Jump to content

Advertisements




Thầy Lác - Truyện ngắn của Thao Thao


2 replies to this topic

#1 danhkiem

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 414 Bài viết:
  • 1035 thanks

Gửi vào 27/04/2016 - 14:44

Đây là một truyện ngắn mà cũng là một bức vẽ. Nên không phải một cây bút họa công và nếu không có con mắt quan-sát tinh-tế, đâu có được những nét truyền thần ấy!

THẦY LÁC

Truyện ngắn của Thao-Thao

Tôi đã được nghe nói nhiều về ông thầy tướng số ấy. Mọi người quen gọi là thầy lác. Vì mắt hơi lác lác. Sự thật thì là bạch tình lộ.

Thầy lác, ngoài cái đặc điểm khi nói không nhìn thẳng vào mắt ai bao giờ, lại còn đặc điểm này nữa: ít nói.

Lúc nào cũng cứ lầm lầm, lỳ lỳ. Chính vì cái đặc điểm lầm lầm lỳ lỳ đó mà nhiều người phục thầy lác vô kể. Phục ... vì, thầy lác, khi nào đã nói thì cứ như đanh đóng cột. Nghĩa là không sai bao giờ.

Không mở ngôi hàng xem tướng, thầy lác không có chỗ ngồi nhất định như những ông thầy tướng khác.

Nay nhà này, mai nhà nọ, thầy lác thường đóng đô hàng tháng ở nhà những người bạn giàu có hết sức thù phụng thầy. Và thầy lác ngồi xem tướng ngay ở nhà người bạn giàu có đó.

Phải là người giàu có lắm, giầu của đã đành lại còn phải giầu lòng tin tưởng và nhất là giầu lòng hào hiệp mới có thể lưu được thầy lác ở nhà. Bởi thầy lác là người khó tính lắm.

Đến nhà nào thầy phải ở riêng một nơi thật tĩnh mịch. Không uống rượu, thầy "ăn thuốc". Hút thật nhiều. Nhiều gấp hai ba mọi người. Sau mỗi bữa cơm đem lại phải có hoa quả tráng miệng.

Thầy không lấy tiền của ai. Người nào muốn thầy xem cho chỉ việc đỡ chủ nhà hai khoản đó: thuốc phiện và hoa quả.

Thế rồi, một mình - thầy chỉ tiếp một người một thôi - vào ngồi từ bi từ tại hàng giờ ở trước mặt thầy nhìn thầy hút, nhìn thầy ăn - ăn lê, ăn táo - và đợi thầy xem .. tướng cho.

Trong khi hút - thầy tiêm lấy - thầy chỉ thỉnh thoảng đưa cặp mắt bạch tình lộ - không phải mắt trắng rã - liếc nhìn người ngồi cung kính trước mặt thầy. Rồi như khám phá ra được điều bí quyết gì, thầy gật gật giây lâu rồi, im lặng, mơ màng nhìn khói thuốc phiện thở ra mờ tỏa chung quanh ...

Một lúc sau, thầy lại liếc nhìn như thế. Lại gật gật như thế. Lại mơ màng nhìn khói thuốc như thế.

Vài giờ sau, xong bữa cơm nâu, thầy lác ngồi lên, ung dung gọt vài quả lê hay quả táo, thủng thẳng vừa nhai vừa nói ...

Thầy lác nói về quá khứ. Một vài điều về quá khứ. Ít thế thôi. Nhưng là một vài điều đáng tiền, à! Đáng thuốc, đáng lê, đáng táo ...

Thật vậy. Nó đúng quá. Nó làm người nghe phải lạnh người, chỉ muốn van thầy lác đừng nói nữa.

Thầy lác, tức thì, mỉm cười, khoan khoái ... Người nghe vừa nói, thấy thầy lác ngừng lại thì cúi gầm mặt xuống, vẻ sượng sùng ...

Một ngời bạn thân được thầy lác xem cho, đã thân mật nói với tôi như thế này:

- Giỏi thật. Thầy lác bảo tôi thường có những mối tình thầm vụng với người trong nhà ... Việc đó, tôi giữ bí mật lắm. Không ai biết cả. Thế mà thầy lác "gọi" ra!

Một người bạn gái - vâng người bạn gái của tôi - cũng đã thân mật nói với tôi như thế này:

- Thầy lác đã làm em sượng sùng chết được. Thầy bảo em phải ... lưỡng phu quân. Phu quân thứ hai lại là ... và .. Nhưng thôi. Còn một vài người bạn trai, bạn gái khác đã thân mật nói lại với tôi, thầy lác bảo thế này, thầy lác bảo thế nọ; nhưng, nhắc lại, cũng chẳng hơn gì. Vì .. toàn những chuyện bí mật, thuộc về đời riêng của người ta cả. Có điều ... sao không thấy các ông thầy tướng khác nói đến?

Sau khi nói cho nghe một vài điều đặc biệt ấy, thấy đã chiếm được lòng tin phục của người ngồi nghe, thầy lác mới mạnh bạo tấn công:

-Tháng vừa rồi bà vừa thua thiệt một món tiền lớn hàng vạn. Bị bạn lừa ... Đích bị bạn lừa!.

- Nhất định cụ nhà thế nào cũng qua đời vào ngày mão này Phải Nhất định ngày mão, giờ ngọ .. (Ông cụ ấy tuổi Dậu, mà năm là năm Tý!)

- Nhất định tháng sau bà sẽ ốm lượt giường.

- Nhất định sang năm ông sẽ được cất nhắc, cuộc đời sẽ thay đổi hẳn ...

- Nhất định, sang năm ông sẽ tan nát cơ nghiệp.

Và nhiều nữa. Nhiều nữa. Với người nào, thầy lác cũng làm cho hoảng, hay làm cho mừng ... Nhưng chỉ hoảng trong giây lát và cũng chỉ mừng trong giây lát... Vì thầy lác bảo:

- Tháng sau bà sẽ ốm liệt giường đấy, có thể gần đất xa trời được; nhưng .. nhưng nếu bà nghe tôi ...

Bà nọ vội vàng:

- Vâng. Xin nghe thầy. Trăm sự nhờ thầy trỏ đường sống cho.

Chậm rãi, thầy lác gật gù vừa nhai nốt miếng táo, vừa nói:

- Bà phải nghe tôi về kê ngay lại giường bà nằm. Phải đầu "gối" hướng Đông, chân "đạp" hướng Tây. Bà cứ về kê lại như thế. Rồi bệnh sẽ qua khỏi và rồi làm ăn sẽ vô cùng thịnh vượng.

Và bà này đã về kê ngay lại giường nằm. Bà ấy đã ốm và đã khỏi. Và đã trở lên giầu có sau mấy chuyển buôn. Đa-dơ-năng về hậu phương, không bị vấp váp.

Với ông sắp được cất nhắc thầy lác bảo:

-Sang năm thì ông sẽ một bước nhảy lên quan, vì có quan thầy đỡ đầu; nhưng .. ông phải nghe tôi ...

Ông nọ vội vàng ngồi nghiêm chỉnh hơn, trịnh trọng hơn :

- Vâng. Xin thầy làm ơn chỉ bảo cho. Nếu đúng như lời thầy nói tôi sẽ hậu tạ thầy thật xứng đáng.

Thầy lác bắt lời ngay :

- Đừng sai nhời nhé. Một nghìn?

Ông nọ vội suýt soa:

- Vâng. Xin có một nghìn.

Và xin đưa trước năm trăm. Nhé tiền vào ví xong, thầy lác ung dung truyền phán:

- Đầu sang năm, ông phải đeo kính gọng vàng, quan thầy trông thấy tự nhiên tin yêu ông. Rồi ông sẽ được cất nhắc như lời tôi nói.

Ông nọ, về mua sẵn ngay kính gọng và chờ đầu năm sau đeo lên sống mũi nom thật là đạo mạo. Và năm sau, ông nọ được quan thầy cất nhắc thật. Đúng như lời thầy lác đã nói.

Với ông sắp bị tan cơ nghiệp thầy lác nói:

- Sang năm thì thế nào ông cũng đi đời cả cơ nghiệp đấy. Nhưng nếu ông nghe tôi...

Ông này rắn rỏi đợi chờ:

- Xin thầy cứ cho nghe ...

Thầy lác ngập ngừng rồi nói:

- Tôi chắc bảo thì bảo ông cũng chẳng tin nghe nào. Và vì thế, tôi e ông sẽ tan cơ nghiệp mất.

- Thì thầy cứ nói.

Miễn cưỡng thầy lác nói:

- Ông nên nghe tôi may quần áo màu nâu gạch mà mặc.

- Sao lại dùng mầu nâu gạch? Dùng màu khác thì sao?

- Thì không ăn thua gì chứ sao!

- Thầy nhất định tôi phải dùng mầu nâu gạch mới khỏi tan cơ nghiệp. Có phải không?

- Phải.

Ông nọ đứng lên, đầy vẻ hoài nghi:

- Có lý nào! Tôi đánh bạc! Tôi không chung vốn buôn to nữa! Thử xe có việc gì không nào?

Và nhất định không may quần áo màu nâu gạch. Năm sau, thủ đô xảy ra nạn khói lửa. Mấy ngôi nhà của ông nọ thành tro than cả.

Thế là thế nào? Phải. Thế là thế nào? Kê lại giường nằm, đầu gối hướng Đông, chân đạp hướng Tây thì khỏi ốm, thì phát tài ? Đeo kính gọng vàng thì được quan thầy cất nhắc thay đổi hẳn cuộc đời? mặc quần áo mầu nâu gạch thì không bị tan cơ nghiệp? Cưỡng lại, không chịu nghe lời thầy lác thì có mấy ngôi nhà thành tro than cả mấy. Thế là thế nào? Phải. Thế là thế nào? Lại còn thế này nữa: ông này đến năm ấy phải để râu thì mới đại phát tài, ông này phải húi trụi đầu đi thì mới có lộc, bà này lúc nào cũng phải đeo thật nhiều vàng ở cổ tay mới phát được.

Thế là thế nào? Phải. thế là thế nào?

Câu hỏi ngờ vực, đầy sự bán tín, bán nghi ấy cứ luôn luôn lởn vởn ở đầu óc tôi. Nhiều lúc tôi vò đầu, vò tai, tự hỏi:

- Có thể như thế được không?

Nhưng vô ích. Tôi chỉ làm tội cái đầu, cái tai của tôi phải rối lên, phải đỏ bừng lên chứ có ăn thua gì? Thế rồi, nghĩ mãi vẩn cả óc chẳng tìm ra lý lẽ gì cả, tôi bực mình hạ lệnh cho tôi nhất định không bao giờ thèm nghĩ đến chuyện khó hiểu ấy nữa.

Bẵng đi ít lâu. Một hôm một chuyện xẩy ra đã khiến tôi lại nghĩ đến ... Mà không sao nghĩ được?

Việc xảy ra ngay bên nhà hàng xóm.

Bà Bốn bán bánh cuốn, ế hàng, không tiền đóng họ góp năm, sáu ngày còn đọng lại bị người chủ họ ỉ eo điều tiếng. Chẳng hiểu bà Bốn nghĩ ngợi quẩn chí thế nào, bà treo cổ tự tử. Đàn con nhỏ của bà ta, có đứa trông thấy, khóc ầm lên. Hàng xóm đổ sang đỡ bà ta xuống, thoát chết. Trong số những người sang thăm hỏi bà ta có tôi và anh Kiến, bạn cùng sở, ở cạnh nhà tôi.

Anh Kiến đã ôn tồn bao bà Bốn như thế này:

- Bà không phải lo gì nữa. Chỉ dăm hôm nữa bà sẽ có người mang đến bạc vạn tận nhà giao cho bà. Bà sẽ tha hồ mà tậu nhà ...

Lúc ấy, nghe anh Kiến nói thế tôi cũng chỉ cho lời nói an ủi của một người hàng xóm với nhau

Bất ngờ, năm hôm sau đó một người đã cao tuổi, tay ôm một gói chăn có vẻ nặng nề bước vào nhà bà Bốn. Thấy người này, bà Bốn reo lên:

- A! Cụ Cả! Cụ mới ở hậu phương về à?

Vâng, tôi về thăm nhà cửa nhưng đổ cả. Đêm nay, tôi đến đây ngủ nhở một đêm, bà có cho ngủ không?

- Xin cụ cứ chiếu cố. Chỗ người làng, người nước với nhau!

Thế rồi cụ Cả đi tìm chỗ để gói chăn. Bà Bốn trông thấy gói chăn có vẻ nặng nề thì hỏi:

- Gói gì mà có vẻ nặng thế cụ?

A! Một vài thứ đồ đồng tôi bới được ở trong đống vôi gạch ra ấy mà!

Đêm hôm ấy, cụ Cả đi ra ngoài để tiểu tiện chẳng may trúng phải gió độc. Năm phút sau thì cụ Cả tắt thở. Trước khi nhắm mắt, cụ Cả gọi bà Bốn giao cho cho gói chăn kia. Dở ra, bà bốn thấy hai chục thoi vàng nằm trên hai nghìn tờ giấy một trăm cũ.

Theo lời cụ Cả đã trối trăng lại với bà Bốn thì đó là của trôn ở trong nhà trong của cụ Cả ở phố Hàng H.. vừa đào lên. Chỗ của đó, cụ Cả trao cả cho bà Bốn để nuôi con cái vì cụ Cả chẳng còn biết trao cho ai; con trai độc nhất của cụ Cả đã thiệt mạng ở ngoài hậu phương.

Sau khi an táng cụ Cả xong, bà Bốn vung tiền tậu hai ngôi nhà, một để ở, một cho thuê...

Thế là thế nào? Phải, thế là thế nào? Anh Kiến, bạn tôi cũng là thầy tướng chăng? Không là thầy tướng thì sao lại nói đúng như thế được: năm hôm sau nữa, bà sẽ có người mang của đến tận nhà giao cho bà. Bà sẽ tha hồ tậu nhà?

Tôi quyết phải hỏi cho ra. Nhưng anh Kiến cứ trối bai bải mãi. Anh nhất định câu nói của anh chỉ là câu nói để an ủi bà Bốn đang lúc cùng quẫn. Nếu đúng thì chẳng qua là sự ngẫu nhiên thôi. Không nên tin làm gì cả.

Nhưng tôi không nản lòng. Tôi đem những chuyện nghe được ra thuật lại tường tận với anh, mong anh giảng giải để tôi khỏi phải khổ sở về nỗi bán tín, bán nghi ..

Thấy tôi khẩn khoản thật lòng, anh Kiến, không sao được, đành phải lên tiếng:

- Cứ theo như anh nói thì thầy lác đã trộn lẫn tướng với số để mê hoặc mọi người. Thầy lác đã lợi dụng cái biết về tướng, số để đón trước việc cát hung của đời người. Thầy lác thấy bà này sắp ốm, và sau khi ốm, sẽ gặp nhiều sự may mắn về tiền tài thì mượn chuyện xoay giường, xoay hướng để mưu kiếm chác. Thấy ông kia sắp động về công danh thì mượn chuyện xoay giường, xoay hướng để mưu kiếm chác. Thấy ông kia sắp động về công danh thì mượn chuyện kính gọng vàng để sơi ngon năm trăm và còn nhiều nữa. Thấy ông này sắp bị tan cơ nghiệp, thì mượn chuyện quần áo mầu nâu gạch để rử. Nếu ông này nghe lời, thì thầy lác sẽ bảo thêm cho biết, sau năm năm chẳng hạn, ông này sẽ lại khôi phục được cơ nghiệp. Tôi không biết thầy lác có nói thêm như thế hay không. Nếu có nói thì nhất định ông này, sau khi ở hậu phương ra, sẽ mặc quần áo mầu nâu gạch cho mà xem!

Tôi hỏi:

- Hình như tướng có thay đổi kia mà? Trong sách chẳng khối chỗ nói người này, người nọ bị thầy tướng chê là tướng bần tiện thế mà, ít lâu sau, thầy tướng đó đã đổi dọng:

Ông sắp phú quý đến nơi rồi!

Hỏi ra mới rõ người bị thầy tướng chê vừa cứu được một người thoát chết đuối.

Anh Kiến nói:

Tướng người ta có thay đổi, nhưng đó là những trường hợp đặc biệt. Việc cứu người không phải là việc thường xảy ra. Thí dụ người tướng bần tiện, có thể nói là tướng chết đói. Vì tướng "đằng sà nhập khẩu". Nhưng vì làm một việc đại phúc nên, trong lòng vui thích, tướng nhân thế thay đổi. Tướng "đằng sà nhập khẩu" biến thành tướng "thanh long quá giang".

Tướng biến vì là tâm biến. Cái tâm mới là quan trọng. Đổi được cái tâm có phải chuyện dễ đâu?

Còn đổi những cái bề ngoài như để râu chỉ là để chữa một phần nào. Dùng màu sắc để chế hóa theo ngũ hành, tôi tin chỉ là trò bị bợm ..

Để kết luận, anh Kiến nói:

- Biết tướng để trỏ bảo họa phúc cho người đời thì được; nhưng để thay đổi họa phúc thì không có lý nào! Định mệnh là định mệnh.

Khi chia tay, anh Kiến thân mật bảo tôi:

- Thí dụ tôi biết tướng, tôi cũng không bảo anh. Vì, biết anh chỉ luẫn quẫn với anh, không ích lợi gì cả. Cứ làm cứ ăn. Cái dở trong cái hay. Cái hay trong cái dở. Đời là một cuộc biến chuyển phiền phức, sao ta lại cứ tin những anh thầy lác để ta luẫn quẫn với ta làm gì?

Từ hôm ấy, tôi hết bán tín, bán nghi.

Tác giả: Thao Thao

-----------------------------------------------

Mình gõ lại theo link: http://baochi.nlv.go...J19490320.2.13#

Đây là một truyện ngắn kinh điển của tác giả Thao Thao viết được mọi người đánh giá rất cao. Bóc mẽ được các mánh khóe của thầy Tướng Số.

Về tác giả Thao Thao: Link Wiki: https://vi.wikipedia.../wiki/Thao_Thao


Posted Image


Ông sinh ngày 11 tháng 6 năm 1909, tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ông là cháu xa đời của danh nhân văn hóa Cao Bá Quát: 1809-1865. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở thị xã Bắc Ninh.

Tác giả Thao Thao viết loạt sách:
  • Tự điển tử vi (1950)
  • Xem tướng lấy (1952)
  • Tướng pháp thực hành (1952)
  • Nhìn mặt đoàn người (1952)
Nguồn: Tự học lý số

Thanked by 4 Members:

#2 danhkiem

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 414 Bài viết:
  • 1035 thanks

Gửi vào 02/05/2016 - 11:12

Posted Image


(ảnh minh họa. Nguồn: datvietphoto.com)



CÂU CHUYỆN Ở QUÁN CÀ-PHÊ VỈA HÈ



Quán xá ở cái thành phố này thì đầy, cứ ra khỏi ngõ là gặp, nhưng uống cà-phê ở quán cóc vỉa hè buổi sáng sớm là cái thú của dân cố cựu Sài Gòn. Ngồi quán khi trời còn tờ mờ, đèn đường chưa tắt, trong lành và không gian yên tĩnh. Ngồi nhâm nhi ly cà-phê và tha hồ "tám" chuyện trên trời dưới đất mà không bực mình như các quán ban ngày nhạc nhẽo xập xình, nói chuyện như hét vào tai, lại còn đèn xanh đèn đỏ chớp tắt nhức cả mắt.

Hôm nay thầy Ba ra quán muộn, tay cẩm tờ nhựt trình phát hành sớm, thông tin cho mọi người rằng lại có thêm mấy ông làm "chức trách" tham ô bị bắt. Người trong xóm gọi là "thầy", không phải thầy Ba là thẩy giáo dạy chữ, mà là vì ông hay luận về tướng số. Mọi người bàn chuyện dạo này sao có nhiều vị chức sắc vướng vòng lao lý, rồi cám cảnh cho mấy vị mới trước đây tràn đầy danh vọng, quyền uy mà nay chịu cảnh thân bại danh liệt, vướng vòng tù tội. Hết chuyện trong nước rồi lại lan man bàn sang chuyện số phận của mấy ông bà Tổng Thống, Thủ Tướng xứ người mới hôm nào "tiền hô hậu ủng" là thế, mà nay người chết kẻ vào tù, hậu vận sao thiệt thê thảm.

Thầy Ba nghe xong kết luận một câu xanh dờn: "Ai cũng có số phận, định mệnh đã an bài thì phải chịu, cãi số trời sao đặng?". Bà con ngồi nghe, gật gù xem đây là cách lý giải có vẻ hợp tình hợp lý. Riêng bác Bảy nãy giờ ngồi lặng thinh, không tán thưởng cũng chẳng bài bác. Bác "triết lý" bâng quơ: "Hột cà, hột ớt phơi khô, trộn trong chén, đố ai biết hột nào là hột cà, hột nào là hột ớt; nhưng, khi gieo xuống đất thì hột nào ra cây đó!".

Thầy Ba vặn hỏi chứ ý của bác Bảy ra sao, nói cái gì sao mập mờ khó hiểu quá! Bác Bảy trả lời rằng bác không tin cái gọi là "số phận đã an bài" hay có ông thiên ông tướng nào sắp đặt sẵn số phận cho mình. Bác nói rằng xưa cụ Tố Như làm thơ có câu: “Đã mang lấy nghiệp vào thân - cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa". Tuy nhiên, dầu mệnh mình xấu, mình cũng có thể chuyển hóa được chứ phải nào hoàn toàn do số phận; mọi thứ cũng là do mình, nên cụ lại xác định rằng: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!".

Cách bác Bảy giải thích không làm thầy Ba thỏa mãn nên thầy hỏi xốc tới: "Bác Bảy nói rõ cho bà con nghe coi!".

Bác Bảy thủng thẳng trả lời, vậy tui xin kể chuyện hồi còn ở quê cho bà con nghe chơi.

Ngày trước, cạnh làng tôi có một thầy tướng số có tiếng, coi tướng rất hay. Người ta đồn ai được ông xem tướng là có thể biết được hậu vận ra sao, nếu vận hạn xấu, ông bày cách cúng sao giải hạn cho tai qua nạn khỏi, mọi sự hanh thông. Nghe nói nhiều vị chức sắc, doanh gia nghe tiếng đồn tìm đến nhờ ông xem tướng; và vì vậy, danh tiếng của ông càng vang xa khắp nơi, khách tìm tới vô số.

Thời còn ở dưới quê, tôi mần ăn ạch đụi, làm hoài không thấy khá, nhớ có đứa bạn học chung lớp năm xưa ở trường huyện, nó là cháu của ông thầy tướng, nên tôi nhờ nó hỏi giúp. Thầy nhận lời và xem tướng cho tôi. Theo thầy thì số phận, cuộc đời con người được thể hiện trên khuôn mặt, hình dáng, tướng đi hay tiếng nói. Từ đây, có thể biết được công danh, sự nghiệp, tình duyên gia đạo hay hậu vận của một đời người ra sao. Nói như vậy là khéo để tôi biết, tự an phận vì cung "tài lộc" hay "quan cách" của mình chỉ đến thế.

Tôi thắc mắc nói, ở quê tôi có ông Tư Có giàu có nhất làng, nhà ba gian khang trang lại thêm một vườn đầy cây kiểng quý, bạc tỉ. Ruộng vườn của ông không nhiều, chỉ có năm ba mẫu gì đó nhưng từ khi có chương trình dồn điền đổi thửa làm cho ruộng đất của cái xứ này đã hết manh mún, nhỏ lẻ nên ông sắm mấy cái máy gặt đập liên hợp; sau thấy làm ăn được, ông mua thêm ba bốn cái nữa, không kể cả chục cái máy cày, lớp để phục vụ cho ruộng nhà, lớp cho làng trên xóm dưới chạy mướn nên càng ngày làm ăn càng khấm khá, con cái có đứa du học nước ngoài; nhưng tướng mạo ổng thì cực kỳ xấu xí: răng hô, hai mắt to nhỏ bất đồng, chân lại đi bước thấp bước cao... Nói chung, theo như nhân tướng học mà thầy nói, thì người này thuộc phận hạ tiện, cuộc đời vất vả, hậu vận rất xấu, không có được cục đất liệng chim, nói chi khi chết có được tấc đất chôn thân!

Ông thầy tướng số có vẻ không tin nhưng cố vớt vát nói rằng với người tướng mạo như vậy, thì không đời nào là người có số phú quý, giàu sang được, chắc người này phải có quý tướng ẩn tàng gì đây, nên nói có dịp dẫn ông về quê xem tướng một phen.

Một hôm, nhân dịp thuận tiện, tôi ghé thăm và mời thầy về làng. Trên đường đi, thầy dặn chỉ nói là thầy xin đến coi vườn kiểng quý thôi. Khi vừa đến cổng thì thấy ông Tư đang bận rộn cắt tỉa mấy chậu kiểng trước sân. Vốn hiếu khách, thấy tôi dẫn khách đến, ông dừng tay, đon đả mời vào dùng trà rồi đi thăm kiểng, và tiện thể mời ở lại dùng cơm trưa.

Chủ khách nói chuyện quanh mâm cơm khá cởi mở, và ông thầy tướng âm thầm quan sát tướng mạo chủ nhà. Như theo lời ông nhận xét thì quả không sai, ông Tư này từ tiếng nói, dáng đi, khuôn mặt hay ngoại hình nói chung đều thuộc dạng "phá cách", không chết yểu là may chứ đừng nói đến chuyện giàu sang hay nay đã ngoài tuổi "xưa nay hiếm".

Cơm nước xong, chủ nhà trải chiếu mời khách nghỉ trưa, đợi trưa bớt nắng thì mời cùng đi thăm ruộng luôn cho vui. Đến quá trưa thì mọi người lên đường ra ruộng. Đứng trên gò đất nơi người làng lập cái miếu thờ cô hồn dưới gốc cây đa cổ thụ, nơi cánh thợ gặt, thợ cấy thường nghỉ trưa trong mùa vụ, và từ đây có thể nhìn bao quát hết cánh đồng, ông say sưa chỉ hết khoảnh ruộng đang rộ chín vàng này đến đám khác vừa nói năm nay trúng mùa, sáu, bảy tấn một mẫu ăn chắc thì đột nhiên ông khe khẽ khoát tay ra dấu bảo chúng tôi lánh mình sau cái miếu cô hồn. Khoảng mười phút sau ông lại hối đi tiếp! Ông thầy và tôi chẳng biết vì sao bỗng dưng ông Tư lại có hành động kỳ quặc như vậy.

Trên đường về, ông thầy tướng nói với tôi rằng sẽ hỏi tại sao ông Tư này lại có hành động lạ lùng như thế. Nhưng khi vừa về đến nhà, chủ nhà lại hối thúc vợ con chuẩn bị ít đồ nhắm đãi khách nên thầy thấy chưa tiện hỏi. Rượu uống vài chung đã lâng lâng, chủ khách chẳng cần khách sáo cởi áo để hưởng chút gió đồng trong lành, ông thầy tướng, máu nghề nghiệp nổi lên, âm thầm quan sát chủ nhà nhân lúc chủ nhân để lộ trần cả thân mình, chỉ còn trần trụi cái quần đùi! Nhưng thật thất vọng, vì ông cũng chẳng tìm thấy một chút gì để bám víu, để luận là cái giàu của chủ nhà là nhờ có "quý tướng" tiềm ẩn như ông nghĩ cả!

Đang khề khà chợt bác Tư kêu vợ lại, dặn mang ít tiền, ít lúa sang cho nhà thằng Út Thêm, nói là giúp má nó bệnh, hỏi nó có cần gì thì cứ nói, đừng ngại. Ông thầy tướng sẵn dịp bắt chuyện hỏi tới chớ Út Thêm là bà con trong họ hay sao? Ông Tư trả lời rằng : "Thằng này chẳng phải bà con họ hàng gì cả, mà là cái thằng cắt lúa trộm hồi chiều khi mình ra thăm ruộng đó, tui nhìn thấy nên nói các ông tạm lánh cho nó khỏi thấy mình".

Ông thầy tướng ngạc nhiên hỏi tới:
-"Ủa, nó cắt trộm lúa của ông, sao ông không kêu lên, bắt tại trận mà lại… trốn nó?".

Ông Tư từ tốn nói:
-"Má nó bệnh, vợ nó thì mới sanh. Nó đi làm công, ai kêu đâu mần đó, nay đang lúc nông nhàn, không có việc, chắc túng quá mà sinh làm bậy. Mai mốt gặp nó, lấy tình làng nghĩa xóm mà khuyên dạy, chớ hô hoán lên rồi làng xóm biết, nó xấu hổ, sợ tù tội, bỏ xứ mà đi thì tội. Mẹ và vợ con nó ai lo?".

Ông thầy tướng giật mình, ly rượu sánh trên tay suýt đổ, hoát nhiên tỉnh cả rượu sau câu nói đó.

Kể đến đây thì bác Bảy ngừng câu chuyện, thầy Ba và mấy bác nãy giờ ngồi nghe, để mấy cái ly cà-phê nóng bốc khói giờ nguội tanh hồi nào không hay, hỏi sấn tới:

- "Vậy chớ ông thầy tướng kết luận ra sao mà tỉnh cả rượu? Sao bác ngưng ngang câu chuyện giữa chừng vậy?"

Bác Bảy từ tốn hỏi ngược lại, chớ ông Tư làm vậy là thiện hay ác? Mọi người đồng thanh trả lời thì rành rành là làm việc thiện, biết nghĩ đến người khác, vậy mà cũng hỏi! Bác Bảy nói tôi thiệt tình không biết có phải cái tâm thiện của ông Tư chuyển đổi số phận của ông hay không, nhưng tôi tin rằng câu chuyện được kết luận ở đó đó, chớ đâu có ngưng ngang? Bác nói, nhìn tướng mà đoán hậu vận hay nói người ta có số phận chắc đâu đã đúng; vì chỉ thấy cái ngoài da chớ đâu thấy cái trong tâm.

Bác nói thêm rằng cái tâm là cái quan trọng, nó có thể chuyển hóa mọi sự. Bên nhà Phật cũng nói cái nghiệp mình nặng, nhưng biết làm lành tránh dữ, năng tu nhân tích đức thì cái nghiệp nặng, nghiệp xấu cũng dần mỏng đi. Ông bà ta ngày xưa cũng thường dạy "đức năng thắng số" cũng là vì cái lẽ đó. Vậy nên không có ông trời nào sắp đặt sẵn số phận cho mình mà là do chính mình.

Đèn đường đã tắt. Câu chuyện đã kết. Quán chỉ bán mấy tiếng đổng hồ vào buổi sáng sớm nên giờ đã vãn người. Bà chủ quán lục đục xếp ghế. Mọi người về gần hết, riêng thầy Ba vẫn đang ngồi trầm ngâm đột nhiên lên tiếng hỏi bác Bảy chừng nào đi thăm cô nhi viện ở cái chùa nào đó mà bác thường đi, thì cho bác đi với.

Phía Đông, trời ửng hồng. Một ngày mới lại bắt đầu. ■

Nguyễn Trí Cảm
(Tạp Chí VHPG – Số 208 – 1/9/2014)

#3 danhkiem

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 414 Bài viết:
  • 1035 thanks

Gửi vào 04/05/2016 - 08:02

CHUYỆN THỰC-TẾ

Posted Image




Hồi nhỏ, Tôi có đọc được Chuyện-Cổ-Phật-Giáo trong đó có 1 chuyện mà tôi nhớ mang-máng như sau:
Đức Phật một hôm đi kinh-hành cùng các đệ-tử, khi băng ngang qua 1 cánh rừng, Ngài nói:
-" Nơi đây đã có 1 con Voi cái có chửa đi qua, nếu chúng ta đi nhanh thêm 1 chút, thì có lẽ ngày mai chúng ta sẽ thấy kịp nó đẻ ra con Voi đực.”

Các đệ-tử của Đức Phật chỉ biết vâng dạ, nhưng sau đó ai ai cũng gắng đi nhanh thêm 1 chút..Và đúng y như Đức Phật nói, họ bắt gặp con Voi cái nằm đẻ ra 1 con Voi đực.
Lúc đó, có 1 đệ-tử lên tiếng:
-"Bạch Phật, Ngài đã dùng Phép thần-thông nào để thấy trước sự việc như vậy?”

Đức Phật dạy:
-"Ta không dùng phép-thần-thông nào cả, mà chỉ bằng sự quan-sát thực-tế và phán-đoán mà thôi :

1/- Bằng dấu chân và dấu nước tiểu, ta biết đó là con Voi cái.

2/- Con voi bình thường thì dấu bước chân thoải-mái, cách khoảng. Còn dấu chân ta thấy thì cách khoảng ngắn, và lún sâu như là nó đang mang nặng.

3/- Trong bụng Mẹ, giống Đực thường nằm bên Trái, giống Cái nằm bên Phải, cho nên thấy dấu chân Trái lún sâu hơn. Ta biết là sẽ sanh ra Voi đực !

Các con lúc nào cũng nên nhìn sự việc thực-tế, và đừng ỷ lại đến thần-thông nhé.”

Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng tôi nhớ mãi…Sau 1975, tôi đi lang thang khắp vùng 4 để tìm đường vượt biên. Qua các vùng nhà quê thật ngèo, ở đâu cũng thiếu-thốn đủ thứ, Vì thế tôi đành dùng các "Phép Mật” trị bịnh cho bà con miễn-phí.
Đa số bà con đều gọi tôi bằng "Thầy” và hầu như hễ có chuyện gì hơi quan trọng 1 chút là họ nhờ tôi cố-vấn ngay.
Tôi có nghiên-cứu về Phong-Thủy, trong sách có Bài Thơ nói về Thập Nhị Trực ( 十二直 ):
(Nếu các bạn xem lịch, sẽ thấy đại-khái như Ngày Giáp Thân, Trực Kiến, Sao Đê…v.v.)

建破 Kiên, Phá : Gia-Trưởng bệnh
除危 Trừ, Nguy : Phụ Mẫu vong !
滿成 Mãn, Thành : Đa phú-quý
執閉 Chấp Bế : Tổn Ngưu Dương
平定 Bình Định : Hưng nhân-khẩu
收開 Thâu Khai : Vô họa ương.”

Bài thơ này chỉ Ngày Làm Bếp, gặp Ngày Trực gì sẽ ra sao…Tôi đã gặp nhiều nhà nghèo, đi mượn tiền để mua 1 con Heo con, về nuôi, với hy-vọng hễ nó đẻ ra bầy Heo con thì trả được nợ, lại còn dư ra chút đỉnh. Nhưng nuôi con Heo chưa đến lúc nó đẻ thì lăn ra chết ! Coi như tiêu luôn, đã nghèo lại còn nghèo hơn.

Tôi nhớ câu "Bình, Định hưng nhân-khẩu” tuy nói về "Nhân khẩu”, nhưng con Heo, con Gà cũng có cái Miệng, vì vậy tôi bèn thử chọn các ngày có Trực Bình, hoặc Trực Định, phối hợp thêm Ngũ Hành sinh-khắc của tuổi chủ nhà mà khuyên họ dời Bếp.
Kết quả nhà nào cũng Heo, Gà đẻ thoải mái...

Có nhiều người "cầu tự”, hoặc khi mới có bầu 1 tháng đã vội chạy lại hỏi tôi là sẽ sanh Trai hay Gái.
Thời đó VN chưa có máy Siêu-Âm Ultrasound.

Hơn nữa, bào thai mới có 4 tuần, chỉ là cái Trứng vừa bám vào thành Tử Cung.( 6 tuần thì chừng nửa cm, mới bắt đầu hình thành mặt mũi. 10 tuần mới mọc tay chân. 14 tuần, dài khoảng hơn 7 phân và mới bắt đầu phát-triển giới-tính Trai hoặc Gái thiệt nhỏ.

Ngay thời buổi này, dùng siêu-âm để coi Trai hay Gái thì cũng phải 16 tuần trở lên mới có thể thấy chính-xác được !

(Thai-Nhi trong bụng Mẹ, nằm co hai đầu gối, nhiều khi kẹp cọng Nhau cuốn vòng giữa háng, nhiều chuyên-viên Siêu-Âm, thiếu kinh-nghiệm, nhìn thấy cái sợi dài dài trăng-trắng đó, lầm tưởng là Con Trai!)

Họ mới có bầu được 4 tuần, cái Thai nhỏ hơn nửa cm ! giới tính chưa phát triển, hỏi làm sao biết Trai hay Gái?


Tôi bí luôn, nhưng tôi tin rằng những lời Đức Phật dạy luôn luôn đúng.


Tôi nhớ câu chuyện xưa, nên thử nói các "Bà Bầu” đi vòng vòng trong sân cát cho tôi, mà không cắt nghĩa gì cả, vì sợ họ bước sẽ mất tự-nhiên.

Mới đầu các Bà Bầu....thẹn-thùng..., ngại-ngùng.., xấu-hổ.., mắc-cở... Posted Image...nên vừa đi ...ẹo-ẹo... vừa hỏi tôi, tôi làm tỉnh, nhìn Trời mây trăng nước…ra vẻ không chú-ý gì đến họ, tôi nói họ cứ đi cho đủ 9 vòng tròn.

Thường-thường là đến khoảng vòng thứ tư là họ đi tự-nhiên vì không thấy ai nhìn họ cả. Lúc đó tôi mới đến để ý coi dấu chân bên nào lún sâu hơn, (Các bạn nên nhớ là Nam tả, Nữ hữu 男左女右), và hiên-ngang "phán” là họ sẽ sanh Trai hay Gái.
Cách đoán này, hễ Thai Nhi càng lớn thì càng dễ phân-biệt dấu lún của chân.

Từ đó đến nay, dùng cách nhìn dấu chân theo chuyện của Phật, tôi đều đoán đúng và chưa bao giờ sai cả...


Hôm nay xin post lên để chia sẻ với các bạn bốn phương.


Sau này có người hỏi Tôi:

-"Trường-hợp ở Thành phố, không có sân cát, làm sao phân-biệt để đoán sinh Trai hay Gái ?"

Xin đáp:

Mình cứ nói Bà Bầu ngồi trên Ghế, xong nói chuyện bâng-quơ vài câu, rồi mình nhờ họ rời Ghế để đi lấy hộ mình 1 cái gì..chẳng hạn.

Cần chú-ý xem khi họ đứng lên, bước chân đầu tiên mà họ bước tới, là chân Trái hay chân Phải ? Mình ghi nhớ...sau đó, chờ họ ngồi xuống 1 chút, mình lại tìm cách sao cho họ phải đứng lên đi ...tất cả 3 lần một cách tự-nhiên.


Nếu số lần bước chân Trái ra trước nhiều, là sinh Con Trai


Nếu số lần bước chân Phải ra trước nhiều, là sinh Con Gái.


Trân-trọng.


AToanmt
(Minh-Không Cư-Sĩ 明 空 居 士)
06-01-2003

Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |