Jump to content

Advertisements




Ngũ Ngôn Độc Bộ - Thiên Khánh bình chú


62 replies to this topic

#16 ThienKhanh

    Pro Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1397 Bài viết:
  • 2274 thanks

Gửi vào 10/04/2017 - 03:20

Câu 9: 乙木生居西,莫逢全已丑;富贵坎离宫,贫穷申西守

Ất mộc sinh cư Dậu, mạc phùng toàn Tỵ Sửu; phú quý Khảm Ly cung, bần cùng Thân Dậu thủ.
(Mệnh Ất sinh tháng Dậu, không nên gặp thêm toàn Tỵ Sửu trong nguyên cục; muốn xem phú quý thì chọn cung Khảm, cung Ly; muốn xem bần cùng thì nhìn cung Thân, cung Dậu)

Nếu ở câu 8 tác giả dùng cách cục Âm Nhật Triều Dương để giới thiệu vấn đề ngũ hành minh ám, thì ở câu 9 này, tác giả đề cập đến một loại hình minh ám khác, dễ nhận biết và ứng dụng hơn: nhân nguyên tàng chi.

Đầu tiên lại xem bố cục bát tự được đem ra làm ví dụ cho câu 9 này: vẫn là mệnh mộc, mà ở đây là Ất mộc, sinh tại tháng Dậu.

“Ất mộc sinh cư Dậu, mạc phùng toàn Tỵ Sửu”: Ất mộc sinh tháng Dậu kim vượng, tức Sát trọng, tức Ất mộc thất lệnh. Lúc này sợ địa chi lại toạ thêm Tỵ Sửu, hình thành tam hợp Tỵ - Dậu - Sửu kim cục, Sát quá trọng mà thân quá nhược. Ất mộc là âm can, nếu có thể tòng Sát thì cơ bản có thể được xem là quý mệnh, nếu không thể tòng Sát thì có nghĩa bát tự có tám chữ mà đã có hết ba chữ là kỵ thần thì xấu. Chưa kể nguyệt chi Dậu là trung thần của tam hợp Tỵ - Dậu - Sửu, tức kim cục hợp đến nguyệt chi, là hợp đến cung bào (anh em), môn hộ (gia đạo), và tuỳ bố cục có thể xem là cung phụ mẫu. Mệnh như vậy thì gia đạo không yên ổn, quan hệ với anh em và tuỳ trường hợp là bạn bè, hay cha mẹ không giúp ích được cho sự nghiệp.

“Phú quý Khảm Ly cung”: đây là cách giải cứu cho mệnh ở trên. Mệnh Ất sinh tháng Dậu thì thường là thân nhược Sát trọng, vậy dùng ngũ hành đại pháp (ngũ hành sinh khắc chế hoá) để đưa bát tự về trạng thái cân bằng hơn. Mộc nhược bị kim tổn thì có thể dùng thuỷ thông quan tiết kim sinh mộc, hoặc có thể dùng hoả chế kim cứu mộc.

Cách thứ nhất dùng thuỷ thông quan là thường lý, tức tổn cái có dư mà bù cái không đủ (trong trường hợp này là dùng thuỷ tiết vượng kim, sinh nhược mộc).

Cách thứ hai dùng hoả là biến lý, còn gọi là phản cục; cụ thể ở đây chính là cách cục Tử năng cứu mẫu (con có thể cứu mẹ) được Trích Thiên Tuỷ đề cập. Mộc sinh hoả thì mộc là mẫu (mẹ), hoả là tử (con). Mộc mẹ bị kim tổn, lấy hoả con chế kim thì kim không thể tổn mộc được nữa. Vậy là Tử năng cứu mẫu. Tuy nhiên việc sử dụng biến lý như lấy độc trị độc, cần phải hết sức cẩn thận, nếu không sẽ rơi vào trường hợp hoả kim tương chiến mộc t*o ương. Tại sao là hoả kim tương chiến thì mộc t*o ương? Đó là vì mộc sinh hoả vốn là mộc bị tiết khí, kim lại khắc mộc vốn là mộc bị hao tổn. Bây giờ kim hoả gặp nhau mà chiến thì hoả kim đều động, đã động thì biến; vậy hoả càng có lực tiết mộc, kim càng có lực tổn mộc. Mộc vốn đã nhược, nay lại bị tiết, bị hao thêm thì hung.

Vậy khi nào có thể sử dụng phản cục? Đây là một phần rất quan trọng mà tôi thấy ít người đề cập. Tử năng cứu mẫu chỉ phát huy tác dụng khi mẫu (mà cụ thể ở đây là hành mộc) có căn khí. Có căn khí thì có thể chịu được hoả kim tương chiến. Tuy nhiên có lợi cũng có hại. Mộc một khi trát căn (mọc rễ) thì căn khí không thể bị hao tổn, nếu hao tổn tức là gặp địa chiến (chiến tại địa chi) thì càng xấu. Tại sao là càng xấu? Giả sử mệnh cục “Ất mộc sinh cư Dậu”, địa chi gặp Tỵ Sửu là tam hợp kim cục, không thấu Canh Tân kim thì kim không thể trực tiếp tổn Ất mộc. Bây giờ mộc trát căn mà gặp địa chiến kim – mộc thì kim khí lại trực tiếp tổn được mộc khí, là xấu càng thêm xấu.

Tiếp tục lấy mệnh Ất mộc sinh cư Dậu, địa chi gặp Tỵ Sửu làm ví dụ. Nguyên cục Ất mộc vô căn thì không bị kim khí khắc trực tiếp. Đại vận hành đến cung Mão thì Ất mộc trát căn. Mão vốn tương xung nguyệt lệnh Dậu tại nguyên cục, nhưng Mão là vận chi, tính vốn tĩnh, lại thêm Dậu nguyên mệnh khắc đại vận Mão thì lực yếu (có sách cho là không có lực khắc, tức là nguyên cục không thể sinh khắc chế hoá vận niên), thành ra sự xung khắc không lớn, xem như căn khí của Ất mộc được bảo toàn. Ất mộc trát căn thì bắt đầu có thể sử dụng phản cục Tử năng cứu mẫu, dùng hoả chế kim. Tuy nhiên nếu vận Mão lại gặp niên Dậu xung tán thì Ất mộc sau khi trát căn lại bị bạt căn, không những mèo vẫn hoàn mèo, mà niên Dậu xung vận Mão càng tạo điều kiện dẫn động kim khí trong nguyên cục trực tiếp khắc Ất mộc, thì Ất càng bị tổn hơn ban đầu. Thường thân nhược, trát căn lại bị bạt căn thì lấy hung mà luận.

Sẵn tiện tôi giải thích luôn một chút Manh Phái. Trong Manh Phái có lưu phái (nhấn mạnh: có lưu phái) phân biệt hoạt mộc (mộc sống) và tử mộc (mộc chết). Tử mộc là loại mộc vô căn. Lưu phái này thường luận tử mộc gặp trát căn thì hung. Tại sao trát căn thì hung? Đó là do khi trát căn thì tạo thêm cơ hội cho kim khí trong nguyên cục tổn mộc như đã giải thích ở trên.

Lại nói về Khảm Ly cung. Ở đây Khảm Ly có thể hiểu theo nghĩa rộng là thuỷ hoả, cũng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là cung Khảm, cung Ly. Tại sao trọng thuỷ tại cung Khảm (Tý, Quý) mà không trọng thuỷ tại cung Càn (Hợi, Nhâm); trọng hoả tại cung Ly (Ngọ, Đinh) mà không trọng hoả tại cung Tốn (Tỵ, Bính)?

Phía trên tôi đã chú theo nghĩa rộng thuỷ hoả, ở đây tôi lại chú theo nghĩa hẹp Khảm cung, Ly cung.

Trước hết luận địa chi. Tại Khảm là Tý, tại Càn là Hợi. Dùng Hợi có cái hại là xung Tỵ trong nguyên cục. Mà Tỵ là gốc của hoả, đó là điều kiện hỗ trợ hoàn thành phản cục Tử năng cứu mẫu. Tức nguyên cục có Tỵ, Ất mộc trát căn, dụng hoả chế kim cứu mộc thì Tỵ lúc này có thể xem như một hỷ thần không hoàn bị, chứ không phải thuần tuý kỵ thần như trước đây, vì Tỵ trợ hoả khắc kim. Hợi xung Tỵ thì xung đi hỷ thần, tức hoả căn. Vì vậy dùng Tý an toàn hơn (trừ trường hợp nhị hợp với Sửu có dẫn thần hoá thổ; nhưng nhị hợp lại gặp dẫn thần là trường hợp hiếm hơn nhiều).

Tại cung tốn có Tỵ hoả. Nguyên cục vốn có Tỵ - Dậu - Sửu kim cục không hoá. Lúc này Sửu đến hợp với Dậu. Sửu là kim khố, có tác dụng thu kim, nói nôm na là nó có thể bao bên ngoài để bảo vệ Dậu kim. Nguyên cục có Sửu thâu kim khí, niên vận gặp Tỵ đến tranh hợp Dậu thì cũng không thể chế Dậu được vì Tỵ dẫn động Sửu bảo vệ Dậu. Manh Phái Đoàn Kiến Nghiệp gọi trường hợp này là khử không sạch vì gặp khố thu kim khí. Cho nên dùng Ngọ hoả sẽ tránh được trường hợp dẫn động Sửu thổ vệ kim. Dĩ nhiên còn phải chú ý đến từng tổ hợp bát tự cụ thể mà xem Tỵ, Ngọ tác dụng đến đâu.

Bây giờ lại luận thiên can. Tại Khảm cung có Quý thuỷ, tại Càn cung có Nhâm thuỷ. Nguyên cục có Quý thuỷ tàng tại Sửu thổ. Niên vận gặp Quý thuỷ thiết nhập mệnh cục (tham gia mệnh cục, chỗ này cần nắm kỉ thuật thiết nhập mệnh cục) thì sẽ dẫn động thiên nhân hợp nhất, tức niên/vận can Quý gặp căn khí Quý tàng trong Sửu sẽ có lực tiết kim. Nhâm thuỷ thiết nhập mệnh cục không gặp căn khí thì lực tiết kim yếu hơn.

Tại Tốn cung có Bính hoả, tại Ly cung có Đinh hoả. Niên vận gặp Bính hoả thiết nhập mệnh cục dĩ nhiên có thể khắc kim, nhưng thứ nhất Bính hỏa chế Tân kim không hiệu quả bằng Đinh hoả, do Bính hợp Tân, phu thê tương hợp thì lực khắc yếu. Thứ hai là Bính hoả nhập mệnh cục gặp thiên nhân hợp nhất tại chi Tỵ, tức gặp căn khí tại Tỵ, trong Tỵ có tàng Mậu thổ sinh kim, tức lực khắc kim của Bính hoả bị tước nhược. Dùng Đinh hoả vẫn đảm bảo lợi dụng được hoả căn tại Tỵ, lại không dẫn động Mậu thổ sinh kim. Dĩ nhiên, nhắc lại lần nữa, còn phải chú ý đến từng tổ hợp bát tự cụ thể mới biết Bính, Đinh nhập nguyên cục có tác dụng đến đâu.

Như vậy, vấn đề tổ hợp bát tự, hay còn gọi là bát tự bày bố là một vấn đề phức tạp, cần nhiều kinh nghiệm thực chiến (luận bát tự thực tế) để nắm được sự vận hành của những tổ hợp bát tự khác nhau. Phần “Phú quý Khảm Ly cung” này cũng cho thấy sự tinh tế trong việc chọn lựa dụng hỷ thần. Ví dụ dụng thuỷ thì là thuỷ gì, Nhâm Quý Hợi Tý hay Sửu? Dụng hoả thì là hoả gì, Bính Đinh Tỵ Ngọ hay Mùi? Dụng hỷ là hoả thuỷ thì khi nào thuỷ là dụng, hoả là hỷ; khi nào lại chuyển sang hoả là dụng, thuỷ là hỷ?

Việc luận tinh tế từng tổ hợp bát tự, cùng với việc cân đo tỉ mỉ dụng hỷ và tác dụng từng cung trong bát cung, từng nhân nguyên trong địa chi là nền móng để tiến tới luận bối cảnh xuất thân và vận hạn sắc nét. Đây là việc tôi vẫn còn phải thực tập và học hỏi qua từng lần thực chiến.

“Bần cùng Thân Dậu thủ”: dễ hiểu mệnh Ất sinh tháng Dậu, địa chi toạ thêm Tỵ Sửu vây kim thì thường là thân nhược Sát vượng. Hành vận hoặc địa chi gặp Thân Dậu thì kim quá nặng lại dễ dàng bạt căn mỗi khi mộc trát căn, thường luận là mệnh xấu.

Như vậy qua câu 9 “Ất mộc sinh cư Dậu, mạc phùng toàn Tỵ Sửu; phú quý Khảm Ly cung, bần cùng Thân Dậu thủ”, tác giả đề cập đến vấn để thuận cục, phản cục hay còn gọi là thường lý, biến lý của ngũ hành. Đồng thời nếu phân tích sâu hơn sẽ bắt gặp vấn đề cân đo tỉ mỉ bố cục bát tự, sự tinh tế khi tuyển chọn dụng hỷ, cũng như luận dụng hỷ biến hoá. Qua đó lại thấy có trường hợp kỵ thần không hoàn bị hoặc hỷ thần không hoàn bị, tức một cung nào đó không thuần tuý là kỵ thần, hoặc không thuần tuý là hỷ thần của mệnh cục.

-----

Ví dụ thực tế:

Càn: Giáp Tuất - Quý Dậu - Ất Sửu - Nhâm Ngọ

Đây là mệnh nam tôi xem số năm 2014, do chỉ xem sơ xài nên không có nhiều thông tin để nghiệm lý tại đây. Hiện nay không còn liên lạc với đương số để xin phép đăng bát tự. Nếu đương số có phật ý, tôi xin được lượng thứ.

Ất mộc sinh tháng Dậu (1) giờ Ngọ: thất tiết. Tứ trụ không có mộc căn, địa chi toạ Sửu Tuất thì Sát trọng (2), mừng toạ Sửu có tàng Quý thuỷ, lại thấu Quý thuỷ tại nguyệt trụ tiết Sát sinh thân. Dụng thuỷ. Ngọ hoả vừa tổn Nhâm nhưng cũng ám sinh Quý, thành ra là hỷ thần không hoàn bị.

Thời trụ Nhâm Ngọ là môn hộ, thuỷ hoả tương tranh, lại thêm hỷ dụng tương tranh thì trở mặt. Người ngày xuất môn (ra ngoài giao tế) nhiều thị phi, hao tài. Đây là ngược lại của câu “Phú quý Khảm Ly cung”, do dụng hỷ tương chiến thì từ cát chuyển hung. (3)

Vận Giáp Tuất mẹ mất: hai Tuất hình hoại Sửu, bạt căn Quý thuỷ. Tuất là mẫu cung, hình Sửu mà hại Quý là mẫu tinh, tức mẫu cung hại mẫu tinh. Đồng thời hai Tuất hại nguyên thần Dậu của Quý, hai Giáp tiết khí Quý, xem như Quý thuỷ tận diệt.

Càn: Quý Dậu - Tân Dậu - Ất Sửu - Tân Tỵ

Đây là mệnh Hứa Thế Anh, được ông Hoàng Đại Lục lấy làm ví dụ cho phần này, do bác Tamthien đăng ở diễn đàn Huyền Không Lý Số. Nay tôi luận lại cho rõ hơn và bổ sung thêm một số chi tiết.

Ất mộc sinh tháng Dậu (1), địa chi Dậu Dậu Sửu Tỵ vây kim khí (2), lại thấu Tân thì kim khí thái vượng. Tiếc Dậu – Dậu tương hình lại tranh hợp, lại sinh giờ Tỵ chế kim, niên trụ lại thấu Quý thuỷ đắc tiết, đắc địa, đắc thế tiết kim khí. Kim khí có chế có hoá hữu lực, thành ra không tòng kim. Dụng thuỷ hoả.

Vận Mậu Ngọ, niên Đinh Dậu xuất sĩ (ra làm quan): vận Mậu – Quý – Ngọ hoả cục chế kim. Niên chi gặp Dậu, nhập cục là ba Dậu tương hình, kim khí vượng động mà khắc mộc. Mừng niên thấu Đinh nhập cục chế Tân kim hữu hiệu (3), lại thêm niên vận thiết nhập mệnh cục tránh được phần lớn tình trạng hoả - kim tương tranh mộc t*o ương, lại thêm Ất giả trường sinh tại vận Ngọ, thành ra Sát có hoả chế mà xuất sĩ (3). Dĩ nhiên kim vượng, lại hình động chế mộc, mà nguyên cục trái phải thấu kim thì năm này dù xuất sĩ, vẫn phải chịu hao tổn ở mặt khác, tiếc là không thấy tài liệu đề cập.

Vận Mậu Ngọ, niên Đinh Tỵ thăng làm Bố Chánh Sứ tỉnh Sơn Tây: vận Mậu - Quý - Ngọ hoả cục chế kim. Niên chi thuần hoả nhập cục chế kim càng có lực (3). Năm này vẫn tránh được phần lớn tình trạng hoả - kim tương tranh mộc t*o ương như năm Đinh Dậu.

Niên Nhâm Tý (vận?) thăng làm Đại Lý Viện Trưởng, Bộ Trưởng Tư Pháp: Quý – Nhâm lưỡng Ấn hoá Sát (3), thuỷ - hoả lại không gặp nên tránh được trường hợp dụng hỷ tương chiến mà trở mặt.

Mấu chốt ở bát tự này là bày bố bát tự tránh được hoả thuỷ vị tế, đồng thời tổ hợp đại vận thuận lợi giúp giảm bớt tác hại của tình trạng hoả kim tương tranh mộc t*o ương khi niên vận thiết nhập mệnh cục.

(1) Ất mộc sinh cư Dậu
(2) Mạc phùng toàn Tỵ Sửu
(3) Phú quý Khảm Ly cung
(4) Bần cùng Thân Dậu thủ

Sửa bởi ThienKhanh: 10/04/2017 - 03:42


#17 yen1977

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 81 Bài viết:
  • 42 thanks

Gửi vào 19/05/2017 - 20:35

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

ThienKhanh, on 19/05/2017 - 20:21, said:



Anh cho em hỏi mấy tuổi khởi đại vận vậy?
Theo phần mềm thì 2 tuổi... Hi, mình có biết gì đâu.

#18 ThienKhanh

    Pro Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1397 Bài viết:
  • 2274 thanks

Gửi vào 07/06/2017 - 15:50

Câu 10: 有煞只论煞,无煞方论用。只要去煞星,不怕提纲重。
Hữu Sát chích luận Sát, vô Sát phương luận dụng. Chích yếu khử Sát tinh, bất phạ đề cương trọng.

(Có Sát chỉ luận Sát, không có Sát mới luận Dụng. Chỉ cần khử Sát tinh, không sợ đề cương trọng.)

Trước khi luận tiếp câu 10, cần nhìn lại ngũ hành sinh khắc đã luận ở câu 4: Thổ hậu đa phùng hoả, qui kim vượng ngộ thu, đông thiên thuỷ mộc phím, danh lợi tổng hư phù.

Ở câu 4, tác giả đề cập đến quan hệ khắc tổn. Lấy nhật chủ hành mộc (Giáp Ất) gặp Quan Sát hành kim làm ví dụ. Kim khắc mộc thì có thể nói nôm na là mộc tổn bảy phần, còn kim tổn ba phần. Tại sao mộc tổn hơn kim? Vì kim khắc mộc là thuận khắc, thành ra kim được lợi hơn mộc.

Bây giờ xem câu 10.

“Hữu Sát chích luận Sát, vô Sát phương luận dụng”: câu này ý nói trong bát tự nếu gặp Quan Sát thì cần luận Quan Sát trước; khi bát tự không có Quan Sát thì mới luận dụng thần. Tại sao lại như vậy? Phía trên nhắc lại một phần nội dung câu 4, đó là mối quan hệ giữa Quan Sát và nhật nguyên. Quan Sát và nhật nguyên vốn là hai thế lực luôn đối lập nhau, nên khi Quan Sát xuất hiện, bát tự lập tức có xu hướng hình thành hai đảng phái đối lập, một đảng theo Quan Sát, một đảng theo nhật nguyên. Như vậy chỉ cần luận tương quan sức mạnh và lực lượng giữa hai đảng này là đã luận được thân vượng nhược. Cần nhớ đảng của Quan Sát luôn được lợi hơn, vì Quan Sát thuận khắc nhật chủ như đã giải thích phía trên.

Như vậy trong câu 10 này đề cập đến vấn đề kết đảng. Như thế nào là kết đảng? Thuận sinh thì thành đảng. Ví dụ nhật chủ là Giáp Ất mộc thì nó có thể kết đảng với Ấn thụ (thuỷ) và Tỷ Kiếp (mộc), hoặc nó cũng có thể kết đảng với Tỷ Kiếp (mộc) và Thực Thương (hoả). Quan Sát (kim) thì thường kết đảng với Tài (thổ). Vậy, lấy nhật chủ mộc làm ví dụ, chúng ta thường có các đảng sau: thuỷ - mộc chế thổ, mộc - hoả chế kim, thổ - kim chế mộc.

Bây giờ tôi thế chữ “chế” thành chữ “chiến”. Chúng ta có: thuỷ - mộc chiến thổ, mộc – hoả chiến kim, thổ - kim chiến mộc. Đây là các chiến cuộc thường thấy đối với bát tự sinh ngày mộc.

Đảng, hay kết đảng, là một cách phân tích bát tự ngắn gọn, khi bát tự có khí thế rõ ràng. Trong trường hợp này, cái khí thế rõ ràng đó được tạo ra bởi sự xuất hiện của Quan Sát. Vì vậy mà khi đọc sách, chúng ta hay thấy nói kim thành thế, mộc thành thế, thuỷ thành thế chẳng hạn. Thành thế tức có thế vững mạnh; đó là lúc nó kết đảng.

Đã kết đảng thì sẽ tạo thành chiến cuộc, tức là hai đảng đối lập nhau sẽ chiến với nhau. Chiến cuộc lại phân làm thiên chiến, địa chiến, thiên địa cùng chiến. Trong đó lại phân làm minh chiến, ám chiến. Ở đây tôi chỉ luận phần minh chiến của thiên chiến, địa chiến, và thiên địa cùng chiến cho đơn giản. Phần ám chiến tôi không luận ở đây, vì nhiều lí do, trong đó có việc các sách đề cập rất ít về vấn đề này, cho nên phần này tôi phải tự kiểm nghiệm, kết quả cuối cùng chưa chắc chắn nên tôi chưa muốn luận công khai.

Thiên chiến là chiến cuộc tại thiên can. Ví dụ mệnh mộc, bát tự thấu Tân hoặc Canh kết đảng. Địa chiến là chiến cuộc tại địa chi. Ví dụ mệnh mộc, bát tự toạ Dần Mão gặp Thân Dậu, hoặc toạ Mùi gặp Sửu. Thiên địa cùng chiến là chiến cuộc xuất hiện tại cả thiên can lẫn địa chi. Tại sao cần phải phân thiên chiến, địa chiến? Vì chúng ta cần phải biết chiến cuộc xảy ra tại đâu, có sự tham gia của các cung tinh nào, và nó tác động đến các cung tinh nào trong bát tự, từ đó mà có thể luận cát hung đối với các cung tinh đó, cũng như chọn dụng thần cho chính xác hơn.

Ví dụ bát tự có thiên chiến, mệnh mộc nhược, thấu Canh Tân. Giả sử nguyên cục toạ Ấn Hợi là thuận lợi cho thông quan, vậy cần thông quan thì dụng thần là gì trong các chữ Nhâm, Quý, Hợi, Tý, Thìn, Sửu? Thiên chiến thì thường lấy thiên can giải, do đó dụng thần Nhâm, Quý sẽ có lợi hơn. Tương tự, địa chiến thì thường lấy địa chi giải, do đó Hợi, Tý, Thìn, Sửu sẽ có lợi hơn.

-----

Ví dụ bát tự thực tế.

Khôn: Tân Mùi – Tân Mão - Ất Mùi – Tân Tỵ

Bát tự này tôi mới xem gần đây trong diễn đàn: http://tuvilyso.org/...giup-dung-than/

Phân tích: Ất – Mão – Mùi mộc cục. Thời trụ toạ Tỵ hoả, mộc hoả hàm tiếp. Niên trụ toạ Mùi có sinh cho Tân kim một ít. Mộc - hoả thành đảng chiến thổ - kim. Tháng Mão, mộc vượng hoả tướng, thành ra thổ - kim bại. Thân vượng.

-----

Như vậy có thể thấy khi bát tự gặp Quan Sát, thì một cách phân tích bát tự dễ dàng hơn đó là lấy chiến cuộc của nhật chủ và Quan Sát để luận. Nếu Quan Sát có tình thì cát, vô tình thì hung. Thế nào là có tình, vô tình? Thân nhược, Quan Sát vượng là vô tình. Thân vượng, Quan Sát nhược nhưng thành thế là hữu tình. Thân nhược thành thế, Quan Sát vượng có chế hoá là hữu tình. Thân vượng, Quan Sát nhược, không thành thế, lại còn bị chế hoá là vô tình.

“Chích yếu khử Sát tinh, bất phạ đề cương trọng”: Câu này dễ hiểu, “bất phạ đề cương trọng", chính là nói (ví dụ) mệnh mộc, gặp Quan Sát nắm lệnh tại nguyệt lệnh. Như vậy rõ ràng là hung. Quan hung thì thành Sát, vậy Quan Sát gọi chung là Sát. Chỉ cần khử Sát tinh thì thành cát, tức Sát có Thực Thương chế hoặc Sát gặp Ấn thụ hoá thì không sợ đề cương Sát trọng, vẫn có thể được xem là quý mệnh, bởi vì Quan Sát chính là quý khí. Quan Sát là hung nhưng có chế hoá thì xem như mệnh chủ đắc quý khí.

Sẵn dịp luận bè đảng, chiến cuộc, tôi làm rõ luôn một nội dung của Vượng Suy phái. Thường thấy lập luận cho rằng Vượng Suy phái lấy nhật chủ làm thái cực rồi cân bằng nhật chủ. Đó là một thiếu sót của Vượng Suy.

Ở đây tôi giải thích, nếu nhìn bát tự theo cách nhìn chiến cuộc thì Vượng Suy phái không phải cân bằng nhật chủ, mà là cân bằng ngũ hành. Tức là nói, chọn dụng hỷ thần không phải là cân bằng nhật chủ, mà là để cân bằng ngũ hành cả bát tự.

Tôi trở lại ví dụ phía trên đã phân tích:

Khôn: Tân Mùi – Tân Mão - Ất Mùi – Tân Tỵ

Phân tích: Ất – Mão – Mùi mộc cục. Thời trụ toạ Tỵ hoả, mộc hoả hàm tiếp. Niên trụ toạ Mùi có sinh cho Tân kim một ít. Mộc – hoả thành đảng chiến thổ - kim. Tháng Mão, mộc vượng hoả tướng, thành ra thổ - kim bại. Thân vượng.

Mộc - hoả thành đảng chiến thổ - kim, thổ - kim bại, tức nếu hạn chế mộc – hoả thì cân bằng ngũ hành toàn cục. Lấy kim chế mộc, hoặc lấy thổ tiết hoả sinh kim, đều là phù trợ thổ - kim, đồng thời tiết chế mộc – hoả. Như vậy là thông qua cân bằng nhật chủ, chúng ta thực chất là cân bằng khí thế của toàn bát tự.

Lấy thêm một ví dụ nữa:

Càn: Ất Hợi – Đinh Hợi – Đinh Mão – Bính Ngọ

Bát tự này tôi mới xem gần đây trong diễn đàn: http://tuvilyso.org/...giup-dung-than/

Phân tích: Hợi – Mão bán hợp, tháng Hợi thì thuỷ nắm lệnh. Vượng khí đi từ nguyệt chi Hợi – nhật chi Mão – nhật chủ Đinh là một đường, lại đi từ niên chi Hợi – niên can Ất – nguyệt can Đinh là một đường. Thời trụ Bính Ngọ thuần hoả. Như vậy bát tự này toàn cục chỉ có một đảng duy nhất là thuỷ - mộc – hoả. Thành ra thuận thế lấy thổ làm dụng thần không chỉ tiết tú hoả, mà thực chất là dùng thổ thâu thuỷ - mộc – hoả khí, đồng thời chế bớt thuỷ vốn là đầu nguồn của mộc. Hoặc lấy kim làm dụng thần, thực chất là để tiết chế mộc khí, vốn là yếu tố chính tạo thành đảng thuỷ - mộc – hoả. Như vậy có thể thấy việc lựa chọn dụng hỷ từ trước đến nay được cho là dùng để cân bằng nhật chủ, thực chất là một cách nói hẹp lại cho dễ hiểu, thuận lợi cho việc nhập môn. Bản chất của việc chọn dụng hỷ, dưới cái nhìn khí thế, là thông qua đó, cân bằng ngũ hành toàn cục.

-----

Các ví dụ thực tế:

Càn: Quý Dậu – Bính Thìn – Kỷ Tỵ - Giáp Tuất

Đây là bát tự tôi xem đã lâu, hoặc thu thập từ phần luận của người khác (không nhớ rõ). Nếu đương số có phiền lòng thì cho phép tôi được tạ lỗi.

Phân tích: Mệnh Kỷ sinh tháng Bính Thìn, đắc tiết. Tháng Thìn, Giáp – Kỷ toạ Tỵ Tuất hoá thổ. Quan bị hoá mất. Thân vượng. Không nhìn Quan luận mà tìm dụng thần ở nơi khác. (2) Nhìn niên trụ Quý Dậu chế Bính hoả. Kim – thuỷ một đảng dùng chế hoả - thổ.

Càn: Giáp Tý – Bính Tý – Đinh Hợi - Ất Tỵ

Đây là bát tự bản thân tôi.

Phân tích: Mệnh Đinh sinh trọng đông tháng Tý, thất tiết. Thiên can thấu Giáp, Bính, Ất sinh trợ, địa chi toạ căn Tỵ. Đáng tiếc Hợi - Tỵ xung, phạt căn mộc hoả. Thuỷ - hoả tương chiến, địa chiến (1). Dụng mộc hoả. Giải địa chiến tốt nhất dụng địa chi.

Vận Kỷ Mão, niên Ất Mùi: Hợi – Mão – Mùi - Ất mộc cục, giải địa chiến, sinh hoả, hoả trát căn tại Tỵ. Sát tại Hợi (hung Quan xem như Sát) bị hoá mất, thành ra dù đề cương Tý Sát trọng, nhưng năm này thắng, sức khoẻ tốt, tình duyên đến. Xem như tam hỷ lâm môn. (3)(4)

(1) Hữu Sát chích luận Sát
(2) Vô Sát phương luận Dụng
(3) Chích yếu khử Sát tinh
(4) Bất phạ đề cương trọng

Sửa bởi ThienKhanh: 07/06/2017 - 16:02


#19 ThienKhanh

    Pro Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1397 Bài viết:
  • 2274 thanks

Gửi vào 17/08/2017 - 02:26

Câu 11: 甲乙若逢申,煞印暗相生。木旺金逢旺,冠袍必挂身
Giáp Ất nhược phùng Thân, Sát Ấn ám tương sinh. Mộc vượng kim phùng vượng, quan bào tất quải thân.
(Mệnh Giáp Ất như gặp Thân, Sát Ấn ám tương sinh. Mộc vượng kim cũng gặp vượng, chắc chắn có công danh)

Trước khi luận tiếp câu 11, cần nhìn lại câu 10 một chút. Ở câu 10, tác giả Ngũ Ngôn Độc Bộ nêu ra một con đường tắt để xem bát tự có Quan Sát. Đó là lấy Quan Sát làm tâm điểm, lại phân chiến cục để nhanh chóng luận vượng nhược của nhật chủ.

Câu 11 lại tiếp tục bàn về bát tự có Quan Sát nhưng là một trường hợp đặc biệt: tuyệt xứ phùng sinh.

Giáp Ất nhược phùng Thân: Câu 11 tiếp tục lấy ví dụ mệnh Giáp hoặc Ất (nhật chủ là Giáp hay Ất), bát tự gặp chi Thân. Ở đây chữ “phùng” rất tối nghĩa. Nó có nghĩa là “gặp”. Nhưng gặp là thế nào? Là toạ ngay trên chi Thân, tức Thân là nhật chi; hay Thân là nguyệt lệnh (nguyệt chi); hay niên thời có chi Thân? Chỗ này có sách đề cập đến toạ chi Thân. Tức nhật chủ là Giáp nhật chi là Thân. Chú ý nhật can Ất là âm can, không toạ chi Thân là dương chi. Cho nên theo cách hiểu này thì phủ định trường hợp Ất toạ nhật chi Thân. Giả sử trong trường hợp Giáp hoặc Ất không phải là nhật chủ, tức nó là niên can, nguyệt can, hay thời can thì yêu cầu phải toạ Thân, tức chi Thân phải cùng trụ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, toạ Thân, hay nguyệt kiến Thân, hay niên thời toạ Thân đều có thể ứng hợp trong trường hợp này. Sự khác nhau trong bốn trường hợp là phải có, nhưng nó là những khác biệt tinh tế, cần dựa vào từng bố cục bát tự cụ thể, tôi không muốn bàn sâu ở đây.

Sát Ấn ám tương sinh: Đầu tiên phải xem cách gọi Sát, Ấn. “Ấn” ở đây cần được hiểu là Ấn thụ, tức bao gồm cả Chính Ấn (thường gọi tắt là Ấn) và Thiên Ấn (thường gọi tắt là Kiêu). Sát ở đây gọi chung cho Quan Sát. Can Giáp gặp chi Thân, chi Thân có bản khí là Canh thì Giáp gặp Thân là gặp Sát. Còn can Ất gặp Thân là gặp Quan, sao lại là Sát? Bởi vì Quan mà nghịch (có hại, là kỵ thần) thì xem là Sát. Cách viết “Sát Ấn ám tương sinh” theo sau là “Quan bào tất quải thân” thì có nghĩa tốt, Sát Ấn đắc dụng. Như vậy, từ cách gọi Sát, Ấn có thể tạm suy luận nhật chủ Giáp, Ất ở đây là mệnh nhược, mệnh nhược nên được Sát sinh Ấn ám sinh cho thân thì mới gọi là đắc dụng.

Mệnh Giáp, Ất mộc nhược, gặp Thân là xấu vì mệnh Giáp, Ất sinh tháng Thân là đất tử tuyệt, hoặc toạ Thân là đất tử tuyệt, hết đường sống. Nhưng tại sao lại thành tốt? Bởi vì chi Thân tàng Canh Nhâm Mậu theo thế liên châu, tức tương sinh: Mậu thổ sinh Canh kim sinh Nhâm thuỷ. Giáp Ất mộc thấy thuỷ xem như được sinh trợ nên mộc “phùng sinh” (gặp được sinh cơ). Mà sinh cơ này (Nhâm thuỷ) lại dài lâu, có nguồn vững vàng vì được Canh kim sinh cho, nên luận là cát, là quý. Từ đó mà có cách nói “tuyệt xứ phùng sinh”. Tức Giáp Ất đến Canh là nơi đất tử tuyệt (“tuyệt xứ”), gặp Ấn thụ có nguồn vững vàng sinh cho là hồi sinh (“phùng sinh”).

Tư tưởng luận “tuyệt xứ phùng sinh” là quý – nó quý hơn bình thường – còn bắt gặp ở một số câu khẩu đoán dân gian như “đại nạn bất tử, tất hữu hậu phúc” (gặp nạn lớn mà không chết thì sau này sẽ được phúc báo).

Như vậy thử thống kê các trường hợp tuyệt xứ phùng sinh: Giáp Ất gặp Thân, Bính Đinh gặp Hợi, Mậu Kỷ gặp Dần, Canh Tân gặp Ngọ, Nhâm Quý gặp Tuất hoặc Sửu. Phía trên tôi có đề cập đến lối xét tuyệt xứ phùng sinh khắc khe hơn, đó là bắt buộc phải toạ chi (cùng trụ) thì mới gọi là tuyệt xứ phùng sinh. Nếu theo cách này thì chỉ còn lại các tổ hợp Giáp Thân, Đinh Hợi, Mậu Dần, Canh Ngọ, Nhâm Tuất, Quý Sửu. Còn ít như vậy là bởi vì theo phương pháp ghép cặp can chi, dương can phải tọa dương chi, âm can phải toạ âm chi. Ví dụ ta thấy có Giáp Tý nhưng không bao giờ có Giáp Hợi hay Giáp Sửu. Trường hợp Nhâm Tuất có sách không luận tuyệt xứ phùng sinh vì quan niệm (1) táo thổ (thổ khô, Tuất) không sinh kim (Tân tàng trong Tuất) nên kim không sinh thuỷ, và (2) Tân kim hầu như không sinh thuỷ.

Ở đây cần chú ý tuyệt xứ phùng sinh hay Sát Ấn ám tương sinh chỉ là tiền đề, còn phải xem bố cục bát tự mà luận cát hung, chứ bản thân tuyệt xứ phùng sinh chưa hản là hoàn toàn cát lợi. Ví dụ, Giáp Ấn gặp Thân là tuyệt xứ phùng sinh, nhưng bát tự thấu Canh cận khắc (khắc gần) thì Thân giúp Canh khắc phạt Giáp Ất hơn là (chứ không phải hoàn toàn không có) giúp Nhâm sinh Giáp Ất. Hoặc Giáp Ất gặp Thân, bát tự thấu Nhâm thì Thân giúp Nhâm sinh cho Giáp Ất hơn là giúp Canh khắc phạt Giáp Ất. Đến hành vận cũng luận tương tự. Đó là lí do tại sao lại nói là “Sát Ấn ám tương sinh” mà không nói “Sát Ấn tương sinh”. “Ám” tức là nó không hiển hiện lên, chưa có tác dụng mạnh mẽ; nó cần phải gặp điều kiện cụ thể để phát huy ra tiềm lực của nó.

Tuyệt xứ phùng sinh sợ cái gì? Nó sợ bị hao tổn khắc phạt. Ví dụ Giáp Ất gặp Thân, bát tự thấu Nhâm, nhưng trong bát tự có chi Tỵ kề bên hợp khắc Thân thì Canh kim tàng trong Thân bị tổn, tức nguồn của Nhâm bị tổn. Dụng thần Nhâm thuỷ bị ám tổn, hung.

Qua đó có thể thấy, dù cho có luận cao xa, hệ thống lý luận có sâu rộng, thì tựu trung vẫn phải xây dựng hệ thống lý luận dựa trên các kiến thức cơ bản như ngũ hành sinh khắc chế hoá (có sách gọi là Ngũ Hành Đại Pháp), can thấu, can tàng, nguyệt lệnh đề cương, đặc biệt là bố cục bát tự. Cái gì là bố cục bát tự? Đó là bát tự được hình thành từ những can chi nào, vị trí của chúng ở đâu, mối quan hệ trên dưới xa gần là như thế nào, phía trên can nào thấu, phía dưới can nào tàng. Nắm được bố cục bát tự cũng là đạp bước đầu tiên nhập môn luận khí thế, tức là luận bố cục, và hướng đi của toàn bộ bát tự (chứ không phải chỉ riêng nhật chủ). Khi đến giai đoạn này thì chọn dụng hỷ thần không chỉ để “cân bằng” nhật chủ, bởi vì nhật chủ chỉ có một mình nó thì lấy gì cân bằng? Phải có từ hai phe đảng trở lên mới cần cân bằng. Mà đến mức độ này, chọn dụng hỷ thần là để cân bằng toàn bộ ngũ hành bát tự. Tuy nhiên nhập môn khí thế không chỉ cân bằng bát tự, mà còn phải nhìn đến các vấn đề cân bằng khác, như cân bằng âm dương, cân bằng khí hậu, và lưu thông sinh hoá. Tức là có thể “tinh chọn” dụng hỷ thần kĩ lưỡng hơn. Ví dụ bát tự cần dụng kim thì Canh, Tân, Thân, Dậu, Tuất, Sửu, Tỵ cái nào là tốt nhất (đại cát), cái nào tốt ít hơn (thứ cát), thậm chí có cái xấu, hung hiểm không nên chọn.

Mộc vượng kim phùng vượng: Mệnh Giáp Ất gặp tháng Thân chẳng hạn; tháng Thân kim vượng, mộc gặp ám sinh (như giải thích phía trên) nên cũng vượng theo. Ở đây lưu ý, chữ “vượng” nên hiểu là “cường” như tôi đã phân tích ở câu ngũ ngôn số 2.

Quan bào tất quải thân: Mệnh Giáp Ất nhược đắc tuyệt xứ phùng sinh, gặp đủ điều kiện như thuỷ khí thấu ra chẳng hạn thì đắc Sát lại đắc Ấn, tức Sát Ấn cho mình sử dụng. Sát là đường công danh, đường làm quan. Ấn là quyền lực, là nhiệm sở. Đắc Sát Ấn tương sinh là tượng xuất sĩ (ra làm quan), hoặc công danh thăng tiến, hoặc quyền lực mở rộng hoặc phát triển.

Như vậy câu số 11 luận một ví dụ đặc biệt của bát tự có Quan Sát là tuyệt xứ phùng sinh hay còn gọi là Sát Ấn ám tương sinh. Qua nội dung câu 11 này, còn thấy tác giả đề cập đến vấn đề nhân nguyên tàng độn.

Thường thấy người lập luận bát tự có tam tài: nhân nguyên là thiên can thấu xuất (niên can, nguyệt can, nhật can, thời can), địa nguyên là toạ địa chi (niên chi, nguyệt chi, nhật chi, thời chi), nhân nguyên là can tàng, hay còn gọi là nhân nguyên tàng độn. Trong đó nhân nguyên tàng độn có lẽ là vấn đề “huyền bí” nhất. Sẵn câu 11 sử dụng nhân nguyên tàng độn để luận, tôi muốn thử tóm tắt một chút các công dụng của nhân nguyên.

Công dụng thứ nhất của can tàng là quyết định nhân nguyên tư lệnh. Ví dụ tháng Thân tàng Canh Nhâm Mậu. Sau tiết Lập Thu thì Mậu chủ quản 10 ngày, Nhâm 3 ngày, còn Canh 17 ngày. Tổng cộng là 30 ngày, vừa tròn một tháng. Tôi nhận thấy nhân nguyên tư lệnh có những vấn đề sau. Thứ nhất, nhân nguyên tư lệnh dễ gây nhầm lẫn. Mệnh Mậu sinh tháng Thân, gặp ngày Mậu thổ tư lệnh thì luận đắc tiết hay thất tiết, đắc khí hay thất khí, đắc lệnh hay thất lệnh? Thứ hai, không có cơ sở xác định lí luận của nhân nguyên tư lệnh. Lấy tháng Thân làm ví dụ, sau Lập Thu, Mậu quản 10 ngày đầu, Nhâm quản 3 ngày giữa, Canh quản 17 ngày cuối. Hiện không có cơ sở lí luận vững chắc và thuyết phục cho việc phân chia này cũng như qui định số lượng này. Thứ ba, áp dụng nhân nguyên tư lệnh quá phức tạp. Ví dụ bát tự sinh tháng Thân, nếu thấu Canh vẫn luận Canh đắc căn, nếu thấu Mậu vẫn luận Mậu đắc căn, nếu thấu Nhâm vẫn luận Nhâm đắc căn. Điều này không thể chối cãi, cho nên có thể cho thấy tại bất cứ thời điểm nào của tháng Thân, thiên địa nhị khí đều tồn tại Canh, Nhâm, Mậu làm chủ. Vậy nếu vào ngày Mậu thổ tư lệnh, vậy ta phải nói Mậu làm chủ, Canh Nhâm là thứ chủ, các khí khác làm phụ. Quá phức tạp.

Có thể phản biện sinh tháng Thân, gặp ngày Mậu thổ tư lệnh, bát tự thấu Mậu là đắc quý khí, tự bản thân can Mậu có một loại quý khí bên trong nó. Điều này cũng có khả năng, có thể xem xét nó như là một dấu hiệu, kết hợp cùng những dấu hiệu khác (thủ tượng) để xác định quý khí đó là gì, biểu hiện cụ thể của nó trong cuộc sống là gì, là phúc, lộc, hay thọ chẵn hạn. Tuy nhiên đó là bàn về thủ tượng. Còn việc ứng dụng, mặc dù nhiều vị tiền bối vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng (nhưng không giải thích), tôi vẫn thấy ứng dụng vào Vượng Suy quá phức tạp. Tôi đoán rằng nhân nguyên tư lệnh áp dụng vào Cách Cục sẽ có tác dụng rõ ràng hơn.

Công dụng thứ hai của nhân nguyên tàng độn là đảm bảo thiên nhân hô ứng, hoặc thiên địa hợp nhất. Đó là ứng dụng của căn khí (rễ), tôi đã giải thích ở những câu Ngũ Ngôn trước.

Công dụng thứ ba của nhân nguyên là các quan hệ ám sinh, ám khắc, ám hợp chẵn hạn. Chúng góp phần quyết định khí thế của bát tự, cũng như hé lộ cát hung cụ thể của nhiều vấn đề trong một bát tự.

Tôi lấy ví dụ phía dưới:

Càn: Ất Sửu – Bính Tuất – Ất Mùi – Bính Tuất

Bát tự này tôi xem vào ngày 15/12/2015, ở diễn đàn nào hiện này không còn tìm thấy. Tôi chưa xin phép đã đăng ở đây. Nếu đương số có phật lòng, tôi xin được lượng thứ. Tôi trích một phần luận ra đây:

Luận: Ất mộc sinh quý thu toạ kho địa, trái phải thấu hoả. Thân nhược. Ngũ khí suy bại, tàng mà không phát. Khí nhuận, mà tinh cạn, thần khô. Dụng thuỷ kích. Hỷ mộc tuỳ điều kiện. […] Ra ngoài hay có nhiều người giúp đỡ, những người này thường là người thuộc hàng trưởng bối, có uy quyền. Các mối quan hệ xã hội khá rộng rãi. Quan hệ với cấp dưới hoặc người có vị trí thấp hơn không tốt, hay bị hao tài. […]

Đương số phản hồi: Ra ngoài thường được giúp đỡ của người trên ,thường được người trên và người giỏi giúp đỡ chính vì vậy cũng có nhiều người ghét và đố kỵ.

Thời trụ (môn hộ; xuất môn là ra ngoài xã hội nên thời trụ là cung Thiên Di) Bính Tuất toàn là kỵ thần mà tôi vẫn luận ra ngoài hay có nhiều trưởng bối giúp đỡ mà những người này lại có uy quyền? Tại sao luận quan hệ với cấp dưới hoặc người có vị trí thấp hơn không tốt? Bát tự toạ Sửu – Tuất – Mùi – Tuất hình xung tạp loạn, phá hỏng Sửu là kim khố mà cũng là nơi dưỡng thuỷ, có thể xem như bát tự không có một chút thuỷ khí nào (sách Tàu hay nói là “không một điểm thuỷ”). Bát tự thấu 2 Bính; 2 Tuất là hoả khố bị hình động gần như mở khố thành ra bát tự này nóng. Cần dụng thuỷ kích khí, nhuận khí mà bát tự khô nóng (táo noãn) thì khí lạnh (hàn) cũng có thể xem là hỷ. Ở đây là tôi luận khí hậu, hoặc nếu xem táo noãn là dương, hàn là âm, thì tạm gọi như xem âm dương cũng được. Bát tự quá nóng cần thêm hàn khí; hàn khí là thuỷ, là kim, vậy kim cũng xem như hỷ thần. Thời trụ (môn hộ) Bính Tuất tàng Mậu Đinh Tân ở thế liên châu, Đinh hoả sinh Mậu thổ sinh Tân kim, tức là noãn khí chuyển hoá thành hàn khí tại thời trụ Bính Tuất. Vậy Tân kim có thể xem là hỷ. Tân kim là Sát nên tôi luận được sự giúp đỡ của trưởng bối, có uy quyền.

Vậy tại sao nói quan hệ với cấp dưới hoặc người có vị trí lớn hơn không tốt? Thời trụ thấu Bính, Bính ám hợp Tân (Tân tàng trong Tuất). Trong môi trường quá khô nóng, Bính ám hợp Tân không có ý hướng tại thuỷ khí (Bính – Tân hợp thuỷ) mà có ý muốn tổn Tân kim, đoạt mất Tân kim. Bính là Thực Thần nên tôi luận quan hệ với người nhỏ tuổi hoặc vị trí thấp hơn không tốt (vì những người này có ý muốn chiếm đoạt quý nhân của bản thân).

Phía trên tôi đưa ví dụ cho công dụng thứ ba của nhân nguyên tàng độn là nó có ảnh hưởng đến khí thế, và biểu thị một số thông tin cát hung nếu luận thủ tượng. Thực chất tôi cũng muốn nói rõ, tôi không phải thần thánh gì mà luận như vậy. Để luận như trên tôi dùng vài kĩ thuật khác nhau xem cung Di trên bát tự của đương số, thấy các cách tính đều cho ra cùng một đáp án là có vấn đề như vậy nên tôi mạnh dạn luận. Tức về kĩ thuật ngũ hành (ám) sinh khắc chế hoá là luận như vậy cho thấy có quý nhân và có người muốn đoạt quý nhân, về kĩ thuật khác sẽ luận khác.

Tại sao tôi muốn nói rõ điều này? Vì không nói rõ, người đọc sẽ cảm thấy huyền bí quá, cao siêu quá, Ngũ Hành Đại Pháp khủng bố quá. Nhưng thực chất mỗi một kĩ thuật, như phía trên là ngũ hành (ám) sinh khắc chế hoá, nó sẽ cho ta một thông tin, sau đó ta dùng những kĩ thuật khác hoặc lối suy tính khác để xác nhận thông tin đó, thì khả năng chính xác sẽ cao hơn. Việc một số tác giả viết sách dùng nhiều kĩ thuật để kết luận một vấn đề, nhưng khi công bố chỉ luận một kĩ thuật mà họ muốn nhấn mạnh trọng tâm nên tạo cảm giác huyền bí không đáng có, dễ dẫn người đọc vào con đường mông lung, áp dụng lại y chang nhưng không đúng, từ đó mà mất phương hướng nghiên cứu học thuật.

Tóm lại, câu 11 “Giáp Ất nhược phùng Thân, Sát Ấn ám tương sinh, mộc vượng kim phùng vượng, quan bào tất quải thân” đề cập đến một dạng đặc biệt của bát tự có Quan Sát: Sát Ấn ám tương sinh, hay còn gọi là tuyệt xứ phùng sinh. Qua đó, chúng ta thấy thêm một vấn đề cơ bản của Tử Bình được đề cập ở đây: nhân nguyên tàng độn.

-----

Ví dụ thực tế

Càn: Giáp Tý – Bính Tý – Đinh Hợi – Ất Tỵ

Đây là bát tự bản thân tôi.

Phân tích: Mệnh Đinh sinh trọng đông tháng Tý, thất tiết. Thiên can thấu Giáp, Bính, Ất sinh trợ, địa chi toạ căn Tỵ. Đáng tiếc Hợi – Tỵ xung, phạt căn mộc hoả. Thuỷ - hoả tương chiến, địa chiến; hoả bại. Thân nhược, dụng mộc hoả.

Bát tự nhật chủ Đinh nhược lại toạ Hợi, tuyệt xứ phùng sinh (1)(2). Bát tự lại thấu Ấn thụ Giáp Ất lưỡng đầu sinh phù, Sát Ấn minh ám tương sinh tề tựu (2), đủ để khống thuỷ khí (3), lẽ ra làm quan (4). Đáng tiếc Hợi xung diệt Tỵ hoả phá cục tuyệt xứ phùng sinh. Ám sinh không còn, chỉ còn minh sinh. Hợi dẫn động thuỷ khí xung diệt hoả khí nên không thể tính là đắc Sát, chỉ thu được một ít thuỷ khí tại thời trụ Giáp Tý, thành ra phần lớn thuỷ khí (Sát) vẫn là kỵ thần. Mệnh có Ấn hữu dụng mà Quan không hữu dụng, tức có ti sở (cơ quan nhà nước - Ấn) mà không nhậm chức (Quan), tức không thể làm quan. Thu được một ít thuỷ Sát khí tại niên trụ, nên người có uy. Thực tế nhiều lần có cơ hội vào làm cơ quan nhà nước nhưng đều từ chối không làm.

(1) Giáp Ất nhược phùng Thân. Ở đây lấy mệnh Đinh gặp Hợi thay thế.
(2) Sát Ấn ám tương sinh
(3) Mộc vượng kim phùng vượng. Ở đây lấy hoả và thuỷ thay thế.
(4) Quan bào tất quải thân

Sửa bởi ThienKhanh: 17/08/2017 - 02:44


#20 ThienKhanh

    Pro Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1397 Bài viết:
  • 2274 thanks

Gửi vào 29/01/2018 - 18:53

Câu 12: 丙火怕重逢,北方返有功;虽然宜见水,犹恐对提冲.

Bính hoả phạ trọng phùng, bắc phương phản hữu công; tuy nhiên nghi kiến thuỷ, do khủng đối đề xung.
(Bính hoả sợ gặp nhiều lần, đến phương Bắc thì tốt; tuy thích hợp thấy thuỷ, lại sợ thuỷ xung đề cương)

Câu 12 này có hai bản. Bản thứ nhất “Bính hoả phạ trọng phùng, bắc phương phản hữu công; tuy nhiên nghi kiến thu, do khủng đối đề xung” được phần lớn các trang mạng và tài liệu sử dụng. Bản thứ hai “Ly hoả phạ trọng phùng, bắc phương phản hữu công; tuy nhiên nghi kiến mc, do khủng đối đề xung” xuất hiện ít hơn.

Cả hai bản khác nhau chủ yếu ở phần “tuy nhiên nghi kiến…”, một bên cho là kiến mộc, một bên cho là kiến thuỷ. Tuy nhiên, cả hai câu đều có những điểm hợp lý mà tôi sẽ phân tích bên dưới.

-----

Phiên bản một: “Bính hoả phạ trọng phùng, bắc phương phản hữu công; tuy nhiên nghi kiến thuỷ, do khủng đối đề xung”.

Bát tự mẫu trong câu này sử dụng mệnh Giáp Ất sinh tháng hạ Tỵ hoặc Ngọ.

Bính hoả phạ trọng phùng: tức Bính hoả phải thấu, khí thế phải vững thịnh. Thường thức Manh Phái, Bính hoả là dương hoả, là Thái Dương. Thái Dương hoả nên vượng không nên suy, có vượng thì mới phát huy công năng sinh dưỡng vạn vật. Tuy nhiên, Bính hoả sợ quá vượng, hoả vượng thì phần, tức Bính hoả quá vượng sẽ đốt cháy vạn vật. Bính hoả trọng phùng thì như thiên địa có hai, ba, bốn mặt trời thiêu đốt khô nóng, dễ dẫn đến mệnh thiên khô, khí tượng mất cân bằng. Mệnh Giáp Ất mộc nếu sợ Bính hoả trọng phùng, rõ ràng sở chỉ nhật chủ Giáp Ất mộc bị Bính hoả tiết khí thái quá mà nhược.

Bắc phương phản hữu công: Mệnh Giáp Ất mộc nhược, cần sinh trợ là thuận lý. Hành đến phương bắc thuỷ Ấn vượng là sinh trợ cho mệnh mộc.


Tuy nhiên nghi kiến thuỷ, do khủng đối đề xung: Gặp phương bắc là đắc sinh khí. Có điều, sinh trợ cũng nên tránh xung đề cương. Vì sao?

Giả sử nguyệt lệnh tháng Tỵ, hành đất Hợi xung đề cương. Đã dụng thuỷ sinh phù Giáp Ất mộc, kim khí vốn có thể xem như hỷ thần (kim sinh thuỷ sinh mộc) không hoàn bị. Kim khí không hoàn bị ở chỗ tuỳ vào bố cục tứ trụ và niên vận, nếu kim khí trợ thuỷ thì cát, khắc mộc thì hung. Bây giờ tháng Tỵ tàng Bính Canh Mậu, vận Hợi tàng Nhâm Giáp, Tỵ - Hợi tương xung tức Canh kim hỷ khí trong Tỵ có thể tàng độn đến ám thương Giáp mộc trong Hợi. Canh kim là hỷ thần không hoàn bị, Giáp là hỷ thần, lẫn nhau khắc phạt rõ là hỷ thần trở mặt, chỉ làm hao tổn nguyên khí vô ích, luận hung.

Giả sử nguyệt lệnh tháng Ngọ, hành đất Tý thuỷ xung đề cương. Tý – Ngọ xung tứ chính là lực xung rất lớn, kích động vượng thần hoả tiết khí mệnh mộc. Lúc này cát hung khó liệu, cần phải nhìn bố cục bát tự và tổ hợp hành vận cụ thể mà luận.

-----

Phiên bản hai: “Ly hoả phạ trọng phùng, bắc phương phản hữu công; tuy nhiên nghi kiến mộc, do khủng đối đề xung”.

Bát tự mẫu trong câu này sử dụng mệnh Giáp Ất sinh tháng mùa thu Thân hoặc Dậu.

Ly hoả phạ trọng phùng: Mệnh Giáp Ất sinh tháng Thân, Dậu là thất tiết, không đắc khí, lại gặp Ly hoả thế lớn tiết khí, rõ ràng là mệnh nhược, cần phò trợ là thuận dụng. Ly hoả ở đây có thể hiểu là Thái Dương hoả tức dương hoả Bính.

Bắc phương phản hữu công: Mệnh mộc nhược gặp phương bắc thuỷ tiết kim khí sinh mộc, là Sát Ấn tương sinh mà cát.

Tuy nhiên nghi kiến mộc, do khủng đối đề xung: Mệnh mộc nhược, gặp đất mộc là gặp Tỷ Kiếp cũng có phò trợ, tuy nhiên nguyệt kiến tháng Thân như gặp niên vận Dần, nguyệt kiến tháng Dậu như gặp niên vận Mão, đều tạo thành lục xung Dần – Thân, Mão – Dậu. Mộc khí trong mệnh cục cơ bản chỉ bị hoả vượng tiết khí, nay gặp lục xung kim – mộc, chẳng khác nào tạo điều kiện cho kim khí là Sát đến khắc mộc tại địa chiến. Mộc bị khắc tiết giao gia (vừa bị khắc vừa bị tiết) có khả năng càng hao tổn nghiêm trọng (cần nhìn bố cục bát tự). Đó là chưa kể Dần Mão đến xung Thân Dậu, tức làm kim động, tuỳ theo tổ hợp bát tự mà kim khí còn có thể đến khắc mộc tại thiên chiến. Lúc đó mộc khí tại thiên chiến hay địa chiến gì đều bị hao tổn.

-----

Nói tóm lại, câu 12 này có hai phiên bản, do ngũ ngôn độc bộ được viết theo dạng thơ ngũ ngôn, lời ít ý nhiều, rất hàm súc nên rất khó đoán phiên bản nào mới là chính tông, đặc biệt là khi cả hai bản đều những chỗ hợp lý về mặt học thuật. Tuy nhiên, ở hai bản này có thể tóm tắt những điểm chung như sau:

(1) Nhật chủ nhược thủ Ấn làm dụng là thuận dụng.

(2) Xung là động, mà hợp là tĩnh. Đây là một phần khái niệm động tĩnh trong bát tự, và đã được minh hoạ ở câu này khá rõ ràng. Gặp xung có thể làm biến động khí thế toàn bát tự, có thể kích động vượng thần. Như Nhi bị xung động thì chủ động tiết khí (thêm) nhật chủ, sinh Tài, khắc Quan. Như Quan Sát động thì chủ động khắc (thêm) nhật chủ, sinh Ấn, tiết Tài.

(3) Xung có hiệu suất cao hơn sinh khắc. Ví dụ, mệnh Giáp Ất nhược, sinh tháng Dậu, bát tự hoả trọng. Gặp vận Mão xung Dậu, thì lấy kim – mộc tương xung làm chủ để tính toán, hoả khí tiết mộc chế kim làm phụ.

(4) Đề cương theo quan niệm truyền thống vốn là môn hộ, là nguồn phúc, là cái xâu chuỗi toàn bát tự. Nếu nguyệt lệnh bị xung tổn đều chủ hung. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của Tứ Trụ hiện nay, cát hung của xung nguyệt lệnh vẫn còn phải nhìn vào bố cục bát tự và hành vận.

Lấy bát tự của tôi làm ví dụ: Giáp Tý – Bính Tý – Đinh Hợi – Ất Tỵ. Thân nhược. Năm 2014 vận Kỷ Mão, niên Giáp Ngọ từ giữa năm (sau rằm tháng bảy âm lịch) bắt đầu khởi nghiệp, phát tài. Rõ ràng là một Mão (vận) hình hai Tý, lại gặp Ngọ (niên) xung hai Tý, nhưng vẫn khởi nghiệp, phát tài, gia đạo bình yên. Thứ nhất, bát tự có Hợi bán hợp Mão vừa giải hình, vừa giảm lực xung Hợi – Tỵ (không triệt tiêu được hoàn toàn lực xung này), mà giảm lực xung Hợi – Tý tức Giáp mộc hỷ thần tại niên trụ trát một phần căn tại Hợi nhật trụ, cũng có nghĩa Giáp hỷ phát huy công năng thông quan hoá Sát tại nhật trụ. Thứ hai, một Ngọ xung bất động hai Tý, nhưng theo tôi, không phải xung không động mà lực xung đến không lớn, thuỷ có động một chút. Thứ ba, một Ngọ xung hai Tý, thuỷ tại Tý động thì làm gì? Sinh Giáp mộc hỷ thần niên trụ, tức hỷ thần phát huy công năng (tố công) tại niên trụ; đồng thời thuỷ có khắc Bính hoả nguyệt trụ một chút (tiệt cước), tuy nhiên vận thấu can Giáp sinh bù lại cho Bính hoả. Thứ tư, một Ngọ hầu như xung bất động hai Tý, nên Ngọ hoả lộc thần hao tổn không đáng kể (vì lực xung không đáng kể).

Như vậy xung đề cương còn phải xem kết cấu bát tự và tổ hợp niên vận mới rõ ràng cát hung.

-----

Các ví dụ thực tiễn (phần này tôi chỉ lấy ví dụ về xung đề cương cát hung tuỳ bố cục):

Ví dụ 1:

Khôn: Đinh Mão – Nhâm Dần – Canh Tuất – Nhâm Ngọ. Năm 2016 vận Ất Tỵ, niên Bính Thân (Thân xung nguyệt lệnh Dần). Ví dụ này là thân nhược, đại khái dụng thổ kim phù trợ, gặp năm Bính Thân là hỷ thần xung đề cương ứng hung.

(Bát tự này của bạn NN. Xin lỗi tôi không nhớ tên trong diễn đàn là gì, chưa xin phép đã đăng lại ở topic này, mong bạn lượng thứ.)

Tôi đoán: Hao tài, sức khoẻ ba kém. Em có dự định đi xa không thực hiện được do liên quan đến việc nhà cửa/đất đai. Năm này em muốn có con nhưng vẫn còn khó khăn nên chưa thực hiện được. Nếu em có nhà cửa/đất đai/bất động sản ở xa thì năm này có hư hao hoặc hao tổn. Trong nhà có xảy ra chuyện hao tài khá lớn. Em có việc đi xa. Các mối quan hệ xã hội nhiều rắc rối.

Đương số phản hồi: Hao tài, có dự định đi xa không thực hiện được. Trong nhà có chuyện hao tài khá lớn. Có việc đi xa. Các mối quan hệ xã hội nhiều rắc rối.

Luận: Mệnh Canh sinh tháng Dần thất lệnh, hai bên trái phải thấu Nhâm thuỷ tiết khí, niên trụ Quan Đinh cường vượng. Dụng thổ chế Nhi hoá Sát hoặc dụng kim trợ. Vận Ất Tỵ, niên Bính Thân. Dần Tỵ Thân tam hình lại có Thân xung Dần động mộc khí sinh hoả Sát khí là kỵ. Thiên Can Nhâm - Ất – Bính một đường tương sinh, thuỷ hoả thành một đảng kỵ thần đến khắc Canh nhật chủ (chủ yếu là Sát hoả khắc).

Ví dụ 2:

Khôn: Mậu Thìn – Giáp Dần – Giáp Ngọ - Giáp Tuất. Năm 2016, vận Tân Hợi, niên Bính Thân (Thân xung nguyệt lệnh Dần). Tứ trụ này thân vượng, đại khái dùng hoả thổ hoặc thổ kim. Năm Bính Thân có Thân là hỷ thần, đến xung đề cương ứng hung.

(Bát tự này của bạn BeInh. Chưa xin phép đã đăng lại ở topic này, mong bạn lượng thứ.)

Tôi đoán: Về mặt công việc sẽ có tiến triển, tuy nhiên có thể làm việc trái ngành. Nếu như trước đây thường không được lòng người trên trong công việc, thì năm này sẽ có người giúp đỡ tụ tài. Tuy nhiên sẽ có nhiều việc hao tài, trong đó có 1 nạn tiền bạc rất nặng, có thể liên quan đến sức khoẻ cha mẹ hoặc ông bà. Cha/mẹ có việc đi xa hao tài. Em phải đi xa, có khả năng việc đi xa này liên quan đến tang chế. Năm Bính Thân này em có tình duyên rồi. Mối quan hệ khá suôn sẻ, ngọt ngào. Rất có thể bên gia đình người yêu của em năm này cũng có tang chế.

Đương số phản hồi: Gia đình bạn trai em vừa có tang, bà mất rất đột ngột, vậy là năm sau sẽ vẫn đang chịu tang. Ngày mai em đi về quê bạn trai để tiễn bà, dù chưa cưới nhưng trong nhà cũng coi e là dâu rồi.

Tôi đoán: Năm sau (Bính Thân) em có việc, nhưng công việc này phải kiêm nhiệm. Trong đó việc nào trái ngành của em thì sẽ vất vả. Khoảng tháng Giêng hoặc tháng Hai ÂL khả năng có cao là có việc làm. Việc này lương không như mong đợi, vất vả. Ngoài ra anh còn thấy năm Bính Thân em hoặc gia đình em sẽ phải hao tài vì việc đất đai nhà cửa. Năm Bính Thân có thể gia đình em sẽ có thành viên mới, là con của ai anh không biết. Tuy nhiên, việc con cái phải cẩn thận. Việc có thành viên mới này gắn liền với việc biến động đất đai nhà cửa. Giả sử có sửa nhà, hay dời/mua nhà mới, thì nên suy xét ngày tháng cẩn thận, vì việc biến động nhà cửa/đất đai này không thuận lợi cho con cái/thành viên mới này. Năm Bính Thân việc tình cảm của em có tiến triển (như anh đã nói ở bài post trước). Rất có thể năm này là hạn hôn nhân của em. Xin lỗi, anh nói thẳng, việc quan hệ của em với bạn trai nếu có nên cẩn thận, năm này có tượng không tốt cho con cái.

Đương số phản hồi: Anh xem rất đúng năm nay là hạn hôn nhân của em. Khoảng hơn 2 tháng nữa e sẽ cưới. […] Về Tiền bạc thì năm nay tương đối thoải mái hơn, do lương của chồng em khá hơn. Ngoài ra thì cũng ko có gì khác. Nhiều việc hao tài thì rất đúng. Trong đó có hao tài vì ba mẹ là nhiều. Về công việc thì em vẫn ở nhà. Về biến động bất động sản thì chắc là do căn nhà em đang ở đầu năm nay đem cầm cho Ngân Hàng. Nhưng em vẫn ở đây, không có thay đổi.

Chỗ tôi coi sai: công việc có tiến triển (tìm được việc), gia đình có thành viên mới, có tượng không tốt cho con cái (đương số không có con).

Chỗ tôi coi đúng: Gia đình bạn trai có tang, đương số phải đi xa vì tang chế, tình duyên có tiến triển, có tiền dư, có hao tài vì ba mẹ, có biến động bất động sản.

Luận: Mệnh Giáp sinh nguyệt lộc đắc lộc. Thiên can thấu ba Giáp, bát tự không thấu kim chế. Dụng hoả thổ kim tuỳ trường hợp. Vận Tân Hợi, niên Bính Thân. Giáp – Hợi – Dần Kiếp cục, gặp niên Thân đến xung phá Kiếp cục kỵ thần. Lúc đó Mậu Tài hỷ thần tại niên chi lại trát căn ở nguyệt chi Dần lại được ám sinh, là mất rồi lại có, cát. Lại thêm thấu Bính tú khí ba Giáp sinh ám sinh Tài đáng lý là cát nhưng lại hợp chế Tân kim hỷ thần thì cuối cùng thành hung (Bính và Tân đều là hỷ thần nhưng trở mặt khắc phạt nhau), nhưng nhờ Bính hợp Tân mà Tân kim không kích động ba Giáp khắc Mậu Tài, xem như cát 7 phần, hung 3 phần.

#21 ThienKhanh

    Pro Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1397 Bài viết:
  • 2274 thanks

Gửi vào 29/01/2018 - 23:07

Xin lỗi, ví dụ thực tế số 2 phía trên là ứng cát, không phải ứng hung. Tôi cố tình chọn 1 ví dụ hỷ thần xung đề cương ứng hung, một ví dụ hỷ thần xung đề cương ứng cát để minh chứng khi đề cương bị xung chưa chắc là hung, mà còn phải nhìn bố cục bát tự và tổ hợp niên vận.

Thanked by 2 Members:

#22 ThichNguNgay

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 466 Bài viết:
  • 710 thanks

Gửi vào 06/03/2018 - 21:22

đã lâu rồi không cùng ThienKhanh đàm luận , nay ta cùng đàm luận chút một vài đoạn :

" Giả sử nguyệt lệnh tháng Ngọ, hành đất Tý thuỷ xung đề cương. Tý – Ngọ xung tứ chính là lực xung rất lớn, kích động vượng thần hoả tiết khí mệnh mộc. Lúc này cát hung khó liệu, cần phải nhìn bố cục bát tự và tổ hợp hành vận cụ thể mà luận. "


cả đoạn trên đọc nghe rất thấm nhưng đến đoạn này tui cảm giác câch nhìn nhận đi vào chỗ bó buộc , thường chúng ta đều biết từ namq 49 đến năm 60 tuổi thì vận sẽ đi vào đất xung khắc với bát tự tiên thiên, tùy theo chiều thuận hay nghịch mà có khắc nhập hay khắc xuất , vậy là chúng ta phải đợi đến những năm này mới xem thấu được sự biến hoá của đời người thì không ổn . theo tui câu này nên hiểu nôm na là khi hành vận đi vào đất có sự tổ hợp chế ngự đề cương thì cần xem xét kỹ càng .


" Lấy bát tự của tôi làm ví dụ: Giáp Tý – Bính Tý – Đinh Hợi – Ất Tỵ. Thân nhược. Năm 2014 vận Kỷ Mão, niên Giáp Ngọ từ giữa năm (sau rằm tháng bảy âm lịch) bắt đầu khởi nghiệp, phát tài. Rõ ràng là một Mão (vận) hình hai Tý, lại gặp Ngọ (niên) xung hai Tý, nhưng vẫn khởi nghiệp, phát tài, gia đạo bình yên. Thứ nhất, bát tự có Hợi bán hợp Mão vừa giải hình, vừa giảm lực xung Hợi – Tỵ (không triệt tiêu được hoàn toàn lực xung này), mà giảm lực xung Hợi – Tý tức Giáp mộc hỷ thần tại niên trụ trát một phần căn tại Hợi nhật trụ, cũng có nghĩa Giáp hỷ phát huy công năng thông quan hoá Sát tại nhật trụ. Thứ hai, một Ngọ xung bất động hai Tý, nhưng theo tôi, không phải xung không động mà lực xung đến không lớn, thuỷ có động một chút. Thứ ba, một Ngọ xung hai Tý, thuỷ tại Tý động thì làm gì? Sinh Giáp mộc hỷ thần niên trụ, tức hỷ thần phát huy công năng (tố công) tại niên trụ; đồng thời thuỷ có khắc Bính hoả nguyệt trụ một chút (tiệt cước), tuy nhiên vận thấu can Giáp sinh bù lại cho Bính hoả. Thứ tư, một Ngọ hầu như xung bất động hai Tý, nên Ngọ hoả lộc thần hao tổn không đáng kể (vì lực xung không đáng kể).

Như vậy xung đề cương còn phải xem kết cấu bát tự và tổ hợp niên vận mới rõ ràng cát hung.""

về bát tự ThienKhanh năm 2014 : ThienKhanh mệnh đinh bố cục thủy trọng hoả điêu linh , vận kỷ mão năm 2014 2 tý xung một ngọ , nhưng hành mão vận nên dẫn hoá lưỡng tý cùng hợi trụ ngày thuận thế sinh hoả , vì thế phát tài , nhưng tài này cũng là lăn lộn nhiều quan hệ mới tới tay chứ không phải bôc số mà trúng được . nếu là xét sang năm 2015 ất mùi tưởng rằng co tô hợp hợi mão mùi lại có ất mộc sinh , nhưng bô cục năm ất mùi lại không hay bằng năm 2014 , năm này nhiều lần bi quan bế tắc chứ không ít hả ThienKhanh . nếu cho rằng mộc là hỉ hoả là dụng thì không có hợp lẽ

Thanked by 1 Member:

#23 ThienKhanh

    Pro Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1397 Bài viết:
  • 2274 thanks

Gửi vào 07/03/2018 - 22:09

Chào bác ThichNguNgay, lâu quá mới thấy bác xuất hiện trên forum. TK phản hồi lại phía dưới.

" Giả sử nguyệt lệnh tháng Ngọ, hành đất Tý thuỷ xung đề cương. Tý – Ngọ xung tứ chính là lực xung rất lớn, kích động vượng thần hoả tiết khí mệnh mộc. Lúc này cát hung khó liệu, cần phải nhìn bố cục bát tự và tổ hợp hành vận cụ thể mà luận. "

cả đoạn trên đọc nghe rất thấm nhưng đến đoạn này tui cảm giác câch nhìn nhận đi vào chỗ bó buộc , thường chúng ta đều biết từ namq 49 đến năm 60 tuổi thì vận sẽ đi vào đất xung khắc với bát tự tiên thiên, tùy theo chiều thuận hay nghịch mà có khắc nhập hay khắc xuất , vậy là chúng ta phải đợi đến những năm này mới xem thấu được sự biến hoá của đời người thì không ổn . theo tui câu này nên hiểu nôm na là khi hành vận đi vào đất có sự tổ hợp chế ngự đề cương thì cần xem xét kỹ càng .

--> TK dùng "hành đến đất Tý thuỷ xung đề cương" là xét cả đại vận và lưu niên. Đến đại vận Tý cũng là hành đến đất Tý, đến lưu niên Tý cũng là hành đến đất Tý. Vận 49-60 tuổi vào vận xung khắc bát tự tiên thiên là vào đại vận thiên khắc địa xung phải không bác? Ở đây TK chỉ xét địa chi tương xung, chưa xét thiên can, nên mới nói tuỳ tổ hợp bát tự và niên vận mà luận cát hung. TK nghĩ câu này trong Ngũ Ngôn cũng chỉ nói đến địa chi chứ chưa nói đến thiên can.

" Lấy bát tự của tôi làm ví dụ: Giáp Tý – Bính Tý – Đinh Hợi – Ất Tỵ. Thân nhược. Năm 2014 vận Kỷ Mão, niên Giáp Ngọ từ giữa năm (sau rằm tháng bảy âm lịch) bắt đầu khởi nghiệp, phát tài. Rõ ràng là một Mão (vận) hình hai Tý, lại gặp Ngọ (niên) xung hai Tý, nhưng vẫn khởi nghiệp, phát tài, gia đạo bình yên. Thứ nhất, bát tự có Hợi bán hợp Mão vừa giải hình, vừa giảm lực xung Hợi – Tỵ (không triệt tiêu được hoàn toàn lực xung này), mà giảm lực xung Hợi – Tý tức Giáp mộc hỷ thần tại niên trụ trát một phần căn tại Hợi nhật trụ, cũng có nghĩa Giáp hỷ phát huy công năng thông quan hoá Sát tại nhật trụ. Thứ hai, một Ngọ xung bất động hai Tý, nhưng theo tôi, không phải xung không động mà lực xung đến không lớn, thuỷ có động một chút. Thứ ba, một Ngọ xung hai Tý, thuỷ tại Tý động thì làm gì? Sinh Giáp mộc hỷ thần niên trụ, tức hỷ thần phát huy công năng (tố công) tại niên trụ; đồng thời thuỷ có khắc Bính hoả nguyệt trụ một chút (tiệt cước), tuy nhiên vận thấu can Giáp sinh bù lại cho Bính hoả. Thứ tư, một Ngọ hầu như xung bất động hai Tý, nên Ngọ hoả lộc thần hao tổn không đáng kể (vì lực xung không đáng kể).

Như vậy xung đề cương còn phải xem kết cấu bát tự và tổ hợp niên vận mới rõ ràng cát hung."

về bát tự ThienKhanh năm 2014 : ThienKhanh mệnh đinh bố cục thủy trọng hoả điêu linh , vận kỷ mão năm 2014 2 tý xung một ngọ , nhưng hành mão vận nên dẫn hoá lưỡng tý cùng hợi trụ ngày thuận thế sinh hoả , vì thế phát tài , nhưng tài này cũng là lăn lộn nhiều quan hệ mới tới tay chứ không phải bôc số mà trúng được . nếu là xét sang năm 2015 ất mùi tưởng rằng co tô hợp hợi mão mùi lại có ất mộc sinh , nhưng bô cục năm ất mùi lại không hay bằng năm 2014 , năm này nhiều lần bi quan bế tắc chứ không ít hả ThienKhanh . nếu cho rằng mộc là hỉ hoả là dụng thì không có hợp lẽ

--> TK phản hồi bác như sau. Giả sử có 10 phần cát chẳng hạn, thì năm 2015 Ất Mùi tốt 10 phần: tình duyên, tiền bạc, công danh, sức khoẻ, tinh thần thanh thản. Năm 2014 Giáp Ngọ khoảng được 5,6 phần: công danh, sức khoẻ, lo lắng liên miên, đầu năm nhiều dự tính nhưng không làm được gì, từ sau 15/7 ÂL bắt đầu có tiến triển rõ rệt.

Sửa bởi ThienKhanh: 07/03/2018 - 22:13


Thanked by 3 Members:

#24 ThichNguNgay

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 466 Bài viết:
  • 710 thanks

Gửi vào 07/03/2018 - 23:10

cám ơn phản hồi của ThienKhanh , vậy là tui tính sai điểm mệnh đinh . xem ra bất tự của ThienKhanh không những cần hoá hợi thủy dẫn mộc mà còn cần táo thổ để tụ khí nên mới cát toàn vẹn như vậy được , điểm này cũng là tui yếu kinh nghiệm về việc xem mệnh can Đinh .

lâu rồi cũng không đàm luận qua cùng cố nhân .

chúc vui vẻ

Thanked by 1 Member:

#25 ThienKhanh

    Pro Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1397 Bài viết:
  • 2274 thanks

Gửi vào 08/03/2018 - 01:30

Đâu có sao. Có những bát tự hành vận phức tạp, mình coi chệch là bình thường. Coi đúng hết mọi trường hợp thì thành Thánh rồi. Bác ThichNguNgay có thời gian thì lên diễn đàn post bài cho vui. Chúc bác và gia đình năm mới nhiều sức khoẻ, bình an, và nhiều may mắn.

Sửa bởi ThienKhanh: 08/03/2018 - 01:31


Thanked by 1 Member:

#26 ThichNguNgay

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 466 Bài viết:
  • 710 thanks

Gửi vào 08/03/2018 - 01:58

cám ơn ThienKhanh , chúc ThienKhanh cùng gia đình an lành . chúc diễn đàn ngày càng phát triển

Thanked by 1 Member:

#27 AnKhoa

    Pro Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 6702 Bài viết:
  • 15458 thanks

Gửi vào 08/03/2018 - 11:20

Bính Đinh cư hợi tí nguyệt đều tối trọng Táo thổ chế Thuỷ hộ Hoả.

Thanked by 1 Member:

#28 lamkytien

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 166 Bài viết:
  • 216 thanks

Gửi vào 16/04/2018 - 12:13

Bài này rất hay, để ngâm cứu càng hay, cám ơn tâm huyết của chủ nhân, hy vọng được đọc đủ 23 câu Ngũ Ngôn Độc Bộ.

Thanked by 1 Member:

#29 ThienKhanh

    Pro Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1397 Bài viết:
  • 2274 thanks

Gửi vào 07/06/2018 - 00:38

Câu 13: 八月官星旺,甲逢秋气深,财官兼有助,名利自然亨。

Bát nguyệt Quan tinh vượng, Giáp phùng thu khí thâm, Tài Quan kiêm hữu trợ, danh lợi tự nhiên hanh.
(Tháng tám Quan tinh vượng, Giáp gặp thu khí sâu, Tài Quan lại có trợ giúp, danh lợi tự nhiên suôn sẻ)

Câu 13 này đưa ra một bát tự làm ví dụ, là nhật chủ Giáp sinh vào tháng Dậu (tháng tám), bát tự lại thấy thổ kim tương sinh, tức Tài Quan tương sinh thành thế.

Trước khi phân tích câu này, cần làm rõ một từ đặc biệt tối nghĩa, đó là từ 逢 (kiêm). Tại sao tối nghĩa? Bởi từ Kiêm này có thể khiến câu 13 hiểu theo hai cách. Cách hiểu thứ nhất: Mệnh Giáp sinh tháng Dậu, bát tự thổ kim tương kiến thành đảng, đồng thời đảng này lại có trợ (như gặp Thực Thương sinh Tài chẳng hạn), thì danh lợi tự nhiên hanh thông. Cách hiểu thứ hai: Mệnh Giáp sinh tháng Dậu, bát tự thổ kim tương sinh, đồng thời Giáp có trợ giúp, thì danh lợi tự nhiên hanh thông.

Tôi đã tra mạng tại địa chỉ sau:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Theo địa chỉ này, có thể thấy cấu trúc số hai Subj. + 是 + Noun 1 + 兼 + Noun 2 gần sát với cách hiểu thứ nhất. Tuy nhiên, có một điểm lệch là Noun 1 (danh từ số 1) ở đây đóng vai trò làm Subject Complement 1 (phần phụ chủ từ thứ nhất). Còn Noun 2 (danh từ số 2) là Subject Complement 2 (phần phụ chủ từ thứ hai). Như vậy nếu hiểu theo cách hiểu thứ nhất như phía trên, câu 13 Ngũ Ngôn Độc Bộ dư động từ 有 (có).

Đồng thời, quan sát cả hai cấu trúc, dễ dàng nhận thấy từ Kiêm này bổ trợ cho chủ từ trong câu. Do đó ở câu 13 Ngũ Ngôn này, tôi sẽ phân tích theo cách hiểu thứ hai: Mệnh Giáp sinh tháng Dậu, bát tự thổ kim tương sinh thành đảng, đồng thời nhật chủ Giáp có trợ giúp, thì danh lợi tự nhiên hanh thông. Tôi phân tích chi tiết bên dưới:

Bát nguyệt Quan tinh vượng: bát nguyệt là tháng tám, tức tháng Dậu, trong Dậu tàng Tân kim. Nếu tháng Dậu là Quan tinh, tức Tân kim là Quan tinh, suy ra nhật chủ phải là Giáp mộc.

Giáp phùng thu khí thâm: tháng tám Dậu thì kim khí đương vượng, cũng là chính thu, nên gọi là thu khí thâm, tức kim khí sâu dày. Kim khí vốn nặng, hướng xuống, nên dùng từ “thâm” (sâu) để diễn tả kim vượng. Ở đây cần phải nhắc một chút câu Ngũ Ngôn số 11: “Giáp Ất nhược phùng Thân, Sát Ấn ám tương sinh. Mộc vượng kim phùng vượng, quan bào tất quải thân”. Câu 11 đề cập đến vấn đề ám sinh, hay còn gọi là tuyệt xứ phùng sinh. Tại sao gọi là tuyệt xứ phùng sinh? Bởi vì Giáp Ất mộc đến tháng Thân là tuyệt, nên gọi là “tuyệt xứ” (nơi bị tuyệt). Nhưng trong Thân tàng Mậu thổ sinh Canh kim, Canh kim lại sinh Nhâm thuỷ, tức Nhâm thuỷ có nguồn sâu dài mà lại trường sinh, mà Nhâm thuỷ là nguyên thần của mộc, thành ra Nhâm thuỷ có ám sinh mộc, nên gọi là “phùng sinh” (gặp sinh trợ). Đến tháng tám là tháng Dậu. Dậu lại chuyên nhất, chỉ tàng Tân kim, lại gặp Tài thổ đến sinh Quan. Nếu áp dụng phương pháp chiến cuộc, đảng phái đã phân tích ở câu 10: “Hữu Sát chích luận Sát, vô Sát phương luận dụng. Chích yếu khử Sát tinh, bất phạ đề cương trọng.” Rõ ràng có thể thấy Tài Quan thành đảng chiến nhật chủ. Tài Quan tương kiến là thành thế, lại đắc tiết lệnh là thành khí, khí thế rất vững mạnh, như vậy nhật chủ bị sát phạt, tổn thương khó thành khí hậu. Liền nhận định là mệnh cùng khổ?

Không phải như vậy. Câu Ngũ Ngôn số 13 này tôi rất tâm đắc, bởi nguyên lý của nó tuy đơn giản nhưng là minh chứng cho phương pháp luận biện chứng ngũ hành rất rõ. Tài Quan thành khí thế, nhật chủ tuy bị sát phạt mà thương tổn, nhưng không thể máy móc mà luận mệnh kém. Phải nhìn toàn bộ bố cục bát tự! Bát tự nhật chủ nếu gặp sinh trợ vẫn có thể hanh thông, vẫn có thể có danh lợi, vẫn có thể có tài phú. Vậy sinh trợ như thế nào?

Tài Quan kiêm hữu trợ, danh lợi tự nhiên hanh: Vẫn là cơ bản ngũ hành sinh khắc, lấy Ấn hoá Sát (Quan hoành hành thì xem là Sát). Mệnh bị Sát khắc tổn, có Ấn hoá Sát thông quan thì phản cục, đắc cả Ấn lẫn Tài Sát (Tài Sát ám sinh thân), là quý mệnh. Tài là tài phú, Sát Ấn là quyền lực, địa vị, học nghiệp. Hoặc có thể lấy Tỷ Kiên chế nguyên thần của Sát là Tài, hoặc có thể lấy Tỷ Kiên chắn Sát khí (nhưng chữ Tỷ Kiên này sẽ bị thương tổn), thảy đều là mệnh tốt, tức bệnh nặng dược trọng. Trong đó dụng Ấn thông quan thường là tốt nhất.

Tuy nhiên, phía trên tôi có nhắc đến quan hệ là Sát khắc tổn Giáp. Khắc tổn thì dễ dàng hoá giải. Nếu gặp Sát xung bạt căn, hoặc hình bạt căn, hoặc thấu can gần kề mà động, thì nan giải, mệnh kém hơn nhiều. Tôi ví dụ, mệnh Giáp sinh tháng Dậu, nhật trụ toạ Thìn, tức nhật trụ là Giáp Thìn. Lúc này Dậu – Thìn hợp, Dậu tàng độn vào phạt Ất mộc trong Thìn, tức là phạt nhược căn của Giáp. Nếu chỉ nhìn bố cục mệnh Giáp sinh tháng Dậu, thì Quan tinh không trực tiếp khắc tổn nhật chủ Giáp. Nay Giáp toạ Thìn, thì tạo điều kiện cho Dậu trực tiếp khắc tổn Giáp, thông qua việc phạt căn Ất mộc của Giáp. Tức là lúc này đã có tượng kim – mộc tương chiến (ám chiến). Mệnh này xấu hơn nhiều.

Như vậy, câu 13 Ngũ Ngôn nhắc nhở người nghiên cứu phải có cái đầu biện chứng, phải biết nhìn bố cục của bát tự. Không thể thấy Tài Quan thành khí thế thì lập tức cho là mệnh kém, không gánh nổi Tài Quan. Phải có cái nhìn toàn cục, phải phân tích tinh tế để hiểu được sự vận động nội tại của nguyên cục, từ đó nhận định rõ bát tự bệnh ở đâu, nặng hay nhẹ, có thuốc hay không có thuốc, có thuốc thì thuốc nặng hay nhẹ.

Cũng chính là nói, nếu dùng chiến cục (điển hình là việc luận chế khử của Manh Phái), phải có cái nhìn tinh tế, không nên áp dụng rập khuôn sẽ dễ dẫn đến sai lầm trong việc coi mệnh.

Việc phân tích chiến cuộc, bệnh dược này cũng là một cơ sở quan trọng để đánh giá mệnh cao thấp, phú quý bần tiện.

Lần này tôi không tìm được ví dụ trực tiếp nào có bố cục mệnh Giáp sinh tháng Dậu, thổ kim tương sinh. Nếu vị nào có bát tự như thế và sẵn lòng đăng lên thì tôi sẽ phân tích trực tiếp. Chỉ xin vui lòng đăng bát tự có thực, chính xác và có đầy đủ thông tin để phản hồi giúp. Xin cám ơn.

Sửa bởi ThienKhanh: 07/06/2018 - 00:44


Thanked by 3 Members:

#30 NNLTT

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 563 Bài viết:
  • 215 thanks

Gửi vào 07/06/2018 - 01:33

Tôi thấy từ Kiêm từ điển Nguyễn Quốc Hùng dịch nghĩa là Bao gồm,gồm thêm ,chất chứa mà nhiều thêm lên.
Còn từ dưới là Phùng có nghĩa là gặp gỡ ,tương phùng.
Thì mặc dù tôi không học tứ trụ nhưng cứ chữ tàu dịch thì tôi dịch là
Sinh tháng 8 quan tinh vượng,can giáp mùa thu thì khí trầm xuống sâu,tài quan đều có trợ lực do vậy mà danh và lợi tự nhiên hanh thông.
p.s

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Cuốn từ điển của ông Hùng này tôi mê lắm đánh giá cao,vì có nhiều chữ dị thể,tuy nhiên có cuốn sách giấy lại cất mãi tận trong cái chùa nào đó ở miền nam.

Sửa bởi NNLTT: 07/06/2018 - 01:39


Thanked by 1 Member:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |