(ĐTCK) “Nam La hầu - Nữ Kế đô”, rồi “Thái bạch đi sạch cửa nhà” là sự ám ảnh mỗi khi năm mới vừa tới. Vậy những hạn tuổi này là như thế nào và việc cúng dâng sao giải hạn có thực sự hiệu nghiệm. Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ nhà phong thủy Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Điều hành Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương.
Ngoài việc đi chùa đầu năm, tham gia lễ Cầu An như một phong tục tốt đẹp của người Việt, thì việc đăng ký dâng sao giải hạn cũng được các gia đình chú trọng.
Tuy nhiên, từ một phong tục dân gian, càng ngày, chúng ta lại càng sa đà vào một hủ tục mê tín “Dâng sao giải hạn” tại đền, chùa mỗi dịp đầu năm.
Dân gian đồn rằng, nam giới tuổi gặp sao La Hầu, nữ giới tuổi gặp sao Kế Đô là hạn rất nặng, cần phải dâng sao giải hạn và làm hình nhân thế mạng mong cho tai qua nạn khỏi.
Thế nên, cứ vào tháng Giêng, các đền, chùa lại đông nghịt các “mê chủ” đến làm lễ. Có người sau khi làm lễ xong, cả năm không gặp chuyện gì thì họ coi việc làm dâng sao giải hạn là ứng nghiệm và đem lại hiệu quả. Người dâng sao giải hạn rồi mà vẫn gặp hạn thì được những người tự nhận là “người nhà Thánh”, “người nhà Phật” trách móc rằng làm không đúng, không đủ hoặc là cần làm thêm các khóa lễ khác để giải hạn.
Vậy sự thật ở đây là gì?
Người viết khẳng định rằng: Trong Phật giáo không có khóa lễ "Dâng sao" và "Cắt sao". Việc lập đàn dâng sao, cắt sao có nguồn gốc từ Đạo giáo và thường do các đạo sĩ thực hiện.
Trong các bộ môn lý học dùng để dự đoán trước số mệnh của con người như Tử Vi, Tử Bình của Đông phương hoặc đối với phương Tây là Chiêm tinh học, thì việc đưa ra một lá số dựa trên cơ sở giờ - ngày - tháng - năm sinh và khi đã có lá số thì việc luận đoán vận hạn lại phải dựa trên một tập hợp rất nhiều các sao.
Việc luận đoán vận hạn của 1 năm mà dựa trên ý nghĩa của 1 sao thì không thể chính xác. Cửu tinh trong cách tính hạn hàng năm là: La Hầu, Kế Đô, Thái Dương, Thái Âm, Thủy Diệu, Thái Bạch, Vân Hán, Mộc Đức và Thổ Tú.
Theo đó, các sao này theo cách tính tuổi sẽ có ảnh hưởng tốt xấu tới cuộc sống của con người. Chẳng hạn, người ta cho rằng, nam giới với tuổi âm lịch là 10, 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82, còn nữ giới với tuổi 15, 24, 33, 42, 51, 60, 69, 78, 87 gặp hạn "sao" La Hầu và nên đề phòng những tai nạn có thể xảy ra trong tháng Giêng và tháng 7 Âm lịch.
Hạn sao Kế Đô xảy ra khi nam giới ở độ tuổi 16, 25, 34, 43, 52, 61, 70, 79, 88, còn nữ giới ở độ tuổi 10, 19, 28.
Theo các tài liệu cổ, thì Đạo giáo có rất nhiều ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo, trong đó có các bộ môn Chiêm tinh của người Ấn Độ. Trong các tài liệu cổ, chúng ta sẽ tìm thấy các định nghĩa về sao La Hầu và Kế Đô từ Chiêm tinh vệ đà của người Ấn Độ, trong đó cửu tinh, hay cửu diệu mà chúng ta đều biết chính là:
1) Thái Dương = MặtTrời
2) Thái Âm = Mặt Trăng
3) Thủy Tinh/Thủy Diệu = sao Thủy
4) Kim Tinh/Thái Bạch = sao Kim
5) Hỏa Tinh/Vân Hớn = sao Hỏa
6) Mộc Tinh/Mộc Đức = sao Mộc
7) Thổ Tinh/Thổ Tú = sao Thổ
8) La Hầu = ảo tinh là điểm giao cắt phía Bắc
9) Kế Đô= ảo tinh là điểm giao cắt phía Nam
Tương ứng với 9 sao trong bộ Navagraha của Chiêm tinh vệ đà:
1) Surya Deva = Mặt Trời
2) Chandra = Mặt Trăng
3) Budha=sao Thủy
4) Shukra= sao Kim
5) Mangala=sao Hỏa
6) Guru =sao Mộc
7) Shanisao Thổ
8) Rahu = La Hầu
9) Ketu = Kế đô
RAHU - La hầu và KETU - Kế đô là hai từ nguyên gốc được phiên âm từ tiếng Phạn, còn trong Chiêm tinh học Tây phương, thì La Hầu là Nouth node, Kế đô là South Node.
Đây là hai ảo tinh, tức là không phải là ngôi sao hay hành tinh nào, mà là điểm giao cắt theo tọa độ phẳng giữa quỹ đạo chuyển động của Mặt Trăng và Mặt Trời, trong đó La Hầu là điểm giao cắt phía Bắc và phía Nam là Kế Đô.
Cửu tinh theo Navagraha là một khái niệm của thiên văn học và chiêm tinh học Ấn Độ. Graha (từ tiếng Phạn gráha - nắm giữ, cai quản) là những vị thần vũ trụ cai quản và ảnh hưởng tới đời sống của vạn vật, là những đứa con của mẹ Đất Bhumidevi.
Với người Ấn Độ, thì vũ trụ được cai quản bởi các vị thần và vạn sự tốt xấu đều do các vị thần này tạo ra. Do đó, cầu xin điều tốt từ các vị Thần là xuất phát từ tín ngưỡng của người Ấn Độ, vì đối với Chiêm tinh học của phương Tây, toàn bộ 7 sao của Chiêm tinh Ấn Độ chính là các hành tinh trong hệ mặt trời và hai ảo tinh là La Hầu và Kế Đô.
Việc lập ra chiêm tính số hàng năm nhằm xem xét vị trí tương tác giữa các hành tinh để nhận định việc tốt xấu bao gồm tổng hợp các góc chiếu của tất cả các sao và vị trí của nó trong 12 cung hoàng đạo.
Độc giả có thể nhận thấy từ hình ảnh một lá số chiêm tinh vô cùng phức tạp. Để có được dự đoán chính xác nhất, phải đánh giá rất nhiều tính chất của các hành tinh và vị trí của nó trong hệ mặt trời. Những vị trí và tác động của các hành tinh có tác động và ảnh hưởng trực tiếp lên trái đất và cuộc sống của con người.
Các bộ môn khoa học cổ như Chiêm tinh hay Tử vi, Tử bình, Phong thủy dựa vào đó để dự báo, tiên tri trước những sự việc tốt, xấu có thể xảy ra, chứ không tuân theo tín ngưỡng nào.
Vì thế, chúng ta không thể cúng để cầu xin may mắn từ sao Mộc hay Mặt Trời, cũng như không thể "cắt sao giải hạn" của Sao Kim hay sao Thổ đang bay trong vũ trụ.
Quy luật tự nhiên không phải là tín ngưỡng và ngược lại, tín ngưỡng phải tuân thủ theo quy luật tự nhiên. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ ràng giữa tín ngưỡng tôn giáo và tiên tri khoa học để tránh đi vào con đường của sự mê tín.
Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Điều hành Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương