

Sự Thật Của Sự Thật
#1
Gửi vào 10/08/2011 - 06:22
Vụ bắt cóc 500 thường dân đảo Thổ Châu
Giadinh.net.vn - Quần đảo Thổ Châu gồm 8 đảo lớn nhỏ, nằm ở địa đầu Tây Nam của nước ta, cách mũi Cà Mau khoảng 160 km về phía Tây Bắc và cách thị xã Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 220 km. Ngày 10/5/1975, lực lượng Khơme Đỏ đã xâm chiếm và bắt toàn bộ cư dân trên đảo đưa đi sát hại. Từ 23-25/5/1975 các lực lượng của ta tiến công giải phóng Thổ Châu và các đảo lân cận.
Ký ức đẫm máu Trong lúc bộ đội địa phương huyện Phú Quốc đang tất bật với việc tiếp quản các cơ sở của địch để lại, thì sáng ngày 2/5/1975, bọn phản động Khơme Đỏ đã đưa một tiểu đoàn xâm nhập vùng biển phía Bắc đảo. Thời Pháp thuộc, đảo Thổ Châucó tên trên bản đồ là Poulo Pangjang. Tháng 5/1973, chế độ Sài Gòn lập xã Thổ Châu (bao gồm đảo Thổ Châu và một số đảo lân cận), thuộc quận Kiên Thành và đến năm 1974 lại sáp nhập vào quận Phú Quốc. Đến đầu năm 1990, tỉnh Kiên Giang tổ chức di dân ra lập nghiệp ở Thổ Châu, sau đó tiến hành lập xã.Những nạn nhân đầu tiên bị chúng sát hại là 2 anh em ngư dân Nguyễn Văn Lực - Nguyễn Văn Lượng, mới ngoài 20 tuổi, đang đánh cá trên biển Gành Dầu. Sau đó, Khơme Đỏ đổ quân lên đảo Phú Quốc, chiếm cứ một khu vực bờ biển dài hơn 3km dọc theo bãi Dài.Ông Nghiêm Văn Thành (Hai Thành) ở ấp Búng Gội, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, nguyên đại đội trưởng quân địa phương của huyện Phú Quốc vào thời điểm ấy nhớ lại: "Lực lượng của ta đã tài tình hóa giải mà không phải tốn một viên đạn. Đầu tiên, bộ đội của ta giả làm ngư dân đổ bộ lên sau lưng nơi chúng đóng quân. Sau đó, ta cho 3 tàu tuần duyên PCF có trang bị vũ khí hạng nặng, chạy dọc theo bờ biển nơi để biểu dương lực lượng. Tiếp đó phía ta phát loa ra "tối hậu thư" buộc chúng phải rút quân về nước. Nửa đêm hôm đó thì chúng rút đi...".
Nhưng đến ngày 10/5/1975, Khơme Đỏ lại lén lút đổ bộ xâm lược quần đảo Thổ Châu. Do thông tin liên lạc lúc ấy rất hạn chế, đảo lại cách xa đất liền hơn 200 km, hơn một tháng mới có chuyến tàu ra vào nên khi chúng đổ quân lên, nhiều người dân còn nhầm tưởng quân cách mạng ra tiếp quản nên kéo nhau ra bãi biển đón tiếp. Chuẩn bị hành trình ra Thổ Châu. Ông Lê Trắc, Bí thư chi bộ đầu tiên sau khi tỉnh Kiên Giang thành lập xã Thổ Châu (năm 1993) kể: "Sau khi Khơme Đỏ đổ quân lên đảo thì mọi người mới té ngửa, biết đã bị lừa. Ít hôm sau, một số ngư dân đã lén lấy ghe gắn máy đuôi tôm chạy suốt cả ngày đêm vào Rạch Giá để cấp báo cho chính quyền tỉnh Kiên Giang. Nhận tin, đồng chí Bí thư tỉnh ủy thất kinh, liền biểu tôi (lúc đó ông Trắc đang làm Phó Văn phòng UBND tỉnh) đưa những người này sang báo cáo trực tiếp với đồng chí Ba Kính, tỉnh đội trưởng để tìm cách ứng phó". Sau khi nghiên cứu tình hình, ngày 23/5/1975, Đoàn 125 Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân Khu 9 và bộ đội địa phương huyện Phú Quốc đã hành quân ra giải phóng Thổ Châu. Đây là chiến công đầu tiên mở đầu cho hàng loạt chiến công chống bọn diệt chủng Khơme Đỏ xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Những người dân sinh sống bao đời ở đảo Thổ Châu (thời điểm tháng 4/1975 có khoảng 500 người) đã vĩnh viễn ra đi trước khi nhìn thấy quê hương mình được giải phóng. Đúng 13 ngày sau khi chiếm đóng Thổ Châu, bọn diệt chủng đã khống chế, buộc hơn 500 người dân sinh sống trên đảo phải lên tàu của chúng, rồi chở về Campuchia để sát hại một cách dã man.Nhân chứng duy nhất
Một nhân chứng ở Thổ Châu tại ngôi làng bị Khơme Đỏ thảm sát.
Chỉ có trường hợp duy nhất thoát khỏi bàn tay diệt chủng của Khơma Đỏ là vợ chồng và 4 đứa con nhỏ của ông Nguyễn Văn Sỹ (Tư Sỹ). Nhà ông Tư Sỹ cũng bán tạp hóa, lại có thêm hiệu may nhỏ ở gần chỗ Khơme Đỏ đóng quân. Trong số lính thường lui tới nhà ông có một tài công người Khơme gốc Việt quê Châu Đốc (An Giang) nói tiếng Việt rất sõi. Chính người này đã cứu cả nhà Tư Sỹ. Hơn 33 năm trôi qua, nhưng Tư Sỹ vẫn không thể quên những giờ khắc định mệnh: "Chiều tối ngày 13/5 năm Ất Mão (tức 23/5/1975) Khơme Đỏ đã lùa toàn bộ dân trên đảo xuống tàu. Riêng vợ chồng tôi, ngay trước lúc khởi hành, đã được anh tài công nọ dặn dò có đồ đạc gì thì cứ chất sẵn lên ghe. Anh ta nói tối nay mọi người sẽ bị chở đi xa, nhưng sẽ xin với mấy tay thủ lĩnh Khơme Đỏ cho cả nhà tôi được đi riêng trên ghe nhà, rồi cột dây kéo theo. Đồng thời dặn tôi không được tiết lộ cho bất cứ ai, nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm. Khoảng 8-9 giờ tối thì tàu đi. Đến giữa khuya tự dưng tôi có cảm giác ghe mình mất lái, chao đảo, bèn bò ra mũi nắm đầu dây thừng lên thì thấy dây đã bị cắt rời khỏi tàu lớn. Dưới ánh trăng mờ tôi thấy mọi người bị đưa về phía đất liền Campuchia. Tôi lập cập quay mũi ghe chạy suốt đêm về tới Hòn Mấu (quần đảo Nam Du, Kiên Hải, Kiên Giang) rồi ở đó luôn đến giờ...". Trường hợp duy nhất không bị cưỡng chế lên tàu là gia đình ông Chín Hải. Hồi ấy nhà ông Chín Hải ở bãi Ngự thuộc hàng giàu có nhất đảo Thổ Châu. Ông Hải biết chút ít tiếng Campuchia nên đám thủ lĩnh Khơme Đỏ thường lân la đến quán ông ăn nhậu, chơi bời. Để được yên ổn làm ăn, ông cũng hay đãi đằng chúng. Ngày lùa dân đi sát hại, chúng đã giữ gia đình ông lại để còn có người phục vụ. Đảo Thổ Châu có một địa danh gọi là xóm dừa. Những vườn dừa thẳng tít tắp, nhiều cây cao cả chục mét, được trồng cách nay độ 40 năm. Nhưng hiện tại, tất cả 2.000 cư dân trên đảo, người định cư lâu nhất cũng chưa đến 20 năm! Người ta ngậm ngùi tự hỏi: Những chủ nhân xóm dừa xưa kia, "hồn giờ ở đâu"?
Khi bộ đội ra giải phóng Thổ Châu, biết tin hàng trăm bạn bè, hàng xóm đã bao năm gắn bó với mình nơi đảo xa đã bị sát hại, ông Chín Hải thẫn thờ như người mất trí. Ít tháng sau, ông lẳng lặng đưa vợ con rời đảo, tìm đến một phương trời xa mà không ai còn biết tới. Từ một hòn đảo đông đúc, lúc nào cũng nhộn nhịp tàu thuyền, Thổ Châu trở nên vắng lặng. Chắp nối những thông tin ít ỏi về cuộc thảm sát này, rồi tìm gặp những người làm công tác nghiên cứu lịch sử của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi được biết có khoảng 513 người dân Thổ Châu đã bị Khơme Đỏ đưa đi bức hại. Sau này, khi truy đuổi bọn diệt chủng qua tới hòn Ông, hòn Bà (thuộc Campuchia), có người đã tìm thấy chứng minh thư của nhiều người dân Thổ Châu đựng trong thùng đạn. Và họ cũng nghe kể rằng Khơme Đỏ đã giết hại dã man tất cả thường dân Việt Nam bằng cách, đàn ông thì bị chặt đầu, đàn bà thì bị dùng sắt nhọn đâm xuyên từ cửa mình lên bụng! Thổ Châu bây giờ không còn "xa ngái" nữa. Mỗi tuần có 2 chuyến tàu ra vào, làm "nhịp cầu" nối đảo với đất liền. Hàng hóa trên đảo bây giờ không thiếu thứ gì. Trường học, trạm y tế và mạng lưới liên lạc viễn thông cũng đã phủ đều khắp xã. Có một điều làm Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Nguyễn Hoàng Quân luôn day dứt: "Mấy năm trước, địa phương đã đề nghị dựng bia căm thù và chọn một ngày để làm lễ giỗ tập thể cho các nạn nhân của thảm họa diệt chủng, nhưng suốt mấy năm qua những đề xuất này vẫn còn nằm trên giấy..."
Hoàng Mai
=====================
Đêm qua tôi ngủ mơ thấy có người hỏi về sự mầu nhiệm của Chú Đại Bi tuy có rất đồng người nhưng tôi đã đưa tay giải thích cho họ biết.
Sáng nay thằng cháu tôi gọi bảo vào google search Đảo Thổ Châu để cho bố tôi đọc, vì bố tôi chính là ông Chín Hải đã được nhắc đến trong bài viết, chỉ có điều là nhiều cái không đúng với sự thật mà thôi.
Đúng là người biết thì thường không nói, còn người nói thì thường không biết, xưa nay vẫn vậy!
Ông "Tư Sỹ" là con của ông Ba Ngọc thoát được, người đến Thổ Châu trong thời gian Bố tôi dựng Thổ Châu thành xã. Thổ Châu là xã duy nhất làm việc trực tiếp với Tỉnh, không họp ở Quận.
Bố tôi tên là Huỳnh Trạng, sỡ dĩ tại Thổ Châu hay luôn cả tại Tỉnh Quận, hay các vị trong phủ TT ngày xưa chỉ được gọi bố tôi là Chín Hải chứ chưa ai gọi là Huỳnh Trạng. Sỡ dĩ như thế là vì Bố tôi ở Trường Xuân Bình Định. Người Trường Xuân Bình Định khi có con thì người ta chỉ gọi tên của đứa con đầu thay cho tên uý. Chị 2 tôi tên là Hải, cho nên mọi người gọi Bố tôi là ông Hải. Gia đình ông Cố tôi giàu cò bay thẳng cánh cho chạy ngay đuổi ra tới Quãng Ngãi, con cháu đông như vậy mà đến đời ông nội tôi vẫn còn giàu chỉ biết làm quan và ăn chơi không, chẳng biết làm gì khác. Nhưng đến đời Bố tôi, là thời Việt Minh, và cha mẹ chết sớm cục đất chọi chim cũng không có! Sau khi bố tôi chiếm cứ Thổ Châu để mở mang và dựng nghiệp trù phú thì trong giới quan quyền gọi Bố tôi là Robinson Cruiser Chúa Đảo Poulo Pangjang, còn trong giới bình dân thì gọi Bố tôi là Chín Hải, vì người miền Nam thích gọi theo thứ; Bố tôi thứ 9 phối hợp với tên của chị 2 tôi là Hải thành ra chết tên là Chín Hải.
Sau này khi vượt biên qua Thái Lan Bố tôi đã trở thành một vị THÁNH trong mắt mọi người có tên tuổi ở Songkhla Thái Lan vì đã ngang nhiên mở cửa tù của CS ở Đảo Thổ Châu và chở luôn 20 người đang bị ở tù, trong số đó là các ông và vợ con của các ông Quận Trưởng hay Phó Quận Trưởng, cùng các ông Quốc Gia Hành Chánh Quận đến Thái Lan miễn phí, chỉ vì tiện chuyến đi. Nhưng vấn đề này, nếu bố tôi bị bắt thì chỉ có nước mà chết. (Nói thì dễ, nhưng làm được chẳng phải là chuyện của người thường có thể làm, muốn làm, hay dám làm). Chính vì vậy mà khi Bố tôi lên Songkhla thì mọi người có máu mặt đều đến xin đụng cho được chút da chút thịt xem Bố tôi là người thường hay là người cõi trên! Từ đó còn có cái tên là Chín Trời Biển. Sau 7 ngày lên trại thì trên là Trại Trưởng và Phó Trại Trưởng, còn Bố tôi được bầu làm Trưởng Ban Công Vụ, ví như Thủ Tướng, toàn quyền sinh sát trong trại, sặp xếp mọi bề từ A tới Z. Nhưng đó là chuyện của ngày mùng 7 tháng giêng năm 1980.
Trở lại vấn đề trước 75 thì bạn bè của Bố tôi làm việc trong phủ TT hay các nhà chính khách hoặc các nhà có tiếng nói trong chính quyền sắp xếp ủi đường lộ xuyên núi và làm phi trường để chuẩn bị một tương lai cho bố tôi mua Đảo Thổ Châu để làm thành một vương quốc của chính mình. Nói chung Bố tôi chẳng cần phải làm gì tất cả đều có ban Tham Mưu lo và làm hết. Nhưng số Bố tôi không thể làm Vua, và tôi cũng không có số làm hoàng tử, nên sự việc đổ vỡ vào tháng 4 năm 1975. Sau ngày 10 tháng 5 1975, Bố tôi vào Kiên Giang để đưa các lính tráng đi đầu thú, cùng ngày ấy tàu Bố tôi chạy đi gặp tàu của bọn Khơme đỏ đến, nhưng không biết. May mắn là Bố tôi vắng nhà khi bọn Khơme chiếm đảo. Bởi trong bọn Việt Gian thì có tên Danh Thương là người Việt gốc Miên, là người có thể sẽ gây rất nhiều bất lợi cho Bố tôi, còn lại thì các người khác không ai ghét gia đình tôi. Gia đình chúng tôi không có ai biết một chữ tiếng Miên trước khi Khơme đỏ lên đảo, nên bài viết trên nói Bố tôi biết chút ít tiếng Miên là hoàn toàn sai trái.
Trong thời gian Miên đến đảo, có hai vị Đạo Sư, họ lập tức rời đảo và nói với Mẹ tôi, đa số người ở trên đảo sẽ chết hết, chỉ duy nhất nhà của tôi vì phúc đức lớn nên còn sống mà thôi. Cũng ngay thời gian này, lại có Thầy Mười ở bãi Dông cũng tự dưng đến nhà tôi ở, vì Thầy bảo rằng đêm ngủ thấy có người bảo hãy lập tức qua nhà tôi ở. Thế là trong lúc hoạn nạn Thầy và gia đình chúng tôi vào sinh ra tử. Thầy mười cũng tu theo Tịnh Độ nhưng để tóc theo dạng tu tiên, nên Thầy giống một vị tiên hơn là Thầy Chùa. Lúc trước khi tôi mới sinh được 10 ngày vì bị bệnh tưởng chết đến Dương Đông ở chùa của Thầy. Dương Đông là nơi tôi sinh ra, nhưng không lớn lên ở đó. Sau này vì nhân duyên đó mà Thầy đến ở cái Cốc Bố tôi dựng lên ở Thổ Châu dành riêng cho các vị Chân Tu đến ở, gia đình tôi đài thọ. Cũng nhờ Duyên đó mà lúc 9-10 tuổi, tôi bị nhức đầu đông cả năm trời, mỗi ngày vào 9-10 giờ sáng thì bị nhức đầu không sao chịu nổi. Thế mà thầy châm cứu chỉ một lần từ đó cho đến nay dứt hẳn. Thầy thường nói, hữu Duyên dù dùng nước lạnh cho uống cũng hết, đâu phải là tài giỏi gì đâu. Nên nhiều người trở thành đệ tử chân thành của Thầy do vợ con bị bệnh thầy chạy bác sĩ chê mà Thầy lại chữa được dễ dàng. Thầy đã 90 tuổi, hiện tại đang sống tại Dương Đồng và có một ngôi chùa tuy nhỏ nhưng rất hữu tình. Mỗi ngày Thầy vẫn lội núi hái thuốc! Ai có bện nan y, khi đi Dương Đông nên tìm Thầy Mười mà nhờ trị bệnh.
Cùng với mấy gia đình bên phía Mẹ tôi đến nhà tôi ở thì trong thời gian đó, có mấy gia đình nữa Việt Nam gốc Tàu mà lại ở Thái Lan, vì nghe VN giải phóng nên trên đường về VN cũng bị Miên bắt và đưa đến ở ngay trong nhà tôi, vì nhà tôi có một giang mở tiệm bi da, nên giờ này họ có thể dùng bàn bi da làm giường ngủ. Họ kể rằng trước khi họ lên đường đi xin quẻ Quan Công thì quẻ cho biết là rất xấu, nhưng may ở trong nhà của một gia đình đại phúc đức nên sẽ thoát khỏi cơn hoạn nạn và cuối cùng không sao. Tự dưng "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ", họ trở thành một phần tử của gia đình tôi lúc nào chẳng hay.
Thế rồi ngày 23 tháng 5 1975, ngày định mệnh của 600-700 người dân đảo Thổ Châu, và gia đình tôi cũng chẳng ngoại lệ, được đưa ra bãi chờ lên tàu Miên để đưa đi "cáp doòn". Trong thời gian chờ chết đó, Mẹ tôi mới bảo với tôi và hai chị, còn thằng em lúc đó mới 6 tháng tuổi rằng: "Chúng ta đến đây là hết rồi, không còn cách gì sống, mình và mọi người trên đảo sẽ phải chết, nhưng Má đọc trong Kinh Phổ Môn có đoạn nói rằng [dù đi trong chảo dầu biển lửa, nếu chí thành Niệm Quán Âm thì nhất định sẽ được thoát, cho nên các con hãy cùng Má chí thành niệm Danh Hiệu Quán Âm mới sống được mà thôi]". Vì gia đình chúng tôi, đêm nào cha mẹ và các con cũng cùng quây quần tụng kinh Phổ Môn, lâu dần thành quen, nên Đức Tin rất mạnh. Cá nhân tôi trong lúc thập tử nhất sinh, tôi nghĩ là chưa bao giờ trong đời tôi lại Niệm Danh Hiệu Quán Âm chí thành đến thế. Tôi niệm quên cả trời đất, quên cả mình đang sắp chết, nên cũng chẳng để ý mẹ tôi và các chị tôi chí thành đến đâu. Anh lớn tôi thì bận lung tung, chạy đôn chạy đáo, cho đến lúc phải cõng bà ngoại tôi để ra bãi chỗ chúng tôi ngồi thì đi giữa đường bà bịn hàng rào không chịu đi, bà lúc ấy đã 73 tuổi nhưng vẫn còn khoẻ, chỉ tội lưng hơi khòm mà thôi. Thế là cứ thế dùng dằn, người đi kẻ bịn, bỗng lúc ấy ông Tiểu Đoàn Trưởng Khơme đỏ đi ngang qua, đứng nhìn một hồi xong bảo, thôi gia đình này để lại đợt sau. Thế là mọi người trong nhà tôi đang lục tục đi ra, giờ lục tục kéo vô, và anh tôi ra bãi thông báo cho Mẹ và 4 anh em chúng tôi trở vào nhà. Vào trong nhà rồi tất cả mới hoàn hồn biết là mình vừa trở về Quỉ Môn Quan. Kinh khiếp nhất là những người ở gần đó biết nhà tôi được ở lại, họ ùa nhau vào gỏ cửa dậy trời, tiêng kêu gào than khóc, thật là thảm thiết, chẳng khác cảnh địa ngục. Còn bọn lính Khơme thì cần súc canh, ai đến gần là bị họ lôi kéo, đánh đập thật là một cảnh tượng hãi hùng. Chúng tôi ở trong nhìn ra với lòng thương xót, nhưng vô phương cứu giúp.
Thế rồi mọi người lên tàu đi, và gia đình tôi là gia đình VN còn sống duy nhất ở trên đảo với vài gia đình người Việt gốc Miên làm việc với Khơme mà thôi. Nhưng giờ đây vì đã đổi đời, đẳng cấp thay đổi, tự mình bị cô lập. Mỗi sáng tôi thức dậy nhìn thấy màu tang tóc suốt mười mấy ngày nay, riêng sau khi mọi người chết màu tang tóc càng nặng và lạnh, quả đúng là "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Cái cảnh tượng hãi hùng người về từ cõi chết hay người sống sau ngày Tận Thế nó rất khủng khiếp quý vị à. Tôi đã trãi qua cảnh Tận Thế rồi, nên giờ người ta nói chuyện ngày Tận Thế tôi chẳng có cảm giác gì.
Sau đó ngày 24 tháng 4 1975 Bố tôi từ Phú Quốc đưa CS Việt Nam ra Thổ Châu để lấy lại Thổ Châu. Bố tôi làm hướng đạo viên cho Trung Đoàn của Chỉ Huy Trưởng là ông "Tư Tâm". Nhưng khi Bố tôi làm Thuyết Khách để thuyết phục CS ra chiếm lại Thổ Châu là cả một huyền thoại, vì là một người Quốc Gia lại được CS cấp giấy tờ chứng minh thư là Đồng Chí Cán Bộ mới có thể làm được chuyện đội đá vá trời này. Những chuyện này không thể nói nhiều ở đây nhưng bố tôi có kể lại một chuyện trên tàu là lúc đó có nhiều Cán Bộ miền Bắc thì khi ăn món Khổ Qua dồn thịt thì có một anh lính trẻ Bắc Kỳ đã buộc miệng hỏi, "ở miền Nam sao có trái gì mà bên trong có thịt". Sau khi lấy lại Thổ Châu thì Bố tôi đi tù cãi tạo. Cũng vì chuyện làm Cán Bộ Gộc mà sau nay khi Bố tôi làm Trưởng Ban Công Vụ ở Thái Lan vì không ăn hối lộ, nên bị bọn người kia bôi nhọ, cho rằng bố tôi - Chín Hải, Chín Trời Biển, ngang hàng với Trương Như Tảng, Đoàn Văn Toại... Bố tôi buồn cho thế thái nhân tình, nhưng tôi khuyên Bố nên vui vì dù gì ở trong hàng Quốc Gia thì thuộc hạng ngon lành, ở hàng CS cũng ngang hàng với Trương Như Tảng và Đoàn Văn Toại chứ có phải vừa đâu. Cái số oai phong thì làm gì và ở đâu cũng oai phong.
Sáng ngày 25 tháng 4 CS đánh Miên đại gia đình của chúng tôi gồm 5-7 gia đình, lại tiếp tục réo gọi và hành xác Đức Quán Âm che chở, may thay một trái M72 nổ ngay bên kia tường bể cái nhà bếp, mái ngói văn tung toé, nhiều mảnh đạn li ti rớt trên mỏ ác thằng em 6 tháng của tôi óng ánh trong nắng, làm rướm máu. Lại lần nữa thoát chết. Cuối cùng toàn gia đình thoát chết!
Viết đến đây xin ghi ơn vị Tiểu Đoàn Trưởng Khơme, kiếp trước cứu người, nên kiếp này được người cứu. Xin ghi ơn các vị lính CS đã cứu sống gia đình tôi, kiếp trước cứu các vị, kiếp này được các vị cứu. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Chúng sinh vô lượng thệ nguyện độ, ngày đó sẽ ân đền nghĩa trả!
Phật Pháp mầu nhiệm hễ có cảm thì sẽ có ứng! Hãy làm đi rồi sẽ tự thấy.
Thiên Kỷ Quý
Thanked by 1 Member:
|
|
#2
Gửi vào 10/08/2011 - 06:51
Trích dẫn
Còn chuyện niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì bản thân tôi đã từng có kinh nghiệm trãi qua, linh ứng huyền diệu vô cùng!
#3
Gửi vào 10/08/2011 - 07:17
zer0, on 10/08/2011 - 06:51, said:
Còn chuyện niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì bản thân tôi đã từng có kinh nghiệm trãi qua, linh ứng huyền diệu vô cùng!
Kính chào bạn Zero,
Lẽ ra thì tôi không nói gì, nhưng vì đây là những suy nghĩ có thể gây Nghiệp Quả cho Zero nên tôi không ngại tốn chút Khẩu Nghiệp tâm tình cùng bạn Zero.
Các vị ấy biết đó là Nghiệp của họ làm sao mà cứu?
Lối suy nghĩ của bạn Zero khác nào Ngài Mục Kiền Liên khi 500 người thuộc dòng họ Thích Ca sắp bị thảm sát, Ngài xin Đức Phật giúp nhưng Ngài làm thinh. Do quá bức xúc Ngài Mục Kiền Liên đành thi triển thân thông, lấy chuông đồng bỏ 500 người vào trong ấy đem lên cung trời gửi. Khi can qua, Ngài Mục Kiên Liên đem chuông xuống nhưng lúc mở ra thì họ hộc máu chết hết. Khi đó đến hỏi Đức Phật và mới biết Nghiệp đã vậy, cứu sao được!
Thiên Kỷ Quý
Thanked by 1 Member:
|
|
#4
Gửi vào 10/08/2011 - 10:55
Trích dẫn
Như Cha Damien (Roman Catholic) biết rằng Phong Cùi là bệnh nan y, nguy hiểm mà vẫn tự nguyện đem cả cuộc đời, hy sinh tính mệnh của mình mà sống chung để được săn sóc, phục vụ những bệnh nhân để rồi sau 16 năm Cha chết cùng ho. Sau này được phong Thánh (Saint Damien of Molokai). Nếu Father Damien cho rằng đó là do Nghiệp của những bệnh nhân đó hãy để họ chết (để trả Nghiệp) thì chắc chắn Cha sẽ muôn đời không bao giò được phong Thánh
"Father Damien or Saint Damien of Molokai, SS.CC. (Dutch: Pater Damiaan or Heilige Damiaan van Molokai; January 3, 1840 – April 15, 1889), born Jozef De Veuster, was a Roman Catholic priest from Belgium and member of the Congregation of the Sacred Hearts of Jesus and Mary,[1] a missionary religious order. He won recognition for his ministry to people with leprosy (also known as Hansen's disease), who had been placed under a government-sanctioned medical quarantine on the island of Molokaʻi in the Kingdom of Hawaiʻi.[2]
After sixteen years caring for the physical, spiritual, and emotional needs of those in the leper colony, he eventually contracted and died of the disease, and is widely considered a "martyr of charity". He is the ninth person recognized as a saint by the Catholic Church to have lived, worked, and died in what is now the United States."
Nguồn: Wikipedia
#5
Gửi vào 10/08/2011 - 11:32
LÍNH CỦA MM MƯỢN GHE CỦA CHÚA ĐẢO , BUỘC MỘT TRÁI MÌN CLAYMORE VÀO TRÁI ĐẠN SÚNG CỐI 81LY , DÒNG DÂY THẢ SÂU XUỐNG NƯỚC RỒI DE LÙI GHE RA XA RỒI BẤM GIÂY KÍCH NỔ , MỖI LẦN NHƯ THẾ THÌ CÁ BỊ SỨC ÉP NỔI TRẮNG MẮT NƯỚC THA HỒ MÀ BẮT , MM NHỚ ĐỜI VÌ LẦN ẤY CỘT NƯỚC HẤT TUNG GHE TƯỞNG CHẾT CẢ LŨ RỒI .
#6
Gửi vào 10/08/2011 - 13:56
Gia Cát Lạc
#7
Gửi vào 10/08/2011 - 21:31
minhminh, on 10/08/2011 - 11:32, said:
LÍNH CỦA MM MƯỢN GHE CỦA CHÚA ĐẢO , BUỘC MỘT TRÁI MÌN CLAYMORE VÀO TRÁI ĐẠN SÚNG CỐI 81LY , DÒNG DÂY THẢ SÂU XUỐNG NƯỚC RỒI DE LÙI GHE RA XA RỒI BẤM GIÂY KÍCH NỔ , MỖI LẦN NHƯ THẾ THÌ CÁ BỊ SỨC ÉP NỔI TRẮNG MẮT NƯỚC THA HỒ MÀ BẮT , MM NHỚ ĐỜI VÌ LẦN ẤY CỘT NƯỚC HẤT TUNG GHE TƯỞNG CHẾT CẢ LŨ RỒI .
Hello anh Minhminh,
Quả nhiên là trái đất tròn và rất nhỏ.
Anh MM nói phải, thời đó những người dân trẻ tuổi hay các anh lính thì thường gọi Bố tôi là chú Chín hay ông Chín. Họ tránh gọi Chín Hải khi đối mặt.
Xin hỏi anh MM, anh đã từng đi đây đó, có bao giờ thấy nơi nào phong cảnh hữu tình và đẹp như Thổ Châu không?
Thổ Châu nước trong xanh biếc, mấy chục thước nước mà nhìn vẫn thấy đáy cát trắng như tuyết. Anh đi khắp cả, có thấy nơi nào bãi cát trắng như thế đâu.
Anh đã đến Thổ Châu nếu đúng mùa thì anh sẽ được đi hòn Nhàn để lượm trứng nhàn, còn cây trái thiên nhiên thì quanh năm 4 mùa lên núi đều có đủ thứ trái cây để ăn. Nếu muốn săn các loài chim thì lên hòn Cao Cát... Đặc biệt nhất la món trứng cá thiều của Thổ Châu nếu anh chưa ăn thì thật là tiếc. Nói chung với thuỷ thổ sản thôi thì Thổ Châu cũng xứng đáng với cái tên của nó, nên bắt đầu từ năm 1972 thì mỗi năm chiến hạm 01 thường chở các du khách du lịch Thổ châu.
Trong số bạn bè Thân của Bố tôi có bác Nguyễn Thành Nhơn (Giáo Sư - Hội Săn Bắn Cá và Thể Thao Thẩm Mỹ), và bác Thảnh là Tiến Sĩ Nguyễn Văn Thảnh chủ hãng kem đánh răng "bec long"... Bác Đỗ Kiểm, Trần Văn Ân, Phan Quang Đán... Bác Nhơn hiện tại đang sống ở Houston, khi gặp lại biết gia đình tôi còn sống nước mắt lưng tròng. Bác Thảnh thì thường đến nhà tôi ở chơi hàng vài tháng, sau 75 bác ra Thổ Châu và vượt biên bằng một cái thúng chai, luôn cả anh Thức con bác và bác từ đó đến nay vẫn mất tin tức. Tại Houston thì có bác Nhan Minh Trang Tỉnh Trưởng Kiên Giang và chú Dương Văn Trổ Tỉnh Trưởng Kiêng Giang, chẳng hiểu vì sao ở Houston dân Rạch Giá lại tụ hội về rất đông, nên hội Kiên Giang ở Houston rất mạnh.
À, và nếu anh MM ra Thổ Châu vì nhà binh thì chắc biết bác Đỗ Kiểm chứ.
Thế thì anh MM và TKQ không những có Duyên trên TVLS mà còn có Duyên với Thổ Châu nữa.
Thiên Kỷ Quý
Thanked by 1 Member:
|
|
#8
Gửi vào 10/08/2011 - 21:45
#9
Gửi vào 10/08/2011 - 21:59
zer0, on 10/08/2011 - 10:55, said:
Như Cha Damien (Roman Catholic) biết rằng Phong Cùi là bệnh nan y, nguy hiểm mà vẫn tự nguyện đem cả cuộc đời, hy sinh tính mệnh của mình mà sống chung để được săn sóc, phục vụ những bệnh nhân để rồi sau 16 năm Cha chết cùng ho. Sau này được phong Thánh (Saint Damien of Molokai). Nếu Father Damien cho rằng đó là do Nghiệp của những bệnh nhân đó hãy để họ chết (để trả Nghiệp) thì chắc chắn Cha sẽ muôn đời không bao giò được phong Thánh
"Father Damien or Saint Damien of Molokai, SS.CC. (Dutch: Pater Damiaan or Heilige Damiaan van Molokai; January 3, 1840 – April 15, 1889), born Jozef De Veuster, was a Roman Catholic priest from Belgium and member of the Congregation of the Sacred Hearts of Jesus and Mary,[1] a missionary religious order. He won recognition for his ministry to people with leprosy (also known as Hansen's disease), who had been placed under a government-sanctioned medical quarantine on the island of Molokaʻi in the Kingdom of Hawaiʻi.[2]
After sixteen years caring for the physical, spiritual, and emotional needs of those in the leper colony, he eventually contracted and died of the disease, and is widely considered a "martyr of charity". He is the ninth person recognized as a saint by the Catholic Church to have lived, worked, and died in what is now the United States."
Nguồn: Wikipedia
Vấn đề bạn Zero nói về Cha Đa Miên thì quả nhiên là rất tốt. Đó là Hạnh Nguyện của Cha Đa Miên.
Mỗi người một Hạnh Nguyện, mỗi người một bổn phận. Sao lại bắt Bác Sĩ phải sửa xe hay làm một người thợ máy ta.
Như Đức Phật 3 lần cứu dòng họ mà chẳng được, đến khi cháu Ngài đem quân đến giết không cứu 500 thân bằng quyến thuộc thì phải chịu chết chung mới là Đức Phật hay sao?
Ví như Thiền thì phải ngồi thẳng lưng, nhưng người Gù thì phải làm sao Zero?
Nói thì nói vậy, nhưng nếu Zero vẫn nghĩ là mình đúng thì tôi cũng đành xin đồng tình vậy, vì việc nhỏ thế này giúp còn không được, việc sống chết của mỗi người giúp thế nào được!
Thiên Kỷ Quý
#10
Gửi vào 10/08/2011 - 22:01
CHO ĐẾN BÂY GIỜ MỖI LẦN VỀ VN , MM VẪN PHẢI RA PHÚ QUỐC 4 NGÀY ., NHƯNG KHÔNG BIẾT CHÁN , THỔ CHÂU THÌ CHƯA BIẾT CHẮC SẼ CÓ DỊP , CẢNH CŨ CON ĐÂY NHƯNG NGƯỜI XƯA ĐÂU TÁ ?
#11
Gửi vào 11/08/2011 - 04:49
CŨNG LẠ THẬT MỘT CTUBND KHONG CÓ QUYỀN HAY KHÔNG DÁM LÀM MỘT CÔNG VIỆC TƯỞNG NIỆM NHỮNG NGƯỜI DÂN TRÊN ĐẢO CỦA MÌNH BỊ THẢM NẠN SAO ? TẠI SAO PHẢI XIN PHÉP , NẾU ÔNG CỨ LÀM THÌ SAO , HAY ÔNG KHÔNG QUYẾT TÂM ĐỂ LÀM , HAY CẢ CHÍNH ÔNG VÀ NHỮNG NGƯỜI SỐNG TRÊN ĐẢO BÂY GIỜ SỐNG THEO TINH THẦN < KHÔNG LIÊN HỆ GÌ TỚI QUÁ KHỨ > KHÔNG BIẾT ĐẾN NHỮNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC LÀ AI , CÓ CÔNG KHAI PHÁ NHƯ THẾ NÀO ?!!! CHUYỆN MỘT NGÀY GIỖ LÀ CHUYỆN CỦA ĐỊA PHƯƠNG CÓ THỂ TỰ LÀM CAN GÌ TỚI TRUNG ƯƠNG , CHẮC TẠI SỐNG TINH THẦN LỆ THUỘC ĐÃ THÂM VÀO MÁU RỒI .
#12
Gửi vào 11/08/2011 - 09:25
Thienkyquy, on 10/08/2011 - 06:22, said:
Xin lỗi tôi viết nhầm, Chỉ Huy Trưởng là ông "Tư Đô", ông "Tư Tâm" ở Rạch Giá không hề ra trận đó.
Vấn đề làm lễ Giỗ Tập Thể cũng có thể là vì muốn quy mô phải có kinh phí của Trung Ương mới có thể làm dài hạn chăng.
Có một điều lạ là ở Thổ Châu ngày xưa những anh lính nào mới ra cũng bảo chẳng tin và chẳng sợ ma, nhưng người nào ở đó vài tháng thì tự động biết giữ mồm giữ mép và biết cúng kiếng cả, 10 người như 1. Bởi nếu không như vậy thì lên rừng rồi chẳng biết đường về, nửa đêm giật mình thì thấy mình đang ngủ dưới đất, hoặc thâu đêm bị thổi lỗ tai, hoặc bị đuổi không cho ngủ! Đó là tự họ kể, nhưng người dân kỳ cựu thì lại hiếm khi nghe nói bị nhác ma.
Sau này từ năm 1976-1979 chúng tôi thường ra Thổ Châu để nghỉ Hè và đó là thời gian súng sướng nhất. Tôi vì đánh bóng bàn khá, cả tiểu đoàn chỉ có một người là đối thủ của tôi, nên đi đâu cũng được ưu đãi, các anh lính CS lúc nào cũng vui mừng được tôi đến đại đội của họ để chơi. Còn khi tôi và người vô địch của tiểu đoàn đấu thì họ làm như thi tuyển vậy vui lắm, có lúc anh thắng tôi, có lúc tôi thắng anh ấy, bất phân thắng bại. Vì là thời bình nên các anh lính cũng chẳng có gì làm nhiều nên lúc nào tôi đến cũng có người chơi, rất hiếm khi bị thất nghiệp. Vì vậy chơi lâu thì có cảm tình, nên rồi cũng được nghe kể những chuyện rùng rợn như các anh lính Quốc gia chẳng khác, và anh nào cũng biết giữ mồm giữ mép.
Trên đảo Thổ Châu thì dừa rất nhiều, nhưng có thể nói 70-80% là của Bố tôi. Ở bãi Mun thì Bố tôi trồng một vườn dừa thẳng từ đầu bãi đến cuối bãi thành nhiều hàng thẳng tắp, nhưng trọn bãi này đã bị Bộ Đội chiếm đóng nên gia đình chúng tôi cúng dường trọn bãi. Còn lại bên bãi Ngự thì vòng quanh nhà tính tổng cộng được 40 cây, nhưng nói chung lúc bấy giờ chỉ cao khoảng 2 đến 3 thước thôi, thích thì leo, không thích thì có thể dùng cây hay phiều móc ngắn là móc được. Nhưng dừa thì sai trái không thể tả, mỗi cây lúc nào cũng 4-5 buồng, mà mỗi buồng cũng phải 10 hoặc hơn, cho nên mỗi ngày phải đi canh cho đúng nạo uống và ăn nó mới ngon, nên mỗi ngày cứ xoay quanh các gốc dừa cũng rất là mệt, vì đâu có tài nào mà ăn hay uống cho hết kịp. Những thời gian không đi chơi bóng bàn. Thành ra Chúng tôi uống nước dừa thay nước mưa, lâu lâu lấy nước dừa tươi nấu cơm ăn, hoặc dùng dừa khô kho cá mặn ăn cũng tuyệt lắm. Lựa dừa uống, chọn cây để uống cũng đều là cả một nghệ thuật. Không hiểu vì sao phía sau nhà Bố tôi lại trồng hai cây dừa Xim lửa lai, nước nó ngọt mà lại the và có ga, ôi chỉ cần bỏ thêm một tí múi bọt thì hết chỗ chê. Tôi chưa uống chỗ nào có loại dừa đó, nên sau này nó trở thành hai cây dừa chúng tôi uống nhiều nhất.
Viết đến đây thì tôi chợt nhớ đến năm Mậu Ngọ (1978) vì cứ bị mất dừa dần nên chúng tôi đêm đêm đi rình bắt trộm thấy vui quá, nên buồn ngủ trổm mắt mà vẫn ráng thức. Cuối cùng lấy được một đôi dép râu nhưng rồi cũng chẳng làm gì nhau, tuổi trẻ chỉ thích được kích động vậy thôi. Bây giờ nghĩ lại thấy rất là tội lỗi và hối hận.
Chẳng hiểu Bố tôi ở tù ra, dùng phù phép gì mà các anh Chánh Trị Viên Tiểu Đoàn, Phó Tiểu Đoàn Trưởng, Quân Nhu Trưởng, Quân Nhu Phó đến nhà tôi chơi thoải mái như nhà người thân. Nhiều anh ở đại đội đóng gần nhà có chút bản lãnh, hay quyền hạn thì cũng đến chơi, như những anh kia, lắm lúc gặp bữa họ cũng ăn cơm, và chơi đến 9-10 giờ đêm mới về. Hình như họ không có nghi kỵ gì gia đình tôi và đã lây tính của miền Nam nhiều lắm rồi. Cứ theo cách hành xử và giao thiệp cũng như nói chuyện thì các anh này đều là dân trí thức ở miền Bắc. Còn Công Ty Ngoại Thương ở Phú Quốc và Kiên Giang thì vì theo học cách chăn nuôi đồi mồi của Bố tôi nên thời đó người ta mua đồ quốc doanh khó khăn vô cùng, mua vải chỉ được nửa thước, còn Bố tôi thì các đồ quốc cấm mua tấn nó tấn kia, tha hồ mà bán chợ đen. Tàu bè người ta kiếm một chiếc đi vượt biên không ra, riêng Bố tôi ra Phú Quốc là "Đồng Chí" mà nên mua tàu thoải mái thích chiếc nào chọn chiếc đó, mỗi chiếc mua chừng hai triệu hoặc 4 triệu vì mua tàu quốc doanh nhưng bán ra cho vượt biên thì vài trăm cây vàng. Họ còn nói thẳng rằng, "Khi nào Chín Hải còn mùa tàu thì còn bán, đến khi nào đi vượt biên thì thôi. Người như Chín Hải ai mà giữ lại được". Thật tình là dưới thời CS Bố tôi làm giàu con nhanh hơn so với thời Quốc Gia. Sỡ dĩ như vậy là vì Bố tôi bảo đã từng sống dưới thời Pháp, Việt Minh, Nhật, Quốc Gia, CS, nên lúc giao thời là lúc dễ làm giàu nhất nếu mình biết người dân lúc ấy cần cái gì, và cái gì hiếm. Đên nay tôi vẫn còn phục cái tài "an bang tế thế" của Bố tôi. Thật tình nếu Bố tôi không đi vượt biên với chúng tôi mà vẫn cứ ở VN thì giờ đây gửi tiền chúng tôi xài khó mà hết được. Đem chi qua Thái Lan bị cảnh sát Thái Lan trấn lột nên cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ hehehe.
Nhớ đến ngày vượt biên, bố tôi chuẩn bị khoảng 10 thùng 20 lít nước mưa, và một thùng phi nước mưa. 50 trái dừa khô để sẵn dưới hầm tàu chỗ phía trước khồng cần dùng, để cần quá thì uống, chìm tàu thì mỗi người một trái ôm bơi cũng có thể sống được. Láp thì hai cái, la bàn hai cái, bánh lái hai cái, hộp số... 1 tấn gạo thơm, và một cái bườm cùng cột bườm. Anh tôi là thợ máy, học trò Kỷ Sư Dẫu, nói chung Bố tôi tính trước cho dù máy hư thì cũng dư phụ tùng để làm thành cái máy mới, nếu như đến lúc bế tắc thì ít ra vẫn có bườm để đi đến Thái Lan. Bố tôi từ miền Trung đi ghe bườm vào Nam nên dùng bườm thì chuyên nghiệp. Với sự chuẩn bị như vậy, thì cho dù bị gì chăng nữa, với 46 người trên tàu cũng vẫn có thể sống được thoải mái hơn 1 tháng. Đi vượt biên mà cứ như là đi du lịch. Lại gặp lúc 29 Tết nên bánh mức đầy tàu, đốt pháo và ăn Tết trên biển cả.
Khi chúng tôi chạy được chừng nửa ngày thì bị Thái Lan dí. Phải nói tàu Thái Lan chạy nhanh thật! Tàu tôi là loại tàu Nha Trang ván dày mấy phân và rất tốt, chắc như tàu chiến, lại là chiếc tàu dành riêng cho gia đình vượt biên, nên nó như là một nàng công chúa chuẩn bị về nhà chồng. Vậy mà họ theo kịp dễ dàng, theo gần 12 tiếng đồng hồ họ mới dám xáp đến gần, nhưng họ nào ngờ khi đến gần thì tàu tôi súng ak thì 2-3 cây, đạn thì cả thùng, lưu dạn thì 5-7 trái, nên đã khiến chúng một trận kinh hoàng. Lắm lúc chúng định đâm thẳng vào thuyền tôi cho chìm, nhưng khi chúng bị nẻ thẳng vào cabin chúng mới hết hồn mà thối lui rồi kêu thêm mấy chiếc nữa, và theo cho đến tận Songkhla, nhưng tất cả đều chẳng dám đến gần hơn 100 thước.
Vì biết Bố tôi chuẩn bị như thế nên ông Lâm Văn Nhung ở Hà Tiền, là người giàu nức tiếng, xách mấy bao gạo 100 Kg đựng vàng thỏi - mỗi thỏi một Kg, và mấy lon hột xoàn đưa bố tôi xem và bảo nếu chỉ gia đình tôi đi và gia đình ông ấy thì mỗi người một nửa. Thế mà Bố tôi chọn chỡ 26 người đang ở tù, người ta không phục sao được!
Dĩ vãng thật là khủng khiếp, không nhắc đến thì thôi, nhắc lại như sóng ba đào cuồn cuộn không thể dừng, khác nào Nghiệp Lực của chúng ta. Đã 30 mấy gần 40 năm mà viết lại cứ như là mới hôm nào. Thật là đáng sợ! Nên chi vợ chồng chuyện tốt đã qua thì nên nhắc hoài, còn chuyện xấu thì đừng nhớ, nếu không chắc chết!
Thiên Kỷ Quý
Thanked by 2 Members:
|
|
#13
Gửi vào 12/08/2011 - 22:57
Thienkyquy, on 11/08/2011 - 09:25, said:
Dĩ vãng thật là khủng khiếp, không nhắc đến thì thôi, nhắc lại như sóng ba đào cuồn cuộn không thể dừng, khác nào Nghiệp Lực của chúng ta. Đã 30 mấy gần 40 năm mà viết lại cứ như là mới hôm nào. Thật là đáng sợ! Nên chi vợ chồng chuyện tốt đã qua thì nên nhắc hoài, còn chuyện xấu thì đừng nhớ, nếu không chắc chết!
Thiên Kỷ Quý
Không nhắc lại thì làm sao có "Sự thật của sự thật của lich sử" để con cháu và các thế hệ mai sau biết được sự thật lịch sử và học được những kinh nghiệm quí báu của lịch sử. Nếu lịch sử không được nhắc lại đúng sự thật thì con cháu chúng ta sống trong một lịch sử vẻ của tuyên truyền và lừa bịp. Hậu quả của lịch sử đảo điên dối trá ảnh hưởng vào xã hội, văn hoá đất nước ra sao thì hảy nhìn những gì đang diển ra trước mắt trong xã hội đó thì sẽ rõ cho nên nhắc hay không nhắc không phải là nguyên nhân tạo ra nghiệp lực nổi lên như ba đào mà chính cái tâm của ta khi nhắc lại và hành xử như thế nào với kinh nghiệm lịch sử, chính cái tâm đó mới tạo ra thiện quả hay ác quả.
Sửa bởi daicoviet: 12/08/2011 - 23:01
Similar Topics
Chủ Đề | Name | Viết bởi | Thống kê | Bài Cuối |
---|
1 người đang đọc chủ đề này
0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn
Liên kết nhanh
Coi Tử Vi | Coi Tử Bình - Tứ Trụ | Coi Bát Tự Hà Lạc | Coi Địa Lý Phong Thủy | Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh | Coi Nhân Tướng Mệnh | Nhờ Coi Quẻ | Nhờ Coi Ngày |
Bảo Trợ & Hoạt Động | Thông Báo | Báo Tin | Liên Lạc Ban Điều Hành | Góp Ý |
Ghi Danh Học | Lớp Học Tử Vi Đẩu Số | Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý | Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Sách Dịch Lý | Sách Tử Vi | Sách Tướng Học | Sách Phong Thuỷ | Sách Tam Thức | Sách Tử Bình - Bát Tự | Sách Huyền Thuật |
Linh Tinh | Gặp Gỡ - Giao Lưu | Giải Trí | Vườn Thơ | Vài Dòng Tản Mạn... | Nguồn Sống Tươi Đẹp | Trưng bày - Giới thiệu |
Trình ứng dụng hỗ trợ:












