Jump to content

Advertisements




LUẬN BÀN VỀ CHỮ “MỆNH” HAY SỰ CHUYỂN BIẾN TRONG QUAN NIỆM “THIÊN MỆNH” THỜI TRUNG HOA CỔ ĐẠI


2 replies to this topic

#1 maphuong

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 691 Bài viết:
  • 1242 thanks

Gửi vào 20/08/2013 - 14:02

Người sáng lập ra Nho gia là Khổng Tử (Kongzi; 551 - 479 trước Công nguyên)

Trong quan niệm về thế giới, tư tưởng của Khổng Tử chứa những mâu thuẫn.

Một mặt, khi chống lại chủ nghĩa thần bí, tôn giáo đương thời, ông thừa nhận sự vật, hiện tượng trong tự nhiên luôn luôn tự vận động, biến hóa, không phụ thuộc vào mệnh lệnh của Trời. “Trời có nói gì đâu, mà bốn mùa vận hành, vạn vật sinh hóa mãi mãi” (Luận ngữ, Dương Hóa); hay “ cũng như dòng nước chảy, mọi vật đều trôi đi, ngày đêm không ngừng, không nghỉ” (Luận ngữ, Tử Hãn). Đó là yếu tố duy vật chất phác và tư tưởng biện chứng tự phát của ông.

Mặt khác, ông lại cho rằng, Trời có ý chí và có thể chi phối vận mệnh của con người (Thiên mệnh). Đó là yếu tố duy tâm khách quan trong quan điểm của ông. Ông nói: “Đạo của ta thi hành ra được, cũng do mệnh Trời, mà bị bỏ phế, cũng là do mệnh Trời” (Luận ngữ, Hiến vấn); “làm sao có thể cải được mệnh Trời”. Hiểu biết mệnh Trời là một điều kiện tất yếu để trở thành con người hoàn thiện, là người quân tử.

Trong Luận ngữ có câu mà nhiều người thuộc lòng, nhưng không hiểu hết ý nghĩa của nó: “Ngũ thập, tri thiên mệnh”. (Năm mươi tuổi biết mệnh Trời).

==========================
Mạnh Tử (Mengzi; tên thật là Mạnh Kha, tự Tử Dư; khoảng 372 - 289 trước Công nguyên), là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục thời Chiến Quốc. Người đất Châu nay thuộc tỉnh Sơn Đông. Học thuyết Nho gia của Khổng Tử được Mạnh Tử bổ sung, sau này gọi là “đạo Khổng Mạnh”. Tuy nhiên, quan niệm của hai ông về “thiên mệnh” có phần khác nhau.

Mạnh Tử tin ở “mệnh trời" (thiên mệnh), cho rằng "mệnh trời" quyết định giới tự nhiên và nhân sự xã hội, từ đó nêu lên nghĩa vụ phải "biết trời", "thờ trời", nêu lên quan niệm "thiên nhân hợp nhất" (trời làm sao, người như vậy), đồng thời chủ trương "dưỡng tâm", "quả dục" để trở về với tính thiện, với ý trời.

===========================
Tuân Tử (Xunzi; 315 - 236 trước Công nguyên), sống sau Mạnh Tử khoảng hơn 40 năm. Ông được Sử KýHán Thư coi là một nhà lý luận sâu sắc của trường phái Nho gia thời Chiến Quốc.

Tuy nhiên, đôi khi Tuân Tử tự tách khỏi tư tưởng chính thống của đạo Nho. Tuân Tử thẳng thừng bác thuyết “Thiên mệnh”, cho rằng giữa trời và người chả quan hệ gì đến nhau: "Việc trời theo đạo thường. Không vì vua Nghiêu mà đạo còn, không vì vua Trụ mà đạo mất. Theo Trời mà thịnh trị là tốt, theo Trời mà loạn lạc thì dở" (Thiên luận).

Về quan niệm tính người, nếu Mạnh Tử coi tính người là vốn thiện, vì tính là do Trời ban cho, ắt phải thiện; thì Tuân Tử, ngược lại, coi tính người vốn ác, cái thiện là do con người cố gắng tu dưỡng mà thành. Do lập luận "tính người vốn ác", nên Tuân Tử nhấn mạnh sự cần thiết phải "sửa đổi tính người" (khác với "dưỡng tính" của Mạnh Tử). Muốn thế, phải tổ chức xã hội chặt chẽ, với kỷ cương trật tự nghiêm chỉnh rõ ràng. Chính vì vậy, một số nhà lý luận coi Tuân Tử như người mở đầu cho phái Pháp gia.

============================
Đại diện của phái Pháp gia là Hàn Phi (Han Fei; 280 - 233 trước Công nguyên). Đây là một trường phái triết học lớn thời Chiến Quốc, chủ trương dùng những luật lệ, hình pháp của nhà nước là tiêu chuẩn để điều chỉnh hành vi đạo đức của con người và củng cố chế độ chuyên chế.

Ông xuất thân từ quý tộc nước Hàn, cùng với Lý Tư theo học Tuân Tử. Từng trình vua Hàn biến pháp để nước Hàn trở nên hùng mạnh, nhưng không được dùng. Là tiếng nói đại diện cho tầng lớp quý tộc mới, đấu tranh kiên quyết chống lại tàn dư của chế độ công xã gia trưởng truyền thống và tư tưởng bảo thủ, mê tín tôn giáo đương thời.

Tư tưởng của ông bắt nguồn từ thuyết "tính ác" của Tuân Tử, đồng thời tổng hợp và phát huy các tư tưởng của phái Pháp gia trước đó: "pháp" trị của Thương Ưởng, "thuật" trị của Thân Bất Hại, "thế" trị của Thận Đáo.

Phái này chủ trương thi hành pháp, nắm lấy thuật và dựa vào thế, khiến cho pháp-thuật-thế liên kết chặt chẽ với nhau. Lại cho rằng, pháp luật phải công minh "pháp luật không xu phụ quyền quý", "hình phạt không tránh đại thần", phá bỏ thế lực của tư gia quý tộc, đề bạt những kẻ sĩ có pháp và thuật, khiến cho "tể tướng đi lên từ châu bộ, mãnh tướng được thăng từ quân ngũ". Tư tưởng của ông được Tần Thuỷ Hoàng và Tể tướng Lý Tư nhà Tần coi trọng sử dụng.

Thế giới quan của Hàn Phi là duy vật.

Theo ông, "đạo" là quy luật chung của vũ trụ, "lý" là quy luật riêng của sự vật; khi hành động, phải dựa vào đạo và lý. Cần chú ý khảo sát sự vật qua kiểm nghiệm mà biết đúng, sai, không phục cổ; không thừa nhận cái gọi là "biết trước" (sinh ra đã biết). Cho rằng, lịch sử ngày một tiến lên, không thể giật lùi. Lý luận của Hàn Phi đối lập với các quan điểm chính trị, đạo đức của Nho gia. Tác phẩm chính của ông là "Hàn Phi Tử".

==========================
Lão Tử (Laozi; ? - ?, khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên), nhà triết học Trung Quốc thời Tiên Tần, người sáng lập ra phái Đạo gia.

Về tên họ của Lão Tử, có nhiều ý kiến khác nhau. Theo Tư Mã Thiên, Lão Tử tên là Lý Đam, người nước Sở, làm quan giữ kho sách.

"Đạo" là cốt lõi trong hệ thống tư tưởng của Lão Tử. Ông cho rằng, tất cả đều do "Đạo" sinh ra. "Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật".

Trong giới học thuật, có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm "đạo". Có ý kiến cho rằng, “đạo” là một thực thể tinh thần có trước khi trời đất sinh ra. Có ý kiến khác lại cho rằng, "Đạo" của Lão Tử có yếu tố duy vật và đây là một tư tưởng biện chứng thô sơ.

Lão Tử cho rằng, giới tự nhiên và xã hội loài người luôn biến động. Trong trời đất, đâu đâu cũng tồn tại hai mặt đối lập mâu thuẫn nhau. Lại cũng cho rằng, chúng không phải cứ tồn tại mãi như thế, mà chuyển hoá sang mặt đối lập của chúng. Ông luôn nhấn mạnh tính đồng nhất của các mặt đối lập, song không nêu lên sự đấu tranh giằng co của chúng, không đòi hỏi phải giải quyết mâu thuẫn, mà khuyên nên giữ nguyên hiện trạng. Như vậy, nếu đã có thiên mệnh thì theo ông, con người nên quy phục mệnh.

Về mặt nhận thức luận, Lão Tử phủ nhận việc nhận thức của con người bắt nguồn từ kinh nghiệm cảm giác ("không ra khỏi nhà mà vẫn biết thiên hạ"). Đó là thuyết tiên nghiệm duy tâm, dựa vào nội quan. Do đó, Lão Tử phản đối việc nâng cao dân trí, chủ trương phải làm cho dân "không có tri thức, không có ham muốn". Về quan điểm lịch sử xã hội, ông chủ trương trở về một xã hội nguyên thủy, tự bằng lòng với các nhu cầu tối thiểu, và xem, đó là một niềm hạnh phúc.

Tư tưởng của Lão Tử có ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa cổ đại và trung đại. Người ta nhận thấy ảnh hưởng đó có trong tư tưởng Hàn Phi (phái Pháp gia), phái Hoàng Lão của Vương Sung thời Hán, phái Huyền học thời Ngụy Tấn... Ảnh hưởng của Lão Tử không phải chỉ về mặt triết học, mà cả về mặt chính trị và đời sống con người của xã hội Trung Quốc thời phong kiến.

Theo ông, mọi hiện hữu đều biến dịch theo nguyên tắc "bình quân" và "phản phục" (cân bằng và quay trở lại cái ban đầu). Các mặt đối lập trong thể thống nhất, quy định lẫn nhau, là điều kiện tồn tại của nhau, trong cái này đã có cái kia.

Các ý kiến nêu trong công trình “Tích hợp đa văn hóa Đông Tây…” dường như chịu ảnh hưởng khá nhiều của Lão Tử.

==========================
Trang Tử (Zhuangzi; tên thật Trang Chu; khoảng 369 - 286 trước Công nguyên), nhà triết học Trung Quốc thời Chiến Quốc, sống cùng thời với Mạnh Tử.

Trang Tử sống nghèo nàn, thanh bạch, không chịu sự gò bó của danh lợi; nhiều lần được vương hầu thời đó mời ra làm khanh tướng, nhưng đều khước từ. Trước tác triết học của ông được tập hợp dưới tên gọi là "Trang Tử", thường được gọi là "Nam Hoa Kinh", theo tên gọi do vua Đường Huyền Tông đặt năm 787.

Sách gồm 33 thiên và chia làm 3 phần: Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên. Số đông các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ có Nội thiên là của Trang Tử (nhưng cũng có một số đoạn ngắn, ngờ là người đời sau thêm vào), còn hai thiên sau là nguỵ thư.

Trong tác phẩm triết học và văn học nổi tiếng này, Trang Tử bằng lối văn ngụ ngôn giàu hình tượng, táo bạo, kèm lời nghị luận ngắn gọn sắc bén, đã làm nổi lên những quan niệm cơ bản của Lão Tử về Đạo và Đức, về "Vô vi nhi hữu vi", đồng thời phê phán đạo Nho và đạo Mặc. Tuy nhiên, Trang Tử nhấn mạnh phần vô vi, đặt hạnh phúc ở chỗ thanh cao của tâm hồn, sống theo bản tính tự nhiên, ngoài sự ràng buộc của danh lợi, không vướng mắc vào những ý niệm thông thường về giàu nghèo, sang hèn, thọ yểu. Tư tưởng của ông gói gọn trong hai chữ “an mệnh”.

Cùng với Lão Tử (Laozi), Trang Tử được coi là người sáng lập Đạo giáo, từ thời Ngụy - Tấn (220 - 440) thường được gọi là Đạo Lão - Trang.

==========================
Phái Mặc gia do Mặc Tử, tức Mặc Địch (Mozi; khoảng từ 476 -380 trước Công nguyên) sáng lập vào thời Xuân Thu. Sang thời Chiến Quốc, phát triển thành phái Hậu Mặc. Đây là một trong ba học thuyết lớn nhất đương thời (Nho - Đạo - Mặc).

Tư tưởng triết học trung tâm của phái Mặc gia thể hiện ở quan niệm về "Phi thiên mệnh".

Theo quan niệm này thì sự giàu, nghèo, thọ, yểu... đều không phải là do định mệnh của Trời, mà là do người. Nếu người ta nỗ lực làm việc, tiết kiệm tiền của thì ắt giàu có, tránh được nghèo đói. Đây là quan niệm khác với quan niệm “Thiên mệnh” có tính chất thần bí của Nho giáo dòng Khổng - Mạnh.


Thanked by 3 Members:

#2 maphuong

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 691 Bài viết:
  • 1242 thanks

Gửi vào 20/08/2013 - 14:04

QUAN NIỆM VỀ "THIÊN MỆNH" Ở MỘT SỐ TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN THỜI TRUNG HOA CỔ ĐẠI

Nhà Thương là triều đại đầu tiên thời Trung Hoa cổ đại được công nhận về mặt lịch sử như là một triều đại .

Trước nhà Thương có nhà Hạ, song do không có sự thống nhất ý kiến giữa các nhà sử học và các nhà khảo cổ học, nên sự tồn tại của nhà Hạ nhiều khi chỉ được xem như tồn tại trong truyền thuyết.

Theo truyền thuyết, vua Vũ là người hiền, có công nạo vét chín con sông trị thủy cho dân trong suốt tám năm. Trong thời gian trị thủy các con sông, ông nhiều lần đi ngang qua nhà mình mà không vào. Vì công lao to lớn như vậy, nên ông được vua Thuấn chọn làm người truyền ngôi.

Khi vua Thuấn mất, Vũ để tang 3 năm, rồi chính thức lên ngôi. Sau khi lên ngôi, ông vẫn giữ lệ cử người hiền tài trong nước thay mình như các đời trước, chứ không có ý định truyền lại ngôi cho con là Khải. Vua Vũ dự đinh chọn Cao Dao thay mình làm vua sau này, nhưng do Cao Dao mất trước ông, nên vua đành phong cho con cháu Cao Dao ở đất Anh, đất Lục, rồi tiến cử Bá Ích quản lý chính sự để chuẩn bị làm vua.

Năm 2198 trước Công nguyên, vua Vũ đi tuần phía đông, đến Cối Kê thì mất. Bá Ích không nhận ngôi vua, mà nhường lại cho con Vũ là Khải, rồi tránh ra ở phía nam Cơ Sơn. Vì Khải cũng tương đối có uy tín, nên trong thiên hạ nhiều người quy phục. Khi Khải mất, con là Thái Khang lên thay. Do Thái Khang ham chơi bời, thích săn bắn, không quan tâm việc chính sự, nên bầy tôi của Thái Khang là Hậu Nghệ nảy sinh ý định giành ngôi.

Nhân một lần Thái Khang rời kinh đô đi săn ở đất Lạc, Hậu Nghệ bí mật điều quân sang tập kích kinh đô nhà Hạ, chiếm được kinh thành. Sau đó, Nghệ mang quân ra chặn bờ sông, phong toả lối về của Thái Khang. Thái Khang mang quân trở về, bị chặn đánh, đành bỏ chạy sang một nước chư hầu bên cạnh. Thái Khang có ý định tập hợp chư hầu đánh Hậu Nghệ, nhưng các chư hầu đều không phục. Vì thế, Thái Khang phải lưu vong ở nước ngoài cho đến hết đời.

Khi Thái Khang mất ở nước ngoài, người em là Trọng Khang lên nối ngôi. Khi Trọng Khang mất, con là Tướng lên nối ngôi. Tướng ở nhờ trên đất chư hầu là Châm Tầm, và vua nước Châm Tầm ủng hộ Tướng khôi phục ngôi báu.

Hậu Nghệ cướp được ngôi nhà Hạ thì tỏ ra kiêu ngạo, bỏ chính sự như Thái Khang trước kia. Thấy Nghệ ngày đêm đam mê săn bắn, tửu sắc, một bầy tôi của Nghệ là Hàn Trác, bề ngoài ra sức tán tụng, song bên trong toan tính giành ngôi. Nghệ tin tưởng Trác, giao cho Trác toàn bộ việc triều chính, để hưởng lạc. Một hôm Nghệ đi săn, Trác đi theo, mang rượu quý dâng lên. Nghệ nốc rượu, say bất tỉnh, Trác thừa cơ giết chết cướp ngôi báu.

Lại nói, Tướng (dòng dõi vua Hạ Vũ) âm thầm chuẩn bị binh lực ở nước Châm Tầm để mưu đoạt lại ngôi. Hàn Trác biết chuyện, bèn sai quân tiến đánh Châm Tầm. Quân Trác tiến đến kinh đô Châm Tầm, giết chết Tướng và tiêu diệt nước này. Vợ Tướng lúc này đang có mang, nhờ chui qua lỗ tường thành mà trốn thoát và sinh ra Thiếu Khang, người sau này trung hưng nhà Hạ.

Hàn Trác tàn bạo mất lòng dân, quân đội dưới quyền không muốn liều chết. Vì thế, khi quân của Thiếu Khang, với sự hỗ trợ của một số chư hầu, kéo đến, quân Trác bỏ chạy. Trác bị Thiếu Khang bắt sống và xử tử. Thiếu Khang thống nhất thiên hạ, khôi phục ngôi vua cho nhà Hạ.

Đến đời thứ 17 nhà Hạ, vua Kiệt tàn bạo, hoang dâm vô độ, bị dân chúng vô cùng oán ghét. Lúc này, thủ lĩnh nước Thương là Thành Thang bị vua Kiệt bắt giam vào ngục tối ở Hạ Đài. Sau một thời gian, Kiệt thả Thang ra. Thang trở về nước, ra sức làm việc nhân đức, quy tập lực lượng, các chư hầu rất quy phục nước Thương. Vì thế, khi Thang dấy binh đánh Hạ, họ đều nghe theo. Vua Kiệt thua chạy, ra đến đất Minh Điều thì bị bắt sống, rồi bị đày ra Nam Sào, 3 năm sau thì mất tại núi Đình Sơn. Nhà Hạ tiêu vong, nhà Thương nối tiếp nhà Hạ cai trị thiên hạ.

* * * * *

Thời nhà Thương (tên khác là nhà Ân, hay Ân-Thương, vì chuyển kinh đô về đất Ân và từ đó, ổn định ở nơi này), một vị thần vạn năng trong hệ thống tư tưởng của Trung Hoa cổ đại xuất hiện. Đó là Thiên Đế, hình người, tạo ra muôn loài. Rồi tiếp sau mới tới sự xuất hiện của Thần Đất, hình một người đàn bà, sinh ra và nuôi dưỡng vạn vật.

Trên cơ sở tôn giáo đa thần, đã hình thành một nền văn hóa tín ngưỡng Thiên Đế. Giai cấp thống trị đã lợi dụng văn hóa này, tự coi vua là Thiên tử (con Trời) và mệnh của vua là Thiên mệnh (mệnh Trời), và tuyên truyền trong đời sống xã hội rằng “mệnh trời hằng thường”, nghĩa là ngôi vua là bất di bất dịch, truyền từ đời này sang đời khác, do Trời đã định như vậy, không ai có quyền thay đổi. Theo các văn tự giáp cốt ghi lại thì nhà Ân Thương gồm tất cả 30 đời vua , gần đúng với Sử ký Tư Mã Thiên, chỉ khác có 5 ông vua. Mười ba vua đầu, anh truyền ngôi cho em cùng mẹ, hiếm lắm mới có trường hợp cha truyền ngôi cho con. Nhưng đến bốn đời vua cuối, thì đều truyền tử, và từ đó, thành lệ cho tất cả các triều đại sau.

Quan niệm “mệnh trời hằng thường” bị thay đổi trong bối cảnh vua Trụ bạo ngược tàn ác, gây nên biết bao việc vô đạo, mất lòng nhân dân và các chư hầu.

Bộ tộc Chu ở sông Vị - nhờ phát triển lớn mạnh, trở thành một tiểu quốc - muốn nhân cơ hội nhà Thương suy yếu để tiêu diệt và thay thế từ nhiều năm. Trưởng tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương chiêu tập binh mã chống Thương, nhưng chưa kịp khởi sự thì qua đời. Con Cơ Xương là Cơ Phát lên ngôi, tập hợp các chư hầu đi đánh Trụ vương. Khoảng năm 1122 trước Công nguyên, hai bên quyết chiến ở Mục Dã. Quân Trụ vương tuy đông, nhưng binh lính không có tinh thần chiến đấu cho bạo chúa, nhanh chóng tan rã. Trụ vương chạy lên Lộc Đài, nhảy vào lửa tự thiêu mà chết. Nhà Thương bị diệt vong.

* * * * *

Cơ Phát lên ngôi Thiên tử, tức Chu Vũ Vương. Các vua nhà Chu cũng tuyên bố mình là Thiên tử, hiện thân trên mặt đất của Thiên Đế, và nhiệm vụ của họ là làm trung gian với Thiên Đế để thực hiện các cuộc hiến tế thần linh và giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp giữa Thiên Đế và thần dân.

Chữ “vương” (vua) thể hiện hùng hồn điều này. Tượng chữ này gồm 3 nét ngang và 1 nét sổ dọc, thể hiện sự kết nối giữa Trời ở trên và Đất ở dưới.

Nhà Chu trị vì ngôi Thiên tử lâu nhất trong lịch sử các triều đại thời Trung Hoa cổ đại, ước chừng 770-870 năm, với 37 đời vua. Vua đầu tiên là Chu Vũ Vương (Cơ Phát). Ông phong cho cha mình thụy hiệu là Chu Văn Vương. Văn Vương chính là người sáng chế ra các quẻ Dịch mang tên ông, trong thời gian ông bị giam cầm trong nhà ngục. Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương “tín nhiệm” 64 quẻ Văn Vương hơn 64 quẻ Phục Hy (cũng là quẻ Dịch, song sắp xếp theo cách của Tiên thiên bát quái).

Có thể thấy, các vua nhà Chu trọng dụng hiền tài, tu dưỡng đạo đức, thực hành nền chính trị “Nhân trị”, khiến cả thiên hạ đều theo về, muôn dân quy phục. Các vua giáo dục cho con cháu của mình rằng, hãy nhìn vào tấm gương thịnh suy, trị loạn của các đời trước, cảnh tỉnh những bài học dâm loạn của vua Kiệt vua Trụ, noi theo tấm gương của vua Vũ vua Thang. Theo đó, mệnh Trời cần phải kết hợp với việc người, nếu không làm tốt việc người, chỉ sùng bái mệnh trời, thì chuyện diệt vong chỉ là sớm muộn. Sách Thượng Thư viết: “Mệnh trời không thường, có đức, dân sẽ theo”.

Quan niệm “mệnh trời hằng thường” đã bị thay đổi thành “mệnh trời không thường”.

Theo đó, Trời (tức Thiên Đế) muốn rằng, thần dân của mình có được tất cả những điều mong muốn. Vị vua cai trị - theo ý của Thiên mệnh - được Trời chỉ định chăm sóc sự thịnh vượng của thần dân dưới thế gian. Đây có thể coi như là “chiếu chỉ” hay “sự ủy nhiệm” của Trời. Nếu vị vua cai trị trở nên ích kỷ, hay không thể chấp nhận được, không còn chăm sóc được cho thần dân, thì Trời sẽ bãi bỏ sự ủy nhiệm đó (bãi nhiệm) và trao lại cơ hội cho người khác. Cách duy nhất để biết được “ý Trời ra sao” là phải tiến hành lật đổ vị vua cai trị. Nếu một người “phế” được ông vua, thì sự ủy nhiệm của Trời được trao cho người đó; còn nếu sự việc thất bại, thì rõ ràng, Trời vẫn ủy nhiệm vai trò cai trị thần dân thiên hạ cho nhà vua.

* * * * *
Giữa thời Tây Chu, quan niệm về mệnh trời lại bị thay đổi thành “mệnh trời không đổi” (thiên mệnh bất dịch). Tức là, mệnh trời là ý chí của của Đấng siêu nhiên, quy định một trật tự vĩnh hằng, tượng trưng cho sự bất di bất dịch của nền thống trị triều Chu. Sách Kinh Thi ghi lại việc Chu Thành Vương đi cúng tế tại tổ miếu có câu: “Thận trọng thay, thận trọng thay! Đạo trời là rất rõ ràng, mệnh trời không đổi”.

* * * * *
Khi nhà Tây Chu bắt đầu suy vi, giai cấp thống trị không còn bảo vệ được dân chúng, người dân không còn tin vào mệnh trời sẽ duy trì cho họ vĩnh viễn những phúc lợi và sự công bằng. Bởi vậy đã xuất hiện quan niệm “mệnh trời không theo quy luật” (thiên mệnh bất triệt).


#3 maphuong

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 691 Bài viết:
  • 1242 thanks

Gửi vào 20/08/2013 - 14:05

KHÁI NIỆM VỀ TRỜI

“Trời” (Thiên) là một trong những phạm trù quan trọng bậc nhất của triết học Trung Hoa cổ đại, nội hàm của nó cực kỳ phong phú, hàm chứa phạm vi vô cùng rộng lớn. Quan niệm về Trời mang nhiều hàm nghĩa.

Bầu trời: là khoảng không gian bao la rộng lớn phía trên đỉnh đầu mỗi con người.

Thiên nhiên: là một thế giới sinh động ở tít trên cao, nơi đó có các thiên thể như Mặt trời, Mặt trăng lên xuống hàng ngày, các hành tinh đứng yên hay di chuyển chậm chạp về ban đêm. Trong thế giới đó, thường xuất hiện những hiện tượng kỳ vĩ như: mây gió, mưa bão, sấm chớp, núi lửa phun trào… Trời rộng lớn vô cùng vô tận. Con người có thể dùng mắt để nhìn, dùng tai để nghe, nhưng khó mà có thể đo lường được, càng không thể suy đoán được đầy đủ sự biến hóa muôn hình vạn trạng của Trời. Đây được xem là hàm nghĩa đầu tiên, nguyên gốc của phạm trù Trời.

Thượng đế: khái niệm Trời được mở rộng sang nghĩa một vị thần tối cao vô thượng. Người ta dùng nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ vị thần vĩ đại này: Thượng đế, Ngọc Hoàng, Hoàng thiên, Thượng thiên, Hạo thiên, Thương thiên, Mân thiên, Hoàng thiên Thượng đế, Hạo thiên Thượng đế, Minh chiêu Thượng đế... Trời ở đây không chỉ thống lĩnh giới tự nhiên như là chúa tể của các thần Mặt trời, thần Sấm, thần Sét, thần Chiến tranh, thần Sông, thần Biển, Hằng Nga, Thổ địa…, mà còn thống lĩnh cả xã hội loài người như: trật tự xã hội, chính trị pháp luật, đạo đức nhân luân... Do đó, Trời là vị thần linh tối cao, giữ vai trò chủ tể cả trên bầu trời lẫn dưới mặt đất, thậm chí, cả nơi đại dương biển cả rộng lớn (Long vương) và sâu thẳm trong lòng đất (Diêm vương). Hàm nghĩa này vô hình trung dẫn đến việc mở rộng phạm trù Trời sang các hàm nghĩa khác, như: mệnh trời, ý trời, lòng trời, lý trời, tâm trời...

Có thể thấy, vì Trời vô cùng thần bí, sức mạnh vô song, vượt ra khỏi tầm tư duy của con người, có khả năng chở che hóa dục muôn loài, nên Trời được tôn xưng là vị thần tối thượng, có đủ mọi quyền năng vô biên. Trời và người giống nhau ở chỗ, không ngừng hướng tới những điều chân thiện mỹ.

Trời làm chủ vạn vật, nhưng Trời làm thế nào để thực hiện quyền uy tối thượng đó của mình? Người xưa cho rằng, Trời có ý chí và mệnh lệnh. Từ đó, dẫn đến phát sinh hai hàm nghĩa của Trời là: ý trời và mệnh trời.

Ý trời: Người góp công khẳng định và đề cao thuyết “ý trời” là Mặc Tử. Ông nhấn mạnh, Trời có ý chí, là vị thần tối cao có đủ quyền năng thưởng thiện phạt ác. Có thể thấy, “ý trời” là tiêu chuẩn để Mặc Tử suy xét hành động và lời nói của mọi người, đồng thời lấy đó để khuyên răn người cầm quyền biết hành thiện bỏ ác. Ý trời cũng chính là lòng trời. Trời mong muốn con người thương yêu nhau và mang lợi ích đến cho nhau. Trời ghét những người thù ghét và mưu hại nhau. Trời mong muốn con người nhân nghĩa và ghét người bất nhân bất nghĩa. Trời ghét nước lớn ỷ thế hiếp đáp nước nhỏ, ghét người có quyền uy đàn áp kẻ thường dân. Rõ ràng, tư tưởng “ý trời” của Mặc Tử có tác dụng duy trì trật tự xã hội, thiết lập chuẩn mực đạo đức và công bằng xã hội. Quan niệm này rõ ràng đã mượn quyền uy của Trời để biểu thị lý tưởng, ý chí và nguyện vọng của bản thân ông và của những người dân đương thời.

Quan niệm về “ý trời” có mối quan hệ nhất quán với quan niệm về “mệnh trời”.

Mệnh trời: “Mệnh” được đề cập đến ở đây vốn có nghĩa là “mệnh lệnh”. “Mệnh trời” chính là mệnh lệnh do Thượng đế từ trên trời ban xuống. Vậy, làm sao để tiếp thu mệnh trời? Phái Nho gia cho rằng, “mệnh trời” được thể hiện thông qua các sự vật và hiện tượng tự nhiên như: thiên tai dịch họa, núi sông cây cỏ, chim thú côn trùng... Nếu các sự vật và hiện tượng trên phát sinh điều dị thường, tức là đã đại diện cho một chủ ý nào đó mà Thượng đế muốn truyền đạt đến loài người dưới hạ giới. Thông qua quan niệm này, các sự vật và hiện tượng tự nhiên thường được liên hệ với Trời. Vì vậy, “mệnh trời” được xem là phương thức biểu đạt của “ý trời”. Vì ý chí của Trời là cố định, không thay đổi, nên mệnh lệnh của Trời cũng trở thành một định luật kiên cố, con người chỉ có thể tuân hành, chứ không thể đối lập, phản kháng. Vì vậy, “mệnh trời” chuyển dần sang hàm nghĩa là số mệnh, vận mệnh, định mệnh mà con người thụ động tiếp nhận, không có quyền và không thể cải biến.

Đạo trời: Đạo Trời (thiên đạo) chính là quy luật và chuẩn mực vận động của trời đất vạn vật. Quy luật này bao phủ tất cả sự vật và hiện tượng của giới tự nhiên, đồng thời điều chỉnh mọi hành vi đạo đức của con người, tạo nên quỹ đạo tồn tại và phát triển của vạn vật. Trời thiết lập nên Đạo Trời làm khuôn mẫu cho vũ trụ vạn vật, các bậc thánh nhân dựa vào Đạo Trời để thiết lập Đạo Người (nhân đạo) nhằm giáo hóa chúng sinh, nhân quần. Loài người, một khi không biết giữ gìn Đạo Người, kỷ cương xã hội ắt sẽ suy đồi, đạo lý luân thường ắt sẽ bại hoại, và khi đó, con người sống chẳng khác nào loài cầm thú.

Lý trời: Từ đời Tống trở đi, Trời có thêm hàm nghĩa “lý trời” (thiên lý). Hai anh em môn đồ Nho gia Trình Di, Trình Hạo đề xuất mệnh đề “Thiên giả, lý dã” (Trời chính là lý), chính thức bổ sung hàm nghĩa “lý trời” cho phạm trù Trời. Tư tưởng “lý trời” do Trình Di vận dụng tư tưởng Nho – Phật – Lão tổng hợp mà thành. “Lý trời” tức là quy luật vận hành của “đạo Trời” (thiên đạo), nguyên lý về đạo đức luân lý xã hội, cùng với nguyên lý biến hóa của vạn sự vạn vật. Hàm nghĩa “lý trời” của Trời rõ ràng có mối quan hệ mật thiết với ý trời, mệnh trời. Không chỉ như vậy, quan niệm về “lý trời” của Trình Di tương thông với quan niệm “đạo Trời”. Về sau, Chu Hy kế thừa học thuyết “thiên lý” của Trình Di và Trình Hạo, đề xuất các mệnh đề “Thiên tức lý dã, kỳ tôn vô đối” (Trời tức là lý chúng không đối lập nhau), “Thiên chi sở dĩ vi thiên giả, lý nhi dĩ” (Trời sở dĩ được gọi là Trời, vì nó có lý), “Nghịch lý, tắc hoạch tội ư thiên hỹ” (Đi ngược lại đạo lý, tức là có tội với Trời).

Trời có phân biệt Nam Bắc

Cảnh giới siêu thoát: trong quan niệm của Phật giáo

Không gian, càn khôn, vũ trụ: trong quan niệm về vạn vật.


Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |