Jump to content

Advertisements




CHUYỆN VỀ ÔNG THẦY TƯ


2 replies to this topic

#1 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/11/2014 - 07:41

Trước tiên con xin phép ông Tư cho con được kể một vài chuyện của ông cho mọi người nghe.

Dạo trước có một thời gian tôi công tác ở vùng Đồng Tháp Mười. Xứ sở của hoa sen, tràm và muôn vàn loài chim cò. Những đoá hoa sen màu hồng nhạt, nhụy vàng tô điểm trên một nền lá xanh bát ngát của những cánh đồng sen. Bà con vùng này trồng giống sen Đài Loan bông rất to, bán được giá hơn so với giống Việt Nam. Lúc đầu hạt sen xuất khẩu sang được Trung Quốc, Đài Loan, được nhà nước khuyến khích nên bà con nông dân trồng rất nhiều.

Chạy ngang qua những cánh đồng sen vào buổi sáng, hương thơm của sen, màu sắc tươi thắm của sen, cảm giác rất là dễ chịu làm sao. Sau một thời gian phong trào trồng sen tàn lụi nhanh chóng, khách Đài Loan mua giá rẻ người dân bán không tiền. Thêm vào đó nạn chuột phá sen nhiều quá. Ban đêm mấy chú tí cứ chạy ra lựa mấy đài sen có hạt to nhăm nhi một vài hột sen thôi. Những đài sen đó không xuất khẩu được phải tách ra để nấu chè hạt sen ăn chơi cho mát. Giăng lưới, bẫy chuột nhưng cũng không bắt hết được các chú, bà con bỏ luôn nghề trồng sen.

Chỉ còn lác đác vài người trồng dọc hai bên đường quốc lộ để bán cho khách phương xa. Nếu các bạn có về vùng đó, sẽ thấy dọc hai bên đường có những căn chòi nhỏ hay đơn giản chỉ có một cái bàn, một cái ghế, một rổ sen, một rổ ấu, người bán ngồi đó vẫy vẫy tay mời bạn mua.

Củ ấu có màu tím than khi còn sống. Nấu chín vỏ sẽ có màu đen , bên trong toàn là tinh bột màu trắng, có thể làm bột ấu tương tự như bột mì. Ăn vào thấy bùi bùi, ngòn ngọt. Sen mất giá bà con chuyển sang trồng củ ấu. Bông ấu màu trắng nhỏ xíu lá ấu cũng nhỏ xíu. Giống như cây bông súng thu nhỏ lại. Tới mùa thu hoạch người ta chèo xuồng ra dỡ từng cụm bông ấu lên, phía dưới rất nhiều quả ấu nhìn rất thích. Hái ấu xong rửa sạch đem luộc, bỏ vào bao kín để ủ nóng, bán bao nhiêu thì lấy ra bấy nhiêu.

Cây bông súng có đặc điểm rất lạ, hễ nước cao bao nhiêu là thân nó dài bấy nhiêu. Mùa nước nổi về nước lũ dâng cao, có người nói hôm nào đói bụng lặn xuống hái một cọng bông súng, nó dài tới nỗi ăn xong khỏi ăn bữa trưa. Hôm nào rảnh sẽ kể chuyện mùa nước lũ và chim cò ở vùng này cho các bạn nghe. Bây giờ quay lại câu chuyện chính.

Tôi mướn một căn nhà ở đó để tiện cho công việc. Ông bà chủ thường hay ngồi nói chuyện với tôi lúc rảnh rỗi. Nói đủ thứ chuyện trên đời từ chính trị, kinh tế, sức khoẻ... cho đến cuộc sống thuở thiếu thời đầy khó khăn của ông bà. Nói đến sức khoẻ, ông bà có một người con rể bị ung thư máu chết. Lúc đầu trị bằng Tây y nhưng không hết, sau chuyển sang thuốc bắc, thuốc nam cũng không hết. Cuối cùng nghe người ta chỉ đường tới nhà ông thầy tư để hốt thuốc.

Ông thầy này tuổi chừng sáu mươi, mắt bị mù. Bà con thường hay gọi là ông Tư mù, trị bệnh bằng thuốc bắc và có tài bắt mạch từ xa. Đến nơi, ông bắt mạch cho chàng rể và nói hết cách cứu rồi, chỉ cho thuốc uống giảm đau đớn và cho biết trước ngày mất của anh này. Đến thời gian đó thì anh mất.

Tính tò mò của tôi lại nảy lên, tôi quyết đi tìm sự thật cho rõ. Sẵn dịp tôi bị viêm xoang mãn tính, trị hoài không hết, mổ cũng không hết, mà cứ ngứa ngáy dị ứng toàn thân khi trời lạnh. Sáng hôm sau tôi lên đường đến nhà ông. Chạy vòng vo một hồi, tôi cũng đến được nhà ông Tư. Ông làm việc từ tám giờ sáng đến bốn giờ chiều. Tôi đến lúc bảy giờ sáng, còn sớm, tôi bước vào nhà chào hỏi ông.

Khách bốn, năm người đã đến trước tôi, đang ngồi uống trà trò chuyện với ông. Ông kể chuyện về cuộc đời của ông như sau:

"Cha ông mất sớm, mẹ ông tái giá, cậu ông thấy ông bị mù nên thương tình đem về nuôi. Lớn lên một chút sợ không ai chăm sóc ông, cậu mợ ông mới cho ông đi học đờn ca làm nghề kiếm sống qua ngày. Lớn lên một chút nữa ông đi đờn cho gánh cải lương, phiêu bạt vài năm. Gánh cải lương tan rã, ông đi theo mấy đoàn "sơn đông mãi võ" để sống lay lắt qua ngày.

Một hôm trên đường đi qua vùng An giang, có một ông lão thấy ông và bảo:

- Bàn tay của con là bàn tay "phục dược", theo ta về núi học nghề thuốc mà giúp đời.

Ông theo thầy về núi học nghề thuốc. Một thời gian sau ông ra nghề để kiếm sống và cứu đời.

Thanked by 4 Members:

#2 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/11/2014 - 07:56

Chuông đồng hồ kêu bong bong. Nhìn lên thì thấy đúng tám giờ, ông bắt đầu làm việc. Ai tới trươc thì khám trước. Tôi đang tò mò tự hỏi:

"Tại sao một người mù có thể bắt mạch hốt thuốc được, mà có thể bắt mạch từ xa mới ghê, mà hành nghề gần ba chục năm rồi, nếu là lang băm thì đâu thể tồn tại lâu như vậy. Mà bắt mạch từ xa là như thế nào...Thôi để xem đã."

Người khách đầu tiên là một anh đàn ông trung niên, anh này ngồi xuống ghế đợi ông bắt mạch. Ông Tư lấy một cái túi nhỏ hình vuông chừng một bàn tay, kê tay bệnh nhân lên đó và ông bắt đầu bắt mạch. Ông nói vanh vách bệnh tình của anh này và bảo có thể hết nếu chữa trị đàng hoàng. Tôi vẫn chưa tin:

"Có thể dàn cảnh đây, đợi chút nữa xem sao."

Ông bắt đầu hốt thuốc, bên cạnh ông là tủ thuốc có nhiều ngăn giống như ngoài tiệm thuốc bắc. Ông lần mò hốt ngăn này một mớ, ngăn kia một mớ, xong bảo người bệnh gói lại. Thang nào xong ghi lại số thứ thứ tự. Xong ông cầm mấy thang thuốc chia ra hai tay đập đập vào nhau, lầm rầm gì đó trong miệng mà tai tôi không nghe được.

Tiếp tục ông đi lại bàn thờ, cũng cầm hai tay mấy gói thuốc đập đập vào nhau, ông nghiêng người lạy một cái. Cuối cùng ông bỏ vào bịch và tính tiền, sáu thang thuốc bằng 500 ngàn, chín thang bằng 800 ngàn. Eo ui, hơi bị đắt.

Người thứ hai, cũng là một anh đờn ông trung niên, nhưng anh này bắt mạch cho cha của ảnh, sức khoẻ yếu quá đi không nổi. Màn hay nhất mà tôi chờ đợi đã đến. Tôi im lặng quan sát. Ông Tư bảo anh này đưa tay để lên chiếc gối nhỏ để bắt mạch. Ông hỏi tên tuổi, địa chỉ nhà của cha anh này.

- Dạ, Nguyễn A, sáu mươi lăm tuổi, ở ấp Kênh Cụt.

Ông lầm bầm đọc thần chú bằng tiếng Phạn (tôi đoán như thế và cũng không nhớ rõ là gì):

- .. Um ra tê... Mau tìm Nguyễn A, sáu mươi lăm tuổi, ở ấp Kênh Cụt.

Một phút sau ông bảo:

- Nó bảo đến nhà mà tìm không thấy ông Nguyễn A nào, ông cụ có tên nào khác không?

- Dạ, ông Năm móc.

- Mau tìm ông Năm móc... uh ra tê... Rồi thấy rồi, ông này bị viêm gan, thận ứ nước vàng rồi, lúc trước bị một lần rồi hết, sau đó uống rượu lại nên tái phát nặng hơn. Bệnh này giai đoạn cuối rồi chú ơi. Chuẩn bị lo tang sự cho ông cụ, nhưng về đừng cho ông cụ biết, sợ ông cụ buồn. Bây giờ chỉ hốt thuốc để giảm đau, ăn được ngủ được, âm thầm chuẩn bị tang sự, chắc đến tháng sáu là mất. Chú em có hốt thuốc không?

Anh này nghe nói thấy giật mình không hiểu tại sao ông Tư lại biết bệnh tình của ông cụ nhà mình như vậy. Anh có phải là dân ở đây đâu. Cuối cùng anh lấy thuốc và buồn bã ra về.

Tôi bắt đầu đổ mồ hôi hột, thấy lành lạnh.

Thanked by 3 Members:

#3 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/11/2014 - 08:38

Tiếp tục một chị gái trạc chừng ba mươi mấy tuổi, chị này cũng bắt mạch cho ông cụ ở nhà. Chị cũng nói tên tuổi người bệnh, địa chỉ cho ông Tư nghe. Ông bắt đầu bắt mạch, thao tác cũng giống như lần trước. Xong ông bảo:

- Ông cụ bệnh xương khớp đau nhức toàn thân, nói chung chữa đươc. Nhưng sao ông cụ không ở trong nhà, mà lại ra ngoài vườn nằm. Bệnh này tránh gió lạnh. Cô kêu ông cụ vào nhà nằm đi.

Cô này mới lật đật điện thoại về nhà, mới biết cha mình đang nằm võng ngoài vườn cho mát. Hốt thuốc, trả tiền xong, cô ra về. Ông Tư nói:

- Thuốc này là thuốc bắc ông phải mua nên không miễn phí được.

Mà sao tôi thấy các vị thuốc na ná giống nhau, nếu khác thì cũng chút ít. Tới chị khách thứ bốn, chị này tái khám hốt thuốc uống cho dứt bệnh. Chi ngồi xuống và kể:

- Chị và người bạn đều bị bướu cổ. Bạn chị phẫu thuật trước, vài tháng sau bướu di căn và chết. Chị sợ quá không dám phẫu thuật. Nghe có người chỉ, chị tìm xuống đây uống thuốc bắc của ông Tư, bây giờ bướu đã tan, uống thêm mươih hai thang thuốc này nữa là khỏi bệnh.

Ông Tư bắt mạch xong, cho thuốc cho chị uống. Ông nói:

- Khoẻ rồi, lần này là hết rồi, khỏi uống nữa .

Người thứ năm cũng bình thường bệnh trị được. Ông nói bệnh ung thư giai đoạn đầu thì chữa được, chứ xuống đây toàn thuốc Tây bó tay mới uống thuốc ông Tư, bệnh đã giai đoạn thử ba hay cuối, hồng cầu đã bị hư gần hết cứu không được.

Cuối cùng, cũng tới lượt tôi. Tôi vẫn chưa tin lắm. Tôi không nói gì hết về bệnh của mình để thử xem ông giỏi đến đâu. Ông bắt mạch kể vanh vách bệnh của tôi và nói trị được. Tôi hốt tám thang về uống. Sẵn xem công hiệu như thế nào. Tôi về mua siêu thuốc bằng điện của Đài Loan. Một tháng uống ba lần, sáng trưa chiều. Uống vào thuốc ép phê liền, bệnh viêm xoang, dị ứng của tôi giảm hẳn. Hết thuốc, tôi chạy xuống nhà ông hốt thuốc tiếp.

Ông bắt mạch cho tôi và bảo:

- Chú em bỏ một bữa thuốc hả? nhớ uống đầy đủ để mau hết bệnh đừng bỏ bữa thuốc nhe.

Tôi bỏ một lần uống thật. Vậy mà ông Tư cũng biết, hay vậy. Chắc có người theo dõi tôi. Hốt thuốc lần thứ hai, về uống không ép phê như lần trước. Tuy nhiên bệnh tình cũng thuyên giảm.

Tự nhiên anh con rể thứ hai của bà chủ nhà trọ của tôi bị phát bệnh. Anh này người to cao lực lưỡng, đang mạnh khoẻ. Đi nhậu về, hôm sau ngồi dậy không được, đau nhức toàn thân. Cả nhà tức tốc đem lên Thành phố chữa trị. Bác sĩ bảo bị viêm tủy cột sống, chữa không được. Nằm chừng một tháng, Tây y bó tay. Cả nhà đành phải chạy xuống ông Tư để hốt thuốc cho anh.

Anh giờ nằm liệt một chỗ không đứng dậy được. Uống thuốc một thời gian, kỳ lạ anh bắt đầu cử động được. Sau đó kết hợp với vật lý trị liệu. Khoảng một năm thì anh hết bệnh. Thật là kỳ diệu. Tưởng chuyến này tiêu anh rồi.

Còn bệnh của tôi, sau khi uống chuyến chót, có thuyên giảm nhưng không hết hẳn. Chắc tôi không có duyên với ông. Một điều nữa thuốc của ông đắt quá, người nghèo chắc chữa không nổi. Những điều tôi tận mắt mình nhìn thấy ở ông Tư giúp tôi hiểu biết thêm về tâm linh. Ông Tư không bói toán. Có lần có người nhờ chuyện đó, ông Tư nói ngay là:

- Tui chỉ trị bệnh cứu người, không có bói toán gì cả. Thuốc bắc phải mua nên không miễn phí như thuốc Nam được xin bà con thông cảm.

Suy nghĩ một người có thể nhờ âm binh tìm nhà và bắt mạch từ xa, là một điều huyền bí, một điều kỳ lạ về tâm linh. Khả năng hiểu biết về tâm linh của tôi rất hạn hẹp, nên tôi viết bài chia sẻ với mọi người.

sangminh2006

Thanked by 5 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |