Jump to content

Advertisements




Phong tục Việt Nam - các "phương thuật"


11 replies to this topic

#1 Quách Ngọc Bội

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPip
  • 4517 Bài viết:
  • 29122 thanks
  • LocationThảo Nguyên

Gửi vào 04/01/2014 - 11:18

Chửa là cửa mả
Chửa con so làm lo láng giềng

Đàn bà Việt Nam ngày xưa hầu như ai cũng lo ngại chuyện mang nặng đẻ đau.

Tại thôn quê, người đàn bà có chửa (có bầu, có mang) phải tự chăm lo sức khỏe. Ngoài mấy thang thuốc bắc, thuốc nam, chỉ còn biết trông cậy vào những lời khuyên được truyền từ đờì nay sang đời nọ.

Nào là:
-Kiêng ăn cua
Cua là loài bò ngang. Ăn cua sẽ bị đẻ ngang.

- Kiêng ăn thịt thỏ
Thỏ có môi trên bị hở. Ăn thịt thỏ thì đứa bé đẻ ra sẽ bị sứt môi.

- Kiêng ăn trai sò ốc hến
Những giống này tiết ra nhiều chất nhờn. Nếu người mẹ ăn trai sò ốc hến thì con đẻ ra sẽ bị bịnh nhiều dớt dãi.

Nào là:
- Nên ăn trứng gà.
Trứng gà luộc vừa trắng bên ngoài lại hồng bên trong (ta quen gọi lòng đỏ trứng gà). Người mẹ ăn trứng gà luộc thì con sinh ra sẽ có nước da trắng trẻo, hồng hào.
Nước da trắng như trứng gà bóc được ưa thích hơn nước da bánh mật.

- Nên ăn đu đủ.
Không biết quả đu đủ có dược tính gì tốt cho bà mẹ hay đứa con không ? Với trình độ hiểu biết của dân quê ngày xưa chắc sách vở của ngành y, ngành dược cũng chả gây được sự chú ý, gợi được thắc mắc cho ai cả. Người ta khuyên bà mẹ ăn nhiều đu đủ chỉ vì một lí do đơn giản là để cho tương lai của đứa con được no đủ.

Mấy lời khuyên kể trên dễ hiểu, dễ thấy vì chỉ dựa vào tên gọi hoặc bề ngoài của sự vật, không phải hiểu một cách gián tiếp như nhiều lời khuyên khác. Chẳng hạn như :

- Nên uống nước dừa.
Cũng như quả đu đủ, quả dừa tốt cho sức khỏe ra sao là điều chưa cần để ý. Người ta khuyên các bà mẹ tương lai uống nước dừa có lẽ vì lí do khác.
Cây dừa chữ hán là da. Vì vậy cho nên uống nước dừa sẽ tốt cho da.
Chữ nôm dừa được viết bằng chữ (dư thừa) của tiếng hán việt . Như vậy thì nước dừa còn có tác dụng làm cho tương lai đứa bé được sung túc, thừa.

Dùng tên súc vật, hoa quả quen thuộc hàng ngày để diễn đạt một lời chúc mừng là một cách chơi chữ khá phổ biến của ngày xưa. Thí dụ con nai là lộc, con dơi là phúc, bông hoa là vinh hoa...Người miền Nam ưa thích bày cúng mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài để được cầu vừa đủ xài.

Trong suốt thời gian thai nghén người đàn bà phải đứng ngồi ngay ngắn. Có như thế sau này con mới trở thành người ngay thẳng. Bà mẹ tương lai tránh nhìn những cảnh không hay, tránh nghe những chuyện không đứng đắn, không tốt, để cho con sau này thành người đàng hoàng, tử tế.

Thời gian thai nghén trung bình là chín tháng mười ngày. Quá thời hạn này mà chưa đẻ thì gọi là chửa trâu. Gặp trường hợp này người chồng phải dùng phương thuật, dùng mẹo để giúp vợ chóng chuyển bụng đẻ:

- Dắt một con trâu ra giữa sân, lấy dao cắt đứt sợi giây thừng buộc mũi. Trâu sổng thì con sổ.
Người ta lí luận rằng muốn cho mọi chuyện được nhanh chóng thì phải tìm cách trừ bỏ những cái làm cho trì trệ, làm cho lâu hoàn tất. Phải trừ bỏ cái lâu đi. Chữ lâu, tiếng hán việt có nghĩa là cái giây thừng buộc mũi trâu. Vì thế cho nên chỉ cần cắt sợi giây thừng buộc mũi trâu đi, tức là trừ bỏ cái lâu đi, thì tất nhiên mọi chuyện sẽ được nhanh chóng. Người đàn bà sẽ mau đẻ.

Không hiểu người xưa có theo dõi, ghi chép chính xác thời gian trâu chửa không ? hay là khoảng thời gian hơn chín tháng mười ngày chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên ? Rất có thể chỉ vì phương thuật cần đến con trâu nên hai tiếng chửa lâu ban đầu đã bị đọc trại ra thành chửa trâu !

Đến ngày đẻ...

Đàn ông vượt bể có chúng có bạn
Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình

Gặp trường hợp đẻ khó, người chồng phải dùng một vài phương thuật. Tùy hoàn cảnh gia đình mà chọn phương thuật thích hợp.

Những phương thuật chính thường được đem ra dùng là:
- Viết đầy đủ họ tên một ông quan lớn vào miếng giấy. Đem đốt miếng giấy, hòa tro vào bát nước. Vừa cho vợ uống nước, vừa đọc câu thần chú đại nhân nhập, tiểu nhân xuất (người lớn vào, trẻ con ra). Thần linh nghe bùa chú sẽ phù hộ cho sinh đẻ được dễ dàng.
Không biết chữ thì nhờ người khác viết cũng được.

- Lấy một cái dải rút quần vắt qua bụng vợ. Xin được cái dải rút váy của một người đàn bà hàng xóm đã từng sinh đẻ dễ dàng mang về vắt qua bụng vợ thì càng tốt.
Cũng có thể cầm một cái dải rút hay cái thắt lưng (còn gọi là cái ruột tượng hay cái hầu bao) leo lên vắt qua mái nhà.

Hai hành động này có ý nghĩa gì ?
Vì người miền Bắc phát âm sai, nên chữ dải (dải rút) được coi là đồng âm với chữ giải hán việt nghĩa là tháo gỡ , cởi, mở.
Vắt dải rút qua bụng vợ, người chồng sẽ tháo gỡ, cởì bụng vợ cho đứa con lọt lòng chui ra. Vắt dải rút qua mái nhà mang ý nghĩa trang trọng hơn, muốn tháo gỡ một khó khăn đang xảy ra trong gia đình.

- Người chồng còn có thể giúp vợ đẻ nhanh bằng cách đứng giữa nhà lao chiếc đòn gánh hoặc cái gậy ra ngoài sân.
Cái gậy, hay cái đòn gánh quen thuộc của dân quê, chữ hán việt là côn. Chữ côn được dùng để viết chữ nôm con. Vì thế cho nên cái gậy hay chiếc đòn gánh, tượng trưng cho đứa con, được lao ra ngoài sân để diễn tả hình ảnh đứa con lọt lòng mẹ, sổ ra.

- Nhà nào có trồng cau thì người chồng có thể leo lên cây cau, ôm cây tụt xuống.
Phương thuật giản dị, hình ảnh dễ hiểu, thể hiện sự mong muốn đứa bé mau tụt ra khỏi bụng mẹ.

Còn mấy phương thuật khác được nói đến trong bài thơ ngụ ngôn Đám cưới chuột của dân gian vùng Liễu Đôì.
Chuột cái đau đẻ, bà đỡ khuyên vợ chồng chuột :

(...)
Đau thì nén chịu con ơi
Qua cơn vượt cạn ấy thời rinh rang
Chú đi tìm bắc cái thang
Leo nhà ba bậc, lăn đàng năm tao
Rồi ra lặn cọc bờ ao
Xong rồì mớì vào liếm láp đồ rau
Cứ y như phép nhiệm mầuLàm xong là đẻ chẳng đau đớn nào
(...)


- Bắc một cái thang rồi leo hoặc luồn qua vài bậc.
Thang nghĩa là trống không ở trong người. Thang cũng có nghĩa là vật rỗng ruột.
Leo thang là tỏ ý mong muốn tạo ra khoảng trống trong người, làm cho vợ rỗng ruột. Người chồng mong cho vợ đẻ.

- Leo ba bậc nhà.
Cái bậc nhà chữ hán việt là cấp (bộ mịch), cấp cũng có nghĩa là nhanh chóng (khẩn cấp). Phàm cái gì muốn cho nhanh chóng (chẳng hạn như vợ đẻ) đều gọi là cấp. Vì thế mà người chồng cứ leo lên leo xuống mấy cái bậc nhà để giúp vợ đẻ được nhanh chóng.
Cặp vợ chồng nào ở nhà tranh vách đất, nhà không có bậc thềm thì xoay sở ra sao? Đã có mẹo khác.

- Người chồng ra nằm lăn năm vòng (tao) ngoài đường.
Đường (đường đi, văn thơ còn gọi là đàng) chữ hán việt là lộ (bộ túc). Chữ lộ này đồng âm với chữ lộ (bộ vũ) nghĩa là lộ ra ngoài cho thấy.
Cũng có thể giải thích rằng chữ đường (tiếng việt)đồng âm với chữ đường (bộ thổ, hán việt) nghĩa là cái ao hình vuông. Chữ ao lại có nghĩa là lõm xuống.
Như vậy thì lăn đường có ý nghĩa là làm cho đứa bé ra mẳt, chào đời, hay làm cho bụng bà mẹ lõm xuống. Cả hai nghĩa đều là mong cho người đàn bà đẻ nhanh.

- Nếu gần nhà có cái ao thì người chồng xuống bơi vài vòng.

- Không biết bơi thì múc một bát nước ao đem về cho vợ uống ba ngụm.

- Hoặc đi nhổ một cái cọc cạnh bờ ao. (Nếu không có sẵn cọc thì sai người đóng trước một cái).

Nhổ cọc bờ ao mang ý nghĩa gì ?
Như đã nói ở đoạn trên, chữ ao nghĩa là lõm xuống.
Đóng cọc là để yểm, ngược lại nhổ cọc đi là để khỏi bị yểm. Đóng cọc bờ ao là yểm không cho lõm xuống. Người chồng nhổ cọc bờ ao là để cho bụng vợ lõm xuống, nói khác đi là mong cho vợ đẻ.
Tất cả những phương thuật dùng đến ao đều mang chung một ý nghĩa. Người chồng bơi dưới ao, cho vợ uống nước ao, nhổ cọc bờ ao, đều mang ý nghĩa làm cho bụng người đàn bà lõm xuống, tức là đẻ nhanh vậy.

- Liếm ông đồ (đầu) rau, có nơi khuyên nhổ nước bọt vào đít ông đồ rau.
Ngày xưa nhà nào cũng có ông đồ rau (hỏa lò) bằng đất nung. Vợ đẻ khó, chồng có thể chạy xuống bếp ôm liếm ông đồ rau.
Cái bếp , hay hỏa lò ngày xưa là do chữ (bộ hoả) mà ra. Chữ lô này đồng âm với chữ (bộ nhục) nghĩa là bày ra. Rốt cuộc ôm ông đồ rau tương đương với bày vật gì ra. Người cha tương lai muốn khoe con mình chăng ?
Hành động liếm ông đồ rau hoặc nhổ nước bọt vào đít ông đồ rau không biết có còn mang ý nghĩa gì khác không hay là chỉ muốn bắt chước một cử chỉ hôn má, đét đít, nựng trẻ con ?
Nhà nào sẵn có cối giã gạo thì có thể dùng phương thuật:

- Đóng một cái cọc vào chân cối đá
Tiếng hán việt có chữ ma (bộ thạch) nghĩa là gặp khó khăn, bị đau đớn. Chữ ma còn có nghĩa là cái cối xay bằng đá. Cái cối đá trong tình huống này trở thành biểu tượng của khó khăn, đau đớn. Người ta có thể đóng một cái cọc vào chân cối đá để yểm, để trừ khử những khó khăn, đau đớn.
Làm phương thuật này người đàn bà sẽ sinh đẻ được an toàn, nhanh chóng.

- Treo một thanh củi cháy dở lên xà nhà.

Có hai cách giải thích.
Chữ liêu (hay liệu)(bộ hỏa) nghĩa là bó đuốc, là đốt cháy. Chữ liêu (bộ miên) lại có nghĩa là trống không. Phải chăng ở đây người ta dùng thanh củi cháy dở (thay cho bó đuốc) để mong cho người đàn bà bụng trống không, mau đẻ ?
Chữ tẫn (bộ thảo) nghĩa là củi cháy còn thừa. Chữ tẫn (bộ nhân) nghĩa là hết tiệt, hết cữ. Thanh củi cháy dở ở đây biểu hiện sự mong muốn người đàn bà lúc ở cữ (đẻ) sao cho chóng hết cữ chăng ?

Trịnh Hoài Đức (1765-1825), tác giả Gia Định Thông Chí chép rằng người Đồng Nai có tục khi sanh con lấy một que củi cháy dở cặp vào đầu một cái cọc đem cắm ngoài cổng, sinh con trai thì cắm đầu củi cháy trở vào trong nhà, sinh con gái thì quay đầu trở ra; người ta còn buộc kèm thêm một cây ráy. Toàn thể dấu hiệu ấy gọi là cái khém, riêng thanh củi cháy dở gọi là cái vỏ lửa.
Tục của người Đồng Nai dường như cũng muốn báo tin rằng người đàn bà đã hết cữ, đã đẻ xong.

Tục ta kiêng cho ngườì khác đến đẻ nhờ ở nhà mình, kể cả người ruột thịt họ hàng. Gặp hồì loạn lạc, có ngườì đi tản cư phải dựng lều ngoài cánh đồng để đẻ. Đáng thương nhất là những người đàn bà chửa phải lao động quần quật đến tận sát ngày đẻ, đôi khi bất ngờ phải đẻ đường, đẻ rơi.

Mẹ tròn con vuông là niềm vui của mỗì gia đình Việt Nam !

Thật khó mà tưởng tượng được rằng mới cách nay chưa bao lâu, nhiều vùng quê hẻo lánh của nước ta còn chìm đắm trong những phong tục kì lạ của tín ngưỡng dân gian, những phương thuật bí hiểm của mê tín dị đoan. Bên cạnh một vài mẹo vặt vô thưởng vô phạt, có nhiều mẹo nguy hiểm như cho đàn bà đẻ uống nước hòa tro, uống nước ao !

Hầu hết các phương thuật đều do đám thầy pháp, thầy phù thủy, hay mấy ông đồ nắm được một ít vốn liếng chữ nho, chữ nôm bày đặt ra. Họ tự do diễn dịch, bóp méo ý nghĩa của chữ này chữ nọ để mê hoặc đám dân quê nhẹ dạ, cả tin.


Nguyễn Dư
(14/9/2000)

#2 Quách Ngọc Bội

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPip
  • 4517 Bài viết:
  • 29122 thanks
  • LocationThảo Nguyên

Gửi vào 04/01/2014 - 11:19

"Đem con bỏ chợ"

Nguyễn Dư

Thành ngữ Đem con bỏ chợ ngày nay được tất cả những người bình thường, đầu óc tỉnh táo hiểu là Giúp đỡ nửa vời, giữa chừng bỏ dở, gây tình cảnh nhỡ nhàng, bơ vơ (Thành ngữ tiếng Việt, Khoa Học Xã Hội, 1978). Đem con bỏ chợ hiển nhiên là một hành động xấu, đáng bị phê bình kết án ! Chỉ có người điên, mắc bệnh tâm thần, hay đang say tít cung thang mới liều lĩnh, dám dại mồm dại miệng nói rằng Đem con bỏ chợ là một việc làm có mục đích tốt, do tình thương yêu thúc đẩy!
Thế nhưng?

Trời say trời cũng đỏ gay
Đất say đất cũng lăn quay ai cười?

Nào ai tỉnh, nào ai say ? Lỡ mà người say lại có cái lí của người say, người tỉnh lại có cái nhầm của người tỉnh thì ăn làm sao nói làm sao đây ?

Ai tỉnh ai say, ai đúng ai sai, Đem con bỏ chợ là cái trò gì, ý nghĩa của nó ra sao ?

Đây là một phương thuật, một phong tục xưa của ta được tranh dân gian ghi lại.
Thôn quê vốn là nơi lắm thầy nhiều ma. Tục xưa tin rằng những đứa bé hay đau yếu, khó nuôi là vì chúng bị ma quỷ ám. Muốn cho trẻ con khỏe mạnh béo tốt, dễ nuôi, thì chỉ việc trừ ma diệt quỷ. Cũng may là ma nhiều thì cũng có nhiều cách trừ ma. Người thì mang oản chuối lên chùa lễ Phật, kẻ thì sắm vàng hương đến đền cầu Thánh. Phật, Thánh mà không xong thì phải mời thầy phù thủy, thầy pháp về nhà dùng bùa chú ấn quyết đuổi tà, trị ma?
Có người chọn phương thuật Đem con bỏ chơi, giản dị ít tốn kém.


Đem con bỏ chợ nghĩa là người mẹ bế con đến chợ, đặt con nằm đó, rồi bỏ đi. Một lát sau sẽ có người tới ẵm đứa bé về nhà mình. Người này được cha mẹ đứa bé nhờ và hẹn sẵn từ trước. Ngay chiều tối hôm đó hoặc một vài ngày sau, người mẹ sẽ đến xin chuộc đứa bé về. Làm như vậy đứa bé sẽ hết đau yếu, dễ nuôi.
Tại sao phải đưa con tới chợ chứ không đưa tới chỗ nào khác ? Đưa tới chợ để làm gì ? Nói khác đi, ý nghĩa của Đem con bỏ chợ là gì ?
Câu trả lời thứ nhất là vì người mẹ muốn có người trợ giúp con mình. Câu trả lời thứ nhì là vì người miền Bắc phát âm sai, không phân biệt trợ (giúp) với chơï (búa). Do đó chợ và trợ được xem là đồng âm. Thế là chợ được mang ý nghĩa là trợ giúp! Đưa con ra chợ là để tìm người giúp, tìm sự trợ giúp.

Người được chọn để giúp đứa bé ít nhất phải là người đông con, đứa nào cũng khỏe mạnh, dễ nuôi. Bế đứa bé về nhà mình, người giúp sẽ truyền sang đứa bé tất cả những điều tốt. Đứa bé được khước sẽ dễ nuôi, khỏe mạnh béo tốt.

Rõ ràng hành động Đem con bỏ chợ ngày xưa không phải là bỏ rơi, gây cảnh nhỡ nhàng, bơ vơ cho đứa bé. Trái lại, đây là một hành động nhằm mục đích tốt, mặc dù được phát xuất từ mê tín dị đoan. Tấm tranh Đem con bỏ chợ cho thấy cả mẹ lẫn con đều vui vẻ. Đứa bé được quấn tã đắp chăn, đặt nằm trong chiếc nón ba tầm thắt quai thao tươm tất. Người mẹ đã sửa soạn chu đáo cho con. Chắc chắn đây không phải là cảnh Đem con bỏ chợ chia lìa sầu thảm theo cách hiểu phổ biến ngày nay.


Tục Đem con bỏ chợ giản dị, dễ thực hiện. Tuy nhiên, ngày xưa nhiều làng đất hẹp người thưa không có chợ. Tại những nơi hẻo lánh như vậy, người mẹ phải chờ đợi phiên chợ của làng bên mới bế con đến bỏ được. Phải chăng vì muốn tránh đi xa vất vả mà về sau tại những nơi không có chợ người ta Đem con bỏ ngã ba đường cho tiện (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Đại Nam, tr. 32; Toan Aùnh, Phong tục Việt Nam, Khai Trí, 1968, tr.394) ? Tuy mục đích của phương thuật không thay đổi, vẫn là nhờ người giúp đứa bé, nhưng thay chợ (trợ) bằng ngã ba đường thì ý nghĩa đã trở thành khó hiểu, khó giải thích.


Cũng nhằm mục đích chăm sóc trẻ con bị gày còm, ốm yếu ngoài phương thuật Đem con bỏ chợ, còn mẹo Bế con qua linh cữu đám ma.

Về mặt chữ nghĩa thì quan tài (còn gọi là áo quan hay nôm na là săng, hòm) là từ chỉ đồ vật được dùng để đựng thi hài (xác chết). Khi xác chết được tẩm liệm, đặt vào quan tài rồi, thì chiếc quan tài có xác chết này được gọi là cữu hay linh cữu. Ta thường nói đi mua, đi sắm quan tài (nhiều nhà lo rằng sau này không có tiền, mua sẵn cỗ áo quan để trong nhà), và làm lễ chuyển cữu (xoay linh cữu).
Chữ cữu (linh cữu) đồng âm với chữ cữu (nghĩa là tội lỗi, xấu xa). Chữ cữu thứ hai này còn có âm đọc là cao (Thiều Chửu).
Chữ cao (bộ nhục) nghĩa là mỡ, to béo (cao lương mĩ vị: thịt béo gạo trắng thức ăn ngon).
Từ chữ cữu (linh cữu) người ta suy diễn ra thành chữ cao (to béo). Đứa bé chui qua linh cữu sẽ được trở thành to béo. Người ta lại còn để ý kén chọn đám ma của một cụ già ăn ở phúc đức để cho đứa bé vừa được béo tốt khỏe mạnh vừa sống lâu, hưởng nhiều phúc đức !

Toan Aùnh (sđd, tr.476) cho biết thêm phương thuật kéo lê con quanh ngôi mả mới cũng để chữatrẻ con bị sài mòn. Có thể đây chỉ là biến dạng của phương thuật Bế con qua linh cữu. Chui qua linh cữu lúc đưa ma thì phải xin phép thân chủ, làm phiền những người đi đưa. Chờ cho chôn cất xong, mọi người ra về hết rồi mới dắt con hay bế con đi quanh ngôi mả thì khỏi làm phiền bất cứ ai. Đứa bé chui qua linh cữu hay lê quanh linh cữu đã được chôn thì ý nghĩa cũng tương tự như nhau.
Lại có người cố xin bát cơm cúng đặt trên linh cữu đem về cho con ăn để chữa bệnh sài đẹn (Toan Aùnh, sđd, tr.524). Phương thuật này cũng dùng linh cữu để chữa trẻ con gày còm. Cái béo tốt của linh cữu được bát cơm làm trung gian, truyền sang đứa bé.

Ngày xưa còn có tục Bế con qua bụng voi .
Mới nghe tên người ta có thể tự hỏi Bế con qua bụng voi có liên hệ gì với Bế con qua linh cữu hay không ?
Trước hết xin nói thêm là chữ bụng (nôm) còn có thể đọc là bóng nên tùy nơi tùy người phương thuật còn được gọi là Bế con qua bóng voi . Trên thực tế thì không ai chui qua dưới bụng voi được, huống hồ người mẹ lại còn ẵm con, vì vậy tôi cho rằng tên tranh phải được đọc là Bế con qua bóng voi mới hợp lí, mới đúng. Tấm tranh dân gian vẽ người mẹ bế con đi đến gần một con voi, người cha nằm thoải mái trên lưng voi, ở góc tranh có bốn chữ hán Trĩ dưỡng chi nhân (nuôi trẻ con).

Tục này mang ý nghĩa gì ?
Có người dựa vào thân hình con voi để giải thích. Voi là con vật to lớn, khỏe mạnh nhất trong các loài. Khỏe như vâm, khỏe như voi, to như voi là mấy thành ngữ thường nghe nói. Bế đứa bé qua bóng voi, đứa bé sẽ được khước, được hưởng cái to lớn, khỏe mạnh của voi. Giải thích này đương nhiên đi đến kết luận là Bế con qua bóng voi là phương thuật chữa gày còm ốm yếu, nghĩa là nhắm cùng mục đích với phương thuật Bế con qua linh cữu.
Giải thích như vậy, mặc dù có phần hợp lí, vẫn chưa đầy đủ. Nó mới chỉ dựa vào hình dáng bên ngoài của con voi chứ chưa cho chúng ta biết vai trò của người cha đang nằm trên lưng voi. Vả lại câuTrĩ dưỡng chi nhân cũng chỉ muốn nhấn mạnh đây là một tục về cách nuôi trẻ con, không phân biệt trẻ con gày yếu hay khỏe mạnh. Vậy con voi và người cha còn muốn nói lên điều gì khác chăng?

Xin bàn về con voi.
Chữ voi (nôm) thường được viết bằng hai cách: viết theo âm thì dùng bộ khuyển và chữ vi (hán), viết theo nghĩa thì dùng chữ tượng (hán). Tấm tranh dân gian được đem ra bàn ở đây dùng chữ tượng chứ không dùng chữ vi.
Theo Génibrel, tượng hiền có nghĩa là: semblable au sage (người khôn ngoan), fils vertueux (người con có đạo đức). Thiều Chửu và Đào Duy Anh cũng cho biết nhiều nghĩa của chữ tượng , trong đó có nghĩa là: gương mẫu, phép tắc. Con voi (tượng) được mang ý nghĩa tượng trưng cho người khôn ngoan, ăn ở có đạo đức, có phép tắc, một người gương mẫu. Bế con qua bóng voi để con được hưởng những đức tính tốt của tượng, tượng hiền, thành người gương mẫu, ăn ở có đạo đức, đúng phép tắc.

Ý nghĩa của phương thuật Bế con qua bóng voi được gói ghém trong chữ tượng.
Theo quan niệm quân, sư, phụ của Khổng giáo, người cha có trách nhiệm giáo dục con cái thành người. Vì thế mà khi làm phương thuật bắt buộc phải có mặt của người cha. Hơn nữa, người cha còn được đặt nằm trên lưng voi, ở vị trí cao hơn vợ con, đúng với tinh thần Khổng giáo.
Xem vậy thì Bế con qua bóng voi chỉ mang ý nghĩa tinh thần, đạo đức. Phương thuật này không nhằm mục đích chữa cho con khỏi gày còm, ốm yếu. Cha mẹ đứa bé muốn con mình trở thành một tượng hiền, một mẫu người của Khổng giáo.

Không nói ra nhưng chắc ai cũng hiểu rằng phương thuật Bế con qua bóng voi dùng con voi giấy hàng mã. Voi giấy không những có thể mua được, lại còn đẹp và an toàn hơn voi thật !
Hai phương thuật kể trên nếu không có lợi thì cũng chẳng có hại gì cho sức khỏe của đứa bé. Đáng tiếc là bên cạnh những trò vô thưởng vô phạt của mê tín dị đoan, thỉnh thoảng cũng có phương thuật rất nguy hiểm, nguy cho tính mạng. Chẳng hạn như cho trẻ con hay trớ uống nước lòng đò .

Nước lòng đò là nước đọng lại trong lòng con đò chở người qua sông. Rõ ràng đây là nơi chứa đựng và phát sinh ra vi trùng của nhiều bệnh tật. Thế mà người xưa dám cho trẻ con uống để chữa bệnh hay trớ (ói, oẹ). Chắc chắn là nước lòng đò chẳng có dược tính thần diệu nào cả ! Nếu vậy thì chúng ta phải tự hỏi trớ có liên hệ gìvới đò chăng ?
Chữ trớ (hán) nghĩa là nguyền rủa (Thiều Chửu). Trớ còn có âm khác là thư (bộ khẩu), nghĩa là Khấn với quỷ thần gia họa cho người khác cho bõ ghét (Đào Duy Anh) .

Chữ thư làm tôi sực nhớ lại những mẩu chuyện phiêu lưu đường rừng rùng rợn ?
Ta thường được nghe thuật lại rằng có nhiều người bị thư nghĩa là bị người thuê các đồng bào Mường hoặc Thượng thư vật gì vào thân thể phải tìm cho được người thư ấy, họ kéo thư về thì mới khỏi bệnh được. Có người bị thư quả trứng, miếng mảnh sành, bó giẻ v.v?vào trong bụng không sao lấy ra được. Theo những lời thuật lại thì dù người bị thư có được bác sĩ giải phẫu lấy vật thư ra, rồi sau đó vật thư cũng vẫn sẽ trở lại vào trong người nếu người thư chưa kéo thư về (Toan Aùnh, sđd, tr. 474).

Thư của đồng bào Mường, Thượng (sau này thêm cả người Miên) có thể bỏ được cả quả trứng, mảnh sành, bó giẻ vào bụng, được bác sĩ giải phẫu cũng không trừ tiệt được. Ai nghe mà không sợ. Từ chỗ sợ bị thư nhiều người quay ra nghi ngờ sợ hãi luôn cả đồng bào Mường, Thượng, mất cả tin tưởng vào bác sĩ nhà thương. Từ chỗ nhờ quỷ thần gia họa cho người khác, người ta đã chuyển sang thuê đồng bào Mường, Thượng hại người khác.

Trở lại trường hợp trẻ con bị trớ. Người xưa chữa như thế nào?
Bị trớ (bị thư) có nghĩa là bị ai nhờ quỷ thần, tà ma ám hại. Chỉ có trời Phật, thần thánh mới diệt trừ được ma quỷ. Hết ma quỷ là hết bệnh. Tiếng nhà Phật gọi hành động cứu vớt người qua cơn hoạn nạn, đưa người vượt qua bể khổ, là tế độ.
Cầu Thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán Thu phong đứng rũ tà huy
(Cung oán ngâm khúc, bản Tôn Thất Lương)

Chữ độ (bộ thủy) còn có nghĩa là đưa người qua sông, là bến đò. Chữ đò (nôm) của Việt Nam là do từ chữ độ (hán) này mà ra. Con đò được mang ý nghĩa là cứu vớt người bị nạn.

Rốt cuộc, muốn trừ ma quỷ để cứu đứa bé, người ta phải dùng con đò. Đò và thuyền tuy không khác nhau là mấy nhưng phương thuật không nói đến thuyền, không dùng nước lòng thuyền, vì thuyền không mang ý nghĩa của chữ độ và con đò. Trên thực tế chả mấy ai ở gần bến đò, lại càng không có sẵn đò ở trong nhà nên người ta phải dùng vật gì có đụng chạm, tiếp xúc với con đò, chẳng hạn như nước đọng trong lòng đò.
Tóm lại, cho đứa bé uống nước lòng đò là để trừ ma quỷ, chữa cho nó khỏi bị thư, tức là khỏi bị trớ.

Phương thuật Cho trẻ con hay trớ uống nước lòng đò thật là nguy hiểm, không đếm xỉa gì đến phép vệ sinh sơ đẳng. Phương thuật này tai hại không thua gì phương thuật Cho đàn bà đẻ khó uống nước ao (Xem bài Phong tục về sinh đẻ. Chỉ xin nhắc lại ở đây là chữ ao có nghĩa là lõm xuống. Cho đàn bà đẻ khó uống nước ao là để cho bụng lõm xuống, nghĩa là để đẻ được).

Xưa kia, bọn chữ nghĩa nửa mùa đã suy diễn bậy bạ để dìm đám dân quê thiếu học trong mớ mê tín dị đoan tối tăm. Bên cạnh những phương thuật chỉ có mục đích làm giàu cho bọn buôn thần bán thánh, có nhiều phương thuật có thể làm chết người.

#3 Quách Ngọc Bội

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPip
  • 4517 Bài viết:
  • 29122 thanks
  • LocationThảo Nguyên

Gửi vào 05/01/2014 - 09:56

Phong tục Cưới Hỏi

-Nguyễn Dư-


Luân lý Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một bổn phận thiêng liêng của con cháu. Thờ phụng phải được tiếp nối liên tục qua các đời. Vì vậy mỗi người đàn ông phải sớm lập gia đình để mau có con trai nối dõi, lo việc đèn nhang.
Sớm là bắt đầu từ mấy tuổi ?
Luật lệ ngày xưa không ấn định tuổi được phép lấy vợ lấy chồng. Chúng ta được biết vài trường hợp trai gái lấy nhau khá sớm :

- Gái thập tam, nam thập lục (gái 13, trai 16),

- Em lấy anh từ thuở mười ba
Đến năm mười tám em đà năm con...

- Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng...

Năm 1888, nhà nước bảo hộ Pháp ấn định con gái 14 tuổi, con trai 16 tuổi mới được làm đám cưới. Tuy không thay đổi là bao so với 13 và 16 tuổi, nhưng ít ra luật pháp cũng chính thức cấm tục tảo hôn(lấy vợ sớm), không cho phép con trai dưới 16 tuổi lấy vợ. Tuy bị cấm, nhưng ở nông thôn miền Bắc, hủ tục này còn rơi rớt đến tận những năm 1940. Một vài cậu bé con nhà giàu, mới lên tám, lên mười đã được cha mẹ cưới cho một cô vợ lớn gấp hai, ba lần tuổi mình. Thật ra mục đích của cha mẹ cậu bé là kiếm một người giúp việc không công, chứ chẳng phải là lo cho con, hay cho ông bà tổ tiên.

Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy . Con gái không có quyền quyết định. Duyên phận phó mặc cho may rủi, chọn lựa của cha mẹ.

Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày

Ý muốn của chàng trai cũng phải được cha mẹ chấp nhận thì mọi chuyện mới trôi chảy êm đẹp.

Ngày xưa, lễ nghi cưới xin của ta bắt chước Tàu. Rất rườm rà, phức tạp.

Theo sách Văn công gia lễ thì cưới xin có 6 lễ chính:

1- Nạp thái : nhà trai đến nhà gái ngỏ ý
2- Vấn danh : nhà trai hỏi tên tuổi cô gái để tính ngày giờ, xem có bị xung khắc không ?
3- Nạp cát : chọn được ngày tốt, xác nhận với nhà gái
4- Nạp tệ : đưa đồ thách cưới do nhà gái ấn định
5- Thỉnh kỳ : định ngày làm lễ cưới, nộp nữ trang, vải vóc cho nhà gái
6- Nghinh hôn (thân nghinh): lễ rước dâu

Năm 1477 nhà Lê quy định rằng :

Phàm người lấy vợ, trước hết phải mượn người mối đi lại bàn định, rồi sau mới định lễ cầu thân. Lễ cầu thân xong rồi mới định lễ dẫn cưới. Dẫn cưới xong rồi mới định ngày đón dâu. Ngày hôm sau chào cha mẹ chồng, ngày thứ ba đến lễ nhà thờ. Nghi thức tiết mục, phải theo đúng như điều đã ban xuống mà làm. Không được như trước, nhà trai dẫn lễ cưới rồi để đến 3, 4 năm mới cho đón dâu.

Bắt đầu, nhà trai bắn tin thăm dò. Các nhà quyền quý thường tìm nơi môn đăng hộ đối (gia đình tương xứng). Sau khi đã được nhà gái đồng ý, nhà trai mới nhờ ông mai hoặc bà mối mang trầu cau và trà tới xin dạm.

Đẹp như rối, không mối không xong

Vai trò trung gian của ông mai bà mối rất quan trọng.
Lễ dạm tương đương với ba lễ đầu của ngày xưa.
Trầu cau luôn luôn có mặt trong các lễ cưới hỏi của người Việt Nam.

Truyền thuyết kể rằng :

Ngày xưa có hai anh em nhà kia, hơn nhau một tuổi và giống nhau như đúc(có người kể là hai anh em sinh đôi). Cha mẹ mất sớm. Được 17, 18 tuổi, hai anh em đến xin trọ học tại nhà một đạo sĩ. Học hành chăm chỉ, tính tình đứng đắn, cả hai được thầy yêu quý. Thầy có người con gái tuổi trăng tròn, xinh đẹp dịu hiền. Cô gái đem lòng yêu mến hai anh em.

Ít lâu sau cô xin phép cha lấy người anh làm chồng. Từ ngày lập gia đình, người anh quấn quýt bên cô vợ trẻ, lơ là với em. Người em cảm thấy lẻ loi. Một hôm hai anh em cùng lên nương làm việc đồng áng, tối trời mới về. Người em vào nhà trước. Chị dâu trong buồng chạy ra, tưởng là chồng mình, vội ôm chầm lấy. Người em lúng túng kêu lên. Hai người cùng ngượng ngùng xấu hổ. Được chứng kiến cảnh vợ và em ôm nhau, người anh đem lòng nghi ngờ. Từ đó tình anh em lại càng lạnh nhạt.

Một buổi chiều kia, anh chị đi vắng, người em cảm thấy cô đơn, buồn tủi, quyết định bỏ nhà ra đi. Chàng đi, đi mãi đến một khu rừng, có con suối chắn ngang. Màn đêm xuống dần... Mỏi mệt, đói khát, buồn chán, chàng lịm thiếp đi rồi chết. Xác chàng biến thành một tảng đá.

Vợ chồng người anh về nhà không thấy em. Qua ngày hôm sau vẫn vắng bóng. Người anh lẳng lặng bỏ nhà đi tìm. Đến khu rừng, cạnh con suối, ngồi tựa lưng vào tảng đá nghỉ mệt. Thương nhớ em... Chàng thiếp đi, chết giữa đêm khuya, hóa thành một cây mọc thẳng bên cạnh tảng đá.

Đến lượt người vợ trông chờ mãi không thấy chồng về, cũng lần theo con đường mòn đến cạnh bờ suối. Đêm đó nàng chết, hóa thành một cây leo, quấn chặt thân cây cao.

Một hôm vua Hùng Vương đi qua chốn ấy. Nghe dân làng kể chuyện, vua sai người lấy lá cây leo, hái quả cây cao. Nghiền lá với quả thì thấy một mùi thơm nhẹ nhàng toát ra. Nhai thử thì thấy vị cay, tê tê đầu lưỡi. Nước tiết ra, nhổ lên tảng đá thì thấy một màu đỏ thắm hiện lên.

Dân làng đặt tên cây cao là cau, cây leo là trầu, tảng đá là vôi.

Nước ta có tục ăn trầu từ đó.
Trầu cau tượng trưng cho tình nghĩa thủy chung, thắm thiết. Miếng trầu là đầu câu chuyện, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi gặp gỡ nhau người ta cũng thường mời nhau miếng trầu. Ngày nay miếng trầu có thêm tí vỏ, ít thuốc lào, càng làm tăng thêm hương vị.

Sau lễ dạm đến lễ nạp tệ, hay thách cưới.

Nhà gái đưa ra một danh sách những đồ vật và tiền bạc bắt nhà trai phải nộp.Thông thường thì cũng phải:

Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau

Chàng trai nói giúp cho lịch sự chứ thật ra là bị bắt buộc. Có khi nhà gái thách cao, đòi bò, đòi trâu, vòng vàng, xà tích bạc...

Năm 1663 vua Lê Huyền Tông ban điều giáo hóa :

Vợ chồng là gốc luân thường, lấy vợ, gả chồng phải theo lễ nghĩa, không được suy bì giàu nghèo, đòi nhiều tiền của. Lấy nhau phải phân biệt họ hàng, nòi giống, không được tham giàu sang mà phối hợp loạn luân thường, không được cẩu hợp không có sính lễ để đến nỗi gần như giống cầm thú...

Năm 1804 vua Gia Long định lệ :

Trai lấy vợ, gái lấy chồng thì sính lễ phải châm chước. Trong 6 lễ phải tùy sức nhà trai giàu nghèo, không được bắt ép viết văn khế cầm ruộng...

Bên cạnh thách cưới, nhà trai còn phải nộp cheo cho làng cô gái. Có nộp cheo mới được làng công nhận chuyện cưới xin.

Xưa kia nước ta không có sổ sách hộ tịch. Khi nhận tiền nộp cheo, làng viết giấy chứng nhận. Giấy này có giá trị như giấy giá thú ngày nay. Đám cưới nào không nộp cheo thì cặp vợ chồng đó sẽ bị làng coi như sống lén lút :

Có cưới mà chẳng có cheo
Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài

Nộp cheo bằng đồ vật hay tiền bạc. Có làng bắt nộp chiếc mâm đồng, ít chén bát để dùng cho hội hè đình đám. Có nơi đòi ít gạch để lót lại quãng đường hư hỏng, hay một ít vật liệu để sửa cái cầu, giếng nước...

Luật xưa quy định :

Bất cứ ở cùng một làng hay làng khác đều cho phép thu cheo một quan tiền cổ và một vò rượu. Quan viên và binh lính ở xã thôn nhà gái không được viện cớ người ta lấy chồng làng khác mà đòi tiền cheo quá lạm (1663).

Về tiền cheo thì nhà giàu phải nộp 1 quan 5 tiền, nhà bậc trung nộp 6 tiền, nhà nghèo nộp 3 tiền (1804).

Tuy luật quy định như vậy nhưng trong thực tế vẫn có sự phân biệt người cùng làng hay khác làng. Và tiền cheo thường bắt nộp quá mức luật định.

Nhà trai sắm sửa đủ đồ thách cưới thì lảm lễ hỏi , mang tới nộp nhà gái.

Sau lễ hỏi, nhà trai phải năng lui tới thăm hỏi, sêu tết nhà gái. Mùa nào thức ấy: nhãn, vải, hồng, cốm...trong khi chờ đợi lễ cưới.

Lễ cưới, còn gọi là rước dâu, đón dâu, tên chữ là nghinh hôn, là lễ quan trọng nhất.

Lễ cưới phải chọn ngày tốt, đón dâu phải lựa giờ tốt. Ngày xưa có tục đón dâu vào buổi tối. Nhà trai mang trầu cau, rượu, xôi, gà, lợn...đến nhà gái. Dẫn đầu là một cụ già, không có tang, vợ chồng song toàn, lắm con nhiều cháu. Cụ già mặc áo thụng xanh, cầm bó hương hay ôm lư trầm. Theo sau là những người đội lễ vật, tiếp đến chú rể, họ hàng. Ngày xưa chú rể đội nón. Đến đầu thế kỷ 20, chú rể tân thời bỏ chiếc nón, thay bằng cái ô tây, miệng phì phèo thuốc lá. Ngoài Bắc, chỉ có cha chú rể đi đón dâu. Trong Nam, cha mẹ chú rể cùng đi.

Trên đường đến nhà gái, nhà trai thường bị những người nghèo và trẻ con tổ chức bày hương án, chăng giây ngăn cản. Mục đích của đám này là đòi ăn uống, tiền bạc, họa hoằn mới để mua vui. Muốn cho mọi chuyện được êm đẹp, khỏi bị quấy phá, chửi rủa tục tằn, làm chậm trễ buổi lễ, nhà trai thường phải chiều ý chúng.

Khi nhà trai tới đầu ngõ, nhà gái đốt pháo đón mừng. Người chủ hôn hoặc cha chú rể đứng ra tuyên bố xin đón dâu. Đại diện mẹ chú rể bưng trầu cau đặt trước mặt nhà gái để xin con dâu.

Nhà gái mời đại diện nhà trai cùng cô dâu chú rể làm lễ cáo gia tiên . Đây cũng là một dịp để trẻ con bên nhà gái đóng cửa nhà thờ nhõng nhẽo vòi tiền nhà trai.

Sau đó, nhà trai xin rước dâu. Ngoài Bắc, cha mẹ cô dâu không đưa tiễn con gái về nhà chồng. Trong Nam, nhà gái cũng kén một cụ già cầm bó hương đi trước, theo sau là cô dâu và cha mẹ họ hàng, bạn bè đưa tiễn.

Đám rước dâu vẫn do cụ già của nhà trai cầm bó hương dẫn đầu, đằng sau là hai họ. Đoàn người về tới đầu ngõ thì nhà trai đốt pháo chào mừng.

Trong lúc đi đường, cô dâu ăn mặc đẹp sợ bị thiên hạ quở quang, phải cài vài cái kim vào choàng áo để trấn áp những câu nói độc mồm độc miệng.

Giữa bậc cửa vào nhà chú rể đặt một hỏa lò than hồng để cô dâu bước qua. Than hồng sẽ đốt hết những vía xấu đi theo quấy phá cô trên đường về nhà chồng.

Trước khi cô dâu bước vào nhà, mẹ chú rể xách bình vôi lánh mặt một lúc lâu rồi mới về chào mừng hai họ.

Có ngườì cho rằng bình vôi tượng trưng cho của cải trong nhà. Lại có người cho rằng bình vôi là một tục bái vật cổ truyền xa xưa của dân ta. Bình vôi là bà chúa trong nhà, chưa ai định danh là bà chúa gì, nhưng bình vôi tượng trưng cho uy quyền chúa nhà, nhà nào cũng có bình vôi. Khi làm vỡ bình vôi thì đem mảnh bình còn lại cất ở chỗ uy nghiêm hoặc đưa lên đình chùa, không vứt ở chỗ ô uế.

Tại sao bình vôi lại là uy quyền, của cải ?

Chữ vôi (nôm) được viết bằng chữ khôi (hán việt). Khôi chính nghĩa là tro, là màu xám. Chữ khôi có nhiều từ đồng âm. Trong đó có chữ khôi (bộ quỷ) nghĩa là đứng đầu và chữ khôi (bộ ngọc) nghĩa là quý báu.

Do đó cái bình vôi của ta được dùng để tượng trưng cho người đứng đầu và của cải. Bà mẹ chồng giữ bình vôi để bảo vệ uy quyền của mình và của cải của gia đình. Chiếc bình vôi chỉ là một suy diễn chữ nghĩa của giới bình dân chứ không mang nội dung thần thánh. Ý kiến cho rằng bình vôi là bà chúa chưa ai định danh là bà chúa gì và bình vôi là tục bái vật có lẽ đã vượt quá xa khả năng suy diễn hán nôm của giới bình dân !

Có nơi chờ đám rước dâu về tới đầu ngõ, một người lấy chày giã vào cối đá, đôi khi giã mạnh đến vỡ cả cối. Tục ấy thì ngộ quá, không hiểu ý làm sao (Phan Kế Bính).

Giã cối là một tục cổ, có từ thời đại Hùng Vương.

Giã cối cũng là một tục lệ ngày hội.Từng đôi nam nữ cầm chày dài đứng giã cối tròn.Đó là những chiếc cối rỗng, là một thứ dụng cụ nông nghiệp, đồng thời là nhạc cụ, và cũng là vật tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Trở thành một tiết mục trong ngày hội lễ, giã cối(và hát) vừa là hình thức biểu diễn và thưởng thức văn nghệ vừa là trò chơi và hình thức giao duyên nam nữ, vừa mang ý nghĩa cầu mong sinh sản thịnh vượng.

Chày cối, theo quan niệm dân gian, là hình giống của nam và nữ. Giã cối, ở một số nơi, còn có ý nghĩa tượng trưng cho hành động tính giao.

Cô dâu, chú rể cùng lễ tổ ở nhà thờ họ nhà trai, rồi trở về nhà chú rể lễ gia tiên, chào mừng cha mẹ, họ hàng bên chồng.

Con gái là con người ta
Con dâu mới thật mẹ cha mua về

Từ giờ phút này, cô dâu trở thành một người của gia đình bên chồng.

Có nơi còn làm lễ tơ hồng, cám ơn Nguyệt Lão đã xe duyên cho đôi trẻ.
Tích Nguyệt Lão kể rằng :

Đêm trăng, Vi Cố đi chơi gặp một ông già ngồi đọc sách, tay cầm nắm dây tơ màu đỏ. Vi Cố chào hỏi, ông già tự xưng là Nguyệt Lão chuyên việc xe duyên cho nhân gian. Dây tơ đỏ để buộc chân những cặp vợ chồng có tên trong sách. Vi Cố tò mò muốn biết ai sẽ là vợ tương lai của mình. Nguyệt Lão tra sách, trả lời là đứa bé gái, con người ăn mày ngoài chợ. Vi Cố tức giận. Hôm sau ra chợ tìm giết đứa bé. Đứa bé bị Vi Cố chém một nhát trúng đầu, ngất đi. Về sau Vi Cố kết duyên cùng con gái một vị quan to. Một hôm thấy vết sẹo trên đầu vợ, hỏi ra mới biết rằng thuở nhỏ nàng bị một người chém giữa chợ, được quan cứu sống, đem về nuôi.

Tối hôm cưới, gọi là tối động phòng, làm lễ hợp cẩn. Hai vợ chồng cùng uống chung một chén rượu.

Cưới được ba ngày, đến ngày thứ tư thì hai vợ chồng mang xôi chè, trầu rượu về nhà bố mẹ vợ lễ gia tiên, gọi là lễ lại mặt hay tứ hỉ.

Luật xưa nghiêm cấm cử hành lễ cưới trong lúc gia đình có tang từ một năm trở lên (tang ông bà, chú bác, cha mẹ). Nhà trai hoặc nhà gái gặp lúc gia đình có cha mẹ, ông bà hay chú bác đau ốm nặng, thường cho cử hành gấp lễ cưới. Nếu có người chết, phải làm đám cưới trước khi phát tang.

Cưới vội vã như vậy gọi là cưới chạy tang.

Xã hội Việt Nam đã thay đổi sâu xa. Phần đông trai gái ngày nay lấy nhau ở độ tuổi từ 20 đến 30. Họ có nhiều dịp gặp gỡ, tìm hiểu nhau trước khi quyết định làm đám cưới. Cha mẹ được hỏi ý kiến nhưng không còn nắm vai trò quyết định nữa. Nhờ đó mà hủ tục môn đăng hộ đối không còn nữa. Nghi lễ được tổ chức đơn giản để đỡ tốn thời gian. Lễ hỏi, lễ cưới chỉ có trầu cau, trà bánh và rượu. Lễ gia tiên còn được giữ, các lễ khác thường bỏ qua.

Nhiều nơi rước dâu bằng xe hơi.

Ở nước ngoài, các cô dâu Việt Nam thường mặc áo dài thêu rồng vẽ phượng, đầu đội khăn vành, màu đỏ màu vàng, trong khi ở trong nước các cô lại chuộng chiếc áo cưới cồng kềnh lết đất của Âu Mỹ.

Chiều tối hai họ cùng tổ chức mời bạn bè ăn uống. Cô dâu thay ba bốn bộ quần áo, giống như một cuộc trình diễn thời trang.

#4 Quách Ngọc Bội

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPip
  • 4517 Bài viết:
  • 29122 thanks
  • LocationThảo Nguyên

Gửi vào 05/01/2014 - 10:09

Phong tục về Tang Ma

- Nguyễn Dư -


Tang lễ là những lễ nghi được đặt ra để bày tỏ lòng thương xót và kính thờ người chết.
Người Việt Nam coi tang lễ cha mẹ là quan trọng nhất.
Khi cha mẹ hấp hối thì phải khiêng ra giữa nhà để tỏ rằng cha mẹ chết một cách quang minh chính đáng. Lúc này phải đặt tên hiệu, tên thụy, còn gọi là tên cúng cơm, rồi thưa cho cha mẹ biết để sau này mỗi khi cúng giỗ, nghe con cháu khấn tên thì cha mẹ về dự lễ. Lại lấy một miếng lụa trắng dài đặt lên mặt, có người nói đặt lên ngực (1) để hồn người sắp chết nhập vào, rồi kết thành hình người, gọi là hồn bạch.
Khi tắt thở rồi thì tang chủ (người chủ lễ, thường là con trai trưởng) lấy một chiếc đũa để ngang hàm, dùng một miếng khăn hoặc một miếng giấy phủ lên mặt để tránh ma quỷ ám hại.
Xong, khiêng xác đặt xuống đất, rồi lại khiêng lên giường, mong rằng người chết hấp thụ sinh khí của đất, may ra sống lại.
Phan Kế Bính cho rằng tục này mang ý nghĩa là người ta bởi đất sinh ra thì khi chết lại về đất (2). Có lẽ Phan Kế Bính đã chịu ảnh hưởng của Đạo Thiên Chúa chăng ?

Người con cầm cái áo của người chết mới thay, đi đường phía trước trèo lên mái nhà hú vía ba lần (lễ phục hồn, chiêu hồn) : ba hồn, bảy vía, cha đâu về với con hoặc ba hồn, chín vía mẹ đâu về với con, tỏ ý mong cha mẹ sống lại. Theo quan niệm của Đạo giáo thì phách (hay vía) là phần tinh thần của người phải phụ vào xác mới tồn tại, khi người chết thì tan đi, còn hồn là phần tinh thần không có xác vẫn tồn tại được.
Hú vía xong tụt xuống bằng lối phía sau. Mang áo vừa được hú vía phủ lên xác.
Dùng nước thơm tắm rửa cho người chết (lễ mộc dục ), chải tóc, cắt móng tay móng chân, thay quần áo mới. Con trai tắm rửa cho cha, con gái tắm rửa cho mẹ. Người chết được mặc quần áo sang trọng hay đơn sơ tùy theo nhà giàu hay nghèo, có chức tước hay không, chết già hay chết trẻ.
Các đồ dùng và nước tắm của lễ mộc dục được đem chôn.

Sau đó làm lễ phạn hàm, hay ngậm hàm. Bỏ một nắm gạo và ba đồng tiền (đồng kẽm, đồng chinh) vào miệng người chết. Gạo để linh hồn người chết ăn, khỏi phải thành ma đói ( ngạ quỷ). Tiền dùng để đi đò hay qua cầu sang bên kia thế giới. Những người lúc sống ăn ở bạc ác thì lúc chết linh hồn phải qua cầu Nại Hà. Người lương thiện được qua cầu Kim Ngân. Ngày xưa nhà giàu dùng gạo và vàng, ngọc để làm lễ phạn hàm.
Từ lúc mặc quần áo đẹp cho người chết xong, con cháu không mặc đồ tốt đẹp, chải chuốt. Ngược lại, càng ăn mặc tiều tụy càng tỏ lòng hiếu thảo.

Tiếp đến là lễ khâm liệm. Khâm liệm là dùng vải bọc xác trước khi đặt vào áo quan. Xác được chèn đồ bổ khuyết, bọc kín và buộc chặt thành một khối vuông vức.
Lúc đặt xác vào áo quan ( lễ nhập quan ), lót giấy bản, rắc bỏng hay trà khô để đề phòng hút nước do xác tiết ra. Nhiều nhà mời thầy phù thủy làm lễ phạt mộc(chém gỗ). Một tay cầm dao, tay kia cầm bó hương, thầy phù thủy vừa niệm thần chú, vừa quát tháo, vừa chém vào thành áo quan để trừ ma quỷ còn ẩn nấp trong áo quan và trong những tấm ván.
Phạt mộc xong, thầy phù thủy bỏ vào trong áo quan một miếng ván đục hình chòm sao bắc đẩu, gọi là ván thất tinh (bảy ngôi sao). Gia đình nghèo thì chỉ vẽ chòm sao lên một mảnh giấy.

Ván thất tinh có công dụng gì ?
Theo quan niệm của Đạo giáo thì trên cõi trời có Ngọc Hoàng Thượng Đế và nhiều vị thần ngự trị. Trong số các vị thần được người đời thờ kính có Nam Tào và Bắc Đẩu, hai vị thần chuyên ghi chép và kiểm soát sổ sinh, sổ tử của loài người.
Chòm sao bắc đẩu (đại hùng tinh) tượng trưng cho thần Bắc Đẩu. Bỏ tấm ván thất tinh vào trong quan tài, người ta hi vọng rằng linh hồn người chết sẽ được vị thần giữ sổ tử che chở.

Người nào chết nhằm giờ xấu thì phải bỏ thêm vào áo quan một cỗ bài tổ tôm, ngày nay có chỗ dùng bộ bài tây, một quyển lịch tàu hoặc lịch ta.
Tục này mang ý nghĩa gì ?
Chữ bài (hán việt, bộ thủ), nghĩa là trừ bỏ, và chữ lịch (bộ chỉ) nghĩa là trải qua, vượt qua.
Chết nhằm giờ xấu, người ta dùng bộ bài, quyển lịch để trừ bỏ điều xấu, vượt qua được mọi khó khăn.
Nhiều nhà còn dán thêm bùa bên trong và bên ngoài áo quan để trừ khử ma quỷ. Có nhà dùng tàu lá gồi thay cho quyển lịch. Lá gồi trừ được thần trùng (2)(3).

Nhập quan rồi, chèn thêm đồ bổ khuyết, đậy nắp áo quan, gắn sơn, đóng cá hoặc đóng đinh cho kín.
Linh cữu được khiêng ra đặt giữa nhà, trên nóc bày một bát cơm úp, cắm một chiếc đũa vót cho sơ ra như gai nhọn (có nơi gọi là chiếc đũa bông), một quả trứng luộc, ba nén hương.
Bát cơm, quả trứng, có thể là bữa ăn để linh hồn người chết khỏi trở thành ma đói. Nhưng chiếc đũa có gai nhọn thì chắc chắn không phải là để dùng ăn cơm. Không ai có thể ăn với một chiếc đũa như thế.

Vậy chiếc đũa gai này mang ý nghĩa gì ?
Chiếc đũa chữ hán việt là khoái (bộ trúc). Chữ khoái (bộ tâm) có nhiều nghĩa : sướng thích, nhanh chóng, sắc bén, và lính đi bắt giặc cướp.
Cái gai nhọnchữ hán việt là thứ (bộ đao), thứ còn có nghĩa là đâm chết.
Chiếc đũa gai tượng trưng cho một tên lính đi bắt và đâm chết giặc cướp, được người xưa dùng làm bùa trừ ma quỷ.

Nếu trong gia đình còn người ở bậc cao hơn người chết thì đặt linh cữu ở gian bên cạnh, đầu quay ra ngoài sân hoặc quay về hướng nam.
Sau vài ba ngày, chờ con cháu ở xa về đông đủ, thì làm lễ thành phục, cũng gọi là phát tang. Gặp mùa nóng bức hoặc lúc có bệnh dịch thì phát tang sớm hơn. Con cháu, họ hàng, tùy theo thứ bậc mà mặc đồ tang. Đồ tang của người vắng mặt được đặt trên linh cữu.

Luật xưa quy định rõ ràng năm hạng quần áo, mũ khăn, cùng thời hạn để tang.
Làm lễ nhập quan rồi nhưng chưa phát tang thì con cháu còn được phép cưới, gọi là cưới chạy tang.
Nhà nào rộng rãi, giàu sang thì đặt linh sàng (giường của linh hồn người chết) và linh tọa (bàn thờ linh hồn).
Buổi sáng bưng chậu nước, khăn mặt vào linh sàng, khóc ba tiếng rồi rước hồn bạch ra linh tọa, lúc đó mới dâng cúng cơm nước. Buổi tối dâng cúng xong, lại rước hồn bạch vào linh sàng, buông màn đắp chăn rồi mới trở ra. Nhà nghèo thì treo hồn bạch vào linh tọa, rồi làm lễ dâng cúng. Lễ này gọi là lễ chiêu tịch điện.

Trong mấy ngày linh cữu còn quàn trong nhà, nhiều gia đình mời phường bát âm thổi kèn, đánh trống đệm cho con cháu khóc, và mỗi khi có người tới phúng viếng. Nhà giàu lại còn thuê người khóc mướn cho tăng vẻ thương nhớ, sầu thảm.
Trước hôm đưa ma thì làm lễ thiên cữu (xê dịch linh cữu). Rước linh cữu sang nhà thờ tổ làm lễ yết tổ rồi đưa trở về chỗ cũ. Có nhà rước hồn bạch đi làm lễ. Không có nhà thờ tổ thì xoay linh cữu một vòng rồi lại đặt vào chỗ cũ.

Đến ngày phát dẫn (đưa đám), làm lễ khiển diện (tiễn biệt), rồi rước linh cữu lên đại dư (xe đòn). Có nhà làm lễ cáo thần đạo lộ, xin phép cho đám tang bắt đầu lên đường.
Bắt đầu cuộc phát dẫn. Tuỳ theo đám ma to hay nhỏ, cách sắp đặt cũng như thứ tự tuần hành có đôi phần khác nhau.
Đi mở đường là hai phương tướng mặc quần áo đạo sĩ, đeo mặt nạ dữ tợn, cầm gươm xua đuổi ma quỷ. Có khi phương tướng được làm bằng giấy hoặc vẽ vào tấm mộc, cho trẻ con vác.

Tiếp theo là thể kì, một bức hoành trắng do hai người khiêng, viết bốn chữ theo vài công thức có sẵn để đọc lên người lạ cũng có thể biết người chết là đàn ông hay đàn bà. Thí dụ cha chết thì viết câu Hỗ sơn vân ám (núi Hỗ mây che, theo điển tích xưa thì núi Hỗ là nơi tưởng nhớ cha). Mẹ chết thì viết câu Dĩ lĩnh vân mê (núi Dĩ mây mờ, núi Dĩ là nơi ngóng mẹ).

Sau thể kì đến minh tinh làm bằng một tấm lụa hay vóc màu đỏ dùng để ghi chức tước, họ tên, thụy hiệu người chết. Đây là chỗ để các gia đình danh giá đua nhau dài dòng minh tinh, đem hết phẩm hàm ra khoe. Nhà nghèo thì dùng giấy điều buộc lên cành tre cho một đứa bé cầm.

Kế tiếp là hương án bày đồ thờ và thực án bày đồ ăn.

Rồi đến linh xa chở hồn bạch, có phường bát âm đi kèm bên. Một người cầm biển đan triệu bằng giấy viết hai chữ trung tín hay trinh thuận tuỳ theo người chết là đàn ông hay đàn bà.

Tiếp theo là cờ công bố dẫn đường cho phu khiêng đại dư.

Nhà giàu thường che linh cữu bằng cái nhà táng trang hoàng lộng lẫy, hoặc một chiếc thuyền bát nhã bằng giấy nếu người chết là một Phật tử. Có nhà thắp thêm bảy cây nến xếp thành hình chòm sao bắc đẩu trên nắp linh cữu(1).

Tục ta mong muốn cho người chết được yên nghỉ, cho nên phu khiêng linh cữu, đại dư phải chú ý đi đứng nhẹ nhàng, ngay ngắn. Nhiều nhà cho đặt một chén nước đầy trên linh cữu, nếu trong suốt lúc di chuyển, khiêng vác, nước không sánh ra ngoài thì phu khiêng sẽ được thưởng tiền.

Cha đưa mẹ đón. Đám tang cha, con trai chống gậy tre theo sau quan tài. Đám tang mẹ, con trai chống gậy vông (ngày xưa gọi là cây đồng) nửa dưới đẽo vuông, nửa trên vót tròn, đi giật lùi đằng trước quan tài. Con trai nào vắng mặt thì treo cái gậy của người ấy ở đầu đòn đại dư. Nếu có con trai nào chết trước thì con trai của người này (hoặc người được ăn lập tự) phải chống gậy thay cha.

Tại sao lại chống gậy vuông đi giật lùi ?
Nhất Thanh giải thích rằng vì cha nghiêm (nghiêm đường, nghiêm phụ) con chỉ biết lẽo đẽo theo khóc, không dám lên phía trước đón ngăn lại trên đường vĩnh biệt như đối với mẹ hiền (gia từ, từ mẫu)(4).
Giải thích của Nhất Thanh e rằng dễ gây cho ta cảm tưởng rằng con chỉ sợ cha vì cha nghiêm, còn mẹ hiền thì con có thể nhờn. Vả lại Nhất Thanh vẫn chưa cho biết ý nghĩa của cái gậy vuông.
Muốn hiểu được tục này chúng ta phải nhìn lại xã hội phong kiến ngày xưa.
Ai cũng biết rằng Nho giáo rất trọng tôn ti trật tự quân, sư, phụ (vua, thầy dạy học, cha).
Trong gia đình người cha là trên hết. Cha chết, tất cả con cái thuộc bậc dưới phải đi sau quan tài của cha.

Còn vai trò của người mẹ thì ra sao ?
Nho giáo trọng đàn ông con trai, miệt thị đàn bà con gái. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô (một con trai kể là có, mười con gái kể là không). Cha chết thì quyền huynh thế phụ người anh được thay quyền cha. Chồng chết thì vợ phải phu tử tòng tử, nghĩa là mẹ phải theo con trai. Tuy nhiên, chữ hiếu của Nho giáo lại bắt con trai cũng như con gái phải thờ kính cả cha lẫn mẹ.
Tục lệ tang ma cho người con trai đi giật lùi đằng trước quan tài của mẹ, như vậy là vừa giữ được lòng kính trọng của chữ hiếu vừa giữ được tinh thần trọng nam khinh nữ của Nho giáo.

Hai chiếc gậy tre và gậy vông mang ý nghĩa gì ?
Toan Ánh cho rằng chiếc gậy tre tượng trưng cho ngay thẳng, cứng rắn của cha, gậy vông tượng trưng cho thuần hậu, mềm dẻo của mẹ (3).

Nhưng tại sao lại phải đẽo vuông chiếc gậy vông ?
Người xưa quan niệm rằng trời tròn đất vuông. Quan niệm này được thể hiện rõ ràng qua sự tích bánh giầy bánh chưng của ta.

Vua Hùng Vương thứ 18 muốn truyền ngôi, cho gọi các con vào chầu. Vua nói: "Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay mang trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi".
Lang Liêu nhà nghèo, được thần báo mộng: "Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình tròn, cái hình vuông để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ ".
Lang Liêu làm theo lời thần.
Bánh dâng lên vua, được vua khen vừa ngon vừa có ý nghĩa. Lang Liêu được vua truyền ngôi.
Từ đó, đến ngày Tết thiên hạ thường làm bánh giầy bánh chưng dâng cúng cha mẹ.
Gậy tre tròn tượng trưng cho trời. Theo thuyết Âm Dương của Nho giáo thì trời thuộc về dương, chỉ người cha. Gậy vông vuông tượng trưng cho đất. Đất thuộc về âm, chỉ người mẹ.
Vì vậy cho nên đưa đám cha phải chống gậy tròn, đưa đám mẹ thì chống gậy vuông.

Con gái, con dâu luôn luôn đi đằng sau linh cữu cha mẹ, dưới tấm phương du bằng vải trắng dùng để che nắng. Khi nào được hiệu lệnh thì con gái trưởng và con dâu trưởng phải vừa khóc vừa lăn đường cho tăng thêm phần thảm thiết.

Các gia đình theo đạo Phật thường mời nhà sư, bà vãi đến tụng kinh, cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu sinh tịnh độ. Lúc đưa đám, các bà vãi đội cầu bát nhã, nhà sư gõ mõ tụng kinh, đi đằng trước linh cữu để dẫn đường linh hồn sang Tây phương cực lạc.
Dọc đường đám tang có người rắc vàng mã . Người ta tin rằng có nhiều ma quỷ theo đuổi ám hại linh hồn người chết. Phải rắc vàng mã để tống tiễn chúng mới buông tha.
Tại huyệt chôn, nhiều nhà làm lễ tế thổ thần nơi đây.

Nhà có chức tước danh vọng còn làm lễ đề chữ , nghĩa là viết nốt chữ chủ còn bỏ dở. Bộ thần chủ được sửa soạn từ trước nhưng người ta chỉ viết chữ thần và ba nét ngang của chữ chủ, cố ý để thiếu nét chấm và nét sổ. Hiếu chủ mời một vị khoa bảng, có chức tước đứng ra làm lễ, cầm bút chấm và sổ cho thành chữ chủ. Thần chủ viết xong được đặt lên linh xa, rước về thờ tại nhà.
Đợi đúng giờ tốt thì hạ huyệt. Huyệt được thầy địa lí tìm phương nhắm hướng trước, lúc này chỉ xê xích linh cữu, đặt cho thật đúng.
Lấp mộ xong thì đốt nhà táng, minh tinh, cầu bát nhã, thuyền bát nhã và phương tướng.
Nếu người chết là Phật tử thì có nhà sư tụng kinh gõ mõ và các bà vãi cầm hương niệm Phật đi quanh mộ. Mỗi người cầm một hòn đất ném vào mộ, gọi là đi dong nhan.

Dong nhan nghĩa là gì ? Các học giả không thống nhất ý kiến. Có người hiểu là tưởng nhớ đến nét mặt người chết, người khác lại hiểu là lấp mặt người chết một lần cuối (5).

Những ngày tiếp theo, con cháu đem trầu rượu ra thăm mộ, gọi là ấp mộ, ngụ ý làm cho người nằm dưới mộ bớt lạnh lẽo. Đến ngày thứ ba làm lễ mở cửa mả. Con cháu đắp lại ngôi mộ, mời thầy phù thủy yểm bùa trừ ma quỷ.

Những gia đình theo Phật giáo, sau đám tang cứ bảy ngày lại làm một tuần chay, tụng kinh tại nhà hay tại chùa. Đến tuần chay thứ bảy, cũng gọi là cúng 49 ngày, thì ngừng.

Được 100 ngày làm tuần bách nhật, còn gọi là tuần tốt khốc nghĩa là từ nay trở đi thôi không khóc nữa. Mỗi năm đến ngày mất, con cháu cúng giỗ để tưởng nhớ. Giỗ đầu gọi là tiểu tường. Năm sau làm lễ đại tường. Sau 27 tháng thì làm lễ trừ phục, hết hạn để tang. Trong thời hạn tiểu tường và đại tường, đến rằm tháng bảy tuần trung nguyên người ta hay đốt vàng mã cho người chết dùng, có khi đốt cả hình nhân, thằng Quýt con Nhài, cho xuống âm phủ hầu hạ người chết.

Khi có người chết oan, bị giết, chết bất đắc kì tử, hoặc chết nhằm giờ xấu thì phải làm chay để siêu độ vong hồn. Đàn chay thường được tổ chức ngay tại chỗ người bị chết.

Lễ làm chay dung hợp cả Phật giáo và Đạo giáo. Trên đàn tế bày tượng tam bảo, tượng tam phủ, hai bên có tranh thập điện, ở giữa có tranh quan thánh. Buổi lễ do nhà sư hay pháp sư làm chủ lễ. Mục đích của lễ là gọi hồn người chết về, cầu Phật để xin phổ độ, cầu tam phủ để xin xá tội.

Nhiều làng quê miền Bắc có tục cải táng (bốc mộ), nghĩa là chôn sang khu đất mới. Lí do là vì sau vài ba năm mộ cũ bị sụt lở, ngập nước, hoặc vì chôn ở nơi xa con cháu muốn đưa về quê nhà, cũng có khi chỉ vì tin thầy địa lí, phù thủy.

Con cháu làm lễ cáo từ đường rồi khai mộ, mở nắp quan tài. Tất cả xương cốt được nhặt ra, tẩy rửa bằng nước thơm, lau khô, xếp vào một cái tiểu sành, rồi chôn sang đất khác. Trước khi chôn làm lễ cúng thổ thần mới.

Người Việt Nam quan niệm rằng sống gửi thác về (sinh kí tử quy). Chết là trở về với tổ tiên bên kia thế giới. Ai cũng mong muốn cho cha mẹ trở về được thanh thoát, may mắn.

Người con có hiếu phải thờ cha mẹ đã chết cũng như lúc cha mẹ còn sống, thờ khi mất như lúc hãy còn (sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn).

Nhưng vì câu nệ vào tục Tàu nên các nghi thức trở thành rườm rà, tốn kém, trọng hình thức giả tạo.

Ngày nay đám tang được tổ chức gọn gàng. Hồn bạch, thể kì, minh tinh được thay bằng tấm ảnh chân dung người chết. Linh cữu được chở bằng xe hơi. Nhiều nghi thức, hủ tục bị xoá bỏ (thương vay khóc mướn, lăn đường, cờ quạt rầm rộ, kèn trống ầm ỹ). Tục đốt vàng mã vẫn còn, thậm chí còn gia tăng ở một vài nơi. Đua nhau vén tay áo sô đốt nhà táng giấy, đốt xe hơi, tủ lạnh, giấy tiền đô la...
Thời hạn để tang được rút ngắn. Mồ mả xây đắp cẩn thận, không cần phải cải táng.
Nhiều gia đình cho thiêu xác, giữ tro để thờ tại chùa.


Sách tham khảo:

Thiều Chửu, Hán Việt tự điển,Hà Nội,1942
(1) Léopold Cadière, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens(t.3), Ecole Francaise d'Extrême-Orient, Paris,1992
(2) Phan Kế Bính,Việt Nam Phong Tục,Tổng Hợp Đồng Tháp,1990
(3) Toan Ánh, Phong Tục Việt Nam, Khai Trí, 1968
(4) Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất Lề Quê Thói,Saigon, 1968
(5) Nicole Louis-Hénard, Việt Nam Phong Tục(t.1), Ecole Francaise d'Extrême-Orient,Paris,1975

#5 Quách Ngọc Bội

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPip
  • 4517 Bài viết:
  • 29122 thanks
  • LocationThảo Nguyên

Gửi vào 06/01/2014 - 00:34

Bớ... thằng giặc Tề !

- Nguyễn Dư -

Trong bộ tranh dân gian Oger, phần nói về tục lệ tang ma, có một tấm vẽ một thầy phù thuỷ (còn gọi là pháp sư hay thầy pháp) đang làm phép lúc cải táng (bốc mộ). Chiếc quan tài đã được mở nắp, trên thành có con chim đậu, bên trong còn nguyên bộ xương người. Thầy phù thuỷ, một chân đạp thành quan tài, hai tay ôm súng chĩa về phía con chim. Đặc biệt ở đầu súng có mấy sợi giây rủ lòng thòng.

Tên tranh được ghi bằng ba chữ hán: Thằng dặc tề.

Vô tình tên tranh lại có vấn đề!

Người miền Bắc phát âm chữ dặc (hán) giống như chữ giặc (nôm), cho nên tên tranh còn có thể được đọc là Thằng giặc Tề.
Hai cách đọc này, đọc theo chữ hán hay đọc theo chữ nôm, sẽ đưa đến hai cách hiểu nội dung tranh khác nhau.

Hán hay nôm? Thằng giặc Tề là ai? Thằng dặc tề là gì?

Thằng giặc Tề được Nguyễn Mạnh Hùng (Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, Trẻ, 1990, tr. 126) giới thiệu:
Ngày trước, một bộ phận dân gian tin là có "thần trùng"- tức là thần hành hạ người chết vào ngày trùng hoặc bắt những người trong gia đình có người chết vào ngày trùng cứ chết nối theo - trừ phi tìm được pháp sư cao tay ấn đuổi đi thì mới chấm dứt.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn




Trong hình, thần trùng xuất hiện dưới dạng một con chim-và cũng gọi là "thần nanh đỏ mỏ". Con chim đỏ mỏ này từ trên không đáp xuống mồ người chết mổ thật mạnh đến nảy lửa làm cho người chết dưới mồ phải rên la. Khi ấy vị pháp sư được âm binh trợ giúp đã dùng gậy tháp đánh đuổi con chim ấy đi không cho hành hạ người đã khuất nữa. Xong, vị pháp sư phải ếm đối một lá bùa vào miệng thây ma không cho thây ma hoá thành "thần trùng" để làm hại gia đình mình nữa.
Nhưng tại sao ở đây ký họa lại ghi là "Thằng giặc Tề" mà không đề là "Thần trùng"?
Tục truyền đời Hán (hai thế kỷ trước công nguyên), Hàn Tín được phong là Tề Vương vì có tham vọng muốn chiếm ngai vàng nên đã bị Lữ Hậu giết chết. Tín mang hận xuống suối vàng bèn cấu kết với 12 hung thần, giết chết Hán Anh - con Lữ Hậu - để trả thù. Bị thác oan, Hán Anh bèn tố cáo với Diêm Vương về tội ác ấy của Tề Vương nên được Diêm Vương cho trở về với dương thế. "Thằng giặc Tề" đây phải chăng là Tề Vương tức Hàn Tín? (theo tư liệu của Ngô Quý Sơn)

Lời giải thích nghe thật lí thú, nhất là cho những ai thích truyện phong thần, kiếm hiệp Tàu. Thực thực, hư hư, chết đi sống lại, trả ân báo oán ...

Tuy thích nhưng tôi vẫn còn ngờ.

Sự tích thần trùng, thần nanh đỏ mỏ của tín ngưỡng dân gian chắc nhiều người trong chúng ta đã biết. Dùng hình ảnh con chim để gián tiếp cắt nghĩa thần trùng nghe ra cũng có lí, có thể chấp nhận được. Nhưng từ thần trùng nhảy qua Hàn Tín, một nhân vật lịch sử có thật, rồi từ Hàn Tín chạy sang thằng giặc Tề, thì lối giải thích có vẻ hơi khúc mắc, vòng vo khó hiểu.


Chẳng lẽ người vẽ và đặt tên tranh lại ra cho người xem tranh một câu đố hóc búa, khó hiểu như vậy?

Khó hiểu ở vài điểm:
1) Chữ Thằng của tiếng Việt thường được dùng với ý khinh bỉ, để chỉ những người ở bậc dưới mình, hoặc đôi khi dùng để hạ thấp người này, tâng bốc người kia:

Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu ...
(Ca dao)

Thằng nghèo bị lép vế trước ông nhà giàu.

Khoảng đầu thế kỉ 20 trở về trước, thỉnh thoảng ta bắt gặp chữ thằng trong văn thơ:

Hỏi ra, sau mới biết rằng:
Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ
(Nguyễn Du, Kiều)

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
(Nguyễn Đình Chiểu, Than đạo)

Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có
(Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

Chữ thằng chỉ chung đứa lưu manh, lũ phản quốc, bọn xâm lăng. Trong ngôn ngữ dân gian, thằng còn được dùng để chỉ chung trẻ con:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời ...
(Ca dao)

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong" ...
(Nguyễn Nhược Pháp, Chùa Hương)

Thằng cũng được dùng với ý miệt thị để gọi thằng mõ, một hạng người bị liệt vào hàng thấp nhất của xã hội.
Cho đến những năm 1930-1940, chưa bao giờ một nhân vật lịch sử, Tàu hay ta, bị sách vở gọi là thằng. Cổ nhân kín đáo, không chửi ai một cách thô lỗ chăng? Chữ thằng- chỉ một cá nhân- mới được dùng phổ biến và công khai từ khoảng sau 1945. Ngày nay chúng ta quen tai với những tiếng gọi thằng này, thằng kia. Xét cho cùng, điều này cũng dễ hiểu, chả có gì đáng ngạc nhiên. Người ta mạt sát thằng này thằng nọ vì người ta đang đứng ở vị trí có quyền ăn nói vô tội vạ, không sợ bị trả thù. Viết hồi kí, ai cũng có thể lôi thằng này, thằng kia của quá khứ ra chửi bới tha hồ cho sướng miệng. Ở thời điểm đang xảy ra sự việc, lúc cá nằm trên thớt, có cho ăn kẹo chắc cũng chả có ai dại gì lại đi chơi trò vuốt râu hùm, khinh cụ tổng đốc này, coi thường thầy giáo kia, đùa giỡn ông tướng nọ một cách huỵch toẹt như vậy!

Đầu thế kỉ 20, người dân Việt Nam còn phải chịu cảnh một cổ hai tròng, bị thực dân và phong kiến cai trị. Trẻ con cắp sách đến trường đều được học câu tiên học lễ, hậu học văn. Trong một môi trường xã hội như thế thì thiết nghĩ các nghệ nhân vẽ và khắc tranh chả có lí do hay lợi lộc gì để tự dưng vô cớ lại lôi Hàn Tín ra gọi là thằng! Mấy ai đã biết mày ngang mũi dọc của nhân vật này ra sao? Trong bộ tranh dân gian Oger, trừ 2 tấm "thằng phỗng đội nến" "người Thổ xách đầu thằng giặc", tất cả các tranh khác từ trẻ con đến người tù, ăn trộm, ăn mày, kể cả mõ làng ... đều không thấy dùng chữ thằng! Dường như nghệ nhân tránh dùng chữ thằng thiếu trang nhã?

2) Chữ giặc (giặc giã, giặc đến nhà đàn bà phải đánh) là âm nôm của chữ hán tặc. Chữ giặc được dùng thông thường để chỉ những người từ nước khác đến trực tiếp gây chiến tranh với ta (giặc Ân, giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh, giặc Pháp, giặc Mĩ ...). Được làm vua, thua làm giặc, chữ giặc còn được thực dân, phong kiến dùng để chỉ những người, những tổ chức trong nước nổi lên chống đối họ.

Xẩy nghe thế giặc đã tan
Sóng êm Phúc Kiến, lửa tàn Chiết Giang
(Kiều)

Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời
(Chinh phụ ngâm)

Nhà Nguyễn gọi quân Tây Sơn là giặc Tây Sơn. Triều đình phải cử người đi dẹp giặc Phan Bá Vành, giặc Lê Văn Khôi ... Nhà nước bảo hộ phải đương đầu với giặc Cờ Đen, giặc Bãi Sậy ...

Ngược lại, ta không gọi những người không đụng chạm đến ta là giặc. Trong văn chương, lịch sử Việt Nam không có giặc Đức, giặc Ấn Độ, giặc Công Gô... Nước Tề xa lắc xa lơ, mấy ai biết rõ nó nằm ở đâu, biên giới thế nào. Hàn Tín chưa bao giờ đặt chân đến nước ta, không trêu không ghẹo gì dân ta, tại sao bỗng dưng lại bị điểm mặt là Thằng giặc Tề ?

Thằng giặc Tề là cái gì khác chứ không thể là Hàn Tín được!
Nói cách khác, tên tranh không phải là được viết bằng chữ nôm.
Vậy chúng ta hãy thử đọc tên tranh bằng chữ hán.

a) Chữ Thằng (bộ mịch) nghĩa là sợi giây, sợi chỉ. Thí dụ: Xích thằng là sợi chỉ màu đỏ, cùng nghĩa như tơ hồng, chỉ hồng (điển tích Vi Cố, chỉ việc kết duyên vợ chồng). Ngày xưa, thầy phù thuỷ thường lấy chỉ ngũ sắc (năm màu) tết thành bùa, gọi là bùa chỉ, dùng để ếm trừ ma quỷ. Trong tranh, ở đầu chiếc súng có buộc mấy sợi giây, mấy sợi bùa chỉ. Chữ thằng có nghĩa là sợi bùa chỉ.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chữ Dặc (bộ dặc) nghĩa là bắn. Du dặc là đem binh thuyền đi tuần nã trộm giặc (Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, nxb Thành phố H-C-M, 1993). Trong tranh, thầy phù thuỷ đang bắn tà ma. Suy rộng ra là thầy phù thuỷ đang điều khiển âm binh tuần nã tà ma.

Chữ dặc cũng được dùng để ghi âm chữ nôm:

Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền
(Chinh phụ ngâm)

Gọi là trả chút nghĩa người
Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên
(Kiều)

Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm (hay Phan Huy Ích?), những người giỏi hán nôm, đã phân biệt giặc với dặc, viết bằng hai chữ hán khác nhau. Nghệ nhân dân gian thì vẫn còn nhầm giặc với dặc (tranh Người Thổ xách đầu thằng giặc, chữ giặc được viết bằng chữ dặc).

c) Chữ Tề (bộ tề) theo Thiều Chửu còn có âm đọc và nghĩa giống chữ Trai (bộ tề) (trai giới, trai tịnh, tiếng Việt là chay, ăn chay). Trai tiếu nghĩa là sư làm đàn cầu cúng (Thiều Chửu), thầy tu lập đàn cầu đảo (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Trường Thi, 1957). Giới bình dân gọi là làm đàn chay, làm chay.

Giã giò con cò biết bay
Xương sông lá lốt làm chay cho cò
(Ca dao)

Chữ Tề của tên tranh có lẽ đã được nghệ nhân dân gian dùng với âm Trai và được hiểu là thầy phù thuỷ làm đàn cầu cúng.

Nói tóm lại, chúng ta phải đọc tên tranh là Thằng dặc trai thì mới rõ nghĩa là thầy phù thuỷ làm đàn, dùng bùa chỉ bắn đuổi tà ma. Tranh vẽ vừa diễn tả đầy đủ công việc chuyên môn của các thầy phù thuỷ, vừa trình bày được nội dung một tín ngưỡng dân gian.

Tên tranh có thể hiểu một cách ngắn gọn là Phù thuỷ hoặc Pháp sư trừ tà.

(Còn có thể giải thích tên tranh bằng một cách khác, cho rằng người viết chữ đã viết nhầm chữ Tể hay Tế (bộ thuỷ và chữ tề) thành chữ Tề. Chữ Tể hay Tế, có nghĩa là cứu giúp (Thiều Chửu). Thầy phù thuỷ dùng bùa trừ ma để cứu giúp người chết. Ý nghĩa cũng tương tự như trên nhưng lối giải thích này phải thừa nhận là người viết đã viết thiếu, viết sai).

Nhưng cái gì biểu hiện tà ma ở trong tranh?
Đó là con chim đậu trên thành quan tài. Tín ngưỡng dân gian tin rằng có ác giả ác báo. Những kẻ giết người, chết xuống âm phủ sẽ bị quỷ sứ giết. Những người hay giết súc vật, chim chóc chết xuống âm phủ sẽ bị súc vật, chim chóc báo oán, hành hạ (như cảnh trong tranh Thương tàn vật mệnh chi báo, Người giết hại súc vật bị báo oán). Thầy phù thuỷ dùng bùa bắn đuổi con chim để giải thoát người dưới âm phủ khỏi hình phạt bị chim mổ. Phải chăng hình ảnh bị chim mổ dưới âm phủ đã đẻ ra thành ngữ đồ quạ mổ hay đồ quạ đánh, một câu chửi rủa độc ác của các bà? Dần dần con quạ của đồng quê đã hoá kiếp thành thần nanh đỏ mỏ hung ác, huyền bí của mê tín dị đoan?

Chúng ta có thể suy đoán ra rằng con chim đậu thành quan tài chỉ là đồ nghề của thầy phù thuỷ chứ không phải một con chim thật, tình cờ bay đến.

Kinh nghiệm rút ra được từ tấm tranh Thằng dặc trai (tề) là: Nói chung, hoặc chính bản thân các nghệ nhân là dân quê, hoặc họ sống rất gần, hiểu rất rõ đời sống của dân quê, nên cách nói, cách viết của họ rất mộc mạc, đôi lúc rất ... nôm na. Chính vì thế mà từ nét vẽ đến cách đặt tên tranh, tất cả đều giản dị, bình dân, ăn khớp với nhau.

Các nghệ nhân không thích (hay không có khả năng?) nói bóng gió xa xôi, không dùng những điển tích cầu kì, khó hiểu của giới nho sĩ, văn nhân, để diễn tả các sinh hoạt, phong tục của xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỉ 20.
Đó cũng là đặc điểm chung của tranh dân gian Việt Nam.

Nguyễn Dư
(Lyon, 4/2003)



#6 Quách Ngọc Bội

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPip
  • 4517 Bài viết:
  • 29122 thanks
  • LocationThảo Nguyên

Gửi vào 06/01/2014 - 10:48

Hết phần liên quan đến các phương thuật trong phong tục, dưới đây sẽ là các phần kiến giải rất thú vị độc đáo của Nguyễn Dư về cácThành ngữ và các phong tục.

----------


Ba que xỏ lá



- Nguyễn Dư -

Bạn có biết thằng ba que xỏ lá là ai không ? Không biết... thằng phải gió, thằng mắc dịch này à ? Nếu vậy thì mời bạn cùng đi... đào mả, bới gia phả nhà nó, xem nó là con cái nhà ai mà đốn mạt thế !
Ngược dòng thời gian, chúng ta tìm được dấu vết xa xưa của ba que trong bài Phú tổ tôm của Trần Văn Nghĩa, một người sống dưới thời Minh Mạng (1820-1840). Tác giả kể tên nhiều trò cờ bạc, trong đó có ba que :

" Lạt nước ốc trò chơi vô vị : tam cúc, đố mười, đấu lình, bẩy kiệu, thấy đâu là vẻ thanh tao ;
" Ngang càng cua lối ở bất bình : xa quay, chẵn lẻ, dồi mỏ, ba que, hết thẩy những tuồng thô suất.
(Phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Phú Việt Nam cổ và kim, Văn Hóa, 1960, tr. 215).

Thời Tự Đức, Trần Tấn (tức Cố Bang) nổi lên chống Pháp. Ông bị ốm và chết năm 1874. Có người làm bài Vè Cố Bang đánh Tây :

(...)
Lính Tây, triều mang súng,
Kèn thổi " toét tò loe ",
Dưới cơn (cây) cờ ba que,
Quan Hồ Oai cưỡi ngựa (...)

(Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ 19, Văn Học, 1970, tr. 406).

Ít lâu sau xỏ lá mới xuất hiện. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) đưa ra một trò chơi :
- Xỏ lá là cuộc chơi gian lận, cuộc gạt gẫm. Một người lấy giấy, lá dài xấp lại cùng vấn tròn, đố người khác lấy chiếc đũa cắm vào giữa khoanh tròn, như chiếc đũa không mắc trong cuốn giấy thì phải thua tiền (nếu mắc thì ăn tiền). Quân xỏ lá là quân điếm đàng, lận mạt.

Xỏ lá gian lận, gạt gẫm ở chỗ nào ? Trò chơi như vậy mà đã bị xem là điếm đàng, lận mạt rồi à ? Chết ! Chết ! Nếu vậy thì Đầu hồ của vua quan là... điếm đàng hạng sang hay sao ?

Tự điển Génibrel (1898) gọi thằng xỏ lá là thằng mưu mẹo, lừa dối.

Tương truyền năm 1906, Nguyễn Khuyến bị loà mắt, bị Chu Mạnh Trinh chơi xỏ, tặng cho một chậu hoa trà, thứ hoa có sắc nhưng không có hương. Nguyễn Khuyến " Tạ lại người cho hoa trà " bằng bài thơ " Sơn trà " trong đó có câu :

Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp
Tiêu sắt thần phong oán lạc dà


(Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá
Gió to luống sợ lúc rơi dà)

Hai câu thơ ý nói : Những trận gió to làm cho đài hoa rụng, ai cũng có thể biết được ; còn những hạt mưa nhỏ làm cho lá thủng, ít ai có thể trông thấy được, nên lại nguy hiểm hơn. (Thơ văn Nguyễn Khuyến, Văn Học, 1971, tr. 138 và 408).

Sở Khanh, Bạc Hạnh bị Tản Đà vạch mặt:

Bộ xỏ lá trông đà lộn ruột,
Sức thơ đào nghĩ lại non gan.


Năm 1914, Phan Kế Bính biên soạn Việt Nam phong tục. Trong chương bàn về tính tình người Việt, ông chia đàn bà và đàn ông nước ta thành các hạng người: hiền phụ, lệnh phụ, xuẩn phụ và quân tử, thường nhân, tiểu nhân. Tiểu nhân là bọn tính tình gian giảo, phản trắc, (...), ăn trộm ăn cướp, xỏ lá ba que, đàng điếm, hoang toàng v.v...

Phan Kế Bính khai sinh thành ngữ Xỏ lá ba que, mở đường cho văn học sau này.
" Trời đất ôi ! Ngờ đâu con người thế, mà xỏ lá ba que !... (Phạm Duy Tốn, Con người Sở Khanh, Nam Phong, 1919).

***


Ngày nay, thành ngữ " Xỏ lá ba que " hay " Ba que xỏ lá " thường được dùng để chỉ chung bọn vô lại chuyên đi lừa người khác để kiếm lời (Nguyễn Lân), bọn xảo trá, đểu giả (Hoàng Phê), tụi gian lận (tricheurs), bất lương (malhonnêtes) (Gustave Hue), v.v....

Nguyễn Lân đi xa hơn, giải thích chi tiết :
- Ba que xỏ lá là một trò chơi ăn tiền trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Nhưng kẻ chủ trò vẫn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng ba que xỏ lá, hoặc thằng ba que, hoặc thằng xỏ lá. (Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá, 1989).

Tuy nhiên, trò chơi của Nguyễn Lân không đơn giản, không phải ai cũng hiểu được cách chơi. Nhà cái nắm trong tay một cái que xỏ vào lá, và hai cái que không. Nhà cái chìa 3 đầu que ra cho người chơi rút. Nếu chỉ có vậy thì mưu mẹo bằng cách nào ? Nhà cái có tài thánh cũng không thể vừa nắm tay vừa tráo được cái que xỏ lá trước mặt người chơi. Thế mà người chơi bao giờ cũng thua thì... ma quái thật !
Không biết Phan Kế Bính, tác giả của Xỏ lá ba que, có biết trò chơi này không ?

Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) định nghĩa:
- Ba que là một cuộc đánh tiền bằng ba cái que của bọn keo hèn bày ra đánh ở đường ở chợ. Nghĩa bóng chỉ những người dối dá điên đảo.
- Xỏ lá là trò làm ra để lừa người ta mà kiếm tiền. Thường nói tắt là " xỏ " để trỏ người gian giảo lừa gạt, bợm bãi.
Ba queXỏ lá dối dá, lừa gạt bằng cách nào ? Không biết.

Gốc gác hai thằng ba quexỏ lá sao mà mù mờ thế. Hôm nay được ngày trời tạnh mây quang, mời bạn đi tìm cho ra hai thằng này.

Ba que

Génibrel(1898), Gustave Hue (1937) nói trống không đánh ba que hay ba ngoe jeu de baguettes (trò chơi bằng que).
Trò chơi bằng que của ta thì có đánh khăng và đánh chuyền của trẻ con. Cả hai trò chơi đều không phải là" ba que ".

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Người lớn có trò chơi dùng ba cái que. Đó là trò Chạy que của hội làng. Người ta dùng ba chiếc que xếp thành hình chữ H. Người tham dự trò chơi cầm hai chiếc que đặt song song của chữ H, cùng chạy đến đích. Ai đến trước mà chiếc que nằm ngang không rơi là thắng cuộc.

Chạy que vui nhộn. Người chơi phải nhanh chân, khéo tay. Người giật giải hoàn toàn không gạt gẫm, lừa dối gì ai. Giở trò " ba que " ở sân đình thì trời đánh thánh vật cho chết không kịp ngáp. Chạy que chắc chắn không dính dáng gì với Ba que.

Pierre Huard, Maurice Durand (Connaissance du Vietnam, EFEO, 1954, tr. 248) cho biết Ba que giống Courte paille (que ngắn) của Pháp.
Courte paille là trò chơi rút thăm. Lấy một bó que có số que bằng số người chơi. Bẻ một que cho ngắn hơn các que khác. Người chủ trò trộn lẫn các que, nắm một đầu bó que, chìa đầu kia ra cho mọi người rút thăm. Ai rút trúng cái que ngắn là thắng cuộc.
Số que của Courte paille tuỳ thuộc vào số người chơi, không bắt buộc phải là " ba que ". Dù sao thì Courte paille cũng không gian lận, không mang nghĩa xấu.

Ba quan

Năm 1884, bác sĩ Hocquard than phiền về đám bồi người Việt :

Ces boys au service des Européens sont, pour la plupart, de petits vauriens sur qui il faut avoir en tout temps l'oeil ouvert. Ils ne couchent pas à la maison, mais en ville, et leur plus grande occupation, une fois leur service fini, est de jouer aux cartes ou au bacouën.
(Hầu hết đám bồi của người Âu là bọn chẳng ra gì, cần phải cảnh giác, đề phòng chúng. Bọn chúng không ngủ ở nhà, chỉ ngủ ngoài đường. Mối bận tâm lớn nhất của chúng là chờ hết công việc để rủ nhau chơi bài, hay chơi ba quen).

Philippe Papin ghi chú rằng bacouënba quan (trois ligatures, ba quan tiền). (Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 55)
Ba quan (Ba quan tiền) chơi như sau :

- Ce jeu populaire consiste à renverser sur une natte, où sont tracées trois cases numérotées sur lesquelles les joueurs ont misé, un bol plein de haricots que l'on compte ensuite quatre par quatre à l'aide d'une baguette ; si, à la fin du décompte, il n'en reste plus un seul, le croupier gagne ; s'il en reste un, deux ou trois, c'est le nombre de haricots restant qui indique la case gagnante (qui rapporte trois fois la mise) (Pierre Huard, Maurice Durand, sđd).
(Ba quan là trò cờ bạc bình dân. Chiếu bạc có ba ô để các con bạc đặt tiền. Nhà cái đổ một bát đầy đậu xuống chiếu, rồi dùng một chiếc đũa đếm từng bốn hạt đậu một. Cuối cùng, nếu không còn hạt nào, thì nhà cái được. Nếu còn lại một, hai hay ba hạt thì ô số một, số hai hay số ba được. Tiền được gấp ba lần tiền đặt).

Giải thích như vậy chưa thoả đáng. Bởi vì :
1) Trò chơi không bắt buộc phải đặt một quan tiền để được ăn thành ba quan.
2) Một quan tiền ngày xưa to lắm (Một quan là sáu trăm đồng, Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi...). Mấy đứa nhỏ làm bồi cho Tây (năm 1884-1886) chắc chắn trong túi không có sẵn một (hay nhiều) quan tiền để đi đánh bạc.
3) Nhà cái đổ bát đậu xuống chiếu, rồi đếm. Như vậy thì kết quả các lần chơi sẽ giống nhau sao? Vô lí. Đúng ra thì nhà cái có một bát đậu để bên cạnh, mỗi lần chơi thì bốc ra một nắm để đếm.
Báo L'Illustration (1884) có một bài phóng sự ngắn về một sòng bạc bakouan (ba quan) tại Bắc kì. Emile Nolly gọi trò cờ bạc của đám lính tập là bacouan (ba quan) (Hiên le maboul, Calmann-Lévy, 1925).

Bộ bưu ảnh của Dieulefils (khoảng đầu thế kỉ 20) có tấm " Trẻ con chơi bakouan " (Do-Lam Chi Lan, Chants et jeux traditionnels de l'enfance au Viêt Nam, L'Harmattan, 2002, tr. 305). Tấm ảnh cho thấy ba quan chơi bằng mấy đồng tiền, gần giống như xóc đĩa. Trò chơi không có đậu, không dùng que để đếm. Ba quan của Dieulefils khác ba quan của Huard, Durand và Papin.

Ba quan không phải là ba quan tiền (trois ligatures). Nếu trò chơi có 3 cửa để đặt tiền thì Ba quan nên được hiểu là 3 cửa (quan nghĩa là cửa) chăng ?

Ba quan là trò cờ bạc may rủi. Nhà cái không cần gian lận, cuối cùng vẫn được vì cách chơi có lợi cho nhà cái. Ba quan không phải là ba que. Tuy nhiên :
" Chưa bao giờ ở nước ta, chế độ học tập và khảo thí lại đẻ ra nhiều bọn người vô tài vô hạnh đến thế. Đã dốt nát, chúng lại hay khoe chữ, đề thơ bừa bãi trên tường các đền chùa và Phạm Thái rất khinh ghét chúng ". Lại Ngọc Cang gọi bọn này là bọn sinh đồ ba quan (Lại Ngọc Cang, Sơ kính tân trang, Văn Hoá, 1960, tr. 37).

Ba quan là vô tài vô hạnh, dốt nát, khoe khoang. Ba quan có nghĩa xấu. Tiếc rằng các từ điển của ta không có từ này.

Bakouan của Dieulefils, hay ba quan của Huard, Durand khá cồng kềnh, lích kích (bát, đĩa, đũa, đậu). Mấy bác lính tập của Nolly không thể mang theo trong mình được. Trò cờ bạc bacouan của các bác có thể là trò ba quân.

Ba quân

Người Pháp đưa bộ bài tây (bài ít xì) vào nước ta. Một số trò cờ bạc mới bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt là trò Ba quân, có nơi gọi là Ba lá.

Ba lá là một cuộc đánh tiền, lấy ba quân bài tây đảo đi đảo lại, ai đặt tiền vào trúng quân ông lão thì được. Nghĩa bóng chỉ những đứa hèn hạ ( Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức). Ba quân hay Ba láBonneteau của Pháp.

Ba quân hoàn toàn nhờ vào tài tráo bài của nhà cái và tài lừa phỉnh của cò mồi. Ai đã sống tại Sài gòn vào những năm 60 của thế kỉ trước chắc còn nhớ lề đường Lê Lợi, thứ bảy, chủ nhật nhan nhản tụi tráo bài. Ngô Tất Tố cho biết vào khoảng 1930 tại phố Hàng Ngang ngoài Hà Nội có cả đàn bà ngồi tráo bài. Ba quân là cờ gian bạc lận của bọn đầu đường xó chợ. Ba quân hội đủ những tính xấu như gian lận, xảo trá, bất lương, đi lừa người khác để kiếm lời. Nghĩa là... ba quânba que.
Người xưa tránh không chửi thằng ba quânba quân là quân đội của triều đình (Tam quân : Trung quân, Tả quân và Hữu quân). Ba quân được nói trại thành ba que. Tương tự như tụ tam nói trại thành tổ tôm, tam kết thành tam cúc...

Nói tóm lại, thằng Ba que có gốc gác là trò cờ bạc Ba quân (bonneteau) của Pháp.
Lá cờ tam tài (ba màu xanh, trắng, đỏ) của Pháp bị gọi là cờ ba que. Cờ của bọn gian lận, tráo trở. Dùng trò cờ bạc của Pháp để chửi Pháp. Chơi chữ khá tế nhị.
(Bacouën của Hocquard có phải là Ba quân không?).

Xỏ lá

Nguyễn Khuyến muốn " Tạ lại người cho hoa trà " bằng câu chửi phường xỏ lá. Có lẽ vì vậy mà trong bài " Sơn trà " ông phải gò ép cho những hạt mưa nhỏ xuyên diệp. Mưa nhỏ làm sao đâm thủng (xuyên) được lá cây (diệp) ? Xét về nghĩa thì xuyên diệp không xấu xa, đểu cáng như phường xỏ lá của tiếng Việt. Hai bài thơ của Nguyễn Khuyến không giúp chúng ta tìm hiểu được thằng xỏ lá.

Vào khoảng năm 1945, Huỳnh Thúc Kháng viết về Cuộc khởi nghĩa Duy Tân (1916), có đoạn :
- Thế mà trừ một số ít - rất ít - đã hấp thụ học thuyết mới, xem cái ngôi " bù nhìn " đó không có giá trị gì (...).

Thường xuyên xưa nay mối lợi khiến cho người ta mờ trí khôn (lợi linh trí hôn), bọn thực dân Pháp mà các tay chính trị " xỏ lá " tự phụ là cao xảo cũng không khỏi vấp phải chỗ lầm to, ấy là tấn kịch " Đày vua cha Thành Thái mà lập con là vua Duy Tân lên thay "(...). (Vương Đình Quang, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Văn Học, 1965, tr. 173).

Huỳnh Thúc Kháng dùng kí hiệu " nháy nháy " để nhấn mạnh hai từ bù nhìnxỏ lá. Bù nhìn là tiếng Pháp épouvantail được Việt hoá. Do đó, có thể suy đoán rằng xỏ lá có nhiều khả năng là tiếng Pháp được Việt hoá.

Từ điển RobertLarousse của Pháp gọi tụi đáng khinh (méprisable), đáng ghê tởm (répugnant) ; bất chính (déloyal), bọn bất lương, gian dối (malhonnête) là salaud (xa lô). Thằng xỏ lá của ta có đủ mọi tính xấu của thằng salaud của Pháp.

Xỏ lá vừa có nghĩa vừa có âm của salaud. Rốt cuộc, thằng salaud sang thuộc địa kiếm chác, bị Việt hoá thành thằng xỏ lá.

Thời trước, mấy ông lính tẩy, mấy bà me tây, nói tiếng tây... như gió. Thỉnh thoảng lại đem ra khoe " mẹc (merde), xà lù (salaud), cô xoong (cochon) ". Xà lù là em ruột xỏ lá.

Hoá ra Ba que xỏ lá là hai thằng..." người Việt, gốc Pháp ".

Nguyễn Dư
(Lyon, 2/2008)



Thanked by 7 Members:

#7 hanbaoquan

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1464 Bài viết:
  • 1117 thanks

Gửi vào 06/01/2014 - 11:02

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

QuachNgocBoi, on 04/01/2014 - 11:18, said:

- Nên ăn đu đủ.
Không biết quả đu đủ có dược tính gì tốt cho bà mẹ hay đứa con không ? Với trình độ hiểu biết của dân quê ngày xưa chắc sách vở của ngành y, ngành dược cũng chả gây được sự chú ý, gợi được thắc mắc cho ai cả. Người ta khuyên bà mẹ ăn nhiều đu đủ chỉ vì một lí do đơn giản là để cho tương lai của đứa con được no đủ.



Hầu hết các phương thuật đều do đám thầy pháp, thầy phù thủy, hay mấy ông đồ nắm được một ít vốn liếng chữ nho, chữ nôm bày đặt ra. Họ tự do diễn dịch, bóp méo ý nghĩa của chữ này chữ nọ để mê hoặc đám dân quê nhẹ dạ, cả tin.


Nguyễn Dư
(14/9/2000)
Theo tôi thì ko phải các kinh nghiệm dân gian đều bịa đặt. Việc nghiệm ra công dụng về dinh dưỡng, lợi sữa, dưỡng thai... nó phải được đúc kết qua nhiều đời và rất có thể cái tên của nó cũng có ý nghĩa nhất định. Việc diễn giải như thế này nhiều khả năng là quá phiến diện

#8 Quách Ngọc Bội

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPip
  • 4517 Bài viết:
  • 29122 thanks
  • LocationThảo Nguyên

Gửi vào 07/01/2014 - 23:37

Một vài cái "Động"

- Nguyễn Dư -


Lễ Động thổ của ngày xưa tưởng là đã mất. Không ngờ, lại rầm rộ trở lại. Cứ đà này thì không chừng một loạt những cái Động khác cũng sắp lục đục thức dậy.
Để bớt bỡ ngỡ, mời bạn cùng dạo chơi, thăm mấy cái Động của người xưa.


Động thổ
Tín ngưỡng dân gian tin rằng trên trời có Ngọc Hoàng, dưới sông có Hà Bá, đất đai có Thổ thần. Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì Thổ thần là vua địa ốc. Tất cả mọi chuyện liên can đến đất đai thì phải qua tay Ngài. Ai muốn xây cất, đào xới, động chạm đến đất (Động thổ) thì phải làm lễ Động thổ để lo lót, xin phép Ngài. Thần thánh có vui vẻ thì mọi chuyện mới xong. Tay không mà đòi qua mặt vua địa ốc thì coi chừng... mất mạng.

Theo truyền thuyết, lễ Động thổ do Hán Vũ Đế đặt ra.
Cúng lễ chỉ có đèn nhang, trà rượu, và đồ mã. Chả có gì để chấm mút, chia chác. Thế mà buổi lễ vẫn trang nghiêm.
Vị chủ lễ mặc áo thụng xanh, cuốc một cục đất đặt lên bàn thờ, khấn vái xin Thổ thần cho phép dân làng bắt đầu từ hôm nay được động đến đất, được phép cày cuốc ruộng vườn.
Ai cày cuốc trước khi làng làm lễ sẽ bị phạt, kể cả trường hợp chôn cất người chết.
Để giảm bớt phiền toái cho dân làng, đồng thời cũng để khuyến khích mọi người sớm bắt tay vào công việc đồng áng, vườn tược, lễ Động thổ thường được làm ngay sau 3 ngày Tết.

Các quan chức ngày nay, mặc dù không biết Thổ thần là thằng nào, kinh doanh nhà đất hợp pháp hay không, cũng thi nhau làm lễ Động thổ. Lễ của các quan nhiều phẩm vật, lộc thánh. Được ăn, được nói, được gói đem về. Thiên hạ tốn tiền, mình được ăn lộc. Tội gì không làm cho thật to. Phải không, u cái đĩ ?

Lễ Động thổ ngày nay thật ra là bắt chước lễ Đặt viên đá đầu tiên của Tây, được tổ chức lúc bắt đầu một công trình xây cất.
Xưa kia, vua cũng làm lễ Động thổ. Lễ của vua gọi là Tịch điền.

Theo truyền thuyết thì lễ Tịch Điền được vua Thần Nông đặt ra.
Mỗi năm đến mùa Xuân, nhà vua cày ruộng để làm gương cho nông dân !
Mùa Xuân năm 987, vua (Lê Đại Hành) bắt đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1967, tr.171).

Vua cày ở đâu thì ở đấy có vàng, có bạc. Đúng là bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu. Giàu đẹp thay một đất nước nhìn đâu cũng thấy rừng vàng, biển bạc. Tiếc rằng đám nịnh thần, điếu đóm ngày xưa không dâng kế khuyên nhà vua cày cho nát đất nước, biết đâu lại chả vớ được cả kim cương!

Lễ Tịch điền được nhà Nguyễn tổ chức trọng thể nhưng... kín đáo hơn.
Vua, hoàng thân, các quan đại thần cày mấy đường cày đầu năm tại sở Tịch điền trong Kinh thành để làm gương, khiến các nhà nông noi theo đó mà siêng năng việc cày cấy.
Trong khi vua cày, Ngài mặc áo chẽn, bịt khăn đường cân, mang hia, tay cầm roi, tay cầm chiếc cày sơn vàng, do hai con bò cũng phủ lụa vàng kéo. Đi theo hầu vua, có quan Phủ thừa và một viên ấn quan bộ Hộ, người mang thúng giống, kẻ vãi giống. Lại có viên quan đi phòng ngừa để hứng phân bò phòng hai con vật có lỡ bất kính mà làm bậy (...). (Bửu Kế, Phong tục Tết Việt Nam và các lân bang, Đông Nam Á, 1986, tr. 15).

Làm thân trâu bò để vua quất roi sai khiến kể cũng... đáng tự hào. Được mặc đẹp. Không biết có được ăn thả cửa không ? Tha hồ ỉa đái, có quan lớn chầu chực bưng hứng ơn mưa móc. Chỉ khổ cho mấy bác nhà nông phải tưởng tượng ra cảnh vua cày ruộng trong kinh thành để mà bắt chước.
Nông dân gọi lễ Tịch điền của vua quan là lễ Múa rìu qua mắt thợ.


Động mồ, động mả
Dân quê Việt Nam rất sợ bị động mồ động mả tổ tiên.
Bàn về nền nông nghiệp nước ta, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) than :
" Có người bảo thầy địa lý nói không nên cho nước tụ lại, hoặc đắp đê sẽ làm động địa mạch khiến hương hào hương lão trong làng ốm đau. Có người bảo nếu đắp đê làm ứ nước, các xã thôn bên trên sẽ làm đơn kiện. Có người bảo không dám đắp vì sợ động đất đai trong xã hoặc động mồ động mả nhà quan ở xã gần bên. Những chuyện tương tự như thế nhiều không kể xiết.
Tôi rất lấy làm tiếc nhưng không biết làm cách nào cho dân hết những tệ trạng này ".
(Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, nxb Thành Phố H-C-M, 1988, tr. 251).

Người ta tin rằng mồ mả bị đụng chạm thì vong linh tổ tiên sẽ không vui vẻ, siêu thoát để phù hộ con cháu. Gia đình người sống sẽ gặp khó khăn, có người lâm trọng bệnh, anh em lục đục bất hoà, làm ăn thua lỗ...

Động mồ, động mả là mồ mả bị sụt lở, ngập lụt, bị trâu bò giầy xéo phóng uế.
Con cháu phải làm lễ cải táng, nghĩa là phải mang hài cốt đi chôn chỗ khác.
Người ta chọn ngày lành tháng tốt, làm lễ xin phép Thổ thần rời mộ đi chỗ khác.
Lễ xong thì bắt đầu đào mả cũ, mở nắp quan tài, dùng nước thơm rửa sạch hài cốt, đặt vào một chiếc tiểu sành mới.
Trước khi chôn chiếc tiểu, phải làm lễ cáo Thổ thần của khu đất mới.
Sau đó, người ta xây mộ mới.

Cũng có khi ngôi mộ cũ chưa sụt lở nhưng con cháu bây giờ làm ăn khá giả, người ta cũng cải táng, xây mộ mới để làm đẹp lòng người quá cố.
Nhiều người lưu lạc kiếm ăn, chết nơi đất khách quê người. Gặp dịp thuận tiện, gia đình, họ hàng cũng cho bốc mộ, đưa hài cốt về chôn tại quê quán.
Tổ tiên được mồ yên mả đẹp, được cao nấm ấm mồ, sẽ phù hộ con cháu.

Lịch sử Việt Nam có hai cuộc cải táng đặc biệt.
Năm 1804 di hài vua Lê Chiêu Thống được mang từ Trung quốc về táng tại trấn Thanh Hoa.
Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa từ Cộng Hoà Trung Phi về an táng ở Huế.
Người Việt ngày nay có mặt khắp nơi trên thế giới. Trong tương lai sẽ còn nhiều cuộc cải táng mang tính chất thời đại toàn cầu hoá.

Nói chung, người Việt không muốn người khác động mồ động mả nhà mình, nhưng không thiếu gì người lại khoái đi động mồ động mả nhà người khác.
" Chém cha đứa bắt gà nhà bà !
(...) Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì mày buông tha thả nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào thằng tam đại tứ đại nhà mày lên, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên " (...).
(Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng)

Đàn bà mất gà, chỉ chửi bới cho hả giận thôi. Thực tế thì chả làm gì ghê gớm cả. Thách kẹo cũng không dám đào mồ đào mả nhà ai.

Vua Gia Long bản lĩnh hơn các bà. Ngài làm thật chứ không chửi suông.
Sử nhà Nguyễn chép :
Tháng 11 năm 1802, Gia Long sai áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác, đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi).
(Đại Nam thực lục, tập 1, Giáo Dục, 2002, tr. 531).

Mấy chục năm gian truân, chết chóc, mới có ngày vinh quang, được đào mồ đào mả người khác ! Trẫm vì chín đời mà trả thù.

Vẫn chưa bằng...
Thời Minh Mệnh, có giặc Lê Văn Khôi.
(...) Rồi sai đem 6 tên phạm : nghịch Trắm, nghịch Minh, nghịch Dự, nghịch Tín, nghịch Do và nghịch Viên, giam vào cũi sắt, phái giải về kinh để tận pháp xử trị. Tên Trắm đến tỉnh Quảng Ngãi lấy khóe móc cổ họng chết, sai phanh thây từng miếng và chặt đầu bỏ hòm đưa về ; lại tra xét nơi chôn thây tên nghịch Khôi, đào lấy xương đâm nát chia ném vào hố xí ở 6 tỉnh và cắt chia từng miếng thịt cho chó, đầu lâu thì đóng hòm đưa về kinh rồi cùng đầu lâu những tên phạm khác bêu treo khắp chợ búa nam bắc, xong vất xuống sông...
(Cao Xuân Dục, Đại Nam chính biên liệt truyện, Văn Học, 2005, tr. 1038).

Hậu sinh khả uý hay là Con hơn cha là nhà có phúc?

Dân gian có câu Rước voi giầy mồ để gọi bọn mượn tay người ngoài để hại người trong nhà.


Động gia cư
Theo thuật phong thuỷ, nhà nào bị đường đi hay đòn cái nhà khác đâm thẳng vào gian chính thì gia đình thường hay gặp khó khăn, lủng củng, luôn có người đau ốm.
Như vậy là bị động gia cư.

Muốn được yên ổn thì tốt nhất là đổi hướng nhà. Nhưng nhà xây rồi thì khó đổi hướng, người ta tìm cách xê dịch cửa hoặc đắp một bức tường chắn, hoặc chôn ở trước nhà một con chó đá. Có nhà treo một mảnh gương để đổi hướng , hay một hình bát quái để yểm trừ ma quỷ.

Tuy nhiên, có nhiều nhà được xây đúng hướng thế mà trong nhà vẫn có người đau ốm. Người xưa cho rằng nhà này bị động bếp.


Động bếp
Bếp là chỗ ở của ông Công. Động bếp nghĩa là động đến chỗ ở của ông Công.
Động bếp vì để chó mèo phóng uế. Có khi vì đun bếp bằng củi không tinh khiết, gây mùi hôi thối. Ông Công nổi giận, làm cho trong nhà có người đau ốm.
Phải làm lễ tạ lỗi.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Nếu là chó mèo phóng uế thì người ta lau chùi, tắm rửa cho con vật , rồi lôi nó đến trước ông đồ rau khấn vái xin ông Công tha lỗi.

Nếu chỉ có mùi hôi thối thì dùng phương thuật Nhặt thịt thổi phù.
Người ta làm một bữa cơm có thịt nướng hay thịt xào. Thịt được ướp gia vị cho thơm. Lúc nướng hay xào người ta chủ ý đánh rơi một miếng thịt. Rồi nhặt miếng thịt lên, hướng về phía có mùi hôi thối, thổi thật mạnh. Hơi thơm của thịt sẽ bay toả ra đuổi sạch mùi hôi thối. Làm như vậy, người đau ốm sẽ khỏi.

Ngoài mục đích gây mùi thơm, phương thuật Nhặt thịt thổi phù còn hàm chứa một ý nghĩa khác.
Thổi phù là thổi mạnh để làm cho miếng thịt sạch bụi. Nhưng phù còn có nghĩa là lá bùa. Thổi phù nghĩa là thổi lá bùa, tung bùa ra để trừ ma quỷ.

Nhặt thịt thổi phù vừa trừ bỏ được mùi hôi thối, vừa trừ được ma quỷ đang ám hại người đau ốm.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Trên đây là mấy cái Động quan trọng. Động đến trời đất, quỷ thần. Dính dáng đến cả vua quan, chức sắc. Ảnh hưởng đến cả sức khoẻ, đời sống gia đình.


Ngoài ra, dân gian còn có vài cái Động vớ vẩn nhưng đáng yêu.

Cái Động nên bắt chước nhất là Động khai trùng môn (Mở toang cả mấy lần cửa). Động nghĩa là rõ ràng. Thành ngữ lấy từ điển tích :
Vua Tống Thái Tổ thường sai người mở toang cả mấy lần cửa trong cung và nói rằng như thế nếu tâm địa mình có điều gì mờ ám tất nhiên ai cũng thấy cả.

Nghĩa bóng của Động khai trùng môn là Lòng dạ quang minh thì không sợ ai dòm ngó.

Cái Động đáng yêu nhất là...Động phòng.
Có người hiểu lầm Động phòng là động đến cái phòng, là mở cửa phòng. Không phải vậy. Trái với Động thổ hay Động mả, Động phòng rất... tĩnh. Động này là động tiên, là cái hang sâu trong núi.

Động phòng nghĩa là cái phòng sâu kín, ám chỉ buồng vợ chồng mới cưới. Lễ Động phòng là lúc cô dâu chú rể rủ nhau im lặng vào buồng kín.

Nghe đồn là Động phòng, hay phạm phòng, được nhiều người ưa thích, tôn lên hàng đệ nhất khoái.
Thứ nhất phạm phòng, thứ nhì lòng lợn.

Cái động bay bướm nhất là Động tình. Thú vật muốn bắt chước người nhưng không ai cho mượn, cho thuê phòng kín, đành phải rủ nhau... Động cỡn.
Động cỡn không cần nghi lễ hình thức. Tha hồ ồn ào, lộn tùng phèo, đầy... thú vị.

Thanked by 5 Members:

#9 Quách Ngọc Bội

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPip
  • 4517 Bài viết:
  • 29122 thanks
  • LocationThảo Nguyên

Gửi vào 07/01/2014 - 23:57

Xướng ca vô loài

- Nguyễn Dư -



Sách vở thường nói rằng xã hội Việt Nam ngày xưa có "Sĩ, nông, công, thương". Như vậy là còn thiếu. Người ta đã cố ý không kể một hạng người là bọn xướng ca vô loài vì không biết sắp xếp bọn này vào đâu cho ổn.

Xướng ca bị coi là vô loài, bị khinh rẻ không thua gì thằng mõ.
Bị khinh từ năm xửa năm xưa, từ thời vua Lê Nhân Tôn (1447) xa tít.

"Dân Thanh Hóa thấy vua đến, trai gái đem nhau hát rí ren ở hành tại. Tục hát rí ren một bên con trai, một bên con gái, dắt tay nhau hát, hoặc tréo chân tréo cổ nhau, gọi là cắm hoa kết hoa, thói rất là xấu. Đài quan Đồng Hanh Phát bẩm với thái uý Khả rằng: "Lối hát ấy là thói dâm tục xấu, không nên cho người hát nhảm ở trước xa giá". Khả liền sai cấm hẳn." (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 3, Khoa Học Xã Hội,1968, tr. 139).

Trai gái bá vai bá cổ nhau ca hát là thói dâm tục rất xấu, cấm không được nhảm nhí trước kiệu vua. Muốn tốt đẹp, trang nghiêm thì... vào cung vua mà múa với hát!

Năm 1462, vua Lê Thánh Tôn quy định rằng "Nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu, bản thân và con cháu đều không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người làm hộ, thì trị tội theo luật." (Đại Việt sử kí toàn thư, sđd, tr.183).

Phường chèo, con hát được bỏ cùng một rọ với đám phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu. Cứ đà này thì có ngày mất mạng như chơi chứ chẳng đùa. Luật lệ nghiêm khắc và vô lí của Lê Thánh Tôn đã đẩy một số người trở về làng cũ học cày cho xong, học chữ thánh hiền chỉ tổ toi cơm tốn gạo.

Phường chèo, con hát bị vùi dập có lẽ chỉ vì:
"Xã hội ta xưa quan niệm lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bày tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con... Tất cả cái vô luân là ở đây, ở đấy luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn." (Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, Khai Trí, 1969, tr. 429).

Mặc dù bị vua quan và nhà nho khinh ghét, mặc dù không được đi thi để ra làm quan lớn, bọn phường chèo, con hát vẫn tiếp tục hành nghề và vẫn được nhiều người dân thường ưa thích.

"Khoảng năm Cảnh Hưng, phường hát chèo bội mới pha thêm lối tuồng, cũng đóng vai trò vẽ mặt ra múa hát đùa cợt, không khác gì ở hí trường. Các nhà tang gia hay đua nhau mượn phường chèo đóng tuồng để khoe khoang.Các quan chính phủ ghét hung lễ lại dùng lẫn lộn cả cát lễ, bèn nghiêm cấm, đã hơn mười năm. Đến năm Canh Tuất (1790) lại thấy dân gian bày trò hát bội ấy. Các con nhà lương gia tử đệ có người bỏ cả chức nghiệp đi theo học hát, khăn áo dáng bộ như đàn bà, thường khi ở nhà cũng nghêu ngao tập hát chèo, trước mặt khách cũng không thẹn thò gì cả. Lại còn trò đánh bạc chọi gà sinh ra nhan nhản. Tập tục đến thế thật đáng buồn!" (Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, Văn Học, 1972, tr. 57).

May thay... cơ trời vần xoay, rồi cũng đến một ngày mai sáng sủa hơn.
"Lệ cũ, cứ con nhà hát xướng không được vào nhà học hiệu, thi đỗ ra làm quan. Tiếc rằng không mở rộng đường cho kẻ tuấn dị tiến thân, để thu lấy nhân tài xuất chúng. Từ khi Lộc Khê Hầu (Đào Duy Từ) là con nhà hát xướng, vì không được ra thi, mới lẻn vào giúp nhà Nguyễn ở trong Nam, bấy giờ những kẻ đương sự mới hối rằng cái cách tìm kiếm nhân tài như thế là không rộng. Nhưng cũng chưa công nhiên bãi bỏ lệ cũ. Từ khi bà Trương quốc mẫu, người Như Kinh, là kẻ hát xướng được tuyển vào cung hầu Tần Quang Vương, sinh ra Trịnh Nhân Vương (Trịnh Cương), Biện trưởng cung, người Á Lữ, sau lại đắc sủng với Nhân Vương, nên các họ về giáo phường mới được kể bằng hàng với các họ nhà lương gia. Sau này các họ nhà đại khoa hiển hoạn cũng thường có người do giòng họ hát xướng mà phát đạt lên, nên những kẻ sĩ phu cũng cùng họ giao du tự nhiên, và rồi những nhà hát xướng cũng quên hẳn thế hệ nhà mình tự đâu mà ra. Xem đó thì biết thế vận phong tục mỗi ngày một khác." (Vũ trung tuỳ bút, sđd, tr. 79-80).

Phải công nhận là... mê gái cũng có cái hay! Bên trên mê gái thì bên dưới cũng được nhờ! Vua chúa một khi quen hơi đào hát thì bao nhiêu cái nhảm nhí ngày xưa bỗng chốc được dẹp qua một bên. Luật lệ được tẩy xóa. Xin cảm ơn và tuyên dương cô đào hát họ Trương! Giọng ca tiếng hát và có lẽ cả thân hình của cô đã cảm hóa được lòng người, phá bỏ được bất công. Nhờ cô mà con cháu mở mày mở mặt.

Nhưng thói đời, bia miệng thì cứ trơ trơ. Mặc dù vua chúa đã thôi lấy thịt đè người, đè con hát từ lâu rồi, nhưng thành kiến xướng ca vô loài vẫn cứ bám rễ trong đầu nhiều người đến tận đầu thế kỉ 20. Mẹ và em gái Tản Đà bất đắc dĩ phải "đắp đổi tháng ngày bằng điệu phách câu ca", bị "người ta hùa cả nhau vào bài xích việc xướng ca là việc giăng hoa đĩ bợm." (Nguyễn Mạnh Bổng, 1944).

Bỗng dưng xướng ca lại được tặng thêm hỗn danh đĩ bợm. Tại sao vậy? Xướng ca có liên hệ gì với đĩ à?

Vậy đĩ là gì, là ai?

Trong văn học, người Tàu gọi các cô làm nghề xướng ca là kĩ nữ. Kĩ nữ nguyên nghĩa chỉ là người con gái làm nghề ca xướng, múa hát. Chữ kĩ (bộ nữ) của tiếng Hán được ta đọc Nôm thành đĩ. Kĩ nữ của Tàu trở thành Con đĩ của ta. Kĩ nữ và con đĩ là hai chị em ruột. Con đĩ ngày xưa chỉ có nghĩa là người con gái làm nghề hát xướng chứ không phải là con đĩ làm nghề mại dâm như ngày nay!

Thật hay đùa vậy?

Xưa kia, trước khi làng mở hội cho mọi người vui chơi thì các vị chức sắc phải tổ chức tế lễ ngoài đình. Có rước phụng nghênh hồi đình (rước long kiệu từ miếu về đình) rất long trọng. Nghi trượng gồm nào cờ quạt, voi ngựa, nào bát bửu, cờ biển. Rồi đến phường đồng văn đánh trống, gõ thanh la, theo sau là mấy người con gái, đôi khi là con trai giả gái, vừa vỗ trống vừa múa hát gọi là con đĩ đánh bồng. Theo sau con đĩ đánh bồng là cờ vía, lọng vàng, lệnh kiếm, phường bát âm, long đình, kiệu thánh... và sau cùng là bô lão, chức sắc của làng. (theo Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 96-100).

Xem vậy thì vai trò của con đĩ ngày xưa cũng không có gì là tệ lắm, được múa hát diễn hành trước cả long đình, kiệu thánh, các bô lão, chức sắc của làng.

Nếu chỉ múa hát thôi thì chẳng có gì là xấu. Có xấu chăng là kể từ ngày các con đĩ bị giới trưởng giả, mấy ông trí thức mời về nhà hát. Chính những vị tai mắt, khoa bảng, đã mở đường hoặc tiếp tay làm biến chất, làm hư các con đĩ.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Buổi hát ban đầu rất lịch thiệp. Các quan ăn uống vui chơi, các cô hầu rượu, múa hát những bài do các quan yêu cầu.

Hồng Hồng Tuyết Tuyết
Mới ngày nào còn chửa biết chi chi
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì
Ngảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu (...)
(Dương Khuê, Hồng Tuyết)

Những chầu hát cô đầu dần dần bị những người thiếu tư cách biến thành nơi cợt nhả, bá vai gối đùi.

Nhân sinh quý thích chí
Còn gì hơn hú hí với cô đầu
(...)
Chơi cho thủng trống tầm bông.
(Trần Tế Xương, Chơi ả đào)

Rồi chẳng bao lâu, buổi hát chỉ còn là cái cớ cho những trận trác táng, tằng tịu, dâm loàn.

Cũng ra đĩ rạc
Bấy lâu nay đã toác toạc toàng toang
Chán chê rồi về đến đầu làng
Toan tấp tểnh những đường tu lý (...)
(Trần Tế Xương, Đĩ rạc đi tu)

Con đĩ vốn chuyên nghề hát xướng dần dần trở thành gái làng chơi.

Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ
Trời sinh ra cũng để mà chơi
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời
Chơi thủng trống long dùi âu mới thích
(...)
Mai sau này giỗ có văn nôm
Cha đời con đĩ cầu Nôm.
(Nguyễn Khuyến, Đĩ cầu Nôm)

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Các nhà hát tư mọc lên, lập thành xóm cô đầu. Vàng thau lẫn lộn, khó mà phân biệt được con hát thật với con gái làng chơi. Từ đây trở đi người ta đồng hóa đĩ với gái làng chơi, gọi gái làng chơi là đĩ.

Sự biến chất này cũng tương tự như ý nghĩa của từ Thanh lâu (lầu xanh) và Hồng lâu (lầu hồng). Lầu xanh lúc đầu dùng để chỉ nhà sang trọng. Đến khoảng đời Đường thì được dùng để chỉ nơi ở của kĩ nữ. "Như vậy thì ngày nay Thanh Lâu không còn có nghĩa là nhà cao cửa đẹp mà chỉ có nghĩa là nhà kĩ nữ." (Diên Hương, Thành ngữ điển tích, Phương Lai, 1954), và cuối cùng trở thành:

Lầu xanh có mụ Tú bà,
Làng chơi đã trở về già hết duyên
(Nguyễn Du, Kiều)

Lầu xanh rõ ràng đã trở thành nơi chứa gái làng chơi, gái giang hồ.

Ngảnh mặt lại lầu xanh thương những kẻ
Trầm luân chưa khỏi kiếp hồng nhan
(Tôn Thọ Tường, Đĩ già đi tu)

Từ điển Génibrel (1898) và Gustave Hue (1937) cũng chép lầu xanh là maison de prostitution (nhà đĩ, nhà thổ).

Lầu hồng xưa kia là chỗ ở của con gái nhà giàu:

Đêm ngày lòng những giận lòng
Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên
(Kiều)

Sau này lầu hồng cũng bị trở thành maison des chanteuses (nhà chứa con hát), và sau cùng là nhà chứa đĩ.

Giang hồ từ thủa mười lăm,
Đến năm mười chín còn nằm trông xuân,
Xuân kia còn độ mấy lần,
Tấm thân phơi chốn bụi trần mà thương (...)
(Hoàng Ngọc Phách, Giọt lệ hồng lâu)

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Nhà chứa đĩ thời Tây được gọi là nhà đỏ, nhà thổ. Chữ thổ không phải là chữ Hán, cũng không phải là chữ Việt. Thổ là âm của tiếng Pháp tolérance (cũng như thổ mộ là âm của tombereau). Nhà thổ tức là maison de tolérance (nhà chứa đĩ) của Pháp. Xã hội ta thích ứng thật nhanh chóng với mọi hoàn cảnh!

Vị Xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường.

Tú Xương đã nắm bắt được chuyển biến của xã hội đương thời, đưa một dịch vụ ăn khách là thổ đĩ vào văn học.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) định nghĩa "nhà chứa" là nơi nuôi gái mãi dâm, tổ chức cho gái mãi dâm hành nghề, trong xã hội cũ. Đúng ra thì phải gọi là gái mại dâm (gái bán dâm), các ông đi chơi gái thì gọi là khách mãi dâm (khách mua dâm). Nhầm lẫn người mua với người bán âu cũng là thói quen đã có từ lâu. Nhưng nếu phân biệt được chủ với khách, người cho với kẻ nhận thì vẫn hơn. Nhất là trong thời buổi nhiễu nhương có cả các cậu, các ông bán dâm cho người cùng phái.

Người Hà Nội gọi các cô gái điếm thời Tây là đượi. Có người cho rằng đượi là nói trại của đười (con đười ươi, cùng họ với khỉ, tườu) vì các cô điếm đầu tóc bù xù, nửa người nửa ngợm, nửa đười ươi. Giải thích này nghe không xuôi tai vì phần đông các cô đượi đều ăn mặc hấp dẫn, son phấn, đầu tóc chải chuốt, phi dê (frisés). Có như vậy mới mong câu được khách chứ. Đầu bù tóc rối như đười ươi (mà đã có ai được thấy đầu tóc đười ươi chưa nhỉ?), thì đến tượng đồng đen, cột nhà cháy nó cũng chê, thì làm sao mà bán trôn nuôi miệng được? Có lẽ đượi chỉ là biến âm của đĩ mà thôi. Đọc trại với ý khinh bỉ và phân biệt. Đượi là me tây, đĩ là me ta. Đượi và đĩ còn có tên là gái ăn sương. Tên nghe khá lãng mạn, nói lên được nỗi vất vả lúc đêm khuya thanh vắng.

Kiếm ăn chung với các cô đượi là bọn ma cô (maquereau), bọn bồi xăm (chambre). Thời Pháp còn có nhà Lục xì. Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết Làm đĩ (1936) và phóng sự Lục xì (1937) nhưng tiếc rằng Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (Văn học, 1987) không đăng những truyện này nên rốt cuộc vẫn không biết Lục xì là gì. Cái phiền của tuyển tập là vậy! Người khác chọn giùm mình. Cho đọc cái gì thì đọc cái ấy! Tra tìm trong từ điển Hán, Nôm thì không thấy Lục xì. Từ điển Gustave Hue có từ Lục xì nhưng lại không giải thích, chỉ cho biết Lục xì là một từ phon. (tôi đoán phon. là viết tắt chữ phonétique, nghĩa là đọc theo âm). Nếu vậy thì Lục xì có thể là âm cuối của chữ syphilis (bệnh hoa liễu, còn gọi là giang mai, nôm na là bệnh lậu hay tim la). Nhà Lục xì là nơi khám bệnh hoa liễu cho các cô điếm thời Tây.

Thực dân Pháp đem vào nước ta một loại kĩ nữ mới là vũ nữ, các cô gái nhảy, ca ve (cavalière). Gái nhảy phải biết... nhảy đầm, không cần biết hát. Các cô hành nghề tại các đăng xinh (dancing). Ông nào chồn chân muốn nhảy thì mua vé, chọn gái nhảy. Nhiều cô... làm thêm giờ phụ trội, nhảy cả tại phòng riêng.

Trở lại với các nàng kĩ nữ.

Chữ kĩ ban đầu còn có nghĩa, còn được dịch là ả đào, đào hát, con nữ phường chèo. Sau này được dịch thẳng là đĩ, con gái mại dâm (Đào Duy Anh), con đĩ nhà thổ (Thiều Chửu).

Kĩ nữ và con đĩ, tuy là đồng hội đồng thuyền, cùng là xướng ca vô loài nhưng cũng được phân biệt đối xử. Những lúc hứng bốc lên dạt dào thì thi sĩ gọi bọn này là kĩ nữ nghe cho thanh tao, lãng mạn! Nói đến kĩ nữ là người ta liên tưởng đến những số phận long đong, lỡ làng. Một kĩ nữ gảy khúc tì bà đã làm xúc động ông tư mã Giang Châu. Một kĩ nữ lênh đênh trên sông Hương ngợp ánh trăng đã làm mềm lòng nhiều thế hệ:

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi!
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở, lòng em cô độc quá.
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say,
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.
...
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt.
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi.
-Du khách đã đi rồi!
(Xuân Diệu, Lời kỹ nữ)

Người ta dễ thông cảm, xót thương cho số phận các nàng kĩ nữ và dửng dưng thậm chí khinh bỉ các nàng kĩ nữ nhập tịch Việt Nam, trở thành con đĩ bình dân!

Thành ngữ, ca dao của ta có rất nhiều câu ám chỉ bọn gái đĩ già mồm. Sau những trận chơi cho thủng trống tầm bông, cho toác toạc toàng toang, các ông không quên núp sau lưng vợ, lên mặt đạo đức khuyên các cô làm đĩ chín phương, để một phương lấy chồng.

Kẻ ít học cũng a dua nói leo vài câu vô nghĩa:
Đĩ xơ đĩ xác, đĩ xạc đĩ xờ
Đĩ ở trên bờ, đĩ lặn xuống ao

Cũng có người thành thực hơn, ra mặt chê nhưng đúng hơn là ganh tị với đĩ :

Làm đĩ có tàn, có tán, có hương án thờ vua, có chuông chùa niệm Phật.

Toàn là chê, chửi, trách đĩ. Tha hồ cho sướng miệng!

Ngày xưa người ta gọi trẻ con là thằng cu, cái đĩ. Cu là dương vật. Đĩ là gái làng chơi. Cu và đĩ mang nghĩa xấu, được mê tín ngày xưa dùng với mục đích để ma quỷ chê đứa bé, không ám hại nó.

Ngôn ngữ hiện đại có từ kép đĩ điếm. Điếm nghĩa là cái kho, cái nhà chứa đồ. Đĩ điếm là từ kép nửa Việt nửa Hán, có nghĩa là nhà chứa đĩ hay là ổ mại dâm. Gái làng chơi có thêm tên gọi tắt là gái điếm.

Cuộc đời ba chìm bảy nổi đã hóa thân nàng kĩ nữ thành con đĩ, con điếm.
Người xưa đồng hóa con hát với đĩ điếm và gọi bọn này là xướng ca vô loài.

Năm 1945, bộ trưởng bộ Giáo Dục-Mĩ Thuật Hoàng Xuân Hãn đã làm một cuộc cách mạng văn hóa, đưa hát xướng vào chương trình bậc trung học. Hát xướng trở thành môn học bắt buộc. Xướng ca chính thức thoát khỏi cái nhục vô loài.

Ngày nay nước ta có trường dạy âm nhạc, kịch, tuồng, chèo, cải lương. Đủ các bộ môn xướng ca. Nghệ sĩ xuất sắc được tặng danh hiệu, gắn huân chương. Ai dại mồm dại miệng tuyên bố xướng ca vô loài chắc sẽ bị cả triệu người tát cho vỡ mặt.

Như vậy là nước ta hết đĩ rồi chăng?

Hết làm sao được! Ngày nào còn các cậu, các ông lang bang, thèm của lạ thì ngày đó còn các cô, các bà làm cái nghề xưa nhất trên mặt trái đất này! Xướng ca vừa được phục hồi danh dự, được tôn vinh thì xã hội lại đẻ ra các nàng sờ nách ba (snack bar), bia ôm, mát xa (massage)... Có người mua thì có kẻ bán, còn người bán thì còn kẻ mua. Ngoạn mục thay cái đèn cù của kinh tế thị trường!

Có điều lạ và bất công là phường chèo, gánh hát có cả kép hát nhưng ngôn ngữ bình dân gần như bỏ quên bọn này. Sách vở của ta chỉ đả động đến con đĩ chứ không nói đến thằng đĩ. Không biết xã hội phong kiến ngày xưa có kĩ nam không? Ngày nay thì nhiều nước có. Không những có kĩ nam mà còn có cả kĩ sư ! Ấy chết, xin đừng vội hiểu lầm là các ông các bà kĩ sư là... bậc thầy của đĩ ! Chữ kĩ (bộ thủ) của kĩ sư viết khác chữ kĩ (bộ nữ) của kĩ nữ. Kĩ sư là người có tài năng, chuyên về một kĩ thuật gì.

Các cô kĩ nữ, các ông kĩ nam tân thời có tên gọi đáng yêu là ca sĩ. Sĩ này được trọng vọng hơn cả sĩ của "Sĩ, nông, công, thương". Thần tượng của vô số người. Dưới ánh đèn mờ, khói thuốc âm u, nhạc dìu dặt, mơ màng nghe các cô hát, các cô ca, các cô la, thỉnh thoảng được ngắm một cái ngoáy, một cái ưỡn thì chao ôi...xướng ca quả là sướng quá!

Nguyễn Dư
(Lyon, 3/2003)

Thanked by 7 Members:

#10 Vô Danh Thiên Địa

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3526 Bài viết:
  • 5104 thanks

Gửi vào 17/02/2014 - 08:29

"Hết làm sao được! Ngày nào còn các cậu, các ông lang bang, thèm của lạ thì ngày đó còn các cô, các bà làm cái nghề xưa nhất trên mặt trái đất này! Xướng ca vừa được phục hồi danh dự, được tôn vinh thì xã hội lại đẻ ra các nàng sờ nách ba (snack bar), bia ôm, mát xa (massage)... Có người mua thì có kẻ bán, còn người bán thì còn kẻ mua. Ngoạn mục thay cái đèn cù của kinh tế thị trường!"

Chuyện này dính gì đến kinh tế thị trường ?

Sửa bởi Vô Danh Thiên Địa: 17/02/2014 - 08:29


#11 Canhdoan

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 468 Bài viết:
  • 1043 thanks

Gửi vào 17/02/2014 - 09:10

làm tình lấy tiền thợ hồ xích lô bị gọi là đĩ/ nằm ngửa lấy tiền đại gia là....ca sĩ. Làm thơ ký cho Tây ngày xưa giờ sách vở bắt học sinh gọi là bồi bút/ Làm bồi bút bây giờ được gọi là phóng viên, biên tập. Thật giả lẫn lộn. Trong dân gian chuyện gì cũng phải gạn lọc, thời nào có "mê tín" của thời đó. Chán cái sự đời!

Sửa bởi Canhdoan: 17/02/2014 - 09:15


Thanked by 2 Members:

#12 Buingoctan9x

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 172 Bài viết:
  • 23 thanks

Gửi vào 08/05/2018 - 22:40

hi dạ cháu xin ý kiến quan điểm của chú bác về những vấn đề trên. đọ ckhas hay nhưng chỉ có giá trị tham khảo






Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |