Jump to content

Advertisements




BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU TƯ DUY TƯỢNG SỐ TRONG CHU DỊCH

LÊ VĂN QUÁN

  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 maphuong

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 691 Bài viết:
  • 1242 thanks

Gửi vào 02/12/2016 - 11:44

sưu tập các bài viết về Dịch của ông Lê Văn Quán.
---------------

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU
TƯ DUY TƯỢNG SỐ TRONG CHU DỊCH


LÊ VĂN QUÁN


1. Hình thức tư duy của Chu Dịch

Hình thức tư duy của Chu Dịch là dung hợp cả ba loại hình thức tư duy: trực quan, hình tượng và lô - gích.
Tư duy trực quan của Chu Dịch là căn cứ vào lời hào, quẻ ở Dịch kinh đã ghi chép lại kinh nghiệm sinh hoạt của người xưa, đề xuất thể nghiệm cá nhân mà không phải là lý lẽ và nguyên tắc chung. Thể nghiệm này đã trở thành khuôn mẫu cho người đời sau phán định sự vật và suy đoán tương lai. Ưu điểm quan trọng của tư duy trực quan của Chu Dịch là rất coi trọng kinh nghiệm mà không rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm, “hình nhi hạ” và “hình nhi thượng” trực tiếp hợp làm một. Chu Dịch là một hệ thống nhận thức suy đoán xấu, tốt, do năng lực nhận thức của con người lúc bấy giờ có giới hạn, cho nên mang tính thần bí. Do đó, biểu hiện thành một loại tư duy trực giác, được ý quên tượng, siêu lý tính, có tính ngẫu nhiên phi lô - gích, tính đốn ngộ được ý ngoài tượng, tính linh cảm sâu sắc của trực giác.

Tư duy hình tượng của Chu Dịch là lấy tượng quẻ, tượng hào làm tư duy môi giới. Tượng quẻ là nguồn phóng xạ tư duy của Chu Dịch và nói chung tư duy hình tượng thì lấy tượng vật làm nguồn phóng xạ của tư duy. Người xưa sáng tác Chu Dịch thông qua tượng quẻ để dự đoán, phán định sự vật, điều này là mầm mống của tư duy hình tượng.Dịch truyện tổng hợp và phát triển rộng ý nghĩa tượng trưng của tượng bát quái (tám quẻ), đề xuất ý nghĩa tượng trưng về quan hệ lẫn nhau của bát quái, và lấy ý nghĩa tượng trưng đó giải thích 64 quẻ, cho nên ở tượng hào thường chứa đựng những ý nghĩa tiềm ẩn. Tư duy hình tượng Chu Dịch thông qua hệ thống phù hiệu hào quẻ để miêu tả thế giới và nhận thức thế giới.
Tư duy lô - gích của Chu Dịch là tuân theo nguyên tắc lô- gích phân loại, và suy ra tư duy hình thức hóa. Nó khác với tư duy lô - gích hình thức phương Tây. Nó dùng khái niệm phù hiệu tượng quẻ và văn tự lời hào, quẻ để suy lý phán đoán tổng hợp đối tượng, lấy “tốt, xấu, hối hận, đáng tiếc, mất hết”… của khách, chủ, đan xen nhau làm hình thức phán đoán cơ bản.
Tượng quẻ là mô hình tiên nghiệm của lô - gích Chu Dịch. Tượng của tượng quẻ lại khác với tượng trừu tượng, cái sau đã mất phạm trù khái niệm tượng cụ thể, và cái trước là nguồn gốc tượng của muôn vật, muôn việc, lại chứa đựng tượng vật, tượng việc, đã trải qua chỉnh đốn sắp xếp. Về hình thức tư duy đặc biệt này có thể gọi là “Tư duy tượng số”.

2. Tư duy tượng số lấy tượng số làm mô hình tư duy

Mô hình tượng số có thể phân làm ba cấp: cấp thứ nhất, là mô hình quẻ hào; cấp thứ hai, là mô hình Hà đồ Lạc thư (bao gồm ngũ hành); cấp thứ ba, là mô hình Thái cực đồ (hình Thái cực). Ba cấp mô hình có quan hệ cùng chất nhưng khác nhau về kết cấu, có thể chuyển đổi cho nhau, thông thương với nhau. Mô hình Hà Lạc và mô hình Thái cực đồ có thể được coi là giải thích tường tận và phát huy mô hình quẻ hào. Mô hình quẻ hào là mô hình đầu tiên của tư duy tượng số.

Phù hiệu căn bản nhất của mô hình quẻ hào là hào âm (– –), và hào dương ( – ), tổ hợp ba lần của hào âm và hào dương cấu tạo thành bát quái (23 = 8). Tổ hợp sáu lần hào âm và hào dương sẽ cấu tạo thành 64 quẻ (26 = 64). Sáu mươi tư quẻ cũng có thể được coi là cấu tạo thành bởi lũy thừa 2 của bát quái (82 = 64). Sáu mươi tư quẻ là mô hình cơ sở của Chu Dịch (trong sách Chu Dịch chứa phù hiệu bát quái). Mô hình này chẳng những bao hàm phù hiệu tượng quẻ của 64 quẻ, mà còn bao hàm thứ tự sắp xếp của nó. Lời hào, lời quẻ, và Dịch truyện có thể coi là văn tự giải thích hoặc phát triển tỉ mỉ nội hàm của mô hình này.

Hai quẻ đầu của 64 quẻ là Kiền và Khôn, là nguyên thủy của trời, đất, vũ trụ sinh mệnh, nó là cha mẹ của bầy quẻ, không chỉ có tác dụng quyết định trong vũ trụ muôn vật, mà còn là nguyên nhân tính căn bản của muôn vật vận động biến đổi.

Kiền, Khôn - âm dương đã có ý nghĩa sinh thành luận, cũng có ý nghĩa kết cấu luận, là điểm cơ bản của tư duy tượng số. Ngoài ra, có thể coi 62 quẻ là giao hợp và triển khai của hai quẻ Kiền, Khôn. Nói một cách khác, tức là cứ hai quẻ đơn làm thành một quẻ kép, quẻ sau đối lập với quẻ trước, phản ánh tư tưởng của sự vật chuyển hóa theo mặt phản diện của nó, cũng phản ánh quan hệ nhân quả liên tục trong 64 quẻ. Sáu mươi tư quẻ phân ra kinh thượng, kinh hạ: kinh thượng có 30 quẻ, kinh hạ có 34 quẻ. Kinh thượng nặng về hiện tượng tự nhiên, kinh hạ nặng về hiện tượng thiên văn. Hai kinh thượng hạ lại có thể phân ra nhiều giai đoạn tượng trưng quá trình âm dương tiêu trưởng, thứ tự sự vật biến đổi.
Hai quẻ cuối cùng của 64 quẻ là Ký Tế và Vị Tế, biểu thị rõ muôn vật muôn việc kết thúc của một kỳ và bắt đầu của một chu kỳ. Tuy nhiên đối với thứ tự 64 quẻ có phân đoạn khác nhau và nhận thức khác nhau, nhưng nên coi là một chỉnh thể. Sáu mươi tư quẻ là một hệ thống phù hiệu hoàn chỉnh của qui luật vũ trụ sinh mệnh biến đổi, cũng là mô hình phù hiệu lý tưởng.

3. Phương pháp tư duy tượng số

Phương pháp tư duy tượng số có thể phân chia thành ba loại: phép lập tượng, phép vận số, phép mô hình.

3.1. Phép lập tượng

Phép lập tượng là chỉ phương pháp tư duy trong quá trình tư duy lấy tượng làm công cụ, hiểu và bắt chước khách thể, có người gọi là phương pháp “duy tượng” hoặc phương pháp “ý tượng”. Phương pháp lập tượng là phương pháp quan trọng nhất của Chu Dịch, thậm chí ởDịch truyện, Hệ từ hạ nói: “Dịch giả tượng dã, tượng dã giả tượng dã” - (Dịch là hình tượng, hình tượng là phỏng theo).

Tượng mà phép lập tượng dựa vào là phù hiệu tượng quẻ, tượng quẻ có thể tượng trưng, mô phỏng vũ trụ muôn vật, muôn việc. Nếu như phân chia về mặt tổng thể, thì tượng mà tượng quẻ đã lấy có thể chia thành hai loại: tượng thực và tượng hư. Tượng thật là chỉ thực tại tượng vật có hình. Tượng hư là chỉ nghĩa tượng, lý tượng không có thực thể, trừu tượng. Lời hào, lời quẻ, tên quẻ của Dịch kinh có thể là lần thứ nhất gợi ý lý giải về phép lập tượng của tượng quẻ. Cái điềuDịch truyện gọi là “quan tượng chế khí” - (xem tượng chế tác đồ dùng) và “quan kỳ tượng nhi ngoạn kỳ từ, động tắc quan kỳ biến nhi ngoạn kỳ chiêm”- (xem tượng mà ngẫm nghĩ đến lời văn, khi hoạt động thì xem sự biến hóa của việc mà ngẫm nghĩ đến lời đoán). Điều này nói rõ lấy tượng không chỉ có thể gợi ý mọi người phát minh sáng tạo, mà còn có thể suy đoán sự vật và phát triển xu hướng, mở rộng nguyên tắc xử sự làm người. Dịch truyện cho rằng tượng quẻ thể hiện rõ hình thái, vị trí, tính chất, công năng, văn lý của trời đất tự nhiên, thông qua phép lập tượng có thể hiểu, nhận thức những đặc trưng này của trời đất tự nhiên.

Chu Dịch - Thuyết quái tổng kết và mở rộng ý nghĩa tượng của bát quái. Như quẻ Kiền tượng trưng trời, cha, vua, vàng, ngọc, kiện (vững mạnh), hàn…. Quẻ Khôn tượng trưng đất, mẹ, cái búa, vải, bò, thuận, quân (= đều)… Trong đó kiện, hàn của Kiền, thuận, quân của Khôn là tượng nghĩa lý, là tượng thuộc tính của Kiền, Khôn, là tượng hư; ngoài ra đều là tượng thực.

Phương pháp Dịch học mô phỏng tượng là lấy tượng hào, tượng quẻ và Dịch đồ làm nguồn phóng xạ, lấy ấn tượng muôn vật ở trong trí não con người làm môi giới trung gian, đối chiếu tượng hào với ấn tượng, thông qua ấn tượng khiến cho tượng hào, tượng quẻ cùng liên hệ với tượng của vũ trụ muôn vật. Loại lập tượng này chẳng những chỉ là mô tả cụ thể tượng thực, chẳng những chỉ là so sánh kết cấu hình tượng bên ngoài, mà còn là điều quan trọng, xuất phát từ công năng, thuộc tính. Phàm là công năng, thuộc tính giống nhau, mặc dù kết cấu, hình thái tượng vật khác nhau, nhưng cũng có thể quy thuộc vào cùng loại, nạp vào cùng một tượng quẻ.

3.2. Phép vận số

Phương pháp tư duy vận số của Chu Dịch là chỉ phương pháp lấy số làm môi giới, nhận thức, suy đoán hoặc dự đoán sự vật và phát triển biến đổi. Số của Dịch học chủ yếu gồm có:

a/ Số trời đất: trời 1, đất 2; trời 3, đất 4; trời 5, đất 6; trời 7, đất 8; trời 9, đất 10. Số trời có 5, số đất có 5. Số trời tổng hòa là 25, số đất tổng hòa là 30, số trời đất tổng cộng là 55.

b/ Số đại diễn: số đại diễn là 50, rút ra “một” là thái cực, chia hai tượng trời đất hai nghi; treo một tượng người (hợp với trời đất gọi là tam tài), kẹp bốn để tượng bốn mùa, dành số lẻ để tượng nhuận. Số thẻ của Kiền là 216, số thẻ của Khôn là 144, cộng là 360, đó là số ngày của một năm. Trải qua bốn lần tráo trộn mà thành biến đổi, mười tám lần biến đổi mà thành quẻ.

c/ Số hào: sau khi kẹp cỏ thi, bốn lần tráo trộn, ba lần biến đổi sẽ được con số là: 6, 7, 8, 9; 6 là thái âm, 8 là thiếu âm, 7 là thiếu dương, 9 là thái dương. Lấy 9, 6 đại biểu hào dương và hào âm. Lấy sơ, nhị, tam, tứ, ngũ, thượng lần lượt đại biểu vị trí sáu hào. Một quẻ có sáu hào ghi là: sơ lục (hào thứ 1, âm), lục nhị (hào thứ 2, âm), lục tam (hào thứ 3, âm), lục tứ (hào thứ 4, âm), lục ngũ (hào thứ 5, âm), thượng lục (hào thứ 6, âm); sơ cửu (hào thứ 1, dương), cửu nhị (hào thứ 2, dương), cửu tam (hào thứ 3, dương), cửu tứ (hào thứ 4, dương), cửu ngũ (hào thứ 5, dương), thượng cửu (hào thứ 6, dương).

d/ Số quẻ: chia số thứ tự của 64 quẻ và số thứ tự của bát quái, theo cách chia thông dụng thì Kiền là số 1, đến quẻ Vị Tế là số 64; số thứ tự của bát quái không có trong Chu Dịch. Đời Bắc Tống, Thiệu Ung xây dựng số của Tiên thiên bát quái: Kiền số 1, Đoài số 2, Ly số 3, Chấn số 4, Tốn số 5, Khảm số 6, Cấn số 7, Khôn số 8. Số của Hậu thiên bát quái: Ly số 9, Khảm số 1, Chấn số 3, Đoài số 7, Khôn số 2, Tốn số 4, Kiền số 6, Cấn số 8, số 5 ở giữa; còn có số của Tiên thiên lục thập tứ quái.

e/ Số Hà Lạc: theo quan điểm của Chu Hy, … Lạc Thư cấu tạo bởi 9 số: đầu đội 9, chân đạp 1; bên trái 3, bên phải 7; 2, 4 là vai; 6, 8 là chân; số 5 ở giữa. Hà đồ cấu tạo bởi 10 số: 1, 6 ở phía Bắc; 2, 7 ở phía Nam; 8, 3 ở phía Đông; 4, 9 ở phía Tây; 5, 10 ở giữa.

Chu Dịch, tượng và số gắn chặt với nhau không thể chia tách. Có người cho rằng “tượng” thiên về định tính, “số” thiên về định tinh (sao), nhưng xét về bản chất, số trong phép vận số của Chu Dịch quyết không phải thuần túy biểu thị số lượng, mà mang rất nhiều đặc trưng của tượng, tức là càng thiên về định tính.

Như số lẻ là số trời, là dương; số chẵn là số đất, là âm. ở trong số đại diễn, số 1 là thái cực, số 2 là lưỡng nghi, số 4 là bốn mùa, số 9, 6 là thái dương, thái âm. Số hào biểu thị vị trí và tính chất của hào. Số quẻ không chỉ đại biểu thứ tự của quẻ, mà còn đại biểu vị trí, thuộc tính của quẻ. Số Hà Lạc càng có nhiều tính chất và công năng của ngũ hành.

Sự thống nhất tượng và số, là đặc điểm tư duy của tượng số. Số giống như tượng, có thể phân ra số hư và số thực, lần lượt đại biểu ý nghĩa trừu tượng (cùng loại với tượng) và ý nghĩa chỉ thực.

3.3. Phép mô hình

Phép mô hình là chỉ phương hướng lấy tượng số làm mô hình để tiến hành tư duy, và mô phỏng, nhận thức thế giới khách thể. Phương pháp mô hình có quan hệ mật thiết với phép lập tượng, phép vận số, mô hình là dựa vào lý luận của lập tượng, vận số. Lập tượng, vận số là sự vận dụng đối với mô hình, vì vậy, không nên xếp phép mô hình ngang hàng với phép lập tượng, phép vận số. Phép mô hình tượng số với phép vận số, lập tượng trọng điểm nặng nhẹ cũng có chỗ khác nhau, nếu nói cái trước nặng về phân loại và hình thức hóa tượng số, thì cái sau thiên về loại suy và lắp vào một cách gượng ép.

Đặc biệt ở Chu Dịch nhấn mạnh phương pháp phân loại, theo đặc điểm tính chất khác nhau phân chia muôn vật, muôn việc thành “loại” khác nhau. Chu Dịch dùng phương pháp phân loại “phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân” (Hệ từ thượng) – (Các loại tụ lại thành phương, các vật chia ra từng bầy), vũ trụ muôn vật vô cùng vô tận được phân chia thành nhiều loại có giới hạn, “loại” đã trở thành cái dây nối thông thương những sự vật liên quan với nhau. Chỉ cần sự vật có tính chất, tính năng, công dụng, hình tượng, kết cấu tương đồng, gần nhau hoặc gần giống nhau đều có thể quy thành cùng loại.

Chu Dịch phân loại tượng số chủ yếu có mấy loại dưới đây:

a) Lưỡng nghi - phân loại âm dương. Trong phân loại tượng số, điều này rất quan trọng, cũng là điều rất cơ bản, Thiệu Ung, Chu Hy, gọi nó là phép “một biến thành hai”, “một phân thành hai”. Hào âm và hào dương bắt nguồn ở tượng quẻ, là cơ sở của 64 quẻ; hai nghi âm dương là cơ sở của vũ trụ muôn vật. Không chỉ muôn vật muôn việc có thể phân thành hai loại âm dương, mà sự vật đồng nhất cũng có thể phân thành hai mặt âm dương.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Phân loại bát quái
Vũ trụ muôn vật chia thành tám loại: Kiền (trời), Khôn (đất), Khảm (nước), Ly (lửa), Chấn (sấm), Tốn (gió), Cấn (núi), Đoài (đầm). Theo cách nói của Thuyết quái truyện, thì thuộc tính của tám loại này lần lượt sẽ là: kiện, thuận, hãm, lệ, động, nhập, chỉ, duyệt, cũng tức là nói, nếu như một thuộc tính nào có đủ ở trong đó, thì có thể qui vào một loại quẻ đối ứng.

c) Phân loại 64 quẻ
Đó là cách phân loại hệ thống của Chu Dịch.Chu Dịch, tuy có thể coi 64 quẻ là mở rộng của bát quái, nhưng công dụng của bát quái và 64 quẻ nặng nhẹ có khác nhau: bát quái nặng về phân loại trạng thái tĩnh của sự vật. 64 quẻ nặng về phân loại trạng thái động của sự vật, vận động biến đổi và mối liên hệ hữu cơ giữa loại và loại của 64 quẻ.

d) Phân loại ngũ hành
Nói một cách nghiêm túc, Chu Dịch không nói đến ngũ hành, sách nói sớm nhất đến ngũ hành là “Thượng Thư, thiên Hồng phạm”, nhưng bắt đầu từ Tây Hán, phái tượng số đã kết hợp bái quái với ngũ hành, học thuyết Hà Lạc trong Dịch học đời sau, tức là phân loại ngũ hành, như trong Hà đồ, 1, 6 là thủy; 2, 7 là hỏa; 3, 8 là mộc; 4, 9 là kim; 5, 10 là thổ; 1, 2, 3, 4, 5 là số sinh của ngũ hành; 6, 7, 8, 9, 10 là số thành của ngũ hành. Phân loại ngũ hành đều không mâu thuẫn với phân loại của lưỡng nghi. Ngũ hành có thể coi là cặp âm dương đối lập (nước và lửa, mộc và kim), thổ ở trong đó chỉ có tác dụng điều chế, nó không chiếm giữ bốn phương, không chiếm giữ bốn mùa, trái lại thống lĩnh bốn phương, thống lĩnh bốn mùa. Việc phân loại ngũ hành đã thúc đẩy mối liên hệ giữa âm dương bát quái với nhau, khiến cho âm dương bát quái hình thành một hệ thống hữu cơ sinh khắc chế hóa.

Phân loại là sự bắt đầu của phương pháp tư duy mô hình của Chu Dịch, các mô hình Dịch học, tượng số xây dựng lên trên cơ sở phân loại. ở trên đã trình bầy khái quát mô hình phân loại đầu tiên (nguyên thủy) của tư duy tượng số, ngoài cái đó ra còn có mô hình ngũ hành, mô hình can chi, mô hình Hà Lạc, mô hình Thái cực. Chúng là công thức hoặc phép tắc tương đối ổn định từng bước hình thành trong quá trình tư duy. Công thức, phép tắc này phổ biến thích hợp với bất cứ sự vật nào, và không phải chỉ vẻn vẹn giới hạn ở một nội dung, sự vật cụ thể nào.

Đặc trưng tư duy tượng số có thể khái quát như sau:

1/ Quan niệm tuần hoàn biến dịch.

Hai chữ “Chu” “Dịch” có thể giải thích là “vòng tròn tuần hoàn” và “biến hóa, vận động”, có thể coi Chu Dịch là trước tác chuyên bàn luận về qui luật vũ trụ muôn vật tuần hoàn biến dịch. Trong hệ thống đầu tiên của hào, quẻ, tượng số, phù hiệu bậc 1 của hào dương và hào âm (21 = 2) là tuần hoàn chuyển đổi lẫn nhau, hào dương “cửu” chuyển hóa thành hào âm “lục”, chuyển đổi ngược lại cũng như vậy. Phù hiệu bậc 2 của tứ tượng (22 = 4) là thái dương, thiếu âm, thiếu dương, thái âm cũng chuyển đổi cho nhau. Bát quái phù hiệu bậc 3 (23 = 8) và mỗi một quẻ trong 64 quẻ thì phù hiệu bậc cao nhất (26 = 64) đều là vận động tuần hoàn, bất cứ một quẻ nào đều có thể biến thành một quẻ khác: ở trong một nhóm hai quẻ, hai quẻ trước sau (trên dưới) đều có thể biến đổi cho nhau thông qua hai phương thức “phục” (= trở lại) và “biến”. Bất cứ một quẻ nào đều có thể thông qua phương thức hào biến sẽ biến thành 63 quẻ khác. Từ đó hình thành chỉnh thể đại tuần hoàn của 64 quẻ. Xét từ Tự quái (thứ tự quẻ) của 64 quẻ ở Chu Dịch,đầu tiên là hai quẻ Kiền, Khôn, cuối cùng là hai quẻ Ký Tế, Vị Tế; tức là chứa đựng vũ trụ biến dịch, một chu kỳ bắt đầu từ Kiền Khôn âm dương đến Ký Tế, Vị Tế kết thúc. “Ký Tế” là kết thúc một chu kỳ trên; Vị Tế là bắt đầu một chu kỳ dưới. Như vậy, hết một vòng lại bắt đầu trở lại (phục), tuần hoàn không ngừng. Hệ thống văn tự Chu Dịch giải thích phù hiệu quẻ, hào rõ ràng là đã đề cập đến quan điểm vòng tròn biến dịch, như lời hào 3, dương, quẻ Thái viết: “Vô bình bất bí, vô vãng bất phục” - (Không có cái gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi mà không trở lại”. Lời quẻ Phục nói: “Phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục”- (Trở đi trở lại cái đạo của mình, bảy ngày trở lại). Dịch truyệnnhấn mạnh phản phục (trở đi trở lại): “nhất hạp nhất tịch vị chi biến, vãng lai bất cùng vị chi thông” (Hệ từ thượng)- (Một lần đóng một lần mở gọi là biến, đi lại chẳng cùng gọi là thông), “Nguyên thủy phản chung, cố tri tử sinh chi thuyết” (Hệ từ thượng) – (Suy nguyên từ trước, trở lại về sau, cho nên biết cái thuyết sống chết.) Trước tiên, tượng quẻ, hào, lời quẻ, lời hào đề xuất quan niệm tuần hoàn biến dịch, sau đó, Đạo gia, Nho gia đều tuân theo quan niệm tư duy đó, và trở thành quan niệm chung. Nói về quan niệm tuần hoàn biến dịch đối với cả thế giới quan niệm vũ trụ bao la rộng lớn cơ bản là hợp lý. Cả vũ trụ tồn tại vĩnh hằng đại tuần hoàn, và các vật thể cũng tồn tại tạm thời tiểu tuần hoàn. Tuần hoàn này cơ sở là đối lập chuyển hóa của âm dương, tượng số đang bao hàm tư tưởng tiến bộ biến đổi không ngừng. Nhưng Chu Dịch quá nhấn mạnh tuần hoàn, coi thường phát triển sáng tạo, coi tuần hoàn thành hình thức duy nhất của vận động và không thấy hình thức khác (như hình thức trực tuyến, hình thức phi thăng giáng…), thiếu quan điểm lịch sử phát triển tiến hóa. ở mức độ nào đó làm chỗ dựa cho giai cấp thống trị duy trì trật tự xã hội phong kiến (như tính vĩnh hằng của tam cương, ngũ thường; trọng nam khinh nữ v.v...)

2/ Quan niệm chỉnh thể hài hòa

Chu Dịch, quẻ, hào, là một chỉnh thể; bát quái, 64 quẻ là hệ thống thông tin. Bát quái là tổ hợp chỉ có ba hào âm dương, 64 quẻ là tổ hợp có sáu hào của âm và dương. Vị trí sáu hào của quẻ, hai hào trên là đạo trời, hai hào giữa là đạo người, hai hào dưới là đạo đất. Đạo tam tài trời, đất, người dung hòa thành một khối. Mô hình phù hiệu quẻ, hào là sự vật thể hiện mô thức vận động, mô hình chữ số của phép bói là sự vật tiềm ẩn ở mô thức vận động. Đối với sự suy diễn trời đất, phát triển thời gian, qui luật vũ trụ âm dương biến đổi là bắt chước chỉnh thể. Đối với sự vận động biến hóa, phân loại, sinh thành của muôn vật, muôn việc là miêu tả hệ thống. Mô thức 64 quẻ lấy quan hệ “sáu hào” “sáu ngôi” làm cơ sở, lấy thời, vị, trung, tỷ, ứng, thừa, v.v… làm nguyên tắc và tiêu chuẩn, cung cấp cho mọi người một phương pháp tư duy từ thời gian, không gian, điều kiện, quan hệ phương vị… đến nhận thức sự vật.

Đạo Dịch: “nhất âm nhất dương” – (một âm một dương) đã nói rõ con người và tự nhiên có tính đối lập, cũng nói rõ có tính hài hòa, tính thống nhất. “Cương nhu tương thôi, nhi sinh biến hóa” – (cứng mềm đun đẩy nhau mà sinh biến đổi) biểu thị chuyển đổi lẫn nhau, dựa vào nhau cùng tồn tại của mặt đối lập. Đối lập và hài hòa lẫn nhau, cảm ứng và giao lưu của con người và tự nhiên, chủ thể và khách thể được Chu Dịchthống nhất hữu cơ lại, trở thành tư duy cơ bản của Chu Dịch, mở ra đặc trưng tư duy chỉnh thể của văn hóa Trung Hoa “Thiên nhân hợp nhất” - (trời người hợp làm một).

Chu Dịch, Thái cực là khái niệm cao nhất của âm dương chỉnh thể đối lập, hài hòa cũng là chắt lọc lý tính của tư duy tượng số.

3/ Quan niệm động thái công năng

Mô hình tượng số Dịch học là mô hình động thái, công năng, bất cứ là phương pháp lập tượng hay là phương pháp vận số đều là lấy tính nhất trí của công năng, động thái làm điều kiện. Chỉ cần công năng tương đồng, thuộc tính tương đồng, mặc dù kết cấu khác nhau, hình thái khác nhau cũng có thể qui thành cùng loại. Tư duy tượng số trọng động thái, trọng công năng, tất nhiên là dẫn đến nhẹ kết cấu, nhẹ trạng thái tĩnh.

4/ Quan niệm ý tượng trực giác

Tượng quẻ của Chu Dịch là một loại ý tượng, có chứa đựng sự tưởng tượng chủ quan và ý niệm chủ quan, là kết hợp tri giác hình tượng và ý thức chủ quan. Đã có ý nghĩa thông báo tượng thực của hình tượng, lại chứa đựng nội hàm tượng hư trừu tượng. Tượng quẻ có hai tác dụng: một là mô phỏng, một nữa là tượng trưng. Về sự mô phỏng muôn việc muôn vật chỉ là một thủ đoạn, mục đích là cần dùng phù hiệu tượng quẻ để tượng trưng triết lý, phép tắc trừu tượng.

Tư duy ý tượng là phương pháp cơ bản của Trung Quốc cổ đại nhận thức vũ trụ. Thời kỳ Tiên Tần Chiến Quốc, thiên văn, lịch pháp, khí tượng thường thường gán ghép vào với tình hình chính trị, nhân sự tốt, xấu, lâu lâu lại trở thành thuật số học lưu hành rộng rãi trong dân gian. Cho đến “Tiên thiên bát quái đồ”, “Hậu thiên bát quái đồ”, “Hà đồ Lạc thư”, “Thái cực đồ” v.v… là mô hình đại biểu vũ trụ luận, bản thể luận, kết cấu luận của Trung Quốc.

Tư duy trực giác của Chu Dịch là xây dựng trên cơ sở loại suy từng cặp tượng quẻ. Do quá nhấn mạnh tư duy trực giác, chỉ chú ý cảm giác chỉnh thể, từ đó lướt qua thực chứng và phân tích, khiến cho trình độ khoa học truyền thống Trung Quốc không cao, nhận thức về sự vật thường là mơ hồ, sơ sài và lòng thòng. Nhưng xét từ chính diện, nó đã rèn luyện năng lực tư biện và năng lực nhận thức của người Trung Quốc, có đủ trí tuệ nắm vững vũ trụ sinh mệnh. Về mặt chỉnh thể động thái, luôn luôn giàu sức tưởng tượng và sức sáng tạo, tạo thành tính cảm nhận, tính huyền tưởng, tính nhảy vọt trong tính cách dân tộc. Tư duy tượng số Dịch học ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa phương Đông nói chung, và văn hóa Trung Hoa nói riêng, nó vô cùng phức tạp, sau này còn phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu. ở đây, mới chỉ là bước đầu giới thiệu để chúng ta cùng suy ngẫm.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập ngành Hán Nôm, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tôi viết bài này, hy vọng ngành Hán Nôm phát triển, không thể theo con đường quen thuộc lâu nay chúng ta đã học và giảng dạy Hán Nôm. Đến lúc, học và dạy Hán Nôm không chỉ dừng lại ở dịch các văn bản Hán và phiên âm, chú thích các văn bản Nôm. Chúng ta cần phải tiến xa hơn nữa, gắn liền Hán Nôm với ngữ văn Hán Nôm. Vì ngành Hán Nôm phát triển, chính là khiến cho người nước ngoài thấy được sự đóng góp riêng của Việt Nam vào văn hóa thế giới. Thế giới muốn biết về văn hóa Việt Nam không thể không thông qua ngữ văn Hán Nôm. Thế giới đã bước vào khoa học, ta nên theo xu hướng nghiên cứu Hán học của thế giới. Một người dù giỏi chữ Hán, chữ Nôm đến đâu mà không hiểu khoa học thế giới, nhất là bước đi của Hán học thế giới thì khó lòng đổi mới văn hóa theo hướng chung của thế giới. Như học Chu Dịch mà chỉ biết dịch nghĩa, dịch văn bản thì chưa đủ, mà còn phải hiểu văn hóa Trung Hoa. Vì Chu Dịch là đầu nguồn của văn hóa Trung Hoa, Nho gia tôn là quyển đầu của sáu kinh, Đạo gia nói là một trong Tam huyền. Chu Dịch và Dịch học thể hiện bộ mặt văn hóa Trung Hoa. Nó khai sáng phương thức tư duy có khác với phương Tây. Phương thức tư duy và tập quán tư duy có tác dụng lâu dài, phổ biến trong hành vi văn hóa dân tộc, là định thế tư duy của xã hội bầy người nhất định hình thành trong quá trình tiếp thu phản ánh, gia công thông tin ngoài giới. Mỗi một dân tộc đều có thiên hướng tư duy trọn vẹn của bản thân mình, từ đó hình thành loại hình tư duy dân tộc đặc biệt. Sự khác nhau của phương thức tư duy có thể dùng để nói rõ sự khác biệt của văn hóa dân tộc và sự khác nhau của xã hội dân tộc. Phương thức tư duy là bản chất lắng sâu của hiện tượng văn hóa loài người, có tác dụng chi phối hành vi văn hóa loài người, và đại biểu đặc trưng tố chất tâm lý văn hóa của một dân tộc.

Phương thức tư duy tượng số của Chu Dịch là điều đầu tiên và đại biểu phương thức tư duy Trung Hoa, đã quyết định quan niệm giá trị, phương thức hành vi, ý thức thẩm mỹ, phong tục tập quán đặc biệt của dân tộc Trung Hoa. Nó không chỉ thẩm thấu vào tố chất tâm lý dân tộc, mà còn thẩm thấu đến thao tác bề mặt thực dụng của tính bề ngoài. Nó không chỉ ảnh hưởng đến triết học mà cả đến khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên v.v…

Vì thế, chúng ta tìm hiểu tư duy tượng số của Chu Dịch, chính là bổ sung, nâng cao trình độ Hán Nôm của chúng ta càng thêm vững chắc, đồng thời hội nhập với trào lưu nghiên cứu Dịch học trên thế giới.

L.V.Q

Nguồn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn








Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |