Jump to content

Advertisements




11. Lá số nghệ sĩ Thanh Nga (KHHB số 1)


2 replies to this topic

#1 PhuocBao

    Hội viên

  • Hội Viên mới
  • Pip
  • 180 Bài viết:
  • 247 thanks
  • LocationNgôi nhà to ngoài mặt phố

Gửi vào 12/10/2011 - 15:22

Lá số đã nói lên cuộc đời

Thanh Nga

Những cuộc tình đầy nước mắt



Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Lưu ý: trang lyso.com an sao Hóa Khoa theo Thiên Phủ (?)



Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn




Đoán lá số Tử vi cho những người đã nổi danh và có một đời tư đã được báo chí chiếu kính hiển vi mà ngó vào, người đoán có giải đoán trúng phóc thì cũng chẳng vinh dự gì. Cho nên lá số tử vi của cô Thanh Nga trình giải đây chỉ là một nét bàn chuyện với các bạn khoái tử vi. Chúng tôi vẫn hiểu rằng cùng một lá số tử vi, nhưng sự bàn cãi thường là khác nhau, và sự giải đoán hướng theo nhiều cách.


VỀ CHUNG THÂN CUỘC ĐỜI. – Đáng tiếc ở chổ Thái Âm thủ mạng đã bị lạc hãm, nhưng cũng nhờ được các trung tinh hội hợp sáng sủa: Tả phù Hữu bật, Hóa Lộc, Lộc tồn, Ân Quang, Thiên Quý.


Nhưng sao Thái Âm ở đây không có ảnh hưởng làm cho nghèo hèn, chỉ gây ra sự chật vật và những ưu tư, nhất là vào quãng đầu. Do ảnh hưởng Thái Âm, cô này là người có nhiều tự ái, có những ý kiến và sở thích riêngHữu biệt nhất định giữ vững, người khác áp đảo vào thì cô cứ lì ra.


Cuộc đời tốt nhất các Song Lộc, thế nào cũng lắm bạc nhiều tiền, nhất là ở hậu vận.


Cái đẹp ở cung số này là sự đúng đắn, chỉ hiềm trắc trở tình duyên trong một quãng thời gian, giả sử lấy chồng trễ hẳn, thì tránh được những chật vật. Nhưng qua một đời chồng hoặc có trắc trở lớn, thì đến đời chồng thứ hai là phải tốt đẹp. Cuộc tình duyên thứ hai này nếu có gặp trắc trở rồi mới hình thành; hoặc chính ông chồng cũng gặp những trắc trở, hoặc là tay biết ăn chơi, thì cuộc tình duyên thứ hai sẽ tốt đẹp, vững vàng. Đó là vì Đào Hoa ngộ Triệt.


Về tử tức, càng muộn con trai càng hay; hoặc sanh con gái trước để nuôi. Cuối cùng cũng được 3 con trai. Cần luận đoán nhiều về ảnh hưởng của Bạch hổ tại cung Tử tức.


Về điền trạch, có nhà cửa đồ sộ (Tử Phủ Vũ Tướng ở Điền).


Gọi là có vài nét đoán, còn chờ các vị cao minh nhận xét thêm để tạo thành một cuộc vui chung cho người khoái Tử vi.




Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga: “Dự cảm về sự ra đi”

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga


38 năm trước, cái chết đột ngột của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga đã làm xôn xao giới nghệ sĩ sân khấu cũng như khán giả ái mộ trong và ngoài nước. Trước lúc án mạng xảy ra, ngôi nhà riêng của Thanh Nga bị rải đầy thư nặc danh với lời lẽ hăm dọa, khiến những ngày tháng cuối đời của nữ nghệ sĩ tài sắc này luôn phải sống trong nỗi lo âu và sợ hãi. Tâm hồn đa cảm của Thanh Nga không ít lần dự cảm được trước về sự ra đi của mình.

Người thân của bà kể lại, một tháng trước khi bị sát hại, Thanh Nga thường hay nói nửa đùa nửa thật về cái chết. Và vào cái đêm định mệnh ngày 26.11.1978, trước giờ diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp Cao Đồng Hưng, Thanh Nga còn nói đùa với em gái Lư Ánh Mai: “Nếu chị chết, Chín phải xức dầu thơm cho chị. Chín phải làm mặt cho chị, đừng để chị xấu”. Không ngờ câu nói ấy lại chính là lời trăng trối cuối cùng trước khi bà vĩnh viễn rời xa thế giới.

Nỗi lo âu bủa vây gia đình Thanh Nga trong một thời gian dài đã kết thúc bằng những tiếng súng đầy oan nghiệt của kẻ bắt cóc, cướp đi sinh mạng của vợ chồng người nữ nghệ sĩ tài hoa. Những người bạn của Thanh Nga cho biết, lúc còn sống bà rất thích một chiếc áo tuồng màu đỏ và muốn khi chết sẽ được liệm bằng chiếc áo đỏ đó. Thật trùng hợp là đêm xảy ra án mạng, nhà nghệ sĩ Thanh Nga bị phong tỏa hiện trường, người nhà không thể lấy quần áo nên liệm bà bằng chính chiếc áo đỏ diễn tuồng mà bà mê mẩn khi còn sống.


Ngày cuối của nghệ sĩ Thanh Nga

Diễn xong vở cải lương "Thái hậu Dương Vân Nga" ở một rạp hát thuộc quận Bình Thạnh, TP H-C-M, ngày 26/11/1978 nữ nghệ sĩ Thanh Nga bước lên chiếc xe định mệnh Volkswagen màu xám nhạt về nhà. Chiếc xe này đưa bà ra đi vĩnh viễn ở tuổi 36, sau phát súng quái ác của một kẻ lạ mặt.

Theo Thanh Niên, người bị hiềm nghi và chất vấn đầu tiên là vệ sĩ Nguyễn Văn Các, 34 tuổi, làm nhiệm vụ bảo vệ Thanh Nga, ngồi cùng xe với bà trên chuyến đi cuối cùng đó, đã trình bày trước cơ quan an ninh: "Tối hôm ấy, chính chồng của chị Thanh Nga, tức đạo diễn Phạm Duy Lân cầm lái. Thanh Nga ngồi băng ghế phía sau với cháu Phạm Duy Hà Linh, tên thường gọi ở nhà là Cúc Cu, 5 tuổi, con của hai người. Xe nổ máy, tôi ngồi cạnh anh Lân, chạy từ quận Bình Thạnh theo đường Đinh Tiên Hoàng hướng về phía ngã sáu Sài Gòn, chỗ có tượng Phù Đổng Thiên Vương, từ từ dừng trước nhà Thanh Nga số 114 đường Ngô Tùng Châu. Tôi xuống trước, định mở cửa xe để Thanh Nga bước ra sau, nhưng khựng lại vì chợt có một chiếc Honda từ đâu phóng tới, dừng gấp trước cổng nghe một tiếng "xẹt", một bóng người vội vã nhảy xuống chìa súng vào gáy tôi, quát: "Đứng im... mày la tao bắn chết".

Hắn đạp người bảo vệ khiến anh Các ngã chúi úp mặt vào trong xe, phía trước, buộc phải nằm im. Chưa kịp hoàn hồn, Các đã nghe tiếng ông Lân kêu lên:

- Đừng có bắt con tôi. Các anh muốn gì thì vợ chồng tôi cũng chịu hết.

Dường như hai bên giằng co nhau rồi một tiếng nổ, giọng Lân thều thào nói với Các: "Các ơi, cậu Ba bị bắn chết rồi" Tiếp đó là giọng Thanh Nga, hoảng hốt:

- Bắn thì bắn chết tôi đi, chớ đừng bắt con tôi.

Mấy giây sau, Các nghe tiếng nổ thứ hai và tiếng cháu Cúc Cu gọi thất thanh ba ơi, má ơi. Một giọng nói lạ vang lên, gấp gáp: "Thôi đi!". Khi ấy, Các có cảm giác không còn bị đè bởi chiếc đệm gối nên đứng dậy thì thấy hai bóng người đi xe Honda kia đang rời khỏi chiếc xe hơi đã gây án. Một tên ngồi lên Honda, do ánh sáng đèn đường lờ mờ nên ông Các không thấy rõ mặt, chỉ nhận ra hắn bận chiếc áo lam nhạt màu. Tên kia cầm súng, nước da ngăm ngăm, để tóc dài, khoảng hơn 30 tuổi, cao chừng thước sáu thước bảy, bận quần đen, áo màu gạch đậm. Bấy giờ tuy đã khuya, ở bên kia đường đối diện với nhà Thanh Nga có hai chị em đang học bài trên lầu khi nghe tiếng nổ và tiếng con nít khóc đã nhìn xuống, thấy hai tên đi xe Honda phóng chạy từ cổng nhà Thanh Nga về hướng ngã sáu Sài Gòn mất dạng. Lúc đó khoảng gần 23h30, hai vợ chồng nghệ sĩ được đưa vào bệnh viện Sài Gòn cấp cứu.

Khi đoàn khám nghiệm đến bệnh viện thì thi hài của hai người đã được đưa vào nhà xác. Do yêu cầu nghiệp vụ, sáng hôm sau 27/11, đại tá Diệu đề nghị khám nghiệm lại, thì thấy tử thi Thanh Nga vẫn mềm dịu bình thường, tử thi ông Phạm Duy Lân (hơn bà 20 tuổi) tay chân đã cứng, Thanh Nga nằm như người ngủ, sắc mặt vẫn tươi đẹp. Ông Lân người cứng cáp, bị một vết thương ở ngực trái, xuyên thẳng hướng tim ra lưng. Cái chết của đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa này chấn động khắp cả nước. Ban chuyên án được thành lập và đặc biệt lưu ý tới chuyện trước hôm bị sát hại, Thanh Nga nhận được lá thư nặc danh đòi thanh toán chị.



Cô đào Thanh Nga thanh sắc vẹn toàn
(tác giả: HoaCai01)

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Nữ nghệ sĩ Thanh Nga là một cô đào nổi tiếng của sân khấu cải lương vang bóng một thời . Cái chết của cô gây xúc động cho nhiều khán giả ái mộ cô .

Nữ, sinh ngày 31 tháng 7 DL Nhâm Ngọ, giờ Dần, mệnh Thái Âm tại Tị .

Chết ngày 26 tháng 11 DL, 1978

Nguyên nhân : bị cướp bắn chết



Gia đình Thanh Nga còn có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như:


Nam Nghĩa (cha dượng)

Bảo Quốc:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Quốc (em cùng mẹ khác cha)

Hữu Châu:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Châu (con của nghệ sĩ Hữu Thìn, anh ruột của Thanh Nga)


Đó là cung Phúc có XK, Quang Quí, Đào Hỉ, Thai Toạ

Thanh Nga có dự cảm về cái chết vì Mệnh Thân bị Linh TInh Hỏa Tinh trùng chiếu .

Tả Phù Hữu Bật nối liền Mệnh Thân nên cô đuợc giới nghệ sĩ tặng cho danh hiệu "Thanh Sắc vẹn toàn" còn cao vinh hơn cả Cải Luơng Chi Bảo Bạch Tuyết vì Thanh Nga có Thiên Việt + Khôi (1). Nghề nghiệp là Quan, có Đào Hồng Hỉ, đắc Lộc Khoa, xuất phát từ phúc tộc nghệ sĩ thì cô lộng lẩy duới ánh đèn màu nhưng Đào Hồng lại trúng sát tinh KK bao vây Thân Mệnh lúc cực điểm vinh quang là lúc mệnh khí đã hết .

DH vào khu vực Sát Phá Tham đều hãm . Các lực luợng có thể cứu giải quá ít :

Triệt đã mờ dần không cản nổi cách Hình MãTang Tuớng là cách tuớng chết vì súng đạn

Trái lại Triệt + Hình càng chặt phá Mộc mệnh thê thảm .

Hai Lộc + Khoa càng nổi danh chừng nào thì không còn gì để giải cứu khi gặp nạn . Có tiền bối cho rằng nếu Thanh Nga chỉ là 1 nghệ nhân bình thuờng ở thôn xóm thì đâu đến nổi chết như vậy .

(1) Phụ mẫu có Tấu Thư (ca, tấu nhạc) Văn Khúc (nghệ sĩ) ắt truyền lại cho Thanh Nga qua ngõ cung Tật .



Cái chết xa nhà

DH vào Tử xung chiếu với Điền . Nhưng nhà của Thanh Nga thuờng là các hotel, các tư gia của các FANS , vậy chết không phải ở tư gia .

Lưu Di = cung Điền đầy di động .

Năm chết 1978 = Mậu Ngọ

Lưu Thái Tuế vào Ngọ: bộ Hình Riêu tác động, gia Kình + Đà, chết vì oan trái, nghiệp báo, cũng bị sát thuơng .

TH vào cung Thìn có Hoá Khoa : nên nhớ Thanh Nga quá nổi danh nên Khoa không còn sức cứu nữa, trái lại đám tang của Thanh Nga gây chấn động, rất nổi tiếng là vì Khoa . 2 Đà + 1 Kình bao vây TH tức bị hình thuơng .

LNDH vào lưu Di gặp Hình Mã Tuớng 2 Tang 2 Hổ : đây là điểm quan trọng nhất giết chết Thanh Nga .

Toàn bộ lực luợng của bộ Lục Bại bao vây cung DH .

Có thể nào nghiệm lý tới tháng, ngày, giờ chết không ? Lưu ý có thể Thanh Nga chết trong giờ Hợi hay giờ Tý của ngày hôm sau (khoảng 11 giờ đêm án mạng xãy ra).

Ngày 26 tháng 11 DL, 1978 = ngày 26 tháng 10, Mậu Ngọ

Nguyệt hạn vào Tuất trúng 2 Đà 1 Kình + Thiên Hình + Lưu Thiên Hình tại Ngọ, toàn là sát hung tinh hành Kim chém mạng Mộc . Cũng nằm trong tam giác bao vây bởi bộ Lục Bại (Tang Hổ Khốc Hư Song Hao).

Thử xem ngày 26 giờ Hợi có chết không ?

Chết 1 lúc với ông chồng Luật Sư khá danh tiếng nổi tiếng tài hoa . Như vậu lúc lấy ông ta, Lưu Phu vào cung Sửu để hứng bộ Cự Đồng gia XK Quang Quí Thai Toạ XK thì chồng thuộc gia đình danh tiếng cũng rất nghệ sĩ vì CỰ Đồng cư Phúc cung của Thanh Nga như đã trình bày ở bài truớc .

Khi DH vào Dần thì Lưu Phu vào Tý cũng là cung Tật Ách có Kình rất ác hiểm .

Nếu chết ngày 26 giờ Hợi thì thời hạn vào cung Tuất, còn nhật hạn vào cung Hợi . Cứu xét thấy cũng khả dĩ chết vì thời hạn trúng Kình Đà 2 Hình .

Nhưng xem ngày 27 giờ Tý thấy đúng hơn .

Nhật hạn vào Tý, thời hạn cũng vào Tý tức 2 Tý xung với lệnh Thái Tuế tức Ngọ là điều ko nên .

Cả nhật hạn và thời hạn đều trúng Thiên Hình từ Ngọ và 2 Kình + 1 Đà tập kích vào cung Tật có ông chồng cư cùng 1 chỗ tức Lưu Phu an Tật .

Như vậy có lẽ ngày 27 giờ Tý là lúc lâm chung của 2 vợ chồng Thanh Nga .

--- FIN ---

HC



Một vài nhận xét về lá số

(tác giả: LienHuong)

Khoan xét tới yếu tố đương số sẽ ảnh hưởng ở ngôi sao nào trong tam phương tứ chính, yếu ố đắc hay hãm, Nữ giới thủ Mệnh ngôi sao Thái Âm đã là một hợp cách. Ngoài ra cung Quan “An Thân” là Dương Lương ngộ Tuần: Xấu hay Tốt còn phụ thuộc vào nội tình bản cung (Dậu) và tam phương, xung chiếu…..



A. Nếu đây là 1 lá số vừa ra đời, người xem tử vi sẽ nói đương số sẽ làm gì?


1. Mệnh có bộ Âm Dương:

- Đó là các yếu tố Tháng, ban đêm, âm thầm, chủ nghe (âm thanh) – Ngôi sao Thái Âm (và còn nhiều nữa);

- Đó là ngôi sao chủ ngày, chủ phô trương, công khai, chủ nhìn (mắt) – Ngôi sao Thái Dương;

Nếu chỉ nhìn tới đây thôi, thì chỉ có thể nói người này sẽ làm công việc gì đó: có thể là âm thầm, có thể là công khai, có thể làm ban đêm….Nói chung là không nhận xét được gì cả…, xét thêm:

2. Cung An Thân:

- Mệnh có Thái Âm, cung An Thân có ngôi sao Thanh Long: đây là người có thiên phú cho 1 giọng hát hay.

- Cung An Thân có Hóa Lộc (tuổi Nhâm Lương hóa Lộc): ngôi sao Thiên Lương là ngôi sao phô bày, trình diễn để sinh ra Lộc.

Xét thêm:

+ Bộ Linh Hỏa: Như tôi đã hơn 1 lần về bộ sao này nay xin nói thêm đôi điều về nó.

- Là bộ sao sẽ rất hợp cách khi đi với Tham Lang, Tử vi;

- Đây là bộ sao đa nghĩa: lạnh – nóng (tính khí), điên, nổi giận,nồng nàn, lạnh nhạt….Hỏa Tinh thiên về lửa, Linh Tinh thiên về điện….còn rất nhiều nữa không tiện liệt kê cũng như nó có ý nghĩa gì phụ thuộc vào sao đi kèm.

o Linh Tinh: đây là ngôi sao Linh cảm, linh ứng………và còn là vì sao sáng khi đi chung với cát tinh hợp cách;

o Linh Tinh là ngôi sao diễn viên khi nó đi với các ngôi sao như: Hồng Loan, Tấu Thư, Đào Hoa nhất là có Thiên cơ, Vũ Khúc. Là siêu sao, hay vì sao sáng, sao mờ tuỳ thuộc vào chính tinh và Linh Tinh đắc hay hãm địa và nhóm sao Khôi Việt và Tam HOÁ chủ thành đạt.

Ở đây, chủ nhân lá số có đủ cả các yếu tố để trở thành một ngôi sao sáng: Khôi Việt, Hóa Lộc và hạn kỳ lá số để dương danh.

o Linh tinh: còn có nghĩa là ngôi sao rụng, linh hồn người đã chế khi vào vận hạn ĐỦ XẤU – Linh Tinh còn gọi là ngôi sao Yều! Có người còn nói Mệnh Thân có ngôi sao này khi chết sẽ rất Linh (có trời mới kiểm chứng được.

§ “LINH phùng SÁT PHÁ hạn hành.

Văn Vương xưa cũng giam mình ngục trung”.

+ Một chữ Tuần Trung ở cung Quan: một không gian giới hạn để trình diễn, buồn – vui, khóc – cười chỉ những người bên trong chữ Tuần thưởng lãm.

+ Tam Không ngộ Kiếp Linh:

o Bộ Âm Dương ngộ (Địa) Không: lợi cho các ngành nghề nghiên cứu, báo hiệu một khả năng không giới hạn (như bình thường). Nói nôm na nó như một khoảng không bao la không bến bờ, một sức sáng tạo (sáng tạo gì còn tùy thuộc vào sao kèm theo), nhưng Âm Dương tối kỵ ngộ Tam Không + Kiếp mà ở đây:

o Cung an Thân có Tuần trung không vong, Địa Không, xung có Triệt lộ không vong và Kiếp nhờ Tuần kéo về. Đây là 1 cách cục cự kỳ xấu, một báo hiệu cho đương số không có sự phục vụ của thân xác (1)

3. Một số nhận xét thêm về Mệnh Di:

- Mệnh Âm Dương Lương + Thanh Phi Phục, Thiên Di cung là Cơ Cự Đồng ôm trọn bộ Linh Hỏa, bộ Đào Hà Sát + Thiên Mã + Lộc Tồn:

o Bộ Lộc Phi – Khi Phi Liêm tọa mệnh: đó là Mệnh có Phi và Thiên Di cung có Lộc Tồn à sự may mắn trời cho của số mệnh.

o Bộ Đào Hà Sát à giành được, đoạt được hay bị giành, bị đoạt khi ra ngoài. Một cánh hoa lưu lạc (Đào Hà).

o Hỏa Linh: một báo hiệu xấu khi số Mệnh chọn con Thiên Cơ + Đào Lộc Tồn để dương danh, để mọi người tưởng nhớ, tiếc thương Khôi Việt, và Tồn Tướng Ấn. Vì bộ Cơ Nguyệt Đồng Lương tối kỵ Hỏa Linh. Ngoài ra, dấu hiệu ở Mệnh Di còn là đa đoan trong cuộc sống tình ái.



Trở về với Tiêu đề mục A:



Nếu đây là là một lá số của A, B nào đó không phải là Nghệ sĩ Thanh Nga, vậy con đường đi họ sẽ là gì?

Thật khó nói trước con đường đi của một ai đó khi “chính bản thân ta nào biết mai sau ….thế nào?” nhưng ở góc độ Lý (trong chữ lý số nghĩa Việt Nam):

- Nếu chủ nhân lá số là một người Đầu Bếp, và sẽ là một Đầu Bếp có danh thì biết đâu không bị kiếp nạn “Đào hoa bạc mệnh”!



B. Trở về với năm, tháng, ngày định mệnh:



Quan điểm an Khôi Việt của người viết: tuổi Nhâm Khôi ở tỵ, Việt ở Mão và một số khác biệt ở tuổi khác…..



Đại hạn định Mệnh của lá số ở cung Tử có cách SPT, như ta đã biết: các cách cục Âm Dương, Cơ nguyệt Đồng Lương hạn kỳ đến SPT đều mệt mỏi (khoan bàn xấu tốt). Ở đây chủ nhân lá số Âm + Linh hạn ngộ Sát Phá Tham + Đại Hình + Bạch Hổ có Đà.



Năm Mậu Ngọ - Tham Nguyệt Bật Cơ; Lộc Tồn ở Mệnh cố định và



- Gốc Đại hạn: là Sát Phá Tham ngộ Lưu Kình Linh Hình bạo ngược…hội cùng Cơ Kỵ Hỏa. Tỵ Dần Lục hại hội cùng Âm Linh + SPT + Đại Hình + Bạch Hổ cố định.

o Lưu Việt (tại sửu)Lưu Tuần Triệt + Tồn Kiếp + Địa Không: Việt Triệt báo hiệu sự vượt thoát nhưng ở đây Việt Triệt + Sát tinh: không thể vượt thoát. Nếu xem cung Đại hạn như “hoàn cảnh cung Mệnh” thì Tỵ Dậu Sửu là hình ảnh “hoàn cảnh” cung Tật Ách

- Tiểu hạn tại Thìn – Thiên La:

o là Tang Hư Khách ngộ Đà Xương La nguy hiểm với người có Linh để hình thành cách Linh Xương La + Mã Đà. Tương tự trên thì đây là “hoàn cảnh cung Di”. Thân Hợi lục hại. Lúc này “hoàn cảnh cung Tử là Cơ Hỏa Lưu Thanh Phi Phục+ Đào Hà sát cố định gặp Lưu Đào Sát có Lưu Hà xung;

- Tháng Quý Hợi, lần lượt là hình ảnh của Đại, Tiểu hạn, hạn tháng, ngày:

o Đại hạn: Đó là Âm Linh ngộ SPT + Hình cùng các sao Lưu Cô Quả + Thanh Phi Phục

o Tiểu hạn: Đào Hà Sát cùng ngôi sao Tử vi ngộ Tuần + Triệt

o Tháng: Bộ Lưu Đà Khôi Hỏa (cố định) + Lưu Việt Mã + Âm Linh (cố định) xung.

o Ngày Quý Tỵ:

§ Lưu Việt ngày (+ Việt tháng) + Âm Dương Lương + Linh cố định hội Đại Không Kiếp có Cơ Hỏa + Lưu Đà, lúc này tại:

§ Tiểu hạn tại Thìn: là bộ Tướng Ấn + Cô Quả;

§ Gốc Đại hạn: SPT + Hình + Thanh Phi Phục + Lưu Đào Hà Sát



Nhận xét: chủ nhân lá số hạn kỳ vào SPT + Hình Mệnh có Khôi Linh hạn kỳ như đã phân tích: từ “ kịch bản tổng thể” Mệnh – Tài – Quan, đến “kịch bản phân cảnh” Đại – Tiểu hạn – Tháng – Ngày đều hội đủ cách cục: Âm Hỏa Linh Hình Việt do Đào Hà Sát Phục từ bên ngoài tác động vào à sẽ bị hình thương!


Câu hỏi đặt ra: trong một trận đánh bao binh sĩ bị thương nhưng có người chết, người bị tàn tật vì một phát súng…..Vậy yếu tố chết của lá số là ở đâu?


Đó chính là cung An Thân cát hung tương bán, một cung Di Cơ Tồn Hỏa, một đại hạn SPT, mà vó câu cuộc đời lại nằm ở tam giác cung Ách Tuần Kình Mã Hình + Cô Quả + Khốc Hư. Tuy được bao người ngưỡng một (Phượng Tang) cũng là hình ảnh bao người tiển đưa khóc than.


Nhưng quan yếu vẫn là cung An Thân:

Một chữ Tuần như vòng ngắm của khẩu súng:

- Đó là Tuần Kiếp Không + Âm Dương xung là Đào Triệt để dủ tam không ngộ Kiếp. Như đã trình bày ở trên bộ Âm Dương tối kỵ Tam Không, ở đây còn ngộ Phục Kiếp Linh để thêm lời khẳng định;

- Bộ sao Thanh Phi Phục là bộ sao hòa bình khi đi với Cơ Nguyệt Đồng Lương nhưng số phận khéo an bài khi hạn kỳ vào Sát Phá Tham ngộ Hình. Bộ Phi Lộc (xung) có Đào là hình ảnh người được hưởng ân sủng Thiên Lộc thì nay thành tiếng nổ (Âm + Thanh Phi Phục Linh Hỏa) của bọn người Phục Kiếp.

- Nữ Mệnh, Âm Dương Lương hiền hòa hạn kỳ Sát Phá Tham không có sát tinh còn bị chèn ép huống chi đây là Hình Kình Linh chi ngược.

- Ngôi sao Hỏa, Linh Tinh + Khôi Việt: một ngôi sao trên sân khấu sáng rực nay hạn kỳ Trở thành linh hổn (Việt Linh), một ngôi sao rụng giữa lúc nó sáng nhất.

- Một cung Di như sự lựa chọn bất hạnh hay hạnh phúc (thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt) Ngoài đời có câu: “Thân gái 12 bến nước” thì đây, bến nước cuộc đời của lá số là con sông Lưu Hà, ở đó, cánh Đào Lưu trôi giạt để người đời sau luôn tưởng nhớ đó là Đào Tồn Tướng Ấn? Rồi hạn định sưu tập đủ: SPT ngộ Hỏa Linh Hình khi có bộ sao lựa chọn Đào Hoa, ngôi sao kích hoạt Thiên Việt (phát sinh, xảy ra….).

Vậy cùng một sự việc hãy nhìn cung An Thân cố định và hình ảnh cung an thân hoàn cảnh mà xác quyết Tồn hay Vong!


Không thể viết trọn, một chút góp vui cùng mọi người!

Thanked by 2 Members:

#2 PhuocBao

    Hội viên

  • Hội Viên mới
  • Pip
  • 180 Bài viết:
  • 247 thanks
  • LocationNgôi nhà to ngoài mặt phố

Gửi vào 12/10/2011 - 15:38

THANH NGA - số phận, tình duyên


HUỲNH CÔNG MINH - NGUYỄN PHƯƠNG

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

(cổ thi)

Bài viết này chỉ là những nét điểm xuyết về cuộc đời của một nghệ sĩ nổi danh tài sắc, từng được các ký giả kịch trường thời ấy tôn vinh là “Nữ hoàng sân khấu”. Nhưng cũng vì quá nổi tiếng, quá đẹp, quá tài danh nên cô cũng nếm trải nhiều hệ lụy, đa đoan…

Tác giả Nguyễn Phương là soạn giả của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, theo sát đoàn trong nhiều năm, nên những tư liệu anh cung cấp về Thanh Nga là sự trải nghiệm và cảm xúc của anh khi cùng làm việc với cô. Đây là những dòng viết đầy sự trân trọng và yêu thương với một nghệ sĩ mà anh vô cùng yêu dấu…

Tác giả Huỳnh Công Minh từng được bà bầu Thơ giao trách nhiệm chụp ảnh cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga (TMTN) trong suốt hơn chục năm, nên cũng giống như Nguyễn Phương, anh có điều kiện gần gũi và có một cái nhìn khá khách quan về nhiều sự kiện quanh Thanh Nga thời ấy. Về mối tình lãng mạn của Thanh Nga với Tài (Hai Vũ), trong đoàn ai cũng biết, nhưng mối tình lãng mạn với soạn giả Hà Triều thì đây là câu chuyện thầm kín giữa hai người mà nhiều năm sau Hà Triều mới thổ lộ cùng Huỳnh Công Minh. Thiển nghĩ đây cũng là một mối tình đẹp và tôn tạo thêm nhân cách của người nghệ sĩ tài danh này… nên chúng tôi cũng đăng tải để bạn đọc hiểu thêm Thanh Nga…

Kỳ 1

Mối tình đầu

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Thanh Nga lúc 14 tuổi

Khi Thanh Nga lên đến đỉnh đài danh vọng, biết bao chàng công tử hào hoa trong giới giàu sang, quyền thế bắt đầu làm quen, mong làm chủ đóa hoa tài sắc nhưng dường như danh vọng ngày càng cao thì hệ lụy càng nhiều?….

Năm 1959, sau khi Thanh Nga nhận được Huy chương vàng giải Thanh Tâm, hằng đêm có một chàng tự nhận là vô danh, đem đến phòng vé đoàn TMTN, một đóa hồng nhung rực rỡ gửi tặng Thanh Nga… Cả tháng trời liên tục, buổi sáng khi tập tuồng và buổi tối trước khi tập hát, hoa hồng vẫn được gửi đến Thanh Nga trong sự im lặng. Lúc đầu Thanh Nga không quan tâm đến vì khán giả gửi thơ và tặng quà cho cô rất nhiều. Có những món quà rất đắt tiền như nữ trang, y phục thời trang… nhưng một đóa hồng nhung đều đặn mỗi sáng mỗi tối là điều khiến cho Thanh Nga phải thắc mắc, tò mò.

Bà Bầu Thơ nói với tôi: “Chú Ba, chú để ý dùm coi ai đã gửi tặng hoa cho Thanh Nga. Khi gặp, chú mời vô sân khấu cho Thanh Nga nói cám ơn. Làm thinh hoài, người ta nói là con Nga nó làm phách”.

Trong khoảng thời gian này, tôi đối với gia đình Thanh Nga gần như người trong thân tộc. Vợ tôi thay mặt Thanh Nga đọc hàng trăm thư và trả lời thay cho Thanh Nga, Thanh Nga chỉ ký tên và với những người quen biết thì vợ tôi phác thảo bức thư trả lời, Thanh Nga chép lại và ký tên. Không phải Thanh Nga coi thường khán giả nhưng nếu mỗi ngày phải đọc và hồi âm vài trăm bức thơ đó cũng đủ kiệt sức chết rồi, thì giờ đâu để học tuồng, thì giờ đâu để nghỉ ngơi hầu tối đến đi hát? Do đó vợ tôi bỗng trở thành thư ký riêng của Thanh Nga. Thanh Nga hỏi tôi người tặng hoa hồng nhung có ngụ ý gì? nếu yêu thì phải có vài chữ nói rằng yêu, nếu chỉ là hoan nghênh nghệ sĩ thì chắc là không phải. Tôi đưa tiểu thuyết Trà Hoa Nữ bảo Thanh Nga đọc thì sẽ hiểu.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


TNga (16t) trong vai hoàng hậu Mã Nhi Nương Bửu

Vào một tối thứ bảy đẹp trời, anh chàng si tình lại mang hoa đến tặng Thanh Nga, tôi chờ sẵn và mời anh theo tôi. Anh có vẻ bỡ ngỡ, nhưng tôi săn đón mời mọc chân tình, anh bèn theo tôi vào hậu trường. Đó là một chàng rất đẹp trai, mặc âu phục sang trọng. Khi gặp bà bầu Thơ và Thanh Nga, anh tự giới thiệu tên Nguyễn Văn Tài bí danh là Hai Vũ, tốt nghiệp bằng Cao học Thương mãi ở Pháp, hiện là chủ nhiệm báo Phòng Thương mãi Sài Gòn. Anh Tài lúng túng không biết khởi đầu câu chuyện với Thanh Nga như thế nào. Thanh Nga tinh nghịch hỏi: Bộ anh Tài có kiosque bán hoa hả?.

Tài bất ngờ trước câu hỏi của Thanh Nga nên vội vàng đính chính: Tôi… tặng hoa là vì…, rồi anh xoa xoa hai tay, ngượng ngùng, không biết nói gì nữa.

Thanh Nga lại nói: “Nga đâu phải là Trà Hoa Nữ mà mỗi ngày anh Tài tặng Nga một đóa hồng? Đời của Trà Hoa Nữ buồn thảm lắm, Nga không muốn đời Nga giống như Trà Hoa Nữ đâu…”

Tài đỏ mặt bối rối xin lỗi và đứng ngây người trước vẻ nhí nhảnh của cô gái. Bà Bầu Thơ tế nhị, nói xen vào:

“Chú Ba, chú ghi hai số ghế rồi chú nói với cậu Tài xuống khán phòng xem Nga hát”. Rồi bà quay sang Tài, nhỏ nhẹ: “Cháu đừng tặng hoa mỗi ngày, mất công lắm. Cháu thích xem Thanh Nga hát thì bác mời cháu mỗi đêm đến xem, vậy được hông?”.

Sau buổi đầu gặp gỡ. Thanh Nga rất có cảm tình với Tài, thấy anh có vẻ rất thành thật và lãng mạn, giống như những nhân vật mà Nga đọc trong tiểu thuyết. Tài có nhiều dịp đến sân khấu, xem Thanh Nga hát, thỉnh thoảng góp ý với bà bầu Thơ về việc quảng cáo của đoàn hát hay về tuồng tích, về diễn viên…

Tình cảm của Thanh Nga vừa chớm nở thì bỗng nhiên Tài mất tích. Sau hiểu ra mới biết Tài là Đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp, về Việt Nam hoạt động bị lộ, kịp thời vô khu. Và cũng bắt đầu từ đó, dù không còn nhìn thấy bóng dáng người xưa, nhưng trên bàn phấn hóa trang của Thanh Nga, mỗi đêm đều có một đóa hồng nhung… do cô tự đặt mua cho chính mình để nhớ người đi xa.

Thời gian này cô vào vai Loan trong vở Đoạn tuyệt, mối cảm hoài sâu kín của cô trong đoàn ai cũng hiểu, dù không ai nói ra. Nhân vật Loan đã vận vào cuộc đời cô, và có lẽ cô đang tự ví mình như Loan và Tài là Dũng, người con trai đã gạt bỏ tình riêng để đi theo nghĩa cả. Và Thanh Nga lần đầu tiên đã trải lòng mình trong những câu thơ đầy ý nghĩa đăng tải trên tập Giai phẩm của đoàn Thanh Minh Thanh Nga lúc bấy giờ:


Một ngày xa lắm

Một sớm xa rời miền cát trắng
Bùi ngùi trông lại hướng rừng xanh
Nửa tình lưu luyến chân mây ấy
Còn nửa theo tôi đến thị thành.


Tôi dẫm chân lên giữa bụi đời
Nào biết ra sao tự ý trời
Những lúc tưởng mình vui hạnh phúc
Nào ngờ ray rứt trái tim côi.


Đọc mấy lời thơ gửi đến tôi
Bao nhiêu sầu mộng ý xa xôi
Buồn thương khó thốt nên lời lẽ
Vì cánh chim xanh rẽ lối đời.


Bên gối tôi thương đấng mẹ hiền
Nửa đời sương phụ lỡ làng duyên
Vì con, mẹ giữ tròn danh tiết
Và cũng vì con gánh lụy phiền


Rồi đây giữa biển đời giông tố
Ai lái con thuyền tiếp mẫu thân
Ai xẻ ngọt bùi lau nước mắt
Cho lòng mẹ vợi chuyện phong trần


Từ đây em ép lòng xuân lại
Vì đám em thơ, đấng mẹ hiền
Ai đó yêu em xin ráng đợi
Một ngày xa lắm… mới nên duyên.


Một ngày xa lắm ấy đã không đến với người con trai đi làm cách mạng còn gửi lại tình yêu cho nàng. Theo lời của Chí Tiên, em út Thanh Nga kể lại: “Trong những mối tình của chị ba, mà tụi em có dịp được chị ba kể cho nghe, Tài là người được chị kính trọng nhất, bởi anh ấy đã xem nhẹ tình riêng trước nhiệm vụ cao cả mà anh đã chọn là tình yêu Đất nước; chị đã thật sự xúc động và khóc nhiều khi nghe anh đã hy sinh trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng…”

Hồng nhan đa truân

Cậu Ba Th., con của bà chủ bút báo Sài Gòn Mới rất say đắm Thanh Nga. Khi ông bầu Nghĩa mất, ông có để lại vở tuồng Thầy cai Tổng Bồi. Bà Bầu Thơ cho dàn dựng vở tuồng này trong dịp giỗ đầu của chồng. Để lấy lòng Thanh Nga và bà bầu Thơ, cậu Ba Th. kéo nguyên một “ê kíp” chuyên viên của nhật báo Sài Gòn Mới tới giúp việc dàn dựng tuồng này.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


TNga - Phùng Há - Năm Châu trong vở Vợ và tình, soạn giả Năm Châu

Anh Hồng Sơn, phụ trách trang kịch trường của tờ báo, chịu trách nhiệm quảng cáo tuồng, viết nhiều bài báo, đăng nhiều kỳ để quảng cáo Thanh Nga và ngợi khen tài điều khiển gánh hát của bà bầu Thơ. Hai anh họa sĩ tài ba nhất của tờ báo là họa sĩ Phan Phan và Lê Minh tới giúp vẽ quảng cáo “mặt tiền” và vẽ tranh cảnh. Anh Lâm Kế Nghiệp, con của nhà thuốc tây Lâm Kế Tổ, gần rạp Quốc Thanh, bạn học của Ba Th. tới giúp hóa chất để làm mây, khói thay cho việc sử dụng ánh đèn như từ trước đến nay. Mọi chi phí do cậu Ba Th. lo hết. Và để bảo đảm tuồng ăn khách, Ba Th. bỏ tiền ra mua toàn bộ vé hát trong một tuần lễ đầu để phát cho nhân viên của tờ báo Sài Gòn Mới.

Đêm đêm Ba Th. tới hậu trường gánh hát TMTN, ngồi kế bà bầu Thơ, hoặc kế bên bàn phấn hoá trang của Thanh Nga chuyện trò và sẵn sàng chi trả mọi chi phí liên quan tới vở tuồng, nhưng toàn bộ tiền thu của đêm hát vẫn thuộc về bà bầu Thơ. Tất nhiên, mọi người đều hiểu vì sao mà cậu Ba Th. làm như vậy…. Nhưng dù được giúp đỡ hết sức nhiệt tình như vậy, bà bầu Thơ vẫn lặng thinh, đêm đêm ngồi ăn trầu, xỉa thuốc nhìn về phía Ba Th. để coi anh ta hành động ra sao, xử sự với anh em trong gánh hát như thế nào. Còn Thanh Nga, chỉ sau tuần lễ đầu, cô đã tỏ ý khó chịu vì cung cách vung tiền ra với thái độ “bầu gánh” của anh. Ba Th. tặng cho Thanh Nga rất nhiều món quà đắt tiền từ nữ trang, dàn máy hát stéréo hiệu National đến tủ áo, máy lạnh…

Có một hôm Ba Th. ngồi kế bàn hoá trang của Thanh Nga, tôi và Lê Khanh bước vào, Lê Khanh tính hay ồn ào, thấy mỗi ngày Thanh Nga vẫn có một đóa hồng nhung để trên bàn phấn, anh ta hỏi:

- Ủa! Thanh Nga vẫn thích hoa hồng như trước à?.

Thanh Nga cười: - Dạ… “Người ta” tặng cho con một đóa hoa hồng, của ít thôi mà sao con không quên người ta được…

Đêm đó cậu Ba Th. có vẻ thấm đòn… “Người ta tặng ít thôi mà Thanh Nga không quên… còn cậu ta tặng nhiều quá, sao Thanh Nga không để ý?”. Về nhan sắc, ai cũng công nhận Thanh Nga có một sắc đẹp hiền hòa, não nùng, sang cả ngoài đời cũng như trên sân khấu. Các em học sinh đến rạp xin ảnh, xin chữ ký của Thanh Nga, có em nói: - Chị Nga đẹp quá, chị đẹp như bà tiên trong truyện cổ tích. Thanh Nga cười, nói không thích làm bà tiên. Các em hỏi tại sao? Nga nói - Vì chị sợ già. Bà tiên thì chắc phải già lắm. Các em nói: - Ừ phải! Chị làm chị tiên của tụi em.

Thường xuyên trên các bìa báo, đặc san, lịch đăng ảnh Thanh Nga rất nhiều. Trong công chúng, Thanh Nga là một ngôi sao đặc biệt được cả giới trí thức và bình dân ngưỡng mộ. Từ thành thị đến thôn quê, gần như đi đâu tôi cũng thấy ảnh cô được lồng khuôn, treo trang trọng trong nhà.

Vì vậy, vào thời đó, không ai lấy làm lạ khi biết nhiều sĩ quan cao cấp, nhiều công chức cao cấp, nhiều triệu phú đắm say theo đuổi Thanh Nga.

Nhưng hồng nhan đa truân! Chuyện tình duyên của Thanh Nga gặp nhiều trắc trở. Những ông có địa vị quyền thế cao sang đeo đuổi Thanh Nga thì hầu hết là những người đã có gia đình, vợ con đùm đề… Thanh Nga tiến tới không được, mà từ chối quyết liệt cũng không phải dễ. Bà bầu Thơ sợ Thanh Nga sẽ phải hứng chịu những trận đòn ghen tàn nhẫn như cô vũ nữ Cẩm Nhung đã bị, nhưng không tiếp những người có quyền thế hàng đêm lảng vảng nơi hậu trường gánh hát theo đuổi Thanh Nga thì bà lại sợ… vì bà thừa biết làm mất lòng các ông tướng thời ấy, thì cầm chắc là đoàn hát của bà sẽ khó lòng mà đứng nổi. Bà chỉ cầu mong Thanh Nga có một người chồng bình thường như bao cô gái khác.

Đời tư của nghệ sĩ nổi danh thường bị các ký giả đưa lên báo, gây dư luận. Nhưng riêng Thanh Nga thì lúc đó không có tờ báo nào đề cập tới đời tư của cô. Cô hát hay quá, cô đối với mọi người thật từ tốn, dễ thương. Người ta cũng có cảm tình yêu thương cô và mẹ cô, ai cũng muốn bảo vệ cho cô và mọi người đều thông cảm rằng Thanh Nga đang ở vào một vị trí tế nhị, khó xử và mọi việc xảy ra đều ngoài ý muốn của cô và gia đình cô. Nhưng phải công tâm mà nói, không ai biết đích xác “ông nào” mới thật sự được Thanh Nga đáp lại tình yêu, vì cô không hề đi chơi riêng với bất cứ người nào.

Từ năm 1961, các nghệ sĩ tiên phong như Phùng Há, Năm Châu, Kim Cúc, Thanh Loan trực tiếp dạy cho Thanh Nga ca diễn nên Thanh Nga càng sáng chói trên sân khấu qua các vai: Mã Nhi Nương Bửu trong tuồng Gió ngược chiều (Hữu Phước vai Duy Bạt), vai Loan trong Đoạn tuyệt (Thành Được vai Dũng, Việt Hùng vai Cậu ấm Thân), Điêu Thuyền trong Phụng Nghi Đình

Diễn viên đoàn Thanh Minh Thanh Nga lúc này thật hùng hậu, dàn kép trẻ có các giọng ca vàng như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Thanh Tú; các cô đào đẹp, ca hay, diễn giỏi có Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Bích Sơn, Thanh Thanh Hoa, Mộng Tuyền… Diễn viên dàn bao có những ngôi sao như: Hoàng Giang, Việt Hùng, Minh Điển, Văn Ngà; diễn viên hề có Kim Quang, Bảo Quốc, Ba Vân, Châu Hí. Lại gặp lúc Hà Triều Hoa Phượng về đưa một loạt tuồng: Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Đêm vĩnh biệt, và một số tuồng xã hội nổi tiếng của Hoàng Khâm, Nguyễn Phương, Kiên Giang, Thiếu Linh, Lê Khanh, Mộc Linh… Thanh Nga lúc nào cũng thủ vai chính, các diễn viên xuất sắc khác bao quanh, đưa cô lên đến tột đỉnh vinh quang. Thanh Nga càng đẹp, càng nổi danh thì những anh chàng si tình càng đổ xô tới, đua nhau cống hiến tiền của, nữ trang, quà cáp, cung phụng mọi nhu cầu.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


TNga trong vở Người yêu của hoàng thượng

Có kẻ cho kiến trúc sư và thợ thuyền chở xi măng, sắt, cát đến xây cất lại căn phòng của Thanh Nga trên lầu 4, nhà bà Bầu Thơ ở số 240 ter đường Trần Hưng Đạo. Có người bỏ tiền ra, thuê người trang trí toàn bộ phòng riêng của Thanh Nga. Tiệm may áo dài ở đường Tạ Thu Thâu, tiệm giày dép ở đường Lê Thánh Tôn, tiệm uốn tóc ở đường Trần Hưng Đạo, viện thẩm mỹ chăm sóc sắc đẹp phái nữ ở Tam Đa, đều góp phần chăm sóc sắc đẹp Thanh Nga miễn phí, hãng kem Hynos tặng hàng ngàn cây kem đánh răng để đoàn Thanh Minh Thanh Nga tặng cho khán giả. Người này đến với Thanh Nga vì mê tài sắc, kẻ khác đến để lợi dụng quảng cáo cho món hàng sản xuất của mình, ai đến cũng mượn màu si, mê, vàng thau lẫn lộn.



Tác giả Huỳnh Công Minh từng được bà bầu Thơ giao trách nhiệm chụp ảnh cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga (TMTN) trong suốt hơn chục năm, nên cũng giống như Nguyễn Phương, anh có điều kiện gần gũi và có một cái nhìn khá khách quan về nhiều sự kiện quanh Thanh Nga thời ấy. Về mối tình lãng mạn của Thanh Nga với Tài (Hai Vũ), trong đoàn ai cũng biết, nhưng mối tình lãng mạn với soạn giả Hà Triều thì đây là câu chuyện thầm kín giữa hai người mà nhiều năm sau Hà Triều mới thổ lộ cùng Huỳnh Công Minh. Thiển nghĩ đây cũng là một mối tình đẹp và tôn tạo thêm nhân cách của người nghệ sĩ tài danh này… nên chúng tôi cũng đăng tải để bạn đọc hiểu thêm Thanh Nga…


Những phút lãng mạn

Năm Thanh Nga 24 tuổi (1966), trong một dịp đến bàn chuyện tuồng tích với bà bầu Thơ tại nhà riêng ở số 240 ter đường Trần Hưng Đạo, bất ngờ soạn giả Hà Triều được nghe bà kể những dư luận đồn đãi về Thanh Nga từ những năm sau này khi có nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội Sài Gòn và các doanh thương, công kỹ nghệ gia giàu sụ… lui tới thăm đoàn - Hà Triều, có tin lời thím không? Thanh Nga bề ngoài có vẻ như “vui vẻ” với bao nhiêu người lui tới cầu thân… nhưng thím nói thật với Hà Triều, Thanh Nga cho tới giờ phút này vẫn là đứa con gái trong trắng chứ không phải như bao nhiêu kẻ ác mồm, ác khẩu vẽ vời thêu dệt…

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Từ trái qua: Tám Vân, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được trong vở Đoạn tuyệt. Soạn giả: Duy Lân

Hà Triều kể lại đã có đôi lần giữa anh và Thanh Nga “đụng độ” như trong một chuyến lưu diễn ở Đà Nẵng. Không biết vì giận hờn ai mà Thanh Nga không chịu ca bài “Lý giao duyên” vô câu đầu trong một buổi tập tuồng do Hà Triều đứng tập. Thấy nhạc sĩ đánh đàn cứ “rao đi rao lại” chờ, mà Thanh Nga không “bắt” lời ca vào, Hà Triều gắt: - Sao không ca… ỷ con bà bầu hả? Thanh Nga khóc ngon lành trong buổi tập sau câu nói của Hà Triều. Vậy mà thay vì phiền hà, bà bầu Thơ lại bộc lộ sự “hài lòng” về chuyện Thanh Nga “nhõng nhẽo” đã bị Hà Triều mắng thẳng tay.

Hà Triều có tài bấm số tử vi, và anh đã được người đẹp nhờ bấm dùm lá số tử vi cho nàng. Lá số tử vi của Thanh Nga đã “hiện” lên rõ ràng: Người chồng đầu tiên của nàng là người đã có gia đình. Đắn đo, suy nghĩ mãi rồi Hà Triều vẫn phải báo tin cho Thanh Nga biết: - Cung phu em xấu lắm. Hà Triều không dám “giải” tiếp trong khi Thanh Nga vẫn thản nhiên vui vẻ vì tưởng anh chỉ phá chơi. Khi nghe Hà Triều bình tĩnh cho biết lời giải ấy là nghiêm túc, Thanh Nga bàng hoàng ôm mặt và ngã người xuống chiếc ghế đối diện với Hà Triều khóc nức nở, và trong tiếng nấc nghẹn ngào, Thanh Nga nói: - Em có tội tình gì mà định mệnh lại bắt em như vậy…?


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Thanh Nga trong Đại hội Sân Khấu năm 1964

Sau này, trong một phút cảm hoài, Hà Triều đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất lãng mạn giữa anh và Thanh Nga: Sau khi được tôi đến… báo hung tin về “vận mệnh” và “cuộc đời tình ái” của nàng đã thể hiện qua lá số tử vi, Thanh Nga chưa có phản ứng gì khác, cô vẫn kín đáo như từ lâu nay đối với tôi trước mặt mọi người. Mãi đến khi tôi nhận được lá thư do người giúp việc của nàng đích thân cầm đến trao tận tay tôi và bảo: - Cô ba gửi cho anh. Cầm lá thư đầu tiên của Thanh Nga gửi cho tôi, tôi ngạc nhiên tự nhủ chuyện riêng tư mà nàng để cho người giúp việc biết, chắc không có gì quan trọng, nên tôi chưa vội xem, mà xếp lại cho vào túi.

Về đến nhà – lúc đó tôi ở chung với vợ chồng Hoa Phượng tại một vi-la thuê ở đường Cô Giang, Q.II (Quận I bây giờ) sau khi vào phòng riêng tôi mới xem thư. Tôi ngạc nhiên đến bần thần cả người vì trong thư chỉ thấy vỏn vẹn có tờ giấy trắng tinh xếp làm tư, không có chữ nào, một chiếc lá khô nho nhỏ được dán vào giữa tờ giấy và bên dưới chiếc lá khô có chữ ký của nàng… Thanh Nga.

“Tờ giấy trắng… và chiếc lá khô” nằm trong bao thư ấy đã nói lên ý nghĩa gì? Thật là một lá thư độc đáo khiến cho tôi nhớ đến “Lá thư bất hủ” của văn hào Pháp Victor Hugo gửi cho nhà xuất bản: chỉ có một dấu chấm hỏi (?).

Thành Được - Mối tình Sân khấu

Trung tướng T.V.Đ., Thiếu tướng Đ.M., Đại tá L.S. (sau lên chuẩn tướng), Thiếu tá Tr. (em vợ đại tướng C.V.V), Đại úy Quân y H.B.T., Đại úy biệt động quân M (em út của đại tướng D.V.M) là những nhân vật võ biền “có tầm cỡ” lần lượt bị cuốn hút vào thế giới ánh đèn màu. Ấy vậy mà với Thanh Nga, kẻ trước người sau… lần lượt “rút lui có trật tự”. Chỉ còn một người “gan lỳ” quyết đeo bám chờ đợi, đó là Đại úy Mẫn.

Song song với các tướng tá nhà binh tìm đến đoàn hát, Thanh Nga còn được nhiều nhân vật tên tuổi giàu sụ trên các lĩnh vực khác đến “cầu thân” như cậu Th. con trai của chủ một tờ báo lớn ở Sài Gòn; cậu B. em của ông chủ hãng đĩa Asia; cậu Ngh. giám đốc của một hãng kem đánh răng lớn nhất ở Sài Gòn; ông N.T.L. chủ hãng xe đò T.T. và cây xăng lớn trên đường Trần Hưng Đạo… Nhưng “nổi cộm” hơn hết trong giới tài phiệt kể trên quyết chiếm cho bằng được trái tim của Thanh Nga chỉ có hai người là: con của ông bà chủ báo và giám đốc của hãng kem đánh răng “Ông Chà Và”.

Cậu Ngh. đã chính thức cầu hôn với Thanh Nga và bà bầu Thơ có ý thuận lòng. Nhưng sau đó các “thám tử” của Thanh Nga báo lại cho nàng biết “cậu Ngh. đã có vợ con đùm đề” khiến cho bà bầu Thơ rất giận và ngỡ ngàng… Nghe được tin trên, cậu Th. càng tấn công vào thành trì con tim của người đẹp.

Lần ký giao kèo đầu tiên về hát đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Thành Được không để ý Thanh Nga, vì bấy giờ Thành Được đã có vợ và Thanh Nga hãy còn nhỏ nên anh xem Thanh Nga như em gái. Sau đó, Thanh Nga đóng nhiều vai đào lớn hát cặp với Thành Được cũng khá “xứng đôi” trong các vở Con gái chị Hằng, Đoạn tuyệt, Người yêu của Hoàng Thượng

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Phùng Há và Thanh Nga (năm 1959). Ảnh: Huỳnh Công Minh

Nhưng cái giao kèo thứ nhì được tôi (Huỳnh Công Minh) đại diện cho bà bầu Thơ ký với Thành Được trong lần tái ngộ này, Thành Được không quan tâm tới số tiền quá ít so với giá trị của anh lúc bấy giờ, mà chỉ quan tâm đến cái tâm điểm mà anh đang hướng tới, đó là Thanh Nga.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Từ trái qua: Soạn giả Viễn Châu, bà bầu Thơ và Thanh Nga (22 tuổi). Ảnh: Huỳnh Công Minh

Sau khi biết con mình đã có “cảm tình đặc biệt” với Thành Được, bà bầu Thơ có mời soạn giả Lê Khanh đến để hỏi ý kiến: - Chị định gả Thanh Nga cho Thành Được, cậu thấy có được không? Chuyện giữa Thành Được – Út Bạch Lan đã thật sự “đường ai nấy đi chưa?” Lê Khanh thành thực đáp: - Chị hỏi thì em phải nói, chuyện giữa Út Bạch Lan với chú Được, theo em thì… đã tan rã rồi, còn chăng chỉ là trên danh nghĩa ở tờ hôn thú của hai người. Còn chuyện chị gả Thanh Nga cho chú Được, theo em Thanh Nga sẽ… không có hạnh phúc khi lấy Thành Được làm chồng. Giải thích rõ hơn về điều mình vừa nhận định, soạn giả Lê Khanh tiếp: - Thành Được là một người vô tâm, bởi tính khí của Thành Được hay bốc đồng “vui đâu chầu đấy”, không thể là người chồng lý tưởng mà cháu Nga mong đợi.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Thanh Nga năm 16 tuổi, nhận Huy chương vàng đầu tiên (năm 1958). Ảnh: Huỳnh Công Minh

Nghe soạn giả Lê Khanh nói về tâm tánh của chàng rể tương lai của mình, bà bầu Thơ vẫn không bỏ ý định gả Thanh Nga cho Thành Được với hai lý do: Sân khấu đang thiếu một anh kép như Thành Được để hát cặp với Thanh Nga và quan trọng hơn là con gái cưng của bà đã tỏ ra “yêu sâu đậm” Thành Được rồi, khó bề chia lìa được, nên bà nói với Lê Khanh: - Chị có cách kềm giữ nó.

Những năm 1965, 1966, 1967, Thanh Nga, Thành Được, Hữu Phước, Ngọc Giàu cùng với các bạn diễn Hoàng Giang, Kim Giác, Minh Điển, Kim Quang đã đưa Đoàn Thanh Minh Thanh Nga lên hàng đầu những đại ban chuyên hát tuồng xã hội. Lúc này tình yêu giữa Thanh Nga và Thành Được đã sâu đậm, ai cũng tưởng hai người có hạnh phúc. Thành Được không còn bay bướm nhưng anh không bỏ tật mê đổi xe hơi và đánh cờ tướng. Mỗi đêm, Thành Được tới rạp rất sớm, không phải để sắm tuồng hay để kiểm soát sân khấu trước giờ trình diễn mà để đánh cờ tướng với anh Năm Ri, quản lý rạp Hưng Đạo lúc bấy giờ.

Thành Được luôn tập tuồng trễ, hát mỗi đêm cũng trễ, lại không chịu học tuồng, chung qui cũng tại mê cờ tướng trong khi Thanh Nga rất nghiêm túc trong nghề nghiệp. Những diễn viên nào có lớp diễn chung với Thanh Nga nhất định không được hát cương, không thể không học tuồng, nếu hát không khớp và không theo đúng kịch bản thì Thanh Nga bực bội, nhiều khi giận phát khóc. Thành Được làm cho Thanh Nga khóc nhiều lần chỉ vì không chú tâm với nghề nghiệp…

Cuộc hôn nhân bất ngờ…

Tôi không nhớ rõ Đại úy Mẫn phụ trách an ninh kho Long Bình gặp Thanh Nga trong dịp nào, nhưng tôi biết đó là người kiên trì nhất theo đuổi Thanh Nga. Thực sự, khi Thanh Nga tuyên bố làm đám cưới với đại úy Mẫn, ai cũng bất ngờ và cứ tưởng là cô chỉ nói lẫy trong lúc đang giận Thành Được.

Tôi còn nhớ đêm đó đoàn diễn vở Sân khấu về khuya của soạn giả Năm Châu ở rạp Hưng Đạo, Thanh Nga đang diễn vai cô đào Giáng Hương và Thành Được vai kép Lĩnh Nam. Đang diễn, cô nhìn xuống khán giả và thấy người tình cũ của Thành Được từ nước ngoài trở về đang ngồi ở ghế thượng hạng mà Thành Được dành mời khách thân hữu của anh. Cùng lúc ấy, cô được biết Thành Được vẫn còn săn đón người phụ nữ này. Cô cảm thấy như bị dối lừa và đau đớn vì chính vở hát cũng có nhân vật thứ ba là Mỹ Tiên, một quý bà giàu có đã lôi kéo Lĩnh Nam rời bỏ Giáng Hương. Sau vở diễn, cô đã rời bỏ Thành Được chính vì nỗi ghen hờn với câu nói đầy uất hận: - Ngày mai trở đi tôi sẽ là… vợ của người khác. Và cô đã làm thật.

Đám cưới của Thanh Nga và Đại úy Mẫn tổ chức tại nhà hàng Đại La Thiên trong Chợ Lớn vào cuối tháng 11 năm 1967. Chỉ có một con đường duy nhất để vào nhà hàng, Đại úy Mẫn đã thuê hơn mười cảnh sát gác trước cửa. Đêm lễ cưới của Thanh Nga, các ký giả kịch trường nổi tiếng từng viết nhiều bài ca ngợi tài sắc cô như Trần Tấn Quốc, Hoài Ngọc, Lê Hiền, Nguyễn An Ca, Phong Vân và hai nghệ sĩ tiền phong là Năm Châu, Phùng Há đều không đến dự. Lễ cưới về hình thức như là buổi tiệc giới thiệu Đại úy Mẫn và Thanh Nga, không có ký hôn thú.

Năm 1968, sau Tết Mậu Thân các đoàn hát đều bị ảnh hưởng lệnh giới nghiêm, hát đêm không được, hát trưa không có khán giả, mà đi lưu diễn các tỉnh cũng không được. Bỗng có tin Đại úy Mẫn bị bắt, bị tù vì lấy đồ trong kho Long Bình bán. Do không có sự trói buộc về tờ hôn thú, không phải vì tình yêu mà thành vợ chồng nên cuộc hôn nhân ngắn ngủi này cũng chấm dứt…

Nhân dịp Tết Kỷ Dậu 1969, Đoàn Thanh Minh Thanh Nga được ông Phạm Duy Lân, Đổng lý văn phòng Bộ Thông tin gợi ý xuất ngoại sang Pháp trình diễn cho Việt Kiều xem. Đối với Bộ Thông tin đó là một công tác tranh thủ tình cảm của Việt Kiều ở Pháp, đối với đoàn hát thì đó là lối ra duy nhất để đoàn có doanh thu và cũng để cho dư luận lắng dịu sự đổ vỡ hôn nhân của Thanh Nga và Đại úy Mẫn. Bà bầu Thơ đồng ý. Vậy là ông Phạm Duy Lân thường xuyên đến giúp đỡ cho bà bầu Thơ giải quyết mọi thủ tục đưa đoàn xuất ngoại. Tất nhiên ai cũng biết ông Phạm Duy Lân đặc biệt quan tâm đến Thanh Nga…

Trong chuyến lưu diễn kéo dài 2 tháng từ nhà hát Maubert đến Pleyel, qua Toulouse và đến các tỉnh miền Nam nước Pháp như Lourdes, Valras plage, Thanh Nga được khán giả Việt Nam ở Pháp nhiệt liệt khen ngợi.

Trở về sau chuyến lưu diễn, Thanh Nga chính thức kết hôn với Phạm Duy Lân.

Năm 1972, Đoàn Thanh Minh Thanh Nga tạm ngưng hoạt động, Thanh Nga đi hát cho Đoàn Việt Nam của bà bầu Thu, vợ của Minh Vương. Sau đó, phần lớn thời gian cô đóng phim hoặc thu truyền hình các tuồng cải lương…

Sau giải phóng 1975, Thanh Nga hạnh phúc được trở lại sân khấu và có lẽ chưa bao giờ cô được sống trọn với nghề như lúc này. Cô toả sáng, uy nghi, xinh đẹp với nhiều nhân vật trong những vở hát mà đến bây giờ, gần 30 năm sau dường như chưa có nghệ sĩ nào thể hiện qua được cô: vai Quỳnh Nga trong Bên cầu dệt lụa, Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh, Dương Vân Nga trong Thái hậu Dương Vân Nga

Nghệ sĩ Thanh Sang cảm nhớ: Thanh Nga diễn vai nào ra vai nấy, những vai giàu sang đài các thì rất sang, rất kiêu kỳ, vào những vai nghèo lại không có chút gì gượng gạo, vẫn bình dị đáng yêu. Cái cách Thanh Nga “nói” mà như diễn, “ca” mà như ru hồn người nghe. Nhiều lúc diễn chung, nghe Thanh Nga nói, nhìn Thanh Nga cười, tôi ngơ ngẩn có khi quên cả tuồng. Đẹp quá… nhân vật tuồng Thanh Nga thủ diễn như vai Trưng Trắc, sao mà oai phong lẫm liệt, đẹp một cách hào hùng. Sau Thanh Nga, tôi chưa thấy có ai diễn được như vậy.

Thanh Nga mất đi, đã để lại một khoảng trống lớn trong làng nghệ thuật cải lương. Và dù đã gần 30 năm qua, hình ảnh Thanh Nga vẫn chưa bao giờ phai mờ trong lòng công chúng…

Bài liên quan:


Thanked by 3 Members:

#3 Tử Phủ Vũ Tướng

    Thái Dương

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPipPipPipPipPipPipPipPip
  • 13542 Bài viết:
  • 50191 thanks
  • LocationThiên nhiên

Gửi vào 12/10/2011 - 15:44

Thanh Nga trông xinh quá. Ở trong tạp chí KHHB có một bài luận về tướng yểu của Thanh Nga đó. Bác nào type giúp luôn thể.






Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |