Jump to content







Advertisements




Hỏa Phong Đỉnh


  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 Hà Uyên

 

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4958 thanks

 

Gửi vào 24/06/2011 - 22:11


Một trong 64 quẻ, là quẻ thứ 50 trong Kinh, do hạ Tốn thượng Ly hợp thành., tên quẻ là Đỉnh, tượng trưng cho cái “đỉnh”.


Tự quái nói: “Đỉnh, cách vật giả mạc nhược đỉnh, cố thụ chi dĩ đỉnh”.
(Biến cách sự vật không gì bằng cái đỉnh. Cho nên kế tiếp quẻ Cách là quẻ đỉnh)

Cách, tượng trưng cho sự thay đổi, biến cách, đổi mới. Sự biến cách có thể thấy rõ nhờ cái Đỉnh nấu ăn. Nó biến thức ăn sống thành thức ăn chín. Đổi cứng làm mềm. Nước lửa không thể cùng ở, nhưng hợp lại dùng thì chẳng hại nhau. Đó là cách vật.




Lời quẻ: Đỉnh: nguyên cát, hanh. Quẻ Đỉnh tượng trưng cho cái vạc: Hết sức tốt lành, hanh thông.
Xét, Vạc là tượng của một loại dụng cụ, có hai ý: Một, chỉ dụng cụ để nấu chín thức ăn; Hai, là “pháp tượng khí” là khí cụ tượng trưng cho quyền lực, pháp chế của giai cấp thống trị (xưa). Thích Văn: “Đỉnh là pháp tượng, tức là cái vạc”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Đỉnh là tên một loại khí cụ, đồ vật. Đun chảy kim loại đúc thành, dùng nó để nấu nướng thành món ăn mới, chế thành phép tắc mới, đó là công dụng của Đỉnh vậy, Đỉnh có hai nghĩa: Một là có công dụng dùng để nấu nướng, Hai là pháp tượng trưng cho vật. Vì vậy, lời Thoán mới nói là: Đỉnh là tượng, là làm sáng tỏ pháp tượng. Tạp quái nói: Cách là vứt bỏ cái cũ (xuất), đỉnh là tiếp thu cái mới (nhập), làm sáng tỏ công dụng nấu nướng thành món ăn mới”. Nhìn sự vật mà noi theo tượng, đổi mới chế độ, đó là làm sáng tỏ việc thực thi cách mạng của thánh nhân. Đây là nghĩa của quẻ Đỉnh. Lấy cây nhóm lửa là tượng của quẻ Đỉnh, biến cũ thành mới tất phải đúng lý.

Lý Đỉnh Tộ - Chu Dịch tập giải dẫn sách của Cửu gia Dịch: “Đỉnh là một vật có ba chân như chức Tam công giúp cho Thiên tử. Tam công để điều hòa âm dương. Đỉnh thì điều hòa ngũ vị”. Quẻ này làm rõ công cuộc cách mệnh của thánh nhân, biểu thị “pháp tượng” của vật, làm ra cuộc duy tân, có nghĩa là Đỉnh; Lấy củi “tốn” vào lửa, có tượng cái đỉnh, cho nên gọi là Đỉnh vậy.

“Nguyên cát, hanh” – câu này có nghĩa Đỉnh có công dụng nấu chín vật, thành chất liệu mới, lại có tượng về quyền lực, pháp chế, cho nên người quân tử nắm giữ thứ vật dụng này là như đã nắm được quyền lực, “tự mới và làm mới người”, lúc này tất được “nguyên cát”, sau đó thì đến “hanh thông”. Vương Bật nói: “Cách thì bỏ cái cũ còn Đỉnh tạo ra cái mới. Tạo ra cái mới mà thích hợp với mọi người. Tiếp thu cái mới mà có người tài đảm đương, thay đổi cái cũ mà pháp chế được sáng tỏ, thì sẽ thu được Cát rồi sau đó sẽ Hanh”. Thoán truyện giải thích lời quẻ chỉ nói hai chữ “nguyên hanh”, Chu Hi nói chữ “cát” là thừa là dựa theo Trình Di, có thể coi như một thuyết.

Chu Hi nói: “Vạc là đồ để nấu. Trong quẻ, hào âm ở dưới là chân, hào Hai Ba Bốn thuộc dương là bụng, hào Năm thuộc âm là tai, hào Sáu thuộc dương là đòn vạc, có tượng cái vạc”. Mao Kỳ Linh căn cứ vào thuyết này của Chu Hi cho rằng, sáu hào của quẻ Đỉnh ngụ hàm hình dáng chân bụng tai đòn của cái vạc, thừa nhận thuyết này, đồng thời lấy hình chữ “đỉnh” của Dịch Truyện, Dịch Vĩ và Kim văn để bổ xung, ông nói: “đỉnh là lấy vật để tượng trưng, đòn vạc thì cơ động, thỉnh thoảng mới lắp vào, cho nên không cho là tượng”.

Cách là đã biến đổi rồi thì việc chế khí lập pháp mới thu được thành tựu, pháp chế có rồi thì sau đó mới tốt đẹp, hiền ngu có phân biệt, cao thấp có thứ tự, thì sau đó mới hanh thông. Đỉnh là quẻ thành tựu sự biến đổi. Qua đó thấy rằng, việc lập nghĩa của quẻ Đỉnh là mượn việc nấu nướng, biến đổi đồ ăn sống cho thành chín, để nêu cái lý điều chế sự vật trở thành cái mới. Nó thiên về ý nghĩa biểu thị quyền lực, kinh doanh thiên hạ, giúp mới mình mới người.

Thoán nói: Chiếc Đỉnh là lấy tượng của một thứ dụng cụ dùng để nấu nướng thức ăn, nuôi dưỡng con người. Dùng củi để đốt lửa, tức là làm công việc nấu nướng. Đấy là thánh nhân nấu nướng để cúng tế thượng đế; làm cuộc nấu nướng đại quy mô là để phụng dưỡng thánh hiền. Nấu thức ăn nuôi người hiền là làm cho người hiền đi theo giúp đỡ bậc tôn giả, nhờ thế bậc tôn giả mới mắt tinh tai thính, rồi nhờ vào đạo đức khiêm tốn mà tiến tới, ngồi cao ở trung vị, ở dưới lại ứng với bậc dương cương hiền giả. Vì vậy mà thu được hanh thông. (Thoán viết: Đỉnh, tượng dã; dĩ mộc tốn hỏa, phanh nhâm dã. Thánh nhân phanh dĩ hưởng thượng đế, nhi đại phanh dĩ dưỡng thánh hiền, Tốn nhi nhĩ mục thông minh, nhu tiến nhi thượng hành, đắc trung nhi ứng hồ cương, thị dĩ nguyên hanh).

Đỉnh, tượng dã; dĩ mộc tốn hỏa, phanh nhâm dã – câu này nêu rõ tượng Tốn ở dưới quẻ Đỉnh là củi, Ly ở trên là lửa, chỉ việc củi thuận theo lửa bốc cháy. Đó là nói công dụng nấu nướng của chiếc Đỉnh, giải thích ý nghĩa của tên quẻ Đỉnh.

Thánh nhân phanh dĩ hưởng thượng đế, nhi đại phanh dĩ dưỡng thành hiền – câu này nêu lên việc thánh nhân nấu nướng thức ăn để tế lễ thượng đế, nuôi dưỡng người hiền, ca ngợi công dụng lớn lao của chiếc Đỉnh, nhấn mạnh thêm ý nghĩa của tên quẻ Đỉnh.

Tốn nhi dĩ mục thông minh, nhi tiến nhi thượng hành, đắc trung nhi ứng hồ cương, thị dĩ nguyên hanh – câu này nêu rõ Tốn ở dưới quẻ là tượng tốn thuận, quẻ Ly ở trên là tượng sáng sủa, và tượng hào Lục Ngũ nhu trung lại ở vào ngôi tôn quý mà ứng với hào Cửu Nhị dương cứng ở dưới, thuyết minh tình hình bậc tôn giả dùng Đỉnh để nuôi dưỡng người hiền, đổi mới mình và đổi mới người, để giải thích cấu “nguyên cát, hanh” của quẻ Đỉnh.

Chu Dịch tập giải dẫn lời Ngu Phiên nói: “Cả 64 quẻ xem tượng mà buộc từ, nhưng riêng quẻ Đỉnh lại nói là tượng, vì sao vậy ? Tượng khiến ta biết được về vật ta dùng, cho nên chỉ riêng nói nó, Ông lại dẫn Cửu gia dịch: đỉnh là tượng là nói về quẻ vậy, cũng là ngôi vị của Tam công, trên thì điều hòa âm dương (ly), dưới thì điều hòa dưỡng dục trăm họ (tốn)”. Cho nên Đỉnh chẳng phải là tượng hình tự nhiên mà là do người làm ra, là đồ hệ trọng ở thiên hạ, là đồ có hình tượng phép tắc: lấy hình mà nói trên có tai đối nhau, dưới có chân chia đều, chung quanh trong ngoài, cao thấp dày mỏng đều có phép tắc ngay chính, rất ngay chính nên mới nói là tượng hệ trọng. Tế trời cốt chí thành chất phác, cho nên chỉ nói “phanh”, nuôi người hiền phải phong thịnh, cho nên nói “đại phanh”.

Lời quẻ nói “Nguyên hanh” có 4 quẻ: Đại hữu, Cổ, Thăng, Đỉnh, người thường chiêm được phải tùy theo cao thấp cũng có nghĩa “Nguyên hanh”.

Phàm Ly ở Ngoại quái đều nói: “nhu tiến nhi thượng hành”. Nhu là vật ở dưới, lại ở ngôi tôn, đó là tiến mà đi lên. Lấy sáng ở ngôi tôn mà được trung đạo lại ứng với cương, thì dùng được đạo dương cương vậy.

Đại tượng nói: Trên gỗ có lửa cháy, tượng trưng cho chiếc đỉnh đang đun nấu. Bậc quân tử theo tượng ấy mà giữ cho đoan chính ngôi vị, nghiêm túc mệnh lệnh. (Tượng viết: Mộc thượng hữu hỏa, đỉnh; quân tử chính vị ngưng mệnh)

“Chính” dùng như động từ, có nghĩa là giữ cho đoan chính. Vương Bật chú: “Ngưng, dáng vẻ nghiêm chỉnh”, ở đây dùng làm động từ, nghĩa là giữ nghiêm không để sơ suất. Lục Đức Minh theo Trịnh Huyền giảng “ngưng” là “hoàn thành” (ngưng, thành dã). “Mệnh” có nghĩa là mệnh lệnh, sứ mệnh. Câu này trước thì nêu về tượng của quẻ Đỉnh, dưới Tốn là mộc, trên Ly là hỏa, tức là trên gỗ có lửa, tượng trưng cho chiếc Đỉnh đang đun nấu thức ăn; sau thì suy diễn phát huy đạo lý là bậc quân tử phải noi theo tượng chiếc đỉnh có hình thể ngay chính và thực ngưng, để giữ cho địa vị của mình được đoan chính, mệnh lệnh của mình phải được nghêm chỉnh, không phụ với chức vụ chức danh của mình.

Khổng Dĩnh Đạt nói: “Trên mộc có hỏa, tức là lấy củi theo lửa, lấy trong theo ngoài, lấy dưới theo trên”. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Đỉnh mà nghiêng thì thế sẽ nguy. Vì thế mà quý ở sự ngay chính. Không ngay chính thì thức ăn sẽ bị đổ. Đỉnh chứa thức ăn ở bên trong, vì thế mà quý ở ngưng đọng, không ngưng đọng thì thức ăn sẽ bị tràn ra. Bậc quân tử tiếp thu đạo lý ấy, nên phải giữ địa vị cho ngay chính, mệnh lệnh cho nghiêm chỉnh”. Tịch bất chính bất tọa = Chiếu trải không ngay ngắn cũng chẳng ngồi. Cách để cải mệnh, Đỉnh để ngưng mệnh, biết Cách mà không biết Đỉnh thì thiên hạ loạn vậy

Xét, ý nghĩa quẻ Đỉnh là nhấn mạnh vào công dụng của chiếc đỉnh. Vì vậy, khen ngợi người quân tử nếu cầm nắm được vật này, thì ắt sẽ được “nguyên cát” dẫn tới “hanh thông”. Đại tượng truyện xuất phát từ ý nghĩa của chiếc Đỉnh là “thể chính thực ngưng”, lại có thể nấu nướng thức ăn nuôi dưỡng con người, mà khuyên người ở vào cảnh quẻ Đỉnh, nên noi theo tượng đó, để cho “chính vị ngưng mệnh”. Wilhelm dịch: “Lửa nằm trên củi: hình tượng quẻ Đỉnh, người quân tử theo đó làm vững chắc số mệnh của mình, thông qua việc làm cho địa vị của mình trở nên chính đáng”. Giải thích như Wilhelm dường như phù hợp với ý định nhà Chu khi lật đổ nhà Thương: cách duy nhất để làm cho vương triều nhà Chu vững chắc, là biện minh được tính hợp thức của việc lật đổ. Phải chăng chính do nhu cầu của hợp thức hóa này (Richtigmachung), mà đẻ ra học thuyết Thiên Mệnh vậy.

Lời hào Sơ: Chiếc đỉnh chân bị dốc ngược, có lợi cho việc thải bỏ hết những đồ bẩn thỉu ở trong đỉnh ra; Khác nào như người vợ bé nhờ sinh được con trai được đưa lên làm vợ cả, là không có gì nguy hại. (Sơ lục, Đỉnh điên chỉ, lợi xuất bĩ; đắc thiếp dĩ kỳ tử, vô cữu)

Giải: “bĩ” là vật bất thiện, ở đây có nghĩa là vật bỏ đi. “Thiếp” là chỉ hào Sơ lục. “Tử” là chỉ hào Cửu tứ. Lý Đỉnh Tộ - Chu Dịch tập giải dẫn lời Ngu Phiên: “Hào Sơ ứng với hào Tứ. đây là thuyết minh về hào Sơ xử vào lúc bắt đầu của quẻ Đỉnh, âm hư cư hạ, có tượng “chiếc đỉnh bị dốc ngược”, mà đỉnh là vật dùng để nấu nướng thức ăn, vậy trước hết phải dốc ngược, để đổ hết thức ăn cũ bỏ ở trong đỉnh ra, vì vậy mới nói “Đỉnh điên chỉ, lợi xuất bĩ”.

Hào Sơ lục đã xong cái thời “điên chỉ”, “xuất bĩ” rồi thì chính là lúc đợi bỏ thức ăn mới vào đỉnh để nấu nướng. Vị trí tuy âm nhu cư hạ, nhưng trên lại ứng với Cửu tứ dương cương, khác nào tượng tuy là vợ bé, nhưng nhờ sinh được con trai quý tử, mà được đưa lên làm vợ cả. Đây cũng là ý nghĩa bỏ cũ thành mới của quẻ Đỉnh. Vì vậy mới nói “đắc thiếp dĩ kỳ tử, vô cữu”.

Vương Bật giảng: “Phàm dương là thực, mà âm là hư. Đỉnh là thứ đồ dùng, dưới thực trên hư. Thế mà nay âm lại ở dưới, thì đó là tượng “chiếc đỉnh bị dốc ngược”. Đỉnh dốc ngược tức là chổng chân lên trời. Bĩ là chỉ vật bất thiện”.

Khổng Dĩnh Đạt chú: “Thiếp là vợ bé, không phải vợ cả. Vợ cả tuy mất, vợ bé cũng vẫn không được làm chủ trong nhà. Vợ bé được làm chủ, cũng như chiếc đỉnh bị dốc ngược chân là có sai trái. Nếu vợ bé sinh được con quý tử, thì bà mẹ nhờ con mà được quý hiển, được lấy làm kế thất, thì sẽ được vô cữu. Vì vậy mới nói “đắc thiếp dĩ kỳ tử, vô cữu”. Xét, những từ “điên chỉ” và “đắc thiếp” của hào Sơ đều nêu lên một hiện tượng rằng: Hiện tượng bên ngoài của sự vật có khi tựa hồ như trái với quy luật, nhưng ở vào thời “nấu chín đồ vật thành thức ăn mới”, thì thực chất lại không trái với quy luật. Vì vậy Tiểu tượng truyện mới nói “vi bội dã” (không sai trái). Chu dịch tập giải - Lai Tri Đức nói: “Phàm hiện tượng tuy bề ngoài dường như là trái với thứ tự trên dưới, cao thấp, nhưng về nghĩa lại là vô cữu vậy”. Ở thời nên nghiêng, chẳng phải là trái lý, nghĩa là “nhân cái bại mà làm công, nhân cái hèn mà làm quý”.

Tượng nói: “Chiếc đỉnh bị dốc ngược chân”, chứng tỏ hành vi này của hào Sơ là chưa hẳn đã sai trái; “Lợi về đổ đò phế bỏ” nói lên hào Sơ lục nên đi theo bậc tôn quý (có nghĩa là sau đó đưa thức ăn mới vào). (Tượng viết: “Đỉnh điên chỉ”, vi bội dã; “lợi xuất bĩ”, dĩ tòng quy dã)
Giải: “tòng quý” là chỉ hào Sơ luc đi theo hào Cửu tứ dương cương ở trên, được đưa thức ăn mới vào để nấu nướng, khác nào người thiếp nhờ sinh được con trai quý tử, mà được đưa lên làm chính thất. Vương Bật giảng: “Đó là vứt bỏ thức ăn thiu cũ mà đưa thức ăn mới vào”. Khổng Dĩnh Đạt chú: “Lời tượng nói: vi bội dã là dốc ngược chân để đổ hết thức ăn ôi thiu cũ ra, thì không phải là sai trái. Câu “dĩ tòng quý” thì “cũ” tức là thức ăn ôi thiu, “mới” tức là thức ăn ngon quý. Vứt bỏ thức ăn cũ, đưa vào thức ăn mới, đó là tòng quý. Nhưng nếu bỏ cái tên hèn là “thiếp” để thành chủ nhà, thì cũng là do đi theo người con quý tử vậy”.

“Đổ chổng chân” và “được người thiếp” đều biểu thị rõ các hiện tượng bên ngoài của sự vật. Kinh dịch cấu hình tư tưởng TQ - Lê Minh Anh chú: “ Vương Bật và Khổng Dĩnh Đạt không biết rằng, vào thời Chu hai chữ “thần thiếp” là dùng để chỉ nô lệ, gia nhân, không hề có nghĩa là “vợ bé” (trắc đẵng).

Từ Tử Hùng dịch: “Làm đỉnh bị lật, chân chổng lên trời. Bói gặp hào này có lợi cho việc thanh trừ bọn ác ôn. Do không con nên phải cưới thêm thiếp, do cưới vợ thêm mà có được con trai, không có tai họa gì”.

Đặng Cầu Bá theo Bạch Thư Chu Dịch giảng: “Sau khi an trí đỉnh cố định xong, bói cỏ thi hỏi xuất hành có lợi hay không. Kết quả là sau khi ra ngoài không những kiếm được một nô bộc, mà còn thêm một tiểu nô bộc nữa. Đúng là cực kỳ tốt đẹp”. Họ Đặng chú “thiếp” tức là “nô bộc”, và “kỳ tử” tức là “tiểu nô bộc”. Trong bản Bạch thư Chu dịch không chép “điên chỉ”, mà chép “điền chỉ”, chữ “điền” này theo Đặng Cầu Bá đọc là /zhi/, nghĩa đồng với “trí”. Như vậy, “điền chỉ” có nghĩa là “an bài cho cố định” (an phóng cố định).

Lời hào Nhị: Trong đỉnh chứa đầy thức ăn, kẻ phối ngẫu với ta thân bị bệnh tật có ý lo lắng, tạm thời không đến làm tăng thêm gánh nặng cho ta. Như vậy được tốt lành. (Cửu nhị, đỉnh hữu thực, ngã cừu hữu tật, bất ngã năng tức, cát)

Giải: “ngã” chỉ hào Nhị, “cừu” là kẻ phối ngẫu, ở đây chỉ hào Ngũ quẻ Đỉnh. “Tức” là đến, “bất ngã năng tức” có nghĩa là “không đến với ta”. Phan Bội Châu giảng “ngã cừu” là “thù ghét với ta”, ông cũng giảng “tật” là ghen tức, ghen gét, phù hợp với Wilhelm dịch: “Có đồ ăn trong đỉnh, các đồng nghiệp ganh ghét với ta. Nhưng chúng không thể hãm hại ta được. May mắn”.

Hào Nhị ngôi vị ở giữa hạ quái, là dương cương sung thực, vì vậy mới có tượng “đỉnh hữu thực”, mà Nhị lại ứng với Ngũ. Hào Ngũ đi theo hào Nhị dương cương mà còn có ý lo lắng, không đến với hào Nhị, nhờ đó Nhị bớt được gánh nặng, thức ăn ở trong Đỉnh mới không bị tràn trào. Mình tự giữ mình, kẻ ứng tất phải cầu, răn nên xa nó, để nó không đến với ta. Kẻ thù là Sơ, để nó cùng theo thì mất chính mà hại đến nghĩa, đây là nói có “tật”. Nhị giữ được cương trung, thì Sơ dẫu gần mà chẳng dám tới. Quẻ Đỉnh tương tự với quẻ Tỉnh, Tỉnh lấy dương cương làm nguồn, Đỉnh lấy dương cương làm thực, Sơ ở Tỉnh làm “bùn”, Nhị thấy nó thì làm “cá”. Sơ ở Đỉnh làm “bĩ”, Nhị thấy nó thì làm “tật”, đều là tượng âm ác vậy. Nhị ở Tỉnh không có ứng, công đến trót chẳng đi lên. Nhị ở Đỉnh có ứng, tự giữ được cương trung, cho nên Sơ ở gần mà chẳng dám tới, nên được cát.

Vương Bật nói: “Lấy chất dương xử ở trong đỉnh, đó là sung thực. Chứa đầy ở trong mà không bỏ thêm vào. Bỏ vào thêm thì sẽ tràn trào, làm hỏng đồ chứa đựng ở trong. “Ngã cừu” là chỉ hào Ngũ, do có lo lắng trong việc đi theo hào Nhị dương cương, vì thế mà không đến với ta nữa, và nhờ thế mà ta không bị tràn trào, giữ được tốt lành trọn vẹn”. Xét, hào Nhị có mỹ đức cương trung, có thể hành động cận thận mà không thiên lệch. Hào Tứ lại thất vị bất trung, không đủ sức gánh vác đến nỗi bị gãy chân. Hai hào này là hoàn toàn trái ngược, vì vậy hào Hai tốt hào Tứ là xấu.

Hào Năm cưỡi cứng, ví như có “tật” mà không thể đi đến hào Nhị, cũng ví như vật chứa trong đỉnh không đến nỗi đầy, vật ở trong không thể tăng thêm nữa, thêm nữa sẽ tràn, làm hại sự đầy.

Trương Lập Văn theo Bạch thư Chu dịch dịch: “Trong đỉnh có đầy đồ ăn, kẻ thù của ta mắc bệnh, không thể đến ăn đồ ăn của ta được, như vậy là tốt lành”. Từ Tử Hùng dịch: “Trong đỉnh có đồ ăn, bói gặp hào này, trong nhà có đồ ăn, kẻ thù mắc bệnh, không có gì phải lo lắng, tốt lợi”.

Tượng nói: “Trong đỉnh chứa đầy thức ăn (phẩm vật)”, nói lên hào Hai tiến tới cẩn thận; “Người phối ngẫu với ta thân có tật bệnh”, nói lên hào Hai (tuy tạm thời chưa được ứng với hào Ngũ), nhưng cuối cùng không có lỗi lầm quá đáng vậy. (Tượng viết: “Đỉnh hữu thực”, thận sở chi dã; “ngã cừu hữu tật”, chung vô vưu dã)

Giải: “vưu” là lỗi lầm. Vương Bật nói: “Trong đỉnh chứa đầy thì không thể cho thêm vào nữa. Gánh vác đã nặng thì không thể gia thêm nữa”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Lời tượng nói: “Thận sở chi”. Chi có nghĩa là đi. Từ đây trở đi có nghĩa là phải cận thận. “Chung vô cưu dã”, tức là hào Ngũ đã có mối lo đi theo hào dương cương, không cần thêm ta nữa, thì ta cuối cùng không có lỗi lầm”. Đỉnh có thực, cũng như người có tài có nghiệp, nên cẩn thận ở chỗ xu hướng, không thận trọng ở chỗ đi, ắt hãm vào điều phi nghĩa, Nhị không say đắm với Sơ, mà theo chính ứng là tượng thận trọng nơi hành động. Kẻ thù của Nhị là Sơ, mà Sơ lại bất chính là tượng có tật vậy.

Lời hào Tam: Tai của đỉnh bị biến dị (bẹp), luồn cây đòn vào để khiêng đi không được. Món canh chim trĩ ngon lành nhưng không được ăn. Đợi đến lúc mưa xuống là lúc âm dương điều hòa thì mới trừ bỏ được hối hận, cuối cùng được tốt đẹp. (Cửu tam, đỉnh nhĩ cách, kỳ hành tắc, trĩ cao bất thực; phương vũ khuy hối, chung cát)

Giải: “cách” là biến dị, thay đổi. “Trĩ” là con gà rừng, “trĩ cao” là chỉ món ăn gà rừng. Kinh điển thích văn - Lục Đức Minh dẫn lời Trịnh Huyền: “Trĩ cao là món ăn ngon”. “Phương” là sắp, sẽ, ở đây có nghĩa là đợi đến lúc. “Vũ” là mưa, ở đây có nghĩa tượng trưng âm dương điều hòa. “Khuy” là tiêu tan.

Hào Tam xử vào địa vị trên cùng của hạ quái, ở vào ngôi vị “tai đỉnh”, nhưng là hào dương cư dương vị, cương thực mà không thể rỗng ở trong, như là chiếc quai đỉnh, nếu chỗ rỗng ở giữa bị biến dị bẹp dúm, không thể lồng cây đòn vào di chuyển chiếc đỉnh được. Lại do hào Tam và hào Thượng đều là hào dương không tương ứng. Xử vào thời này, đã khó di chuyển lại không có viện trợ, thế là chiếc đỉnh không có tác dụng gì. Tuy có “món ăn ngon” (trĩ cao) mà không được ăn. Nên mới nói: “Đỉnh nhĩ cách, kỳ hành tắc, trĩ cao bất thực”

Ở vào thời này, hào Tam do là dương cương thái quá, nên có sự hối hận về “nhĩ cách", “hành tắc”, “trĩ cao bất thực”. Nhưng hạ Tốn ở dưới, là quẻ âm nhu tốn thuận, nếu biết lấy âm điều hòa dương, thì sẽ xuất hiện mưa là tượng âm dương điều hòa, và lúc ấy sự hối hận sẽ tiêu tan, kết cục là tốt đẹp. Vương Bật nói: “Nghĩa của đỉnh là trong rỗng để chứa đựng vật. Mà hào Tam lại xử ở ngôi trên của hạ thể, là hào dương cư dương, bên trong đầy mà không có ứng, không thể thu nạp gì được nữa. Quai đỉnh phải rỗng để xỏ đòn khiêng, mà đây lại bị bẹp. Vì vậy mới nói: “Đỉnh nhĩ cách, kỳ hành tắc”. Tuy có món “trĩ cao” mà rốt cuộc không được ăn. Mưa là âm dương giao hòa, không có cực đoan chênh lệch. Tuy thể là hào dương, nhưng thống thuộc quẻ âm, nếu đừng quá cương, trọng ở việc giao hòa, thì sẽ mưa, và hối hận sẽ tiêu tan, vậy cuối cùng là tốt”.

Xét, lời hào Tam lấy tượng âm dương điều hòa thì mưa, tức là răn giới hào Tam thay đổi bản tính quá cứng đi, khôi phục lại sự hư rỗng bên trong, thì tai đỉnh sẽ không còn bị bẹp nữa, và việc xâu đòn để khiêng được dễ dàng. Công dụng của đỉnh là dùng vào việc nấu nướng, món ngon “trĩ cao” khi đó mới được ăn. Chính vì thế mới nói là “hối hận tiêu tan và cuối cùng sẽ tốt”.

Tam chất dương ở trên thể Âm cả, cương mà nhún tài đủ để giúp việc, nhưng với Ngũ ở thể Âm trung, chẳng phải là ứng, cũng chẳng phải là đồng. Ngũ thì trung mà không chính, Tam thì chính mà không trung, thế là bất đồng, là chưa được hợp với vua, đã không hợp mà đi lên thì bế tắc, cũng không được tín nhiệm, không được thi hành cái tài dụng của mình, thì không được lộc vị của Ngũ, đó là không được ăn món “trĩ cao”. Chứa chất được đức lâu ắt sáng tỏ, giữ được đạo đến cùng ắt hanh thông. “Phương vũ” là nói Tam Ngũ sắp hòa hợp vậy.

Từ Tử Hùng dịch: “Quai đỉnh rơi mất, bói gặp hào này, đi săn chẳng thu hoạch được gì, vị cây rừng không ai ăn hết, trời già mưa xuống cho một trận, không biết ngày nào mới ra ngoài đi săn được, ngồi ăn núi lở, đồ ăn thiếu thốn, cần phải tiết kiệm để qua cơn khó khăn, cuối cùng cũng có may mắn lợi lộc”.

Theo Bạch thư Chu dịch – Trương Lập Văn dịch: “Quai đỉnh đã rơi mất, không thể nối lại khiêng đỉnh dời chỗ nấu ăn, tuy có món thịt gà rừng nấu rất ngon mà cũng không ăn được, trên trời đổ mưa xuống, cũng làm mất hết vị ngon, chắc có hối hận, nhưng kết quả là may mắn”.

Tượng nói: “Cái tai (quai) đỉnh bị biến dị”, ý nói hào Tam bị bẹp, không còn khoảng trống để xâu cậy đòn được nữa. Mất đi sự thích nghi ở khoảng trống giữa. (Tượng viết: “Đỉnh nhĩ cách”, thất kỳ nghĩa dã)

Giải: “nghĩa” có nghĩa là nghi. Chu dịch tập giải – Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Ngu Phiên: “Đỉnh nhờ quai để khiêng đi, quai bẹp thì không thể khiêng đi được, vì vậy là bị “thất nghi”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Có nghĩa là tai đỉnh bị bẹp, không còn rỗng để xâu đòn vào”. Trước cùng với tai đỉnh, sau đổi khác, đó là mất nghĩa tương cầu, cùng với Ngũ mà chẳng phải ứng, đó là mất đạo cầu hợp. Đây là tượng chẳng trung cũng chẳng chí đồng. Bởi vậy đi thì bế tắc không thông. Vua tôi lấy “nghĩa” mà hợp, tai đỉnh cải cách, cho nên đi thì bế tắc, “trĩ cao” không ăn là trái nghĩa vậy. Hào Tam ở Tỉnh và Đỉnh đều ở dưới, nên chưa được thời dụng. Tam ở Tỉnh nói: nước suối trong sạch mà chẳng thấy ăn. Tam ở đỉnh nói: trong đỉnh có “trĩ cao” ngon, mà không được cho người ăn.

Lời hào Tứ: Cái đỉnh không đủ sức đựng nặng bị gãy chân, bao nhiêu thức ăn ngon của vương công bị đổ vãi cả, làm thân đỉnh bị nhơ nhớp bẩn thỉu, như vậy là xấu. (Cửu tứ, Đỉnh triết túc, phúc công tốc, kỳ hình ốc, hung)
Giải: “tốc”, Thuyết văn giải tự - Hứa Thận nói viết là chữ “chử” = nấu. Khổng Dĩnh Đạt nói: “tốc là tảm”, là món ngon bát chân đựng trong đỉnh. “Hình” là chỉ thân đỉnh. “Ốc” là trạng thái ướt át, nhơ nhớp.

Hào Tứ ở ngôi vị đầu tiên của thượng quái, trên “thừa” theo hào Ngũ, gánh vác đã nặng, mà dưới lại ứng với hào Sơ là tượng bất chính bất trung, làm việc không biết tự lượng sức mình, khác nào chiếc đỉnh đựng quá nặng, ắt bị gãy chân, thức ăn bị đổ vãi, thân đỉnh bị nhơ nhớp bẩn thỉu, vì vậy mà hung.

Vương Bật nói: “Xử vào vị trí dưới cùng của thượng thể, mà lại ứng với hào Sơ, gánh vác nặng nhọc, mình không kham nổi. Nên mới nói “đỉnh gãy chân”. Hào Sơ đã bỏ ra những thứ bẩn, thì nhờ thứ đựng là những thứ sạch sẽ, nên mới nói “phúc công tốc”. Ốc là tình trạng ướt át nhơ nhớp. Thức ăn đã đổ vãi thì chân đỉnh bẩn thỉu, nhơ nhớp. Biết ít mà lại muốn mưu to, không gánh vác nổi công việc, khiến cho nhục nhã đến mình, tai vạ đến thân, vì vậy mới nói “kỳ hình ốc, hung” vậy”.

Xét, hào Tứ ngụ ý ở chỗ: lập thân mà không biết lựa sức mình, gánh vác một cách khiên cưỡng, thì khó tránh khỏi tai vạ. Hệ từ truyện dẫn lời của Khổng Tử rằng: “Đức mỏng mà ngôi cao, biết ít mà mưu lớn, sức yếu mà gánh nặng, đều là bất cập vậy. Kinh Dịch nói: “đỉnh triết túc, phúc công tốc, kỳ hình ốc, hung” có nghĩa là không đủ sức gánh vác vậy”. Lại xét, hai chữ “hình ốc” của lời hào Tứ này, Chu Lễ - Thu Quan – Tư Huyên thị - Giả Công Ngạn làm sớ dẫn, cho đó là một hình phạt nặng nề. Sách đó còn dẫn lời của Trịnh Huyền chú rằng: “Nếu bậc Tam công làm nghiêng đổ đạo tốt đẹp của nhà vua, thì phải bị hình phạt nặng nề”. Chu Hi dẫn lời Chiêu Thuyết nói: “Hình ốc, các bản đều viết […] tức là hình phạt nặng nề”. Thượng Bỉnh Hòa khảo kỹ sách cũ, cũng cho rằng hai chữ “hình ốc” âm cổ thông nhau. Ý nói hào Tứ do làm đánh đổ thức ăn của bậc Vương công mà bị hình phạt nặng nề. Thuyết này cũng thông. Nay kiểm tra lại với bản Bạch thư Chu dịch vừa tìm thấy trong mộ Hán ở Mã Vương Đôi, thì hai chữ “hình ốc” này cũng được viết giống với phần sớ của họ Giả. Điều này đã giúp thêm một chứng cớ nữa cho phần chú của Trịnh Huyền.

Tứ là ngôi Đại thần, gánh vác việc thiên hạ. Việc thiên hạ không thể một người làm nổi, ắt phải cầu người hiền trí trong thiên hạ cùng hợp lực. Nếu được người đáng, thì thiên hạ trị, nếu dùng người không đáng, thì việc nước bại. Sơ là hạng tiểu nhân, chẳng nên dùng, Tứ ứng với nó mà dùng nó, đã không gánh được trách nhiệm, mà còn bại sự, ví như đỉnh gãy chân nghiêng đổ thức ăn của Vua. Đổ thức ăn là đỉnh thực vậy. Ở ngôi Đại thần, mà dụng phi kỳ nhân, đến mức đổ nát, là không gánh được trách nhiệm, thật đáng xấu hổ đến mức toát mồ hôi, đây là “kỳ hình ốc” vậy. Sơ chưa có tượng đỉnh thực, nên nhân được nghiêng, mà đổ ra dơ uế cũ, tức là bĩ. Tứ đã có tượng đỉnh thực, nên gãy chân mà đồ ăn đổ ra, tức là cái mới.

Theo Bạch thư Chu dịch – Trương Lập Văn dịch: “Chân dỉnh bị gãy, làm đổ hết thức ăn thịnh soạn dành cho vua, chắc chắn đây là họa sát thân rồi, nguy hiểm” (Đỉnh túc chiết đoạn liễu, khuynh phúc liễu công đích giai trân mỹ soạn, tắc kỳ hữu sát thân chi họa, cố hung). - Đặng Cầu Bá dịch: “Đỉnh gãy chân đổ xuống, làm văng hết thức ăn dành cho vua và các quan ra ngoài, tội đáng muốn chết, đem xử ngay tại chỗ, bói được hào này rất xui”.

Tượng nói: “Thức ăn ngon của Vương công bị đổ vãi cả”, thì hào Tứ làm sao có thể tín nhiệm được ! (Tượng viết: “Phúc công tốc”, tín như hà dã !)

Giải: Vương Bật nói: “Không lượng sức mình, ắt dẫn đến tai họa, làm sao mà tin được”. Trình Di nói: “Bậc đại thần gánh vác trọng trách thiên hạ, thì phải giúp cho thiên hạ được trị an, để không phụ là chỗ dựa của quân thượng, chỗ ngưỡng vọng của hạ dân, giữ chí suốt đời gánh vác, không để mất lòng tin, như vậy mới gọi là “tín”. Nếu không thì là không làm tròn chức vụ, trái với sự ủy thác của quân vương, thì làm sao gọi là “tín” được ! Vì vậy mới nói là “tín như hà dã”.

Lời hào Ngũ: Chiếc đỉnh lại thêm có chiếc quai mầu vàng, và chiếc đòn khiêng đỉnh đúc bằng vàng, thì có lợi ở việc giữ gìn sự ngay chính. (Lục ngũ, Đỉnh hoàng nhĩ kim huyễn, lợi trinh)
Giải: “hoàng” là mầu ở giữa, chỉ hào Ngũ âm cư dương vị, lại tương ứng với hào Nhị dương cương cư âm vị. “huyên” là dụng cụ để nhấc chiếc đỉnh, tức là cây đòn khiêng đỉnh, đây theo sách Nghi Lễ - Sĩ quan lễ và sách Kinh điển thích văn của Lục Đức Minh đều giải thích “huyên” là cây đòn khiêng đỉnh “Thiết quynh mễ” (lấy làm đòn khênh vạc) Trịnh Huyền chú: “Quynh, kim văn là Huyễn”

Hào Ngũ nhu trung cư tôn vị của thượng quái, đã xử vào thế dương vị, lại được hào Nhị dương cương chính ứng, khác nào chiếc đỉnh lại có chiếc quai vàng để luồn cây đòn khiêng bằng vàng, có thể nhấc lên mang đi nấu nướng, vì vậy có lợi ở việc giữ gìn ngay chính, mà phát huy hết công dụng tốt đẹp của chiếc đỉnh. Ngũ có đức trung, làm chủ quẻ Đỉnh, nên nói mầu vàng (hoàng). Quai là để thêm vào với tai.

Khổng Dĩnh Đạt nói: “Hoàng là ở giữa. Kim là cứng. Hào Ngũ ở giữa nên mới nói “hoàng nhĩ”, ứng với hào Nhị, lấy Nhu nạp Cương, nên mới nói “kim huyễn”, dung nạp cương chính, nên mới nói là “lợi trinh” vậy”. Chu Hi nói: “Kim huyễn là nói về hào Thượng. Chu Dịch chiết trung dẫn lời Hồ Nhất Quế “Huyên là dùng để nhấc đỉnh, xỏ vào trong quai đỉnh. Hào Nhị ở dưới, thế không thể dùng. Nói thế cũng đúng. Nhưng hào Thượng lại là “ngọc huyễn”, kim tượng là theo nghĩa hào Cửu, ngọc tượng là theo nghĩa hào vị cương nhu tương tế”. Thuyết này cũng thông.

Theo Bạch thư Chu dịch – Trương Lập Văn dịch: “Quai đỉnh mầu vàng, đòn khiêng đỉnh được đúc bằng đồng vàng, xem bói có lợi”. Đặng Cầu Bá dịch: “Dùng quai đỉnh được đúc bằng đồng thau, khảm lên trên cái đòn khiêng đỉnh bằng vàng, trông rất đẹp mắt, bói hên xui rất tốt”.

Tượng nói: “Chiếc đỉnh lại có thêm chiếc quai mầu vàng”, chứng tỏ hào Ngũ cư trung mà có ích lợi về cương thực vậy. (Tượng viết: “Đỉnh hoàng nhĩ”, trung dĩ vi thực dã)

Giải: Thượng Bỉnh Hòa nói: “Hào Ngũ đắc trung ứng với hào Nhị, vì vậy mới nói “trung dĩ vi thực”. Thực là chỉ hào Nhị vậy”. Ngũ lấy thông ứng với sáng, lấy đạo trung làm đức thực, đức thực là thiện vậy.

Lời hào Thượng: Chiếc đỉnh lại có chiếc đòn bằng ngọc dùng để xâu vào quai đỉnh mà nhấc thì rất là tốt đẹp, không gì không lợi. (Thượng cửu, Đỉnh ngọc huyễn, đại cát, vô bất lợi)
Giải: “Ngọc” là vật cứng bền ôn nhuận, chỉ tính chất dương cương mà lại xử theo ngôi vị âm nhu của hào Thượng. “Huyễn” là cây đòn dùng để nhấc đỉnh

Hào Thượng là hào dương xử vào âm vị, khác nào cây đòn dùng để nhấc đỉnh được làm bằng chất ngọc cứng nhuận. Ở vào thời này, hào Thượng ứng hợp với hào Tam, khác nào cây đòn ngọc dùng để nhấc đỉnh, là tượng chiếc đỉnh thành tựu được công to. Vì vậy, được “đại cát, vô bất lợi”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Ngọc là vật cứng bền mà ôn nhuận. Hào Thượng ở vào ngôi vị cuối của quẻ, đạo Đỉnh đã thành, thể cương xử nhu, đó là việc dùng đòn ngọc để nhấc đỉnh, vì vậy mới nói là “đỉnh ngọc huyễn”. Lại nói” Nhưng ứng theo không phải chỉ có một mà đều nhấc được cả, nên mới nói là “đại cát” và “vô bất lợi”. Có nghĩa là không chỉ ứng riêng với một hào nào vậy”. Xét, hào Thượng của Đỉnh là dương cương ở trên, công dụng của Đỉnh sáng ngời, cho nên mới lấy hình ảnh “ngọc huyễn”, để chỉ về công lao “cử đỉnh” đã được thành tựu, thể hiện được ý nghĩa “nấu chín thức ăn để nuôi người” (Phanh vật dưỡng nhân). Chu Dịch triết chung dẫn lời Hùng Lương Phụ nói: “Quẻ Đỉnh và quẻ Tỉnh đều cho hào Thượng là tốt, đó là do công dụng của giếng là để múc nước, công dụng của Đỉnh là để nấu nướng vậy”.

Tuy ở chỗ không ngôi, nhưng được thực thì đáng dùng. Đạo Đỉnh quý ở hòa, được quai ngọc là âm dương hòa. Một cái quai, ở Ngũ thì vàng, ở Thượng thì ngọc. Vàng thì cứng, mà ngọc thì hòa. Ngũ là thể nhu nên quý ở cương, Thượng thể cương , cho nên quý ở hòa. Ly là lửa mà quai ở đấy, vàng thử lửa mà ngọc chẳng sợ lửa, cho nên thành công đỉnh, lấy ngọc làm quý vậy.

Theo Bạch thư Chu dịch – Trương Lập Văn dịch: “Nhấc thanh đòn khiêng đỉnh lên dùng ngọc khảm vào, hết sức tốt lành, không gì không có lợi” (Cử đỉnh huyên giang thượng tương dĩ ngọc, ngận cát tường, một hữu bất lợi)

Tượng nói: “Cây đòn khiêng đỉnh chế bằng ngọc lồng ở trên chiếc đỉnh”, ý nói hào Thượng dương cương có thể dùng đức âm nhu để điều tiết vậy. (Tượng viết, “ngọc huyễn tại thượng”, cương nhu tiết dã)

Giải: Chu Dịch tập giải – Lai Tri Đức chú: “Cương nhu tiết, đây là nói về hào này là dương cư âm, lấy cương để điều tiết nhu, cũng như chất ngọc ôn nhuận dùng thay bằng cây đòn ngọc vậy”. Thượng ở chỗ thành công trí dụng. Tỉnh và Đỉnh đều lấy Thượng xuất làm thành công, mà sao ở Đỉnh chẳng nói “nguyên cát” ? Vì cái công dụng của Tỉnh đều ở Thượng, Tỉnh lại có đức thi ân rộng rãi có thường, đó là “nguyên cát”. Đỉnh thì lấy việc nấu ăn làm công, ở trên làm thành đức, lấy cương nhu có tiết mà được đại cát.

Quai mà sao có phân biệt Kim với Ngọc ? Vì Kim mà ở cương, Ngọc thì cương mà ở ôn. Ngũ lấy nhu trung mà chịu lấy cái cương của Ngọc, cho nên nói quai vàng. Thượng thì cương mà ở nhu, là cương nhu có tiết, cho nên nói quai ngọc

LỜI BÀN:

Đỉnh, là vật dùng để nấu nướng, có công dụng “dưỡng nhân”; khi dùng làm “pháp khí”, lại là vật tượng trưng cho quyền lực. Cửu Gia Dịch nói: “Đỉnh là vật có ba chân một thân, như Tam công đỡ Thiên tử vậy. Tam công, là điều tiết âm dương; Đỉnh là điều tiết ngũ vị.

Lời quẻ nói rõ chiếc đỉnh mà quẻ Đỉnh tượng trưng, có tác dụng nấu chín đồ vật thành món ăn mới. Nó còn tượng trưng cho quyền lực pháp chế. Vì vậy, quân tử nắm chắc vật này, cũng có nghĩa là cầm nắm quyền lực “tự tân tân nhân” (đổi mới mình và giúp người đổi mới). Ở vào thời này, thì sẽ thu được “nguyên cát”, và sau đó sẽ “hanh thông”. Vương Bật chú: “Cách là vứt bỏ cái cũ. Đỉnh là tiếp thu cái mới. Tiếp thu cái mới mà có người tài đảm đương; thay đổi cái cũ mà pháp chế được sáng tỏ, thì sẽ thu được “cát”, sau đó sẽ “hanh”. Vì vậy, trước nói “nguyên cát”, sau mới nói “hanh”. Đỉnh là quẻ thành tựu sự biến đổi. Cách là đã biến đổi rồi, thì việc chế khí lập pháp mới thu được thành tựu. Pháp chế có rồi thì sau đó mới tốt đẹp. Hiền ngu có phân biệt, cao thấp có thứ tự, thì sau đó mới hanh thông”.

Khổng Dĩnh Đạt giảng: “Đỉnh là tên một thứ đồ vật, do nấu chảy kim loại rồi đúc mà thành, dùng vào việc nấu nướng, thì gọi là Đỉnh. Nấu thành món ăn mới, chế thành phép tắc mới, đó là công dụng của Đỉnh. Vậy, Đỉnh có hai nghĩa: Một, là có công dụng dùng để nấu nướng. Hai, là pháp khí tượng trưng cho vật. Vì vậy lời Thoán mới nói “đỉnh là tượng, là làm sáng tỏ pháp tượng”. Tạp quái nói: “Cách là vứt bỏ cái cũ, Đỉnh là tiếp thu cái mới, làm sáng tỏ công dụng nấu nướng thành món ăn mới, làm sáng tỏ việc cách mạng của thánh nhân. Nhìn sự vật mà noi theo tượng, đổi mới chế độ. Đó là nghĩa của quẻ Đỉnh. Lấy cây nhóm lửa là tượng của quẻ Đỉnh. Vì vậy đặt tên là Đỉnh. Biến cũ thành mới tất phải đúng lý, vì vậy trước “nguyên cát” sau mới “hanh thông”. Và mới nói là “Đỉnh, nguyên cát, hanh” vậy”.

Xét, lời quẻ Đỉnh chỉ nêu có hai chữ “nguyên hanh”, Trình Di cho rằng, “cát” là lời diễn giải (diễn văn) cũng là lập thuyết đầy đủ. Lại xét, Chu Hi cho rằng, hình quẻ của quẻ Đỉnh, có đầy đủ tượng của chiếc đỉnh, và nói: “Đỉnh là đồ dùng để nấu nướng. Hào âm ở dưới quẻ là chân; ba hào dương Nhị Tam Tứ là bụng; hào Ngũ âm là tai (quai); hào Thượng dương là cây đòn khiêng. Đó là tượng của chiếc đỉnh”. Mao Tử cho rằng “Tượng 6 hào của quả đỉnh, có hình dáng chân đỉnh, bụng đỉnh, tai đỉnh và cây đòn khiêng đỉnh. Hào dưới nét đứt tượng cái chân. Ba hào Nhị Tam Tứ nét liền là chỉ bên trong chứa đầy tựa cái bụng. Hào Ngũ nét đứt tựa cái quai. Hào Thượng nét liền tựa cây đòn”.

Vũ Tỉnh Ngô – Song Kiếm Di Dịch kinh tân chứng cũng thừa nhận thuyết của họ Mao, lại tiếp thu Dịch Truyện, Dịch Vĩ và hình chữ Đỉnh trong Kim văn để bổ chứng thêm rằng: “Thoán Truyện nói Đỉnh là theo tượng. Càn Khôn tạc độ nói: đỉnh là tượng cái vạc, đều là chỉ các nét của quẻ có hình dáng chiếc đỉnh, sách Sử thú đỉnh viết là […] sách Hốt đỉnh viết là […],đều là hình chân đỉnh, bụng đỉnh và tai đỉnh, phù hợp với thuyết của họ Mao. Còn cây đòn thì tùy lúc lồng vào để khiêng, cho nên không thủ tượng”. Thuyết này phân tích mối quan hệ giữa tên và tượng của quẻ Đỉnh, cũng đáng tham khảo thêm.

Mã Trấn Bưu nói: “Cái lớn của sự biến cách, không vượt quá điều chuyển dời vật nặng cửu đỉnh để làm mới tai mắt của một đời; Còn công dụng của Đỉnh, lại không vượt quá điều biến cải cái cũ, làm cho tất cả là mới, mà thành công lớn là điều chế. Cho nên, quẻ Đỉnh kế thừa quẻ Cách để cùng phát huy tác dụng. Nếu Đỉnh chủ yếu được dùng nấu nướng để nuôi người, thì đó chỉ là làm được việc nhỏ mà thôi. Đại tượng truyện thâu tóm lại bằng bốn chữ “chính vị ngưng mệnh”, tức là phải đi theo con đường dưỡng đức, dưỡng thân, trị nhà, trị nước; Đối với bậc nhân quân thì phải giữ mọi phép tắc, tất cả đều không ngoài phạm vị đó”.

Xét, từ ý nghĩa chính của Lời quẻ, ta thấy điều mà Thoán nói rằng: người “quân tử” nắm giữ được Đỉnh, thì hết sức tốt lành, viễn cảnh hanh thông, chính là xuất phát từ sự nhấn mạnh tôn chỉ “trừ bỏ cái cũ, tạo ra cái mới”, pháp chế thịnh sáng.

Quan sát 6 hào trong quẻ, mỗi hào đều lấy một bộ phận, hay một phụ kiện nào đó của Đỉnh để dẫn dụ, không điều nào không nói rõ về tình trạng khác nhau của sự gánh vác nhiệm vụ “thừa hành” quyền lực, trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định: hào Sơ âm mềm ở dưới, chân Đỉnh chổng ngược, vứt bỏ các đồ phế bỏ thì được “vô cữu”; hào Nhị trong Đỉnh có đầy vật chứa, cần xử lý cẩn thận không để làm tràn thì “cát tường”; hào Tam tai đỉnh bị biến dạng, dùng đỉnh có trở ngại, nếu có thể điều hòa được âm dương, thì cuối cùng cũng “cát”; rồi đến hai hào Ngũ và Thượng giống như “Kim huyễn” và “Ngọc huyễn”, đều tốt đẹp cực kỳ, hào Ngũ là người chủ giữ Đỉnh của quẻ, “lợi” về sự giữ chính, hào Thượng thì đại thành trong việc dùng Đỉnh, là “đại cát, vô bất lợi”. Toàn quẻ chỉ có hào Tứ dương là không xứng với chức quyền, hết “chiết túc” lại “phúc tốc”, đây là hình tượng phản diện mang ngụ ý răn rất sâu sắc.

Sơ nói chân, Tứ cũng nói chân, là vì Tứ ứng với Sơ, mà chân của Tứ tức là ngón chân của Sơ. Thượng nói quai mà Ngũ cũng nói là quai, là lấy Ngũ phụ vào Thượng, quai của Ngũ tức là quai của Thượng. Ngũ nói tai mà Tam cũng nói tai, là lấy Tam không ứng với Ngũ mà có tượng tai đỉnh đổi khác.

Đổng Trọng Thư dẫn lời này và bàn rằng: “Với sự dùng được người hiền, có thể nói rằng bậc quân chủ đã đề cao việc đó, như vậy nước sẽ yên; dùng không được người hiền, có thể nói rằng bậc quân chủ đã coi thấp việc đó, như vậy thì nước nguy. Muôn đời đều như vậy, không còn ngờ được. Như Dịch đã nói: “đỉnh chiết túc, phúc công tốc”. Ôi ! đỉnh mà gãy chân là dùng không được người; đánh đổ hết thức ăn trong Đỉnh của nhà công hầu là quốc gia nghiêng đổ vậy. Là bởi dùng không được người mà quốc gia nghiêng đổ, từ xưa đến nay, chưa từng được nghe như vậy” (Xuân Thu phồn lộ - Tinh hoa thiên). Rất rõ là dụ tượng chính diện và phản diện của cả sáu hào, đều tập trung nêu rõ ý nghĩa cốt lõi của quẻ Đỉnh, đó là: Công dụng của Đỉnh sở dĩ có thể thành, chế sách mới sở dĩ lập được, tất phải dựa vào sự đồng tâm, hợp lực, sự ủng hộ, trợ giúp nhiều mặt của các “lực lượng” chân chính, trung kiên. Đại tượng truyện nhấn mạnh rằng: “người quân tử cần đoan chính ngôi mình, nghiêm giữ sứ mệnh”, đây thực là những lời tinh túy của Dịch vậy.



Thanked by 4 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |