Thánh Nhân nói đúng: trẻ nhỏ dễ dạy. Mà thật ra "trẻ nhỏ" không phải để chỉ con nít ít tuổi mà là chỉ đạo Đồng Mông. Thiên đạo bắt đầu từ Càn, Khôn. Nhân đạo bắt đầu từ Mông.
Phải có lí do thì Thánh Nhân mới dùng đạo Đồng Mông và Bao Mông để khởi đầu Nhân Đạo. Đạo Đồng Mông không đủ, không biết kính lão đắc thọ, kính nhi viễn chi, khiêm nhường học hỏi, xem mình luôn như 1 ly nước vơi để có thể tiếp thu những điều hay lẽ phải và những cái mới, tối ngày chỉ khư khư mình biết rất nhiều thì thực chất bản thân đã là ly nước đầy, không còn chỗ để nạp vào những cái tinh tuý mới. Do đó không Đồng Mông thì không thể học nổi Dịch. Không học nổi Dịch thì những môn từ Dịch mà ra cũng khó mà kham nổi.
Đã không Đồng Mông thì nói gì đến Bao Mông, muốn khai sáng nhân loại, dạy dỗ người khác đi theo cái lí thuyết, mô hình của mình chỉ là chuyện xa vời, kính hoa thuỷ nguyệt.
Nhân Đạo khởi từ Mông; xã hội nhân loại muốn tiến bộ lấy từ Hữu Phu. Sống trong cộng đồng đạo Hữu Phu không có, thành tín không có, doanh doanh trục lợi, tâm không hướng về 2 chữ Vô Cấu, trí không hướng về 2 chữ Doanh Phẫu. Cũng giống như qua sông mà không chuẩn bị tiền đi đò, không có tiền đi đò mà lại khư khư muốn qua sông thì phải lừa người gạt tiền. Chúng bạn xa lánh.
Muốn học Tử Bình thì cần Đồng Mông, Hữu Phu. Tử Bình rất kén người học là vậy. Cũng là tại sao có người khi mới học Tử Bình thì tiến triển thần tốc, như có thần trợ, coi mệnh trúng mệnh, coi hạn trúng hạn, hầu như bách phát bách trúng; nhưng sau một thời gian lại đuối dần, hoặc là lạc vào mê hồn trận không biết lối ra, tâm trí lơ ngơ, hoặc là xem vận hạn không còn chính xác, coi số mà lời nói ra miệng ngượng ngùng, hoặc là bỏ Tử Bình chuyển sang môn khác.
Ông Bành Khang Dân là 1 người đáng kính trọng. Ông ta đề cao tâm tính và phẩm đức của con người mới là phần căn cơ của người học Tử Bình. Chỉ đọc phần mở đầu quyển sách (Tiền Ngôn) của ông ấy mà tôi đã xúc động và cảm phục. Tôi kính trọng ông Bành vì cái tâm của ông đối với giới hậu học cho nên tôi không muốn thấy người khác mạt sát ông ấy vì rõ ràng là ông ấy không đáng bị như vậy.
Phía dưới tôi gửi tặng mọi người phần Tiền Ngôn của ông Bành viết trong cuốn sách Mệnh Lý Tinh Hoa do ông đọc cho học trò là Thái Tích Quỳnh viết lại, vì ông Bành bị mù không thể viết được. Phần này là do tôi dịch.
-----
TIỀN NGÔN
Lưỡng nghi định vị, lục giáp ưu sinh, lấy tam nguyên làm tam tài, nhìn bốn mùa định tứ trụ. Can là nguồn căn của lộc, định chức vị cả đời cao thấp. Chi là căn cơ của mệnh, bày cuộc đời tam hạn thọ nguyên. Khô vinh được mất, tại tứ trụ suy tính chân thật. Thuận nghịch lưu giữ, toàn là do ngũ hành không giả. Cho nên, tạo hoá đời người, đều là do khí vận an bài. Khổng Tử viết: “Nhân các hữu mệnh”, người người đều có số mệnh riêng do trời định. Mà từ xưa thánh hiền, quan dân đều biết mà cảm thán: “sinh tử do mệnh, phú quý tại thiên”. Tôi vì từ nhỏ bị mù mà phải làm nghề bói toán. Lúc nhỏ có chút ít tài trí, được trong làng gọi là thần đồng, khích lệ tôi khổ đọc mệnh thư, sau đó lại học thêm phong thuỷ. Chỉ hận hai mắt mù loà, sách vở đều phải nghe đọc lại mà tự chiêm nghiệm. Trải qua hơn năm mươi năm nổ lực, có thể nói đã tỏ tường tri thức mệnh lí, còn phong thuỷ học được tám phần. Mệnh lý thật là lý cao nhất của đất trời, uyên thâm như Phật học, biến hoá như quỷ thần; còn phòng thuỷ chỉ như quần áo bề ngoài, vinh hay nhục do người mà thôi.
Tôi đến cuối đời vì được xung quanh mấy trăm dặm người đời ca tụng, giới tri thức cùng danh nhân mới đề nghị tôi viết sách để truyền cho hậu thế. Đặc biệt học trò tôi là Tích Quỳnh tự nguyện dành thời gian sau giờ làm giúp tôi ghi chép, nên tôi mới vững tâm mà viết thành quyển “Mệnh Lý Tinh Hoa” này.
Được học trò giới thiệu và đọc cho nghe, tôi mới biết hiện nay loại sách mệnh lý này hàng hà sa số, nhưng đại bộ phận không đâu vào đâu, tản mạn linh tinh. Tôi suốt hơn năm mươi năm ứng dụng thực tiễn, và không ngừng thể ngộ, mới biết mệnh lý thực chất là môn khoa học nghiên cứu giới tự nhiên từ xưa đến nay. Từng đọc kĩ “Nguyệt Đàm Phú”, “Quả Lão Tinh Tông”, “Tử Bình Chân Thuyên”, “Trích Thiên Tuỷ”, “Cùng Thông Bảo Giám”, “Mệnh Lý Chính Tông”, “Tinh Mệnh Tập Thành” cùng các sách mệnh lí khác, hiểu sâu sắc tấm lòng của Thánh Hiền, đạo đức của Tiên Hiền. Tôi nghĩ các bạn hậu học khi đọc các quyển sách này nên thấu hiểu, chiêm nghiệm tinh thần và ý tưởng của tác giả, rồi sau lại kiểm nghiệm thực tiễn.
Cùng với sự tiến bộ của xã hội, sự phát triển của khoa học, vũ trụ tự nhiên càng ngày càng phong phú thần kì. Con người chỉ có thể học hỏi những thứ hữu hình hữu hạn như sách giáo khoa, mà rút ra những cái tinh hoa vô hình vô hạn, từ đó mà hiểu được cái tinh tuý chân nghĩa của bộ môn này.
“Thứ nhất, tôi cho rằng học thuyết vận mệnh cũng là một môn học vấn. Nó chẳng những bát đại tinh thâm, mà còn là công cụ phụ chính khu tà. Vận dụng đúng, có thể làm cho xã hội càng thêm ổn định đoàn kết, là một công cụ bài ưu giải nạn thần kì. Nếu đa số mọi người đều hiểu mệnh, thì quan sẽ không tham, dân sẽ không loạn, cũng sẽ không có hối lộ, tham nhũng, hay các hành vi tội ác; con người từ đại ác hối cải thành tiểu ác, từ tiểu ác thành người lương thiện. Thật có thể nói là “tử sinh nhục cốt” (chết đi sống lại), là phúc lớn của loài người.
Ví dụ như có một vị thương nhân họ Điền, là người đồng hương với tôi. Mấy năm trước tại huyện La Điền, tỉnh Hồ Bắc bị gạt hơn bốn vạn nguyên. Người này đã chuẩn bị đầy đủ thuốc nổ để cùng chết với gia đình kẻ lừa đảo. Có một vị cán bộ thuế khuyên can mãi mà người này vẫn không nghe, không còn cách nào khác, vị cán bộ mới nói: “ Anh kể cả chết còn không sợ, vậy có dám để lão tiên sinh tính cho một quẻ rồi hẵn chết hay không?” Người thương nhân họ Điền cùng vị cán bộ thuế cùng đến nhà tôi cho tôi xem bát tự. Tôi nói: “Anh năm nay phá tài rất lớn đều là do vận mệnh đã định sẵn. Ba năm sau anh sẽ phát tài còn nhiều hơn số tiền anh bị mất. Hiện tại nếu anh tự tử không phải là chết uổng hay sao?” Người thương nhân họ Điền nghe xong thì từ bỏ ý định; hiện tại đúng thật là phát tài lớn. Có thể nói, chỉ một lời mà cứu được bao nhiêu mạng người; hai gia đình tưởng rằng đã chết nhưng được cứu sống. Cũng có rất nhiều người trẻ phạm pháp, học đòi thói cướp bóc, qua lời khuyên dạy của tôi, cuối cùng cải tà qui chính thành những con người lao động cần mẫn. Hiểu mệnh, hoặc là tiến hành giáo dục về mệnh vận, còn có thể dạy cho con cái hiếu thảo, vợ chồng hoà thuận, con người không tham chơi ghét làm, mà tuân thủ kỉ cương nề nếp.
Mệnh lí là khoa học hay là mê tín? Tôi cho là đối với mệnh lí, nếu chỉ hiểu đại khái qua loa thì sẽ tạo thành mê tín. Mệnh lí thực chất là một môn khoa học tinh thần cổ vũ con người nổ lực phấn đấu, xu cát tị hung, giải hoạ thành tường, hoá hiểm vi di. Mệnh học là một ngành nghiên cứu nhìn không thấy, sờ cũng không thấy. Muốn học mệnh lí cần phải có phẩm chất đạo đức cao thượng cùng với tài năng nhất định, đồng thời phải dày công nghiên cứu, thông suốt thế sự, thấy rõ nhân tình, mới mong đạt đến cảnh giới nhất định. Từ đó vừa ích lợi bản thân, mà vừa mang lại lợi ích cho người khác. Hiện nay có nhiều người trẻ, đọc được vài cuốn mệnh thư đã hành đạo, tạo phúc không thấy, gây nghiệp thì nhiều.
Gia đình tôi vốn nghèo khổ, tôi sáu tuổi đã bị loà. Gia đình vì mời thầy dạy tôi mệnh lí phong thuỷ mà hao hết của cải. Sau giải phóng, tôi không chỉ tự mình gầy dựng sự nghiệp, mà còn nuôi dạy sáu đứa con, bốn đứa tốt nghiệp đại học, một đứa tốt nghiệp cấp ba, một đứa tốt nghiệp cấp hai, lại còn giúp đỡ tiếp tế anh chị em. Hiện tại, cuộc sống của tôi cũng cơ bản thoải mái. Tôi được các giới nhân sĩ trong xã hội khích lệ, láng giềng tin tưởng, đều là kết quả vận dụng vận mệnh học cải tạo vận mệnh bản thân.