Jump to content

Advertisements




Truyện ngắn huyền bí - hiendde


1072 replies to this topic

#1066 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/03/2015 - 16:49

Bẵng đi thời gian, chừng vài tháng, quay lại xã Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định, cách xã Tây An hai chục cây số, sư thầy Vạn Toàn mang khuôn mặt rầu rĩ kể với sư thầy Hồng Phương:

- Hòn đá ấy gây nhiều tai họa quá thầy ạ. Tui cũng muốn hóa giải nó, nhưng sức tui có hạn, động vào hòn đá vong mạng chứ chẳng chơi. Suy đi tính lại, xét cả vùng này không ai có năng lực mạnh mẽ như thầy, chỉ có thầy mới giúp được chúng sinh trong vùng này thôi.

Nghe sư Vạn Toàn nói giọng khẩn cầu, thượng tọa Hồng Phương mới lắng nghe câu chuyện, tìm hiểu về hòn đá.

Khi đó, hòn đá nằm ở chân gò đất, cạnh con đường của ngôi làng làm gốm lâu đời thuộc xã Nhơn Hậu. Ngôi làng ấy có tháp chăm Cánh Tiên, trông như người con gái đang múa và cũng là nơi có di chỉ thành Hoàng Đế.

Tìm hiểu về hòn đá, qua các cụ già, thượng tọa Thích Hồng Phương biết rằng, hòn đá vốn nằm ở chân một quả đồi thấp, cách làng một đoạn. Hòn đá đã nằm ở chân quả đồi đó hàng trăm năm trước.

Đời nọ đời kia các cụ trong làng truyền lại rằng, ngày xưa, Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn bằng cách giết sạch tướng sĩ, gia quyến nhà Tây Sơn. Chém người nhiều quá mỏi tay, hỏng gươm đao, nên họ nghĩ ra cách giết người nhàn hạ, nhưng vô cùng man rợ, đó là dùng voi dẫm đạp.

Vua Nguyễn sai người lên núi đào về tổng cộng sáu hòn đá lớn, vuông vức, đặt sáu hòn đá ở pháp trường. Chẳng cần thành án, chẳng cần tuyên bố, quân lính cứ dắt “tù binh” đến chỗ hòn đá, trói gô lại, ấn đầu xuống mặt tảng đá, rồi sai voi dẫm bẹp đầu. Chỉ một cú dẫm của con voi nặng vài tấn, thì cái đầu người bằng quả dừa còn gì là hình hài nữa.

Theo lời các cụ, đã có cả ngàn người bị hành hình theo cách đó và mỗi hòn đá thấm máu của cả ngàn người vô tội. Nỗi oan hờn chồng chất ám vào hòn đá, khiến nó ám ảnh cư dân thời bấy giờ trong từng giấc ngủ.

Thời gian trôi đi, thế sự đổi thay, người già chết đi, con trẻ lớn lên, rồi sáu hòn đá đó cũng dần bị quên lãng. Năm hòn đá thất lạc đi đâu, không ai rõ. Cũng có thể chúng chìm dưới lòng đất, hoặc bị đem nung vôi. Chỉ còn hòn đá ở xóm làm gốm thuộc xã Nhơn Hậu là vẫn còn chỏng chơ ở dưới chân quả đồi.

Chỉ còn một số người già biết đến những câu chuyện rùng rợn xung quanh hòn đá thông qua lời kể của cha ông. Thế hệ trẻ nghe chuyện kể về hòn đá thì biết vậy, nửa tin nửa ngờ, chứ cũng chẳng để tâm. Hòn đá nằm chìm trong bụi cỏ rậm rạp, nơi ít người qua lại.

Theo lời kể của sư Vạn Toàn, một ngày, cách nay chừng mười lăm năm, một ông thầy pháp, còn gọi là thầy phù thủy, người xã Nhơn Hậu đã thuê người khiêng hòn đá về nhà mình.

Đời cha ông này cũng là thầy pháp, nổi tiếng cả một vùng, có khả năng điều khiển âm binh, làm bùa mê ngải lú, thậm chí tài năng đến nỗi có thể giết người, hoặc chí ít cũng khiến công danh ai đó bại hoại bằng thứ gọi là bùa ếm.

Người ta còn đồn rằng, ông có khả năng sai âm binh xóa sạch trí nhớ của ai đó, thậm chí điều khiển để những vật cản như ô tô biến mất trước mắt ai đó, khiến họ không nhìn thấy, cứ thế lao đầu vào chết tươi.

Đến đời ông này, ngoài sở học của cha, thì phiêu lưu khắp nơi tầm sư học đạo, nên cũng trở thành thầy phù thủy lỗi lạc. Ông này nói với sư Vạn Toàn rằng, ông ta mang hòn đá về với mục đích sai khiến âm binh.

Theo ông ta, đã có cả ngàn mạng người chết tại hòn đá này một cách oan sai thảm khốc, linh hồn họ mãi mãi vưởng vất bên hòn đá, không siêu thoát được. Những oan hồn này rất dữ dằn, nên thầy phù thủy chinh phục được những oan hồn đó, sẽ điều khiển oan hồn làm được những việc kinh thiên động địa.

Thế nhưng, một chuyện ngẫu nhiên xảy ra, khiến mọi người sợ hãi, đó là, buổi sáng chuyển được hòn đá về nhà, thì buổi chiều ông thầy pháp lên cơn tai biến, lăn đùng ra chết.

Người con trai nghe dân làng kể về hòn đá, sợ hãi quá, nên sau khi táng liệm xong cho cha, đã hô hào mọi người khiêng ra gò đất thấp ngoài cánh đồng sát con đường dẫn vào làng và vứt hòn đá ở đó. Từ bấy, không ai dám tiến đến gần hòn đá đó nữa.

#1067 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/03/2015 - 17:05

CHUYỆN KINH DỊ VỀ HÒN ĐÁ QUỶ ÁM

2. Cuộc thu phục hòn đá kinh dị

Theo thượng tọa Thích Hồng Phương, trụ trì chùa Hồng Quang Bến Đức, Tây An, Tây Sơn, Bình Định, suốt bảy tháng trời, ông cùng đệ tử đọc kinh, trì chú, giải oan cho những linh hồn uổng tử, đã chết tại hòn đá, bởi những cái dẫm đạp kinh người của những con voi khổng lồ, và sự ác tâm của nhà Nguyễn. Cả đời thượng tọa Hồng Phương cũng chưa từng vất vả làm nhiều đàn tế giải oan như thế.

Để thu phục hòn đá mà người dân trong vùng đồn đại bị quỷ ám, thượng tọa Hồng Phương đã xuống tu viện Nguyên Thiều gặp thượng tọa Thích Minh Tuấn. Thượng tọa Thích Minh Tuấn cũng là một nhà nghiên cứu Phật giáo, đặc biệt là nghiên cứu về tâm linh rất sâu sắc.

Thượng tọa Thích Hồng Phương bảo với thầy Minh Tuấn:

- Về hòn đá ở Nhơn Hậu, có người tin, có người không tin, nên tui chưa vào cuộc vội. Tui biết thầy có khả năng và cũng biết rõ về hòn đá này rồi.

Tui đã nghiên cứu về hòn đá kỹ lưỡng và cũng đã hiểu về nó, tuy nhiên, tui chưa dám di chuyển vì sợ người ta hiểu sai. Tui mong thầy cùng tui tiếp tục giải thoát các oan hồn uổng tử ở hòn đá, rồi tui mới di chuyển.

Ngoài ra, tui cũng muốn thầy cùng vào cuộc, tìm ra ba chục đến năm chục người trong vùng, cả người tin và không tin chứng kiến cuộc di chuyển hòn đá, để sau này người ta không nói này nói nọ được nữa.

Sau khi trình bày về hòn đá, nhận được sự giúp đỡ tích cực của thượng tọa Thích Minh Tuấn, thầy Thích Hồng Phương đã bắt tay vào cuộc quy phục hòn đá.

Thượng tọa Hồng Phương kể:

- Đó là năm 2008, trước Phật Đản, tháng hai âm lịch. Thời gian thì chính xác là đêm mùng chín. Trước đó mấy ngày, tui đã thông báo việc thu phục hòn đá cho nhân dân làng Bến Đức.

Việc đưa hòn đá dữ như thế về làng, cũng phải thông báo rộng rãi, hết sức minh bạch, và nhận được sự ủng hộ, thì tui mới thực hiện. Ngoài ra, tui muốn càng nhiều người tham gia tìm hiểu về hòn đá càng tốt, bởi như thế, sẽ không ai nghĩ tôi lấy hòn đá về với ý đồ mờ ám.

Thông tin tui đưa ra, có tới năm chục người, đều là người lớn đăng ký tham gia chứng kiến việc tui thu phục hòn đá. Mấy anh thợ xây, thợ mộc đang thiện ngôi chùa Hương Quang, cũng xin nghỉ việc để theo tui, chứng kiến việc tui làm.

Nghiên cứu về Mật Tông nhiều năm, lại là pháp sư giỏi, nên thượng tọa Thích Hồng Phương biết nhiều chuyện kỳ lạ. Đúng chín giờ đêm, ngày mùng chín tháng hai âm lịch, tức ngày đầu vọng nguyệt, hòn đá sẽ linh ứng. Như vậy, ông thông báo mọi người có mặt lúc bảy, tám giờ tối tại nơi hòn đá ngụ, ở xã Nhơn Hậu.

#1068 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/03/2015 - 17:23

Đúng 8g30 phút tối, thượng tọa Thích Hồng Phương cùng mấy đệ tử có mặt ở gò đất, đã thấy năm chục người vây quanh hòn đá. Nhiều người chuẩn bị đồ lễ chu đáo, đủ cả rượu, thịt, xôi, gà, cúng bái hương hói nghi ngút quanh hòn đá.

Người xin các oan hồn linh ứng cho cuộc sống giàu sang, người xin mụn con, người khấn rõ xin số đề để được đổi đời…

Mặc dù là pháp sư, song thượng tọa Thích Hồng Phương không quan tâm mấy trò cúng bái, hương khói. Ông trải chiếu ngồi trì chú với các môn đệ chừng mấy phút, rồi tiến đến bên hòn đá.

Theo thầy Hồng Phương, hòn đá này chứa nhiều năng lượng lạ. Các pháp sư cao tay có thể kiểm tra và biết được bằng chính sự nhạy cảm của cơ thể mình. Mặc dù hòn đá lớn như thế, nhưng năng lượng chỉ tụ ở một điểm nhất định, nhỏ bằng miệng bát.

Và điều nữa, là năng lượng chỉ phát ra vào một thời điểm nhất định, chỉ những thầy pháp cao tay mới biết được.

Kiểm tra xong, phát hiện năng lượng đã có, thượng tọa Thích Hồng Phương nói lớn:

- Đã đúng giờ hòn đá phát năng lượng rồi. Trước nay, có anh tin, có anh không tin. Nay tui mời các anh, các chị thử tất, để xác tín lại niềm tin của mình. Có tui ở đây, thì tui xin đảm bảo mạng sống cho các anh, chị, ông bà. Nếu có sự gì xảy ra, thì cứ bảo do ông Thích Hồng Phương xúi bẩy. Tuy nhiên, tui xin nhắc, là mọi người chỉ nên chạm nhẹ một lần, thấy có cảm giác rồi thì thôi ngay.

*Chùa Hương Quang vốn là một cái am nhỏ. Xưa kia, thôn Bến Đức là vùng đất của người Chăm. Người Chăm bỏ đi, thì người nơi khác di cư đến, sau nhiều trăm năm bỏ hoang. Trong nhóm người định cư đầu tiên ở đây có ông Khải. Ông lập ra cái am vào khoảng năm 1870. Sau khi ông Khải chết, ông Kiềng kế thừa cái am.

Thời kỳ đầu thế kỷ hai mươi, ông Kiêng cùng với bốn ông nữa, gồm ông Ngợ, ông Chữ, ông Nam và Ba Thu, là năm thầy phù thủy nổi tiếng nhất vùng. Dân làng kêu ông Kiềng là thầy Năm. Ông Năm có duyên với hòa thượng Trí Hải, nên mời ông Trí Hải đến trông nom am. Năm 1930, ông Trí Hải đặt tên là Hương Quang am.

Đến năm 1957, ông Huỳnh Ân và Đại Quang tiếp nhận am và đổi tên thành Hương Quang tự, tức là chùa Hương Quang. Thượng tọa Thích Hồng Phương vốn có nghề thuốc, nhưng xuất gia ở một ngôi chùa ở Quy Nhơn, rồi mới về chùa Hương Quang trụ trì.*


#1069 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/03/2015 - 17:39

CHUYỆN KINH DỊ VỀ HÒN ĐÁ QUỶ ÁM

3. Hòn đá giật như điện

Sau khi thượng tọa Thích Hồng Phương, trụ trì chùa Hương Quang, thôn Bến Đức, Tây An, Tây Sơn, Bình Định, giải thích xong, thì người xung phong đưa thân mình ra làm thí nghiệm là sư thầy Thích Vạn Toàn. Sư Vạn Toàn là trụ trì ngôi chùa nhỏ ở Nhơn Hậu, cũng là người thuyết phục thượng tọa Thích Hồng Phương tìm cách thu phục hòn đá.

Sư Vạn Toàn cũng muốn làm thí nghiệm đầu tiên, là để nhỡ có chuyện xấu gì xảy ra, thì ông cũng gánh tội nợ cho dân làng trước. Chọn đúng điểm trung tâm của mặt trên hòn đá, sư Vạn Toàn đặt lòng bàn tay lên với dáng vẻ không hề sợ hãi.

Thế nhưng, một chuyện kinh khiếp đã xảy ra, khi sư Vạn Toàn vừa chạm ngón tay xuống hòn đá, thì lập tức ông giật bắn người, cơ thể lảo đảo, như thể bị điện giật. Điều kinh dị, là khi soi đèn pin vào đầu sư Vạn Toàn, thấy những làn khói mỏng bốc lên.
Sư Vạn Toàn chạy cách xa hòn đá độ vài mét, đến chỗ sư Hồng Phương và bảo:

- Tôi chết mất thầy ạ, hòn đá này hình như có luồng điện, giật mạnh lắm!

Thượng tọa Hồng Phương bảo sư Vạn Toàn ngồi xuống đất, khoanh chân theo thế hoa sen, rồi ông dùng lòng bàn tay, đặt lên đỉnh đầu sư Vạn Toàn, truyền năng lượng. Khoảng năm phút sau, sư Vạn Toàn tỉnh táo, đứng dậy, đi lại như người bình thường.

Mặc dù sự việc sư Vạn Toàn như bị điện giật khi đụng vào hòn đá xảy ra trước mắt, khiến nhiều người kinh hãi, nhưng không cản được ông Hai Lũy.

Ông Hai Lũy khi đó đã bảy mươi lăm tuổi, là người trông nom, gắn bó với ngôi chùa Hương Quang mấy chục năm rồi. Ông Hai Lũy rất thích nghiên cứu những bí ẩn người Chăm và rất tin vào những chuyện thần thánh, tâm linh, nhưng ông không nghĩ hòn đá vô tri giữa cánh đồng như thế lại có… điện.

Ông Hai Lũy mang khuôn mặt trầm tư, nghĩ lại giây phút ấy, vẫn còn hãi hùng, kể lại:

- Bây giờ, chú có kể lại con cũng không tin được đâu, nhưng chú cứ lấy danh dự của người già, đã ngoài bảy mươi tuổi rồi, để khẳng định với con rằng, hòn đá ấy thật sự ẩn chứa nhiều chuyện khủng khiếp.

Ngày đó, chú được dân làng bầu cho chức vụ trông nom ngôi chùa này. Thầy Hồng Phương là trụ trì, nhưng chú quán xuyến mọi việc râu ria xung quanh. Thầy Hồng Phương thì giỏi rồi, nhưng nói hòn đá mà giật người như điện, thì ngộ quá, làm sao chú tin được.

Sư thầy Vạn Toàn thì vốn là học trò của thầy Hồng Phương, nên nhỡ ra hai người phối hợp bày trò gì thì sao. Chú dù thân thiết với thầy Hồng Phương, nhưng mà giở mấy trò ảo thuật đường phố như kiểu gánh xiếc bán thuốc dạo là chú không chấp nhận được, thế là chú xung phong thử sờ hòn đá ngay sau khi thầy Toàn tỉnh lại.

Lúc đó, thú thực là chú có hơi run, nhưng chú tin chắc là nó không thể có tác động gì đến chú cả. Chú tiến lại gần, nhìn ngó xung quanh hòn đá, xem có dấu hiệu dây dẫn điện gì không. Khi thấy yên tâm rồi, chú sờ vào cạnh hòn đá. Hòn đá lạnh ngắt, chẳng có dấu hiệu giật người gì cả.

Tin rằng vô sự, chú đặt nguyên bàn tay lên đúng cái khoanh tròn dấu mực đỏ thầy Hồng Phương vẽ ở tâm hòn đá. Trời ơi, chú vừa chạm tay vào, cảm giác như chưa sát xuống mặt đá, thì toàn thân chú rùng một cái, cứng đơ cả người.

Tay chú lúc đó bắn ra. Chú chạy vọt ra lên mặt đường, mặt cắt không còn giọt máu. Tuy nhiên, chú không ngất xỉu, không cần thầy Hồng Phương truyền năng lượng. Nhưng, chính xác là như có luồng điện ở hòn đá.

Tiếp theo đó, là hai chục người xung phong chạm tay vào hòn đá, và điều đặc biệt là ai cũng bị cảm giác như điện giật, khiến toàn thân run bắn, lảo đảo. Những người dám sờ vào hòn đá đều là những người vía mạnh, không sợ ma quỷ, bóng đêm.

Những người tin vào thế giới tâm linh, thì đều sợ hãi, không dám tiến lại chỗ hòn đá, chứ đừng nói đến chuyện đụng vào. Một ông thầy pháp có tiếng trong vùng cũng đến xem, nhưng nhất định từ chối, không dám đụng vào hòn đá.

#1070 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/03/2015 - 17:57

Người cuối cùng dám đụng vào hòn đá là anh Năm Tú, là thợ xây, đang làm thuê cho chùa Hương Quang. Anh này đụng vào, cũng bị giật mạnh. Chạy lên bờ, anh này bảo cảm nhận rõ điện chạy từ tay, lan ra khắp người, rồi lên đầu.

Sư thầy Hồng Phương cười bảo:

- Cậu là tay ngỗ ngược nhất, chẳng sợ gì, giờ có dám đụng tiếp không?

Thì anh này bảo:

- Con chịu thôi, đụng nữa chết liền.

Sau khi không còn ai dám đụng vào hòn đá kỳ lạ ấy nữa, thượng tọa Thích Hồng Phương mới gọi mọi người đến khu vực cách gò đất đó chừng năm mươi mét. Khu vực đó cũng có một số hòn đá, nhưng màu sắc khác, hình dáng khác, không rõ nằm đó từ khi nào. Mọi người vui vẻ sờ mó, ngồi lên, nhưng không có cảm giác hãi hùng như điện giật khi đụng vào hòn đá kỳ quái kia.

Qua mười một giờ đêm, tức là đã hai tiếng đồng hồ sau khi xảy ra hiện tượng kỳ quái, thượng tọa Thích Hồng Phương đến bên hòn đá, đặt tay vào cho mọi người xem và khẳng định thời điểm hòn đá phát năng lượng đã qua, mọi người có thể thoải mái đụng vào.

Quả nhiên, mọi người đụng vào hòn đá, không thấy có hiện tượng kỳ quái nào nữa. Lúc này, sư thầy Hồng Quang mới tuyên bố với mọi người rằng, theo các pháp sư, thì hòn đá này chính là thạch quỷ.

Ngay trong thời điểm đó, mọi người liên tục đề nghị thượng tọa Hồng Phương rước hòn đá về chùa Hương Quang thờ tự, không để những sự việc kỳ quái tiếp tục xảy ra nữa. Ông Tư Khai, người chứng kiến sự việc đã xung phong nhận nhiệm vụ đưa hòn đá ấy về chùa Hương Quang.

Thời điểm đưa thạch quỷ về chùa, thì chùa Hương Quang đang ngổn ngang vật liệu vì đang xây dựng lại. Đất đai chật hẹp, nên chỉ còn một chút không gian trước chùa, phía sát tường đặt được hòn đá.

Sự việc khiêng thạch quỷ về chùa, khiến cả làng Bến Đức xôn xao. Người dân kéo đến rất đông chiêm ngưỡng thạch quỷ. Ai không tin năng lực kỳ dị của hòn đá, thì đăng ký được sờ hòn đá với thượng tọa Hồng Phương.

Có tháng có tới hai thời điểm xuất hiện năng lượng kỳ lạ trên hòn đá, mỗi lần kéo dài một, hai giờ. Cũng có khi cả năm chỉ xuất hiện một, hai lần. Những khi biết thời điểm năng lượng phát xạ trên hòn đá, thượng tọa Phương gọi những người nghi ngờ, muốn mạo hiểm đến sờ tay vào.

Suốt mấy năm trời, đã có thêm cả trăm người dân trong làng bị điện giật khi đụng vào hòn đá. Một lần, một cháu bé theo bố mẹ ở xa đến bốc thuốc, không biết hòn đá thiêng, đã ngồi vào và bị co rúm người lại.

Sợ hòn đá ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng mọi người, thượng tọa Thích Hồng Phương đã cho đào cái hồ nhỏ ở sân chùa, xây bệ trồi lên khỏi mặt nước, rồi đặt hòn đá xuống đó, không ai đụng vào được nữa.

Sau này, ông xây dựng thêm hòn giả sơn cho quang cảnh phù hợp hơn. Nhiều người cúng bái hòn đá, nên lập thêm bát hương ở đó.

Sự việc hòn đá giật như điện cũng khiến các nhà khoa học chú ý. Theo lời thượng tọa Thích Hồng Phương, một nhà khoa học ở Bình Định, đã đem máy đo từ trường, dẫn theo một nhà báo tỉnh đi quan sát, làm trọng tài.

Ông này dùng máy đo các kiểu, nhưng không thấy có điện hay từ trường phát ra từ hòn đá. Thế nhưng, khi ông này đến đúng thời điểm mà thượng tọa Hồng Phương chọn, thì đã bị giật, dù dùng máy đo không thấy kim đồng hồ dịch chuyển gì cả.

Câu chuyện hòn đá kinh dị ở chùa Hương Quang thì người dân quanh vùng đều biết. Tuy nhiên, có một sự thực, là không ai dám đụng vào hòn đá ấy nữa.

Dương Phạm Ngọc

#1071 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/03/2015 - 18:42

BÍ ẨN HÒN ĐÁ THẦN CỨU MẠNG CẢ LÀNG

Hàng trăm năm qua, người dân xã Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên, Huế, gọi hòn đá ở điện Mẹ Nằm của xã là thạch thần và thờ cúng chu đáo. Theo người dân nơi đây, thạch thần rất linh thiêng, từng giúp nhiều người thoát khỏi tai ương và trừng phạt những kẻ ác đức.

Hiện thân của Thượng Ngàn Thánh Mẫu

Nhiều năm trở lại đây, mỗi ngày có nhiều người dân các địa phương tìm về xã Hương Thọ để thắp hương cho hòn đá linh thiêng ở điện Mẹ Nằm được người dân địa phương gọi là thạch thần. Họ đến thắp hương để mong được phù hộ cho người thân thoát khỏi tai ương, bệnh tật. Ngược lên thượng nguồn sông Hương tìm về xã Hương Thọ, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện mang màu sắc kỳ bí xung quanh hòn đá này.

Ông Lê Văn Đơn tám mươi tám tuổi, ngụ thôn La Khê Bãi là một trong nhiều người dân địa phương nắm rất rõ gốc tích cũng như những câu chuyện kỳ bí về thạch thần. Bằng giọng kính cẩn, ông Đơn cho biết, từ nhỏ ông đã được bác ruột của mình là ông Lê Văn Kiệt, một nhà nho trong làng kể cho nghe những câu chuyện về sự linh thiêng của thạch thần.

Theo ông Đơn, điện Mẹ Nằm, thuở trước gọi là Sơn Chúa Điện, gần nhà ông được xây dựng cách nay hàng trăm năm. Điện nằm án ngự bên ruộng Bàu Tròn, lưng điện tựa núi, mặt điện hướng ra dòng sông Hương.

Thời vua Gia Long phục quốc, sau khi chiếm được kinh thành Phú Xuân, vua chiêu dân lập ấp, khai hoang vùng đất La Khê Bãi khi đó còn là vùng lam sơn chướng khí. Vua lệnh “tam đinh thủ nhất”, mỗi gia đình có ba người con trai thì một người phải đi khai khẩn ở vùng đất mới.

Nguồn gốc khởi thủy của làng hiện nay là ở Vị Khê, Hà Nội, theo lệnh của vua vào khai khẩn đất hoang, lập làng La Khê Bột ở phố cổ Bao Vinh ngày nay. Dần dần, do nhu cầu của cuộc sống, người dân di cư lên vùng đất ở thượng nguồn sông Hương, chặt cây làm nhà, cày ruộng để có lương thực, lập ra làng mới có tên là La Khê Bãi. Người dân đặt tên làng có chữ La Khê như muốn lưu giữ lại một chút gốc gác của làng La Khê Bột ở phố cổ Bao Vinh.

Vào mùa xuống lúa, tiết trời đẹp, có một trai đinh trong làng ra cày ở ruộng Bàu Tròn. Đây là khoảnh ruộng đầu tiên do dân làng khai phá. Đường cày của chàng lực điền đi nhát đầu tiên, bỗng thấy hiện lên hòn đá lớn bằng mâm cơm án ngự trước mặt, hai bên có hai thanh đá dài như hai thanh kiếm để hộ vệ cho hòn đá lớn.

Thấy lạ, chàng lực điện cho dừng trâu, đến xem, lập tức ba hòn đá lặn mất, phía trước chỉ là một khoảnh ruộng mênh mông, ngai ngái mùi bùn đất. Chàng lực điền nghĩ bụng chắc là do mình hoa mắt, ruộng đã khai hoang từ lâu, đã xuống mấy mùa lúa thì làm gì có viên đá to như thế. Nghĩ thế nên chàng vẫn tiếp tục công việc của mình.

Tuy nhiên, khi đi đường cày thứ hai, mặt chàng lực điền biến sắc khi thấy ba viên đá cứ chạy và gõ nhịp đều theo đường cày của mình. Ngoảnh mặt nhìn lui thì ba hòn đá lại biến mất.

Cứ như thế, việc những hòn đá cứ liên tục quậy phá quanh đường cày, khiến chàng không tài nào cày ruộng được. Lần cuối cùng, nghĩ có kiêng có lành, chàng cho dừng trâu rồi chắp tay khấn trước đường cày:

- Nếu ngài có thiêng thì xin hiện ra để tui mang ngài lên nơi khô ráo để thờ tự.

Chàng lực điền vừa dứt câu thì ba hòn đá hiện ra, nằm cao hơn mặt nước chân ruộng. Nghĩ lời khấn của mình đã ứng nghiệm, chàng liền mang hòn đá to lên đặt trước Sơn Chúa Điện. Đây là nơi cao ráo, đất đẹp được người dân trong làng hàng năm đến ngày là mang lễ vật tới cúng. Khi chàng lực điền quay lại để tìm hai thanh đá nhỏ thì thấy không còn nữa.

Khi mang hòn đá lớn lên tới điện thì xuất hiện một người đàn ông đến từ bên vùng đất Hói trước mặt làng. Người này đã bị hòn đá nhập vào.

Người đàn ông nói:

- Ta là Thượng Ngàn Thánh Mẫu, quản cai sơn Nhạc Cửu Châu.

Nói xong, người đàn ông liền ngất lịm. Thấy đây là hòn đá thiêng, linh nghiệm từ lời khấn chân thành của mình, chàng liền cho lập một túp lều tranh nhỏ trước Sơn Chúa Điện để thờ, ngày ngày hương khói. Một hôm, trời mưa trút nước, sấm chớp rền vang, thấy hòn đá cựa mình, phát ra những hào quang kỳ lạ nên dân làng kéo tới rất đông. Thấy thiêng, họ liền xin phép các chức sắc trong làng cho lập miếu thờ, lâu dần, dân làng quên hẳn cái tên Sơn Chúa Điện mà chỉ gọi tên là Điện Mẹ Nằm.

Hòn đá ở điện từ lâu cũng được người dân gọi bằng cái tên kính cẩn là thạch thần hoặc gọi là Mẹ, hay Thánh Mẫu. Thạch thần ngày xưa chỉ bằng mâm cơm, nay đã lớn bằng cái bàn tròn.

#1072 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/03/2015 - 18:58

Để ghi nhớ công lao của chàng lực điền đã mang thạch thần lên điện thờ cúng, sau khi qua đời, chàng trai này được dân làng lập đền thờ bên cạnh điện Mẹ Nằm. Cứ đến ngày 16-17 tháng Giêng và ngày 16-17 tháng 7 Âm lịch hàng năm, người dân ở La Khê Bãi lại tổ chức lễ hội Kỳ An và Thu Tế để cúng Mẹ, mong Mẹ che chở cho dân làng.

Cứ mỗi lần cúng, tùy theo tấm lòng thành của con dân trong làng, lễ vật bao giờ cũng có là một con vịt quay, vài đĩa xôi. Đặc biệt, qua bao lần tổ chức lễ cúng, những chiếc áo đắp lên mình Thánh Mẫu cũng ngày một nhiều hơn, đến nay đã có hàng nghìn cái áo.

Trải qua bao cuộc biến thiên của lịch sử từ chiến tranh thời phong kiến đến thời chống Pháp, chống Mỹ, ngôi điện vẫn không hề hấn gì, thôn dân trong làng tham gia đánh giặc cũng rất ít người hy sinh. Bà con La Khê Bãi luôn tin rằng Thánh Mẫu Đá Mẹ Nằm không chỉ che chở cho dân làng trong cuộc binh đao mà nay lại mang đến ấm no hạnh phúc trong thời bình.

Một ngày rong ruổi khắp thôn La Khê Bãi, chúng tôi được người dân kể cho nghe hàng loạt câu chuyện về việc thạch thần ra tay cứu giúp dân làng thoát khỏi tai ương. Một trong những câu chuyện được dân làng biết nhiều nhất là việc thạch thần cứu làng thoát khỏi tai họa trong một đợt dịch tả.

Số là, vào thời vua Tự Đức, trong thôn xảy ra trận dịch tả lớn. Nhiều người dân trong thôn lần lượt chết vì dịch, dân làng sống trong nỗi hoang mang tột độ. Trong sự tuyệt vọng, các bô lão trong làng bảo nhau chỉ còn cách duy nhất cứu làng là tổ chức lễ cúng thạch thần để được che chở thoát khỏi tai họa.

Các vị bô lão bàn nhau chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật đến cúng trước điện. Những người lớn tuổi, đại diện cho các họ tộc thể hiện lòng thành của mình băng cách ba ngày liền phải ăn chay nằm đất. Kỳ lạ thay, ngay sau khi lễ cúng hoàn thành, trong làng người dân lần lượt khỏi bệnh mà không cần sử dụng bất cứ loạt thảo dược nào. Trong khi đó, các làng khác hàng ngày vẫn có rất nhiều người phải bị đại dịch quật ngã…

Vào cuối đời vua Tự Đức, trong làng bất ngờ xuất hiện xác chết của một người đàn ông lạ mặt. Sự việc này đến tai vua và nhà vua lập tức sai quan quân về làng điều tra cái chết để xử lý nghiêm khắc dân làng. Cả làng sống trong hoang mang tột độ vì nghĩ rằng chắc chắn làng sẽ gánh tội oan vì cái xác chết trên. Vậy nhưng, một lần nữa dân làng lại được thạch thần che chở.

Số là, khi quan quân triều đình đang rầm rập kéo về làng điều tra vụ việc thì bỗng dưng trong làng xuất hiện một con hổ rất lớn. Con hổ này chạy ra từ điện Mẹ Nằm rồi nhanh như cắt quắp xác chết trên chạy về phía điện rồi cả xác chết và hổ đều biến mất trước khi quan quân kéo đến. Người dân trong làng tin rằng, chính thạch thần đã ra tay cứu giúp bằng cách sai con hổ về mang xác chết trên đi giấu.

Duy Quang – Hồng Hạnh

Thanked by 1 Member:

#1073 Buingoctan9x

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 172 Bài viết:
  • 23 thanks

Gửi vào 14/12/2017 - 22:00

em thì chia sẻ là hồi bé e thích số 5 và màu xanh. lớn lên rồi thì thích màu đen còn số thì chả thích số gì cả đag tìm cách thay số điện thoại cho nó vuwowjg lên nhưng ko biết theo cách tính nào






Similar Topics Collapse

3 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 3 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |