Jump to content

Advertisements




Sự thật về Chú Hỏa và 30.000 ngôi nhà ở Sài Gòn

Tuoi tre TTO Hui Bon Hoa

9 replies to this topic

#1 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1785 thanks

Gửi vào 26/01/2016 - 23:33



TTO - Người Sài Gòn xưa thường nói “Đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa” để chỉ hai nhân vật nổi tiếng: Chú Hỷ - “vua tàu thuyền” - có tàu chạy Lục tỉnh và Chú Hỏa - “vua nhà đất” - với gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Tấm ảnh hiếm hoi còn để lại của Chú Hỏa - Ảnh tư liệu
"Chú Hỏa" (1845-1901) - theo cách gọi phổ biến - thành lập Công ty Hui Bon Hoa và các con, cực thịnh vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố Sài Gòn.

Bởi vì không chỉ xây các dinh thự hoành tráng cho gia đình mình, Chú Hỏa còn xây những dãy phố, cùng hàng loạt công trình dân dụng dành cho cộng đồng như bệnh viện, chùa chiền, trường học…

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng ở góc đường Lê Công Kiều - Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.H.C.M) hiện vẫn còn nhiều nhà khá nguyên vẹn - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng ở góc đường Võ Văn Kiệt - Phó Đức Chính (Q.1, TP.H.C.M) hiện vẫn còn nhiều nhà khá nguyên vẹn - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Dãy nhà phố một trệt một lầu đối diện Công viên Quách Thị Trang (trái ảnh) thời thuộc Pháp, phía sau ga xe buýt hiện nay do dòng họ Hui Bon hoa xây dựng (hiện đã bị giải tỏa, phá dỡ) - Ảnh tư liệu
Kinh doanh thành công như vậy, giàu có như vậy, Chú Hỏa đã làm thế nào để từ “nước lã mà khuất nên hồ” như vậy?

Vô số giai thoại về cách làm giàu của Chú Hỏa

Câu chuyện quen thuộc nhất khi nói chuyện về những bước khởi nghiệp của Chú Hỏa khi mới từ Trung Quốc đến Sài Gòn lập nghiệp chính là chỉ từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai, Chú Hỏa đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy khiến cho người đời sau luôn nhắc nhở.

Rất nhiều người kể rằng có xuất thân nghèo khổ, Chú Hỏa từng kiếm sống bằng nghề buôn bán phế liệu, trong một lần thu mua ve chai, Chú Hỏa nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ. Người khác nói rằng Chú Hỏa đã mua được bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng.

Người ta còn truyền miệng cho nhau rằng cuộc đời Chú Hỏa thay đổi khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Chú Hỏa đã mua lại số hàng này, và nhờ vào kinh nghiệm nhiều năm buôn phế liệu, ông đã phân loại thành công được vàng từ những máy truyền tin tưởng chừng vô giá trị.

Còn theo một số người khác, khi lê la hầu như khắp Sài Gòn - Chợ Lớn để thu mua những thứ bỏ đi của thiên hạ, Chú Hỏa đã mua trúng đồ cổ, nhờ thạo chữ Hán nên biết trong đám đồ người ta vứt ra có đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, thậm chí từ đời Hán. Do đó, từ nghề mua ve chai này, ông tạo lập được gia sản đầu tiên khi mua rẻ, bán đắt những món đồ cổ từ thời xa xưa.

Nhiều người đã tỏ ra rành rẽ hơn, kể rằng lúc đầu Chú Hỏa sống với nghề mua bán "lạc xoong", mua đồ cũ để chế biến và bán lại. Sau khi tạo được một số vốn, Chú Hỏa đã hùn hạp với một người Pháp thầu khuếch trương các tiệm cầm đồ trong Nam kỳ và mua đất cất nhà bán hoặc cho thuê...

Sau khi rã hùn, Chú Hỏa đã được chia một số tiền lớn, làm chủ các sản nghiệp đất cát khắp miền Lục tỉnh, nhiều nhất là ở Sài Gòn, Chợ Lớn...

Ảnh hưởng niềm tin tâm linh khá phổ biến trong giới người Hoa xưa nay, một giai thoại nữa cho rằng Chú Hỏa rất rành về phong thủy nên đã an táng mộ cha của ông đúng long mạch, cho nên nhờ vậy mà làm ăn trở nên phát đạt nhanh chóng.

Số người khác cho rằng Chú Hỏa vốn dòng dõi nhà Minh, do ly loạn nên tạm chôn giấu của cải để lánh thân, về sau Chú Hỏa trở lại quê nhà ở Trung Quốc, đào số của cải gia bảo ấy lên, mang sang Việt Nam làm vốn hùn hạp làm ăn với người Pháp rồi dần dà phát đạt.

Các giai thoại trên đều mang tính chất mơ hồ nhưng hầu như giai thoại nào cũng đề cập đến sự cần mẫn làm ăn, chịu khó, biết sử dụng lợi thế của bản thân mình trong quá trình kinh doanh, biết tích lũy vốn và khuếch trương công việc làm ăn ngày càng to lớn.

Trong suốt quá trình kinh doanh, Chú Hỏa còn luôn biết chia sẻ với cộng đồng cũng như giới cầm quyền đương thời qua việc hiến tặng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội mà chức năng vẫn tồn tại đến tận ngày nay, như: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)…

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Từ Dũ) xây dựng trên miếng đất do dòng họ Hui Bon Hoa tặng và xây dựng; diện tích 19.123m2 trên đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh, Q.1, TP. H.C.M). Kiến trúc tòa nhà hiện vẫn khá nguyên vẹn sau 79 năm (1937-2016). Con đường phía trước hiện nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, hàng cây nhỏ trên đường giờ đã thành cổ thụ - Ảnh tư liệu

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chùa Phụng Sơn trên đường Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP.H.C.M) do dòng họ Hui Bon Hoa phụng cúng - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Khách sạn Majestic do dòng họ Hui bon Hoa xây dựng và tặng TP Sài Gòn thời thuộc Pháp - Ảnh tư liệu
Con cháu Chú Hỏa kể chuyện làm giàu của cha ông

Bài viết “Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa” của tác giả Chen Bickun với những tư liệu được cung cấp từ dòng dõi của Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cho biết về sự thật con đường làm giàu của Chú Hỏa như một chuyện cổ tích.
“Tuy làm giàu cho họ đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thạnh vượng kinh tế miền Nam” - Vương Hồng Sển - Sài Gòn Năm Xưa, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1969)
Nguyên lúc mới sang Việt Nam, Chú Hỏa đã làm việc với một chủ người Pháp. Tính siêng năng và tốt bụng của Chú Hỏa đã khiến cho ông chủ Pháp thương và giúp vốn để Chú Hỏa mở tiệm cầm đồ để khởi nghiệp kinh doanh.

Tiệm cầm đồ đầu tiên của Chú Hỏa là căn nhà nằm ở góc đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình ngày nay, còn văn phòng làm việc cho ông chủ người Pháp của ông ở trước cửa tiệm bên kia đường, trên một khu đất vẫn còn trống.

Chính khu đất trống này Chú Hỏa đã mua và xây ba căn sát nhau trên đường Phó Đức Chính, mỗi căn dành cho một người con trai.

Căn giữa đặt bàn thờ tổ tiên, Chú Hỏa giao cho người con trai lớn, còn hai căn nhà hai bên giao cho hai đứa con trai còn lại.

Ba căn nhà này về sau đã được các người con của Chú Hỏa xây dựng lại trở thành ba tòa nhà nguy nga, được dân gian xưa nay vẫn gọi là nhà Chú Hỏa, nay cả ba tòa nhà này đều được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật (97 Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.H.C.M).

Mở tiệm cầm đồ một thời gian, tích lũy được một số tiền, Chú Hỏa đổ vào ngành bất động sản bằng cách mua trước những khu đất sắp quy hoạch, chẳng hạn như ông đã mua toàn bộ vùng đất gần tiệm cầm đồ của mình vốn là vũng lầy bao quanh địa điểm mà người Pháp dự định xây chợ Bến Thành mới (tức chợ Bến Thành ngày nay).

Để thuận lợi cho việc kinh doanh, Chú Hỏa đổi tên thành Jean Baptiste Hui Bon Hoa khi trở nên giàu có.

Thành lập Công ty bất động sản Hui Bon Hoa sở hữu gần 30.000 căn nhà ở Sài Gòn (có tư liệu cho là 22.000 căn nhà). Các công trình nhà ở này đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ mặt thành phố Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 19.

Với Công ty Hui Bon Hoa, Chú Hỏa nổi tiếng về sự giàu có ở Đông Dương khiến nhà cầm quyền Pháp phải kính nể.

Chú Hỏa tên Huỳnh Văn Hoa chứ không phải Hứa Bổn Hòa

Năm 1960, Vương Hồng Sển viết trong "Sài Gòn năm xưa" về Chú Hỏa: “Hui Bon Hoa, tục danh “Chú Hỏa”, mặc dầu về sau danh vọng lớn, địa vị cao, cũng không ai gọi “Ông Hỏa” bao giờ. Sớm nhập tịch Pháp nên ký âm theo Pháp ngữ làm vậy rồi gọi như vậy cho đến đời đời, không rõ theo Hán tự hà danh hà tánh?”. Nói khác đi, vào năm 1960, Vương Hồng Sển vẫn chưa rõ họ tên thật của Chú Hỏa.

Nhiều tài liệu cho rằng tên của Chú Hỏa - Hui Bon Hoa là Hứa Bổn Hòa. Có tài liệu còn khẳng định rằng: “Hiện nay, tại tòa nhà tiêu biểu của “Chú Hỏa” - nơi đang là Bảo tàng Mỹ thuật TP.H.C.M (số 97 Phó Đức Chính), ở tấm biển inox ghi lược sử tòa nhà đặt trang trọng ngay lối đi bên trái cửa chính viết: “Hui Bon Hoa tên thật là Hứa Bổn Hòa”.

Tháng 7-2006, những thành viên trong dòng họ Hui Bon Hoa từ Pháp về Việt Nam, ghé thăm nhà Chú Hỏa, ngôi nhà lừng lẫy của dòng họ này là Bảo tàng Mỹ thuật TP.H.C.M. Một thành viên trong đoàn tên Eddie Hui-Bon-Hoa (đã theo gia đình sang Pháp khi còn trong bụng mẹ) đã hé lộ tên họ thật và phần nào cuộc đời Chú Hỏa.

Gần đây hơn, năm 2014, trên trang blog “Tây Cống cố sự quán” (Căn nhà ghi chuyện cũ ở Sài Gòn), tác giả Chen Bickun công bố bài viết bằng tiếng Anh: “The True Story of Hui Bon Hoa and “Uncle Hoa’s Mansion” (Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa) dựa vào tư liệu do chính dòng họ Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cung cấp.

Theo đó, Chú Hỏa (1845-1901) tên thật là Huỳnh Văn Hoa (Huáng Wéng Húa,黄文華), vốn người làng Văn Tang, thuộc Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phước Kiến, nay thuộc khu vực Hạ Môn, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc.

Ông sang VN khoảng năm 1863. Sở dĩ Chú Hỏa được gọi với tên là Hui Bon Hoa vì khi nhập quốc tịch Pháp, ông vốn là tín đồ đạo Công giáo nên đã lấy tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Trong đó, Hui Bon Hoa chính là tên Huỳnh Văn Hoa của ông được ký âm theo phương ngữ Phước Kiến.

(Về sau, các con cháu của ông đều mang họ Hui Bon Hoa nhưng chỉ khác tên Pháp đứng đầu).

Năm 1901, Chú Hỏa về thăm Trung Quốc, nhưng ông đã đột ngột qua đời và được chôn cất ngay tại quê hương, hưởng dương 56 tuổi.

Như vậy, Hui Bon Hoa là cách phiên âm từ tên gốc Hán theo âm Hạ Môn (Trung Quốc) có ảnh hưởng bởi cách phiên âm của người Anh vào cuối thế kỷ 19.

Còn Hứa Bổn Hòa có lẽ là cách đoán... mò của một số người khi thấy chữ Hui Bon Hoa mà không thấy mặt chữ Hán.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 2 Members:

#2 Ngu Yên

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3291 Bài viết:
  • 7739 thanks

Gửi vào 27/01/2016 - 01:46

cách đây khoảng 15/20 năm tôi cũng đã có dịp nói chuyện với một ông cụ khoảng 75 tuổi là con trai của chú Hỏa .Ông cũng kể về bước đầu lập nghiệp của cha y như bài viết này và cũng cho biết ông vốn họ Huỳnh nếu phát âm theo tiếng Việt nam bộ .

Thanked by 1 Member:

#3 Đinh Văn Tân

    Ban Điều Hành

  • Ban Điều Hành
  • 7736 Bài viết:
  • 17645 thanks

Gửi vào 27/01/2016 - 06:54

Ngu Yên biết một người VN, trong gia đình toàn con gái đẹp, thân sinh làm Ty Tiểu Học vụ Huế, lấy một con trai của Chú Hõa, nay đang ở Pháp .

Thanked by 1 Member:

#4 Ngu Yên

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3291 Bài viết:
  • 7739 thanks

Gửi vào 27/01/2016 - 14:20

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Đinh Văn Tân, on 27/01/2016 - 06:54, said:

Ngu Yên biết một người VN, trong gia đình toàn con gái đẹp, thân sinh làm Ty Tiểu Học vụ Huế, lấy một con trai của Chú Hõa, nay đang ở Pháp .
Thưa bác không ạ.Người con trai của chú Hỏa mà Ngu Yên đã có dịp hầu chuyện sang Pháp khá sớm trong thập niên 40 hay 50, trở lại VN rồi lại ra đi vào khoảng 70 vì mâu thuẫn với gia đình (muốn ly dị ? với vợ trước ? ) , để lại 1 người vợ (không giá thú ?) và 1 con gái.Đến cuối thập niên 90 ông ta mới bắt lại được liên lạc và bảo lãnh họ sang Pháp, sống ở Marseille .

Thanked by 1 Member:

#5 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1785 thanks

Gửi vào 27/01/2016 - 23:47

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Ngu Yên, on 27/01/2016 - 01:46, said:

cách đây khoảng 15/20 năm tôi cũng đã có dịp nói chuyện với một ông cụ khoảng 75 tuổi là con trai của chú Hỏa .Ông cũng kể về bước đầu lập nghiệp của cha y như bài viết này và cũng cho biết ông vốn họ Huỳnh nếu phát âm theo tiếng Việt nam bộ .
Bác Ngu Yên cho con hỏi lúc bác gặp con trai cụ Hỏa thì theo trí nhớ của bác thì con cụ nhìn có hay không? Giải thích từ hay thế nào nhỉ, ý con là có phong thái không? Hay là bình dân nam bộ như con? Và con của ông còn giữ được tổ nghiệp hoành tráng của cụ Hỏa khi xưa không?

#6 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1785 thanks

Gửi vào 28/01/2016 - 00:08




Họ Chú Hỏa, tên Quách Đàm


TTCT - Nửa đầu thế kỷ trước, ở Sài Gòn - Chợ Lớn làm ăn, Huỳnh Văn Hoa và Quách Diệm được thương giới nghiêng mình nể phục, liệt vào hạng thượng thừa “Bạch thủ thành gia” (tay trắng nên nhà).

Khách sạn Majestic, Bảo tàng Mỹ thuật hay chợ Bình Tây mà nay còn thấy chỉ là một phần nhỏ trong thành tựu kinh doanh của họ. Thật trớ trêu là họ và tên hai đại gia này trước giờ bị gọi sai bét!

Chú Hỏa, họ và tên
Người Sài Gòn nhiều thế hệ vẫn hay nhắc đến nhân vật “Chú Hỏa” - một trong tứ đại hào phú lừng lẫy của Sài Gòn xưa mà dân gian đúc kết “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (*) với những giai thoại ly kỳ cả về tài sản và đời riêng.
Hiện nay, tại tòa nhà tiêu biểu của “Chú Hỏa” - nơi đang là Bảo tàng Mỹ thuật TP.H.C.M (số 97 Phó Đức Chính), ở tấm biển inox ghi lược sử tòa nhà đặt trang trọng ngay lối đi bên trái cửa chính viết: “Hui Bon Hoa tên thật là Hứa Bổn Hòa”. Cách xác định Hui Bon Hoa là Hứa Bổn Hòa cũng thấy trên Wikipedia và rất nhiều bài viết.
Thế nhưng hồi năm 1960, ông già bác cổ Vương Hồng Sển đã tỏ ra cẩn thận khi viết trong Sài Gòn năm xưa: “Hui Bon Hoa, tục danh “Chú Hỏa”, mặc dầu về sau danh vọng lớn, địa vị cao, cũng không ai gọi “Ông Hỏa” bao giờ. Sớm nhập Pháp tịch nên ký âm theo Pháp ngữ làm vậy rồi gọi như vậy cho đến đời đời, không rõ theo Hán tự hà danh hà tánh?” (bản in 1997, tr.284).
Xưa hơn nữa là hồi năm 1924, Đào Trinh Nhất viết: “Trong bọn Hoa kiều bây giờ, duy chỉ có Hoàng Trọng Tán là giàu nhất, tư bản có đến 3.000 vạn, trong Nam kỳ đã suy tôn lên làm ông vua tiền bạc, hay là ông vua nhà cửa, vì Hoàng có nhiều nhà cửa đất cát lắm”. Hoàng (Huỳnh) Trọng Tán là con thứ ba của Chú Hỏa, là người kế nghiệp lãnh đạo Công ty Hui Bon Hoa. Hồi ấy, Đào Trinh Nhất đã gọi đúng họ (Hoàng/Huỳnh) của gia tộc này nhưng do không gắn kết mối liên hệ cha con giữa Chú Hỏa với Huỳnh Trọng Tán nên người sau không lưu ý.
Phần viết về Hoa kiều Việt Nam trong Hoa kiều chí cho biết Hui Bon Hoa tên chữ Hán là Huỳnh Văn Hoa (). Họ Huỳnh cũng có thể đọc/viết là Hoàng, nhưng theo thói quen của người Hoa ở miền Nam, khi tự phiên âm họ này sang chữ Việt thì người ta đều viết là Huỳnh.
Hui Bon Hoa là cách phiên âm từ tên gốc Hán theo âm Hạ Môn (Trung Quốc) có ảnh hưởng bởi cách phiên âm của người Anh vào cuối thế kỷ 19. Còn Hứa Bổn Hòa là cách đoán mò của người Việt khi nhìn thấy chữ Hui Bon Hoa mà không thấy mặt chữ Hán, thêm câu chuyện mê tín “Con ma nhà họ Hứa” không biết nguồn cơn ra sao lại xuất phát từ nhà cũ của Chú Hỏa rồi lan truyền khắp Sài thành khiến nhiều người tin chắc ông này họ Hứa.
Lược sử một số cơ sở phúc lợi của cộng đồng người Hoa ghi nhận hai anh em Trọng Huấn và Trọng Tán là sáng lập viên của nhiều nơi, tiêu biểu như Phước Thiện y viện (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Thành Chí học hiệu (nay là Trường THCS Minh Đức, đường Nguyễn Thái Học, Q.1), hiến đất xây Bệnh viện Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện phụ sản Từ Dũ), chùa Phụng Sơn (đường Nguyễn Công Trứ, Q.1).
Đầu thế kỷ 20, người con thứ hai của Chú Hỏa là Huỳnh Trọng Huấn trở về Hạ Môn (Trung Quốc) mở Công ty địa ốc Huỳnh Vinh Viễn Đường (). Khu nhà trụ sở công ty này ngày nay là một trong 10 di tích kiến trúc danh tiếng ở đảo Cổ Lãng, năm 2002 được liệt hạng di tích lịch sử kiến trúc trọng điểm của thành phố Hạ Môn, vừa là trường biểu diễn nghệ thuật, vừa là địa chỉ du lịch, phong cách xây dựng gần giống Bảo tàng Mỹ thuật TP.H.C.M.
Hồi tháng 5-2009, một đoàn công tác điền dã từ quê hương “Chú Hỏa” gồm các nghiên cứu viên thuộc Học hội lịch sử Hoa kiều và Bảo tàng lịch sử Hoa kiều Tuyền Châu đã đến Sài Gòn, thăm Bảo tàng Mỹ thuật và nhiều di tích kiến trúc khác cùng khu mộ gia tộc Huỳnh Văn Hoa ở Bình Dương. Mục đích của đoàn công tác này là nhằm thu thập tư liệu để bổ sung cho các hồ sơ di tích kiến trúc nghệ thuật có liên quan gia tộc Huỳnh Văn Hoa ở Hạ Môn, Tuyền Châu, một mặt nhằm phục vụ các nghiên cứu về lịch sử Hoa kiều.
Tên thật của Quách Đàm
Cũng tương tự những lầm lẫn trong tên gọi “Chú Hỏa”, ông Quách Đàm - người mà nay bức tượng vẫn được đặt ở chợ Bình Tây (Q.6) - lại không phải tên là Đàm. Tên thật ông này là Diệm (cũng đọc Diễm).
Về sự lầm lẫn này có thể từ một trong hai nguyên nhân: một là nhìn lầm mặt chữ, có thể là do người Việt đầu tiên đã sơ ý nhìn chữ Diệm ra chữ Đàm rồi phiên âm sai, vì chữ Diệm dễ lầm với mấy chữ Đàm như sau: (đàm, viết lối hành thư), (đàm), (đàm), (đàm); hai là nghe lầm âm, việc này có thể do người Pháp ký âm và viết tên Quách Diệm là Quach Dam (Quach-dam) bởi nghe người Triều Châu phát âm Diệm là “iam”, gần như âm Đàm.
Trên những văn bản chữ Hán do các học giả Hoa kiều ở Chợ Lớn như Lý Văn Hùng, Thi Đạt Chí... viết trong khoảng 1950-1960 đều viết Quách Diệm, trong Hoa kiều chí - Việt Nam (Đài Bắc, 1958) và Quảng Đông tỉnh chí - Hoa kiều chí (1996) đều viết tên là Diệm, tiểu sử nhân vật này trong các sách kể trên đều không nói Quách Diệm còn có tên khác là Đàm.
Kẹt một nỗi là tên Quách Đàm đã trở nên rất phổ biến, từ cửa miệng cho đến tất cả các bài viết bằng tiếng Việt gần 70 năm qua, đến như Tsai Maw Kuey trong luận văn bằng Pháp ngữ Les Chinois au Sud-Vietnam (1968) cũng viết tên người này theo chữ Việt là “Quách - Đàm” (tr.37, tr.283). Gần đây, trong một nghiên cứu về Đồng Minh Hội, Thomas Engelbert cũng viết tên hai nhân vật Quách Đàm và Hứa Bổn Hòa bằng chữ Việt, điểm sai này có lẽ do tác giả chủ quan khi tham khảo tài liệu tiếng Việt.
Vấn đề điều chỉnh tên riêng Quách Đàm cho đúng là Quách Diệm coi ra phức tạp hơn tên Huỳnh Văn Hoa rất nhiều, bởi trước giờ nhân vật này chỉ được người Việt biết đến chỉ độc nhất một cái tên, bao nhiêu bài viết, bài nghiên cứu đã ghi nhận, bây giờ sửa lại thành ra lạ lẫm.
Cách xử lý vấn đề này của ban biên tập công trình Southeast Asian Personalities of Chinese Descent - A Biographical Dictionary khá linh hoạt và đáng để chúng ta tham khảo, khi tác giả Việt Nam gửi phần viết về Quách Đàm, người biên tập vẫn giữ vậy và ghi tiêu đề là Quách Đàm, nhưng phần tên chữ Hán lại viết (Guo Yan/Quách Diệm), và chú thêm “also known as Quách Đàm” (còn được biết với tên Quách Đàm), đây là cách chấp nhận sai lầm một khi sự sai lầm đã trở thành thói quen và ảnh hưởng rộng đến xã hội.
Viết sai tên người bình thường đã là chuyện rất vô duyên, Quách Diệm và Huỳnh Văn Hoa lại thuộc hàng có tên có tiếng mà sự nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến lịch sử kinh tế và văn hóa vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.
Mặt khác, họ là những nhân vật thường xuyên được nhắc đến bởi các học giả nước ngoài nghiên cứu lĩnh vực Hoa kiều Đông Nam Á, việc ghi sai tên họ đối tượng dẫn đến tình trạng “từ khóa” (keyword) trong nghiên cứu bất thông, đương nhiên sẽ cản trở học giới trong nước tiếp cận và khai thác những vấn đề hoặc thành tựu nghiên cứu mới.
Các quan hệ giao lưu văn hóa trên bình diện quốc tế ngày càng mở rộng, việc ghi sai họ tên của một nhân vật lịch sử gần đây phần nào sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt văn hóa - du lịch của một thành phố lớn.
Chú Hỏa tên Tây là Jean Baptiste Hui Bon Hoa, tên thật là Huỳnh Văn Hoa (1848-1901), còn có tên Tú Vinh, hiệu Tình Nham, nguyên tịch Hạ Môn, Phước Kiến. Tuổi thanh niên sang Sài Gòn làm công cho hiệu buôn, sau hùn hạp một số thương vụ, lần hồi tích góp được số tiền vốn mở riêng tiệm cầm đồ bình dân, sau nhờ quan hệ với những người Pháp có thế lực mới mở thêm việc mua bán nhà đất.
Trở thành đại phú gia, thành lập Công ty Hui Bon Hoa, tài sản của công ty ở Sài Gòn - Chợ Lớn ước khoảng 30.000 căn nhà phố, 13 tiệm cầm đồ. Huỳnh Văn Hoa có 4 con trai, 11 con gái. Sau Thế chiến thứ nhất, Công ty Hui Bon Hoa lần lượt mở chi nhánh tại Hạ Môn, Thượng Hải, Hong Kong, Đài Loan.
Sau Thế chiến thứ hai mở chi nhánh tại các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Canada, kinh doanh địa ốc, tiền tệ, mậu dịch quốc tế. Năm 1956 chuyển văn phòng chính sang Paris, năm 1974 gia tộc hầu hết di cư sang Pháp và các quốc gia khác. Tại Sài Gòn thời Pháp thuộc, tên Hui Bon Hoa được đặt tên cho một con đường (nay là đường Lý Thái Tổ).

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Tượng ông Quách Diệm ở chợ Bình Tây hiện nay - Ảnh MinhĐức


Quách Diệm (thường được gọi là Quách Đàm, 1863-1927), tự Thiệu Trí, hiệu Nhược Ngu, nguyên tịch Long Khê, huyện Triều An, Quảng Đông. Năm 14 tuổi sang Chợ Lớn mua bán phế liệu, da trâu, sau mở xưởng thuộc da, lập Công ty Thông Hiệp, kinh doanh xuất nhập khẩu hóa vật, thổ sản, xưởng rượu, xưởng dệt.
Trong thị trường lúa gạo có mạng lưới thu mua khắp Nam kỳ, là cổ đông chính nhà máy xay lúa Di Xương, sau lại mở thêm ba nhà máy Thông Mậu, Thông Thạnh, Thông Nguyên (ở Mỹ Tho).
Lập nhà máy đường Tây Ninh, mở hãng Thông Nguyên thu mua bông vải ở Campuchia. Lập hãng tàu biển Nguyên Lợi hoạt động vận tải các tuyến Sài Gòn - Singapore, Hong Kong, Quảng Châu, Sán Đầu (cũng là những nơi có phân hãng của Thông Hiệp và Di Xương). Năm 1902, Quách Diệm góp 1/5 tổng số tiền trùng tu Hội quán Nghĩa An, năm 1924 xây chợ Bình Tây.
____________
(*): Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; bá hộ Xường - Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa.
PHẠM HOÀNG QUÂN

Sửa bởi Luciferlady: 28/01/2016 - 00:14


Thanked by 2 Members:

#7 Ngu Yên

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3291 Bài viết:
  • 7739 thanks

Gửi vào 28/01/2016 - 01:58

Tôi nghĩ là ông này là cháu hơn là con vì ông ấy có lẽ sinh vào khoảng 1920 mà ông Huỳnh Văn Hoa đã chết từ năm 1901.Ông ta không nói được tiếng Việt sõi nữa , nên có thể ông dùng sai từ .Phong cách là một người lăn lộn giữa trường đời nhiều , tính phóng khoáng , vẫn thích ăn xài rộng rãi nhưng giống một người Pháp hơn là ngưới Á Đông và có lẽ không giàu (ông ấy nói khi giận gia đình bỏ về Pháp thì ông ta cũng bỏ phần gia tài của mình cho anh chị em và ông ấy có nói là đoàn tụ với người yêu và con gái là may mắn nhất đời của ông và ông dù không có gì nhiều khi đã về hưu nhưng vẫn đủ sức lo toan cho họ ).Về giòng họ Hui Bon Hoa thì chắc chắn có người thành đạt lớn vì khi còn là sinh viên đầu thập niên 80 tôi có làm việc Hè cho hãng IBM Âu châu thì tình cờ thấy ghi là ông phó chủ tịch mang họ Hui Bon Hoa (IBM thời đầu của các máy vi tính là hãng mạnh nhất thời đó trước khi bị Microsoft soán ngôi).

Thanked by 3 Members:

#8 pth77

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 697 Bài viết:
  • 1420 thanks

Gửi vào 30/01/2016 - 18:12

thông tin tham khảo:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 1 Member:

#9 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1785 thanks

Gửi vào 30/01/2016 - 21:05



Ba người con trai siêu hạng của Chú Hỏa




TTO - ​Nhiều người nói Chú Hỏa có hơn chục người con, hầu hết được cho đi du học tại các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Nhật… Sự thật như thế nào?

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Ba người con trai của chú Hỏa (từ trái): Huỳnh Trọng Tán, Huỳnh Trọng Huấn, Huỳnh Trọng Bình - Ảnh tư liệu
Các tài liệu được dòng họ Hui Bon Hoa ở Pháp cung cấp cho hai tác giả Chen Bickun (trong bài viết tiếng Anh tựa đề là “Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa”) và Michel Dolinski (trong bài viết tiếng Pháp tựa đề là “Sự hữu dụng của một anh hùng Trung Hoa tại Việt Nam”) thì Chú Hỏa chỉ có ba người con trai.

Ba người con cự phách của Chú Hỏa làm rạng danh dòng họ Hui Bon Hoa

Các con của Chú Hỏa có tên tiếng Trung Quốc dĩ nhiên theo họ Huỳnh của cha, chữ lót là Trọng, nhưng tên tiếng Pháp của họ đều lấy cụm từ Hui Bon Hoa đứng sau là họ theo người phương Tây.

Do đó, ba người con trai của Chú Hỏa lần lượt là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa).

Theo học giả Nguyễn Triệu (trong bài viết “Những Hoa kiều giàu nhất Việt Nam: Hui Bon Hoa (1845-1901) đăng trên tạp chí Văn Hóa Nguyệt San số 61, SG 1961) thì vào thời điểm năm 1961, ông Huỳnh Trọng Huấn và Huỳnh Trọng Tán đã mất từ lâu, mộ phần táng ở Biên Hòa, ngang núi Châu Thới, còn ông Huỳnh Trọng Bình lúc đó nếu còn sống đã 69 tuổi, như vậy ông Huỳnh Trọng Bình sinh vào năm 1892.

Con trai trưởng của Chú Hỏa là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa) sinh năm 1876, lớn lên ở Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc). Ông này đã theo cha đến Việt Nam khoảng năm 1896, lập gia đình và sống tại Sài Gòn để hỗ trợ cha mình trong việc điều hành công ty bất động sản “Cha con Hui Bon Hoa”.

Thập niên 1910, ông trở lại ở Phúc Kiến (Trung Quốc) mở Công ty địa ốc Huỳnh Vinh Viễn Đường. Khu nhà trụ sở công ty này ngày nay là một trong 10 di tích kiến trúc danh tiếng ở đảo Cổ Lãng, năm 2002 được liệt hạng di tích lịch sử kiến trúc trọng điểm của thành phố Hạ Môn, vừa là trường biểu diễn nghệ thuật, vừa là địa chỉ du lịch, phong cách xây dựng gần giống tòa nhà của ông ở Sài Gòn, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.H.C.M.

Huỳnh Trọng Huấn qua đời năm 1934, chôn cất ở khu vực dân gian thường gọi là “Mộ Chú Hỏa” ở P.Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương ngày nay.

Người con trai thứ của Chú Hỏa là Huỳnh Trọng Tán (Thang Chanh Hui Bon Hoa) sinh năm 1877 tại Tuyền Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc).

Sau khi lập gia đình ở quê hương, ông này cũng theo Chú Hỏa đến Sài Gòn để hỗ trợ cha mình. Dưới sự quản lý của ông, nhiều thửa đất ở Sài Gòn, Chợ Lớn được mua khi giá đất còn thấp, một mặt xây nhà để bán và cho thuê nhà, một mặt mua bán đất đai. Hui trở thành một trong những gia đình giàu có nhất trong thành phố.

Huỳnh Trọng Tán sống ở Sài Gòn và qua đời cùng năm với anh mình: năm 1934.

Sau cái chết của hai anh trai năm 1934, người con trai út của Chú Hỏa là Huỳnh Trọng Bình (Thang Phien Hui Ban Hoa) tiếp tục quản lý công việc gia đình và qua đời năm 1951.

Đời cháu chắt dòng họ Hui Bon Hoa tiếp nối cha ông

Sau khi ông mất, thế hệ con cháu của dòng họ Hui Bon Hoa đã kế tục quản lý và phát triển sự nghiệp kinh doanh của ông bà, cha mẹ để lại.

Học giả Vương Hồng Sển: “Đến nay (1960) các con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn, không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng một số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc (nay gọi là giải ngân)” (Sài Gòn năm xưa - SG, 1960).

Từ năm 1951, các thành viên gia đình và con cái của dòng họ Hui Bon Hoa đã dần dần chuyển sang các nước khác: Pháp, Mỹ… Trước ngày 30-4-1975, tất cả thành viên của dòng họ Hui Bon Hoa đã rời Việt Nam.

Tuy kể tách bạch từng người con của Chú Hỏa như vậy, nhưng trên thực tế công việc kinh doanh của Công ty “Hui Bon Hoa, cha và các con” thì luôn có sự gắn kết chặt chẽ giữa những thành viên trong dòng họ.

Ngay sau khi Chú Hỏa tạ thế (1901), các con Chú Hỏa đã sáp nhập Công ty Hui Bon Hoa của cha mình để lại với Louis Ogliatro (một người Pháp ở đảo Corse) mang tên Công ty liên doanh Ogliastro-Hui Bon Hoa quản lý các tiệm cầm đồ ở Sài Gòn.

Lĩnh vực chính của công ty liên doanh này kinh doanh cầm đồ và bất động sản. Đến năm 1919, công ty liên doanh này quản lý 25 nhà thuốc trên toàn Đông Dương, trong đó có 6 nhà thuốc ở Sài Gòn.

Trong những năm 1920, gia đình Hui Bon Hoa đã xây dựng mới ba tòa nhà nguy nga ngay trên phần đất khởi nghiệp của Chú Hỏa được bao quanh bởi các con đường: Alsace-Lorraine (nay là Phó Đức Chính), Bác sĩ Calmette, d'Ayot (nay là Nguyễn Thái Bình) và Hamelin (nay là Lê Thị Hồng Gấm, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.H.C.M).

1925, Tổng công ty bất động sản Hui Bon Hoa được thành lập để quản lý gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn – Chợ Lớn và đặt trụ sở tại tòa nhà chính giữa mang tên chữ Hoa là “Huỳnh Vinh Viễn Đường” trong 3 tòa nhà vừa xây dựng xong, tên giống với tên công ty địa ốc mà Huỳnh Trọng Huấn đã lập ở Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc) năm 1910.

Từ đó, người ta gọi luôn 3 tòa nhà là “Nhà Chú Hỏa”. và con đường chạy ngang qua trước cửa của tòa nhà là đường Alsace Lorraine là đường Chú Hỏa.

Xã Nessa, đảo Corse (Pháp) hiện nay cũng có một con đường mang tên Hui Bon Hoa, do dòng ho Hui Bon Hoa đã tặng cho dân làng khu vực này 25.000 fr để làm con đường này (ảnh tư liệu).

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Chỉ riêng ngành bất động sản với những công trình xây dựng lớn còn tồn tại trong đời sống xã hội cũng như văn hóa của thành phố Sài Gòn mà Chú Hỏa và các con cháu của ông đã chọn làm nơi ngụ cư, xem như quê hương thứ hai của mình cho đến ngày khuất bóng.

Bên cạnh đó, các thế hệ con cháu trong dòng họ Hui Bon Hoa cũng nối tiếp con đường của cha ông mình.

Họ tổ chức nuôi cơm những người vô gia cư và xây dựng các công trình công cộng góp phần xây dựng các công trình giúp ích cho cộng đồng.

Đó là Phước Thiện Y Viện năm 1909 (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Chẩn Y Viện năm 1937 (nay là Bệnh viện đa khoa Sài Gòn), Bệnh viện Maternité Indochinoise năm 1937 (tên Việt là Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ), chùa Phụng Sơn (1949), chùa Kỳ Viên (1949-1952), Thành Chí học hiệu, nay là (Trường THCS Minh Đức) …

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Thành Chí học hiệu, nay là (Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.H.C.M) do dòng họ Hui Bon hoa xây dựng khi Chú Hỏa mất đã lâu - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Từ Dũ) xây dựng trên miếng đất do dòng họ Hui Bon Hoa tặng và xây dựng trên đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh, Q.1, TP. H.C.M). tòa nhà xây dựng 1937, tức 36 năm sau khi Chú Hỏa qua đời (1901), hai người con trai đầu cũng qua đời (1934), chỉ còn con trai út (mất 1951) - Ảnh tư liệu

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (Q.1, TP.H.C.M) do người con út dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng và hiến tặng thành phố Sài Gòn năm 1937 - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Tổng công ty Hui Bon Hoa còn xây nhiều trụ sở ngân hàng ở Sài Gòn – Chợ Lớn, khách sạn Palace Long Hải (nay thuộc Bà Rịa Vũng Tàu)…

Khách sạn Majestic nằm ở đầu đường Đồng Khởi do Tổng công ty Hui Bon Hoa xây dựng năm 1925, gồm 3 tầng với 44 phòng, trang bị máy điều hòa không khí đầu tiên ở Đông Dương.Tổng công ty bất động sản Hui Bon Hoa đã góp phần tạo nên diện mạo của “Sài Gòn – hòn ngọc Viễn Đông” với những dãy nhà phố nằm dọc theo mặt tiền của các con đường ở khu trung tâm mà nay là các đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi và nhiều khu vực khác khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và nhiều tỉnh ở Nam kỳ.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Khách sạn Majestic xây dựng năm 1925, khi Chú Hỏa đã qua đời 24 năm - Ảnh tư liệu

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

... và hiện nay, ở đầu đường Đồng Khởi (Q.1, TP.H.C.M) - Ảnh: HỒ TƯỜNG
- Năm 1865, ở tuổi 20, Huang Wen Hua di cư và đến Sài Gòn, xin vào làm việc tại một hiệu cầm đồ mang tên Ogliastrocủa một người Pháp làm chủ: Louis Ogliastro.

- Năm 1887, ở tuổi 42, Huang Wen Hua xin vô quốc tịch Pháp, lấy tên là Jean Baptiste Hui Bon Hoa.

- Năm 1896, Chú Hỏa thành lập công ty bất động sản mang tên “Hui Bon Hoa và các con”, chuyên mua bán nhiều thửa đất ở Sài Gòn, Chợ Lớn cũng như nhiều nơi ở Nam kỳ. Danh tiếng Chú Hỏa lừng lẫy khắp Đông Dương. Các con của ông được du học và làm việc ở nước ngoài.

- Năm 1901, Chú Hỏa trở về Trung Quốc với vợ và mất ở đây, được chôn cất tại Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến.

Chính quyền Pháp lúc ấy đặt tên Hui Bon Hoa cho một con đường lớn chạy qua khu đất rộng lớn của ông, đến tháng 3-1955 con đường này đổi thành đường Lý Thái Tổ, địa giới quận 3 và quận 10 cho đến nay.

HỒ TƯỜNG

Thanked by 1 Member:

#10 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1785 thanks

Gửi vào 30/01/2016 - 21:16



Nhà Chú Hỏa có con ma nào họ Hứa không?




TTO - Trước 1975, ở Sài Gòn, hãng phim tư nhân Dạ Lý Hương đã sản xuất bộ phim Con ma nhà họ Hứa, với lời giới thiệu là chuyện phim phỏng theo bị kịch xảy ra trong gia đình Chú Hỏa.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Một ngôi mộ trong khu mộ của dòng dõi Chú Hỏa không cao ngạo mà khá bình thường - Ảnh tư liệu
Đây là bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh miền Nam trước năm 1975. Thành ngữ “con ma nhà họ Hứa” cũng từ đó mà ra, thậm chí kéo dài cho đến tận bây giờ với những phiên bản “con ma nhà họ Hứa”, “Con ma nhà họ Vương”... (!)

Bộ phim phỏng theo những lời đồn trong dân gian. Theo đó, người ta nói rằng Chú Hỏa có hàng chục người con trai nhưng con gái thì chỉ có một, độ tuổi thanh xuân, rất xinh đẹp lại ngoan hiền nên được cha hết mực cưng chiều.

Từ một bản tin...

Một ngày kia, cô gái ấy không xuất hiện. Từ đó, vào những đêm khuya thanh vắng, từ trong tòa nhà Chú Hỏa vẳng ra tiếng kêu khóc thảm thiết.

Rồi một buổi sáng, người Sài Gòn đọc báo ngỡ ngàng thấy có mẩu tin Chú Hỏa đăng cáo phó báo con gái mất vào giờ trùng nên tang lễ chỉ sơ sài, an táng tại khu đất thuộc Long Hải, cạnh ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình.

Tuy nhiên, hằng đêm, người dân xung quanh nhà Chú Hỏa vẫn nghe tiếng kêu khóc thảm thiết từ trong dinh thự và thấy “hồn ma” con gái chú Hỏa xuất hiện bên cửa sổ.

Người ta đồn cô gái mắc bệnh phong hoặc bị tâm thần mà y học lúc đó không thể chữa trị. Do đó, dù có tiền muôn, bạc vạn, Chú Hỏa đã phải bất lực nhìn con đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, rồi chết dần, chết mòn.

Để không ảnh hưởng uy tín và kinh doanh, Chú Hỏa một mặt buộc phải đăng cáo phó là con gái đã mất, một mặt ông đã lệnh cho gia nhân nhốt con gái vào một căn phòng kín, nhưng vẫn chăm sóc chu đáo.

Hằng ngày, các gia nhân đều đưa thức ăn cho cô gái qua khung cửa nhỏ. Lời đồn nói rằng có một người thợ được mời vào sửa chữa trong nhà Chú Hỏa đã trông thấy việc làm nói trên.

Theo bản tin, Chú Hỏa đã kín đáo đưa con gái về nghỉ dưỡng tại khu biệt thự ở Long Hải (sau này là khách sạn Palace trên bãi biển thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu) cho đến ngày cô gái ấy thật sự qua đời tại nơi này.

... đến những lời đồn

Người ta tiếp tục đồn rằng tất cả những người làm của tiểu thư lúc còn sống đều được chuyển tới ngôi biệt thự ở Long Hải để phục dịch... người chết.

Thời gian sau, nhiều tờ báo lá cải Sài Gòn lúc đó lại đưa tin: vì hám của (người Hoa thường chôn theo người chết nhiều của cải), nên vào một đêm, hai tên trộm lẻn vào quật mồ con gái chú Hỏa và thấy quan tài... trống rỗng...

Một lời đồn đại khác đi xa hơn, nói rằng Chú Hỏa quá thương con gái đã qua đời khi còn quá trẻ, nên đã sắm một quan tài bằng đá để quàng giữ thi thể của con gái và đặt trong một căn phòng của nhà Chú Hỏa.

Nhân ngày giỗ đầu của con gái, Chú Hỏa đã sai gia nhân làm lễ cúng cơm cho con gái kèm với lễ vật là một chiếc váy màu trắng và một con búp bê. Gia nhân làm lễ cúng đó đã bỏ chạy khi thấy hình ảnh cô gái ngồi trên chiếc quan tài đá, tay cầm chiếc váy trắng, tay ôm búp bê và chén cơm bị vơi phân nửa...

Người ta nói rằng sau sự việc đó Chú Hỏa đã bí mật chôn cất quan tài bằng đá có đựng thi thể con gái một cách bí mật.

Trong quyển sách tựa đề là Ngôi mộ cổ nhà họ Hứa xuất bản ở hải ngoại, tác giả Phạm Phong Dinh còn viết cô con gái Chú Hỏa tên là Hứa Tiểu Lan mất vì bệnh nan y, được chôn cất trong ngôi mộ cổ cạnh nghĩa trang Biên Hòa, từng được nhiều người thấy xuất hiện dưới dạng cái bóng trắng đi vòng quanh những nấm mồ... (!)

Thực hư thế nào?

Tháng 7-2006, vài thành viên trong dòng họ Hui Bon Hoa từ Pháp về thăm lại nhà Chú Hỏa, mồ mả cha ông và tìm hiểu lịch sử gia đình. Họ ngụ tại khách sạn Majestic, nơi cha chú họ đã xây dựng.

Một thành viên trong đoàn tên Eddie Hui-Bon-Hoa khẳng định Chú Hỏa - Huang Wen Hua - Jean Baptiste Hui Bon Hoa chỉ có ba người con trai, lần lượt mang tên là: Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa).

Nghĩa là Chú Hỏa không có người con gái nào cả. Và Chú Hỏa không phải họ Hứa (tên đầy đủ theo sự suy đón là Hứa Bổn Hòa) mà Chú Hỏa có họ Huỳnh, Huỳnh Văn Hoa.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Một ngôi mộ của dòng họ Chú Hỏa bình dị ven đường - Ảnh tư liệu
Dốc Chú Hỏa

Đi quốc lộ 1K hướng từ Thủ Đức đến Biên Hòa, đoạn gần ngã tư Bình Thung, qua một ngọn đồi rồi đổ xuống tạo thành con dốc lớn có tên là “Dốc Chú Hỏa”. Sở dĩ mang tên như vậy là vì dốc nằm sát với khu nghĩa trang của gia đình chú Hỏa.

Quẹo vào một con đường đất hẹp, bên cạnh lò thiêu xác công nghệ cao khá quy mô, là một nghĩa trang cũ của người Hoa. Trong số các ngôi mộ ở đây có mộ của các con, cháu của Chú Hỏa cùng những thành viên khác trong gia tộc.

Ba ngôi mộ lớn ở đây chính là mộ của ba người con trai của Chú Hỏa: Huỳnh Trọng Huấn, Huỳnh Trọng Tán và Huỳnh Trọng Bình.

Gần đó, còn có năm ngôi mộ khác cũng thuộc dòng họ Huỳnh: Huỳnh Vĩnh Thái, Huỳnh Dương Tố Lan, Huỳnh Vương Châu Cần, Huỳnh Vương Loan Hồng, Huỳnh Vương Thục Khoan.

Bà con địa phương cho biết từng có một số ngôi mộ thuộc dòng họ Huỳnh đã bị giải tỏa trong quá trình mở rộng quốc lộ 1K trước đây, đó là chưa kể nhiều nhà dân từng xây cất ngay trên mấy ngôi mộ.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Mộ ông Huỳnh Trọng Huấn, con trai trưởng của Chú Hỏa vốn nắm hầu như toàn bộ gia tài của cha để lại và phát triển gấp mười lần, giàu cự phách đến tận cuối đời rất bình dị - Ảnh tư liệu

HỒ TƯỜNG

Thanked by 3 Members:





Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |