Jump to content

Advertisements




NHỮNG CÂU CHUYỆN NHÂN QUẢ


86 replies to this topic

#1 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 29/04/2012 - 08:29

1. Thi Sĩ HOÀNG SƠN CỐC.

Trào Tống, Hoàng Đình Kiên tự Sơn Cốc, người tỉnh Giang Tây, huyện Tu Thủy. Trong Huyện chí có ghi chép truyện về ông. Ông có tài về thi, thư họa, nổi danh ngang với Tô Đông Pha, nên người ta thường nêu danh Tô Hoàng.

Hoàng Sơn Cốc sau khi đậu tiến sĩ rồi được triều đình bổ nhiệm làm tri châu ở Vu Hồ, Hoàng Châu. Khi ông nhậm chức mới hai mươi sáu tuổi. Một hôm ông đang ngủ trưa, nằm mộng đi ra phố chơi tới một thôn, thấy có một bà cụ đầu tóc bạc phơ đứng trước hương án, trên có để một bát canh miến nấu với rau tần. Miệng không ngớt gọi tên người. Sơn Cốc đến gần xem, thấy bát miến tần tỏa ra mùi thơm ngon, không cưỡng lại được, bèn cầm lên ăn. Ăn xong trở về nhà, bất giác tỉnh dậy. Trong miệng mùi rau tần hãy còn.

Mộng cảnh rất rõ ràng nhưng Sơn Cốc cho là nằm mộng nên cũng không để ý. Ngày hôm sau, lại nằm mộng tương tự, tỉnh mộng, miệng vẫn còn thơm mùi rau tần. Do đó cảm thấy kỳ dị, Sơn Cốc bèn trở dậy lững thững đi ra ngoài tản bộ, tới một chỗ giống như trong mộng. Bèn gõ cửa thì một bà cụ tóc bạc phơ ra mở cửa mời vào. Sơn Cốc ngạc nhiên thấy chính là bà cụ trong mộng. Sơn Cốc hỏi :

- Hôm qua có phải là bà cụ ở trước cửa kêu người đến ăn miến tần không?

- Dạ phải, hôm qua là ngày giỗ con gái tôi. Lúc sinh thời nó rất thích ăn miến tần, nên ngày giỗ nào tôi cũng nấu miến tần gọi nó về ăn.

- Con gái bà cụ mất bao lâu rồi?

- Đã hai mươi sáu tuổi năm rồi!

Sơn Cốc nghĩ bụng năm nay mình hai mươi sáu tuổi, hôm qua là ngày sinh nhật của mình, lại hỏi:

- Ngoài con gái ra, cụ còn ai nữa không?

- Tôi chỉ có một gái, lúc sanh tiền nó thích đọc sách, tin Phật, ăn chay, rất có hiếu, không chịu lấy chồng. Năm hai mươi sáu tuổi tuổi bị bệnh mà mất, lúc sắp mất có nói nó còn muốn trở lại.

- Tôi có thể vào xem phòng cô ấy không?

Bà lão bèn chỉ phòng con gái:

- Ông cứ tự tiện vào xem, để tôi đi rót trà.

Sơn Cốc vào phòng xem thì ngoài cái giường và bàn ghế ra, ở góc tường có một cái rương lớn. Sơn Cốc hỏi:

- Trong này đựng gì?

- Toàn là sách của cháu.

- Có thể mở xem được không?

- Không biết nó để chìa khóa ở đâu nên không mở được.

Sơn Cốc bỗng nhớ ra chỗ để chìa khóa, bảo bà cụ đi tìm, quả nhiên tìm được. Mở rương ra trong đó toàn là vở chép văn thơ. Sơn Cốc giở ra đọc thì toàn là văn thơ của mình. Sơn Cốc lúc đó mới rõ mình đã tìm lại nhà mẹ kiếp trước. Sơn Cốc bèn quỳ xuống kêu mẹ, rồi rước bà lão về nhà phụng dưỡng suốt đời. Ở vườn trúc sau nhà, Sơn Cốc có xây một cái đình trong đó có để bia, khắc một bài tán:

Giống Tăng có tóc

Giống tục thoát trần

Trong mộng nằm mộng

Ngộ thân ngoài thân.

Do bài tán này chúng ta có thể thấy chuyển thế là thật, không dối.


#2 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 29/04/2012 - 09:55

2. NGẠN TRAI TIÊN SINH

Ngạn Trai tiên sinh người huyện Nghi Hưng, lúc thi đậu tú tài gia cảnh rất nghèo nhưng tính tình rất ngay thẳng, không tùy tiện lấy đồ vật của người, lại hay giúp đỡ người ta. Khi gập người có chuyện, nhất định cứu giúp dù có tổn hại danh tiết cũng không cần. Ngạn Trai dạy học để kiếm sống. Một năm đêm trừ tịch, trên đường về nhà gặp một người đàn bà trung niên vừa đi vừa khóc. Ông thấy lạ bèn hỏi chuyện nhưng bà ta không trả lời. Ông cứ hỏi đi hỏi lại mãi. Bà ta tức giận bảo:

- Người đi đường, mỗi người có tâm sự riêng, ai rỗi hơi mà kể cho người khác nghe!

Ngạn Trai nhìn sắc mặt bà ta buồn thảm bèn an ủi:

- Tôi không phải tùy tiện mà hỏi, nhưng nếu bà có chuyện gì hãy nói tôi biết, biết đâu tôi có thể nghĩ cách giúp bà giải quyết.

- Chồng tôi là lý trưởng làm hụt công quỹ ba mươi lạng, bị bắt bỏ ngục; mỗi ngày đều bị đánh đập rất khổ sở. Lần trước đi thăm ông nói nếu quá kỳ hạn không nộp đủ tiền nhất định bị xử tử. Chồng tôi giục tôi bán đứa con gái lấy tiền bồi hoàn. Tôi theo lời, nhưng người trung gian lấy cớ cuối năm khó tìm người mua để ép giá chỉ bán được mười lạng. Đã mất con gái mà chồng cũng không được thoát tội, tôi thật không nghĩ ra biện pháp gì, chỉ định bán thân để thêm chút tiền cứu chồng. Chồng thì tù tội, con gái thì bị bán làm tỳ thiếp, thân mình cũng chẳng giữ được, chỉ chớp mắt cả nhà đã bị tan rã!

- Ba chục lạng cũng không phải là nhiều, chẳng lẽ không có thân thích bạn bè nào để vay mượn sao?

Người đàn bà thở dài:

- Ông ơi! Nói thì dễ lắm! Bạn bè thân thiết thì nghèo nàn họ lo cho họ còn chửa xong làm sao lo cho mình. Những người có tiền nghe tin đều lánh xa, tưởng gặp mặt cũng khó, nói gì nhờ cứu giúp?

Nói rồi khóc lớn, định đi. Ngạn Trai ngăn lại:

- Chờ chút, tôi tuy không có tiền nhưng ba mươi lạng cũng có thể vay mượn được. Nhưng con gái bà đã bán rồi có tiền có thể chuộc lại được không?

- Tôi tuy bán cháu nhưng chưa làm khế ước, nếu có tiền có thể chuộc lại được.

Ngạn Trai lấy ra mười hai lạng trao cho bà ta:

- Bà hãy lấy tiền này đi chuộc con gái về, ngày mai tôi nhất định đem đủ tiền giúp bà.

Người đàn bà không ngờ Ngạn Trai lại nhiệt tâm giúp đỡ như thế, cúi đầu khóc lạy và xin hỏi tên và địa chỉ, còn nói:

- Ngày mai chuộc cháu gái về, nhất định đưa đến nhà ông làm tỳ thiếp.

- Xin bà đừng nói vậy! Tôi chỉ thương hại mẹ con bà cốt nhục bị phân ly, chứ không muốn nhận con gái bà làm tỳ thiếp.

Do đó, không cho biết tên họ và địa chỉ, chỉ hẹn gặp lại ở một địa chỉ khác. Khi đi rồi còn quay đầu lại dặn:

- Ngày mai nhớ đến sớm, đừng chậm trễ!

- Dạ!

Ngạn Trai về đến nhà, bà vợ hỏi tiền đong gạo.

- Thật là phí công dạy học! Đường núi quanh co, vấp té mấy lần tưởng rơi xuống vực, may mà sống sót, làm sao giữ được túi tiền?

Bà vợ biết ông thích giúp người, liền cười bảo:

- Nếu như ngã rơi mất tiền còn có thể tìm lại được, chỉ sợ ông lại đem đi giúp người thôi.

- Chính vậy đó, nhưng còn chưa đủ, biết làm sao?

Bèn thuật cho vợ nghe. Bà vợ vốn là người hiền thục, nghe rồi không nữa lời trách oán, còn khen ngợi:

- Thật là một việc tốt! Nhưng năm cùng tháng tận đi đâu mà mượn được hai mươi lạng đây? Ông đã hứa với người ta thì phải lo cho trọn. Nhà mình hãy còn đủ dùng, ông không phải lo cho nhà.

Tiên sinh rất cao hứng bèn đi mượn thân hữu được hơn mười lạng, nhưng vẫn chưa đủ. Trong thành có một người cho vay, nhưng nếu không có đồ vật gì để cầm thì một xu cũng không, cho dù là họ hàng hay bạn bè thân thiết. Trong nhà chẳng có vật gì quý để cầm; Ngạn Trai là người giữ chìa khóa nhà từ đường của tộc họ, chỉ còn cách lấy đồ đạc trong từ đường đem đi cầm.

Ngày hôm sau đem tiền đến nơi ước hẹn, giao cho người đàn bà rồi trở về nhà. Người đàn bà bèn len lén đi theo thấy Ngạn Trai nói chuyện với một người trên đường, bèn gạn hỏi người đó để biết tên và địa chỉ. Vài ngày sau, bà ta dẫn chồng và con gái đến nhà lạy tạ ơn và thỉnh cầu cho con gái ở lại làm tỳ thiếp. Ngạn Trai thấy đứa bé gái chưa tới mười tuổi nhưng dung mạo đẹp đẽ bèn nói:

- Hãy mang cháu về nhà, sau này kiếm nơi tốt mà gả chồng cho cháu. Đừng để tôi mang tội bất nghĩa!

Cả gia đình lạy tạ mà đi. Đến ngày nguyên đán, mọi người trong họ đến từ đường để lễ tổ, thấy từ đường trống không. Mọi người đều hoảng sợ tưởng rằng bị trộm. Ngạn Trai nói:

- Tết đến vì không có tiền nên tạm mượn để cầm, khi nào có tiền sẽ xin chuộc lại.

Mọi người tức giận trách mắng, Ngạn Trai vẫn yên lặng, không giải thích cũng không mắc cỡ hay tức giận. Vị tộc trưởng biết ông là người trung hậu, lại hay giúp người, chắc phải có nguyên nhân bí ẩn gì đây, nên bảo mọi người tạm thời về nhà, ba ngày sau sẽ lại thương nghị. Tộc trưởng đến nhà Ngạn Trai hỏi riêng bà vợ, biết chuyện rồi cao hứng, triệu tập người trong họ lại, nói rõ nguyên nhân và bảo:

- Đây là một chuyện rất tốt! Kỳ thi năm nay Ngạn Trai nhất định sẽ trúng tuyển. Nhưng đem cầm đồ từ đường là một tội không thể tha. Vậy cấm Ngạn Trai không được vào từ đường, đợi trúng tuyển rồi mới cho vào.

Mọi người đều bằng lòng. Khi ra bảng, Ngạn Trai quả nhiên đậu cử nhân hạng rất cao, được triều đình bổ làm Thông Chân học chính (hiệu trưởng một trường huyện).



#3 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 30/04/2012 - 03:04

3. Tiến Sĩ DƯƠNG TIỆN

Ông cử Dương Tiện là một người học hành rất xuất sắc, gia cảnh lại phong lưu. Mùa hạ năm đó cùng đồng bọn kết bạn tham dự kỳ thi Hội. Đã đỗ đầu kỳ thi Hương, trong túi lại có nhiều tiền, mỗi ngày ông đều cùng bạn bè nơi quán trọ uống rượu, ngâm thơ làm vui. Cùng trọ trong quán có một vị thuật sĩ, tướng thuật rất cao minh, nói đâu trúng đó. Dương Tiện thường chuyện trò với ông ta rất tâm đầu ý hợp. Một hôm, Dương Tiện xách một con cá vào phòng thuật sĩ cười bảo:

- Ông rất giỏi xem tướng, ông xem tôi có ăn được con cá này không?

Vị thuật sĩ xem cá, xem ông Dương Tiện rồi nói:

- Không được!

Dương Tiện mang cá vào bếp chiên, sau đó mang về phòng để lên bàn, rồi đi mời thuật sĩ tới cùng ăn, chuẩn bị cười ông đoán sai.

- Tôi có ăn được cá không?

- Không được!

Nói chưa dứt lời thì một con rắn từ trên trần nhà rớt xuống làm đổ đĩa cá. Mọi người kinh sợ hét lên. Con rắn bèn bò đi mất. Dương Tiện không ăn được cá rất thán phục thuật sĩ, ông ta khiêm nhượng:

- Tướng thuật của tôi có đáng gì! Vì ông định ngạo tôi nên tôi cũng đùa một chút chơi chứ con cá này chẳng quan hệ gì đến tướng thuật cả.

- Tôi có đậu được tiến sĩ không?

Thuật sĩ do dự:

- Tôi sợ ông giận.

- Cứ nói đi, có quan hệ gì?

Thuật sĩ định nói lại thôi, Dương Tiện năn nỉ hai ba lần, thuật sĩ miễn cưỡng bảo:

- Ông không có hy vọng trúng tuyển, hơn nữa sắc mặt ông rất xấu, canh 3 ba hôm nữa ông sẽ chết không toàn thây. Ở đây không xa nhà ông mấy, ông mau trở về ngay.

- Có tránh được không?

- Như tôi thấy thì không thể được.

Dương Tiện thấy ông ta nói chắc như thế, trong lòng hoảng sợ, sửa soạn hành lý đi về. Bạn bè trách thuật sĩ nói láo, giữ không cho Dương Tiện về. Dương Tiện đành lưu lại quán nhưng lòng riêng không an. Ba hôm sau, trời sáng trăng, bạn bè đều ngủ cả. Dương Tiện lo lắng nằm ngồi không yên, bèn trở dậy ra ngoài tản bộ. Bỗng nghe có tiếng khóc nức nở từ một căn nhà đổ nát. Dương Tiện đẩy cửa bước vào thì thấy một người đàn bà đang ôm hai đứa nhỏ khóc lóc rất ai oán.

Dương Tiện gạn hỏi thì ra chồng của thiếu phụ thiếu nợ một phú ông năm mươi lạng, bị đối phương thưa kiện, bị bắt bỏ tù, bị đánh đập khổ sở, chỉ còn cách bán vợ, đợ con để hoàn trả. Bà mẹ không nỡ xa con nên mới khóc thương tâm như thế. Dương Tiện, nghĩ bụng: tiền thì mình không thiếu, nhưng như thuật sĩ nói mình sắp chết, giữ tiền lại có ích gì chi bằng giúp cho gia đình này khỏi tan nát, bèn hỏi:

- Đã làm khế ước chưa?

- Còn chưa.

- Nếu có tiền có thể giải quyết được không?

- Được!

- Người môi giới ở đâu?

- Ở gần đây thôi.

- Vậy hãy mời ông ta tới đây, tôi về nhà lấy tiền giúp bà.

Người thiếu phụ nghi ngờ Dương Tiện có dụng ý gì khác do dự không chịu đi. Dương Tiện cười nói:

- Tôi vì không nỡ thấy gia đình bà cốt nhục phân ly, do đó mới giúp. Bà hãy đi ngay đi, đừng chần chờ nữa.

Người đàn bà vui mừng ra đi, Dương Tiện cũng trở về quán trọ lấy bảy mươi lạng bạc mang đến. Khi vào nhà thấy người đàn bà và một ông lão ngồi đó bèn hỏi ông là ai. Ông lão cho biết là người môi giới bán người. Dương Tiện trao tiền cho thiếu phụ và nói rõ nguyên nhân. Ông lão kinh ngạc:

- Thầy chỉ là một người qua đường mà trọng nghĩa như thế, huống hồ tôi là hàng xóm của bà đây. Nhờ hậu ân của thầy, việc bán thân không cần phải nói nữa. Bây giờ lão sẽ mang tiền nộp quan phủ để họ thả ông chồng bà này về.

Nói rồi mở túi tiền ra xem, thấy thừa hai mươi lạng.

- Tiền thừa là để giúp vợ chồng họ mưu sinh, tránh không bị thiếu tiền người khác nữa.

- Thầy thật là chu đáo, là cha mẹ tái sanh của vợ chồng họ.

Chuyện xong rồi, Dương Tiện trở về quán trọ nghĩ đến lời thuật sĩ không ngủ được, nghe trống báo canh ba nghĩ bụng:

- Đã tới lúc rồi!

Đương nghĩ ngợi bỗng nghe có tiếng gọi cổng bèn ra mở cửa thì ra là hai vợ chồng thọ nạn đến cảm ơn. Dương Tiện an ủi hai vợ chồng rồi tiễn họ ra cửa. Định trở về phòng ngủ thì bỗng nhiên nghe ầm một tiếng vội chạy vào xem thì ra bức tường bị đổ đè ụp xuống, giường ngủ gẫy nát. Nếu Dương Tiện nằm trên đó thì đã tan xương nát thịt. Ngày hôm sau, Dương Tiện đến thăm thuật sĩ cười ông đoán bậy. Thuật sĩ ngắm nghía một lát rồi bảo:

- Ông đừng dối tôi. Nhất định hôm qua ông đã làm một việc gì đó ân đức rất lớn khiến mặt ông đầy vẻ tốt lành. Không những ông không chết mà còn thi đậu tiến sĩ nữa.

Dương Tiện rất khâm phục. Năm đó, quả nhiên đậu tiến sĩ rồi được triều đình bổ nhiệm vào Hàn Lâm Viện.



Thanked by 7 Members:

#4 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 30/04/2012 - 08:00

4. THƯỢNG THƯ TIỀN VĂN MẪN.

Thường Châu có nhiều dòng họ hiển quý như dòng họ Tể tướng Lã Cung, trạng nguyên Dương Đình Ích...Con cháu đều liên tục thi đỗ, thư hương bất tuyệt; chỉ có con cháu Tiền công là suy bại. Đến nay không còn người nối dõi.

Tương truyền trong trận đánh với người Miêu, Tiền công là Hình bộ thượng thư, tham tán quân vụ. Khi người Miêu bị đánh bại rồi, thủ lãnh đã bị giết. Chủ soái định giết hết tráng đinh nhưng tha cho con trẻ, liền đến hỏi ý kiến Tiền công. Công bảo:

- Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc!

Do đó, già trẻ lớn bé đều bị giết sạch. Cả một giải Đồng Sơn của người Miêu bị tuyệt chủng. Tiền công ban sư hồi trào, không lâu đột ngột mà chết. Mấy đứa con sau đó cũng theo nhau mà chết. Các cháu phần lớn là tàn tật rồi dòng họ Tiền hương hỏa dứt tuyệt. Sát nhân thảm báo không thể không sợ!

Thanked by 7 Members:

#5 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 30/04/2012 - 08:05

5. THẨM HỒNG PHI

Ở Ngô Hưng có ba anh em nhà họ Thẩm. Thẩm Hồng Phi là lão nhị, tâm địa không tốt, tánh tình hiểm ác. Anh cả ra ngoài buôn bán để vợ ở lại nhà. Vợ thấy lão tam còn nhỏ không sợ hiềm nghi, mỗi lần viết thư cho chồng đều vời lão tam vào phòng nhờ viết hộ. Lại thường mời ăn uống để tạ ơn.

Hồng Phi bất hoà với chị dâu, vu cáo chị dâu với lão tam thông gian, gặp ai cũng nói, khiến chị dâu bị mang tiếng xấu. Có kẻ khinh bạc còn làm thi từ để chế diễu. Chị dâu không có cách nào thanh minh, cuối cùng treo cổ tự tận. Hồng Phi cảm thấy rất đắc ý, hắn cho rằng sự việc ấy chứng minh lời nói của hắn là thực.

Lão tam cũng không có cách nào tự thanh minh, ưu phiền thành bịnh, không lâu cũng chết. Một hôm, Hồng Phi từ ngoài trở về nhà bỗng kêu lên:

- Có quỷ ! Có quỷ !

Khi mọi người chạy đến, hắn bèn ra giữa đường tự mình vả vào mặt :

- Tên giặc ác tâm này ! Ngươi vu cáo ta và tiểu thúc thông gian khiến ta phải tự tử, ngươi lại còn liên tục phá hoại danh tiết ta, khiến tiểu thúc ôm hận mà thác. Ta và tiểu thúc cáo ngươi với âm phủ, nay âm phủ cho người đến lấy mạng ngươi !

Tiếp đó lại đấm ngực :

- Ngươi và đại huynh bất hòa, ngươi vu cáo chị dâu và ta thông gian, lương tâm ngươi để đâu ?

Người đi đường đứng xem rất đông; mọi người đều biết oan hồn lão tam và chị dâu nhập xác Hồng Phi nói ra oan tình. Có một người lên tiếng hòa giải :

- Sự tình đã vậy, lấy mạng hắn có ích gì ? Chẳng bằng bảo hắn thỉnh cao tăng đến làm pháp sự siêu độ cho nhị vị có hơn không ?

- Ta vốn không làm ác, cần gì hòa thượng siêu độ, nếu chị dâu bằng lòng thì ta cũng bỏ qua.

- Phá hoại danh tiết người ta là một trọng tội há có thể nào hòa giải sao ?

Nói rồi Hồng Phi tự cắn lưỡi, lại lấy đá đập vào mồm, răng rụng hết, máu me đầm đìa, sau cùng đập đầu vào cột đá mà chết. Lời ác độc không gì bằng vu khống. Thiên đạo chí công, tự tác tự thọ.


Thanked by 6 Members:

#6 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 30/04/2012 - 19:31

6. TRƯƠNG QUÁN SÁT

Trương lúc còn là tú tài, nhà rất nghèo; phẩm hạnh cũng không mấy tốt, người ta cũng sợ Trương vài phần. Tuy vậy tánh rất hào phóng, khi có tiền đều vung tán khắp, những người nghèo khổ đều được giúp đỡ. Có lẽ vì đó mà nhà Trương thường không có gạo nấu cơm.

Đêm trừ tịch năm nọ, nhà Trương hết gạo; Trương định đến nhà bạn bè để vay mượn. Nhưng bạn đa số có hiềm khích, hoặc là bọn tiểu nhân, chẳng lẽ muối mặt xin giúp đỡ. Chiều đã xuống rồi, không nghĩ ra cách gì cả, Trương chỉ đành lấy quần áo của vợ đi cầm, được ít tiền mua vài thứ, để vào giỏ xách về. Nhà Trương ở trong ngõ hẹp, lúc đó trời lại đang mưa, đường trơn tuột. Lúc gần tới nhà, Trương sơ ý bị ngã, các đồ trong giỏ bị văng ra đường, đêm tối chẳng biết đâu mà mò.

Trương tức giận về nhà, xách đèn ra tìm. Lấy đèn soi đường, Trương bỗng thấy một cái túi, vội nhắc lên thấy rất nặng bèn mang về nhà. Khi mở túi ra xem thì thấy có hai đồng nguyên bảo, khoảng trên mười lạng bạc, hơn trăm đồng dương tiền, lại có một cuốn sách trước bạ ghi tên người nợ và số nợ. Trương rất cao hứng, nhận rằng có số tiền này thì sinh hoạt sẽ được cải thiện. Khi mang túi đi cất, Trương nghĩ bụng : đây chắc là người đi thâu tiền làm mất, nếu không giao nộp cho chủ thì chỉ có nước chết; chi bằng ta đợi họ đến tìm rồi giao lại.

Trương bèn lấy một ít bạc lẻ đi đong gạo cho vợ thổi cơm. Sau đó cầm đèn ngồi ở cửa đợi. Ngoài trời, tuyết bắt đầu rơi, không lâu thấy có một ông lão và hai đứa nhỏ mang đèn đi chiếu khắp nơi tìm kiếm gì đó. Trương biết ngay là người đánh mất túi. Đợi ông già lại gần, Trương hỏi :

- Ông tìm gì đó ?

Ông lão nhận ra Trương, biết anh ta không mấy tốt, không dám nói thật, chỉ ậm ừ không nói. Trương tức giận :

- Ông cầm đèn soi khắp nơi nếu không phải là tìm vật đánh mất, chẳng lẽ nhận đường đi chuẩn bị đánh cướp hay sao ? Không nói thật, ta chẳng để cho ông đi !

Ông lão bất đắc dĩ phải nói thật :

- Lão đi thâu tiền, tới đây ngồi nghỉ mệt, không ngờ trời mưa vội chạy về nhà quên mất túi vải nên trở lại tìm. Không thấy đâu cả; có lẽ bị người lấy đem đi rồi.

- Trong túi có đồ vật gì ?

- Tiền bạc và sổ ghi nợ.

Trương thấy đúng những gì mình thấy, bèn cười :

- Hãy vào nhà tôi ngồi chơi, tôi biết ai lấy túi vải.

- Nếu ông biết ai lấy xin chỉ cho tôi.

-Chỗ này không tiện nói chuyện, mời vào nhà.

Khi hai người vào nhà rồi ông lão năn nỉ :

- Nếu ông biết ai lấy, xin cho tôi hay, tôi vĩnh viễn không dám quên ơn.

Trương rót trà, hỏi :

- Ông làm gì ?

- Tôi là người đi thâu tiền.

- Nay đánh mất sổ thâu rồi thì sao ?

- Dẫu khuynh gia bại sản cũng không đủ tiền đền, chỉ còn nước chết, nếu ông biết ai lấy xin bảo cho biết.

Trương không đáp. Ông lão nghĩ Trương đùa mình bèn đứng dậy đi. Trương cười bảo :

- Ông hãy ngồi chờ một lát, tôi không biết ai lấy túi của ông, nhưng tôi có vật này trả ông.

Bèn mang túi vải đưa ra. Ông lão thất kinh, định nói lại không dám. Trương an ủi :

- Ông đừng nghi, nếu tôi tham lam thì giờ này đã ở trong quán nhậu nhẹt rồi, hà tất ngồi ngoài trời mưa tuyết chờ ông, tôi chỉ lấy chút bạc vụn mua gạo thôi, ông không phiền chứ ?

Ông lão vui mừng quỳ ngay xuống đất lạy tạ, khi đứng lên lấy một nửa số bạc trao cho Trương; nhưng Trương từ chối. Ông già năn nỉ :

- Nếu ông không nhận, thực tôi không dám đi !

- Nếu ông quả thật muốn đền ơn, cho tôi mượn hai lạng ăn tết là đủ.

Ông lão thấy Trương thành ý, không dám nói thêm, trao cho Trương hai lạng rồi lạy tạ mà đi. Trương mang hai lạng bạc ra chợ mua rượu thịt về nhà cúng thần, rồi cùng vợ đối ẩm. Ăn uống xong đi ngủ, nằm mộng thấy bị bắt đưa đến trước mặt một người. Người đó mắng Trương :

- Ngươi làm nhiều điều bất nghĩa, nếu không chịu cải hối chỉ còn cách sa vào đường ngạ quỷ.

Trương đang lúc cầu xin bỗng có một người lại mang tờ bẩm tới, người đó xem rồi vui cười bảo :

- Đây là một việc rất tốt! Có thể trừ vào những việc xấu đã làm. Nên cho chút lộc thưởng, mùa thu này cho thi đậu.

Lại quay bảo Trương :

- Ngươi trở về, phải sửa đổi tánh hạnh !

Trương tỉnh dậy, biết việc mình giúp ông lão được thần nhân chấp nhận, bèn thề sửa đổi tánh tình. Đến mùa thu, các tú tài đều đến Kim Lăng dự kỳ thi Hương; chỉ có Trương không tiền, đến bữa ăn hàng ngày còn lo không xong, dĩ nhiên là không đi thi được. Một hôm Trương bỗng gập ông lão ở ngoài đường. Ông lão hỏi Trương sao còn chưa đi thi, Trương nói nhà nghèo nên không đi. Ông lão bảo :

- Ông là người tốt, sao lại không đi? Ông hãy về nhà đợi tôi.

Trương về nhà đợi, không lâu ông lão đến đưa cho Trương hai mươi lạng :

- Đây là tiền để dành của lão, ông có thể dùng thuyền đến Kim Lăng mà dự thi.

Trương nhận tiền cảm tạ. Khi ông lão đi rồi Trương nghĩ bụng : Đem tiền này đi dự thi, nếu đỗ chẳng nói làm gì, nếu trượt thì sao? Chi bằng đem mua gạo cũng đủ sống nữa năm. Định không đi thi, nhưng lại nghĩ khó nhìn mặt ông lão. Đang lúc do dự lại nghe có tiếng gõ cửa. Ra mở cửa thì thấy ông lão và một người trẻ tuổi. Ông lão giới thiệu :

- Đây là thiếu chủ của lão, thiếu chủ thấy nghĩa cử của ông rất cảm động; nghe ông đi thi, sợ gia đình ông thiếu thốn nên mang tặng ông hai mươi lạng để ông chi dùng.

Trương vui mừng quá điều mong ước, bèn lên thuyền đi thi. Khi ra bảng quả nhiên đậu hạng cao. Ông lão lại cùng chủ nhân đến giúp Trương tiền lên kinh thi Hội. sau cùng Trương quả nhiên đậu tiến sĩ, làm quan tới bực Quán Sát.




Thanked by 5 Members:

#7 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 30/04/2012 - 19:43

7. LƯU ÔNG

Lưu ông là người Hàng Châu, từ nhỏ tánh tình thành thực như đếm, không thích dối người. Nhà tuy nghèo nhưng thích giúp đỡ người. Năm hai mươi tuổi, cha mẹ đều mất không ai đốc thúc, hướng dẫn, chỉ tự mình mưu sinh. Lưu có một người họ hàng làm huyện lịnh tại tỉnh Quảng Đông. Lưu định đến nương cậy, bèn bán nhà được hơn mười lạng, đi Quảng Đông. Đi tới Giang Tây thì gặp một người bạn đồng hương. Người này muốn về quê nhưng trong túi chẳng còn một xu, không biết phải làm sao. Lưu bèn chia cho bạn năm lượng để có tiền về quê.

Khi đến Quảng Đông, Lưu mới hay tin người họ hàng mới mất, vợ con đều theo linh cữu về quê rồi. Lúc đó đang ở quán trọ, tiến thối lưỡng nan, không lâu ngã bệnh. Chủ quán thương ông còn trẻ, không người nương tựa, mời thầy thuốc trị bệnh cho ông. Bệnh khỏi rồi, Lưu trong mình không tiền, không thể về quê, cũng không có tiền trả chủ quán. Lưu nghĩ bụng : mình đã không có thân thích nào trên đời, cũng chẳng có gì lưu luyến, hay là kết thúc cho xong một kiếp ? Nghĩ rồi ra Ngũ Dương Thành, tìm chỗ vắng vẻ. Lưu cúi nhìn dòng nước chảy cuồn cuộn, chuẩn bị nhẩy xuống, bỗng nhiên thấy ở bờ sông có vật gì chiếu lóng lánh.

Lại gần xem thì ra là một đồng tiền bạc. Lưu nghĩ sao ở bờ sông lại có người đánh mất bạc? Có lẽ ông trời cho ta một con đường sống chăng ? Lại tưởng đến vùng phụ cận có nơi đánh bạc, một đồng có thể ăn ba chục đồng. Mấy hôm trước có dán giấy nói hôm nay có ba sòng bạc; hãy thử coi nếu trúng thì có tiền về quê; nếu thua thì nhẩy sông cũng chưa muộn. Bèn trở lại, khéo đâu lại gặp ngay chủ quán cũng định đi đánh bạc. Hai người cùng đi, không ngờ đánh đâu trúng đó, được một số tiền lớn. Về tới quán, Lưu bảo chủ quán :

- Tôi là người nghèo, tứ cố vô thân, tới chỗ này bệnh gần chết, nhờ ông tôi mới được số tiền này. Hiện tôi định ở đây thành gia, lập nghiệp. Nếu kiếm được nhiều tiền nguyện cùng ông chung hưởng, chỉ là không biết buôn bán gì ?

- Ông được số tiền này đều là do phúc phận của ông cả, tôi nào có công cán gì. Nếu ông muốn lập nghiệp ở đây thì tôi thấy có một tiệm tạp hóa bán đồ ngoại chuẩn bị sang lại. Ông đem tiền kinh doanh nhất định có lời lớn.

Lưu bằng lòng, lại giao cho chủ quán toàn quyền xử lý. Chủ quán là một người thành tín, có thể tin cậy được. Lưu làm chủ tiệm tạp hóa, phàm buôn bán thứ gì cũng được lời nhiều. Không tới mười năm, tư kim đã lên tới mười vạn lạng, lại quen biết nhiều thương nhân ngoại quốc. Lưu vốn là một người thành tín, giao dịch với mọi người rất chân thành, khi đã nhận lời thì nhất định làm cho xong. Ai gặp khó khăn gì xin giúp đỡ, không bao giờ từ chối. Do đó những thương gia ngoại quốc đều tín nhiệm.

Lúc đó một ngân hàng ngoại quốc có bốn tầu chở hàng hóa chưa khui ra, thì được lệnh từ mẫu quốc phải trở về gấp. Định cứ để hàng ở kho, nhưng lại sợ bị tổn thất. Bàn đi tính lại, chỉ có Lưu là người đáng tin cậy, bèn nhờ người trung gian để liên lạc. người trung gian là hàng xóm của Lưu, vì thiếu tiền quan nên bị bắt giam, định bán con gái để trả nợ. Lúc đó có người bảo cho Lưu biết con gái ông ấy rất đẹp. Lưu biết chuyện bèn giúp tiền. Khi ra khỏi ngục người ấy bèn làm khế ước mang con gái đến giao cho Lưu. Lưu không những xé khế ước, còn trả người con gái lại để cha con họ đoàn tụ. Người hàng xóm rất cảm kích, không biết lấy gì báo đáp, nghe được chuyện này vội đến nhà Lưu bảo cho Lưu biết. Lưu kinh ngạc nói :

- Giá trị hàng hóa của bốn tầu này rất lớn, mang cả tài sản của tôi ra cũng chưa bằng một phần mười. Vạn nhất có tổn thất tôi lấy gì mà đền ?

Thương gia ngoại quốc nói :

- Ông cứ nhận đi, ba năm sau chúng tôi mới thâu tiền, có được không ?

Lúc đó Lưu tuy có nhiều tiền, nhưng chưa lập gia đình, nghe hẹn ước ba năm, buồn rầu bảo :

- Tôi chưa có gia đình, tuy tôi làm việc không có gì phải thẹn với lương tâm; không dám hạnh phụ người. Nhưng việc đời khó lường. Giả sử ba năm sau phát sinh biến cố, các ông đi đâu mà lấy tiền ?

Lưu nhất định cự tuyệt. Lúc đó quản lý của Lưu là ông chủ quán lúc trước, là người cũng được thương nhân ngoại quốc tín nhiệm, nhờ ông ta làm trung gian. Hàng hóa cộng tới một trăm vạn lạng, chỉ cần đưa trước mười vạn, ba năm sau sẽ thanh toán nốt số còn lại. Hai bên thỏa thuận ký hợp đồng. Không tới hai tháng sau, vì chiến tranh tầu buôn ngoại quốc đều không đến. Hàng hoá Tây phương khan hiếm, trở nên quý. Lưu đem hàng ra bán lời gấp ba lần. Lưu cùng chủ quán thương nghị giữ lại tiền vốn, còn bao nhiêu đem kinh doanh, kết quả tiền đẻ ra tiền, càng lúc càng nhiều.

Đương thời phú gia đại tộc đều tranh nhau gả con gái cho Lưu. Ông lập gia đình sinh hoạt không kém gì nhà vương hầu. Nhưng Lưu không vì giàu có mà kiêu ngạo, trái lại rất trung hậu, thận trọng và giúp đỡ mọi người. 5 năm sau, thương gia ngoại quốc trở lại. Lưu rất cao hứng mở tiệc khoản đãi có ca xướng giúp vui. Sau vài tuần rượu Lưu nâng ly :

- Tôi may mắn nhờ hàng hóa của các vị mà ngày nay tài sản có cả trăm vạn. Không có các vị tôi đâu có ngày nay. Nay tiền vốn và lời không thiếu một phân, nay xin giao trả.

- Đó là phúc khí của ông, đối với chúng tôi vô can. Chúng tôi chỉ xin lại vốn thôi.

Cuối cùng thương gia ngoại quốc nhận lại tiền vốn, cộng thêm tiền lời mỗi năm một phân. Các thương gia ngoại quốc đều ca tụng sự thành tín của Lưu. Không lâu, ngân hàng ngoại thương có chuyện bê bối bị thương nhân ngoại quốc chỉ trích. Quan phủ định cử người tiếp tay, nhưng không tìm được ai. Các thương nhân ngoại quốc đều đề cử Lưu. Lưu không nhận :

- Ngân hàng phải dùng nhiều tiền mặt, tiền của tôi đều phân tán đi buôn bán cả, làm sao làm được ?

- Ông không phải lo.

Do đó họ xuất tiền mặt ra cho Lưu. Lưu đành phải nhận. Sau khi tiếp nhận ngân hàng, người ngoại quốc đều giao dịch với Lưu, không quá mười năm trở thành cự phú, giầu có nhất tỉnh. Lưu sống đến chín mươi tuổi, con cháu đầy nhà.



Thanked by 5 Members:

#8 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 01/05/2012 - 09:39

8. CÁI CHẾT CỦA THƯỢNG TƯỚNG DIỆP KỲ.

Quế Lâm là một nơi có phong cảnh rất đẹp thuộc tỉnh Quảng Tây; chủ nhiệm tỉnh bộ là Lý Tông Nhân, phó chủ nhiệm là Bạch Sùng Hy, thượng tướng Diệp Kỳ là tham mưu trưởng.

Trong một căn nhà nhỏ thuộc khu bình dân ở gần thị tứ , bà Tô sống với hai con nhỏ là Đại Oa và Nhị Oa. Bà Tô là một người đàn bà hiền thục, thích giúp đỡ mọi người; chồng bà là Tô Tiểu Võ là một binh sĩ thuộc ngành truyền tin, là một đệ tử của Lưu Linh. Một trưa chủ nhật, bà Tô đang may vá, Đại Oa đang học bài, Nhị Oa đang chơi bóng, Tiểu Võ như cuồng cẳng đi đi lại lại trong phòng, bỗng bảo vợ :

- Anh ra ngoài phố chơi, thuận tiện sẽ mua óc heo về, mình cứ nấu cơm sẵn, đợi anh về sẽ làm món nhậu chơi.

- Hàng ngày anh ít về nhà, ngày chủ nhật hãy ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Bữa chiều đã có sẵn mấy món rau dưa và đậu phụ. Óc heo thì em và các con đều không dám ăn đâu, đừng mua.

- Mình đừng cố chấp. Đại Oa đã đi học, Nhị Oa cũng sắp đi học; ăn óc heo bổ óc, thông minh biết không ?

Đại Oa chen vào :

- Bố, đừng mua óc heo, mua bút chì cho con.

Nhị Oa cũng nói leo :

- Bố, con không muốn óc heo, con muốn ăn kẹo cơ.

- Đại Oa ! Con cố học đi bố sẽ mua bút chì cho con.; còn Nhị Oa, ăn óc heo ngon hơn ăn kẹo con ạ !

Tiểu Võ không nghe lời vợ con, cứ đi ra phố. Tiểu Võ đi quanh quẩn một vòng, qua tiệm rượu bị mùi thơm quyến rũ bèn vào kêu một đĩa thịt nướng và hai bình rượu. Nhậu nhẹt xong, dường như vẫn chưa thỏa còn mua thêm hai bình rượu đem về, lại ghé qua hàng thịt để mua óc heo. Rượu bốc lên cảm thấy nóng, Tiểu Võ mũ đội lệch ra đằng sau, áo cởi khuy phanh ngực, tay trái cầm hai bình rượu, tay phải chỉ đầu heo bảo đồ tể :

- Lão bản, bán cho ta một bộ óc heo !

Đồ tể ngửi thấy mùi rượu nồng nặc đã chán ghét, nhưng thấy là binh sĩ nên nói nhỏ nhẹ :

- Đồng chí, đầu heo, óc heo đều có người đặt mua rồi, muốn mua óc heo, ngày mai trở lại.

Thật làm mất hứng, Tô Tiểu Võ trợn mắt, giằng lấy dao chém phăng vào đầu heo :

- Lão tử hôm nay nhất định phải mua, ngươi thấy sao hả ?

Đồ tể cũng nổi giận, hai người tranh cãi náo loạn. Bỗng một con tuấn mã phi tới, từ ngựa nhẩy xuống một vị tướng quân. Ai Vậy ? Đó chính là thượng tướng tham mưu trưởng Diệp Kỳ. Nguyên lai ông đi qua chợ thấy một binh sĩ đầu đội mũ không chỉnh tề, áo lại phanh ra, tay trái cầm bình rượu, tay phải giơ đồ đao tranh cãi với người dân. Do đó bèn xuống ngựa để hỏi chuyện. Tô Tiểu Võ dĩ nhiên là nhận ra ông tướng của mình, vội sửa lại mũ, bỏ rượu và đao xuống bàn, đứng ngây ra đó. Diệp Kỳ đưa mắt nhìn Tiểu Võ từ đầu đến chân, rồi lại nhìn đồ tể, trầm giọng hỏi :

- Chuyện gì vậy ?

Đồ tể bèn thuật lại đầu đuôi. Diệp Kỳ nghĩ bụng : cầm binh thì không thể hiền, giầu có thì khó mà giữ nghĩa. Đây chính là cơ hội ra oai quân kỷ; mặt lạnh như tiền bảo đồ tể :

- Ta là tham mưu trưởng đây, ngươi dám giết hắn không, ngươi cứ giết đi, ta hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Đồ tể giơ đồ đao lên. Tiểu Võ mắt hoa lên, quỳ xuống :

- Xin tham mưu trưởng thứ tội, vợ con tôi đang chờ tôi về ăn cơm, nào ngờ tôi...

Tiểu Võ nghẹn ngào không nói ra lời.

- Ngươi sợ chết sao ? Quân nhân như ngươi đánh trận gập địch quân lại quỳ đầu hàng ư ?

Diệp Kỳ nổi giận, hướng đồ tể hét lớn :

- Giết !

Đồ tể chửi thầm trong bụng : Con mẹ nó ! Uy phong của mày nãy giờ đâu, sao bây giờ hèn mạt thế ? Để ta thành toàn cho mày !

Bèn lia một nhát dao; đầu Tiểu Võ rớt xuống, máu chảy lênh láng. Con ngựa hý vang, Diệp Kỳ nhẩy lên lưng nó phóng đi, về tới dinh sai người tới thâu thi thể. Lại nói về bà Tô nấu xong cơm chiều, đợi mãi không thấy chồng về. Các con kêu đói bụng, đành phải cho con ăn trước, trong bụng không yên ra ngoài cửa nghe ngóng. Thấy nhiều người tụ họp, lại thấy lão Lý bán rau đang nói chuyện với vợ chồng Vương tiên sinh hàng xóm. Mọi người đều trợn tròn mắt, chăm chú nghe lão Lý nói. Bà Vương thấy bà Tô đến bèn đưa mắt cho lão Lý, lão Lý liền ngậm miệng lại. Mọi người đều nhìn bà Tô, khiến bà nghĩ chắc chồng mình có chuyện gì rồi.

Bà Vương lên tiếng :

- Bà Tô, bà đợi ông nhà về ăn cơm có phải không ?

Bà Tô gật đầu.

- Muộn quá rồi, chắc ông ấy phải vào trại, bà hãy về ăn cơm đi !

Bà Tô trở về nhà, bỗng có hai binh sĩ khiêng một tấm ván trên đặt thi thể Tiểu Võ. Một vị sĩ quan tay cầm hai bình rượu Tiểu Võ mua đi phía sau, do hàng xóm chỉ, dẫn đến nhà Tiểu Võ. Đại Oa và Nhị Oa đều khóc lớn. Vị sĩ quan hướng bà Tô nói rõ sự tình và đưa ra một phong bao.

- Đây là tiền để lo việc ma chay, chỗ còn lại để nuôi dưỡng hai cháu.

Nói rồi dẫn hai binh sĩ đi. Bà Tô nhận tiền không bi thương khóc lóc, đứng yên bất động. hàng xóm xúm lại an ủi nhưng bà như không nhìn, không nghe gì cả. Rất lâu, bà mang bao tiền giao cho Vương tiên sinh :

- Nhờ ông lo giùm.

Nói rồi ngất đi, mọi người dìu bà về phòng. Vương tiên sinh thấy tình cảnh bi thảm như vậy không thể khoanh tay; hàng xóm cũng giúp vào, người lo mua quan tài, người sửa soạn tang phục...Tất cả đều sẵng sàng đợi sáng hôm sau sẽ an táng. Bà Vương kéo Đại Oa ra dặn riêng :

- Hôm nay con phải coi chừng mẹ, nếu thấy có gì lạ phải kêu ta và Vương bá bá, nghe không !

Đại Oa gật đầu. Lúc gần sáng, bà Vương nghe tiếng Đại Oa và Nhị Oa khóc gọi mẹ, hai vợ chồng vội chạy sang thì thấy Đại Oa và Nhị Oa ôm nhau mà khóc nhưng không thấy bà Tô đâu cả. Hàng xóm đều thức dậy, chia nhau đi tìm khắp nơi, các giếng nước, bờ sông đều không thấy tông tích bà Tô. Vương tiên sinh chỉ còn cách an táng Tiểu Võ và nuôi dưỡng hai đứa nhỏ. Vài tháng sau, một sáng đồ tể sửa soạn đồ nghề chuẩn bị ra chợ sớm, bỗng nghe có tiếng mõ, rồi một ni cô đến khuyến hóa :

- Thí chủ, xin bố thí kết duyên !

Đồ tể đưa tiền, ni cô lắc đầu. Đồ tể đưa gạo ni cô cũng lắc đầu.

- Vậy cô muốn sao ?

- Xin thí chủ bố thí đồ đao .

- Người xuất gia không ăn thịt, cô dùng đồ đao làm chi ?

- Xin thí chủ buông đao, cải nghiệp đừng sát sanh nữa.

- Thịt tại trước mắt còn Phật ở Tây phương, cô muốn cả nhà tôi chết đói sao ?

- A Di Đà Phật ! Thịt ở trước mắt, Phật ở trong tâm.

Ni cô gõ mõ rồi đi. Ni cô đi rồi, người chung quanh bảo đồ tể :

- Vị ni cô vừa rồi là vợ của Tiểu Võ bị ông giết đó.

- Ái chà ! Chả trách cổ muốn đồ đao, thì ra muốn báo thù cho chồng. Nếu ta đưa đao cho cổ chắc mạng ta không còn.

Đồ tể nói rồi xoa đầu, ra chợ tiếp tục mua bán. Đến trưa có một người đến mua giò heo. Đồ tể giơ đao lên chặt chân heo. Bỗng nghe tiếng ngựa hý, kinh tâm động phách. Ngẩng đầu lên coi thì thấy con tuấn mã dựng đứng hai chân trước hất người cưỡi chân chổng lên trời, đầu chúc xuống đất.

Người đó là ai ? Chính là Diệp Kỳ. Nguyên lai Diệp Kỳ cưỡi ngựa qua đó, con ngựa lần trước thấy đồ tể giết người làm cho sợ hãi, lần này lại thấy đồ tể vung đao lên nên hoảng kinh, tưởng đồ tể lại giết người nên cất vó hý lên hất Diệp Kỳ xuống. Đồ tể thấy ngựa chồm tới vội vất dao xuống bàn chạy tránh, chẳng dè hấp tấp xô vào bàn, con dao văng vào cổ đứt lìa chết tốt. Diệp Kỳ ngã ngựa đầu bị chấn thương cũng mất mạng. Không lâu, báo chí đăng bộ tư lệnh bổ nhiệm Lý Tiên Châu thay thế Diệp Kỳ. Chuyện này ở Quế Lâm không ai không biết.



Thanked by 5 Members:

#9 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 01/05/2012 - 10:17

9. TRẠNG NGUYÊN LA HỒNG TIÊN.

Trào Minh, Niệm Am thiền sư tên tục là La Hồng Tiên, người tỉnh Giang Tây, huyện Cát Thủy; mới sinh được hai tháng thì cha bất hạnh qua đời, do mẹ ngậm cay nuốt đắng nuôi nấng nên người. Hồng Tiên rất mẫn tuệ, sách chỉ đọc qua một lần là nhớ. Năm hai mươi tuổi thi trúng trạng nguyên, áo gấm về làng. Tuy còn trẻ đã làm quan to, nhưng ông không khoe khoang, kiêu ngạo; làm việc rất cẩn thận, liêm chánh. Lại nhân từ nhỏ cùng Phật có duyên ưa đọc kinh Phật nên thường nói :

- Phú quý ở nhân gian như sương ban mai; công danh như bọt nước !

Một hôm ông đọc bài Quy khứ lai từ của Đào Uyên Minh cảm khái làm một bài thơ đại ý : Cả ngày bận rộn biết lúc nào ngưng ? Chẳng bằng về hưu mặc áo vải, ăn cơm rau mà nhàn nhã. Chuyện đời như điện chớp, luân hồi như mây bay, sống ngày nay chẳng biết ngày mai; huống chi làm quan gặp nhiều nguy hiểm, gần vua như gần cọp, lúc nào cũng lo lắng thắc thỏm. Một nhà no bụng thì trăm nhà oán than; nữa đời công danh thì trăm đời oan uổng.

Do đó, ông từ quan về quê, canh tác để mưu sinh, tiêu dao tự tại. Con ông lúc đó đã mười tuổi. Ông rất yêu con, dạy dỗ mong nó nên người. Một hôm để khảo nghiệm xem có thông minh không, ông hỏi :

- Thiên (trời) đối với gì ?

Con hãy còn nhỏ không đáp được, bà mẹ đứng bên muốn giúp con, bèn chỉ xuống đất (địa). Thằng nhỏ nhìn xuống thấy có bãi cứt gà, bèn đáp :

- Kê phẩn.

La trạng nguyên thấy con ngu xuẩn, thất vọng. Lại hỏi :

- Phụ (bố) đối với gì ?

Bà mẹ chỉ vào ngực mình để gà cho con.

- Phụ đối với nhũ.

- Thật là oan gia ! Cho mày đọc sách có ích gì ?

Thất vọng với đứa con, ông lặng lẽ lên cổ sơn tự xuất gia. La trạng nguyên xuất gia rồi lấy pháp danh là Niệm Am; cả ngày ở trong bếp làm khổ hạnh tăng. Hàng ngày làm tạp dịch, lúc rảnh thì tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, lễ Phật. Như thế trải mười ba năm không ai biết ông là trạng nguyên. Ít lâu sau khi ông xuất gia, ông nghĩ mình bỏ đi mà không lời từ giã, bèn viết thư bảo cho vợ biết mình đã đi tu đừng chờ đợi, tìm kiếm làm gì. Phu nhân nhận được thư, không oán hận gì, ở nhà thờ Phật, hết lòng dạy con.

Đứa con mười ba năm sau cũng thi đỗ trạng nguyên. Phu nhân muốn báo tin con đỗ cho chồng hay nhưng không biết ông ở đâu. Hồng Tiên cũng nghe tin con đỗ trạng nguyên, bèn xuống núi về nhà thăm. Về đến nhà, đứng trước cổng. Gia nhân thấy một ông sư đứng trước cửa, nghĩ là đến hóa duyên bèn vào trình phu nhân rồi ra bảo ông :

- Phu nhân từ bi xin hóa duyên một đấu gạo.

- Ta không muốn gạo, chỉ cần gập chủ nhân.

Người nhà vào trình phu nhân, rồi bảo :

- Phu nhân xin cúng dường thêm một quan.

Ông lại lắc đầu, xin giấy bút viết một bài thơ bảo trình cho chủ nhân.

Đấu gạo, ngàn tiền ta chẳng thâu

Mười ba năm đâu có lâu

Con cháu tự có phúc con cháu

Chẳng vì con cháu mà làm trâu.

Sau đó bỏ đi. Phu nhân đọc thư vội chạy ra ngoài thì không thấy đâu nữa; sai người đi tìm khắp nơi cũng không thấy. sau nhiều phen dò hỏi mới biết ông từ Cổ sơn tự, Phúc Châu tới. Do đó, phu nhân sai con đến Phúc Châu tìm cha. Mỗi khi gặp tăng nhân đều tặng một đôi dép, vì La Hồng Tiên có nốt ruồi ở chân có thể nhận ra được. Cuối cùng tìm ra được La Hồng Tiên ở Dõng Tuyền Tự, cầu xin khổ sở mới mời được ông về nhà phụng dưỡng. Ông không bị ăn ngon, mặc đẹp mê hoặc, mà còn cảm thấy chán ghét. Một hôm nọ bảo con :

- Ta ở Cổ sơn tự đánh vỡ bảy cái bát. Theo lệ thì cứ đánh vỡ một cái phải bồi thường mười cái. Ta còn thiếu chưa trả, ngươi có thể trả hộ ta không ?

- Dạ được !

Người con sai người chở một thuyền bát hảo hạng đến trả cho chùa. Ông ở nhà nữa năm, một ngày coi dài như một năm. Đợi lúc con vắng nhà bèn bỏ đi, không trở lại chốn cũ, sợ con tìm ra, bèn tới Phúc Kiến, tu học với Long quốc sư, cuối cùng chứng ngộ.

Theo tục truyền, cha của La Hồng Tiên đến năm mươi tuổi vẫn chưa có con. Một hôm nhân đến chùa ăn chay để cầu sinh con; gặp một ông tăng bệnh, bèn tặng tiền thuốc men để chữa trị. Ông tăng đó cảm ơn nên đầu thai để trả ơn. Khi vợ lâm bồn, ông thấy một ông tăng đi vào phòng. Ông hét lên ngăn lại, khi mở cửa vào thì nghe tiếng trẻ khóc oa oa, còn ông tăng thì chẳng thấy đâu. Ông lấy làm lạ, cho người đi hỏi thăm tin tức mới biết ông tăng bệnh đã qua đời.


Thanked by 4 Members:

#10 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 01/05/2012 - 10:20

10. LÝ QUẢNG.

Lý Quảng là một vị danh tướng đời Hán, rất giỏi bắn cung, đánh giặc Hung Nô hơn bảy mươi trận đều thắng lợi. Người Hung Nô rất sợ ông, không dám xâm phạm nữa. Võ công hiển hách một thời, mọi người đều xưng tán là Phi Tướng Quân.

Hán Văn Đế phong ông chức Tân Kỵ Thường Thị, Hán Võ Đế phong ông Bắc Bình Thái Thú. Bộ hạ của ông nhiều người lại được phong chức cao hơn ông. Ông không bao giờ được phong Hầu. Một hôm ông hỏi một vị thầy tướng rất giỏi là Vương Sóc :

- Ông xem tướng tôi có được phong Hầu không ?

- Tướng quân hãy nghĩ kỹ lại có làm chuyện gì trái với lương tâm không?

- Ta có chuyện ân hận là lừa giết tám trăm người Khương đã đầu hàng.

- Lừa giết người đã đầu hàng là tướng quân đã gieo ác nhân, cho nên không thể được phong Hầu.

Về sau, Lý Quảng đánh trận bị lạc đường bị vây phải tự vẫn, cháu là Lý Lăng vì đầu hàng Hung Nô, nên mẹ và vợ đều bị giết.



Thanked by 2 Members:

#11 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 01/05/2012 - 10:30

11. TÀO CÁN

Linh Ẩn thiền sư kể: Lưu Ngọc Thọ, người Tô Châu làm phòng khảo quan ở Quý Châu. Một lần đi thuyền qua Hồ Quảng, đêm nằm mộng thấy một người mặt dài bảo ông :

- Tôi là Tào Cán ở đời Tống, trước đó dưới trào Đường là người buôn bán, ngẫu nhiên đi qua một ngôi chùa; có nghe pháp sư giảng kinh nữa buổi. Tôi có ra tiền biện trai cúng dưỡng đại chúng. Vì có thiện duyên này nên vài đời sau đều được làm chức quan nhỏ. Đến đời Tống làm tướng biên phòng. Khi đánh Giang Châu vì dân trong thành chống cự không chịu hàng, nên rất tức giận. Khi chiếm được thành giết rất nhiều người. Vì sát nghiệp nặng, nên đời đời đều bị làm heo. Mấy năm trước làm heo ở nhà ông, nhờ ơn ông không giết. Ngày nay may lại gặp ông, ngày mai là ngày tôi bị giết; xin ông thương mà giúp cho.

Lưu giật mình tỉnh mộng; nhìn xem thì nơi thuyền đậu quả có một lò sát sinh, bèn vào xem thấy có một con heo kêu rất lớn. Ông bỏ tiền ra mua và thả vào vườn phóng sinh. Hễ có người nào gọi Tào Cán, con heo đều vẫy đuôi như xác nhận. Chuyện này nhiều người thấy tận mắt.


Thanked by 3 Members:

#12 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 01/05/2012 - 10:35

12. KIM CHÍ KHIÊN.

Giáo sư Kim Chí Khiên là hiệu trưởng trường trung học Kiến Quốc ở Thượng Hải. Thuở nhỏ do lao lực bị bệnh liên miên sau bị liệt, hai chân không cử động được. Mỗi khi lên bục giảng đều phải có người nâng đỡ.

Bệnh đã bốn năm đi khám các bác sĩ Đức, Nhật đều vô hiệu. Năm Dân quốc hai mươi bốn, giáo sư của ông là Tra Mãnh Tế tới Thượng Hải. Tra lão sư rất tin Phật, trong nhà bày đầy tượng Phật, thường giảng Phật pháp cho Chí Khiên nghe. Chí Khiên đối với Phật giáo không tin tưởng chút nào, nhưng tình cảm đối với giáo sư rất thâm hậu nên không tiện cự tuyệt.

Do đó theo lời thầy bắt đầu ăn chay. Phu nhân của giáo sư cũng rất quan tâm lại đem tặng Chí Khiên một pho tượng Dược Sư Phật và nói cho ông nghe bản nguyện và công đức của Lưu Ly Quang Vương Phật. Ông nghe rồi càng tăng thêm niềm tin. Một đêm, ông nằm mộng thấy Phật Dược Sư toàn thân phát quang, trang nghiêm, đẹp đẽ vô tả, chính định mở miệng tán thán chợt tỉnh dậy, cảm thấy toàn thân thoải mái.

Khi trời sáng xuống giường đi đứng như người bình thường. Mọi người biết chuyện, không ai là không ca ngợi Phật lực vô biên, không thể nghĩ bàn.



Thanked by 3 Members:

#13 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 01/05/2012 - 10:40

13. TIỀN ÔNG.

Tiền Ông người Giang Tô, tuổi quá năm mươi còn chưa có con. Dân gian có câu:

30 tuổi không con, ngày bình đạm

40 tuổi không con, nhà vắng tanh

50 tuổi không con, không ai hỏi

60 tuổi không con, dứt lục thân.

Đó là ý kiến người đời, tả nỗi thống khổ của những người không có con. Tiền ông là vị trưởng giả trung hậu tuy nhiên không học Phật, nên cũng không tránh khỏi được nỗi buồn đó. Cùng huyện có một ông họ Dụ, gia cảnh cực kỳ nghèo khổ, nhà lại đông con, nợ nần tứ tung. Chủ nợ thưa kiện, ông không có tiền trả nên bị bắt bỏ ngục. Vợ con Dụ cầu cứu Tiền ông. Tiền ông khẳng khái bỏ tiền ra trả nợ giúp.

Khi được tha Dụ đem cả nhà đến lạy tạ. Bà vợ Tiền ông thấy con gái ông Dụ mới mười sáu tuổi xinh đẹp, đoan trang, nghĩ mình không sinh được con khiến chồng buồn khổ, hay là mình nạp cô này làm thiếp, sinh con nối dõi cho chồng. Bà bèn ngỏ lời với vợ chồng Dụ. Vợ chồng Dụ dĩ nhiên là đồng ý. Nhưng Tiền ông không đồng ý; ông bảo vợ :

- Thừa cơ người ta bị nạn, lấy con gái người ta làm thiếp là chuyện bất nhân. Tôi giúp đỡ họ chỉ là làm việc thiện. Hơn nữa tôi đã quá năm mươi, sao có thể sánh với một cô gái mưới sáu tuổi? Tôi thà không có con chứ không làm việc thiếu đạo đức như vậy.

Vợ chồng ông Dụ thấy Tiền ông cao nghĩa như vậy, cảm động đến rơi lệ, lạy tạ mà về. Một đêm nọ, bà vợ ông Tiền nằm mộng thấy Quán Thế Âm Bồ Tát bảo bà :

- Chồng con âm đức rất lớn, đáng được tặng một quý tử.

Không lâu bà vợ thọ thai, sanh ra một đứa nhỏ bụ bẫm. Hai vợ chồng vui mừng quá điều mong ước, đặt tên con là Thiên Tặng (Trời cho). Đứa con rất thông minh, sau thi đậu tiến sĩ làm quan tới chức Ngự sử.




Thanked by 3 Members:

#14 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 01/05/2012 - 10:48

14. PHÁP SƯ PHƠI NẾN..

Đế lão có một học tăng mà mọi người đều gọi là pháp sư phơi nến. Đây là ngoại hiệu mà người ta đặt ra để cười ông. Nguyên lai, ban đầu ông trú ở Thiền đường Kim Sơn làm Hương Đăng sư. Mỗi năm vào ngày mùng 6, tháng 6 thời tiết nắng ráo mọi người đều mang kinh tạng, quần áo ra phơi phóng. Có một thị giả biết ông tính phác thực, muốn đùa chơi bèn bảo :

- Hương đăng sư ! Hôm nay là ngày mùng 6, tháng 6 mọi người đều đem đồ ra phơi, ông không đem nến ra phơi, bị mốc thì sao ?

Thị giả vừa nói, vừa nháy mắt cho mọi người.

- Nến cũng phơi sao ?

- Đương nhiên rồi ! Nếu không phơi sẽ bị mốc.

- Được ! Tôi đem phơi ngay.

Nói xong đem nến ra sân phơi. Chiều lại ra lấy nến về thắp để cúng Phật thì nến đã chảy hết ra sân. Ngày hôm sau, Duy Na sư gọi ông đến, trước mặt đại chúng bảo :

- Trì luật sư! Với trí tuệ lớn lao như ông ở thiền đường làm Hương đăng sư thật uổng phí nhân tài.

- Thật vậy sao ?

Trì luật sư không đợi Duy Na sư nói hết, rất vui vẻ tưởng Duy Na sư nói thật.

- Đúng vậy! Ông ở đây rất uổng, mau đến Đầu Đà tự ở Ôn Châu. Ở đó có Đế Nhàn pháp sư chuyên đào luyện các pháp sư thông minh, tài trí đi hoằng pháp khắp nơi, lợi ích trời người. Khi thành tài tôi sẽ để ông làm Duy Na. Mọi người đều được hưởng lây vinh dự của ông, chứ giữ ông ở lại đây làm mai một tài trí ông thì thật là đáng tiếc.

- Được lắm ! Cám ơn Duy Na đã từ bi.

- Phàm làm việc gì cũng không nên chậm trễ, ông nên đi ngay hôm nay đi.

- Dạ, được!

Đến Đầu đà tự, mới đầu ông được giao làm vườn, hốt phân, bửa củi, gánh nước, quét chùa. Sau lại vào hành đường lau chùi bàn ghế, rửa chén bát. Sáng chiều đến Phật đường lễ Phật. Đế Nhàn sai người dạy ông Ngũ đường công khóa. Sau khi học xong lại dạy ông học kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa. Mới đầu dạy ông vài câu, sau vài hàng.

Nước chảy đá mòn, sau mười năm công phu, ông thuộc lầu lầu, không những hiểu mà còn có thể giảng giải cặn kẽ, giúp đỡ cho pháp sư rất nhiều. Sau thời giảng pháp ông lại vào hành đường làm đủ mọi việc. Pháp sư không cho ông làm, nhưng ông không nghe vẫn làm đủ bổn phận như cũ. Khi pháp sư phải ra ngoài giảng pháp, đều giao ông thay thế pháp sư giảng pháp tại chùa.




Thanked by 3 Members:

#15 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 01/05/2012 - 10:52

15. TÀO BÂN

Tào Bân là một vị đại tướng đời Tống, giúp Tống Thái Tổ bình định thiên hạ, có nhiều công lao. Một hôm Tào Bân gập Trần Hi Di, xem tướng Tào Bân xong, Trần Hi Di bảo:

- Ấn đường ông rộng rãi, mắt dài, sáng chỉ sớm được phú quý, nhưng kỵ ở chỗ má hóp, miệng xệ, về già không có phúc. Khi đánh trận, đừng giết tận, nên để cho địch một con đường sống, họa may vãn hồi lại chút công đức.

- Dạ, xin tuân lời thầy.

Khi đánh Thục, ông hạ nghiêm lệnh không được loạn sát. Bắt được phụ nữ đều đưa về một nơi canh gác cẩn thận, tránh các hành vi gian dâm, phi lễ. Khi chiến tranh chấm dứt, các phụ nữ có nơi chốn để về đều được cấp chi phí để về nhà. Những người nào không còn ai nương tựa đều tìm cách gả bán, giúp đỡ. Do đó, dân chúng đều ca ngợi. Về sau Tào Bân phụng mạng chinh phục Giang Nam, vì không nhẫn tâm để sinh linh đồ thán, ông giả bệnh không chịu nhậm chức. Các võ quan đồng liêu lục tục đến hỏi thăm. Tào Bân bảo họ :

- Bệnh ta không thuốc nào trị được, chỉ cần các ông thề khi đánh Giang Nam không loạn sát thì bệnh ta lập tức khỏi ngay.

Các tướng đều đồng lòng thắp hương tuyên thệ. Chính sách khoan hòa khiến khi đánh Giang Nam, dân chúng ra thành đón tiếp, bảo toàn được ngàn vạn nhân mạng. Về sau Tào Bân gập lại Trần Hi Di, Trần bảo :

- Lần trước tôi xem tướng cho ông nói ông không có hậu phúc, nay tướng ông đã thay đổi hẳn, hậu phúc vô lượng, không những tăng phúc, tăng thọ mà con cháu đều vinh hiển.

Quả nhiên về sau ông sống tới sáu mươi chín tuổi, được truy phong làm Tề Vương Quận Công, con cái đều là bậc danh tướng.



Thanked by 3 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |