Năm 2009, hãng đồ chơi nổi tiếng Mattel xâm nhập vào thị trường Trung Quốc với thứ vũ khí thượng hạng của mình: búp bê Barbie.
Ra đời từ ăm 1959, búp bê Barbie đã trở thành một trong những biểu tượng gắn liền với văn hóa Mỹ. Có người còn cho rằng, cứ nhắc tới nước Mỹ là phải nhắc tới fastfood, Coca Cola và Barbie. Tờ USA Today còn xếp Barbie ở hạng 43 trong danh sách 101 người có ảnh hưởng nhất (mà chưa từng tồn tại bao giờ). Nhắc mới biết, Barbie có sức mạnh kinh khủng như thế nào.
Thế nên, khi bắt đầu kinh doanh ở Trung Quốc, Mattel tự tin lắm. Họ xây dựng một tòa nhà cao 6 tầng làm “thủ phủ” cho Barbie ngay tại Thượng Hải, tốn hết 30 triệu USD. Khổ một nỗi, doanh thu lại chẳng như kì vọng – khách hàng Trung Quốc có vẻ như không mặn mà lắm với cô nàng búp bê này. Cuối cùng, chỉ trong vòng 2 năm, tức là năm 2011, Mattel đã phải đóng cửa luôn tòa nhà này.
Sau một thời gian dài tổng kết nguyên do thất bại, Mattel rút ra được mấy bài học sâu cay về khác biệt văn hóa sau đây:
(1) Barbie gắn liền với văn hóa Mỹ chứ không phải văn hóa Trung Quốc, nên khách hàng Trung Quốc thấy không có lý do gì ôm con búp bê xa lạ này về nhà với đủ thứ phụ kiện như khách Mỹ cả. Nếu muốn sống ở Trung Quốc, Barbie sẽ phải đi lại từ đầu.
(2) Quan điểm về cái đẹp của khách hàng Trung Quốc khác xa người Mỹ. Theo người Á Đông, gái đẹp là gái “cute” – tức là phải ngơ ngác và cẩm hường. Trong khi đó, Barbie được thiết kế trên quan điểm cái đẹp người Mỹ: ngực nở, eo thon và vòng 3 có hậu. Rõ ràng Barbie không “cute” chút nào!
(3) Nhưng đây mới là thứ nguy hiểm nhất kết liễu Barbie: phụ huynh Trung Quốc muốn con chơi đồ chơi mang tính giáo dục. Nếu người Mỹ cho con phát triển tùy theo đặc điểm từng bé (và đứa bé thích thiết kế đồ cho Barbie sẽ được khuyến khích và sau này làm nhà thiết kế thời trang), thì người Trung Quốc khá đề cao chuyện học hành trường lớp. Thế nên, những thứ đồ chơi mang tính giáo dục, giúp trẻ thông minh sẽ được ưu ái hơn cô nàng Barbie rất nhiều.
Rất dễ để dân Á Đông như chúng ta nhìn thấy sai lầm của Mattel ngay khi vừa nhìn thấy, nhưng khó mà trách họ cho được. Con cá sẽ không biết xung quanh mình là nước, cũng như ta chẳng bao giờ để ý văn hóa của chính mình vậy. Người Mỹ đã sống trong văn hóa Mỹ quá lâu để nhận ra rằng văn hóa Mỹ không tồn tại ở Trung Hoa.
PS: Mà nghĩ lại cũng do Mattel một phần: lẽ ra họ nên thuê cố vấn người Trung Quốc.
Nguyễn Hạo Nhiên.