Trích dẫn
'Cánh đồng hoang' Đồng Tháp Mười là nơi phát tích gia tộc họ Dương của vị tổng thống cuối cùng chế độ Sài Gòn - Tướng Dương Văn Minh. Gần đây, có những người nước ngoài đến Đồng Tháp Mười để truy tìm “long mạch”, họ quyết mua cho bằng được cánh đồng nơi phát tích tộc họ Dương.
Nơi ra đời Tướng Dương Văn Minh
Từ một cánh đồng hoang, ngày nay, Đồng Tháp Mười (ĐTM) đã trở thành vựa lúa lớn của cả nước. Trong đó, có một cánh đồng được khai phá vào loại sớm nhất, cũng là cánh đồng màu mỡ nhất, cho năng suất lúa cao nhất. Chính trên cánh đồng này, cậu bé Dương Văn Minh đã lớn lên, về sau trở thành một trong những nhân vật được nhắc tới nhiều nhất ở Sài Gòn nửa cuối thế kỷ 20.
Cánh đồng màu mỡ nhất Đồng Tháp Mười
Đồng Tháp Mười là một vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gần 700 ngàn hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Suốt hàng ngàn năm, vùng đất này chịu cảnh hoang hóa, đất đai bị ngập nước mỗi năm 3 - 4 tháng. Thời Pháp, rồi thời Mỹ, đã có nhiều nỗ lực khai phá ĐTM nhưng đều thất bại. Bắt đầu từ thập niên 1980, chỉ với lao động thủ công là chính, hàng triệu người dân 3 tỉnh nói trên đã đẩy mạnh khai hoang vùng ĐTM. Hàng trăm ngàn cây số kênh mương đã được đào để thoát nước, xả phèn. Vất vả, kể cả thất bại suốt 20 - 30 năm, người dân nơi đây đã biến ĐTM thành vựa lúa cả nước, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực thành cường quốc xuất khẩu gạo.
Từ thành phố Tân An (tỉnh Long An), xuôi theo quốc lộ 62 khoảng 10 cây số là đến ngã tư Mỹ Phú (thuộc huyện Thủ Thừa). Đây có thể coi là cửa ngõ vào ĐTM. Một cánh đồng bao la hiện ra trước mặt, đồng lúa bất tận xen lẫn với những vạt rừng tràm xanh ngát. Phía bên trái ngã tư là cánh đồng thuộc ấp xã Mỹ Phú, nơi có thể xem là “cánh đồng huyền diệu” của vùng ĐTM. Ngày trước, mỗi năm xã Mỹ Phú phải chịu ngập sâu 2 - 3 tháng. Cũng chính nhờ hàng năm có mấy tháng đồng ruộng bị ngập, nước lũ mang phù sa về bồi đắp, khi lũ rút, bàn tay con người tiếp tục cải tạo, bồi bổ cho đất. Cứ thế, sau hàng trăm năm, cánh đồng xã Mỹ Phú trở thành vùng đất màu mỡ nhất tỉnh Long An và cả vùng ĐTM.
Cánh đồng xã Mỹ Phú từ lâu đã trở nên thân quen với các trường đại học, cao đẳng nông nghiệp. Đây cũng là địa chỉ hay lui tới của các viện nghiên cứu về nghề trồng lúa. Hầu hết các kỹ sư nông nghiệp chuyên về trồng lúa ở các trường đại học phía Nam, chân cẳng đều ít nhiều lấm đất ruộng ở Mỹ Phú. Giáo sư -Tiến sĩ Võ Tòng Xuân đã không biết bao nhiêu lần đặt chân đến cánh đồng xã Mỹ Phú. Nhiều vị lãnh đạo ở Bộ NN&PTNT, các trường đại học, các viện nghiên cứu trên cả nước đã từng đến học tập, nghiên cứu trên cánh đồng này khi còn là sinh viên.
Vụ đông xuân 2000 - 2001, nông dân Dương Văn Hữu (Hai Hữu) ở xã Mỹ Phú đã làm kinh ngạc mọi người khi thu hoạch lúa đạt năng suất hơn 10 tấn/ha. Ông Hữu kể, nhờ mùa lũ năm 2000 nước dâng cao kỷ lục, vì vậy mà lượng phù sa bồi đắp lên đồng ruộng rất nhiều. Sau khi lũ rút, ông thấy phù sa bám trên mặt ruộng một lớp dày cả nửa lóng tay. Cũng nhờ nước lũ ngập cao và ngập lâu, các loại thiên địch hại lúa như sâu rầy, chuột, ốc bị cuốn trôi đi hết. Lượng phèn tiềm ẩn dưới mặt ruộng cũng được nước lũ cuốn trôi đi phần lớn... Với tất cả những lợi ích do mùa lớn mang lại, cộng với đất đã sẵn màu mỡ, cùng tay nghề chăm sóc của kiện tướng trồng lúa Hai Hữu, đám ruộng của ông cứ xanh mượt, rồi trổ bông nặng oằn, ông Hai Hữu phải căng dây cho lúa đừng ngã. Kết quả, ông được ghi nhận là người nông dân miền Tây Nam Bộ đầu tiên trồng lúa đại trà đạt năng suất trên 10 tấn/ha/vụ.
Ông Hai Hữu kể, những năm sau ngày giải phóng, sâu rầy phá hoại lúa rất dữ, trong khi nguồn thuốc xịt rầy lại rất khan hiếm. Sau trận lụt lịch sử năm 1978, cây lúa miền Tây quằn quại bởi dịch rầy nâu, đẩy nông dân lâm vào cảnh đói khổ. Trước tình hình đó, khi nghe Trường Đại học Cần Thơ triển khai việc nhân giống lúa kháng rầy, ông đã đăng ký thử nghiệm nhân giống trên phần đất của mình. Một mình ông chưa đủ diện tích cần thiết, ông Hai Hữu vận động người thân, bà con lối xóm đưa ruộng làm nhân giống thử nghiệm. Vụ đông xuân năm 1978 đã chính thức xác nhận sự ra đời của tổ nhân giống lúa "Hai Hữu" với 8ha ruộng. Đến cuối vụ, họ thu hoạch được 40 tấn lúa giống kháng rầy "quý như vàng".
Thành công bước đầu càng kích thích người nông dân ham học hỏi này tìm đến với những điều hay, mới lạ trong nghề trồng lúa nước. Từ đó cho tới ngày ông mất (năm 2010), tổ nhân giống lúa Hai Hữu với tổng diện tích khoảng 100ha đã nhân thành công khoảng 500 giống lúa. Trong đó, có những giống đã đi vào lịch sử lúa giống Long An và miền Tây Nam bộ, như giống IR13240-108-2-2-3 và IR6425-469-4-2. Các giống lúa với nhiều tính năng nổi trội ấy còn được nông dân cả tỉnh Long An sử dụng cho đến tận ngày nay. Năm 2002, Chủ tịch Nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho ông Dương Văn Hữu.
Nơi phát tích tộc họ Dương
Nằm giữa cánh đồng Mỹ Phú có một khu mộ cổ. Tất cả những ngôi mộ đều mang họ Dương. Ngôi mộ có niên đại xưa nhất là mộ cụ ông Dương Văn Hiển (1865-1917). Nằm hai bên là mộ 2 bà Trần Thị Trong và Nguyễn Thị Vốn. Theo cách chôn và cách ghi tên trên mộ chúng ta hiểu rằng ông Dương Văn Hiển có 2 vợ, cùng sống hạnh phúc và khi mất cùng nằm bên nhau. Điều đó phần nào nói lên tộc họ Dương từ cuối thế kỷ 19 đã khấm khá. Nằm kề bên chùm mộ của vợ chồng ông Dương Văn Hiển là 2 ngôi mộ khác nằm cạnh bên nhau. Trên mộ bia ghi Dương Văn Huề, tức Dương Văn Mau (1891 - 1944) và Nguyễn Thị Kỷ (1895 - 1992).
Họ chính là đôi vợ chồng đã sinh ra một nhân vật lịch sử từng làm sôi động chính trường Sài Gòn thập niên
1960 và cũng chính là người làm chiếc cầu nối quan trọng trong cuộc chuyển giao lịch sử giữa chính quyền Sài Gòn và chính quyền cách mạng vào năm 1975. Người đó chính là Đại tướng Dương Văn Minh, cũng là người trở thành “nguyên thủ quốc gia” ngắn nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới, khi chỉ làm tổng thống của chính quyền Sài Gòn chưa tới 48 tiếng đồng hồ.
Tính cho tới đời Dương Văn Minh, tộc họ Dương đã định cư trên đất Mỹ Phú được khoảng 150 năm, trải qua 6 thế hệ. Chuyện kể rằng, trong đoàn lưu dân từ miền Trung vào khai khẩn đất hoang ở miền Tây Nam Bộ vào cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19, có một nhóm người dừng chân bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, nơi bắt đầu vùng đất hoang huyền thoại ĐTM. Ngày ấy nơi đây còn là rừng rậm, nhiều thú dữ, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh”.
Trong đoàn lưu dân có đôi vợ chồng trẻ Dương Văn Bảo - Lê Thị Quý. Họ chọn một giồng đất cao ráo để dựng chòi định cư, khai khẩn đất hoang, làm ruộng. Vùng đất ngoài rìa ĐTM này vào cuối mùa mưa nước từ thượng nguồn sông Vàm Cỏ Tây đổ về ngập trắng đồng, càng lúc càng dâng cao, dìm hết ruộng vườn, cây trái, nhà cửa. Nhưng nước lũ cũng mang về nguồn lợi thủy sản phong phú, gồm các loại cá, rắn, rùa, bông điên điển, người vùng lũ chỉ cần ngồi trên sàn nhà thòng chân xuống nước lũ cũng có thể tìm được cái ăn qua mùa lũ. Mùa lũ đi qua, cùng lúc với việc chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa duy nhất trong năm, người dân ĐTM còn đi ‘thu hoạch” lúa “trời” - một loại lúa tự nhiên trên những cánh đồng hoang, không ai gieo trồng, tự mọc và lớn lên theo con nước lũ, thân dài đến 4 - 5 mét, đến khi lũ rút, lúa cũng vừa chín tới, người nông dân chèo xuồng đi cắt từng bông lúa.
Cứ thế, vợ chồng ông Dương Văn Bảo vừa khai khẩn đất hoang vừa khai thác các sản vật vùng ĐTM, cùng cộng đồng lưu dân xây dựng xóm ấp, hình thành nên làng Mỹ Phú cho tới ngày nay. Phải mất tới 4 đời, gia tộc họ Dương và những lưu dân từ miền Trung mới thuần hóa cánh đồng hoang xã Mỹ Phú thành cánh đồng màu mỡ, giúp con người trở nên khá giả. Từ đời ông Dương Văn Bảo, qua các đời Dương Văn Long, Dương Văn Lâm, Dương Văn Cường, gia tộc họ Dương đã đổ nhiều mồ hôi, công sức xuống vùng đất Mỹ Phú, cùng lúc cuộc sống của họ cũng khấm khá dần lên.
Đến đời ông Dương Văn Hiển, tức đời thứ năm từ khi ông Dương Văn Bảo vào khai khẩn vùng đất Mỹ Phú, gia tộc họ Dương đã bắt đầu giàu có, ruộng vườn “cò bay thẳng cánh”. Nhờ đó mà các con của ông Hiển được học hành đàng hoàng, dù lúc đó ở vùng Tân An còn chưa có trường học. Một người con của ông Hiển rất chí thú học tập, đỗ đạt cao, được bổ nhiệm làm quan triều đình, được cử đi trấn nhậm ở Sài Gòn - Gia Định và vùng Mỹ Tho -Vĩnh Long, có tên là Dương Văn Huề. Sau này, khi ra làm quan, ông còn có thêm tên là Dương Văn Mau. Trong thời gian ông Mau đi làm quan ở vùng Sài Gòn - Gia Định, vợ ông đã từ quê nhà đến thăm và hạ sinh ra người con trai đặt tên là Dương Văn Minh. Vì vậy mà sau này, có người tưởng nhầm rằng Dương Văn Minh quê gốc Sài Gòn - Gia Định. Thực ra, đó chỉ là nơi ông tình cờ sinh ra, còn quê hương ông là vùng Mỹ Phú ở ĐTM.
Ngày bà Nguyễn Thị Kỷ - vợ ông Dương Văn Mau - hạ sinh đứa con trai đặt tên Dương Văn Minh có hình vóc to lớn hơn người, dù có kỳ vọng con mình sẽ “nên danh, nên phận” sau này, nhưng chắc hẳn vợ chồng ông Mau không thể ngờ rằng cậu bé ấy sau này trở thành tổng thống, là người có vị trí khá đặc biệt trong một giai đoạn bi tráng của dân tộc, đất nước.
NGUỒN: