Jump to content

Advertisements




NHỮNG CHUYỆN ĐƯƠNG THỜI ĐỨC PHẬT


98 replies to this topic

#91 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2012 - 03:22

92. Đồng tiền gây phiền lụy

Ngày xưa một vị Bà-la-môn ở Ấn Độ sinh hạ được một cậu con trai tuấn tú đoan chính, được cha mẹ hết mực cưng chìu. Từ nhỏ cậu bé đã thông minh lạ thường, hoàn toàn không giống với những đứa trẻ khác. Cậu đã trải qua quãng đời thơ ấu sung sướng hạnh phúc trong nhung lụa, không chút ưu phiền.

Thường thường con người hay bị dục lạc mê hoặc, khi sống một cuộc sống sung sướng thì không thể nào nghĩ đến mặt trái đau khổ của cuộc đời, chỉ có bậc siêu nhân mới không bị đọa lạc mà thôi. Thì chính đứa bé con nhà Bà-la-môn ấy có được trí huệ của một vị cao nhân, tuy lớn lên trong hoàn cảnh giàu có, nhưng cũng hiểu rõ thế nào là đau khổ, là tội ác của nhân sinh. Vì thế khi cậu thành niên, bèn từ biệt cha mẹ xuất gia làm tỳ-kheo.

Một hôm trên đường giáo hóa về, trong một khu rừng cành lá che khuất, thầy gặp một đoàn người buôn trên đường ra nước ngoài để làm ăn buôn bán. Lúc ấy trời đã chạng vạng tối, mặt trời đã vội lặn về tây, đoàn người buôn bèn đóng trại để qua đêm tại đấy. Vị tỳ-kheo nọ nhìn thấy những cỗ xe lớn nhỏ của họ nhưng không nói lời nào, chỉ chậm rãi đi bộ qua lại ở gần doanh trại mà thôi.

Lúc ấy, từ đầu phía kia của khu rừng rậm, có một lũ cướp kéo đến rất đông. Chúng nghe ngóng biết được có đoàn thương gia sẽ đi ngang chỗ này, nên tính lợi dụng ban đêm để ùa vào cướp bóc tài sản của họ. Nhưng khi chúng đến sát gần doanh trại nơi các thương gia đang ngủ, thì lại thấy có người quanh quẩn dạo chơi ở bên ngoài lều. Những tên cướp sợ đoàn thương gia này có đề phòng, nên nghĩ phải chờ mọi người ngủ say hết mới dễ động thủ.

Nhưng bóng người ở ngoài đi qua đi lại ấy suốt đêm không hề vào lều nghỉ ngơi. Trời đã từ từ sáng, bọn giặc cướp không làm sao tìm được một lúc sơ hở để ập vào doanh trại cướp bóc, bèn tức giận to tiếng chửi rủa rồi kéo nhau đi. Đúng lúc ấy, bọn người buôn trong trại vừa ngủ dậy, thình lình nghe tiếng ồn ào ở bên ngoài thì vội vàng chạy ra xem, chỉ thấy một bọn cướp núi rất đông tay cầm chùy sắt, gậy gỗ, đang hướng về núi mà chạy đi. Phía ngoài trại chỉ duy nhất có một vị xuất gia, bọn người đi buôn khiếp đảm chạy đến hỏi:

– Đại sư! Ngài có thấy bọn cướp núi không?

– Có chứ! Tôi thấy họ ngay từ đầu.

Vị tỳ-kheo trả lời.

– Đại sư, đoàn người buôn lại hỏi, bọn chúng đông như thế, ngài không sợ hay sao? Ngài đơn độc chỉ có một mình, làm sao có thể địch nổi chúng nó?

Vị tỳ-kheo chẳng lộ vẻ chút gì sợ hãi hay lo lắng, điềm tĩnh trả lời:

– Người có tiền thấy giặc cướp mới lộ vẻ sợ hãi. Tôi chỉ là một người xuất gia, trong thân không có lấy một đồng thì tôi sợ cái gì? Cái mà bọn cướp muốn là tiền tài và bảo vật, tôi không có một vật gì gọi là đáng giá, thì dẫu có ở rừng sâu hay núi thẳm cũng không hề có tâm sợ hãi.

Những lời nói của vị tỳ-kheo khiến những người đi buôn ấy rất cảm động, nghĩ rằng mọi người sẵn sàng xả mệnh để đổi lấy những vật không thật như kim tiền, còn đời sống bình an, thật sự tự do tự tại thì không ai màng đến.

Vì thế họ bèn phát tâm xuất gia tu hành với vị tỳ-kheo. Từ đó, họ thể nhập được ý nghĩa khổ, không của thế gian này, và thấy rằng tiền tài vô thường mà họ mang trong thân là nguyên nhân của biết bao phiền lụy!

Thanked by 2 Members:

#92 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2012 - 03:23

93. Giai cấp Nhất Ức Lý

Ngày xưa, trong xã hội Ấn Độ, sự chênh lệch giữa người và người quả là rất lớn. Thành Vương Xá ở miền nam nước Ấn, dân chúng rất giàu có nhưng cũng không khỏi có sự phân biệt giai cấp.

Họ căn cứ vào tài sản ít hay nhiều mà phân thành 9 giai cấp, giữa các giai cấp, sự khác biệt vô cùng rõ rệt. Nhất Ức Lý là giai cấp của người dân thành thị giàu có nhất, dư giả nhất, gia sản phải lên tới cả ngàn vạn, hoặc ít nhất cũng là trăm vạn đồng tiền vàng; duy chỉ có những người giàu có như thế mới đủ tư cách để được xếp vào giai cấp Nhất Ức Lý ấy. Dĩ nhiên, giai cấp của họ là giai cấp đứng đầu nên không người nào là không hâm mộ, ao ước.

Lúc ấy có một người thuộc về giai cấp thấp nhất của 9 giai cấp nói trên, rất ngưỡng vọng sự vinh hoa phú quý của giai cấp Nhất Ức Lý. Ông hy vọng sẽ có ngày vượt lên được địa vị của những người mà ông hâm mộ đó, nhưng không có điều kiện thiết yếu là một gia sản đáng giá tối thiểu trăm vạn tiền vàng. Vì muốn có đủ điều kiện, ông không ngại công lao khó nhọc, ngày đêm tìm đủ mọi cách để buôn bán khắp mọi nơi. Nhưng sau mười năm lao lực, ông cũng chỉ gom góp được có 9 phần mười gia sản cần phải có để đạt được lý tưởng của mình. Nhưng than ôi, ông mắc phải một cơn bạo bệnh, bệnh tình nguy ngập, ông biết sẽ không còn sống lâu nữa nên gọi vợ đến căn dặn rằng:

– Tôi sẽ không khỏi bệnh được đâu, chỉ ân hận một điều là nguyện vọng ôm ấp suốt cả một đời chưa đạt được. Con chúng ta nay chỉ mới 8 tuổi, chưa thể thừa kế được sự nghiệp của tôi. Tôi mong bà nuôi nấng cho nó thành người, nói cho nó biết điều tôi mong mỏi, và bảo nó kinh doanh sự nghiệp của chúng ta cho khéo léo hầu vào được giai cấp Nhất Ức Lý, thì lúc ấy ở suối vàng tôi cũng ngậm cười mà an nghỉ.

Đợi việc mai táng xong xuôi, người mẹ gọi con đến trước mặt dạy rằng:

– Cha con mất đi có để lại di ngôn, hy vọng con làm ăn buôn bán cho khéo léo hầu có đủ điều kiện gia nhập vào giai cấp Nhất Ức Lý, để thực hiện nguyện ước của cha con lúc sinh thời.

Đứa con nhỏ tuổi mà đã có trí huệ của một vị cao nhân, đã biết rõ một cách chân chánh thế nào là họa, là phúc. Nó biết rằng tiền bạc châu báu của thế gian như một con rắn độc, từ xưa đến nay biết bao người vì tham cầu nó mà đã phạm vào đủ điều gian ác, không chùn bước trước bất cứ một thủ đoạn gian manh nào để làm tổn hại người, lợi ích cho mình, để rồi chiêu cảm trùng trùng điệp điệp quả báo đau khổ. Tất cả chỉ vì không hiểu rõ được lý nhân quả.

Người ta không hiểu rằng phúc báo của một người không phải từ trên trời rơi xuống, cũng như kẻ không trồng trọt mà muốn gặt hái được sao? Sự phú quý chân chính cũng có con đường của nó: chỉ đi theo con đường bố thí mới có thể đạt được.

Nhưng thằng bé biết rằng mẹ nó chưa hiểu những lý lẽ ấy nên chỉ lựa lời thưa rằng:

– Vâng, con sẽ luôn nhớ lời cha dặn. Nay con có một cách này rất hay, không cần đợi tương lai mà ngay hiện tại đã có thể vào được giai cấp Nhất Ức Lý. Chỉ cần trong nhà có bao nhiêu tiền của mẹ giao hết cho con là được.

Người mẹ nghe thế nửa tin nửa ngờ, nhưng bà thương con rất mực và cũng muốn nương tựa vào con, nên đem chìa khóa ngân khố tài bảo giao hết cho con.

Đứa bé đem toàn bộ gia sản, cả ngày ở ngoài đường thuê người khắc, nặn tượng Phật, xây dựng tháp miếu, cúng dường chư tăng, làm tất cả mọi sự để hoằng dương Phật pháp, rồi còn xuất ra rất nhiều tiền để cứu giúp người nghèo khổ. Chưa tới nửa năm, tài sản của người cha trọn đời dành dụm đã được cậu sử dụng hết!

Người mẹ tuy có phúc báo nhưng chưa từng thông hiểu được pháp Phật. Bà không biết con mình là Bồ Tát tái sinh, không giống phàm nhân, mà trái lại có trí huệ cao siêu, có thần thông thâm diệu, đi lại tự tại trong Ba cõi. Bà cũng không biết rằng thí xả tài sản là con đường ngắn nhất để được phúc đức, giàu sang phú quý. Vì thế, chỉ cần làm theo lời Phật dạy thì việc sinh vào giai cấp Nhất Ức Lý là một điều quá dễ dàng!

Vì bà không thể biết những điều ấy, lại trước mắt thấy tài sản cứ ngày theo ngày tiêu hao nhanh chóng nên trong lòng rất lo lắng. Không những không được làm dân của giai cấp Nhất Ức Lý, mà còn e là sẽ không biết lấy gì để sống nữa! Nhưng tình thương con khiến cho bà không nỡ trách mắng, cũng không nỡ ngăn cấm, vì đứa con luôn biết lựa lời giải thích mỗi khi thấy mẹ quá lo lắng.

Không ngờ phước chưa được hưởng mà họa đã giáng lên đầu, thằng con trai thông minh, kháu khỉnh của bà trong một đêm lâm bệnh nặng, y sĩ không đến kịp, đã lìa khỏi vòng tay của bà mà ra đi vĩnh viễn!

Tài sản không còn, thằng con duy nhất cũng đã chết, người mẹ đau khổ chỉ muốn kết liễu đời mình cho xong, hận sao không được theo con mà chết!

***

Dục vọng con người sao mà nhiều thế, thật không sao kể xiết.

Có một vị phú ông thuộc giai cấp Nhất Ức Lý, giàu có bậc nhất, tài sản lên tới tám trăm vạn tiền vàng, nhưng suốt ngày lại khổ não vì chưa có con trai nối dõi tông đường, gia sản kếch sù kia rồi ai sẽ là người thừa kế?

Ông suốt ngày ngồi kiệu, nghe đâu có chùa chiền miếu mạo nào ông cũng tìm đến cúng bái, cầu xin sinh được một đứa con trai phúc huệ song toàn. Quả nhiên ít lâu sau, bà vợ cả của ông sinh được một đứa con trai.

Đứa bé sinh ra rất kháu khỉnh, song có một điều nó không giống người thường, ai thấy cũng phải lạ. Mới sinh được ba hay bốn ngày, thằng bé đối với mẹ cứ như người lạ: lúc mẹ bồng thì nó rống lên khóc; mẹ cho bú, nó cũng khóc; đút vú vào miệng thì nó không khóc cũng quay đầu chỗ khác... Do đó, hễ nó cất tiếng khóc là cả nhà quýnh quáng lên, vì không bú sữa thì làm sao mà sống? Cả ngày cứ rống lên khóc mãi thì làm sao sống? Chỉ hai điểm ấy thôi đã đủ làm cho cả nhà ai nấy đều lo sợ bất an.

Còn phú ông lại càng khổ sở hơn nữa! Thằng con cầu tự này, khó khăn lắm mới có được, ông xem nó quan trọng hơn cả sinh mệnh của mình, lẽ nào phải ngồi nhìn thằng bé chết dần chết mòn vì la khóc và không chịu bú sữa? Ông bèn cho công bố khắp nơi rằng: ”Ai dỗ được con ông hết khóc và làm cho nó chịu bú sữa thì ông sẽ đem lễ vật đến xin người ấy về làm thân quyến của ông.”

Biết bao nhiêu người đàn bà đã đến xin thử, nhưng muốn vào nhà đệ nhất phú ông thật không phải dễ! Người nào đến bồng ẵm đứa bé nó cũng chỉ làm cho nó khóc to hơn, ôm nó còn không được, huống gì có thể cho nó bú!

Một vài ngày trôi qua, bao nhiêu người đàn bà đã thất vọng ra về, duy chỉ có một người không biết tu hành từ đời nào mà đời nay được phúc báo là đuợc giữ lại.

Đó chính là người đàn bà vừa mất con vừa mất tài sản nọ. Chính bà cũng không hiểu rõ tại sao! Bà nào có ý định đến xin thử việc này, chỉ vì thấy có đông người và quang cảnh trước mắt vui vui, khêu gợi tính hiếu kỳ của bà, lại đang lúc buồn nản nên liền đánh liều theo chân đoàn người kia vào thử một phen. Có ngờ đâu khi vừa thấy bà đứa bé như gặp lại người thân, liền im ngay tiếng khóc ngang ngược của mình, lại còn nhìn bà rồi nhoẻn miệng cười qua những giọt nước mắt còn chưa ráo!

Người làm công liền trao cho bà bình sữa. Khi bà đút vào cái miệng nhỏ xíu của đứa bé thì ô kìa, nó bèn bú lấy bú để một cách ngon lành. Thế là, khỏi phải nói, phú ông mừng vui không sao kể xiết, đích thân mời bà ở lại chăm sóc cho đứa bé. Và tất nhiên là giữ lời đã hứa, ông cũng nhận bà làm thân quyến của ông.

Tối đến, khi trong nhà ai nấy đều đã ngủ say, bà vẫn không tài nào nhắm mắt, cứ ôn đi ôn lại từng việc đã xảy ra trong ngày hôm đó. Bà thật tình khó có thể tin được là mình đã bước vào giai cấp Nhất Ức Lý.

– Ta đang nằm mơ chăng? Bà lẩm bẩm tự hỏi.

– Không nằm mơ đâu mẹ!

Có người đang trả lời bà, nhưng người đó là ai? Bà ngồi bật dậy trên giường, nhớn nhác nhìn quanh tìm kiếm.

– Mẹ ơi, là con đây mà!

Thì ra chính đứa bé đang nằm bên cạnh bà, con trai của lão phú ông đang nói chuyện với bà.

– Con ư?

Bà vô cùng kinh dị, một đứa bé sơ sinh làm sao đã biết nói, lại còn gọi bà bằng “mẹ” nữa!!!

– Đúng rồi, con là đứa con mà mẹ đã mất, nay tái sinh về đây! Mẹ chẳng từng nói với con rằng ước vọng của cha trước khi mất là muốn mẹ con mình vào được giai cấp Nhất Ức Lý đó sao? Bây giờ thì mẹ con mình đang ở trong một gia đình giàu có nhất của giai cấp Nhất Ức Lý đây này!

Bà ôm chầm lấy đứa con, giòng nước mắt ràn rụa lăn xuống đôi gò má.

Bây giờ thì bà hiểu rồi: Bố thí tài sản không tham tiếc chính là gieo nhân lành cho sự giàu sang phú quý của đời sau vậy

Thanked by 2 Members:

#93 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2012 - 03:25

94. Một tảng đá

Mùa xuân là thời gian thích hợp nhất cho việc trồng trọt, thế nên có ông nông phu nọ nghĩ đến chuyện khai khẩn, gieo trồng canh tác trên một mảnh đất xưa nay vẫn bị bỏ hoang.

Hôm đó, ông nông phu đang đẩy cán cày để trở đất, thì mũi cày bỗng chạm phải một vật gì rất cứng chắc. Ông khều đất ra xem, thì ra đó là một tảng đá trắng tinh rất lớn.

– Ta phải tìm vài ba người đến đây giúp một tay, vứt tảng đá này đi chỗ khác, nếu không thì không thể gieo trồng gì được.

Ông nông phu nghĩ vậy. Bỗng có một ông già tiến lại gần hỏi:

– Tại sao ông lại muốn dời tảng đá này đi chỗ khác?

Ông nông phu đáp:

– Như vậy mới có lợi, nếu dời nó đi chỗ khác thì có nhiều đất để trồng trọt hơn, cho nên...

– A vậy hả? Nếu ông khai khẩn, canh tác gieo trồng mảnh đất hoang này xong thì một năm ông thu hoạch được bao nhiêu? Nếu tôi tặng ông 500 lượng bạc, ông có thể chìu ý tôi mà không dời tảng đá này đi chỗ khác, được không?

– Tại sao? Ông nông phu ngạc nhiên hỏi. Tại sao ông lại quan tâm đến việc này như thế?

Lão già bỗng lắc mình một cái, biến thành một người cao lớn, đẹp đẽ, y phục lộng lẫy, nói với người nông phu rằng:

– Ta là người cõi trời xuống đây, ngày xưa ta sống ở gần làng này. Lúc ấy ở gần nhà ta có một ông lão phát tâm xây một ngôi chùa, vật liệu chi cũng có đủ, chỉ thiếu có một tảng đá để làm chân cột nơi móng nhà. Vừa khéo, nhà ta có một tảng đá trắng để giặt áo, là gia bảo của tổ tiên ta để lại, đúng y tảng đá mà ông lão đang cần. Tuy ta không phải là người theo đạo Phật, song ta rõ biết giúp người là một điều tốt, vì vậy ta mới đem tảng đá ấy mà tặng cho ông lão khiến cho ngôi chùa được cất lên rất mau lẹ.

Nào ngờ, điều này đã đem lại cho ta phúc đức vô cùng to lớn. Lâm chung rồi, ta sinh lên cõi trời Đao Lợi, sống trong cung điện làm bằng bảy báu, và được thiên nữ xinh đẹp hầu hạ phục dịch, quần áo, thức ăn, vật dụng hưởng thụ không bao giờ hết. Xưa nay đang an nhiên tự tại như thế, bỗng sáng nay cung điện của ta bị chấn động mạnh, ta lấy làm lạ, dùng thiên nhãn quán chiếu thì mới biết là vì ông có ý định muốn di chuyển tảng đá trắng này mà ra.

Ngày xưa ngôi chùa nằm ngay chỗ này, qua mấy ngàn năm biến đổi bể dâu, không ai tu sửa nên đã sụp đổ, chỉ còn lại một mảnh đất hoang phủ đầy cỏ dại. Tảng đá trắng này là căn nguyên phúc báo của ta, nếu vất bỏ nó đi thì phúc đức cõi trời của ta cũng sẽ bị tổn thất.

Người nông phu nghe rồi thì chắp hai tay lại mà cảm tạ rằng:

– Thì ra ngày xưa ở đây có một ngôi chùa thờ Phật, hiện nay lại hãy còn là ruộng phước của người cõi trời mà tôi không hay biết, may mà có ngài chỉ giáo, nếu không tôi đã vì ham cái lợi nhỏ mà phạm lỗi lầm lớn. Bây giờ đã được mở mắt ra rồi, tôi sẽ không dám di chuyển tảng đá này đi đâu cả.

Người cõi trời nghe thế thì rất an tâm mà trở về thiên cung. Người nông phu trầm mặc suy nghĩ rằng:

– Ngày xưa, cúng dường một tảng đá để giúp xây một ngôi chùa mà được phúc báo sinh cõi trời. Cái thủa ruộng phước màu mỡ hy hữu này, chỉ cần gieo xuống một hạt giống là trổ lên phúc quả vô lượng, gấp cả vạn lần. Ta là nông dân chuyên việc canh tác trồng trọt, tại sao lại không biết đầu tư nhỉ? Ta phải ghi tâm khắc cốt điều này mới được!

Từ đó, mỗi khi gặp bạn bè thân hữu, ông bèn đem câu chuyện này ra kể lại cho họ nghe, được rất nhiều người tin tưởng ủng hộ nên chẳng bao lâu, một ngôi bảo tháp thờ Phật cao lên tới chín từng mây được kiến lập sừng sững trên tảng đá ấy.

95. Hoàng tử Na Nhất Thiên

Vua nước Ca Thi bản tính nhân từ, trị nước công minh, được nhân dân tôn kính. Vua kết hôn với hoàng hậu không lâu thì sinh được một hoàng tử rất kháu khỉnh, vua vui mừng đặt tên con là Na Nhất Thiên. Hai năm sau, khi hoàng tử Na Nhất Thiên đã biết đi, hoàng hậu lại sinh được một hoàng tử thứ hai, đặt tên là hoàng tử Nguyệt.

Hai hoàng tử dễ thương này từ từ lớn lên dưới sự chăm sóc của mẫu hậu, nhưng đương lúc đáng lẽ phải tận hưởng một tuổi thơ vàng son nhất, thì hoàng hậu bất hạnh qua đời.

Chồng mất vợ, con mất mẹ, nỗi đau buồn của ba cha con không làm sao tả cho hết được. Nhưng người chết không sống lại bao giờ, nội cung lại không có người cai quản, nên vua buộc lòng phải kết hôn với một người đàn bà khác.

Chẳng bao lâu sau, tân hoàng hậu lại hạ sinh một hoàng tử nữa, đặt tên là hoàng tử Nhật. Nhà vua rất đẹp lòng, nói với hoàng hậu rằng:

– Ái khanh! Nhân đứa bé này ra đời, ta ban cho nàng một điều ước.

– Đa tạ bệ hạ! Để chờ tương lai thiếp sẽ nói lên điều ước ấy.

Đương lúc ấy hoàng hậu không biết phải xin vua điều gì, nên câu chuyện đình hoãn lại ở đây.

Ba chàng hoàng tử theo thời gian mà lớn lên và thành người. Một hôm, hoàng hậu bỗng nhiên đưa ra yêu cầu của mình:

– Bệ hạ! Ngày xưa bệ hạ muốn ban cho thiếp một điều ước, nay con của chúng ta đã lớn khôn rồi, xin bệ hạ hãy truyền ngôi báu cho hoàng tử Nhật.

– Như thế làm sao được?

Nhà vua kinh ngạc trả lời. Hai hoàng tử lớn của ta bản tính tốt lành, thông minh, tài giỏi, lại đều là huynh trưởng của hoàng tử Nhật, làm sao ta lại có thể truyền ngôi cho con út được?

Tuy vua từ chối lời yêu cầu của hoàng hậu, nhưng bà cứ tiếp tục nài nỉ mãi không thôi, nên vua bỗng sợ rằng nếu nguyện ước của bà không được thỏa mãn, bà sẽ hạ độc thủ giết hại hai đứa con của mình. Ông bèn bảo hai hoàng tử hãy tạm thời rời xa hoàng cung, và bí mật dặn dò rằng:

– Ngày hoàng tử Nhật ra đời, ta có nói sẽ ban cho hoàng hậu một điều ước, nay hoàng hậu yêu cầu ta sau này phải truyền ngôi báu cho hoàng tử Nhật nhưng ta đã từ chối. Lòng dạ đàn bà vốn nham hiểm, có thể hoàng hậu sẽ sinh ác ý với hai con, nên ta muốn hai con hãy tạm thời trốn trong rừng sâu, đợi ta băng hà rồi hãy trở về lên ngôi báu và nắm quyền chấp chính.

Hoàng tử Na Nhất Thiên không hề sợ chết, nhưng muốn cho phụ vương được an lòng nên chỉ còn biết cùng hoàng tử Nguyệt buồn bã từ giã cha già, rời khỏi hoàng cung. Nhà vua ứa lệ hôn lên đầu hai đứa con trưởng, không làm gì khác hơn được là nhìn chúng nó đi xa.

Hai hoàng tử vừa rời khỏi cung điện thì chạm mặt hoàng tử Nhật. Biết hai anh sắp ra khỏi thành, hoàng tử Nhật nhất định đòi đi theo. Thế là ba chàng hoàng tử cùng nhau hướng về phía dãy Hy Mã Lạp Sơn mà đi.

Đến chân núi, sau một vài ngày vượt núi băng sông, cả ba đều mệt mỏi, ngồi xuống một gốc cây bên đường mà nghỉ ngơi. Hoàng tử Nhật nói với Na Nhất Thiên rằng:

– Tiểu đệ mệt quá, muốn uống chút nước!

– Được, đệ hãy đi mau rồi về mau, huynh chờ đệ ở đây.

Được anh cho phép, hoàng tử Nhật ba chân bốn cẳng chạy mau tới bờ sông. Đứng trước dòng nước sông trong vắt, hoàng tử Nhật cầm lòng không đậu, không suy nghĩ gì thêm, bèn nhảy xuống sông tắm. Bỗng nhiên từ dưới nước nổi lên một con thủy quái, tóm lấy hoàng tử Nhật mà nói rằng:

– Nhà ngươi dám nhảy xuống sông này bơi lội, ngươi có biết đây là chỗ nào không? Trừ người nào biết được lý trời, ngoài ra không ai được xuống đây tắm cả.

Thì ra dòng sông này dưới quyền cai quản của con thủy quái, phàm người nào xuống nước tắm, nếu không phải là thánh nhân thông hiểu lý trời, thì đều bị thủy quái ăn thịt. Nay hoàng tử Nhật bị hỏi như thế thì cứng miệng không trả lời được, bèn nói bừa:

– Lý trời là mặt trời, mặt trăng!

Vì không hiểu lý trời nên hoàng tử Nhật bị thủy quái bắt lại, nhốt trong động của mình.

Lúc ấy, hoàng tử Na Nhất Thiên đang ngồi nghỉ dưới gốc cây, thấy hoàng tử Nhật đi lâu quá không về, trong lòng bất an nên bảo hoàng tử Nguyệt đi tìm. Kết quả là hoàng tử Nguyệt cũng xuống sông tắm và cũng bị thủy quái bắt về động.

Mặt trời đã khuất sau núi, hoàng tử Na Nhất Thiên cảm thấy bồn chồn lo lắng nên tự mình đi tìm hai em. Đến bờ sông, chỉ thấy quần áo, đồ vật của hai em mà người thì không thấy đâu. Một lúc sau trên mặt nước có tiếng xào xạc, thủy quái nổi lên mời hoàng tử Na Nhất Thiên xuống tắm. Nhưng đại hoàng tử mãi lo nghĩ đến sự an nguy của hai em nên không có lòng dạ nào bơi lội. Chàng liền hỏi thủy quái:

– Ông có thấy hai em của tôi đâu không?

Thủy quái đáp:

– Có chứ! Hai cậu ấy không hiểu lý trời nên bị ta bắt nhốt lại rồi. Ta đợi tối nay sẽ ăn thịt hai cậu ấy.

– Sao lại muốn ăn thịt chúng nó! Xin ông hãy thả chúng nó ra, nếu muốn ăn thịt thì hãy ăn thịt tôi đây!

Hoàng tử Na Nhất Thiên van cầu thủy quái. Thủy quái nói:

– Xưa nay, bất cứ ai không hiểu lý trời mà xuống nước tắm đều bị ta ăn thịt. Nếu hôm nay cậu có thể trả lời được, ta sẽ trả cho cậu một trong hai người em.

– Được, xin ông cứ hỏi.

Thủy quái ngửa mặt lên trời, lớn tiếng hỏi:

– Cậu có biết lý trời là gì không?

Hoàng tử đọc kệ đáp:

Có đủ tâm tàm quý,
Chỉ sống đời thanh bạch,
Chỗ thế gian tịch tĩnh,
Chính là lý trời vậy.

Khi đại hoàng tử nói xong bốn câu kệ này, thủy quái tỏ vẻ rất vui mừng khen ngợi rằng:

– Đại hiền nhân! Cậu vừa nói lên diệu pháp khiến cho tâm tôi hoan hỉ và thanh tịnh. Nay tôi sẽ trả cho cậu một trong hai người em, cậu chọn người nào?

Hoàng tử Na Nhất Thiên trả lời ngay không chút do dự:

– Xin trả lại em út của tôi là hoàng tử Nhật!

Thủy quái ngạc nhiên hỏi:

– Lạ chưa! Cậu thông hiểu lý trời mà sao không chịu thực hành? Cậu bỏ đứa lớn mà chọn đứa nhỏ, như vậy là hoàn toàn không biết kính trọng người lớn tuổi.

Nhưng lời nói của thủy quái không hề làm cho đại hoàng tử nao núng, chàng khoan thai trả lời:

– Thủy quái, đừng nói như thế! Tôi đã vì ấu đệ mà phải bỏ hoàng cung. Mẫu hậu yêu cầu phụ vương truyền ngôi cho ấu đệ, nhưng phụ vương đã từ chối. Vì muốn bảo toàn mạng sống nên chúng tôi đã phải rời hoàng cung, nhưng ấu đệ nhất định đòi đi theo. Nếu hôm nay để cho ông ăn thịt ấu đệ, đến khi trở về tôi phải giải thích việc này thế nào? Hơn nữa, theo lý thì người ta chỉ kính trọng người lớn tuổi trong những trường hợp xét về kinh nghiệm sống, còn khi cần bảo vệ mạng sống thì tất nhiên phải ưu tiên cho người ít tuổi hơn, vì thời gian được sống đã qua của họ ngắn hơn. Vì thế tôi muốn ông trả em út cho tôi trước.

Lời nói của đại hoàng tử làm cho thủy quái vô cùng cảm động và thán phục, vì hợp tình hợp lý. Thấy hoàng tử nhân từ, đức độ như thế, hắn bèn đem cả hai tù nhân của mình trả lại cho đại hoàng tử. Ba anh em liền vội vã trở về cung điện, đem mọi việc trình lên vua cha.

Hoàng hậu biết được chuyện này, không những thái độ hoàn toàn đổi khác, trở lại thương yêu bảo bọc cả ba anh em, mà từ đó cũng không bao giờ còn nhắc tới việc truyền ngôi cho hoàng tử Nhật nữa.

Vài năm sau, đức vua băng hà, hoàng tử Na Nhất Thiên lên ngôi báu, nhưng chàng không hề thấy mình đang ở ngôi vị vinh dự của một ông vua. Chàng phong hai em làm đại tướng quân nắm giữ binh quyền, và cả ba cùng nhau hợp sức để trị quốc, đem lại an lạc cho muôn dân.

Đại hoàng tử Na Nhất Thiên thuở ấy chính là người đã chứng được quả Phật vô thượng sau này. Hoàng tử Nhật nay là tôn giả A Nan, và hoàng tử Nguyệt chính là tôn giả Xá-lợi-phất.

Sinh tử vô thường, người nào nhìn rõ ngọn nguồn của việc sinh tử như hoàng tử Na Nhất Thiên, sinh không thấy là đáng vui mà tử cũng không thấy là đáng buồn, đó mới là người siêu thoát được khổ, không, vô thường.

Thanked by 2 Members:

#94 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2012 - 03:28

95. Vòng châu cài tóc

Ngày xưa có một ông vua rất cưng chiều con gái của mình, cứ quấn quít lấy con chưa từng rời xa. Khi công chúa muốn điều chi, vua luôn luôn tìm cách để chiều lòng cô.

Một hôm, vừa mới qua một trận mưa lớn, vườn ngự uyển khoác một lớp áo mới mẻ, tươi mát, công chúa tản bộ đến bên hồ nước giữa vườn, ngắm nhìn mặt nước trong vắt.

Đột nhiên cô nhìn thấy trên mặt nước bắn lên rất nhiều bọt bong bóng lóng la lóng lánh như trân châu, thật là đẹp mắt. Công chúa thích quá, bỗng khởi lên một ý tưởng hão huyền, xoay qua nói với vua cha rằng:

– Phụ vương! Cha hãy nhìn mặt nước hồ của vườn hoa nhà mình, mấy cái bọt bong bóng đẹp quá là đẹp! Con nghĩ mình phải vớt lên để kết thành vòng châu cài tóc cho con trang sức, cha thấy có được không?

– Được chứ! Được chứ! Con gái cưng của cha muốn gì mà lại không được?

Nói xong, nhà vua bỗng sa sầm mặt xuống:

– Nhưng bọt bong bóng trên mặt nước là một vật hư huyễn không thật, không cầm nắm được, làm sao mà vớt lên làm vòng châu được?

Công chúa nũng nịu nói:

– Nhưng con muốn! Con muốn là phải được!

– Con gái cưng! Con ngốc vừa thôi chứ!

Công chúa không bằng lòng, giận dỗi trả lời:

– Cái gì mà ngốc? Trên mặt nước bong bóng rành rành ra đó, làm sao không vớt lên được chứ?

Nhà vua dùng lời ngọt ngào giải thích:

– Nhưng chúng sinh ra và diệt đi trong chốc lát, không tồn tại lâu, làm sao vớt được?

– Con không tin! Nếu không cho con vòng châu bằng bong bóng nước, con không muốn sống nữa!

Công chúa được cưng chiều từ bé, muốn đòi gì là phải được ngay cái ấy. Vua cha nghe vậy thì lo sợ, lập tức triệu tập những tay thợ vàng khéo nhất trong vương quốc và phán rằng:

– Các ông xưa nay vốn được xưng là những tay thợ tuyệt khéo, không có gì là không làm được. Nay ta có việc này muốn nhờ các ông.

– Đại vương có gì dạy bảo, chúng thần đương nhiên sẽ tuân theo!

Các vị thợ vàng đứng thẳng người đợi lệnh:

– Các ông hãy lập tức vớt lấy bong bóng nước trong hồ, kết thành vòng châu cho công chúa.

Các vị thợ vàng nghe thế thì kinh hoàng thất sắc, tất cả đồng tâu rằng:

– Dẫu chúng thần có tài khéo tới đâu đi nữa cũng không có cách gì vớt bong bóng nước làm vòng châu được!

Nhà vua lớn tiếng hạ lệnh:

– Nếu các ông không làm được, ta sẽ chém đầu các ông!

Các vị thợ vàng nghe vậy ai cũng run sợ, líu lưỡi, giương tròn đôi mắt ra nhìn nhau. Vua nổi trận lôi đình, ai mà không sợ? Nhưng trong số có một lão thợ già nghĩ ra một kế, liền tiến lên tâu vua rằng:

– Hạ thần có thể làm được.

– Tốt quá! Ông hãy làm ngay, ta sẽ thưởng công cho ông hậu hĩ!

Nhà vua vô cùng mãn nguyện, quay sang nói với con gái rằng:

– Con có thấy ta thương con không? Ta đã không chút nề hà, tìm ra được một người có thể vớt bong bóng nước để kết thành vòng châu cho con cài tóc rồi đó!

– Đa tạ phụ vương! Con cũng muốn đi xem.

– Thì con hãy đi theo ông thợ mà xem.

Được phụ vương cho phép, công chúa hân hoan đi theo ông thợ già ra bên bờ hồ, cô muốn nhìn tận mắt ông thợ sẽ làm cách nào.

Đến ven hồ, ông thợ già cung kính, khẩn khoản nói với công chúa rằng:

– Tâu công nương! Tôi già nua, mắt mờ không còn thấy rõ, từ trước đến nay cũng không biết phân biệt bong bóng nước đẹp, xấu. Xin công nương vui lòng tự tay chọn lựa theo ý thích, sau đó tôi sẽ kết thành vòng châu cho công nương.

Công chúa vui vẻ nói:

– Được! Để tôi chọn!

Công chúa lập tức xắn tay áo lên, nhúng tay vào nước và mở lòng bàn tay ra để vớt lấy bong bóng. Nhưng tay cô vừa nhúng xuống nước thì bong bóng đã vỡ, cô làm cách nào cũng không có kết quả. Cần cù thật lâu chẳng vớt được một cái bong bóng nào. Cô mệt mỏi, chán nản, bèn bỏ ý muốn vớt bong bóng nước làm vòng châu, quay trở về cung.

Lúc ấy công chúa dường như thức tỉnh, nói với vua cha:

– Bọt nước sinh diệt vô thường, là thứ mà ta không giữ lâu được, con không muốn một vòng châu như thế nữa.

Nhà vua nghe thế vui mừng mỉm cười hỏi:

– Thế thì con muốn một vòng châu như thế nào?

– Con muốn một vòng châu bằng ngọc tím để cài lên tóc, ngày đêm gì cũng không khô héo tàn tạ, như thế tốt hơn nhiều!

– Đúng! Đó mới là một vật chân thật, không hư huyễn, ta nhất định sẽ tặng cho con!

Công chúa rất vui lòng, lễ phụ vương mà lui đi.

Đức Phật đã dạy: “Đời người mong manh, thế gian vô thường, của cải như bọt nước, sinh diệt trong sát-na, không giữ lâu được, không thể nương tựa được!”




Thanked by 2 Members:

#95 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2012 - 03:32

96. Cúng dường được phước

Thuở xưa có một cặp vợ chồng rất nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sống rất khổ sở, thường bị đói lạnh bức bách mà không thể làm gì để thay đổi tình thế được.

Tuy họ đi khắp nơi tìm việc khó nhọc để làm, nhưng việc làm quá khó kiếm, nhìn thấy thiên hạ giàu có dư dả còn mình thì cùng khốn như thế, hai vợ chồng không ngừng than vắn thở dài với nhau. Trở về căn nhà rách nát của mình, người chồng tên Kệ Di La ngồi trước mặt vợ nói rằng:

– Đức Phật có dạy: Người ta nghèo khổ là vì kiếp trước bủn xỉn tham lam. Tuy giàu có, gia tài vạn ức mà nếu không tu phúc, không bố thí thì kiếp sau chắc chắn không thể sống sung túc được.

Kệ Di La ngừng một chút rồi lại nói tiếp:

– Than ôi! Chúng ta kiếp trước không tu phúc, không biết gieo trồng phúc điền nên kiếp này mới cùng khốn như thế này.

Vợ ông nghe thế, vọt miệng nói mà không suy nghĩ:

– Thế thì bây giờ mình tu phúc đi! Đời này mình không giàu có, thì hy vọng đời sau khá hơn!

– Đúng vậy, tôi cũng nghĩ như bà. Nhưng hiện tại ba bữa ăn một ngày mình còn kiếm không ra, lấy tiền đâu mà bố thí với cúng dường đây?

Nói tới tiền thường làm cho người ta nhức đầu, không biết phải làm cách nào để đào cho ra. Nhưng đàn bà thường nhanh trí nên người vợ nghĩ ra ngay một giải pháp, nói với chồng rằng:

– Đừng lo! Ông hãy đem tôi đi bán làm đầy tớ cho người ta, lấy số tiền đó làm phúc, khó gì?

Bà thấy giải pháp của mình rất hay, nhưng Kệ Di La lắc đầu thở dài:

– Không! Không thể làm như thế được! Tôi đem bà đi bán cho người ta rồi, làm sao tôi sống nổi đây!

Vì cặp vợ chồng này tuy nghèo khổ nhưng tình cảm của họ gắn bó với nhau rất mặn nồng. Người vợ lại nói:

– Nếu ông không bỏ tôi được, thì cả hai chúng ta cùng đem thân mình đi bán lấy tiền làm Phật sự, thì việc thiện đó lại càng có giá trị hơn chứ sao!

Hai vợ chồng bàn tính và quyết định rồi, bèn đến nhà một phú ông kể rõ ngọn nguồn. Phú ông ưng thuận mua họ, hai bên thỏa thuận giá cả, kỳ hạn cho họ 7 ngày để lập hội trai tăng cúng dường, sau 7 ngày ấy hai vợ chồng sẽ trở lại nhà phú ông làm đầy tớ trả nợ suốt đời.

Cầm số tiền trong tay, hai vợ chồng Kệ Di La mừng rỡ vô cùng, chạy mau đến chùa lập hội trai tăng cúng dường. Hai người quên hết tất cả mọi khổ sở, hết lòng hết dạ phụng sự đại chúng. Họ cảm thấy rằng đó là những ngày quý giá nhất đời họ, và cũng là những cuối cùng thuộc về họ. Trong số 7 ngày ấy, họ muốn thay đổi vận mệnh của mình và tu nhân phước đức cho đời vị lai.

Sáu ngày trôi qua, đến ngày cuối bỗng nhiên nhà vua cũng đến chùa mở hội trai tăng. Theo tục lệ thì khi vua đến, bất kỳ người nào cũng phải nhường chỗ cho vua cúng dường trước, nhưng Kệ Di La nhất định không chịu nhường.

Nhà vua không bằng lòng, cho triệu Kệ Di La đến. Trước mặt nhà vua, Kệ Di La thật tình tâu rằng:

– Tâu bệ hạ, xin bệ hạ tha lỗi hạ thần vô lễ. Chỉ vì hôm nay là ngày cuối cùng thuộc về hạ thần, ngày mai hạ thần sẽ thuộc về người khác mất rồi, cho nên hạ thần không thể nhường cho bệ hạ ngày cuối cùng của hạ thần để làm việc trai tăng.

Nhà vua nghe thế bèn hỏi Kệ Di La nhân duyên gì lại đến đây làm lễ trai tăng cúng dường, và nhất là tại sao bắt đầu từ ngày hôm sau lại thuộc về người khác?

Kệ Di La kể hết mọi sự cho vua nghe, vua cảm thấy tội nghiệp họ và khen ngợi tinh thần cúng dường không tiếc thân mạng của họ. Vì vậy vua ban cho họ rất nhiều quần áo, của cải quý giá, và còn cắt cho rất nhiều đất đai để họ lấy đó kiếm sống.

Nhân quả không bao giờ lừa dối ai, người nào chân thành phát tâm bố thí cúng dường sẽ tự nhiên gặp những cơ hội thành đạt không thể nào ngờ được!




Thanked by 2 Members:

#96 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2012 - 03:33

97. Biết tụng kinh Kim Cang bằng tiếng Phạn

Vợ của quan đại phu Tư Nguyên Thôi Nghĩa, họ Túc, con gái của Túc Khanh. Túc Khanh là cháu của Túc Nghi Xạ.

Túc thị, vợ của Thôi Nghĩa, tuy sinh trưởng trong một gia đình phú quý, nhưng là một người hay ganh ghét, hay sân hận, thường dùng roi vọt đánh đập tỳ nữ, không tin nhân quả luân hồi.

Vào đời Ðường Cao Tông Lân Ðức nguyên niên, Túc thị theo chồng là Thôi Nghĩa đên sống ở Lạc Dương, tới tháng giêng năm thứ hai thì chết.

Lúc Túc thị còn sinh tiền, có đứa nô tỳ cưng tên là Nhuận Ngọc, vừa đúng 18 tuổi, tuy thuộc giòng tộc man rợ nhưng tướng mạo đoan trang xinh đẹp, mà còn rất thông minh. Chủ nhân cô, Túc phu nhân, không tin Phật Pháp nhưng cô thì lại rất tin.

Qua tháng hai, gia đình nhà họ Thôi thỉnh chư tăng đến dùng cơm chay và đồng thời cầu siêu tuần tam thất cho phu nhân.

Hôm đó, mọi người đang ngồi ăn cơm thì tỳ nữ Nhuận Ngọc bỗng thấy Túc thị trở về, cổ đeo gông, lưng đeo khóa, lại còn bị vài tên ngục tốt kéo đi, nhưng người khác thì lại không thấy gì cả, chỉ có Nhuận Ngọc là thấy được mà thôi. Hồn ma của Túc thị nhập vào người của Nhuận Ngọc, cô này tức thời mở miệng nói bằng giọng của Túc thị :

- Từ khi tôi về làm dâu nhà họ Thôi tính tình dữ dằn, vừa sân hận vừa ganh ghét, thích đánh đập tỳ nữ, không tin nhân quả, nên bây giờ chết phải đọa địa ngục, thọ tội báo vô cùng nặng nề. Tôi đã phải chịu trăm vạn nỗi thống khổ, hôm nay biết được gia đình tổ chức tuần tam thất, vì tôi mà thỉnh chư tăng và lập đàn chay tạo phúc, vì thế tôi cầu xin quan ngục cho tôi được thả ra một ngày, tạm về nhà xem việc đàn chay, đồng thời nói một vài điều với các con tôi và tất cả mọi người trong nhà, già trẻ lớn bé.

Từ trước tôi sống chung với các người, luôn luôn hung hăng dữ dằn, muốn làm chi là làm loạn làm càn, còn thích dùng roi vọt đánh đập người nhà, ghen tức với những tỳ nữ tốt của chồng tôi. Lúc còn sống tôi luôn luôn tạo nghiệp ác, nên hôm nay chịu quả báo khổ, không biết ngày nào thoát ra được.

Hôm nay tôi xin các con tôi cùng tất cả nhà, nội ngoại thân thuộc, cho tôi được sám hối với từng người một, xin mọi người tha thứ cho tôi.

Xin các con tôi niệm tình sinh dưỡng mà đem tất cả nữ trang, tiền bạc của tôi lúc sinh tiền, thay mặt tôi làm việc phúc đức, thiết lễ trai tăng, cúng dường tăng ni, cho tôi thoát được sự thống khổ.

Làm như thế 7 tuần tức là 49 ngày, trai tăng viên mãn, tôi lại có thể xin quan ngục thả cho tôi ra một ngày nữa, về gặp chồng con nói chuyện. Chồng tôi tính tình cũng nóng nảy, hay nổi giận, sau này không được đánh đập nô tỳ nữa, nên khuyến khích mọi người quy y Tam Bảo, cung kính bậc tôn trưởng, trì giới, chay tịnh, nhẫn nhục, bố thí.

Chuyện tôi muốn nói đến đây là xong, nhưng tôi muốn đem Nhuận Ngọc đi theo tôi xuống địa ngục cho nó xem cảnh tôi bị hành tội như thế nào, thống khổ ra sao, sáu bảy ngày nữa tôi sẽ thả cho nó về nhà.

Tỳ nữ Nhuận Ngọc nói bằng giọng của Túc thị vừa dứt lời bèn ngã lăn ra bất tỉnh không còn biết gì nữa, chỉ có vùng tim là có hơi ấm, ngoài ra khắp cả người đều lạnh như băng, nhưng gia nhân không dám đem cô đi mai táng.

Nhuận Ngọc vừa bất tỉnh, linh hồn cô đi theo Túc phu nhân xuống địa ngục, thấy một cái điện thật to, cửa điện có binh lính đứng canh, có vẻ như là điện của vua. Cô không dám đứng lại xem xét, đi một mạch tới viện phía đông, lại thấy một sảnh đường, trong sảnh đường có một vị quan lớn, có vẻ như là vị quan phán tội.

Băng qua sảnh đường thì tới đông viện, nơi đây có đủ loại dụng cụ tra tấn, giống như các tranh vẽ về địa ngục mà cô đã từng trông thấy. Tới đây Túc phu nhân nói với Nhuận Ngọc rằng :

- Ngươi hãy xem ta thọ tội thống khổ tới mức nào !

Dứt lời, có ngục tốt với đủ loại hình thù quái dị cùng quỷ la sát v.v.. xông tới, ném thân của Túc phu nhân lên một phiến gỗ lớn, rồi khoa dao mổ lợn cắt bằm loạn xạ, xong lại ném bà vào vạc nước hoặc vạc dầu chiên chiên luộc luộc. Sau đó Túc phu nhân trở lại nguyên hình, họ lại đưa bà đi các chỗ trong ngục tối, dùng kềm sắt kéo lưỡi, thả quạ sắt tới mổ mắt, ném bà lên giường sắt núi dao, làm mồi cho chim sắt, lửa dữ. Bà chết đi rồi sau đó sống lại để chịu khổ nữa, những cảnh đau đớn như vậy không làm sao nói hết được !

Túc thị phu nhân chịu đủ các thứ hình phạt như thế rồi, bỗng cha bà là Túc Khanh cưỡi tòa sen bằng vàng tím từ không trung hạ xuống.

Lúc còn tại thế, trong suốt thời gian làm quan, Túc Khanh không ăn thịt uống rượu, kiên cữ cả năm loại hành tỏi, thường đọc tụng kinh Pháp Hoa, cung kính Tam Bảo, hiện thời ông đã sinh về thế giới của Phật. Biết con gái đã bị đọa địa ngục, ông bèn xuống cứu giúp.

Túc Khanh nói với con gái rằng :

- Lúc còn tại thế, ta thường thường dạy con tin Phật, dạy con đừng sân hận, nhưng con không nghe lời ta nên mới có quả báo ngày hôm nay, nhưng tại sao con lại đem tỳ nữ đến đây nữa ?

Túc phu nhân trả lời :

- Cũng vì lúc sống con không tin Phật, ngày nay chịu tội, nên con đem tỳ nữ xuống đây chứng kiến cảnh con đau đớn ra sao, để nó về kể lại cho người trong nhà nghe cho họ tin Phật, thế thôi.

Túc Khanh nghe thế, gật đầu rồi nói :

- Tuy ta sinh trong cảnh giới Phật, nhưng dẫu có hết sức cũng không giúp đỡ cho con được, con hãy nương nhờ vào sự giúp đỡ nhân duyên phúc đức người nhà con, ta hy vọng ta sau này sẽ hết khổ được vui, con hãy làm thế nhé !

Túc Khanh vừa dứt lời thì trên không trung bỗng nhiên có một vị phạm tăng bay xuống, cũng nói với Túc thị :

- Bà không tin nhân quả nên thọ khổ như thế này, nhưng cô gái này thì làm sao đây ? Ta muốn dạy cho cô tụng kinh, để người trên dương gian phát lòng tin.

Túc phu nhân nói :

- Nó thông minh lắm, có thể học kinh được.

Vị phạm tăng bèn dạy Nhuận Ngọc tụng kinh Kim Cang, nhưng là bằng âm phạn chứ không phải bằng tiếng Trung hoa. Dạy không bao lâu cô đã tụng được trôi chảy, âm vận thành thạo, vị phạm tăng dặn dò cô rằng :

- Cô trở về nhà rồi, gặp người ta thì cô tụng kinh nhưng người Trung quốc sẽ không hiểu là cô tụng những gì. Cô nên tìm một người từ Tây Vực biết tiếng Phạn, rồi tụng cho người ấy nghe. Người đời bây giờ phần đông tin tà giáo, không tin Phật Pháp. Nếu họ biết cô không học mà tụng được kinh bằng tiếng phạn, họ sẽ sinh lòng tin. Nếu có được một người bỏ tà quy chánh thì đó là nhờ công đức của cô đấy !

Vị phạm tăng nói xong bèn đưa Nhuận Ngọc trở về nhà. Nhuận Ngọc tỉnh lại, liền cho triệu tập người trong nhà, đem cảnh phu nhân thọ khổ dưới địa ngục kể lại tường tận.

Lại sợ con cái của phu nhân không tin, cô kể tiếp việc Túc Khanh đến để cứu giúp phu nhân, và việc phạm tăng dạy cô tụng kinh ra sao, nhất nhất kể hết. Cô còn tụng kinh Kim Cang bằng tiếng phạn, âm thanh rất rành rọt. Cả nhà già trẻ lớn bé thấy câu chuyện chưa từng thấy chưa từng nghe này, không ai là không hồi tâm hướng thiện, tin Phật và chay tịnh.

Rồi cũng tại năm ấy, có bốn vị phạm tăng từ Tây Vực đến Trung quốc, đem theo một mảnh xá lợi xương đỉnh đầu của Phật. Tướng quân Tiết Nhân Quỹ bèn thiết trai cúng dường trong nhà. Người trong quyến thuộc của tướng quân cùng rất nhiều quan viên cùng đến dự tiệc chay. Một vị quan nói :

- Nhà của đại phu Thôi Tư Nguyên có đứa tỳ nữ Nhuận Ngọc biết tụng kinh Kim Cang bằng âm phạn, chúng ta nghe không ai hiểu, hay là mời cô ta đến đây tụng cho các vị phạm tăng này nghe ?

Tiết tướng quan bèn sai người mời Nhuận Ngọc đến, cô tụng kinh cho bốn vị phạm tăng nghe, họ nghe rồi tỏ vẻ kinh ngạc và chắp tay khen ngợi cô, tấm tắc cho là chuyện hy hữu, hỏi rằng :

- Làm sao người nhà Ðường có thể tụng kinh bằng âm phạn ?

Người thông dịch viên đem chuyện của Nhuận Ngọc ra kể hết cho các vị phạm tăng nghe.

Nghe xong, họ vô cùng kinh dị và tán thán. Các vị quan cùng người tăng kẻ tục trong bàn tiệc, không ai là không sinh tâm hy hữu. Tiết Tướng quan đem sự việc này tâu lên vua Cao Tông, vua tức thời hạ chiếu thư khuyến khích quân quan thần dân đều nên tin Phật pháp, vì thấy rằng trong tất cả các vị thánh hiền, Phật và Bồ Tát là những bậc cao tột nhất.

Do đó, các quan văn võ cùng trăm họ trong dân gian không ai là không tin Phật pháp.



Thanked by 2 Members:

#97 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2012 - 03:40

98. Năm loại bất tử

Kinh Di Ðà có nói tới 16 vị đại đệ tử của đức Phật, trong số ấy có tôn giả Bạc Câu La. Ngài cao lớn tráng kiện, nghi dung trang nghiêm đẹp đẽ, đó là vì trong những đời quá khứ ngài không hề sát hại một sinh linh nào. Nhờ thiện nghiệp ấy nên trong 91 đời ngài không bệnh hoạn, từ nhỏ tới già không ngã bệnh một lần nào. Không những thế, ngài còn có cái phúc đức là không bao giờ chết vì năm loại tai họa, cũng gọi là "năm loại bất tử". Thế nào là năm loại bất tử ?

1. Không vì thiên nhiên chuyển hóa như núi lở hay đất nẻ mà chết.

2. Không bị lửa dữ thiêu cháy, không bị nước lớn nhận chìm.

3. Không gặp đạo tặc hãm hại.

4. không bị ngăn cấm bởi lệnh vua.

5. Không bị đao binh, chiến tranh làm thiệt mạng.

Tôn giả Bạc Câu La có thiện nghiệp và phúc báo ấy, ai được thấy ngài hay nghe nói đến ngài cũng phải cung kính và tán thán.

Ngài tu hành tinh tiến, thường thường ngồi kiết già, đoan nghiêm bất động. Khi ngài tọa thiền dưới gốc cây, không bao giờ do vì cảm thấy mệt mỏi mà tựa vào thân cây. Cũng thế trong các phòng thất, ngài cũng không bao giờ ngồi tựa vào các tường, vách.

Trên phương diện chuyên cần tu tập cũng không ai bằng ngài, và khó hơn nữa, ngài có đầy đủ biện tài vô ngại, có thể thuyết giảng cặn kẽ tất cả các diệu pháp.

Thế nhưng ngài không thường thuyết pháp cho đại chúng, luôn luôn giữ thái độ tĩnh mặc, vô ngôn. Ðiều ấy khiến cho nhiều người lấy làm kỳ dị, đã có tài thuyết pháp thì tại sao lại không thuyết ? Vì thế một hôm tôn giả A Nan mới hỏi ngài rằng :

- Tôn giả Bạc Câu La ! Tại sao ngài lại không tuyên thuyết diệu pháp cho đại chúng nghe ?

Tôn giả Bạc Câu La bèn trang trọng trả lời rằng :

- Nói nhiều chưa chắc đã được người ta tin nghe. Dẫu cho lời nói của mình câu nào cũng đáng giá ngàn vàng, thế nào cũng có người lại thấy rằng lời mình nói ra làm nhiễu động tâm họ. Tôi thường thường đắc được pháp lạc trong cảnh tịnh tĩnh, cho nên tôi muốn mọi người cũng được như thôi, hưởng pháp lạc trong sự tĩnh lặng.

Tôn giả Bạc Câu La không những rất chuyên tâm trong việc an tọa tham thiền, mà trong việc tu trì công đức nhẫn nhục thì lại càng cao quý hơn : bị người đánh đau, ngài không những không trả đũa mà còn không khởi tâm sân hận. Bị người hãm hại, đã không phục thù, ngài cũng không hề oán trách người. Cũng như bị người chửi mắng, ngài cũng có thể nhẫn nhục chịu đựng.

Ðược lợi, bị suy thoái, bị hủy báng, được danh dự, được khen ngợi, bị chế nhạo, được sung sướng hay khổ đau, tám loại "gió" (bát phong) ấy không thể làm cho ngài động tâm hay phiền não. Công phu tu dưỡng của ngài thật xứng đáng cho chúng ta muôn đời kính phục và tôn trọng.



Thanked by 2 Members:

#98 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2012 - 03:50

99. Phật tiếp khách

Vào một mùa an cư, trưởng lão Yasoja dẫn về vườn Cấp Cô Ðộc 500 tỳ kheo yết kiến Phật. Vì mới thụ giới chưa lâu, uy nghi chưa thuần thục, những vị này gây nhiều tiếng động khi xếp đặt chỗ nghỉ dưới gốc cây, và lớn tiếng chào hỏi nhau. Từ trong hương thất của ngài, Ðức Thế tôn gọi thị giả A nan dạy:

- Này A nan, tiếng gì ồn ào ngoài kia, như là tiếng hàng cá ngoài chợ tranh giành cá với nhau vậy?

- Bạch Thế tôn, đó là 500 vị tỳ kheo đệ tử của trưởng lão Yasoja mới đến.

- Ngươi hãy cho các tỳ kheo ấy vào.

- Thưa vâng, bạch Thế tôn.

Tôn giả A Nan mời 500 khách tăng vào hầu Phật, với Yasoja, thầy họ dẫn đầu. Ðến nơi họ đảnh lễ Thế tôn rồi ngồi một phía. Ðức Thế tôn quở trách:

- Này các tỳ kheo, các ngươi không xứng đáng ở cạnh ta. Hãy đi đi. Ta đuổi các ngươi.

Chư tỳ kheo đảnh lễ Phật rồi lui ra. Tôn giả Yasoja khuyến khích họ:

- Chư hiền, Ðức Ðạo sư quở trách chư hiền vì lợi ích cho chư hiền. Hãy tinh tấn tu học, để Ðức Ðạo Sư hoan hỉ.

- Thưa vâng, bạch Tôn giả.

Rồi Tôn giả dẫn 500 Tỳ kheo đi đến một bờ sông để dựng chòi an cư trong mùa mưa. Các tỳ kheo tinh tấn tu học, mãn hạ, tất cả đều chứng quả A La Hán. Từ vườn Cấp Cô Ðộc, đức Thế tôn nhập định thấy hào quang sáng rỡ một vùng, nơi chư tỳ kheo cư trú. Ngài cho gọi Tôn giả A Nan bảo:

- Này A Nan, hãy nhân danh ta, đến bờ sông mời các tỳ kheo lại đây.

- Thưa vâng bạch Thế tôn.

Khi 500 Tỳ kheo đến yết kiến đức Phật sau mùa an cư, Ðức Thế tôn đang nhập định. Chư tỳ kheo này với tâm thanh tịnh, rõ biết rằng: "Nay Thế tôn đang an trú định bất động, vậy chúng ta cùng an trú định ấy." Rồi họ cùng ngồi kiết già nhập định. Khi mãn canh một (đầu đêm), Tôn giả A Nan đến bên Phật nhắc:

- Bạch Thế tôn, xin Thế tôn hãy xuất định để đón tiếp các tỳ kheo. Con đã mời họ đến. Họ chờ đã lâu.

Ðức Thế tôn im lặng. Canh hai trôi qua, tôn giả A Nan, con người lịch sự hiếu khách, lại tới bên Thế tôn bạch:

- Bạch Thế tôn, Thế tôn nhập định đã lâu, các tỳ kheo chờ đợi đã lâu, xin Thế tôn xuất định đón tiếp họ.

Lần thứ hai, Thế tôn im lặng. Canh ba trôi qua, A Nan Tôn giả sốt ruột sợ khách chờ, lại đến bên Phật:

- Bạch Thế tôn con đã mời các tỳ kheo đến, chúng tỳ kheo đợi Ngài đã lâu. Xin Thế tôn xuất định đón tiếp họ. Khi ấy đức Thế tôn an lành xuất định, từ tốn bảo Tôn giả A Nan:

- Này A Nan, Ta và chúng Tỳ Kheo đang nhập định Bất Ðộng. Nếu ngươi hiểu điều ấy, ngươi đã không hối thúc ta như vậy.


Thanked by 2 Members:

#99 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2012 - 03:55

100. Giữ gìn cây pháp

Khi đức Thế tôn ở núi Linh Thứu thành Vương Xá, có tôn giả Dhammikà, sau khi lang thang hết chỗ này tới chỗ khác qua bảy trú xứ mà không nơi nào chấp nhận, cuối cùng lần mò về chỗ Phật. Nguyên do là vì, tôn giả đi đến đâu cũng gây sự với các tỳ kheo ở đó, khiến họ không chịu nổi, bỏ đi. Các cư sĩ biết chuyện, đến mời Tôn giả đi chỗ khác. Thế là cuối cùng Tôn giả về thành Vương Xá yết kiến Phật. Ngài hỏi:

- Này Dhammikà, sao ngươi trở về đó?

- Bạch Thế tôn, con bị các cư sĩ tại các trú xứ mời đi chỗ khác.

- Thế đấy! Ngươi cũng chẳng hề gì cả, vì còn ta đây để cho ngươi quay về. Phải ngươi nghĩ vậy không?

Tôn giả cúi đầu im lặng. Ðức Thế tôn lại bảo:

- Thuở xưa, này Dhammika, các nhà buôn đi biển thường mang theo một con chim. Khi tàu ra khơi, không trông thấy bờ bến, muốn biết có hòn đảo nào gần để ghé tàu, người ta thả con chim ra. Nó bay đi tứ phía, nếu không có chỗ nào đậu, không gặp bờ bến, thì nó trở lui về tàu. Nay nhà ngươi cũng vậy đó, Dhammika.

Tôn giả đứng im lặng, Thế tôn lại tiếp:

- Thuở xưa, này Dhammika, có một cây bàng chúa to lớn, chịu đầy trái ngon ngọt. Vua và các cung nữ hưởng thụ một cành, quân đội hưởng thụ một cành, dân chúng một cành, các sa môn, bà la môn một cành, thú rừng và chim chóc một cành. Một hôm có người đến ăn trái no bụng xong, bẻ gãy một cành rồi bỏ đi. Khi ấy vị thần trú nơi cây bàng nói với cây rằng: "Thưa tôn giả, loài người thật là ác độc, đã ăn no rồi còn bẽ gãy cành. Tôn giả đừng có sinh trái nữa." Cây bàng chúa nghe lời, năm sau không thèm sinh trái nữa.

Khi thấy cây không còn sinh quả, vua bèn yêu cầu trời Ðế thích triệt hạ cây bàng chúa. Ðế thích liền ra lệnh cho Thiên lôi nổi sấm sét bật tung gốc rễ cây bàng lên, làm cho nó ngã nằm sóng soài ra giữa đất. Vị thần cây mất chỗ trú ngụ, đứng khóc lóc nước mắt đầy mặt, làm cho trời Ðế thích ngạc nhiên hỏi: "Này thần cây, sao ngươi sầu muộn thế?" Thần cây đáp: "Thưa tôn giả, có cơn mưa to gió lớn nổi lên, làm cho trú xứ của con, cây bàng chúa này, bị ngã xuống trốc gốc."

Ðế thích hỏi: "Này thần cây, ngươi có giữ gìn cây này, để cho nó sống đúng như pháp không?" Thần hỏi: "Thế nghĩa là gì, thưa Tôn giả?" Ðế thích nói: "Nghĩa là ngươi phải nghĩ, với cái cây này, người cần rễ đến lấy rễ, người cần lá đến lấy lá, cần hoa lấy hoa, cần trái lấy trái. Như vậy không có gì dính dấp đến vị thần cây, khiến cho vị ấy không hoan hỉ. Thế là giữ gìn Pháp của cây."

Thần cây nói: "Thưa Tôn giả, con sẽ giữ gìn cây ấy theo pháp của cây. Mong rằng trú xứ của con trở lại như xưa." Rồi Ðế thích vấn thần thông làm cho cây bàng chúa dựng đứng trở lại.

Cũng thế, này Dhammika, nhà ngươi có giữ gìn pháp của sa môn, khi các cư sĩ mời ngươi đi chỗ khác hay không?

- Nhưng bạch Thế tôn, thế nào là giữ pháp của sa môn?

- Này Dhammika, sa môn không mắng nhiếc lại người đã mắng nhiếc mình, không tức giận người đã tức giận mình, không khiển trách người đã khiển trách mình. Như vậy là giữ gìn pháp sa môn.

- Bạch Thế tôn, con không giữ gìn sa môn pháp, khi các cư sĩ mời con đi nơi khác.

- Vậy, này Dhammika, từ nay về sau, ngươi cần phải học tập pháp sa môn.

- Thưa vâng, bạch Thế tôn.


Việt dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh


Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |