Hai nền kinh tế song hành ở Việt nam
BeTra
14/11/2013
Phạm Đỗ Chí
1. Hai nền kinh tế đó là gì?
Nhiều chuyên gia ở Việt Nam thường trực theo dõi các nền kinh tế tư bản (hay thị trường) và kinh tế xã hội chủ nghĩa, đặc biệt các biến chuyển lý thuyết, với nhiệm vụ chính là để giữ gìn những đặc trưng cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay được mệnh danh “kinh tế thị trường với định hướng chủ nghĩa xã hội”. Vài chuyên gia này có nhiệm vụ chính là cho ra những cảnh báo chính trị ở cấp cao nhất nếu thấy nền kinh tế thị trường dù chỉ đang phôi thai ở Việt Nam đi “chệch đường” nghĩa là khác đi với các “nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội”.
Có quá nhiều giấy mực đã bàn về đề tài trên, nhất là để so sánh những ưu khuyết điểm của kinh tế thị trường và kinh tế xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi không dám mạn bàn thêm các vấn đề to lớn này, nhưng khuôn khổ bài ngắn này sẽ đặt vấn đề một cách khác: muốn ghi lại vài nhận định thiết thực về hai nền kinh tế thực sự đang song hành ở xứ ta: nền kinh tế sinh lợi (dịch từ chữ “profit-making economy”) và nền kinh tế đặc lợi (tạmdịch từ “rent-seeking economy” , hay còn có thể hiểu nôm na hơn là “tìm lợi”—hay sát thực tế nhất là “đặc biệt cho nhóm lợi ích”, theo các giải thích dưới đây).
Nền kinh tế sinh lợi chính là nền kinh tế được hướng dẫn bởi các nguyên tắc thị trường, kết quả của hơn hai thập kỷ Đổi Mới, nôm na là đang được dẫn đầu bởi giới doanh nhân của nền kinh tế thị trường tìm lợi nhuận (profit) đích thực từ sản xuất bằng cách kiếm được doanh thu (revenue) cao hơn phí sản xuất (cost)—viết theo phép số học đơn giản là: lợi nhuận = doanh thu trừ phí sản xuất. Nền kinh tế này còn bao gồm đại đa số các thành phần cư dân thành thị làm việc trong các hãng xưởng công tư nhằm mục đích sinh lợi nhuận (profit) kinh doanh đích thực như định nghĩa ở trên, người làm việc trong các khu vực sản xuất dịch vụ thật sự theo định nghĩa GDP, hay nông dân ở tất cả các vùng nông thôn tham dự vào việc sản xuất nông sản vốn là trụ đỡ của nền kinh tế cả nước qua các thời đại…
Trái lại, nền kinh tế đặc lợi (rent) không cần thiết phải dựa vào sản xuất mà chỉ đơn giản là tiền hay lợi (rent) kiếm được do các đặc quyền kinh tế như thế độc quyền sản xuất (monopoly) hay ưu đãi tín dụng (các công ty nhà nước)…, hay đặc quyền chính trị như ở vị trí chính trị cao có thể ban phát giấy phép hoạt động kinh tế trong một chế độ dựa vào xin-cho, hay đặc quyền thông tin như biết trước những tin tức có lợi cho một hành vi kinh tế hay mua bán (thí dụ biết trước tin qui hoạch một vùng đất nên trực tiếp chạy đi mua hay cho người nhà/đàn em đi mua đất trước để bán lại với giá cao hơn nhiều lần lúc thông tin đó được chính thức công bố cho mọi người biết), hay giản dị nhất là lợi kiếm được nhờ tham nhũng do ở các vị trí chính trị hay hành chính cao có thể ban phát chức tước, lợi lộc kinh tế (cấp phép dự án không thông qua các qui luật thông thường, hay các loại giấy phép xin-cho trong khu vực sản xuất buôn bán v.v…).
Có muôn hình vạn trạng trong xã hội ta bây giờ về cách tìm đặc lợi mà không dựa vào sản xuất. Sự xuất hiện nhan nhản của các “CÒ” kiếm tiền trung gian ở khắp nơi và trong mọi địa hạt từ sinh hoạt kinh tế ở mức phức tạp đến luồn lách pháp luật như “chạy án” hay xin “quotas”, hay để vượt qua vài thủ tục hành chính hay giấy tờ ở cấp thấp, đơn giản nhất như để vượt qua các hàng đuôi chờ dài ở các bến xe rạp hát đông người…
Rất khó để định lượng được chính xác tỷ trọng của hai nền kinh tế song hành này trong nền kinh tế tổng thể của Việt nam bây giờ. Nhưng chỉ có thể tạm ước tính vai trò tương đối của cả hai qua những thời kỳ kinh tế chính như từ thời bao cấp (trước 1989), đến 25 năm Đổi Mới thực sự (1991-2006), và sau đó từ 2007 đến nay khi một số nguyên tắc và vận hành căn bản của kinh tế thị trường lại bị thay đổi bởi ảnh hưởng của các nhóm lợi ích quan trọng và chi phối quá lớn nền kinh tế quốc gia, khiến nhiều qui luật thị trường bị thay thế bởi các biện pháp hành chính và sự tái xuất hiện và bùng mạnh thêm của các Tổng công ty với nhiều đặc quyền ưu thế trong sản xuất và hưởng phân bổ tín dụng nhưng lại gây những thất thoát tài chính nghiêm trọng cho quốc gia.
Có thể tạm hình dung các hình ảnh cùng tỷ trọng tương đối dưới đây của 2 nền kinh tế trên nhằm mục đích phân tích chính sách, chứ không nhằm định lượng chính xác để hy vọng bài nói chuyện ngắn này không bị chỉ trích là thiếu luận cứ dữ kiện thống kê hay tinh thần khoa học nghiêm túc:
· Trong thời bao cấp trước cải tổ kinh tế: nền kinh tế sinh lợi (hay thị trường) chiếm độ 70-75%, và nền kinh tế đặc lợi 25-30%
· Trong thời kỳ Đổi Mới, nền kinh tế thị trường dù đang giai đoạn phôi thai đã tăng cường vai trò của các sinh hoạt kinh tế chính thống và nâng tỷ trọng của khu vực kinh tế sinh lợi lên 80-85% và khu vực kinh tế đặc lợi xuống còn 15-20%
· Trong thời kỳ từ 2007 đến nay, khu vực sinh lợi có thể đã rơi xuống còn 65-70% và khu vực đặc lợi đã chiếm ưu thế mới đến 30-35%.
Nhưng nghiêm trọng nhất, bài này không muốn chỉ nói đến vấn đề công bằng hay đạo đức xã hội khi các nhóm lợi ích hay hưởng đặc lợi về chính trị kinh tế đã hưởng lợi quá nhiều trong 5-6 năm qua, mà là trên phương diện hiệu quả chính sách kinh tế--là mục tiêu chính của bài này. Sự thiên vị hay ưu đãi các nhóm lợi ích (interest groups) và nhóm tìm đặc lợi (rent-seekers) đã dẫn dắt đến tình hình kinh tế tài chính khủng hoảng hiện tại với tăng trưởng kinh tế sụt giảm nghiêm trọng (5-6%, mặc dù công bằng cũng phải công nhận là do ảnh hưởng một phần của hai năm suy thoái kinh tế thế giới 2008-09), so với 5 năm 2001-2005 (GDP tăng 7%-8%).
Nhưng đáng lo nhất là sự mất cân bằng vĩ mô (macroeconomic disequilibrium) và các mất mát thua lỗ tài chính khổng lồ (colossal financial losses) của khu vực công trong vài năm qua. Hai nguyên nhân chính mới đây đã được các chuyên gia phân tích đầy dủ và sâu sắc:
(i) Nhận xét gần đây nhất là của TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), dựa trên khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư quá lớn, cho rằng “tiết kiệm của Việt Nam so với thế giới không hề thấp (khoảng 35%) tuy nhiên tổng đầu tư/GDP của Việt Nam giai đoạn từ 2006 – 2011 lại quá lớn, trung bình đều trên 40%; riêng năm 2011, do Chính phủ thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát nên con số này chỉ dừng ở mức 34,6%”. Và “sở dĩ đầu tư của Việt Nam luôn ở mức cao là do mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa trên mở rộng đầu tư nhưng chất lượng đầu tư ngày càng giảm, năng suất nền kinh tế không được cải thiện.”
(ii) Thêm vào đó, Chính phủ lại tập trung vào đầu tư công và cho các Tổng công ty nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vì hiệu quả đầu tư của khư vực này thấp theo nhiều nghiên cứu khác nhau, kết quả là làm suy giảm toàn bộ năng suất nền kinh tế, điển hình là làm hệ số ICOR tăng nhanh từ 4-5 lên 7-8 trong những năm gần đây. TS Vũ Thành Tự Anh cũng đã dẫn chứng rằng: “Xét về mức độ phân tán/tập trung của các tập đoàn nhà nước thì Việt Nam cũng xếp vào hàng “vô địch”. Nếu ở Việt Nam, điểm số này là 6,4 thì Hàn Quốc chỉ là 1,7; Indonesia là 2,1; Philippines là 3,1; thậm chí Trung Quốc cũng chỉ mức 2,3.”Cũng theo ông, tỉ lệ doanh số của 10 đại tập đoàn kinh tế Việt Nam trên GDP thuộc loại lớn nhất thế giới. Cụ thể, tỷ lệ này của Việt Nam lên tới 37,3%, chỉ đứng sau Hàn Quốc thời gian trước khủng hoảng, còn lại đều vượt xa các nước khác.Thí dụ để so sánh: Trung Quốc (9,4%), Đài Loan (19%), Indonesia (25%), Brazil (8%), Argentina (11%) và Mexico (10%).
Nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn các vấn đề chính sách tương lai trong phần sau, không phải đơn thuần là các chính sách có tính “kỹ trị” như tài khóa ngân sách hay giá cả…theo các thảo luận thông thường, mà là các vấn đề căn bản hơn về thể chế, về tái lập nguyên tắc thị trường, về khu vực kinh tế chủ đạo dẫn dắt mới, nói chung về sự thay đổi triết lý và tư duy kinh tế căn bản để điều hành guồng máy kinh tế mới trong tinh thần một Đổi Mới đợt II (“Economic Renewal” Mark II).
2. Vài vấn đề chính sách lớn và khẩn cấp trước mặt
a.Vấn đề đặc lợi của một nhóm lợi ích hay đặc quyền nhỏ (thí dụ nhan nhản là Vinashin, EVN, hay các DNNN khác sẽ được điều tra đem ra ánh sáng công luận trong tương lai…) gây nên mất cân bằng vĩ mô căn bản giữa tổng chi tiêu và để dành, phần lớn do khu vực đặc lợi (rent-seeking economy), đã gây nên lạm phát cao ngất ngư trong suốt 6 năm qua (2007-2012) và là một hình thức thuế trá hình được trả bởi đại đa số cư dân thuộc khu vực sinh lợi (profit-making economy). Hình ảnh tiêu biểu đau lòng tương phản giữa các đoàn xe lộng lẫy hay các căn hộ cao cấp luôn tắt đèn bỏ trống sở hữu bởi khu vực đặc lợi, so với một thành phần lớn dân cư đang phải chạy từng bữa cơm bớt dần thịt cá do ảnh hưởng lạm phát và sống lây lất ở các vùng ven đô hay nông thôn.
b. Ưu tiên chính sách số một vẫn phải là giảm lạm phát, không phải bằng cách đẩy lãi suất lên cao nữa, mà bằng cách cắt giảm các món chi tiêu công hay bán công khổng lồ vẫn tiếp tục cho các nhóm đặc quyền dưới tên những Tổng công ty ưu đãi, các dự án “khủng” thiếu hiệu quả kinh tế nhưng vẫn được theo đuổi do nhóm lợi ích chi phối chính sách, các chương trình phát triển vùng/cảng/khu chế xuất thiếu hiệu quả kinh tế, tiếp tục được tài trợ hay hưởng ưu đãi tín dụng do “các nhân vật hay người thân đứng sau”.
c. Tình trạng đình đốn sản xuất kéo dài từ 3 năm nay đang kéo theo sự phá sản khủng khiếp của nhiều doanh nghiệp, nhất là vừa và nhỏ, và gây khốn đốn cho nhiều doanh gia có tim óc thật sự trong khu vực sinh lợi vì thiếu tiếp cận tín dụng. Dần dà khu vực tư doanh sẽ được thay thế bởi các DNNN vẫn có ưu tiên tín dụng và chúng ta sẽ trở lại thời xưa khi tỷ trọng khu vực nhà nước hay nền kinh tế đặc lợi lại có dịp được phình to hơn với cơ chế xin-cho càng tràn lan thay vì phải thu hẹp dưới Đổi Mới I, bản thân tự nó đang bị lung lay tận gốc rễ vì các cơ chế thị trường tự do như tín dụng ngân hàng, lãi suất hay tỷ giá tự do đang bị thay thế bởi các thị trường chợ đen khác nhau hay biện pháp hành chính thay thế. Ai có thể nói chúng ta vẫn theo hay đang đẩy mạnh Đổi Mới trong 3-4 năm qua với các chính sách hiện hữu?
d. Đặc biệt là các chính sách của NHNN hiện nay nhằm mục đích “chữa cháy ngắn hạn” bằng các biện pháp hành chính thêm dồn dập hay đã kéo dài khá lâu, được lầm tưởng là đang có tác động tốt cho bệnh nhân là toàn nền kinh tế hay dân cư được “ngấm thuốc” sẽ khỏi bệnh, chẳng hạn tỷ giá tạm ổn định, lãi suất đang có chiều xuống nhờ “trần lãi suất”, phân bổ tín dụng giữa các ngân hàng do NHNN ấn định để cứu hệ thống ngân hàng hay giúp các “ngân hàng nhỏ”…Thật sự nếu phân tích kỹ thì các dấu hiệu trên chỉ mang tính cách tạm thời thiếu bền vững.
(i) Tỷ giá tạm yên năm nay 2013 không phải do “ngấm thuốc” tốt mà thật sự là phản ánh tình trạng đình đốn sản xuất đang rất nguy kịch kéo dài từ quý 2/2011, khi các dữ kiện thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp và ngay cả nông nghiệp tăng trưởng chậm dần, nhập khẩu sụt giảm hẳn khiến mức nhập siêu hàng năm từ 10-12 tỷ USD từ các năm trước 2011 có lẽ trở thành xuất siêu năm nay.
(ii) Các lãi suất chính sách và lãi suất huy động trần được giảm mạnh đang đi đúng hướng theo lý luận trên đây. Nhưng việc tiếp tục duy trì lãi suất trần này cũng như việc phân bổ trực tiếp mức tăng tín dụng (quotas) cho từng ngân hàng đặt ra nhiều dấu hỏi cho các quan sát viên kinh tế cả trong và ngoài nước về hiệu quả thật sự của các cải cách của NHNN. Duy trì lãi suất cho vay trần là tiếp tục “giết” các ngân hàng nhỏ, vì họ khó huy động vốn nơi các trương mục nhỏ lẻ của đa số dân cư. Lại một lần nữa, khu vực kinh tế sinh lợi hay thị trường bị thiệt thòi vì tuân theo luật lệ chính thức được công bố chỉ được trả lãi suất thấp cố định. Còn khu vực đặc lợi tuy số ít nhưng có nhiều tiền bỏ vào ngân hàng hơn vẫn được trả trên mức lãi suất chính thức đó.
(iii) Các ngân hàng lớn chỉ phải trả 5-6% cho vốn huy động của đa số dân cư tìm đến ngân hàng lớn cho yên tâm, nhưng lại được thả lỏng để cho vay trong thị trường 1 (tức là với các doanh nghiệp hay tư nhân ngoài hệ thống NH) ở mức thỏa thuận riêng với mức cao khủng cho NIM (net interest margin—mức lợi biên ngân hàng) theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó “nhóm lợi ích” gồm vài ngân hàng to lại đang hưởng lợi ích lớn nữa trên thị trường 2 với các NH khác qua thị trường liên ngân hàng. Khó nói không hề có chuyện nhóm lợi ích trong hệ thống NH hiện nay khi các biện pháp hành chính đã làm nảy sinh vô số rủi ro đạo đức (moral hazards).
(iv) Thêm một biện pháp hành chính nữa từ cuối tháng 2/2011 là việc NHNN áp dụng phân bổ tín dụng cho từng ngân hàng theo các tiêu chuẩn "riêng", gây ra những lệch lạc trong thị trường. Một lần nữa, khu vực kinh tế đặc lợi vẫn được hưởng lợi và chịu thiệt hại là khu vực sinh lợi hay thị trường và đa số doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng nên còn nhiều hãng sẽ vẫn tiếp tục phá sản. Đa số dân cư chỉ được lãi suất huy động trần thấp trong khi các NH lớn cho vay ở mức cao trên TT 1 cho các doanh nghiệp cần vốn trong khu vực thị trường sinh lợi đang bàn đến.
e. Vấn đề lớn nữa là cần xem lại vai trò của chính sách tài khóa để kích cầu bằng cách bội chi ngân sách và vay ồ ạt qua trái phiếu chính phủ trong năm nay 2013.
f. Vấn đề sau nữa cho tái cấu trúc kinh tế và chính sách tài chính công là cần đưa mới vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân thay vì các DNNN. Đây là một quyết định cả chính trị lẫn kinh tế can đảm nhất trong bối cảnh chính trị hiện tại của VN. Sẽ cần giảm cả tỷ lệ thu lẫn chi ngân sách so với GDP trong vài năm tới như kim chỉ nam dẫn đường cho chiến lược kinh tế mới này. Một biện pháp gây sốc nhưng rất quan trọng là giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20% trong bước đầu.
g. Sau cùng, cố gắng tạo lối ra cho các thị trường chứng khoán và bất động sản bằng sự cải thiện môi trường vĩ mô bền vững và tìm các nhà đầu tư mới có thể “gây sốc” và tái lập niềm tin lâu dài cho thị trường và người đầu tu. (xem khung 1).
Khung 1. Lối ra cho các TT Chứng Khoán và Bất Động Sản
v Tình hình kinh tế vĩ mô phải có bước ngoặt nhanh chóng để gây lại niềm tin là Chính Phủ thực sự sẽ kiểm soát được tình hình kinh tế vĩ mô.
v Cần giảm lạm phát thêm trong các quý 1-2/2014 và dẫn đến giảm lãi suất cuối quý 2. Thị trường BĐS cũng sẽ phục hồi từ từ sau TTCK khi lãi suất có dấu hiệu giảm thực sự.
v Giải pháp tối ưu và khả thi hiện tại rõ ràng là phải dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ thực sự chính sách tiền tệ nhằm giảm tổng cầu và lạm phát, và từ từ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm lãi suất.
v Bất động sản: cần các cú sốc từ việc tái cơ cấu nền kinh tế và có mặt các nhà đầu tư mới
v Sau khi thị trường BĐS được khởi động từ lãi suất, thị trường này chỉ có thể phục hồi nhanh chóng nếu có cú sốc ào ạt từ các nhà đầu tư mới (thí dụ thực tế nhất và “hấp dẫn” nhất là các nhà đầu tư Nhật bản đang tìm cách di dời cư dân và nhiều xưởng hãng từ các vủng bị tsunami và dò rỉ từ trung tâm nguyên tử quanh vùng Tokyo), đây sẽ là điều gây tác động tâm lý mạnh nhất cho BĐS ở Việt Nam.
v Ngoài ra các chính sách tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tiếp sức mạnh mẽ cho nhu cầu BĐS nếu khu vực tư nhân được đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực giảm thật sự đầu tư công và vai trò các doanh nghiệp nhà nước. Việc giảm thuế doanh nghiệp xuống 20% sẽ là bước đầu cho chính sách này.
KẾT LUẬN NGẮN CÙNG ĐỀ XUẤT ĐỊNH LƯỢNG CHO CHÍNH SÁCH VĨ MÔ TRUNG HẠN ĐẾN 2015
(1) Sau các nhận định ngắn gọn và thẳng thắn về thực trạng kinh tế đất nước năm 2013, chúng tôi chỉ muốn đề nghị là nên thay đổi chiến lược căn bản từ cấp chính trị cao nhất về đường hướng và thể chế của nền kinh tế đến áp dụng ngay các biện pháp cấp thiết vĩ mô ngắn và trung hạn đến 2015 để tái lập các cân bằng vĩ mô đã mất trong 6 năm qua từ 2007:
(2) Giảm bớt các đặc quyền và ưu đãi hiện có của khu vực kinh tế đặc lợi (rent-seeking economy) và nâng cao vai trò của khu vực doanh nhân tư nhân là đầu máy (locomotive) của khu vực kinh tế thị trường hay sinh lợi (profit-oriented economy)
(3) Trong tinh thần trên, tuyên bố chính thức vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế tư nhân thay vì các DNNN là bước sáng kiến thứ nhất
(4) Giảm gánh nặng thuế nói chung của nền kinh tế (giảm dần tỷ lệ tổng thu/GDP) và giảm thuế doanh nghiệp nói riêng từ 25% xuống 20% từ năm nay là bước chủ động thứ hai
(5) Tập trung việc tái cấu trúc ba ngành kinh tế vào một cơ quan chỉ đạo duy nhất dưới sự đôn đốc trực tiếp và toàn thì của một Phó Thủ Tướng với sự trợ giúp của các chuyên gia trong và ngoài chính phủ, cùng với một thư ký đoàn (secretariat) gồm chuyên viên các bộ liên hệ thuộc loại “trẻ, giỏi” đang có mặt rất nhiều trong các cơ quan hay trên các diễn đàn kinh tế.
(6) Công bố chính thức một định hướng bằng số cho các chính sách vĩ mô trung hạn (thí dụ trong bảng kèm dưới đây) để hướng dẫn về định hướng chính sách mới của chính phủ và tái lập niềm tin cho các doanh nhân và giới đầu tư.
(7) Cần sự minh bạch thông tin hơn lúc nào hết, các chỉ số suy yếu kinh tế rất rõ ràng từ khu công nghiệp và nhập khẩu như bàn trên, và cần cập nhật hóa số tăng trưởng GDP cho ba năm qua 2011-2013. Tổng cục Thống kê cũng cần giải thích rõ hơn về các tính toán của mình. Ngoài ra thị trường tài chính vẫn đợi sự công bố chính thức các số liệu về khảo sát tiền tệ và dự trữ ngoại hối như NHNN đã hứa trước đây.
Bảng 1: Vài chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trung hạn cho 2013-2015
2010
2011
2012
2013
2014
2015
Tỷ lệ tăng GDP thực (%)
6,8
5,9
5,1
5,0
5,5
6,0
Lạm phát (tăng %)
11,7
18,2
8,0
6,5
5,0
5,0
Tỷ giá VND/USD*
21.000
21.300
21.500
21.200
22.300
23.000
Bội chi ngân sách (% GDP) **
-5,5
-4,9
-4,8
-5,3
-5,0
-4,5
Đầu tư toàn xã hội (% GDP) ***
Đầu tư công/GDP (%)****
41,9
18
38
15
36
14
32
13
30
11,5
30
10
Tổng phương tiện thanh toán (%)
25,3
12
12
13
14
16
Tổng tín dụng trong nước ( %)
29,8
14
15
10
10,5
12,0
Cán cân tài khoản vãng lai (% GDP)
Cán cân thanh toán (tỷ USD)*****
-4.4
-3,1
-7.1
2,0
-4.9
5,2
-4.3
9,5
-3.9
10,9
-3.8
12,7
Dự trữ ngoại hối (tỉ USD)
Dự trữ ngoại hối (tuần nhập khẩu)
14,0
8,6
16,0
7,0
17,6
7,9
28,1
12
38,0
13
50,7
14
Nguồn: Các số liệu 2011-15 dựa trên các tính toán ước tính và dự báo của tác giả.Ghi chú:
1) Số liệu 2010 là số thực hiện, 2011 là ước thực hiện, từ 2012-2015 là số mục tiêu
2) *Tỷ giá tự do vào cuối năm (theo mục tiêu trượt giá 1,5-2% mỗi năm như trong quá khứ)
3) **Theo cách tính của Việt Nam
4) *** Chưa tính đầu tư từ tín dụng ngân hàng
5) **** Chưa tính đầu tư của địa phương, phần không đưa vào cân đối ngân sách.
6) ***** Cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2011-2015 thặng dư tổng cộng 40,3 tỷ USD
Tác giả là chuyên gia kinh tế độc lập.
Chữ “rent” nôm na nhất có thể dịch là “địa tô” trong kinh tế học, thường được nói đến để chỉ thu nhập của những sở hữu chủ đất đai, là một trong các yếu tố đầu vào căn bản của sản xuất như lao động (labor), tư bản (capital), và đất đai (land).
Xin xem “Vì sao bất ổn vĩ mô của Việt Nam kéo dài?, của Khánh Linh (TTVN) trên mạng cafef.vn, , báo cáo về buổi Tọa đàm “Hướng tới một khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam trong trung và dài hạn” (21/3/2012).
Đã dẫn trên ở chú thích 2.
tigerstock68
15/11/2013
Kinh tế VN mùa thu 2013: những mảng sáng tối
Tác giả: T/S Phạm Đỗ Chí ( 13 Nov 2013)
Chưa năm nào có nhiều hội thảo và tranh luận sôi nổi về hiện trạng nền kinh tế như năm nay. Các giới chức và chuyên gia trong chính phủ thì cho là kinh tế Việt Nam đã ổn định khá và đang phục hồi. Vài đại biểu và chuyên gia Quốc Hội thì nhìn thấy “màu xám”, còn vài chuyên gia ngoài chính phủ hay nhiều nhóm dân cư lại vẫn thấy “màu tối”, theo báo chí. Chuyện gì đang xảy ra?
Một nhận định của nhiều người trong kỳ hội thảo mùa thu về Kinh tế mới đây là nền kinh tế đang rất xấu với nguy cơ “vỡ trận tài chính” trong năm 2014 và triển vọng trung hạn 2013-15 cũng không mấy sáng sủa vì việc tái cấu trúc kinh tế chưa được triển khai hiệu quả bằng hành động. Riêng trong phát biểu mở đầu, TS Trần Đình Thiên gọi kinh tế VN vẫn đang mò đáy, chứ chưa thoát đáy như vài nhà kinh tế khác lạc quan hơn đã nhận định mới đây.
Thêm một chuyên gia độc lập nhận xét là tình trạng sản xuất trong nền kinh tế VN gần như tê liệt vì các doanh nghiệp thi nhau phá sản hay đóng cửa từ 2011, tăng trưởng GDP có thể trì trệ hơn và nạn thất nghiệp gia tăng mạnh hơn các con số chính thức, gây ra các tệ nạn xã hội báo động. Trong khi chính sách tín dụng trong cả nước cũng hoàn toàn nghẽn mạch—một phần vì doanh nghiệp không đủ sức hấp thụ và vì ngân hàng không muốn cho vay (với thanh khoản yếu do nợ xấu gây ra).
Nói chung, hoạch định chính sách kinh tế có thể khó khăn hơn nếu không được dựa trên dữ kiện rõ ràng hay chính xác (economic planning without facts), như nhà kinh tế nổi tiếng Kornai đã từng cảnh cáo cho nền kinh tế Hung ga ri thời còn bao cấp.
Bài trình bầy của nhóm nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Fulbright ở Saigon qua Giám đốc Nguyễn Xuân Thành , phân tích trong 4 động cơ liên quan đến tăng trưởng thì 3 “động cơ nội” trục trặc, chỉ có một động cơ “ngoại” là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chạy tốt, và nhận định quan trọng là 3 động cơ nội trục trặc là do bị ảnh hưởng của thể chế kinh tế (khu vực quốc doanh làm chủ đạo), động cơ ngoại chạy tốt do không bị ảnh hưởng hoăc bị ảnh hưởng rất ít của thể chế trong nước. Tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI trong GDP là 13% năm 2000, đến năm 2012 tỷ lệ này tăng khoảng 7 điểm phần trăm lên xấp xỉ 20%; lượng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài (chi trả sở hữu – thu từ sở hữu) của năm 2012 tăng khoảng 25 lần so với năm 2000 và nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ lệ này cũng tăng xấp xỉ 9 lần.
Điều này làm nổi bật một điều là do đóng góp đáng kể của FDI vào tăng trưởng GDP, thu nhập quốc gia gộp (GNI—gross national income) không tăng nhanh theo cùng mức với GDP, và thu nhập lẫn tiêu thụ nội địa đều yếu dẫn đến mức tổng cầu yếu đã được ghi nhận từ ba năm qua. Từ những lập luân trên phải chăng càng tăng trưởng GDP theo kiểu này thì luồng tiền và của cải của đất nước càng sụt giảm, trong khi FDI càng thu lợi nhờ nhân công và thuê đất rẻ lại tránh được thuế (xem dưới đây)?
Mặt khác, khi đã xác định được sự đình trệ của khu vực sản xuất trong nước phần lớn là do thể chế thì các nhà họach định chính sách có thể cải thiện thể chế để phục hồi cơ cấu sản xuất và cả nền kinh tế. Việc cải thiện thể chế không chỉ đơn giản là cải cách hành chính hay chống tham nhũng như một số giới kêu gọi, hay là giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mà chính là thiết lập thật sự sân chơi bằng phẳng, minh bạch đối với khu vưc tư nhân và nông nghiệp. Đây chính là nền tảng thiết yếu của chính sách tái cơ cấu kinh tế đang muốn thực hiện bởi chính phủ. Vì nến tảng chưa được thiết lập, việc áp dụng mới bị bế tắc!
Điều này không tốn kém nhưng cũng rất khó khăn vì phải tái cơ cấu tư duy của các nhà lãnh đạo và điều hành kinh tế! Việc đạt được thành tích tăng trưởng cao ngắn hạn mỗi năm thực sự không quan trọng bằng việc phục hồi 3 động cơ “nội”, theo cách phân tích nói trên của nhóm Fulbright.
Từ nghiên cứu quan trọng của nhóm này, chúng ta cũng có thể suy nghĩ thêm về những mảng sáng tối, và những lý do đàng sau, của bức tranh kinh tế Việt nam khá phức tạp năm nay với các diễn đạt khác biệt từ những góc nhìn khác nhau.
Cả nền kinh tế nói chung vẫn trong tình trạng tương đối trì trệ của 2 năm trước với mức GDP thực tế chỉ tăng quanh 5% (con số chính thức được coi là lạc quan!). Nhưng phần lớn tăng trưởng được ghi nhận là do nhóm sản xuất FDI . Và đó cũng là lý do cho điểm sáng hiếm hoi của xuất khẩu vẫn tăng khá năm nay. Nhưng với các kỹ thuật chuyển giá để khai lỗ của nhóm doanh nghiệp FDI, đóng góp vào thuế doanh nghiệp của khu vực này gần như rất ít, trong khi các doanh nghiệp tư nhân ngoài FDI và nhà nước thua lỗ nên không thể đóng thuế: thêm một lý do cho thất thu thuế năm nay, ngoài chuyện trì trệ sản xuất.
Ngoài ra do tình trạng suy yếu của sản xuất nói chung, mức nhập siêu 10-12 tỷ USD của các năm trước 2011 đang trở thành xuất siêu, giúp cho cán cân vãng lai và thanh toán tổng thể được thặng dư, và là lý do căn bản làm bớt được áp lực tỷ giá.
Áp lực lên tỷ giá cũng bớt đi do chuyên độc quyền vàng miếng SJC làm bớt nhu cầu nhập lậu vàng.Trong khi NHNN có thể hân hoan với kết quả này, câu hỏi bất cập khác xuất hiện là khối vàng trên 60 tấn do NHNN độc quyền bán ra đã đi đâu? Khoảng 30 tấn được giải thích là cho nhu cầu tất toán của hệ thống ngân hàng trong năm, nhưng còn hơn 30 tấn vàng kia đi đâu? Báo chí xuất hiện thêm loạt bài nói là “tham nhũng ưa chuộng vàng miếng”, làm dấy lên mối lo ngại trước đây về các kênh tẩu thoát của vàng không được mong muốn, một câu hỏi nhức nhối khó trả lời và cần thời gian.
Chuyện bán ra khối vàng quan trọng cùng với việc phát hành 170.000 tỳ đồng trái phiếu chính phủ cũng được coi là hai biện pháp giúp rút bớt khối tiền đồng lưu hành để tránh áp lực lạm phát do việc NHNN mua vào thành công khối dự trữ ngoại hối tăng đến mức kỷ lục 28 tỷ USD, so với sự thất bại năm 2007 do thiếu biện pháp này để trung hòa khối tiền đồng tung ra để mua khoảng 10 tỷ USD do FDI và đầu tư gián tiếp FII mang đến. Câu hỏi đặt ra là tiền lớn đều chui vào vàng và chi tiêu chính phủ, còn đâu “room” cho đầu tư của tư nhân khi bị khu vực chi tiêu chính phủ chèn ép?
Sau hết, sản xuất trì trệ nói chung trên đây cũng gây trở ngại cho mức tổng cầu và hấp thụ tín dụng của nền kinh tế. Do đó, tín dụng mới tăng hơn 6% cuối tháng 10 và cả năm khó đạt mục tiêu tăng 12%, và là nguyên nhân chính giúp giảm áp lực lạm phát.
Về nhu cầu chính sách tương lai trong ngắn hạn, có 2 luồng ý kiến: thứ nhất là kích cầu từ đầu tư côngqua nới rộng mức độ bội chi ngân sách và thứ hai là “kiên trì” ổn định kinh tế vĩ mô. Việc “kích cầu”, qua đầu tư công thiếu hiệu quả, có thể nhất thời làm tăng GDP nhưng không bền vững và chỉ nhằm mục đích “thành tích” ngắn hạn, và một vòng xoáy lạm phát – suy trầm bị e ngại sẽ lại tiếp diễn trong năm 2014 như đã xảy ra các năm trước đây. Hơn nữa trong lúc các tỉnh thành lớn đều hụt thu nội địa thì việc nâng trần bội chi ngân sách quốc gia (lên 5,3% cho năm nay và năm tới) để dáp ứng việc giải quyết tăng GDP ngắn hạn là một việc không nên làm trong lúc này.
Điều gây bức xúc nhất vẫn là chính sách trung hạn: tiếp tục in trái phiếu khoảng 150.000-200.000 tỷ mỗi năm như lối ra cho chính sách tài khóa theo dự kiến hiện tại quả là không ổn cho bức tranh lạm phát và tổng thể. Và không giải quyết được nghẽn mạch tín dụng bằng việc tiếp tục vô thời hạn các biện pháp hành chính hiện nay trong chính sách tiền tệ, thay vì các biện pháp thị trường, do chính NHNN đã khổ công xây dựng trong nhiều năm trước đây mà kinh tế đất nước cũng đã rất quen thuộc– mới là chuyện quan trọng: liệu có thể để các doanh nghiệp tiếp tục dẫy chết và guồng máy sản xuất suy đốn thêm?
Nhìn chung, búc tranh kinh tế 2013 có những điểm sáng như xuất khẩu tăng, tỷ giá ổn định, lạm phát giảm dần, được một số nhà kinh tế quen thuộc trong nước ngợi khen, nhưng nghĩ kỹ đều phản ánh những tia sáng le lói khó bền vững, vì chỉ đi ra từ sự kiệt quệ của nền kinh tế tư nhân với hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa hay lỗ nặng hàng tháng. Cạn nguồn thuế, ngân sách không thể kéo dài chuyện in tiền qua phát hành trái phiếu của chính phủ hay của các doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh. Đây không thể là tình trạng kéo dài thêm được lâu nữa.
Trong phần tóm tắt kết luận hội thảo, một nhân vật hữu trách quan trọng khẳng định là nền kinh tế không hề tê liệt để trả lời thẳng vào nhận xét chuyên gia trên đây, nhưng lại cũng hoàn toàn im lặng về các đề xuất thay đổi thể chế như nêu trên. Thay vào đó, vị này nhấn mạnh về yếu tố phục hồi tăng trưởng cho năm tới, và nêu nhận xét là các chuyên gia đã rõ ràng và đồng thuận trong phần nhận định hiện trạng, nhưng chưa đưa ra được các giải pháp chính sách phục hồi kinh tế cụ thể. Và hình như đó là bế tắc của khóa hội thảo mùa thu, cũng như của nền kinh tế suốt bốn mùa!
Trước bế tắc đó, phải chăng cần nghĩ đến giải pháp “cuối cùng” như chuyên gia Võ Đại Lược vừa đề nghị với Ủy ban Kinh tế Trung ương là mời IMF trở lại để trợ giúp cả kỹ thuật lẫn tài chính? Kỹ thuật vì họ có cái nhìn khách quan vượt trên được các nhóm lợi ích và có thể giúp tái lập bức tranh tổng thể với số liệu chính xác. Tài chính vì nhu cầu vốn để xóa món nợ xấu ngân hàng cũng như giảm khối nợ công quốc gia khổng lồ (ước tính vượt 100% GDP, gồm cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh) có thể lên đến 40-50 tỷ USD, con số ít ai dám nghĩ đến, nhưng là số dựa vào kinh nghiệm trợ giúp của IMF cho Thái lan và Nam dương.
AnKhoa
15/11/2013
Hỏa Thủy vị tế
Ngự Án bình rằng: Vị Tế là công việc còn dang dở chưa thành tựu. Sự dang dở sở dĩ có là vì các Hào chẳng đúng vị ngôi. Hào Âm ở vị Dương, Hào Dương ở vị Âm, cũng y như trong xã hội, sự dang dở sẽ sinh ra là vì người hay ở địa vị dưới, người dưới ở địa vị trên, thành thử mọi người đâm ra ngỡ ngàng khó xử.
Hào Lục tam.
Vị tế. Chinh hung. Lợi thiệp đại xuyên.
Tượng viết:
Vị Tế chinh hung. Vị bất đáng dã.
Dịch.
Trong khi mọi chuyện dở dang,
Mà còn vồ vập, lam làm thời hung.
Còn như vượt sóng, qua sông,
Tính bề thoát hiểm, thời không hại gì.
Tượng rằng:
Trong khi mọi chuyện dở dang,
Mà còn vồ vập, lam làm thời hung.
Vị ngôi lóng ngóng, lung tung.
Vị ngôi chẳng xứng, nên không ra gì.
Lục tam là Hào nhu mà cư Dương vị, nên không đúng ngôi, đúng vị; lại còn ở nội quái là Khảm, là nguy hiểm, tức là còn trong vòng nguy hiểm. Đã kém tài đức, ở trong vòng nguy nan, mà đã vội vẫy vùng, thời chẳng hay (Vị tế chinh hung). Trên nói là Chinh hung, mà tiếp theo lại nói là Lợi thiệp đại xuyên, thì ý nghĩa tương phản nhau. Có lẽ phải nói rằng Bất lợi thiệp đại xuyên mới phải.
Các nhà bình giải chia làm hai phái. Một phái như Trình tử, thì để nguyên câu Vị Tế chinh hung. Lợi thiệp đại xuyên mà giải, và cho rằng Chinh hung (dở dói chẳng hay), là vì tài chẳng đủ, còn Lợi thiệp đại xuyên (qua sông vẫn lợi), là vì lúc này là lúc có thể hoạt động được.
Một phái như Chu Hi, Bồ Dương Lưu, Hồ vân Phong thì hiểu câu này như là Vị Tế chinh hung. Bất lợi thiệp đại xuyên. Bồ dương Lưu bênh vực quan điểm này như sau: Lục tam ở vào cực điểm của hiểm nạn, nên chưa có thể thoát hiểm, lại Âm nhu thất vị, không đủ tài để đối phó với hoàn cảnh, thế mà lại cầu tiến, như vậy ắt là hung, thì làm sao mà còn có thể vượt qua gian nguy được. Đã nói rằng: không thể hoạt động; hoạt động là hung, mà lại nói có thể vượt sông lớn (Vượt gian hiểm được),như vậy là phản nghĩa nhau. Chu Hi cho rằng trước chữ Lợi phải có chữ Bất, thế mới đúng.
Đại khái ba Hào dưới quẻ Vị Tế đều chưa thể thoát hiểm, Hào tam cũng như Hào Sơ đều là Âm nhu chi tài không đủ sức thoát hiểm, chỉ có Cửu nhị là có tài, nhưng lại chưa được thời, nên biết kiềm chế mới hay. Suy ra thì chắc chắn là Lục tam không thể nào vượt gian nguy được (Phi lợi thiệp đại xuyên khả tri dĩ).
Vị Tế chinh hung. Vị bất đáng dã, là chưa đúng ngôi vị, thì sao hoạt động cho hay được.
Giải pháp nào ?
Quẻ gì đây ?
Votuong
15/11/2013
Vài dòng lan man...
Ẩn Long Cư Sỹ
Sửa bởi Votuong: 15/11/2013 - 10:41
Votuong
15/11/2013
Cảm ơn bạn trước!
Ẩn Long Cư Sỹ
Ngu Yên
16/11/2013
Vị tế , chinh hung.Lợi thiệp đại xuyên
Chinh là đi đánh dẹp, chinh phục thì mình phải lớn mạnh , đáng vị nên hào tam chẳng thể làm được . Nhưng là hào tam thì là đến bờ, xuất ngoại được nên nếu biết vượt qua cái lo sợ của mình thì qua được thời loạn .. Nói cách khác vượt qua cái khó là vượt qua chính mình chứ không phải là tìm nguyên nhân ở bên ngoài hay lăng xăng làm càn mà giải quyết được.
Nhưng VN ngày nay là hào 6 quẻ Ký tế (Trụ vương )chứ không phải Vị tế 3 (thời nhà Chu lập quốc di đến chân núi Kì).
htruongdinh
16/11/2013
Votuong, on 15/11/2013 - 10:24, said:
Vài dòng lan man...
Ẩn Long Cư Sỹ
THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐANG LÀM GÌ?
Lê Công Lý
Câu hỏi trên tưởng chừng như thừa thãi, vì xưa nay ở đâu có nếp sinh hoạt đó: Thành thị thì kinh doanh buôn bán, lao động công nghiệp và dịch vụ…, nông thôn thì trồng trọt chăn nuôi là chủ yếu. Gần đây ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện nhiều khu công nghiệp, còn nông nghiệp thì tiến độ cơ khí hoá diễn ra rất nhanh (máy cày, máy xới, máy trục, máy gặt đập liên hợp…) nên lẽ đương nhiên là cơ cấu lao động cũng dần dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Tuy nhiên, nếu sự dịch chuyển này diễn ra một cách cân đối thì cũng là một tín hiệu tốt lành, đằng này lại chứa đựng một sự mất cân đối nghiêm trọng: Lao động công nghiệp (mà chủ yếu là làm công nhân) hầu hết chỉ dung nạp nữ thanh niên, còn nam thanh niên thì không có việc làm. Các chủ doanh nghiệp cho biết lí do là vì các công việc này không cần sức vóc mà chỉ cần chăm chỉ, do đó tuyển nam công nhân vào làm sẽ không phù hợp, lại có nguy cơ đánh nhau, đập phá gây hư hại tài sản của doanh nghiệp.
Bởi vậy mà trừ những nam thanh niên học hết lớp 12 (hoặc ít ra là hết lớp 9) có thể học nghề gì đó và tìm được việc làm, những thanh niên không học hoặc học hành dở dang thì hầu như chỉ còn cách đi làm hồ, số còn lại không được siêng năng lắm chỉ còn cách lêu lỏng, vô công rỗi nghề. Một số rất nỗ lực xin làm bảo vệ, công nhân nhưng hầu hết đều bị từ chối (vì trình độ học vấn hay vì doanh nghiệp không tuyển nam công nhân). Thậm chí một số muốn được đi nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn khó được tuyển, vì không đủ trình độ học vấn, mặc dù phần lớn các địa phương đều báo cáo đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.
Tình trạng nói trên một mặt gây lãng phí một nguồn sức lao động rất lớn và mặt khác làm tăng nguy cơ nảy sinh các tệ nạn xã hội, bởi “Nhàn cư vi bất thiện”. Điều này thấy rõ nhất ở các cánh đồng hay nông trường vừa giải phóng mặt bằng để làm khu công nghiệp hay khu vui chơi giải trí gì đó: Lao động nông nghiệp bị xoá sổ mà không có việc làm gì để thay vào. Tất nhiên chính quyền địa phương cũng tìm cách để chuyển đổi nghề cho họ, nhưng thực tế cho thấy họ rất khó thích nghi với các nghề mới như kinh doanh hay làm dịch vụ, bởi thiếu vốn và kinh nghiệm, tay nghề.
Một khi đời sống vật chất đã thấp, thu nhập không có thì đương nhiên đời sống tinh thần của lớp nam thanh niên này cũng không thể khá hơn. Phần lớn trong số họ sống bám gia đình, một số sa vào các tệ nạn như như: cờ bạc, trộm cắp, một số còn dính vào ma tuý… Nhìn chung, cách giải trí thông thường của nam thanh niên ở ĐBSCL hiện nay là… nhậu nhẹt. Nhậu có nghề. Nhậu triền miên, hàng ngày. Cách giải trí được xem là lành mạnh hơn chính là… uống cà phê.
Do nhu cầu uống cà phê quá lớn, mọi lúc mọi chỗ nên ở ĐBSCL có rất nhiều quán cà phê mà phần lớn là quán bình dân… Tuy gọi là bình dân nhưng các quán này cũng thường tuyển chọn người phục vụ là các cô gái trẻ đẹp để câu khách, từ đó hình thành một hạng gái gọi là “gái bán quán cà phê”. Trong khi các nữ thanh niên mải lo đi học hoặc đi làm công nhân suốt ngày và có khoảng cách quá lớn so với các nam thanh niên thiếu học, thất nghiệp thì các cô gái bán cà phê này chính là phần an ủi của các anh chàng ở quê. Bởi vậy mà trong khi các nam thanh niên thường xuyên “ngồi đồng” lê thê tại các quán cà phê, xem như là một kiểu hưởng thụ văn hoá thì tại đây người ta rất hiếm khi bắt gặp khách là phụ nữ. Chính vì vậy mà có thể nói các quán cà phê ở nông thôn thực sự trở thành các tụ điểm giao lưu riêng của các nam thanh niên nhàn rỗi.
Do khó kiếm được người yêu và khó có tiền cưới vợ nên hiện nay ở ĐBSCL đang báo động tình trạng nam thanh niên độc thân trong khi nhiều chị em phụ nữ chỉ chăm chăm lấy chồng nước ngoài hoặc lấy chồng thành phố. Tình trạng “cung cầu” mất quân bình nghiêm trọng đó dẫn đến tâm lí bức xúc tự phát trong vô thức của nam thanh niên, dẫn đến những hành động điên cuồng mất kiểm soát như đua xe, nhậu say nằm vắt ngang đường, đánh nhau, chém nhau… Thậm chí người ta thường nghe nhiều trường hợp nam thanh niên tự huỷ hoại thân thể như tự tạo nên các vết sẹo trên mình, có trường hợp nhậu say rồi tự… nhai nuốt luôn li rượu, dĩa sành, thậm chí tự… mổ bụng.
Mặt khác, cũng do tình trạng độc thân ngày càng tăng lên nên nhu cầu có những “mối tình chớp nhoáng” ngày càng nhiều. Bởi vậy mà trong khi kinh tế còn nghèo nhưng càng ngày nhiều dịch vụ xa xỉ lại nở rộ ngay ở nông thôn vùng sâu như: dịch vụ “gội đầu nam”, “giác hơi cổ truyền”, nhà nghỉ… Không kể nhiều dịch vụ cà phê ôm, thậm chí rượu đế ôm vốn có từ trước.
Trong khi đông đảo nam thanh niên còn chưa biết làm gì như thế thì nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ở nông thôn lại đang có nguy cơ thiếu lực lượng kế thừa nghiêm trọng. Bởi vì các thanh niên tương đối có học vấn, có ý thức thì đã đổ về các thành phố, số còn lại ở nông thôn thì mang nhiều mặc cảm nên hiếm khi họ đến với các đình, chùa, miễu… Đi chùa, cúng miễu bây giờ chủ yếu chỉ là các bà cụ đã gần đất xa trời, cúng đình thì chủ yếu là các cụ ông đã quá lục tuần. Rất hiếm hoi thấy bóng dáng của một vài nam thanh niên lạc lõng ở các địa chỉ này. Riêng nhà thờ và các điểm họp nhóm Tin Lành mới nổi lên, tuy họ có cách tổ chức hấp dẫn được giới trẻ, nhưng số này không nhiều, vì ở ĐBSCL không có truyền thống theo các tôn giáo đó.
Tuy nhiên, cuộc sống luôn là quá trình tự điểu chỉnh. Để bù vào khoảng trống của đời sống tinh thần nói trên, hiện nay ở ĐBSCL đang nở rộ các băng nhạc sống để phục vụ nhu cầu ca hát của nam thanh niên. Bất kể là đám cưới, đám hỏi, đám ma, đám giỗ, đầy tháng, thôi nôi, tân gia, hay chỉ đơn giản là… đám nhậu, người ta đều thường thuê dàn nhạc sống để phục vụ cho các anh chàng sung sức tha hồ ca hát, nhảy múa, hò hét vang dội suốt ngày, có khi thâu đêm suốt sáng. Điểm đặc biệt là các dàn nhạc này được đánh giá chỉ chủ yếu dựa vào công suất của hệ thống loa. Do đó, mỗi dịp ca hát này là một lần kinh động cả xóm làng.
Trong khi đó, cách giải trí phổ biến của chị em phụ nữ ở nông thôn ĐBSCL hiện nay có phần lành mạnh hơn. Các hoạt động này của chị em chỉ chủ yếu diễn ra vào ngày chủ nhật vì phần lớn họ là công nhân. Đó là việc mua sắm tại các chợ quê, làm đẹp như cắt uốn nhuộm tóc, làm móng tay, tẩy trắng da, massage mặt…, làm cho các địa chỉ này đông đúc hẳn lên vào các ngày chủ nhật.
Thỉnh thoảng có các đoàn ca nhạc, xiếc, ảo thuật, hội chợ giải trí… về vùng quê biểu diễn, thì tối đến nam nữ thanh niên lũ lượt đi xem, nhưng số mua vé vào thưởng thức không nhiều mà chủ yếu chỉ là cái cớ để họ đi chơi cho vui mà thôi. Chính vì vậy mà có một tình trạng kẹt xe, thậm chí kẹt… người diễn ra thường xuyên ngay tại vòng ngoài, phía trước của các sân khấu biểu diễn này, dù số người vào xem bên trong chỉ lèo tèo. Tương tự như vậy, tại các chùa vào các ngày rằm lớn và tại các nhà thờ vào dịp giáng sinh cũng đông nghẹt nam nữ thanh niên, nhưng họ chủ yếu chỉ đi trẩy hội, số thanh niên đến đây vì mục đích tôn giáo có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tóm lại, đời sống văn hoá tinh thần của thanh niên ở ĐBSCL đang trong quá trình tìm kiếm một loại hình thực sự phù hợp và hữu ích.
Votuong
16/11/2013
Đó là một cách nhìn theo hướng tiêu cực của một khía cạnh nhỏ trong xã hội và nó cũng chỉ là một lỗ thủng nhỏ trên chiếc áo rách tả tơi thôi bác.
tigerstock68
16/11/2013
Quảng Ninh quá mạo hiểm với đề xuất cho thuê đất 120 năm!
Ngay sau khi đề nghị với Trung ương để phát triển Móng Cái, Vân Đồn thành đặc khu kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục đề xuất đặc cách cho phép các doanh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ được phép thuê quyền sử dụng đất lên tới 120 năm.
Theo Bí thư Thành ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ có thể thuê quyền sử dụng đất tới 120 năm khi trả tiền một lần. Trong một số dự án kinh doanh đô thị hiện đại, thời gian sử dụng đất có thể lên đến 99 năm, ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê quyền sử dụng đất trong 70 năm được phép thế chấp để vay vốn đầu tư. Một số đối tượng người nước ngoài còn được đề xuất có quyền mua và sở hữu nhà ở dưới nhiều hình thức khác nhau. Ông Chính cho biết, trước hết tỉnh Quảng Ninh sẽ đề nghị được áp dụng những chính sách này thí điểm ở Vân Đồn. Đi kèm với chính sách ưu đãi về đất đai ở Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh còn đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc biệt về thuế như miễn 15 năm thuế nhập doanh nghiệp với dự án công nghệ cao; 20 năm với dự án dịch vụ; giảm 70% thuế thu nhập cá nhân trong 15 năm cho bất kể ai làm việc ở đây; miễn 100% thuế đối với các khoản thưởng hằng năm với lao động có trình độ cao…
Có thể thấy, so với những chính sách về miễn giảm thuế hiện nay thì những đề xuất của Quảng Ninh thể hiện một sự ưu ái chưa từng có trong lịch sử mời gọi đầu tư của các tỉnh. Ông Bí thư Thành ủy cũng khẳng định rõ ràng, mục tiêu chính là để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, giảm thiểu sự can thiệp của chính quyền vào thị trường. Được biết, các đề xuất của Quảng Ninh đang nhận được sự đông thuận từ các Bộ, ngành.
Những đề xuất về hai đặc khu kinh tế của Quảng Ninh ở Móng Cái và Vân Đồn cộng với hàng loạt các chính sách ưu đãi tối đa về đất đai và thuế được đưa ra song song với chuyến thăm và làm việc tại Quảng Đông, Trung Quốc của bà Phó Bí thư Thường trực Đỗ Thị Hoàng với mục đích giới thiệu môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh cho thấy, Quảng Ninh đang hướng về các nhà đầu tư Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang thể hiện một thái độ thiếu thiện chí trên Biển Đông nhằm chiếm đoạt các vùng lãnh hải hợp pháp của Việt nam. Không chỉ có vậy, thương lái Trung Quốc luôn để lại tai tiếng qua các hoạt động thương mại mang tính phá hoại đối với hàng nông lâm hải sản ở khắp các tỉnh thành của nước ta. Còn các nhà thầu xây dựng Trung Quốc cũng quá “nổi tiếng” với kiểu làm ăn bát nháo, bỏ của chạy lấy người. Liệu có thể tin tưởng được những nhà đầu tư kiểu như vậy khi vào Móng Cái hoặc Vân Đồn sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, xã hội của Việt Nam?
Với vị trí giáp ranh với Trung Quốc của Vân Đồn và Móng Cái, đề xuất mở toang cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài – mà cận kề nhất là người Trung Quốc tới làm ăn của Quảng Ninh khiến nhiều người lo lắng. Với những nơi tiền tiêu trọng yếu này, việc rước người nước ngoài vào “trấn giữ” 120 năm quả thật quá mạo hiểm và chưa từng có trong lịch sử bảo vệ biên giới, lãnh thổ của nước ta.
Trường Giang
Sửa bởi tigerstock68: 16/11/2013 - 21:56
tigerstock68
16/11/2013
Khó khăn kéo dài, sức ép tái cơ cấu mạnh mẽ đã khiến các ngân hàng không thể cố giấu để giữ được mãi hình ảnh đẹp đẽ. Quý III/2013 dường như là thời điểm các ông chủ ngân hàng buông tay, thảy ra bộ mặt thê thảm với lãi ít, nợ xấu tăng, cắt lương, giảm nhân sự. Nhiều NH chẳng còn buồn đưa ra một lời giải thích.
Nợ mất vốn tăng mạnh
Là một trong những đơn vị tốt trong hệ thống ngân hàng (NH) nhưng báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 của Vietcombank cho một kết quả khá buồn.
Hầu hết các hoạt động của Vietcombank trong quý III đều ổn nhưng vấn đề nợ xấu và tín dụng tăng trưởng chậm lại là điểm tối đáng chú ý. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng mạnh từ mức 2,4% thời điểm đầu năm 2013 lên 2,98%. Trong đó, đáng chú ý nợ có khả năng mất vốn là 2.683 tỷ đồng, tăng đến 85% so với hồi đầu năm.
Nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến lợi nhuận sau thuế của VCB trong quý III giảm 6% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng giảm 10%.
Tuy vậy, nợ xấu của Vietcombank khá thấp nếu so sánh với nhiều NH khác và vẫn nằm ở ngưỡng an toàn dưới 3%. Trong khi đó, nhiều NH thuộc tốp đầu khác cũng đang phải đối mặt với hiện tượng nợ xấu, nhất là nợ xấu có khả năng mất vốn tăng chóng mặt.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 của Vietinbank cho thấy, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tính tới cuối tháng 9/2013 tăng vọt gấp hơn 2 lần, lên 5.431 tỷ đồng. Trong quý này, VietinBank phải bỏ gần 800 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, tăng 71% so với cùng kỳ. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm 19,2%.
Ngân hàng Quân đội (MB) cũng không thoát khỏi xu hướng chung về nợ xấu với số lượng tăng gấp rưỡi so với cuối 2012 lên 2.073 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,85% lên 2,58%. Trong đó, nợ xấu có khả năng mất vốn chiếm nhiều nhất với 46,9%, tương đương 972 tỷ đồng.
Vietcombank, Sacombank, Vietinbank, BIDV, Eximbank, VAMC, nợ xấu, ngân hàng, tín dụng
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối quý III/2013 là 3,34% (tăng khá mạnh so với 2,5% thời điểm cách đó 9 tháng) với 3.491 tỷ đồng. Trong khi đó, Eximbank cũng chứng kiến nợ xấu tại thời điểm 30/9 tăng vọt, gấp rưỡi so với cuối 2012 lên 1.457 tỷ đồng.
Lợi nhuận tụt giảm mạnh
Không chỉ tốp đầu, nhiều ngân hàng ở tốp dưới cũng đang chìm ngập trong nợ xấu. SHB cho biết nợ xấu có khả năng mất vốn tại thời điểm cuối quý III/2013 tăng 74% so với cuối năm ngoái và chiếm 71% trong tổng nợ xấu 5.072 tỷ đồng (tương đương 7,74% dư nợ).
SouthernBank cũng có nợ xấu tăng mạnh từ 1.317 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 1.651 tỷ đồng, chiếm 3,79% trên tổng dư nợ. DongABank chứng kiến nợ xấu giảm nhưng vẫn còn 1.503 tỷ vào cuối tháng 9.
Dù chưa công bố thông tin chính thức, nhưng thông tin từ Masan cho biết ngân hàng này có lãi thuần quý III/2013 giảm tới 84% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng sụt giảm 66,4%.
OceanBank cũng chứng kiến lợi nhuận thuần âm và có lãi nhờ…được hoàn nhập dự phòng. Lợi nhuận của DongABank trong quý III cũng giảm 38,7% so với cùng kỳ, còn SouthernBank cũng giảm khá mạnh.
Đi cùng với đó, nhiều ngân hàng báo cáo quy mô tài sản giảm mạnh như: Eximbank bốc hơi 15.600 tỷ đồng; ACB giảm 15.830 tỷ hay 9% so với cuối năm 2012…
Nhiều ngân hàng chứng kiến tín dụng giảm mạnh và khó đạt được mục tiêu 15% như kế hoạch. Cho tới nay, chỉ có một vài ngân hàng có tăng trưởng tương đối tốt như SHB, STB, BIDV… còn lại đều rất thấp như VCB (+3,4% vào cuối tháng 9), DAB (1,2%), OceanBank (-5,2%); Navibank (-21,4%); Saigonbank (-1,4%)…
Khó khăn chồng chất cũng khiến nhiều ngân hàng đẩy mạnh tiết giảm chi phí, trong đó có cắt giảm nhân sự. Các báo cáo cho thấy, trong 9 tháng ACB cắt giảm 1.300 nhân sự; Eximbank lên kế hoạch giảm 1.000 nhân sự. SHB, BIDV, CTG… cũng cắt giảm khá mạnh trong 9 tháng qua.
Với những báo cáo quý III được các ngân hàng lớn nhỏ ồ ạt đưa ra trong một hai ngày qua, có thể thấy, tình hình hoạt động của đa số các ngân hàng nhìn chung còn rất khó khăn. Điều này trái ngược với bức tranh lãi khủng, tín dụng tăng mạnh, tài sản bùng nổ trong các năm 2010-2011 và đầu năm 2012. Thực tế đáng buồn này được giải thích do lãi suất cho vay sụt giảm, tăng trưởng tín dụng thấp và trích lập dự phòng cao.
Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa có lẽ nằm ở chỗ hệ thống NH phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động tín dụng, các sản phẩm, dịch vụ khác đóng góp một tỷ trọng không lớn trong cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng. Một khi lãi suất giảm, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm theo.
Điều đáng lưu ý còn ở chỗ, vì phụ thuộc vào mảng tín dụng với lợi nhuận cao, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay trong một thời gian dài với sự kiểm soát không chặt chẽ hoặc đã đẩy DN vào chỗ khó. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong vài quý gần đây có lẽ phần nào phản ánh nỗi sợ nợ xấu của nhiều ngân hàng.
Có thể thấy, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được kỳ vọng rất lớn. Hàng loạt ngân hàng yếu kém đã được chỉ mặt đặt tên và đã tự nguyện tái cấu trúc. Hàng loạt các ngân hàng khác không nằm trong danh sách cũng đã tìm cách tái cơ cấu. Nhiều ngân hàng tìm cách chuyển nợ xấu sang VAMC để phục vụ mục đích này. Đây là những tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở chỗ phơi bày ra những điểm xấu rồi tìm cách xử lý, làm đẹp nó, mà ở phải tìm ra được nguyên nhân của những yếu kém đó để chúng không xuất hiện trở lại
THEO VEF
tigerstock68
16/11/2013
Với tăng trưởng tín dụng 8,3% trong 9 tháng đầu năm nhưng thu nhập lãi thuần của Eximbank lại giảm tới 45%, kéo lãi sau thuế của ngân hàng chỉ bằng một nửa của cùng kỳ 9 tháng/2012. Nợ xấu tăng, đặc biệt là nợ dưới tiêu chuẩn tăng trên 6 lần.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.
Thu nhập lãi thuần – nguồn thu quan trọng nhất đối với ngân hàng – chỉ còn bằng 60% cùng kỳ với gần 690 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng giảm 45%, đạt 2.242,3 tỷ đồng. Hoạt đồng mua bán chứng khoán đầu tư tiếp tục lỗ, mức lỗ gấp hơn 3 lần quý III/2013 và 9 tháng, lỗ hơn 3 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, lợi nhuận thu về từ một số mảng khác, tuy tăng như không đủ bù đắp sự sụt giảm tại mảng kinh doanh chính là thu nhập lãi vay. Hoạt động dịch vụ lãi thuần 72,2 tỷ đồng, tăng 29%.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận mức lãi thuần 56,5 tỷ đồng so với mức lỗ 12,5 tỷ của quý III/2012 (9 tháng, mảng này có lãi trên 116 tỷ đồng, lật ngược kết quả lỗ hơn 115 tỷ trong cùng kỳ). Hoạt động khác có lãi thuần tăng gần 11 lần so với cùng kỳ đưa mức lãi 9 tháng lên 187,6 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí hoạt động giảm chỉ còn bằng 86% cùng kỳ, tuy nhiên, phần lãi thuần thừ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý này của ngân hàng vẫn sụt giảm 26%, đạt 475,3 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Eximbank có 1.335 tỷ đồng lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro, giảm một nửa so với cùng kỳ.
Kết quả, trong quý III, tổng lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt chưa tới 400 tỷ đồng, bằng 71% cùng kỳ; 9 tháng đạt 1.155,1 tỷ đồng, giảm 53%. Lợi nhuận sau thuế còn 298,3 tỷ đồng, bằng 72% cùng kỳ; lãi 9 tháng giảm mạnh 52%, đạt 879,6 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tăng trên 47%
Báo cáo tài chính cũng cho thấy, tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Eximbank ở mức 154.477 tỷ đồng, giảm 15.679 tỷ đồng (tương ứng giảm 9,2%) so với thời điểm 31/12/2012. Trong đó, tiền mặt, vàng bạc, đá quý còn 1.841 tỷ đồng, giảm 86% sau 9 tháng.
Huy động vốn khách hàng tăng 13,9% trong 9 tháng, song song với đó, tăng trưởng tín dụng cũng đạt 8,3% với con số 81.104 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng.
Tuy nhiên, nợ xấu ngân hàng cũng tăng 47,45% so với đầu năm. Tổng nợ xấu của Eximbank tại ngày 30/9 là 1.456,3 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng so với mức 1,32% thời điểm 31/12/2012.
Đáng chú ý, mặc dù nợ có nguy cơ mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 4,3% song nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) lại tăng gấp 2,6 lần và nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gấp 6,4 lần.
tigerstock68
16/11/2013
Việt Nam sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi chung của những người ưu tư thời cuộc khi đất nước đang đối diện với đủ loại thách thức nghiêm trọng và những thành tựu đầy ấn tượng của Đổi Mới không còn nữa. Kinh tế Trọng Thương, tư bản thân tộc và xã hội thị trường là ba đặc thù quen thuộc trong định hướng XHCN làm cho con đường đưa tới thịnh vượng thêm xa, nhưng sẽ tác động đến nhiều chuyển biến mới lạ khó lường cho tương lai bất hạnh của đất nước.
Kinh tế Trọng Thương
“Phi thương bất phú” là một câu nói của người Á Đông mà không hề gây tranh cải. Trong kinh tế học của phương Tây cũng có lý thuyết Trọng Thương của Thomas Mun với lập luận tương tự: „thương mại đem lại thịnh vượng cho đất nước“. Cụ thể là chính quyền phải đẩy mạnh xuất khẩu để thu nhập vàng bạc càng nhiều càng tốt và không coi trọng việc nhập khẩu thương phẩm phục vụ giới tiêu thụ.
Ngược lại, Adam Smith cho rằng không nên lầm lẫn giữa thịnh vượng và tích lũy của cải, vì thịnh vượng còn cần đến nhà cửa, đất đai và hàng tiêu thụ đủ loại cho mọi người. Tích lũy qúy kim cho nhà nước và không nhập khẩu hàng không thể sản xuất được để thoả mãn nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ gây bất ổn xã hội.
Ngày nay, chính quyền các nước dân chủ thực tế hơn, cho dù phải bội chi ngân sách và có hậu quả bất lợi kinh tế trong tương lai khi nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhưng cũng là chuyện phải làm vì giới tiêu thụ là người đầu phiếu, nhất là khi muà tranh cử gần kề. Do đó, quan điểm Trọng Thương không còn thuyết phục.
Khác với Trọng Thương là lý thuyết Tự Do kinh tế, mà lập luận chính là thị trường cần có tự do vận hành, nhất là tôn trọng vai trò sáng tạo của doanh giới và quyết định của giới tiêu thụ. Doanh nhân có khả năng huy động tiết kiệm để đầu tư vào thị trường mới và giới tiêu thụ sẽ định đoạt số phận doanh nghiệp. Cả hai làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, vì không ai khác có thể đem lại một không khí năng động cho thị trường và tạo niềm tin thúc đẩy tăng trưởng. Suy luận này xem vai trò điều tiết của chính quyền là một điều xấu xa cần thiết phải có và cần phân biệt với lĩnh vực tư nhân. Chính quyền lo trị an, quốc phòng và đối ngoại trong khi doanh giới đem lại giàu mạnh cho đất nước. Nếu hai cơ chế này hợp tác tốt đẹp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội thì một tình trạng lý tưởng sẽ đạt được.
Sự dị biệt giữa hai chính sách này là Trọng Thương xem xuất khẩu là quan trọng, vì trực tiếp đưa đến toàn dụng nhân công và gián tiếp đẩy mạnh tiêu thụ, trong khi Tự Do kinh tế xem thoả mãn nhu cầu tiêu thụ nội địa và ưu đãi các biện pháp nhập khẩu là cần thiết. Đó là chuyện lý thuyết.
Thực tế thì Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, một mô hình không có trong sách vở mà học giới đến nay cũng chưa thuyết phục được khái niệm này. Đó là một phương cách thực tiễn làm cho đất nước ra khỏi nghèo đói và tụt hậu do đẩy mạnh công nghiệp gia công chế biến và xuất khẩu khi thế giới đang chuyển mình trong cơn lốc toàn cầu hoá. Cơ chế độc đảng có nhiều thuận lợi, vì có ổn định chính trị và quyết tâm cao; các biện pháp kinh tế (kể cả sai lầm) không gặp chống đối. Biện pháp mạnh nên gây thu hút đầu tư quốc tế, vì doanh giới được hổ trợ về luật lệ và thuế khoá. Việt Kiều cũng có lý do đóng góp dù là muốn trực tiếp giúp gia đình hơn.
Kinh tế
Thành tích Đổi Mới không thể che dấu thực tại bất công là công nhân và nông nhân, hai thành phần đóng góp trực tiếp, phải chịu cảnh ngày càng nghèo hơn, trong khi doanh nghiệp quốc doanh ngày càng giàu hơn nhờ cơ chế cho phép chiếm lĩnh thị trường không cạnh tranh và tận hưởng mọi ưu đãi thuế khoá. Hiện nay, kinh tế phương Tây chưa ra khỏi suy trầm và phẩm chất hàng hoá Việt xuống thấp nên mở rộng thị trường ngoại thương trong tương lai càng khó khăn hơn.
Dù không minh danh và cổ súy, nhưng Việt Nam đã áp dụng chính sách Trọng Thương trá hình với đặc thù của XHCN. Việt Nam đạt nhiều thành tích xuất khẩu, nhưng không tích luỹ ngoại tệ cho công qũy như thuyết Trọng Thương đề ra, mà ngược lại, doanh thu chia nhau cho thân tộc của lãnh đạo, một đặc thù của tư bản nhà nước.
Sau ngày gia nhập WTO, Việt Nam ý thức việc cắt gảm các biện pháp tài trợ, nhưng WTO cũng không đủ biện pháp kiểm soát các chính sách vĩ mô của Việt Nam, vì doanh nghiệp quốc doanh, dù không hiệu năng, vẫn tiếp tục đứng vai trò anh cả đỏ của chế độ.
Ai thắng và ai thua khi chính sách này tiếp tục? Vì cơ chế không thể cải cách triệt để nên nông nhân và công nhân sẽ mãi là nạn nhân và giới tiêu thụ ngoại quốc, doanh giới quốc tế và thân tộc chế độ tiếp tục thắng, mức độ có thể giảm đi, nhưng thiệt hại kinh tế trong trường kỳ như thế nào sẽ không thể lý giải cụ thể.
Để thế giới tiếp tục hưởng lợi do sản phẩm rẻ trong khi thị trường tiêu thụ nội địa bỏ ngỏ cho người lạ thao túng là một nghịch lý. Đóng góp của tư doanh cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô là tiềm năng quan trọng, nhưng không được quan tâm. Mất chủ quyển kiểm soát thị trường nhân dụng và tiếp tục xuất khẩu lao động là hiện tượng không bình thường trong kế hoạch phân công lao động nội điạ. Không nâng cao giáo dục, mà lại kỳ vọng kinh tế chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp có giá trị cao, là nuôi dưỡng một hão huyền khác.
Nền kinh tế với những bất công và nghịch lý không thể có bước đột phá cứu nguy và chưa tạo điều kiện thịnh vượng cho toàn dân vì còn trong cảnh „Trọng Thương bất phú“.
Tư bản nhà nước
Nguyên ủy của thực trạng „Trọng Thương bất phú“ là do sự vận hành của tư bản nhà nước hay tư bản thân tộc, một thể chế mà sách vở phương Tây đã có bàn đến các đặc điểm khi thảo luận về sự đa dạng của các mô hình kinh tế tư bản.
Chủ nghiã tư bản Anh Mỹ cho phép thị trường hoàn toàn tự do, tôn trọng tuyệt đối quyết định của doanh giới và giới tiêu thụ và can thiệp của chính quyền là tối thiểu. Chủ nghiã tư bản châu Âu đặt nặng sự can thiệp trong các chính sách an sinh xã hội và bảo vệ công nhân và nông dân. Chủ nghĩa tư bản châu Á (Nhật và Đại Hàn) hướng về sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền, doanh giới và ngân hàng cho nhu cầu phát triển thị trường ngoại thương hơn là nội địa.
Thực ra, không mô hình nào là tối ưu, và những dị biệt về truyền thống văn hoá, lịch sử luật pháp và chính trị là trở ngại chính cho việc áp dụng mô hình mới. Do đó, không có một giải pháp lý tưởng cho các vấn đề kinh tế tư bản ngày càng phức tạp hơn, mà kiểm soát giao lưu tư bản tài chính quốc tế là thí dụ.
Tư bản nhà nước là một suy luận về mô hình tăng trưởng của Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và các nước toàn trị khác. Tiến trình công nghiệp hoá không cần huy động tiết kiệm nội điạ để tư nhân đầu tư, phát triển thị trường là do nhà nước và những định chế quốc tế tài trợ. Du nhập kỹ thuật cho doanh nghiệp quốc doanh cất cánh là một vấn đề đầu tư và tài trợ phân bổ theo kế hoạch không cạnh tranh.
Suy luận chung cho rằng tư bản nhà nước phát sinh trong thời hiện đại sau khi các hình thức chủ nghĩa tư bản đã ra đời. Đây là một sai lầm. Sách vở văn minh tiền sử Hy Lạp chứng minh ngược lại: tư bản nhà nước là một hiện tượng chính trị có từ thời văn minh đồ Đồng.
Khi thị trường chưa thành hình và tiền tệ chưa là phương tiện trao đổi thì các nhà nước thành phố quanh vùng biển Địa Trung như Knossos, Myceane và Polos đã biết sử dụng quyền lực tư bản nhà nước để điều khiển bộ máy công quyền thô sơ bằng cách đánh thuế nông phẩm, kiểm soát sản xuất và mậu dịch. Mọi trao đổi hàng hoá, nhập và xuất cho nền kinh tế nguyên thủy đều qua biện pháp của nhà nước, một hình thức kinh tế quốc doanh và tư bản nhà nước.
Một thí dụ tương tự khác là trong thời kỳ xây dựng Đế quốc Andean trước khi bị người Tây Ban Nha chinh phục. Chính quyền Incas kiểm soát triệt để hệ thống kinh tế bằng cách xây dựng đường xá, tạo hệ thống thông tin và bưu điện cho cả nước, một hình thức kiểm soát tài nguyên và lao động buổi sơ khai.
Lý giải theo khảo hướng lịch sử, dù cổ thời hay hiện đại, cho thấy có một đặc điểm chung của tư bản nhà nước là lo thu tóm và cũng cố quyền lực chính trị, kể cả phí phạm tài nguyên và hiệu năng kinh tế. Nhà nước, dù sơ khai hay trưởng thành, xem chuyện an ninh xã hội là tiên quyết và hiệu năng kinh tế là thứ yếu, nếu có, thì cũng dùng bạo quyền để kiểm soát các tiềm năng tăng trưởng. Do đó, phát triển dân chủ và tôn trọng pháp quyền không có cơ hội. Sự vận hành không dựa theo tiêu chuẩn khách quan mà „Một người làm quan cả họ được nhờ”, một lập luận quen thuộc của người Việt là thí dụ và phân phối theo kiểu „hết trong nhà mới ra ngoài đường“ thuyết phục nhiều hơn. Tư bản thân tộc thành hình và taọ một sân chơi kinh tế thu hẹp tối thiểu.
Kinh tế thị trường, ngược lại, một sân chơi mở rộng, không thể định hình và định hướng, dù vô hình và diễn biến theo tình cờ, nhưng cho phép tạo khích lệ khách quan cho doanh giới mạo hiểm hơn trong cạnh tranh và giới tiêu thụ có nhiều cơ hội hơn để quyết định tối ưu. Muốn vận hành có hiệu năng, kinh tế thị trường đòi hỏi khu vực tư nhân phải mạnh để có đủ khả năng đối trọng với quyền lực chính trị. Mạnh có nghiã là thế lực tài chính, ưu thế kỹ thuật và bình đẳng pháp luật với nhà nước. Vai trò chính của nhà nước là tôn trọng dân chủ và uy lực pháp quyền, nhưng nhà nước toàn trị không có tinh thần này và luôn tỏ ra đề kháng sự du nhập. Nếu tư nhân và chính quyền đều phải tôn trọng pháp luật theo tiêu chuẩn bình đẳng và khách quan, thì qua thời gian tiến bộ này đem lại chuyển biến thuận lợi cho xã hội, từ tổ chức sơ khai sang giai đoạn trưởng thành. Nhờ thế mà nhà nước, xã hội và thị trường trở thành ba tác nhân chính cho sự vận hành kinh tế.
Các thành tựu của tư bản nhà nước gây nhiều ấn tượng lạc quan trong thời kỳ khởi đầu của toàn cầu hoá làm cho các nước dân chủ phương Tây mơ ước noi theo. Vì cơ chế dân chủ đại nghị, tôn trọng pháp quyền, áp lực truyền thông và công luận không cho phép các nước phương Tây đề ra những giải pháp táo bạo mà hiện nay đang cần giải cứu các vấn đề khẩn cấp như suy thoái và nợ công. Nếu những biện pháp mạnh của tư bản nhà nước giải quyết đói nghèo, đem lại ít nhiều hiệu năng kinh tế trong ngắn hạn thì bất công xã hội, thiệt hại môi sinh và bất quân bình cơ cấu trong trường kỳ là hậu quả lan toả trầm trọng hơn.
Chúng ta đang ở đâu? Thị trường đã hình thành nhưng cơ chế nhà nước còn sơ khai nên không theo kịp tốc độ phát triển năng động của thị trường. Thị trường càng sinh lợi nhiều thì thân tộc càng vây chặt để chia quyền lợi. Xung đột quyền lợi xãy ra nên có động loạn xã hội và giảm tăng trưởng là tất yếu. Chính quyền tập trung giải quyết trị an và lo sinh tồn cho chế độ hơn và không còn khả năng để xây dựng một nhà nước trưởng thành và trường cữu. Sự quân bình giữa tư nhân và chính quyền không đạt được vì cả hai chưa có tinh thần trọng pháp. Xã hội dân sự đang hình thành và chưa đủ lực kiểm soát các hoạt động của thị trường và nhà nước. Công luận và phản biện, một sức mạnh chính của xã hội dân sự, chưa thể theo dõi hoạt động công quyền và thị trường là vì chưa có tự do báo chí. Không gian ảo của thế giới mạng đang định hình và khởi đầu gây tác động chuyển biến.
Chúng ta đi về đâu? Trước mắt, thân tộc còn đủ khả năng áp lực lãnh đạo và tư bản nhà nước vẫn chiếm ưu thế để không cải cách theo xu thế thời đại: kinh tế thị trường và dân chủ đại nghị của mô hình phương Tây. Phương Tây không khả năng giải quyết các thách thức mới như nợ công, suy thoái và bất công xã hội, nên chính quyền, ngoàl lý do chính trị, có thêm lý do để không cải cách theo khuôn mẩu này. Dân chúng không quan tâm chính trị, coi cải cách kinh tế và cơm áo gia đình là thực tế, và lo sợ phải đánh đổi một tương lai mờ mịt hơn.
Ngược lại, lãnh đạo tiếp tục bảo vệ chế độ bằng cách mang thành tích tăng trưởng trong thời kỳ trước suy thoái để lập luận và bảo chứng cho tương lai, nhưng không thuyết phục.
Một là nhà nước có thành tích kinh tế. Điều sai lầm. Tư bản nhà nước là một giải pháp kinh tế trong quá khứ chỉ cho thân tộc, không cho toàn dân, chủ yếu là giúp cho chính quyền cũng cố quyền lực. Tư bản nhà nước không nhất thiết sẽ là một sách lược duy nhất tốt đẹp cho tương lai, vì có nhiều mô hình tăng trưởng khác có thể kết hợp tối ưu trong một xã hội đang chuyển mình. Nhận thức tiềm năng tăng trưởng là một khởi điểm cho thay đổi tư duy mà vai trò tư doanh và Việt Kiều trong kinh tế thị trường và tinh thần phản biện trí thức của xã hội dân sự là sức mạnh cần phối hợp.
Hai là khó khăn hiện nay là do tình hình quốc tế mang lại. Đúng một nửa, vì cấu trúc kinh tế nội tại có vấn đề là chính. Tác hại của kinh tế quốc doanh, sai phạm ngân hàng, quốc nạn tham nhũng và vô pháp luật là nguyên nhân đưa tới tình trạng tư bản hoang dã. Tại các nước phương Tây, tiến trình công nghiệp hóa thành hình trước chủ nghiã tư bản ra đời. Ngược lại, tại Việt Nam tư bản nhà nước thành hình mà vẫn chưa có công nghiệp hoá toàn diện và chỉ có công nghiệp xuất khẩu. Tiếp tục nuôi dưõng doanh nghiệp quốc doanh không hiệu năng là một thất sách nghiêm trọng vì không thể tăng năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có một tiềm năng to lớn mà không thể phát huy vì thiếu chính sách cần thiết. Chuyển hướng huấn nghệ cho công nhân trẻ sang lĩnh vực công nghiệp thông tin là một mơ ước mà thành công Ấn Độ là một mô hình, nhưng không có điều kiện hổ trợ về chính sách cũng như quốc tế nên không thể thực thi. Không có thế lực thù địch hay tình hình quốc tế chịu trách nhiệm trước các thất sách này.
Ba là cho rằng không tiếp tục bảo vệ chế độ là một biểu hiện suy thoái đạo đức. Khẳng định này chỉ có giá trị phổ quát trong một xã hội sơ khai, khi chưa phân biệt hai phạm vi đạo đức và chính trị. Hiện tại cơ chế công quyền các nước tiên tiến không còn dựa trên đạo đức cá nhân hay xã hội, mà chuẩn mực vận hành phải là tuân thủ uy lực pháp quyền. Nhà nước vi phạm nhân quyền đã không bị trừng phạt mà phải được bảo vệ vì là bổn phận đạo đức, một lập luận không thuyết phục.
Tư bản nhà nước có một chính quyền ích kỷ để bảo vệ quyền lợi thân tộc, thờ ơ trước ý kiến của công luận và xem là thế lực thù địch và u tối vì đã không thể và sẽ không muốn tự khai sáng để tạo niềm tin cho dân chúng về cải cách chính trị và kinh tế. Dân chúng, dù là nạn nhân, vì muốn yên thân mà một xã hội dân sự chưa thành hình. Tất cả đưa đất nước tới một tình trạng xã hội thị trường.
Xã hội thị trường
Thị trường là nơi gặp gở giữa người mua và người bán để trao đổi qua trung gian tiền tệ. Tiền tệ là một phương tiện thanh toán khi thuận mua vừa bán về một mặt hàng. Do đó mà có kinh tế thị trường, một phương tiện hữu hiệu và cần thiết cho việc tổ chức các hoạt động sản xuất để thoả mãn tối đa nhu cầu cá nhân và xã hội.
Xã hội thị trường có phải là nơi thoả mãn mọi nhu cầu xã hội không? Không, mà đích thực là chúng ta dùng tiền cho những phạm vi không thuộc về thị trường và làm cho của uy lực đồng tiền chế ngự trong tất cả sinh hoạt xã hội. Hậu quả là mọi quan hệ không có đặc tính thị trường được định bằng một trị giá trao đổi. Đời sống gia đình, quan hệ thân thiết, bảo vệ sức khoẻ, cơ hội giáo dục, định mức tội phạm, xác định trình độ và tài nguyên đất nước là chuyện mua bán, mà tiền đâu là đầu tiên.
Chưa có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, mà chúng ta chỉ có kinh tế trọng thương trá hình XNCH. Thay vì dùng tiền để thanh toán cho các trao đổi trong thị trường, chúng ta đi xa hơn bằng cách dùng tiền để mua bán cho toàn bộ hoạt động xã hội. Do đó, xã hội thị trường thành hình và tác hại đến những giá trị cao cả khác là nhân phẩm, tự do và tình liên đới xã hội và độc lập dân tộc. Cuối cùng, tham nhũng lên ngôi thành quốc nạn và đạo đức suy vi tận đáy.
Chúng ta sẽ đi về đâu với xã hội thị trường? Nguy cơ nhất là bất công xã hội. Nhà giàu phô trương thành đạt không gây ảnh hưởng nhiều mà nhà nghèo bị trầm trọng hơn, vì không đủ phương tiện, khi tất cả đều có một cái giá để phải trả, mà giaó dục và y tế là hai mặt hàng chủ yếu. Không đủ tiền cho giới trẻ đi học nên không có khích lệ và cơ hội thăng tiến xã hội. Không đủ tiền cho dịch vụ y tế thì phúc lợi chung cho toàn xã hội không còn, trong khi lực lượng lao động, muốn được khả dụng, cần có trình độ và có sức khoẻ, đó là hai điều kiện tiên quyết cho thịnh vượng.
Phương Tây đang tranh luận vấn đề tìm một giới hạn đạo đức cho kinh tế thị trường, mà cụ thể là xác định những gì mà tiền không mua được giá trị, một phạm vi thuộc giá trị cá nhân và đạo đức xã hội, một chủ đề do Micheal Sandel cổ súy và dĩ nhiên không đáng cho người Việt đang vật lộn với cuộc sống quan tâm.
Giống như Armatya Sen, Michael Sandel đề cao sự phát triển thị trường trong tinh thần tự do. Mục tiêu theo đuổi trong nền kinh tế thị trường là vấn đề hiệu năng để thoả mãn nhu cầu từ đời sống hàng ngày cho đến sinh hoạt xã hội, nhưng không phục vụ cho lãnh đạo và thân tộc mà toàn dân. Tự do, nhân phẩm và hạnh phúc có thuộc về phạm vi thị trường không? Nếu có, là cứu cánh hay phương tiện? Đó là vấn đề. Khác với Sen, Sandel tìm hiểu có nên dùng tiền cho những phạm vi không thuộc về thị trường không. Những thí dụ của Sandel cho thấy vấn đề hiệu năng kinh tế, giá trị sử dụng, ảnh hưởng tiêu thụ, hạnh phúc đời sống cá nhân, gia đình và đạo đức xã hội liên hệ nhau.
Những thí dụ trọng sĩ diện hão của người Việt là quen thuộc và có thể bổ túc cho lập luận cùa Sandel. Cụ thể là chuyện phải dùng tiền để chạy chức mua quyền tìm hư danh xã hội, nhưng lại không đưọc ai tôn trọng; dùng tiền mua bằng cấp để tiến thân, nhưng không được ai xem là trí thức; mua nhà sang trọng nhưng không đem lại cảm tưởng an toàn; mua đồng hồ đắt tiền nhưng không mua được thời gian đã mất; nằm bịnh viện cao cấp nhưng không mua được sức khỏe suy sụp.
Xã hội thị trường làm cho lãnh thổ, tài nguyên và nhân lực là một món hàng mua bán trong nền kinh tế trọng thương dành riêng cho tư bản thân tộc. Mọi vấn đề tự do, hạnh phúc và độc lập dân tộc không còn nằm trong xã hội dân sự.
Đã đến lúc xã hội dân sự trở thành là một trào lưu đóng góp cho sự thay đổi, mà bổn phận công dân trong đạo đức cá nhân để đem bình an xã hội và thịnh vượng đất nước là nội dung chính. Nhưng khẩn thiết nhất mà xã hội dân sự Việt Nam cần có là một Aung San Suu Kyi và một Tahrir Square.
THEO Đỗ Kim Thêm
Votuong
16/11/2013
Đây đâu phải là diễn đàn kinh tế mà bác miệt mài copy & paste thế? Nếu vui thì bác gõ phím vài dòng cho ngón tay thêm mềm mại. Chiếc áo đã rách tả tơi thì người ta nhìn đâu mà chả thấy lỗ thủng? Nếu ở Hà Nội thì bác xây ngay cái hồ để nuôi cá Tra, đó mới là sự đầu tư khôn ngoan nhất!
Nam Kha nhất chẩm du nhiên mộng
Nhạn lệ thanh thanh vũ trụ gian
Sửa bởi Votuong: 16/11/2013 - 22:59
tigerstock68
17/11/2013
Tiếng nhạn trong veo vang trong vũ trụ
Sửa bởi tigerstock68: 17/11/2013 - 08:47