Jump to content

Advertisements




Gia Định - Sài Gòn

Góc Sài Gòn thành Gia Định thành Phụng thành Bát quái thành Qui

136 replies to this topic

#76 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 29/05/2017 - 19:48

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Truyện dài kỳ trên báo Sài Gòn xưa

06:44 AM - 29/05/2017 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Gia Định báo và Nông Cổ Mín Đàm - những tờ báo quốc ngữ đăng truyện dài kỳ sớm nhất Ảnh: T.L

Feuilleton - tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ - là một trong những “đặc sản” không thể thiếu trên báo Sài Gòn từ năm 1975 trở về trước.


Nhiều người mua báo hằng ngày, chỉ lướt sơ qua tin tức, đa số giống nhau của các tờ báo đăng ở trang 1, rồi lật vô trang trong chăm chú đọc những tiểu thuyết feuilleton mà họ ưa thích.
Không chỉ thu hút độc giả, feuilleton còn là “nguồn sống” của các tờ báo và nhà văn Sài Gòn.
Viết bất kể chỗ nào
Khác hẳn với cách viết tiểu thuyết thường thấy là viết và sửa chữa rất kỹ trước khi đưa tới nhà in, người viết feuilleton phải viết mỗi ngày ngay sau khi nhận được phản hồi của phần viết ngày hôm trước. Họ ngồi viết bất cứ đâu chớ không chỉ ngồi trong phòng máy lạnh. Có người viết ở nhà riêng, có người ra nhà hàng, có người ngồi ở quán cà phê bệt bên lề đường, có người ngồi ngay trước cửa nhà in.
Viết xong là đưa ngay cho ấn công đem đi xếp chữ không cần phải biên tập, không cần có người “duyệt” trước. Bởi nếu viết “vướng” vào luật cấm thì kiểm duyệt sẽ cắt và tòa soạn thay vào đó chữ “tự ý đục bỏ” và tác giả sẽ lãnh bữa lương cuối cùng! Nếu phần viết ngày hôm trước thu hút độc giả thì người viết kéo dài thêm nội dung phần đó. Còn ngược lại thì... cho qua và lập tức chuyển hướng khác. Cái khó của feuilleton là truyện phải luôn hấp dẫn, hút bạn đọc cho đến phút cuối cùng. Nếu trong vòng 5 kỳ báo mà truyện bị người đọc chê thì chủ báo buộc người viết phải “đi chỗ khác chơi” và mướn người khác viết.
Viết feuilleton không lãnh nhuận bút mà lãnh lương tháng và không bị bó buộc phải sống chết với một tờ báo. Do đó, mỗi tác giả có khi mỗi ngày viết cho mấy tờ báo khác nhau. Nhà văn Bình Nguyên Lộc, trong một bài phỏng vấn trên tờ Văn Hóa Nguyệt san ngày 9.10.1967, cho biết: “Vào năm 1957 thì tôi viết mỗi ngày 11 feuilleton. Nhưng sau đó, chính An Khê và Lê Xuyên dẫn đầu. An Khê có năm viết tới 12 feuilleton mỗi ngày, nhưng tôi chưa thấy ai vượt qua con số 12 nổi. Sự viết nhiều, viết ít, không do ta, cũng không do chủ báo. Đó là may mắn (hay rủi ro) ngẫu nhiên”.
Viết nhiều tất nhiên là không thể gọn gàng, không tránh khỏi luộm thuộm trong câu chữ, đôi khi tình tiết cũng lộn xộn. Vì vậy, nhiều nhà văn sau đó thường dành thời gian để “tút” lại các tiểu thuyết feuilleton trước khi in thành sách. Cũng có thể vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu sau này đánh giá thấp các tiểu thuyết feuilleton đăng trên các báo ở Sài Gòn.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Nếu không viết feuilleton cho báo thì nhà văn sống ra sao? Liệu có tác phẩm không? Thực tế cho thấy đã có không ít những tác phẩm dài kỳ đăng báo đáng chú ý. Nhà văn Nguyễn Đông Thức, con trai của Bà Tùng Long, một nữ nhà văn viết feuilleton khá nhiều, từng nói: “Nhờ viết feuilleton mà má nuôi cả một bầy con ăn học đàng hoàng”.
Feuilleton có từ lúc nào?
Có lẽ có từ thuở có nhà văn viết truyện đăng báo! Riêng trên báo quốc ngữ ở Sài Gòn, feuilleton xuất hiện lần đầu tiên trên Gia Định báo ngày 22.11.1884 với 44 câu đầu Phú bần truyện dài 700 câu của ông Trương Minh Ký. Đó là về văn vần. Còn về văn xuôi thì có thể kể Chuyện thằng Lằng cũng của Trương Minh Ký (bút hiệu Mai Nham) đăng hai kỳ trên tuần báo Nam Kỳ số 61 ra ngày 22.12.1897 và số 62 ra ngày 29.12.1897. Từ đó về sau, feuilleton bắt đầu sinh sôi nảy nở.
Có thể nói, từ năm 1884 trở đi, feuilleton có mặt trên báo chí quốc ngữ ở Sài Gòn. Và tờ báo đăng nhiều feuilleton ở thế kỷ 19 là tờ Nam Kỳ do ông Alfred Schreiner làm chủ nhiệm, Trương Minh Ký làm chủ bút. Và truyện nhiều kỳ hơn, cũng trên báo Nam Kỳ, là Đố ngộ cố nhân tương đàm thục ký của Nguyễn Dư Hoài đăng từ số 78 ngày 27.4.1899 đến số 83 ngày 1.6.1899. Đây là một chuyện tình lấy nước mắt độc giả của hai người, hai gia đình “có học” ở miền Nam.
Đó là về tiểu thuyết sáng tác. Còn về truyện dịch có lẽ là truyện Một ngàn lẻ một đêm với tích Bảy cuộc hành lý phi thường của ông Sindbad đăng trên báo Nam Kỳ. Đây chính là truyện về sau này được dịch ra Việt ngữ với tên Những cuộc phiêu lưu của Sinh Bá. Không rõ số bắt đầu từ ngày nào, nhưng tới cuộc hành lý thứ năm thì đăng ở số 61 ngày 22.12.1898. Truyện dài mấy chục kỳ không có tên dịch giả (chúng tôi đoán người dịch là ông Trương Minh Ký). Sau truyện này thì Nam Kỳ đăng tiếp truyện Chuyện người cạo râu vô duyên bạc phận với độ dài vài chục kỳ.
Sau khi báo Nam Kỳ đóng cửa vào đầu năm 1900, thì sang năm 1901 tờ Nông Cổ Mín Đàm xuất hiện feuilleton bộ truyện Tàu hoành tráng Tam quốc chí tục dịch do Canavaggio đăng từ số đầu tiên 1.8.1901, dài mấy trăm kỳ đăng suốt mấy năm liền. Về người thực sự dịch bộ truyện này, về sau các nhà nghiên cứu “đoán” có thể là ông Nguyễn Chánh Sắt, một nhà báo cộng tác tích cực với Canavaggio, là người thông thạo tiếng Pháp - Việt - Hoa và cũng là dịch giả dịch rất nhiều truyện Tàu sau này. Song đây cũng chỉ suy đoán.
Từ đó về sau, đến gần hết thế kỷ 20, feuilleton đã trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn ăn báo chí Sài Gòn và cũng là mảnh đất lý tưởng cho các nhà văn. Trên các tờ báo, hầu như không bao giờ thiếu feuilleton để thu hút bạn đọc. Người đọc báo có thể đọc truyện Tàu, Tây, Việt trên tất cả các tờ báo quốc ngữ ra hằng tuần, cách nhựt hay hằng ngày.

Trịnh Nhật Vy



Thanked by 2 Members:

#77 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 30/05/2017 - 21:02

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Truyện dài kỳ trên báo Sài Gòn xưa: Nhà văn phơi truyện trên sào

30/05/2017 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Tiểu thuyết Đò dọc của Bình Nguyên Lộc từng được đăng trên báo Dân Chúng Ảnh: tư liệu
Các nhà văn Sài Gòn trước đây đều viết feuilleton (tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ). Đầu tiên là có thu nhập hằng tháng để lo cho nồi cơm. Thứ nữa là để độc giả biết tên tuổi, biết tiểu thuyết của mình. Thứ ba là việc viết feuilleton thúc đẩy nhà văn sáng tác liên tục, đồng thời nắm được thị hiếu, yêu cầu của người đọc đương thời.


Sau khi đăng báo rồi, các feuilleton ấy được các nhà văn gọt giũa, biên tập cho gọn gàng, khúc chiết và in thành sách. Nếu truyện đã được độc giả khoái thì việc in thành sách bán chạy, tác giả có đời sống thoải mái. Chẳng hạn Phú Đức là nhà văn có tác phẩm dài kỳ rất được độc giả yêu thích. Truyện của ông sau đó được in thành sách cũng bán chạy như thường. Thậm chí, tới sau năm 1975, nhiều tác phẩm của ông in lại cũng được độc giả đón nhận như xưa. Do đó, lúc sanh thời, ông là nhà văn có cuộc sống thoải mái nhứt, có xe hơi để lái đi du hí, có ngựa đua để hằng tuần vô trường đua Phú Thọ.
Nhà văn Sơn Nam cũng là một cây feuilleton. Ông viết đằm thắm và thường lồng vào truyện những nét văn hóa riêng của miền Nam. Có lần, tôi vô nhà ông, lúc ông còn ở chợ Ông Địa thuộc Q.Tân Bình. Ngồi trong nhà ngó ra, tôi thắc mắc khi thấy mấy dây kẽm (thường dùng để phơi quần áo) giăng quá khít nhau, các dây cách nhau chừng một hai tấc. “Giăng sào vậy làm sao mà bố phơi đồ?”. Ổng cười: “Đâu có để phơi đồ! Đó là sào phơi bài!”. Nghe vậy, tôi hỏi kỹ hơn mới hay, mỗi ngày ông ngồi ngay bàn viết gần cửa sổ để viết. Viết xong thì lấy kẹp treo bài trên sào đó. Các tờ báo có người tới, cứ lật bài thấy tên báo mình thì đem về vì tác giả bận viết không tiếp khách.
Ai “chạy sô” nhiều nhứt làng feuilleton ?
Nhà văn nổi tiếng “chạy sô” nhiều nhứt trong làng viết feuilleton là An Khê, vốn là con của bác sĩ kiêm nhà văn Nguyễn Bính (không phải Nguyễn Bính nhà thơ) có bút hiệu Biến Ngũ Nhy. Ông là một trong những nhà văn thuộc thế hệ đầu của văn học quốc ngữ. An Khê tên thiệt là Nguyễn Bính Thinh, gốc người Trà Vinh nhưng sanh tại Sa Đéc. Ông bắt đầu viết từ năm 1958 và viết khá nhiều, với đủ các thể loại. Ban đầu ông viết loại truyện dã sử cho các báo Đọc Thấy, Đời Mới với bút hiệu Cửu Lang như Xương máu Phiên Ngung, Người anh hùng mặt sắt, Đoàn quân ma... Sau chuyển dần sang loại tiểu thuyết tình cảm thì được độc giả ưa thích. Tác phẩm ăn khách nhứt của ông là Người vợ hai lần cưới viết năm 1960 (in thành sách năm 1961, tái bản năm 1962 và 1963). Khi feuilleton nầy đăng trên báo Tiếng Chuông, chỉ một thời gian ngắn số báo in tăng vọt ngoài sự chờ đợi của chủ báo. Truyện cũng đơn giản là khi đi rước dâu, bất ngờ chú rể nghi cô dâu chửa hoang nên cuộc đón dâu bị xù. Cô dâu buồn vô chùa tu. Sau đó, khi biết rõ chuyện đứa bé ấy là con của chị cô do ngoại tình mà có nên cô phải nuôi cháu, cuộc rước dâu lần thứ hai được tổ chức. Truyện còn được Đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga dựng thành tuồng Hai chuyến xe hoa với nữ nghệ sĩ Thanh Nga thủ vai chánh rất ăn khách. Từ 1958 đến 1972, ông viết tới 200 tiểu thuyết đủ loại, trong đó có cả tiểu thuyết gián điệp Người yêu của X13 X13 Trong lưới nhện với bút danh Nguyễn Bính Long (tên người anh ruột của An Khê).
Nhiều tác giả khác như Bình Nguyên Lộc, Dương Trữ La, Ngọc Linh, Lê Xuyên, Bà Tùng Long, bà Lan Phương... cũng sống bằng nghề viết feuilleton.
Bình Nguyên Lộc là một trong những cây viết “đại thụ” của làng báo, làng văn Sài Gòn. Ông tên thật là Tô Văn Tuấn, gốc người Tân Uyên, Biên Hòa, trong một gia đình buôn bán. Từ năm 1942, ông bắt đầu theo nghề viết và năm 1949 thì ở hẳn tại Sài Gòn. Ban đầu ông chỉ viết truyện ngắn, đến năm 1965 thì mới thật sự viết những tiểu thuyết dài hơi. Tiểu thuyết của Bình Nguyên Lộc như Đò dọc, Nhện chờ mối ai... dung dị, gần gũi với người miền Nam, mang hơi thở cuộc sống đương thời nên ông khá được độc giả ưa chuộng. Có năm ông phải viết mỗi ngày đến 11 feuilleton cho các tờ báo. Ông còn viết biên khảo có giá trị như Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Lột trần Việt ngữ... Ông mất năm 1987 tại Mỹ, để lại một gia sản đồ sộ với 50 tiểu thuyết dài, hơn 200 truyện ngắn, một số tác phẩm nghiên cứu và khoảng 100 truyện ngắn chưa in.
Dương Trữ La cũng là một tay feuilleton có hạng. Ông tên thật là Dương Ngọc Lạc, bắt đầu cầm viết từ cuối thập niên 1950 bằng nghề viết báo và làm thơ. Đến năm 1963, sau khi đoạt giải nhứt cuộc thi truyện ngắn của báo Tiếng Chuông thì ông bắt đầu viết tiểu thuyết và cũng từ đó bút danh Dương Trữ La xuất hiện. Đầu tiên ông viết chung với Bình Nguyên Lộc trong feuilleton mang tên Lòng ngỡ quên mà nhớ rất xa vào năm 1963 - 1964, rồi sau đó là một loạt tiểu thuyết như Nhớ nhung, Gái hoàn lương, Vẫn còn dang dở, Chiều nghiêng bóng nhỏ, Nắng bên kia đồi... Tác phẩm của ông chủ yếu phản ánh cuộc sống của dân nghèo thành thị những năm 1955 - 1975. Văn phong ông giản dị mà chân thật thẳng thắn, bình dân mà súc tích, huỵch tẹt mà bao dung độ lượng, khác nào tính khí người Sài Gòn. Đây là nhận xét của nhà báo Thiên Hà, một người được coi là bạn của ông.

Trịnh Nhật Vy



Thanked by 4 Members:

#78 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 31/05/2017 - 22:08

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Truyện dài kỳ trên báo Sài Gòn xưa: Hai tác giả gây sóng gió làng feuilleton

06:49 AM - 31/05/2017 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Bìa cuốn Châu về hiệp phố Ảnh: T.L

Người viết feuilleton tạo sóng gió đầu tiên của làng báo Sài Gòn có lẽ là ông Lê Hoằng Mưu. Người thứ hai là nhà văn Phú Đức.

Tiểu thuyết đầu tiên của Nam bộ
Ông Lê Hoằng Mưu xuất thân là nhà báo khá nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, nhưng cám cảnh nỗi: “Dòm thấy trong xứ cứ ôm truyện Tàu mà dịch mãi, chưa thấy ai viết bộ tiểu thuyết nào cả. Tưởng rằng dầu hay dầu dở cũng của mình. Tôi khởi đầu viết bộ Hà Hương Phong Nguyệt”. Có lẽ vì chi tiết này nên tiến sĩ Võ Văn Nhơn nhận định rằng: “Hà Hương Phong Nguyệt là tiểu thuyết đầu tiên của Nam bộ”. Khoảng năm 1912, Lê Hoằng Mưu viết bộ truyện dài Hà Hương Phong Nguyệt đăng trên Nông Cổ Mín Đàm. Truyện khá dài, đăng lai rai khoảng 6 năm mới dứt.
Hà Hương Phong Nguyệt là một truyện tình “rất mới” đối với xã hội thời bấy giờ.
Truyện xảy ra quanh hai cô vợ của Đậu Hữu Nghĩa là Hà Hương và Nguyệt Ba. Truyện miêu tả nhiều cảnh tình tự nam nữ, điều mà trước đó chưa hề có trên sách báo. Lê Hoằng Mưu từng nói: “Viết ra từ mười năm không ai nói chi. Sau này trong phe viết báo lắm kẻ sanh lòng ganh gổ, kích bác; mà không nói hay dở gì. Tôi mỉm cười! Cười mấy ông này mắt mang kiếng đen, chưa hề xem phong nguyệt của các nước, còn lả lơi quá mười của tôi”. (Lục Tỉnh Tân Văn ngày 12.7.1926).
Viết feuilleton lương ngang đốc phủ sứ
Người viết feuilleton gây sóng gió thứ hai trong làng báo Sài Gòn là nhà văn Phú Đức. Nguyên là một thầy giáo dạy ở Trường Marc Fernando (Gia Định), năm 1924, nhân khi rảnh rỗi, thầy giáo Nguyễn Đức Nhuận (khi ấy chưa lấy tên Phú Đức) đã viết tiểu thuyết và gởi cho tờ Trung Lập Báo đề nghị đăng không lấy tiền. Đó là tiểu thuyết Câu chuyện Canh Tràng ký bút danh Phú Đức. Chuyện chẳng có gì đặc sắc nhưng phó chủ bút Trung Lập Báo là cụ Trương Duy Toản vốn là người viết có danh thuở ấy, lại thấy nơi Phú Đức một tương lai viết feuilleton! Và cũng còn lý do khác là lúc đó tờ Đông Pháp Thời Báo đăng feuilleton của Hồ Biểu Chánh rất ăn khách nên Trung Lập Báo muốn có người viết cạnh tranh giành độc giả. Vì vậy ông mời Phú Đức viết tiểu thuyết cho Trung Lập Báo với lương 20 đồng/tháng.
Năm 1925, Phú Đức cho ra đời feuilleton Châu về hiệp phố, được đánh giá là hay nhứt của ông, ngay khi xuất hiện trên Trung Lập Báo đã thu hút độc giả. Vì tài năng ấy, chủ báo Trung Lập Báo khi ấy là ông De Lachevrotière tăng lương cho ông lên 40 rồi 80 đồng/tháng, tương đương với lương Đốc phủ sứ một quận thời bấy giờ. Khi Châu về hiệp phố đang đăng ngon lành thì xảy ra vụ “De Lachevrotière đá dít Bùi Quang Chiêu ở Bến Nhà Rồng” nên tờ Trung Lập Báo bị người đọc tẩy chay.
Bùi Quang Chiêu vốn là một kỹ sư nông nghiệp, khi ấy dưới sự ủng hộ của chánh quyền, nên được bầu làm “nghị viên Nam kỳ đại diện trong nghị viện ở Pháp”. Ông cũng là người sáng lập đảng Lập Hiến với chủ trương giành lại độc lập cho Nam kỳ bằng con đường nghị trường. Vì vậy, khi ông từ Pháp về Sài Gòn thì được Đông Pháp Thời Báo kêu gọi ủng hộ nên người ta đi đón đông vô kể, kéo dài từ trước cổng Bến Nhà Rồng đến tận trung tâm Sài Gòn. Nhóm đón Bùi Quang Chiêu không thể chạy xe được mà phải đi bộ từ Bến Nhà Rồng đến tòa soạn tờ La Tribune ở đường D’Espagne (Lê Thánh Tôn) mất tới một tiếng đồng hồ!
Đi đón Bùi Quang Chiêu có hai phe. Phe ủng hộ là phe của Đông Pháp Thời Báo do Nguyễn Kim Đính là chủ nhiệm và phe chống đối là Trung Lập Báo do De Lachevrotière làm chủ. Cũng nên biết, De Lachevrotière là một Tây lai (cha Pháp mẹ Việt), vừa là nghị viên Hội đồng TP.Sài Gòn, vừa là chủ báo ủng hộ chánh quyền vô điều kiện, lại được thế lực tư bản Pháp sau lưng ủng hộ hết mình nên tự coi mình là vua làng báo. Vì vậy, việc đón Bùi Quang Chiêu bị De Lachevrotière chống quyết liệt. De Lachevrotière xua người ra ngăn cản người đón, bày những trò đánh lộn, gây rối trật tự để hòng phá việc đón tiếp. Trong lúc tranh cãi với nhóm ủng hộ, De Lachevrotière đòi “đá đít” Bùi Quang Chiêu khiến chút nữa xảy ra ẩu đả với nhà báo Trịnh Hưng Ngẫu, một nhà báo trẻ và là người hăng máu nhứt trong việc ủng hộ họ Bùi.
Sau vụ đó, Trung Lập Báo bị người đọc tẩy chay. Châu về hiệp phố đang đăng ngon lành ở Trung Lập Báo thì bỗng ngưng lại, vì Phú Đức cho rằng: “Chủ Trung Lập Báo ph.... đ....”. Nhưng một nhà báo khác lại thấy đó là một việc có lợi. Đó là nhà báo Nam Đình đang làm chủ bút tờ Công Luận Báo, bản quốc ngữ của một tờ báo tiếng Pháp. Chính Nam Đình đã xúi chủ báo - đại tá Sée mời Phú Đức về viết cho Công Luận Báo. Nhưng De Lachevrotière là người cùng phe với đại tá Sée. Do đó, nếu mời Phú Đức về viết cho Công Luận Báo ngay khi ông bỏ Trung Lập Báo thì bỉ mặt bạn bè. Song chuyện làm ăn thì hồn ai nấy giữ, nên sau một thời gian tính toán, đại tá Sée mời Phú Đức về làm chủ bút tờ Công Luận Báo.
Châu về hiệp phố được tiếp tục đăng trên tờ... Công Luận Báo với cái tên mới Hiệp phố châu hườn! Cũng trên tờ báo này, khá nhiều tác phẩm hay của Phú Đức ra đời như Tiểu anh hùng Võ Kiết (được Đoàn cải lương Phước Cương dựng thành tuồng cải lương), Lửa lòng, Căn nhà bí mật... Sau đó, nhân thấy feuilleton của mình ăn khách quá, Phú Đức bèn nghĩ cách ra một tờ báo riêng cho mình lấy tên là Bình Dân chỉ đăng toàn feuilleton. Vậy mà sau có 3 tháng ông đã mua được nhà lầu!

Trần Nhật Vy



Thanked by 2 Members:

#79 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 04/06/2017 - 12:43

Nữ danh ca Dalida từng hát tại Sài Gòn

04/06/2017 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Dalida (giữa) cùng Sobieski tại Chợ Lớn Ảnh: T.L

Bộ phim Tôi là Dalida (đạo diễn Lisa Azuelos) vừa trình chiếu tại VN vào tháng 5.2017. Không ít khán giả sửng sốt, kinh ngạc khi biết về cuộc đời của nữ danh ca nổi tiếng qua loạt ca khúc kinh điển.



Tuy nhiên, ít ai biết Dalida đã từng đến Sài Gòn và để lại ấn tượng khó quên trong lòng người hâm mộ thuở ấy.

Dalida (1933 - 1987) tên thật là Yolanda Cristina Gigliotti sinh tại Ai Cập trong gia đình gốc Ý. Năm 1954, Dalida đoạt giải Hoa hậu Ai Cập và đến Paris thử “thời vận” bằng nghề ca hát trong các phòng trà Villa d’Este và Drap d’Or. Rồi sau đó, cô cực kỳ nổi tiếng cả thế giới với hàng loạt ca khúc: Besame Mucho, Bambino, Histoire d'un amour, Paroles... Paroles... đoạt vô số giải thưởng âm nhạc. Dalida có thể hát bằng rất nhiều thứ tiếng, không chỉ tiếng Pháp, Ý và còn cả tiếng Đức, Ả Rập, thậm chí là tiếng Nhật. Tổng cộng hơn 125 triệu đĩa hát của Dalida đã được bán ra trên toàn thế giới trong đó Bambino đã trở thành đĩa bạch kim vào năm 1964 và đĩa kim cương năm 1981. Cô cũng tham gia rất nhiều phim: Parlez-moi d'amour, Ménage à L’Italienne, Comme sur des roulettes... 14 giờ ngày 25.6.1962, Dalida đến phi trường Tân Sơn Nhất (bấy giờ gọi là phi cảng) bằng máy bay phản lực của Hãng Air France. Không rõ từ nguồn tin nào, các fan đã có mặt đón tiếp nồng nhiệt “giữa tiếng vỗ tay đượm nhiều thân ái”. Dalida chỉ dừng chân chớp nhoáng trong giây lát để tiếp tục bay qua Hồng Kông, cô cho biết sẽ quay lại Sài Gòn vào ngày 29.6.1962 với show biểu diễn cá nhân.
Tuần báo Kịch ảnh số 18 phát hành ngày 30.6.1962 cho biết thêm: “Dalida cao chừng 1,65 m, mặc bộ đồ xanh giản dị, đôi bông tai lớn kiểu Y Pha Nho nổi bật trên nền tóc hung đỏ bới cao. Cặp mắt màu nước biển và đôi môi son lợt đều ngời sáng”. Đáng chú ý, chuyến đi này, ngoài 4 nhạc công, còn có cả chàng họa sĩ đẹp trai Jean Sobieski mới 25 tuổi, người gốc Ba Lan nhưng sinh tại Pháp, chưa nổi tiếng gì. Cả hai cặp kè như hình với bóng. Họ có mối quan hệ thế nào? Thiên hạ tha hồ đồn đoán bởi trước đó, ngày 25.4.1961, Dalida đã ly dị chồng là Lucien Morisse.
Ngay chiều tối hôm đón Dalida quay lại Sài Gòn, ông L’Épine - đại diện khách sạn Caravelle, đã mời Ban Biên tập báo Kịch ảnh, gồm nhà báo Quốc Phong, nhà văn Mai Thảo và đạo diễn Hoàng Anh Tuấn đến khách sạn nhằm mục đích “nghệ sĩ gặp nghệ sĩ” có tính cách “trong nhà với nhau”.
Từ sân bay, Dalida cùng Sobieski về đến khách sạn Caravelle lúc 20 giờ, niềm nở mời mọi người lên phòng riêng số 606 ở lầu 6. “Bây giờ các anh đang ở trong nhà của tôi, tôi là chủ nhà, nay, các anh có thể tự tiện vì chủ nhà Dalida rất quý khách”, cô nói.
Trong lúc trò chuyện, cô cho biết dù đã chia tay Lucien Morisse, không còn là vợ chồng nhưng là “hai người bạn thân nhau nhất trên đời”. Chuyện ly dị của họ xem ra cũng “ngớ ngẩn” lắm: sau 5 năm yêu nhau, họ chính thức kết hôn tại Tòa hành chính Quận 13 Paris, nhưng chỉ sau
3 tháng, do chồng bận việc, một mình Dalida đi Côte d’Azur biểu diễn. Tại đây, cô đã gặp Sobieski trong một hộp đêm và “tiếng sét ái tình” đã nổ ra. Biết chuyện, Lucien Morisse chủ động đề nghị ly dị. Dalida “phải lòng” Sobieski cũng rất lạ đời. “Trong khi mọi người xem Dalida là nhân vật quan trọng, một minh tinh ghê gớm thì Sobieski chỉ đặt nàng vào địa vị người mà chàng yêu”, đạo diễn Hoàng Anh Tuấn nhận định.
Nhà báo Quốc Phong hỏi: “Dalida cho biết bí mật thành công của cô, để tôi nói lại cho các ca sĩ VN nghe”. Dalida trả lời: “Bí quyết gồm 2 điểm: luyện giọng và gặp dịp may. Con số đem lại may mắn cho tôi là 421”. Tại sao? Cô giải thích: “Tháng 4.1956, tôi đến hát thử cho Bruno Coquatrix - Giám đốc Nhà hát tạp kỹ Olympia và ban giám khảo nghe. Lúc đó, Eddie Barclay - nhà sản xuất băng đĩa, Lucien Morisse - Giám đốc điều hành Đài Europe 1 đang nhậu nhẹt trong một quán cà phê trên đường Caumartin, gần Olympia. Bruno lôi họ đến nghe tôi hát cho vui nhưng họ không chịu. Cuối cùng, Bruno đánh cá nếu họ thua Bruno trong một ván gieo xúc xắc kiểu 421 thì phải tới nghe; bằng không, Bruno sẽ đãi thêm một chầu rượu nữa. Bruno thắng. Cả hai phải đến nghe, khi tôi ca bản L’Étranger au paradis, họ chịu liền. Thế là một “vị” chọn bài hát, còn một “vị” thâu đĩa. Nhờ những đĩa hát của Eddie Barclay mà tôi nổi tiếng”.




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Dalida điều khiển xe bò tại Gò Vấp, Sài Gòn Ảnh: T.L


Những ngày tại Sài Gòn, Dalida đã thực hiện 4 chương trình “dạ hội” chủ đề: “Tất cả cái đẹp trong cái mới”, diễn ra tại rạp Rex và khách sạn Caravelle. Trong buổi diễn đầu tiên tại rạp Rex, với giá vé là 250 đồng/chiếc, ký giả của báo Kịch ảnh đã đến thưởng thức, sau đó, có bài tường thuật trên báo Kịch ảnh số 19 ra ngày 7.7.1962: “Dalida mặc cái “robe” rất giản dị màu hoa cà, tóc để xõa và không có món trang sức nào cả. Với dàn nhạc 5 người, suốt 13 bài liền Dalida đã chiếm trọn lòng tôi, nắm lấy con tim tôi và dìu tôi đến những bến bờ rung cảm mới lạ… Khán giả vỗ tay tán thưởng, Dalida lại trở ra, cười rất tươi và gửi đến tất cả một nụ hôn gió thật duyên dáng. Không một phút trống, Dalida lại tiếp tục hát luôn 5 bài nữa, trong số có bài Parlez-moi d'amour quen biết. Dalida đã thấm mệt nhưng không vì thế mà kém phần linh động và không “hết mình” cho khán giả. Hát hết bài, Dalida chạy vào hậu đài rồi lại chạy ra cười, hôn gió gửi chúng tôi, rồi chắp tay xá, rồi cười, rồi lại hát nữa. Không nói mà thật ý nhị, thật thiện cảm. Dành bản nhạc Bambino quen biết để kết thúc, Dalida đã làm hài lòng tất cả mọi người. Ngay sau đó, đại diện Hội Hồng Thập tự lên nói lời cảm ơn, ca sĩ Thanh Lan cũng xuất hiện với bó hoa tươi thắm tặng Dalida. Tấm màn nhung buông xuống giữa lúc pháo tay nổ ran, nổ mãi không thôi. Bất ngờ, màn lại kéo lên, Dalida lại trở ra, hát thêm bài Les Gitans rất hay”.
Dù chỉ đến biểu diễn tại Sài Gòn một lần, nhưng Dalida đã chinh phục được tình cảm của công chúng, tất nhiên do tài năng, ngoài ra còn gì nữa? Đạo diễn Hoàng Anh Tuấn cùng nhà văn Mai Thảo dạy cô tập phát âm tiếng Việt để có thể thưa gửi với mọi người bằng tiếng Việt đã kể lại: “Nhìn Dalida chăm chú theo dõi, đoạn tròn miệng đọc lại những tiếng có, không, cám ơn, chào mạnh giỏi… người ta thấy toát ra một khía cạnh đẹp đẽ nữa của tâm hồn Dalida. Cái khía cạnh chân thực, tha thiết và nồng nàn, cộng với một niềm vui sống tràn đầy và một bản chất hồn nhiên, cởi mở của Dalida, tạo thành bí quyết thành công rực rỡ. Điều mà người ta nhận thấy - và điều này là châu báu quý giá nhất của Dalida, còn quý giá hơn cả tiếng hát của nàng - là danh vọng không hề đổi khác con người Dalida, danh vọng không đẩy nữ danh ca quốc tế này vào một cái thứ tháp ngà kiêu hãnh, là cái mặt trái đáng ghét thường thấy ở phần lớn những nghệ sĩ được đông đảo quần chúng ái mộ. Ở điểm này, Dalida xứng đáng là Dalida, xứng đáng với cái phong thái, cái tư cách, cái thái độ phải có của một danh ca quốc tế”.
Thêm một điều lý thú cũng ít ai ngờ là bấy giờ, người Sài Gòn đã rất nhanh nhạy nhằm đáp ứng nhu cầu ái mộ của công chúng bằng dịch vụ: “Ai muốn có lưu bút kỷ niệm của Dalida trên đĩa hát hay hình ảnh, có thể tới tiệm Alpha Radio, 157 đường Tự Do, Sài Gòn từ 16 - 18 giờ ngày 3.7.1962”.
Về sự kiện, nữ danh ca Dalida - người đã từng được thành phố Paris lấy tên đặt cho một quảng trường gần nhà, đã đến Sài Gòn trong thập niên 1960, khi lướt web, tôi còn tìm thấy một vài hình ảnh ghi lại khoảnh khắc đó. Với tôi, thú vị vẫn là bức cô điều khiển chiếc xe bò, ngồi cạnh một nông dân miền Nam, chụp tại Gò Vấp, Sài Gòn.

Lê Minh Quốc





Bạn đọc phản hồi (3 nhận xét)





TRẦN QUANG DINH
- 04/06/2017
* Đó là một giọng ca đẹp , lối cuốn, quyến rũ người nghe trong một thời gian dài hồi trước. Sức hút của Dalida đến tận hôm nay , nhiều thế hệ vẫn tìm , sưu tầm mà thưởng thức !
26 thích Trả lời Trả lời 3 thích




Thanked by 3 Members:

#80 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 14/06/2017 - 20:02

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Trường thi Gia Định xưa ở giữa thành Gia Định

13/06/2017
TO - Ở Việt Nam, thời nhà Nguyễn, khoảng ba, bốn năm, triều đình tổ chức thi Hương, thi Hội và thi Đình, tuyển chọn nhân tài giúp nước.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Trường thi Gia Định là nơi Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký hòa ước Sài Gòn với Pháp ngày 5-6-1862. Coi tranh chúng ta có thế hình dung nơi ký khá tạm bợ với khung vải phía sau treo tạm cho kín đáo, nghiêm túc - Tranh tư liệu
Ở Bắc bộ và Trung bộ, có khi là một tỉnh, có khi là hai, ba tỉnh được lập một trường thi Hương. Riêng các tỉnh ở khu vực Nam bộ chỉ có một trường thi ở Gia Định; là tụ hội sĩ tử lục tỉnh Nam kỳ về dự kỳ thi Hương để thực hiện ước mơ giúp dân giúp nước.
Người Gia Định học làm người chứ không phải học làm quan
Gia Định là tên gọi chung của vùng đất từ Bình Thuận trở vào Nam, dưới thời các chúa Nguyễn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nhận xét: "Có một thời gian tương đối dài, người Việt ở Gia Định theo học chỉ là để học phép đối nhân xử thế, học làm người chứ không phải học làm quan" .
Năm 1807, vua Gia Long hạ chiếu nêu rõ: “Nhà nước cầu nhân tài, tất do đường khoa mục. Tiên triều ta chế độ khoa cử đời nào cũng có cử hành... Nay thiên hạ cả định, Nam Bắc một nhà, cầu hiền chính là sự cần kíp”.
Khoa Đinh Mão (1807) là kỳ thi Hương đầu tiên triều Nguyễn.
Vốn gắn bó với đất Gia Định, vua Gia Long nhận xét về con người của vùng đất này như sau: "Người Gia Định tánh vốn trung nghĩa, nhưng ít học, nên hay ưa khích khí, nếu được kẻ học giỏi làm thầy, đem lễ nhượng mà dạy, thời dễ hóa làm thiện, mà thành tài được nhiều".
Tháng 7 (âm lịch) năm Quý Dậu 1813, Trường thi Hương Gia Định được vua Gia Long sắc cho thành lập (và đây là trường duy nhất), để dành cho các sĩ tử từ Bình Thuận trở vào Nam kỳ.
Trường thi Gia Định
Quốc sử quán triều Nguyễn mô tả Trường thi Gia Định trong sách Đại Nam nhất thống chí, phần "Tỉnh Gia Định", như sau: Trường nằm trên đất thôn Hòa Nghĩa, phía tây thành Gia Định, có "chu vi 193 trượng 6 thước (khoảng 850m), tường cao 4 thước 5 tấc (gần 2m)".
Nhìn vào bản đồ thành Gia Định, chúng ta có thể thấy Trường thi Gia Định tương ứng với khu vực của Nhà văn hóa Thanh niên (số 4, đường Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TP.H.C.M) ngày nay.
Trong Cổ Gia Định phong cảnh vịnh cũng có 4 câu nói về Trường thi Gia Định:
“...Chốn thi trường lẩy lẩy nhu phong,
Đền sĩ chí hộc hồng, một thuở bảng vàng lăm chiếm;
Nhà quốc học dầy dầy sĩ tử,
Gắng gia công đèn sách, mười thu nghiêng sắt chuyên mài...”
Năm Tự Đức thứ nhất (1848), khu vực làm việc của các quan trường trong Trường thi Gia Định đều lợp ngói, 4 vi trong trường thi đều được phân cách bằng tường hoa.

Sĩ phu Gia Định chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài
Trường thi Gia Định cứ ba năm thì tổ chức một kỳ thi gọi là thi Hương. Quy cách thi thời xưa phải qua 4 kỳ (hay còn gọi là 4 trường): kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa; kỳ đệ nhị thi chiếu, chế, biểu; kỳ đệ tam thi thơ, phú; kỳ đệ tứ thi văn sách.
Sĩ tử qua được 4 trường gọi là Hương cống (sau gọi là Cử nhân); qua được 3 trường gọi là Sanh đồ (sau gọi là Tú tài). Cả Hương cống và Sanh đồ đều được nhà nước tha thuế thân (giống như thuế thu nhập cá nhân ngày nay). Tuy nhiên, các vị đỗ Hương cống sẽ được ban áo mão và đãi yến tiệc gọi là Lộc minh yến.
Nhận định về việc học hành của người Gia Định (bao gồm toàn miền Nam Việt Nam), Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết trong sách Đại Nam nhất thống chí như sau: “Tục chuộng khí tiết, khinh tài trọng nghĩa, sĩ phu ham đọc sách cốt yếu cầu cho hiểu rõ nghĩa lý mà lại vụng nghề văn từ”.
Đó là lý do giải thích tại sao các sĩ phu đất Gia Định ít người đạt đến bậc cao nhất của khoa cử dưới triều Nguyễn. Chỉ tính cùng thời gian từ năm 1822 đến năm 1865 thì toàn quốc có 280 tiến sĩ; trong đó Trường thi Gia Định chỉ có một tiến sĩ duy nhất đó là Phan Thanh Giản.
20 kỳ thi Hương ở Nam Kỳ (1813-1864) tuyển chọn được 274 cử nhân, với 20 thủ khoa và 20 á khoa. Kỳ lấy đỗ cao nhất là 20 cử nhân vào các năm 1847, 1848 và thấp nhất là 8 cử nhân ở kỳ thi Hương đầu tiên (1813).
Tuy vậy, sĩ phu Nam kỳ vẫn rất đáng tự hào khi đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, như: Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Thủ khoa Đinh Văn Huy; cùng các cử nhân: Trương Minh Giảng, Trần Xuân Hóa, Trần Thiện Chánh, Trương Gia Hội , Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Thành Ý, Âu Dương Lân, Trương Văn Uyển, Trần Xuân Hòa, Huỳnh Mẫn Đạt, Đỗ Trình Thoại, Phan Văn Đạt, Nguyễn Thánh Ý, Lưu Tấn Thiện, Nguyễn Đình Chiểu,...
Năm 1864, sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, nhà Nguyễn dời Trường thi Hương Gia Định về An Giang. Tuy nhiên Trường thi An Giang chỉ tổ chức khoa thi duy nhất vào năm này và lấy đỗ có vẻn vẹn 10 người. Trường thi Hương An Giang là trường thi cuối cùng ở Nam kỳ trước khi vùng đất này hoàn toàn rơi vô người Pháp.
Sau khoa thi năm Giáp Tý (1864) tổ chức tại An Giang, Trường thi Hương Gia Định đóng cửa vĩnh viễn, chấm dứt việc thi cử theo Nho giáo sớm nhất ở nước Việt Nam. Ở Bắc bộ, khoa thi Hương cuối cùng là năm 1915, ở Trung kỳ khoa thi Hương cuối cùng là năm 1918, báo hiệu cho sự cáo chung của chế độ học vấn theo Nho giáo.
Đây chính là thời điểm mà nhà thơ Trần Tế Xương đã mô tả qua hai câu thơ bất hủ: “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi -Mười người đi học, chín người thôi…”.
HỒ TƯỜNG

Sửa bởi tuphuongsg: 14/06/2017 - 20:06


Thanked by 1 Member:

#81 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 15/06/2017 - 20:16

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Những cử nhân lừng lẫy của Trường thi Gia Định

15/06/2017

TTO - Trường thi Gia Định chỉ tồn tại 51 năm, với 20 kỳ thi hương ở Nam Kỳ (1813-1864) tuyển chọn được 274 cử nhân. Và ngay khi Pháp xâm lược Nam kỳ, rất nhiều vị cử nhân của trường thi này đã lao vô giúp nước như sở nguyện thuở ứng thí.
Mở đầu là cử nhân Trần Thiện Chánh. Tháng 2-1859 khi Pháp vừa đặt chân đến đất Gia Định, không cần đợi lệnh triều đình cũng chẳng cần tới đỉnh đai chức tước, Trần Thiện Chánh đã cùng với Lê Huy (cả hai ông đều đang bị triều đình đương thời thải hồi) đã chiêu mộ 5.800 dân binh khởi nghĩa đánh Pháp.
Trần Thiện Chánh (1822-1874) là người thôn Tân Thới Tây, tổng Long Tuy Thượng, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.H.C.M). Ông đậu thứ tư khoa thi hương ở Trường thi Gia Định năm 1842, được bổ làm Hậu bổ Khánh Hòa. Sau đó, ông chuyển làm Huấn đạo đất Long Xuyên, rồi được thăng làm tri huyện Hà Tiên, nhưng do mắc sai lầm ông đã bị triều đình cách chức cho về bản quán.
Nhận ra tấm lòng yêu nước của ông, vua Tự Đức đã ban khen, chuẩn cho Trần Thiện Chánh và Lê Huy được khai phục nguyên hàm, theo đi quân thứ.
Hàng loạt vị cử nhân khác cũng nối tiếp
Sau Trần Thiện Chánh là Đỗ Trình Thoại, người thôn An Long, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định. Ông đỗ cử nhân tại Trường thi Gia Định năm 1843, làm tri huyện Long Thành. Ngay sau khi quân Pháp hạ thành Gia Định, ông chiêu mộ trai tráng đánh Pháp ở vùng Tân Hòa (nay thuộc Gò Công, Tiền Giang). Rạng sáng 22-6-1861, ông chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp ở đồn Qui Sơn (Gò Công) và đã hi sinh trong trận này.
Tiếp theo sau Đỗ Trình Thoại là Phan Văn Đạt. Ông sinh năm 1828 tại thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay thuộc xã Phú Ngã Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Năm Canh Thân (1860) đời vua Tự Ðức, ông thi đỗ cử nhân ở Trường thi Gia Định.
Ngày 25-2-1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ. Không cam chịu, Phan Văn Đạt cùng với người cậu bên ngoại là Trịnh Quang Nghi chiêu mộ trai tráng, rồi chia nhau đóng giữ ở phía nam cầu Biện Triệt, nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An, ngăn chặn Pháp tràn xuống miền Tây.
Ngày 16-7-1861, quân Pháp tấn công nghĩa quân ở cầu Biện Triệt. Phan Văn Đạt cùng tám nghĩa binh bị bắt sống. Trong nhà lao dù bị dụ hàng hay bị cực hình, ông cũng không hề khuất phục hay khiếp sợ. Khi biết Phan Văn Đạt là thủ lĩnh, Pháp đã bắn chết ông khi ông mới 33 tuổi. Triều đình nhà Nguyễn nghe việc ấy, truy tặng Phan Văn Đạt hàm tri phủ.
Người tiếp theo là Trần Xuân Hòa, hay Phủ Cậu, đậu cử nhân ở Trường thi Gia Định năm Tân Sửu (1841). Do bị bệnh phong, ông chỉ làm quan tri phủ một thời gian ngắn.
Khi Pháp từ Gia Định mở rộng việc đánh cả Nam Kỳ, ông chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ Tân thành Mỹ Quý (nay thuộc ấp Quý Thành, xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), tấn công và gây tổn thất cho Pháp ở đồn Cai Lậy vào hai ngày 29-8-1861 và 15-9-1861.
Triều đình hay tin, phong ông chức Binh bị quan thứ Vĩnh Tường, sau thưởng thụ hàm Thị độc học sĩ.
Sau đó nghĩa quân của Phủ Cậu rút về Cái Bè, tập kích quân Pháp ở khắp nơi: Cái Thia, Cai Lậy, Cái Bè, Rạch Gầm, Trung Lương, Tân Lý… Ngày 6-1-1862, Pháp tấn công căn cứ Mỹ Trang, Bang Lềnh (thuộc Cai Lậy). Trần Xuân Hòa chỉ huy nghĩa quân chống trả mãnh liệt nhưng cuối cùng bị quân Pháp bắt được bắt và giải về Mỹ Tho. Trên đường đi, ông đã cắn lưỡi tự tử để giữ tròn khí tiết.
Thủ khoa Huân đánh Pháp không mệt mỏi

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Thủ khoa Huân - Ảnh tư liệu

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Đền thờ Thủ khoa Huân ở Chợ Gạo, Tiền Giang - Ảnh tư liệu TTO

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Lăng mộ Thủ khoa Huân ở Chợ Gạo, Tiền Giang - Ảnh: Tư liệu TTO
Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830 tại làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Năm 1852 (dưới triều vua Tự Đức), ông dự thi hương tại Trường thi Gia Định, đậu thủ khoa; được bổ làm giáo thọ tức đốc học huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường.
Khi Pháp xâm lược, Nguyễn Hữu Huân bỏ chức giáo thọ, từ biệt gia đình tham gia kháng chiến. Tháng 4-1861 Pháp chiếm Mỹ Tho, Nguyễn Hữu Huân cùng Thiên Hộ Dương phát động khởi nghĩa ở Tân An. Đầu năm 1862 Pháp đánh và bắt Nguyễn Hữu Huân giải về Sài Gòn nhưng ông đã bí mật quay trở lại hoạt động chống Pháp. Tháng 6-1863 Pháp tấn công căn cứ Thuộc Nhiêu (Cai Lậy), bắt và kết án Nguyễn Hữu Huân 10 năm khổ sai, đày sang đảo Réunion.
Năm 1872, Pháp ân xá và đưa ông về quản thúc và làm giáo thọ dạy học ở Chợ Lớn. Ông đã bí mật liên lạc với các sĩ phu yêu nước và hội kín người Hoa nhờ mua vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa. Sau đó, Nguyễn Hữu Huân về Mỹ Tho hợp cùng Âu Dương Lân đánh Pháp từ Cai Lậy đến Sa Đéc, chấn động toàn cõi Nam Kỳ.
Ngày 15-5-1875 trong trận giao chiến với Pháp, Nguyễn Hữu Huân đã bị bắt ở chợ Gạo, đem giam tại Mỹ Tho. Sau bốn ngày chiêu hàng không thành, Pháp đã kết án tử hình và hành quyết ông lúc 12 giờ trưa ngay tại quê quán Mỹ Tịnh An ngày 19-5-1875. Năm ấy ông 45 tuổi.
Cử nhân Âu Dương Lân, đồng hương và là phó tướng của Thủ khoa Huân
Âu Dương Lân sinh trưởng ở vùng Phú Kiết - Tịnh Hà, tỉnh Định Tường (nay là xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Khoa thi Hương năm Mậu Ngọ (1858), ông đỗ cử nhân hạng 5, được cử ra làm quan dần trải đến chức tri huyện ở tỉnh nhà.
Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, ông tham gia cuộc khởi nghĩa do Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo. Năm 1872, Nguyễn Hữu Huân thoát khỏi nơi giam giữ, về Mỹ Tho chiêu mộ nghĩa quân. Âu Dương Lân đã phối hợp với Nguyễn Hữu Huân, cùng xây dựng vững mạnh phong trào khởi nghĩa và tiếp tục kháng chiến tại vùng Định Tường từ 1872 đến 1874.
Ông được giao phó tướng cuộc khởi nghĩa. Sau khi Nguyễn Hữu Huân hi sinh vào ngày 19-5-1875, Âu Dương Lân bị thực dân Pháp bắt được và đem xử chém bên bờ sông Mỹ Tho, nay thuộc công viên Thủ Khoa Huân, TP Mỹ Tho.
Có thể nói rằng các vị cử nhân của Trường thi Gia Định từ Trần Thiện Chánh, Đỗ Trình Thoại, Phan Văn Đạt, Trần Xuân Hòa đến Nguyễn Hữu Huân và Âu Dương Lân... đều không chỉ giỏi văn chương thi phú mà còn mang cả sở học của mình đi cùng đất nước.
Hiện nay, riêng ở TP.H.C.M có các con đường mang Thủ Khoa Huân (Q.1, Q. Tân Bình), Phan Văn Đạt (Q.1), Trần Xuân Hòa (Q.5), Trần Thiện Chánh (Q.10), Đỗ Trình Thoại (Q.11, tuy nhiên con đường này lại ghi là “Huyện Toại” thay vì “Thoại”)...

HỒ TƯỜNG

Thanked by 2 Members:

#82 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 18/06/2017 - 12:01

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



'Đặc sản' báo Sài Gòn xưa: Từ 'Gỡ rối tơ lòng' đến 'Tìm bạn bốn phương'


06:42 AM - 18/06/2017 Thanh Niên





Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Nhà văn Bà Tùng Long; thể lệ đăng cùng một vài lời rao “kết bạn” trên báo Sài Gòn xưa
Ảnh: Tư liệu
Khi viết tập chuyên luận Người Quảng Nam (NXB Đà Nẵng - 2006), tôi mày mò tìm kiếm tài liệu nhằm trả lời câu hỏi: Trên báo chí nước nhà, ai là trước nhất có sáng kiến tư vấn, tâm tình về hôn nhân - tình yêu dành cho các bạn trẻ?

Chuyên mục này cũng tựa như Vườn hồng (Báo Thanh Niên), Thư tâm sự (Phụ nữ Việt Nam), Nhỏ to tâm sự (Phụ nữ TP.H.C.M)... ngày nay.
Lẵng hoa cho bà Tùng Long
Câu trả lời của tôi: người đó chính là nhà văn Bà Tùng Long, tên thật Lê Thị Bạch Vân, sinh ngày 1.8.1915 tại Đà Nẵng, quê gốc Hội An, mất năm 2006. Tại sao ký bút danh này, bà cho biết: “Các vị nho học của chúng ta có câu “Vân tùng long, phong tùng hổ” (mây theo rồng, gió theo cọp) nên thuở xưa, nếu có ai lấy bút danh Tùng Hổ thì ta biết người ấy tên Phong, còn tôi tên Vân thì lấy bút danh Tùng Long là vậy”.
Trước khi chính thức bước chân vào làng báo, Bà Tùng Long là một nhà giáo có uy tín trong nghề. Năm 1944, do chuyển biến của thời cuộc, bà theo chồng về Quảng Ngãi, mở Trường tiểu học Tân Dân thực hiện chủ trương xóa nạn mù chữ của Việt Minh. Rồi năm 1951 vào lại Sài Gòn, bà tiếp tục dạy học tại các trường Tân Thịnh, Đạt Đức... và cộng tác với các báo như Đồng Nai, Tiếng vang, Tiếng chuông, Phụ nữ diễn đàn, Đông phương... Có thể nói bà chính là nhà báo tiên phong “nhỏ to tâm sự”, “gỡ rối tơ lòng” cho nữ giới trên nhiều tờ báo, tạp chí, chuyên san về phụ nữ tại miền Nam thuở ấy.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là đã chứng kiến lúc giao lưu nhân dịp bà ra mắt tập hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi tại Nhà văn hóa Phụ nữ (năm 2003): Một độc giả đã đến tặng lẵng hoa rất lớn và anh bày tỏ lòng biết ơn về câu tư vấn của bà đã dành cho thân mẫu của anh. Rằng, chừng năm mươi năm trước có cô gái nọ lỡ mang bầu nhưng tình nhân “quất mã truy phong” bèn viết thư hỏi Bà Tùng Long nên “xử lý” ra sao? Bà khuyên là nên giữ lại, nhờ đó anh mới có mặt đến ngày hôm nay.
Độc đáo “tâm thư” kết bạn một thuở
Đọc lại báo chí Sài Gòn xưa, ta còn thấy có chuyên mục “Tìm bạn bốn phương”, “Kết bạn tâm thư”... Không ngoa chút nào khi nhận định đây cũng chính là “đặc sản” của làng báo Sài Gòn. Mời bạn đọc lai rai cùng các mẩu tìm bạn trên báo chí thời ấy, khoảng thập niên 1970. Nói thật, tôi không đủ khả năng để “bịa” ra lời rao ấy. Chỉ chép lại nguyên văn, đọc đi, có những đoạn ta phải cười tủm tỉm. Và đây:
- 3075 - Nam sinh viên khoa học, 20 tuổi, chân thật, dễ nhìn. Yêu đại dương như yêu bản thân mình, trót vào đời mang nhiều mặc cảm nên sợ quen ai quá giàu. Mong được các vị hảo tâm, chị hay bạn gái mách giúp một chỗ dạy kèm tư gia Toán hay cho mượn 10.000 đồng. Hứa sẽ hoàn trả trong vòng 6 tháng. Thư về…
- 4268 - Một chàng trai bỏ nhà giang hồ theo nhịp đời buồn tẻ, bốn mùa phiêu bạt nơi quán gió cầu sương. Mang một tâm sự buồn và cô đơn cho đời lãng tử. Ưa trầm lặng suy tư, thích cải lương, mê tiếng hát Minh Phụng, Mỹ Châu. 21 tuổi đời chưa một lần yêu. Tha thiết làm quen với khách má hồng từ đất Thần kinh đến đồng chua nước mặn để tâm sự buồn vui trong những lúc dừng chân nơi quán trọ. Bạn thuyền quyên nào thích, xin cho cánh nhạn lướt gió về địa chỉ…
- 4262 - Năm thứ 19, muôn chiều lá đổ, khép nép trong màu áo học trò lớp 11 duyên dáng, thích những bản tình ca không hạnh phúc của Trịnh Công Sơn, muốn làm quen với các anh lớn tuổi để lắng nghe những an ủi, vỗ về, vo tròn trong một gãy đổ đặng sưởi ấm tâm hồn đơn vãng, xin thư về em gái theo địa chỉ…
- 4264 - Vân Phi là tên của một vì tinh tú bé nhỏ, dễ thương, 18 tuổi hiện là nữ sinh 11 Trưng Vương. Sống nhiều cho kỷ niệm, nhìn đời bằng đôi mắt an phận vì biết mình không là giai nhân. Thương màu tím của biển chiều cùng màu trắng hoa biển nhưng ngoan hiền và không ưa con trai nói dối. Muốn tìm người anh đứng đắn, tuổi từ 22 trở lên (có ảnh kèm theo càng tốt), thư về…
- 4292 - Ngọc là tên của một thằng con trai đã qua 29 mùa thu, thường mặc cảm và đang mang một tâm sự buồn, muốn đi đến hôn nhân trong thời gian ngắn nhất với các bạn gái tuổi từ 20 đến 26, có học, gia đình trung lưu, đẹp quý phái trong ngành hàng không hay công tư chức, thương mại, góa phụ một con càng tốt, thiết tha đón nhận những cánh thư của những tâm hồn đồng cảnh ngộ, hứa hồi âm dù thư đến muộn, ai mến xin thư về…
- 4293 - (Đăng lần thứ 2) Góa phụ cô đơn 27 xuân thì, 1 con đẹp khỏe mạnh, duyên dáng, hiền, thành thật, biết nấu ăn, may thêu và biết cách chìu chồng. Tìm chồng để nuôi con thơ, không phân biệt tuổi tác. Điều kiện: Biết thương trẻ, độc thân, beau trai, phải cao trên 1 m 70, độ lượng và có nhà ở những nơi thơ mộng như Bảo Lộc, Đà Lạt càng tốt, thư về...
Với nhiều nhà văn mà tôi đã gặp, họ thừa nhận rất khoái đọc các chuyên mục này vì cũng là chất liệu xây dựng tính cách nhân vật. Riêng Bà Tùng Long từng cho biết không ít tình huống, lời tâm sự, tâm tình của bạn đọc chính là tình tiết để bà tham khảo khi hư cấu trong tác phẩm. Do đó, không phải ngẫu nhiên, ngoài việc phụ trách chuyên mục giải đáp, tâm tình với nữ giới, bà còn là một nhà văn đeo đuổi đề tài hôn nhân gia đình một cách bền bỉ và có nhiều tác phẩm xuất bản, được bạn đọc rất ái mộ.

Lê Minh Quốc



Thanked by 1 Member:

#83 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 13/08/2017 - 20:46

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Tàu thủy hơi nước của người Việt

06:38 AM - 13/08/2017 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Tàu thủy hơi nước của hải quân Pháp cùng thời với những chiếc tàu thủy hơi nước đầu tiên của VN
Ảnh: T.L

Từ năm 1839 đã có hai người VN chế tạo được tàu thủy chạy bằng hơi nước. Rất tiếc nhiều sách không thấy ghi công trạng của hai nhân vật lỗi lạc này
Vua Minh Mạng muốn phát triển công nghiệp đóng tàu
Trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả rất kỹ phương tiện vận chuyển của tàu chiến Pháp: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”. Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích: “Bòng bong: vải hoặc đệm buồm may màu trắng, làm một bức, kéo lên mà che nắng, thường dùng cho ghe thuyền”; “Trắng lốp: trắng bong, trắng quá”. Rồi đọc tiếp, lại thấy: “Kẻ đâm ngang, người chém dọc làm cho mã tà ma ní hồn kinh; người hè trước kẻ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ”. Những từ như tàu sắt, tàu đồng cho thấy thuyền của giặc Pháp lúc bấy giờ đã hiện đại và tất nhiên chạy bằng động cơ hơi nước, do đó mới có “ống khói chạy đen sì”.
Sách Quốc triều chánh biên toát yếu của Quốc Sử quán triều Nguyễn có ghi lại: “Tháng 4 năm Kỷ Hợi (1839), ngài (Minh Mạng) ngự chơi cầu Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi. Khi trước Sở Võ khố chế tạo tàu ấy, đem xe chở ra sông, giữa đường vỡ nồi nước, máy không chạy, người đốc công bị xiềng, quan bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lâu, vì cố tâu không thật đều bị bỏ ngục. Bây giờ chế tạo lại, các máy vận động lanh, thả xuống nước chạy mau, ngài ban thưởng người giám đốc là Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh mỗi người một cái nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn. Đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng: “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”. Tháng 10, lại chế thêm một chiếc tàu máy lớn, phí tổn hơn 11.000 quan tiền. Ngài truyền bộ Hộ rằng: “Ta muốn công tượng nước ta đều biết tập nghề máy móc, vậy nên không kể phí tổn” (NXB Thuận Hóa - 1998, tr.300).
Có thể, Hoàng Văn Lịch và Võ Huy Trinh giỏi nghề, có nghị lực, có tinh thần trách nhiệm nên mới dám đứng ra cáng đáng công việc, và họ đã hoàn thành một cách xuất sắc. Từ thành công này, qua năm sau (1840) hai ông “giám đốc” này đã cho xuất xưởng thêm ba chiếc tàu chạy bằng hơi nước nữa. Vua Minh Mạng hài lòng lắm, ngài đặt tên “chiếc lớn gọi là Phi Yến, chiếc vừa là Vân Phi và chiếc nhỏ là Vũ Phi”.
Cử người đi học nghề đóng tàu
“Ngoằn ngoèo mặt biển khói mù đen/Đích thị quân Tây diễu hỏa thuyền/Hư thực lòng Tây còn chửa rõ/Ngàn trùng khắc khoải dạ nào yên” (Khương Hữu Dụng dịch) - đây là nỗi lòng ưu tư của nhà nho cấp tiến Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), một nhà cải cách theo Phan Bội Châu là: “Một trong những người trồng cái mầm khai hóa đầu tiên ở VN”. Năm 1865, khi đi công cán với nhiệm vụ “Thám phỏng Dương tình” - thăm dò, xem xét tình hình ở nước ngoài, lúc đến Hương Cảng, ông Trứ đã viết bài thơ trên. Và chính ông là người tác động vua Tự Đức cử người đi học về nghề đóng tàu hiện đại.
Trong lời tiểu dẫn: “Chép lại việc nước ta mới đóng chiếc tàu lớn bằng đồng có máy ngầm”, ông Đặng Huy Trứ kể lại ngọn ngành, tựa như Đại Nam thực lục của triều Nguyễn đã ghi chép. Xin tóm lược: Tháng giêng 1865, vua Tự Đức sai quan bộ Công là các ông Hoàng Sưởng, Lê Bân và 9 người thợ vào Gia Định “trình lên Súy phủ Tây dương xin học tập kỹ thuật chế tạo máy tàu thủy”. Họ đồng ý nhưng mỗi ngày chỉ cho vào nhà xưởng tham quan chừng 2 tiếng đồng hồ rồi về. Học như vậy, chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa, nản quá nhưng những người đi học chẳng biết làm sao. Độ tháng sau có người Anh tên là Vị Sĩ Lặc đến nơi này, ông Hoàng Sưởng than phiền và kể rõ nội tình. May quá, ông này đồng ý dẫn họ qua Hương Cảng học nghề, phiên dịch đi theo là ông Nguyễn Đức Hậu. Ngày 2.7.1865, khi công cán sang đây, ông Đặng Huy Trứ có đến gặp họ và viết: “Ở đấy mấy ngày thấy bọn ông Sưởng tận tâm học tập, tôi rất mừng”.
Điều thú vị là ông Trứ được mời lên tàu do nhóm ông Sưởng chế tạo để chạy thử, ông kể: “Chạy vòng qua các hòn núi trong vịnh, trông lên bờ thấy cây bay, núi chạy rất là nhanh. Hôm ấy cùng chứng kiến có lãnh sự nước Anh, những người có thế lực, người Tây, người Thanh (Trung Quốc) rất đông, đều hết lời khen: Nước Nam tự cường, tự trị nay đã thấy một phần”. Bấy giờ, ông Trứ “bèn xét hành lý có sẵn, biếu ông Hoàng Sưởng một cái áo lương thuần tơ, màu lam rất quý; ông Lê Bân 1 lạng bạc; ông Vị Sĩ Lặc 1.000 hạt sen, 8 lạng yến sào; chia cho những người thợ 1 lạng vàng”.
Sự kiện này đã tạo ra nguồn cảm hứng văn chương cho ông Đặng Huy Trứ; và có lẽ, đây cũng là bài thơ trước nhất ca ngợi tài trí đóng tàu chạy bằng hơi nước của người Việt. Ông Trứ thổ lộ: “Cái vui mừng không ngờ tới và khó nói hết với ai được, nên làm bài thơ này ghi lại: “Nồi hơi, ống khí khéo làm sao/Chớp mắt mây bay, núi chạy nhào/Ngựa nước, phút đi trăm dặm thẳng/Rồng vàng, chốc đã mấy vòng lao/Ngoại phòng, chắc đã kinh hồn giặc/Nội trị đều khen có chước cao/Cửa bể Thuận An về chạy thử/Mặt rồng hớn hở biết dường bao” (Bồ Giang dịch).
Thật vậy, ngày 13.9.1865, chiếc tàu này về đến cửa Thuận An (Huế), vua Tự Đức đặt tên Mẫn Thỏa, và nó được sử dụng đi đánh dẹp giặc biển. Rồi năm 1866, nhà vua lại sai đóng tàu Thuận Tiệp, năm 1870 đóng tàu Đằng Huy... Chắc chắn về chiếc tàu chạy bằng hơi nước thuộc “hàng VN chất lượng cao” đã khiến vua Tự Đức hào hứng, mãn nguyện lắm. Trước đó, trong bài Ký tầu Ngũ Lợi, ngài cho biết: “Nước Pháp tặng ta 5 chiếc thuyền máy, đặt tên là Ngũ Lợi” và phân tích năm điều lợi của nó, chẳng hạn: “Dùng toàn bằng đồng gang vỏ sắt, chế thành nồi đồng, trục máy, vận dụng nước và lửa làm thành ra hơi nước bốc lên, quay máy cán nước, làm cho thuyền chạy đi, không cần dùng đến cánh buồm mái chèo, cùng sức người sức gió mà thuyền vẫn rẽ nước chạy mau là một điều lợi” (Tự Đức thánh chế văn tam tập - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1973 tại miền Nam, tr.225). Nay, người trong nước cũng đã đóng được, “Mặt rồng hớn hở biết dường bao” là lẽ tất nhiên.
Đọc lại những gì sử sách đã ghi, tất nhiên lòng mỗi người Việt chúng ta cũng tự hào không khác gì tâm thức người xưa. Tiếc rằng, tài liệu chỉ có thế, không biết thêm gì hơn và lấy làm đáng tiếc vì không thể trả lời được câu hỏi mà trước đây nhà sử học Nguyễn Thiệu Lâu đã nêu ra: “Các tàu lớn, vừa, nhỏ dài rộng là bao nhiêu, trọng tải bao nhiêu tấn, chạy bằng nồi xúp de nhưng có cánh quạt hay có guồng, tốc độ bao nhiêu, có thể mắc súng được không và có thể chở được bao nhiêu binh sĩ, ra biển có thể lênh đênh được bao nhiêu ngày mới phải cập bến để ăn than?” (Quốc sử tạp lục, NXB Cà Mau - 1994, tr.276).

Lê Minh Quốc



Thanked by 1 Member:

#84 Ngu Yên

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3096 Bài viết:
  • 7525 thanks

Gửi vào 23/08/2017 - 15:09

Về khả năng khoa học kỹ thuật của VN cuối thế kỷ XIX nên đọc sách về vua Gia Long & những người Pháp giúp đỡ (sẽ biết thêm về sự thật lịch sử) của bà Thụy khuê.có xuất bản ở VN (trang nhà) , ở đây tôi đưa link thẳng vào phần thư mục để độc giả có thể đọc sách nói trên (đưa lên vào 1-2/2016).

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Tôi đánh giá về trình độ xác thực sử liệu và khả năng lý luận của sách này là rất cao và cao .

Thanked by 1 Member:

#85 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 24/08/2017 - 21:44

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Ngu Yên, on 23/08/2017 - 15:09, said:

Về khả năng khoa học kỹ thuật của VN cuối thế kỷ XIX nên đọc sách về vua Gia Long & những người Pháp giúp đỡ (sẽ biết thêm về sự thật lịch sử) của bà Thụy khuê.có xuất bản ở VN (trang nhà) , ở đây tôi đưa link thẳng vào phần thư mục để độc giả có thể đọc sách nói trên (đưa lên vào 1-2/2016).

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Tôi đánh giá về trình độ xác thực sử liệu và khả năng lý luận của sách này là rất cao và cao .

Thưa Bác, sao con nhấp vào thì lại hiện ra L'erreur 404
Bị lỗi hay sao ấy, Bác ơi

Thanked by 1 Member:

#86 Ngu Yên

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3096 Bài viết:
  • 7525 thanks

Gửi vào 25/08/2017 - 01:46

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

tuphuongsg, on 24/08/2017 - 21:44, said:

Thưa Bác, sao con nhấp vào thì lại hiện ra L'erreur 404
Bị lỗi hay sao ấy, Bác ơi
Khổ qúa, lại tường lửa nữa rồi .Thôi để tôi chép tựa cuốn sách vậy


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Vua Gia Long & người Pháp
Công Ty Cổ Phần Văn Hóa Sách Sài Gòn
97 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đa Kao, Q. 1, TP. H.C.M
Điện thoại: (08) 62938228 - (08) 62815516
info@saigonbooks.com.vn

Nxb Hồng Đức
65 Tràng Thi, Q. Hoàn Kiếm
Hà Nội
Điện thoại: (04) 3 9260024
nhaxuatbanhongduc65@gmail.com



à cũng có thể tác giả không còn cho đọc free nữa khi bắt đầu bán sách.Để tôi chép một bài giới thiệu:


Thụy Khuê

*


* *


Cũng với 5/5 số phiếu, Ban Giám khảo nhất trí trao:
Giải đặc biệt cho nhà nghiên cứu Thụy Khuê với loạt bài về Văn học miền Nam 1954-1975 và công trình biên khảo Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long.
Thụy Khuê là người viết mở đầu cho chuyên mục Văn học miền Nam 54-75, với một bài khái quát nhan đề Văn học Miền Nam đăng vào giữa tháng 7/2014 và sau cùng là bài về Nhất Linh đăng vào cuối tháng 10/2015, tổng cộng là 14 kỳ, trong số (cho đến nay) 185 kỳ của chuyên mục này.
Thụy Khuê khảo sát Văn học miền Nam, chú ý đến các đặc điểm, đến nhóm và khuynh hướng, đến lực lượng sáng tác, đến tình hình báo chí nói chung đã đành, mà còn chú ý đặc biệt đến vai trò của triết học và các nhà viết sách triết học. Vì thế, trong số 12 tác giả bà có bài viết riêng, thì đến ba người – Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh và Trần Văn Toàn – là giáo sư Triết. Không những thế, Thụy Khuê còn dành thì giờ phân tích một số cuốn sách triết tiêu biểu của các tác giả này. Đó là cách tiếp cận rất đúng, nhất là nếu ta nhớ ở miền Nam triết học có ảnh to lớn như thế nào.
Các tác giả được Thụy Khuê viết riêng đều tiêu biểu cho Văn học miền Nam 1954 – 1975, từ Nhất Linh, Vũ Khắc Khoan, Bình Nguyên Lộc, đến Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Sa, Võ Phiến, Mai Thảo, Bùi Giáng. Mỗi tác giả là một bài viết không dài, nhưng cho thấy được hồn cốt của tác giả đó. Tất nhiên, Văn học miền Nam không chỉ chừng ấy khuôn mặt và có lẽ Thụy Khuê cũng chưa dừng việc nghiên cứu của mình ở đó.
Là người chuyên viết về văn học, Thụy Khuê là người viết chắc tay và đáng tin cậy về vấn đề này. Nhưng đáng ngạc nhiên, là qua địa hạt Sử học, Thụy Khuê có một công trình đầy khám phá: Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long. Đây là một khảo cứu công phu đăng trên Văn Việt từ giữa tháng 3 năm 1975 đến cuối tháng 10 cùng năm(ở đây có lẽ có ghi nhầm :2015 không phải 1975 Ngu Yên chú), cả thảy đến 32 kỳ.
Đề tài không mới. Trước Thụy Khuê 100 năm, trên tập san Đô thành hiếu cổ(BAVH) từ 1917 đến 1926, L. Cadière chủ xướng và thực hiện loạt bài Les français au service de Gia Long. Từ đó đến nay, hàng chục công trình của nhiều nhà sử học tên tuổi cày đi xới lại vấn đề này. Làm thế nào mà Thụy Khuê vượt qua các những người đi trước, những Charles Gosselin, Charles B. Maybon, Léopold Cadière, Georges Taboulet, Charles Fourniau,… về phía Pháp; những Trần Trọng Kim, Trần Huy Liệu, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Đào Đăng Vỹ, Lê Thành Khôi, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Khắc Ngữ, Tạ Chí Đại Trường,… về phía Việt Nam?
Trước hết, đó là nhờ tác giả biết dựa chắc vào sử triều Nguyễn, đặc biệt là Đại Nam thực lục. Đây là cuốn sử bắt đầu in khi Minh Mạng qua đời, do chính nhà vua cho soạn nhưng không duyệt, và có chứng cứ cho thấy các sử thần được tự do trong viết sử. Thứ hai, là nhờ tác giả đối chiếu các sử liệu, tỉ mỉ và cẩn thận, với tinh thần phản biện cao, giữa Đại Nam thực lục và tư liệu của Pháp và giữa các tư liệu của Pháp với nhau, chứ không vội vàng tin một chiều vào tư liệu của một phía. Đó là cả một cuộc điều tra lịch sử công phu và nghiêm ngặt, được gợi hứng từ công trình Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của Nguyễn Quốc Trị (tác giả tự xuất bản, 2013, Maryland, Hoa Kỳ), nhưng đi xa hơn rất nhiều.
Kết quả, là những kết luận có tính chất lật đổ, phá tan tành cái mà bà gọi là “huyễn sử”. Chẳng hạn:
· Bá Đa Lộc hoàn toàn không giúp được gì cho Gia Long.
· Những người Pháp được tôn xưng là “sĩ quan”, “kỹ sư”, “kiến trúc sư”, nhà lãnh đạo, tổ chức và huấn luyện quân đội, xây dựng những thành quách “Vauban” ở Việt Nam… thực ra là những người lính vô học, đào ngũ, không đủ kiến thức để làm được những công việc đó.
· Tất cả mọi công trình xây dựng (như thành Gia Định và thành Diên Khánh, cũng như kinh thành Huế sau này), đóng tàu và luyện tập quân sự đều do người Việt thực hiện dưới sự điều khiển của chính Gia Long.
· Hai tàu chiến Pháp GloireVictorieuse đến Đà Nẵng, ngày 15/4/1847, đã tấn công lén, tiêu diệt 5 thuyền chiến bọc đồng của triều đình, rồi bỏ trốn, chứ không phải bị tàu Việt tấn công trước.
· Về mặt kỹ thuật, tàu Việt thời Gia Long ngang ngửa với tàu phương Tây.
· Tự Đức có “một chính sách chống ngoại xâm ôn hoà, sáng suốt, và có tổ chức”, chứ không phải là một ông vua bạc nhược, chỉ ham thơ văn.
Bằng các tư liệu không đáng tin, thậm chí có thể khẳng định là ngụy tạo, các sử gia Pháp cố dựng lên huyền thoại “trước khi người Pháp đến, ta không có gì cả, chính người Pháp đã đem “văn minh” cho chúng ta và dựng lại ngai vàng cho nhà Nguyễn”. Điều đáng nói là “lịch sử” bịa đặt của các học giả thuộc địa của Pháp lại ảnh hưởng đến hầu hết các sử gia Việt Nam, khi họ “tận tín” vào sử liệu của Pháp. Bằng công trình này, Thụy Khuê khẳng định: “Chúng ta đã mất nước về tay Pháp; thất bại đó ta phải chịu trách nhiệm, nhưng không thể để cho dĩ vãng lịch sử của dân tộc bị cướp trắng [...]”. Bà đã khai quật được lịch sử bị chôn vùi, một cách có chủ đích hay do mặc cảm tự ty đối với phương Tây hoặc do thiên kiến chính trị.
Thụy Khuê chủ trương viết lịch sử như nó vốn có, cứ không phải để “đánh giá” lịch sử. Bà phản đối việc “người ta tự đứng trên lịch sử để phát biểu và không cần biết những sự thực xoay quanh những nhân vật lịch sử này như thế nào. Người ta không tìm hiểu, nghiên cứu, mà tùy hứng “đánh giá”: Người ta kết tội Phan Thanh Giản ph.... đ.... rồi sau “đánh giá lại” là “yêu nước”. Và bà chua xót nhận xét: “Lịch sử viết theo đúng quy luật như thế, tôi nghĩ rằng thời đại chúng ta còn kém xa thời đại Minh Mạng”.

*


* *


Trao giải chính thức cho Inrasara và giải đặc biệt cho Thụy Khuê, Ban Giám khảo muốn cổ vũ cho một lối phê bình “không sợ sự thật”, một thái độ nghiên cứu đi đến cùng sự thật. Nói như Kinh Thánh, “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Jean 8: 32).
Xin cảm ơn các bạn. Xin cảm ơn Inrasara và Thụy Khuê.
Văn Việt
Saigon 3-2016
------------------
Nguồn: [indent]

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

[/indent]


© Copyright Van Viet 2016


Sửa bởi Ngu Yên: 25/08/2017 - 01:57


Thanked by 3 Members:

#87 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 25/08/2017 - 21:56

Con cám ơn Bác nhiều
Nhưng con e rằng những tác phẩm khi xuất bản ở Vn thường hay bị biên tập lại theo ý của... người khác
và nhất là khi viết về triều Nguyễn (dù rằng hiện nay triều Nguyễn & Gia Long đang dc nhìn nhận lại nhưng cũng còn nhiều tranh cãi vì nhiều người họ quá thuộc bài học cũ đã ăn sâu vào não-phê phán chủ nghĩa xét lại-ko chấp nhận cái mới, dù rằng cái mới là đúng...)

Thanked by 2 Members:

#88 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 27/08/2017 - 21:09

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Vua Minh Mạng và những độc chiêu trị quan tham

Dưới thời trị vì của mình, để giữ yên xã tắc, vua Minh Mạng có những biện pháp xử lý rất nặng đối với quan lại có hành vi tham nhũng.
Vua Minh Mạng có tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ tư của vua Gia Long, sinh năm Tân Hợi (1791) tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định. Sau khi lên ngôi, ông lấy niêm hiệu là Minh Mạng, đặt quốc hiệu là Đại Nam.
Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn, Minh Mạng là ông vua hết sức cần mẫn, làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng vì nước, là tấm gương sáng cho các bậc đế vương noi theo.
Dù Gia Long là người đặt nền móng, nhưng phải dưới thời Minh Mạng, kỷ cương đất nước mới đi vào quy củ. Năm Tân Mão (1831), nhà vua tiến hành cải cách hành chính trên toàn quốc, chia đất nước làm 31 tỉnh theo từng địa hình và cương vực hợp lý như ngày này.
Dưới thời Minh Mạng, Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn và hùng mạnh hàng đầu khu vực, các nước lân bang đều phải kiêng nể.
Để đất nước thịnh trị, một trong những biện pháp Minh Mạng rất coi trọng đó là trị quan tham. Nhà vua thường đưa ra những hình phạt rất nặng với những ai có hành vi đục khoét của công.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Vua Minh Mạng.
Theo sách Đại Nam thực lục, vào năm 1823, Lý Hữu Diệm làm quan tại phủ nội vụ lấy trộm hơn một lạng vàng. Theo luật, tội này sẽ bị chém đầu, nhưng xét thấy trước đây có ít nhiều công trạng nên Bộ Hình giảm xuống thành tội bắt đi đày viễn xứ.
Khi án được tâu lên, Minh Mạng không chấp nhận đề nghị giảm án. Thay vào đó, vua ra lệnh phải đem can phạm ra trước chợ Đông Ba chém đầu, cho mọi người trông thấy mà sửa mình với khẩu dụ:
“Thời Gia Long, bọn Nguyễn Đăng Được thông đồng với thợ bạc đúc trộm ấn giả, để trộm đổi ấn cất ở kho, đều xử chém ngay. Nay Hữu Diệm ở đấy cân vàng mà còn dám công nhiên lấy trộm.
Thế là trong mắt hắn không có pháp luật. Chi bằng theo đúng tội danh mà định để răn người sau. Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông, chém đầu cho mọi người biết. Hồ Hữu Thẩm phải truyền cho bọn viên lại Nội vụ phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy lòng sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắc tội, há chẳng là một phương thuốc hay cho bọn người sao?”.
Tháng 11/1831, Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên lại ăn bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Gian dối bị phát hiện, đáng lẽ cũng bị xử tử và chặt tay treo ở kho.
Thấy chưa đủ độ răn đe và muốn thủ phạm phải ăn năn, hối lỗi, ông ra chỉ dụ: “Lũ Nguyễn Đức Tuyên đã ăn bớt từ trước, lại dám lấy mật trộn lẫn vào để ít hóa nhiều, ý định lừa gạt che giấu. Trước còn chối cãi, đến lúc cả kho xưng ra, mới chịu thổ lộ thực tình, những người tai nghe mắt thấy ai mà không ghét.
Đáng lẽ cho trói đem ra chợ Cửa Đông chém đầu, nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian”.
Năm 1834, tuần phủ Trịnh Đường tham ô tới một nghìn quan tiền nhưng lại nói dối là bị giặc lấy mất. Đến khi vụ việc bị phát hiện, vua Minh Mạng rất tức giận, tuyên dụ. Sau khi thành án, Trịnh Đường bị xử tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay).
Tiếp đó vào năm 1834, mặc dù không có công trình nào lớn xây dựng, vua Minh Mạng thấy gỗ trong Bộ Công hết rất nhanh, liền sai Bộ Hộ và Viện Đô sát tra xét kỹ.
Kết quả điều tra cho thấy Quản mộc Hồ Văn Hạ thông đồng với thợ thuyền tham ô. Để răn đe, vua lập tức đưa ra xử chém. Không chỉ có vậy, liên đới trách nhiệm, Đốc công Trần Văn Hiệu không quản lý sát sao cũng bị nhà vua cách chức, bắt làm việc chuộc tội.
Với những biện pháp mạnh tay và cực kỳ nghiêm khắc với quan lại tham nhũng, vua Minh Mạng đã phần nào làm nhụt chí bọn “sâu mọt”, giúp đất nước phát triển cường thịnh. Đó chính là bài học đáng suy ngẫm cho hậu thế.
Nguyễn Thanh Điệp
26/08/2017

#89 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 27/08/2017 - 21:22

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Di sản 'tuyên ngôn độc lập' của triều Nguyễn

06:57 AM - 27/08/2017 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Phiên bản bài thơ trên điện Thái Hòa được coi là tuyên ngôn độc lập về văn hiến
Ảnh: Ngữ Thiên
Trong triển lãm Tiếp cận di sản tư liệu thế giới tại VN qua di sản tư liệu triều Nguyễn, bài thơ được xem như “tuyên ngôn độc lập” của triều Nguyễn được trưng bày ở vị trí trang trọng.
Khoảng 70 tư liệu về các loại hình di sản, trong đó có cả mộc bản, châu bản, thơ văn cung đình Huế được trưng bày trong triển lãm Tiếp cận di sản tư liệu thế giới tại VN qua di sản tư liệu triều Nguyễn do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 và Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 tổ chức tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám, Hà Nội từ ngày 26.8.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết tại triển lãm có 16 mộc bản triều Nguyễn, chủ yếu giới thiệu về quốc hiệu VN. Bên cạnh đó có châu bản giới thiệu về giáo dục và khoa cử, đó cũng là thế mạnh của VN và của triều Nguyễn. Triển lãm cũng giới thiệu thơ văn, kiến trúc cung đình Huế với tinh thần xuyên suốt là lòng tự hào dân tộc.
Theo ông Hải, triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng ở VN, là triều đại có số lượng sách vở tư liệu còn lại đến nay đồ sộ nhất. “Có ít nhất 3 tư liệu di sản của triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới. Trong đó có mộc bản được công nhận vào năm 2009, châu bản công nhận năm 2014 và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế công nhận vào năm 2016”, ông Hải cho biết.
Đề cao tự hào dân tộc
Tại triển lãm này, một bài thơ ở điện Thái Hòa (Huế) được đặt ở vị trí trang trọng. “Bài thơ này được xem là tuyên ngôn độc lập của triều Nguyễn. Nội dung chỉ có 4 câu: Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/Hồng Bàng khai tịch hậu/Nam phục nhất Đường Ngu với đại ý bờ cõi nước ta từ xa xưa đã vạn dặm, chúng ta khai quốc rất sớm, thành một quốc gia hùng mạnh không kém các quốc gia ở Trung Hoa như Đường, Ngu. Điều đó thể hiện lòng tự hào rất lớn của người VN, có thể tự cường sánh vai các quốc gia, dân tộc khác”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng: “Nếu như ở bài Nam Quốc sơn hà là tuyên ngôn độc lập thì bài thơ ở điện Thái Hòa cũng là tuyên ngôn độc lập nhưng đề cao nền độc lập về văn hiến, đến sự thống nhất văn hóa”.
Không chỉ độc đáo về văn chương, hình thức thể hiện di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế cũng rất phong phú. “UNESCO công nhận khá nhiều di sản mộc bản, nó là bản âm, từ đó có thể in ra nhiều bản. Còn thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là dương bản, lại là bản khắc trực tiếp và là độc bản, được gắn trực tiếp trên công trình kiến trúc, không giống như hoành phi câu đối có thể gỡ và mang đi. Cách thể hiện cũng đa dạng. Có loại khắc trực tiếp trên gỗ, sau đó sơn son thếp vàng, có loại khắc xong sơn đen, loại khác chỉ vẽ sơn vàng lên hay tráng men trên pháp lam...”, ông Hải nói.

Trinh Nguyễn



Thanked by 1 Member:

#90 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 08/10/2017 - 12:27

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


08/10/2017 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Chuyên mục dành cho tuổi học trò Báo Thiếu Nhi
Ảnh: L.M.Q
'Cáo lỗi cùng độc giả toàn quốc: Vì tờ Bút Học Trò gặp trở lực lớn lao trên trường văn, trận bút nên phải đình bản và thay thế bằng tờ Bút Mới. Chúng tôi quyết san bằng mọi khó khăn nguy khốn để đáp lại thịnh tình của bạn đọc bốn phương, đồng thời nỗ lực đóng góp vào công cuộc phát huy tương lai văn hóa dân tộc'.
In báo bằng… xu xoa
Nếu biết ai viết và tại sao có câu văn “hoành tráng” này, chắc chắn bạn đọc Báo Thanh Niên sẽ... tủm tỉm cười. Vì rằng, ấy là lời “phi lộ” trong tập san in thạch bản của một nhóm học trò trung học “mặt búng ra sữa”, mê văn chương sống tại Hà Nội vào thập niên 1950. Chi tiết ngộ nghĩnh này nhà văn Nhật Tiến đã kể lại trong hồi ký Thuở mơ làm văn sĩ, đăng feuilleton (dài kỳ) trên Báo Thiếu Nhi ở miền Nam trước năm 1975.
Sau này, qua truyện dài Lá nằm trong lá, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có kể lại. Thật ấn tượng bởi bút nhóm Mặt Trời Khuya, gồm những “cây bút” dù còn mài đũng quần trên ghế nhà trường nhưng tự nhận “tương lai của văn chương nước nhà” như Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử, Hận Thế Nhân, Lãnh Nguyệt Hàn... Tác phẩm này hấp dẫn, chân thực, độc đáo bởi Nguyễn Nhật Ánh không hề tưởng tượng mà lấy chất liệu có thật trong sinh hoạt văn nghệ của thế hệ anh.
Các “mầm non” văn nghệ ấy học chung trường, có thể cùng hoặc khác lớp, họ quy tụ thành một bút nhóm, thi văn đoàn để động viên, góp ý sáng tác cho nhau. Và tất nhiên, để phổ biến “tác phẩm”, họ cũng ra báo như ai. Đó là tập san được in thạch bản, mỗi kỳ chỉ “phát hành” vài chục số, chủ yếu lưu hành trong lớp học, chuyền tay nhau đọc.




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Bìa báo Thằng Bờm xuất bản năm 1970



Cách “in” dễ lắm. Mua xu xoa (một dạng rau câu) trắng, đem về nhà nấu ra rồi đổ vào mâm đồng. Khi nó đã đông đặc, lật ngược mâm lại có một “bàn in” bằng phẳng. Bấy giờ, ai có “hoa tay” viết chữ đẹp thì được phân công viết các sáng tác thơ, văn, truyện ngắn... trên giấy trắng. Mực viết phải chọn phẩm tím, mực tàu loại tốt, chờ lúc giấy khô mực đem úp lên mặt “bàn in”, vuốt đều để mực thấm vào đó. Sau khi lấy tờ giấy đó ra là có “bản in” hoàn chỉnh. Rồi cứ đem các tờ giấy trắng khác úp lên, vuốt khẽ là in thêm bản thứ hai, thứ ba... Nếu mực tốt có thể in một lúc 50 bản, về sau mực càng mờ dần. Muốn in thêm trang khác thì cho xu xoa vào nồi, đổ thêm nước nấu lại để có “bàn in” mới.
Năm học lớp 8, cùng một lúc tôi gia nhập các bút nhóm, thi văn đoàn VN, Thoáng Hương, Hồn Trẻ, Mây Trắng... ở Sài Gòn. Trong lúc ở miền Trung chúng tôi chỉ mới phổ biến “tác phẩm” bằng cách in thạch bản thì tại Sài Gòn các “bạn văn” đã quay ronéo - tức viết tay hoặc gõ máy chữ trên giấy stencil. Hiện đại quá. Dù tờ đặc san ấy số lượng in rất ít ỏi, chỉ vài chục bản, trăm bản là cùng nhưng với “công nghệ tiên tiến” ấy đã khiến chúng tôi “sướng rêm”.
Đặc san Xuân Nhâm Tý (1972) của thi văn đoàn VN cho biết có cả thảy 305 hội viên như Khóe Mắt Tím, Kim Huyền Giao Giao, Bạc Phận “F”, Thy Hoang Mùa Đông, Mặc Thế Thái, Băng Hàn Tuyết Sương, Hoàng Liên Tử, Sao Rơi, Vạn Sầu Nhân, Cát Sa Mạc, Hoàng Dũ Linh, Thiên Bất Hủ... Còn nhớ, lúc tôi gia nhập bút nhóm Mây Trắng, nhóm trưởng có tên rất “yểu điệu”: Thảo (Phú Lâm). Sau này tôi mới bật ngửa ra khi biết chính là bút danh của nhà thơ Nguyễn Hải Thảo, cũng trạc tuổi tôi, nay là hội viên Hội Nhà văn TP.H.C.M.
Tôi và các bạn cùng xóm Hải Châu (Đà Nẵng) thành lập bút nhóm Phù Sa sau thời gian sinh hoạt chung cùng các “văn hữu” ở Sài Gòn. Chúng tôi cũng mày mò bắt chước theo cách quay ronéo. Sau đó, cả nhóm chia nhau đem vào trường bán cho các lớp khác, không phải nhằm thu hồi vốn mà chính là tiếp tục... quảng bá “tác phẩm”.




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Chuyên mục dành cho tuổi học trò Báo Tuổi Ngọc



Sự hỗ trợ của báo chí dành cho thiếu nhi
Sở dĩ các “mầm non” văn nghệ thuở ấy không bỏ cuộc nửa chừng còn thêm lý do này: tại Sài Gòn có những nhà văn đi trước, khi chủ biên một tờ báo, họ cũng lập sân chơi nhằm quy tụ đối tượng độc giả của báo như nhà văn Nhật Tiến qua Thiếu Nhi thành lập Gia đình Thiếu Nhi, nhà thơ Nguyễn Vỹ qua Thằng Bờm tổ chức Gia đình Thằng Bờm... và mở rộng đến nhiều địa phương khác; các tuần báo dành cho tuổi mới lớn như Tuổi Hoa có chuyên mục Đồng cỏ non, thậm chí nhật báo như Chính Luận cũng có Gia đình Mai Bê Bi... dành đăng các sáng tác của các cây bút học trò.
Nhờ vậy, khi có “tác phẩm mới”, ngoài việc “in” ở các nội san thi văn đoàn, bút nhóm, chúng tôi còn có thêm “đất dụng võ”, nhiều sân chơi khác. Thỉnh thoảng những tờ báo trên cũng in lại “tác phẩm” từ các tập san học trò đã in thạch bản, quay ronéo như một cách ưu ái, động viên các “mầm non” văn nghệ.
Không chỉ quanh quẩn chuyện sáng tác làm thơ viết văn, một khi tự thành lập bút nhóm hoặc tham gia các “gia đình” nêu trên, chúng tôi còn được các anh chị đi trước tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Đó là những cuộc cắm trại ở nơi xa, trại hè và sinh hoạt tập thể định kỳ tại địa điểm cố định vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần. Hầu như “kỹ năng sống” của lũ nhóc thế hệ yêu thơ văn chúng tôi đã được “đào tạo” trong khoảng thời gian này.
Nhớ lại năm tháng của “thuở mơ làm văn sĩ”, nhiều bè bạn ngày ấy đều cho rằng, nhờ trao đổi thơ văn, đọc và góp ý cho nhau các sáng tác trong sinh hoạt cộng đồng, họ đã trưởng thành lên. Từ sân chơi ngày đó, từ Hoài Mộng Diễm đã có Nguyễn Nhật Ánh, từ Thiên Bất Hủ có Lê Minh Quốc, từ Trần Quang Đoàn có Đoàn Vị Thượng... Từ Gia đình Thằng Bờm có Hy Yên nay là nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Hữu Cứ nay là thành viên của Hội Xuất bản VN, đạo diễn Thái Loan (HTV)...; từ Gia đình Thiếu Nhi đã có Bạc Hà nay là nhà thơ Nguyễn Văn Nhân; nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân; Mừng Hoang Vu (nhà văn Phan Vân Sơn)... Rồi ở Gia đình Mai Bê Bi có Lê Nguyễn Mai Trắng nay là nhà báo Bạch Mai (Báo Phụ Nữ TP.H.C.M)...

Lê Minh Quốc



Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |