thứ 4, 15/10/2014 09:53:31- chuyên mục
Trịnh Văn Quyết - vị đại gia trẻ tuổi, sếp lớn của Tập đoàn FLC - tập đoàn sẽ đầu tư 10 du thuyền và 2 trực thăng đã tạo nên một dấu đặc biệt với thành tích kinh doanh đáng nể...
Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC, sinh năm 1975, vốn là cử nhân trường Luật. Với mong muốn có thể trở thành một doanh nhân có tầm ảnh hưởng, đồng thời là một tỷ phú đô-la, anh đã quyết định mở rộng mảng kinh doanh. Và FLC chính thức ra đời vào năm 2008.
Khi FLC Group đã chính thức xác lập vị trí của một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Hà Nội với việc công bố hàng loạt dự án mới gần đây, câu chuyện về một luật sư doanh nhân đã bắt đầu mang một màu sắc khác. Ở tuổi 39, vị doanh nhân tuổi Mão rõ ràng đang tạo dấu ấn rất đáng chú ý.
Trịnh Văn Quyết tốt nghiệp Đại học Luật vào năm 1999. Dáng vẻ thư sinh, diện mạo không có chút gì “tai to mặt lớn”, nhiều người nghĩ, làm tròn vai một luật sư có lẽ cũng đã là thách thức với con người này. Những bạn học cùng lứa nhớ về ông Quyết như là một sinh viên bình thường, khác chăng là đã “biết buôn bán điện thoại ngay khi bạn bè khác chỉ biết đến học hành”.
Nhưng, vào năm 2002, Công ty Luật SMIC ra đời để để 10 năm sau biến ông thành một trong 5 luật sư được vinh danh là Luật sư tiêu biểu năm 2012 trên tổng số hơn 7.200 luật sư đang hoạt động khắp cả nước trong chương trình bình chọn “Vinh danh hãng luật và luật sư tiêu biểu” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công ty Tư vấn luật SMiC - chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ của ông đã ghi dấu ấn qua vụ Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên; vụ giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005... Với 30 khách hàng thường xuyên là tổ chức, doanh nghiệp, SMiC giúp ông Quyết có số vốn ban đầu để bước sang lãnh địa bất động sản.
Và cho đến tháng 10/2011, khi Tập đoàn FLC do ông Quyết xây đắp chính thức lên sàn, sự ngạc nhiên của nhiều người đã chuyển thành nể trọng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà lưu niệm cho ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.
Hàng loạt dự án bất động sản lớn đang được triển khai với quy mô vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, như Dự án FLC Samson Golf Links & Resort, Dự án nhà liền kề trung tâm thành phố Thanh Hóa, Dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC Garden City và dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên Bộ Tư pháp… cho thấy vị lãnh đạo của FLC đang khuấy đảo thị trường bất động sản.
Trong vòng vài năm qua, vốn điều lệ của FLC đã tăng 73 lần từ mức 18 tỷ đồng năm 2008, và tổng tài sản tăng lên đến 112 lần. Năm 2013 doanh thu của tập đoàn này đạt trên 1.744 tỷ đồng, lợi nhuận thuần đạt 144,8 tỷ đồng, tăng khoảng 400% so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình, giữa lúc thị trường BĐS vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng, thì FLC lại hé lộ những thông tin đầu tiên về hai dự án BĐS lớn ở Hà Nội. Đáng chú ý là hai dự án này đều là kết quả của những thương vụ M&A, một xu thế trên thị trường bất động sản đang trầm lắng hiện nay.
Dự án thứ nhất là khu đô thị FLC Garden City. Dự án này nằm trên khu vực có diện tích gần 8 héc ta ở Đại Mỗ - Từ Liêm, trước đó do Công ty cổ phần Địa ốc Alaska quản lý. Do hoạt động kém hiệu quả, tháng 8/2013, Alaska đã nhượng lại dự án cho FLC Group chỉ với giá 200 tỷ đồng. Ngay sau khi tiếp nhận dự án, FLC Group tuyên bố sẽ đầu tư 3.500 tỷ đồng để khởi công, đầu tư trong quý 3/2014.
Dự án thứ hai là dự án cao ốc hỗn hợp FLC Complex ở 36 Phạm Hùng, được triển khai trên diện tích 5.000 m2, là một tòa nhà hỗn hợp quy mô hiện đại dự kiến cao 38 tầng, bao gồm các căn hộ cao cấp và khu trung tâm thương mại. Dự án này trước đó đã được FLC mua lại từ Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý tòa nhà ION Complex với giá 198 tỷ đồng.
Cả hai dự án này đều sẽ được khởi công sớm trong quý 3 năm nay và theo ông Quyết, mức giá bán các sản phẩm bất động sản tại hai dự án này sẽ “rất hấp dẫn trong bối cảnh thị trường hiện nay”. Có lẽ đó là lý do mà mặc dù FLC mới chỉ công bố giá bán, số lượng các sàn bất động sản và các nhà đầu tư đã tìm đến đăng ký vượt mong đợi.
Luôn mong muốn FLC đứng trong top đầu về bất động sản, có được những thành quả nhất định như hiện nay, ông Quyết chia sẻ chút bí quyết: Thành công nhờ biết chọn đúng thời điểm đầu tư, tận dụng cơ hội mua các bất động sản thua lỗ phải bán giá thấp. Thời điểm hiện nay không phải chờ đến xin phép từ đầu vì thị trường có nhiều doanh nghiệp không có điều kiện xây dựng tiếp, FLC sẽ tiến hành M&A các dự án đó để xây dựng tiếp.
Bên cạnh đó, việc chú trọng xây dựng, quản lý nguồn nhân lực với ông đó là sự thành bại của mỗi doanh nghiệp. Không khó để nhận ra cách tuyển dụng nhân sự của vị lãnh đạo này, nhất là ở những cán bộ chủ chốt đều là những cán bộ trẻ, năng động và tuổi đời chỉ trên dưới 40.
Chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết là một trong 10 doanh nhân xuất sắc nhất vừa được nhận giải thưởng sao Đỏ, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng quà lưu niệm và khen ngợi thành tích…
Năm 2014, 6 năm sau ngày thành lập, FLC đã có sự phát triển vượt bậc. Hiện tại, lợi nhuận quý 3/2014, FLC đạt xấp xỉ 130 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận của Tập đoàn khoảng trên 300 tỷ đồng, tương đương 85% kế hoạch năm, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm ngoái… đủ khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản khác phải ngưỡng mộ và khâm phục.
Theo Bảo An/Người đưa tin
Theo phỏng đoán của tôi thì đại gia này sinh giờ Tuất: