Xin cảm ơn quý bạn saovukhuc và tiền bối VuiVui đã dành thời gian hồi đáp.
Đọc những chia sẻ của VuiVui, huongnoi đã hiểu thêm, hiểu hơn nữa góc nhìn, ý định và phương pháp của tiền bối. Tuy cùng quan tâm đến một chủ đề gồm 2 chữ "cải mệnh" nhưng cách tiếp cận và vận dụng khác nhau (huongnoi không học và không bàn tử vi). Do đó, không thể có tranh luận, những trình bày của huongnoi chỉ nhằm thấu hiểu và chia sẻ.
Nếu thật sự cần tranh luận, huongnoi tự tranh luận với bản thân, có lẽ huongnoi hơi ích kỉ chăng? Nhưng đối với huongnoi, tranh luận là để tìm ra quan điểm của mình, không phải dùng để khiến người khác thay đổi quan điểm. Nếu quan điểm của mình tương đồng, tự khắc sẽ ứng với người. Ngoài ra, để bàn một vấn đề rộng trong thời gian eo hẹp như thế này và tìm tiếng nói chung là điều không dễ, nên có những vấn đề cũng cần được gác lại.
Trích dẫn
Còn muốn thể hiện có hiểu Đạo hay không, xin hãy trả lời cho Tôi câu hỏi.
Hãy phân biệt hai câu hỏi. Thế nào là Đạo ? Và Đạo là gì ?
Cứ trả lời đi là biết ngay có hiểu Đạo hay không. Không cần phải bày biện hàng lô sách vở về Đạo. Chép sách ra thì ai cũng làm được.
VuiVui hỏi huongnoi hai câu này, huongnoi xin trả lời để đáp lại sự quan tâm của VuiVui cũng như bày tỏ lòng mình với các quý anh chị tham gia chủ đề này.
huongnoi đã từng nêu ở bài viết trước, huongnoi chưa từng đọc tôn giáo nào, quý vị có thể thấy điều đó, huongnoi không viện dẫn kinh sách, không dùng những khái niệm riêng, câu từ đơn giản.
Đối với huongnoi, việc tìm "đạo" xuất phát từ khi còn nhỏ, muốn tìm hiểu bản chất của con người và vũ trụ, tìm hiểu vì sao mình sinh ra và sứ mệnh của mình là gì, sự tồn tại của con người có ý nghĩa gì khi mãi luẩn quẩn trong những rối ren do chính con người tạo ra? Như vậy, "đạo" của huongnoi là "con đường", từ việc thấu hiểu bản chất của mọi sự vật hiện tượng (đạo lý) mà hiểu được con đường của sự giải thoát, trở về "quê hương" thật sự của chúng ta.
Quý bạn saovukhuc có đề nghị huongnoi:
Trích dẫn
Thế nên em nghĩ ở đây ,chị nói về phương pháp cải số của chị rất mong chị đưa thêm một vài ví dụ về việc cải số thông qua tính cách. Ko phải theo cách nói chung chung về việc thay đổi tính cách thì sẽ thay đổi hành vi rồi thay đổi số phận,mà vì đang nghiên cứu về tử vi nên chị có thể đưa ra vài vi dụ về những người đã có lá số chuẩn xác, và việc thay đổi tính cách,rèn luyện tâm tính đã giúp họ thay đổi được số phận hay 2 người có cùng lá số nhưng hoàn cảnh sinh sống, dấu ấn trong cuộc sóng khác nhau dẫn đén tính cách khác nhau và số phận khác nhau và phân tích trên lá số đó để giải thích cho lý luận của chỉ về cải số .Dù rằng một vài ví dụ chưa thể khẳng định là khoa học nhưng cũng phải có thực nghiệm sẽ thuyết phục hơn đúng ko chị.
Cảm ơn bạn! Đề nghị của bạn rất hay, chỉ tiếc một là huongnoi không học tử vi nên không thể lấy ví dụ liên quan đến tử vi để vừa lòng bạn, hai là huongnoi đã từng viết/tham gia bài trên mạng về số phận và tính cách nên huongnoi xin phép không bàn thêm, huongnoi xin được bảo lưu danh tính.
Tuy nhiên, huongnoi xin được trình bày thêm quan điểm của mình, tại sao tính cách quyết định số phận?
Nói về nhân quả, về nghiệp thì huongnoi đã nói rồi. Nhưng xét trong những gì chúng ta dễ dàng nhìn thấy, mỗi người chúng ta đều là một mắt xích trong mạng lưới xã hội, tác động qua lại lẫn nhau, nhưng dù tác động theo hướng nào và tích cực hay tiêu cực thì đều mang tính dây truyền. Ngày hôm nay đi làm, bạn bị kẹt xe nên tâm tình không tốt, đến sở, bạn nóng giận mà cãi nhau với một đồng nghiệp hoặc khách hàng, thậm chí chỉ cần một lời nói có phần cứng ngắc- không ai bảo đấy là hạn, nhưng điều đó cũng dẫn đến phản ứng dây truyền, có thể nhỏ- nhưng sẽ tích tụ, có thể lớn- ảnh hưởng thấy rõ.
Không những hai người cùng lá số, mà bất cứ ai, cho dù cùng một mạng lưới nhưng vị trí của họ trong mạng lưới cũng khác nhau, họ chịu chung quy luật của mạng lưới nhưng gây (nhân) và nhận (quả) khác nhau, do đó mỗi người có một số phận, ai nỗ lực tốt hơn thì không nhất định là diễn biến cuộc đời luôn tốt hơn, nhưng cơ hội của người đó cao hơn.
Trời cho thời tiết chứ không cho mùa màng, hai người nông dân sống cạnh nhau, cùng hạt giống như nhau nhưng ai chăm sóc cây trồng tốt hơn thì cơ hội thu được từ mùa màng cũng cao hơn.
Mỗi người có một số phận, nhưng nhiều người lại có thể cùng chung một định mệnh (số mệnh), đó là khi họ cùng có vị trí giống hoặc gần giống nhau trong mạng lưới của mình, có những điều kiện (hoặc hạt giống để gieo trồng) có giá trị tương tự trong mạng lưới ấy. Không nhất định phải cùng giờ sinh thì mới cùng định mệnh, sẽ có những người giờ sinh khác nhau nhưng các sự kiện rất giống nhau. Nhưng nếu lấy ví dụ cùng giờ sinh, có người là con của hoàng tử Anh, thời điểm ấy cũng có nhiều đứa bé sinh ra thì nên hiểu như thế nào? huongnoi từng đọc được có người hỏi nhau như vậy, rồi người khác trả lời: đứa bé mới sinh đã là dòng dõi hoàng tộc, xuất phát điểm cao hơn con của người bình thường. Cũng có thể nói, đứa bé hoàng tộc ở mạng lưới tốt hơn những đứa bé bình thường, sinh ra trong môi trường (mạng lưới) gồm những người thuộc dòng dõi quý phái, còn những đứa bé khác ở một mạng lưới có phần kém nổi bật hơn, điều kiện có thể kém hơn nhưng vị trí của chúng trong mạng lưới của mình tương tự nhau.
Có thể coi định mệnh như hành lang, là giới hạn, là thời tiết và số hạt giống cùng nguyên vật liệu cho trước (quả từ những kiếp trước), quý vị chỉ có thể tạo ra thành quả trong phạm vi của hành lang ấy, như gieo trồng vào mùa khô hanh, thiếu nước thì làm sao lúa trĩu bông, quả ngọt trĩu cành? Nhưng vị trí của mỗi người trong hành lang sẽ khác nhau tùy theo sự phấn đấu của họ, thậm chí có người vượt khỏi hành lang. Cái gì cũng có giá của nó, để có sự thay đổi lớn lao thì cần sự phấn đấu lớn lao.
Xét về tu dưỡng tâm tính, ta chính là định mệnh của ta, ta là tài sản lớn nhất của chính ta. Một người khi mất tất cả thì còn lại gì? Đó là còn lại bản thân, do đó một người muốn vững bước trên đường đời, dù ở lĩnh vực nào cũng cần luôn trau dồi, học hỏi để làm giàu chính mình, tăng vốn liếng tự có, đó là những điều cơ bản nhất.
Cũng có thể nói số phận, định mệnh chính là ngoại cảnh, hoàn cảnh xung quanh ta. Thực ra dù
mâu thuẫn, nhưng nói cách nào cũng đúng. Định mệnh là ta mà cũng là hoàn cảnh quanh ta bởi như đã nói, đây là một mạng lưới, mỗi một phản ứng đều lan truyền.
Ta rất khó thay đổi ngoại cảnh, nhưng có thể làm giàu/mạnh bản thân để tác động trở lại đến ngoại cảnh. Với một người không ngừng tu dưỡng, chính bản thân họ vừa là vạch xuất phát cũng vừa là đích đến. Một đời phấn đấu với chính mình, thành quả đem đến không chỉ cho bản thân mà còn cả xã hội.
Cho nên, Khổng Tử nói: quân tử vì mình.
Thích Ca Mâu Ni nói: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
huongnoi không học tôn giáo nào, nhưng đọc danh ngôn in trên lịch treo tường thấy có như vậy.
Tại sao chim có thể bay, cá có thể bơi? Là vì chúng cân xứng, nhờ cân xứng mà hướng vào giữa, nhờ hướng vào giữa mà cân xứng.
Một người chăm chỉ học tập, ôn luyện chính là người biết nhìn vào bên trong, qua đó mở rộng được bên ngoài.
huongnoi hiểu rằng mọi pháp môn dành cho người tu hành, dạy người theo đạo, dù ở tôn giáo nào thì nguyên tắc quan trọng nhất luôn là: nhìn vào bên trong.
Nhìn vào bên trong, đó chính là Hướng Nội.
huongnoi còn nhớ một câu danh ngôn khác: Nhất nhật tam tỉnh ngô thân (mỗi ngày tự xét mình ba điều hoặc ba lần)
Trong bất cứ mối quan hệ nào, công việc nào... khi chưa diễn ra, quý bạn hãy tự hỏi mục đích của mình là gì, mình nên làm như thế nào, làm thế có được không, có hại cho người không? Khi đã diễn ra rồi, quý bạn hãy tự hỏi mình làm như vậy có tốt không, nếu được rồi thì lần sau có thể làm tốt hơn nữa không, nếu chưa thì sửa thế nào?
Người làm được như vậy, khắp nơi đều là anh em.
Những điều huongnoi bày tỏ, đã đứng trên quan điểm của người bình thường, chọn cuộc sống bình thường lẫn người tu hành. Tất nhiên, rèn luyện tâm tính là điều vô cùng, tâm tính cao bao nhiêu cũng chưa đủ, càng lên cao ta càng nhận ra mình có thể tốt hơn nữa... bạn đừng bao giờ nghĩ mình hiện nay tốt thế này đã đủ, nhưng cũng đừng coi việc phấn đấu là mệt mỏi, chân lý luôn rất giản dị. Nếu quý bạn chọn cuộc sống của người bình thường, khi rảnh rỗi đọc vài câu ca dao, tục ngữ khuyên về lối sống của tổ tiên, ăn ở sao cho phải cũng đã là thay đổi bản thân- thay đổi số mệnh rồi; bạn nghĩ điều ấy đơn giản đến nực cười sao? Bạn sẽ nói "tôi đâu phải trẻ con mà khuyên vậy?". Xin thưa với bạn, điều quan trọng không phải là ta làm gì, mà ta có đủ tín niệm hay không? Không đủ tín niệm, đi tìm "phép" cao xa cũng không thay đổi được "số mệnh", đủ tín niệm, cuộc sống do bạn quyết định.
huongnoi xin cảm ơn tiền bối VuiVui đã mở chủ đề này và cảm ơn quý anh chị đã tham gia dù dưới góc độ nào, vì mọi điều tốt đẹp hơn.