Jump to content

Advertisements




CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA


67 replies to this topic

#1 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 08:06

Phần I: Tu Hành Tại Trung Quốc

1. Thừa nguyện trở lại.

Hòa Thượng, Thượng Tuyên Hạ Hóa sanh vào Ngày 16 tháng 3 năm Mậu Ngọ 1918, một Thôn nhỏ Huyện Song Thành Tỉnh Mãn Châu, Trung Hoa; Thân phụ là cụ Ông Bạch Phú Hải vốn là một nông phu chất phát; Thân mẫu là cụ Bà Hồ Thị là một Phật tử thuần thành cả đời ăn chay niệm Phật. Ông Bà đã có bốn trai ba gái nay lại được thêm một út trai thật đúng như ý nguyện.

Điểm khác lạ là vừa mới sơ sinh Ngài đã khóc trong ba ngày liên tiếp. Cụ Ông châu mày bồn chồn lo lắng, cả nhà thì bối rối không yên. Cụ Bà cảm giác rằng đứa bé vừa hạ sanh tất không phải người thường, nhân trong đêm chuyển dạ lâm bồn Bà có một giấc mộng diệu kỳ.

Bà mơ thấy Phật A Di Đà hiện thân, từ đôi mắt phóng hào quang vàng soi sáng cùng khắp thế giới và làm cho trời đất chuyển động, mục kích cảnh tượng này bà cảm thấy thân tâm tĩnh lặng, và chợt giật mình thức giấc xoay nhìn khắp bốn phía vách nhà mới biết đó chỉ là giấc mộng khiến bà không khỏi luyến tiếc, nhưng khi ngẫm lại thì cũng không phải là mộng vì cảm thấy có hương thơm phảng phất căn phòng hồi lâu mới hết; cho nên Bà lại niệm Phật càng rõ tiếng hơn. Sau đó không lâu Bà hạ sanh một bé trai, tức là Pháp sư An Từ tự Độ Luân và cũng là Hòa Thượng Tuyên Hóa sau này.



Thanked by 2 Members:

#2 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 08:09

2. Lập chí tu hành.

Hòa Thượng được nuôi dưỡng trong gia đình hiền đức và lớn lên trong một ngôi làng yên tĩnh ở miền quê. Nhiều người trong làng đã dời đi nơi khác để tầm danh cầu lợi nên cửa nhà thưa thớt, đường xá vắng bóng người, dân làng sống trong cảnh tĩnh lặng, an nhàn. Vì thế khi lên mười một tuổi Ngài chưa từng thấy qua người chết.

Cho đến một hôm đang lúc cùng các bạn trẻ trong thôn vui đùa chạy ra ngoài đồng hoang vắng. Ngài chợt thấy một đứa bé bọc trong manh chiếu bị bỏ trong bụi rậm, miệng nó ngậm và mắt thì nhắm nghiền. Bọn trẻ liền chạy tới lay gọi nó nhưng đứa bé không động đậy, Ngài không biết em bé này tại sao như thế liền hỏi một người lớn thì được cho biết rằng:

- Nó đã chết!

Ngài vẫn chưa hiểu nghĩa chữ chết là gì? nên vội chạy về nhà hỏi mẹ, Mẹ Ngài bảo:

- Phàm là người ai cũng phải chết, có người chết già có người chết vì bệnh có người chết vì tai nạn, bất luận người giàu cũng như người nghèo hoặc người làm quan kẻ đi buôn người làm ruộng hay nhân công dầu có quyền uy chức phận chi nữa mọi người rồi cũng phải chết.

Càng lấy làm lạ Ngài lại hỏi:

- Nhưng thưa mẹ! vậy có cách nào để khỏi phải chết không?

Lúc đó có một vị Tu đạo đang viếng thăm gia đình Ngài, nghe Ngài hỏi liền đỡ lời:

- Có chứ con phải tu đạo, đó là cách duy nhất; con phải hiểu thấu bổn tâm, giác ngộ bản tánh của mình thì mới mong vĩnh viễn thoát ly luân hồi sanh tử.

Câu trả lời này đa số người nghe đều ít hiểu đạt, mặc dầu tuy chỉ mười một tuổi Ngài không những nghe xong liền hiểu mà còn lãnh ngộ ngay đạo lý thâm sâu này. Lời người khách đã in sâu vào tâm khảm Ngài. Sau đó Ngài quyết tâm xuất gia tu đạo. Khi Ngài trình ý định xuất thế của mình lên Mẹ thì Mẹ Ngài bảo rằng:

- Xuất gia là việc bố thí cao thượng cũng là việc khó làm, nhất nếu con có căn lành cùng sự quyết chí, thì con sẽ đạt được đạo quả. Mẹ rất vui mừng vì lời nguyện và ý chí của con, đã ấn chứng cho giấc mơ kỳ diệu của mẹ thuở xưa, nhưng nay mẹ đã già, hẳn không còn sống bao lâu. Bốn người anh và ba người chị con đều đã lập gia đình, Mẹ hy vọng con ở lại để phụng dưỡng cha mẹ đến lúc cha mẹ qua đời thì con xuất gia cũng không muộn.

Ngài đã tôn trọng lòng mong ước của mẹ tạm gác lại ý nguyện xuất gia và thường theo mẹ Lễ Phật, Tụng Kinh. Từ đó hạt giống bồ đề trong tâm Ngài càng tăng trưởng.

Thanked by 2 Members:

#3 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 12:40

3. Vang danh hiếu tử.

Hạt giống bồ đề trong tâm Ngài ngày một đậm sâu, tuy tuổi còn nhỏ nhưng Ngài đã biết hồi quang phản chiếu. Lúc đầu Ngài tự phản tỉnh tính can cường của mình, nếu bị người khác chọc giận, Ngài chỉ biết la khóc thôi. Một khi đã khóc rồi thì khó mà ngưng được khiến cho cha mẹ khó phương đối trị. Sau đó tánh nết lại cứng cỏi hơn là không chịu ăn uống gì hết làm cho cha mẹ lại thêm phần sầu não.

Lúc nhớ lại những khi không biết hiếu thảo với cha mẹ, thâm tâm Ngài rất ư hối hận. Ngài quyết định dùng hành động để sám hối những tội lỗi xưa. Suy đi nghĩ lại, cuối cùng Ngài nghĩ ra một phương pháp là mỗi sáng mỗi chiều, đều hướng về cha mẹ mà lễ lạy. Lúc vừa bắt đầu lạy thì cha mẹ Ngài liền la rầy quở trách, hỏi tại sao mà làm như thế, thì Ngài thưa rằng:

- Xưa kia con không biết hiếu thảo với cha mẹ, nay biết rõ như thế là không phải đạo làm con. Vì thế con nay bắt đầu lạy cha mẹ để biểu thị lòng ăn năn hối cải của con.

Cha Ngài bảo:

- Biết rõ lỗi rồi nên sửa đổi, không cần phải lễ lạy.

Nhưng Ngài vẫn kiên trì giữ nguyện nhất định phải làm; Thế nên cha mẹ Ngài nghĩ rằng:

- Người kề cái chết thường nói những lời lành, có lẽ đứa con này sống chẳng được bao lâu nữa rồi!

Vì vậy mỗi lần Ngài lạy; Ông Bà cụ đều rơi lệ. Sợ cha mẹ quá thương tâm, Ngài bèn ra sân vào mỗi sáng tinh sương khi mọi người còn đang an giấc, Ngài hướng về cha mẹ lạy mỗi người ba lạy. Khuya đến khi mọi người đều lên giường ngủ Ngài lại ra ngoài hướng về cha mẹ mà lễ mỗi người thêm ba lạy nữa. Lạy như vậy qua một thời gian, Ngài cảm thấy vẫn chưa đủ nên lạy thêm trời, bấy giờ Ngài không biết tên của các vị thiên chủ, địa chủ, nhân chủ, mà chỉ biết trời, đất, quân thần, thân tộc sư trưởng.

Thế nên mỗi sáng mỗi tối, Ngài lạy trời, đất, vị nguyên thủ quốc gia, cha mẹ và vị Thầy tương lai mỗi vị ba lạy. Sau đó Ngài lại lễ thêm đến tất cả người tốt, người xấu trên toàn thế giới. Ngài cầu mong những người đại ác, bại hoại xấu xa đều cải ác làm lành trở thành người tốt. Ngài cứ gia tăng mãi cho đến tám trăm ba mươi lạy, mỗi ngày sáng, tối hai thời, mỗi thời hai giờ rưỡi. Như vậy Ngài lạy năm giờ bất kể trời sương mưa gió tuyết.

Ngài hết lòng chăm sóc thân sinh và thân mẫu; mùa hè Ngài hầu quạt cho cha mẹ còn mùa đông Ngài sưởi ấm giường nằm cho Ông Bà cụ. Ngài phụng dưỡng cha mẹ như phụng dưỡng hai vị Phật sống, cho nên danh tiếng hiếu thảo của Ngài vang đồn khắp nơi, mọi người trong làng, đều tôn xưng Ngài là “âBạch Hiếu Tử” tức người con chí hiếu họ Bạch.

Thanked by 2 Members:

#4 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 12:43

4. Dẫn dắt kẻ mê.

Vào đêm 19 tháng 2 âm lịch, vía Quán Âm, năm Ngài mười hai tuổi, Ngài trải qua một giấc mơ dị kỳ. Trong mơ Ngài thấy mình bị lạc vào đồng vắng hoang dã, chỉ thấy cỏ xanh rậm rạp, nhìn lên chẳng thấy trời, nhìn xuống không thấy bóng người mà Ngài lại đi trên một con đường đầy hầm sâu hố cạn, đường lộ lại lõm chõm; có nhiều hố lớn bằng cái bàn, vừa rộng vừa sâu, nhìn xuống không thấy đáy tối tăm rất nguy hiểm nếu bị té xuống thì khó mà sống nổi.

Ngài lặng người, đứng tại chỗ tiến không được mà thối cũng không xong, không biết phải dời chân cất bước như thế nào? Ngài kinh hoàng, nhìn quanh bốn phía không một bóng người để cầu cứu, vừa sợ, vừa run, chợt nghĩ đến ước nguyện tu hành chưa đạt, tâm hiếu phụng dưỡng cha mẹ chưa xong, nếu lúc nầy lỡ xảy ra việc gì không may... nghĩ đến đây Ngài bật khóc lớn.

Ngay lúc ấy có một bà Lão, đáng mạo phúc hậu đột nhiên xuất hiện trước mặt, Ngài ngưỡng đầu lên xem thì thấy Bà mặc y phục người tu, tay cầm gậy trúc, chân mang dép rơm. Bà lộ vẻ trầm tư, đôi mắt sáng ngời, miệng mĩm cười bảo Ngài rằng:

- Này bé, sao con lại khóc dữ vậy? Con chớ lo hãy đi theo dấu chân ta thì sẽ không bị lạc, ta sẽ đưa con về nhà vì đường còn xa vạn dặm, nên trong lúc đi con phải cẩn thận đừng để trượt chân nhé!

Bà lão đi trước Ngài lần bước theo sau, Bà cụ dẫn đường và không mấy chốc được thoát ra khỏi hiểm lộ đến một con đường lớn bằng phẳng, phút chốc ngôi nhà hiện ra, Ngài cảm thấy vui mừng khấp khởi: À! Cuối cùng mình đã về đến nhà rồi, thật là con đường khủng khiếp.

Ngoảnh nhìn lại con đường nguy hiểm ấy Ngài phát hiện có rất nhiều người đi theo, trẻ, già, đàn ông, đàn bà, tu sĩ và có cả những nhà học giả nữa, Ngài cảm thấy lạ bèn hỏi Bà Lão:

- Thưa Bà, họ là ai? Họ từ đâu đến và đang đi đâu vậy?

- Họ là những người đều có duyên với con, họ đang lần bước theo con để vượt qua đường hiểm trở và họ cũng muốn về nhà.

Bà lão tiếp:

- Đường còn xa vậy con phải dìu dắt họ cho chu đáo, Bà có nhiều việc phải làm nơi khác chẳng bao lâu sẽ trở lại, nên bây giờ bà phải chia tay với con, chúng ta sẽ gặp nhau trong một ngày gần đây.

Ngài muốn hỏi quý danh và chỗ ở của Bà thì được trả lời:

- Chúng ta là người đồng hương, về tới nhà thì con sẽ biết, con không nên hỏi nhiều như vậy.

Nói xong Bà quay mình biến mất, Ngài bèn dẫn mọi người về nhà an toàn, vừa về đến nhà, Ngài bổng giật mình tỉnh giấc, lòng mừng thơi thới.

Thanked by 2 Members:

#5 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 12:46

5. Quy y Tam Bảo.

Trong giấc mơ lúc đi lạc vào đường đầy hố sâu hiểm trở Ngài như vừa trải qua một lần sinh tử, nhờ có Bà lão chỉ dẫn nên Ngài mới thoát nạn, sau khi tỉnh giấc Ngài cảm động vô cùng biết được đây không phải là mộng tầm thường và luôn nghĩ rằng: Sanh tử là đại sự, ai mà biết được vận mạng ngày mai của mình, một khi thân này mất đi muôn kiếp khó mà được lại; Vì vậy ý niệm xuất gia cầu Pháp tu đạo của Ngài ngày càng kiên cố.

Ngài đem việc này trình lên cha mẹ và được Ông Bà đồng ý cho Ngài tìm Thầy học đạo. Ngài bắt đầu một cuộc hành cước tham vấn nhiều nơi, trải qua ba năm cuối cùng Ngài gặp được Lão Hòa Thượng Thường Trí. Khi diện kiến Hòa Thượng Ngài cảm giác như đã thân thiết với lão Hòa Thượng tự bao giờ, Ngài thỉnh Hòa Thượng ban giáo pháp tu đạo làm sao để cắt dứt dòng sanh tử. Lão Hòa Thượng trả lời:

- Con phải hằng thường chân thật tu hành pháp môn không hai (bất nhị) chỉ hướng Nhất thừa.

Nghe xong, Ngài hoan hỷ đảnh lễ Lão Hòa Thượng Thường Trí làm thầy và chánh thức Quy Y Tam Bảo.

Đại sư Thường Trí là một vị Thầy mà đạo đức cao dày với sự chứng đắc không thể nghĩ bàn. Mặc dầu không bao giờ Ngài học đọc, học viết nhưng môn đồ của Ngài thường nghe Ngài thuyết pháp trường hàng và kệ tụng làu thông, Ngài có khả năng đó vì Ngài đã giác ngộ chân tánh thanh tịnh.

Thanked by 2 Members:

#6 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 12:48

6- Thời kỳ học tập, giáo huấn.

Khi lên mười lăm tuổi Ngài mới bắt đầu đi học tại một trường tư. Lúc mới học làm câu đối, Ngài hứng thú vô cùng, càng học càng tâm đắc. Bấy giờ trong lớp có trên ba mươi bạn đồng học, mỗi lần họ không đáp được câu đối liền tìm đến Ngài, Ngài đều hoan hỉ giúp họ.

Đây là cơ hội cho Ngài tu trí và mở rộng tâm từ. Chưa đầy hai năm rưỡi sau Ngài đã thông suốt các ý chỉ của Tứ Thư, Ngũ Kinh và còn học thêm rất nhiều về ngành bốc, y, lý, số, chiêm tinh, bách tánh.

Tuy nhiên Ngài chú trọng nhất về việc học và hành các kinh điển Phật giáo. Ngài vượt hẳn các bạn đồng học và có thể thuộc làu một tác phẩm sau khi chỉ đọc qua một lần. Thế nên năm mười tám tuổi Ngài bắt đầu dạy học cho hơn ba mươi học trò; họ đều là con nhà nghèo, Ngài cho đó là nghĩa vụ của mình.

Thanked by 2 Members:

#7 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 12:56

7. Thập tử nhất sanh.

Một ngày nọ trong nhóm hơn ba mươi học trò của Ngài, đột nhiên có đến mười mấy người bị chứng bệnh đậu dương mao, một loài bệnh truyền nhiễm khắp làng rất khó trị và có thể làm chết người. Nếu không kịp cứu chữa, thì trong vòng ba ngày người bệnh sẽ chết. Nếu chữa kịp thì bệnh sẽ thuyên giảm. Bệnh đậu này một khi phát khởi thì sanh chứng nhức đầu dữ dội, rất may là Ngài biết cách điều trị.

Ngài dùng đầu một cây quẹt lửa nhấn vào chỗ nổi phù ở trước ngực của bệnh nhân, nếu chỗ bị nhấn đó hỏm vô mà không phù ra liền, thì chắc chắn là bệnh đậu dương mao, kế đến Ngài dùng cây nhọn giống như cây kim, chích thẳng vào chỗ sưng rồi cạy miếng thịt sưng đó lên rồi dùng dao xén đi. Lúc nhìn kỹ vào miếng da bị cắt thì thấy có nhiều sợi lông giống như lông dê. Phải trải qua sự chữa trị như vậy thì bệnh mới khỏi được.

Có một học trò mà Ngài rất thương mến, vì cậu này không những biết giữ quy củ mà còn học xuất sắc và Ngài tuyển cậu làm trưởng lớp. Không may cậu cũng mắc phải bệnh đậu này. Có câu nói rằng: “Quan tâm tất loạn (lo thì loạn)” Ngài thật quan tâm về bệnh tình của cậu học trò này nên rất lo âu. Thế nên sau buổi chiều tan học đó, chính Ngài cũng bị lây bệnh này.

Người khác bị bệnh Ngài còn có thể trị liệu cho, nhưng bây giờ bản thân Ngài bệnh thì làm sao đây? Cắt miếng thịt sưng ở trước thân thì không nói chi, nhưng nếu chỗ sưng phía sau lưng thì làm thế nào? Bấy giờ đầu Ngài đau tựa hồ muốn vở ra, Ngài nghĩ thầm: “Con đã hiến trọn cuộc đời cho Phật Pháp, nếu như Chư Phật thấy con chẳng còn giúp ích được gì, con sẽ hoan hỉ từ giả cõi đời này, nhưng nếu chúng sanh còn cần đến con, thì con tin tưởng rằng con sẽ lành bệnh mà không cần chữa trị gì cả.”

Nghĩ vậy xong, Ngài ngủ thiếp lúc nào không hay, chỉ một lát thì giật mình thức dậy và cảm như bị nghẹt cứng trong cổ họng. Ngài cảm thấy đầu Ngài biến lớn ra, không thở được vì trong cổ họng như có vật gì chận ngang. Ngài dùng sức khạc mạnh, sau những cơn ho, Ngài nhổ ra cả đàm lẫn nhiều chùm lông và từ đó Ngài được lành bệnh. Trong đời Ngài, đây là một trong những lần thoát chết mà Ngài đã kinh nghiệm qua. Từ đó Ngài nổ lực trong trách nhiệm truyền bá giáo pháp là sứ giả của đức Như Lai.

Đốn và Tiệm

Sau khi quy y với Lão Hòa Thượng Thường Trí, Ngài rất tinh cần tu tập thiền định, bất cứ kinh Phật nào Ngài cũng xem như là trân bảo, siêu vấn từng chữ từng câu, ngày ngày tụng đọc, nghiền ngẫm và học thuộc.

Khi lên mười sáu, sau khi đi học được một năm, Ngài đã bắt đầu giảng Kinh Phật. Ngài đã giảng kinh Pháp Bảo Đàn, kinh Kim Cang cùng các kinh điển khác cho những vị Tu sĩ ở ngôi Chùa làng không biết đọc, viết và không có trường nào để học cả.

Trong lúc nghiên cứu kinh Pháp Bảo Đàn Ngài càng cảm thấy hoan hỉ tuyệt vời. Chúng ta hãy đọc lời các môn đồ của Lục Tổ trong kinh Pháp Bảo Đàn như sau:

- Chúng ta là thiền phái chính thống, Trường phái Nam truyền Đốn ngộ. Thầy của chúng ta, Đại sư Huệ Năng là thừa kế chân truyền của giáo pháp.

Ở miền Bắc các đệ tử của Ngài Thần Tú thì xiển dương Tiệm giáo và tuyên bố rằng,

- Toàn bộ tâm pháp của Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn đã được trao truyền cho Thầy chúng ta là Ngài Thần Tú.

Vì thế hai trường phái trên tranh luận không thôi với nhau.

Khi Hòa Thượng Tuyên Hóa đọc những lời này Ngài nghĩ rằng: Làm sao có thể có Đốn và Tiệm được? Đốn và Tiệm có phải là hai không? Đốn và Tiệm có khác nhau không?

Cũng để diễn đạt tư tưởng của Ngài đối với đệ tử của hai Ngài Lục Tổ và Ngài Thần Tú, Ngài bèn làm bài kệ sau đây:

Đốn Tiệm tuy khác,
Thành công tại một.
Sao phân Nam Bắc,
Thánh Phàm tạm khác,
Căn tánh vẫn đồng.

ĐỐN có nghĩa là thành Phật tức khắc, còn Tiệm có nghĩa là thành đạo từ từ; Tuy nhiên khi một người đã thành Phật thì không còn có Đốn có Tiệm nữa; Tại sao cần phải phân biệt Bắc Tông của Ngài Thần Tú và Nam Tông của Lục Tổ?

Vì lẽ một người đã hành trì Phật pháp một cách tinh tấn trong quá khứ cho nên người ấy được giác ngộ tức thời và đạt Phật quả. “Thánh” chỉ cho đức Phật, còn “Phàm” là nói về chúng sanh; Hai ý kiến dường như khác nhau, nhưng bản chất của mỗi chúng sanh không khác. Đức Phật là một chúng sanh đã đạt được đạo quả, và chúng sanh là các đức Phật chưa thành Chánh giác. Đức Thích Ca Mâu Ni đã thành đạo dưới cội cây Bồ đề và Ngài tuyên bố rằng:

- Kỳ diệu thay! Thật kỳ diệu; tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, chỉ vì vọng tưởng và tham ái mà họ chưa chứng Bồ Đề.

Cho nên Ngài đã nói rằng:

- Đừng bảo rằng đức Phật A Di Đà ở bên Tây phương, còn ở Đông phương chỉ là chúng sanh, chớ nên phân biệt như vậy, bản chất giống nhau và nếu quý vị thật sự hiểu được Phật pháp, thì chẳng có gì khác nhau cả. Nếu quý vị tiếp tục tranh luận thì quý vị còn chấp trước và sẽ không hiểu được Phật pháp; Quý vị cũng đừng tuyên dương Sư phụ của quý vị, như là:

"Thầy tôi từ bên Tàu qua, mang theo Pháp Tạng chính thống, tức là Phật pháp chân truyền". Thay vào đó, hãy nói với người rằng: "Điều gì Thầy của chúng tôi nói đều là hư huyễn". Giáo pháp không thể được diễn tả bằng ngôn từ, lời nói, và trên bản chất không có chánh có tà, chẳng có đúng có sai. Đừng bàn chuyện thị phi về người. Đừng hành động giống như các đệ tử của Lục Tổ và Ngài Thần Tú.”

Thanked by 2 Members:

#8 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 13:00

8. Tất cả đều là thử thách.

Một hôm Ngài tình cờ phát hiện ra kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, đọc qua một lần Ngài cảm kích vô cùng, biết rằng Đức Địa Tạng thật đại từ bi quan tâm đến chúng sanh như thế mà chúng sanh lại không biết. Vì thế Ngài phát nguyện mỗi ngày quỳ trước chánh điện tụng kinh Địa Tạng.

Nền chánh điện làm bằng xi măng thô lại không có nệm quỳ, Ngài thì mặc quần vải mỏng mà quỳ trên nền cứng đó tụng kinh Địa Tạng mỗi lần tụng hai giờ, càng tụng càng hỷ lạc đến nỗi đầu gối bị sướt trầy rướm máu mà Ngài vẫn không hay, mỗi ngày Ngài cứ y giờ quỳ trước chánh điện thành tâm tụng kinh Địa Tạng.

Lần nọ, có một cư sĩ mang phẩm vật đến Chùa cúng dường, thấy Ngài quỳ tụng kinh như thế hết lòng khâm phục và tán thán Ngài với các người khác là:

- Thầy đó dụng công như vậy, như vậy... thật là tinh tấn quá mức.

Sau khi cư sĩ kia rời khỏi, mấy huynh đệ ở Chùa cùng lại mắng Ngài:

- Thầy muốn biểu diễn cố ý cho cư sĩ thấy mình là người chân tu, nhưng chẳng qua là phan duyên đó thôi!

Ngài không một lời biện giải, nhưng rõ biết tâm mình là chỉ muốn tụng kinh thôi.

Từ đó về sau nhiều việc ồn náo, vô lý xảy ra; Trước khi Ngài tụng kinh có những người khác đến la rầy:

- Ồ! chỉ giả bộ tu hành đó mà.

Đến lúc tụng kinh xong họ lại diễu báng:

- Ông Thầy giả bộ tu hành, tụng kinh xong rồi kìa.

Ngày ngày đều bị dèm pha nhưng Ngài vẫn nhẫn nại không nói một lời. Trải qua hơn một trăm ngày tụng kinh, ma chướng thật đến. Ngày nọ vừa tụng kinh xong, có một vị đại sư huynh, không nói một lời đến tát vào mặt Ngài một cái, Ngài thắc mắc không biết vì sao, nhưng vẫn không dám hỏi. Xong ông sư huynh quát lên rằng,

- Thầy là ai? Sao lười như thế trốn lánh công tác và an nhàn ở đây, người ta làm việc còn Thầy làm bộ tụng kinh, phô trương cho người ta xem hả? Trong chùa này Thầy làm gì có chỗ để tu? Thầy có công đức gì để tu hành ở đây?

Từ đó Ngài ngừng việc tụng kinh. Tu đạo thật không dễ dàng và luôn gặp chướng ngại, người dụng công tu hành có chút điểm thành tựu thì ma sẽ đến khảo nghiệm định lực của họ; Lúc bắt đầu tu đạo Ngài đã tu trong nghịch cảnh nhưng Ngài chưa từng thối tâm, luôn tinh tấn tu trì trước sau như một.

Thanked by 2 Members:

#9 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 13:03

9. Định lực thắng ma.

Đến năm mười tám tuổi công phu tu tập thiền định của Ngài đã được thuần thục. Khi lên mười chín, đêm 29 tháng chạp, Ngài mơ thấy mình đi vào một túp lều tranh, góc phía Nam có một Ông lão và hai Bà lão, phía Bắc có một Thiếu phụ trẻ, nhan sắc cực kỳ diễm lệ, ăn mặc diêm dúa, bồng con nhỏ khoảng một tuổi ngồi trên giường. Bên góc phía Đông có một cây đèn dầu trơ trọi để trên cái rương gỗ; rồi thấy nàng ta lấy tay dập tắt ngọn đèn, và cố ý nói:

- Đêm nay hắn lại không về nhà!

Khi đèn đã tắt, nàng ta nhẹ bước nhanh tới và dang hai tay ôm chầm lấy Ngài; biết thiếu phụ có tà ý nên Ngài quát to:

- Ngươi làm gì thế?

Ngài nói liền mấy lần như vậy. Không nghe tiếng trả lời, Ngài biết rõ đó chính là yêu ma quỷ quái, nếu không thì tại sao không biết hổ thẹn, Ngài bèn niệm lớn:

- Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, xin Ngài mau đến cứu con!

Nhờ sức hộ trì của Đức Bồ Tát, vừa niệm xong Ngài giật mình tỉnh dậy, biết mình vừa trải qua cơn ác mộng. Cũng lạ là phần thân thể mà Ngài bị con ma ôm trúng bị đau nhức khoảng một tuần lễ mới hết. Người nghe chuyện đều kinh dị vì không biết đây là thật hay ảo.

Sau biến cố này; Ngài dạy các môn đệ như sau:

Tất cả đều là những cuộc trắc nghiệm
Để đo lường phản ứng của ta
Nếu không tỉnh giấc để sa vào cám dỗ
Thì mất hết công đức tu hành.


Thanked by 2 Members:

#10 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 13:06

10. Vui làm việc thiện.

Lúc còn đi học Ngài cũng tham gia vào các Hội đoàn Phật giáo, Từ thiện, Đạo đức... Sau khi ngưng học Ngài dốc hết tinh thần vào việc thiện, không những đã sáng lập trường học miễn phí, cử ban diển giảng mà còn tế bần cứu khốn nữa.

Năm mười sáu tuổi Ngài tham gia Hội Đạo Đức và chỉ một năm sau Ngài đã giảng pháp cho sáu, bảy mươi người đa số là người trung niên.

Khi thuyết giảng Ngài luôn dùng phương cách đơn giản, dễ hiểu. Một ví dụ là việc ăn vỏ khoai, mọi khi các Hội viên dùng bữa trưa tại Hội và không bao giờ họ chịu ăn khoai cả vỏ. Trước đó, Ngài đã giảng về việc ăn những gì người khác ăn không được và làm những gì người khác làm không được, và quan trọng nhất là thực hành điều này một cách chân thật. Những lời dạy của Ngài đã không rót được vào tai của các Hội viên vì họ đã không chú ý nghe.

Vào một hôm nọ, có một số Hội viên dùng bữa trưa với khoai, như thường lệ họ nhổ vỏ khoai cùng khắp sàn nhà. Ngài bèn lấy một cái bát đi vòng quanh nhặt tất cả vỏ khoai, rồi ngồi xuống ăn các vỏ ấy. Hội viên thấy vậy rất đỗi ngỡ ngàng vì chính Thầy mình đã ăn lại vở khoai do mình đã nhai và nhổ ra. Đến lúc đó, họ mới thấm sâu bài học của Thầy về việc ăn những gì người khác không ăn được; Từ đó các Hội viên ăn năn hối lỗi và thay đổi tánh nết.

Mọi người trong làng và các bạn trong Hội đều rất kính ngưỡng lòng hiếu hạnh của Ngài nên đã cử Ngài làm Hội trưởng, lãnh đạo Hội Thiện Nguyện bài trừ hút sách, rượu chè. Lúc đó một người bạn Ngài họ Thiệu, từng làm Phó Hội Trưởng, ông vốn khuyên người cai thuốc, bỏ rượu, không hiểu vì sao chính ông lại phạm giới uống rượu, mọi người trong Hội đều khuyên giải nhưng ông không nghe. Khi Ngài biết được việc này, Ngài nói rằng:

- Tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông ta bỏ rượu nhưng nếu tôi thất bại tôi sẽ tự sát và sẽ không bao giờ trở lại thế giới ô trược này nữa.

Vì Ngài nhiệt tâm, đối xử chí thành khẩn thiết như vậy nên đã cảm hóa ông Thiệu, khi ông biết rằng một người bạn vì mình mà dám hy sinh cả tánh mạng nên lập tức ngưng uống rượu và hối lỗi. Sau đó ông được phục hồi chức vụ như xưa.

Vì duy chỉ có Đức mới mong cảm hóa được người khác giữ gìn Đạo lý, mà chính Ngài là người nghiêm trì trước tiên và Ngài tiếp tục ra công làm việc không hề biết mỏi mệt để cất trường học, phòng hội miễn phí cho việc thuyết giảng về các sự tai hại của rượu, thuốc lá, thuốc phiện.

Thanked by 2 Members:

#11 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 13:08

11. Không nhiễm nữ sắc.

Câu chuyện dưới đây xảy ra lúc Ngài đang nhậm chức Hội Trưởng Hội Đạo Đức Huyện Song Thành, Thị Trấn Lạp Lâm. Một hôm Ngài ngồi dưới gốc cây đọc bài ký thuật, đến đoạn Trương Giám Lý trọng đức viễn sắc, Ngài cảm kích vô cùng bèn ngưỡng lên trời phát nguyện: Xin Trời cao chứng tri, từ đây về sau, con nguyện theo gương sáng của Ngài Trương Nhã Hiên.

Thông thường khi có người phát tâm tu hành tinh tấn thì họ thường gặp nhiều thử thách. Ngay đêm hôm đó có một người đàn bà nhan sắc mỹ miều, lẻn vô văn phòng Ngài rồi dùng sắc đẹp, tiền tài để cám dỗ Ngài, Ngài giữ chánh niệm và nghĩ rằng: Có lẽ người nữ này do Trời cao giả dạng để thử thách lòng thành của ta nên Ngài chí tâm niệm Phật. Nàng kia vẫn cố tình quyến rũ, Ngài nghiêm sắc mặt hỏi cô ta:

- Là một Hội viên của Hội Đạo Đức, ngươi hẳn biết luật nhân quả, vậy giờ ngươi muốn đi lên hay muốn xuống địa ngục?

- Lẽ tất nhiên tôi muốn đi lên.

- Thì ngươi không được hành động như vậy nữa, nếu không thì ngươi chắc chắn sẽ bị đọa địa ngục thôi.

Thấy Ngài chánh khí lẫm liệt người nữ kia hổ thẹn và âm thầm bỏ đi.

Thanked by 2 Members:

#12 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/09/2012 - 13:10

12. Oai đức phục tà.

Khi Ngài làm việc trong Hội Đạo Đức biến cố sau đây xảy ra: Một hôm, có một hội viên tên Thái Thục Khôn bỗng nhiên trở nên điên loạn, tựa hồ như bị ma quỷ nhập, y nói toàn những lời xằng bậy tự xưng,

- Ta là Hoàng Đại Thiên vì các ngươi không kính phục ta nên ta đến để răn dạy các ngươi đây...

Khi ấy Ông Cảnh Tú Bân, Trưởng ban giảng huấn của Hội Đạo Đức bước lên giảng giải lời hơn lẽ thiệt nhưng Thái Thục Khôn vừa chửi mắng vừa làm náo loạn không nghe lời khuyên, Ông Trưởng ban Tư Pháp và ngay cả Ông Hội Trưởng bước ra khuyên giải nhưng đều bị nhục mạ không phục. Ngài bèn bước tới và tuyên bố rằng:

- Hội Đạo Đức là đoàn thể noi theo luân thường đạo lý của Đất Trời, ngươi đến phá rối hội này tức là nghịch Thiên lý; Vì lẽ đó ta nay phải “thế thiên hành đạo” để trừng phạt ngươi, tuyệt đối ngươi không thể thoát được.

Nghe xong Thái Thục Khôn sắc mặt run sợ, nói:

- Thôi...thôi...., tôi...đi đây.

Lúc đó người bị quỷ ám muốn đi mà không cất chân lên được, nên y càng kinh hãi liền quỳ xuống trước mặt Ngài dập đầu cầu thỉnh:

- Xin Ngài từ bi thứ tội cho, từ nay về sau tôi sẽ không bao giờ dám nhiễu loạn Hội này nữa.

Thấy y đã hối cải. Ngài bảo:

- Ngươi tự biết ăn năn, nay ta tha cho ngươi có thể đi, nếu còn tái phạm thì ta sẽ không dung thứ đâu.

Khi hồn ma vái lạy rồi bỏ đi, thì Thái Thục Khôn cũng chợt tỉnh lại. Từ đó không còn chuyện như thế phát sanh nữa.

Thanked by 2 Members:

#13 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 26/09/2012 - 06:47

13. Cư tang bên mộ từ mẫu.

Năm mười chín tuổi, Thân Mẫu Ngài lâm bệnh không cử động được, Ngài săn sóc mẹ giặt áo quần, đút thức ăn và chu toàn mọi sự với lòng chí hiếu. Gần Thị trấn Hợp Nhĩ Tân, Bối Âm Hà, có một con hồ ly tinh rất nhiều quyền pháp mà người ta gọi là Hồ Tiên; nó có thể biến hóa thành nhiều hình tướng khác nhau. Khi người Nhật xâm chiếm Mãn Châu, vị Hồ Tiên này kháng cự lại người Nhật, quân đội Nhật đã bí mật cất một lò nấu dầu sôi bằng điện, và họ đã chở những người mà họ muốn bỏ vào vạc dầu đến đó, cách thức thủ tiêu này rất hiệu nghiệm vì không để lại dấu vết gì.

Hồ Tiên bèn biến thành một người già và đi vào khu này. Người Nhật bắn vào ông, nhưng ông không hề hấn gì và ông còn làm nổ tung vạc dầu; nhiều quân Nhật đã bị chết trong vụ này và số còn lại phải rút đi nơi khác vì cho là bị ma ám.

Người ta cũng biết rằng Hồ Tiên có thể chữa nhiều bệnh, ai muốn cầu được trị, chỉ cần đến chỗ ông ta đặt một cái bát và phủ lên một miếng vải đỏ rồi nói lên lời khẩn cầu. Nghe vậy Ngài đến chỗ ông Hồ Tiên để xin chữa bệnh cho mẹ và đặt cái bát, quỳ xuống xin được giúp đỡ và chờ đợi, Ngài đã quỳ liên tiếp trong ba ngày ba đêm không động đậy, không đứng dậy cũng không ăn uống gì cả, nhưng chẳng có việc gì xảy ra. Cuối cùng đến ngày thứ ba Ngài bỏ ra về và chẳng bao lâu mẹ Ngài tạ thế.

Khi ấy là hạ tuần tháng ba âm lịch, những cơn gió ấm mùa xuân làm tuyết tan nên đuờng xá lầy lội khó đi; Vì lẽ mộ phần xa đến hơn mười dặm, trước ngày di chuyển quan tài gia quyến cùng thân hữu rất lo lắng không biết làm sao để khiêng quan tài đến nơi. Đêm đó trước hôm tang lễ, Ngài thầm lặng cầu xin Long Thiên rằng:

- Xin cho tuyết rơi hay khiến nước đông lại.

Đến canh năm, khí hậu đột nhiên chuyển biến, lại thêm gió Bắc thổi đến nhiệt độ hạ xuống và tuyết liền rơi. Ngày thứ hai đất phủ tuyết trắng xoá, đường lộ bùn lầy hôm trước nay được tuyết phủ trở nên khô ráo. Dân làng thấy thế đều biết là do lòng hiếu hạnh của Ngài mà cảm động trời đất; khoảng bốn mươi người đã tham dự tang lễ. Lễ an táng xong, mọi người đều trở về nhà; duy Ngài vẫn ở lại bên mộ phần của mẹ tọa thiền, kiên trì thủ hiếu.

Sau khi mọi người đã đi, khó khăn bắt đầu; Ngài ngồi được một ngày thì hôm sau có một bầy chó sói tới, trông chúng thật là khủng khiếp, và người ta nói rằng chúng đã ăn thịt người; Ngài tự bảo rằng:

- Ta hãy coi chúng như không có. Nếu chúng là cọp dữ ta cũng không sợ nữa vì ta đang hành trì hiếu đạo để trả hiếu cho mẹ, và nếu ta bị những con chó dữ này ăn thịt, thì âu cũng là một sự hy sinh tôn quý.

Những con chó sói khi tiến tới gần, chúng nép mình sát đất gầm gừ một cách hung dữ. Từ khoảng ba mươi bộ chúng bò tới cho đến khi chỉ còn cách Ngài khoảng mười bộ. Rồi bỗng nhiên cả bầy quay đầu lại và bỏ đi, nếu Ngài chạy có lẽ Ngài đã bị những con chó sói ăn thịt, nhưng vì Ngài ngồi bất động nên chúng tưởng rằng, Người này không làm phiền chúng ta, cho nên chúng ta cũng không làm phiền ông ấy.

Nhiều người dân vùng này thường bị những con chó sói rượt đuổi, nhưng chúng không bao giờ làm phiền những người đến thăm Ngài.

Xuất gia không được bao lâu thì Ngài đến thăm một người bà con, người này rất tin Hồ Tiên và đã mời Hồ Tiên đến nhà để cúng dường; khi Hồ Tiên đến và thấy Ngài, y liền quỳ xuống và xin Ngài nhận làm đệ tử. Ngài hỏi:

- Ông là ai?

- Tôi là Hồ Tiên ở Bối Âm Hồ.

- Thật sao? Tôi đã quỳ ba ngày liên tiếp để xin ông cho thuốc mà ông không cho và bây giờ lại muốn tôn tôi làm Thầy. Có lý nào?

- Dạ không phải vậy! Không phải là tôi không muốn cho Ngài thuốc. Tôi đã muốn đưa thuốc để được thân cận Ngài, nhưng mỗi lần tôi đến gần, tôi không mở mắt ra được; Lúc bấy giờ tôi đã muốn quy y Ngài, nhưng tôi không thể nào đến gần Ngài được.

Nghe lời này của Hồ Tiên, quý vị có thể lấy làm lạ tại sao cứ mỗi lần muốn đưa thuốc cho Ngài, Hồ Tiên không mở mắt ra được, nhưng nếu quý vị không hiểu, thì cũng chẳng có cách gì giải thích cho quý vị được; khi vẽ một hình người, người ta vẽ những đường nét vòng ngoài chớ không vẽ ruột gan. Để có thể biết Hồ Tiên đã thấy gì, quý vị cần phải tu hành chuyên cần nghiêm túc, và quý vị sẽ tự thấy câu trả lời.

Ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, Ngài đến Tam Duyên Tự gần ga xe lửa Thôn Bình Phòng ở phía Nam Thành phố Hợp Nhĩ Tân, chánh thức xuất gia thọ mười giới Sa Di do Hòa Thượng, thượng Thường hạ Trí truyền giới rồi Ngài trở lại mộ phần của mẹ, một vị cư sĩ dùng rơm tranh cất một cái lều dài tám bộ rộng năm bộ chỉ vừa đủ cho một người ở, căn lều có thể ngăn gió che mưa, nhưng thật ra trong lều và ngoài lều không khác; chỉ mặc một chiếc áo rách Ngài nhận chịu cái lạnh ghê gớm của mùa đông và cái nóng kinh người của mùa hè Mãn Châu. Ngài hành trì hiếu đạo theo tục cổ truyền bằng cách canh chừng phần mộ của mẹ trong ba năm, Ngài chỉ ăn một bữa ngọ mỗi ngày và không bao giờ nằm xuống để ngủ.

Ngài đã đọc nhiều Kinh sách bên mộ phần của mẹ. Trước hết Ngài đọc kinh Pháp Hoa và hết sức vui mừng. Ngài kể:

- Tôi đã tụng Pháp Hoa trong khi quỳ liên tiếp bảy ngày bảy đêm quên ăn quên ngủ đến nỗi máu ứa ra từ mắt tôi; kế đến tôi đọc Kinh Lăng Nghiêm, tâm bừng ngộ thật khó diễn tả.

Ngài đã nói:

- Tu hành đơn giản chỉ là chịu đựng cái gì không chịu đựng nổi tôi phải quyết tâm, cái gì người khác làm không được, tôi làm, cái gì người khác chịu khổ không được, tôi chịu, cái gì người khác ăn không được, tôi ăn. Thanh tịnh tâm ý cho đến mức không có một niệm khởi lên vì ham muốn một miếng ăn hay một giọt nước. Quý vị bảo rằng tôi không làm được? Vậy hãy làm cái gì mà quý vị cho rằng không làm được! Đó là hành trì, và đó là điều duy nhất đáng kể.



Thanked by 2 Members:

#14 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 26/09/2012 - 07:06

Buông đao kiếm thành Hiếu tử.

Tại Mãn Châu, Ngài có một người bạn đạo tên Vưu Trí Huệ, lúc trước chuyên hành nghề trộm cắp nhưng nay đã cải tà quy chánh và thủ hiếu cạnh mộ phần cha mẹ ông. Nhờ công phu tu hành nên ông phát được chút trí huệ; Cho nên một vị sư đã đặt cho ông biệt danh là Hiền giả Vưu. Hoàn cảnh nào đã chuyển hóa ông ta từ một tên trộm để trở thành một người hiền lương?

Một lần nọ khi ông đang hành nghề trộm, bị người ta phát giác và bắn trúng tay ông; Theo thường lệ vết thương này có thể lành trong khoảng một tháng, nhưng đã trải qua cả năm mà chỗ bị thương vẩn chưa lành, do đó ông đã ăn năn hối cải tội lỗi của mình. Ông tự than: Ôi chao mình đi ăn trộm và bị người ta bắn, may mà chưa chết! nhưng không hiểu tại sao vết thương đã lâu không chịu lành thế này?

Nghĩ xong ông bèn phát lời nguyện rằng: “Nếu vết thương này được lành trong khoảng một tuần lễ thì tôi sẽ không bao giờ đi ăn trộm nữa và tôi sẽ ra ngồi tại mộ phần cha mẹ tôi để trả hiếu.”

Lạ thay chưa hết một tuần thì vết thương của ông tự nhiên lành hẳn, cho nên từ đó ông đã từ bỏ mọi chuyện để ra mộ song thân thủ hiếu.

Ngài nói: Bổn phận làm con nên hành hiếu đạo để tưởng nhớ công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Một người còn sống lại ra ngồi bên ngôi mộ thì phỏng có ích chi? Chuyện này rất có ý nghĩa và chẳng có ích lợi gì chỉ trừ khi nào các vị không thể làm được, vì đây là một việc rất khó làm. Theo truyền thống Trung Hoa, người con hiếu thảo thường thủ hiếu bằng cách ra ngồi bên cạnh mộ phần song thân đến ba năm.

Chuyện này đối với những vị bốn, năm chục tuổi thì tương đối dễ hơn vì họ đã chững chạc và dễ điều phục tâm hơn; nhưng nếu đối với những thanh niên còn trẻ thì quả thật là thiên nan vạn nan. Vì lúc đó hành giả sẽ chẳng có một ai để chuyện trò lại không có một người bên cạnh đặng nhờ đở và phải tự đương đầu với bao nhiêu là khó khăn trắc trở.

Lúc bấy giờ Vưu Hiếu Tử chỉ mới hai mươi mốt tuổi. Thầy ông là người đức độ đã dạy ông ta tu pháp thiền quán và ông Vưu cũng đã dụng công tu hành thật nghiêm mật. Có một hôm đang lúc hành thiền có một con quỷ hiện thân dưới dạng một con rồng hung tợn với cặp mắt như nẩy lửa; Nó quấn chung quanh ông Vưu ba vòng rồi từ từ xiết chặt nhưng sau đó Thầy ông đã điều phục nó và còn nhận làm đồ đệ. Từ đó trở đi Rồng này trở thành vị Hộ pháp đắc lực cho ông Vưu.

Vưu Hiếu Tử hành trì được khoảng hai năm rưỡi, thì gặp lúc trời mưa liên miên, một hôm mưa tầm tả cuốn trôi tất cả hoa màu mới trồng. Ông Vưu bèn phát một lời nguyện: Nếu trời ngưng mưa trong ba ngày tôi nguyện sẽ cắt thịt mình để cúng tế cho Trời.

Lúc bấy giờ ông chưa biết Phật pháp nên ông mới phát nguyện cúng dường cho Trời. Chưa đến ba ngày sau thì trời ngưng mưa và Vưu Hiếu Tử liền cắt một mảnh thịt trên thân. Lần đầu cắt không đứt nhưng ông vẫn cứ cố, cố nữa và sau cùng ông đã cắt được khoảng nửa ký lô thịt mình; khiến ông qụy ngã bất tỉnh trên vũng máu đỏ thắm cả một vùng đất rộng. Khi người mang cơm đến, thấy cảnh tượng trên, vụt chạy báo nhà chức trách.

Chính quyền địa phương liền phái một nhân viên đến điều tra, xong việc vị nhân viên này tham gia vào buổi cúng tế này. Sau vụ này rất nhiều người được cảm hóa qua hành động của Vưu Hiếu Tử và họ đã ca ngợi rằng ông như một vị đại Bồ Tát; và người ta đã lũ lượt kéo nhau đến viếng thăm ông. Có một chú chim nhỏ cũng trở thành bạn tốt của ông, con chim này biết nói tiếng người và còn hót rằng: Hãy làm điều lành; Hãy làm điều lành! Càng làm nhiều điều lành càng tốt.

Chim nhỏ thường đậu trên đầu, trên tay, trên vai ông một cách thân thích; Tuy nhiên khi có khách đến viếng nó liền bay đi nơi khác và chỉ trở về lúc khách viếng đã rời khỏi.

Ba tuần lễ sau khi vết thương của ông Vưu lành hẳn thì cũng là lúc chim bay đi luôn không trở lại nữa.

Khi Vưu Hiếu Tử đã mãn ba năm thủ hiếu, Hội Đạo Đức mời thuyết giảng cho Hội. Nhờ biện tài sẵn có, ông đã dạy cho nhiều người về lễ nghi, phép tắc cùng đạo đức và lòng nhân từ.

Lúc bấy giờ người Trung Hoa đã không còn lệ để râu tóc dài nhưng ông vẫn giữ lệ thường nên đã không bao giờ cạo râu tóc. Ông đã để râu tóc mọc dài đúng theo Hiếu Đạo dạy trong Cổ Thư: Thân ta, da ta, râu tóc ta là do cha mẹ sinh ra; không làm gì tổn hại cho thân thể mình thì đó mới chính là đúng với lẽ Đạo.

Thật vậy bảo trọng lấy thân mình là sự bắt đầu của Đạo Hiếu. Ngoài ra lời nói của ông luôn luôn hợp với đạo lý; Hiếu Tử Vưu cũng ăn chay trường và luôn niệm Phật.

Chắc các vị có thể lấy làm lạ là tại sao ông Vưu là một người luôn bảo vệ râu tóc mình mà dám cắt đi một miếng thịt nơi thân? Như vậy có được coi là có hiếu không? Nếu dưới suối vàng cha mẹ ông thấy điều này, họ có thể khóc thét lên không?

Nguyên vì Vưu Hiếu Tử muốn dâng cúng da thịt mình để xin Trời cao cảm ứng với lời khẩn cầu vì phúc lợi cho tất cả dân làng; mưa đã ngưng ngay sau lời phát nguyện của ông; một lời nguyện phát ra với dụng tâm cứu vớt tất cả mọi người. Vì lòng nhân từ và dũng cảm này, ông đã hy sinh cái mà người khác không dám hy sinh cho nên đã được cảm ứng.

Khi thuyết giảng tại hội Đạo Đức, Vưu Hiếu Tử đã nghe danh đồn về Ngài, như vì chúng ta đã biết Ngài cũng đã từng hành trì hiếu đạo và cũng được gọi là Bạch Hiếu Tử; tuy nhiên một chút ngã mạn đã khởi lên trong tâm người trẻ tuổi này: Ta mới có hai mươi mốt tuổi mà đã biết thủ hiếu; khi biết ra còn có người thủ hiếu lúc chỉ mới mười chín tuổi, mình chưa phải là người đầu phá kỷ lục nên nhất quyết phải gặp cho được Ngài. Đồng thời lúc ấy Ngài cũng muốn gặp người hiếu tử họ Vưu. Một ngày nọ, Ngài đến thăm Hội Đạo Đức và nhận ra ông Vưu ngay qua dáng vóc râu tóc của ông; trong khi đó Ngài đã là một tu sĩ với đầu tròn áo vuông. Ngài hỏi:

- Ông chắc là Vưu thiện nhân đây rồi!

- Còn ông là ai?

- Tôi không biết tôi, nhưng tôi biết ông; nhưng thật ra, tôi không biết tôi là ai. Có lẽ ông biết ông là ai, nhưng tôi không biết tôi là ai?

Nghe qua Vưu Hiếu Tử rất đổi ngạc nhiên và thốt lên:

- Thật sao?

Lúc bấy giờ có người đến giới thiệu hai người với nhau. Ông Vưu bèn hỏi:

- Ông từ đâu đến?

- Tôi đến từ chỗ tôi đã đến.

Ông Vưu lấy làm lạ bởi câu trả lời này.

Ngài bèn hỏi ông:

- Còn ông đang đi đâu?

- Tôi chẳng đi đâu cả.

- Thế thì tại sao ông lại hỏi tôi đã từ đâu đến?

Nghe đến đây Vưu Hiếu Tử ra chiều lý thú bèn nắm bắt lấy tay Ngài ví như đôi bạn tri kỷ.

Sau cuộc gặp gỡ và đối thoại thú vị này hai vị Hiếu Tử đã trở thành đề tài hứng thú cho mọi người bàn luận, truyền tụng khắp nơi.

Ngài đã nói rằng:

- Chẳng có nơi nào để đến mà cũng chẳng có nơi nào để đi. Không đến cũng không đi nhưng vẫn đến và đi; đến từ nơi đến và đi từ nơi đi. Kinh Kim Cang dạy: “Vì không đến từ đâu cả và cũng không có nơi nào để đi. Nên gọi là Như Lai;” Như Lai là một trong mười danh hiệu của Phật.

Như Lai giả

Vô sở tùng lai

Diệc vô sở khứ

Cố danh Như Lai.

Khi hai Hiếu Tử diện kiến lần đầu, cả Vưu Hiếu Tử lẫn Bạch Hiếu Tử đều không nói một lời. Nhưng Vưu Hiếu Tử vì hiếu kỳ nên đã hỏi Ngài từ đâu đến. Sư Phụ kể lại rằng:

“Vừa mở miệng hỏi, Vưu Hiếu Tử liền biết rằng mình đã lầm. Tại sao?

Mở miệng ra là các vị đã lầm

Khởi lên một niệm là các vị đã sai

Bất luận điều gì có thể nói được bằng lời

Đều không phải là chân lý.

Điều nói được không phải là liễu pháp; Giáo pháp rốt ráo không nói được bằng lời mà cũng không được truyền. Cần phải thấy như vậy.”

Thanked by 2 Members:

#15 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 26/09/2012 - 07:08

14. Mười tám Đại Nguyện.

1. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Bồ Tát ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp pháp giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh giác.

2. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Duyên Giác ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp pháp giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh giác.

3. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Thanh Văn ở Mười phương Ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp pháp giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh giác.

4. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Trời, người ở trong Tam giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh giác.

5. Nguyện rằng nếu có một người ở trong mười phương thế giới chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh giác.

6. Nguyện rằng nếu có một vị trời, người, A-tu-la chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh giác.

7. Nguyện rằng trong thế giới loài súc sinh, nếu còn một loài nào chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh giác.

8. Nguyện rằng trong thế giới loài ngạ quỷ, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh giác.

9. Nguyện rằng trong thế giới loài địa ngục, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh giác.

10. Nguyện rằng trong tam giới, nếu những kẻ từng Quy y với tôi, hoặc là Trời, Người, A tu la, các loài bay, lặn, động vật, thực vật, linh giới, rồng súc sinh, quỷ thần mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh giác.

11. Nguyện rằng tất cả những phước lạc mà tôi được hưởng thấy, đều hồi hướng phổ thí cho tất cả chúng sanh trong Pháp giới.

12. Nguyện rằng một mình tôi nhận chịu hết tất cả khổ nạn của chúng sinh trong pháp giới.

13. Nguyện rằng tôi sẽ phân linh vô số, phổ nhập tâm chúng sinh nào không tin Phật Pháp, làm cho họ bỏ ác, hướng thiện, sám hối, sửa mình, Quy y Tam Bảo, rồi cuối cùng thành Phật.

14. Nguyện rằng tất cả chúng sinh nào, khi thấy mặt tôi, cho đến chỉ nghe tên tôi, đều phát tâm Bồ đề, mau đắc thành Phật đạo.

15. Nguyện rằng luôn tôn kính điều Phật dạy, và thực hành mỗi ngày ăn một bữa.

16. Nguyện giác ngộ loài hữu tình, phổ nhiếp thọ các loài có căn cơ.

17. Nguyện trong đời này tôi sẽ đắc ngũ nhãn, lục thông, phi hành tự tại.

18. Nguyện rằng tất cả mọi cầu nguyện đều được thành tựu viên mãn.

Thanked by 1 Member:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |