Jump to content

Advertisements




CHẾT AN LẠC TÁI SINH HOAN HỶ


75 replies to this topic

#31 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2011 - 09:53

Được tịnh hóa bằng dòng cam lộ: kinh nghiệm của Samten Chotso

Samten Chotso trước khi đi thăm địa ngục với sự giúp đỡ của Yeshe Tsogyal, vị phối ngẫu của Guru Rinpoche. Thông thường, thì trước hết các vị delog đến Tòa Phán Xét của Pháp Vương, nhưng Samten và một số người khác lại đi thăm địa ngục trước. Sau cùng Samten mới đến Tòa Phán Xét của Pháp Vương. Thần Bảo Hộ Trắng biện hộ để bảo vệ bà và Quỷ Đen cải lại để chống lại bà. Các Thần Chết đã kiểm lại những nghiệp tốt và xấu ở trong tấm gương. Họ thấy bà đã giết nhiều chim, sâu bọ và đã thề thốt nhiều. Tức khắc bà bị đánh bằng roi trên một cánh đồng nóng cháy và bị nước đồng sôi đổ lên người. Bà nhớ đến Guru Rinpoche và cầu nguyện Ngài. Và kết quả là Thần Bảo Hộ Trắng đến đưa bà về Toà Pháp Vương. Bà nghĩ là bà đã trải qua một năm, nhưng Pháp Vương nói với bà rằng đó chỉ bằng thời gian uống một chén trà.

Pháp Vương ra lệnh cho Thần Chết cân công và tội, và các vị này thấy thiện nghiệp của Samten nặng hơn bất thiện nghiệp. Cuối cùng Pháp Vương ra lệnh hai Thần Chết đưa bà trở về cõi người. Pháp Vương khuyên Samten hãy tu tập theo Chánh Pháp và giúp đỡ mọi người. Ngài nói thêm, “Từ nay trở đi, con không cần phải đến đây nữa. Con có thể thác sanh về Thế Giới Cực Lạc.”

Trên đường trở về, Samten trông thấy Mẹ Yeshe Tsogyal, và bà đã hỏi về hành trình của Samten. Trên đường về, bà đã cho Samten thấy cõi tịnh độ của năm vị Phật nguyên thủy được làm bằng ánh sáng năm màu ở bốn hướng và ở bên trên.

Samten khẩn cầu Yeshe Tsogyal đưa mình về Cõi Cực Lạc. Cưỡi trên một con sư tử, Yeshe Tsogyal dẫn Samten cưỡi trên một con lừa trắng. Họ lên đến đỉnh một ngọn núi ở hướng Tây, từ đó họ có thể trông thấy Cõi Cực Lạc. Với lòng vui mừng, Samten đảnh lễ ba lạy. Con lừa và con sư tử biến mất. Bỗng mặt đất nơi họ đang đứng trở nên đất mềm và êm dịu, mỗi bước chân bà đi là một bông hoa nở ra. Bà được tắm trong một cơn mưa cam lộ và được uống nước cam lộ này, mọi sự bất tịnh và ác nghiệp của bà đều được thanh lọc tịnh hóa, thân thể của bà trở nên trắng như vỏ ốc tù và, mỗi bước chân của bà là băng qua một thung lũng. Cuối cùng bà đến một cõi tịnh kỳ lạ với những cây, trái, hoa, những bảo vật và những món đồ trang hoàng lộng lẫy đẹp đẽ. Chư Bồ Tát trong hình dạng chim muông đang hót khắp nơi. Bất cứ cái gì Samten muốn có đều tự hiện ra tức khắc.

Với ba bước chân, Samten vượt qua ba bức tường, bà đến trước Đức Phật Vô Lượng Quang, lúc đó Ngài đang ngồi dưới một gốc một cây thật lớn và xanh tốt. Ở bên phải Đức Phật Vô Lượng Quang là Bồ Tát Quán Thế Âm và ở bên trái Ngài là Bồ Tát Kim Cương Thủ. Mỗi vị đều ở giữa một trăm triệu Bồ tát và tu sĩ. Các vị Phật và Bồ Tát ở khắp mọi nơi và ở giữa vô số đệ tử của các Ngài. Cũng có các vị Thần đủ loại, kể cả Guru Rinpoche trong hình dạng phẫn nộ. Bà cũng trông thấy vô số các vị Thầy thuộc nhiều dòng truyền khác nhau. Samten Chotso đã không kể lại về việc bà tái nhập lại thể xác như thế nào.



#32 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2011 - 09:54

Đừng mất can đảm: kinh nghiệm của Changchub Seng-ge

Changchub muốn đi về nhà, bỗng nhiên ông thấy mình ở trong nhà của Cha Mẹ mình. Ông đi qua nhà hàng xóm xin thức ăn và hỏi thăm những điều mình muốn biết, nhưng không ai trả lời hoặc thậm chí nhìn vào ông. Ông nghĩ có lẽ mọi người đang giận mình.

Một cô gái đang xách nước. Ông đến xin nước, nhưng cô ta không nói gì cả. Khi ông cố gắng lấy nước trong bình của cô thì cái bình tuột khỏi tay cô rớt xuống và bể thành nhiều mảnh. Ông nắm đuôi một con ngựa thì con ngựa ngã gục xuống đất. Một phụ nữ đang quay sợi không trả lời ông, khi ông chạm vào mớ lông cừu thì nó bị thổi bay đi như một cơn bão, làm cho bà ta phải đuổi chạy theo nó. Tất cả những điều này làm cho Changchub lo nghĩ, vì ông nhớ lại trong dân gian có nói, “Hồn vía dù vô hình nhưng vẫn có thể làm cho đồ vật chuyển động.”

Rồi ông suy nghĩ: “Bây giờ mình nên đến tu viện.” Trên đường có một con chó theo sủa ông. Một người đàn bà mắng con chó, “Con chó mắc dịch, bộ mày sủa ma hả!”. Người ta tin rằng chó và mèo có thể trông thấy những hồn ma. Tưởng người đàn bà gọi mình là ma. Changchub bắt bẻ, “chỉ cho thấy không có vị thần nào của bà mà không là ma quỷ!” Nhưng bà ta không nghe thấy ông. Khi ông đến tu viện. Ông thấy một xác chết nằm ở phòng của mình. Cái xác đang được hai con chó săn to lớn và hung dữ canh chừng. Changchub rất sợ. Một ý nghĩ xuất hiện với ông, “Có lẽ mình đã chết rồi!”

Ngay lúc đó, ông thấy mình ở bên kia của một quả núi lớn. Ông ở trong vùng tối tăm và đang bị những cơn bão nghiệp đẩy từ phía sau. Các vị Thần Chết đang la hét như hàng ngàn tiếng sấm, nền sắt nóng bỏng đốt dưới chân ông. Vô số sinh linh tạo nghiệp xấu đang đứng chen chúc ở xung quanh.

Quá sợ hãi, Changchub cầu nguyện Đức Quán Thế Âm, tức khắc ông thấy một đứa bé tám tuổi với sắc diện trắng, mặc áo lụa với những món trang sức bằng ngọc đang ngồi trên một cái ngai có trang trí hoa sen, mặt trời và mặt trăng. Cậu bé gia hộ cho Changchub và nói rằng hai người đã có nhân duyên từ nhiều kiếp. Đây là vị Thần Bảo Hộ của Changchub nên ông cầu nguyện với cậu bé.

Changchub đi thăm nhiều địa ngục, sau đó ông đến nơi ở của Pháp Vương. Trong một cung điện lớn, vị Pháp Vương ngồi trên một cái ngai trang trí với những tấm nệm hoa sen, mặt trời, mặt trăng, vàng ngọc, được nâng bởi tám con thú và chim. Phần thân trên của Ngài trang phục bằng lụa trắng và những món trang sức ngọc báu, phần thân dưới của Ngài mặc đồ da cọp với dây thắt lưng là một con rắn màu đen. Những tia sáng tỏa ra từ thân của Ngài đến nổi làm lóa mắt khiến người khác không thể nhìn vào Ngài được. Mắt Pháp Vương đỏ như máu, Ngài cầm một ngọn lửa và nước, ở phía bên phải Ngài là một gương, và ở bên trái là một tấm bảng. Vây quanh Ngài là một ngàn vị Thần Chết, các vị đều có hình dạng giống như Pháp Vương. Ở phía trước Ngài có vô số sinh linh đang tụ tập và vô số Thần Chết đang quyết định số phận của họ.

Pháp Vương cho Changchub đi thăm nhiều cõi ngạ quỷ, súc sanh, cõi người, và A tu la. Sau đó, Pháp Vương bảo Changchub chuyển bức thông điệp của Ngài cho chúng sanh của Cõi Người Sống, “Hãy nương tựa Tam Bảo, phát Bồ đề tâm, cúng dường, học giáo lý và tiếp nhận sự truyền thừa của Thầy tổ, đặc biệt là trì tụng Thần chú OM MANI PADME HUNG, đây là tinh túy của Giáo Pháp.”

Changchub hỏi Pháp Vương, “Có phải tất cả mọi người đều phải gặp Ngài sau khi họ chết?” Pháp Vương trả lời, “Không ai trong cõi người khi chết mà không gặp Ta, ngoại trừ hai hạng người. Những người đã tin theo Chánh Pháp từ lúc mới sinh ra, họ sẽ thác sanh thẳng đến Cõi Cực Lạc ngay khi thần thức họ lìa khỏi thể xác. Họ sẽ không cần phải gặp ta. Thứ hai là những hạng người đã tạo những ác nghiệp từ lúc sinh ra, sẽ đi thẳng vào địa ngục, họ không có cơ hội để gặp ta.”

Changchub lại hỏi, “Có nghiệp tốt nào sẽ không mang lại quả tốt hay có nghiệp xấu nào không mang lại quả xấu hay không". Pháp Vương đáp, “Có, dù dùng tài sản của mình để làm những việc tốt, nếu tài sản đó phát xuất từ sự lừa bịp Thầy của mình hay của Cha Mẹ, từ các tu sĩ bằng vũ lực, hay từ những người khác dưới dạng thu thuế, thì những việc làm tốt không được xem là công đức. Nếu với ý định bảo vệ kẻ yếu và cứu người khác mà chống lại những thú dữ, rắn độc, trộm cắp, kẻ giết người, và những kẻ làm hại người khác, tất cả những việc này đều không bị xem là bất thiện". Rồi Pháp Vương nói, “Ngươi không cần phải đến gặp lại ta. Ngươi sẽ tạo lập nhiều công đức để phụng sự cho chúng sanh, và ngươi sẽ đắc Phật quả.”

Thế rồi Changchub trở về cõi người. Ông về căn lều nơi ông đã nhập thất tu tập trước khi có kinh nghiệm delog. Nơi đây ông thấy xác chết một con chó. Một con ruồi đậu trên mõm con chó và đang niệm “OM MANI PADME HUNG”. Rồi một con chim bồ câu đậu trên mái nhà và hỏi ông, “Tội nghiệp, Ngài đã trải qua một thời gian dài khó khăn phải không?” và một con chim én hỏi, “Con trai, con đã về đến hả?”

Changchub thấy một cái áo của mình ở gần xác con chó. Khi ông nghĩ đến việc lấy cái áo đi, bỗng nhiên thần thức của ông nhập vào xác con chó, kỳ thực đó chính là thân xác của ông. Ông muốn ngồi dậy nhưng không thể được. Thân xác của ông lạnh như một cục đá trong nước. Ông cảm thấy đau ở vùng ngực. Rồi ông thấy linh ảnh của Đức Quán Thế Âm an ủi mình, “Con đừng mất can đảm. Con đã được thân người quý báu. Con đã trở về am thất tu tập của mình rồi” Sau đó Changchub dần dần tỉnh lại.



#33 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2011 - 09:58

Địa Ngục là Cõi Tịnh Độ Vô Thượng: Kinh nghiệm của Tsophu Dorlo

Lời kể delog này có một ý nghĩa sâu xa, lời văn rất hay theo nguyên gốc tiếng Tây Tạng.

Tsophu Dorlo cảm thấy mình trần truồng, nhưng ông vẫn có đủ mọi giác quan giống như còn sống. Ông bắt đầu cuộc hành trình của mình dọc theo con đường dài màu xám và hẹp trong cõi trung ấm. Ông đi nhanh với lực đẩy của gió nghiệp, và không thể tự ý dừng lại được. Bầu không khí âm u, không có ánh sáng mặt trời hay mặt trăng, đầy dẫy những bão tố, lũ lụt, và bão tuyết, và những tiếng la hét như sấm, “Giết! Giết! Đánh! Đánh!”

Nhiều sinh linh từ cõi người đến đây đã bị sự sợ hãi, rối loạn và đói khát hành hạ. Trong số họ có một tu sĩ tên là Chotrag Zangpo mà Dorlo từng biết. Ông hỏi, “Thầy làm gì ở đây?” vị lạt ma đáp, “ Tôi đến đây để giải cứu một số người có nhân duyên với tôi.” Rồi Ngài đã giải thoát nhiều sinh linh với oai lực của Đức Phật Từ Bi Quán Thế Âm.

Dorlo cầu nguyện đến Đức Phật Từ Bi cho những bạn đồng hành đang đau khổ của mình. Lập tức, Đức Quán Thế Âm hiện ra trước ông với nét mặt hoan hỷ và nói, “Con phải quay lộn ngược bánh xe luân hồi. Con phải dẫn dắt các sinh linh của cõi trung ấm về đến cõi tịnh độ.” Dorlo liền niệm “OM MANI PADME HUNG” rồi thuyết pháp cho các sinh linh và tụng kinh. Tức khắc ông thấy cõi trung ấm đã trống rỗng. Nhưng rồi trong một khoảnh khắc cõi trung ấm đã đầy trở lại với những sinh linh mới đến.

Sau đó Dorlo đi đến Cánh Đồng Xám của Người Chết, vốn là một cánh đồng cát nóng. Đây là cánh đồng của sáu điều bất định: các sinh linh ở đây không biết chắc mình đi đâu hay ở lại, trú ngụ ở đâu, làm gì, ăn gì, đi cùng với ai và họ không biết chắc cảm giác của mình, bởi vì mọi thứ luôn biến đổi.

Vì Dorlo không có kinh mạch ở thể xác vật chất, nên những tinh lực của Ngài lộ ra bên ngoài và Ngài không thể điều khiển được thần thức của mình. Vì vậy tâm của Ngài tán loạn như một con ngựa hoang. Vì không có mặt trời hay mặt trăng bên trong của tinh chất đỏ và trắng của cơ thể nên Ngài không cảm thấy có ánh sáng mặt trời hay mặt trăng bên ngoài, và mọi thứ đều chìm trong bóng tối. Ánh sáng của năm gió từ thể xác Ngài phát ra giống như ánh bình minh. Những tia sáng không thể chịu nổi vẫn chớp lóe như thể những hành tinh và ngôi tinh tú đang rơi xuống đất. Trong bầu trời của bóng tối và ánh sáng như vậy, thói quen tinh thần của Ngài phóng ra những hình dạng ma quỷ đáng sợ và nguy hiểm.

Trong số những sinh linh ở đây, Dorlo trông thấy một vị lạt ma đang chịu đau khổ. Dorlo cầu nguyện và quay bánh xe cầu nguyện của Ngài, nhưng vì vị tu sĩ này không tin tưởng Ngài nên Ngài không thể giúp gì được. cho ông ta.

Rồi Dorlo đi đến Đèo Núi Cát ở giữa Cõi Người Chết và Cõi Người Sống, Ngài trông thấy hai con đường. Con đường màu đen dành cho những người đã tạo ác nghiệp lớn, những người ở trên đường này chỉ trượt xuống như những hòn đá rơi thẳng xuống nền sắt nóng cháy của địa ngục. Con đường màu trắng dành cho những người đã tích lũy công đức, họ đi trên con đường này đến Tòa của Pháp Vương để được phán xét. Từ đó họ có thể đến cõi tịnh độ qua con đường ánh sáng năm màu này.

Dorlo thấy người quen cũ của mình là Zhagsar Trashi đang chịu khổ rất nhiều. Trashi xin Dorlo cầu nguyện cho mình, vì thế Dorlo tụng chú và quay bánh xe cầu nguyện. Trashi đã tạo nhiều ác nghiệp nhưng vì có niềm tin nơi Dorlo và có nhân duyên với nhau, nên ông ta được giải cứu khỏi nơi đó. Rồi Dorlo đến Dòng Sông Nâu Lớn Không Thể Vượt Qua của Người Chết. Đây là một dòng sông lớn với nước đồng sôi chảy, nóng cháy với đủ loại sinh linh hạ liệt, và đây là hình ảnh phản chiếu của thói quen tạo nghiệp của mỗi người.

Trên con sông có Cầu Sắt Của Người Chết. Với những người tạo thiện nghiệp thì thấy chiếc cầu này rộng, dễ đi qua và không thấy có bất cứ thứ gì đe dọa ở dưới dòng sông. Nhưng với số lớn người đã tạo ác nghiệp lại thấy chiếc cầu quá hẹp có vẻ như nó chỉ được làm bằng vài cọng rơm. Họ bị những vị Thần Chết xua đuổi qua bên kia cầu, nhiều người rơi xuống sông và bị đốt cháy hoặc bị những thú dữ ở đó cắn. Dorlo tụng niệm và quay bánh xe cầu nguyện, nhờ thế mà ông đã giải thoát được nhiều sinh linh.

Sau đó Dorlo vào đến địa ngục. Đây là nơi có đất bằng nền sắt nóng cháy, với những tiếng kêu la vang dội giữa ngọn lửa bốc cao. Đây là một cảnh tượng không thể chịu nổi. Dorlo cũng quay bánh xe cầu nguyện và tụng niệm, rồi ông giảng giáo lý:

"Hãy biết rằng những sự cảm nhận của mình là huyễn ảo.
Địa ngục chính là Cõi Tịnh Độ Vô Thượng.
Pháp Vương chính là pháp thân
Những Thần chết là các vị thần hiền hòa cũng như phẫn nộ
Nguyện cầu các vị đạt được chơn tánh".

Ông niệm ba lần “OM MANI PADME HUNG”, địa ngục bỗng tràn ngập ánh sáng cầu vồng. Tất cả các sinh linh cảm thấy an lạc và hoan hỷ.

Sau đó một trăm ngàn quân đao phủ đi theo các vị Thần Chết và Thần Bảo Hộ Trắng đến chào đón Dorlo với âm nhạc và lễ vật. Dorlo đi vào Tòa Phán Xét của Pháp Vương cùng với một trăm ngàn sinh linh. Pháp Vương nói “Các ngươi đến đây thật là kỳ diệu! Nếu nhận ra thì sẽ thấy Ta là Pháp thân, nếu không nhận ra được thì Ta là Pháp Vương của các Thần Chết, người phán xét ai đã tạo nghiệp tốt và ai đã tạo nghiệp xấu. Người nào có tính sân hận thì bị đày xuống địa ngục, người nào tham muốn nhiều thì sẽ đến cõi ngạ quỷ, người nào si mê nhiều sẽ xuống loài thú, người ganh tị nhiều sẽ đến cõi a tu la, người nào kiêu ngạo nhiều sẽ đến Thiên giới. Người nào tạo thiện nghiệp mà pha lẫn với năm cảm xúc phiền não này thì sẽ tái sanh trở lại cõi người. Người nào tạo nhiều công đức sẽ không phải chịu đau khổ trong cõi trung ấm hay trong địa ngục. Họ sẽ đi thẳng đến một cõi tịnh độ như Cõi Cực Lạc ngay sau khi qua đời, giống như một con đại bàng bay qua bầu trời.”

Rồi vị Pháp Vương ban lệnh cho các Thần Chết, “Ta thấy trên tấm bảng giờ chết đã đến với mấy trăm ngàn người. Vậy hãy xét xem họ đã tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp. Kiểm tra lại những hành vi của họ trong tấm gương phản chiếu tất cả. Tham khảo cuốn sổ ghi chép những chi tiết. Cân những nghiệp tốt và xấu trên cái cân công bằng. Hãy nghe tiếng trống chiến thắng và đừng phạm phải bất cứ sai lầm nào cả".

Quân đao phủ thỉnh cầu vị Pháp Vương xét xử vì những chi tiết về nghiệp báo của những sinh linh này khó quyết định. Lúc đó, Pháp Vương liền ra lệnh cho vị Thần Bảo Hộ Trắng và Quỷ Đen trình bày cẩn thận trường hợp của mỗi sinh linh.

Thần Bảo Hộ Trắng biện hộ cho những người đi theo Dorlo. Vị này gom lại một núi sỏi tượng trưng cho nghiệp tốt mà mỗi người đã tạo. Quỷ Đen tranh luận chống lại những người đó và trình ra một núi sỏi đen tượng trưng cho những ác nghiệp của họ. Dựa theo những bằng chứng này, Pháp Vương cho những người tạo thiện nghiệp thác sinh về tịnh độ hoặc trở lại cõi người, và những người tạo bất thiện nghiệp bị đày xuống những cõi thấp.

Sau đó Pháp Vương bảo Thần Awa Đầu-Bò đưa Dorlo đi thăm những địa ngục nóng và lạnh. Dorlo đi qua tất cả tám địa ngục nóng. Ở nhiều chỗ, Ngài cầu nguyện Đức Phật Từ Bi, niệm OM MANI PADME HUNG, và nhập định trao đổi niềm an lạc của mình để nhận lấy sự khổ đau của người khác, và như vậy Ngài đã giải thoát cho nhiều người. Dorlo đã gặp nhiều sinh linh mà Ngài đã quen biết cũng như chưa quen biết, nhờ Ngài chuyển lời nhắn của họ cho gia đình để xin những người thân này làm lễ cúng và hồi hướng công đức cho họ.

Nhiều vị Phật và nhiều vị Thầy cũng đến thăm địa ngục để giải thoát các tội đồ bằng cách thuyết pháp và gia hộ.

Sau đó Dorlo trở lại chỗ vị Pháp Vương và được lệnh trở về cõi người. Pháp Vương nói, “Xin kể lại những nổi khổ của địa ngục cho mọi người biết. Xin hãy tạo nhiều thiện nghiệp và từ bỏ ác nghiệp. Hãy thuyết pháp, ngươi sẽ làm nhiều lợi ích lớn cho mọi người. Trong kiếp kế tiếp, ngươi sẽ thác sinh về Tịnh độ và sẽ làm lợi ích cho nhiều người nữa”.

Bây giờ Dorlo cảm thấy mình đang trở về cõi người trên một con đường ánh sáng với âm nhạc và hương thơm tỏa khắp nơi vốn là quà tiễn biệt của Thần Bảo Hộ Trắng. Trong một lúc Dorlo bị bất tỉnh. Rồi ông nhìn thấy Đức Liên Hoa Sanh làm phép gia trì lực trường thọ cho mình và trao truyền những tiên tri khuyến giáo. Sau cùng Dorlo tỉnh dậy và thấy mình đang ở trong thể xác của mình giữa những người ở xung quanh.

Sắc tướng bất khả phân với trí tuệ: kinh nghiệm của Dawa Drolma

Dawa Drolma đã đến một số cõi tịnh độ và địa ngục. Ở đây tôi chú trọng nhiều hơn về những kinh nghiệm của bà trong cõi tịnh độ của Đức Liên Hoa Sanh, vì địa ngục đã được mô tả nhiều trong truyện của các delog khác rồi.

#34 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2011 - 09:59

Cõi Tịnh Độ biểu lộ của Đức Liên Hoa Sanh

Dawa Drolma thấy mình di chuyển qua bầu trời giống như một con kên kên. Bà thấy mình đang ở cõi tịnh độ biểu lộ của Đức Liên Hoa Sanh (Guru Rinpoche), vị Phật trong sắc tướng một vị Thầy thành tựu. Có một cánh đồng rộng bát ngát. Bà thấy ở giữa cánh đồng là một quả núi lớn bằng đá đỏ có hình dạng trái tim. Quả núi đó được bao quanh bởi những rặng núi sắc nhọn như lưỡi kiếm, tất cả đều tỏa ra màu đỏ nhạt. Bầu trời được trang trí bằng một mái vòm ánh sáng năm màu. Đủ loại chim đẹp đẽ đang hót và bay lượn vui đùa. Khắp nơi mặt đất bao phủ đủ loại bông hoa nhiều màu sắc. Bầu không khí tràn đầy hương thơm kỳ diệu làm cho mọi giác quan của bà ngây ngất. Cũng có một quả núi màu xanh lam ngọc. Những cảnh đẹp này không phải là những sắc tướng mơ hồ, mà là những hình ảnh sinh động với sự hiện diện thực sự.

Nữ Thần Tara Trắng là vị Thần Bảo Hộ của Dawa Drolma. Dawa Drolma cầu nguyện đến Đức Liên Hoa Sanh bằng cách tụng Bài Nguyện Bảy Dòng Kim Cương và nhập định Đạo Sư Quán (Vajra Seven Line Prayer and Meditated on Guru Yoga).

Bà cúi đầu đảnh lễ và cúng dường mandala cho cõi tịnh này. Bà thấy ở giữa quả núi là cung điện bất khả tư nghì của Đức Liên Hoa Sanh được gọi là Liên Hoa Quang (Lotus of Light). Cung điện này là trí tuệ giác ngộ của Đức Liên Hoa Sanh, xuất hiện tự nhiên trong hình dạng một lâu đài tỏa hào quang. Lâu đài thật lớn và được làm bằng năm loại bảo vật với đủ loại kiến trúc và vật trang trí. Mỗi chi tiết cấu trúc đều nói lên trí tuệ và phẩm tính đặc biệt của Phật quả. Cõi tịnh độ này là nơi lưu trú của nhiều vị Thầy giác ngộ, các vị Thần nam nữ daka và dakini.

Ở hướng Đông của cung điện, bốn dakini giúp Dawa Drolma mặc một bộ áo có nhiều màu sắc và tỏa ánh sáng giống như cầu vồng. Sau khi đi vào cổng cung điện pha lê tuyệt đẹp, bà đi lên một cầu thang dài, rồi ở trong một đại sảnh, bà cùng với các vị lạt ma và dakini làm một lễ cúng dường lớn, bà tụng bài kinh tịnh hóa cùng với các vị này. Kế đó một dakini mặt xanh đưa bà đến một tòa lâu đài rộng lớn, vốn là cung điện chính trong số nhiều cung điện ở đây, nơi bà tham dự một lễ tịnh hóa bằng việc cùng tắm với nhiều người khác.

Dawa Drolma được hướng dẫn đi thăm nhiều chỗ trong cung điện kỳ diệu này và cũng đi thăm những cung điện khác trong khu vực. Ở những nơi khác nhau này bà được tiếp đón và gia hộ bởi các vị Thầy trong hình dạng Chư thiên tỏa hào quang và năng lực tâm linh lớn. Một số các vị này từng là Thầy của bà đã viên tịch. còn các vị khác là những vị Thầy trong quá khứ, như Đức Yeshe Tsogyal, công chúa Mandarava, Legyi Wangmp-che, Khyentse Wangpo, và nhiều Thiên nữ dakini. Bà đảnh lễ tôn kính đến các Ngài và cầu nguyện một cách thành tâm.



#35 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2011 - 10:00

Dưới Chân Đức Liên Hoa Sanh

Cùng với Nữ Thần Tara Trắng, Dawa Drolma vào thăm cung điện khác đẹp lộng lẫy, được tôn tạo bằng pha lê đỏ. Đây là một cung điện khổng lồ không thể đo lường được với những đồ vật trang trí phong phú và chứa đầy của cải bất tận và những món đồ cúng kỳ diệu.

Cuối cùng, ở giữa một đại sảnh, Dawa Drolma thấy một cái ngai lớn mà bà cho là cao hơn một tòa nhà ba tầng, tỏa hào quang ra khắp nơi. Trên cái ngai bà thấy sự hiện diện kỳ diệu của Đức Liên Hoa Sanh, (Padmasambhava), hiện thân của trí tuệ, từ bi và oai lực của tất cả các đấng giác ngộ. Xung quanh cái ngai là vô số các dakini và các vị Thầy trong những hình dạng khác nhau, với sắc diện, trang phục, tư thế và cử chỉ khác nhau, và được vây quanh bởi những điệu nhạc khác nhau. Khi nhìn thấy Đức Liên Hoa Sanh, tất cả mọi ý nghĩ của bà tự nhiên chấm dứt. Bà đạt được sự hợp nhất vững chắc với một trạng thái không thể xóa nhòa, không thể nghĩ tưởng, và không thể mô tả được. Bà an trụ trong trạng thái này được một lúc, vừa hỷ lạc vừa cô đơn.

Sau đó Dawa Drolma đến gần ngai hơn và đặt trán của mình lên chân Đức Liên Hoa Sanh. Đại Sư gia hộ cho bà bằng cách đặt tay lên đầu bà và tụng Bài Nguyện Bảy Câu Kim Cương.

Trong cuộc viếng thăm cõi tịnh độ này, nhiều vị Thầy gia hộ và giảng giáo lý cho Dawa Drolma. Bà cũng gặp Ngài Dechen Dorje, một vị lạt ma cao cấp cũng là bác ruột của bà đã viên tịch. Ngài đã thác sanh về cõi tịnh độ của Đức Liên Hoa Sanh. Ngài truyền dạy giáo lý, gia hộ, ban lời tiên tri cho bà và khuyến giáo bà trở về cõi người.

Sau đó bà Dawa Drolma được đưa đến một căn phòng đẹp đẽ có một cái giường, mấy cái gối và một người hầu. Bà nằm ngủ một lát, và sau khi thức dậy, bà lại đi gặp Đức Liên Hoa Sanh và tụng Bài Nguyện Bảy Câu Kim Cương, Đức Liên Hoa Sanh gia hộ và gia trì lực cho bà. Với lòng đại từ bi, Ngài nói, “nay đã biết về những đau khổ của sáu cõi luân hồi, con phải trở về cõi người. Kể cho mọi người biết về những gì con đã trông thấy và khuyến khích họ đi theo con đường đạo đức.”

Dawa Drolma rời khỏi cung điện của Đức Liên Hoa Sanh với tấm lòng thành kính tri ân với hai dòng lệ rơi. Trên đường đi ra, ở ngoài cung điện và cổng khác nhau, bà bái biệt các vị Thầy và các vị dakini và nhận sự gia hộ của các Ngài.



#36 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2011 - 10:03

Những lời minh triết dành cho loài người

Nữ Thần Tara Trắng đưa Dawa Drolma đến những địa ngục. Dawa Drolma đã trải qua những kinh nghiệm trong cõi trung ấm. Bà trông thấy Pháp Vương trong sắc tướng phẫn nộ và khủng khiếp tại Tòa Phán Xét. Trong cuộc viếng thăm địa ngục, bà giúp đỡ nhiều tội đồ bằng cách giảng giáo lý, cầu nguyện, và trì Thần chú của Liên Hoa Sanh: OM AH HUNG BENZA GURU PADMA SIDDHI HUNG. Bà cũng trông thấy những nghiệp quả và những đau khổ của địa ngục bằng chính mắt của mình, vì vậy bà có thể giảng dạy giáo lý hiệu quả hơn khi trở về cõi người. Bà cũng đem về nhiều lời nhắn của người chết cho thân nhân đang sống ở thế gian

Sau đó, Nữ Thần Tara Trắng đưa Dawa Drolma đến thăm cung điện Potala, cõi tịnh độ của Bồ Tát Quán Thế Âm và Ngài Yulo Kopa, cõi tịnh độ của Ngài Tara, trước khi trở về thế gian.

Trong lúc Dawa Drolma thăm cõi tịnh độ của Tara, bà bỗng cảm thấy Dharmapala Tseringma đang gọi mình ba lần, “Dawa Drolma! Hãy trở về cõi người!”. Bà nghĩ, “Bác Rinpoche, Cha Mẹ, và tất cả những người thân của mình đang ở thung lũng Throm. Mình phải trở về!”. Rồi cùng với Đức Tara Trắng, bà trở về trong khoảnh khắc.

Ở nhà, Thầy của Dawa Dorlma là Ngài Tromge Trung mở cửa phòng, nơi an trí thi hài của bà và làm lễ cầu an trường thọ cho bà. Không bao lâu, thần thức của Dawa Drolma đã tái nhập thể xác. Bà mô tả sự kiện này như sau:

Bà cảm thấy thân thể tê liệt và không có sự trong sáng trong những giác quan của mình. Bà thể nhập vào niềm tôn kính những đấng giác ngộ, hoan hỷ nhớ lại các cõi tịnh độ, và cảm thấy buồn về những nổi khổ của địa ngục. Từ tâm trạng pha trộn như vậy, bà lấy lại ý thức trọn vẹn của mình, giống như dần dần thức dậy sau một giấc ngủ say. Bác Trungpa của bà đang đứng ở trước mặt, đang cầm một mũi tên của lễ cầu an trường thọ và nhìn bà với vẻ quan tâm trong đôi mắt đỏ ngầu. Bà cảm thấy hơi bối rối, không dám nói một lời nào. Các vị lạt ma làm lễ tịnh hóa. Các bạn của bà khóc và hỏi, “Bà có mệt lắm không?” “Bà có đói bụng không?” “Bà có khát nước không?” Bà không thấy đói hay khát gì cả, nhưng họ không tin như vậy. Sau cùng, tất cả mọi người đều được mời ăn cỗ cúng.

Dawa Drolma có những lời hướng dẫn về việc tránh bị đày đọa vào địa ngục, và bảo đảm tái sanh về tịnh độ. Sau đây là tóm lược những lời khuyên của bà cho mọi người ở thế gian:

- Thanh lọc những ác nghiệp của mình đã tạo bằng thiền quán. Không tiếp tục tạo bất thiện nghiệp nữa.
- Tạo công đức, chép hoặc ấn tống kinh điển, tụng kinh, thờ Phật và lễ Phật
- Lễ các vị Thần khác nhau và thọ trì Thần chú của các vị
- Làm cỗ cúng để cúng dường
- Cứu giúp người khác khỏi tai họa, và phóng sanh (chuộc mạng sống những con thú sẽ bị làm thịt)
- Treo cờ cầu nguyện lên, khắc Thần chú trên đá, quay bánh xe cầu nguyện, và làm phép tuyệt thực. Phát tâm tôn kính Phật và Giáo Pháp của Ngài.
- Phát tâm từ bi đối với hết thảy chúng sanh.
- Đặc biệt là thực hành và hoàn thiện ba nhận thức thanh tịnh: thấy mọi vật đều là cõi tịnh độ, nghe mọi âm thanh đều là âm thanh thiêng liêng, và kinh nghiệm mọi cảm giác (những kinh nghiệm thể xác, tâm thức và cảm xúc) như trí tuệ Phật, an lạc và toàn giác.
- Sau cùng, hãy hồi hướng công đức của mình cho những người đặc biệt nào đó hay cho tất cả chúng sanh.

Dawa Drolma sống phần đời còn lại của mình với công việc giảng dạy giáo lý dựa trên kinh nghiệm delog và cống hiến trọn vẹn đời sống của mình cho việc phụng sự tha nhân. Bà thường khuyên những ai hay than thở đời sống này quá nhọc nhằn rằng: “Dù đời sống ở thế gian khó khăn đến đâu cũng không thể nào so sánh với những khổ đau ở địa ngục.”

Trong chuyến hành hương đến miền Trung Tây Tạng, bà Dawa Drolma thọ thai và sinh hạ người con trai đầu lòng của mình, đó là Đại Sư Chagdud Rinpoche, người sau này sống lưu vong ở Ấn Độ và sau đó sang định cư ở phương Tây. Ngài truyền bá và xây dựng một số trung tâm Phật Giáo tại Hoa Kỳ và Brazil. Sau đó bà Dawa Drolma có một con gái là Thrinle Wang. Năm 1941, ở tuổi ba mươi hai, bà đã qua đời không lâu sau khi sinh một người con trai khác, và người con này cũng chết. Người ta đã chứng kiến nhiều điều kỳ diệu vào lúc bà qua đời và lúc hỏa thiêu. Dawa Drolma và truyện delog của bà đã gây cảm hứng cho nhiều người ở khắp miền Đông Tây Tạng tin vào luật nhân quả, nghiệp báo và luân hồi tái sanh. Do đó mọi người có lối sống đạo đức hơn và có lòng từ bi hơn đối với hết thảy chúng sanh.

Để cho mọi người được giải thoát: Kinh nghiệm của Shugseb Jetsun Lochen

Shugseb Jetsun Lochen mô tả rất hay về chuyến viếng thăm của bà đến cõi tịnh độ của Đức Liên Hoa Sanh và bà được dạy rằng địa ngục chỉ là sự cảm nhận giả tập của tâm thức



Du hành với Thiên nữ Dakini một mắt

Thần thức của Jetsun đã rời khỏi thể xác. Bỗng vị Thiên nữ dakini rất hấp dẫn, có nước da màu lục ngọc, lông mày đẹp, mái tóc buông lơi, xuất hiện trong linh thị của bà. Vị Thiên nữ dakini này chỉ có một mắt ở giữa trán. Vị Thiên nữ hỏi Jetsun, “Con có muốn đến Núi Màu Đồng Vinh Quang, cõi tịnh độ Đức Liên Hoa Sanh hay không?” Jetsun đáp, “con rất muốn” .

Nắm lấy tay Thiên nữ dakini, Jetsun bay lướt trên không qua nhiều vùng đất khác nhau. Họ vượt qua một cánh đồng lớn và qua một con sông rộng lớn. Rồi họ đến một nơi có nhiều cây cao như thể đụng đến cõi trời. Sau cùng, họ lên đến đỉnh một đèo cao. Tất cả những nơi họ đi qua là những giới hạn của cõi trung ấm. Thiên nữ dakini nói, “xem kìa!”

Ở đằng xa, Jetsun trông thấy một lục địa to lớn, có màu hơi đỏ và đẹp lạ thường. Khắp người bà tràn ngập một cảm giác kỳ diệu về sức mạnh và hơi nóng. Thiên nữ dakini nói:

Hỡi người con gái may mắn, hãy xem ở đằng kia.
Vùng đất đó là lục địa Ngayab vô thượng
Đó là xứ được Chư Phật trong ba đời gia hộ
Ngày xưa, đó là nơi trái tim của một con người xấu (ngã chấp) đã được nhiếp phục.
Bởi oai lực gia hộ của Nữ Thần Vajravarahi,
Giáo lý bí mật kỳ diệu đang thịnh hành ở nơi đó.
Dù chỉ trông thấy, nghe thấy hay suy nghĩ đến nơi đó
Người ta cũng đạt được giác ngộ.
Vì vậy, nếu con thật sự đến đó, thì không cần phải nói gì cả.
Dù con chỉ nhìn nơi đó với đôi mắt tôn kính
Con sẽ đạt được chứng nghiệm về cõi tịnh
Vậy hãy đảnh lễ nơi đó với lòng chí thành".

Jetsun phát tâm tôn kính và đảnh lễ Núi Quang Vinh nhiều lần. Ở đó bà trông thấy một cung điện khổng lồ có hình dạng một đồ hình mandala được làm bằng ngọc quý sáng chói. Cung điện này lớn và cao đến mức dường như đụng đến cõi trời. Bà thấy xung quanh cung điện có vô số các vị daka, và dakini đang hoan hỷ cúng dường những lễ vật. Cung điện này cũng được vây quanh với những khu vườn lớn có đủ loài cây như ý và bông hoa nhiều màu sắc và những hồ nước tuyệt đẹp.

Phần trên đỉnh của cung điện là cõi tịnh độ của pháp thân, tức là trạng thái chơn không. Phần giữa là tịnh độ của báo thân, tức là xứ thịnh vượng vĩnh cửu. Phần dưới của cung điện là cõi tịnh độ của hóa thân, tức là cõi tịnh độ hiển lộ mà những người thành tâm có thể thưởng thức được. Chỉ do nhìn thấy cung điện này mà Jetsun đã chứng nghiệm được trạng thái tâm giác ngộ tự nhiên


#37 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2011 - 10:07

Vào Núi Quang Vinh

Lúc đó, thiên nữ vị dakini nói, “Bây giờ chúng ta đi đến đó.” Trên đường đi đến Núi Quang Vinh, Jetsun cảm thấy sự hiện diện của một đám đông người đang quan sát họ. Trong khoảnh khắc, họ đi đến một cánh cổng hùng vĩ được làm bằng những vật liệu quý, Thiên nữ dakini gõ vào cánh cổng, một người đàn bà với sắc diện đỏ và cử chỉ mạnh mẽ đi ra và hỏi, “các vị là ai?” Vị dakini trả lời:
Người nữ này đến từ Tây Tạng, xứ sở của Giáo Pháp.
Bà là một biểu hiện tâm thức của Dakini Hào Quang Xanh
Bà đến đây để gặp Đại Sư, hiện thân của tất cả các bậc trí giả
Nhưng bà bị tối tăm vì những bất thiện nghiệp ở quá khứ
Xin hướng dẫn để bà không gặp những chướng ngại nào trên đường đi".

Người đàn bà mặt đỏ nói với Jetsun:

"Ta chỉ là một dakini làm cỗ cúng
Nếu không xin phép các vị ở trong kia
Mà lại đưa con vào ngay là không được
Vậy con hãy chờ ở đây một lát".

Người đàn bà kia lại quay vào bên trong, và Thiên nữ dakini đi theo sau. Không bao lâu sau, năm thiếu nữ rất xinh đẹp tay cầm bình nước đi ra. Các vị tắm cho Jetsun với cam lồ tịnh thủy, rồi họ đưa bà vào cổng bên trong. Tức khắc thân thể của bà tràn ngập cảm giác hỷ lạc.

Ở cái cổng được trang trí công phu của cung điện, một Thiên nữ dakini cao quý và xinh đẹp với một chút nét phẫn nộ đến đón bà Jetsun. Tức khắc tâm của Jetsun nhập vào trạng thái thiền định. Bà đã chứng nghiệm trạng thái thiền ở cấp độ Bồ tát thứ mười. Jetsun cầu nguyện bảy lần với vị dakini. Vị dakini này dẫn bà Jetsun đi lên mười sáu bậc thang bằng pha lê. Nơi đó, Jetsun thấy mình đang ở bên trong cung điện. Đây là một nơi rộng lớn vô cùng, và từ đây người ta có thể thấy tất cả mọi hiện tượng, không có sự mê lầm hay chướng ngại nào.

Ở trước mặt của Jetsun có một bức màn lụa trắng thêu chỉ vàng. Khi bức màn mở ra, bà thấy Đức Liên Hoa Sanh ngồi trong tư thế vương giả trên một tấm nệm hoa sen đặt trên một ngai quý báu. Ngài có sắc diện trắng hơi đỏ, và toát ra năng lượng bình an rộng lớn, chơn không và năng lực phẫn nộ. Ngài đội mão hoa sen có hình mặt trời, mặt trăng, và lông đại bàng. Ngài mặc ba áo Giáo Pháp với một áo gấm ở bên ngoài. Tay phải Ngài cầm một chày kim cương và tay trái cầm một chén sọ người, bên trong là bình cam lồ trường sanh. Hào quang của Ngài tỏa chiếu rực rỡ hơn trăm ngàn mặt trời. Bà cảm thấy mình không thể có đủ sức để ngắm nhìn Ngài cho thỏa lòng tôn kính. Jetsun thấy xung quanh Đức Liên Hoa Sanh là tất cả các vị Thầy vĩ đại của quá khứ ở Tây Tạng và Ấn Độ.

Với ánh mắt từ bi, Đức Liên Hoa Sanh nhìn Jetsun. Mỗi sợi lông trên thân thể bà đều dựng đứng. Bà vui sướng xúc động đến nỗi khuôn mặt bà đẫm lệ với lòng tôn kính không thể đè nén được. Bà đảnh lễ trước Đức Liên Hoa Sanh nhiều lần và cầu nguyện cho hết thảy chúng sanh. Đức Liên Hoa Sanh ban nhiều lời tiên tri và giảng giáo lý sau đây cho bà:

Hỡi Dakini Hào Quang Xanh, hãy nghe Ta nói
Đây là xứ vô thượng, Núi Màu Đồng Quang Vinh.
Trừ những người nam, nữ có thiện nghiệp
Người thường không thể thọ hưởng được
Đây là cõi tịnh độ vô thượng .Ta, Đại Sư Liên Hoa Sanh
Giữa những vị thành tựu và các vị Thầy ở đây,
Không có ai mà không đạt những cấp thành tựu cao
Ai trông thấy cõi tịnh độ này
Sẽ không bao giờ lạc khỏi con đường giác ngộ.
Vậy hãy phát tâm thành kính và cảm thấy an lạc.
Giờ đây, không chậm trễ, con phải trở về Tây Tạng.
Hãy là người hướng dẫn giảng dạy về luật nghiệp báo
Hãy là bậc Thầy trình bày về giáo lý Đại Thừa.
Hãy là viên ngọc trên vương miện của tất cả dakini.
Hãy là tinh túy của trái tim, người duy trì giáo lý của Ta.
Phục hồi những truyền thống của Thầy tổ.
Người nào trông thấy mặt con hay nghe lời nói của con
Sẽ đạt đến giác ngộ. Đây là những lời của Liên Hoa Sanh.
Hỡi những trí giả đang tụ tập ở đây,
Xin hãy gia hộ với tâm của các vị cho đệ tử này".

Sự gia hộ của Đại Sư

Ngay lúc đó, những luồng ánh sáng nhiều màu, trắng, đỏ, vàng, và xanh phóng ra từ ngực tất cả những vị thánh tề tựu nơi đó và hòa nhập vào ngực của Đức Liên Hoa Sanh. Với sự dẫn đầu của Đức Liên Hoa Sanh, tất cả các thánh giả đều trì niệm Thần Chú Kim Cương Sư ( Mantra Guru Vajra): OM AH HUNG VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUNG. Âm thanh đó tràn ngập và vang vọng trong không gian. Sau đó, đặt tay lên đầu của Jetsun, Đức Liên Hoa Sanh nói:

"Nguyện cho thân, miệng và ý của con.
Được gia hộ với thân, ngữ, và ý của Ta!".

Tức khắc, Jetsun cảm thấy một cảm giác kỳ diệu khắp toàn thân, và bắt đầu rung chuyển. Bà cất lời tán thán đến Đức Liên Hoa Sanh với giai điệu ngọt ngào và phát nguyện mang an lạc và hạnh phúc đến cho tất cả chúng sanh. Rồi với tấm lòng nặng trĩu lúc giả biệt, bà nói:

“Bạch Đức Đại Sư sanh ra từ biển
Hiện thân của tất cả chư Phật;
Các bậc trí giả của Ấn Độ và Tây Tạng,
Đang giảng giáo lý của chín thừa (ba thừa kinh điển, ba thừa mật điển ngoại, ba thừa mật điển nội)

Biển lớn các dakini, các bà Mẹ,
Đang thọ hưởng vinh quang và hỷ lạc
Trong Cung Điện Núi Màu Đồng Vinh Quang
Nơi các vị thành tựu đang tụ hội!

Con là một kẻ hành khất tên là Lochen
Cô độc lang thang đến đây từ xứ Tây Tạng đau khổ.
Than ôi, đây chắc là nghiệp quả xấu của con từ quá khứ
Để con phải trở về Tây Tạng.
Hỡi các bậc thánh đang tụ hội ở đây!
Các Ngài có thấy nổi đau của con chăng?
Mọi đau khổ của chúng sanh trong sáu cõi luân hồi và tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới)
Xin hãy đổ lên con, để chịu thay thế cho họ"

Đến đây, Thiên nữ dakini đã gặp Jetsun ở cửa cổng, Thiên nữ ban phước cho Jetsun với mũi tên trường thọ và nói:

"Hỡi người con gái may mắn, hãy nghe ta nói:
Ta là Dakini Hào Quang Xanh.
Con và ta là bất khả phân,
Giống như mặt trăng và bóng trăng trong nước.
Xin đừng buồn vì trở về,
Nhờ ơn gia hộ của Đức Liên Hoa Sanh,
Con sẽ làm lợi ích cho vô số sinh linh".

Jetsun đặt đầu mình vào chân Đức Liên Hoa Sanh, Jetsun đã được Ngài ban cho bốn gia trì lực. Bà cũng được các bậc trí giả thành tựu khác gia hộ. Vị Dakini Hào Quang Xanh đưa bà ra cổng, gia hộ và ban những lời tiên tri. Ở đó, một lần nữa, vị Thiên nữ dakini một mắt xuất hiện và đưa Jetsun trở về.



#38 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2011 - 10:10

Lòng từ bi trong những cõi đau khổ

Trong khoảnh khắc Jetsun đã đến Thiên giới. Ở đây những người nam và nữ đang giải trí bằng âm nhạc, nhảy múa, và thọ hưởng những thú vui nhục dục khác. Các chúng sanh trong cõi bán thiên A Tu La thì bị đau khổ vì hành hạ lẫn nhau. Sinh linh trong cõi bàng sanh đau khổ vì bị bắt làm nô lệ và ăn thịt lẫn nhau. Những sinh linh trong cõi ngạ quỷ bị hành hạ trong trạng thái đói và khát trầm trọng.

Sau đó Jetsun lại vượt qua một cánh đồng rộng lớn và đi lên một đèo núi cao. Trên đỉnh đèo bà thấy địa ngục đau đớn hãi hùng và lòng bà trĩu nặng với đầy nổi xót thương. Bà nghĩ, “Mình nên đi đến thỉnh cầu Đức Pháp Vương thả những tội đồ đang đau khổ này ra.” Những sinh linh ở địa ngục bị hành hạ bằng những đòn tra tấn bất tận. Họ bị thiêu đốt trên những cánh đồng sắt nóng đỏ bốc lửa. Họ bị cắt ra thành từng miếng, bị nghiền nát thành bụi, bị nướng trong phòng giam nóng cháy, bị đâm bằng những khí cụ nóng cháy và bị rót nước đồng sôi vào cổ họng. Vì đây là quả báo mà họ phải chịu, nên họ không bao giờ chết ở địa ngục mà sẽ ngất đi rồi tỉnh lại nhiều lần cho đến khi sự chịu tội ở địa ngục của họ chấm dứt.

Với khuôn mặt đẫm nước mắt, tâm trạng u buồn, và lòng bi mẫn, Jetsun cầu nguyện. Tức khắc, một dakini với Đức Phật Từ Bi xuất hiện và giảng giáo lý cho bà. Jetsun cũng thành tâm cầu nguyện, và bà cảm thấy mức độ đau khổ của các sinh linh đó đã giảm bớt. Tất cả các tội đồ của địa ngục nhìn thấy Jetsun, và một số họ còn có thể quy y Tam Bảo. Jetsun cất lời ca ngợi giáo lý sau đây cho họ nghe:

"Nếu muốn giải thoát khỏi những đau khổ này,
Hãy xem vị Thầy mà mình tin tưởng,
Là hiện thân của tất cả ba đối tượng quy y tối thượng: Phật, Pháp, và Tăng.
Cầu nguyện vị Thầy với lòng tôn kính vô biên.
Sám hối những nghiệp chướng mà mình đã tạo trong quá khứ.
Hãy hứa không tạo ác nghiệp như vậy nữa.
Phát nguyện nhận vào mình những đau khổ của người khác.
Hãy xem quân đao phủ địa ngục như Đức Phật Từ Bi.
Quán tưởng địa ngục là cõi tịnh độ của Phật Từ Bi
Hãy nghe những âm thanh đánh và giết như tiếng niệm OM MANI PADME HUNG.
Bản chất thật của đau thương là rỗng không
Năng lực tự nhiên của tâm thức là sự hiện diện một cách tự nhiên và bất tận.
Mọi sắc tướng phát sanh từ oai lực của chơn không và được giải thoát vào chơn không.
Sự phát sinh và sự giải thoát của chúng không liên tiếp nhau mà là cùng lúc.

OM: quán tưởng thân thể của mình là thân quang minh chơn không của Phật Từ Bi.
MA: Trong thân đó quán tưởng kinh mạch trung ương với bốn phẩm tính,
NI: Trong thân đó tâm thức có hình dạng quả cầu ánh sáng năm màu.
PAD: Với năng lực của " hơi thở cái bình".
ME: Vào trong tim của Đức Phật Vô Lượng Quang,
HUNG: Hãy phóng quả cầu ánh sáng và hợp nhất
HRI: Bằng cách niệm PHAT năm lần.

Pháp này có oai lực giải thoát thần thức cho các sinh linh, kể cả những người đã tạo ác nghiệp.

Hôm nay ta làm pháp phowa cho những sinh linh ở địa ngục.
Do lòng từ bi của các vị lạt ma và các vị dakini,
Nguyện cầu cho tất cả các vị sớm giải thoát khỏi những cõi thấp và đắc Phật quả.”

Vào lúc này, nhiều sinh linh thoát ra khỏi địa ngục.

Năng lực giác tánh nội tại của riêng bà

Khi Jetsun cảm thấy muốn gặp vị Pháp Vương, tức khắc bà thấy một luồng ánh sáng phát ra từ đầu của mình. Ở đầu kia của luồng ánh sáng, bà trông thấy một pháo đài sắt to lớn, đáng sợ. Trong pháo đài, trên một ngai tạo bằng xác chết, mặt trời, mặt trăng, và hoa sen là vị Đại Pháp Vương. Ngài có hình dạng phẫn nộ, mặc trang phục phẫn nộ với sắc diện màu tím đen. Ngài ở giữa một cơn bão lửa và những dòng máu. Ngài cầm một tấm bảng và một tấm gương, và đang gầm với âm thanh phẫn nộ: A-RA-LI. Đứng xung quanh Ngài là các vị Thần Chết.

Ngay lúc đó, Jetsun cảm thấy rằng vị Thiên nữ dakini đi cùng với mình nhập vào tim của bà và Phật Từ Bi đã hòa nhập vào đầu bà.

Bà kính chào vị Pháp Vương và đoàn tùy tùng của Ngài. Sau đó bà cầu nguyện, và hình như tất cả các vị đều lập lại lời nguyện theo sau bà. Khi bà nhắm mắt trong sự tôn kính, dường như tất cả họ đều bắt chước làm theo bà. Đến lúc này bà chợt hiểu ra rằng mọi sắc tướng này chỉ là năng lực biểu lộ tánh giác nội tại của riêng bà. Vị Pháp Vương hỏi Jetsun, và các vị phụ tá của Ngài kiểm lại những hành vi quá khứ của bà trong tấm gương, trong sổ ghi chép và với cái cân. Khi thấy chỉ có những nghiệp tốt, các vị đã hướng dẫn bà đi vào con đường giải thoát. Jetsun nói với họ, “Làm sao tôi có thể rời khỏi nơi này một mình, bỏ lại mọi sinh linh trong địa ngục này? Xin hãy cho mọi người được giải thoát.”

Vị Pháp Vương đáp:

“Người không biết địa ngục chỉ là phản ánh của tâm tánh của con người hay sao?
Ta không tạo ra nền sắt nóng cháy và những ngọn lửa địa ngục.
Chúng là những sản phẩm của tâm sân hận và tham dục
Mỗi đau khổ trong địa ngục
Được tạo ra bởi cảm xúc trói buộc của chính nó, thí dụ như cảm xúc sân hận.
Đối với tâm giác ngộ thì địa ngục là cõi Cực Lạc.
Chính chúng ta là những vị Phật hiền hòa và phẫn nộ.
Đau khổ chấm dứt là "lúc giải thoát phát sanh”.
Khi trở về thế gian của người
Hãy chuyển thông điệp này cho mọi người: “Luật nhân quả không bao giờ sai lạc".
Ngươi, Jetsun, đã tận mắt chứng kiến.”

Jetsun quán tưởng chính mình là Đức Phật Từ Bi với một trăm vị Thần hiền hòa và phẫn nộ ở trong mình. Rồi bà niệm “OM MANI PADME HUNG “và an trụ trong trạng thái thiền chơn không. Kết quả là nhiều sinh linh đã được giải thoát khỏi địa ngục. Không bao lâu sau đó Jetsun đã tái nhập về thể xác và hồi phục sức khỏe. Trước đó Mẹ và bạn bè của bà canh giữ cái xác của bà suốt ngày đêm. Đôi lúc họ cảm nhận mùi hương thơm, có khi là mùi của xác chết, có lúc mùi rất thơm, và đôi lúc mùi rất hôi. Những mùi này là tương ứng với thời gian và địa điểm mà Jetsun viếng thăm.



#39 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2011 - 10:11

Không có gì để lấy hay bỏ: kinh nghiệm của Đại Sư Do Khyentse Yeshe Dorje

Do Khyentse (1800-1866), ra đời tại tỉnh Golok thuộc miền Đông Tây Tạng và là một trong những vị đại sư thành tựu, kỳ diệu và vĩ đại nhất của tông phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng. Những cuộc viếng thăm cõi tịnh độ của các vị Thầy thành tựu như Đại Sư Do Khyentse thường được các sách Phật giáo Tây Tạng xếp vào loại linh thị thanh tịnh hay các hành trạng giải thoát của quý Ngài, chứ không được xem là kinh nghiệm cận tử của một delog. Thêm nữa, Đại Sư Do Khyentse chỉ đề cập một cách không chi tiết về những chuyến du hành của Ngài đến các cõi thấp như địa ngục, vốn rất quan trọng cho những chuyện kể của delog để răn đe và gây cảm hứng cho mọi người. Vì vậy lời kể của Ngài về chuyến viếng thăm cõi tịnh độ không thực sự được xếp loại truyện delog.

Tuy nhiên tôi vẫn cho vào cuốn sách này cuộc du hành đến cõi tịnh độ của Đại Sư Do Khyentse, vì chuyện kể của Ngài minh họa đề tài đi thăm những cõi khác sau khi rời khỏi thể xác, và chuyện này cũng kể chi tiết về cõi tịnh độ của Đức Liên Hoa Sanh.

Thời tuổi trẻ và như một ẩn sĩ, Đại Sư Do Khyentse đã vân du nhiều nơi ở xứ Amdo thuộc miền Đông Bắc Tây Tạng. Theo lời kể của vị Thầy chính của Ngài, Dodrupchen Rinpoche Đệ Nhất. Đại Sư Do Khyentse bỗng ngã bệnh đậu mùa, mà vào thời đó là một căn bệnh chết người. Sau đó vài ngày Ngài ngừng thở và ở trong trạng thái chết lâm sàng trong mười lăm ngày. Vì Ngài đã biểu lộ quyền năng huyền bí dị thường từ thời thơ ấu nên các đệ tử không đụng chạm vào nhục thân của Ngài, với niềm hy vọng Ngài sẽ sống lại.

Thân huyễn ảo bị phá hủy

Đại Sư Do Khyentse thấy mình có một người đồng hành là em gái của mình, Dakini Losal Drolma (1802-1861), cũng là một hành giả thành tựu và hai người đàn bà khác và một hành giả. Họ cùng nhau đi đến nhiều nơi, từ cõi địa ngục cho đến các cõi trời. Riêng Đại Sư Do Khyentse thì cảm thấy mình có bạn đồng hành, nhưng các vị kia thì không có cùng cảm nhận như vậy. Thí dụ, lúc đó em gái Ngài đang theo học với đạo sư Dodrupchen.

Vượt qua nhiều lục địa, họ đến Núi Màu Đồng Vinh Quang, cõi tịnh độ của Đức Liên Hoa Sanh. Trên đường đi họ gặp nhiều người ở những nơi khác nhau. Ngài không hiểu ngôn ngữ của họ, Ngài vẫn có thể giao tiếp với họ qua năng lực tánh giác nội tại của mình.

Ở đầu một chiếc cầu khổng lồ, nhóm của Ngài được mười vị Thần phẫn nộ đón tiếp. Các vị này làm lễ giải trừ những dấu của bất thiện nghiệp. Những người du hành vẫn mang theo những dấu vết của nghiệp xấu từ thói quen trần tục của họ, dù họ là những vị Thầy thành tựu đã rời khỏi thể xác.

Sau khi đi qua cổng bên ngoài và cổng bên trong, họ được một đại thành tựu hành giả cầm một chiếc bình đầy cam lồ đón tiếp. Vị này tịnh hóa cho họ bằng cách tẩy rửa những ô nhiểm của họ với giòng cam lồ trong chiếc bình.

Sau đó họ đi vào một cung điện trưng bày của cải nhiều vô lượng. Ở đó họ trông thấy Đức Liên Hoa Sanh trong hình dạng phẫn nộ với oai lực lớn đến mức làm cho Đại Sư Do Khyentse bất tỉnh một lúc vì quá sợ hãi. Khi tỉnh lại Ngài thấy các vị thần thọ hưởng cỗ thịt của một xác chết. Ngài thấy xác chết đó là thể xác của chính mình.

Lúc đó, hai vị dakini phẫn nộ đi đến chỗ người em gái đang ngồi bên cạnh Ngài. Hai vị này lột da cô ta và xếp thịt, xương, và nội tạng thành một đống để làm lễ vật. Một vị Thần phẫn nộ xuất hiện từ trên không và gia hộ cho xác thân của cô. Sau đó các vị dakini dâng trái tim cô cho vị Thần đứng đầu. Các vị Thần khác ăn tất cả những phần thân thể đó của cô không để lại một thứ gì cả. Đại Sư Do Khyentse cảm thấy thương xót và buồn khổ không thể chịu dựng nổi khi người em gái không còn nữa. Thông thường thì do thói quen chấp thủ, hay bám giữ, chúng ta mạnh mẽ chống lại sự ra đi hay mất đi thể xác vật chất của mình. Giải trừ được thói quen chấp thủ này là một kỳ công trong tu tập.



#40 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 15/12/2011 - 10:18

Tiếp nhận gia trì lực

Sau đó nhóm người đi lên một cầu thang lớn bằng pha lê. Đại Sư Do Khyentse thấy mọi người nổi bồng bềnh giống như những mảnh giấy trong làn gió, không còn thể xác nữa, vì những thể xác đó đã bị các vị Thần ăn hết trên đường. Họ đi vào một cung điện đẹp đẽ và vui mừng một cách đáng ngạc nhiên. Vẻ đẹp của kiểu kiến trúc, sự phong phú của những chi tiết, và những âm thanh hỷ lạc của Giáo Pháp giống hệt như đã được mô tả trong những lời cầu nguyện Màu Đồng Vinh Quang.

Ở giữa cung điện, Đức Liên Hoa Sanh ngồi trên một ngai quý báu, tỏa hào quang ra khắp nơi. Đất và trời tràn đầy những đấng giác ngộ trong hình dạng nam và nữ. Đại Sư Do Khyentse muốn tiếp nhận được sự gia hộ của Đức Liên Hoa Sanh bằng cách chạm vào Ngài, nhưng chợt nhận ra là mình không thể làm được, vì mình không còn thân vật chất nữa.

Rồi một dakini mặt trắng, tay cầm một sọ người đến gần chỗ của Đại Sư Do Khyentse và nói “Đức Liên Hoa Sanh là hiện thân của chư Phật trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Ngài hiển lộ trong tất cả các cõi của vũ trụ, giống như một mặt trăng phản chiếu trong vô số chậu nước. Giống như bóng trong gương phản chiếu, ngươi cũng là biểu hiện của Đức Liên Hoa Sanh và được giao phó đến Tây Tạng để phụng sự loài người cũng như các loài phi nhân, và để khám phá và bảo tồn những giáo lý huyền bí ở đó. Vì ngươi trở nên vô minh do sự ô nhiễm từ trong bào thai của huyễn ảo nên thân xác của ngươi đã bị các vị thần ăn hết trong bữa tiệc đó. Bây giờ ngươi có thân ánh sáng với tinh túy của trí tuệ. Ngươi phải tiếp nhận bốn gia trì lực từ Đức Liên Hoa Sanh và gieo trồng hạt giống của bốn cấp của những bậc trí giả.”

Tất cả những người có mặt ở cung điện làm lễ trong bảy ngày. Đức Liên Hoa Sanh chủ tọa cuộc lễ như một vị Kim Cương Chủ. Vua Trisong Detsen làm phụ tá kim cương chủ, Guru Chowang làm trưởng ban tụng niệm, Nyinma Trakpa làm trưởng ban nghi lễ, Duddul Dorje và Karma Lingpa làm trưởng ban về giới luật, và Rigdzin Goddem làm trưởng ban gia hộ ban phước. Có vô số các bậc trí giả, daka, và dakini tham dự. Vào cuối cuộc lễ, Đại Sư Do Khyentse nhận được bốn gia trì lực, thanh lọc được những nhiễm ô thai bào của mình. Đại Sư Do Khyentse cũng được giao giữ một cái hộp nhỏ chứa đựng những văn bản giáo lý huyền bí cất giấu (terma). Sau cùng, Đức Liên Hoa Sanh ban những lời dạy sau đây:

“Khi con chứng ngộ sắc tướng là không,
Không cần lắm việc sống xa lánh mọi người.

Khi sự huyễn ảo của sắc tướng đã sụp đổ
Và chơn tánh đã được chứng ngộ
Không phân biệt, dù chỉ một chút nhị nguyên
Hay chấp thủ dù những đức hạnh nhiễm ô
An trụ trong trạng thái thanh tịnh nguyên thủy vững chắc.

Khi biết sắc tướng là mộng ảo
Hãy xem những đối tượng của giác quan chỉ là hư huyễn.
Trong luân hồi giả ảo, không có gì để lấy hay là bỏ.
Hãy làm những hoạt động cao cả của các bậc Bồ tát.

Hiểu rằng những nhận thức ban ngày là tánh quang minh của pháp thân.
Và những nhận thức ban đêm là năng lực của báo thân.
Hãy hợp nhất Mẹ và con, tức trí tuệ và chơn không.
Hãy tu tiến qua mười địa của Bồ tát và năm đạo (từ công đức đến Phật quả) với tốc độ của mặt trời và mặt trăng.

Khi con thành tựu đại lạc bất biến,
Con sẽ trong trạng thái nhất như với Ta.
Không di chuyển, không mô tả, và không biến đổi
Là những mô thức cuối cùng để đạt giải thoát – hãy nhận biết tất cả những điều này.”

Đức Liên Hoa Sanh cất tiếng cười ba lần, lớn đến nổi Đại Sư Do Khyentse cảm thấy toàn cả lục địa rung chuyển với tràng cười của Ngài. Sau khi được Đức Liên Hoa Sanh gia hộ và dạy giáo lý, Đại Sư Khyentse và các vị đồng hành rời khỏi cung điện. Vị dakini mặt trắng đến một lần nữa và nói:

“Giống như mặt trời và những tia sáng,
Ông là sự biểu lộ và Đức Liên Hoa Sanh là nguồn của sự biểu lộ, là bất khả phân với nhau
Nhưng vì nhân duyên
Bây giờ xuất hiện như người trên kẻ dưới.
Trong tương lai, ông sẽ lại hợp nhất, như nước với nước.”

Rồi một vị Thần với đôi mắt mở rộng nói với Đại Sư Do Khyentse:

"Không bám giữ một nơi nào hay một đối tượng,
Hãy hoàn tất mọi việc đã giao phó cho ngươi
Sự bảo hộ của ta đối với ngươi không thay đổi
Nguyện cho ngươi sớm đắc Phật quả để nhiếp phục ba cõi".

Trở lại Thế Gian

Đại Sư Do Khyentse và những vị đồng hành đi ra khỏi cổng rồi họ du hành đến những cõi tịnh độ của Đức Phật Vô Lượng Quang, Bồ Tát Quán Thế Âm và Nữ Thần Tara. Cuối cùng, họ trở lại thế gian. Trước hết, khi thần thức vẫn ở bên ngoài thể xác, Đại Sư Do Khyentse đến chỗ vị Thầy của Ngài, Dodrupchen Rinpoche Đệ Nhất, ở Yarlung Pemako, một hẻm núi ở Thung lũng Ser. Ngài được Thầy dạy nhiều giáo lý và gia trì lực.

Rồi sau đó Ngài trở lại xác thân của mình. Ngài trông thấy một người đàn bà màu đỏ, vốn là người đang bảo vệ nhục thân của Ngài, xuất ra khỏi xác thân của Ngài và biến mất. Ngài cảm thấy mình chạm vào cái xác, và tức khắc Ngài ở trong thân vật chất của mình. Trong một lúc lâu, Ngài phải hết sức mới nhìn thấy, nói và cử động. Sau đó với một nỗ lực lớn, Ngài có thể vận động hai chân một chút, và các đệ tử đang chờ đợi đều chạy đến để giúp Ngài. Một y sĩ người Trung Hoa đưa thuốc cho Ngài và dần dần Ngài khỏi bệnh đậu mùa và phục hồi sức khỏe trong khoảng một tháng.

Theo những lời truyền khẩu thì Đại Sư Do Khyentse đã du hành đến nhiều cõi giới khác nhau. Có khi Ngài đi thăm các cõi tịnh độ để gặp các vị Phật và các vị Thầy. Có khi Ngài đến những xứ bí ẩn hay những cõi của những giống người khác nhau trên thế gian để giúp đỡ họ. Có khi Ngài du hành trong thể xác, bằng cách biến mất rồi lại xuất hiện, và vào những lúc khác Ngài rời khỏi thể xác, như đã mô tả ở phần trên.



#41 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/12/2011 - 10:11

Chương Sáu

Tái sanh

Không thoát khỏi vòng nghiệp lực

Bất cứ thói quen nào của nghiệp, dù thiện hay bất thiện

Mà chúng ta đã gieo trong tâm thức từ quá khứ

Sẽ dẫn dắt chúng ta đi tái sanh

Với phẩm chất phù hợp là hạnh phúc hay bất hạnh.

Có nhiều lúc người ta khó tin đời này qua rồi còn sanh trở lại đời sau nữa không? Làm sao biết tái sanh là có thực?

Tuy khoa học hiện đại có thể không đưa được bằng chứng chính xác nhằm trả lời câu hỏi này, nhưng ta không nên khinh xuất những dẫn giải từ những bậc có truyền thống uy tín trong lĩnh vực tu chứng tâm linh, những vị ấy đã từng thâm áo chân lý của vạn hữu. Tái sanh hay tiếp tục đầu thai là trụ cột chính đối với một vài tín hệ Đông Phương, một vài trường phái Do Thái thần bí cũng chấp nhận tái sanh khởi đầu cho vòng quay của cuộc sống kế tiếp. Nhiều vị đại sư Phật Giáo đã có thể thật sự hồi tưởng và tường thuật lại cuộc sống quá khứ của quí Ngài. Chính Đức Phật cũng đã kể lại hằng trăm câu chuyện về cuộc đời Ngài trong những kiếp quá khứ, bộ sưu tập nổi tiếng đó gọi là Jataka Tales (Túc sanh truyện - truyện tiền thân). Ngài cũng đã xác minh đời quá khứ của người khác.

Thậm chí có những người nam hay nữ rất bình thường – ở những quốc gia khác nhau, chủng tộc và tôn giáo khác nhau – đều tự nhiên nhớ lại tiền thân trong kiếp sống quá khứ, xuất thân từ những gia đình nào, ở đâu, thành phố nào. Thu hút chú ý đặc biệt là nhiều trường hợp của trẻ con, chúng đã kể lại rõ ràng chi tiết về thân phận của chúng trong kiếp quá khứ, cho dù trong kiếp này từ nhỏ đến lớn, chúng chưa bao giờ đến thăm nơi mà chúng đã sinh ra hay gặp một người nào đó trong kiếp trước. Công trình nghiên cứu nổi tiếng nhất về đời sống quá khứ từ ký ức trẻ con, do Ian Stevenson M.D thực hiện, ông là người đã sưu tập hằng ngàn trường hợp ở Nam Á và Trung Đông trong vòng 40 năm qua, nhằm cố gắng nghiên cứu đề tài này dưới cái nhìn của khoa học. Ở Tây Tạng, có không biết bao nhiêu thí dụ từ những người sắp lâm chung tiên đoán tên cha mẹ của họ trong tương lai, thành phố nơi họ sẽ sinh ra. Ngoài ra còn có những đứa trẻ từng nhớ lại những chi tiết về đời sống trước đây của chúng.

Theo truyền thống của Phật Giáo Tây Tạng, có hằng ngàn vị Tăng sĩ trưởng lão với tước hiệu Tulku (Skt. Nirmanakaya) là những hóa thân. Người ta tin rằng tước hiệu Tulku là một ứng hóa thân của một vị Phật đã hoàn toàn giác ngộ hay đó là tái sanh của một Thiền giả chứng ngộ cao cấp nào đó. Vào lúc chết, những vị lama thỉnh thoảng dạy cho đệ tử biết họ sẽ tái sinh nơi nào. Trong vài trường hợp, từ khi còn nhỏ những Tulku đã bắt đầu kể, họ là ai trong kiếp quá khứ, những gì họ mong muốn hoặc cần thực hiện.Tuy nhiên, ở Tây Tạng, công thức được chấp nhận thông thường nhất để nhận ra một hóa sanh là, sau khi kiểm tra qua nhiều triệu chứng, tiếp đến sẽ là một buổi công nhận chính thức từ một lạt ma cao cấp đáng tôn kính khác.Tuy vậy có nhiều người nhìn nhận lầm lẫn Tulku do ảnh hưởng của những bậc Cha Mẹ cao vọng hay từ những yếu tố ích kỷ hoặc đơn thuần chỉ là sự lầm lẫn.

Một số quí vị Tulku đã nhớ lại đời sống quá khứ của họ hoặc biểu hiện những phẩm chất của hóa thân trong quá khứ. Ví dụ Thầy của tôi (tác giả) tái sanh lần thứ tư của Dodrupchen Rinpoche, ở lứa tuổi 3 hay 4 đã làm ngạc nhiên nhiều người, bởi luôn tiếp tục nói về nơi mà vị Dodrupcher thứ 3 đã sinh sống, đọc những lời cầu nguyện mà Ngài chưa hề được dạy, đọc những vần thơ không hề hiểu từ ký ức và biểu hiện những phép lạ. Ngài cũng đã cho thuật lại cảnh giới Cực Lạc của Đạo sư Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) như Ngài đã từng thấy.

Ngay tại Hoa Kỳ, nơi mà sự chấp nhận về tái sanh càng ngày càng gia tăng. Qua đánh giá của Gallup Poll thực hiện vài năm về trước, tường thuật có 25% người Hoa Kỳ tin có “sự đầu thai của linh hồn (tâm thức) vào một thân thể mới”. Tuy nhiên đa phần thuộc tín đồ Tây phương thuần túy bài bác ý tưởng tái sanh. Mặc dù vậy, trên tổng thể họ đồng ý với Phật Giáo trên 2 điểm quan yếu: nếu bạn vô ngã và luôn giúp người bằng tình thương, thì điều kiện tốt đẹp sẽ chờ đón bạn sau khi chết; và nếu bạn luôn tạo những hành động sân si, tổn thương chúng sinh khác, thì bạn sẽ phải đối đầu với những hậu quả bất thiện đó.

Không cần biết chúng ta đã làm gì tính đến thời điểm này, đa phần mọi tôn giáo đều nuôi hy vọng cải thiện hoàn cảnh trong tương lai. Dù những truyền thống khác biệt đó dưới danh nghĩa, hình thức nào sử dụng cho cuộc thay đổi cần thiết này như: hối cải, tha thứ, chuyển đổi, cứu rỗi, cứu tế hay giải thoát... thì ý nghĩa chung vẫn là bằng ý chí và nghị lực của riêng bản thân với sức nương tựa vào năng lực gia hộ thiêng liêng, phía trước vẫn mở ra con đường cho chúng ta vươn lên một cuộc sống hạnh phúc hơn, đời sống ý thức tâm linh cao hơn.



#42 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/12/2011 - 10:12

Giải thoát hay tái sanh?

Theo tinh thần Phật giáo, mọi người đương nhiên sẽ tái sanh sau khi chết, ngoại trừ vượt khỏi vòng sanh tử bằng con đường Thiền định chứng đắc quả vị giác ngộ. Khi giác ngộ viên mãn Phật quả, bạn sẽ không bao giờ phải tái sanh trở lại trong bất kỳ cảnh giới thế tục này. Bởi vì bạn không phải là chủ thể của vòng nghiệp lực dẫn đến tái sanh. Bạn sẽ an trụ trong đạo tràng miên viễn của Phật trí cũng như Phật độ, pháp thân cùng báo thân của Phật đạo. Đó là cảnh giới của an lạc tối thượng, hoan hỷ tuyệt đối và chứng ngộ Thánh quả. Sau đó, những người khác sẽ có thể nhìn thấy báo thân của bạn, điều mà sẽ được thể hiện trên quả địa cầu này trong một hình hài thực tế, rõ ràng cho những người cởi mở tâm linh và nghiệp lực để hướng tới bạn. Báo thân này như là một sự giác ngộ trọn vẹn, mà sẽ chẳng phải do nhân quả liên hệ và nghiệp tạo ra. Bởi vì, chẳng những thế mà còn khởi lên từ sự từ bi của bạn một cách mạnh mẽ để phụng sự cho các chúng sanh trong thế giới Ta Bà.

Chứng giác ngộ trong đời này (hay kéo dài một trong ba kỳ kiếp khác của vòng sinh tử luân hồi) là sự thành tựu của những Đạo sư tiến bộ về Thiền Định. Nếu bạn là một chúng sanh bình thường - chẳng phải là một Đạo sự thành tựu cao cả, chẳng hề giác ngộ hay hoàn toàn giác ngộ, thì sau khi chết đi bạn bị trói buộc một cách thích hợp với sự tái sanh, theo chính nghiệp lực tự thân của bạn. một lần nữa bạn sẽ bắt đầu lại với những lối đi khác của cuộc sống mà cục diện ấy chúng ta đã thảo luận ở chương 01 rồi. Trong chương này chúng ta sẽ khảo sát tại sao và chúng ta sẽ tái sanh như thế nào? Hoặc là ở Tịnh Độ hay một trong sáu vòng sanh diệt: vòng luân hồi của Chư thiên, A tu la, người, thú, ngạ quỷ và địa ngục.

Cho dù bạn không phải là một Đại sư có thành tựu cao và vẫn còn nằm trong vòng kiểm soát của nghiệp lực. Nhưng bạn đã từng tích lũy thiện nghiệp về giới hạnh hay công đức, thì bạn vẫn được tái sanh vào cõi Tịnh Độ hay cõi người với phẩm chất quí trọng. Như vậy, bạn sẽ có thể dụng ý một cách hữu ích để phụng sự cho những người khác. Dần dần mục tiêu tối hậu của sự giác ngộ cũng có thể đạt đến được.

Nếu bạn tái sanh vào cõi Tịnh Độ, thì sẽ là Tịnh Độ của hóa thân. Cõi Tịnh Độ hóa thân không giống cõi Tịnh Độ tối hậu của Phật quả. Bạn sanh vào thế giới Cực Lạc do nghiệp tích cực của bạn. Bạn sẽ vẫn có tâm thức nhị nguyên, vui với tình thức tích cực và với những cảm giác ấy. Thế nhưng sau khi sanh về thế giới Cực Lạc rồi bạn không còn trôi nổi trên hành trình hướng đến sự giác ngộ trọn vẹn. Sự đạt được Phật quả sẽ chắc chắn (chúng ta sẽ khảo sát một vài sự thuật lại về cảnh giới Tịnh Độ trong chương tới, nhan đề là: Đức Phật Vô lượng quang và Thế giới Tịnh Độ của Ngài).

Nếu bạn tái sanh vào một trong sáu đường thì bạn sẽ bị trói vào một thân thể vật lý (con người hay những loài khác), chung quanh ảnh hưởng bởi văn hóa xã hội. Khi nào bạn sống với thân thể kia, bạn có thể vẫn cải thiện được nghiệp lực từ từ để có được một đời sống trong hiện tại hay tương lai tốt hơn. Tuy vậy, gần như không thể chứng được trạng thái tối hậu của Phật quả miên viễn, mà chính trạng thái ấy là báo thân của Vô Thượng Phật quả. Đối với những hành giả đã sẵn sàng, sự chuyển biến này sẽ dễ dàng xảy ra hơn sau khi chết, lúc đó họ không còn bị vướng thân thể vật lý thô phù này nữa.



#43 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/12/2011 - 10:13

Nguyên nhân của sự tái sinh

Không bao giờ có tái sanh mà không có nguyên nhân. Nguyên nhân của sanh tử trong sáu cõi là do sáu cảm thọ phiền não. Đó là: tự tôn, chấp trước, dục vọng, si mê, tham lam và sân hận. Những cảm thọ đau khổ trở thành cội rễ phân biệt giữa phàm phu và giải thoát trong tâm thức. Khái niệm phân biệt nhị nguyên trỗi dậy ngay trong tâm thức, chấp ngã vào bất cứ về đối tượng nào, xem bản chất của đối tượng ấy thật sự tồn tại.

Khi chấp chặt vào tự ngã, chúng ta tự tạo một thói quen phân biệt giữa “cái này” và “cái kia” thay vì nhận thức được tính đồng nhất của vạn vật. Thói quen về sự phân biệt này đánh thức sự tác động, sự ưa thích hay việc chẳng ưa thích, sự mong muốn hay chẳng mong muốn, sự ràng buộc và hận thù. Chúng ta để những tình thức này vào âm thanh và cách nói năng một cách tự nhiên. Thường huân tập những tư tưởng hay hành động thiện dẫn đến hạnh phúc tái sanh ở cảnh giới cao hơn và ở cõi Tịnh Độ. Thường huân tập những tư tưởng hay hành động bất thiện sẽ dẫn đến những sự khổ đau và kết quả là sẽ tái sanh vào những cảnh giới thấp.

Tôi đã thưa rằng nếu bạn là những vị đạo sư thành tựu ở bậc cao thì bạn có thể giải thoát khỏi vòng sanh tử do thành tựu giác ngộ. Nếu bạn hoàn toàn thể đắc về trí tuệ rộng rãi – căn bản tánh không là sự tự nhiên của chúng ta, thì khái niệm của sự chấp chặt tự ngã sẽ được giải thoát và sẽ chấm dứt sự khổ đau như nhơn quả nghiệp lực, điều ấy có nghĩa là không còn tái sanh nữa. Khi đạt được sở chứng ấy, bạn đã có thể trở thành nguồn lợi lạc vô biên cho nhiều chúng sanh khác.

Tuy nhiên, đa phần chúng ta đều lao vào bám chấp những cảm thụ trong tâm thức và cho đó là những cảm thọ tồn tại chắc thật. Đồng thời chúng ta càng thúc đẩy những chấp trước này bằng những nguồn năng lượng của cảm thọ thích hoặc ghét. Ngoài ra chúng ta còn có khuynh hướng biểu tỏ cảm xúc của mình, không chỉ bằng suy nghĩ hay cảm xúc, mà còn bằng hành động hay lời nói, để tạo thành chủng tử. Những hành vi của thân, khẩu, ý như thế sẽ tạo thành nghiệp, đó là những thành tố huân tập thành thói quen của dòng tâm thức quyết định cho đời sống của chúng ta. Nghiệp kia sẽ kéo chúng ta vào nguyên nhân của sự tái sanh, hoặc vãng sanh Tịnh Độ hoặc trở lại một trong sáu nẻo luân hồi.

Lưu ý tất cả những khái niệm nhị nguyên cũng như cảm xúc của chúng ta- dù cho những xúc cảm đó của một con người tốt, như sự quan tâm, thương yêu và mong cho những người khác đạt đến những điều tốt đẹp - tất cả đều đi cùng với chấp trước của tự ngã. Vì thế, dù những cảm xúc tích cực là điều tốt, chúng vẫn còn rất xa so với cảnh giới của sự viên mãn, đó chính là căn bản trí tuệ vượt khỏi tư duy nhị nguyên và những cảm thọ xúc tình.Tuy nhiên, chấp vào những phẩm hạnh tích cực vẫn là những nấc thang để dẫn đến sự viên mãn, giúp cho chúng ta từ từ buông thả những chấp trước bám chặt vào tự ngã, hưởng được những cảm thụ của bình an và hỷ lạc. Như vậy sự biến thể từ phủ định sang khẳng định và từ tích cực sang viên mãn, là con đường lý tưởng để hướng đến Phật quả hay còn gọi là viên mãn tối thượng.



#44 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/12/2011 - 10:15

Lục đạo luân hồi

Sáu cảnh giới thế gian là một tập hợp gọi là luân hồi hay chu trình của Hữu. Trong biểu đồ Phật giáo, chúng được vẽ thành những hình ảnh được biết đến là Bánh xe luân hồi. Thế giới Ta Bà có ba cảnh giới thấp và ba cảnh giới cao.

Ba cảnh giới thấp là thế giới của nhiều sự khổ đau:

1. Trong địa ngục, những chúng sanh khổ sở chưa hề ngừng nghỉ bởi sự thiêu đốt của những ngọn lửa và bị tắm nước đồng sôi hay tuyết, đá đông lạnh.

2. Cõi ngạ quỷ, những chúng sanh đau khổ chưa hề dứt sự thống khổ của sự đói khát.

3. Cõi súc sanh, những chúng sanh đau khổ về sự sợ hãi, ngu si và nô lệ.

Những chúng sanh này sẽ chẳng chết đi từ sự thống khổ ấy, ngay cả nếu chúng bị đốt thiêu trong ngọn lửa của địa ngục. Ngoại trừ nghiệp lực, là nguyên nhân của sự tái sanh kia chấm dứt.

Ba cõi cao hơn là những thế giới có nhiều hạnh phúc hơn, nhưng họ cũng bị cuốn vào sự khổ đau không cùng tận.

4. Ở cõi A Tu La, những chúng sanh vui với đời sống vật chất đầy đủ, nhưng chúng luôn đau khổ vì chiến đấu với nhau liên tục cũng như đánh nhau.

5. Ở cõi trời, chúng sanh vui với hạnh phúc to lớn lâu dài và cảm thọ sung túc, nhưng những sự vui thú này đơn độc chẳng hề thay đổi về sự vui thú có tính cách nhục dục đó và rồi cũng sẽ chịu khổ đau. Họ sống đời sống dài lâu so với kiếp sống của con người ngắn ngủi, thế nhưng vì không hiểu đạo giác ngộ, nên họ cảm thấy đời sống ấy chấm dứt trong một thời gian ngắn ngủi. Thế giới Chư thiên hay các cõi Trời là một phần của thế giới không tránh khỏi sự chết như chúng ta, chẳng phải là một thiên đường hay vương quốc giống như các vị Chư thiên ở cõi Tây phương thần thoại. Chẳng bao lâu thì nghiệp lực của họ sẽ ra khỏi cảnh giới Chư thiên, rồi những chúng sanh ấy sẽ đau khổ bởi sự chết và họ sẽ đầu thai vào cảnh giới, nơi mà họ là chủ thể để cho nghiệp lực của họ ảnh hưởng đến.

6. Ở cõi người của chúng ta, ngay cả nếu chúng ta sống hạnh phúc với niềm vui lớn của năng lực trí tuệ, giàu có của cải và kinh nghiệm thực tiễn, chúng ta cũng không khỏi khổ đau bởi giây xích của sự tái sanh, sự đau ốm, già nua và sự chết. Chúng ta đau khổ bởi sự mất mát những gì chúng ta muốn và phải chấp nhận những gì chúng ta chẳng hề mong mỏi, không nhận được những gì chúng ta ước mong và luôn đề phòng những gì chúng ta đang có.



#45 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/12/2011 - 10:18

Sáu tình thức:

Chủng tử của sự tái sanh trong lục đạo.

Thế giới nào trong sáu cõi này đang chờ đợi bạn sẽ tái sanh lần tới? Nó phụ thuộc vào những cảm xúc chiếm ưu thế hơn mà bạn đã ghi vào bộ nhớ tâm thức nghiệp lực của mình. Phải chăng những cảm xúc đó là sân, tham, si, dục, chấp và tự mãn? Hay những cảm xúc thiện lành như lòng bao dung, sự độ lượng, biết đúng chánh hay tà, sự tri túc, hỷ lạc hay khiêm cung chăng? Những thành tố tạo thành thói quen trong tâm tưởng ấy sẽ chuyển biến dưới dạng tái sanh, nơi tái sanh sẽ tùy thuộc vào những nghiệp đó, hoặc trong sáu cõi luân hồi hoặc là cõi Tịnh Độ.

Theo nhiều tài liệu, nghiệp lực là dấu ấn in vào trước tiên với sự tác động của sự sân hận và sự biểu hiện qua nhục thể cuồng nhiệt và những hành động qua lời nói sẽ đưa đến sự khổ đau của việc đốt cháy hay đông lạnh và chúng sẽ cũng hoạt động trở lại trong hình thức tái sanh ở cảnh giới địa ngục.

Ở chương một chúng ta đã nói về bốn phần của hành nghiệp rằng sự cần thiết ở yếu tố trọn đủ của nghiệp: đối tượng (hay căn bản), ý chí, sự thực hiện quyết định, thực hành. Trong ví dụ về nghiệp sân, sự hiện hữu của con người hay sự vật rằng bạn gắt gỏng thì đó là đối tượng. Có động cơ thúc đẩy sự giận hờn là cường độ của đối tượng. Hành vi thuộc về sự gắt gỏng của con người là sự thực hành. Kinh nghiệm về cảm giác của sự giận giữ là đã hoàn tất hành động. Hành động nghiệp như thế nào mà bạn đã thực hành, nếu hành động ấy có tất cả bốn yếu tố thì nó sẽ trở thành sự cấu tạo đầy đủ của nghiệp, điều mà sẽ không thể trốn khỏi kết quả ảnh hưởng trong tương lai.

Có rất nhiều người thể hiện sự tái sanh trong sự giận dữ và khổ não với cảm giác của sân hận đến với hầu hết những người khác. Rồi thì họ nói bất cứ cái gì hoặc bộc phát sự tức giận, điều mà khởi lên sự đau khổ và bạo động trong những đời sống cá thể và trong mọi cuộc sống, với những người mà họ sống chung cùng. Nếu đó là cuộc sống tự nhiên trong hiện tại của bạn, bạn dù chấp nhận hay không thì bạn sẽ chẳng có sự an lạc và hoan hỷ trong cuộc sống của bạn, chỉ là kinh nghiệm của sự khổ não, sợ hãi và sự bất hạnh. Dẫu cho bạn bây giờ ở trong hình hài của con người, sống trong vòng của nhân thế, kinh nghiệm của bạn cũng giống như trong địa ngục như bạn đã là chúng sanh trong địa ngục thuộc địa tầng thấp hơn.

Bạn phải diễn kịch như bạn đương mạnh mẽ, can đảm và anh hùng, nhưng trên thực tế bộ mặt này đơn thuần phủ lên trên sự bất an của bạn, dễ tổn thương và tình cảm tự ngã của bạn. Chẳng bao lâu khi bạn chết đi, bởi vì những thói quen thuộc về sự tức giận ấy, mà bạn đã mang nó xuyên suốt cuộc sống của bạn, kinh nghiệm tinh thần của bạn và những hiện tượng xuất hiện sẽ bừng dậy trong tâm thức của bạn như trong cảnh giới địa ngục. Trong thực tế không có sức mạnh của quan tòa nào sẽ phán quyết hay xử phạt được bạn, mà nó sẽ đơn lẻ chịu tác động của nghiệp lực trở lại, khắc sâu vào giòng chảy của tâm bạn bởi sự tác động của tự thân.

Trong số tài khoản dự trữ của trung ấm thân mà bạn đã được dự ngôn trong chương 5, chúng ta đã thấy một vài việc rất sống động và những thí dụ kinh ngạc của sự khổ đau ở địa ngục. Ở đó chúng ta phải nhớ lại bởi chính chúng ta rằng tất cả những tín hiệu, âm thanh, cảm giác của thân trung ấm và của những vòng quay khác chẳng có gì cả, thế nhưng sự trái ngược của kinh nghiệm tự thân đầy đủ tinh thần, giống như thể hiện trong một giấc mộng. Chúng là những dấu hiệu đơn thuần của sự tác động tích cực hay tiêu cực, rằng một người đã được ghi vào nơi giòng chảy của tâm thức bởi sự thăng hoa của tự ngã, sự nhận ra đối tượng như là sự thật. Ngài Shantideva nói rằng:

“Tất cả những sợ hãi và đau khổ tột cùng

Đều đến từ tâm thức

Những điều này được dạy cho ai đã thấy được chơn lý (Đức Phật)

Ai đã tạo ra khí cụ đặc biệt của vòng quay địa ngục?

Ai đã xây dựng nên tất cả những sự đốt cháy thép trong đất?

Những ngọn lửa này đã đến từ đâu?

Tất cả đều (trái lại với sự đơn thuần) là bất hạnh của tâm thức bạn”

Đức Phật đã dạy như vậy.

Trong trường hợp của sự sân si, nghiệp lời nói sẽ khắc vào chủ yếu bởi sự tác động khác, biểu hiện qua âm thanh, sự tác động vật lý, là những nguyên nhân của sự đau khổ phù hợp và việc tái sanh ở cảnh giới thấp hơn. Tóm lại như sau:

Sự tác động của sự sân si hay giận dữ là nguyên nhân của sự đau khổ bởi sự đốt cháy và sự lạnh giá, đồng thời sẽ tái sanh ở cảnh giới địa ngục.

Sự tác động của tham lam hoặc sự tham dục là nguyên nhân của sự khổ đau về đói khát và sẽ tái sanh vào cảnh giới của quỷ đói.

Sự tác động của sự si mê hay hỗn loạn là nguyên nhân sự khổ đau về vô minh và sợ hãi, đồng thời sẽ tái sanh vào loài súc sanh.

Sự tác động của dục vọng và sự lệ thuộc, là nguyên nhân khổ đau của sự sanh, già, bệnh và chết, đồng thời sẽ tái sanh vào cảnh giới của loài người.

Sự tác động của sự chấp trước là nguyên nhân đau khổ của chiến tranh và ganh tị, sẽ tái sanh vào cảnh giới của A Tu La.

Sự tác động của sự tự tôn và sự tự mãn là nguyên nhân đau khổ của sự hỗn loạn và sợ hãi sự chết, sau đó tái sanh về cảnh giới của Chư thiên.

Trình độ cao hơn phụ thuộc vào sự chấp trước, ganh tị và tự mãn sẽ trở nên sự tham lam. Những điều này, sự tác động ấy có thể giản dị ở ba sự tác động độc hại: sân hận, tham lam và si mê. Đây là nguyên nhân của sự khổ đau và tái sanh lại vào ba đường hạ liệt của vòng luân hồi. Như Ngài Nagarjuna đã dạy:

Tham lam sẽ dẫn bạn vào vòng quỷ đói

Giận dữ sẽ dắt bạn vào địa ngục.

Si mê sẽ hoàn toàn kéo bạn vào vòng súc sanh.

Nó chẳng đơn thuần là tính cách của sự tác động, mà chúng có khả năng sẽ quyết định nguyên nhân của sự tái sanh theo cảnh giới đặc thù. Theo Ngài Gampopa thì cho dù bạn tạo bất cứ nghiệp bất thiện nào:

Nếu bạn tạo nghiệp bất thiện với sự sân hận, thường lập lại vô số lần, và tiếp tục tạo nhân sân hận đó với một bậc đã chứng quả cao tột, hậu quả của nghiệp đó làm bạn phải tái sanh vào cảnh giới địa ngục.

Nếu bạn tạo nghiệp bất thiện với sự tham lam, thường lập lại nhiều lần, và tiếp tục tạo nhân tham lam đó với một bậc đã chứng quả bậc trung, kết quả sẽ bị tái sanh vào cảnh giới ngạ quỷ.

Nếu bạn tạo nghiệp bất thiện với sự si mê, thường lập lại vài lần, và tiếp tục tạo nhân si mê đó với một bậc đã chứng quả bậc thấp, kết quả bạn sẽ bị tái sanh vào cảnh giới súc sanh.

Hậu quả của nghiệp nặng hay nhẹ tùy thuộc vào tác động tâm thái nặng hay nhẹ, thường biểu hiện qua ngôn từ hay hành động khiếm nhã, đặc biệt ta càng khiếm nhã mang đau khổ cho người bao nhiêu, thì chính điều đó sẽ khiến bạn phải lãnh hậu quả do người khác đem đến y như vậy.

Giữa nhiều kết quả của nghiệp lực, quả báo nào sẽ chín trước? Đầu tiên bạn sẽ phải kinh qua hậu quả của nghiệp nào nặng nhất giữa tất cả các nghiệp đó. Nó xảy ra ngay sát cận tử nghiệp. Như vậy nghiệp nào gây tạo vào lúc cận, sẽ tạo thành sức đẩy lớn trong những bước tiếp theo ở đời sống tương lai. Tiếp đến bạn phải lãnh thọ những quả báo đã tạo nhiều nhất và sau cùng là những nghiệp gây tạo gần nhất.

Mặc dù nguyên nhân của nghiệp đã ăn sâu vào trong tâm thức của bạn, nhưng nay có một tin rất đáng vui, mặc dù vậy nhưng bạn vẫn có thể tránh được những tái sanh bất lợi như địa ngục chẳng hạn, nếu bạn thay đổi được tập quán lâu đời trong tâm thức.








Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |