Jump to content

Advertisements




THỬ TÌM HIỂU NHỮNG YẾU TỐ BIỆN CHỨNG CHẤT PHÁC TRONG "CHU DỊCH"

LÊ VĂN QUÁN

  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 maphuong

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 691 Bài viết:
  • 1242 thanks

Gửi vào 02/12/2016 - 13:19

THỬ TÌM HIỂU NHỮNG YẾU TỐ BIỆN CHỨNG CHẤT PHÁC TRONG "CHU DỊCH"


LÊ VĂN QUÁN


Sách Chu Dịch gồm có hai phần: kinh (Kinh Dịch) và truyện (Dịch truyện). Qua sách Chu Dịch, chúng ta thấy Trung Quốc cổ đại tồn tại phép biện chứng kiểu Trung Quốc. Yếu tố biện chứng chất phác biểu hiện ở Dịch KinhDịch truyện.

1- Những yếu tố biện chứng chất phác trong Dịch Kinh.

Rất nhiều học giả đều thừa nhận, khi biên soạn quái từ (lời quẻ), hào từ (lời hào), người xưa biểu hiện "gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy ở vật" (Cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật), lợi dụng tri thức tự nhiên lúc bấy giờ rút ra được những quan niệm về tự nhiên có tư tưởng biện chứng.
Dịch Kinh tuy bao trùm tư tưởng thần học thiên mệnh, quỷ thần, xem bói mê tín, nhưng trong việc xem quẻ để biết việc người tốt, xấu... lại đi vào từng sự việc và con người cụ thể. Vì vậy, mặc dù Dịch Kinh là hệ thống thần học, nhưng đã tổng kết những kinh nghiệm về cuộc sống của con người và phản ánh những hiện tượng mâu thuẫn của xã hội và tự nhiên.

1.1. Quan niệm về đối lập

Tác giả Dịch Kinh không tự giác nghiên cứu mâu thuẫn từ trong bản chất đối tượng, nhưng đã phản ánh hiện tượng mâu thuẫn trong cuộc sống sinh hoạt xã hội và tự nhiên một cách trực quan, không tự giác, có mầm mống quan niệm mâu thuẫn đối lập.
Trước hết, tác giả Dịch Kinh cho là giới tự nhiên đang tồn tịa hiện tượng đối lập:
"Bất minh, hối, sơ đăng vu thiên, hậu nhập vu địa".
(Minh di, thượng lục).
(Không sáng, tối, lúc đầu lên cao tới trời, rồi sau vào đất)
(Minh Di, hào thứ 6, âm).
"Kiền, lợi tây nam, bất lợi đông bắc, lợi kiến đại nhân"
(Kiền, quái từ).
(Quẻ Kiền, đi về hướng tây nam thì lợi, về hướng đông bắc thì không lợi, gặp bậc đại nhân thì lợi,...).
(Kiền, lời quẻ).
"Đông lân sát ngưu, bất như tây lân chi thược tế, thực thụ kỳ phúc"
(Ký tế, cửu ngũ).
(Hàng xóm bên đông mổ bò [tế lễ lớn], không bằng hàng xóm bên tây tế thược [tế sơ sài] mà thật được phúc).
(Ký tế, hào thứ 5, dương).
Qua ba ví dụ trên, lời hào, lời quẻ nói rõ giới tự nhiên: sáng - tối, trời - đất, tây nam - đông bắc, đông lân - tây lân là những cặp đối lập.
Không những giới tự nhiên tồn tại hiện tượng đối lập mà trong xã hội cũng tồn tại hiện tượng đối lập:
"Đại quân hữu mệnh, khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng"
(Sư, thượng lục)
(Vua có mệnh mở nước trị nhà thì đừng dùng kẻ tiểu nhân) (Sư, hào thứ 6, âm)
"Trưởng tử suất sư, đệ tử dự thi..."
(Sư, lục ngũ)
(Người lão thành làm tướng cầm quân ra trận, nếu dùng bọn trẻ (tài kém) thì phải chở xác về,...) (Sư, hào thứ 5, âm).
"Quân tử đắc dư, tiểu nhân bác lư"
(Bác, thượng cửu)
(Quân tử được xe, tiểu nhân đổ nhà)
(Bác, hào thứ 6, dương).
Ở đây, đại quân - tiểu nhân, trưởng tử - đệ tử, quân tử - tiểu nhân... đều biểu hiện mâu thuẫn đối lập trong xã hội.

1.2. Quan niệm về vận động biến đổi.

Quan niệm biến dịch trong Dịch Kinh là trên cơ sở biến đổi của vạch ngang liền (-) và vạch ngang đứt (- -).
Trên đại thể, người xưa quan sát trực tiếp sinh thực khí con trai, con gái(1). Tuân Tử nói: "Dịch chi hàm (cảm), kiến phu phụ" (thiên Đại lược) (Dịch là sự giao cảm, gặp vợ chồng).
Do trai gái âm dương giao cảm mà nảy sinh biến hóa. Bất cứ một quẻ kinh (quẻ đơn), hoặc quẻ kép, chỉ cần một trong sáu hào biến đổi, hào dương đổi thành hào âm, hoặc hào âm đổi thành hào dương thì sẽ biến thành một quẻ hoàn toàn khác với quẻ nguyên gốc.
Thí dụ:
Quẻ Kiền

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

, hào sơ cửu (hào thứ 1, dương) biến thành hào âm (- -) thì trở thành quẻ Cấu

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

.
Quẻ Khôn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

, hào sơ lục (hào thứ 1, âm) biến thành hào dương (-) thì biến thành quẻ Phục

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

.
Quẻ Cấu

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

, hào cửu nhị (hào thứ 2, dương) biến thành hào âm (- -) thì trở thành quẻ Độn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

.
Quẻ Phục

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

, hào lục nhị (hào thứ 2, âm) biến thành hào dương thì trở thành quẻ Lâm

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

.

Tác giả Dịch Kinh có được quan niệm về những sự vận động biến hóa đó, hiển nhiên là do quan sát từ hiện tượng mâu thuẫn trong tự nhiên và xã hội:

"... mật vân bất vũ, tự ngã tây giao"
(Tiểu súc, quái từ)
(... mây dày đặc, không mưa, ở cõi phía tây của ta).
(Tiểu súc, lời quẻ).
"Thái: tiểu vãng đại lai, cát, hanh"
(Thái, quái từ)
(Quẻ Thái: cái nhỏ đi, cái lớn đến, tốt, hanh thông)
(Thái, lời quẻ).
Trong sự vật tồn tại vận động biến hóa. Như cái nhỏ qua đi, cái lớn lại đến, cái lớn qua đi, cái nhỏ lại đến, là nói thế gian không có gì vĩnh viễn, không thay đổi. Hay là, mây dày đặc nổi lên ở phía tây, đó là sự biến đổi khí tượng để dẫn đến mây to gió lớn. Khẳng định sự vật biến hóa là sự suy đoán rất quý của Dịch Kinh.

1.3. Quan niệm về chuyển hóa mâu thuẫn.

Tác giả Dịch Kinh suy đoán trong quá trình vận động biến đổi, đôi bên mâu thuẫn có thể chuyển đổi lẫn nhau.
"Khô dương sinh đề, lão phu đắc kỳ nữ thê, vô bất lợi".
(Đại quá, cửu nhị).
(Cây dương khô mọc rễ mới, ông già lấy được vợ trẻ, rất có lợi) (Đại quá, hào thứ 2, dương).
"Khô dương sinh hoa, lão phụ đắc kỳ sĩ phu, vô cửu vô dự"
(Đại quá, cửu ngũ).

(Cây dương khô nở hoa, bà già lấy được chồng trai tráng, không chê cũng không khen). (Đại quá, hào thứ 5, dương).
Ở đây, "khô" và "đề", "khô" và "hoa", vốn là mâu thuẫn đối lập, nhưng có thể chuyển đổi cho nhau. Khô chuyên thành đề (= rễ mới phát triển) hoặc chuyển hóa thành hoa vinh, đó tức là sự vật đến cực điểm thì sẽ chuyển hóa, chuyển khô thành vinh (= tốt tươi), chuyển chết thành sống. Nếu nói về con người, thì ông già, bà già tuổi tác đã cao không thể lấy vợ, lấy chồng, nhưng "già" đã chuyển hóa thành trẻ và cuối cùng đã lấy được vợ trẻ, chồng trẻ.

Tác giả Dịch Kinh cho rằng, từng cặp mâu thuẫn đối lập nhau phải trải qua một quá trình:
"Lý sương, kiên băng chí"
(Khôn, sơ lục)
(Đạp lên sương mà biết băng dày sắp đến).
(Khôn, hào thứ 1, âm)
"Lý sương" có nghĩa là dẫm lên sương giá, ở Kinh Thi, (Đại đôngCát cú) có câu thơ:
"Củ cư cát lũ, khả dĩ lý sương" (Đi dép bện bằng dây sắn (dây gai), có thể dẫm lên sương). "Lý sương" có thể giải thích, dẫm lên sương xuân; cũng có thể giải thích, dẫm lên sương thu. Nhưng trong câu trên, "Lý sương" dùng liền với "kiên băng chí" hiển nhiên là nói dẫm đạp lên sương thu, thì biết băng cứng, lạnh giá, mùa đông sắp đến. Từ "lý sương" đến "kiên băng" phải có một quá trình phát triển biến hóa.

Dịch Kinh tuy có nhân tố tư tưởng biện chứng chất phác nguyên thủy, nhưng lại có cả hệ thống thần học, duy tâm khách quan tin tưởng vào Thượng đế, quỷ thần, xem bói, hỏi quẻ.
Trước hết, tác giả Dịch Kinh cho rằng mâu thuẫn là tương đối, không phải là tuyệt đối. Điều đó tức là nói, trong quá trình phát triển của mỗi sự vật không phải là mâu thuẫn vận động từ đầu đến cuối, mà chỉ tồn tại ở một hoặc ở những giai đoạn nào đó trong quá trình phát triển của sự vật. Điều đó chẳng những là tính hạn chế của tư tưởng biện chứng chất phác, mà còn là sự đảo ngược mang tính siêu hình.

Mặc dù Dịch Kinh cho rằng giới tự nhiên, xã hội loài người và những hoạt động của bản thân con người đều tồn tại mâu thuẫn đối lập, riêng chỉ có Thượng đế, trời là bậc tối cao chi phối nhân gian, tự thân không tồn tại mâu thuẫn, cho nên không biến đổi. Lưu Hy trong sách Thích danh đã từng giải thích: "Dịch, một từ mà bao hàm ba nghĩa; giản dịch (dị), biến dịch, bất dịch". Trịnh Huyền viết Dịch tán Dịch luận cũng nói: "Dịch, một tên gọi mà gồm có ba nghĩa: một là giản dịch (dị), hai là biến dịch, ba là bất dịch".
Người đời sau đều hiểu "Dịch" là như vậy.

Chính vì tác giả Dịch Kinh chưa tách "biến dịch" và "bất dịch" một cách tuyệt đối, cho nên không thấy trong mâu thuẫn vừa có đối lập lại vừa có thống nhất. Do đó, sau khi chia tách "bất dịch" ra khỏi "biến dịch" bèn coi đặc tính của bất dịch là thần cao nhất. Nó sắp đặt một vị thần biến hóa mâu thuẫn, chủ tể thế gian vạn vật. Như vậy, thần trở thành nguồn gốc của biến dịch. Do đó, không tránh khỏi có sự đảo ngược mang tính siêu hình.

Tác giả Dịch Kinh khi nói đến mâu thuẫn đối lập chuyển hóa lẫn nhau, không cho rằng tính tĩnh của cả quá trình là tương đối, và tính biến động của một quá trình chuyển hóa thành quá trình khác là tuyệt đối. Đặc biệt, đối với tầng lớp thống trị, tác giả Dịch Kinh lại cho rằng hai mặt mâu thuẫn đối lập là cố định, không thể chuyển hóa thành các phương diện trái ngược:
Quân - thần (bề tôi), đại nhân - tiểu nhân, quân tử - tiểu nhân.

Quân, đại nhân, quân tử... chỉ ở địa vị quân và quân tử. Thần, tiểu nhân chỉ ở địa vị bề tôi, tiểu nhân. Nghĩa là mâu thuẫn đối lập chỉ có tính tĩnh mà không có tính biến động. Quân (= vua) vĩnh viễn không thể chuyển hóa thành thần (= bề tôi); thần cũng vĩnh viễn không thể chuyển hóa thành quân. "Đại nhân" vĩnh viễn không thể chuyển hóa thành "tiểu nhân"; "tiểu nhân" cũng vĩnh viễn không thể chuyển hóa thành "đại nhân".

Tác giả Dịch Kinh còn cho rằng, sự vật vận động biến hóa là một quá trình tuần hoàn, lặp đi lặp lại: "Phục hanh, xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu, phản phục kỳ đạo"
(Phục, quái từ).
(Quẻ Phục), hanh thông, ra vào không tai nạn, bạn đến không có lỗi, vận trời tráo đi trở lại).
(Phục, lời quẻ).
"Hưu phục, cát" (Phục, lục nhị).
(Vui mừng mà trở lại, tốt)
(Phục, hào thứ 2, âm)
"Mê phục, hung... " (Phục, thượng lục).
(Mê muội mà trở lại, xấu) (Phục, hào thứ 6, âm).

Nhưng trên thế giới tất cả mọi sự vật đều vận động, cuộc sống đang biến đổi, sức sản xuất đang tăng trưởng, quan hệ cũ bị phá vỡ. Đó tức là bản chất của cuộc sống.

2. Những yếu tố biện chứng chất phác trong Dịch truyện.

Dịch truyện là những lời chú giải, thuyết minh cổ xưa nhất của Chu dịch. Nói chung, nó có hệ thống tư tưởng biện chứng chất phác. Tác giả Dịch truyện đã có những đóng góp quan trọng về quan niệm biện chứng chất phác, về sự xét đoán quy luật đối lập thống nhất. TrongDịch Kinh chỉ có một số mầm mống tư tưởng biện chứng chất phác, nhưng đến Dịch truyện điều này phản ánh khá rõ nét.

Tác giả Dịch truyện cho rằng "biến" là quy luật phổ biến trong thế giới. Dịch truyện nói:
"Ở trên trời thành ra nhiều hình tượng, ở dưới đất thành ra nhiều hình thể, sự biến hóa đã hiện rõ. Ấy cho nên cứng và mềm cọ nhau, giao nhau mà thành tám quẻ, tám quẻ luân chuyển (chồng lên nhau thành sáu mươi tư quẻ. Cổ động (muôn vật) bằng sấm sét (chỉ quẻ Chấn), thấm nhuần (muôn vật) bằng gió mưa (chỉ quẻ Tốn), mặt trời, mặt trăng xoay vần, hết lạnh tới nóng; có đạo Kiền (khí dương) thành giống đực, có đạo khôn (khí âm) thành giống cái" (Hệ Từ thượng).

"Đến cùng cực thì biến (đổi), biến (đổi), thì thông, nhờ thông mà được lâu dài) (Hệ Từ hạ).

Ở đây, chúng ta có thể thấy: trời đất biến đổi, mặt trời, mặt trăng vận hành, mùa đông qua mùa xuân đến, biến động không ngừng.

Giới tự nhiên chẳng những có "biến" mà còn có "thông". Điều gọi là "biến" và "thông", Hệ Từ thượng truyện ghi.
"Ấy cho nên đóng cửa gọi là Khôn, mở cửa gọi là là Kiền. Đóng rồi lại mở gọi là biến, qua lại không ngừng gọi là thông".
Trong vũ trụ thay đổi tức là sự vật tan và hợp. Sự vật tan ra và hợp lại tức là trái đất mở, đóng; vừa hợp rồi lại tan, vừa tan rồi lại đóng gọi là "biến"; ngưng tụ lại mà thành hình tượng tức là "vãng"; qua lại không cùng thì gọi là là "thông". Do biến đổi mà thông và thông mãi.

Vì muôn vật trong giới tự nhiên đều ở trong tình trạng "thiên hạ rất biến động mà không thể hỗn loạn" (Hệ Từ thượng), nhưng không phải ngưng tĩnh mà không biến đổi. Điều đó tức là nói vận động là tuyệt đối. Đồng thời, sự vận động của giới tự nhiên lại có quy luật nhất định. Do đó, tác giả Dịch truyện lại càng coi sự biến đổi là quy luật phổ biến của vũ trụ, và gọi nó là "đạo biến hóa".

Tác giả Dịch truyện viết:

"Vì đạo (Dịch) thường thay đổi, biến động không ngừng, xoay quanh sáu cõi (sáu hào trong quẻ), ngôi trên ngôi dưới không nhất định, cương, nhu (dương, âm) thay đổi nhau, không làm khuôn mẫu nhất định được, chỉ có biến hóa mới thích hợp, ra vào có mức độ" (Hệ Từ hạ).

Nhưng động lực, nguyên nhân vận động của sự vật trong giới tự nhiên là tính mâu thuẫn trong nội bộ bản thân muôn vật của thế giới tự nhiên hay là bên ngoài của sự vật. Tác giả Dịch truyện cho rằng, bản thân sự vật trong giới tự nhiên đang tồn tại mâu thuẫn đối lập. Tác giả viết:
"Bớt dưới thêm trên, đạo ấy đi lên,... bớt cứng thêm mềm có lúc (có thời); bớt thêm, đầy rỗng đều đi cùng thời". (Quẻ Tốn, lời Thoán).
"Trời trên đầm dưới là quẻ Lý, quân tử coi tượng đó mà phân biệt trên dưới, định chí dân". (Quẻ Lý, lời Tượng).
"Quẻ Cổ, cứng trên mà mềm xuống, khiêm tốn mà dừng lại... (có) sau có trước, là sự vận hành của trời đất).
(Quẻ Cổ, lời Thoán).

Qua các ví dụ trên ta thấy:
Bớt - thêm; cứng - mềm; đầy - rỗng, trên - dưới.. đều ở trong mâu thuẫn đối lập. Tác giả Dịch truyện nhận thức mâu thuẫn vẫn là đối xứng nhau mà tồn tại, mặt này không có mâu thuẫn thì mặt khác cũng có mâu thuẫn. Nếu không có trên thì dưới không tồn tại được, hai mặt vẫn cùng một sự vật và tạo thành từng cặp mâu thuẫn. Tác giả Dịch truyện còn suy đoán đôi bên mâu thuẫn là sự chuyển hóa lẫn nhau. Tác giả nói:

"Bác là gọt, là nhu (mềm) biến thành cương (cứng).
(Quẻ Bác, lời Thoán).
"Mặt trời chính giữa (giữa trưa) thì phải sang chiều, mặt trăng tròn thì phải khuyết, trời đất đầy rỗng, theo thời mà tiêu sinh, huống chi với người, huống chi với quỷ thần nhỉ ? (Quẻ Phong, lời Thoán).

Ở đây, nhu với cương, chính giữa và nghiêng chiều, tròn khuyết v.v..,Dịch truyện đề cập đến đều là hai mặt mâu thuẫn đối lập. Chúng đều chuyển theo hướng trái ngược nhau, tức là nhu chuyển hóa thành cương. Khi mặt trời đến giữa trưa, chuyển hóa lệch về phía tây. Khi trăng đã tròn sẽ chuyển hóa sang khuyết. Thái là thông nhưng sự vật không thể vĩnh hằng thông thái, do đó, thông thái sẽ chuyển hóa sang mặt trái là bế tắc (bĩ). Nhưng sự vật không thể cứ bế tắc mãi, cho nên lại chuyển hóa sang hướng phản diện với nó...

Sự vật trong phát triển, đôi bên đối lập mâu thuẫn, dựa vào nhau, liên hệ với nhau tạo thành một thể thống nhất, nhưng đôi bên đối lập mâu thuẫn thì chuyển hóa theo hướng ngược nhau. Đó tức là tính đồng nhất, tính thống nhất của mâu thuẫn. Tác giả Dịch truyện sơ bộ nhận thức tính thống nhất của mâu thuẫn và đề ra phạm trù "trung" (đạo trung). Tác giả nói:

"Quẻ Đồng nhân, mềm được ngôi vị, đắc trung (được ngôi giữa), mà ứng với Kiền, gọi là đồng nhân".
(Đồng nhân, lời Thoán).
"Cương quá mà được giữa, khiêm tốn mà đẹp lòng tiến đi thì lợi, bèn hanh thông".
(Đại quá, lời Thoán).
"Cho nên đến lại, tốt, bèn được ngôi giữa". (Quẻ Giải, lời Thoán).
Ở đây, tư tưởng "chuộng Đạo trung" của Dịch truyện có nghĩa là "không quá" (bất quá). Nếu quá cứng và quá mềm đều là không tốt, cần phải "thượng trung" (chuộng đạo trung). Nếu quá cương (cứng), quá nhu (mềm) thì đều là thiên lệch.

Đôi bên mâu thuẫn cùng ở trong một thể thống nhất, thể thống nhất lại không ngừng phân chia ra mặt đối lập. Tác giả Dịch truyện bước đầu tiếp xúc với thể thống nhất có thể phân ra hai loại đối lập. Tác giả nói:
"Dịch có thái cực, thái cực sinh ra lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng sinh ra tám quẻ".
(Hệ từ thượng).

"Thái cực" tức là thể thống nhất cao nhất của tính vạn vật khi trời đất còn chưa chia tách. Thể thống nhất này lại chia thành hai mặt mâu thuẫn, đó tức là âm (- -) và dương (-) hoặc trời (kiền ), đất (khôn ). Âm dương hoặc trời đất từng cặp mâu thuẫn lại phân chia thành hai mặt mâu thuẫn, tức là "tứ tượng", dùng hình tượng quẻ để biểu thị hai nét ngang liền xếp chồng nhau gọi là thái dương (=); nét ngang đứt nằm trên nét ngang liền là thiếu âm ( ); nét ngang liền nằm trên nét ngang đứt là thiếu dương ( ); hai nét ngang đứt xếp chồng nhau la thái âm (= =).

Thiếu dương tượng trưng mùa xuân, thái dương tượng trưng mùa hè, thiếu âm tượng trưng mùa thu, thái âm tượng trưng mùa đông.

Nếu nói những cái đó có thể gọi là âm dương sinh tứ tượng, thế thì, cũng có thể gọi "trời đất" sinh bốn mùa. Vì thế, Hệ từ thượng nói:
"Khuôn phép hình tượng không gì lớn bằng trời, biến thông không gì lớn bằng bốn mùa".

Tứ tượng lại chia ra làm hai, sản sinh kiền (trời), khôn (đất), chấn (sấm), tốn (gió), khảm (nước), ly (lửa), cấn (núi), đoài (đầm), tức là tám loại vật chất. Tám quẻ chia thành 16, 16 chia thành 32, 32 chia thành 64 quẻ.
Nói về thái cực sinh ra lưỡng nghi, có thể gọi là "một phân làm hai", nhưng xét về lưỡng nghi sinh tứ tượng, thì lại không thể gọi "một phân làm hai". Do đó, tác giả Dịch truyện gọi cái đó là "phân nhi vi nhị" (chia tách thành hai), nhưng chia tách thành hai này đề là "tượng lưỡng" (hình tượng lưỡng nghi), cho nên gọi là "phân nhi vi nhị dĩ tượng lưỡng".

Tác giả Dịch truyện xuất phát từ cách phân đôi (lưỡng phân), coi xã hội và giới tự nhiên là quá trình "phân thành hai". Tác giả viết:
"Có trời đất, rồi sau có muôn vật; có muôn vật, rồi sau có trai gái; có trai gái, rồi sau có vợ chồng; có vợ chồng, rồi sau có cha con" (Tự quái).
"Đạo lập nên trời, là âm và dương. Đạo lập nên đất, là nhu và cương. Đạo thành người, là nhân và nghĩa". (Thuyết quái).
Đạo trời phân ra làm hai, là dương và âm; đạo đất phân ra làm hai là nhu và cương; đạo người phân ra làm hai là nhân và nghĩa. Ba đạo thiên, địa, nhân (trời, đất, người) bao gồm cả tự nhiên và xã hội.

Hệ từ thượng, chương thứ V viết: "Sinh sinh chi vị dịch" (Sinh sinh hóa hóa gọi là dịch). Tác giả Dịch truyện coi quy luật phổ biến của vũ trụ là "biến", nguyên nhân sản sinh đạo biến hóa là âm dương. Căn cứ âm dương biến đổi để xây dựng 64 quẻ, nhưng trong sự vật nhiều phức tạp, nhiều biến đổi, Chu Dịch đã đề xuất khái niệm quan trọng trời, đất, người, lấy nó làm cương yếu để nghiên cứu cụ thể quy luật sự vật phát triển. Hệ Từ hạ, chương thứ X chỉ rõ:
"Sách Dịch bao la (rộng lớn) gồm đủ cả: có đạo trời, có đạo người, có đạo đất".
Rõ ràng Dịch truyện đã phát huy quan niệm về tam tài: trời, đất, người. Dịch truyện coi "trời", "đất", là hiện tượng tự nhiên hoặc lực lượng tự nhiên, mà không phải là "thần" theo như ý nghĩa của phương tây. Trên trời chủ yếu là mặt trời, mặt trăng. Mặt trời mặt trăng lệ thuộc ở trời. Điều đó chứng minh trời là giới tự nhiên, không phải trời là "đạo thần" hư vô phiêu diêu.

Chu Dịch nói về con người và tự nhiên, đã đề xuất quan điểm điều hòa lẫn nhau:
"Như kẻ đại nhân thì cái đức của người cùng hợp với cái đức của trời, cái sáng của con người cùng hợp với cái sáng của mặt trời, mặt trăng,..."
(Kiền, văn ngôn).

Nhưng con người không phải tiêu cực thuận theo đạo trời đất, mà là: "Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức" (Kiền, lời tượng) (Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử theo đó mà tự cường chẳng nghỉ).
Dịch truyện đề xuất, người quân tử cũng phải giống như trời, luôn luôn tự cường. Điều này nói rõ, con người nên lấy đức đẹp của trời đất làm tiêu chuẩn, phát huy tích cực tinh thần tiến thủ.

Trời, đất, người, theo quan niệm của tác giả Dịch truyện là một chỉnh thể, sau này được ứng dụng vào rất nhiều mặt: nông nghiệp, y dược, binh pháp v.v.., từ đó xuất hiện học thuyết "Thiên nhân cảm ứng", "Thiên nhân hợp nhất".

Tác giả Dịch truyện còn đẩy mạnh sự đấu tranh và thống nhất của mặt đối lập thành sự vận động của vật, gọi là "tương đãng" (chồng lẫn lên nhau), "tương ma" (cọ nhau), từ đó đề xuất phạm trù giao cảm. Tác giả nói:

"Trời đất giao cảm mà muôn vật hanh thông, trên dưới giao cảm mà chí giống nhau" (Quẻ Thái, lời Thoán).
"Trời đất không giao cảm mà muôn vật không hưng thịnh, quẻ quy muội là đầu và cuối của loài người".
(Quy muội, lời Thoán).
"Trời đất không giao cảm mà muôn vật không hưng thịnh, quẻ quy muội là đầu và cuối của loài người".
(Quy muội, lời Thoán).
"Cứng mềm chuyển đổi nhau (giao cảm) mà sinh ra biến hóa"
(Hệ Từ thượng).


Qua các dẫn liệu trên, chúng ta có thể thấy:
Ở giới tự nhiên, trời đất đối lập, giao cảm nhau thì muôn vật biến hóa vô cùng tận. Trái lại, trời đất đối lập, hai bên không giao cảm nhau, muôn vật không biến thông.
Trong xã hội, trên dưới đối lập, giao cảm nhau thì trên (kẻ thống trị, quân tử), dưới (người bị thống trị, tiểu nhân) sẽ đồng nhất với nhau. Trái lại, trên dưới đối lập, không giao cảm thì đất nước không tồn tại được, bọn thống trị không thể cai trị tốt đất nước.

Nếu trời đất không có đối lập thống nhất, tức là không có giao cảm thì muôn vật sẽ không hưng thịnh, muôn vật không thể có biến hóa nảy sinh.

Kết hợp tính thống nhất và tính đấu tranh tạo thành mâu thuẫn, vận động nảy sinh cái mới trong muôn vật, từ đó sản sinh ra muôn vật. Đó tức là tư tưởng cơ bản về giao cảm của Dịch truyện.

Tư tưởng biện chứng đối lập thống nhất chất phác của Dịch truyện đã nảy sinh ảnh hưởng rất lớn, rất sâu sắc trong lịch sử triết học Trung Quốc. Chẳng những các nhà triết học duy tâm mà cả các nhà triết học duy vật cũng rất chú ý đến phần tác phẩm này. Từ trong đó họ có thể thu thập được những tư liệu để phát huy và xây dựng các hệ thống tư tưởng triết học của mình. Nhưng do tính hạn chế của thời đại và giai cấp, cho nên Dịch truyện không quán triệt đến cùng tư tưởng biện chứng đối lập thống nhất, trong một số vấn đề lại sa vào siêu hình.

Tác giả Dịch truyện tuy đã thấy một loại tư tưởng quan trọng, không có bất cứ một hiện tượng nào không chuyển hóa thành mặt đối lập của mình, nhưng họ không có đủ nhận thức về kết quả đấu tranh của hai bên đối lập mâu thuẫn, chuyển hóa lẫn nhau trong điều kiện nhất định. Ở đây, điều kiện là quan trọng. Không có điều kiện nhất định, đôi bên đấu tranh đều không thể chuyển hóa.

Do tác giả Dịch truyện không lưu ý đến điều kiện chuyển hóa, cho nên địa vị mặt đối lập "nhị" (hai) trong "phân nhị vi nhị" (chia thành hai) đã được coi như cố định, chết cứng, không thể chuyển hóa. Đặc biệt khi tác giả đưa tư tưởng đó vào lĩnh vực xã hội, nói về vấn đề quan hệ con người với con người, tình hình này biểu hiện khá rõ. Tác giả nói:
"Trời cao đất thấp (thánh nhân) vạch ra quẻ Kiền, quẻ Khôn. Cao thấp lấy đó mà xếp đặt, định ngôi vị sang hèn".
(Hệ Từ thượng).

Đó là nói địa vị tôn với ty, sang với hèn đều đã xác định, không thay đổi. Kẻ cao sang ngôi vị cố định ở trên, người thấp hèn ngôi vị cố định ở dưới, tức là nhân dân lao động, chỉ có thể làm những việc của bậc tiểu nhân. Người cao sang ở ngôi trên, tức là giai cấp thống trị, kẻ thống trị nhân dân lao động.

Bài viết này chỉ giới hạn đề cập đến vấn đề "Những yếu tố biện chứng chất phác trong Chu Dịch", nhưng còn có những vấn đề khác, do thời kỳ lịch sử nó ra đời và giai đoạn xã hội phát triển, cho nên trong cách diễn tả của nó mang màu sắc thần bí và nội dung mê tín. Chúng tôi cho rằng, nếu vứt bỏ phần duy tâm và cái áo khoác thần bí, điều hợp lý chính xác của nó có thể phản ánh những quy luật khách quan nào đó của sự phát triển điều hòa giữa trời, đất và con người, có thể gọi là vốn quý của văn hóa Trung Quốc.

CHÚ THÍCH

(1) Theo ông Quách Mạt Nhược thì: "Cội rễ của bát quái chúng ta có thể thấy rất rõ ràng, là dấu vết thời xưa sùng bái sinh thực khí, vẽ một nét là giống dương vật, chia làm hai là giống âm hộ" (Sinh hoạt xã hội thời đại Chu Dịch Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu. Nhân dân xuất bản xã, 1954, tr.26).
Luận đoán này tương đối phù hợp với ý nghĩa nguyên thủy, tương ứng với sự phát triển xã hội và trình độ phát triển tư duy. Gần đây, trong một di chỉ ở Độ Gia Cương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã đào được mũi tên đá, rìu đá... và đào được cả thạch tố, (vật thờ tổ tiên bằng đá), phản ánh sùng bái nam tính, tức là nam tính sinh thực khí. (Lê Văn Quán: “Khảo luận tư tưởng Chu Dịch”, Nxb. Giáo dục, H. 1993, tr.155.

Nguồn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn








Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |