theo lệnh cấp trên, họ phải để dành đạn.
Hơn một tiếng đồng hồ, cuối cùng Hải Phòng đã phá một lỗ to tướng. Phong bá Địa dẫn đầu đoàn quân tiến vào sân Quảng Ninh, vừa mới vào được mấy bước bị bên Quảng Ninh bắn đạn tới tấp như mưa rào. Phong Bá Địa tay kiếm, tay lá chắn vẫn lừ lừ tiến tới.
Phải nói hắn rất dũng cảm, y như anh hùng Lê Mã Lương trong trận Khe Sanh năm 72 đánh Mỹ. Hắn không hề sợ chết, tả đột hữu xông nhanh như cướp.
Ban đầu Lý Mạnh định giáp lá cà, đánh áp đảo. Nhưng thấy quân Hải Phòng mạnh quá nên thay đổi chiến lược.
Quân chính quy được rút hết về án ngữ tại ba cửa chính, dùng chiến thuật đánh du kích, bảo toàn lực lượng.
Ba anh em Lý Mạnh án ngữ cửa chính, Bình Vẩu lãnh đạo một đội quân án ngữ cửa thông xuống bếp. Hoà Teo cầm một đội quân chặn cửa hậu. Hùng Chột lãnh một đạo quân tiếp ứng cho cả ba phía, bên nào cần tiếp viện sẽ có Hùng Chột.
Ngoài sân, quân Hải Phòng đã tràn đầy như kiến. Họ dàn hàng ngang, ai cũng hừng hực khí thế, gươm giáo tua tủa.
Rồi từng hồi đạn gang, đá bắn vào hai bên thành cửa, va vào tôn nhà kêu chan chát. Một vài người đã bị thương, đang được đưa về tuyến sau cho các bà, các cô băng vết thương.
Long Tấn Quỷ người Cửa Ông bị dính một viên vào đầu, máu chẩy dòng dòng. Vợ hắn xé áo băng vết thương cho hắn, đầu hắn trắng <a name="VNS0006">xoá, máu vẫn chẩy... mặc... hắn lại cầm giáo tiến lên đầu hàng quân.
Khoảng 3 giờ chiều Hải Phòng ngừng bắn pháo. Họ bắt đầu tổ chức các cuộc tấn công giáp lá cà. Đợt đầu khoảng hơn năm trăm người ào ạt tiến thẳng vào cửa chính.
Ba anh em Lý Mạnh phản công quyết liệt, đạn pháo huy động tối đa, Pháo bắn như mưa. Quân Hải Phòng người thì bị vào đầu ngục ngay tại cửa, người thì bị vào chân, tay. Máu chẩy be bét, tiếng la hét ôi ối.
Gần một tiếng, hai bên cứ xông lên lại lùi, xông lên lại lùi. Cuối cùng Hải Phòng phải tạm nghỉ. Quân đội được đứng dọc bờ rào tránh nắng, tránh đạn bắn tỉa từ phía Quảng Ninh.
Trong trại Quảng Ninh mọi người thu dọn chiến trường, chuẩn bị cho trận tấn công mới.
Lúc này cảnh sát Hồng Kông đã bao vây kín bốn xung quanh trại. Họ đã đến từ buổi sáng, khi họ thấy Hải Phòng chuẩn bị phá rào. Nhưng họ không vào trại, không can thiệp. Bây giờ mục đích của họ là không cho thuyền dân chạy trốn ra ngoài phố. Họ cứ để mặc cho dân Việt giết dân Việt.
Trên trời tiếng máy bay trực thăng bay phành phạch, không biết ở đâu ra mà nhiều thế, bốn năm cái, có cả máy bay quân đội, chúng cứ vòng đi vòng lại, mấy cái máy bay của dân sự thì bay sát nóc nhà chụp ảnh, quay phim.
5 giờ chiều bất ngờ Hải Phòng lại tấn công, lần này chúng tập trung hết lực lượng, ào ạt tiến vào cả ba cửa. Tại cửa chính Lý Mạnh đánh rất anh dũng, quân Hải Phòng không làm sao tiến vào được. Tại cửa giữa, Hải Phòng đánh bật Bình Vẩu lui về phía sau. Ở đây tận chiến rất gay go, Hùng Chột tiếp viện hơn một trăm quân giành giật từng thước đất, từng góc nhà. Các bà mẹ viện trợ kịp thời những chai dầu bọc vải đốt khói mù mịt ném ra cửa. Hải Phòng không biết đâu là ta, đâu là địch.
Cuối cùng Bình Vẩu và Hùng Chột đã lấy lại được cổng giữa, Hải Phòng bị đánh rát quá phải rút quân.
Trong khói lửa mù mịt, Lý Mạnh phong cho Bình Vẩu cái tên mới. Đó là đại tướng Ngô Quang Trưởng... Tướng Ngô Vẩu. Mấy người ba tầu quận Năm nói ngọng cứ gọi Ngô Cẩu... Ngô Cẩu (CẨU... tiếng Tàu là chó). Thế mới chết chứ, may mà tướng Ngô Quang Trưởng Bình Vẩu không biết tiếng Tầu, mới nị cả đời hắn đi tù suốt, làm gì có đến trường.
Trời sẩm sẩm tối thì Hải Phòng rút quân về trại mình, để lại bên sân trại Quảng Ninh gạch đá ngổn ngang, máu me be bét khắp sân. Trong trại giường chõng gẫy nát, khói bụi mù mịt, người khóc, người cười ầm ĩ.
Quảng ninh do sử dụng chiến thuật đánh du kích nên bị thiệt hại ít hơn Hải Phòng. Họ chủ yếu lợi dụng những góc nhà, cánh cửa, góc giường đánh bật Hải Phòng.
Khoảng hơn chục người bị thương đang rên rỉ, chỉ có hai người bị giáo đâm xuyên qua bụng, một người ngất xỉu, người kia lấy bát úp vào vết thương để ruột không lòi ra ngoài.
Mấy bà già đang băng lại vết thương cho mấy người bị nhẹ hơn. Ai cũng cầu mong cảnh sát Hồng Kông vào nhanh để đưa những người này đi viện.
Bên ngoài cảnh sát Hồng Kông bắt đầu vào đầy sân, có người chửi... Mẹ bọn chó... nó để người ta đánh nhau chết nó mới vào can thiệp.
Cảnh sát dùng loa gọi hết mọi người ra sân ngồi thành hàng, ai đi ra cũng phải đưa hai tay lên đầu, đàn bà, trẻ nhỏ ngồi sang một bên. Đàn ông, không phân biệt già trẻ, tất cả ngồi sang một bên. Ai đi ra mà lớ ngớ là ăn dùi cui ngay.
Sau khi tất cả đã ra ngoài sân, chỉ còn lại những người bị thương không đi được. Những chiến sĩ dũng cảm cũng ở lại trong nhà trại.
Cảnh sát họ vào khiêng đi hơn chục người bị thương, có cả những người sắp chết vì bị thương nặng.
Bên ngoài họ kiểm tra hễ ai có vết máu trên người là họ bắt đi, kết quả bên Quảng Ninh hơn năm mươi người bị bắt. Họ được chuyển sang trại khác, một số ít thì bị bắt vào tù. Thực ra là họ được chuyển từ trại tù này sang trại tù khác.
Mình và đám anh em đi cùng tầu may mắn không ai bị chuyển trại. Cánh cửa thông thương hai trại vẫn bị khoá chặt, ngay đêm đó, họ cho người vào hàn lại lỗ thủng hàng rào.
Ngoài trời đêm đã xuống. Mặt trời đã tắt từ lâu. Một mình mình lang thang bên cạnh cái lỗ rào vừa được hàn lại kín mít.
Không biết cái lỗ hàn này thọ được bao lâu, vì bên kia, bên sân Hải Phòng, Phong Bá Địa vẫn không bị chuyển trại. Hắn đang đi gần hàng rào, miệng chửi bới om sòm.
Những hàng rào thép gai cao vượt cả chục mét che hết ánh sáng. Trời phố Hồng Kông nhiều đèn sáng thế mà trong trại vẫn tối đen như mực.
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn