1. Niềm tin và sự sợ hãi.
Khi cần tin, người ta tìm bằng chứng
Khi sợ hãi, người ta tìm lý do.
Có những thứ niềm tin không cần bằng chứng, một sự mặc định tự nhiên và nếu cố tìm bằng chứng thì cũng khập khiễng và vô duyên. Chẳng hạn tôi tin Chúa, lý trí không thể cắt nghĩa được về Chúa, dù tôi cố gắng thì cũng là một sự "tự đánh lừa".
Những thứ niềm tin không thể lý giải bằng lý trí, gieo vào vô thức một ý niệm sâu. Ý niệm này vượt qua hàng rào tiềm thức và ý thức. Khi gặp môi trường, nó lớn lên và vô tình chi phối một con người.
Chẳng hạn một người theo đạo Thiên Chúa từ nhỏ, khi lý trí chưa thể phân tách cụ thể rõ ràng, thì vô thức đã tiếp nhận điều đó. Khi lớn lên, dù không ý thức được, hành vi của họ vô tình bị chi phối.
Có những thứ niềm tin hoặc sự sợ hãi, ta tưởng nó nhỏ nhưng chi phối rất lớn trong cuộc đời.
Xã hội ngày nay khủng hoảng niềm tin. Người không tin người, vợ không tin chồng, con không tin cha mẹ, dân không tin chính quyền, chả ai tin nhau. Sự sợ hãi và băng hoại đạo đức tràn lan.
Đó là do niềm tin.
Một thầy bói, không phải càng giỏi, xem càng đúng thì càng ít nghiệp. Đôi khi ngược lại. Không ai dám chắc mình xem trăm phần đúng cả trăm. Khi họ tin, và nhất là trong thời xưa khi niềm tin còn nguyên sơ, thì chính người thầy đóng vai trò gieo vào vô thức của họ niềm tin hoặc sự sợ hãi.
Nó vô tình, nhưng ngấm ngầm lớn lên và đôi khi có thể đẩy lệch quỹ đạo một con người.
Một ví dụ có thật:
Một chị bạn có thai, bác sĩ khám bảo thai nhiễm độc, sinh ra có thể bị ngớ ngẩn. Thai đã 3 tháng và được khuyên bỏ. Đây là hi vọng của gia đình chị này.
Chị tìm đến và hỏi. Bản thân tôi không thể chắc chắn việc này, dù có dựa vào Dịch hay Tử Vi. Nhưng tôi quyết định khuyên chị ấy giữ lại. Bản thân thường lo lắng không yên về việc này. Chị nói : Chị tin em nên sẽ giữ cháu lại. Một quyết định rất khó khăn và có phần cầu may.
1 năm qua đi, vừa rồi chị liên lạc lại và cảm ơn. Cháu sinh ra khỏe mạnh.
Vậy là 2 người thầy, 1 người thầy thuốc và 1 ông thầy bói đều đưa ra cho chị một niềm tin. Và niềm tin này quyết định sinh mạng 1 đứa trẻ và hạnh phúc một gia đình.
---------------
Nguyên nhân thứ nhất của nghiệp quả làm thầy, là gieo vào lòng khách hàng một niềm tin ( động viên, nói tốt) hoặc sự sợ hãi ( hù dọa, đe nẹt, cảnh báo).
Thầy càng giỏi, càng có tiếng, khách càng tin. Và họ tự đưa mình vào tình thế có nguy cơ bị gieo một ý niệm độc hại vào đầu.
Nghiệp từ đó mà ra. Ta thử gọi là tín nghiệp.
2. Môi trường xung quanh.
Như cụ Hà Uyên có đưa một bài viết, ta gửi một tư tưởng tốt, những ý niệm tích cực đến một hộp cơm, nó lâu thiu hơn và thậm chí có thể lên men.
Làm thầy, mỗi ngày tiếp xúc đủ dạng người. Đủ vui, buồn, đau, khổ, hỉ , nộ, ái, ố, tham, sân , si. Những thứ đó tạo lập quanh ông thầy một vùng khí trường hỗn loạn và không thanh tịnh.
Thêm nữa, thời xưa, các thầy đều có nền tảng Nho học vững vàng, Tu thân và tu tâm là yêu cầu thiết yếu. Ngày nay những thứ đó không còn. Và xã hội xung quanh xác lập một niềm tin : Tiền là giá trị cốt lõi.
Chính ông thầy cũng bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc, tâm trí không thanh tịnh thì sao có thể chống lại những khí trường hỗn tạp quanh mình.
Tự đầu độc bản thân, lại hoạt động trong một môi trường "ô nhiễm", nghiệp là tất nhiên.
3. Ngã mạn.
Sự tôn sùng của đa số mọi người đối với từ Thầy, vô hình đưa đến sự ngã mạn, tự cao tự đại và mù quáng.
Đó là chưa nói những bệnh lý tâm thần như vĩ cuồng, hoang tưởng v.v... Những bệnh lý tâm thần này xuất phát từ chính sự ngã mạn, lại được nuôi dưỡng bởi những khí trường hỗn tạp như đã nói ở trên.
Đó là nghiệp.
--------------------------------------------------------------------------
Đó là 3 thứ nghiệp mà các thầy bói thường mắc phải. Suy rộng ra, vấn đề không phải là xem bói lấy bao nhiêu tiền, vấn đề không chỉ nghề thầy bói mới có, mà phàm làm người đều dễ phải đối mặt.
Người xưa ít nói chơi, tiền nhân đã cảnh báo về 1 cái Nghiệp của nghề thầy mang lại. Điều đó là thật, và là tự thân. Không có một thế lực nào, một quyền năng vô hình nào đặt lên ta cái nghiệp đó. Nó, chính là do ta.
Xưa nói : " Nho, Y, Lý, Số".
Nho này, có lẽ không chỉ là chữ Hán, tiếng Tàu. Mà là đạo đức Nho gia.
Những triết lý của Nho gia, bây giờ nói ra sẽ bị chửi là trẻ ranh bàn chuyện đạo đức. Nhưng quả thật nó có giá trị và là khuôn thước cho Y, Lý và Số.
Tôi không biết anh là ai, anh quan niệm như thế nào. Có thể anh làm nghề khác, kinh thương hoặc kĩ nghệ. Nhưng khi đã xác định , dù trong lòng không muốn, một chữ Thầy. Anh phải tuân thủ những khuôn thước Nho gia.
Tất nhiên, không câu nệ vào lý và luật. Nhưng khi đã làm thầy, thì tài phải đi kèm với đức, thuật phải có gốc là đạo. Đó là nguyên lý bất di bất dịch và không thể chối cãi.
Làm thầy, là nghề phán xét. Mà phán xét, là hành vi phải đến sau sự tự sám hối.
Sám hối mỗi ngày, lo lắng không yên.
Còn cái gì gọi là tiết lộ thiên cơ, ta chưa hiểu nên chưa thể tin. Cái gì gọi là xem bói lấy tiền, quần cũ mà bán giá cao đã là tội, thì đừng quá coi trọng cái nghề của mình, đừng tưởng mình là cái gì to tát mà hét giá trên trời. 500 nghìn / 1 lá số, ít thì ít thật nhưng đối với người khác lại là nhiều. Hãy để người đến tự đánh giá , tự trả công. Như thế không phạm đức công bằng. Cố gắng đừng quan tâm đến sự ít hay nhiều, mọi thứ đều có nguyên do của nó.
Làm thầy, đừng giàu về nghề này. Không phải bởi vì tiền, mà như đã lời : " Ta nói thật cho các ngươi. Nhà giàu được vào nước Thiên Đàng còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim".
---------------------------------------------------------------------------------
Kinh thánh thường nói về sự phán xét, nhưng tên trộm lành cả đời tội lỗi mà Chúa còn tha vì một lần sám hối thành tâm.
" Hỡi những kẻ đạo đức giả, việc trời đất thì các người xét đoán được. Nhưng thời thế này các ngươi lại không biết sao?"
" Sẽ có một thời, những tiên tri giả sẽ nhân danh Ta ( chân lý) mà làm điều xằng bậy. Vậy các con hãy vững tin và hằng cầu nguyện".
"Đừng khóc thương ta, hãy khóc thương con cái các ngươi sau này".
"Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này....Vậy nhưng, một theo ý Cha, đừng theo ý con".
Bài viết này xin chia sẻ quan điểm cá nhân, cũng là sự hồi đáp với ý kiến của anh Gấu, và thân tặng anh Minh Giác, Minh Chùa và anh Tử Phá Song Hành.
Sửa bởi Minh An: 18/10/2012 - 13:00