Jump to content

Advertisements




TRUYỆN NGẮN


312 replies to this topic

#301 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 18/02/2022 - 13:41

6) HỒI ỨC CỦA MỘT TRÍ THỨC CŨ TRONG XÃ HỘI MỚI SAU 1975
III) MỘT QUÃNG ĐỜI RIÊNG
2) ĐIỀU BẤT NGỜ TRONG CUỘC SỐNG

Nỗi lo sợ lớn nhất của người tù cải tạo trở về là bị bứng ra khỏi thành phố, kết thúc những dự định tạo dựng lại cuộc sống mới cho gia đình. Thời đó có một quy định “không thể hiểu nổi” liên quan đến tờ hộ khẩu, đó là: muốn được nhập hộ khẩu (trở lại) tại thành phố thì phải có việc làm ổn định; còn muốn có việc làm ổn định thì phải có hộ khẩu tại thành phố! Một sự đánh đố không hề nhẹ. “Việc làm ổn định” ở đây được hiểu là một việc làm chính thức trong cơ quan nhà nước, việc làm tại các hợp tác xã, tổ hợp tư nhân không được xem là việc làm ổn định.
Trong những ngày đầu tạm trú ở thành phố, được nghe kể rằng tại các tỉnh, huyện, nhiều chính quyền sở tại áp dụng với những người tù cải tạo trở về nhiều biện pháp thật “cứng rắn”, có khi ban đêm gõ cửa lôi họ đi đến một vùng kinh tế mới xa tăm tắp nào, một thời gian sau thân nhân mới biết là họ ở đâu.
Ở TPHCM, không khí “dễ thở” hơn, song trong thời gian quản chế (từ 1 đến 3 năm), họ phải thường xuyên trình diện Công an phường và Ban quản lý người cải tạo trở về của quận. Tại phường, họ được yêu cầu viết tờ kiểm điểm khai báo là trong tuần qua, hay nửa tháng qua, họ đã làm những việc gì, đã tiếp xúc với những ai; ở quận thì họ cầm theo tờ đơn xin tiếp tục tạm trú tại địa phương có sự bảo lãnh của người chủ hộ là vợ hay con của chính họ. Dòng bảo lãnh ghi đại khái “tôi là Trần Thị Ổi đồng ý cho ông Lê Văn Xoài tạm trú trong ngôi nhà của tôi và tôi hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm”. Cụm từ “phó thường dân” áp dụng trong trường hợp này không có chi là quá đáng.
Phải hiểu được quan hệ gia đình cùng cơ chế lương bổng và phụ cấp của công chức, quân nhân miền Nam trước 1975 thì mới cảm nhận được hết sự nhục nhằn của những người tù cải tạo trở về với đời sống bình thường. Thời đó, ở hầu hết các gia đình quân nhân, công chức, người phụ nữ không phải đi làm, chỉ lo việc nội trợ và nuôi dạy con cái, vì người chồng, từ anh binh nhì hay bác tùy phái trở lên, đều có phụ cấp gia đình kèm theo lương bổng. Khoản phụ cấp hàng tháng trước thập niên 1970 là 800 đồng cho vợ và 500 đồng cho mỗi đứa con, bất luận là bao nhiêu con.
Từ thập niên 1970, khoản phụ cấp này được tăng gấp đôi để đối phó với vật giá gia tăng. Tiền cơm tháng cho một sinh viên ở trọ vào thập niên 1960 khoảng 600 đồng, nên riêng phần phụ cấp gia đình cũng gần đủ để người quân nhân, công chức nuôi vợ, nuôi con. Vào thời này, lương một ông hạ sĩ đông con cao hơn rất nhiều so với lương một ông trung úy độc thân là chuyện bình thường. Nhắc lại như thế để hiểu được hết nỗi nhục nhằn của những người từng là trụ cột gia đình, một tay gánh vác mọi thứ, nay trắng tay, sống dưới “sự bảo lãnh và chịu mọi trách nhiệm” của những người là vợ, là con mình!

Được biết không lâu sau tháng 4.1975, chính quyền Sài Gòn-TPHCM thành lập “Hội trí thức yêu nước” trụ sở đặt tại đường Nguyễn Thông. Như cái tên đã chỉ rõ, đây là tổ chức kết hợp giới trí thức lại để cùng sinh hoạt dưới sự dẫn dắt của các tổ chức chính quyền. Nghe kể rằng khi tiếp quản trường Quốc gia Hành chánh, có người lên án mạnh mẽ các giáo sư, giảng sư ở đây, cho rằng họ đã đào tạo một thành phần ph.... đ.... chuyên “kìm kẹp” người dân trên cả nước. Cũng vì thế, những người có thẩm quyền lúc ấy không công nhận bằng tốt nghiệp Học viện QGHC là bằng đại học, và tất nhiên những ai có bằng này không được sinh hoạt trong Hội trí thức yêu nước.
May sao, người giữ chức vụ Tổng thư ký của hội này, anh Huỳnh Kim Báu (1944-2020), từng là một sinh viên miền Nam thoát ly ra chiến khu, bằng sự hiểu biết của mình, anh giải thích cho những người có trách nhiệm biết rằng Học viện QGHC như một trường Đại học luật thứ hai, sinh viên được học nhiều bộ luật khác nhau, bởi vì công việc hành chánh mà họ sẽ làm là chặng cuối cùng của việc thi hành các bộ luật.
Nhờ sự can thiệp của anh Báu mà văn bằng tốt nghiệp Học viện QGHC mới được công nhận là bằng đại học, và khi một người tù cải tạo được trở về xã hội, việc đầu tiên anh ta sẽ làm là đi ra hai nơi, một là Hội trí thức yêu nước, hai là Trung tâm nghiên cứu và dịch thuật thuộc Sở Văn hóa-Thông tin thành phố. Tại những nơi này, họ xuất trình giấy ra trại và bằng tốt nghiệp đại học để được ghi tên vào sổ, được mời tham dự các buổi nói chuyện tại Hội hay nhận các tài liệu về dịch thuật.
Về thực chất, những động thái trên chẳng cải thiện được gì đời sống vật chất của người tù cải tạo trở về, các buổi nói chuyện diễn ra vài tuần một lần, còn tài liệu dịch thuật thì chẳng thấy mặt mũi ở đâu. Song điều họ trông mong là những tờ chứng nhận của hai cơ quan trên giúp cho họ được dễ thở hơn tại địa phương, nhất là khi xin gia hạn tạm trú trong chính ngôi nhà của mình.



Chỉ mấy ngày sau khi trở về nhà, tôi được biết người anh bạn rể (anh em đồng hao) của tôi tên Trần KM (1928-2004) là em vợ ông Ba Nam, Trưởng ban liên lạc công thương thành phố, cơ quan đã đẻ ra Công ty XNK trực dụng Ficonimex. Anh M. thúc giục tôi lập hồ sơ xin việc để anh tự tay mang ra cho ông Ba Nam. Với một “phó thường dân” chưa có hộ khẩu, chưa có quyền công dân, đây là việc câu trăng đáy nước, song với sự nhắc nhở thường xuyên của anh M, tôi cũng cứ thử một phen xem sao.
Hôm anh M mang hồ sơ xin việc của tôi đến nhà ông Ba Nam thì ông đã đi đâu đó với ông Nguyễn Xuân Hòe, Trợ lý Giám đốc kiêm Chánh văn phòng Công ty Ficonimex. Hỏi ra thì đúng là ông Hòe, nhân vật số 3 trong vụ án Huỳnh Văn Trọng – Vũ Ngọc Nhạ, bị tù chung thân tại Côn Sơn (Côn Đảo), được ra làm “công nhân văn phòng” ở Ty Ngân khố Côn Sơn, và trong loạt hồi ức về Côn Đảo, tôi có kể rằng vào mỗi sáng chủ nhật, ông Hòe vẫn thường đến thăm tôi và ngồi trao đổi với nhau những vấn đề thời sự thế giới. Đó bất ngờ đầu tiên khi tôi trở về với cuộc sống bình thường!
Biết được mối quan hệ sẵn có giữa tôi và ông Hòe, ông Ba Nam đưa hồ sơ xin việc của tôi cho ông Hòe để trình cho ông Giám đốc Đinh Xáng.
Ngày nọ, ông Hòe nhắn tôi ra gặp ông. Tay bắt mặt mừng sau 10 năm không gặp, sau một hồi nhắc nhở kỷ niệm cũ đã qua, ông Hòe nói: “tôi mời anh cộng tác với tôi”.
Về sau, tôi được biết khi chuyển đơn của tôi cho ông Xáng, ông Hòe có nêu hai nhận xét:
- Trong thời gian làm việc ở Côn Đảo, tôi từng giúp đỡ anh em tù chính trị (trên thực tế, tôi chả có tiền bạc dư dả gì để giúp họ về mặt vật chất, chỉ có đối xử với họ trên tinh thần những người có tri thức và lòng tự trọng)
- Văn phòng của ông đang cần người phụ việc.
Và cuối cùng ông Đinh Xáng phê “thuận”. Dễ dàng như thế, bất cần hộ khẩu hay quyền công dân, vì Ficonimex là một công ty công tư hợp doanh, theo nội quy hoạt động, vị giám đốc có toàn quyền trong việc tuyển dụng người.
Đó là một khúc quanh thật bất ngờ, không những đối với riêng tôi, mà còn trong con mắt mọi người, kể cơ quan công an địa phương là đơn vị quản chế tôi.
Một buổi sáng, ông Đỗ N.C., Phó Giám đốc Tổ chức của công ty Ficonimex nhắn gặp tôi và câu hỏi đầu tiên ông đưa ra là tôi đã sẵn sàng làm việc chưa. Tôi đáp rằng tôi đã sẵn sàng.
(còn tiếp)

Lê Nguyễn
18.1.2022

-----------_____
7) HỒI ỨC CỦA MỘT TRÍ THỨC CŨ TRONG XÃ HỘI MỚI SAU 1975

III) MỘT QUÃNG ĐỜI RIÊNG
3) SỰ GIẰNG XÉ GIỮA MIẾNG CƠM MANH ÁO VÀ LÒNG TỰ TRỌNG
* Gửi những người thân đã chứng kiến một quãng đời của tôi

Thế là một buổi sáng tháng 7.1982, tôi đến nhận việc tại công ty Ficonimex. Bộ phận của tôi chỉ có hai người: ông Nguyễn Xuân Hòe, Trợ lý Giám đốc kiêm Chánh văn phòng, và tôi, anh cạo giấy bất đắc dĩ, vì sự an toàn của bản thân, vì miếng cơm manh áo cho gia đình.
Trong vụ án “gián điệp” tại miền Nam vào những năm cuối thập niên 1960, tầm quan trọng của ông Hòe chỉ xếp sau hai nhân vật đầu sỏ Huỳnh Văn Trọng – Vũ Ngọc Nhạ. Ông nhận bản án tù chung thân ngang với ông Nhạ. Chắc là quyển “Ông cố vấn” do ông Hữu Mai chấp bút, viết lại những chuyện kể của ông Nhạ, có nhắc nhiều đến ông Hòe.
Vào lúc ấy, chuyện cũ cũng chỉ mới cách đó 10 năm. Tôi vẫn nhớ như in những ngày của năm 1971-1972 ấy, hầu như chủ nhật nào, anh tù chính trị Nguyễn Xuân Hòe cũng tới chơi nhà của “Phó đảo” Cẩn (lúc ấy hai ông Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ còn ở trại Chí Hòa). Và bao giờ cũng vậy, bằng sự khiêm tốn cố hữu, khi đến giữa khoảng sân rộng trước nhà tôi, ông Hòe cũng đứng chụm hai chân lại, hơi nghiêng người xuống, cúi đầu chào. Tôi bước ra sân, dẫn ông vào nhà, như một người quen cũ.
Ông Hòe là người hiểu biết rộng, vẫn được người nhà gửi từ đất liền ra những tạp chí ngoại quốc như Time, Newsweek để đọc…. Và khi đọc xong, ông thường mang những tờ báo đó tặng tôi. Ông có những nhận định thời sự khá sắc bén, bàn luận với tôi hăng say như hai người bạn vong niên.
Trong hầu hết những buổi gặp gỡ, mạn đàm đó, gia đình tôi đều mời ông Hòe một tô hủ tiếu tự biên tự diễn. Chi tiết này tôi chỉ nhớ thấp thoáng, về sau chính miệng ông Hòe nhắc lại với một vài người thứ ba, khi tôi đã là nhân viên dưới quyền ông.
Tất nhiên, từ thời điểm ấy, hơn ai hết, tôi nhận thức rõ ý nghĩa của hai chữ “đổi đời”, khi người cựu tù chính trị Côn Đảo trở thành ông sếp và ông Phó đảo Côn Sơn ngày nào trở thành kẻ thuộc quyền! Điều may mắn cho tôi là ông Hòe hành xử như một người có hiểu biết, vẫn còn nhớ đến quá khứ của tôi, đến sự cư xử của tôi đối với ông cách đó 10 năm. Song dù cho ông có tế nhị đến đâu, trong lòng của kẻ thất thế cũng có những lúc đau thầm, khi nghĩ đến những thăng trầm mình đang trải qua.
Như tôi đã tự nhủ với mình ngay từ những năm tù cải tạo, phải biết nhẫn nhục, chịu đựng và giữ vững lòng tự trọng để không phải có những lúc xấu hổ với chính mình.
Song sự nhục nhằn không chịu dừng ở đó. Nó còn đậm đà hơn, dai dẳng hơn, khi tôi trở thành đề tài chính trong mối bất đồng âm ỉ từ lâu giữa ông Hòe và ông Đỗ NC, Phó giám đốc Tổ chức của công ty. Trong thế giằng co giữa hai bên, sự hiện diện của tôi là cơ hội tốt cho ông C. phản đòn đối thủ. Qua câu chuyện với những người khác, ông ám chỉ việc ông Hòe đưa vào công ty một “viên chức ng... q...” đi cải tạo về, không có hộ khẩu, chưa có quyền công dân, là một điều không đúng nguyên tắc.
Đã đành là theo nội quy hoạt động của công ty, ông Giám đốc Đinh Xáng có toàn quyền tuyển dụng nhân viên, song với tư cách Phó Giám đốc Tổ chức, người “cầm cân nảy mực” bảo vệ “sinh mạng chính trị” của cơ quan, ông C. tự thấy mình có quyền nêu lên vấn đề một cách chính đáng. Điều kiện tối thiểu mà ông C. đặt ra là ông Hòe phải chính thức làm giấy bảo lãnh tôi.
Điều kiện đó mới nghe qua có vẻ nhẹ nhàng, song với một đảng viên như ông Hòe, nó không hề nhẹ, không nhẹ như cách cư xử của tôi đối với ông Hòe 10 năm về trước. Và tôi không có chút ngạc nhiên nào khi biết ông Hòe không đồng ý làm giấy bảo lãnh cho tôi. Tôi hiểu cái khó của ông Hòe lúc đó, nhất là khi nhớ về câu chuyện nhỏ vào một buổi sáng, sau khi tôi vào làm việc tại công ty Ficonimex chưa đầy một tuần lễ. Hôm ấy, ông Hòe chưa đến văn phòng thì ông K., một viên chức già thuộc Phòng Tổ chức của công ty đến mời tôi qua phòng ông “nói chuyện chơi”. Sau mấy câu xã giao, ông K. hỏi tôi rằng hồi ở tù Côn Đảo, ông Hòe làm việc gì. Tôi nói rõ là hồi đó ông Hòe làm công nhân văn phòng, một dạng nhân viên hành chánh không lương, ở Ty Ngân khố.
Chuyện chỉ có thế, tôi không thấy có gì quan trọng. Khi ông Hòe vào văn phòng, tôi kể lại chuyện ông K. gặp tôi và đã hỏi tôi về ông. Mặt ông Hòe đanh lại và chỉ thốt mấy tiếng “họ tò mò”. Về sau, tôi mới biết rằng, trong nhận định và đánh giá của những cơ quan có thẩm quyền về chính trị của bên thắng cuộc lúc ấy, có sự phân biệt rõ rệt giữa những người tù chính trị Côn Đảo chống đối lại mọi quy định của Trung tâm cải huấn chế độ cũ với những người tù chính trị chấp hành đúng nội quy, đi lao động bên ngoài hay làm việc ở những cơ sở hành chánh như ông Hòe.
Với thực tế đã diễn ra và những suy nghĩ như vậy, tôi chẳng ngạc nhiên gì trước việc Hòe không chịu làm giấy bảo lãnh cho tôi. Song trong bạn bè của tôi, có người tỏ ra bất bình về chuyện này. Anh ta không chịu kìm nén cảm xúc khi phát biểu:
- Ngày xưa ông là Phó đảo, ông không sợ gì khi đối xử tốt với những người tù CS như họ, sao bây giờ chỉ có việc ký tờ bảo lãnh mà họ cũng không dám làm cho ông?
Tôi biết, sự xúc động làm cho anh ta cạn nghĩ, bởi vì mối quan hệ giữa ông Phó đảo và người tù chính trị CS ngày xưa rất khác với mối quan hệ giữa một đảng viên với người cựu tù cải tạo bây giờ. Chỉ một hành vi nào đó của tôi như gia nhập một tổ chức chính trị bất hợp pháp hay phổ biến hơn như xuống tàu vượt biên thì tiền đồ chính trị của người đảng viên đó bị vấp váp ngay. Vì thế, cho dù chán nản với tình thế của mình đến mấy, tôi cũng không trách ông Hòe.
Đó là khoảng thời gian mà tôi bị giằng xé nặng nề giữa một bên là lòng tự trọng của người có cảm giác mình đang “cố đấm ăn xôi”, với một bên là miếng cơm manh áo của một gia đình đã rách nát từ lúc tôi còn là một anh tù cải tạo. Để thỏa mãn lòng tự ái của mình, chỉ cần một đơn thư xin nghỉ việc là xong ngay. Song kéo theo đó sẽ là sự thiếu thốn vật chất trong cuộc sống chung, là nỗi buồn lo, thất vọng của những người đã gian khổ rất nhiều trong gần 7 năm thiếu vắng bóng người đàn ông trong gia đình.
Trong công việc hàng ngày, tôi cố che giấu nỗi dằn vặt, ngay cả với ông Hòe. Vậy mà vẻ mặt, nỗi buồn của tôi không qua mắt được một cô gái trẻ có cái tên Lê C. H.. Cô để ý đến tôi và những biểu hiện của tôi lúc nào chẳng biết. Tôi chỉ khám phá ra điều này vào một buổi chiều mưa gió ngập trời …..
Chiều hôm đó, mưa giông, sấm sét đến nổi tất cả nhân viên công ty Ficonimex dù có áo mưa cũng không dám ra về. Mọi người tập hợp trong sảnh lớn ở tầng trệt, nói cười rôm rả. Tình cờ cô H. đứng gần tôi, sau một vài câu trao đổi, đột nhiên, cô nhìn tôi bằng một cái nhìn rất khác, rồi cất tiếng:
- Bấy lâu nay theo dõi anh, em hiểu tâm trạng của anh lắm. Song anh nên nhớ một điều, là bây giờ anh sống không phải cho anh, mà là sống cho gia đình anh.
H. trẻ hơn tôi nhiều lắm, song câu nói của cô xoáy buốt trong tâm can tôi. Tôi lờ mờ đoán rằng nhiều người trong công ty Ficonimex biết chuyện tôi là đề tài chính trong sự bất đồng giữa ông Hòe và ông Phó Giám đốc tổ chức và H. kín đáo theo dõi, nhìn thấy vẻ buồn trên gương mặt tôi và đoán trúng phóc tâm trạng của tôi. H. là con dâu anh Đinh Tấn D., một nhà nghiên cứu văn học có bút danh Khổng Đức, vừa qua đời cách đây mấy tháng. Anh D trước là đồng nghiệp với tôi tại công ty Ficonimex, sau trở thành bạn vong niên với nhau.
Dù sao, câu nói chí tình của H. cũng có đủ trọng lượng khiến cho cán cân tình cảm đang chông chênh trong lòng tôi nghiêng về phía gia đình, và tôi hiểu ra rằng để thỏa mãn lòng tự ái của riêng mình, tôi sẽ trở thành kẻ vô ơn đối với bao nhiêu người thân đã từng chịu đựng gian khổ vì mình.
(còn tiếp)
17.2.2022

Lê Nguyễn
---------------

*Bài viết có nhắc đến ông Nguyễn Xuân Hoè:
Chút hồi ức
VỀ NHỮNG NGƯỜI TÙ CÔN ĐẢO CÓ THỂ BẠN CŨNG BIẾT

Trong hồi ức này, tác giả viết đầy đủ tên của hầu hết nhân vật được đề cập đến mà không viết tắt tên theo tập quán thường thấy, để bạn đọc biết rõ hơn, và những người trong cuộc, nếu còn sống, hoặc thân nhân của họ, có thể bổ sung, cải chính, nếu cần … Cũng như bài trước đây về Côn đảo, ở bài này và những bài tiếp sau, trang LN xin không đón tiếp những ý kiến, bình luận có thể gây ngộ nhận về mục đích của người viết như so sánh các chế độ lao tù khác nhau, miệt thị các chế độ chính trị đã hoặc đang tồn tại, hay khơi gợi những bất đồng, hằn thù không đáng có trong cộng đồng dân tộc trong và ngoài nước hiện nay.

Tôi ra Côn đảo vào cuối tháng 12 năm 1970, giữa mùa gió chướng gầm rú từ đêm này qua đêm khác. Gió mạnh đến nổi tôi nghe kể, có những đêm sóng biển hất tung những viên đá nhỏ từ bãi văng lên đường nhựa, sáng sớm các tù nhân phải đi lượm quăng xuống biển để xe có thể chạy được. Kẻ xa quê, đêm nằm nghe gió chướng thổi buồn ghê lắm. Lòng còn nặng nề hơn khi biết ra rằng mình đã có một sự chọn lựa sai lầm.
Chức vụ tôi giữ là chức vụ được thiết lập lần đầu tiên, trước đó, tại Cơ sở hành chánh Côn Sơn, các trưởng phòng làm việc trực tiếp với ông chúa đảo (Đặc phái viên HC), vai trò của họ là vai trò của những người phụ tá, nay mình xuất hiện, chen vào giữa, làm mất đi sự gần gũi, gắn bó của họ từ bấy lâu nay. Với người sếp trực tiếp là ông chúa đảo, mình là hiện thân của một loại “tai mắt” được trung ương cử ra để “dòm ngó” những việc làm của ông ta. Vì thế, sự cô lập ngấm ngầm đến với tôi từ cả hai phía.
Có lần, tôi viết cho ông chúa đảo, Trung tá Nguyễn Văn Vệ, một “tờ trình” với dòng cuối cùng mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ nguyên văn: ”nếu Trung tá thấy sự hiện diện của tôi tại Côn Sơn là không cần thiết thì xin vui lòng giao hoàn tôi về Bộ Nội vụ để tôi được cử giữ những nhiệm vụ khác hữu ích hơn”. Sau đó, nghe ông Trưởng văn phòng Cơ sở HC kể lại, ông Vệ xem xong tờ trình, có vẻ cũng “đau đầu” lắm. Ông ấy thay đổi thái độ với tôi theo chiều hướng tốt hơn, nhưng chưa bao lâu thì ông được thuyên chuyển về đất liền, người thay thế là Trung tá Cao Minh Tiếp, một sĩ quan nguyên ở phòng nhì Bộ Tổng tham mưu, giỏi tiếng Anh, có những giao dịch tốt với các đơn vị Mỹ trú đóng trên đảo. Lúc ấy gần như ông Tiếp và tôi đều là người mới cả nên sự phối hợp trong công việc nhịp nhàng hơn.
Những ngày chưa có sự thay đổi người đứng đầu trên đảo, chiều chiều tôi ra gộp đá cạnh bãi biển ngay phía trước nhà, ngồi ray rứt với những hối tiếc về sự chọn lựa của mình. Một bài thơ thất ngôn ra đời vào lúc này. Thơ có 5 khổ, nhưng sau những dâu biển cuộc đời, tôi không còn giữ được trong tủ sách, chỉ giữ được trong đầu hơn 3 khổ.

BUỒN CÔN SƠN,
Từ ta cất bước rời đô thị,
Nhân thế còn vui giữa loạn cuồng,
Ai kẻ vùi quên bao chí cả,
Ai người cúi mặt với tang thương?

Bước chân lưu lạc phương trời lạ,
Đâu biết mùa Xuân đã đến rồi,
Ôi những mùa Xuân vàng quá khứ,
Phương này kỷ niệm cũng xa xôi.

---------------------------------------
---------------------------------------
---------------------------------------
---------------------------------------

---------------------------------------
---------------------------------------
Nửa đêm trừ tịch buồn khôn tả,
Biết gửi tình quê một hướng nào.

Tay níu trời cao tìm ảo ảnh,
Trông vời biển rộng những chiều say,
Bỗng nghe tê đắng dâng đầu lưỡi,
Nước mắt ai trong chén rượu này!

Bài thơ cũng là một nguyên nhân xa đưa tôi đến gần với hai nhóm tù đặc biệt nhất trên đảo lúc bấy giờ. Đó là nhóm tù Trần Đình Vọng, nguyên tỉnh trưởng Bình Định kiêm Thị trưởng Qui Nhơn khoảng những năm 1967-1969; và nhóm tù Huỳnh Văn Trọng – Vũ Ngọc Nhạ mà hoạt động “tình báo chiến lược” được các phương tiện truyền thông sau 30.4.1975 khai thác triệt để, với nhân vật VNN được thổi lên tận mây xanh.
Khoảng năm 1968-1969, “vụ án tham nhũng” tại Bình Định, nơi Trung tá Trần Đình Vọng là Tỉnh trưởng Bình Định kiêm Thị trưởng Qui Nhơn, làm tốn rất nhiều giấy mực của các báo. Vụ án liên quan đến việc giải tỏa và đền bù đất đai để làm phi trường Phù Cát, dính đến cơ quan thi công chính là Khu tu bổ Qui Nhơn (quân sự) và nhiều quận, xã, nơi dân chúng có đất đai bị giải tỏa và được đền bù.
Trong những ngày kết thân với tôi tại Côn đảo, ông Vọng kể cho tôi nghe nhiều “uẩn khúc” của vụ án này, song chuyện đó không thuộc về chủ đề chính hôm nay. Nhóm tù của Trung tá Trần Đình Vọng, ngoài ông, còn có Thiếu tá Võ Đình Giai, Trưởng khu tu bổ Qui Nhơn, Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi, Quận trưởng Phù Cát, Đ/úy Trương Văn Tuyên, Quận trưởng An Nhơn, Đ/úyLộc, QT(?) và trung úy Thuần. Anh Tuyên là bạn đồng môn QGHC, khóa đàn anh của tôi, nhận mức án nhẹ nhất nên khi tôi ra Côn đảo vào tháng 12.1970, anh đã được trả tự do.
* Như đã viết ở một bài trước, nhóm tù Trần Đình Vọng được cấp riêng một ngôi nhà gạch để ở, khá thoải mái. Ngoài ông Vọng không phải làm gì, những người khác làm “công nhân văn phòng” ở các công sở. Riêng Thiếu tá Võ Đình Giai, nhờ khá tiếng Anh, được đưa xuống tàu làm thông ngôn cho toán chuyên viên Mỹ thuộc hãng thầu RMK đang thi công đài vô tuyến trên núi Chúa.
Người trong nhóm Trần Đình Vọng thường xuyên đến chơi với tôi là … ông. Ông là thông gia với ông Nguyễn L., cháu nội của một đại thần triều Nguyễn, lúc cuối đời lên đến phẩm hàm Cần chánh điện đại học sĩ. Người con trai lớn của ông Vọng, anh Trần Đình Liên, là bạn đồng môn của tôi, học sau tôi một khóa (khóa 11 QGHC), lúc ấy đang làm việc tại Biên Hòa. Mặt khác, tại Bình Định, nhiều bạn đồng môn của tôi như Trương Văn Tuyên, Phạm Hữu Độ … cũng từng là cộng sự của ông Vọng, nên mối quan hệ giữa ông và tôi sớm trở nên thân thiết.
Nghe kể rằng lúc bấy giờ, bà Vọng được Phó Đại sứ Mỹ Colby cấp cho một “giấy tùy thân” để đi nhờ máy bay Mỹ, ưu tiên đến mức nếu cần phải bỏ bớt người khi máy bay không còn chỗ thì người bị bỏ xuống là 1 lính Mỹ chứ không phải bà Vọng. Người có thẩm quyền cấp giấy phép thăm nuôi đặc biệt lúc bấy giờ là Đại tá Huỳnh Ngọc Diệp, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ, nguyên Tỉnh trưởng Vĩnh Long, bạn “đồng liêu” của ông Vọng, nên bà Vọng vẫn thường được cấp giấy phép đặc biệt ra Côn đảo thăm chồng. Mỗi lần như thế, tôi lại cho chiếc Scout của tôi chạy ra phi trường Cỏ Ống cách trung tâm đảo hơn 10 km để đưa bà Vọng về thị trấn.
Khi Trung tá Cao Minh Tiếp ra nhậm chức tại Côn đảo khoảng tháng 2.1971, số phận của ông Trần Đình Vọng thay đổi khá nhiều. Với bản tánh quí trọng những người mà ông coi như là đàn anh, bất luận có là một người tù dưới quyền quản lý của mình, vừa đặt chân đến đảo buổi sáng thì buổi chiều ông Tiếp đã cho xe đi rước tù nhân Trần Đình Vọng đến chơi với mình. Tôi khâm phục và trân trọng cách hành xử đó của ông Tiếp. Tuy nhiên, do ông Tiếp bận nhiều việc, ông Vọng đến chơi với tôi nhiều hơn, thường là vào ban đêm.
Trong những buổi nói chuyện bên tách trà, hai thế hệ chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện, vui cũng như buồn. Ông Vọng kể cho tôi nghe nhiều tình tiết trong “vụ án tham nhũng” mà ông là bị cáo cao cấp nhất. Cần nhắc thêm là lúc bấy giờ, theo một đạo luật do Quốc Hội VNCH thông qua, người nào tham nhũng từ 500 ngàn đồng trở lên là bị án tử hình (những năm 1968-1969, một lượng vàng giá khoảng 18-19 ngàn đồng).Tôi nhớ ông Vọng kể tôi nghe hai chi tiết quan trọng trong vụ án này. Một, đây là hệ quả sự bất đồng đang ngày càng gay gắt giữa 2 “ông lớn”. Về điều này, ông Vọng có cho tôi xem một bức ảnh đã ố vàng, chụp từ nửa đầu thập niên 1950 tại một đơn vị ở quân khu 2. Trong ảnh, ông Vọng mang lon trung úy, còn hai ông NVT và Trần Thiện Khiêm mang lon đại úy.
Chi tiết thứ hai là nguyên nhân gần của vụ án: với tư cách Tỉnh trưởng Bình Định kiêm Thị trưởng Qui Nhơn, ông Vọng đã thẳng thừng từ chối lời yêu cầu của mẹ ruột một bà “mệnh phụ” muốn được mở casino tại Qui Nhơn, một thị xã có rất nhiều lính Mỹ.
Trong những ngày tháng đó, ông Vọng và tôi rất gần gũi, đồng cảm với nhau, tôi coi ông như một người cha, người chú của mình. Có những đêm mưa lất phất, trời đã khuya, tôi cầm đèn pin tiễn ông ra đến cổng nhà, rọi đường cho ông đi. Nhìn bóng người tù tử hình bước liêu xiêu trên con đường ven biển, giữa hai hàng cây bàng, tôi chùng lòng trong một nỗi thương cảm mênh mang, thương ông, và thương cho cả đời mình.
* Với ông Nguyễn Xuân Hòe, nhân vật số 3 trong vụ án “điệp báo” Huỳnh Văn Trọng - Vũ Ngọc Nhạ, mối quan hệ với tôi diễn ra trong một chiều hướng khác. Khi tôi ra đến Côn đảo thì hai ông Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ còn thụ án ở trại Chí Hòa, ông Hòe là người có vai vế lớn nhất ở Côn đảo, tính theo bản án chung thân mà ông nhận lãnh.
Hồi đó, trong cái nhìn của các viên chức chính quyền ở đảo, nhóm tù Huỳnh Văn Trọng - Vũ Ngọc Nhạ đơn giản là những công chức VNCH có liên hệ bất hợp pháp với đối phương, bản thân ông Hòe cũng tự nhận như thế, và còn hơn thế, ông cho là nhóm ông thực hiện việc liên lạc theo mật lệnh của Tổng thống NVT.
Cũng vì thế mà trước khi tôi ra, chính quyền Côn đảo cư xử với nhóm tù Huỳnh Văn Trọng - Vũ Ngọc Nhạ không khác nhóm tù Trần Đình Vọng. Họ cũng được cấp một ngôi nhà gạch chung vách với nhà của nhóm ông Vọng. Họ gồm có Nguyễn Xuân Hòe, Bửu Chương, Vũ Hữu Ruật, Vũ Văn Hiếu … Trong số này, chỉ có ông Bửu Chương có chút “dây mơ rể má” với tôi: khi tôi làm ở Nha Thanh Tra bộ Xây dựng Nông thôn năm 1966 thì ông Chương là Chánh sở tại Nha Cán bộ của bộ này. Chút quan hệ nhỏ nhoi ở chốn tha hương cũng đủ để tôi có lần cho ông Chương sử dụng một căn trong ngôi nhà ở 4 căn của tôi để gặp người vợ của ông từ đất liền ra thăm ông.
Còn về ông Hòe thì khi đọc bài thơ tôi vừa làm tặng ông Vọng, ông đã làm một bài họa lại và chút duyên bút mực đó đã nối kết giữa tôi với ông cho tới ngày tôi rời đảo. Thường là mỗi sáng chủ nhật, ông Hòe đến thăm tôi, mang cho tôi mượn các tạp chí Time, Newsweek do người nhà từ đất liền gửi ra cho ông đọc.
Với tôi, ông Hòe không có một dấu hiệu nào chứng tỏ ông là một cán bộ CS, khác hoàn toàn với một người mà tôi sẽ kể sau. Chúng tôi trao đổi với nhau nhiều vấn đề liên quan đến thời sự quốc tế như hai người bạn không khác biệt nhau về chính kiến và tôi đặc biệt khâm phục sự nhạy bén trong nhận thức chính trị của ông Hòe. Tôi còn nhớ một “tiết lộ” quan trọng của ông về hai vụ án tưởng chừng tách biệt nhau mà thật ra có liên hệ nhân quả với nhau. Chuyện này tôi có kể trong một bình luận ở đâu đó, nay nhắc lại ở đây để nhiều người đọc thêm.
Theo ông Hòe, hai vụ án cách nhau chỉ một thời gian ngắn là đòn ngầm giữa Đại sứ quán Mỹ và Phủ Tổng thống VNCH. Vụ thứ nhất liên quan đến Đại úy Trần Ngọc Hiền của MTGPMN, bị an ninh VNCH bắt khi từ chiến khu vào Sài Gòn tiếp xúc riêng với sứ quán Mỹ. Việc bắt ông Hiền được xem là phản ứng của phía VN trước người đồng minh đã tự ý quyết định một việc hệ trọng mà không tham khảo mình. Ông Trần Ngọc Hiền là anh ruột ông Trần Ngọc Châu, người từng là Trung tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre), sau làm dân biểu Quốc hội VNCH. Ông Hiền bị đưa ra tòa và thụ án tù tại Côn đảo.
Vụ thứ hai, cũng theo ông Hòe, lại là cú phản đòn của sứ quán Mỹ đối với Phủ Tổng thống VNCH. Khi Tổng thống Thiệu ra lệnh cho người phụ tá chính trị Huỳnh Văn Trọng cùng các cộng sự của ông Trọng tìm cách tiếp xúc riêng với đối phương, phía Mỹ bắt được những chứng cứ qua liên lạc vô tuyến và tung ngay ra trước công luận, ông Thiệu ở vào tình thế phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ra lệnh truy tố người phụ tá thân cận của mình. Chuyện này không biết có ai đặt ra như một giả thuyết hay không, nay xin phép vong linh ông Nguyễn Xuân Hòe được kể lại, để may ra có thể giúp làm sáng tỏ thêm nhiều góc khuất trong đời sống chính trị của VNCH trong một thời kỳ nhiều biến động.
Người bạn thứ hai của tôi trong nhóm Huỳnh Văn Trọng - Vũ Ngọc Nhạ là ông Vũ Hữu Ruật. Ngày ấy, TyThanh niên Côn Sơn có cho tôi mượn một bàn ping pong (bóng bàn) và ông Ruật là bạn chơi gắn bó với tôi ở bộ môn này. Thời đó, công chức làm việc đến 12g rưởi trưa thứ bảy thì được nghỉ cuối tuần cho đến sáng thứ hai.
Mỗi tuần, cứ khoảng 2g chiều thứ bảy, ông Ruật lại xách vợt đến chơi với tôi. “Giơ” (jeu) ping pong của tôi với ông Ruật rất hợp nhau nên cả hai trở thành một cặp đối thủ tương đắc của nhau. Bàn ping pong ngày càng lôi kéo các tù “công nhân văn phòng” đến chơi hay dự khán đông đảo… Khoảng cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, tạp chí Tài Hoa Trẻ có loạt phóng sự viết về ông Ruật, tôi dự định tìm dịp thăm hỏi ông, song chưa kịp làm gì thì đã được tin ông qua đời.
Khoảng tháng 3.1972, tức 3 tháng trước khi tôi rời Côn đảo về nhiệm sở khác trong đất liền, hai ông Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ được đưa từ Chí Hòa ra đảo. Có lẽ do ngôi nhà được cấp riêng đã đông người hay vì một lý do nào không rõ, hai ông ở tại Trại lá, nơi dành cho những người tù làm công nhân văn phòng.
Ông tr.... l.c đó đã nhiều tuổi, song ông vẫn còn giữ được cái phong thái của một quan chức xưa, điềm đạm, ít nói. Ông Nhạ thì tôi chỉ gặp một lần, trong phút chốc. Gần ngày chính thức rời nhiệm vụ, một chiều nọ, tôi đến thăm và từ biệt 2 ông Trọng và Nhạ. Đó là lần gặp cuối cùng.
Khi hiệp định Paris 27.1.1973 vừa ký xong, trong các đợt trao đổi tù nhân, tôi đọc báo thấy ông Huỳnh Văn Trọng “xin ở lại miền Nam”. Điều đó dễ hiểu, vì ông Trọng có phải là người CS đâu. Và cũng vì thế mà sau 30.4.1975, tên tuổi ông chìm nghỉm bên cạnh người cộng sự Vũ Ngọc Nhạ được bơm thổi đến trời. Tôi không có đọc quyển Ông Cố Vấn viết về ông Nhạ, vì ngay cái tựa sách đã sai rồi, Cố vấn và Phụ tá chính trị cho ông Thiệu là ông Huỳnh Văn Trọng, chứ chẳng phải là ông Vũ Ngọc Nhạ. Song có điều chăc chắn là trong quyển này, ông Nhạ sẽ nhắc nhiều đến những người cộng sự của ông trong “cụm tình báo chiến lược” như ông Hòe, ông Ruật, ông Bửu Chương...
Riêng ông Nguyễn Xuân Hòe, “duyên nợ” với tôi còn kéo dài đến sau 1975. Đã 10 năm kể ngày chia tay, tôi gặp lại ông mấy tháng sau khi tôi từ trại cải tạo trở về (1982). Khi đó, ông đang là trợ lý giám đốc của công ty xuất nhập khẩu Ficonimex mà giám đốc là ông Đinh Xáng, từng là giáo sư trường Chính trị Kinh doanh Đà Lạt trước 1975. Nhớ lại mối quan hệ cũ ở Côn đảo, ông Hòe ngỏ ý “mời” tôi cộng tác với ông và ghi vào đơn xin việc của tôi là văn phòng ông đang thiếu người, và tôi từng “giúp đỡ” nhiều anh em tù chính trị trước 1975. Ông Đinh Xáng phê “thuận” trong đơn xin việc của tôi.
Thế là một người vừa đi tù về, chưa có quyền công dân, chưa có hộ khẩu, phải “tạm trú” ngay trong ngôi nhà của chính mình, lại nhảy phóc vào làm ở một công ty xuất nhập khẩu cấp thành phố. “Chuyện lạ” ấy khiến chính quyền địa phương, nơi có trách nhiệm “quản chế” tôi, đâm ra … ngơ ngác. Riêng tôi, lúc bấy giờ trở thành một anh nhân viên cạo giấy dưới quyền sai khiến của ông Hòe, những lúc ngồi chống cằm trong văn phòng Trợ lý Giám đốc, tôi vẫn còn hình dung rõ hình ảnh người tù Nguyễn Xuân Hòe mỗi sáng chủ nhật đến nhà tôi, khi vừa đến giữa khoảng sân rộng, đã đứng chụm hai chân lại, nghiêng người chào tôi rồi mới từ từ bước lên bậc tam cấp để vào nhà. Nếu có một chút ray rứt nào đó gợn lên từ lòng tự trọng hay tự ái thì những thứ tình cảm “tiểu tư sản” ấy phải chịu lép vế trước miếng cơm manh áo cho gia đình, giữa cuộc đua tranh khốc liệt đang diễn ra trong đời sống hàng ngày.

Lê Nguyễn
10.9.2017

Sửa bởi tuphuongsg: 18/02/2022 - 13:46


Thanked by 2 Members:

#302 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 18/02/2022 - 14:05

Chuyện có thật về một người chôn phích nước TQ
- Nguyễn Quang Thiều

Bây giờ nói đến phích con công Trung Quốc có lẽ chỉ những người ở thế hệ 60 tuổi như tôi trở lên mới biết rõ. Đó là những năm của thập kỷ 50, 60 và 70 của thế kỷ trước, miền bắc Việt Nam ngập tràn những sản phẩm của Trung Quốc như phích, đài, quạt, xe đạp, chăn, họa báo, tranh dán tường và trước tác của mao Trạch Đông. Hồi đó, nhà nào có được cái phích, chiếc đài, cái xe Trung Quốc thì cũng thuộc diện gia đình đặc biệt. Nhưng có một người nông dân làng tôi, ông C, có được một cái phích con công Trung Quốc. Vì sao ông C lại có ? Vì ông có người em làm ở Bộ Ngoại giao. Ông cán bộ Bộ Ngoại giao có đi sứ ở Trung Quốc. Khi hết nhiệm kỳ trở về, ông tặng cho anh mình một cái phích Trung Quốc.

Cái phích là một tài sản lớn của ông C và cũng là niềm tự hào của ông vì có đứa em là một nhà ngoại giao. Phích là để dùng hàng ngày, nhưng ông lại ít khi dùng trừ những dịp đặc biệt trong năm. Khi không dùng đựng nước nóng, ông cho chiếc phích vào tủ kính và khóa chặt lại nhưng cứ đôi ngày lại mang ra lau chùi cẩn thận. Hễ có ai đến chơi, ông lại nói về chiếc phích và câu cuối cùng là : “ Phích Trung Quốc là nhất thế giới’’.

Nhưng vào ngày 17 tháng 02 năm 1979, ông đã mất đứa con trai yêu quí của mình tại Lạng Sơn trong cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Ngày đó, làng Chùa của tôi có 5 chàng trai đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống xâm lược Trung Quốc. Khi nghe đài thông báo Trung Quốc đã tấn công toàn biên giới phía bắc, ông đã không tin vào tai mình. Ông chạy khắp làng hỏi mọi người có đúng việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam đốt phá nhà cửa và tàn sát dân thường không. Khi biết đó là sự thật, ông đã ngã quỵ xuống sân và khóc rống lên. Và đau đớn hơn là khi ông nghe tin con trai ông đã hy sinh trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc. Ông như người tâm thần không ăn, không uống và lang thang trong làng, ngoài cánh đồng và không nói một câu gì.

Rồi đến buổi chiều hơn một tháng sau , người ta thấy ông vác một chiếc mai và tay xách chiếc phích con công Trung Quốc mà ông coi đó như một báu vật lặng lẽ ra cánh đồng. Mọi người nhìn theo ông không biết chuyện gì đang xẩy ra với ông. Đến cuối cánh đồng, ông đào một cái hố rồi ném chiếc phích Trung Quốc xuống. Lấp đất đầy chiếc hố chôn chiếc phích rồi cứ thế dậm chân lên như nèn cho thật chặt để không bao giờ phải nhìn thấy chiếc phích nữa. Vừa dậm chân, ông vừa gào to :’’ t*o chôn chúng mày xuống đất. t*o đời đời kiếp kiếp nguyền rủa chúng mày’’.

Mấy ngày sau người em làm cán bộ ngoại giao về thăm ông, ông nói với người em nếu không chôn hết những gì của Trung Quốc có trong nhà thì ông sẽ từ mặt người em và không bao giờ cho người em được đặt chân vào ngôi nhà của tổ tiên, ông bà họ mà ông đang trông giữ. Tôi không biết người em ông có đủ can đảm chôn hay vứt bỏ hết những hàng hóa mà ông mang từ Trung Quốc về trong thời gian làm việc ở sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc không. Nhưng người làng tôi nói, từ sau những ngày ấy, họ rất ít thấy người em ông C về thăm ông.

Có lần, ngồi uống trà với ông C, tôi hỏi ông: gia đình ông cũng có những người thân hy sinh trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ mà sao ông không mang nỗi hận thù đau đớn như đối với xâm lược Trung Quốc? Ông trợn mắt, nói như quát : ‘’ Chú cũng học hành mà ngu. Vì sao à ? Vì thằng Trung Quốc là đồ phản bội. Miệng nó nói hảo hảo nhưng mưu mô của nó với người Việt Nam độc ác hơn quỉ dữ. Hàng ngàn năm nay nó chưa bao giờ thực lòng với người Việt Nam thế mà tôi cũng ngu vì tin nó. Thà nó cứ rõ ràng như thằng Pháp, thằng Mỹ lại là chuyện khác’’.

Rồi tôi đi làm xa ít có dịp về làng. Chỉ nghe người làng kể lại rằng, thi thoảng ông vẫn ra cuối cánh đồng, nơi chôn phích Trung Quốc rồi cứ dậm chân nèn chặt đất như sợ cái phích trồi lên. Và cho đến khi chết, cứ lúc nào nhìn thấy thứ gì của Trung Quốc là ông lại gầm lên.

Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đã đi qua 40 năm. Nhưng tất cả những gì xẩy ra mới như ngày hôm qua. Không có gì và không có kẻ nào che được lịch sử. Người làng tôi thời đó hầu như đều biết câu chuyện chôn phích Trung Quốc của một người nông dân có tên là C. Tôi nhận thấy rằng: khi ông chôn chiếc phích Trung Quốc xuống đất lại là lúc ông mở ra một sự thật. Và tôi chỉ là người chép lại một trong hàng triệu triệu câu chuyện về thái độ của người dân Việt Nam đối với nhà cầm quyền Trung Quốc mà thôi.

Thanked by 1 Member:

#303 MaiLan

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 226 Bài viết:
  • 375 thanks

Gửi vào 18/02/2022 - 19:27

Chào bạn tuphuongsg,
Mong bạn mách giúp ML, tác giả Lê Nguyễn có in thành sách những bài viết của ông ấy không? Nếu có, xin bạn chỉ dùm để ML đặt mua.
Cảm ơn bạn nhiều lắm.

ML

Thanked by 1 Member:

#304 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 18/02/2022 - 20:10

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

MaiLan, on 18/02/2022 - 19:27, said:

Chào bạn tuphuongsg,
Mong bạn mách giúp ML, tác giả Lê Nguyễn có in thành sách những bài viết của ông ấy không? Nếu có, xin bạn chỉ dùm để ML đặt mua.
Cảm ơn bạn nhiều lắm.

ML
Những bài viết đó cuả tác giả LN ko có in thành sách ạ, (mà thiết nghĩ chắc chẳng nhà xuất bản nào dám in đâu ạ)!

Thanked by 2 Members:

#305 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 23/02/2022 - 14:50

** CUỘC GẶP GỠ KỲ DIỆU **

LGT: Bài viết vô cùng cảm động sau đây của quả phụ một sĩ quan QLVNCH, kể về một mối tình có thật thời chiến tranh Việt Nam giữa chị ruột của tác giả với một người lính Mỹ, đã hy sinh trong cuộc chiến. Hơn ba mươi năm sau, tưởng nhớ công ơn người anh rể đã hy sinh cho quê hương, tác giả ghé thăm bức tường đá đen ghi danh 58,000 tử sĩ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam… Không ngờ, tại đây, bà tình cờ gặp bố mẹ của người anh rể cũng đến viếng thăm con, và qua câu chuyện, tác giả đã giúp ông bà nội người Mỹ tìm thấy người con dâu Việt và đứa cháu nội chưa từng biết mặt….
image.png

Tháng tư thường cho tôi nhiều nỗi buồn và nhớ. Buồn vì từ đó ta làm thân mất nước không nhà và nhớ vì trước đó có quá nhiều kỷ niệm không bao giờ còn tìm lại được. Giữa lúc lòng tôi đang chơi vơi thì chị bạn rủ theo đoàn người về thủ đô Hoa thịnh Đốn để coi hoa Anh Đào nở và nhất là đi thăm bức tường đá đen, ghi lại tên tuổi của hơn năm mươi tám ngàn tử sĩ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, đã bỏ mình để bảo vệ tự do của miền Nam xưa. Với tôi đó là một dịp may đến thật tình cờ.
Tôi vẫn thường nghe nói về vườn hoa Anh Đào mà vương quốc Nhật tặng cho nhân dân Mỹ khi xưa ở thủ đô, đang khoe sắc mỗi độ xuân về. Thật như thỏa tấm lòng vì cả hai, được nhìn những cành hoa mà cả một thời tuổi trẻ ước mơ và đến tận nơi bức tường đá đen để tìm tên một người đã là điều tôi mong muốn từ lâu. Thế nên tôi thu xếp hành trang vội vã đi ngay. Hơn hai mươi bốn giờ ngồi trên xe theo nhóm người du ngoạn đã đưa tôi từ miền Texas xa xôi về tới thủ đô. Con đường Ohio chạy dọc theo bờ sông Potomac hoa Anh đào đã nở rực rỡ một màu hồng phơn phớt trắng. Hơi lạnh đầy trong không khí của một mùa đông dài còn sót lại, vương qua mùa xuân, đọng trên những cánh hoa dọc theo con đường Constitution dẫn đến bức tường đá đen nằm kia, trầm mặc u buồn.
Tháng Tư, hoa đã nở từ lâu. Xác hoa rơi lả tả làm hồng cả một khoảng không gian quanh những con đường chạy dọc theo công viên. Hoa Anh Đào thật đây rồi, những cánh hoa mà tươi xinh ngày xưa tôi chỉ được nhìn thấy trong phim ảnh rồi thầm cảm mến những kiếm sĩ của xứ Phù tang, cô đơn vung đường gươm, để hoa rơi trong tuyết lạnh, thì hôm nay đang rực rỡ khoe sắc trước mắt tôi đây. Tôi tách ra khỏi nhóm người đi bộ một mình dưới những tàn cây. Tôi vẫn thích đưọc đi một mình để nhớ về những ngày tháng đã dần qua.
Ngày xưa chưa mất miền Nam gia đình tôi đã có một cuộc sống ấm êm hạnh phúc. Chồng tôi, một người lính trận, mỗi lần về phép thường hay cùng đi với một quân nhân Mỹ, cố vấn trong đơn vị. Hai người cùng làm việc, cùng chung sở thích và ý nguyện nên rất thân nhau.
Thuở ấy tôi không biết nhiều về đất Mỹ như bây giờ nhưng qua lời anh diễn tả, cũng đủ hiểu rằng người lính Mỹ ấy đến từ một vùng quê xa xôi miền trung bắc Hoa Kỳ. Ngoài cái vẻ bên ngoài rất tài tử, râu ria xồm xoàm vì những ngày tháng lăn lóc trong chiến trận chưa kịp cắt tiả thì Mike Wright thật nhân hậu và hiền lành. Tôi cũng ngạc nhiên với tấm lòng rộng lượng hồn nhiên của người Mỹ. Họ đã mang biết bao nhiêu tài sản, cả sinh mạng khi đến giúp đất nước tôi, hòa nhập vào đời sống người dân bản xứ, tươi vui trong cuộc sống. Bởi thế, anh chàng râu ria xồm xoàm Mike chiếm được cảm tình của gia đình, nhất là bà chị lớn chưa chồng của chúng tôi ngay. Chuyện tình của một người lính viễn chinh từ một đất nước xa xôi với người con gái Việt Nam còn nguyên nề nếp gia phong diễn ra thật êm đềm hạnh phúc với một đám cưới đậm chất phương Đông. Chị tôi khăn đóng, áo dài bên cạnh anh Mike cũng áo dài khăn đóng. Trông họ cũng thật vừa đôi.
Từ đó tôi không còn cô đơn trông ngóng hằng đêm mà có cả chị tôi là kẻ đồng tình, đồng cảnh. Chúng tôi đã có những ngày đợi chờ trong lo lắng, đã có những ngày đoàn viên trong hạnh phúc. Những tháng tươi vui của một thời son trẻ tưởng như không bao giờ dứt cho đến một ngày kia. Tôi không quên được cái ngày người chỉ huy hậu cứ tiểu đoàn đích thân đến báo cho tôi biết là chồng tôi và đơn vị của chàng không về nữa. Cả người cố vấn Mỹ dễ thương đang là anh rể của tôi cũng cùng chung số phận. Một đơn vị oai hùng, thiện chiến, tưởng như là không bao giờ thua trận đã nằm lại đâu đó trên vùng đất Hạ Lào của mùa hè khói lửa. Tôi và người chị, ngày ấy thực sự bị cuốn vào những cơn ác mộng, nhất là khi chị tôi biết được rằng mình vừa khó ở, chưa thông báo cho Mike biết về đứa con vừa thành hình trong bụng chị.
Sau khi miền Nam lọt vào tay phương Bắc là một quãng đời địa ngục trần gian đến với chúng tôi. Nhất là chị với đứa con lai đã hứng chịu trăm đắng ngàn cay bởi vì sự dè bỉu, khinh khi cũng như phân biệt đối xử của người cai trị mới. Chị tôi bị hành hạ, bị lăng nhục, bị đe dọa đưa vào cái trại gọi là phục hồi nhân phẩm mà thực chất là tước đoạt hết nhân phẩm con người. Chịu đựng bao nhiêu đắng cay khổ sở nhưng chị tôi vẫn cắn răng làm việc nuôi dạy con khôn lớn nên người. Có một điều làm tôi lạ lùng là tình yêu của chị dành cho anh hơn hẳn những thường tình. Chị luôn nhắc tới anh với những lời yêu thương trang trọng, với sự bùi ngùi thương tiếc của một người góa phụ tưởng nhớ thương chồng. Chị không đòi hỏi gì ở anh cũng như đất nước anh. Khi chương trình tái định cư những người con lai bắt đầu, tôi cũng tưởng chị vui sướng lắm. Nhưng không, chị từ chối ra đi chỉ vì còn nặng lòng với mảnh đất được sinh ra và đứa cháu tôi cũng vui vẻ vâng theo lời mẹ. Tôi không giống và cũng không chịu đựng được như chị. Tôi chọn ra đi để đưa các con tôi về với tự do. Khi con thuyền mong manh đưa chúng tôi ra biển, tôi đã thầm cầu nguyện ơn trên cho chúng tôi vượt sóng được bình an. Tôi đã chọn tự do hay là chết và chân thành cầu xin đó là một sự chọn lựa đúng đắn và may mắn nhất trong đời….
Cứ mải suy nghĩ và đi theo con đường hoa, tôi đến trước bức tường đá đen tự bao giờ. Con đường dần xuống thấp để những dòng tên trắng hiện ra. Một cặp vợ chồng người Mỹ trắng đã già lắm, run rẩy dắt tay nhau bước lên bực thang. Mắt người đàn bà còn ướt đỏ. Tôi đoán rằng bà vừa mới khóc.
Gặp nhau trên bực thang đầu tiên, tôi vui vẻ chào hai người rồi hỏi lớn:
– Ông bà từ đâu tới.
– Chúng tôi từ Ohio, còn cô.
– Thưa ông bà tôi từ Texas.
Người đàn ông râu dài nhưng cắt tỉa gọn gàng, dáng vẻ hiền từ thân thiện. Ông ta mỉm cười hỏi lại.
– Tôi muốn hỏi cô người nước nào. Phi, Tàu, Nhật hay Thái lan.
– Thưa ông tôi là người Việt Nam.
Bỗng nhiên tôi thấy gương mặt người đàn bà dường như đổi sắc. Hình như một sự giận dữ bất ngờ chợt làm bà ta vùng vằng cố bước lên bậc thang ngắn tiến về phía trước. Tôi ngạc nhiên nhìn ông già chờ đợi một lời giải thích về cử chỉ bất thường của bà. Chắc có một điều gì không ổn vì tôi biết đa số người Mỹ thường lịch sự, ít ai bày tỏ ngay những điều khó chịu trong lòng. Như đoán được ý nghĩ của tôi ông buồn rầu giải thích.
– Cô đừng buồn với thái độ của vợ tôi. Bà ấy đang buồn rầu. Chúng tôi mất đứa con trai duy nhất ở Việt Nam, nên mỗi khi thấy người Việt Nam vợ tôi lại xúc động, không ngăn được cảm xúc nên có những cử chỉ bất thường.
Tôi nhìn bà già đã ngồi xuống chiếc ghế đá bên lối đi, đang run rẩy cố chống hai tay lên đùi, mắt vô hồn nhìn vào quãng không gian phía trước. Nếu tôi mất con cho một cái xứ sở xa lạ nào chắc gì tôi còn giữ được bình tĩnh như bà. Lòng tôi rạt rào niềm thương xót để nói với ông rằng tôi thông cảm tâm tình của những bà mẹ mất con cho một dân tộc họ không hề mảy may biết tới.
Trong lúc xúc động tôi cũng nói với ông là chính tôi và gia đình tôi cũng mất mát rất nhiều trong cuộc chiến chống c.... s.. xâm lăng đó. Và đau đớn hơn thế nữa, chúng tôi đã mất cả quê hương, tổ quốc. Ông già Mỹ luôn luôn lập đi lập lại rằng tôi biết, chúng tôi biết, rồi xin phép tôi chạy đến săn sóc cho bà đã ngồi xuống ghế đá cách đó không xa lắm. Ông nói lớn, chào từ giã khi tôi đi lần xuống phía dưới để dò tìm những hàng chữ mang tên người anh rể ngoại chủng năm xưa đã nằm xuống ở Việt Nam.
Tôi biết vần W sẽ nằm ở hàng cuối cùng nhưng cũng mất một lúc lâu mới tìm thấy cái tên Mikes Wright, tên người anh rể tôi năm kia, khiêm nhường giữa tên của bao nhiêu người. Nhỏ bé và đơn giản trong một không gian bao la, nhưng thật hào hùng độ lượng như cuộc đời anh và đất nước đang cưu mang chúng tôi đây.
Tôi lặng chìm trong những giấc mơ xưa về một gia đình hạnh phúc mà nhớ đến chồng tôi. Tên của Mikes người ta còn nhớ chứ tên của chồng tôi kẻ thù đã xóa đi. Ngay cả miếng đất nhỏ bé mà chồng tôi an nghỉ người ta cũng đang toan tính cướp mất của anh. Tôi nhớ đến nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Nhớ đến giây phút vật vã khóc lóc nhìn thi hài anh được gắn lon giữa hai hàng nến. Nhớ đến những khuôn mặt lầm lỳ, chai sạn vì gió bụi của những người lính bồng súng chào chồng tôi lần cuối khi đưa chàng về với đất mẹ năm xưa.
Giữa lúc lặng yên tưởng nhớ thì mấy bà bạn tôi xuất hiện. Các bà gọi la tên tôi ơi ới, trách tôi xé lẻ tìm vui một mình. Cả bọn trầm trồ, chỉ trỏ reo vui với những cái tên lạ, nói cười vui vẻ như không cần biết gì về những niềm đau. Ôi nhân thế thường mau quên để sống, chỉ có mình tôi hay đi ngược thời gian về những dòng sông cũ. Chúng tôi lại rủ nhau đi thăm viện bảo tàng không gian gần đó. Một đoàn người vừa đi vừa cười, vừa hỏi thăm đường rộn vui lên góc phố. Ở đây người ta quen mắt với những cái lố lăng của du khách từ khắp mọi miền trên thế giới nên chẳng thấy phiền hà.
Đến trưa lúc sắp ra về tôi lại gặp cặp vợ chồng người Mỹ ban sáng. Lạ một điều là tôi thấy ông già có nét gì rất quen. Lần này bà có vẻ vui hơn, mỉm cười khi tôi chào gặp lại. Chắc ông đã giải thích cho bà biết rằng ai cũng có những nỗi buồn, những mất mát khác nhau chứ không phải riêng bà. Chúng tôi đứng ngoài hành lang nói chuyện. Ông bà cho tôi biết sẽ về lại Ohio chiều mai, một nông trại xa xôi nằm sát biên giới tiểu bang Indiana. Ông nói thế nhưng tôi chẳng hình dung được gì ngoài những con số mà tôi đoán rằng đất đai chắc là rộng lớn. Tôi cũng cho ông biết chúng tôi còn ở đây thêm vài ngày, đi thăm một vài nơi nữa rồi chào từ giã theo dòng người thăm viếng.
Buổi sáng hôm sau tôi có thói quen thức dậy thật sớm trong lúc mọi người còn say trong giấc ngủ. Tôi mở cửa bước ra ngoài, đi bộ theo con đường Ohio dọc theo bờ sông, rồi tình cờ bước dần về phía bức tường đá đen. Trời còn sớm quá nhưng tôi thấy dưới chân bức tường thấp thoáng bóng người. Bước tới gần hơn tôi bất ngờ nhận ra ông bà già Mỹ hôm qua đang ở đó tự bao giờ. Bà ngồi hẳn xuống đưa tay sờ lên những hàng tên như vuốt ve một vật gì quý giá.
Gặp lại nhau tôi lên tiếng:
– Chào ông bà. Ông bà ra đây sớm quá. Tôi cứ tưởng chỉ mình tôi đi bộ trong khu này…
Ông ôn tồn giải thích:
– Chiều nay chúng tôi trở về lại Ohio rồi nên thu xếp thời gian thăm lại nơi đây lần nữa.
image.png


Bà vẫn không nói, đưa tay sờ lên phiến đá. Tôi chắc bà thương yêu người con và đau đớn lắm khi nhìn lên hàng chữ có tên con mình. Mắt tôi tò mò nhìn theo và ngạc nhiên thấy tay bà đang đặt trên hàng chữ của vần W. Như có một linh tính báo trước chuyện lạ lùng tôi buột miệng hỏi ông:
– Con trai của ông bà tên là gì nhỉ. Anh ấy mất ở Việt nam năm nào?
– Con trai tôi tên là Mikes Wright, tử trận ở Việt nam năm 1972. Tên nó đây, ngay đây này…
Vừa nói ông vừa chỉ về phía tay bà đang xoa xoa che khuất cái tên mà trước đây tôi đã đặt tay vào. Chính đó là tên anh rể của tôi. Cha của đứa cháu mồ côi mà chị tôi yêu quý như báu vật của cuộc đời mình. Tôi đứng lặng người nhìn ông rồi lại nhìn bà. Sao cuộc đời lại có sự tình cờ kỳ diệu đến thế này. Để chắc chắn mình không nằm mơ tôi hỏi lại những chi tiết rất chung chung mà tôi còn nhớ về anh.
– Anh Mikes của ông bà rất nhiều râu và vui tính lắm phải không.
– Cô nói gì tôi không hiểu. Dĩ nhiên ngày ấy Mikes còn trẻ lắm nên râu ria mọc là thường.
Tôi nhìn lại ông và mơ hồ thấy nét quen thuộc mà tôi chợt khám phá ra hôm qua, là ông trông rất giống Mikes ở cái cằm vuông vức và bộ râu rậm dài. Ông già bùi ngùi nói tiếp.
– Vợ tôi buồn một điều là đáng lẽ ra Mikes đã hết hạn phục vụ ở Việt nam trở về Mỹ nhưng vì yêu thương một người con gái bản xứ nên tình nguyện phục vụ thêm một thời hạn nữa và cái thời hạn đó không bao giờ chấm dứt…
– Thế ông bà có biết tin tức gì về người con gái ấy không.
– Mikes có gởi cho chúng tôi một tấm hình, thông báo là đã thành hôn. Lâu quá rồi nhưng chúng tôi còn giữ tấm hình ấy trong tập ảnh gia đình ở Ohio. Chỉ có thế mà thôi.
Tôi muốn nói với ông chính tôi là em người con gái Việt Nam ấy nhưng sợ rằng mình nhận lầm, vì biết đâu có một anh Mikes nào khác nữa nên chỉ nói với ông:
– Hơn ba mươi năm trước đây tôi cũng có một người anh rể tên là Mikes Wright, quê quán ở miền trung bắc Mỹ. Tôi chỉ biết thế không biết có phải là anh Mikes con của ông bà không. Tôi từ Texas lên đây chơi nhưng chính là để nhìn thấy tên anh Mikes Wright một lần trên tấm bia đá này.
Ông mở mắt nhìn tôi kinh ngạc rồi kéo bà lên, nói với bà tin tức quan trọng đó. Ông luống cuống, mời tôi ngồi xuống tấm ghế đá trong khi bà cứ há miệng ra thẫn thờ chờ đợi. Rồi ông dồn dập hỏi.
– Tôi chắc là đúng rồi. Đấy cô coi có cái tên Mikes Wright nào khác đâu. Thế chị cô bây giờ ở đâu. Tôi muốn hỏi thăm tin tức về Mikes trong những ngày cuối cùng.
– Thưa ông bà, chị tôi vẫn còn ở Việt Nam. Chắc rằng chị tôi cũng chẳng biết gì hơn ông bà.
Như chính tôi đây chẳng biết gì hơn tin tức cuối cùng của chồng tôi và Mikes. Đầu tiên người ta chỉ thông báo cho chúng tôi là hai người đã mất tích sau một đợt tấn công của địch và cả tuần lễ sau mới tìm thấy xác mang về.
– Thế thì đúng như cô nói, chắc đúng là Mikes rồi. Khi chúng tôi đến nhận xác Mikes thì đã không mở ra được nữa vì những điều kiện vệ sinh.
– Nhưng tôi có một tin quan trọng về anh Mikes, không biết ông bà có muốn nghe không?
– Tin gì vậy, thưa cô. Chúng tôi không còn gì trên đời này ngoài hình ảnh của Mikes và những gì liên quan đến đứa con yêu thương của chúng tôi.
– Chị tôi có một người con với anh Mikes. Chính anh Mikes cũng không biết vì lúc vừa mới có thai, chưa kịp thông báo thì anh Mikes và chồng tôi đã không về nữa.
Ông bà liên tục kêu lên những lời thống thiết, không rõ là lời đau khổ hay mừng vui.
– Chúa ơi, thật thế sao! Chúa ơi! Chúa ơi!
– Thật thế thưa ông bà. Cháu giống Mikes lắm. Nếu ông bà thấy cháu là nhận ra ngay thôi.
– Thế bây giờ cháu ở đâu thưa cô.
– Cháu vẫn còn ở Việt nam. Vì thương mẹ nên cháu không về Mỹ theo chính sách trở về quê cha của những đứa con lai.
Tôi và ông bà Wright cùng bước đi như trong cơn mơ vì sự gặp gỡ bất ngờ. Tôi cho ông bà địa chỉ, số điện thoại của tôi và nhận lại địa chỉ số điện thoại của ông bà ở Ohio để tiện bề liên lạc. Những thông tin ban đầu mặc dù đã chính xác, nhưng tôi muốn biết chắc tấm ảnh ngày xưa có phải là của chị tôi hay không.
Chiều hôm đó ông bà Wright về lại Ohio. Tôi đoán ông bà vui vẻ lắm. Mất một đứa con cho cái xứ Việt Nam xa xôi nhưng ông bà sẽ được nhận lại một đứa cháu ngoan ngoãn và đứa con dâu còn giữ đúng truyền thống Việt Nam. Tôi biết chị tôi là một người đàn bà Việt Nam hiền thục. Tôi đã đoán không sai vì ba hôm sau khi tôi còn ở khách sạn thì tiếng điện thoại lại reo. Lần này ông bà Wright theo xe trở lên, mang cả gia đình đứa con gái gồm con rể và hai đứa cháu. Họ lái một chiếc xe van lớn mang theo cả tấm ảnh ngày xưa.
Gặp nhau tại công viên ông bà đưa tôi tấm ảnh và giải thích:
– Vội quá nên chúng tôi không book được vé máy bay. Vả lại Nathalie, em gái của Mikes và chồng con nó ở gần đó cũng muốn đi nên chúng tôi lái xe cho tiện.
Tấm ảnh chụp cách đây hơn ba mươi năm giờ đã ố vàng. Màu sắc phai theo thời gian nhưng vẫn còn sắc nét. Tôi cầm tấm ảnh như đưa tay chạm vào một phần quá khứ xa xăm. Trong ảnh, chị tôi người con dâu đất Mỹ, e ấp đứng bên người chồng râu ria xồm xoàm, đang đưa cánh tay khỏe mạnh ôm vòng lấy người con gái như ôm ấp chính cuộc đời cô.
– Đúng là chị tôi rồi.
Ông bà Wright mừng vui như mở hội. Bà như trẻ trung hẳn lên. Bao nhiêu bệnh tật gần như tan biến. Mấy người đi theo cũng lộ nét mừng vui hớn hở.
Bà hỏi tôi những chuyến bay về Việt Nam với những dự định đi thăm viếng đứa cháu, con của người con tưởng như đã mất, bỗng dưng còn để lại trong cuộc đời này cả một phần huyết nhục. Tôi thưa với ông bà rằng tôi đã nói chuyện với chị tôi qua điện thoại. Chị cũng rất vui mừng về sự gặp gỡ này. Chị sẵn sàng cho cháu về quê nội cũng như chính chị sẵn sàng về làm dâu ông bà, chăm sóc cho ông bà trong lúc tuổi già đúng như truyền thống của người Việt Nam. Tôi đã biết tình yêu của chị dành cho Mikes nên không ngạc nhiên với quyết định này. Ông bà chăm chú nghe tôi giải thích phong tục Việt Nam là người vợ phải làm dâu phụng dưỡng cha mẹ chồng. Ông kêu Chúa ôi liên tục sau mỗi câu nói làm tôi có cảm tưởng như đang kể cho ông bà nghe về chuyện phong thần, nhưng tôi biết bây giờ đối với ông bà, đất trời là cả một mùa xuân.
Sau đó một thời gian dài, tôi lại bận bịu vì phải lo lắng dẫn ông bà Wright về lại Việt Nam. Bận bịu nhưng lòng tôi sung sướng. Tôi không giấu được xúc động khi nhìn thấy ông bà lần đầu tiên gặp lại đứa cháu nội sau hơn ba mươi năm thương nhớ người con đã khuất. Ông bà cứ kêu lên những lời vui mừng vang một góc sân và làm ngạc nhiên những người hàng xóm Việt Nam vốn không thiếu sự tò mò.
– Oh my God! He just looks like his father! Oh my God!
Bây giờ chị tôi, một người con gái Việt Nam về làm dâu muộn màng trên đất Mỹ, đang thay cha mẹ chồng cai quản một nông trại trồng bắp ở Ohio với đứa con duy nhất của một cuộc tình nở vội trong cuộc chiến Việt Nam.
Lưu Hồng Phúc

Thanked by 2 Members:

#306 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 26/02/2022 - 15:23

(Bài viết của anh Tôn Thất Hùng, Canada)

Tôi vẫn nhớ nhiều kỷ niệm những ngày sang Ukraine tham dự đại hội Văn Bút Thế Giới năm 2017. Khi trở về, tôi có viết bài đăng báo kể chuyện chuyến đi ngày ấy. Hôm nay xin đưa lại phần 1 viết về thành phố cổ Lviv. Phần 2 viết về Kiev sẽ lại đưa lên sau ít hôm nữa
__________________________________
BỤI ĐƯỜNG XA - UKRAINE – Hùng ơi, đừng đi !!!
Phần 1: Lviv (Tôn Thất Hùng)
Thật tâm thì tôi cũng chưa muốn đi Ukraine trong lúc này (tháng 9 năm 2017) vì thấy tình hình thời sự rối ren, nhân quyền chưa được tôn trọng tuyệt đối, chiến tranh với Nga vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, một quả bom cài trong xe hơi cũng đã nổ không lâu trước ngày tôi lên đường.... Vậy thì tại sao tôi phải đi? Là hội viên nhiều năm của PEN Canada, hầu như năm nào tôi cũng cố gắng thu xếp đi cùng các văn hữu của Trung Tâm Văn Bút Canada tham dự những hội nghị của Văn Bút Quốc Tế tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau trên thế giới. Các bạn hữu tại Canada - xứ sở của hòa bình thì can ngăn “Hùng ơi, đừng đi nữa, cancel đi, nguy hiểm quá”. Khi tôi liên lạc hỏi những văn hữu tại Châu Âu, trong đó có một nữ lưu từng làm phóng viên chiến trường ở khu vực Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ... thì bà ấy nói: “Cứ đi đi, tất cả sẽ là những kinh nghiệm tuyệt vời cho dù đó là điều tệ hại nhất xảy ra”.... Cô ấy không sợ, tại sao tôi lại sợ? Ừ thì tôi đi mà. Lâu nay cái gì không được an toàn lắm, không sung sướng ngập mặt, không xinh đẹp như thiên đường sẽ luôn tạo cho tôi những nỗi tò mò, lạ lẫm.... Hành lý tôi đóng nhanh, làm vội, hơn nửa valise là tập sách nhỏ bằng Anh Ngữ tôi thực hiện gấp nhằm đem qua phát hành tại đại hội kỳ này. Trước ngày lên đường, tôi còn nhận được thêm vài email nữa của các bạn hữu, lúc này thì không còn những lời bàn ra, do dự hay thối lui nữa. Ai cũng vui vẻ, háo hức hẹn gặp lại nhau tại Lviv, một thành phố cổ của Ukaraine nằm gần biên giới Ba Lan ở mé phía tây...

Lviv, thành phố cổ từ thế kỷ XIII
Lịch sử của các quốc gia hay các thành phố tại Châu Âu vẫn luôn phức tạp, nhất là trong thời kỳ Trung Cổ. Lviv là một thành phố cổ xưa thuộc vương quốc Rus’ (Ukraine ngày nay). Thành phố cũng không ngoại lệ khi qua tay nhiều ách kiểm soát của các triều đại và thế lực như La Mã, Ruthenia, Ba Lan, Áo, Liên Minh Áo-Hungary, Phát Xít Đức, Liên Xô.... vì vùng đất (Ukraine ngày nay) nằm ở giữa nhiều vương quốc khác nhau. Bất cứ các thế lực nào, khi trở nên hùng mạnh đều muốn chiếm hữu Ukraine, bởi vì nếu chiếm được vùng đất ấy, việc giao thương, giao thông sẽ vô cùng thuận lợi từ đông sang tây. Dân chúng từ nhiều nền văn hóa khác nhau đã đến đây sống tập trung theo từng cộng đồng từ rất sớm thế kỷ XIII. Sau nhiều thế kỷ trôi qua, văn hóa của những cộng đồng này từ từ hòa lẫn vào nhau. Ngày nay chỉ còn có thể nhận biết các khu vực những cộng đồng các sắc dân ngày ấy sinh sống dựa vào tên các con đường. Ukraine chỉ được độc lập chưa đầy một năm (1918) từ tay Liên Minh Áo-Hung, thì lại rơi vào tay Ba Lan, Liên Xô, Phát Xít Đức và rồi trở thành một tiểu bang của Liên Xô từ 1944 – 1991. Từ 1991 cho đến nay, Ukraine là một quốc gia độc lập.

Khi Phát Xít Đức chiếm Ukraine từ 1941-1944, người Ukriane đã chống cự rất mãnh liệt. Thủ lãnh đầu tiên của phong trào là Stephan Bandera, người mà ngày nay được xem như người hùng của đất nước, đã lãnh đạo cuộc cách mạng võ trang. Phong trào đã chiếm được tòa đô chính của Lviv, treo cờ tuyên bố độc lập. Cuộc cách mạng độc lập này chưa được quốc tế biết đến đã bị Hitler đàn áp đẫm máu ngay lập tức. Vị thủ lãnh Bandera đã bị bắt đưa vào trại tập trung của Phát Xít Đức cho đến khi chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến. Khi Đức đầu hàng, Ukraine lại trở thành một tiểu bang của Liên Xô. Ông Bandera đã vượt biên sang Áo và sau đó đến Đức. Từ đây ông ta lại tiếp tục lãnh đạo phong trào kháng chiến chống lại Liên Xô. Năm 1959, Liên Xô đã cho gián điệp sang tận Munich ám sát ông ta bằng cách xịt dung dịch potassium cyanide, một loại hóa chất rất độc vào mặt. Tại Lviv hiện nay có một con đường dài nhất mang tên Stephan Bandera, cũng như một đài tưởng niệm. Song song bên cạnh đó, rất nhiều áp lực của Nga nhằm tìm cách hạ bệ uy tín và huyền thoại về nhà cách mạng này, bởi lẽ tên ông là tinh thần có thể kích thích lòng yêu nước của dân chúng, kêu gọi một Ukraine độc lập, chống lại sự ảnh hưởng của người Nga. Dự án vinh danh ông là Người Anh Hùng của Ukraine do chính tổng thống chủ trì năm 2004 cũng phải bị hủy bỏ mà không có lý do chính đáng, dư luận nghi ngờ có nhiều áp lực, phá hoại và mua chuộc đến từ chính phủ Nga.

Đại Hội Văn Bút Quốc Tế
Như đã trình bày, lý do tôi đến Ukraine, trước hết là để tham dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế, và tôi đi cùng với phái đoàn của PEN Canada. Tôi không phải hội viên của bất cứ trung tâm văn bút nào trực thuộc Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại cả. Khi máy bay vừa đáp xuống phi trường Lviv, tôi đã được đại diện ban tổ chức ra tận nơi đón về khách sạn. Vì đây là bài viết dành cho cột báo Bụi Đường Xa nên tôi sẽ không ghi chi tiết về những gì xảy ra trong những ngày đại hội. Nhưng điều tôi phải nói là nỗi khát khao tự do dân chủ, tinh thần và chủ nghĩa dân tộc trong từng người Ukraine rất mạnh mẽ. Họ muốn thoát khỏi ảnh hưởng người Nga càng nhiều càng tốt. Đi đâu tôi cũng nghe họ ta thán về sự nhu nhược của ông tổng thống thân Nga. Trong những ngày ở đây, tôi có cảm giác nhân quyền, tự do báo chí đang có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” tại Ukraine. Nghị trình của Văn Bút Quốc Tế kỳ này có phần lên án gay gắt các quốc gia đàn áp tự do ngôn luận, trong đó có Trung Quốc, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ.... Ngày đầu tiên khai mạc, chỉ có khoảng 4-5 nhà báo Ukrainian được quyền vào lấy tin tức. Một anh nhà báo tóc vàng, mắt xanh đến khều nhẹ tôi và vài người khác, đưa một danh sách các nhà báo đang bị cầm tù.... Cũng ngay trong ngày mở đầu những thảo luận, toàn bộ tầng lầu nơi tổ chức đại hội của khách sạn đã mất internet. Mới đầu tôi tưởng wifi bị hư, ban tổ chức đã vô cùng lúng túng, bất ngờ. Bởi lẽ nếu không có internet thì không liên lạc được giữa các máy móc tại hội trường hay với văn phòng của Văn Bút Quốc Tế tại London. Ngay lúc ấy, tôi đã mở roaming điện thoại của tôi xem sao - cũng hoàn toàn mất sóng! Tôi có cảm tưởng internet và cả điện thoại đã bị phá, cho dù đó là wifi hay roaming 3G. Âm thầm rời phòng họp, tôi đi xuống tầng trệt của khách sạn thì điện thoại của tôi rung lên, báo cho biết internet đã bắt được rất mạnh ở tầng dưới, trở lên lại phòng họp thì chiếc điện thoại lại chết !!! Tôi không dám quả quyết chuyện gì, nhưng đây là một điều rất lạ. Chỉ có tầng trên cùng ấy là không thể nào liên lạc được với bên ngoài. Nhiều tiết mục của chương trình buổi sáng đó đã phải dời lại vì không có internet. Ngày hôm sau thì tất cả trở lại bình thường sau những chạy đôn, chạy đáo (và chắc có cả can thiệp của ban tổ chức).
Buổi tối đầu tiên của đại hội, chúng tôi di chuyển qua giảng đường của viện đại học cổ - University of Lviv, hay còn gọi là Ivan Franko National University of Lviv. Thị trưởng của thành phố Lviv đã đến đọc diễn văn chào mừng các ngòi bút đến từ khắp nơi trên thế giới. Bài diễn văn bằng Anh Ngữ lưu loát ấy cho thấy một quyết tâm muốn đến gần với thế giới tự do, với phương tây, tôn trọng tự do báo chí và ước muốn Ukraine phải thoát khỏi sự ảnh hưởng vô hình từ Nga.... Tràng vỗ tay khuyến khích từ cử tọa vang to. Tôi vỗ tay, nhưng tôi như lại thấy khuôn mặt của anh nhà báo khi sáng rất căng thẳng khi đưa cho tôi danh sách các phóng viên đang bị cầm tù.... Loáng thoáng bên tai tôi như lại nghe câu anh ta nói lúc ấy: “Tổng Thống qua chầu bên Nga rồi... Làm gì có tự do báo chí ở đất nước này, các bạn ơi, xin cứu đồng nghiệp của chúng tôi !”

Đa Văn Hóa Nhưng Không Đa Chủng Tộc
Vì khách sạn chính của đại hội đã hết chỗ, nên tôi phải ở một khách sạn khác cách đó khoảng 20 phút đi bộ. Có hai văn hữu, một người từ Mỹ và một người từ Đức cũng ở cùng khách sạn với tôi. Hai anh này người da đen rất vui tính. Tôi đã dặn hai anh là mỗi ngày, sau khi ăn sáng xong, hãy chờ tôi để cả ba cùng đi, cùng chuyện trò cho vui. Trên đường đi, tất cả từng người dân địa phương qua mặt chúng tôi, từ ngồi trên xe bus công cộng, ngồi trong xe hơi nhà hay đang đi bộ đều quay đầu nhìn chúng tôi, như thể bọn chúng tôi từ trên cung trăng rớt xuống. Tôi cũng chưa hiểu tại sao, nhưng trong chốc lát tôi đã hiểu ngay. Ukraine luôn giới thiệu với thế giới rằng họ là đất nước đa văn hóa. Tôi cho đây chỉ là cách “chơi chữ” vì những nền văn hóa đó là Ukrainian, Lithuanian, Nga và Ba Lan. Sắc dân của các nền văn hóa này đều là dân da trắng, tóc vàng. Ở đây không có vấn đề đa chủng tộc như ở Canada. Và đó chính là lý do khi chúng tôi, một Châu Á da vàng, hai da đen gốc Phi Châu đi trên đường phố đã gợi sự tò mò, lạ lẫm đối với dân địa phương. Tôi nhớ đến lần tôi đã gặp một kỹ sư da đen vừa di dân sang Canada từ Ireland. Anh ta nói với tôi: “Đồng ý với bạn ở đó hiền lành, nhưng họ quá thuần chủng, tôi không cảm thấy thoải mái vì khi tôi ra đầu tường mua hộp sữa, người ta biết gia đình tôi chưa đi chợ, còn nếu tôi xách bịch nước đá về thì cả khu phố biết tủ lạnh nhà tôi hư. Tôi đành phải qua Canada ở thôi. Canada là môi trường đa chủng tộc, không ai rãnh mà để ý ai”

Trường Đại Học, Nghĩa Trang và Trớ Trêu của Chính Trị sau “Cách Mạng Tháng 10”
Một trong những ngôi trường đại học cổ kính và nổi tiếng nhất của Ukraine: Ivan Franko National University of Lviv. Rất nhiều các danh nhân đã từng học tại đây và sau đó họ lánh chạy c.... s.. ra các quốc gia khác trên thế giới. Từ thập niên 1930's, cả một tầng lớp trí thức, học giả tại Lviv và Ukraine nói chung đã bị Phát Xít Đức và Hồng Quân Liên Xô giết chết. Những người thoát được phải lưu vong đi khắp nơi trên thế giới. Tại hải ngoại, những người Ukrainian lưu vong đã trở thành những danh nhân lỗi lạc cho nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Canada, Hoa Kỳ.... Riêng tại Canada, cộng đồng Ukrainian đã hội nhập vào xã hội giòng chính Canada từ văn hóa, nghệ thuật, chính trị, giáo dục....

Trong khi đó, tại quê nhà Ukraine, một tầng lớp mới là những bần cố nông hoặc có tham gia bộ đội của Hồng Quân Soviet được đưa lên nắm những chức vụ cao, họ làm công việc cầm cân, nảy mực cho một xã hội... chủ nghĩa do Soviet chỉ đạo. Sau đó Ukraine đã chính thức mất về tay Liên Xô giai đoạn thứ hai, sau Đệ Nhị Thế Chiến (1941-1991)

Tại Lviv có nghĩa trang Lychakiv từ thế kỷ XIX cho đến nay vẫn còn chôn. Có những khu vực chôn người Ukrainian, người gốc Ba Lan sinh sống lâu đời và cả người Nga vào đây "giải phóng". Đặc điểm để nhận ra những ngôi mộ của các "cán bộ giải phóng Nga" này là mộ không gắn thánh giá (hoặc không được/ không dám) bởi vì họ phải làm kẻ vô thần, dù muốn hay không muốn. Nói điều này tôi không có ý xúc phạm người chết. Đây chỉ là hướng dẫn thuần túy của một người bạn nghiên cứu về lịch sử địa phương. Cô ta chỉ cho tôi biết sự khác nhau của những ngôi mộ. Cô ấy còn nói thêm: “Đừng nghĩ chúng tôi và họ - người c.... s.. Nga - giống nhau. Không, khác lắm đó, khi chết xuôi tay rồi chúng tôi cũng cứ khác đó, thấy không (?)”

Nói về người Ba Lan, có lẽ họ là dân tộc chống cộng và dám đương đầu với c.... s.. một cách quyết liệt nhất. Họ đã có những cuộc chiến tranh từ năm 1918 tại Lviv với Hồng Quân Soviet. Lviv từng thuộc về lãnh thổ của Ba Lan (1918-1939). Những trận đánh lớn giữa người Ba Lan và bộ đội Soviet xảy ra trong hai năm 1918-1920. Sau khi Liên Xô "giải phóng" (xâm chiếm) được Ukraine, sát nhập Ukraine thành một tiểu bang của Liên Bang Xô Viết, các ngôi mộ của binh lính, tướng sĩ Ba Lan chôn trong nghĩa trang này đã bị bộ đội Liên Xô vào cày xới thật man rợ, vô minh. Tôi gởi kèm hình là những ngôi mộ hiện nay của lính Ba Lan được chính phủ Ukraine không c.... s.. cho phục dựng lại, khi họ dành được độc lập năm 1991. Các ngôi mộ mới xây lại này không thể gắn bia vì đã bị bộ đội Liên Xô đã phá hủy hoàn toàn, không cách nào biết được chính xác tên của tử sĩ nằm bên dưới là ai. Ngồi nơi đây, tôi cảm thấy chua xót cho nhân loại. Từ đâu mà thế gian này nở ra một loại vi trùng c.... s.. vô nhân bản và đê tiện, làm trì trệ văn minh loài người từ Âu sang Á. c.... s.. đi đến đâu, ngoài tàn phá văn minh, còn có một tội ác phi nhân khác là họ rất thích đào mồ, cuốc mả, trả thù người đã chết !!!

Những Địa Danh Tại Lviv
Lviv có lẽ là thành phố cổ còn giữ lại gần như nguyên vẹn những công trình kiến trúc xưa. Tôi ước chừng 80% những con đường hiện nay vẫn còn là đường lát đá của những thế kỷ trước như Staroyevreiska Street, rạp hát opera do người Áo xây cất rất mỹ thuật. Rất ít du khách đến Lviv, nhưng nếu quý vị có đến được đây, xin đừng bỏ qua như ngôi nhà thờ cổ như St. Nichola’s Church, St. George’s Catheral, The Jesuit Church, Holy Trinity Church, hoặc vào thăm Citadel, Sosnowski’s Castle, Segal House, Kryva Lypa Passage...

Chia Tay Lviv
Sau gần tuần lễ tham dự hội nghị ở đây, tôi lại tiếp tục kéo valise đi tiếp. Tôi chưa về nhà vội, nhân dịp này, tôi muốn ghé thủ đô Kiev xem cho biết một lần. Nếu tôi bỏ lỡ cơ hội thăm Kiev lần này, không biết bao giờ mới có thể quay trở lại, nhất là các tin tức và tình hình thời sự tại Ukraine luôn là những bất ổn, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bữa tiệc chia tay các văn hữu khi nào cũng xúc động, chúng tôi, những con người say mê viết lách cứ ôm chặt lấy nhau, chụp hình lưu niệm, trao đổi email và hẹn năm sau hy vọng sẽ gặp lại, nếu còn đó những duyên lành. Tôi gọi là duyên lành vì nhiều ngòi bút đấu tranh đã bị các chính phủ độc tài bắt nhốt hoặc thủ tiêu. Các nữ phóng viên đến từ Ấn Độ và Trung Đông còn kể với tôi rằng khi họ xuất hiện trên truyền thông, họ đã trở thành những đối tượng dễ bị săn đuổi, hãm hiếp nhất trong một xã hội chưa tôn trọng nữ quyền. Nghĩ đến đây tôi chợt rùng mình khi ý thức được mình đang sống ở Canada quá an toàn. Tôi và quý vị, chúng ta đang được hưởng an ninh từ xã hội, an toàn trong cuộc sống. Khi tôi cầm bút, tôi có thể viết ra những lời phê bình chính phủ , phê bình các nguyên thủ quốc gia một cách gay gắt.... Tôi có thể viết nhiều điều mà không sợ gì cả. Nhân quyền của tôi, của chúng ta vẫn được tôn trọng tuyệt đối..... Trong khi đó, những con người, những cây bút đến từ Trung Đông, từ các nước độc tài Phi Châu, từ Thổ Nhĩ Kỳ..., hoặc như các ngòi bút đấu tranh không thể tham dự được, họ đang ở Bắc Hàn, Trung Quốc, Nga..., họ có thể bị bắt hoặc bị thủ tiêu bất cứ lúc nào bởi các chính phủ man rợ, độc tài.

Tôn Thất Hùng

Sửa bởi tuphuongsg: 26/02/2022 - 15:26


Thanked by 2 Members:

#307 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 26/02/2022 - 19:44

8) HỒI ỨC CỦA MỘT TRÍ THỨC CŨ TRONG XÃ HỘI MỚI SAU 1975


III) MỘT QUÃNG ĐỜI RIÊNG
4) FICONIMEX, SỰ KHÉP LẠI MỘT TRANG ĐỜI

Giữa lúc đó thì một biến cố lớn xảy đến với công ty Ficonimex và gia đình ông Nguyễn Xuân Hòe. Ông bị đột tử ngay trong một phiên họp của đảng bộ công ty! Cái chết bất ngờ của ông gây bàng hoàng cho nhiều người, tất nhiên trong đó có tôi. Dẫu gì, ông và tôi cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ từ những năm 1970, trong đó có bài thơ ông họa lại thơ tôi mà sau 1975, cả ông và tôi đều làm thất lạc. Khi nghe tin, tôi chỉ còn kịp đến nhà ông trên đường Bạch Đằng, Gia Định, gần rạp hát Cao Đồng Hưng, để thắp cho ông nén hương tiễn biệt.
“Đối thủ” của ông Phó Giám đốc tổ chức không còn, câu chuyện bảo lãnh dành cho tôi tạm lắng một thời gian. Lúc bấy giờ, một nhân vật mới xuất hiện tại công ty Ficonimex, và xuất hiện cả trong cuộc đời của tôi, dù là ngắn ngủi. Ông là Hồ Sỹ Ch., một đảng viên kỳ cựu, người gốc Quảng Trị. Được biết, cũng như dòng họ Thân Trọng, Nguyễn Khoa, Hồ Đắc ở Huế, dòng họ Hồ Sỹ ở Quảng Trị thuộc vào tầng lớp “quý phái”, song điều đó không quan trọng bằng việc nghe đâu khi trước, ông Ch. từng hoạt động gần gũi với ông Tố Hữu.
Tôi biết ông Ch. lần đầu khi có dịp đọc một tài liệu do ông đích thân soạn thảo với tư cách Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế TPHCM, nêu những nhận xét về ưu khuyết điểm trong hoạt động xuất nhập khẩu của công ty Ficonimex. Tôi ngạc nhiên về những phân tích và nhận định sắc bén của ông, rất khác với trình độ của những người cùng thời với ông đang tại chức.
Vì thế, tôi không bất ngờ khi được biết sau khi vừa về hưu, ông Ch. đã được ông Đinh Xáng, Giám đốc công ty XNK công tư hợp doanh Ficonimex mời về cộng tác với công ty, với cương vị Trưởng ban Kiểm tra kiêm Chánh văn phòng, thay thế nhân số ông Nguyễn Xuân Hòe vừa qua đời. Quá trình của ông là một đảm bảo khá vững chắc cho mối quan hệ giữa công ty và các cơ quan có thẩm quyền trong thành phố. Khi ông Phan Văn Khải còn làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố thì ông Ch. là Phó Chủ nhiệm; vào năm 1982, khi ông Khải đã là Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách mảng kinh tế, XNK, thì ông Ch. đã về hưu.
Theo cơ chế và tập quán làm việc lúc bấy giờ, mối quan hệ cá nhân có một tầm mức quan trọng chi phối không ít đến sự thành bại trong hoạt động của một công ty, vì thế sự hiện diện của ông Ch. tại Ficonimex sẽ tạo nhiều thuận lợi cho mối quan hệ giữa công ty và UBNDTP.
Thật thế, khi chính thức làm việc cho công ty Ficonimex, ông Ch. nhận được sự vị nể của chính ông Ba Nam, Chủ tịch Ban liên lạc công thương, cơ quan chủ quản của công ty Ficonimex, được sự trọng vọng của ông Giám đốc Đinh Xáng, và tất nhiên, sự “kính nhi viễn chi” của các Phó Giám đốc. Ngoài chức vụ Trưởng ban Kiểm tra, ông còn kiêm nhiệm chức Chánh văn phòng do ông Hòe để lại, mà người nhân viên cơ hữu duy nhất là tôi. Ngay trong ngày nhận chức đầu tiên của ông Ch., ngoài tôi đã có sẵn, Phòng Tổ chức còn cử đến cho ông hai người trẻ khác, trong đó, một người thuộc dòng Hồ Sỹ với ông Ch.
Buổi tiếp xúc đầu tiên giữa ông Ch với ba người khá vui vẻ, ông gợi ý mỗi anh em viết ít dòng nhận xét về cơ quan và nêu những đề nghị cần thiết nếu có, để ông tham khảo. Tôi cứ tưởng cả ba đã là nhân viên thuộc quyền ông, không ngờ đó là một hình thức thử việc được ngụy trang dưới một công việc bình thường. Hai ngày sau, ông trả hai người kia về Phòng Tổ chức, chỉ giữ lại mình tôi.
Tại công ty Ficonimex, có vài người nguyên là nhân viên của ông Ch. tại Hội đồng trọng tài kinh tế thành phố. Họ thường nói với nhau về sự thẳng thắn và lòng đôn hậu của ông, và tôi cũng nhận thấy như thế. Song, chỉ một thời gian không lâu sau thì vấn đề của tôi lại nổi lên. Ngày nọ, sau khi họp giao ban với ban Giám đốc, trở về phòng, ông nói với tôi:
- Họ đòi ông phải có người bảo lãnh, tôi nói với họ, tôi bảo lãnh ông.
Nếu người nói câu đó là ông Hòe thì tôi ngạc nhiên, song với ông Ch., tôi không ngạc nhiên. Đó là vì vị thế của hai người rất khác nhau. Ông Ch. là một đảng viên kỳ cựu đã về hưu, những bất trắc do tôi gây ra, nếu có, cũng sẽ không dễ gì làm suy xuyển ông. Vốn là người nghĩ xa, tôi cũng cho rằng ông Ch. muốn qua câu nói ấy, nhắn nhủ với tôi rằng “tôi bảo lãnh ông đó, ông liệu mà có cách xử sự để không làm hại đến tôi!”. Thêm một lần nữa, mình lại là kẻ chịu hàm ơn!

***
Như tôi đã trình bày ở hai bài đầu, Ficonimex là một trong mấy công ty được thành lập thử nghiệm dưới hình thức công tư hợp doanh, sử dụng một phần vốn, cơ sở sản xuất của các nhà “tư sản dân tộc” nên ngoài bộ phận tổ chức dưới quyền một ông Phó Giám đốc là đảng viên, các ông Phó Giám đốc còn lại và một vài trưởng phòng là những người hoạt động kinh tế tại Sài Gòn trước 1975. Phó Giám đốc sản xuất – kinh doanh là ông Trần Văn B., Giám đốc xí nghiệp đông lạnh Việt Long; Phó Giám đốc Kế hoạch là ông Phùng VQ, Giám đốc nhà máy sứ Thiên Thanh.
Với kinh nghiệm của những nhà quản lý XNK lâu năm này, nhất là ông Trần VB, doanh số và lợi nhuận của công ty ngày một gia tăng. Song, bù lại, sự rạn nứt trong nội bộ lãnh đạo công ty ngày một lộ rõ, một phần vì chức vụ Trưởng ban Kiểm tra kiêm Chánh văn phòng của ông Ch. thấp hơn các ông Phó Giám đốc, song vị thế thật sự của ông Ch. đối với ông Giám đốc Đinh Xáng lại cao hơn các vị kia! Mọi ý kiến, đề xuất của ông Ch. đều được ông Xáng nghe theo và sự nứt rạn dẫn đến sự kình chống rõ rệt giữa hai phe.
Tình hình căng thẳng dễ dẫn đến sự hiểu lầm đáng tiếc. Và một sự hiểu lầm tai hại đã bộc phát khi trong một buổi họp sôi nổi, ông Giám đốc người Quảng Ngãi đã nói dỗi bằng câu: “Tôi nghỉ, để cho bọn anh làm”.
Theo vốn hiểu biết về ngôn ngữ địa phương có giới hạn của tôi, thì với người Quảng Nam, Quảng Ngãi, hai cụm từ “bọn anh, bọn tôi” cũng gần đồng nghĩa với hai cụm từ “các anh, tụi tôi”, không nhằm miệt thị người nghe. Song nhiều người trong phiên họp không hiểu, hay không chịu hiểu như vậy, họ kịch liệt lên án ông Xáng là đã xúc phạm mọi người.
Một cái ly đầy nước mà cứ nhỏ thêm nước vào thì ly phải tràn thôi. Những bất đồng gay gắt đã không được hóa giải mà còn chất chồng thêm.
Tháng 7.1983, người ta bắt đầu triển khai quyết định 113 (1982) của Phó Thủ tướng Tố Hữu, sau đúng một năm được ký và phổ biến. Xin nhắc lại nội dung chính của văn bản này là chính phủ không chấp thuận mô hình “công tư hợp doanh xuất nhập khẩu”. Công ty (công tư hợp doanh) Ficonimex bị giải thể, công nhân viên biên chế được chuyển về Tổng công ty XNK thành phố Imexco mới được thành lập, nhân viên hợp đồng được cảm ơn và trợ cấp 1.000 đồng, cho về nhà tùy nghi kiếm sống.
Công việc cuối cùng phải giải quyết là thành lập ban thanh lý công ty, ban này tiếp tục làm việc cho đến khi hoàn tất việc thanh lỳ. Không ngờ chuyện lập danh sách đưa người vào ban này lại gây ra một cuộc đấu tố nhau không một sự kìm chế hay nhân nhượng nào. Một ông Phó Giám đốc có lẽ không được tham khảo, đã coi danh sách này là một cuộc “đảo chánh”. Khi danh sách ban thanh lý công ty được đọc lên, có tên tôi! Thêm một lần nữa, mình nằm trong thành phần những người bị người ta mang ra để đấu tố nhau.
Ngày hôm sau, ông Phùng VQ, Phó Giám đốc kế hoạch, người chủ trì việc thực hiện các thủ tục thanh lý công ty, nhắn người gọi tôi ra làm việc, song tôi thông báo quyết định không tiếp tục công việc nữa.
Cuốn sổ đời tôi khép lại vĩnh viễn với trang Ficonimex và lật sang một trang mới, có cái thoang thoảng của mùi phân chuồng và cái thi vị của ruộng rẫy, bờ ao.



Lê Nguyễn
26.2.2022

Thanked by 2 Members:

#308 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 27/02/2022 - 17:31

Cột báo BỤI ĐƯỜNG XA
UKRAINE – Hùng ơi, đừng đi
Phần 2: KIEV (Tôn Thất Hùng)

Hôm nay tôi rời thành phố cổ kính Lviv để bay qua thủ đô Kiev của Ukraine. Có người hỏi tôi: an ninh phi trường chặt chẽ không (?), tôi trả lời thấy bình thường, cũng giống như ở Bắc Mỹ. Nếu dễ dãi quá thì mình lại thấy sợ, vì dễ cho khách thì cũng dễ tạo cơ hội cho khủng bố. Vé máy bay một chiều từ Lviv đi Kieu khoảng 90 phút chỉ có $60US, nhưng gởi hành lý thì tới $40US/túi, thật là quá mắc. Ở quầy check-in, tôi gặp một số văn hữu từ các quốc gia khác cũng bay về Kiev như tôi, họ lắc đầu ngao ngán chuyện này. Máy bay của hãng Ukrainian Airlines khởi hành rất đúng giờ, không sai phút nào. Ngoài chuyện giá tiền gởi hành lý quá mắc ra thì mọi chuyện đều tốt. Nhân viên ở phi trường nguyên tắc nhưng nhã nhặn, điều này cho thấy họ có dạy (được dạy về tôn trọng khách hàng, an ninh phi trường, tự trọng và biết giữ thể diện quốc gia của họ).

Khi xuống phi trường Kiev, có nhiều người đàn ông vào đứng tận cửa đi ra, chào mời khách đi "taxi" của họ, tức là một loại xe đón khách “lậu”. Tôi đều lắc đầu mà đi thẳng đến quầy phụ trách taxi chính thức của phi trường. Đây là điều nên làm cho sự an toàn của chính mình. Trên hệ thống computer sẽ cho biết xe nào đưa mình đi, cho biết luôn số tiền sẽ phải trả (dựa vào địa chỉ của khách đưa). Các ông "taxi" kia tiu nghỉu khi thấy tôi đi đến thẳng quầy Airport Taxi. Tuy nhiên, chính điều này làm tôi cũng áy náy quá. Thông thường đi xa, tôi hay mua đồ từ những người bán dạo ít vốn, giúp họ có cơ hội kiếm sống lương thiện để nuôi vợ con. Nhưng ở đây, Ukraine là đất nước quá lạ với tôi, lỡ có chuyện gì, cảnh sát cũng khó giúp mình vì họ không nói được nhiều tiếng Anh ngoài vài câu xã giao, còn tôi thì không nói được tiếng nước họ. Ở Lviv, tôi đã có kinh nghiệm này, tôi hỏi đường một cảnh sát, anh ta có vẻ sợ tôi nữa kìa, chỉ muốn tôi biến đi cho lẹ vì anh ta không nói rành tiếng Anh.... Và tôi vào khách sạn cả hai tiếng đồng hồ rồi mà vẫn còn áy náy, cắn rứt trong tâm...

Independent Square và cuộc cách mạng
Từ khách sạn tôi ở nhìn ra là Independent Square. Quảng trường này là nơi đã có một cuộc nổi dậy quyết liệt của sinh viên, thanh niên, và dân chúng chống lại chế độ thân Nga vào tháng hai năm 2014. Ước chừng có khoảng từ 400,000 đến 800,000 người tham gia. Cuộc nổi dậy này đã bị chính quyền và cảnh sát đàn áp rất đẫm máu. Ở hồi kết, ông tổng thống thân Nga, Viktor Yanukovych đã bị lật đổ, lưu vong bên Nga, hiến pháp cũ được phục hồi, các tù nhân bất đồng chính kiến được thả, tiếng Ukraine bản ngữ được phục hồi như một ngôn ngữ chính thức (chứ không phải tiếng Nga), những tượng đài biểu tượng của Soviet (ví dụ tượng Lê Nin) đã bị hạ bệ không lâu sau đó... Tuy nhiên, không phải chính phủ mới là được lòng tất cả. Theo thời gian, người dân lại tiếp tục ta thán vì chính phủ mới này cũng không hơn gì ngày xưa, cũng lại quỵ lụy và bị Nga trấn áp. Trong những ngày ở đây, tôi cố gắng đọc báo và nghe ngóng từ những người địa phương. Hình như sự chán ngán của người dân ở đây đã dâng lên quá cao. Ra shopping, vào các khu chợ, tôi chỉ cần hỏi vài câu là họ tuông ra những lời sỉ vả bằng tiếng Anh bập bẹ. Họ nói đi với phương tây như Ba Lan thì giữ được nước, đời sống khá hơn với nhiều đầu tư từ các đại công ty từ Hoa Kỳ, được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng nếu Ukraine cứ bang giao duy nhất với Nga thì nguy cơ mất nước sẽ cao và kinh tế không khá hơn sau gần ba thập niên. Trong một lần ngồi chung xe với một hướng dẫn viên du lịch, tôi đã quăng một câu hỏi tiếp với anh về chuyện này. Tôi hỏi lý do tại sao chính phủ Ukraine thích gần Nga hơn (?), anh ta nói ngay: “Để được corruption – được tham nhũng bạn ơi, đi với phương Tây thì cái gì cũng phải rõ ràng, còn đi với Nga thì được cho ăn hối lộ ngập mặt và họ còn giúp giữ quyền lực, thủ tiêu đối lập”.... Anh nói tiếp “Có quyền, có lực rồi sẽ có ngày cái chính phủ này họ bán luôn đất nước cho ngoại bang !!!”. Tôi hiểu “ngoại bang” đây là nước Nga, vì bán đảo Crimea của Ukraine đang bị Nga chiếm giữ.

Mỗi buổi sáng, tôi thả bộ lang thang phía trước khác sạn, đi ra Independent Square. Tôi thấy xuyên suốt nhiều ngã tư là những bức hình treo trên các thân cây cùng hoa và nến. Những người chết trong hình là những thanh niên trẻ đã bị cảnh sát bắn chết vào năm 2014 ấy. Tôi dừng lại xúc động cúi đầu tưởng niệm những con người yêu nước ấy, những khuôn mặt còn rất trẻ. Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế, khi vận mệnh đất nước quá mạt là có đấu tranh, có anh hùng xuất hiện. Tôi biết hiện nay, người dân nơi đây vẫn đang ta thán rằng chính phủ mới vẫn tiếp tục bị nước Nga mua chuộc, rằng tình trạng tham nhũng có ở khắp nơi và họ còn đấu tranh tiếp tục... Nhưng dù sao, Ukraine vẫn đang là một quốc gia độc lập, có chủ quyền sau gần 70 năm bị Liên Xô chiếm hữu. Điều mà họ cần làm là tiến gần với thế giới phương tây hơn, tránh xa vòng kim cô của nước Nga càng xa càng tốt.

Ẩm Thực Ukrainian
Người Ukrainina cũng như các nền văn hóa khác, có nhiều món quốc hồn, quốc tuý từ món ăn chính như bánh xếp nhân thịt gọi là Varenyky (giống bánh quai vạt của người Việt), Pyrizhky là một loại bánh nướng nhân thịt, gan hoặc các loại rau cải; Holubtsi là món có bắp cải cuộn nhân thịt hoặc cơm – dùng với sốt cà, vịt hoặc ngỗng dồn táo và nướng, cá nướng chung với nấm và cheese; Deruny là bánh khoai tây chiên.... Các loại bánh ngọt nướng thì mang nhiều tên khác nhau, nhưng nhìn chung cũng không khác gì các loại bánh nướng chúng ta thường thấy ở khắp nơi như Pampushky, Torte. Ở Ukraine có các loại cá biển và trứng cá đen rất độc đáo. Khi ở Lviv, tham dự một hội thảo mang tầm vóc quốc tế, những món ngon trong văn hoá ẩm thực đều được họ đem ra chiêu đãi, nhưng tôi không hề thấy ban tổ chức đãi một món rất quan trọng mang tên Salo. Đây là một một loại thịt mỡ heo ướp muối, mỡ nơi lưng con heo sẽ ngon hơn mỡ những nơi khác. Món này được các nông dân cất đông lạnh ăn dần. Người Ukrainian ăn món salo thường xuyên, xem đây là món ăn truyền thống như người Pháp ăn paté, người Hàn ăn kimchi, hay cá mặn hoặc mắm của dân Việt Nam. Dân Ukrainian phết chút mỡ heo này lên bánh mì, chút rau thì là, nhấp chút rượu mạnh Horilka. Tôi đã được mời ăn theo kiểu này. Không hiểu sao, trong không khí lành lạnh mùa thu, trong thổ nhưỡng của Ukraine, tôi lại thấy rất ngon miệng. Trong nhiều lý do về sức khoẻ tại Bắc Mỹ, chúng ta ngại dùng mỡ heo, nhưng thôi, chuyện đó nói sau, tôi đang nói về một trong "tứ khoái" ở đất nước này.
Ukraine không có một văn hoá lâu đời, thuần chủng, vì luôn nằm trong sự thống trị của nhiều thế lực như Ottaman, Ba Lan, Luthiana, Áo, Hung Gia Lợi và sau này là Nga xâm chiếm. Chính trị luôn nhiểu nhương, chỉ có dân chúng là khổ đau khi các vương quyền ấy đi đến đâu là đưa tài nguyên cướp được về mẫu quốc. Các loại thú gia cầm đã bị vét sạch bởi các đội quân thích ăn thịt bò, thịt cừu, thịt gà... Chỉ còn những bầy heo bị bỏ lại. Dân nghèo chỉ còn có thịt heo để ăn, không có lựa chọn. Họ ướp muối thịt heo để dành ăn dần qua mùa đông. Nhiều thế kỷ trôi qua, từ từ món mỡ heo ướp muối Salo này đã trở nên một món ăn đặc trưng trong văn hoá ẩm thực tại Ukraine.

Nói về chuyện ăn thịt của người Canadian, đa số họ chỉ ăn bò, cừu hoặc gà tây như người Mỹ. Một đồng nghiệp của tôi là dân gốc Ukrainian, sinh tại Toronto, anh ta chỉ thích ăn thịt heo. Trong một lần ăn trưa, tôi có hỏi lý do tại sao tại sao anh thích thịt heo hơn thịt cừu, anh ta không trả lời liền. Hôm sau anh ta khều tôi và nói: "Tôi từng hỏi Mẹ tôi như vậy rồi, bà nói ngày xưa đẻ một bầy con, Mẹ ở nhà nuôi con, chỉ có Ba đi làm, thu nhập gia đình ít lắm, nên Mẹ chỉ mua nổi thịt heo về ăn, tiền đâu mà ăn cừu như người ta".

Nói rồi anh ta cười cười, kể tiếp trong cặp mắt ươn ướt

- Ẩm thực là văn hoá, thói quen của từng cá nhân lại đến từ gia đình. Hiện giờ tôi vẫn quen ăn thịt heo và nấu cho vợ con ăn những món Mẹ tôi nấu ngày xưa. Christmas năm rồi, Mẹ ghé thăm, thấy tôi làm món soup xương heo hầm với củ cải đỏ nhà nghèo, Mẹ nói đừng ăn nhiều heo mà mang bệnh, nhưng tôi nói không, mấy chị em con lớn lên bằng nồi soup ngày xưa ấy, Mẹ đã hầm tất cả xương, da, bắp cải vụn, Mẹ không bỏ phí cái gì cả. Và bây giờ đứa nào cũng nên người, khoẻ mạnh, con rất yêu món soup đó, con không bỏ nó khỏi bàn ăn đâu !!!

Tôi đã thật xúc động khi nghe lời tâm sự của đồng nghiệp, tôi bỗng nhớ Mẹ tôi, nhớ đến những người phụ nữ Việt Nam cũng vậy, trong hoàn cảnh nào, cũng ráng gói gém và chăm sóc con cái chu đáo trong khả năng và hoàn cảnh... Hầu như những bà mẹ ở đâu cũng rất tuyệt vời đối với con - Mẹ là tất cả !!!

Xử dụng giao thông công cộng đi thăm những địa danh
Tại Kiev, tôi có thử đi subway và đón xe open bus dành cho du khách để tự một mình đi thăm viếng nhiều nơi. So với các thành phố Tây Âu khác, Kiev rộng nhưng không thật sầm uất hay tấp nập du khách. Cuộc sống của Kiev vẫn êm đềm, nhẹ nhàng, với tôi như vậy là vừa đủ, không làm tôi choáng ngộp như kiểu Rome, London, Paris, Frankfurt....

Nói về xe Open Bus loại hai tầng cho du khách tại Kiev, có lẽ đây là nơi có ít xe và lịch di chuyển thưa thớt nhất mà tôi đã đi qua. Nếu như ở London, Paris, Barcelona... cứ mỗi 10 phút có một chuyến thì ở Kiev là một giờ đồng hồ. Những nhà thờ, tu viện Orthodox cổ được xây từ thế kỷ thứ X, nay được biến thành những viện bảo tàng văn hóa. Khi đến một thành phố lạ, tôi luôn cố gắng đi thăm viện bảo tàng để tìm hiểu văn hóa, tìm hiểu lịch sử. Từ lịch sử của họ trong bảo tàng, khi trở ra thế giới bên ngoài, tôi sẽ có cái nhìn và nhận xét chính xác hơn, biết tôn trọng họ nhiều hơn.

Một sự thật đáng buồn xảy ra ở hầu hết các xứ từng là c.... s.. mà tôi đã đi qua, rằng các viện bảo tàng của họ bị mất gần như hoàn toàn các cổ vật lịch sử và mỹ thuật. Ở Praque (Tiệp Khắc), tôi đã hỏi nhân viên viện bảo tàng rằng sao có ít tranh quá vậy, cô ta đã nói: “Tại vì những bức tranh kia đang ở trong tư gia các tay lãnh đạo c.... s.. ngày xưa hết rồi”. Ở Budapest, tôi hỏi sao không cho tôi thăm bên trong cung điện, nhân viên du lịch đã nói: “Còn gì mà coi, vải nhung dán tường nó còn lột nữa”. Và nay, tôi bỏ cả ngày đi thăm các viện bảo tàng, tìm hiểu một nền văn hóa mà theo giới thiệu, thời kỳ hoàng kim bắt đầu từ thế kỷ thứ X. Họ có đủ các cổ vật để minh họa cho một ngàn năm rực rỡ của họ không? Hoàn toàn không!!! Tôi đã thất vọng và thấy thương họ khi chỉ có lèo tèo dăm ba bình gốm, vài tranh vẽ cuối thế kỷ XIX, đa số của thế kỷ XX và XXI. Mua vé vào xem viện bảo tàng mà chẳng khác gì đi shopping, vì toàn những mặt hàng mới được sản xuất chừng vài mươi năm trở lại thôi. Sực nhớ đến những viện bảo tàng mênh mông, bao la, tràn đầy các cổ vật ở Moscow và St. Petersburg mà tôi đã đi qua; tôi biết rằng ngoài chuyện các cá nhân ăn cắp các cổ vật làm của riêng hay bán ra ngoại quốc, đã có những "chính sách" thâu tóm và đưa về “trung ương” giống như nhà cầm quyền ở Việt Nam đã từng vào miền Nam chở ra Bắc những tài sản như thú quý trong sở thú, máy móc công nghiệp trong các nhà máy, bệnh viện, vàng trong ngân hàng, gạo thóc trong kho dự trữ... Ukraine từng là một tỉnh của Liên Xô trong suốt gần bảy thập niên, điều gì Liên Xô lại không làm và có điều gì họ (Liên Xô) không thể làm (?)

Đường Hầm Tình Yêu – Tunnel of Love
Sau vài ngày dong ruổi ngang dọc khắp thủ đô, hôm nay tôi muốn đi ra khỏi thành phố. Ở gần thành phố Klevan, một nơi mà dân chụp hình chuyên nghiệp từ khắp thế giới đều mong được một lần đến đây để chụp những bức hình lãng mạn nhất. Đó là Đường Hầm Tình Yêu – Tunnel of Love. Nơi đây là một đường xe lửa vận chuyển hàng hóa dài 6.4km, và có gần 5km được bao phủ bởi rừng cây xanh. Mỗi ngày xe lửa qua lại đã tự cắt tỉa các nhánh cây vươn vào bên trong, tạo nên một hình ống cây xanh kéo dài nhiều cây số rất đẹp và lãng mạn. Giới chụp ảnh nghệ thuật trên thế giới trước đây không hề biết đến chỗ này. Một phần vì Ukraine không phải là đất nước có nhiều du khách sau những năm chiến tranh lạnh. Một đạo diễn ciné người Nhật tình cờ phát giác ra nơi này, ông đã đến đây thực hiện bộ phim Tunnel of Love – The Place For Miracle. Truyện phim nói về một anh chàng có người yêu qua đời trong một tai nạn xe cộ ở Nhật. Quá buồn rầu, anh ta bỏ đi lang thang đến Ukraine du lịch. Duyên đưa đẩy sao mà anh có mặt ở đường hầm này.... Người ta nói... trong không khí mờ sương, xanh thẳm... hãy đọc to tên người chết.... họ sẽ hiện ra !!! Nếu quý vị đã đến được Kiev, xin hãy bỏ một ngày để đến nơi này. Lái xe từ trung tâm thành phố đến chỗ này phải mất hơn ba giờ đồng hồ. Các thanh niên nam nữ còn tin rằng, nếu đứng giữa đường hầm, nắm tay nhau, trao nhau nụ hôn, tỏ tình cùng nhau thì tình yêu sẽ trở thành vĩnh cửu.

Từ Giã Kiev và Ukraine
Những ngày phép cuối cùng của tôi rồi cũng hết, tôi cũng đành phải từ giã đất nước Uraine và thủ đô Kiev để trở về Canada. An ninh phi trường ở thủ đô ngày tôi về bỗng gắt gao hơn rất nhiều. Tôi đã mất gần hai tiếng đồng hồ mới vào được bên trong. Hành lý được soi X-ray ngay từ cửa bên ngoài. Điều này khiến cho tôi liên tưởng đến các nơi khác cũng đang có chiến tranh như Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ mà tôi đã ghé cách đây mấy năm hoặc Seoul, Đại Hàn của đầu năm 2017.

Trước chuyến đi Ukraine này, bạn bè và đồng nghiệp từng khuyên tôi đừng đi vì nguy hiểm... Tôi biết cái lãng mạn ở đồng quê, đền đài uy nghi, một chút nhộn nhịp ở trung tâm thủ đô ấy chỉ là lớp son phấn bên ngoài. Bên trong đất nước Ukraine đang có những mối nguy hiểm chực chờ họ, nhất là nạn ngoại xâm, mối nguy hiểm sẽ bị Nga cướp nước trở lại như thời đầu thế kỷ XX.... Trông người rồi chợt nghĩ đến mình... Cuộc “cải tạo giai cấp” quá nhanh, những trí thức yêu nước bị thảm sát tất cả, những người thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm được đưa lên nắm quyền hành, từ đó Ukraine đã mất về tay Nga Sô quá dễ dàng. Nga Sô cũng như Trung Cộng, hai quốc gia này luôn mang những cơn mộng bành trướng và thôn tính các nước nhỏ, mở rộng lãnh thổ của họ. Nga Xô đã từng chiếm Mông Cổ, Ukraine, Estonia, Latvia, Lithuania, Belarus để lập nên Liên Bang Sô Viết. Trung Quốc cũng từng chiếm Tây Tạng, Tân Cương và sát nhập hai nước này thành hai tỉnh mới của Trung Quốc trong thế kỷ XX. Hiện nay, sách vở, sử sách tại Trung Quốc đang được sửa lại, họ dạy cho trẻ con nước họ rằng Việt Nam là của Trung Quốc (sic)... Họ đang cố nhồi sọ một thế hệ tiếp nối rằng: khi cơ hội đến, người Trung Quốc hãy lấy lại Việt Nam (sic).

Ước nguyện của tôi là được đến, được viết về những quốc gia từng bị Nga Sô cướp nước ra sao. Tôi muốn viết ít nhiều những dân tộc ấy, xem họ đã đấu tranh như thế nào để thoát ra được vòng kiềm tỏa của chủ nghĩa c.... s.., trở nên độc lập và dân chủ hiện nay như Mông Cổ, Ukraine, Estonia, Latvia, Lithuania, Belarus. Tôi cũng mơ ước đến những quốc gia đang bị Trung Cộng chiếm giữ, muốn nói về những trấn áp bằng vũ lực đẫm máu của Trung Cộng lên Tây Tạng và Tân Cương. Với ngòi bút cô đơn, trong tiếng nói nhỏ nhoi, tôi chỉ cầu xin ơn trên cho tôi được góp đôi chút vào lời cảnh báo chung mà nhiều người đang làm, về mối hiểm họa mất nước đang gần kề. Cả ngàn năm nay, Nga và Trung Hoa luôn xem việc mở rộng bờ cõi của họ là “quốc sách” quan trọng. Ngày nay họ vẫn xem đó là điều cần làm, họ bất chấp luật pháp quốc tế. Nga đã chiếm Crimea, Trung Cộng đã chiếm Hoàng Sa, Trường Sa cùng biển đông..., và bọn chúng sẽ không dừng lại !!!

Tôn Thất Hùng viết xong năm 2017

Thanked by 2 Members:

#309 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 28/02/2022 - 13:04

KỶ NIỆM NHỎ VỚI MẤY NGƯỜI NGA

Cách đây khoảng 15 năm, một lần tôi cùng hai người bạn ăn trưa tại một nhà hàng gần nhà. Chúng tôi ngồi một lúc thì có một nhóm người Nga và người Việt đến ngồi bàn sát bên, trong đó có một người phụ nữ ngồi sau ghế tôi đang ngồi. Họ ăn uống cười nói ồn ào. Nghe qua tôi biết mấy người Việt là giáo viên khoa Nga trường Đại học Sư phạm Thành phố, còn nội dung câu chuyện là họ đang hợp tác làm ăn buôn bán những thứ gì đó, nhưng tôi không quan tâm.

Chợt họ phá lên cười rất to khiến tôi giật mình quay lại, vừa lúc người phụ nữ Nga cũng quay lại nói lời xin lỗi vì ồn ào. Tôi trả lời bằng một từ tiếng Nga rất đơn giản "không sao đâu". Nghe tôi nói tiếng Nga, người phụ nữ ấy lập tức làm quen, trao đổi vài câu rồi xin gặp riêng.

Cô ấy đẹp, khoảng ngoài bốn mươi, tên Sverlana Galiyeva, là bác sĩ. Cô và mấy người Nga kia đem "thực phẩm dành cho phi công vũ trụ" sang bán ở Việt Nam. Cô nhờ tôi giúp. Lúc đầu tôi nghĩ đây chỉ là việc tiếp thị thông thường nên nhận lời. Sau khi nghe giới thiệu và giảng giải kỹ tôi mới biết những người Nga này bán hàng đa cấp (hồi đó cụm từ "bán hàng đa cấp" chưa phổ biến và có thể đây là những người đầu tiên đưa khái niệm này vào Việt Nam).

Sverlana mời tôi tham gia với tư cách là "nhân vật cao cấp nhất" nhưng tôi từ chối vì ngay khi đó tôi đã tự suy luận được rằng đây là một chiêu thức kinh doanh không tốt, khai thác lòng tham và nạn nhân không chỉ là người sử dụng sản phẩm mà còn là những người bán hàng ở "cấp thấp nhất". Tôi nghĩ bụng "người Nga trước đây đã từng đem chủ nghĩa Mác-Lênin đầu độc dân tộc Việt Nam, nay lại đem cái trò lừa đảo này sang Việt Nam để kiếm ăn".

Nhóm người Nga thuê nhà ở gần nhà tôi. Bốn người đàn ông ở chung một nhà còn Sverlana ở một nhà riêng. Một lần tôi tình cờ gặp Sverlana ngoài đường. Cô ta hỏi nhà tôi rồi đến chơi. Nói chuyện với nhau, tôi nói rằng chiêu thức kinh doanh mà cô đang làm là không tốt. Sverlana buồn, nói rằng cô ấy nghèo mà không có cách nào khác để kiếm tiền.

Rồi vài tháng sau, một hôm cô bé giúp việc cho Sverlana tìm tôi, nói rằng cô Sverlana vừa mới bị giật túi xách, mất hết cả tiền và hộ chiếu, trong khi những người đàn ông Nga kia đã về nước, bỏ cô ta ở lại một mình. Sverlana đang rất lo sợ vì ngay cả Tổng Lãnh sự quán Nga cũng không chỉ không giúp gì mà còn đòi cô trả tiền mới cấp hộ chiếu mới.

Tôi nghĩ "mấy thằng Nga này bần tiện quá" rồi đi với cô bé đến gặp Sverlana. Cô đang ngồi khóc. Khi đó tôi không chỉ muốn giúp cô mà còn nghĩ rằng phải để cho cô ấy thấy là "ở Việt Nam không chỉ có kẻ trộm cướp mà còn có những người tốt bụng" nên đưa cho cô ấy 200USD, khuyên cô nên mượn thêm từ những người quen để trở về Nga. Sverlana cám ơn, nói "sau này sẽ trả lại" nhưng tôi không quan tâm đến chuyện sẽ trả lại.

Không ngờ khoảng nửa năm sau Sverlana trở lại Việt Nam, tìm tôi, trả lại 200USD và tặng tôi một món quà nhỏ. Cô mời tôi đi ăn. Tôi đưa cô đến nhà hàng Lotus của ông bạn Phạm Lân. Tình cờ hôm ấy (nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như vào dịp Noel thì phải) ông Phạm Lân mở tiệc. Ông mời chúng tôi dự và mời Sverlana khiêu vũ. Lần đó tôi mới biết là ông chủ nhà hàng này nhảy rất điệu nghệ.

Sverlana rất quý tôi nhưng tôi không muốn thân thiết để tránh đưa tới những chuyện phiền toái. Sau này tôi không gặp lại cô và không giữ liên lạc với cô ấy nữa.
Công Dũng Trương
28/2/2022

Thanked by 2 Members:

#310 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 16/03/2022 - 19:09

CÓ NHỮNG NGÀY NHƯ THẾ NƠI CHIẾN TRANH ĐI QUA

Từ 10 tuổi tôi đã nghe cha mẹ, người thân nói về chiến tranh. Tôi nghe cha tôi kể về các cuộc chém giết ở vùng xôi đậu, về những xác chết trôi trên sông Thu Bồn. Tôi nghe anh tôi kể về những thương binh, về những góa phụ. Tôi nghe chị tôi nói về những người mẹ gánh con chạy loạn. Tôi nghe mẹ tôi hò ru em “ Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái Tử/ Gái trông chồng lên núi Vọng Phu/ Chiều chiều bóng xế trăng lu/ Nghe con ve kêu mùa hạ biết mấy thu gặp chàng”. Chỉ nghe thôi nhưng mỗi lần nhớ đến, nỗi buồn thương ảo não xâm chiếm hồn tôi.

Mười tám tuổi tôi thật sự biết mùi vị của chiến tranh. Từ cái đêm giao thừa năm 1968, tiếng pháo và tiếng súng không phân biệt.
Chiến tranh xảy ra ngay trên đường làng, ngay trong vườn nhà tôi.
Đạn pháo, róc két, từng loạt, từng loạt trút xuống trong vườn, trên đường làng. Cây đổ, nhà cháy, người thương vong.

Tôi đứng giữa vườn, đạn réo quanh, tôi không còn biết sợ là gì khi mẹ tôi từ dưới hầm đi lên và bị trúng đạn, tôi không biết sợ là gì khi anh tôi từ trong ngôi nhà đổ nát chạy ra. Tôi lao tới ôm mẹ, tôi lao tới kéo anh tôi... Anh tôi cõng mẹ, chúng tôi chạy dưới đạn pháo, máu từ vết thương của mẹ tôi ướt đẫm hai ống quần. Áo quần chúng tôi tơi tả, da thịt chúng tôi bị cưa xé khi chui qua những hàng rào thép gai, chúng tôi cứ chạy, cúi đầu chạy theo hướng dẫn của những anh lính Cộng Hòa. Chạy băng vườn, băng đập. Từ dưới hầm chúng tôi dong hai tay bò lên rồi chạy với chỉ một bộ áo quần dưới mưa phùn rét ướt.

Xin kể một câu chuyện thấm đậm tình người: Chị tôi tuổi đôi mươi, chạy qua các hàng rào thép gai, ống quần rách tươm không còn gì, một cụ già cùng chạy với chúng tôi, lặng lẽ nhường chiếc quần vải trắng may kiểu cẳng què cho chị tôi, cụ chỉ còn lại chiếc quần xà lỏn mặc bên trong. Dưới mưa phùn rét mướt, cụ run cầm cập và cứ thế mà chạy. Nếu tôi nhớ không lầm đó là cụ Ưng Thiều người bạn hàng xóm của gia đình tôi.

Qua bên kia Đập Đá, chúng tôi vào trú đạn trong câu lạc bộ sĩ quan quân đội Cộng Hòa. Tĩnh tâm lại tôi sợ đến run người. Nhớ lại trong lúc chạy, chỉ một đoạn ngắn chừng một cây số, tôi đã thấy có hai, ba người nằm chết bên đường, có người hai tay còn cầm bánh tét, bánh chưng. Tôi run lên bần bật, chị Hai ôm quàng tôi, sưởi ấm cho tôi và nói: “Yên rồi, yên rồi, em đừng sợ nữa”, chị tôi lập đi lập lại nhiều lần yên rồi... yên rồi...

Suốt nhiều tháng năm sau đó những cơn ác mộng chết chóc, máu đổ, xương rơi cứ len lỏi vào giấc ngủ. Mẹ đem “bán”(1) tôi vào chùa, sắm cho tôi sợi dây chuyền có tượng Phật để đeo. Tôi tĩnh tâm, niệm Phật hằng đêm để bớt cơn ám ảnh sợ hãi.

Bom đạn, chết chóc, đói lạnh rồi cũng qua, nhưng những ngày sau đó đi trên những con đường với những nấm mồ vô chủ chôn vội bên lề, trong sân trường cũng vậy: những nấm mồ đắp vội, không ai có thể cầm được nước mắt, ôi! đau thương ngất trời.

Bóng dáng cô giám thị Nhược Thủy với dải khăn tang trắng đi chậm rãi trên hành lang dài, gây thương nhớ, xúc động tận tâm can, cô Nhược Thủy là vợ thầy Thân Trọng A dạy toán, thầy bị chôn tập thể trong Tết Mậu Thân.

Đôi mắt buồn vời vợi của cô Hà Thị Vy dạy Triết có chồng chết bởi tên bay đạn lạc trong Tết Mậu Thân. Ánh mắt cô như đeo sầu, đeo thảm ám ảnh tôi nhiều năm tháng sau đó.

Tiếng khóc than hàng đêm của người hàng xóm có chồng mất tích.

Chiếc cầu bạc gãy đi một vài.

Những đoàn xe đưa xác người chết tập thể đi chôn chậm rãi băng qua con đường Lê Lợi.
...
Chiến tranh đi qua để lại cho thành phố một bộ mặt đau thương, nghẹn ngào không còn khóc được.

*
Nỗi đau thương do cuộc chiến năm 1968 chưa vơi, năm 1972, không khí chiến tranh lại bao trùm lên thành phố khiến người dân ở đây mỗi lần nhắc đến cụm từ “mùa hè đỏ lửa” lại thấy lòng mình quặn thắt.

Bom đạn ngút trời nơi tuyến đầu Quảng Trị với “đại lộ kinh hoàng”, thành phố Huế cách xa chừng 60km cũng hứng chịu những cuộc pháo kích của Cộng quân cả ngày lẫn đêm, nhất là khu vực quanh đồn Mang Cá nơi đóng quân của bộ Tư lệnh quân đoàn I và khu sân bay Tây Lộc.

Ngày nào cũng có tin thương vong của thường dân nơi này nơi kia.
Tôi có người bạn thân di tản từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, cả gia đình đều đi, ông nội lớn tuổi không chịu rời xa quê nhà. Khi tạm ngưng tiếng súng, bạn ấy trở về, không biết ông nội ở đâu trong cái thành phố nhỏ bé đã bị san thành bình địa, nhà không thấy đâu! Ông cũng không thấy đâu! Bạn ấy ôm tôi khóc trọn một buổi chiều.

Đạn pháo réo trên đầu, máy bay vần vũ trên bầu trời, hỏa châu đỏ rực mỗi đêm, chết chóc nơi này nơi kia, thành phố không tìm thấy nụ cười, khăn tang trắng nhiều hơn trên đường phố.…

Ôi chiến tranh đau thương!…

Người dân Huế, Quảng Trị sợ c.... s.. chiếm thành phố, tiếp tục chạy vào Nam. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ.

Vào Đà Nẵng chúng tôi tạm trú tại nhà của một người chị họ, gọi mẹ tôi là cô ruột. Căn phòng phía trước chừng 25m2 cho tất cả sáu người. Chật chội, thiếu nước, thiếu phương tiện vệ sinh nhưng như thế cũng còn tốt hơn nhiều những gia đình phải ngủ vỉa hè hay gầm cầu.
Khí trời oi bức, rác thải chất thành đống cao quanh các chợ, đặc biệt là chợ Cồn. Hằng ngày tôi đến bệnh viện cùng các bạn tham gia cứu thương hay cùng các anh chị trong các đoàn cứu trợ của Caritas, Terre des hommes đi khám bệnh, phân phát lương thực, áo quần. Nơi đâu tôi cũng chỉ thấy có đau thương, bệnh tật. Chỉ thấy tiếng khóc, tiếng than, không thấy một nụ cười dù là của trẻ thơ.

Một ngày tôi cùng đoàn Terre des hommes đi cứu trợ cho người di tản ở Phước Tường. Trên đường đi, đến một ngã ba, hình như là dốc Hòa Cầm có một xác chết trần trụi chỉ mặc một chiếc quần đùi cháy xém, chị Jacqueline (người Pháp, một nữ tu) yêu cầu dừng xe, đoạn chị ấy lấy một tấm chăn mỏng (hàng cứu trợ) đắp cho người chết cháy bên đường. Tất cả chúng tôi đứng lặng người, cái lạnh giữa mùa hè như dâng lên trong mỗi một chúng tôi.

Đến địa điểm làm việc, chúng tôi khuân vác hàng cứu trợ gồm chăn màn, thuốc men xếp vào hai góc, phân chia hai nhóm làm việc, thế nhưng cái “lạnh người” nơi dốc Hòa Cầm làm chúng tôi như tê cóng toàn thân, rưng rưng đứng nhìn nhau, anh trưởng nhóm vỗ tay bắt nhịp hát:
“Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già/ Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo/ Lời tôi ca thay cho tiếng đạn bay/ Lời tôi xây cho vững tay cày...”
“Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa/ Một miền quê tim héo và khô/ Lời tôi ca khâu vá tình thương/ Lời hôm qua chắp nối Con Đường...”
“Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù/ Lời tôi ca, lời tôi như suối rừng thu...” (2)
Tôi vỗ tay hát theo nhịp cùng các anh chị trong đoàn và lòng ấm dần lên.

Chúng tôi ở lại Đà Nẵng chừng 2 tháng, khi trường Y trở lại Huế, gia đình tôi cũng trở lại thành phố thân yêu.
Về lại Huế, mùa hè mà hai hàng cây muối bên đường Lê Lợi như bớt xanh, lá vàng đổ nhiều trên những vững nước mưa không chảy hết. Những con đường Hàng Đoát, Hàng Me, đường Phượng Bay vắng đi những tà áo trắng và mái tóc dài.

*
Vào tháng 3 năm 1975, Ban Mê Thuột khói lửa rồi thất thủ, tiếp đến Quảng Trị về tay Cộng quân. Người dân Huế lo sợ di tản về phía Nam ngày một nhiều. Gia đình tôi lại vào Đà Nẵng, kiếm đường vào Nam.
Ngày 22.3.1975 đèo Hải Vân bị cắt, đoạn lộ đi Quảng Tín, Quảng Ngãi cũng bị cắt, đường bộ vào Nam không thể đi được. Sân bay Đà Nẵng bị pháo kích liên tục, máy bay khó lòng hạ hay cất cánh, chỉ còn con đường duy nhất vào Nam là đường thủy. Từng đoàn người nối đuôi nhau đi về phía Sơn Chà, cảng Tiên Sa.

Gia đình tôi đến cảng Tiên Sa chiều 28.3. Theo người dân ở đây thì từ sáng đã có hai chuyến tàu nhổ neo vào Nam, dân chúng chen nhau mạnh ai nấy được, có người đã lạc con trên tàu.
Suốt buổi chiều hôm đó, đạn pháo của Cộng quân liên tục nã xuống bờ biển khiến không một chiếc tàu nào dám vào bờ. Chúng tôi thấy không có khả năng đi được nên quyết định lui về, trời đã chiều, gia đình chúng tôi tá túc qua đêm trong một ngôi miếu nhỏ phía sau cảng. Đạn pháo réo quanh.

Sáng 29.3 cảng Tiên Sa không khác gì một bãi chiến trường: xác chết nằm đây đó, cái bể đầu, cái banh bụng, máu lênh láng trên cát, trên sỏi, trên lá khô. Mẹ nắm tay anh em chúng tôi cúi mặt đi, vừa đi vừa niệm: “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật”.

Chúng tôi vất bỏ bớt sách vở, chăn màn đem theo để đi bộ về lại đường Quang Trung nơi chúng tôi tá túc. Bước qua những cái xác, chúng tôi nắm tay nhau đi về. Bên đường tôi thấy một bà mẹ trẻ bế con đã chết trên tay ngồi khóc. Tôi thấy hai vợ chồng ôm nhau khóc bên cái chăn quấn cả xác cha và mẹ mình. Không biết họ sẽ làm gì, sẽ ra sao với nỗi đau không thể kêu thấu trời này. Ngày hôm đó trời vừa mưa vừa nắng, vừa u ám vừa sáng vàng.
Đau thương ngút trời!
Gần đến cầu De Lattre (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) chúng tôi thấy một đoàn xe tăng của bộ đội từ ngã Non Nước đi về. Dân chúng hai bên đường có người vẫy tay chào đón hoan hô, có người cúi mặt bước đi.

Mẹ tôi bảo: “Thế là hết đánh nhau, dù sao hòa bình cũng sắp có ”.
Hòa bình rồi, dân có được bình yên?

Dân miền Nam tiếp tục chạy: vượt biên, tù đày, cải tạo, tẩy não, đi kinh tế mới, đổi tiền, áp bức tôn giáo... những thứ đó còn đau thương hơn “chạy giặc” nhiều lần.
“Ôi cái lưỡi dao cùn không cắt đứt mà đau”(3)

Ghi chú
(1)“Bán” vào chùa: Mẹ đem tôi đến chùa nhờ một vị cao tăng bắt ấn, chuyền nhân điện để tôi bớt sợ hãi. Có lẽ chỉ là một biện pháp tâm lý.
(2)Tiếng hát to – Tâm ca số 2 của Phạm Duy
(3)Thơ Trần Dần
Nguyễn Thị Kim Thoa
15/3/2022


Thanked by 2 Members:

#311 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 17/03/2022 - 18:49


NƯỚC NGA NHỮNG NGÀY NÀY NHỚ LẠI

Trần Anh Chương

Mùa hè 1983 tôi đến Mạc Tư Khoa sau hai ngày đêm trên tàu từ Praha, qua Lvov, Kiev, Kharkov, xuyên suốt một vùng mênh mông của Ukraine. Đêm đầu tiên ngủ trên nền xi măng của căn phòng ký túc xá dơ bẩn của người bạn. 4 giờ sáng tỉnh giấc thấy bạn không có trong phòng. 7 giờ sáng bạn về với hai con gà còn lông vừa bị bẻ cổ. Người bạn dậy sớm ra một chợ trời ngoại ô mua tí thịt đãi bạn. Hôm đó vào Hồng Trường, cửa hàng bách hoá MGU nổi tiếng đối diện với điện Kremlin hầu như trống trơn, chỉ vài con gấu Misa nhồi bông, biểu tượng của Olympics Moskva 80, rất nhiều quạt tai voi, bàn ủi; Chỗ thực phẩm hầu như không có gì, mấy ổ bánh mì đen chỏng trơ.

Chúng tôi ngao ngán. Cỗ máy kinh tế của Liên Xô không còn vận hành nữa, cuộc chiến ở Afghanistan, cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ đã làm xơ cứng một xã hội ngập chìm trong khủng hoảng. Năm 91, nghe tin Liên Xô sụp đổ tôi chẳng lấy gì làm lạ. Người Nga đã chán ngấy với khẩu hiệu. Họ cần một mái nhà trên đầu, chút thịt cho bữa cơm, cái xe và vài bộ quần áo. Liên Xô không làm được điều đó.

Nước Nga đối với tôi thời đó vẫn còn nhiều bí ẩn lẫn thích thú. Thời nhỏ tôi đã bị mê hoặc bởi sự tàn bạo và dày vò trong „Tội Ác và Trừng Phạt“ của Dostoevsky, thổn thức với thân phận con người và tình yêu mong manh giữa những đối thay thời cuộc ở „Bác Sĩ Zhivago“ của Pasternak. Nhưng trên hết là sự tuyên truyền và suy tôn nước Nga ở Việt Nam sau năm 75 như một tương lai cho nhân loại, thế giới đại đồng. Trong trí óc tôi thời đó còn gờm gợn tại sao tại thiên đường xã hội chủ nghĩa lại có „Quần Đảo Ngục Tù“ của Solzhenitsyn.

Chuyến đi thăm Mạc Tư Khoa làm tôi thất vọng!

Sau nhiều năm sống ở Đông Âu, nơi người Tiệp, người Ba Lan, người Slovak nói cùng một giòng ngôn ngữ như người Nga, chả ai thích thú với người Nga. Trong các quán bia ở Tiệp và Đông Đức, quán rượu ở Ba Lan, sự chế diễu tính nhà quê của người Nga luôn là một để tài muôn thuở. Người ta nói chuyện vui rằng mật vụ Stasi của Đông Đức có thể bắt anh ở quán vì mọi chuyện nhưng chửi Nga thì không sao, họ còn phụ họa thêm. Nước Nga đã đóng góp cho kho tàng nhân loại từ văn học, hội hoạ, âm nhạc, khoa học những thành tựu tuyệt vời. Nhưng trong tâm khảm người Âu châu, người Nga luôn dùng vũ lực đem đến cho lục địa nhiều điều phiền muộn. Napoleon thất trận, những người Cossacks vào quán xá Paris, đập bàn dậm chân la hét ‘Bistro.‘ Bistro’ trong tiếng Nga nghĩa là nhanh lên, nhanh lên. Sau đó tiếng Pháp có thêm từ Bistro là quán ăn nhanh. Năm 45, người Anh Mỹ đối xử với những vùng tạm chiếm ở Đức một cách nhân đạo thì vùng Nga chiếm hàng trăm ngàn vụ hãm hiếp, trả thù . Năm 1953, xe tăng Nga dẹp loạn ở Đông Đức, 1956 đàn áp ở Budapest và Poznan, 1968 đàn áp ở Praha. Ba Lan chẳng bao giờ quên vụ thảm sát Katyn và những thế kỷ bị Nga đô hộ.

Vậy người Nga là ai?

Những người Nga tôi quen đều rất tốt và chân chất. Nhiều đồng nghiệp trong ngành giỏi tuyệt vời. Với một dân tộc có trí tuệ như vậy và một đất nước bao la tài nguyên trù phú, tại sao người Nga lúc nào cũng nghèo?

Câu trả lời đối với tôi có thể tìm thấy trong sự quay lưng và phản bội của giới cầm quyền và tinh hoa của Nga cho đại đa số nhân dân. Những người lính nông dân của Nga sau khi thắng Napoleon trở về vẫn mang thân làm kiếp nông nô, một dạng nô lệ cho giới quý tộc vốn chiếm hữu phần lớn đất đai. Giới quyền quý của Nga dùng tiếng Pháp trong giao tiếp nhiều như tiếng mẹ đẻ. Sự bất lực của Nga Hoàng về cải cách xã hội dẫn tới Cách Mạng Tháng Mười 1917 làm đổi thay cục diện thế giới. Dưới chế độ c.... s.., người Nga chẳng sống khá hơn. Nạn đói ở Ukraine và thanh trừng tàn bạo của Stalin cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người. Cuộc chiến tranh chống Quốc xã Đức cướp thêm hai mươi triệu người nữa. Thời hậu Stalin cũng bê bết trì trệ, người Nga buộc nhịn ăn để làm siêu cường, để viện trợ cho các quốc gia khác. Chịu không nổi, Liên Xô sụp đổ. Thời hậu c.... s.., Putin lên cầm quyền, giới tài phiệt ăn theo bòn rút của cải quốc gia. Chỉ trong thời gian này người Nga mới bắt đầu biết đến thế giới, giới trung lưu có thể mua xe và đi nghỉ hè ở Ai Cập. Mạc Tư Khoa có McDonald và Starbucks nhưng GDP đầu người của Nga chỉ có 11 ngàn đô tức 1/6 của Mỹ và nền kinh tế Nga xấp xỉ Tây Ban Nha.

Người Nga vẫn nghèo! Sự sụp đổ của chế độ c.... s.. có thể giúp đời sống tốt hơn chút đỉnh nhưng những giá trị về dân chủ và nhân quyền chẳng bám rễ ở Nga. Giới tính hoa thỏa hiệp với Putin, chia chác quyền lợi. Giáo hội chính thống giáo của Nga, vốn bị triệt tiêu trong thời c.... s.. phải biết giá trị của tự do hơn ai hết lại ủng hộ Putin, xem Putin như cứu cánh của nền văn minh Nga, vốn bị Tây Phương xem như lạc hậu. Solzhenitsyn trở về Nga sau lưu vong, quay lưng lại với những giá trị nhân bản vốn đã cưu mang ông, ca ngợi Putin như người tìm lại được nước Nga cho người Nga. Nước Nga của Solzhenitsyn bao gồm Ukraine như một phần không thể tách rời của đất mẹ. Người học trò của ông, Putin mấy ngày trước khi xâm lược Ukraine đã lập lại luận điệu đó.

Trong những dân tộc đã mất rất nhiều mà chẳng đạt được hạnh phúc, người Nga và người Việt có thể chia xẻ cùng niềm bất hạnh. Hơn chục năm trước tôi có đến công tác ở Volgograd, tên mới của thành phố Stalingrad. Nơi đây cuối năm 1942, đầu năm 1943 đã diễn ra trận chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại giữa Phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô. Trên đồi Mamayev, nơi bức tượng Người Mẹ sừng sững là nơi đánh dấu cái chết của hơn 200 ngàn binh lính hai phía trong một vùng đất chưa đến một cây số vuông. Stalin nướng vào đây hàng chục sư đoàn, nướng sạch. Một người lính gởi vào đây sống trung bình 4 giờ. Sỏi trên đồi vẫn còn chứa mảnh vụn của xương người. Phía dưới Volgograd ngày nay tiêu điều. Hôm đó tôi liên tưởng tới Quảng Trị, Khe Sanh, Xuân Lộc, Vị Xuyên. Bao nhiêu mất mát và hy sinh chỉ để lại một nước Nga nghèo và một nước Việt nhược tiểu. Cả hai nước đều có một điểm chung là một nhóm tài phiệt cá mập giàu xụ trên đầu nhân dân.

Phần lớn giới tinh hoa của Nga qua bảo thế kỷ chẳng thích gì những giá trị của Tây Phương. Có thể là sự mặc cảm. Chính Thống Giáo Nga luôn cạnh tranh với Cơ Đốc Giáo. Sự thiếu vắng giá trị tự do trong xã hội làm người Nga luôn ngây ngất với lãnh tụ cho đến khi họ không có gì ăn vì những kẻ lãnh đạo điên rồ. Cứ nhìn năm 1917 và 1991 thì thấy rõ.

Cuộc xâm lăng của Putin vào Ukraine sẽ chỉ cho người Nga thấy rằng họ sẽ nghèo hơn rất nhiều trong những năm tới. Chẳng ai cạp đất mà ăn được cho dù đó là đất thánh của một đế quốc tuy mênh mông nhưng đã là quá khứ.

Trần Anh Chương
Maryland, March 13, 2022


Thanked by 1 Member:

#312 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 22/03/2022 - 20:08

CỐ NSƯT Kim Cúc
MỘT NHÂN CÁCH SỐNG CHO ĐỜI SOI GƯƠNG

ĐẦU TIÊN để không phải ngộ nhận từ đầu là có đến 2 nghệ sĩ ưu tú Kim Cúc đều quá cố nhiều năm. Trong đó có diễn viên kịch nói Đoàn Cửu Long Giang thập niên 1980's . Ở bài viết này Lê Tuấn muốn viết dâng tặng riêng nữ nghệ sĩ tiền phong Kim Cúc thập niên 1940's lừng danh đến trước và sau 1975. Bà đã quá vãng năm 1991.

Lê Tuấn vẫn còn nhớ rất rõ lúc 5 tuổi tập đi xe đạp trong cư xá Chu Mạnh Trinh thì có lần lỡ va xe vào thành cản của một chiếc cyclo từ ngoài đại lộ Chi Lăng rẻ vào đường xương sống cư xá chừng 20 mét ( nay là đường Đoàn Thị Điểm ). Lúc đó Tuấn và xe đạp bị ngã nghiêng qua thì ở trên cyclo có một vị phụ nữ trung niên nhìn khá quen thuộc đã nói bác cyclo dừng lại để đỡ bé Tuấn đứng dậy coi tay chân có sao không. May sao là cyclo và bé Tuấn đều đạp tốc độ chậm nên Tuấn chỉ bị trầy xước chút xíu da ở trên cổ chân. Vị phụ nữ hỏi nhà Tuấn ở đâu sẽ đưa về nhưng lúc đó cũng là lúc anh S- oshin nhà Tuấn cũng vừa xuất hiện nên mọi việc đều bỏ qua.
Ít lâu sau trong lúc xem kịch trên TV thì bé Tuấn mới phát hiện vị phụ nữ ngồi cyclo lần nọ là tài tử đóng kịch với nghệ danh Kim Cúc. Qua lời của Má thì Tuấn mới biết bà Kim Cúc là vợ của ông Năm Châu nghệ sĩ bậc Thầy các tài tử kịch ảnh và cả giới nghệ thuật cải lương, cả ông và bà đều thuộc thể hệ nghệ sĩ tiền phong Sài Gòn rất nổi tiếng từ thập niên 1940's. Ông Năm Châu thì quá nổi tiếng tài hoa qua bao nhiêu vai diễn, bao nhiêu kịch bản cải lương kinh điển để đời như Vợ và người tình, Đoạn tuyệt, Sân khấu về khuya...với bút danh soạn giả Nguyễn Thành Châu. Ông cũng là Thầy Tuồng (trước 1975 gọi vậy thay cho Đạo diễn sân khấu) cho bao nhiêu Đại ban cải lương Sài Gòn xưa. Ông và vợ đều là Giảng Viên bộ môn sân khấu kịch nghệ trước và sau 1975. Thinh danh ông Năm Châu rất lớn thí dụ như phim điện ảnh Chiều Kỷ Niệm và Con Ma nhà họ Hứa đều phải xếp tên ông đầu tiên trên cả vai chánh phim là minh tinh Thẩm Thúy Hằng hay tài danh cải lương Bạch Tuyết, Thanh Tú... Ngày xưa nói tới tên ông Năm Châu là tất cả nghệ sĩ lớn nhỏ gì đều một lòng tôn kính mà không dám tỏ vẻ chút gì bất kính với ông
Lại nói về bà Kim Cúc thì được biết bà từng là cô đào cải lương tài sắc một thời nhưng từ khi về làm vợ ông Năm Châu thì bà gần như lui về hậu phương lo chuyện gia đình, thỉnh thoảng bà tham gia kịch và đóng phim. Bà cũng là người lồng tiếng giỏi hàng đầu của điện ảnh Sài Gòn. Lê Tuấn còn biết thêm nghệ sĩ Kim Lan em gái bà Kim Cúc từng là mỹ nhân sắc nước hương trời được báo chí Sài Gòn mệnh danh Hoa Hậu tài tử năm 1955 cùng đợt với Kỳ Nữ Kim Cương và Sầu Nữ Út Bạch Lan

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Hơi trái ngược với hình ảnh ông Năm Châu luôn đỉnh đạc từ trong phim ra ngoài đời thì bà Kim Cúc tuy từng là cô đào tài sắc nhưng lại giản dị vô cùng. Những năm mới vào Trung học thì Lê Tuấn hay thấy bà Kim Cúc đi chợ Tân Định trên chiếc cyclo. Tuy là vợ nghệ sĩ lớn nhưng bà lúc nào cũng áo quần giản dị, màu sắc ôn nhu thay vì áo hoa lòe loẹt, trang điểm đậm ở tuổi trung niên. Mỗi lần Tuấn thấy bà là tới vòng tay chào theo lời Má dạy. Bà hay hỏi lại nhà con ở đâu thì Tuấn trả lời là ở gần cư xá Chu Mạnh Trinh. Tuy hình ảnh luôn giản dị nhưng thần thái bà Kim Cúc rất đỉnh đạc sang cả kiểu bà hiệu trưởng hiệu phó thường thấy trong trường học Sài Gòn trước 1975

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Điều Lê Tuấn nhớ dai nhứt về bà Kim Cúc là giọng nói Nam Kỳ trí thức sang cả, bà kêu cyclo theo phát âm đúng Pháp ngữ. Và Lê Tuấn hay nhìn bà bước lên cyclo rồi mới chịu tiếp tục hành trình đi bộ trên đường đi học ở Hội Việt Mỹ (gọi là VAA chứ không phải VUS) hướng về nhà. Sau 1975 thì Lê Tuấn ít thấy bà Kim Cúc hơn trước nhưng được biết là bà vẫn tiếp tục giảng dạy bên trường Sân khấu. Sau đó Ông Năm Châu tạ thế thì càng ít nghe thấy bà Kim Cúc.

Nhiều năm sau, bà Kim Cúc qua đời vào năm 1991. Lúc đó Lê Tuấn và anh Năm Vũ Linh vì ở gần bên nhà nên đến kính viếng hương hồn bà Kim Cúc ngay đêm đầu tiên. Đó là lần đầu Tuấn gặp chào và ngồi nghe chị Hồng Dung kể lại di nguyện của Má chị là bà Kim Cúc. Chị Dung nói là bà Kim Cúc không thích đám tang mình phô trương màn trướng rườm rà kệch cỡm, bà cũng không muốn làm phiền hàng xóm lần cuối cùng nên di nguyện không cần phải kèn trống nhạc lễ trỗ lên inh ỏi một ngày mấy lượt. Lê Tuấn và anh Vũ Linh ngôi nghe chuyện mà lặng người vì cảm phục nhân cách sống bà Kim Cúc đẹp đến cả phút cuối. Tuy là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng cả mấy mươi năm ông bà chưa bao giờ gây phiền toái cho hàng xóm láng giềng. Bà Kim Cúc còn không màng đến xây mộ lớn ở vị trí trang trọng mà muốn nhường lại cho các nghệ sĩ ra đi sau bà. Lê Tuấn cứ bị câu chuyện di nguyện của bà Kim Cúc về tang lễ của chính bà qua lời Hồng Dung con gái lớn của bà kể lại hôm đó theo mãi trong ký ức đến tận bây giờ. Cứ nhớ tới tên bà là Lê Tuấn lại cảm phục nhân cách một nghệ sĩ trí thức Sài Gòn đẹp đến phút cuối cuộc đời, là một nhà giáo đáng kính của bao sinh viên kịch nghệ sân khấu. Bà chưa bao giờ tự xưng là vợ Nghệ Sĩ Nhân Dân Năm Châu để được phong tặng chức sắc gì đó. Bà chỉ muốn là nhà giáo nghệ sĩ Kim Cúc mộc mạc bình dị như đóa hoa cúc vàng lặng lẽ vườn nhà. Thế nhưng Lê Tuấn lại thấy so ra với nhiều cô đào tài sắc rất thành công qua bao nhiêu vai tuồng đã được phong tặng chức sắc thì bà Kim Cúc lại xuất sắc hơn trong đời thường là được làm vợ NS Năm Châu một cách hoàn hảo trong suốt bao nhiêu năm sát cánh bên nhau. Bà đã làm tròn vai trò người vợ đúng mực như vở cải lương kinh điển "Vợ và người tình" của soạn giả Nguyễn Thành Châu - cũng là người chồng ở tới răng long đầu bạc.
Cũng may là sau khi bà Kim Cúc quá vãng 2 năm thì được truy tặng Nghệ sĩ ưu tú năm 1993

Một lần nữa Lê Tuấn xin được bày tỏ sự kính trọng và tôn vinh đến ông Năm Châu và bà Kim Cúc, đôi nghệ sĩ phu thê đá vàng huyền thoại của giới nghệ thuật cải lương kịch nói điện ảnh Sài Gòn thuở xa xưa ấy.
Viết xong tháng 3/2022
Lê Tuấn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 1 Member:

#313 Đinh Văn Tân

    Ban Điều Hành

  • Ban Điều Hành
  • 7718 Bài viết:
  • 17622 thanks

Gửi vào 31/03/2022 - 22:08

Không vi phạm Nội quy nhưng tạm khóa .

Thanked by 1 Member:
Tre





Similar Topics Collapse

12 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 12 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |