Jump to content

Advertisements




Sự đầu cơ - André Aciman

André Aciman Phạm Tuấn Anh

  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1784 thanks

Gửi vào 28/06/2015 - 11:07


Năm 2000 là một năm bản lề quan trọng của em. Từ Ai Cập về Hà Nội em không có việc gì làm, sống lang thang vô định không kế hoạch, không ngày mai, không tương lai, không ai. Tất cả những thứ không đó đều có phần cố tình không. Em cố gắng thử sống một khoảnh khắc như Thiền, thu mình chờ đợi một lúc nào đó suy nghĩ ra được lối đi. Thời gian có nhiều nên em viết lách nhiều, đọc nhiều. Việt OpSmile nuôi báo cô và đằng sau em có rất nhiều người hỏi không hiểu Gấu sẽ tiếp tục lối sống này trong bao nhiêu lâu. Lúc đó World Bank ở Hà Nội, Ford Motors và một số chỗ khác mời đi làm nhưng em không đi vì vẫn muốn ăn bám bạn Việt và như đã nói là chờ đợi một lối đi mới.


Thời gian này có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Đây là lúc gặp được nhiều người bạn quý mến tới tận bây giờ và gặp lại nhiều người bạn cũ. Nhưng em vẫn cứ thổn thức nghĩ là có lẽ mình phải đang ở một nơi nào khác. Có một lần ngồi ăn đồ Nhật với Dịu Thị Nguyễn bảo Dịu là t*o muốn đi Nam Cực hay đạp xe đạp từ Bắc Kinh về Hà Nội hay làm gì đó thật điên. Cuộc sống của một người 24 tuổi đã nhìn thấy nhiều hơi khổ vì cứ mơ màng những nơi xa lạ.


Bài dịch dưới đây là một câu truyện từ báo The New Yorker. Đọc trước online bằng account Lexus Nexus và nhờ Phương Anh Lê cầm một bản báo từ New York về. Bài báo này nói về cả Ai Cập và New York là những nơi em cảm thấy thân thuộc, và tâm trạng của người không biết rõ đâu mới là nơi mình nhớ. Về sau em có viết thư qua lại với André Aciman là nhà văn, giáo sư ở Princeton, và tác giả bài này.


Câu chữ có nhiều điều giờ đọc lại thấy chưa thật chuẩn nhưng thôi kệ. In lại như bản cũ.

------------------


Sự đầu cơ


Tác giả: André Aciman

Người dịch: Phạm Tuấn Anh (gaup@yahoo.com)


Lời người dịch


Tác giả, André Aciman, là người gốc Do Thái sinh ra ở Alexandria, thành phố của Ai Cập nằm trên bờ biển Địa Trung Hải nơi có ngọn hải đăng và thư viện cổ Alexandria. Vào những năm giữa thập kỷ 60 khi những xung đột giữa các nước Ảrập và nhà nước Do Thái leo thang, gia đình ông và nhiều người Do Thái khác đã bị buộc phải rời khỏi Ai Cập nơi họ đã sống trong suốt nhiều thế hệ. Gia đình Aciman sang châu  u và sau đó sang Mỹ.


Câu chuyện này, tên nguyên bản tiếng Anh là Arbitrage, nghĩa đen là sự đầu cơ tài chính, được in trong mục Personal History ở trang 34 của báo The New Yorker, số ra ngày 10-07-2000. Câu chuyện xoay quanh một kỷ niệm của tác giả những ngày mới bắt đầu vào đại học Harvard ở Boston bang Massachusetts. Một kỷ niệm gần như không phải là kỷ niệm vì bản thân nó không có gì để nhớ, có chăng chỉ là một chút tiếc nuối, nhưng những gì gắn liền với nó, là hệ quả không biết trước của nó đã ám ảnh tác giả suốt cả cuộc đời. Mặc dù chuyện chỉ hạn chế ở những kỷ niệm và sự trải nghiệm của tác giả về những nơi ông đã đến, đã sống và trở nên gắn bó, người đọc có lẽ khó mà không có nhận xét rằng những triết lý trong đây áp dụng được vào nhiều thứ khác ở đời, có lẽ đặc biệt nhất là cả trong những mối quan hệ của con người.


Aciman về sau dạy văn học tại Đại Học Princeton bang New Jersey. Hiện nay ông sống ở New York.


Mọi chú thích trong truyện đều của người dịch.


------------¦------------


Vào một buổi chiều năm 1973, một trong những ngày cuối thu vào học kỳ đầu tiên tôi học tại trường cao học ở Harvard, tôi đã đến thăm một cô gái. Cô này đã mời tôi đến chơi nhà mình sau một buổi thảo luận trên lớp. Trước đó thì chúng tôi cũng đã thường rủ nhau đi bộ một quãng đường về nhà sau giờ học nhưng lần này cô nàng tự dưng lại mời tôi vào nhà để uống chút chè. Tất nhiên tôi đã tưởng bở rằng thực ra vào nhà là để làm gì khác. Để rồi mãi đến lúc chúng tôi đã cùng ngồi xuống cái ghế sô-pha của cô ta tôi mới nhận ra rằng mình được mời đến chỉ là để giúp cô ta viết một bài luận bình bài thơ “Tintern Abbey” của Wordsworth đã quá hạn nộp. Khi tôi tỏ ý ngần ngại, vẻ mặt cô ta bỗng xịu xuống rồi chẳng nói chẳng rằng cô nàng oà lên khóc. Tôi bỗng thấy thương hại quá nên ôm cô vào lòng cho mãi đến khi tiếng sụt sùi sắp dứt. Cuối cùng thì tôi cũng đồng ý giúp; nàng bật dậy thật nhanh rồi biến mất vào trong bếp, chốc sau đi ra mang theo một cái ấm đun nước kiểu cổ lỗ sĩ, rồi nàng đổ ít nước vào và bắt đầu đun. Sau đó thì nàng dắt tay tôi đến bên một chiếc bàn sứt sẹo kê sát vào tường, kéo ra hai chiếc ghế, rồi sau khi đã châm một điếu thuốc ý như là chúng tôi sẽ cùng làm bài luận này với nhau ít nhất là một lúc đây, nàng bỗng dụi tắt nó ngay vì nhớ ra rằng tối đó nàng có hẹn với một ai đó. Em hỏi thật có phiền anh không nếu phải ngồi viết bài hộ em một mình lúc em đi vắng một tí tẹo teo? Hết sức rầu rĩ tôi nói là tôi chẳng hơi đâu mà phiền lòng. Một khoảnh khắc im lặng nặng nề vụt thoáng qua giữa hai chúng tôi. à mà này, nếu muốn anh có thể ngồi nhà đợi em về khi anh làm bài xong, cô ta gợi ý khi vội vàng choàng chiếc áo khoác lên người. Vài giây sau thì có tiếng cửa dưới nhà đóng sầm lại.


Vẫn còn quá ngạc nhiên với tốc độ mà việc này dẫn ngay sang việc khác, tôi chợt nghĩ đến cái cách mà trước khi chạy ra khỏi cửa cô ta đã gấp một chiếc khăn giấy mầu xanh giống màu tã lót trẻ em, đặt nhẹ cái thìa uống chè của tôi lên đó rồi nói giọng có pha chút tự mỉa mai, “Cái này vừa để cho đường, cho chè, cho cả bác nhà văn nữa”, kiểu như định dùng cái cử chỉ quan tâm lặt vặt đó để cho tôi biết cô nàng cũng không phải thuộc cái dạng chẳng biết điều. Tôi châm một điếu thuốc rồi đưa mắt nhìn khắp căn hộ nhỏ mà cô ta thường nhắc đến những khi chúng tôi đi bộ cùng nhau nhưng không thấy nó giống với bất kỳ thứ gì tôi đã tưởng tượng. Từ chỗ tôi ngồi bên cái bàn của cô ta, tôi có thể trông ra đúng chỗ góc hai phố Mount Auburn và Linden. Buổi tối mùa hè đang phủ xuống dần những mái nhà lúp xúp liền kề nhau. Chỗ kia có một đám sinh viên đang đi về từ thư viện, vài người chắc định đi ăn tối sớm. Căn phòng áp mái, vừa nhỏ vừa bừa bộn lại quá nóng mặc dù cửa sổ vẫn mở toang, có vẻ gì đó thân thuộc một cách lạ kỳ giống như kiểu cách của một người bạn tính tình bộc trực. Cũng giống như một đứa bé đã được dặn phải ngồi tiếp khách khi mẹ còn bận thay đồ ở trên nhà, căn phòng “kính cẩn” nhắc tôi là cứ dùng gì tuỳ ý thích, như tự pha thêm chè hay lục tìm đồ ngọt. “Chắc trong kia phải có nhiều thứ đấy,” cô chủ đã nói lúc trước, vừa nói vừa chỉ về phía cái tủ lạnh và cái tủ bếp bé xíu, mà cửa của cả hai bên cô ta đã mở toang ra, nửa như có ý khuyến khích tôi cứ tự nhiên mà làm y như thế khi cô vắng nhà nửa như định nói, với vẻ đãng trí giả vờ, là cô ta chẳng biết trong mấy thứ đó đựng cái gì, hệt như một người bất kỳ nào đó tình cờ đến nhà chơi. Phải mãi lâu sau này tôi mới hiểu ra rằng sự kém hiểu biết đã bị phóng đại của cô ta về cái bếp nhà mình chỉ là cách cô ta định nói với tôi rằng cô ta coi mọi thứ khác trong đời mình cũng vặt vãnh chẳng kém.


Tất cả những gì mà cô ta có đều được bày ra khắp mọi chỗ trong phòng, từ sách vở, áo quần, đĩa nhạc “St. Mathew Passion” nằm ngổn ngang trên sàn, đến cái giá để bàn là bọc vải sọc ở cạnh giường, tượng Hy Lạp hay cái khung phóng ảnh hình vòm đã được đẩy xa ra khỏi mọi thứ khác trong phòng trông lẻ loi chẳng khác gì một kẻ ăn bám vừa bị thất sủng. ở giữa cái mớ lộn xộn những đồ vật này là cái ấm pha chè mà bên trên cô ta đã đặt một cái mền ủ chè. Trong cái không khí ngột ngạt của căn phòng, sự hiện diện lạ lùng của cái thứ giữ nhiệt bằng vải bông này bỗng đưa tôi quay lùi lại trước đó cả thập kỷ, về cái thế giới uể oải và mệt nhọc lúc nào cũng giống cuối mùa hè[1] của tuổi thơ tôi ở Alexandria, nơi tôi đã sống trước khi gia đình bị buộc phải rời khỏi Ai Cập năm 1965, và cũng là nơi có những ông thầy già dậy thêm tôi sau giờ học ở trường hay ngồi bên bàn tôi chậm chạp nhấp chè từng ngụm. Căn phòng nhỏ bỗng chốc trở nên gần gũi và ân cần với tôi trong cái ấm áp đặc trưng của Cựu Thế Giới, đến mức suýt chút nữa thì tôi quên rằng chủ của nó là một cô nàng phóng đãng ưa đùa bỡn, người mà về sau này cậu nào lớp tôi cũng kể là đã có với nàng một cuộc đùa chơi tương tự như của tôi.


Và thế là tôi vừa rót chè giống như kiểu mấy ông thầy già của tôi ngày xưa vẫn làm vừa bắt đầu cảm thấy cũng không hẳn là vui, nhưng hết sức ấm cúng và được chở che trong căn phòng nhỏ. Bỗng nhiên tôi muốn ở lại đó thật lâu, lại còn quên cả việc trách mình đã không chớp lấy thời cơ khi đang ôm cô nàng trong tay, biết rằng chắc chắn cô ta sẽ chẳng ngại gì mà không hôn lại tôi thật nồng nàn chỉ cần tôi mạnh dạn thêm tí chút. Tôi thích căn phòng này. Tôi đã biết căn phòng này thật rõ. Có lẽ một phần nhỏ bé của tôi đã được để lại đây với quyết tâm là sẽ quay trở lại chỗ này hết lần này lại lần khác trong suốt những ngày sắp đến, chỉ để tìm lại cái khoảnh khắc ngay sau phút hoàng hôn buông xuống, lúc tôi bật đèn trong phòng lên, trong phút chốc biến cửa sổ kính thành tấm gương trên nền trời tối bên ngoài, và tôi nhìn Cambridge[2] tan biến đi và nhường chỗ cho Alexandria hiện lên trên những ô cửa kính.


Bài luận về bài thơ “Tintern Abbey” thực ra không khó viết. Tôi đã viết bài của mình mới chỉ một tuần trước và đã nói tất cả những thứ sâu sắc bác học tôi có thể nghĩ ra về bài thơ này nên tối đó tôi đã viết thư thả như đi dạo chơi buổi tối. Vả lại cái bài luận này chẳng phải của tôi, điểm số thế nào cũng chẳng phải việc của tôi nốt. Một phần tôi chẳng quan tâm đến việc bài viết tốt xấu ra thế nào, đặc biệt là do lúc đó tôi vẫn còn đang hơi giận. Nhưng phải nói thật là chính nhờ cái mền bông để ủ chè đó mà tôi đã có một khoảnh khắc đầy cảm hứng, dù cho lúc đó tôi không hoàn toàn nhận thức được điều này—có cái gì đó về Wordsworth và tôi, về cô gái và căn phòng nọ, mà đến bây giờ, sau quá nhiều năm đọc các tác phẩm của Proust và Lombardi, tôi mới nhìn ra rằng khi đó đã có những dấu hiệu không thể nhầm lẫn chứng tỏ rằng một kỷ niệm sâu nặng sẽ nhờ đó mà nở hoa.


Thỉnh thoảng trong khi viết tôi lại đứng dậy, lúc thì để uống ly nước, khi thì để vào nhà vệ sinh hay chỉ là để nhìn ngó xung quanh căn phòng. Giờ đây tôi vẫn còn nhớ chỉ có chút ít ánh sáng chiều hôm rọi vào trong phòng, và cảm giác bất ngờ của tôi, ngay từ khi đó, lúc nhận ra rằng căn phòng nhỏ, tối và yên tĩnh này với cô gái kia và anh chàng sinh viên là tôi lúc đó lại có thể gắn bó với nhau gần gũi đến thế thông qua một bài thơ của Wordsworth nhan đề “Những dòng thơ viết lúc ở cách Tintern Abbey vài dặm khi đến thăm lại đôi bờ sông Wye.”


Đêm trước ngày Ngục Bastille[3], vào ngày 13 tháng 7 năm 1798, chàng trai Wordsworth khi đó 28 tuổi đã đi cùng em gái của mình đến Tintern Abbey, nằm trên sông Wye ở xứ Wales, là nơi ông đã từng đến thăm năm năm trước đó. Cũng vào đêm đó, ông đã viết một bài thơ để kỷ niệm chuyến đi về thăm chốn cũ. Bài thơ không chỉ gợi nhớ về phút giây hiện tại mà còn về chuyến đến thăm trước nữa, cũng như kỷ niệm của ông trong tương lai về cả hai chuyến đi này:


While here I stand, not only with the sense

Of present pleasure, but with pleasing thoughts

That in this moment there is life and food

For future years.


Dịch nghĩa:


Tôi đứng ở đây không chỉ cảm thấy niềm vui hiện tại

mà còn có cả những suy nghĩ thật dễ chịu

là vào lúc này ở đây có cả nhân tài và vật lực

cho cả những năm tương lai.


Wordsworth sợ hãi rằng mình sẽ mất đi kỷ niệm tương lai đó nên ở cuối bài thơ ông đã nhờ cô em gái mình, rằng nếu ông mất, xin cô hãy nhớ đến chuyến đi này hộ cho ông:


“Nor, perchance—

If I should be where I no more can hear

Thy voice, nor catch from thy wild eyes these gleams

Of past existence—will thou then forget

That on the banks of this delightful stream

We stood together...”


Dịch:


Nếu số phận đẩy đưa

Về nơi anh không thể

Nghe em kể bao lời

Thấy mắt em sáng ngời

Những vui buồn quá khứ

Thì mong em vẫn nhớ

Khi xưa có một ngày

Bên bờ suối vui này

Anh đứng cùng em nhé


Tôi có cảm giác là khi Wordsworth ở Tintern Abbey, ông đã ít nhiều làm đúng những gì mà tôi đang làm trong phòng ở của cô gái này: củng cố hiện tại bằng cách thử nghĩ về nó như kỷ niệm, thử trải nghiệm nó từ tương lai như một khoảnh khắc thuộc về quá khứ. Cái mà Wordsworth nhớ khi ở Tintern Abbey không phải là quá khứ mà chính là ông trong quá khứ cố gắng tưởng tượng về tương lai; và những gì khi đó ông mong đợi cũng không phải là tương lai mà chính là ông trong tương lai cố gắng tìm lại những kỷ niệm bị chôn vùi trong quá khứ[4].


Hành động này, trong ngạch tài chính, được gọi là “sự đầu cơ”, chỉ việc mua bán chứng khoán hay tiền tệ ở một thị trường này để bán lại ở một thị trường khác. Một khi đã có lợi nhuận, quy trình này lại bắt đầu một vòng mới, đôi khi những mua bán trao đổi tiếp sau lại sử dụng chính những lợi nhuận chưa thu được từ những thương vụ trước đó. Trong cách mua bán này, thiên hạ thực ra chẳng hề bán một hàng hoá nào theo đúng nghĩa trao tay, chứ đừng nói đến chuyện nhận về bất kỳ hàng gì. Thiên hạ chỉ phỏng đoán thôi, mà phần lớn những phỏng đoán này chẳng mấy khi có điểm gì chung với thế giới người thực việc thực của chúng ta. Một tay đầu cơ có thể có chỗ của riêng mình ở không chỉ một mà hai thị trường chứng khoán, kiểu như mấy tay nhà giầu có nhà riêng ở không chỉ một mà hai múi giờ khác nhau hay những người bị lưu đày tị nạn có hai quê hương ở toàn những chỗ hết sức sai lầm. Người ta cứ luôn mong về quê hương của mình, nhưng quê hương, như thiên hạ sớm nhận thấy, thực ra chỉ là chỗ mà ở đó người ta lại tưởng tượng hay nhớ về những quê hương kia.


Wordsworth rõ ràng là đã bị mắc vào cái trò đầu cơ kỷ niệm. Ông đã mua bên Thị Trường Thời Gian cái mà ông đã bán ở Thị Trường Nơi Chốn, vẫn biết rằng về cuối vụ tình cảm trao tay này ông sẽ lại vay mượn từ bên Nơi Chốn để mua bán từ bên Thời Gian cái mà ông sẽ lại bán lại cho Nơi Chốn và cứ tiếp mãi như vậy. Ông đã dựng xây tất thẩy từ không khí, theo cách mấy tay đầu cơ phỏng đoán biên lợi nhuận tương lai; ông cũng buông neo hiện tại trong quá khứ, và tương lai trong một quá khứ cảm nhận lại về sau. Phương pháp này của ông mang tính tĩnh lược: để có thể tập trung vào điểm A ta cần phải thiết lập điểm B, nhưng để làm được điều này ta nhất định cần phải có điểm A cái đã. Cũng như kiểu việc trông chờ một hiện thực[5] đôi khi chính nó lại biến thành một hiện thực.


Trong một vài trường hợp, Wordsworth lại sắp xếp niềm mong đợi một hiện thực này với kỷ niệm về những chờ đợi tương tự, và vì thế với chính những hiện thực khác trong quá khứ. Khi ông đến Tintern Abbey năm 1793, rất có thể ông đã nhớ về một chuyến đi trước đó của ông đến xứ Wales vào năm 1791. Điều này cũng gợi ý cho ta rằng vào năm 1798 khi ông viết bài thơ về Tintern Abbey, ông đã thêm vào đó cả tiếng vọng của một kỷ niệm nào đó trước nữa của mình. Ông không chỉ đã nhớ, mà còn nhớ cái cảm giác nhớ trước đó. Trong chuyến đi cuối cùng của ông tới Tintern Abbey vào năm 1841 ông không viết bài thơ nào hết mà thay vào đó ông đã viết những lời sau đây trong một bức thư ông gửi cho một người bạn của mình:


“Sau đó chúng tôi đi dọc theo sông Wye, mà cảnh vật đôi bờ của nó làm tôi thấy mừng vì được quay trở lại, để đến Tintern Abbey là nơi mà thứ Ba tuần trước tôi đã có vinh hạnh được gặp gỡ với Dora và cô Fenwick.”


Cứ nghĩ là người viết những lời trên chính là tác giả của bài thơ có thể được coi là bài thơ gây xúc động lòng người nhất trong nền văn chương Lãng Mạn Anh, và có lẽ là bài thơ nhiều tính hùng biện nhất về chủ đề kỷ niệm đã từng được viết, tôi đồ rằng mấy dòng trên đã bị tác giả cố tình làm cho thành ra...chán ngắt. Nhưng có lẽ chẳng phải ông đã cố tình làm vậy. Có lẽ đây chỉ là cái kiểu mà ông già Wordsworth phản ứng với một tình huống đã trở nên quá xương xẩu đối với trí tưởng tượng thơ ca của ông. Lúc đó ông đã viết xong khúc bi thương tục lụy về bước tái hồi của ông đến Tintern Abbey. Để có thể viết thêm một bài thơ nữa về Tintern Abbey vào năm 1841, ông sẽ phải viết một bài thơ để kỷ niệm không chỉ chuyến đi đó mà còn ít nhất ba chuyến đi khác của ông đến vùng này.



Cuối cùng tôi cũng viết xong bài luận về Wordworth. Sau khi đã xé những trang giấy viết bài màu vàng có dòng kẻ ngang ra khỏi quyển sổ và đóng ghim chúng thật gọn gàng vào với nhau rồi đặt cả tập lên trên bàn của cô nàng lắm chuyện tôi bỗng thấy mình ngồi trước trang giấy trống của quyển vở. Không nghĩ ngợi nhiều, tôi bắt đầu viết về chuyến tái hồi đến một nơi là Tintern Abbey của chính tôi.


Trong câu chuyện này, một thanh niên đã trở về Alexandria. Chuyến đi đó, tuy thế, lại không phải là một chuyến đi quan trọng và có chủ định. Anh chàng đã về Alexandria bởi chiếc tàu chở anh ta trên đường đến Hy Lạp bắt buộc phải neo lại đây để sửa chữa. Khi người ta sửa đi chữa lại những hỏng hóc không lấy gì làm nghiêm trọng trên tàu, anh thanh niên quyết định sẽ nhân cơ hội vụ nằm chờ bất đắc dĩ này để dạo một vòng quanh cái thành phố mà cả thập kỷ trước anh ta đã từng biết rất rõ. Anh ta mặc một cái quần vải flannel sẫm mầu trên là cái áo sơ mi trắng nhàu nhĩ. Do chẳng có chỗ nào khác để đi, anh ta thấy mình cứ đến gần nghĩa địa dân Do Thái của thành phố nơi anh ta quyết định sẽ đến thăm mộ của ông nội mình. Đường phố rất bụi bặm, giống những con đường không trải nhựa khác của tất cả các vùng ven Địa Trung Hải.




Đứng bên ngoài nghĩa địa, anh gõ nhẹ vào cánh cổng; khi không nghe thấy tiếng trả lời anh gõ lần nữa, lần này mạnh hơn. Cuối cùng cũng có tiếng ông già canh nghĩa trang làu bàu gì đó và mở cổng. Chốn xưa vẫn giống hệt như những gì anh nhớ: một hàng cây, một con đường trải sỏi, những lối mòn nối mộ này với mộ nọ lạo xạo tiếng đá cuội dư`ới chân trong không gian yên tĩnh buổi sáng hè. Anh nhìn ngắm những bia mộ cũ xung quanh rồi chỉ để bắt chuyện anh hỏi ông bảo vệ già là ông làm gì để sống qua ngày khi mà chẳng còn mấy ai đến thăm cũng như đã hết rồi những “khách hàng” Do Thái. Ông già chỉ về phía một cái tủ đá Coca-Cola. Mấy sinh viên khi đến trường cũng như lúc tan học về thường rẽ qua mua một chai Coca. Cả khu này là khu nghĩa địa của Alexandria nên mọi người vẫn thường hay đến. Trong khi họ nói chuyện, anh nghe thấy có tiếng cục tác của đàn gà đang thẩn thơ tìm mồi trong đám cỏ giữa các ngôi mộ. Cũng giống như những người Bedouin[6] khác sống ở Ai Cập, ông lão bảo vệ còn bán trứng tươi gà nhà đẻ để kiếm thêm chút tiền.


Sau đó anh thanh niên và ông già bắt đầu tìm kiếm mộ của ông nội anh. Cả hai người đều chẳng biết phải tìm ở đâu. Anh nhớ lại lần cuối cùng anh đến nghĩa trang này cùng với cha anh khoảng mười năm trước đó rồi cứ lần mò tìm kiếm giữa những tấm bia mộ hình thù kỳ quặc và bỗng nhiên thấy cái bia mộ mà anh đang tìm. Khi nhìn vào những chữ khắc đã mờ trên tấm bia, anh chợt hiểu ra là trừ phi anh cố gắng nhớ thật kỹ vị trí của nó, anh sẽ chẳng bao giờ tìm lại được ngôi mộ này một lần nữa.


Ông lão, lúc trước vừa đi về lều của mình, quay lại mang theo một xô nước để rửa tấm bia đá. Anh thanh niên múc nước dội lên hòn đá nắp mồ một cách tỉ mỉ với sự nhiệt tình quá mức như để cố tránh phải tự vấn là tại sao anh lại trở lại nơi này và anh hy vọng tìm thấy cái gì ở đó. Anh hỏi xin đứa con trai ông già canh nghĩa địa một chai Coca và thằng nhỏ mang chai nước ra, cả hai tay cầm cổ chai như kiểu nó xách cổ một con gà mái hay giãy giụa. Anh đã làm một việc mà anh nhớ cha anh đã bảo anh không bao giờ được làm: anh đã để chai nước lên trên mặt đá cẩm thạch sáng bóng và phẳng phiu trên nắp mộ rồi nhảy lên ngồi trên tấm đá còn ấm hơi nóng mặt trời. Hôm đó là một ngày trời nắng đẹp. Anh cảm thấy mồ hôi chảy khắp người và tự nhủ rằng càng về sau thì trời sẽ càng nóng nữa. Anh châm một điếu thuốc. Anh thả chân xuống lơ lửng gần sát mặt đất. Trông anh tựa như đang ngồi trên thành bể bơi chứ không phải trên mộ của ông nội anh.


Và trong lúc ngồi như thế dưới cái bóng bé tí tẹo của một cây cọ, anh chợt quay sang nghĩ về bãi biển, đặc biệt là những bãi biển của Ai Cập, và cả cách mà anh đã nhớ đến những bãi biển này, lúc đầu là ở ý, sau đó là ở New York. Anh cũng bất ngờ nhận ra một điều là nếu như ngồi nguyên chỗ anh đang ngồi, anh chỉ cần nghiêng đầu một chút rồi nhìn qua bức tường của nghĩa địa thì anh sẽ nhìn thấy vùng biển mà anh yêu thích nhất trên khắp thế giới chỉ cách chỗ anh ngồi chưa đầy hai phút đi bộ.


Anh nhớ lại là lần cuối cùng anh nhìn thấy tấm đá nắp mộ này anh đã nghĩ đến nước ý, một đất nước anh chưa bao giờ đặt chân đến và chẳng hiểu sao lại làm anh sợ hãi. Khi đó cha anh đã mua vé cho cả gia đình trên một chiếc tàu biển chở khách của ý, một người chú của anh thì đã hứa là sẽ gặp họ ở Naples. Giờ đây, ý nghĩ về những bãi biển của Ai Cập làm anh ước ao được nhìn thấy những đài phun nước của Rome, đặc biệt là trong những ngày hè Italia nóng bỏng khi mà một vòi phun nước trong một ngõ chợ đông người là cái gần nhất với bãi biển mà một kẻ tị nạn nghèo có thể mơ tới. .



Trong suốt ba năm mà gia đình tôi sống ở Italia ngay sau khi chúng tôi bị trục xuất khỏi Ai Cập, bố mẹ tôi có ít tiền đến nỗi mà mẹ tôi phải sửa quần áo cũ của bố tôi để tôi mặc. Công việc này thường làm bà bận rộn hàng tuần liền. Bố tôi có vài cái quần bằng vải flannel nên có thể bớt đi một hai chiếc để cho tôi mặc. Vì thế nên giống với chàng trai trong câu chuyện của tôi, tôi thấy mình lúc nào cũng mặc những cái quần bằng vải len xám, lắm khi đến tận cuối xuân đầu hè. Tôi đã phát sợ cái cảm giác không thể nào mà chịu nổi khi sợi len cọ vào người, đặc biệt là khi thời tiết nóng. Tôi cũng học được cách đoán chính xác mỗi khi cái cảm giác khó chịu này tăng lên là mùa hè đang đến rất gần. Nhiều năm sau này có một lần ở New York tôi mặc quần bằng vải len và ngay lập tức tôi thấy một cảm xúc gần giống như nhục cảm trào dâng khi vải quần cọ vào đùi tôi, đưa tôi quay trở lại những ngày ở Rome khi mà mỗi lần sợi len cọ vào chân làm tôi hết chịu nổi thì tôi lại chạy đi tìm một đài phun nước, nơi tôi có thể ngồi mà thả mình bay bổng với ảo tưởng là tôi đang ở rất gần Ai Cập, với bạn bè và những người họ hàng của tôi, với cả một thế giới mà tôi mong được lấy lại: cả những mùi thơm và nắng ấm, những tia sáng nhảy múa và vị quả chín ngọt trên môi, tiếng lạo xạo của xe hơi tắt máy đẩy đi trên sỏi, cả tiếng ruồi bay, tiếng người bán hàng rong, những âm thanh của các quảng trường thành phố chật người ra về sau những buổi lễ nhà thờ ngày chủ nhật. Ngồi bên một đài phun nước trong một ngày nóng nực tôi có thể làm cho mình tin rằng chỉ cần bầu trời trong xanh thêm một chút thôi thì cả thành phố Alexandria rực sáng sẽ hiện lên, giống như mặt biển xanh trong và mát lạnh đã hiện ra ở phía chân trời trước mặt những chiến binh Xenophon khi họ thất vọng lê bước hồi hương trên những sa mạc vùng Tiểu á. Bằng cách đi vòng tròn tôi đã có được tình yêu với Rome do tôi đã trao cho nó những hoài niệm về quê nhà đầu tiên của tôi—và vải len hay cái nóng nực hay mồ hôi đều là những cái giá tôi sẵn sàng trả để có được tình yêu đó, như mùi phân ngựa quanh khu chuồng ngựa Claremont ở New York là cái giá một cư dân mới đã sống cả đời nơi trang trại phải trả để có được tình yêu với nơi ở mới này.


Đây cũng là một trò đầu cơ kỷ niệm. Khi ở trong căn phòng của cô gái kia ở Cambridge, tôi không chỉ nhớ lại cái cảm giác tôi đã có ở Rome, cái cảm giác đã mang lại cho tôi những hồi tưởng về Alexandria khi đó. Ngay cả sau này khi tôi quay trở lại Alexandria vào năm 1995, có lúc khi tôi đang nhìn thấy Địa Trung Hải mà tôi yêu quý xuyên qua những phố hẹp dẫn ra biển tôi bỗng thấy lòng tràn ngập nỗi nhớ mong về chỗ đại lộ West End cắt phố 106 mà đâm ra sông Hudson ở New York, là nơi lâu nay đã trở thành chỗ yêu thích nhất của tôi trên thế giới chỉ vì nơi đó gợi cho tôi nhớ đến Alexandria. Khi ở Alexandria thì ngược lại tôi lại cảm thấy nhớ New York, nơi mà ở đó tôi đã tạo dựng một Alexandria của riêng tôi, bằng cách của mấy tu sĩ đạo Do Thái bị lưu đầy khi nhớ quê hương thì tạo ra hình ảnh của quê hương trên giấy, có lẽ chỉ để nhận ra rằng họ tôn thờ mảnh giấy còn nhiều hơn quê hương của mình.



Trong câu chuyện của tôi, khi ánh nắng trở nên quá gay gắt và không khí quá nóng, chàng trai nhảy từ trên phiến đá nắp mộ xuống đất rồi đi về phía cái lều của ông già canh cổng. Anh tặng cho ông già 20 đô-la, số tiền có lẽ nhiều hơn thu nhập cả tháng của ông. Ông già do dự một lúc nhưng cuối cùng cũng nhận tiền và mời anh uống thêm một chai Coca nữa. Việc này làm chàng trai nhớ đến câu chuyện trao đổi vũ khí không công bằng giữa Glaucus và Diomedes và anh cầm chai nước.


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Tôi đã tạo ra một Ai Cập khác, một Ai Cập phản chiếu trong gương, một Ai Cập vượt ra ngoài biên giới thời gian (ảnh của Iraida Icaza)




Nhưng ngay sau đó ông lão quay người đi vào trong lều rồi quay ra tay cầm một vật nhỏ được gói trong một tấm vải trông giống như một tấm khăn tay cũ. Đó là một chiếc bật lửa cổ bằng bạc có chạm khắc, có lẽ là do một người Do Thái nào đó đến thăm mộ nhiều năm trước đây và bỏ quên. Có lẽ cách người đó đến nghĩa trang này cũng gần giống với cách của chàng trai, lang thang đây đó một chút, châm một điếu thuốc, hút xong rồi đi và để quên cái bật lửa. Chàng trai cảm thấy hết sức ngạc nhiên khi thấy là ba chữ cái đầu tên người chủ cũ giống y hệt những chữ viết tắt tên chàng. Chàng trai biết cái bật lửa này không phải của mình. Chàng chưa bao giờ có một cái bật lửa nào như thế. Phải chăng người đến trước kia đã để lại cái bật lửa này cho chàng? Khi chàng quyết định đến thăm nghĩa trang, chàng chẳng biết mình sẽ đến để tìm kiếm cái gì, cuối cùng thì cái bật lửa này chính là cái mà chàng đã tìm thấy.


Cốt truyện thực sự là đơn giản nhưng đó chính là điều bí ẩn, hay sự hiển linh mà trí tưởng tượng của tôi đã bịa ra vào cái đêm cuối thu lúc đó ở Cambridge. Phải mất nhiều năm sau tôi mới hiểu ra ý nghĩa của món quà mà tôi đã sáng tạo ra trong câu chuyện. Cái bật lửa đó chắc chắn phải thuộc về chàng trai nọ, mà người đó, tất nhiên, lại chính là tôi. Anh ấy/tôi đã quay trở về nghĩa địa từ trước đó mặc dù chúng tôi không hề nhận ra điều này. Nhiều năm trời ròng rã ngày nào chúng tôi cũng đã trở lại chốn xưa, để lại chiếc bật lửa của chúng tôi cho ông già Bedouin giữ hộ, chỉ để nhắc nhở bản thân rằng ở Ai Cập chúng tôi đã mãi mãi để lại một phần của mình phía sau lưng, cái phần mà chưa bao giờ và chắc cũng chẳng bao giờ lên tầu để đi xa.


Phải nói thực là tôi chưa bao giờ kết thúc câu chuyện này cả. Bốn năm sau khi tôi bắt đầu viết nó, có một lần tôi đã thử viết lại, trằn trọc gần hai tháng trời rồi cuối cùng tôi lại bỏ. Và rồi một lần cuối cùng, cũng là vào một ngày cuối thu ở New York, tôi lại trở lại với câu chuyện còn dang dở, lúc này thì hình như tiết cuối thu gợi cho tôi nhớ đến Ai Cập ít hơn là nhớ đến ước mong của tôi được viết về Ai Cập. Lúc đó, tôi đang ngồi làm việc ngoài hiên, và bỗng nhiên khi tôi xoay ghế để tránh nắng tôi bỗng nhớ lại là ở Ai Cập, ánh nắng mặt trời chói chang đến mức mà người ta lúc nào cũng phải nheo mắt và phải tránh nhìn thẳng vào bất kỳ thứ gì--và đấy cũng là lý do tại sao mà người ta chẳng bao giờ có thể nhìn trực tiếp xuống biển. Hơn thế nữa, điều này cũng là lý do tại sao mà việc không nhìn thấy biển, ít ra là đối với tôi, đồng nghĩa với việc là biển chỉ ở đâu đó rất gần xung quanh. Trong câu chuyện mà tôi viết lại ngày hôm đó, chàng trai đã nhớ lại những bãi biển thời thơ ấu của mình không phải vì anh đang thả chân xuống như lúc ngồi bên bể bơi mà vì ánh mặt trời phản chiếu vào phiến đã cẩm thạch đặt trên nắp mộ đã làm mắt anh nhoà đi trong giây lát.



Rất có thể tình yêu của tôi đối với những viễn cảnh huy hoàng của biển cả không phải là đã được bắt đầu từ những bãi biển của Alexandria như tôi vẫn thường nghĩ, mà là vào lúc đó trên hiên nhà ở New York, lúc tôi biết yêu mặt trời mùa hè không phải lúc chói chang tháng Sáu mà lúc dịu dàng tháng Mười. Tương tự như một tay hướng dẫn viên du lịch láu cá đang dẫn khách đấn thăm một điểm khai quật khảo cổ và giả vờ vấp ngã rồi nhặt lên một pho tượng nhỏ hắn ta đã cố tình đặt ở đó vài ba hôm trước, tôi bắt đầu muốn gộp luôn cái tình yêu mới có này vào với thành phố tôi đã sống thời thơ ấu. Tôi muốn hồi hương với mọi kỷ niệm, với tất cả mọi thứ khác kể cả kỷ niệm về lần chập chững học nghề viết văn đêm đó ở Cambridge, lúc mà tôi đã cố công nhồi nhét tất cả những gì tôi đã biết và đã hiểu vào một căn phòng nhỏ thông qua những lối đi vòng vèo của trí nhớ.



[1] “Fin d’été”-- “Cuối hè”, tiếng Pháp trong nguyên bản.


[2]Khu vực của trường Harvard ở Boston cũng có tên là Cambridge, tên thành phố và trường đại học nổi tiếng ở Anh.


[3] Nhà ngục ở Paris, bị phá ngày 14-7-1798 là sự kiện mở đầu cách mạng tư sản Pháp. Ngày kỷ niệm là quốc khánh Cộng Hoà Pháp.


[4] “...retrieving the bones he buried in the past”, “...đào bới lại những cục xương ông đã chôn vùi trong quá khứ”, tiếng Anh trong nguyên bản, là một thành ngữ tiếng Anh có sử dụng hình ảnh liên quan đến thói quen của chó hay chôn xương để thỉnh thoảng đào lên gặm.


[5] “epiphany”, “sự hiển linh của các đấng tiên tri”, từ tôn giáo chỉ việc ra đời của các đấng thiêng liêng được coi là do Chúa Trời đưa xuống, thường được dự báo trước trong các bộ kinh của các tôn giáo, gây ra tâm lý trông chờ và đồng thời cả hoài nghi trong dân chúng. Dịch thoát là “hiện thực” với ý là “(cái gì đó được chờ đợi) trở nên một thực tế”


[6] Người Bê-đoanh, một tộc người du mục gốc ả-rập sống ở sa mạc giữa Ai Cập và Israel trên bán đảo Sinai, giờ đã hoà nhập dần vào cuộc sống của người Ai Cập, vẫn bị coi là công dân hạng hai.







Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |