Jump to content

Advertisements




BIÊN NIÊN TỰ THUẬT CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN


72 replies to this topic

#61 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 27/02/2012 - 17:47

Ngày thứ năm.

Người có tín tâm, thâm sâu đầy đủ, nơi thiền đường luôn nỗ lực dụng công. Chư thượng tọa chuyên môn tham thiền thì đương nhiên công phu thuần thục. Nhưng khi đã thuần thục rồi, phải biết dụng công tương ưng, xoay về cội nguồn, sự lý viên dung, động tịnh không ngại, đừng ngồi chết lì ra, đừng lạc vào hôn trầm mê muội, hay đắm thích cảnh giới thanh tịnh.

Nếu tham đắm cảnh giới thanh tịnh, không biết trợ công hổ tương, ví như cá mắc cạn trong băng tuyết, không hy vọng nhảy ra cửa của loài rồng, thật rất vô dụng. Người sơ phát tâm dụng công tu hành, phải nhớ nỗi thống khổ của sanh tử, mà khởi tâm hổ thẹn và xả bỏ muôn duyên, thì mới mong có chút định lực. Nếu không thể xả bỏ thân tâm thì sanh tử quyết định không thể cắt đứt.

Từ vô thủy đến nay, chúng ta mê lầm trong thất tình lục dục, mãi lẫn quẩn trong âm thanh sắc tướng, không biết chân tâm thường trụ, nên phải trầm luân, lặn hụp trong biển khổ. Nay, chúng ta đều biết rõ mọi việc trên thế gian đều là khổ não, nên phải tận tình xả bỏ, quyết định tu hành thành Phật.

Ngày thứ sáu.

Lần tham gia đả thất này, theo tôi nhận thấy thì nam nữ sơ phát tâm chiếm đa số, nên quy củ phép tắc đều không hiểu. Vì vậy, mỗi động tác đi đứng nằm ngồi, đều làm phiền những người đang ngồi thiền. Nhưng, Ngài trụ trì rất từ bi, giúp đỡ chúng ta mau thành tụu đạo nghiệp. Quý thầy Ban Thủ cũng phát đạo tâm vô thượng, lãnh đạo dẫn dắt, khiến chúng ta tu trì đúng như pháp. Đấy là cơ hội khó gặp trong muôn kiếp. Chúng ta phải dõng mãnh tinh tấn tham khán tu hành.

Bên trong, luôn đề khởi câu thoại đầu 'Ai đang niệm Phật', hay 'A Di Đà Phật'. Chớ khởi tâm tạp loạn, tham lam sân hận si mê. Phải khiến pháp tánh chân như được hiển lộ.

Bên ngoài, phải giữ giới không giết hại, cố gắng phóng sanh, đem mười việc ác chuyển thành mười việc lành. Chớ ăn thịt uống rượu, say sưa từ sáng đến tối, tạo bao nghiệp tội. Nghiệp ác nếu tạo quá nhiều thì nhất định sẽ đọa địa ngục. Nếu vun bồi nhiều nghiệp lành thì phước lợi sẽ tự đến. Nên nhớ rằng hạt giống Phật chỉ khởi lên khi duyên lành đầy đủ. Chư cổ đức thường dạy: "Các việc ác chớ làm. Hãy làm tất cả việc thiện. "

Nếu xem lại nhân duyên mà vua Lưu Ly giết hại dòng họ Thích Ca thuở xưa, thì chư vị sẽ hiểu rõ hơn.

Gần đây, trên thế giới, luôn bị thiên tai hoạn nạn. Nghiệp sát hại nặng nề, đều do quả báo xấu đã tạo thuở xưa. Chúng ta phải luôn khuyên người thế tục nên giữ giới không sát hại, phải ăn chay niệm Phật. Đó chính là chúng ta tự giúp mình tránh quả báo xấu trong nẻo luân hồi. Chư vị hãy nên tin tưởng thực hành, trồng nhân lành thì sẽ thành tựu Phật quả.

Ngày thứ bảy.

Đời phù du như mộng

Huyễn chất không bền chắc

Nếu không nương Phật từ

Làm sao siêu thăng được?"

Trong cuộc sống như huyễn như mộng, chúng ta điên điên đảo đảo, không biết sự cao siêu của đạo Phật, không nghĩ đến việc thoát ra khỏi sanh tủ. Thăng trầm trong nghiệp lành nghiệp ác, nên tùy theo chúng mà thọ quả báo. Vì vậy, người thế gian, làm lành thì ít, mà tạo nghiệp ác lại nhiều. Bố thí thì ít. Tham tiền thì nhiều. Trôi lăn trong sáu đường. Khổ sở muôn trùng. Có người vừa được sanh ra liền chết, hoặc sống vài tuổi rồi chết, hay chết khi tuổi cao. Như thế, không thể tự chủ được. Nay nương nhờ oai lực từ bi của chư Phật, mới biết được cách thức tu hành để thoát ra khỏi biển khổ sanh tử, đạt đến bờ giác.

Từ bi nghĩa là thấy tất cả chúng sanh, bị bao thống khổ, nên chư Phật khởi tâm thương xót cứu hộ, khiến chúng xa rời khổ nhọc, đạt được an lạc.

Hỷ xả tức là thấy chúng sanh tạo bao công đức, hoặc phát khởi tâm lành, nên đều khen ngợi vui theo. Đối với tất cả mọi cầu nguyện của chúng sanh, chư Phật đều tùy theo tâm thành mà gia hộ cho.

Lúc đức Thế Tôn còn tu hành tại nhân địa, Ngài hành hạnh Bồ Tát xả đầu não xương tủy. Vì vậy Ngài thường bảo: "Trong cõi tam thiên đại thiên thế giới, không có hạt bụi nào mà không phải là thân thể xương tủy của ta thí xả."

Nay, chư vị nên nỗ lực, giữ chặt câu thoại đầu, đừng để thời gian trôi qua uổng phí.



Thanked by 1 Member:

#62 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 08:55

Giải thất.

Chúc mừng chư vị đã tham gia hai tuần thiền thất được viên mãn, công đức đầy đủ. Vậy, chúng ta hãy mau giải thất. Người xưa bảo: "Vốn không có kiết thất, giải thất, chỉ tham khán thoại đầu đến khi nào khai ngộ thôi."

Hôm nay, dầu chư vị đã ngộ hay chưa khai ngộ, phải luôn tuân theo quy củ. Trong thời gian dụng công, không phân biệt sáng tối, ngày đêm, mục đích chỉ vì khai ngộ, nhằm đào tạo nhân tài cho Phật giáo. Nếu bị hôn trầm mê muội, chỉ khiến thời gian trôi qua vô ích, thì thật sự bỏ dịp hiếm có. Nay, đại lão hòa thượng trụ trì cùng quý thầy Ban Thủ, thể theo quy củ, kiểm nghiệm công phu tu hành của chư vị. Hy vọng đừng nói lời tạp nhạp, chỉ nên chân thật đối đáp rõ ràng công phu của mình cho chư hòa thượng chứng minh. Cổ đức bảo: "Tu hành trong ba đại kiếp. Ngộ đạo chỉ trong sát na."

Công phu nếu đắc lực thì trong khảy móng tay, liền giác ngộ. Xưa kia, thiền sư Gia Giác, có một nữ đệ tử thường thích tham thiền. Ngài dạy cô tham quán câu: "Để cho nó đi."

Cô ta y theo lời dạy, hành trì không thối chuyển. Ngày nọ, nhà bị cháy, cô bảo: "Để cho nó đi."

Lần khác, khi có người chạy đến nhà báo tin con của cô bị chết đuối, cô ta cũng bảo: "Để cho nó đi."

Muôn duyên đều xả bỏ, y theo lời dạy mà tu hành. Một hôm khác, chồng cô đang đốt lò chiên bánh, cô liền đổ dầu vào chảo, làm vang tiếng 'Xèo'. Nghe tiếng đó, cô ta chợt ngộ đạo. Cô bưng chảo dầu ăn đổ xuống đất, vỗ tay, cười to. Người chồng tưởng cô điên, nên mắng: "Sao bà làm thế? Bà điên rồi à!"

Cô đáp: "Để cho nó đi", rồi đến gặp thiền sư Gia Giác cầu chứng minh. Thiền sư Gia Giác ấn chứng cho cô ta đã chứng quả thánh.

Hôm nay, chư vị nếu ngộ được điểm nào, hãy nên bước ra.

(Nói xong, Ngài đi ra thiền đường. Kế đến, lão pháp sư Ứng Từ cùng vài vị tăng ra giảo nghiệm thiền khách. Sau khi chỉ tịnh, Ngài trở vào thiền đường, chỉ giáo đại chúng.)


Hồng trần loạn lạc, phố xá náo nhiệt, phiền toái. Ai lại có công phu và tâm tư đến đây tĩnh tọa, tham quán thoại đầu? Chỉ có chư vị, người Thượng Hải, căn lành thâm hậu, mới làm được thôi. Nay, nhờ nhân duyên thù thắng, mới gặp được pháp hội này.

Từ xưa, Phật giáo Trung Quốc tuy có các tông phái như Luật tông, Tịnh Độ tông, Mật Tông... Nhưng nếu nghiên cứu kỹ càng thì pháp của tông môn vuợt hơn hết. Trước kia tôi đã nói rồi. Tiếc rằng gần đây Phật pháp suy vi, hiếm thấy nhân tài xuất hiện. Thuở xưa, tôi đã từng đi tham bái các nơi, thấy rõ việc tu hành ngày nay khác xa khi xưa. Nói đến đây, tôi rất xấu hổ. Nay nhờ ngài Trụ Trì và quý thầy trong chùa, từ bi, mời tôi ra trước. Nên nhớ, lão pháp sư Ứng Từ có đủ tài đối đáp. Ngài là vị thiện tri thức, kiêm thông tông giáo, chân chánh là bậc tiền bối. Tôi bất tất chỉ ra phụ giúp Ngài thôi. Hiện tại, tôi không làm được ích lợi gì hết.

Cầu mong chư vị hãy tinh tấn tiến bước, đừng khởi tâm thối lui. Tổ Quy Sơn bảo: "Hận cho mình sanh nhằm thời tượng pháp, thánh đạo đã suy vi, Phật pháp giảm dần, nhiều người giải đãi, làm biếng. Tôi không ngại đưa ra cái nhìn thô thiển của mình cho những kẻ hậu lai."

Ngài Quy Sơn Linh Hựu, người Phước Kiến, thân cận thiền sư Bá Trượng, phát minh được tâm địa. Tư Mã Đầu Đà tại Hồ Nam, thấy địa thế núi Quy Sơn rất tốt, là nơi xuất sanh ra một ngàn năm trăm vị thiện tri thức. Khi đó, dưới tòa Bá Trượng, ngài Linh Hựu làm điển tọa. Vừa thấy ngài Linh Hựu, Tư Mã Đầu Đà liền biết đây là chủ nhân của núi Quy Sơn, nên thỉnh ngài Bá Trượng cho vời Linh Hựu qua núi Quy Sơn khai sáng. Phật pháp khi ấy nằm trong thời tượng pháp, thuộc đời Đường. Thế nhưng, ngài Linh Hựu lại tự than trách là mình sanh không nhằm thời, khó mà sáng đạo được.

Nay, chúng ta sống cách xa đời ngài Quy Sơn cả một ngàn năm. Không những đời tượng pháp đã hết, mà đời mạt pháp lại qua lâu rồi. Người có căn lành ngày càng ít ỏi. Tín tâm của chúng ta từ từ thối thất, không dám hạ thủ công phu, nên quả vị Phật không thời kỳ chứng đắc. Tuy tin Phật thì đông, nhưng kẻ chân thật tu hành lại quá ít.

So sánh sơ lược, thời Hàm Đồng 1851-62, các chùa chiền tự viện đều bị phá hoại. Dưới miền xuôi tam giang, chỉ còn có chùa Thiên Đồng là được bảo toàn. Đến năm Thái Bình, chư vị trưởng lão từ núi Chung Nam, xuống trùng hưng lại các tự viện. Khi đó, các ngài chỉ có một bình bát và giỏ tre.

Sau này, Phật pháp dần dần hưng thịnh trở lại. Chư tăng bắt đầu mang đầy hành lý. Cho đến hôm nay, chư tăng còn mang theo cặp táp, rương cáp, đủ thứ cả. Đối với sự chân chánh hành trì Phật pháp, một điểm nhỏ cũng không nghĩ tới.


Thanked by 1 Member:

#63 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 09:00

Xưa kia, thiền sinh muốn đi tham phương cầu đạo, phải lội bộ nhọc nhằn. Ngày nay, có xe lửa, xe hơi, tàu bè, máy bay. Vì thế, chỉ lo hưởng phước, không muốn chịu khổ. Đa số đều phóng dật, làm biếng. Tuy các Phật học viện cũng tùy thời mà huấn luyện, dạy dỗ tăng chúng, khiến đoàn thể chư tăng ngày càng đông, nhưng đối với sự tu hành căn bản thì ít ai chịu xoay nhìn lại. Ngày ngày, từ sáng đến tối, chỉ cầu tri giải, không cầu tu chứng, chỉ vì không biết rằng pháp tu chứng là chìa khóa, giải quyết mọi vấn đề. Trong Chứng Đạo Ca, ngài Vĩnh Gia Huyền Giác bảo:

Hãy bám gốc, chớ giữ ngọn

Như hạt lưu ly thanh tịnh chứa bảo nguyệt

Ôi! Thời mạt pháp, cõi đời ác trược

Chúng sanh phước kém, khó điều phục

Xa rời thánh giáo, tà kiến thâm trọng

Ma cường pháp nhược, nhiều oán hận

Nghe môn đốn giáo của Như Lai

Hận không diệt trừ đập nát

Làm tại tâm, họa tại thân

Chẳng nên gieo oán hờn cho kẻ khác

Nếu muốn không chiêu nghiệp vô gián

Chớ phỉ báng chánh pháp luân Như Lai

Tôi sớm tích tụ nhiều học vấn

Cũng từng tham tầm học kinh luận

Phân biệt danh tướng không biết ngừng

Bị vây trong tính toán cát biển khơi

Liền bị Như Lai quở trách

Đếm trân bảo của người, có ích lợi gì.

Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đến tham vấn với Lục Tổ Huệ Năng liền đại triệt đại ngộ. Vì vậy, Lục Tổ ban cho Ngài Vĩnh Gia pháp hiệu: "Nhất Túc Giác." Các bậc cổ đức thường bảo tầm kinh học luận chỉ giống như vào biển đếm cát. Nhưng, pháp trong tông môn như bảo kiếm Kim Cang, chém đến vật nào thì đứt đoạn vật đó. Vật gì đụng đến lưỡi kiếm đều bị mất mạng. Thật vậy, tông môn là pháp tối thượng, cứu cánh đạt thành Phật.

Như thiền sư Thần Tán, lúc trẻ, thường đi hành cước, đến thân cận tổ sư Bá Trượng, được khai ngộ. Sau đó, trở về chùa thầy mình. Thầy bổn sư hỏi: "Con xa ta, ra ngoài được sự nghiệp gì?"

Ngài Thần Tán đáp: "Bạch Thầy! Không được sự nghiệp gì hết!"

Thầy bổn sư liền bảo Ngài theo hầu. Ngày nọ, thầy bổn sư đi tắm, bảo ngài Thần Tán kỳ thân giùm. Ngài Thân Tán liền vỗ lưng thầy bổn sư và nói: "Điện Phật rất đẹp, nhưng Phật không phải là Thánh."

Thầy bổn sư vẫn chưa lãnh hội, nên xoay đầu lại. Ngài Thân Tán nói thêm: "Phật tuy không phải là Thánh mà thường phóng quang."

Ngày khác, thầy bổn sư đang ngồi dưới cửa sổ xem kinh. Có một con ong bay thẳng, đâm đầu vào cửa sổ để tìm chỗ ra. Ngài Thần Tán thấy thế nên nói: "Cả thế giới rộng rãi như thế mà không dám bay ra. Đâm thủng giấy liền thoát bao kiếp lừa."

Ngài lại nói kệ:

Chỗ trống không muốn ra

Đâm vào cửa quá ngu

Trăm năm chui vào đó

Khi nào mới ra khỏi!

Thầy bổn sư nghe thế liền mắng: "Con ra ngoài hành cước, gặp ai, học được gì, thấy đều chi, mà nói nhiều quá vậy?"

Ngài Thần Tán đáp: "Bạch Thầy! Từ khi ra đi, con qua dự dưới hội của tổ Bá Trượng, được Ngài chỉ dẫn đến chỗ nghỉ ngơi. Vì thầy tuổi cao, nên trở về báo đáp từ ân."

Thầy bổn sư nghe thế, nên bảo đại chúng thiết lễ trai tăng, cung thỉnh ngài Thần Tán lên tòa thuyết pháp. Ngài Thần Tán liền lên tòa, tuyên nói tông phong Bá Trượng:

Linh quang chiếu sáng

Xa lánh căn trần

Thể lộ chân thường

Không chấp văn tự

Tâm tánh vô nhiễm

Gốc tự nhiên thành

Xa rời vọng duyên

Liền như chư Phật.

Thầy bổn sư nghe thế, vui mừng bảo: "Ta không ngờ già đến từng tuổi này mà được nghe những lời chí lý như vầy."

Do đó, thầy bổn sư liền giao chùa cho ngài Thần Tán và lễ Ngài làm thầy.

Xin hãy nghiệm xem câu chuyện này. Sao mà dễ dàng, tự tại quá!

Đã hơn mười ngày tham thiền, nhưng sao chúng ta không ngộ đạo? Lý do chính là vì không dùng tâm kiên cố, dụng công đạp đất, hoặc cho là trò chơi trẻ nít, hoặc nghĩ rằng tu trong thiền đường là đủ rồi. Không phải như thế! Người chân thật dụng công, không phân biệt động tịnh, thiền đường hay phố xá náo nhiệt, mọi nơi đều tu được cả.

Xưa kia, hòa thượng Đồ Tử, đang trên đường tìm thầy học đạo, đi ngang qua một khu chợ, đến quầy bán thịt. Lúc ấy, có nhiều người đến mua thịt. Họ đều yêu cầu phải được thịt tươi. Ông đồ tể nóng giận, phát cáu, chém một nhát dao xuống thớt, mắng: "Thịt nào không phải là thịt tươi?"

Hòa thượng Đồ Tử nghe thế, đột nhiên khai ngộ. Chứng minh rằng người xưa, không phải chỉ ngồi trong thiền đường mới dụng công. Nay trong chư vị, không ai bước ra cho biết nhân duyên ngộ đạo. Thật có phải uổng phí thời gian lắm không? Cung thỉnh lão pháp sư Ứng Từ và chư đại hòa thượng, tiếp tục kiểm nghiệm đại chúng."


Thanked by 1 Member:

#64 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 09:04

Pháp ngữ giải thất.

Vân Công bước ra khỏi thiền đường. Lão pháp sư Ứng Từ kiểm vấn từng người. Xong, lão pháp sư Ứng Từ bảo mọi người ngồi xuống. Lúc đó, Vân Công bước vào thiền đường. Khi mọi người tĩnh tọa, Ngài lại ban lời chỉ giáo. Sau đó, đại chúng dùng trà, rồi đồng đứng dậy. Trong thiền đường, Ngài ngồi trước Phật điện, dùng cây trúc vẽ một vòng tròn và nói kệ:

Vừa kết thất, lại giải thất

Quên mất ngày giải kết

Nhất niệm vọng duyên cảnh ngừng

Ma ha bát nhã ba la mật

Tâm cảnh tịch, thể dụng đều quy

Gốc tự sáng tròn, không ngày đêm

Sao phân nam bắc cùng đông tây

Muôn sự tùy duyên, quán tự tại

Chim hót hoa cười, trăng soi đáy

Bảo câu giải thất như thế nào?

Nghe đánh bản, liền dâng bình bát

Đế quán bát nhã ba la mật.

Giải thất.

Tại chùa Ngọc Phật, sau khi giải thất, các cơ quan đoàn thể Phật giáo ở phủ Hàng Châu, phái cư sĩ Đỗ Vi đến Thượng Hải, thỉnh Vân Công qua Hàng Châu. Ngày chín tháng hai, Vân Công đến Hàng Châu, trú tại chùa Tịnh Từ, đứng ra làm pháp chủ pháp hội. Người quy y Ngài có hơn vài ngàn người. Chính quyền địa phương định thỉnh Ngài ở lại trụ trì chùa Tịnh Từ, nhưng Ngài cáo bịnh, không nhận. Hòa thượng Diệu Chân, pháp sư Vô Ngại ở chùa Linh Nham tại Tô Châu, thỉnh Ngài đến tổ chức pháp hội. Vân Công theo lời mời, đi Tô Châu.

Pháp sự xong, Ngài qua Hổ Khâu, lễ tháp tổ Thiệu Long, thấy tháp viện bị quan dân thổ hào địa phương xâm chiếm, bia phần mộ đá bị xóa tên, chung quanh chỉ còn sỏi đá lởm chởm. Trong những năm niên hiệu Quang Tự (1875-1909), Ngài đã từng ghé qua lễ tháp tổ. Tất cả cảnh tượng, vẫn còn hiện rõ trong ký ức. Tháp Tổ trang nghiêm khi xưa, giờ đây chỉ còn là một đống gạch vụn. Thế nên, Ngài thương lượng với quan thân sĩ thứ địa phương, cùng chư hộ pháp ở Thượng Hải, mau mắn bảo tồn, trùng tu kiến lập lại tháp Tổ. Ngài thỉnh hòa thượng Diệu Chân cùng hòa thượng Sở Quang ở Hổ Khâu, trông coi việc trùng tu tháp Tổ.

Lúc ở tại Tô Châu, Ngài qua châu Thọ Khánh ở Bán Dương, lễ tháp tổ Nguyên Thiện Kế, xem kinh Hoa Nghiêm được viết bằng máu. Ngài lại đến Nam Thông theo sự thỉnh mời của chư cư sĩ. Khi đến Lang Sơn, Ngài làm chủ pháp hội. Người thọ giới quy y có hơn vài ngàn người. Pháp sự xong, Ngài trở về Thượng Hải vào cuối tháng ba.

Tháng tư, nhận được điện tín từ Bắc Kinh, thỉnh Ngài lên kinh đô. Vào kinh thành, Ngài trú tại chùa Quảng Tế. Các đại biểu tăng già khắp nơi, lần lượt đến yết bái Ngài. Liên hội Phật giáo Trung Quốc chánh thức được thành lập. Đại hội quyết định nhiều điều quan trọng. Khi những tu sĩ bại hoại đề nghị bãi bỏ những giới luật đạo đức căn bản, như luật Tứ Phần (giới Tỳ Kheo), kinh Phạm Võng (giớì Bồ Tát), Bá Trượng Thanh Quy...Vân Công quát mắng họ và viết bài văn 'Biểu tướng tăng đồ trong đời mạt pháp'. Đại hội kết thúc, Vân Công đi Đại Đồng ở Tây Sơn, tham quan lễ bái tượng Phật đá lớn ở Vân Cương. Khi có ý định muốn rời Bắc Kinh, chính quyền địa phương khuyên Ngài nên đến Lô Sơn dưỡng bịnh.

Tháng năm, Ngài cùng thị giả Giác Dân đi về hướng nam, tạm ghé lại Võ Hán. Hòa thượng Nguyên Thành ở chùa Bảo Thông mời Ngài trú lại chùa, cùng cung thỉnh Ngài làm pháp chủ thiền thất trong hai tuần liên tiếp. Thiền thất xong, Ngài đi Lô Sơn. Có cư sĩ Trần Chân Như đến trước, đợi Ngài tại Khuông Lô. Nơi Lô Sơn, Ngài trú tại chùa Đại Lâm. Tháng sáu, có một số tăng sĩ từ Vân Cư đến báo tin: "Lúc trước, khi quân Nhật qua xâm chiếm, thấy núi Vân Cư hiểm trở, sợ quân du kích địa phương dễ bề hoạt động, nên chúng đốt sạch toàn bộ chùa Chân Như. Nay thấy tượng đồng Phật Tỳ Lô Giá Na, nằm trong đám bụi rậm."

Ngài buồn bả khi nghe việc này. Nhớ lại, núi Vân Cư được khai sáng vào đời Đường, niên hiệu Nguyên Hòa, trải qua bao đời, là đạo tràng tối thắng của chư đại Tổ Sư. Chư tổ Đạo Dung, Pháp Ần, Liễu Nguyên, Viên Ngộ, Khắc Cần, Đại Huệ, Tông Cảo, đều từng nhậm chức trụ trì. Những vị tổ sư thường qua đó hoằng duơng Phật pháp như ngài Triệu Châu, Vân Môn, Cổ Tháp, Đồng Sơn, Viên Thông, Chân Tịnh. Các vị cư sĩ nổi tiếng cũng thường đến đó như Bạch Cư Dị, Bì Nhật Hưu, Tô Đông Pha, Hoàng Sơn Cốc, Tần Thiếu Du, Lữ Cư Nhân...nhiều không thể đếm. Đạo tràng của chư vị tổ sư trải qua bao đời, nay hoang tàn đến mức thậm tệ. Nếu không trùng tu thì sẽ bị chìm trong quên lãng.


Thanked by 1 Member:

#65 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 11:13

Vì thế, Vân Công nguyện phải trùng tu lại. Trước hết, Ngài xin giấy phép từ chính quyền địa phương để sửa chữa. Sau đó, Ngài đến cất am tranh trên núi Vân Cư. Mồng năm tháng bảy, Ngài cùng với một số cư sĩ Chúc Hoa Bình...vào núi Vân Cư. Tháng chín, có một số đệ tử tỳ kheo ni, nghe Ngài đến trú tại núi Vân Cư, liền tìm đường đến. Họ đi bằng thuyền và xe lửa để đến núi trong vòng nửa tháng. Cỏ rậm cao ngất, không có đường lộ cho người ngựa đi, nên họ men theo đường lộ hướng tây để leo lên núi. Trèo lên núi khoảng hai mươi dặm, họ đến Thạch Môn, nơi đã được khai hoang rộng rãi. Rồi từ từ, họ tiến vào chùa.

Đầu tiên họ thấy tường vách đổ tan, hoang vu tàn rụi. Gặp một thiền sinh chỉ chỗ ở của Ngài, tức nơi am tranh. Họ cúi mình bước vào, thấy Ngài đang ngồi thiền trên băng ghế dài, trạng như nhập định. Ngài mở mắt ra, nói: "Tại sao chư vị khổ nhọc, lên đến tận đây?" Họ thành thật kể lại lý do. Ngài lại nói tiếp: "Lúc mới lên, chỉ có bốn vị tăng, ý muốn kết am cỏ làm lều trú ngụ, chứ không muốn thọ nhận thêm đệ tử. Chưa đầy một tháng, đã có năm mươi vị lên đây ở. Bên ngoài am tranh, có vài ngôi nhà đổ nát. Chư vị đã đến đây, thì thôi hãy đến đó mà tạm trú trong vài mươi ngày."

Am tranh của Ngài cách chùa khoảng nửa dặm, nằm về hướng tây bắc. Vân Công thích ngồi thiền tĩnh tọa nơi đó, lại có ý muốn trồng trọt rau cải cho tăng chúng trong vùng đất chung quanh. Sau tháng mười, tăng nhân khắp nơi, đổ dồn về thêm. Khẩu phần ăn của mỗi người dần dần giảm xuống còn hai chén cơm một ngày. May mắn, có cư sĩ Giản Ngọc Giai ở Thượng Hải, cúng dường tiền mua lương thực. Tăng chúng trên núi sống tạm qua mùa đông. Lúc ấy, Vân Công dự định sẽ khai khẩn đất hoang, cấy lúa trồng rau, cùng kiến lập, trùng tu lại chùa chiền. Mùa đông, Ngài được chùa Nam Hoa tại Triết Giang thỉnh đến truyền giới pháp.


Thanked by 1 Member:

#66 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 11:16

Dân Quốc năm thứ bốn mươi ba, 115 tuổi. 1954-55

Mùa xuân, Vân Công ở tại Vân Cư. Đầu tiên, Ngài trù liệu sửa sang đại điện để đặt tượng Phật Tỳ Lô Giá Na, do hoàng thái hậu đời Minh, niên hiệu Vạn Lịch ban chiếu đúc. Vì mái chùa lợp bằng thiếc, nên không thể chịu đựng được những cơn gió lốc trên đỉnh núi. Thế nên, Ngài họp đại chúng lại, cùng nhau làm ngói thiếc, đúc hai quả chuông đồng, xây bốn lò nấu cơm cho ngàn tăng chúng. Bấy giờ, chư tăng và người tục trên núi có vài trăm vị, mà trong đó lại có rất nhiều thợ nề, thợ gốm, thợ đúc...Tăng tục, bạn đạo trong và ngoài nước liên tiếp gởi thơ viếng thăm, cùng cúng dường tịnh phẩm rất nhiều.

Có người, có đất, có tiền, việc trùng tu tự viện tiến triển thuận lợi, dễ dàng. Vân Công phân chia tăng chúng ra làm hai nhóm. Một nhóm lo về công trình thổ mộc, kiến tạo chùa viện. Một nhóm lo về công việc khai khẩn đất hoang, trồng trọt. Đại chúng đều hăng say thi hành làm việc. Mùa hè, khoảng tháng năm, tháng sáu, pháp đường được kiến lập, trên có xây lầu chứa tạng kinh, hai bộ Thích Sa và Tần Già. Nhóm khai khẩn đất hoang, mở rộng khoảng sáu mươi mẫu đất, trồng lúa, trồng rau, nuôi tăng chúng, thể theo quy củ của tổ Bá Trượng dạy. Mùa thu, vào tháng bảy, kiến lập được phòng ốc chư tăng. Trên lầu, dưới lầu, hơn hai mươi phòng, khiến tăng chúng an ổn tu hành. Lại xây cất nhà bếp, nhà cầu, nhà chà gạo...Vân Công vẫn ở tại am tranh xưa.

Phương trượng chùa Nam Hoa là Bổn Hoán cùng sáu tỳ kheo ny ở Thái Bình Liên Xã, đồng lên núi lễ bái Ngài. Họ thấy có một quả chuông đồng bể, nằm trong bụi cỏ, nên hỏi han. Ngài trả lời: "Đây là vật cổ của núi, tên là 'Chuông tự ngân vang'. Trải qua bao đời, mỗi lần có chư tổ sư đến núi thì chuông tự nhiên ngân vang tiếng. Lúc quân Nhật chiếm đóng, đốt rụi núi, thì lầu chuông bị cháy, chuông rớt xuống đất bị nứt bể, nay tự nhiên nối ráp lại." Chúng tăng kiểm xem, thấy những lằn nứt chạy dài từ dưới lên, tự nhiên lần hồi đắp vá lại. Ngài nói thêm: "Đợi chuông tự vá đắp xong thì treo lên lầu các như xưa."

Ngài dẫn họ đi xem khu vườn tre trúc rậm rạp. Đại chúng trồng lúa, trà rau quả, các cây sam lớn, cùng cây ngân hạnh. Ngài chỉ tay bảo họ: "Đây là loại trái bách quả, ruột trống không." Pháp sư Bổn Hoán ở lại mười ngày. Vân Công chặt vài cây trúc làm thiền bản, và tự thân khắc kệ trên đó, để tặng cho chư đệ tử ở Hồng Kông và Quảng Đông.

Tháng mười một, am tranh của Ngài bị cháy. Đại chúng thấy thế, thỉnh Ngài vào trú trong phòng xá mới xây. Ngài đáp: "Thầy thích ở chỗ tao nhã cổ kính này." Ngài lại lấy rơm rạ lợp thành am thất trú ẩn. Trong năm, có điện tín từ Bắc Kinh gởi đến, thỉnh Ngài ra bắc. Ngài cáo bệnh, không đi được. Cuối năm, Ngài khai mở thiền thất.


Thanked by 1 Member:

#67 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 11:18

Dân Quốc năm thứ bốn mươi bốn, 116 tuổi. 1955-56

Mùa xuân, việc kiến tạo điện đường, ngày một tăng gia. Nhà bếp, nhà ăn, phòng xá, liêu đường, thiền đường...từ từ xây xong. Mùa hạ, liên hội Phật Giáo tại Bắc Kinh khai mở đại hội khoáng đại. Ngài vì bận công việc xây cất chùa chiền nên không thể ra bắc được. Mùa thu, vài mươi người đệ tử của Ngài từ khắp nơi đến núi, trong đó có những vị chưa thọ giới cụ túc. Vì vậy, họ thỉnh cầu Ngài truyền giới.

Lúc bấy giờ, Ngài nhận thấy chưa đủ phương tiện để truyền giới, nhưng muốn khiến người phát tâm tu hành được thành tựu, nên Ngài chỉ truyền giới cho những vị hiện đang trú trên núi, mà không thông báo đàn truyền giới ra bên ngoài. Việc đầu tiên là Ngài xin giấy phép của liên hội Phật Giáo tại Bắc Kinh, định trong khoảng rằm tháng mười sẽ làm lễ truyền giới. Tăng chúng tại các danh sơn, tự viện, tịnh thất, am tranh ở các tỉnh, nghe tin liền kéo nhau đến cầu giới. Mới đầu có khoảng hơn một trăm vị, rồi từ từ tăng lên hơn ba trăm vị. Cộng chung với chư tăng trên núi, cả thảy hơn năm trăm vị. Lo việc ăn uống cho tất cả tăng chúng trong hoàn cảnh đó, thật rất khó khăn.

Vài tháng gần đây, tại Thượng Hải, hội Thiên Chúa Giáo cùng hội Thanh Niên Phật Giáo, bị nhiều chuyện rắc rối. Để cản trở việc phát tâm tu hành của những người cầu thọ giới, chánh quyền tỉnh Cam Túc đánh điện cho chánh quyền tỉnh Giang Tây (đang quản lý núi Vân Cư), phao vu rằng có những kẻ đầu sỏ, ngoại đạo, giả mặc áo tăng bào, đã đến Vân Cư, cầu xin thọ giới...

Vân Công nghe thế, phòng ngừa rất thận trọng. Cơ quan trị an địa phương cho quân vây quanh chùa mãi. Bấy giờ, những người cầu giới đã vào núi hết, nếu từ chối không cho thọ giới thì trái với lời Phật dạy, còn nếu truyền giới cho tất cả tăng chúng thì không thể sống an ổn trong tình thế hiện tại. Thế nên, Ngài y theo kinh Phạm Võng phẩm 'Phương Tiện Tự Tạm Thọ Giới', để dạy người cầu giới, rồi thuyết rõ mười giới, cụ túc giới, ba loại giới pháp, trải qua mười ngày liên tiếp, mệt nhọc vô cùng. Sau đó, Ngài khuyên tăng chúng, nên trở về quê quán, y chiếu giới kỳ, tạm tự thọ giới. Truyền giới xong, Ngài ban phát giới điệp, rồi giữ lại hơn một trăm vị, y theo pháp mà nhập đàn truyền giới. Sau đó tuyên bố chấm dứt. Vì duyên pháp bị chướng ngại, nên thời thời không được yên. Kỳ truyền giới hoàn mãn, Ngài liền kết một tuần thiền thất.

Năm đó, khai khẩn đất hoang, trồng lúa, trồng rau, được hơn một trăm bốn mươi mẫu. Trong vùng đó, có rất nhiều loại cây ăn trái, hoa quả, trà ướp v.v... Mảnh đất hoang vu được biến thành nơi trồng trọt trù phú, khiến những kẻ bên ngoài dòm ngó. Cơ quan địa phương thiết lập trạm Nông Lâm Nghiệp trên núi, bắt chư tăng ghi khai hộ tịch, hầu chiếm lấy mảnh đất trù phú mà chùa mới vừa khai khẩn, tức cắt đi nguồn lợi tức sanh sống của tự viện. Chúng tịch thâu hết rau quả, trái cây. Chúng cũng đo lường tính toán phạm vi đất chùa.

Lúc đầu, Vân Công cố ẩn nhẫn. Kế tiếp, chúng lại chiếm luôn am tranh, đuổi Ngài vào núi. Ngài liền đánh điện lên Bắc Kinh, thuật lại những sự việc đã và đang xảy ra. Ngay sau đó, chính quyền địa phương được lịnh từ Bắc Kinh là phải hoàn trả ngay lại tất cả đất đai chùa khai khẩn, quản lý. Chúng không dám không tuân lệnh thượng cấp, nên phải thi hành mệnh lệnh trên. Vì bảo rằng Ngài chèn ép áp bức, nên chúng sanh sự, tạo bao chướng ngại, làm mọi ma sự.

Khi ấy, đệ tử của Ngài ở khắp nơi, đổ dồn về núi ngày một thêm đông, gần cả một ngàn năm trăm vị. Các phòng xá vừa xây cất đều không đủ chỗ cho chư tăng ở nên phải dựng chòi lá xung quanh núi mà trú ngụ. Chư tăng khắp nơi, ngàn dặm tìm đến, học đạo với Ngài. Vì quá đông, nên đại chúng thỉnh Ngài phương tiện, quy định thời gian thuyết pháp mỗi ngày. Ngài đều hứa khả. Bắt đầu ngày mười một tháng ba, nơi giảng đường, Ngài phương tiện thuyết pháp. Trong những lần đó, Ngài thường viện dẫn gương tu hành của các bậc tiền bối, cùng mọi sự việc liên quan đến hoàn cảnh hiện tại, và khai thị pháp yếu, cách thức tu hành cho những vị tại gia. Ngài lại nói đến những biến cố vừa xảy ra cho mọi người hiểu rõ, công việc đồng áng... Không việc chi Ngài không bàn đến. Chư đệ tử ghi chép lại lời Ngài đầy đủ.


Thanked by 1 Member:

#68 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 11:25

Dân Quốc năm thứ bốn mươi lăm, 117 tuổi. 1956-57

Mùa xuân, Ngài kiến lập đại điện, điện Thiên Vương, lầu Hư Hoài, lầu Vân Hải, lầu chuông trống, cùng các điện đường, phòng xá. Mỗi mỗi tuần tự hoàn thành. Trong việc trùng tu Vân Cư, Ngài chiếu theo khuôn phép mô hình chùa Cổ Sơn, Nam Hoa, Vân Lâu. Tùy theo đất đai, phương hướng mà xoay sở biến hóa. Trước chùa có hồ Minh Nguyệt, hình tròn giống như mặt trăng, đường kính khoảng một trăm thước. Mỗi khi mặt trời lên, ánh sáng vàng tỏa khắp, phản chiếu điện đài. Phía bắc của hồ, Ngài kiến lập cổng tam quan. Đi thẳng vào là chánh điện Tứ Thiên Vương. Đi vào nữa thì gặp Đại Hùng Bảo Điện. Đằng sau là pháp đường cùng lầu các chứa tạng kinh.

Đi qua vườn cây thì thấy đảnh Long Châu, khí thế hùng vĩ. Phía đông chùa có trai liêu Á Bộ, điện đường Báo Ấn, nhà khách, nhà bếp, trai đường, Diên Thọ đường, Tổ đường. Phía tây có liêu phòng Như Ý, Tây Quy đường, Công Đức đường, Vãng Sanh đường, Thượng Khách đường, phòng Duy Na, Thiền đường, phòng giám trực. Đằng sau là phòng phương trượng. Phòng xá lớn nhỏ có khoảng bảy tám mươi căn. Chung quanh chùa có những tượng đá A La Hán, rất trang nghiêm đẹp đẽ. Xưa kia, lúc trú tại Vân Cư, Tô Đông Pha có nói: "Vân Cư là cảnh đẹp nhất trần gian."

Từ lúc Vân Công trở về núi, đã qua ba năm, lâu đài Phật quốc được xây cất liên tục, bảo tồn di tích đời Đường, Tống. Đây do đạo hạnh sâu dày của Ngài, cảm động đến Long Thần Hộ Pháp, gia hộ cho bao duyên pháp đều được thành tựu. Thật không thể nghĩ bàn. Trong mùa xuân và hạ năm đó, đại chúng trú trên núi khoảng hai ngàn người. Có rất nhiều nhân tài về kiến tạo, xây cất, cùng học giả nông lâm nghiệp. Thế nên, tất cả công trình xây cất, trồng trọt, đều hoàn thành mau chóng.

Việc kiến lập trùng hưng tổ đình xưa nay, Ngài chưa từng phan duyên, cầu cạnh người, mà duyên pháp tự đến. Thật không thể nghĩ bàn. Việc xây cất trùng tu lại chùa Vân Cư, thiện tín mười phương đồng tùy hỷ cúng dường. Đại chúng cùng nhau dõng mãnh thi công kiến thiết. Đệ tử Khoan Huệ ở Hồng Kông, nghe Ngài đang xây lại chùa chiền, liền mở pháp hội Dược Sư, quyên được cả mười ngàn đồng. Thương kiều ở Bắc Mỹ, bà Chiêm Lệ Ngô, chưa từng gặp mặt Ngài, cũng cúng dường cả mười ngàn đồng. Cư sĩ Ngô Tánh Thí ở Thượng Hải, lên núi lễ bái Ngài. Lúc lên núi, thấy đường lộ cheo leo ngoằn ngèo, nên ông phát nguyện cúng dường một trăm ngàn đồng để sửa chữa đường xá.

Ngài đã trùng tu, kiến lập lại vài mươi ngôi tự viện phạm sát lớn nhỏ trong toàn quốc. Lúc nào cũng thế, một mình Ngài chống tích trượng lên núi hoang. Khi công trình xây cất sửa sang hoàn thành thì Ngài lại giao cho chư tăng, rồi một mình chống gậy xuống núi. Việc xây cất các tự viện trên núi Vân Cư, dường như luôn có Long Thần Hộ Pháp gia hộ. Kể từ lúc khởi đầu công việc xây cất, đến nay đã trải qua hai ba mùa thu rồi, mà muôn việc lành đều đến, chùa chiền luôn được tín thí bốn sự cúng dường. Người người đều mong Ngài 'An Cư' nơi Vân Cư.

Tháng chín, mùa thu, khi sửa sang hồ Minh Nguyệt cùng đào suối Thanh Khê, tìm được một tảng đá lớn, ghi khắc lại vài câu kệ của thiền sư Phật Ần. Ngài Phật Ần, lúc còn làm trụ trì tại Vân Cư, có thi sĩ Tô Đông Pha thường lui tới, vào núi hầu chuyện. Ông Tô Đông Pha thường ngồi trên tảng đá đó, bên cạnh con suối. Sau này, Vân công cho xây cây cầu để kỷ niệm, tên là Đàm Tâm Thạch (tức tảng đá đàm đạo về tâm), và cây cầu Phật Ần.

Lúc đó, bốn chúng hơn hai trăm người, khai khẩn trồng trọt hơn một trăm tám mươi mẫu, dọn được khoảng bảy mươi mẫu đất để trồng thêm hoa màu cây trái. Vì vậy, thu hoạch đầy đủ thực phẩm cho đại chúng dùng. Năm đó thu hoạch được khoảng hơn bốn mươi ngàn năm trăm ký lúa, hơn sáu mươi ngàn ký lương thực, cùng cây trái, rau quả, trà ướp...Từ đó, đại chúng luôn tích cực khai khẩn thêm đất hoang, trồng vườn, mới có thể nuôi được cả năm trăm tăng chúng thường trú. Tháng chạp, Ngài khởi thiền thất trong hai tuần liên tiếp. Chùa Nam Hoa ở Triết Giang, chùa Đại Dong ở Quảng Châu, chùa Định Quang ở Trương Đinh, chùa pháp Luân ở Ninh Hóa, đều lần lượt cung thỉnh Ngài đến truyền giới pháp.



Thanked by 1 Member:

#69 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 11:28

Dân Quốc năm thứ bốn mươi sáu, 118 tuổi. 1957-58

Thể theo lời thỉnh cầu của cư sĩ họ Ngô, việc sửa chữa đường đi lên núi từ bến đò Trương Công, đã bắt đầu khởi công từ mùa đông năm ngoái. Con lộ rộng khoảng sáu thước, dài mười tám dặm, vòng quanh sườn núi, chót vót cheo leo. Dưới chân núi có giòng suối lớn. Lại trùng tu cầu cây, giúp người qua bến. Nơi đó có cầu Long Vương, cầu Thu Vân, cầu Vân Ầm, trạm Quy Thủy...Trong mùa thu, sau khi công trình xây dựng hoàn tất, Vân Công khắc ghi lại sự tích của cầu Phi Hồng ở ải Triệu Châu.

Tháng sáu, cơ quan Nông Lâm Nghiệp địa phương thấy tăng chúng ở núi Vân Cư khai khẩn đất hoang, trồng trọt, thu hoạch được mùa, nên rất thích vùng đất này. Chúng hủy bỏ chuẩn ước năm 1953, cho phép thành lập nông trường Tăng Già, mà tự thiết lập riêng nông trường khai khẩn đất hoang trên núi. Chúng sai hơn hai mươi tên lên núi, chiếm lấy tất cả đất đai khai khẩn của chùa và tịch thâu trà cây hoa quả. Sau đó, chúng lại chiếm luôn am tranh của Vân Công, ra lịnh cho Ngài phải lập tức rời núi.

Ngài không thể cứu vãn được tình thế, bèn đánh điện trình báo lên Bắc Kinh. Vài ngày sau, chính quyền địa phương được lịnh trả lại tất cả tài sản đất đai khai khẩn, trồng trọt cho tăng chúng. Tuy phải theo lịnh thượng cấp, nhưng chúng rất oán ghét Vân Công vì cho rằng Ngài ỷ lại thế lục quen biết thượng cấp, câu thông trong ngoài, mà chèn ép chúng. Thật ra, chúng muốn gieo họa cho Ngài lúc nào mà chẳng được!

Trong tháng, thầy trụ trì chùa Vân Cư là Hải Đăng, khai giảng kinh Pháp Hoa, cùng tuyển chọn ba mươi thanh niên tăng, thành lập viện nghiên cứu Phật học, để đào tạo tăng tài.


Thanked by 1 Member:

#70 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 11:30

Dân Quốc năm bốn mươi tám, 119 tuổi. 1958-59

Mùa xuân, toàn quốc bị ảnh hưởng 'Phái Hữu'. Chính quyền đương thời phát động 'Đại hội học tập cho các đoàn thể Phật giáo tại Hán Khẩu'.

Họ chỉ định chư tăng trụ trì các chùa chiền tụ viện, cùng vị tăng tri sự, phải đến tham dự. Vân Công viện lý do già bịnh nên khước từ không đến. Thầy Bổn Khoán, trụ trì chùa Nam Hoa, thầy Truyền Sĩ, tri sự chùa Vân Cư, thầy Phật Nguyên, trụ trì chùa Vân Môn, cùng các thầy Kiến Tánh, Ần Khai...bị chính quyền kết tội là theo phái hữu, và bị ép bức phải đấu tranh, tố cáo Ngài, nhưng tất cả đều bất khuất, không làm theo uy quyền. May mắn cho họ, chính quyền chưa định giáng họa gì. Kể từ đó, một nhóm có thành kiến với Ngài xưa kia, nay gặp dịp thuận tiện, nên tìm cách hãm hại. Chúng viết ra mười tội trạng của Ngài, nào là tham ô, phản động, tụ chúng, giả bộ đạo đức, truyền giới pháp sai lầm v.v...Những lời vu khống đó, đau đớn thay, lại phát xuất từ cửa miệng của một nhóm người tự xưng là tăng sĩ.

Từ lúc Vân Công về trụ trì tại chùa Vân Cư, chính phủ Bắc Kinh có phát tiền trợ cấp mỗi tháng là một trăm đồng, mà Ngài đều từ chối và trả lại tất cả, nhưng vẫn nhận sự cúng dường của tín chúng. Bên ngoài chùa Nam Hoa, Vân Môn, Vân Cư, đều dán bích chương bảo Ngài: 'Ông già ngoan cố, bóc lột, phải được đấu tranh, tẩy nảo, cải tạo', cùng các bích chương vu khống tội lỗi.

Bốn chúng đệ tử muốn đính chính những sự việc vu khống này, nhưng Ngài không cho phép. Việc này kéo dài cả hai tháng, không kết quả gì. Đại hội học tập ở Hán Khẩu cũng giải tán. Những vị đệ tử thủ cựu, đắc lực, đều bị chính quyền bắt hay đi phân tán hết, còn Ngài thì bị chính quyền địa phương bắt ở riêng rẽ tại một nơi cố định. Qua một hai tháng sau, cũng không có tin tức chi. Sau này, nhận được tin từ Bắc Kinh, cho biết rằng trong kỳ đại hội học tập ở Hán Khẩu, những điều vu khống Ngài đều vô căn cứ. Khi bản văn tố cáo tội trạng của Ngài đưa lên tới các nhân vật cao cấp ở Bắc Kinh xét xử thì họ lại ra lịnh cho chính quyền địa phương không nên bài trừ Ngài.

Vì vậy, Ngài thoát khỏi họa, chuyển nghịch cảnh thành thuận cảnh. Ngày mười lăm tháng chín, trưởng ty công an Trương Kiến Dân, dẫn hơn một chục tên công an, đến am tranh của Ngài lục soát, chẳng tìm được gì, trừ những công văn từ Bắc Kinh gởi đến. Chúng tịch thu hết những văn kiện, giấy tờ, kinh điển...mà không thèm hoàn trả lại. Thỉnh cầu vài lần mà chúng vẫn không đưa lại. Ngày mười sáu tháng chín, Ngài tập họp bốn chúng nơi chánh điện để kể rõ mọi sự tình vừa xảy ra.

Trải qua bao tháng trường bị nhiều điều ưu phiền hoạn nạn, bịnh trạng của Ngài, ngày một tăng thêm. Năm trước, khi lễ Phật, Ngài không cần người giúp. Năm nay, mỗi lần lễ Phật là phải nhờ thị giả trợ giúp. Việc này dự báo rằng huyễn duyên của Ngài sắp hết! Ngày nọ, Ngài gọi hai vị thị giả đến, dặn dò di chúc. Ngày mười chín tháng mười, Ngài ra chánh điện thuyết bài pháp cuối cùng cho đại chúng.



Thanked by 1 Member:

#71 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 11:33

Dân Quốc năm thứ bốn mươi tám, 120 tuổi. 1959-60

Mùa xuân, Vân Công thọ đến một trăm hai mươi tuổi, đồng với tuổi thọ của tổ Triệu Châu thuở xưa. Thế nên, chư đệ tử trong và ngoài nước, các đoàn thể dự định sẽ lần lượt tổ chức lễ chúc thọ cho Ngài. Sau khi nhận được điện tín của họ, Ngài liền viết thư trả lời, đại ý là không muốn họ làm lễ chúc thọ cho Ngài. Đại khái như sau:

"Việc sống chết, tôi chưa biết ra sao. Ngày sinh nhật vẫn còn xa lắm. Nay biết được hậu ý của lão cư sĩ họ Ngô, định làm lễ chúc thọ cho tôi. Tôi đã viết thơ cảm ơn ông có lòng thương tưởng nghĩ đến. Trộm nghĩ, nghiệp xưa đốc thúc, chìm nổi như sóng ba đào. Một làn gió nhẹ thổi đến, thân này tan thành bụi. Chưa liễu ngộ được gì. Niệm niệm thẹn thùng xấu hổ vì hư danh. Trăm năm khổ nhọc nếm bụi trần trong cơn mộng huyễn, thì cớ gì phải lưu luyến! Lại nữa, có sanh tức phải có tử. Người trí sớm tỉnh ngộ, nhất tâm tu hành, tinh tiến trên đường đạo, như cứu lửa cháy trên đầu, thì có thời giờ đâu mà bày biện như người thế tục!

Hư Vân tôi cảm ơn chư vị đến tận đáy lòng đã có tâm đoái hoài đến, nhưng thành tâm hối tiếc là không thể thọ nhận lễ chúc thọ được. Lại biết cuộc sống hiện tại ngày một khó khăn. Ai ai cũng chật vật lo miếng cơm manh áo, không rảnh rỗi, nên không thể làm lễ chúc thọ cho mình, hay làm rộn người đến chúc thọ, chuyển tặng quà cáp, lễ vật. Thật là việc tổn phước vô ích, chỉ tăng thêm tội trạng!"

Tháng ba, thấy việc sửa chữa hồ Minh Nguyệt và công trình xây tháp Hải Hội kéo dài nửa năm mà vẫn chưa xong, dầu bịnh hoạn sức yếu, Ngài vẫn cố ra ngoài thúc đẩy công việc. Vài tháng sau thì hoàn thành.

Vào những năm trước, sau khi đã thọ giới quy y, bà Chiêm Lệ Ngô, một thương gia ở Bắc Mỹ, cùng chồng là Uông Chân Thâm, phát tâm cúng dường tiền để xây cất điện đường. Các điện đường lớn nhỏ trong chùa, lần lượt được xây xong. Bà Chiêm định cúng dường thêm tiền để xây tháp thờ xá lợi của Phật. Bên cạnh tháp, cũng định xây thiền viện Lưu Vân, ý muốn cầu chúc Vân Công sống trụ lại thế gian lâu dài.

Ngài bảo bà Chiêm rằng chùa Nam Hoa đã có tháp Hải Hội, còn chùa Vân Cư thì chưa. Sao không dùng công sức để kiến lập tháp Hải Hội ở Vân Cư? Lại thêm, trên núi Vân Cư, xá lợi của chư tổ sư bao đời, nay đang để khắp nơi, muốn bảo tồn thật là việc khó. Nếu xây tháp Hải Hội thì các xá lợi kia sẽ có chỗ được thờ phụng an lành. Lại nữa, nếu có tháp thì sẽ dễ dàng cho bốn chúng và những người đến Vân Cư tu hành sau này.

Về việc xây thiền viện Lưu Vân, ý thật cảm kích. Cả đời Ngài chưa từng dùng một miếng ngói, cây đèn của chùa để dùng cho việc riêng tư. Vì thế, Ngài nhã nhặn từ chối. Bà Chiêm lại viết thơ cho Ngài và thưa rằng bên cạnh việc cúng dường mười ngàn đồng cho chùa, bà cũng sẽ cúng thêm năm mươi ngàn đồng để Ngài lo vào việc xây cất tháp Hải Hội.

Ngài hứa khả, chấp nhận. Vì vậy, trong mùa đông năm trước, Ngài bắt tay ngay vào công trình kiến tạo tháp, mô hình giống như kiểu ở chùa Nam Hoa. Cạnh tháp, cũng xây thêm vài phòng đọc kinh sách, để chư tăng cư trú, và sáu thời lễ bái, đọc tụng kinh kệ.

Đến tháng bảy trong năm thì hoàn thành. Đây là nhân duyên cuối cùng của Ngài trong việc kiến lập chùa chiền tháp viện lớn nhỏ trải qua bao thập niên.

Tháng bảy, cư sĩ Uông Chân Thâm ở Bắc Mỹ cùng Tăng Khoan Bích ở Hồng Kông cúng dường tịnh tài, cầu Ngài đắp tôn tượng Bồ Tát Địa Tạng để chúc mừng Ngài thọ được một trăm hai mươi tuổi. Ngài liền bảo chúng tăng khởi công đắp tượng Bồ Tát Địa Tạng. Trong hai tháng thì hoàn tất. Cộng với việc xây lầu chuông trống và tháp Hải Hội, đây là nhân duyên đắp tượng cuối cùng của Ngài.

Trong tháng ba, bịnh của Ngài, ngày một trầm trọng. Mới đầu, Ngài cố gắng đích thân lo liệu, trông coi hết tất cả công trình đang xây dựng dang dở trong chùa. Dần dần, Ngài bị đau vì đường tiêu hóa không thông, nên phải ngưng ăn cơm và các thức ăn cứng khác.

Sáng trưa, Ngài chỉ ăn một bát cháo. Chính quyền ở tỉnh phủ, theo lịnh từ trung ương, gởi bác sĩ đến chữa trị cho Ngài. Ngài từ chối và bảo rằng duyên đời đã sắp hết. Lại bảo chư đệ tử, cùng các vị hộ pháp khắp nơi rằng việc xây chùa Chân Như đã hoàn tất, nên từ đây về sau, xin đừng gởi tịnh tài cúng dường Ngài nữa. Ngài cũng ân cần nhắc nhở tất cả chư đệ tử phải nỗ lực tu trì, tự giữ gìn huệ mạng Phật pháp.

Tháng tư, Ngài gọi thợ nhiếp ảnh đến chụp toàn bộ cảnh chùa chiền như Đại điện, tượng Phật, lầu chứa kinh tạng, Pháp đường, tháp hòa thượng Hối Sơn, Giới Hiển, hồ Minh Nguyệt, ải Triệu Châu, cầu Hồng Phong, tháp Hải Hội, am Vân Cư, và am thất của Ngài. Cả thảy hơn ba mươi chỗ. Ngài cũng chụp ảnh riêng để gởi tặng cho chư thân hữu thiện tín.

Bệnh của Ngài, ngày một tăng thêm. Ngày nọ, hòa thượng trụ trì cùng ba vị tri sự đến thăm bệnh. Ngài bảo họ:

"Chúng ta có duyên lành, đồng trú một nơi. Nhờ chư vị phát đại tâm, trong vài năm qua, phục hưng đạo tràng Vân Cư, khổ nhọc vô vàn, thật rất đáng mến. Nay, khổ vì duyên trần sắp hết, không thể nối tiếp chư Tổ Sư phụng sự đạo tràng, nên phải làm lụy đến chư vị. Khi tôi mất, hãy quấn y màu vàng toàn thân, rồi ngày hôm sau nhập quan, để nơi phía tây trong am tranh này, rồi bỏ vào lò thiêu. Đốt xong, lấy tro của tôi tán nhuyễn thành bột, hòa cùng đường, muối, dầu. Nắn thành chín cục, rồi quăng xuống sông, để kết duyên với loài thủy tộc. Đây là ước nguyện của tôi, cảm ơn chư vị vô cùng..."



Thanked by 1 Member:

#72 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 02/03/2012 - 11:43

Chư hòa thượng đều an ủi Ngài. Ngài nói kệ:

Đỉa cấp mạng cho tôm mà không nhảy xuống nước

Tôi an ủi nước, phóng thân xuống sông

Nguyện cho ai thọ sự cúng dường

Đồng đăng bồ đề, độ chúng sanh.

Lại nói thêm kệ:

Thỉnh các pháp lữ

Thâm ân tràn đầy

Hoặc nghiệp sanh tử

Như tằm tự quấn

Niệm tham không ngừng

Phiền não thêm khổ

Muốn trừ hoạn này

Bố thí trên hết

Tịnh xem ba học

Kiên trì bốn niệm

Thoạt nhiên hiểu được

Liền biết sương điện

Ngộ chứng chân không

Muôn pháp một thể

Không sanh có sanh

Là sóng là nước.

Kệ thứ ba:

Hỡi ôi, lão già bịnh

Chưa báo ân đầy đủ

Trí cạn nghiệp thức dầy

Thẹn chưa xong sự nghiệp

Vụng về trú Vân Cư

Kẻ tụng kinh chấp kệ

Xấu hỗ gặp Thế Tôn

Hội Linh Sơn chưa tan

Nầy hỡi chư hộ pháp

Thần Vi Đà tái thế

Trấn Tỳ Na chân phong

Thấy rõ thể mình người

Ngưỡng xem đấng Túc Tôn

Đá trụ trong dòng nước

Trẻ tuổi ỷ lời hay

Mạt pháp chúng sanh khổ

Có người làm hướng đạo

Tủi thân lụy hư danh

Hãy nhận rõ bến mê

Luôn hâm mộ Phật quốc

Hương quang cùng nhịp bước

Đây lưu bài kệ cuối

Tỏ rõ tận thâm tâm.

Tháng tám, ngày sinh nhật của Ngài kề cận. Chư sơn trưởng lão trong và ngoài nước cùng chư đệ tử thiện tín, vào núi chúc thọ, thăm bệnh Ngài. Khi ấy, sức khoẻ và tinh thần Ngài phấn chấn đôi chút. Đệ tử Khoan Huệ từ Hồng Kông qua, cùng vài người, hầu chuyện với Ngài rất lâu.

Tháng mười, bịnh tình ngày một nguy kịch. Ngài bảo đồ chúng sửa sang lại tháp Hải Hội vừa mới xây cất. Mỗi mỗi đều như pháp mà sắp đặt. Đầu tiên đặt tượng Phật trong tháp để thờ cúng. Kế đến, tẩy tịnh phòng xá chư tăng. Chọn ra vài vị thay phiên sớm tối tụng kinh niệm Phật. Ngày mười, Ngài nhận được điện tín từ Bắc Kinh báo cho hay là đệ tử thâm tín, Lý Tể Thâm, đã tạ thế. Ngài than: "Lý Tể Thâm! Sao con đi sớm vậy. Thầy chắc cũng phải đi thôi!"

Thị giả nghe rõ, rất kinh hãi. Vài ngày, Ngài chưa bước xuống giường, hơi thở hổn hển khó nhọc, hầu như trong trạng thái hôn mê. Thị giả luôn túc trực kề cạnh. Mỗi lần mở mắt ra, Ngài bảo thị giả hãy ra ngoài. Ngài nói: "Thầy tự lo liệu được rồi." Trưa ngày mười hai, Ngài bảo thị giả đem tượng Phật để trên quan tài, trong phòng bên cạnh. Thị giả biết có điều gì kỳ lạ, liền vội báo tin cho hòa thượng phương trượng cùng ba vị tăng tri sự. Tối đến, tất cả cùng vân tập vào vấn an, thỉnh Ngài vì pháp mà sống lâu dài. Ngài nói: "Sự việc xảy đến như thế này rồi. Chớ nên buồn khổ như người thế tục! Xin hãy cho người lên đại điện niệm Phật."

Đại chúng thỉnh Ngài khai thị, dạy lời cuối cùng, và ban di chúc. Ngài đáp: "Vài ngày trước, tôi đã nói rõ cho đại chúng nghe những gì nên làm sau khi tôi mất. Nay, không cần nhắc lại, chỉ dư thừa thôi. Lại hỏi lời cuối cùng, tôi xin nhắc nhở chư vị lần cuối: "Cần tu giới định huệ. Tiêu diệt tham sân si."

Lại nói thêm kệ:

Chánh tâm chánh niệm

Tịnh dưỡng, xuất sanh tinh thần đại vô úy

Độ nhân độ thế.

Chư vị đã mệt nhọc. Hãy trở về phòng nghỉ ngơi.

Đại chúng cáo từ đi ra. Khi đó, đêm đã khuya. Địa thế Vân Cư rất cao. Mùa thu, gió lạnh buốt xương. Tiếng lá rơi lào xào khắp núi non. Cổ thụ cao vút chọc trời. Bóng cây hiện hình loạn xạ. Trong thất của Ngài chỉ có một ngọn đèn nhỏ như hạt đậu. Ngoài cửa, sương đọng như hạt châu. Trở vào am tranh, chỉ có một lão tăng đang nằm yên tĩnh trên giường. Nhìn xa xa qua đại điện, nghe tiếng chuông mõ hòa cùng lời kinh, tương tục vang lên, như để tiển Ngài đi vậy!

Ngày mười ba, hai vị thị giả vào thất, thấy Ngài đang ngồi tọa thiền như thường lệ. Hai gò má ửng hồng như hôm trước. Họ không dám khinh động và bước ra ngoài thất mà hầu. Đến mười hai giờ trưa, từ bên ngoài cửa sổ, nhìn thấy Ngài tự mình bước xuống giường, lấy nước uống, rồi cuối xuống như trạng lễ Phật. Thị giả sợ Ngài sẽ té quỵ xuống đất vì mang bịnh đã lâu, liền chạy vào thất. Ngài bèn ngồi xuống, bảo thị giả: "Thầy vừa mơ thấy một con trâu đạp gãy cầu Phật Ấn, lại thấy dòng suối ngưng chảy!", rồi nhắm mắt lại không nói lời chi. Chốt lát, Ngài mở mắt ra, nhìn xung quanh, bảo tiếp:

"Các con theo hầu Thầy đã nhiều năm, khổ nhọc thật đáng thương. Những việc xưa không cần phải nhắc lại. Nhưng mười năm gần đây, ngày ngày Thầy phải chịu biết bao phong ba bão táp, hàm oan khổ lụy, cùng những lời hủy báng mắng nhiếc. Tất cả, Thầy đều cam tâm nhẫn nhịn, chỉ vì muốn bảo tồn đạo tràng Phật Tổ trong nước, vì mạch pháp mà giữ gìn Tổ Đức Thanh Quy, vì Tam Bảo mà giữ chặt chiếc đại y. Các con có biết không! Thầy đã thí mạng để tranh lại, bảo tồn chiếc đại y này. Các con đều là đệ tử nhập thất của Thầy, phải nên biết rõ những sự việc đã xảy ra. Sau này, nếu có lên núi cất am tu đạo, hay ra nước ngoài, phải nên kiên trì bảo vệ chiếc đại y này. Nhưng làm thế nào để giữ gìn được mãi mãi? Phải nên nhớ rõ một chữ 'Giới'."

Nói xong, Ngài nghiêm chỉnh chấp tay. Chư thị giả đều rơi lệ, lui ra ngoài cửa đứng hầu. Đến một giờ bốn mươi lăm phút, hai người thị giả lại bước vào xem, thấy Ngài nằm thế kiết già mà thị tịch, nên họ vội báo cho hòa thượng trụ trì cùng đại chúng. Tất cả tăng chúng đều tề tựu nơi chánh điện, ngày đêm thay phiên nhau tụng kinh niệm Phật để cầu siêu Ngài.

Ngày mười tám, làm lễ nhập quan. Ngày mười chín, làm lễ trà tỳ. Khi ấy, đại chúng đều nghe mùi hương lạ bay khắp. Hỏa táng xong, một lằn khói trắng bay thẳng lên trời. Trong tro cốt, thâu lượm được hơn một trăm hột xá lợi, tinh khiết sạch trong, màu năm sắc, lớn nhỏ không đồng. Ngày hai mươi mốt, đại chúng thỉnh tro cốt của Ngài nhập vào tháp Hải Hội ở núi Vân Cư.

Đại thiền sư Hư Vân, tuổi đời được một trăm hai mươi tuổi. Tăng lạp được một trăm lẻ một tuổi.


Dich Giả: Tỳ Kheo Thích Hằng Đạt

Thanked by 1 Member:

#73 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 09/03/2012 - 17:42

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Thiền Sư Hư Vân



Thanked by 1 Member:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |